Pháp Môn Niệm Phật Hòa Thượng Tuyên Hóa Ban Phiên Dịch Việt Ngữ-Trường Đại Học Pháp Giới Vạn Phật Thánh Thành-Talmage, California
Vì Sao Cần Phải Niệm Phật?
Vì sao lúc bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường chúng ta thường niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung.
Thế thì tại sao không đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật? Tập quán là thói quen được huân tập qua nhiều ngày, nhiều tháng. Cho nên, nếu bình thường các bạn không có tập quán niệm Phật thì đến lúc lâm chung các bạn sẽ không nhớ ra là mình cần phải niệm Phật. Do đó, lúc bình thường mình cần phải học niệm Phật, tu Pháp-môn Tịnh Độ, đến lúc lâm chung mới không hoảng hốt, luống cuống, mà trái lại, sẽ an nhiên vãng sanh Thế Giới Cực-lạc!
Vì sao chúng ta cần phải vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc? Là vì khi Đức Phật A Di Đà ở nhân địa tu hành làm thầy tỳ kheo, Ngài đã từng phát bốn mươi tám đại nguyện mà trong đó có nói rằng:
"Sau khi tôi thành Phật, nếu trong mười phương có chúng sanh nào niệm 'A-Di-Đà Phật,' danh hiệu của tôi, thì tôi nhất định sẽ tiếp dẫn người đó tới thế giới của tôi, và trong tương lai, vị ấy sẽ được thành Phật. Ở thế giới của tôi, ai ai cũng đều hóa sanh từ hoa sen, nên thân thể của họ hoàn toàn thanh tịnh vô nhiễm."
Bởi Đức Phật A Di Đà đã phát nguyện lớn như vậy, nên tất cả chúng sanh đều nên tu Pháp-môn Niệm Phật, một pháp-môn rất hợp với căn cơ của mọi người và cũng rất dễ tu. Trong Kinh còn dạy:
Đời Mạt Pháp, một ức người tu hành hiếm khi có được một người đắc Đạo; duy có tu Pháp-môn Niệm Phật là ai cũng được độ thoát.
Ý nói rằng trong số một ức người tu hành, hiếm hoi lắm mới có một người đắc Đạo; chỉ có Pháp-môn Niệm Phật là có thể giúp mọi người vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc và do đó được độ thoát. Đặc biệt là trong thời Mạt Pháp hiện tại, niệm Phật chính là pháp môn hợp với căn cơ của mọi người nhất.
Song, Âu Mỹ hiện nay không phải đang ở vào thời đại Mạt Pháp mà có thể nói là đang ở vào thời đại Chánh Pháp. Vì sao nói Âu Mỹ đang ở vào thời đại Chánh Pháp? Vì Phật Pháp vừa mới được truyền tới các nước ở phương Tây và hiện đang vào lúc hưng thịnh. Do đó, hiện tại ở Mỹ quốc có rất nhiều người rất thích tham Thiền, tịnh tọa; đó cũng là biểu hiện của Chánh Pháp.
Thời Chánh Pháp, ai cũng có thể tu Pháp-môn Niệm Phật. Thời Mạt Pháp mọi người cũng có thể tu Pháp-môn Niệm Phật, ở bất cứ thời đại nào mình cũng có thể tu pháp môn này. Nếu như có người đối với các pháp môn khác không thể dụng công được, thì nên tu Pháp Niệm Phật. Thiền-sư Vĩnh Minh Diên Thọ có nói rằng:
Hữu Thiền, hữu Tịnh Độ,
Do như đái giác hổ.
(Có Thiền, có Tịnh-Độ,
Như hổ mọc thêm sừng.)
Những người vừa tham Thiền và vừa niệm Phật thì giống như cọp mà mọc thêm sừng, oai thế vô cùng. Họ có thể:
Hiện thế vi nhân sư,
Tương lai tác Phật Tổ.
(Đời này làm Thầy mọi người,
Tương lai thành Phật, làm Tổ.)
Do đó, người chân chánh tham Thiền tức là người chân chánh niệm Phật, người chân chánh niệm Phật cũng chính là người chân chánh tham Thiền. Nói sâu một chút nữa, người chân chánh trì Giới chính là người chân chánh tham Thiền, và người chân chánh tham Thiền cũng là người chân chánh trì Giới. Thế thì, người chân chánh giảng Kinh thuyết Pháp, tức là người thật sự vì giảng Kinh mà giảng Kinh, thì cũng là người chân chánh tham Thiền!
Trong Chứng Đạo Ca, Đại-sư Vĩnh Gia có nói rằng:
Tông diệc thông, Thuyết diệc thông,
Định, Huệ viên minh bất trệ không.
(Tông cũng thông, Thuyết cũng thông,
Định, Huệ sáng tròn chẳng trệ không.)
Vậy, người vừa biết tham Thiền lại vừa biết giảng Kinh là người thông suốt cả tông lẫn thuyết. Nói sâu một chút nữa, thì người chân chánh trì Chú, chân chánh tu Mật Tông, cũng là người chân chánh tham Thiền. Vì lẽ đó, tuy nói Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh là năm pháp môn, nhưng nếu xét đến ngọn nguồn thì tất cả chỉ là một chứ không phải là sai khác. Nếu giảng sâu thêm chút nữa thì ngay cả "một" cũng chẳng còn, thì làm gì mà có "năm" được chứ? Người chân chánh học Phật Pháp cần phải hiểu điểm này cho rõ ràng.
Những kẻ có khuynh hướng phân chia tông phái thì cho rằng Pháp-môn Niệm Phật cao nhất, còn Tham Thiền là không đúng; cũng có người nói Tham Thiền là pháp cao nhất, còn Niệm Phật là sai lầm, những ai có quan niệm như thế đều là những người chưa hiểu rõ Phật Pháp. Phải biết rằng:
Nhất thiết giai thị Phật Pháp, giai bất khả đắc.
(Tất cả đều là Phật Pháp, đều không thể chứng đắc.)
Đã "không có pháp gì có thể chứng đắc được," hà tất phải chấp trước thêm những thứ không nên chấp trước, đương không có chuyện lại tìm thêm chuyện, hoặc gây ra chuyện.
Nếu các bạn thật sự hiểu rõ pháp, thì "không có pháp gì có thể chứng đắc được." Song le, đối với những ai không hiểu Phật Pháp mà mình nói rằng cái gì cũng hoàn toàn không có cả thì họ sẽ thất vọng. Do đó, Đức Phật dạy Quyền Pháp (Giáo pháp quyền biến, tạm thời) để đưa về Thực Pháp (Pháp chân thật) và thuyết giảng Quyền Trí để dẫn về Thực Trí.
Vậy, Thực Trí là gì? Thực Trí là một "quy vô sở đắc," trở về lại chỗ không chứng đắc. Thứ tướng chân thật, không có hình tướng, nhưng cũng chẳng có "không có hình tướng," mới chính là trí huệ chân thật vậy!
Dùng Sáu Căn Niệm Quán Âm
Khi niệm hồng danh Đức Quán Thế Âm, chẳng những miệng niệm phải rõ ràng mà tâm mình cần phải nhớ giữ cho sáng tỏ. Phải dùng tất cả sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - mà niệm. Đem toàn thân toàn ý chuyên chú mà niệm Đức Quán Thế Âm. Đó gọi là thâu nhiếp sáu căn, chuyên tâm thâm nhập.
Nơi Viên Thông Chương của Ngài Đại Thế Chí dạy rằng : 'Thâu nhiếp sáu căn, xâu kết không gián đoạn chuỗi niệm thanh tịnh thì sẽ đắc được Tam-ma-địa. Đây là phương pháp hay nhất. 'Thật vậy đoạn kinh trên dạy mình đem sáu căn cột giữ vào một chỗ, không tán loạn, bắt chúng phải phục tùng theo, nghe lời mình. Khi đó mình biến sáu tên giặc (tức sáu căn) này thành sáu vị Hộ Pháp. Cho nên thâu nhiếp là làm cho sáu tên giặc chịu phép nhu thuận, biết nghe lời, không còn dám tác quái nữa.
Vì sao khi niệm Quán Thế Âm mình chẳng chuyên nhất đặng? Là bởi vì mình không chịu thâu nhiếp, không chế ngự sáu tên giặc này. Rồi cứ để chúng tạo sóng tạo gió, dẫn khởi vọng tưởng cuồn cuộn nổi lên.
Khi đã cột giữ được sáu căn thì mình phải xâu hết không gián đoạn chuỗi niệm thanh tịnh. Niệm thanh tịnh phải giữ nó liên tục như sóng nước : sóng sau sóng trước không ngừng nghỉ vậy. Chuỗi niệm thanh tịnh tức là niệm Đức Quán Thế Âm. Mình phải niệm không gián đoạn không ngừng nghỉ. Niệm cho tới lúc 'tương ưng' thì đó là đắc Tam-ma-địa. Tam-ma-địa nghĩa là Chánh Định Chánh Thọ.
Đây là pháp môn viên thông hay nhất vậy. Khi mình có trình độ cảm nghiệm cảnh giới như trên tức là mình có thể dùng sáu căn mà trì niệm đức Quán Âm vậy.
