Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cái Đêm Hôm Ấy Nhớ Hoài

02/11/201406:52(Xem: 6440)
Cái Đêm Hôm Ấy Nhớ Hoài

Phat tu thuy dien

 






      Đêm hôm đó là một đêm trời mưa. Mưa dai ẳng như tình quê xứ Huế, nhưng không phải Huế. Mưa đang rơi trong trời đêm Thụy Sĩ. Càng về khuya, mưa rơi càng nặng hạt. Vạn vật im lìm đứng lặng trong đêm. Thời gian nhẹ trôi. Không gian yên vắng. Tất cả đang chìm vào tĩnh mịch giữa đêm khuya. Mọi nhà hàng xóm đều tắt đèn yên nghỉ. Không còn một tiếng động dù nhỏ nào, ngoài tiếng mưa rơi rả rích lẫn với tiếng tâm tình rù rì của anh em Gia Đình Phật Tử Trí Thủ chúng tôi ngồi quây quần bên nhau trên căn gác xếp nhà anh Khá.

Nói là căn gác xếp nghe cho đỡ thảm não một chút, chứ thật ra đó là tầng sát trần nhà, người Thụy Sĩ xây dùng chứa đồ cũ. Đứng bên dưới nhìn lên chỉ thấy một ô vuông như cánh cửa với cái móc để kéo chiếc cầu thang xuống. Căn gác hầu như ít ai lên đó nên bụi bặm, mùi ẩm mốc, thêm bóng đèn hiu hắt vàng úa, mới bước chân lên tưởng như  nhà ma hay địa ngục vậy. Thế nhưng đối với anh em Gia Đình Phật Tử (GĐPT) chúng tôi lúc bấy giờ tùy duyên biến nó thành…thiên đàng, vô cùng lý tưởng cho chúng tôi tổ chức “lửa trại„

     Số là mùa hè năm đó, mùa hè tại Thụy Sĩ rất hà tiện, đến rất nhanh và biến cũng rất mau. Thiên hạ khao khát nắng ấm như hạn hán mong mưa. Mùa hè sẽ là cơ hội cho biết bao người sinh hoạt ngoài trời, cắm trại, picnic, đua xe đạp, đi dạo, tắm nắng…Anh em GĐPT không ngoại lệ. Năm nào cũng thế, nhằm vào cuối tuần, khi mọi người thảnh thơi, chúng tôi cố thu xếp thời gian tụ họp quây quần bên nhau thưởng thức những ngày rực rỡ. Thế nhưng, năm đó, trời đã phụ lòng người. Nơi bìa rừng gần thành phố Olten, từng hàng thông xếp lớp chằng chịt, một con lạch nhỏ nước trong vắt quanh co uốn mình theo ven rừng đá sỏi; anh em đang lui cui, kẻ dựng lều, người lập bếp. Có anh còn chịu khó loay hoay “xây“ một nhà vệ sinh dã chiến nữa…Nhà vệ sinh này, nghe anh khoe thành tích, không cần nghiên cứu tìm tòi, tình cờ tìm thấy ở siêu thị. Nó bằng nhựa, có nắp đậy, có thùng chứa, cao tầm một người ngồi….Bây giờ, anh chỉ cần phênh lá bọc xung quanh như kiểu nhà vệ sinh ở thôn quê VN, “tân cổ giao duyên„ Âu Á hòa hợp đoàn kết gắn bó để phục vụ anh em GĐPT chúng tôi sao cho thật hữu hiệu...Nhưng, mưu sự tại anh thành sự do thiên. Anh đang phác họa một kiến trúc, ngắm nghía chọn “phong thủy„ thế nào để cửa ra vào của WC đừng “chiếu tướng„ vào chỗ ở của anh em hay nhà bếp của các cô, trái lại, khi anh em “hành sự„ còn lãng mạn ngắm cảnh cây rừng, nghe chim ríu rít chuyền cành, biết đâu gặp người có tâm hồn thi sĩ sẽ nhã được thơ…thì bỗng dưng trời lại đổi màu, đang sáng rực, tươi vui, mây đen ùn ùn kéo đến rồi trời đổ cơn mưa. Ban đầu chỉ là những giọt lất phất, sau càng lúc càng nặng hạt.      Chúng tôi được lệnh tháo trại, ba chân bốn cẳng thu dọn nhanh chiến trường, thoát về căn gác nhà anh Khá.

