Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Công Đức Của Việc Trì Kinh (bài viết của HT Thích Như Điển)

08/04/201313:10(Xem: 7633)
Công Đức Của Việc Trì Kinh (bài viết của HT Thích Như Điển)


ducphatthichca

Công Đức Của Việc Trì Kinh

Thích Như Điển

Nguồn: Trích đoạn thứ 15 trong Kinh Kim Cang để luận giải

Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh

Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước




Chữ:
“Tu Bồ Đề! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn sơ nhựt phần dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí; trung nhựt phần diệc dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí; hậu nhựt phần diệc dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí, như thị vô lượng bách thiên vạn ức kiếp dĩ thân bố thí. Nhược phục hữu nhơn văn thử kinh điển tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ; hà huống thơ tả, thọ trì đọc tụng, vi nhơn giải thuyết”.
Nghĩa:
“Nầy Tu Bồ Đề! Nếu có người con trai lành, người con gái tốt vào buổi sáng dùng thân nầy nhiều như số cát sông Hằng để bố thí; ở vào giữa ngày lại cũng dùng thân nầy nhiều như cát sông Hằng để bố thí và ở cuối ngày lại cũng dùng thân nầy nhiều như cát sông Hằng để bố thí, như vậy cả hằng trăm ngàn vạn ức kiếp đều dùng thân nầy để bố thí. Nếu có người nghe được kinh nầy tín tâm không nghịch thì phước nầy hơn kia, đó là chưa nói việc viết kinh, thọ trì hay đọc tụng và vì người khác giải thích, chỉ bày.”
Luận giải:
Ngài Tu Bồ Đề là bậc tu về giải không đệ nhứt mà chúng ta vẫn thường thấy Ngài hay xuất hiện trong Kinh Kim Cang. Đức Phật hay gọi Ngài để hỏi hay giảng nghĩa chỗ sâu xa nhất về ý nghĩa Không của Kinh nầy. Như đoạn kinh thứ 15 trong 32 đoạn kinh của Kinh Kim Cang mà chúng ta được biết như trên, dẫu cho một người dùng thân nầy tượng trưng cho hình tướng từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều cho đến vô lượng vô biên kiếp và nhiều như cát sông Hằng ở Ấn Độ đi nữa thì không bằng một người khi nghe được Kinh Kim Cang nầy mà có tín tâm không chống đối lại, thì phước của người có lòng tin vẫn hơn là phước của người dùng thân mình để bố thí.
Ở đây chúng ta thấy niềm tin là quan trọng, mà tin như thế nào khi nghe Kinh? Làm sao để đừng nghịch lại lời dạy của Đức Phật? Đây không phải là việc đơn giản. Vì lẽ khi tin Phật hay tin Kinh thì phải hiểu Phật và hiểu Kinh. Vì khi hiểu Kinh và hiểu Phật tức là hiểu pháp; hoặc ngược lại khi hiểu pháp rồi thì sẽ hiểu Phật và hiểu Kinh. Niềm tin ấy bất hoại và chính từ niềm tin sâu xa ấy sẽ tạo ra công đức không thể nghĩ bàn được. Chúng ta tin vào Phật phải tin vào pháp và phải tin vào Tăng, tin vào Kinh, tin vào nhân quả. Tất cả những việc nầy đều tạo chúng ta có một sức mạnh tự thân khi muốn diễn đạt tư tưởng của mình trong sự có không của cuộc đời vốn đầy mộng ảo nầy. Có như vậy mới gọi là bất nghịch. Bất nghịch ở đây có nghĩa là không nghi ngờ. Một niềm tin nhân quả mà còn nghi ngờ thì không gọi là một niềm tin trọn vẹn được. Chỉ chừng ấy việc thôi mà phước nầy có được nhiều hơn phước đức của người đem thân cúng dường suốt ngày và trong nhiều kiếp như thế.
Đó là chưa kể đến những người chép Kinh, in Kinh ấn tống, những người giữ gìn, đọc tụng và vì người khác mà diễn nói cho họ nghe nghĩa lý của Kinh nầy thì phước của những người sau nầy nhiều hơn phước của những người cúng dường thân mình nhiều lắm. Những ai chép Kinh hay những ai vì kẻ khác mà phát tâm ấn tống Kinh. Điều nầy đã là một công đức làm lợi lạc cho mọi người và sự lợi lạc ấy càng ngày càng nhiều thêm lên, nên công đức nầy không nhỏ. Ngoài ra những kẻ không biết đọc tụng mà chỉ cung kính giữ gìn thờ tự Kinh Điển thì công đức của người nầy cũng hơn người cúng dường thân kia. Vì sao vậy? Vì Kinh Điển còn tồn tại ở thế gian tức việc xấu ít dám hiển bày, khiến cho thế gian được an ổn vậy. Có nhiều người sau khi đọc tụng Kinh nầy rồi, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa huyền nhiệm của Kinh, đem ra diễn nói giải thích cho người khác được nghe, hiểu và hành trì thì công đức của người nầy cũng lại hơn kia.