Khi cảm nhận đặng cảnh giới Tam-ma-địa thì mới gọi là đắc niệm Quán Âm Tam Muội. Kẻ được như vậy mới được gọi là đã Quán Âm Thất ! Chưa được Niệm Quán Âm Tam Muội, thì chưa là kẻ thật đả thất ! Kẻ nhập tam muội thì từ sáng đến tối, miệng niệm tâm trì danh hiệu Quán Thế Âm mà chẳng biết, chẳng hay gì đến quá khứ, hiện tại hay vị lai. Y hoàn toàn quên bãng, bặt mất ý niệm về thời gian.
Khi tinh thần tập trung niệm Quán Âm, mọi phiền não tự nhiên sẽ tiêu tan mất. 'Mình ăn cơm chưa hè? Không nhớ!' Vì sao thế? Vì y niệm Quán Âm mà! 'Mình mặc áo quần đàng hoàng chưa hè? Không nhớ nữa!' Vì sao thế? Vì y dốc lòng niệm Quán Âm đó!
Cho nên, nếu mình có thể quên bẵng đi 3 chuyện : ăn uống, áo quần, ngủ nghỉ thì tam muội sẽ hiện tiền. Vì tâm chẳng còn vô minh, phiền não, vọng tưởng. Do đó hãy niệm Quán Âm cho rõ ràng; lòng vui vẻ hoan hỷ coi niệm Quán Âm là việc sung sướng tự tại nhất. Được vậy thì dù bịnh, bịnh cũng lành; có đau, đau cũng hết. Dù bụng đói, cũng cảm thấy no; dù thiếu ngủ cũng thấy khỏe. Đây cũng chính là đi vào cảnh giới Niệm Quán Âm Tam Muội.
Niệm Quán Âm Nhiều Thêm
Vọng Tưởng Bớt Ít Đi
Niệm Quán Âm tức là quét dọn rác rưởi trong lòng mình.
Niệm một tiếng Quán Âm, thì bớt đi một vọng tưởng.
Niệm hai tiếng Quán Âm, thì bớt đi hai vọng tưởng.
Niệm vạn tiếng Quán Âm, bớt đi vạn vọng tưởng.
Có người hỏi : 'Thầy dạy sai rồi ! Khi tôi niệm Quán Âm lòng tôi vọng tưởng cũng dấy lên, e vọng tưởng còn nhiều hơn cả niệm Quán Âm.'
Bản lĩnh của vị này cao cường lắm ! Bởi vì y có thể vừa niệm Quán Âm vừa nghĩ loạn xạ. Kỳ thật, y chẳng phải niệm Quán Âm đâu, bởi vì tâm y nào có ở chỗ đó đâu. Tuy nhìn nhưng y chẳng thấy, tuy nghe mà y chẳng lắng. Tuy cùng đại chúng niệm Quán Âm nhưng y chẵng chú ý đến Quán Âm. Chính bởi do không chú ý, chú tâm đến Quán Âm nên vọng tưởng loạn lên. Khi vọng tưởng nổi dậy thì miệng cũng quên niệm Quán Âm. Hễ quên niệm Quán Âm thì vọng tưởng lại càng dấy khởi. Đó là thứ tu lấy lệ chớ không phải là tu chân thật.
Lúc nào mình không niệm Quán Âm thì lúc đó mình hòa với bụi bặm, trộn với bùn lầy : Cứ bị người xung quanh đủa đảy, chẳng có định tâm gì cả. Tới lúc niệm Quán Âm thì chẳng được tương ưng, tiếng niệm yếu ớt, khí lực bạc nhược.
Đây, lúc niệm Quán Âm mắt phải nhìn hướng tới Ngài, lòng tưởng nhớ Ngài, xem Bồ Tát thực sự luôn luôn hiện hình ở trước mặt mình. Đức Bồ Tát ngàn mắt ngó mình, ngàn tai nghe mình, ngàn tay hộ mình. Miệng niệm Quán Âm, tai phải nghe cho rõ ràng. Rồi lại đem tiếng niệm nghe nơi tai, chuyển đạt vô đáy lòng. Khi lòng tiếp nhận tiếng niệm Quán Âm thì tức là mình đã thỉnh Ngài Quán Âm vào tâm tư rồi đãy. Có Ngài Quán Âm ngự trong lòng thì sao mình có thể loạn tưởng, nghĩ xằng đặng! Cho nên niệm Ngài Quán Âm là phương thuốc thần trị bịnh vọng tưởng.
Hễ lòng thanh tịnh, thì mình tự tại.
Khuyến Tu Tịnh Độ Trung
Niệm Phật mà niệm không gián đoạn,
Miệng niệm Di-Đà lòng chuyên nhất,
Chẳng khởi tạp niệm đắc tam muội,
Chắc rằng cõi Tịnh có ngày về.
Trọn ngày nhàm chán cõi Ta Bà,
Lòng đối hồng trần thêm lạnh nhạt.
Cầu sanh Cực Lạc, ý sâu dầy,
Rũ sạch cấu nhơ, giữ trắng lòng.
Niệm Phật Giống Như Gọi Điện Thoại Nếu mình không gọi điện thoại, đâu ai trả lời.
Niệm niệm chân thành niệm niệm thông,
Mặc mặc cảm ứng, mặc mặc trung.
Trực chỉ sơn cùng thủy tận xứ,
Tiêu dao Pháp-giới nhậm Tây Đông.
Nghĩa là:
Niệm niệm chân thành, niệm thấu suốt,
Lặng lặng cảm ứng, lặng trung dung.
Đến khi núi mòn sông cạn hết,
Tiêu diêu Pháp-giới khắp Đông Tây.
Không biết quý-vị có liễu ngộ được chân nghĩa của bài kệ vừa rồi hay chăng?
"Niệm niệm chân thành, niệm thấu suốt," chữ niệm đầu tiên nói lên ý niệm do tâm phát ra. Chữ niệm thứ hai là chỉ ý niệm do miệng thốt ra. Nếu chỉ có ý niệm thứ nhì, tức là ý "niệm" phát ra từ nơi miệng thì không còn là ý niệm chân thành. Cho nên tâm khẩu cần phải chân thành khi niệm danh hiệu Phật Bồ-tát. Chúng ta cần niệm đến chỗ tâm và miệng hợp nhất, một mà không hai. Chúng ta không thể tùy tiện mà niệm, cũng không thể niệm một cách tán loạn, và càng không nên niệm một cách tạp nhạp với nhiều vọng tưởng của mình. Nếu mình làm được như vậy thì mới gọi là chân thành được.
Có được ý niệm chân thành thì nhất định sẽ được cảm ứng. Cảm ứng đó là gì? Là sự tương thông giữa tâm phàm phu của mình với tâm sáng lạng của chư Phật Bồ-tát. Đó gọi là:
Quang quang tương chiếu;
Khổng khổng tương thông.
Nghĩa là:
Ánh sáng này chiếu ánh sáng kia;
Lỗ lông này thông lỗ lông kia.
Tại sao có được cảm ứng như vậy? Giống như khi gọi điện thoại, bên này có quay số, bên kia mới trả lời. Niệm danh hiệu Bồ-tát cũng vậy, sẽ có lúc Bồ-tát hỏi mình rằng: "Thiện nam tử, thiện nữ nhân, các vị cần điều chi?" Lúc đó mình cầu gì sẽ được nấy. Nếu thiếu thành tâm thì cũng như điện thoại có năm số, mà mình chỉ quay có ba số rồi ngừng tay, làm sao đường dây có thể thông được. Niệm danh hiệu Bồ-tát cũng vậy, nếu mình niệm một chốc rồi ngừng lại, đó là thiếu thành tâm. Nhất định không có chuyện cảm thông được.
Chỉ ai có cảm ứng mới nhận biết sự "quang quang tương chiếu" này. Cũng như khi gọi điện thoại, phải nhấc ống nghe lên mới nghe rõ người bên kia đầu dây. Vì phàm phu không sao thấy được luồng sóng qua lại của điện thoại nên bài kệ nói rằng: "Im lặng cảm ứng, im lặng trung dung."
Còn nói đến: "Núi mòn, sông cạn hết" là chỗ mà "Bách xích can đầu trùng tiến bộ. Tán thủ thiên không biệt hữu thiên." Nghĩa là: Đầu sào trăm trượng cứ bước tiếp. Duỗi tay trời sập: một trời mới. ý nói rằng: ở nơi đầu sào trăm trượng, mình buông tay thì ngoài trời kia còn có bầu trời khác. Khi mình niệm đến chỗ sơn cùng thủy tận, thì lúc đó mình niệm mà không niệm bởi vì niệm và mình đã thành một khối. Đó là lúc mình có thể "Tiêu dao Pháp-giới, nhậm Tây Đông." Thí dụ khi mình muốn vãng sinh Cực-lạc thế giới thì tức khắc được như ý. Nếu muốn "đảo giá từ hàng," trở lại độ chúng sinh thì mình cũng có thể ứng nghiệm; từ thế giới Cực-lạc mà trở lại thế giới Ta-bà, hoặc đến tất cả Pháp-giới khác. Không chỗ nào mình muốn tới mà chẳng đặng, nên nói rằng "nhậm Đông Tây" chính là:
Nhất như ý, nhất thiết như ý.
Nhất tự tại, nhất thiết tự tại.
Nghĩa là:
Một việc như ý, muôn việc như ý,
Một việc tự tại, muôn việc tự tại.
Cho nên người học Phật lúc nào cũng phải chân thành. Nếu mình không như vậy tức là hư ngụy, là thứ: "Khai không hoa, bất kết quả" tức là nụ hoa giả có nở ra cũng không sao kết trái được. Học Phật cần nhất là đừng tự dối mình.
