Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IX: Những ngày đợi trông

23/05/201319:51(Xem: 7536)
Chương IX: Những ngày đợi trông


Bhutan có gì lạ?

Thích Như Điển

◄♣►

Chương IX. Những ngày đợi trông

Một đêm 30 tháng 4 năm 2001 tại khách sạn Olathang ở Paro hầu như chúng tôi không ai ngủ được. Chẳng phải thao thức như đêm 30.4.1975 tại Việt Nam, Nhật Bản hay bất cứ nơi nào trên thế giới, mà cái thao thức là làm sao chúng tôi có thể về lại nước Đức càng sớm càng tốt hơn. Vì ngày lễ Phật Đản của một vài chùa sẽ tổ chức vào cuối tuần đó.

Câu:

"Thức đêm mới biết đêm dài

Ở lâu mới biết lòng ai chánh tà"

Thật đúng với tâm trạng của chúng tôi lúc nầy. Mặc dầu biết rằng không được đi; nhưng chiều 30.4 đó chúng tôi đã mang vé máy bay lên phi trường để tái xác nhận lại cũng như nhờ nhân viên báo lại cho hãng China Airline là chúng tôi không có chuyến bay để về lại Bangkok; nhưng hầu như không có một sự liên hệ quốc tế như thế, cho nên đêm 3.5.2001 khi về đến Bangkok rồi chúng tôi mới tỏ rõ sự tình. Đây chính là lỗi của hãng máy bay vậy.

Ngày 1.5.2001 một số thì đi chợ, một số thì ngồi chờ, một số thì đi ngắm cảnh. Chẳng ai buồn nói đến ai điều gì. Do vậy mà có người đề nghị nên có những buổi thuyết giảng của quý Thầy để lấp đi những khoảng trống vô nghĩa đó. Thượng Tọa Quảng Bình giảng và cầu nguyện vào tối ngày 1.5 và tôi giảng vào tối ngày 2.5. Mấy ngày nầy chiêm nghiệm về lời nói của vị Đại Sư tại cố cung sao mà đúng quá. Tại sao lúc ấy Ngài chúc phái đoàn không gặp tai nạn như máy bay, xe Bus v.v... mà nếu có xảy ra thì cũng không sao, khi có lực gia trì nầy của Ngài ban cho. Ai đó trong chúng tôi đâu có bao giờ nghĩ là máy bay gãy cánh đâu. Thế mà máy bay gãy cánh thật. Ngặt nỗi chỉ có một chiếc máy bay; nên phải chờ thôi, chứ biết nói sao hơn bây giờ.

Lý do thì sau nầy quý vị sẽ biết và sẽ hồi hộp dùm với chúng tôi, còn bây giờ dành sự bí mật ấy chưa nói, sẽ tiết lộ sau. Những ngày nầy anh Harata, người Nhựt, là một Giáo sư Đại Học tại Đức, một Phật Tử thuần thành, có cơ hội để giải thích cho chúng tôi những điều huyền bí trong nhiều điều huyền bí khác nữa. Thế là có nhiều người tin, mà không tin sao được, khi những sự hiện ấy xảy ra đúng phông phốc như hai lần hai là bốn vậy.

Anh ta bảo rằng phải cầu nguyện và sám hối, phải chí thành tụng kinh, không phải một người mà nhiều người cùng hợp lực lại. Điều ấy chúng tôi tin nên đã cùng nhau làm lễ nhiều lần như vậy tại khách sạn. Cũng có người sau khi đi thăm nơi chiến thắng Tây Tạng về thì đi đến chỗ Ngài Padmasambhava thị hiện, lấy nước đem về cho mọi người dùng và chuyên tâm cầu nguyện. Lúc bấy giờ chẳng phải sợ chết, mà sợ bị cô lập nơi xứ sương mù nầy. Mặc dầu ở gần phi trường mà cả ngày chẳng nghe một tiếng máy bay. Vì đơn giản thôi, Hoàng gia và Chính phủ chỉ có một chiếc máy bay, mà chiếc ấy hiện đang nằm trong nhà sửa máy bay, thì âm thanh máy bay ở đâu có để mà nghe. Ngoài ra chúng tôi được biết không có một hãng máy bay nào có mặt tại đây cả, ngoài hãng Druk Air ra.

