Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chiếc Áo

28/08/201011:25(Xem: 8732)
Chiếc Áo
tangnitotnghiep_1

CHIẾC ÁO
Giáo sư Cao Huy Thuần
Thuyết trình trong buổi lễ Tốt nghiệp khóa II Học viện PGVN tại Huế vào 8/2005
none
none


Trước hết, tôi chân thành cảm tạ Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã dành cho tôi vinh dự đọc một bài thuyết trình trong buổi lễ mãn khóa long trọng này. Tuy dạy học ở xa, tôi vẫn luôn luôn gần gũi Học viện, tưởng như đây là nơi gắn bó nhất với cuộc đời của mình. Ở đây, và chỉ ở đây, tôi mới tìm được khung cảnh đáp ứng đồng thời hai nhu cầu của tôi - nhu cầu tri thức và nhu cầu đạo đức. Trong các trường đại học mà tôi dạy ở xa, tôi có cảm tưởng như chỉ sống một nửa. Không khí mà tôi thở trong Học viện cho tôi được sống vẹn toàn cả hai nhu cầu. Tôi mong được sống vẹn toàn như vậy trong bài thuyết trình này.

Cái gì đặc biệt nhất trong buổi lễ hôm nay? Cái gì khiến quang cảnh trong Học viện hôm nay khác với quang cảnh thường ngày? Hiển nhiên là chiếc áo tôi đang bận, lễ phục đại học mà quý vị đang khoác trên mình. Hiển nhiên, chiếc áo đó là đề tài của tôi hôm nay. Tôi sẽ nói sơ lược về lịch sử và ý nghĩa của chiếc áo. Sau đó, tôi sẽ nói nhiều hơn về kinh nghiệm và ý nghĩ của riêng tôi.



Trước hết là lịch sử. Với lễ phục đại học trang nghiêm, trong hàng ngũ giáo sư cũng như trong hàng ngũ sinh viên, buổi lễ tốt nghiệp hôm nay được tổ chức theo truyền thống đại học Anh Mỹ. Ở Pháp, truyền thống này không có. Để cắt nghĩa lễ phục đại học của sinh viên, giới đại học Anh Mỹ viện dẫn truyền thống bắt nguốn từ thế kỷ 12, 13, khi đại học được manh nha tại Âu châu. Lúc đó, sĩ tử còn rất hiếm, rất quý, người đi học cũng như người đi dạy đều bận áo như áo của … thầy tu. Hóa ra áo thầy tu đẻ ra áo đại học, áo thầy tu là cao quý mà áo đại học phải phỏng theo. Trừ một vài ngoại lệ, giới sĩ tử trong thời Trung cổ ít nhất cũng có đôi chút kinh nghiệm trong nhà thờ, ít nhiều đã trải qua một đời sống tôn giáo cụ thể, ví dụ đã cắt tóc giữa đỉnh đầu. Thêm vào đó, bận áo chùng giữa thời tiết lạnh lẽo thì ấm; đội mũ may gắn vào cổ áo thì vừa ấm vừa che được đỉnh đầu đã xuống tóc. Mũ đó đẻ ra mũ đại học sau này.

Từ năm 1321, quy chế của đại học Coimbra ở Bồ Đào Nha buộc tất cả "tiến sĩ, cử nhân và tú tài" đều phải bận áo chùng. Áo chùng như thế chưa chắc đã đẹp và sang, bởi vì, vài trường đại học ở Anh, cũng vào giữa thế kỷ 14, cấm sĩ tử không được "diện quá lố" và buộc họ phải bận áo chùng thật dài. Dưới thời vua Henry VIII, đầu thế kỷ 16, hai trường đại học danh tiếng Oxford và Cambridge khởi đầu vạch ra quy chế áo mũ đại học một cách chi ly, ấn định từng chi tiết nhỏ nhặt, áp dụng chặt chẽ từ đó cho đến nay.

Truyền thống đó vượt biên qua Mỹ, thuộc địa cũ của Anh, thế giới mới, đất của Tin Lành, không có lịch sử Trung cổ. Còn ai nhìn áo chùng mà nghĩ đến tu viện khắc khổ? Huống hồ trang phục đại học bây giờ đầy màu sắc rực rỡ mà các đại học ở Mỹ đồng ý quy định một cách thống nhất từ cuối thế kỷ 19. Màu trắng, lấy từ màu lông của mũ Cử nhân ở Oxford và Cambridge, được trao cho phân khoa Văn chương, Nghệ thuật. Màu đỏ, một trong những màu truyền thống của nhà thờ, được ban cho phân khoa Thần học. Màu lục, màu của cỏ lá thuốc thang trong thời Trung cổ, được tặng cho phân khoa Y. Màu ô-liu, tương tự như màu lục, tất nhiên phải chia cho bà con của trường y là trường Dược. Nói đến nước Mỹ mà không nghĩ đến ông nhà giàu thì phạm thượng quá, cho nên màu vàng, màu của vàng bạc châu báu, phải về tay phân khoa Khoa học, vì những khám phá khoa học vĩ đại từ thế kỷ 19 là nguồn gốc của sức mạnh Tây phương.