 

   Căn gác tuy bừa bãi luộm thuộm, nhà kho mà, nhưng khá rộng. Rồi với sức thanh niên “ Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên„ thế là chỉ trong chốc lát, chúng tôi đã có một căn phòng thơm tho tươm tất.

Nhân đây, cũng xin giới thiệu sơ về lực lượng đoàn sinh  anh em GĐPT lúc đó. Đa số là thành phần tị nạn mới qua. Trước cuộc sống mới đầy lạ lẫm bỡ ngỡ, nhất là hụt hẫng về tinh thần khi xa cách người thân, anh em đã nương vào tình thương của GĐPT, lấy GĐPT làm gia đình mình. Xem anh em trong gia đình làm người cật ruột. Những bữa cơm quây quần bên nhau ấm cúng, những ngày sinh hoạt học đạo, văn nghệ, vui đùa…cứ thế tình thân càng lúc càng khắn khít. Các anh chị huynh trưởng thương yêu tận tình lo lắng cho các em, dẫn dắt như cha mẹ chăm lo con cái. Rồi những buổi cắm trại sinh hoạt ngoài trời sống với thiên nhiên vào những mùa hè của Thụy Sĩ, tạo không khí thân tình cởi mở, để lòng ai nấy mở ra đón nhận tình thương và để hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên núi non hùng vĩ, rừng thông vi vu và suối reo róc rách. Thế nhưng năm đó xui xẻo làm sao, cơn mưa không mời mà đến. Dự báo thời tiết đôi khi cũng trêu ngươi. Cũng...vô thường không lường trước được, nhưng nhờ thế, để lại cho anh em chúng tôi những dấu ấn in sâu trong lòng, đánh dấu một kỷ niệm “Cái Đêm Hôm Ấy Nhớ Hoài„ lưu lại trong tâm khảm mọi người chẳng bao giờ phai.

   Vâng, tôi nhớ rõ lắm. Trên căn gác xếp nhà anh Khá, không còn cơ hội để từng đoàn thi đua nấu ăn, thi đua văn nghệ, sinh hoạt... Mọi chương trình đều đình chỉ, thay đổi để chỉ ngồi xếp bằng quây quần bên nhau thiền định, tán gẫu, tâm tình, kể cho nhau nghe những kinh nghiệm sống, những câu chuyện đạo…trong khi chị Huệ, chị Thông đang lui cui dưới bếp cặm cụi chăm sóc nồi cà ri bánh mì, hy sinh thời gian của mình để phục vụ bữa ăn ngon cho 45 người khác.

   Đêm đến, một chương trình “lửa trại„ đột xuất không chuẩn bị nhưng vô cùng độc đáo. Những điều bất ngờ đôi khi cũng đem lại những thú vị không tưởng. Ba cây đèn cầy lớn làm tâm điểm cho chúng tôi hướng về. Trong cái mông lung mờ ảo của ánh lửa, trong cái không khí ấm cúng của căn gác; bên ngoài tiếng mưa vẫn thánh thót rơi như đánh nhịp cho không gian thêm linh động, thêm lãng mạn…

   Xen với các tiết mục cây nhà lá vườn, hát ca, múa, kịch và những nụ cười nổ dòn xé màn đêm tĩnh lặng - (Vui nhất là màn Hữu “triển lãm„ nhà vệ sinh. Anh làm như đó là công trình vĩ đại do anh khám phá. Anh biểu diễn tứ phía như ảo thuật gia, hãnh diện giới thiệu sự tiện lợi của chiếc nhà cầu dã chiến và hy vọng sẽ được sử dụng trong lần kế tiếp. Có người hỏi anh có nhận được đồng nào của công ty sản xuất không, mà anh quảng cáo nhiệt tình quá vậy.) - là cảm tưởng của các đoàn sinh. Các em còn rất trẻ, đa số tuổi đời vừa đôi mươi. Lần đầu tiên được nói chuyện trước đám đông, được trình bày tâm ý của riêng mình, như đứng trước vành móng ngựa, các em run run ngập ngừng bỡ ngỡ:

- Thưa các anh chị. Em xin tự giới thiệu, em tên Phong. Năm nay em vừa 19 tuổi. Tới Thụy Sĩ được một năm. Vào sinh hoạt với anh em GĐPT được 6 tháng. Thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng đủ cho em thấy tình thương của các anh chị và các bạn dành cho em trong những ngày chân ướt chân ráo nơi xứ lạ quê người. Tình cảm đó sưởi ấm lòng em, em thấy tự tin hơn, mạnh dạn hơn và không còn cái cảm giác sợ hãi để mạnh tiến vào đời.