Thêm vào đó, cổ nhân lại có câu: "Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân." Nghĩa rằng người quân tử thì tìm đáp án nơi chính mình, dựa vào năng lực của mình, còn kẻ tiểu nhân thì nương tựa, cầu cạnh kẻ khác. Chúng ta không thể có tâm ỷ lại, phải biết rằng sự cảm ứng là tự mình chiêu cảm lấy, không do nơi khác. Có người nói: "Niệm Phật để được sinh Tịnh-độ; như vậy nhờ Phật mới được tiếp dẫn." Câu nầy có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Tại sao vậy? Bởi vì thuyết tiếp dẫn do đối căn cơ mà lập. Đối với chúng sinh còn đầy lòng tham, luôn hy vọng chỉ dùng ít sức mà hoạch kết quả lớn; hay thích cho vay ít lấy lãi nhiều, thánh nhân do đó phải tùy cơ ứng biến, nói rằng Phật lực tiếp dẫn với mục đích là muốn chúng sinh nổ lực niệm Phật. Kỳ thật kẻ niệm danh hiệu Phật Bồ-tát mà được vãng sinh Tịnh-độ đều hoàn toàn do dựa vào sức lực của chính họ.
Niệm Phật nào phải do Phật niệm giúp mình đâu! Khi muốn niệm danh hiệu Bồ-tát, có phải là ý niệm đó xuất phát từ Bồ-tát không? Nếu không thì làm sao gọi là nhờ vào tha lực được? Đây giống như là Phật và Bồ-tát phóng quang gia bị cho mình. Đó cũng là sự cảm ứng do công đức mình niệm Phật Bồ-tát. Đem chuyện gọi điện thoại ra ví dụ thêm lần nữa, nếu mình không nhấc điện thoại quay số thì đâu ai có thể tiếp chuyện cùng mình? Niệm Phật cũng đồng đạo lý như vậy.
Kỳ thật, tâm niệm hy vọng Phật tiếp dẫn mình vãng sinh Tịnh-Độ thực ra là tâm tham, tâm ỷ lại, là cái tâm mình không muốn có. Khi tu hành, phải tự dựa vào năng lực của mình, phấn chấn tinh thần, dũng mãnh tinh tấn; phải biết quả báo không phải là kẻ khác mang đến mình. Cho nên niệm Phật không thể nói rằng nhờ Phật lực tiếp dẫn được.
Cổ nhân có câu: "Tướng tướng bổn vô chủng, nam nhi đương tự cường." Nghĩa rằng các vị tướng không phải sinh ra đã thành, kẻ nam nhi phải tự lực tự cường. Chúng ta học Phật cũng phải có tâm khí như vậy:
Phật-đà bổn vô chủng,
Chúng sinh đương tự cường.
Nghĩa là:
Đức Phật không do chủng tộc nào thành,
Chúng sinh phải tự lực tự cường.
Nếu không như vậy suốt ngày cứ ỷ lại vào uy lực của Phật thì cũng như là những người con của tỷ phú, ỷ lại nơi di sản của ông cha mình, rồi rốt cuộc tự mình sẽ hại mình mà thôi. Cho nên quý-vị mau mau tỉnh ngộ. Giảng ngày 16 tháng 6 năm 1985
Đừng Chờ Đến Lúc Khát Mới Đào Giếng
Ai bảo mình lúc chưa bịnh, toàn làm việc hồ đồ, không biết lo gìn giữ thân.
Bịnh hậu thủy tri thân thị khổ,
Tử hậu phương tri thác dụng tâm.
Nghĩa là:
Bịnh rồi mới biết thân nầy khổ,
Chết xong mới rõ lầm dụng tâm.
Đây là bịnh thông thường của chúng sinh: Khi chưa bịnh thì thế gian nầy thật hết sức sung sướng và đầy đủ. Đến khi bịnh, không động đậy được, không ăn uống được, mất hết tự do, chịu đủ thứ thống khổ khó nhẫn, lúc đó mới biết rằng nguyên nhân cái khổ là do thân nầy mà ra. Nhưng lúc biết vậy thì đã quá trễ. Nên nói:
Lâm nhai lạc mã thu cương vãng.
Thuyền đáo giang tâm bổ lậu trì!
Nghĩa là:
Ngựa đến vực thẳm, thâu cương thì quá trể.
Thuyền tới giữa dòng, vá lỗ chậm lắm thay!
Ai bảo lúc chưa bịnh, cứ làm việc hồ đồ, không biết lo giữ gìn thân mình. Bịnh khổ như vậy, hà huống chuyện lớn sinh tử.
"Tử hậu phương tri thác dụng tâm," chết rồi mới biết mình dùng tâm sai lầm. Bình thường mình không chịu kiểm điểm, đến khi xuống tới Diêm-vương mới biết rằng, lúc sinh tiền mình làm những chuyện không chính đáng, những chuyện sai lầm. Lúc sống thấy người niệm Phật, thì mình phỉ báng, nói rằng họ mê tín; cười cho là họ ngu si. Bây giờ có hối hận thì đã muộn rồi! Sự đau khổ trong núi kiếm và vạc dầu như thế nào, tự mình chiêu cảm lấy. Cho nên "Ngựa khi đã tới bờ vực thẳm mới gò cương thì quá trể. Thuyền đến giữa dòng rồi mới vá chỗ thủng thì quá chậm." Cho nên ai kêu mình không chịu chuẩn bị tương lai.
Vì thế Chu Tử nói rất hay: "Nghi vị vũ nhi trù mâu, vật lâm khát nhi quật tĩnh." Nghĩa là khi trời chưa mưa thì mình phải lo sắp đặt trước; thí dụ như sửa mái nhà. Khi chưa mưa xuống mình phải mau mau chuẩn bị đối phó những chuyện sẽ xảy ra lúc trời mưa. Như ở miền bắc Trung Hoa vì những cửa sổ làm bằng giấy, nên trước khi mưa, cửa sổ cần dán kín. Nếu cửa không dán kỹ trời mưa sẽ ướt đồ vật bên trong. Đợi mưa mới đi dán cửa sổ thì đã quá muộn rồi. Đừng chờ tới lúc khát rồi mới đào giếng. Như những người ở nơi xa xăm không có ống nước dẫn nước lại, họ phải nghĩ cách để giải quyết vấn đề cung cấp nước. Không phải chờ đến lúc khát rồi mới đi đào giếng; như vậy thì quá trể.
Mình học Phật cũng vậy, phải hiểu rằng mọi sự vô thường, không ai thoát được cái chết. Tại sao mình không lo chuyện hạ thủ công phu để giải quyết cái chết? Cho nên:
Nhược yếu nhân bất tử,
Tiên hạ tử công phu.
Nghĩa là:
Mình nếu muốn không chết,
Thì phải tu hết mình.
"Tử công phu" (tu hết mình), có nghĩa là giống như ngày hôm nay mình đả thất, niệm danh hiệu Bồ-tát. Đả thất, thứ nhất là cầu thế giới hòa bình; thứ hai là vì chuyện về sau của chính bản thân mình. Thế cũng giống như chưa mưa mà mình đã chuẩn bị trước. Mình đả thất thì năm nào cũng phải tham gia, không thể gián đoạn, như vậy mới có thể kết được đại nhân duyên với A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ-tát. Mình cần phải niệm Đức A Di Đà Phật tới độ là coi Ngài như sư phụ của mình, xem Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát như là người bạn của mình. Nếu như được làm đệ tử của Phật, làm bạn của Bồ-tát, trải qua nhiều năm tháng, tự nhiên mình cũng sẽ trở thành bạn thân của các vị đó. Như vậy thì chư Phật Bồ-tát sẽ tiếp dẫn mình về thế giới Cực-lạc vào phút cuối cùng. Quý-vị đừng nên hồ nghi, bởi vì:
Tu Đạo chi nhân tâm mạc nghi,
Nghi tâm nhất khởi tiền đồ mê.
Nghĩa là:
Lòng người tu Đạo chớ ngờ nghi,
Nghi ngờ nổi dậy liền mờ mê.
Nghĩa là người tu Đạo chớ có tâm nghi ngờ, khi lòng nghi nổi dậy thì đi vào sự mê mờ. Chúng ta nên nghe lời của thiện-tri-thức, không nên có lòng nghi ngờ. Thí dụ như thiện-tri-thức nói tu hành cần phải có khổ công, thì mình phải tin như vậy. Nếu mình có lòng tin một cách triệt để nhất định sẽ được minh tâm kiến tánh, phản bổn hoàn nguyên. Do đó mình phải thường nghe lời chỉ dạy của bậc thiện-tri-thức. Nếu vị đó dạy mình "niệm Phật" thì mình nhất định phải theo lời mà niệm Phật; nếu vị ấy dạy mình "đừng buông lung" thì mình không được buông lung, đó là yếu quyết của việc tu Đạo vậy.
Như đã nói trên: "Bịnh rồi mới biết thân này khổ." Bởi vì con người mà không trải qua một cơn bịnh khổ thì không chịu phát tâm tu hành đâu. Do vậy, kẻ chưa bịnh thì không hiểu sự thống khổ.