Đó là giải thích màu sắc theo lối Mỹ. Ở Pháp, cách chọn màu và giải thích hơi khác. Sắc lệnh của Napoléon ký năm 1804 nói rõ: "các giáo sư và các tiến sĩ khoa luật bận áo giống như các giáo sư và các tiến sĩ khoa Y, nhưng thay vì màu tía của trường Y thì dùng màu đỏ tức là màu dành cho áo trong các tòa án". Một sắc lệnh khác, ký năm 1808, nói thêm: "về màu sắc để phân biệt các khoa, màu đỏ thẩm dành cho Khoa học, màu da cam cho khoa Văn, màu đen với lông chuột cho khoa Thần học ".

Màu sắc là chuyện chi tiết, tự nó chẳng có ý nghĩa gì. Chuyện đáng nói là ý nghĩa của lễ phục. Nơi áo mũ ngày nay, chẳng còn gì là Trung cổ nữa, chỉ là tượng trưng của đại học, nhưng tượng trưng đó, tập tục đó, không khí lễ hội đó, các đại học Mỹ còn giữ rất kỹ, từ trang phục đến lễ tốt nghiệp, diễn văn, diễn hành của giáo sư và sinh viên sau buổi lễ. Tính tôn giáo trong xã hội Mỹ phảng phất trong xã hội đại học. Xã hội đại học ở Âu châu, tổ tiên của đại học Mỹ, không tha thiết với không khí lễ hội như thế. Lịch sử Âu châu dệt bằng chiến tranh, tranh chấp, cách mạng. Đại học chịu ảnh hưởng đó, và áo mũ cũng không khỏi bị nhìn dưới màu sắc phân tranh. Phe tả, cấp tiến, không muốn phô trương lễ phục. Một ví dụ cụ thể là bản thân tôi.

Tôi, xuất thân vừa ở đại học Việt Nam vừa ở đại học Pháp, lại đặc biệt ngưỡng mộ tập tục diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp ở các đại học Mỹ, tôi có cái nhìn tổng hợp về áo mũ này qua kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi xin trình bày sau đây, với hy vọng rằng cái riêng của mình được nhập vào cái chung của tất cả quý vị.

Đây là lần thứ ba trong suốt quãng đời dạy đại học của tôi, tôi bận lễ phục đại học này. Lần thứ nhất, ôi lần thứ nhất, ôi Huế thân yêu của tôi, lần thứ nhất tôi bận lễ phục đại học là tại đất Huế máu ruột này, tại trường đại học Huế sinh thành ra tôi này, cách đây đúng 41 năm, mùa xuân năm 1964. Năm đó, sau khi ông Diệm bị lật đổ, các tướng tá và guồng máy hành chánh cũ định lập lại một chính thể "Diệm mà không có Diệm", với sự ủng hộ của người Mỹ. Chúng tôi, một số giáo chức đại học, dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Lê Khắc Quyến, khoa trưởng trường Y, đi đến lãnh sự quán Mỹ đưa thư phản kháng. Để hành động đó có tính cách uy nghi của đại học, một số chúng tôi bận áo đại học, ai có thì bận.

Như vậy, cái áo này là hình thức hay nội dung? Cái hoa là nội dung của mùa xuân hay hình thức? Cái áo này nói gì trước viên lãnh sự Mỹ? Nói rằng: tôi không phải chỉ là miếng vải đâu, tôi là trí thức đây, vì từ trong não tủy, trí thức không chấp nhận bất công. Nói rằng: tôi là đại học đây, và đại học là chỗ để mở mang trí óc, không phải chỗ để nô lệ tinh thần. Nói rằng: tôi là đại học, cho nên tôi là kế thừa của Văn Miếu, và Văn Miếu là nền tảng tinh thần, văn hóa của đất nước tôi mà tôi có bổn phận phải bảo vệ. 1963-64 không phải chỉ là năm lịch sử của Phật giáo mà thôi đâu; đó còn là năm lịch sử của đại học: lần đầu tiên tại miền Nam cũ, một đại học nhỏ bé như Đại Học Huế khám phá ra chức năng của đại học, không phải chỉ để truyền đạt kiến thức ở cấp cao, mà còn để un đúc, đào tạo ra một tinh thần, một thái độ mà bất cứ người có học nào cũng có khuynh hướng tự nhiên muốn vươn tới, để trả lời một số câu hỏi căn bản về đời sống xã hội chung quanh. Khoác chiếc áo này lên thân chính là để làm sáng ra lý tưởng đó của đại học : người có học không phải chỉ là người có bằng cấp.