   Phong nói bằng tiếng lòng chân thành phát xuất từ trái tim. Giọng em run run xúc động. Rồi cứ thế, lần lượt từng em khác...Có em chỉ tóm tắt vài chữ “Em thương các anh chị và các bạn nhưng em...em...không...biết...diễn tả...làm sao!”. Em đã diễn tả rồi đấy. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng nói lên tình cảm chân thành trong em.

   Cuối cùng để kết thúc đêm “lửa trại” khi kim đồng hồ chỉ đúng 2 giờ sáng, bác gia trưởng, người lớn tuổi nhất, nói lên cảm tưởng của mình:

- Thưa các bạn, bây giờ đêm đã khuya. Trong ánh lửa lập lòe hiu hắt từ những ngọn nến, trong không khí ấm cúng thân tình của chúng ta, gợi cho tôi nhớ đến cuộc kháng chiến của Lê Lợi, vị anh hùng áo vải đất Lam Sơn, cũng trong đêm khuya khoắt thế này, cùng các nghĩa sĩ quây quần bên nhau để bàn chuyện cứu nước. Họ chỉ là những thảo dân chơn chất mộc mạc, nhưng biết đau cái đau của dân tộc, biết cảm nỗi khổ của toàn dân. Họ hẹn nhau tại rừng Chí Linh âm thầm bàn chuyện đại sự. Hình ảnh đó, khung cảnh đó, làm tôi liên tưởng đến chúng ta hôm nay. Tuy sự việc khác nhau, nhưng cùng chung mục đích: Mong an vui hạnh phúc đến cho mình và cho người. Vâng, chúng ta chỉ là những người con Phật, cũng chơn chất mộc mạc, cùng chung chí nguyện mới tìm đến nhau và ngồi bên nhau. Với bản chất từ bi của người Phật tử, chúng ta cũng ao ước, mong mỏi không riêng cho chúng ta mà tất cả chúng sinh trên cõi đời này được sống thanh bình an lạc. Muốn được thế, không chỉ riêng chính chúng ta phải cố tìm tòi học hỏi giáo lý của đức Phật để áp dụng vào cuộc sống của chúng ta mà còn biết làm thế nào hỗ trợ đạo để Phật giáo trường tồn đem an lạc cho người khác nữa. Vì đạo Phật là đạo của dân tộc và là đạo ban vui cưú khổ, đồng hành theo sự thạnh suy cùng dân tộc, gắn liền với vận mệnh của đất nước  như hình với bóng suốt chiều dài lịch sử, từng vượt qua những giai đoạn khó khăn gian truân để ghi vào trang sử Phật giáo một thời vẽ vang oanh liệt. Đạo Phật còn thì đất nước sẽ còn.

   Ngày xưa đức Trần Nhân Tông, một vị vua đời nhà Trần, vốn có tâm Phật, lòng từ có thừa, nhưng khi nước nhà nguy biến vẫn khoác chiến bào đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ non sông. Sau ngài xuất gia, trở thành thiền sư tu trên núi Yên Tử.

   Đạo Phật không tiêu cực, trái lại, đó là đạo tích cực. Tích cực đem lại hạnh phúc an vui cho mọi người. Nhìn vào lịch sử thời Lý, Trần...Phật giáo đã góp phần một cách vẽ vang trong việc trị quốc và cứu quốc. Lấy đạo đức của đạo Phật làm cương lĩnh điều hành quản trị Quốc gia đã đem lại cơm no áo ấm thanh bình cho toàn dân. Vì thế, chúng ta có bổn phận duy trì và phát huy giáo pháp của Đức Phật. Vui vẻ nhìn lại những điều đã tiếp nhận và hẹn cùng nhau sẽ hội tụ trong những dịp tương lai. Và tâm niệm rằng sự tu học cần thiết như hơi thở. Biển Phật pháp mênh mông chúng ta nguyện cùng nhau tiến bước trên đường tới giác ngộ và nhờ vào kiến thức thu nhận được, chúng ta hết lòng phục vụ tha nhân trong bất cứ trường hợp nào và ở đâu. Cùng phát triển tâm từ bi rộng lớn, sự phục vụ sẽ có kết quả cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chúc các bạn vui mạnh, hạnh phúc và thành công rực rỡ trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Xin gửi lời chúc sức khỏe đến bậc Trưởng Thượng của các bạn.

   Cám ơn các bạn!