Lại có câu rằng: "Phú quý tu đạo nan." Nghĩa rằng người giàu tu đạo rất khó, bởi vì việc gì cũng như ý cả thì làm sao họ nghĩ đến chuyện tu. Do đó nghèo với bịnh là thứ trợ duyên cho việc tu Đạo. Bịnh đến thì mình đừng âu lo, nghèo khốn cũng chớ ưu sầu. Có bài kệ như sau:
Ngã kiến tha nhân tử,
Tử tâm nhiệt như hỏa,
Bất thị nhiệt tha nhân,
Tiệm tiệm luân đáo ngã.
Nghĩa là:
Ta thấy người ấy chết,
Lòng ta nóng như lửa,
Chẳng phải nóng cho người,
Mà từ từ lửa tới ta.
Nghèo khốn hay bịnh hoạn hẳn nhiên giúp mình trưởng dưỡng tâm tu Đạo. Cũng như khi thấy người khác nghèo khốn, bịnh khổ, già chết, mình cũng phải phát tâm như thế. Đời người giống như: "Trường giang, hậu lãng thôi tiền lãng." Nghĩa là "Sông Trường giang, sóng sau đẩy sóng trước." Nếu mình kịp thời phát nguyện vãng sinh, lúc gần chết, mình sẽ có sự chuẩn bị. Không vậy, lúc ấy mình hoảng sợ không biết cách đối phó. Giống như đất nước nếu không trải qua một cơn biến loạn thì nhân dân chỉ thích sống trong cảnh sung sướng an lạc, không màng đến chuyện bảo vệ đất nước. Hiện tại Phật-giáo cũng như vậy, người ta không nghĩ cách để phục hưng Phật-giáo, nên Phật-giáo đi vào tình trạng ủy mị.
Vì vậy mình phải đề xướng Phật-giáo; trách nhiệm không phải chỉ ở các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, mà ở tại mỗi tín đồ Phật-giáo. Nếu như mỗi người chúng ta đều tự nhận trách nhiệm, thì lo gì Phật-giáo không phát triển! Hiện tại có những tín đồ Phật-giáo cho rằng đạo Phật không bằng những ngoại đạo thời nay, chẳng những họ không dám nhận mình là Phật-giáo đồ, thậm chí còn a dua với kẻ khác chê bai Phật-giáo là mê tín. Quý-vị thấy như vậy có phải là đáng thương lắm không? Giống như ở Cửu Long (Kowloon) nơi Đạo Phong Sơn có một đoàn thể ngoại đạo chuyên thu nạp những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trong Phật-giáo, tới đó để trải qua một phiên cải tạo làm cho họ mất đi gốc gác rồi trở ra phỉ báng Phật-giáo.
Do đó chân chính tin Phật thì dù chết cũng không thay đổi, luôn luôn đề cao chí khí của mình, không vì kẻ khác chê cười, không vì lợi ích mà thay đổi chí của mình. Nếu như mọi người không quên mình là tín đồ Phật-giáo thì Phật-giáo chắc chắn sẽ phục hưng.
Tuy những thứ ngoại đạo hiện đang hưng thịnh, nhưng chỉ nhất thời mà thôi. Bởi vì thiên đạo thì tuần hoàn: Vật tới cùng cực thì sẽ quay ngược lại. Quý-vị đừng để cái vẻ bên ngoài của chúng làm dao động tâm trí mình. Chân lý thì bất diệt, sự phục hưng của Phật-giáo thì hoàn toàn dựa vào nỗ lực của đại chúng.
Giảng ngày 17 thánhg 6 năm 1958
Niệm Danh Hiệu Bồ-Tát có thể Minh Tâm Kiến Tánh
Tâm tánh của chúng sinh, luôn luôn quang minh lỗi lạc. Chẳng qua là vì bị vô số tội chướng, vọng niệm, làm cho lu mờ đi thôi.
Bản tính của chúng sinh thì thích sướng, ghét khổ. Do vô minh che đậy nên chúng sinh không biết cách để đạt tới sự an lạc sung sướng, thoát ra khỏi sự thống khổ. Do đó, tuy rằng miệng luôn nói là truy cầu sự an lạc nhưng, bất hạnh thay, hễ càng tìm kiếm thì càng thêm thống khổ.
Bồ-tát là người có lòng từ bi quảng đại, đã giác ngộ, biết được làm thế nào để ly khổ, đắc lạc. Vì vậy đối với chúng sinh đau khổ, đáng thương xót, Ngài phát tâm nguyện đại bi rộng lớn, tầm thanh cứu khổ. Nên chúng sinh mình không phải là hoàn toàn tuyệt vọng. Chỉ cần mình có lòng thành khẩn, niệm tụng "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát," thì Ngài sẽ dùng pháp lực vô biên để độ thoát, giúp mình ly khổ, đắc lạc. Sự an lạc này là sự an lạc cứu cánh, là sự an lạc ở Tây-phương Cực-lạc. Do vậy, nói rằng niệm danh hiệu Bồ-tát không những được thoát ly khỏi sự thống khổ của thế giới nầy, mà mình còn được vãng sinh về thế giới Cực-lạc, khi hoa khai kiến Phật, tới được chỗ an lạc thanh tịnh cứu cánh nhất.
Niệm Bồ-tát có thể ly khổ, có thể làm cho mình liễu ngộ tâm tánh. Phải chăng có một việc quá dễ dàng như vậy? Nhiều chúng sinh còn ngu tối, đặt ra câu hỏi nầy. Bồ-tát quả phát tâm muốn làm chuyện tiện nghi cho chúng sinh, nên Ngài mới nói ra pháp môn phương tiện như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chúng sinh, dầu với sự dễ dàng tuyệt đỉnh kia cũng không nhận thức được. Thật đáng tiếc thay!
Có người lại nói rằng: "Niệm danh hiệu Bồ-tát thì có thể tiêu trừ được tội khổ, đó là điều tôi tin tưởng. Nhưng làm sao niệm Bồ-tát lại có thể làm cho tôi minh tâm, kiến tánh được?" Vài ngày trước, tôi có nói ví dụ về chuyện đánh điện thoại. Bây giờ, lại kể cho quý-vị nghe một ví dụ khác còn đơn giản hơn.
Ví như có một người bị bịt mắt, chỉ thấy bốn bể tối đen. Người đó đi tới đâu, nếu không đụng phải vào tường thì cũng va vô vách, làm cho sứt đầu bể trán, khổ không thể nói được. Nhưng, tự y lại không biết thế nào để tháo tấm khăn bịt mặt kia ra. May thay, y gặp được một người có lòng từ bi, trông thấy y tội nghiệp như vậy, liền giúp y mở khăn bịt mắt ra. Nhờ đó, từ chỗ không thấy đường, nay hắn ta có thể thấy mọi sự, không còn khổ sở, cũng không phải đi đụng vào tường, vào vách như xưa.
Đạo lý niệm Bồ-tát để được minh tâm kiến tánh cũng tương tự như vậy. Chúng sinh, y hệt như người bị bịt mắt kia, xưa nay mắt đâu bị mù, chẳng qua chỉ bị che kín mà thôi. Tâm tánh của chúng sinh cũng như vậy, xưa nay vẫn không mất mát, luôn luôn quang minh lỗi lạc. Chẳng qua là vì bị vô số tội chướng, vọng niệm, làm cho lu mờ đi thôi. Bồ-tát cũng giống như người có lòng từ bi kia. Ngài giúp mình giải trừ nghiệp chướng đã che đậy bản tánh quang minh trong tâm mình; để mình có thể phản bổn, hoàn nguyên; khôi phục lại bản lai diện mục.
Cho nên, mình không thể không niệm danh hiệu Bồ-tát được. Bởi vì, giống như người bị bịt mắt kia, nếu không cầu kẻ khác, không chịu tiếp nhận sự giúp đỡ của kẻ khác, thì đừng nói là vẫn cứ phải đi đụng vào tường, mà còn có khi đi lạc lối, rơi xuống hố thẳm, nguy hại đến tánh mạng nữa.
Ở đời nầy, số người có tội ác thì nhiều vô kể. Nếu như không cẩn thận, lỡ một mai lạc bước, rơi xuống vực sâu tội lỗi, mất đi thân người, thì muôn vạn kiếp khó mà tìm lại được, mang hận ngàn đời. Các vị cư sĩ! Hãy mau mau tiếp thọ sự khuyên dụ của đức Bồ-tát mà thường xuyên niệm tụng danh hiệu Ngài để được cứu độ ra khỏi chốn biển khổ sanh tử này.
Giảng ngày 17 thàng 6 năm 1958
Quán Thế Âm Bồ Tát Là Huynh Đệ Của Chúng Ta
Chúng ta ngày ngày niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, song "Quán Thế Âm" nghĩa là gì? "Quán" là quán xét âm thanh ở thế gian. "Quán" cũng là nhìn, nhưng không phải nhìn bên ngoài, mà là nhìn tâm của chúng sanh, xem chúng sanh nào tâm không còn vọng tưởng lăng xăng. Không còn vọng tưởng, tâm rỗng không, tức là khai ngộ. Do đó câu kệ nói rằng:
"Thập phương cùng tụ hội, Đồng học Pháp Vô-vi."
Niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ-tát cũng là một pháp vô vi. "Vô vi" là không làm nhưng chẳng gì là không làm--tức là dạy chúng ta chớ khởi vọng tưởng vậy.