Lần thứ hai tôi bận áo đại học chỉ cách đây ba năm. Bước vào đại học Pháp năm 1965, tôi chứng kiến những ngày cuối cùng của tập tục mặc áo đại học khi giảng dạy trong cái trường có khuynh hướng bảo thủ là trường Luật của tôi. Hầu hết giáo sư lúc đó đã không còn mặc áo đại học để dạy nữa, nhưng vẫn còn vài vị giữ tập tục này ở vài lớp cao học. Các vị đó oai vệ lắm, khi bước vào cũng như khi ra khỏi lớp đều được nhân viên bận lễ phục đuôi tôm mở cửa, khép cửa. Sắc lệnh 1804 nói rõ: "các giáo sư và các tiến sĩ luật bận lễ phục khi dạy, khi chấm thi, trong mọi hành vi công cọng, cũng như trong các buổi lễ". Ý nghĩa của lễ phục đại học, trước hết, là tạo vẽ huy hoàng cho một cơ quan bề thế trong xã hội, thứ hai là tạo uy thế cho chức năng giảng dạy, vốn được xem là một chức năng cao quý. Đứng về mặt ý nghĩa, lễ phục ở Pháp, từ thế kỷ 19, khác với hệ thống Anh Mỹ: ở Pháp, chiếc áo đi đôi với lời nói, lời giảng của ông thầy, cho nên sinh viên thì không bận; ở Anh Mỹ, chiếc áo đánh dấu một cấp bậc, một nấc thang đại học, BA, MA, PhD, cụ thể hóa bằng một tấm bằng. Nhận bằng cấp, sinh viên Anh Mỹ bận lễ phục, nô nức dự một buổi lễ tốt nghiệp huy hoàng. Ở Pháp, thi xong ai về nhà nấy.

Chỉ mới 40 năm thôi, đại học đã thay đổi hẳn bộ mặt tại Pháp. Từ một đại học dành cho một thiểu số ưu tú, đại học bây giờ mở ra cho quảng đại quần chúng. Năm 1808, khi Napoléon ký sắc lệnh thành lập đại học của đế chế, đại học Pháp trong toàn nước, cả 5 khoa gộp lại, chỉ có chừng 200 giáo sư. Một trăm năm sau, năm 1996, bộ phận giáo sư và phó giáo sư các trường đại học, không kể các ban giảng huấn tại rất nhiều trường lớn nằm ngoài hệ thống đại học, lên đến 13.700 giáo sư, 29.400 phó giáo sư, cọng thêm 6.200 giáo sư và phó giáo sư các trường Y. Năm nay, con số tổng cọng lên đến 53.000. Từ 200 chiếc áo lên năm sáu chục ngàn, vấn đề không phải chỉ là dài lưng tốn vải, vấn đề là đại học mở ra để góp phần vào việc tiến hóa tư tưởng, từ tư tưởng xã hội đến tư tưởng khoa học. Mà tư tưởng thì chỉ có thể tiến hóa khi thử thách, cọ xát, va chạm với nhau. Đại học là đất va chạm, va chạm giữa cũ và mới, va chạm giữa tả và hữu, va chạm giữa bảo thủ và tiến bộ, và đó là động cơ của tiến hóa. Và va chạm ở đâu nếu không phải nơi cái miệng, tức là nơi cái bộ phận phát ra chức năng thuyết, chức năng nói, chức năng giảng?

Giảng dạy, vì vậy không phải là nói ra chân lý vô tư, tuyệt dối, mà nói ra ý nghĩ của mình với chân lý tương đối. Người đi dạy quan niệm như một vinh dự khi tư tưởng của mình bị sinh viên bắt bẻ. Ngay cả người dạy khoa học, chắc gì điều mình nói ra là chân lý, bao nhiêu chân lý khoa học đã không đứng vững với thời gian? Người đi dạy đã có một ý nghĩ khiêm tốn như vậy về lời nói của mình đâu còn muốn mượn màu áo để thêu thùa cho một việc làm bình thường như mọi việc làm khác ? Lễ phục đại học, vì vậy, mất dần ý nghĩa vàng ngọc của chức năng nói, chỉ còn giữ lại ý nghĩa trang trọng của lễ nghi. Nhưng ngay cả lễ nghi, xã hội Âu châu hiện tại cũng không mấy bị thu hút, xã hội đại học lại càng dị ứng hơn. Chiếc cà vạt - mà chúng ta thường gọi đùa là con mực khô - cũng biến dần nơi cổ áo của giới đại học, nói gì lễ phục.

Bởi vậy, trong mấy chục năm dạy đại học ở Pháp, tôi chưa hề bận lễ phục, kể cả trong những dịp lễ. Trường Luật vốn là trường bảo thủ nên lác đác vài đồng nghiệp của tôi cố níu kéo tập tục trong những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, khi họ ngồi nơi bàn giám khảo. "Phe tả", mà tôi là cảm tình viên trung kiên từ khi cùng chống chiến tranh ở Việt Nam, lắc đầu: bảo vệ luận án cũng là một dịp tranh luận bình đẳng, sao lại đem màu áo trấn áp sĩ tử? Chỉ một lần, cách đây ba năm, tôi không tránh được tập tục, khi trường tôi cấp bằng tiến sĩ danh dự cho một nhân vật danh tiếng quốc tế. Ở trong ban điều hành, tôi bắt buộc phải dự buổi lễ long trọng, với lễ phục. Thú thật, tôi không cảm thấy thoải mái trong suốt buổi lễ. Đó là lần thứ hai tôi bận lễ phục.