   Những lời tâm huyết của bác gia trưởng như lời giáo huấn gởi đến anh em, để bây giờ sau gần 20 năm, trải biết bao gian nan trở ngại, kẻ còn người mất, kẻ đi người đến, GĐPT Thụy Sĩ vẫn đứng vững cho đến hôm nay. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ xưa như “tre già măng mọc„. Các em của ngày xưa, bây giờ vững vàng như đại thụ trong vai trò của người huynh trưởng hướng dẫn những người sau.Tiếp nối và tiếp nối không ngừng như giòng suối chảy nhẹ nhàng, róc rách trên ven đồi Thụy Sĩ.

   Kỷ niệm 20 năm đánh dấu sự hình thành và phát triển của GĐPT Thiện Trí (ghép tên từ hai gia đình Thiện Hoa - Trí Thủ) đã chứng minh điều đó. Và hôm nay, ngồi ghi lại những giòng này, gợi cho tôi nhớ nhiều những kỷ niệm khó phai. Và “Cái Đêm Hôm Đó Nhớ Hoài„ một đêm ghi đậm nhiều dấu ấn, như in vào, không những trong ký ức tôi, mà tôi còn khẳng định trong tâm khảm anh em, những người tham dự hôm đó,  khi nhắc lại, mọi người tự mỉm cười và tìm lại những thân thương êm đềm của ngày cũ.

   Thân chào các bạn.Và mến chúc các bạn Bồ Đề Tâm kiên cố, vững mạnh trên con đường lý tưởng mà các bạn đã chọn.

 