Khi bạn niệm "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát" thì Quán Thế Âm Bồ-tát cũng niệm bạn--hai bên cùng niệm nhau giống như bạn nhớ tưởng người thân, thì người thân của bạn cũng nhớ tới bạn vậy. Chúng ta và Quán Thế Âm Bồ-tát, từ vô lượng kiếp đến nay, chính là bà con trong Đạo-pháp, thân thích trong Phật-pháp. Bà con kể từ lúc nào? Tính từ thời Đức Phật A Di Đà đấy! Đức Phật A Di Đà là Giáo-chủ cõi Cực Lạc ở Tây Phương và cũng là sư-phụ của Quán Thế Âm Bồ-tát. Đức Quán Thế Âm Bồ-tát giúp Đức Di Đà hoằng dương pháp môn Tịnh-Độ. Chúng ta chính là bạn đồng môn với Đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Đức Quán Âm Bồ-tát là vị anh cả đối với tất cả chúng sanh nào chưa vãng sinh cõi Cực Lạc, và do đó, chúng sanh là em của Ngài. Nói như vậy thì rõ ràng Ngài và chúng ta là bà con rất gần. Do đó, hễ mình nhớ tới anh mình, thì anh mình cũng nhớ tới mình. Mình là em của Đức Quán Âm, và Đức Quán Âm là anh của mình.
Có người nói: "Tại sao Đức Quán Âm có thể là anh của mình đặng? Nói như vậy chẳng phải là quá đáng chăng?" Chẳng những Đức Quán Âm xem chúng ta như em, Ngài còn xem tất cả chúng sanh là em út cả. Nếu không thế, thì sao Ngài lại tầm thanh cứu khổ? Vì sao hễ chúng sanh gặp khó khăn, Ngài liền cứu giúp? Đó là vì Ngài xem chúng sanh như tay chân ruột thịt của Ngài vậy, cho nên Ngài mới không sợ gian khổ, đi cứu độ tất cả chúng sanh đang đau khổ ở cõi Ta Bà này. Vì thế các bạn chớ quên người anh trong Đạo-pháp của mình--hễ chúng ta niệm một tiếng Quán Thế Âm Bồ-tát, Đức Quán Thế Âm Bồ-tát cũng liền nhớ niệm tới chúng ta.
Khi niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, chính là chúng ta kêu gọi người anh của mình. Khi Đức Quán Thế Âm Bồ-tát gọi tên chúng ta, chính là Ngài gọi các đứa em, tức là các Bồ-tát tương lai, các vị Phật tương lai vậy.
Nếu xem Quán Thế Âm Bồ-tát như vậy, chúng ta càng phải thành tâm, càng phải khẩn thiết niệm tên người anh ruột trong Đạo-pháp này, chớ để lỡ cơ hội. Khi niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn chớ cúi đầu xuống mà phải ngước đầu lên, biểu thị một tinh thần dũng mãnh, tinh tấn. Chớ làm ra vẻ rũ rượi, lờ đờ. Khi Đức Quán Thế Âm Bồ-tát thấy bạn có tinh thần tinh tấn, Ngài sẽ nói với bạn rằng: "Hãy mau nắm lấy tay ta!" Thế rồi, Ngài sẽ đưa bạn tới thế giới Cực Lạc.
Có người nghĩ vẩn vơ rằng: "Tại sao Đức Quán Thế Âm Bồ-tát từ sáng đến tối cứ quan sát, quan sát, quan sát hoài, còn tôi thì chẳng được phép nhìn gì cả?" Bạn "nhìn" và Quán Thế Âm Bồ-tát "nhìn," hai cách nhìn khác nhau lắm. Đức Quán Thế Âm Bồ-tát nhìn bên trong, còn bạn thì nhìn ra ngoài. Đức Quán Thế Âm Bồ-tát nhìn tự tánh. Tâm tánh của Ngài giống như màn ra-đa, hiện ra tất cả mọi chúng sanh. Chúng sanh nào có vọng tưởng gì, Ngài đều biết hết. Ngài nhìn vào màn ra-đa bên trong, khác với cái nhìn của các bạn. Bởi vì chúng sanh ở cách xa Ngài quá, tuy rằng Ngài có ngàn tay ngàn mắt, song nếu dùng để nhìn vô lượng chúng sanh thì cũng không đủ dùng, không đủ nhìn. Do đó Ngài mới hồi quang phản chiếu (xoay ngược ánh sáng, chiếu rọi tự tâm), phản văn văn tự tánh (xoay ngược cái nghe, lắng nghe tự tánh). Ngài quan sát tự tánh của chúng sanh xem ai là kẻ đang chịu khổ; rồi Ngài đi cứu độ chúng sanh ấy. Nhưng bạn thì lại nhìn ra ngoài, quên bẵng trí huệ căn bản của mình. Do đó, cái nhìn của bạn với cái nhìn của Ngài hoàn toàn khác nhau.
Có người lại nghĩ rằng: "Thầy ơi! Tôi không tin điều Thầy khai thị đâu! Vì sao tôi không tin? Vì Thầy nói chúng tôi là anh em với Quán Thế Âm Bồ-tát, song Ngài là bậc thánh còn chúng tôi là phàm phu; phàm phu làm sao có thể là anh em với bậc thánh đặng? Điều này không hợp lý nên tôi không tin." Tốt lắm! Bạn không tin cũng được, điều bạn nói cũng có lý. Song, lý lẽ này thuộc tri kiến của kẻ phàm; bởi vì bạn chưa thâm nhập Kinh Tạng, nên chưa có trí huệ rộng sâu như biển.
Kinh Hoa Nghiêm dạy: "Bồ-tát suy nghĩ như vầy: 'Ta với chúng sanh, từ vô thủy kiếp tới nay đã từng là anh em, cha mẹ, chị em, vợ chồng với nhau.' " Bạn nói bạn không tin, chẳng qua là vì bạn không hiểu rõ đạo lý Kinh Hoa Nghiêm đó thôi.
Hơn nữa, chẳng những Bồ-tát nhìn chúng sanh như vậy mà ngay cả Phật, Ngài cũng xem chúng sanh "tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta." Nếu Phật xem chúng sanh như cha mẹ thì tôi nói Quán Thế Âm Bồ-tát xem chúng sanh như anh em, có gì là không hợp lý? Bạn nói bạn không tin, đó là do bạn không đủ trí huệ, thiếu kiến thức hoặc giả cái nhìn của bạn quá hạn hẹp đó thôi.
Vì sao Phật muốn độ chúng sanh? Vì Ngài quan niệm "tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta." Vì cha mẹ của Ngài đang thọ khổ trong lục đạo luân hồi nên bất luận thế nào, Ngài cũng phải cứu họ, khiến họ được ly khổ đắc lạc.
Mỗi ngày chúng ta đều niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, đều lạy Quán Thế Âm Bồ-tát; song khi Ngài hiện thân trước mặt chúng ta thì chúng ta lại chẳng hay biết. Do đó chúng sanh chúng ta thật rất đáng thương! Vì sao Quán Thế Âm Bồ-tát hiện ra trước mặt mà chúng ta không hay biết? Đây là thử thách cho ta (it is our big test). Khi bạn niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn phải học làm sao để được như Ngài vậy. Đức Quán Thế Âm Bồ-tát thì có lòng đại từ, đại bi, đại nguyện, đại lực; do đó, khi niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, chúng ta phải học làm sao cho có lòng đại từ, đại bi, đại nguyện, đại lực--ai đối xử xấu với mình, mình chớ động tâm; ai mắng chửi mình, mình phải nhẫn lặng; ai đánh đập mình, mình hãy nhẫn chịu; thậm chí có ai giết hại mình, mình cũng phải chịu, coi như là trả nợ vậy! Thế nào là "trả nợ"? Ví như xưa kia mình không chửi rủa ai, thì sẽ không ai tới chửi rủa mình; xưa mình không đánh đập ai, thì cũng chẳng ai lại đánh đập mình.
Vì sao có kẻ tới chửi rủa, đánh đập hay giết hại mình? Bởi vì xưa kia, khi mình còn si mê, mình đã từng chửi rủa, đánh đập, giết hại người khác; do đó, kiếp này mình gặp phải những hoàn cảnh như vậy, và mình nên cần phải thanh toán cho sạch nợ nần xưa kia. Khi xưa, vì si mê nên mình có nợ mà không trả. Ngày nay hiểu Đạo, mình phải chân thành trả sạch nợ kia. Hễ mình trả hết nợ thì sẽ thấy đặng Quán Thế Âm Bồ-tát và làm bà con trong Đạo Pháp với Ngài.
Thế nên, đã niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì khi gặp ai chúng ta cũng chớ tìm lỗi lầm của họ. Hễ cứ xoi mói lỗi lầm của người thì mình chưa hết khổ, chưa chặt đứt gốc rễ đau khổ. Do đó các bạn hãy nhận định rõ ràng mọi cảnh giới, thấu suốt căn nguyên mọi sự. Học Phật-pháp, bạn phải biết vận dụng Phật-pháp. Nếu không biết vận dụng Phật-pháp, thì bất luận bạn tu bao lâu, Phật-pháp vẫn là Phật-pháp, mà bạn vẫn là bạn. Khi biết vận dụng thì bạn nhập làm một với Phật-pháp, không còn ngăn cách gì nữa.