Chiếc máy bay đang trong tình trạng tu bổ

Tụng kinh tiếng Việt xong thì tiếng Đức; tiếng Đức xong lại tụng tiếng Nhựt... cứ như thế và như thế lần lượt trải dài âm thanh ra vang vọng với núi rừng Hy Mã. Chúng tôi vẫn thiết tha được về; nhưng không về được, thì những lời an ủi từ Bộ Ngoại Giao cũng chỉ để vỗ về mà thôi. Có vị Bộ Trưởng nói với tôi là nhiều lúc mùa Đông sương mù dày đặc máy bay chuẩn bị hạ cánh mà cũng không làm sao xuống nổi, đành bay trở lại Kathmandu hoặc Delhi. Đó cũng là một sự an ủi để cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi vẫn còn may và còn đang ở dưới đất. Nếu máy bay sửa sớm thì chúng tôi có cơ hội bay lên dễ dàng, dầu cho có sương mù bao phủ đi nữa. Vì đáp xuống mới sợ với thung lũng nhỏ hẹp nầy. Còn bay lên với một bầu trời cao rộng như thế sẽ không sao! Đó là niềm hy vọng vậy.

Thỉnh thoảng thì bên Bộ Ngoại Giao có gọi sang cho tôi bảo rằng họ sẽ cố gắng thuyết phục Druk Air để cho chúng tôi về chung và nếu muốn về sớm thì bay qua Kathmandu để đổi máy bay về Bangkok; nhưng điều đó trên thực tế không xảy ra. Nếu chúng tôi có đến Kathmandu thì chúng tôi cũng nằm chờ đó thôi. Khó có máy bay để đi Bangkok, đừng nói gì là tuyến đường bay để nối Kathmandu với Âu Châu. Vì Druk Air hầu như chẳng quan tâm và không có sự liên hệ buôn bán với những hãng máy bay lớn như thế.

Sau khi nghe những lời ngoại giao như thế thì tôi báo lại toàn bộ cho mọi người trong đoàn biết. Mọi người chỉ biết thở dài thôi. Một hôm có lẽ là ngày 2.5.2001, anh Kunzang bảo rằng lên phi trường một lần nữa. Tôi vội vã thâu hết vé máy bay và Passport của mọi người để cùng đi; nhưng trước khi đi Hanada nói với mọi người là chuyến đi nầy của tôi không thành công. Vì không có máy bay và khi về thì về chung cùng một lúc; chứ không ai về trước hoặc sau gì cả. Đây là một sự tiên đoán, mà cũng là một thần giao cách cảm; đúng 100 phần trăm nên đã có nhiều người tin. Ngay cả việc chữa bệnh của anh ta cũng thế. Riêng tôi thì không phủ nhận nhưng cũng không xác tín 100 phần trăm. Vì đôi khi cũng có những điều anh ta nói sai.

Mà thật thế! Khi tôi về lại khách sạn báo tin lại là không có máy bay và sáng ngày 3 tháng 5 chúng ta cùng đi chung một chuyến thì mọi người mới vỡ lẽ ra anh ta tiên đoán điều ấy là đúng.

Trong khi chúng tôi ở lại đây bất đắc dĩ mấy ngày thì chúng tôi có gặp 2 sự kiện đáng quan tâm. Sự kiện thứ nhất là có một vị Tu sĩ Bhutan đến nhờ tôi hỗ trợ xây Tu Viện, giáo dục học Tăng ở miền Nam Bhutan và sự kiện thứ hai là trong cái ngẫu nhiên tình cờ chúng tôi đã gặp vị Mattheu Ricard tác giả của cuốn Tăng Sĩ và Triết Gia mà Linh Thụy đã chuyển ngữ và do nhà xuất bản Văn Nghệ tại Mỹ ấn hành trong thời gian qua.