Trần Thị Nhật Hưng

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/03/2021(Xem: 4878)
Cách nay chừng vài tuần lễ tôi nhận được một phong thư dày gửi đi từ Thầy Thanh An ở Tích Lan, trong đó có quyển sách trên. Sách do nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2020, in loại bìa cứng mạ vàng rất trang nhã. Tất cả có 180 trang chữ nhỏ. Tác giả là một vị Hòa Thượng người Tích Lan đã ở Hoa Kỳ lâu năm, và dĩ nhiên là Hòa Thượng Gunaratana đã dịch và tham cứu từ bản tiếng Pali, vốn là những Kinh điển gốc của Phật Giáo Nam Truyền và Ngài đã viết cũng như bình chú bản kinh nầy bằng tiếng Anh nhan đề là: Meditation on Perception-Ten Healing Practices to Cultivate Mindfulness. Thầy Thanh An là một nghiên cứu sinh về Phật Giáo ở bậc Tiến Sĩ tại Đại Học Kelaniya, Tích Lan. Thầy Thanh An cho biết đây là tác phẩm đầu tay của Thầy ấy dịch từ Anh Văn ra Việt Văn.
11/03/2021(Xem: 4417)
Chính quyền Trung ương rất mong muốn quảng bá việc Nghiên cứu Phật giáo tại Ấn Độ, và đang chuẩn bị sẵn sàng một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về các trường Đại học Ấn Độ, cung cấp các chương trình Phật học. The University Grants Commission (UGC) đã gửi một Chỉ thị đến tất cả các trường học để cung cấp dữ liệu liên quan về các chương trình học liên quan đến Phật giáo. Điều này được cho là sẽ hồi sinh Ấn Độ, như một trung tâm nghiên cứu và truyền thống Phật giáo trên toàn thế giới.
10/03/2021(Xem: 7787)
Cư sĩ Quảng Hải Phan Trung Kiên sinh năm Nhâm Dần (1962) tại Phường Tân Thái, Quận 3, Đà Nẵng (nay là Phường Mân Thái), là người con thứ ba trong gia đình có 9 anh em (5 trai, 4 gái). Vượt biên cùng với Ba và 3 anh em trai vào tháng 6 năm 1981 và định cư đến Mỹ vào cuối tháng 3 năm 1982. Má và các em gái cùng em trai út vượt biên năm 1988 và cả gia đình sum họp tại Hoa Kỳ vào năm 1989.
09/03/2021(Xem: 4303)
Đài Bắc, Đài Loan: Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, trong một cuộc mít tinh đông đảo do Hiệp hội Phúc lợi Tây Tạng Đài Loan (在 台 藏人 福利 協會) và Mạng lưới Nhân quyền cho Tây Tạng, Đài Loan (西藏 台灣 人權 連線 會), hơn 34 tổ chức phi chính phủ từ khắp đất nước Đài Loan, đã cùng tham gia kỷ niệm 62 năm ngày tổng khởi nghĩa chống Tàu cộng xâm lăng 10/3/1959-10/3/2021. Cuộc mít tinh cũng đánh dấu kỷ niệm gần 70 năm ngày Ký kết Thỏa thuận 17 điểm giữa Tây Tạng và nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.
09/03/2021(Xem: 5126)
Cái gì là “Không thường cũng không đoạn”?Ý nghĩa “Không Thường” chính là tất cả sự vật không phải cố định vĩnh cữu bất biến, mà là thời khắc nào cũng bị biến đổi mãi mãi.Ý nghĩa “Không Đoạn” là chỉ trong chỗ biến đổi này chưa từng có dừng lại, cũng chính là chưa có phút giây nào “Gián Đoạn”.Giả sử như sự sự vật vật trong thế giới này đích thực có thật tại thì không cần phải phát sanh ra hiện tượng “Không”.Hôm qua có mà hôm nay không thì đây chính thuộc về “Đoạn”.Còn nếu như có vĩnh cữu thì đó chính thuộc về “Thường”.Thử hỏi thế giới hiện thật đây là “Đoạn” như thế nào và “Thường” như thế nào? Đúng ra sự sự vật vật trên thế giới đều là “Không, không phải thường cũng không phải đoạn”.
09/03/2021(Xem: 8670)
Anton đã nói với tôi rằng một người bạn nổi tiếng của ông một lần nọ đã lưu ý rằng hầu hết những nhà vật lý lượng tử liên hệ đến lãnh vực này thì ở trong phong thái tâm thần phân liệt. Khi họ ở trong phòng thí nghiệm và chơi đùa với mọi thứ, thì họ là những người thực tế. Họ nói về những quang tử (photon) và điện tử đi đây và đi đó. Tuy nhiên, lúc chuyển sang việc thảo luận triết lý, và hỏi họ về nền tảng của cơ học lượng tử, thì hầu hết sẽ nói rằng không có gì thật sự tồn tại mà không có cơ cấu nhận – định nó.
08/03/2021(Xem: 4097)
Dharamshala: Danh sách tham gia ngày càng tăng, bởi các nhà lãnh đạo thế giới đã được tiêm vaccine COVID-19, vào đầu giờ hành chính ngày 6 tháng 3 vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện Zonal, Dharamshala, H.P., Ấn Độ. Sau khi tiêm liều vaccine COVID-19, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi tất cả những người đủ điều kiện, đặc biệt là ‘bệnh nhân bị nhiễm covid-19’ hãy vì lợi ích chung cho xã hội, nhanh chóng đăng ký tiêm liều vaccine COVID-19. “Điều này rất quan trọng, vì vậy tôi đã thực hiện việc tiêm vaccine COVID-19, tôi muốn chia sẻ nhiều người nên đã can đảm để thực hiện tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện Zonal.
07/03/2021(Xem: 7263)
Huế, cố đô một thời, là thành phố nhỏ bé như vậy mà lại có nhiều chùa nhất so với các miền khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bởi, nơi đây có chiều dài lịch sử lập quốc của nhà Nguyễn từ khi người đầu tiên khai mở là Nguyễn Hoàng, muốn tránh sự sát hại của người anh rể là Trịnh Kiểm nên xin đi xa vào Nam để khai khẩn đất hoang theo sự vấn kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua câu phán: “ Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.“ Và, Chùa Thiên Mụ danh Tự có từ đó. Đứng đầu bảng trong 10 ngôi chùa nổi tiếng tại Huế.
07/03/2021(Xem: 4850)
“Ai thấy Pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy Pháp”. Đây là lời dạy của đức Phật dành cho tỷ-kheo Vakkali. Lời dạy này được ghi lại trong Kinh Tiểu Bộ và Kinh Tương Ưng; do Hòa thượng Minh Châu dịch từ tiếng Pàli sang tiếng Việt. Trước khi tìm hiểu lời dạy trên của đức Phật, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ngài Vakkali một chút.
06/03/2021(Xem: 4675)
Kính bạch Thầy nhân ngày phụ nữ sắp tới và còn trong tháng giêng, con chợt nghe bài hát này , nhớ đến trong bài pháp thoại Thầy kể về cụ bà Tâm Thái . Kính dâng bài thơ này đến Cụ Bà Tâm Thái và những bà mẹ từ thôn quê đến thị thành nhân ngày phụ nữ . Kính, HH Lễ hội 8/3 ngày phụ nữ bình đẳng ! Những bà mẹ quê ....từ sáng tinh mơ, Có khi nào nghĩ đến quyền lợi bao giờ. Sáng chiều vất vã hy sinh trong lặng lẽ !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]