Chữ:
“Tu Bồ Đề! Dĩ yếu ngôn chi thị Kinh hữu bất khả tư nghì, bất khả xưng lượng, vô biên công đức. Như Lai vi phát Đại Thừa giả thuyết. Vi phát tối thượng thừa giả thuyết. Nhược hữu nhơn năng thọ trì độc tụng, quảng vi nhơn thuyết. Như Lai tất tri thị nhơn, tất kiến thị nhơn, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả xưng, vô hữu biên, bất khả tư nghì công đức.
Nghĩa:
“Tu Bồ Đề! Dùng lời chính để nói thì Kinh nầy thật bất tư nghì khó thể xưng đếm, công đức vô cùng. Như Lai vì kẻ phát tâm Đại Thừa mà nói. Như Lai vì kẻ phát tâm tối thượng thừa mà nói. Nếu có người hay thọ trì, đọc tụng, rộng vì người khác nói. Như Lai tất rõ biết người nầy, tất thấy người nầy sẽ được thành tựu, chẳng thể lường, chẳng thể xưng, không có ngằn mé, công đức bất khả tư nghì như thế.
Luận giải:
Chữ bất khả tư nghì chúng ta thường thấy nơi Kinh Phật. Ý chính dùng để diễn tả những việc gì không thể nói hết được ý và được lời; nên Phật đã dùng chữ nầy để biểu hiện đồng với chữ “hằng hà sa số” cũng như thế. Cái gì mà nhiều không tính được, không đếm được Đức Phật hay dùng cát của sông Hằng để ví dụ. Kinh nầy là một loại Kinh tạo ra rất nhiều công đức. Vì vậy đức Như Lai đã vì những kẻ phát tâm Đại Thừa mà nói ra. Thế nào là tâm đại thừa? tâm ấy như đại đại, rộng rãi như hư không, không có biên giới giới hạn; nên Phật gọi đây là một công đức lớn, không có gì sánh bằng là vậy. Đức Phật cũng đã vì những kẻ tu học tối thượng thừa mà nói kinh nầy. Vì lẽ kinh nầy sẽ dẫn hành giả đến chỗ bến bờ tuyệt đối, không còn phân biệt bỉ thử, nhân ngã nữa.
Nếu có người nào đó hay thọ trì đọc tụng kinh nầy, lại vì người khác mà nói cho họ rõ biết về tánh không của Kinh, phải đứng trên lập luận vô tướng pháp môn để thành tựu và không trụ vào đâu cả để sinh tâm v.v… thì những người như vậy Đức Như Lai đã rõ biết và chứng nhận cho người nầy đã thành tựu các pháp tu, mà pháp tu ấy có một công đức vô lượng vô biên, không có gì có thể sánh được.
Chữ:
“Như thị nhơn đẳng, tức vi hà đảm Như Lai A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Nhược lạc tiểu pháp giả; trước ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Tức ư thử kinh bất năng thính thọ, đọc tụng vi nhơn giải thuyết.”
Nghĩa:
“Những người như thế, tức hay gánh vác việc vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai. Vì sao vậy? nầy Tu Bồ Đề! Nếu kể vui với pháp nhỏ thì chấp vào cái thấy của ta, cái thấy của người, cái thấy của chúng sanh, cái thấy của thọ giả. Những kẻ như thế không thể nghe được kinh nầy và đọc tụng và vì người khác mà giải thích”.
Luận giải:
Những người như thế tức là những người có công đức mới có thể gánh vác được việc của Như Lai. Việc ấy rất cao cả. Đó chính là chỗ đến của các bậc Như Lai. Còn nếu kẻ nào chỉ chấp trước vào việc của mình làm, việc thấy nghe kẻ khác và chấp vào việc của chúng sanh, mà cho rằng mình đúng, thì kẻ ấy chỉ vui với những pháp nhỏ, làm sao có thể gánh vác được việc của Như Lai. Việc của Như Lai là việc không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Nên không phải là ai cũng có thể gánh vác được. Những kẻ có tâm vui với pháp nhỏ thì không thể nghe hiểu cũng như trì tụng và vì người khác mà giải nói kinh nầy được.”
Chữ:
“Tu Bồ Đề! Tại tại xứ xứ, nhược hữu thử kinh nhất thiết thế gian thiên nhơn A-tu-la, sở ưng cúng dường đương tại thử xứ, tức vi thị pháp, giai ưng cung kính, tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương nhi tán kỳ xứ.”
Nghĩa:
“Nầy Tu Bồ Đề! Ở tại khắp nơi, nếu có kinh nầy, tất cả thế gian Trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường; hãy biết rằng ở nơi đó, chính là những ngôi tháp, đều nên cung kính, làm lễ đi nhiễu chung quanh và dùng hoa hương tán thán nơi ấy.”