Lần thứ ba là hôm nay. Và tôi cũng xin thú thực: tôi rất thoải mái, tôi rất vinh dự. Học viện này, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà giáo dục và đạo đức đang gặp phải, thường xuyên cố gắng, với hai bàn tay trắng, đưa ra một hình ảnh tích cực, góp phần bảo vệ những giá trị mà dân tộc không thể đánh mất được. Đóng góp của Học viện có thể nhỏ nhoi, nhưng càng nhỏ nhoi càng đáng quý, bởi vì đây là niềm tin tưởng rốt ráo mà xã hội đang đặt vào để không đánh mất hướng đi trước bao nhiêu thế lực xô bồ của thời đại. Tôi bận chiếc áo này trong niềm tự hào được chia sẻ công sức đó, nhỏ nhoi, âm thầm, lặng lẽ, như đốm lửa, nhưng nếu đốm lửa đó tắt, xã hội sẽ thiếu bữa cơm. Cho nên buổi lễ hôm nay, đối với tôi, không phải chỉ là một buổi lễ mãn khóa, tốt nghiệp; đây là một buổi lễ long trọng, đánh dấu một chặng đường trưởng thành trí tuệ, qua đó chúng ta nói với nhau một lời thề: thề sống trí tuệ, thề sống đạo đức, để giữ cho dân tộc Việt Nam nền móng tinh thần, văn hóa, trên đó lịch sử đã xây dựng vinh quang.

Tôi nói đến đạo đức với một cái nhìn rất tươi vui, rất trẻ trung, rất mạnh khỏe, vì tôi không quên rằng tôi đang nói chuyện trong một ngày vui, trong một bầu không khí lễ hội tưng bừng. Tôi đang thấy đạo đức cười với tôi trên chiếc áo này. Học viện của chúng ta là đại học, vì ở đây cũng có văn và có tư. Nhưng ở đây còn có thêm một điều quý hơn tất cả những điều khác: ở đây còn có tu. Văn, tư, tu là châm ngôn của Học viện này. Ngôn ngữ không bao giờ diễn tả đúng sự thật. Sự thật là cả ba việc diễn ra cùng một lúc, không có cái này trước cái kia sau, nhưng cái lưỡi làm sao nói văn tư tu cùng một lúc được! Vậy tôi bận áo này ở đây không giống như khi tôi bận áo này ở đại học nào khác. Cả ba chức năng hội tụ cùng một lúc, không tách ra được, trên chiếc áo này; như vậy tôi bận áo này tức là tôi cũng tu. Vì tôi tu, nên nếu có ai cắc cớ muốn đối thoại bắt bẻ tôi, hỏi: này bác, bác bận chiếc áo đó để làm gì vậy, bác cấp phát văn bằng để làm gì? Tôi sẽ trả lời: ơ kìa, bác hỏi trật lất, chúng tôi tu cho nên chúng tôi không biết cái chữ để. Ở đây, học chẳng để là ông nghè ông cống gì cả, học là học. Thêm chữ để vào là khổ. Để thành cái gì mà thành được, đã gian khổ rồi; để thành cái gì mà không thành được, chắc uống thuốc ngủ quyên sinh. Ở đây, chúng tôi không để, cho nên chúng tôi thong dong lắm. Không để, cho nên chúng tôi không hệ lụy quá khứ. Không để, cho nên chúng tôi không hệ lụy tương lai. Học là học, chúng tôi chỉ biết hiện tại. Và ở hiện tại này đây, chúng tôi đang quá vui với nhau, hạnh phúc của chúng tôi là sống trọn vẹn giây phút này. Sống trọn vẹn giây phút này, đó là đạo đức của chúng tôi. Chốc nữa, chúng tôi lại có một hiện tại khác, vô số hiện tại khác, nấu cơm, lặt rau, và trong hiện tại đó, chỉ có nấu cơm với lặt rau, đâu có chiếc áo nào đâu mà bác hỏi cho mệt. Đạo đức của chúng tôi là thế.

Bác đã hỏi, tôi xin kể hầu bác nghe một câu chuyện thiền. Có ba khách bộ hành đứng đàng xa nhìn một ông sư trên đỉnh đồi. Nhìn một hồi chăm chú, người thứ nhất nói: "Anh chàng kia chắc hẳn vừa mất bò, đứng trên cao để xem bò lạc phương nào". Người thứ hai nói: " Bò đâu mà bò, chàng ta đâu có nhìn quanh quất, đứng yên thế kia chắc đợi bồ". Người thứ ba nói: "Đừng nói thế mang tội, trông người kia có vẻ như ông sư, chắc ông đang thiền". Ba người đánh cuộc với nhau về chân lý hiển nhiên của cái nhìn của mình, bèn leo lên đồi. Người thứ nhất hỏi: "Này, ông ơi, bò của ông lạc mấy con mà ông đi tìm vậy?". Ông sư trả lời: "Tôi có bò với trâu nào đâu mà lạc?". Người thứ hai hỏi, hơi ngần ngại một chút, vì dù sao cũng sợ thất đức: "Ông chờ … vợ hả?". Ông sư đáp: "Mô Phật, tôi tu hành, đâu có vợ với con". Người thứ ba đắc thắng: "Thế thì ông thiền rồi, tôi biết mà, bây giờ có cả thiền đứng đấy". Ông sư ngay thật: "Không, tôi không thiền …". Cả ba người bộ hành bực mình hỏi cùng một lúc: "Thế thì ông đứng đó để làm gì?" Ông sư ngơ ngác: "Chẳng để làm gì cả, tôi đứng thế thôi!".

Cũng giống như ông sư "đứng thế thôi", chúng tôi học thế thôi: học là học. Bởi vì cái học của chúng tôi khác cái học ở ngoài đời: chúng tôi học mà tu. Học là tu, mà tu cũng là học. Đó là đạo đức của chúng tôi.