Nhẫn nại là pháp tối trọng yếu. Bạn phải nhẫn được những việc khó nhẫn. Ví dụ, bạn không thích bị chửi rủa, song hễ có ai mắng bạn, bạn hãy vui vẻ nhẫn nhịn. Tuy bạn không thích bị đánh đập, song hễ ai đánh bạn, bạn hãy vui vẻ chịu đựng. Bạn không muốn chết, vì mạng người quý báu lắm; song hễ có ai muốn giết bạn, bạn hãy xem như họ giải thoát một đời nghiệp chướng cho bạn--họ chính thật là Thiện-tri-thức đấy. Các bạn ơi! Khi học Phật-pháp, chúng ta phải đổi ngược thái độ lại mà học, tu Đạo cũng phải đổi ngược thái độ lại mà tu! Thế nào là đổi ngược thái độ? Tức là hãy thích làm những việc mà xưa kia mình không ưa thích; việc mình chẳng ưa thì chớ bao giờ bắt kẻ khác làm.
Nếu bạn cũng hệt như những kẻ tầm thường khác: chẳng thể nhìn suốt, chẳng thể buông bỏ, chẳng thể dứt trừ sự chấp trước vào cái "tôi" và vào cái "pháp," cứ giữ chặt bốn quan điểm phân biệt mình, người, chúng sinh và thọ-giả thì bạn sẽ có rất nhiều rắc rối phiền hà. Nếu bạn biết lùi một bước thì chuyện gì cũng tự nhiên yên bình như biển lặng trời trong. Khi học Phật-pháp, chớ học đòi thứ cao thâm diệu vợi, vì rằng:
Bình thường tâm thị Đạo, Trực tâm thị đạo tràng."
(Tâm bình thường--tâm không dục vọng--là Đạo, Lòng thẳng thắn là đạo tràng, nơi tu hành.)
Bởi thế chúng ta cần phải có tấm lòng chính trực, thẳng thắn khi tu hành.
Khi niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn chớ có lòng tham lam. Đừng nghĩ: "Tôi niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, tôi sẽ phát tài!" Đó là việc không thể có! Khi bạn không tham, giàu sang có thể tới; một khi nảy lòng tham, bạn sẽ chẳng được gì đâu. Khi niệm Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn đừng khoe khoang: "Tôi tới chỗ nọ chỗ kia tham gia Thất Quán Âm. Bạn chưa hề tham gia thì đâu có bằng tôi!" Các bạn chớ khởi vọng tưởng như thế, cũng đừng ham danh, tham lợi hay thích hưởng thụ sung sướng.
Lúc niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, hãy niệm một cách bình thường, chớ cầu cạnh bất kỳ việc gì. Đừng nên bắt chước những kẻ vừa niệm Quán Thế Âm Bồ-tát vừa nghĩ: "Tôi hiếm muộn không con, cầu xin Đức Quán Thế Âm Bồ-tát cho tôi đứa con trai." Có người thì xin con gái; cũng có nhiều cậu niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu xin có đặng cô bồ xinh đẹp, và nhiều cô niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu gặp bạn trai--những việc như thế đều chẳng thể được! Khi niệm danh hiệu Đức Quán Âm, hãy quét sạch những ý tưởng dơ bẩn ấy đi. Đừng nên có lòng tham lam, giận dữ hay si mê. Ví như ngày ngày mặc áo, chớ để ý áo đẹp hay không, chỉ cần ấm thân là tốt. Ngày ngày ăn cơm, chớ nảy lòng tham thức ngon vật lạ. Nếu có những ý tưởng ấy, bạn chẳng còn dùng chân tâm để niệm Quán Thế Âm Bồ-tát nữa. Nếu bạn quả thật thành tâm niệm đức Quán Thế Âm Bồ-tát, thì sao lại còn nghĩ tới chuyện ăn ngon, mặc đẹp? Các bạn đã quên những thứ ấy đi từ lâu rồi mới phải chứ! Chỉ có một cách là quên đi mọi chuyện thì chúng ta mới hợp nhất với Quán Thế Âm Bồ-tát đặng.
Trong lòng chúng sanh, ai ai cũng sẵn có một vị Quán Thế Âm Bồ-tát. Bây giờ chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ-tát chính là niệm Đức Quán Âm ở lòng mình. Có người nói: "Tôi tìm trong tâm, sao chẳng thấy tâm tôi đâu hết?" Nếu bạn không có tâm, bạn chẳng cần niệm Quán Thế Âm Bồ-tát làm gì. Bởi vì chính đó (tức là bạn không có tâm) là Quán Thế Âm Bồ-tát. Quán Thế Âm Bồ-tát chính là sự không có tâm, bởi vì Ngài hoàn toàn không khởi vọng tưởng, cũng chẳng có tham, sân, si. Ngài không bao giờ tính toán hôm nay mặc áo gì cho đẹp, ăn món gì cho thật ngon, hoặc muốn hưởng thụ đồ cúng dường gì. Ngài không chấp trước gì cả, không mong cầu gì hết. Việc Ngài làm là cứu độ chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh ly khổ đắc lạc, liễu sanh thoát tử, thành tựu Phật Đạo. Ngài không mong cầu gì ở chúng sanh cả. Ngài mong cho chúng sanh có thể chân chánh hiểu rõ Phật-pháp, hết sạch tham, sân, si.
Khi niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, chớ nghĩ lăng xăng suốt ngày: "Sáng ra chẳng ăn gì cả, tối lại cũng chẳng có trà uống, thật khổ quá mức! Chịu không nổi nữa rồi, mau mau cuốn gói chạy thôi!" Tu hành như vậy thật chẳng có giá trị gì cả!
Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông
Đại: Đại là gì? Đại là trái với tiểu, nhưng ở đây "đại" mà "vô ngoại," nghĩa là chẳng có gì lớn hơn nữa. "Đại" ở đây là thể của pháp, đồng thời cũng là Phật tánh của chúng sanh. Đó là "đại nhi vô ngoại," "tiểu nhi vô nội," bao trùm tận thư không gồm hết pháp giới.
Do đó nói rằng Đại Thế Chí Bồ Tát làm một động tác như đưa tay lên hoặc bước tới một bước, thì thập phương thế giới đều rúng động. Uy lực của Ngài vô cùng lớn lao, cho nên gọi là "Đại Thế Chí." Bởi vậy khi Ngài di động, cả mười phương thế giới đều rúng động. Có người thắc mắc: "Ngài thường đi đây đi đó hay không?"
Quý Phật tử chớ nên bận tâm về việc này, vì một khi Ngài Đại Thế Chí di chuyển thì thập phương thế giới thường chấn động, do đó Ngài thường ở trong đại định. Tuy nhiên, mặc dù Ngài nhập định nhưng Ngài vẫn có mặt cùng khắp, hào quang của Ngài chiếu sáng cùng khắp, trí tuệ của Ngài cũng ở cùng khắp.
Quý Phật tử cũng chẳng nên nghĩ rằng: "Oh!" "Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát nhất định là một vị rất quê mùa, thô lổ. Nếu không như thế thì bước chân của Ngài đâu có thể làm chấn động thập phương thế giới? Nhất định bước chân của Ngài rất nặng nề."
Chẳng phải như thế đâu. Không phải bước chân của Ngài nặng nề như quý vị suy đoán. Quý vị không nên lấy cái tri kiến của phàm phu mà suy đoán Thánh nhơn. Chẳng qua là oai đức của Ngài làm chấn động thập phương thế giới. Không những Ngài có oai đức to tát như vậy mà Ngài còn có thể dùng năng lực của mình để khiến cho thập phương thế giới được bình an vô sự, chẳng có mảy may chấn động. Cho nên mặc dù Ngài có năng lực như vậy nhưng chưa hẳn Ngài mang quyền lực này ra sử dụng, đó là Đại Thế Chí Bồ Tát.
Vừa qua tôi đã giảng nghĩa ba chữ "Đại Thế Chí." "Bồ-tát" là gì? "Bồ-tát" là "bồ dã, giác dã, tình dã." Tức là giác hữu tình. Nói đầy đủ là Bồ Đề Tát Đỏa, phạn ngữ là Bodhisattva. Bồ-tát là bậc giác ngộ trong số chúng sanh, cũng có thể nói rằng Bồ-tát là chúng sanh đã giác ngộ.
Làm sao có thể nói Bồ-tát là bậc giác ngộ từ trong chúng sanh? Bồ-tát vốn cũng là chúng sanh như quý vị, như tôi. Chẳng qua là Bồ-tát nguyện phát bồ đề tâm, dũng mãnh tinh tấn, hành Bồ-tát đạo, - xả những gì mà người khác không thể xả bỏ được, nhẫn những gì mà người khác không thể nhẫn được, làm những gì mà người khác không thể làm được, và đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Vì Bồ-tát làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh cho nên mới được giác ngộ, và là một bậc giác ngộ trong số chúng sanh chúng ta.
Bồ-tát vốn chẳng khác gì chúng ta. Chẳng những Bồ-tát giống như chúng ta, mà ngay cả Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn sanh đi sanh lại nhiều kiếp ở nhân địa, thì Ngài cũng là chúng sanh như quý vị, như tôi. Hiện giờ tôi, quý vị và hết thảy chúng sanh đều là chư Phật trong vị lai, cho nên Phật xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, đều là chư Phật trong vị lai. Quán sát như vậy nên Ngài xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, do đó đối với mỗi chúng sanh Ngài đều có tâm hiếu thuận. Ngài xem mỗi chúng sanh đều là Phật trong vị lai, do đó Ngài có lòng cung kính đối với mỗi chúng sanh. Đối với tất cả chúng sanh Ngài vừa có tâm cung kính vừa có tâm hiếu thuận.