Luận giải:
Như vậy nơi đâu có kinh Kim Cang Bát Nhã mà có người trì tụng, giải nói cho người khác nghe, thì cả những chư Thiên, chư Tiên, các vị vua cõi trời Đế Thích trong lục dục Thiên; hay ở cõi sắc giới và vô sắc giới cùng với A-tu-la đều đến cúng dường người đó, nơi đó. Vì lẽ chính nơi truyền bá tư tưởng không ấy, chính là những ngôi tháp thờ Xá Lợi của Đức Phật. Mặc dầu ngày nay Đức Phật không còn hiện hữu trong nhân gian nữa; nhưng những lời dạy của Ngài cũng giống như những bảo tháp thờ Xá Lợi vậy. Do những điểm quan trọng nầy mà chúng ta nên cung kính cúng dường, làm lễ đi nhiễu quanh tháp nhiều lần và dùng hoa hương thanh thịnh để tán thán nơi có Kinh Kim Cang Bát Nhã nầy.

Những lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng rất sâu sắc ấy mãi cho đến những ngày sau cả mấy ngàn năm chúng ta vẫn thấy có nhiều người hành trì như việc in Kinh ấn tống cúng dường; thờ Kinh nơi chỗ trang nghiêm rồi các vị pháp sư liên tục diễn giải ý nghĩa thậm thâm của những Kinh Điển Đại Thừa; trong đó có kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật nầy. Ngoài ra để thể hiện sự cung kính ấy, người Phật Tử thường hay tham gia những pháp hội, những khóa huân tu niệm Phật hay thiền tọa; hoặc hành hương xứ Phật chốn Tổ để đi nhiễu tháp, mua hương thơm, đèn, nến để cúng dường. Vì những người Phật Tử khi lễ bái cầu nguyện như vậy, họ xem Phật như còn tại thế.

Hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát và hương tri kiến là năm phần hương thanh cao ngào ngạt mà cư sĩ cũng như tu sĩ khi hành trì, quyết giữ phẩm hạnh và giới đức của mình cho thanh tịnh trong sạch để dâng lên Đức Như Lai. Đấy chính là một hành động thiết thực mà người tu Phật không được phép lơ là. Đôi khi chúng ta muốn tạo phước chớ ít muốn tạo đức. Nhưng như trước chúng ta đã thấy ở đoạn kinh nầy, người lấy thân cúng dường là có phước; nhưng phước nầy không thể sánh được với người trì tụng kinh nầy cũng như in kinh cúng dường và vì người khác giải nói. Chính những việc nầy mới sinh ra Đức.