Về việc thứ nhất thì chúng tôi sẵn sàng; nhưng bên Chính phủ thì bảo rằng vẫn phải xem lại cho kỹ hồ sơ và phải có sự đồng thuận của Bộ Văn Hóa. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã đóng góp một số tiền gần 3.000 Đức Mã để lo cho vấn đề giao lưu văn hóa đó. Đây là một việc làm mà ai trong chúng tôi cũng hết sức vui mừng. Ở trong một xứ khó khăn về kinh tế như thế mà được sự ngoại viện từ xứ ngoài là điều rất tốt vậy. Dĩ nhiên là còn nhiều đợt viện trợ nữa từ đây về sau để đến hoàn thành; nhưng phải chờ thông qua thêm Bộ Văn Hóa và Tôn Giáo của Bhutan mới có kết quả tốt được.

Riêng việc thứ hai được xảy ra như thế nầy. Hôm đó có lẽ là ngày 2 tháng 5 năm 2001, Hạnh Hảo dẫn về 3 vị Sư. Một người Mỹ, một người Pháp và một người Tây Tạng. Tôi và Thầy Thông Trí đang ngồi dịch sách; nhưng thấy vậy đồng đứng lên chào. Hạnh Hảo giới thiệu với 3 vị bằng tiếng Anh về tôi và Thầy Thông Trí, sau đó giới thiệu tiếng Việt về 3 Thầy ấy cho tôi và Thầy Thông Trí nghe. Vị thứ nhất là một người Mỹ, đã ở Bhutan và Tây Tạng gần 20 năm rồi. Ông ta rất dễ dãi; nhưng mới trông, thấy là một vị Sư ít thích làm việc; hay nói đúng hơn là một vị Sư lười biếng. Tuy nhiên được Hoàng Hậu và Hoàng Thái Hậu rất trọng vọng. Ông ta hay vào cung và nhận được nhiều món quà đặc biệt ngay cả của nhà Vua.

Vị thứ 2 ngồi ở giữa, người Pháp, tên là Mattheu Ricard tác giả cuốn Tăng Sĩ và Triết Gia mà Linh Thụy đã chuyển ra Việt ngữ do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành. Sách nầy rất hay và nổi tiếng. Dầu thế, tôi chưa đọc hết quyển sách nầy.

Thế là Thầy Thông Trí reo lên "tôi đã đọc sách của Thầy bằng tiếng Hòa Lan rồi". Ông ta cũng cười lớn và vị Rimpoch bên cạnh thì nói một tràng tiếng Tây Tạng và sau đó bằng tiếng Anh, có nghĩa là Ngài nổi tiếng quá rồi đó. Thế là câu chuyện giòn hơn bắp rang.

Được biết thân sinh của Ngài là Tiến sĩ Jean François Revel làm Giáo sư dạy Triết tại nhiều Đại Học ở Pháp. Còn Ngài trước khi xuất gia là một nhà Vật Lý Học rất nổi tiếng tại Pháp. Cả hai đều tranh luận với nhau về khoa học và tôn giáo, để cuối cùng tác phẩm ấy thành hình. Đây là một tác phẩm hay quý vị nên tìm để đọc. Dĩ nhiên là Tăng Sĩ như Ngài Mattheu Ricard thì nhận định theo cái nhìn của Ngài, còn thân phụ của Ngài lại nhìn theo lối Triết Học về Tôn Giáo vậy.

Ngài cũng là người hay đi thông dịch cho Đức Đạt Lai Lạt Ma khắp nơi trên thế giới. Được biết Ngài đã ở Népal, Bhutan đã hơn 20 năm rồi; nên rất giỏi tiếng Tây Tạng. Còn tiếng Anh ban đầu Ngài bảo rằng Ngài không giỏi mấy; nhưng riết rồi Ngài nói cũng quen đi. Thỉnh thoảng Ngài ghé Bhutan thăm núi đồi và cây cỏ tại đây.

Còn vị thứ ba là một vị Rimpoche tái sanh cũng nổi tiếng; thông minh. Tuy còn trẻ nhưng rất hoạt bát. Vị ấy Hạnh Hảo giới thiệu là vị Thầy thứ hai sau tôi. Được biết vị nầy có liên hệ với Hoàng gia; nên chức vụ của Ngài rất lớn. Theo Hạnh Hảo thì chuyện gì ở Bhutan Ngài cũng rõ. Có lẽ vì xứ Bhutan quá nhỏ; vì Ngài có thần thông hoặc giả Ngài có thế lực lớn chăng ?