Cho nên Ngài đối xử với hết thảy chúng sanh rất bình đẳng, nhìn chúng sanh với đôi mắt từ bi, và cũng trên phương diện này, Bồ-tát là bậc giác ngộ trong chúng sanh. Lại nữa, Ngài mang đạo lý mà Ngài giác ngộ được ra giáo hóa chúng sanh, khiến hết thảy chúng sanh cũng đều giác ngộ như Ngài để được lợi ích, cho nên gọi đó là "tự lợi, lợi tha." Vừa qua tôi đã giải thích đại khái về Bồ-tát.
"Niệm Phật." Tôi xin quý vị hãy nhận thức rõ ràng hai chữ "Niệm Phật" trong chương "Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông." Ý nghĩa của Kinh văn chẳng phải là Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát được thỉnh cầu niệm Phật, mà là Đại Thế Chí Bồ Tát hiện thân thuyết pháp, dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: "Tôi nhờ pháp môn Niệm Phật mà đắc viên thông. Nếu người nào y theo phương pháp này tu hành thì khả dĩ cũng đắc viên thông." Ngài đã đắc viên thông, Ngài muốn hết thảy chúng sanh đều đắc viên thông như Ngài.
Cho nên "Niệm Phật" ở đây chẳng phải chính Ngài Đại Thế Chí niệm Phật, vì Ngài đã "Niệm vô sở niệm," - chẳng niệm mà niệm, niệm mà không niệm. Ngài đã đạt mức viên thông này và nhiều kinh nghiệm về pháp môn niệm Phật. Cho nên Ngài dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: "Quý vị có biết chăng? Tôi từ con đường Niệm Phật mà đến. Phương pháp này giúp tôi đắc viên thông, nay tôi truyền cho quý vị, quý vị có thể dùng pháp môn Niệm Phật này mà đắc viên thông."
Niệm Phật có bốn phương pháp:
1. Trì danh niệm Phật
2. Quán tượng niệm Phật
3. Quán tưởng niệm Phật
4. Thực tướng niệm Phật
1. Trì danh niệm Phật:
Trì danh niệm Phật là thường thường chuyên niệm sáu tiếng "Nam Mô A Di Đà Phật." Lúc tôi ở tại Đài Bắc tôi gặp một người rất bướng bỉnh. Tôi bảo y niệm Phật, y trả lời: "Niệm Phật nào có lợi ích gì? Thay vì niệm Phật thì để tôi niệm tôi hay hơn." Tôi đáp: "Cũng vậy thôi, nếu ông niệm ông, mà có thể thành Phật được thì cũng được thôi." Chúng ta niệm Phật là vì đức Phật A Di Đà lúc còn ở nhân địa đã phát bốn mươi tám đại nguyện.
Một trong bốn mươi tám đại nguyện ấy là: "Tất cả chúng sanh trong thập phương thế giới, nếu có người nào xưng danh hiệu tôi thì người đó nhất định thành Phật; nếu người đó không thành Phật thì tôi thề không thành Chánh giác, tôi cũng chẳng thành Phật."
Căn cứ vào lời đại nguyện này, chúng ta chẳng khác gì được đi trên một chiếc thuyền để đến bờ bên kia. Nguyện lực của Phật A Di Đà chính là bản hợp đồng mà trong quá khứ Ngài đã cùng chúng ta và chúng sanh trong thập phương ký kết với nhau. Cho nên, nếu chúng ta niệm Phật mà chẳng được sanh về thế giới Cực Lạc thì đức Phật A Di Đà cũng thiếu tư cách để thành Phật. Vì mối quan hệ này cho nên mỗi chúng ta nên thành tâm thực hành pháp môn niệm Phật.
Pháp môn niệm Phật là một pháp môn đơn giản nhất, viên dung nhất, một pháp môn đi tắt chóng thành Phật nhất. Pháp môn này cũng chẳng đòi hỏi nhiều thời gian, chẳng phải hao tốn tiền bạc. Người già cả cũng có thể niệm Phật, người trẻ tuổi cũng có thể niệm Phật, kẻ tráng niên cũng có thể niệm Phật, người bịnh cũng như người khỏe mạnh đều có thể niệm Phật. Theo pháp môn Niệm Phật này thì:
Tam căn phổ bị
Lợi độn kiêm thu
Tam căn phổ bị: Ba căn là thượng, trung, hạ tức là kẻ có trí tuệ, người bình thường, kẻ ngu đần. Cả ba hạng người này đều có thể niệm Phật để được sanh về thế giới Cực Lạc.
Lợi độn kiêm thu: Là bao gồm cả hạng người thông minh nhất (như Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, hai Ngài đều phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ) lẫn hạng người ngu đần nhất. Ngay cả loài súc sanh như chim anh võ, chim bát ca, chúng đều niệm Phật và cũng được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, hà huống là "vạn vật chi linh, như loài người chúng ta" mỗi người niệm Phật đều có hy vọng vãng sanh thế giới Tây Phương Cực-Lạc. Vì Đức Phật A Di Đà và chúng ta có ký kết hợp đồng, không lý Ngài đã ký kết rồi bỏ qua hay sao? Cho nên chúng ta dựa vào hiệu lực của hợp đồng này nhất quyết có thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực-Lạc vậy.
2. Quán Tượng Niệm Phật:
Quán tượng tức là thỉnh một bức tượng Phật A Di Đà, rồi vừa niệm Phật vừa quán tưởng tướng hảo trang nghiêm của Phật A Di Đà, nhất là ánh hào quang tướng bạch hào giữa hai mắt. Thường thường quán tượng để niệm Phật rất dễ đắc Niệm Phật Tam muội, đạt tới nhất tâm bất loạn. Chủ yếu trong việc niệm Phật là đạt tới nhất tâm bất loạn, đắc Niệm Phật Tam muội. Nếu quý vị đắc Niệm Phật Tam muội thì dù có mưa to gió lớn cũng không lay chuyển. Bất luận quý vị đi, đứng, ngồi, hay nằm, nhứt nhứt đều ở trong Tam muội, đi cũng Di Đà, ngồi cũng Di Đà; đi cũng Phật, ngồi cũng Phật. Quý vị ở trong Tam muội thì sẽ được thấm nhuần nước trí tuệ. Đạt tới Niệm Phật Tam muội, nhất tâm bất loạn, thì nhất định sẽ được vãng sanh.
3. Quán Tưởng Niệm Phật:
Quán tưởng tức chỉ đơn thuần quán tưởng, không cần phải có tượng phật trước mặt. Quán tưởng:
A Di Đà Phật thân kim sắc,
tướng hảo quang minh vô đẳng luân,
bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di,
cám mục trừng thanh tứ đại hải,
quang trung hóa Phật vô số ức,
hóa Bồ-tát chúng diệc vô biên,
tứ thập bát nguyện độ chúng sanh,
cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.
Quán tưởng bài kệ tán Phật này cũng có thể đắc Niệm Phật Tam muội.
4. Thực Tướng Niệm Phật:
Thực tướng niệm Phật tức niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, lúc đó hành giả đi vào tham thiền. Cho nên người hiểu rõ niệm Phật chân chính không phản đối tham thiền; người hiểu rõ tham thiền chân chính cũng chẳng phản đối niệm Phật. Chẳng những không phản đối niệm Phật mà cũng chẳng phản đối Giáo Tông, Mật Tông, Luật, Mật, Tịnh nhưng hợp lại thì "nhất tông bất lập," một tông cũng chẳng có, tất cả đều hổ trợ lẫn nhau, tông này cùng tông nọ đều có mối tương quan với nhau.
Chúng ta là chúng sanh chẳng nên tự sanh tâm phân biệt, chẳng nên "đầu thượng an đầu" trên đầu còn đặt thêm đầu nữa, nói rằng: "Thiền tông là Thiền tông, Mật tông là Mật tông, chẳng có tương quan gì cả." Không phải như vậy! Tất cả các tông vốn là một, vốn chẳng có phân biệt quá nhiều như vậy, chỉ vì chúng sanh không có việc chi làm, muốn tìm cái gì để làm, cho nên phân ra đây một tông, đó một tông; nam một tông; bắc một tông; đông một tông; tây một tông, trên một tông, dưới một tông, rốt cuộc chẳng biết tôi thuộc tông nào, ông thuộc tông nào.
Tại Mỹ thường có người hỏi tôi: "Chẳng hay thầy thuộc tông nào?" Tôi đáp: "Chẳng tông nào cả. Nếu tôi thuộc một tông thì tôi đang ở trong một phạm vi hạn hẹp; tôi chẳng thuộc tông nào thì tận hư không, cùng khắp pháp giới đều là của tôi, bao trùm tất cả. Tại sao tôi lại tự vẽ cho mình một phạm vi nhỏ bé, tạo ra một giới hạn chật hẹp, nói rằng mình thuộc một tông nào đó? Tôi thuộc Phật giáo, không có tông mà cũng chẳng có phái lại cũng chẳng có môn mà cũng không có hộ. Tôi với tông nào cũng là một." Tôi thường nói thế này:
Chân nhận tự kỷ thác,
Mạc luận tha nhân phi,
Tha phi tức ngã phi,
Đồng thể danh Đại Bi.