Phước giống như cây đèn cầy. Còn đức giống như ngọn đèn sáng. Cây đèn cầy dù lớn đến đâu đi chăng nữa, nếu chúng ta đốt liên tục trong nhiều ngày, cây đèn cầy ấy sẽ hết. Còn cái đức ấy vốn vô hình; giống như ngọn đèn sáng, có đó rồi mất đó. Nhưng nếu ta đem cái sáng ấy giống như sự trì tụng và hiểu biết kinh điển kia đem truyền lại cho người khác thì cái sáng nầy sẽ miên viễn không dứt tuyệt mà cái đức lại sanh ra càng ngày càng nhiều hơn nữa.
Chư Thiên là những bậc cao cả hay phát nguyện hộ trì cho những ai giữ gìn chánh pháp và làm cho cái đức ấy được lâu bền. Cho nên những người cư sĩ tại gia hay những người xuất gia; nơi nào có tụng kinh thường xuyên; nơi nào có in kinh ấn tống; nơi nào có người diễn nói pháp màu của chư Phật v.v… những nơi như thế luôn luôn được thịnh hành. Vì các vị hộ pháp và chư Thiên che chở, phát nguyện hộ trì. Ngược lại những nơi nào không làm những việc như thế thì thiếu sự cúng dường của loài người, chứ đừng nói đến chư Thiên hoặc các vị Thiện thần. Vì lẽ các Ngài chỉ hộ trì người nào và nơi nào có mục đích làm cho chánh pháp được cửu trụ nơi cõi Ta Bà nầy.

Như vậy việc tụng kinh, niệm Phật, hành thiền, lễ bái, cầu nguyện, nhiễu tháp, hành hương chiêm bái Phật tích, góp tịnh tài in kinh ấn tống cúng dường, khuyên người khác đi chùa lễ Phật và giảng nói cho họ nghe về những tinh túy của Phật pháp v.v… chính đây là những người làm việc lớn, có thể gánh vác được việc trọng đại của Chư Phật trong ba đời để thành được vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Trong thời mạt pháp, mọi vật có hình tướng đều khó thể tồn tại ở thế gian nầy; ngoại trừ giáo pháp là những lời dạy của Đức Phật sẽ còn tồn tại. Thật đúng như thế, khi mà Phật không còn tại thế nữa, Tăng không còn hành đạo nữa. Lúc ấy kinh điển là điều quan trọng. Cho nên kể từ ngay bây giờ sau khi đọc đến công đức của việc trì kinh trong Kinh Kim Cang nầy chúng ta nên tùy thuận mọi Phật sự như đức Thế Tôn đã dạy bên trên để giáo pháp của Ngài vẫn luôn luôn tồn tại nơi cõi Ta Bà nầy.