Nói cho đúng, không phải chúng ta không nhắm đến một cái gì, không phải chúng ta không có lý tưởng. Nhưng chúng ta biết phân biệt thệ nguyện với hoài vọng. "Pháp môn vô biên thệ nguyện học" là một trong bốn đại nguyện của chúng ta. Vô biên, mà học hết, là điều không thể có, nhưng chúng ta thệ nguyện và chúng ta làm. Thành công hay không, tát cạn được biển đông hay không, không phải là vấn đề của chúng ta. Vấn đề của chúng ta là làm, là hành động, là tát, là học, một kiếp không thành thì hai kiếp, hai kiếp không thành thì ngàn kiếp. Chỉ làm. Chỉ hành động. Chỉ có cái giây phút này đây để làm. Không ngồi đây mà phóng mơ tưởng vào tương lai, không chờ mong, không hoài vọng, không đắm đuối trong hy vọng, vì có hy vọng thì chắc chắn có bất mãn, bất toàn - nghĩa là khổ. Người đời thường nói: chiếc áo không làm nên ông thầy tu. Đúng! Nhưng nếu ông thầy tu là ông thầy tu thì áo nào ông bận cũng là áo thầy tu, kể cả áo này. Áo này đang nói với tôi: hãy vui cái vui hồn nhiên. Thì tôi vui! Lát nữa, tôi sẽ tiếp tục tát biển đông, và nếu cái áo này làm vướng tôi trong khi tát thì tôi cỡi áo ra. Bận áo vào hay cỡi áo ra, ông thầy tu vẫn là ông thầy tu. Đó là đạo đức của chúng tôi.

Tôi muốn nói thêm vài lời cuối cùng với người đối thoại của tôi lúc nãy. Bác ơi, tôi biết bác có lòng tốt nhắc nhở cho tôi rằng: dù chiếc áo mà tôi đang bận đây có ý nghĩa gì nữa trong lịch sử, dù nó chỉ mang tính cách trang nghiêm của một hành động hay một buổi lễ, nó vẫn tượng trưng cho bằng cấp, cho chức vụ, cho địa vị, cho danh vọng, cho hào nhoáng, nghĩa là những cái bẫy đang rình rập bước chân của người đời. Tôi muốn nói: bác ơi, cám ơn bác, chúng tôi biết lắm, chúng tôi biết nên lại xin kể hầu bác nghe thêm chuyện này cũng trong ý đó của bác.

Chuyện về một anh chàng háo danh. Anh ta làm bất cứ chuyện gì cũng chỉ cốt tìm danh, kể cả chuyện chơi thể thao giải trí. Anh chơi golf, món chơi thời thượng của thượng lưu thời đại. Một buổi sáng sớm kia, cha anh chết, gia đình bảo anh rượt honda mời thầy về cúng. Chạy ngang qua sân golf, anh ta nghe rộn ràng lên bên tai tiếng vỗ tay ầm vang như sấm chiều hôm qua, khi tay vô địch quất một đường côn chung kết, làm lọt quả cầu vào lỗ cách 50 thước. Tiếng vỗ tay quyến rũ anh đến nỗi anh không đi được nữa. Anh nghĩ bụng: chà, đàng nào cha cũng đã chết rồi, cúng cũng không sống lại, chi bằng ghé qua đây mươi phút, dượt một đường, đâu có hề chi! Anh ngừng xe, vác đồ nghề, bước vào sân. Sáng sớm, sân vắng tanh, khách nhà giàu chưa ai dậy. Anh nhắm một lỗ, cách xa 50 thước như tay vô địch hôm qua, lấy hơi, định thần, quất một đường bay bướm. Trái cầu bay vèo, rơi xuống gần lỗ, lăn từ từ, rồi lọt xuống lỗ. Năm mươi thước! Ngay cú đầu! Không thua gì vô địch! Chà, nghệ thuật như thế này thì sắp đến mức tuyệt chiêu rồi ! Anh dời chỗ, nhắm một lỗ khác, 100 thước. Chú tâm. Định thần. Quất một đường … bướm bay. Trái cầu bay vèo, rơi xuống gần lỗ, lăn từ từ, chậm chậm, rồi lọt xuống lỗ. Một trăm thước! Cú một! Khách sạn 5 sao đâu, khách nhà giàu đâu, ra xem sự lạ chưa từng có! Thế này thì không phải chỉ là nhất Huế nhì Sịa; nhất Huế nhì Đà Nẵng! Anh dời chỗ, nhắm lỗ thứ ba, 300 thước, bướm bay không tới. Trong đầu anh nghĩ: ở giây phút này, chắc chắn cả thành phố Đà Nẵng, nam phụ lão ấu, đều nín thở, dán mắt nhìn quả cầu bay. Chắc chắn cả vùng kinh tế mở Chu Lai, cả chiếc máy bay đang di chuyển trên đường bay dài nhất nước ấy cũng ngừng lại, phập phồng, đau tim. Anh vuốt gậy, trịnh trọng đặt quả cầu đúng chỗ, chú tâm, định thần, quất một đường … chim bay. Quả cầu biến mất trong không khí, biến mất, rồi hiện ra tít đàng xa, rơi xuống, lăn từ từ, lăn từ từ, từ từ, thật chậm, tưởng như đứng lại, phân vân, nhúc nhích, xuống lỗ !