(Thành thật nhận lỗi mình,
Chớ bàn luận lỗi người,
Lỗi người tức lỗi mình,
Đồng thể tức Đại Bi.)
Hãy nhìn nhận một cách thành thật lỗi lầm của mình, không nên bàn luận lỗi lầm của người khác, kẻ khác có lỗi lầm tức mình có lỗi lầm, lỗi lầm của họ cũng là lỗi lầm của mình, phải tìm cách tự sửa sai mới đúng. Chớ nên bất cứ lúc nào miệng cũng luôn nói: "Không đúng, không đúng, không đúng, không đúng!" Thử hỏi như vậy có ích lợi chi? Cho nên có câu: "Đồng thể danh Đại Bi," vì tất cả đều là một thể, đó là đại bi tâm. Quý vị đi đâu để tìm đại bi tâm? Quý vị tìm nó từ bản thân của quý vị, chẳng cần đi tìm cầu bên ngoài.
Như vậy thực tướng niệm Phật tức là tham thiền. Do đó quý vị Thiện tri thức chớ nên làm một đệ tử bất hiếu của Phật Thích Ca Mâu Ni, chớ nên luôn quấy nhiễu, chớ nên gây tổn thương tình ruột thịt, chớ nên tự tạo rắc rối cho mình. Đó là kỳ vọng của tôi đối với Phật giáo hiện đại.
Bấy giờ, thời gian không cho phép chúng ta tiếp tục. Quý vị Phật tử cần về nghỉ ngơi để ngày mai kẻ đi làm, người bận việc khác, ép buộc tinh tấn thái quá cũng chẳng tốt. Mong quý vị về nhà nếu trằn trọc chưa ngủ được thì hãy niệm Phật. Chúc quý vị Phật tử một đêm an lành.
"Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn"
Bây giờ chúng ta cùng Quy Y Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo.
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Phật Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Pháp Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tăng
Kinh Đại Bảo Tích nói: "Vào thời Mạt pháp, một ức người tu hành chỉ một người đắc đạo cũng rất là hiếm, duy có nương vào niệm Phật mà đắc độ." Tu hành vào thời mạt pháp không dễ gì đắc đạo, duy có nương vào pháp môn niệm Phật mới dễ thành tựu đạo nghiệp.
Đại Thế Chí Bồ Tát là một trong Tam Thánh ở cõi Tây Phương mà đức giáo chủ là Phật A Di Đà. Đức Quán Thế Âm và Đức Đại Thế Chí cùng đến giúp Ngài tiếp dẫn chúng sanh về cõi Cực Lạc. Cho nên pháp môn niệm Phật rất được các Ngài đề cao.
Chúng ta niệm Phật cần niệm đến mức nhất tâm bất loạn, đạt tới niệm Phật Tam muội. Muốn đạt tới trình độ này thì phải làm thế nào? Trước tiên phải chuyên nhất, luôn giữ chánh niệm mà trì danh niệm Phật. Cách đây hơn hai mươi năm tôi có viết một bài kệ về niệm Phật, nay xin đọc lại cho quý vị nghe.
Kệ rằng:
Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn,
Khẩu niệm Di Đà đả thành phiến,
Tạp niệm bất sanh đắc Tam muội,
Vãng sanh Tịnh Độ định hữu phần,
Chung nhật yếm phiền Ta-bà khổ,
Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn,
Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng,
Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm.
Niệm Phật niệm hoài không gián đoạn,
Hồng danh đồng khởi tại tâm can,
Tạp niệm không sanh tam muội được,
Vãng sanh Tịnh độ có phần sang,
Trọn ngày chán nản Ta bà khổ,
Tâm niệm hồng trần dứt sạch quang,
Cầu sanh Cực Lạc luôn trong ý,
Nhiễm niệm dứt trừ, tịnh niệm toàn.
"Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn" tức là quý Phật tử có thể niệm Phật đến độ không gián đoạn.
"Khẩu niệm Di Đà đả thành phiến," tức quý vị luôn niệm sáu tiếng hồng danh, "Nam Mô A Di Đà Phật," niệm cho đến gió thổi chẳng lọt, mưa tuôn không thấm. Lúc đó mới thực sự đạt tới cảnh giới Niệm Phật Tam muội, cho nên mới nói rằng miệng niệm Di Đà khư khư chẳng rời.
"Tạp niệm bất sanh đắc Tam-muội," tức là hết thảy tạp niệm đều không nảy sanh, cho nên nói rằng:
Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện,
Lục căn thoáng động bị mây che.
Quý vị có thể niệm cho đến một niệm cũng chẳng sanh, thì tạp niệm gì cũng chẳng còn, như vậy ắt đắc niệm Phật Tam muội.
"Vãng sanh Tịnh Độ định hữu phần." Một khi đạt tới Niệm Phật Tam muội rồi thì nhất định được sanh về cõi Tịnh Độ. Quý vị nhất định có hy vọng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc bốn câu trước đã giải thích qua, sau đây là bốn câu còn lại:
"Chung nhật yếm phiền Ta-bà khổ," tức là Ngày ngày đều cảm thấy cõi Ta bà đầy khổ não, thế giới Cực Lạc rất an vui, cho nên mình hãy luôn nhàm chán cõi khổ Ta bà.
"Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn," tức tâm niệm hồng trần mới diệt được. Vì mình chán ghét cái khổ nên muốn được an lạc, hễ muốn có an lạc thì hãy từ bỏ những thú vui vật chất tạm bợ trên thế gian.
"Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng." Điều rất quan trọng là có tâm mong cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc.
"Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm," nghĩa là mình có thể rời bỏ ý niệm nhiễm ô thì là lúc Tịnh Độ đã chín muồi. Trái lại, nếu vẫn còn níu kéo cái ý niệm ô nhiễm kia thì nhứt quyết chẳng thể nào vui hưởng sự an lạc thanh tịnh của Thế Giới Cực Lạc được.
Bài kệ tám câu này tuy rất ngắn gọn nhưng nếu ta suy ngẫm kỹ thì rất lợi lạc cho ai tu pháp môn Tịnh Độ.
Đại Thế Chí Bồ Tát đắc niệm Phật "Viên thông": Viên là viên dung vô ngại; thông là thông đạt. Niệm Phật tới mức vừa viên dung lại vừa thông đạt, tức là niệm Phật đến viên mãn, niệm đến thành tựu, đồng thời cũng chứng đắc sự và lý đều viên dung vô ngại. Đạt được cảnh giới này thì gọi là viên thông.
ột vài người có thể nghĩ rằng, Rime (Rimed, phát âm là Remay) là một truyền thống riêng biệt của Phật giáo Tây Tạng, hay đây là một truyền thống mới, tách biệt khỏi tám dòng truyền thừa thực hành hay năm truyền thống chính. Nhưng sự thật thì không phải thế.
Chìa khóa để khơi dậy sự gia trì là lòng sùng mộ với động lực là sự ăn năn, của những cách thức cũ và từ bỏ luân hồi. Lòng sùng mộ này không chỉ là sự lặp lại đơn thuần...
Phật giáo dùng một thí dụ dễ hình dung và đầy thi vị để tượng trưng cho sự tu tập : « vượt sang bờ bên kia của đại dương khổ đau». « Vượt sang bờ bên kia» là nghĩa từ chương của chữ Ba-la-mật,tiếng Phạn là Paramita, kinh sách gốc Hán gọi là « đáo bỉ ngạn» (đến được bờ bên kia). Nhưng thật ra ý nghĩa của chữ Ba-la-mật thường được hiểu theo nghĩa bóng là « Hoàn hảo», « Hoàn thiện», « Siêu nhiên», « Đạo hạnh siêu phàm», « Đạt đuợc trí tuệ siêu việt»…
Cólẽ người đọc cũng hơi ngạc nhiên với một chủ đề xưanhư trái đất. Không biết đã có bao nhiêu băng đĩa CD, sáchvở, bài viết, bài giảng về chủ đề Chánh ngữ. Tuy nhiêndù đã thuộc lòng hay đã nghe giảng đến nhàm tai, có baogiờ ta tự hỏi đã áp dụng chánh ngữ được bao nhiêu lầntrong cuộc sống của mình và có khi nào ta tìm hiểu xem vaitrò của chánh ngữ nằm ở đâu không trong cái xã hội tântiến ngày nay ?
Hiện tại chúng ta niệm Phật là niệm tự tâm. Vì tự nơi mỗi chúng sanh ai cũng có Phật nhân, mà, khi đã có Phật nhân thì liền có Phật quả - là thành Phật...
Hai từ Bụt và Phật đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ lịch sử Việt Nam, vết tích còn thấy trong ca dao tục ngữ của văn hóa dân gian như thành ngữ ăn chay niệm Phật...
Ăn chay, theo các nhà dinh dưỡng học định nghĩa là một chế độ dinh dưỡng mà thực phẩm được lấy từ các nguồn thực vật bao gồm rau đậu quả củ và ngũ cốc...
Trong bối cảnh cao điểm cơn sốt hóa chất tăng trọng, tạo nạc, kích thích heo nuôi, thì nếu Phật tử chúng ta khéo sách tấn việc ăn chay, thì chắc chắn hiệu quả rất lớn.
Cố vận động một phong trào dùng lại từ Bụt thay từ Phật đã không thăng tiến được một phương diện nào, không làm cho Phật Giáo Việt Nam phát triển mạnh hơn, cao hơn...
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.