Viết xong ngày mùng 6 tháng 12 năm Đinh Hợi tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ là ngày Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề nhằm ngày 15 tháng giêng năm 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/11/2020(Xem: 8210)
LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ NHẠC “LỐI VỀ SEN NỞ” TỪ THƠ CỦA THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng Nhị vàng bông trắng lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. (Ca dao Việt Nam)
04/11/2020(Xem: 5431)
Trước màn hình computer, lướt qua hàng loạt hình ảnh ngập tràn cảm xúc giữa nạn nhân bão lũ, các đoàn từ thiện của chư Tăng ni và quần chúng tự phát. Với cái sống và chết đang đe dọa trong vùng thiên tai, thế mà bao tấm lòng phương xa miền Nam vẫn can đảm ngập lặng trong nước, chìm đắm trong mưa và gió lạnh, để đến trao tận tay những phần quà tình nghĩa. Ca sĩ Thủy Tiên quên cả ăn, uống vội hộp sữa cho qua cơn đói. Tô mì ăn liền nóng hổi cũng tranh thủ dưới vành nón che mưa, hình ảnh đẹp hơn cả khi bảnh bao dưới ánh đèn màu trên sân khấu; ôi, cái đẹp tuyệt trần tình người mà bao lâu Thủy Tiên đã thấm đượm tinh thần từ bi nơi cửa Phật.
04/11/2020(Xem: 5305)
Ở trong một ngôi nhà do nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc xây dựng gần thủ đô Lhasa của Tây Tạng, một trong những thành phố cao nhất thế giới, anh Sunnamdanba một cư dân nói với các nhà báo nước ngoài, trong một chuyến du lịch do chính phủ tài trợ về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cải thiện đời sống đến mức nào, và tôn giáo đã trở nên không liên quan.
03/11/2020(Xem: 4755)
Phước Hoa Mây Vẫn Trắng Cỏ Cây Lá Vẫn Xanh Ngàn Năm Hương Sen Tỏa Vườn Ươm Mộng Pháp Lành
03/11/2020(Xem: 6036)
Trong những năm tháng còn theo đuổi thú sưu tầm Tem & “Vật phẩm bưu chính” (phong bì FDC ngày phát hành đầu tiên, bì thư thực gửi, bưu ảnh...) về đề tài “Phật giáo”, tôi hữu duyên gặp và sở hữu được một bưu ảnh (postcard) không dán tem ,cũng như không có dấu nhật ấn của bưu điện, giá trị không cao không quý gì mấy đối với những người chuyên sưu tập tem thư, nhưng với tôi thì tôi cho là... vô giá.
03/11/2020(Xem: 5467)
Viện Đại học Phật giáo Viên (원불교대학원대학교, Won Buddhism Graduate School), một cơ sở giáo dục dựa trên tinh thần sáng lập của tông phái Phật giáo Viên (원불교), Hàn Quốc, nhằm mục đích đào tạo các cán bộ giảng dạy Phật giáo Viên. Viện Đại học Phật giáo Viên đủ điều kiện để nhận những sinh viên có bằng Cử nhân tại các Đại học Wonkwang, Đại học Younsan Sunhak. . . Đây là một trường Đại học được thành lập như một nơi để đào tạo trình độ Thạc sĩ tại Viện Đại học Phật giáo Viên.
02/11/2020(Xem: 6445)
Dù Đức Phật đã là một bậc Vô thượng chánh đẳng giác, nhưng Ngài cũng là một con người như bao nhiêu người khác nên không tránh khỏi nạn sanh lão bệnh tử trong đời này. Là một vị Sa-môn khiêm tốn, Đức Phật đã chọn nơi nhập diệt của mình ở một làng mạc xa xôi hẻo lánh, đó là làng Kushinagar, nơi có liên hệ mật thiết đến cuộc đời tu hành của Ngài trong một kiếp xa xưa. Tuy đã chuẩn bị như thế, nhưng những ngày tháng cuối cùng của Ngài vẫn là những ngày tháng làm việc không ngừng nghỉ. Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng Đức Phật không ngần ngại đi bộ trên những con đường chập chùng xa tắp, lên đèo xuống dốc, băng rừng vượt suối...
02/11/2020(Xem: 6311)
Hằng năm những người con Phật khắp nơi trên thế giới đều làm lễ cúng vía đức Bồ tát Quán Thế Âm thật trang nghiêm vào các ngày âm lịch: - Ngày 19/02 kỷ niệm ngày Bồ tát Quán thế Âm đản sinh. - Ngày 19/06 kỷ niệm ngày Bồ tát Quán thế Âm thành đạo. - Ngày 19/09 kỷ niệm ngày Bồ tát Quán thế Âm xuất gia. Vào Triều Lý tôn Phật giáo Quốc đạo, dùng chủ nghĩa: Từ Bi hiện thực, lý tưởng Bồ tát đạo làm kim chỉ nam, Quốc sách An dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực:
02/11/2020(Xem: 5221)
Trong các đề tài trước, chúng ta đã thảo luận về bản đồ của các Phật tử ở Jepara, tỉnh Java, Indonesia. Tuy nhiên, những Phật tử “tồn tại” (ada) ở jepar, tỉnh Java ngày nay, theo các vị bô lão, chỉ sinh sôi và phát triển vào năm 1965. Vậy thì Phật giáo ở Jepara trước năm 1965 có còn dấu tích gì không? Từ quá khứ rất xa xưa trước khi Indonesia “tồn tại” các Vương quốc lớn đã chiến thắng ở quần đảo Nusantara. Jepara là một trong những trung tâm của Vương quốc đã từng chiến thắng. Vương quốc Kalingga thuộc Indonesia với Nữ hoàng Shima ở ngôi vua cai trị đất nước.
01/11/2020(Xem: 5715)
Chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) ở huyện Thạch Thất thuộc Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, chốn già lam thánh chúng còn lưu giữ đến 60 bức tượng cổ, đã trở thành bảo vật của chùa, và cũng là bảo vật quốc gia. Những pho tượng cổ này đều được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, có tượng được tạc to hơn hình thể dáng vóc của người thường, và tất cả đều toát vẻ uy nghi thanh thoát...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]