Bác ơi, hãy tin lời tôi nói: ở đâu mà chẳng có tình báo, nhưng không ở đâu tình báo bén nhạy, hiệu quả bằng ở âm phủ. Mình nói gì, làm gì, thậm chí nghĩ gì bậy, tình báo ở đấy biết cả, ghi tất vào sổ đen, để dành đấy. Cho nên tình báo báo cáo ngay với Diêm vương. "Báo cáo Diêm vương, trên dương gian có một thằng bất hiếu, cha chết mà đi đánh golf. Đề nghị Diêm vương quyết định ghi vào sổ đen: kềm, kẹp, hay dùi lửa?". Diêm vương nhắp một hớp trà sâm, khoác tay : " Khỏi cần, chính ta đã làm phép thổi mấy trái cầu ấy xuống lỗ. Tên háo danh ấy đang khổ cùng cực: không có ai ở sân golf để vỗ tay cho hắn cả!".

Anh chàng ấy, bác ơi, anh chàng hám danh ấy, tôi biết quá, anh ta luôn luôn nấp trong chiếc áo của tôi, nấp trong chiếc áo này. Bởi vậy Phật của tôi ngày xưa mới lấy giẻ rách để may y. Nhưng, tôi cam đoan với bác, cam đoan với quý vị, trong giây phút này đây, trong hiện tại này, chiếc áo của tôi, chiếc áo của chúng ta, đầy ắp lời thề của chúng ta, đầy ắp nỗi vui hồn nhiên, trong trắng, ngây thơ, không có một chỗ trống nào trong đó cho anh chàng ấy ẩn nấp. Vậy chúng ta hãy vỗ tay thật to, thật hồn nhiên, cho chiếc áo của chúng ta, cho Học viện, cho tất cả quý vị quan khách, cho buổi sáng mùa hè vừa mát cơn mưa này.

Chú thích :
1.Về lễ phục đại học ở Mỹ, có thể xem : http://www.willsieco.com/academic_costume.asp
2.Về lễ phục đại học ở Pháp : Bruno Neveu, Le costume universitaire français : règles et usage, Revue Administrative, 1996, n° 293. .

Cao Huy Thuần
(TTVHPG Liễu Quán Huế)

Một vài hình ảnh trong buổi lễ tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học tại
Học Viện PGVN TP. HCM (khoá VI)

chiecao-caohuythuan-01

chiecao-caohuythuan-02
Lắng nghe lời căn dặn trước khi nhận bằng Cử nhân Phật học cho Tăng sinh khoá VI HVPGVN-TP. HCM (Ảnh: Giác Ngộ)
chiecao-caohuythuan-03
Các vị giáo sư của Học viện PGVN TP. HCM (Ảnh: Giác Ngộ)
chiecao-caohuythuan-04
Quang cảnh buổi lễ trao bằng Cử Nhân Phật Học tại HVPGVN TP. HCM
(Ảnh: Giác Ngộ)

09-18-2009 08:23:46

SUY NGHĨ VỀ TRANG PHỤC
TRONG LỄ TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN PHẬT HỌC

Nguyên Nghĩa
none
none


chiecao-caohuythuan-05














Trong buổi lễ tốt nghiệp đại học Phật giáo, các Thầy nên vận y truyền thống theo hệ phái, không đội mũ, chỉ cần đeo thêm huy hiệu hay vật biểu trưng của ngày lễ tốt nghiệp, không nên mặc trang phục như trong người ngoài đời.

Vừa qua, tôi được xem ảnh buổi lễ tốt nghiệp khóa VI Cử nhân Phật học của các Thầy tại Học viện Phật giáo TP. HCM. Buổi lễ diển ra rất trang trọng, trong không khí hân hoan phấn khởi, bên cạnh sự hiện diện đông đủ các Thầy cô, các tân Cử nhân, còn có hiện diện của các Thầy lãnh đạo Giáo hội và các Phật tử.

Xem xong ảnh bưổi lễ, tôi rất vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vào tương lai phát triển của Phật giáo Việt Nam. Các Thầy, những sứ giả của Đức Phật, bên cạnh nền tảng giới hạnh trang nghiêm, nay lại có được kiến thức và trí tuệ, sẽ đem lại nhiều lợi ích và an lạc đến cho rất nhiều người. Những người đang rất cần ánh sáng soi đường, đang rất cần sự hướng dẩn lối ra, vượt thoát mê cung cuộc sống vốn quá nhiều đảo điên, quá nhiền phiền não hiện nay.

Bên cạnh sự hân hoan tin tưởng vào những điều tốt đẹp trên, trong tôi lại có những băn khoăn, những suy nghĩ về trang phục được các Thầy sử dụng trong lễ tốt nghiệp:

1/ Thiển nghĩ trang phục của các Cử nhân, Tiến sỹ. . ., nói chung là dành cho những người tốt nghiệp Đại học và sau Đại học mặc trong buồi lễ tốt nghiệp, hiện đang được hầu hết các trường Đại học ( thậm chí ở cấp thấp hơn ) sử dụng. Loại trang phục nầy có xuất xứ từ các nước phương Tây và chỉ du nhập vào nước ta trong những thập niên gần đây

2/ Dù trang phục trên có “nguồn gốc” từ Tây phương hay Đông phương đi nữa, thì chắc hẳn chúng được thiết kế dành riêng cho những người thuộc thế tục. Hơn nữa hiện nay có rất nhiều ngành, nhiều phân khoa khoa học nhân văn dạy về các lĩnh vực thuần túy về vật chất, xa Chánh Pháp, sinh viên tốt nghiệp các nơi nầy, hay ở các ngành khác, đều vận trang phục tốt nghiệp tương tợ nhau.

3/ Ngày tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần nhìn thấy các nhà Sư đắp y, đầu cạo nhẳn, mang bình bát, đi chân trần, bước đi từng bước, chậm rải khoan thai theo hàng một, dọc theo con đường làng, là trong lòng tôi bổng dâng lên niềm tôn kính, xúc động khôn tả.

Bên cạnh hình ảnh Đức Thế Tôn, thì hình ảnh các vị Sư đối với tôi là điều gì đó thiêng thiêng cao quý, là hình mẫu để tôi ngưỡng mộ suốt đời, và cho mãi đến hôm nay, cái cảm xúc ấy trong tôi vẫn không hề thay đổi.

4/ Bộ y và đầu cạo nhẳn quá đổi thiêng liêng, quá đổi cao quý. Đến đổi, dù là hàng thứ dân nghèo khổ cho đến hàng thương gia đại phú, trí thức học vị hay quyền quý cao sang thuộc hàng vương giả đi nữa, thì khi diện kiến các nhà sư đều tỏ lòng tôn kính. Thậm chí hạng người hung ác, gian tà một khi nhìn thấy các vị Sư từ xa đi đến cũng phải lánh mặt, nếu lở chạm trán thì cũng phải cuối đầu khép nép. Thì sao các Thầy lại từ bỏ nó, từ bỏ trang phục truyền thống vô cùng linh thiêng cao quý đó trong ngày lễ tốt nghiệp trọng đại nầy.

5/ Ngoài ngày thọ giới xuất gia, thì ngày tự tứ là ngày củng cố và tăng trưởng giới hạnh, ngày tốt nghiệp là ngày cũng cố và tăng trưởng kiến thức, trí tuệ. Tất cả đều quan trọng, Tất cả dịp nầy y bát là quan trọng.

6/ Tôi xin được mạn phép có đề nghị: Lễ tốt nghiệp được tổ chức thật trang nghiêm, không những nhằm ghi nhận thành quả của quá trình nổ lực học tập, mà còn nhắm đến mục đích lớn lao hơn nữa, cao quý hơn nữa: là để đánh dấu một giai đoạn mới, với trách nhiệm mới, nặng nề hơn, cụ thể hơn trên con đường tu dưỡng và hoằng Pháp sắp đến “Trên cầu đạo Bồ Đề, dưới phổ độ chúng sinh” - Con đường rất khó khăn đầy gian khổ, rất nhiều nghịch cảnh trong bối cảnh xã hội tiêu thụ-hưởng thụ tối đa hiện nay.

Trong buổi lễ, các Thầy vận y truyền thống theo hệ phái, không đội mũ, chỉ cần đeo thêm huy hiệu hay vật biểu trưng của ngày lễ tốt nghiệp.

Trên đây là những suy nghĩ xuất phát từ tấm lòng thành kính vô hạn đối với Tam Bảo, xuất phát từ tình cảm ngưỡng mộ, kính trọng vô hạn đối với hình bóng nhà Sư Phật giáo, giản dị mà trang nghiêm, từ bị, thoát tục mà hiện thế đời thường.

Nếu những suy nghĩ nông nổi của tôi trên đây, có điều gì sơ xuất, mộ phạm xin các Thầy hoan hỷ xá tội và bỏ qua.

TP.HCM, 16/9/2009
Nguyên Nghĩa
(Giác Ngộ)

Bài liên hệ:
Chiếc Áo,Cao Huy Thuần

09-23-2009 04:55:21

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2018(Xem: 7765)
Khóa tu mùa Hè Hoa Phượng Đỏ tại Tu viện Khánh An vào đầu tháng 7 đã qua nhưng đọng lại trong tôi dấu ấn cảm xúc vì rất nhiều hoạt động ý nghĩa làm sân chơi rất lành mạnh cho trẻ vừa học tập vừa rèn luyện. Cho con đi xong khóa hè về lòng nhẹ nhỏm đi rất nhiều vì những thay đổi rất tích cực của con mà đáng nói hơn là cảm xúc của chính bản thân tôi cũng được cơ hội gột rửa những phiền muộn khi tham gia Đêm Thắp Nến tri ân với nhiều ý nghĩa. TT Thích Trí Chơn đã cho các em giây phút trang nghiêm thanh tịnh dâng ngọn đèn cầu nguyện lên Tam Bảo. Giọng trầm ấm của Thầy đã dẫn đại chúng vào lời kinh thiêng trầm hùng, thanh thoát.
20/07/2018(Xem: 13699)
Vào tháng 10, mùa đông, nhằm tiết đại hàn, giá lạnh, vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) nói với các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (1)
19/07/2018(Xem: 7184)
“Thử Đề Nghị Một Phương Thức Kết Hợp Những Người Con Phật Trong Nhiều Chi Nhánh Phật Giáo Việt Nam Cùng Sinh Hoạt Với Nhau” là một đề tài tế nhị, khó nói, và nói ra cũng rất khó tìm được sự đồng thuận của hầu hết chư Tôn Đức và đồng bào Phật tử hiện đang sinh hoạt trong nhiều chi nhánh Phật Giáo Việt Nam. Đề tài này hàm ngụ hai lãnh vực nội dung và hình thức sinh hoạt, và bao gồm ba hình thái tổ chức là các Giáo Hội Phật Giáo, các Hội Cư Sĩ, và các hệ thống Gia Đình Phật Tử.
19/07/2018(Xem: 4451)
Không hiểu từ lúc nào mà tôi đã tập được thói quen công phu mỗi ngày hơn một tiếng đồng hồ và dành thời gian tương tự cho việc lướt qua các trang mạng phật giáo để chọn lựa những bài thật bổ ích cho cái trí óc còn non kém của mình, hầu học hỏi thêm dù biết rằng kiến thức đó phải được tư duy và trải nghiệm . Và tôi rất hài lòng về thói quen này vì đần dần tự nhiên giống như tôi được khích lệ và ngày nào tôi cũng cảm nhận được cái không gian êm dịu đã ghé vào thăm cuộc đời tôi và cứ như thế tôi trôi theo dòng chảy của cuộc đời dù không phải là thuận duyên lắm, do vậy con cái tôi thường nói đùa rằng " Mẹ không thể nào trầm cảm được đâu "
18/07/2018(Xem: 6432)
Trong tất cả vũ trụ pháp giới thì cái gì là sáng nhất? Chỉ có thể là trí huệ là ngọn đèn sáng nhất soi sáng sự tối tăm mê mờ của vô minh, phá tan xiềng xích của sự buộc ràng thân tâm. Trí huệ mang tới cho hành giả một sự minh triết sáng suốt, là gươm báu chém đứt tham, sân, si nơi cõi lòng của tam độc gây bởi tạo nghiệp vô minh. Chỉ có trí huệ rõ biết hết thảy những vô thường sinh tử luân hồi, để từ đó xa lìa sự đắm nhiễm tâm trần nơi cõi thế. Và giúp cho hành giả tu tập tìm về sự giải thoát khỏi mọi sự phiền não, khổ đau của kiếp sống vô thường.
17/07/2018(Xem: 5411)
Ông Thắng và bà Loan cưới nhau đã được bốn mươi năm. Năm nay ông được bảy mươi hai tuổi và bà Loan được bảy mươi. Thời thanh xuân ông bà đã trải qua với nhau một mối tình thơ mộng, đã tranh đấu chết sống với gia đình hai bên để vượt qua vấn đề môn đăng hộ đối. Cuối cùng được sự nhượng bộ của gia đình, một đám cưới tươm tất đã được diễn ra trong niềm hân hoan tột cùng của cô dâu, chú rể.
17/07/2018(Xem: 6077)
PERRIS, California (VB) – Chùa Hương Sen hôm cuối tuần Thứ Bảy ngày 14/07/2018 đã nhận một món quà tặng quý giá: 120 thùng sách Phật học. Đó là toàn bộ thư viện Phật học của Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả lưu giữ trong nhiều thập niên tu học, hoạt động.
16/07/2018(Xem: 6222)
Hành giả tu pháp môn Tịnh Độ đều biết có bốn pháp niệm Phật tiêu biểu là: Thực Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật và Trì Danh Niệm Phật. Trong bốn pháp quán này, Trì Danh Niệm Phật thường được số đông hành giả chọn để hành trì vì phương thức tương đối đơn giản hơn. Đây cũng chỉ là quan điểm của đại chúng. Phật thuyết nhất âm, chúng sanh tùy loài giải. Pháp như thế, Phật chỉ dạy như thế, chúng sanh tùy căn cơ mà hành, mà giải.
14/07/2018(Xem: 8899)
Sau 2 năm hoạt động độc lập, LAN vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chương trình Phật pháp, cùng với đó là quỹ cộng đồng ý nghĩa mang tên Phụng Sự - Đóng góp xây dựng Chùa, tạc tượng và giúp người nghèo khó. Được lời mời từ Mỹ vào tháng 7/2017 vừa qua LAN đã đi qua các tiểu bang CA, Virginia, Marry Land, Philadelphia, Indianapolis..vv để thực hiện phim tư liệu cho các Chùa cùng phóng sự về khóa tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần 7 ở San Diego
13/07/2018(Xem: 7582)
Sống ở đời người ta hay xem trọng sắc diện, dáng vẻ bề ngoài. Thói thường người phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, hay một nam tử tốt tướng "đẹp trai" diện đúng mốt thời trang... vẫn thu hút được sự chú ý của người xung quanh; ngược lại người có nét mặt buồn rầu u tối, ăn mặc xốc xếch... đi đến đâu cũng thường hay chịu thiệt thòi, dù không bị dè bỉu khinh thường ra mặt nhưng họ không được mọi người thực tâm ưu ái dành cho một chỗ đứng trang trọng, ngay trong giây phút gặp gỡ đầu tiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]