Đồng thời Hạnh Hảo cũng nghĩ rằng phải gặp tôi để vị Rimpoche ấy biết rằng Hạnh Hảo có Thầy Tổ đàng hoàng chứ không phải là người tự xưng mình là Tu sĩ. Vị nầy Hạnh Hảo đã gặp tại Schnenerdingen vào năm 1998 vừa qua nên đã làm quen và tôi cũng có mời là khi nào Ngài có dịp sang Đức xin ghé lại chùa Viên Giác để thăm và Phật Tử có cơ hội nghe pháp từ Thầy. Tất cả 3 vị đều hoan hỷ.

Về việc máy bay bị gãy cánh thì Hạnh Hảo kể lại cho tôi nghe về sau nầy và được biết rằng việc nầy do Ngài Rimpoche kể lại. Nguyên là hôm tối 29.4.2001 chiếc máy bay duy nhất của Hoàng gia khi hạ cánh không có gì trục trặc và đưa tất cả những hành khách đến nơi đến chốn bình an. Thế mà hôm sau ngày 30.4 lại bay không được. Đúng là vấn đề hy hữu. Bao nhiêu cuộc điều tra đã tiến hành và chẳng ai nhận lỗi cả. Cuối cùng Đức Vua phải giải quyết chuyện nầy. Nếu không khai thì cả nhóm Kỹ sư hôm đó phải đưa qua Cảnh sát điều tra. Mọi người sợ quá nên kết quả đã đưa đến như thế nầy.

Khi chiếc máy bay vào nơi nghỉ ngơi an toàn thay vì 6 Kỹ sư phải chung lo việc ấy, đàng nầy chỉ có một người dùng xe để kéo. Vì không có ai trông nom; nên cái cánh đã va vào tường và gây nên sự cố; trong khi 5 người Kỹ sư khác ngồi đánh bài. Lý do chỉ có vậy, mà làm cho cả đoàn của chúng tôi và hầu như rất nhiều người khách ngoại quốc khác đã phải trễ chuyến bay. Có chờ đợi một cái gì rồi mới thấy ruột gan của mình nó nóng như thế nào !

Riêng Hạnh Hảo thì muốn ở lại Bhutan lâu hơn để nhập thất; nhưng họ không tán đồng. Đến lúc họ cho thì Hạnh Hảo lại muốn về Âu Châu. Ở đời có những điều nó trái ngược là thế. Lý do không cho không rõ; nhưng ông Kunzang nói rằng vào Bhutan lần nầy với lý do khác; hãy ra khỏi Bhutan và làm đơn nhập cảnh với loại khác thì sẽ ở lâu hơn. Một hôm khác ông Bộ Trưởng Văn Hóa nói rằng: Nếu một người ngoại quốc vào đây rồi cho phép ở lại 5 hay 6 tháng như thế thì những người ngoại quốc khác sẽ không hài lòng. Đó là những lý do phụ. Theo Hạnh Hảo những lý do chính là phải đóng tiền 200 US$ một ngày thì có thể sẽ được ở lại; nhưng chi phí cho 3 đến 6 tháng như thế đâu phải là một chuyện nhỏ. Một ngày ở trong thất tiêu mấy đồng mà phải đóng 200 US$/ngày. Đó là chưa kể trong núi sâu kia hay ở thất nọ chưa chắc gì có Phật. Tại sao phải trả một giá cao như thế? Sau khi nghe lời khuyên của Thượng Tọa Thích Quảng Bình thì Hạnh Hảo đồng ý mua vé máy bay về lại Đức để đi nhập thất ở Hòa Lan; nơi cư ngụ của Thượng Tọa Thích Minh Giác.

Thế là ngày 6.5.2001 Hạnh Hảo đã có mặt tại chùa Viên Giác để rồi sau Phật Đản đã sang Horn nhập thất đầu tiên là trong vòng 3 tháng. Sau đó, nếu tốt sẽ tiếp tục thêm 3 tháng nữa. Phật Đức và Phật Bhutan chắc chẳng có gì khác nhau, khi mà nội tâm đã giao cảm. Tôi cũng chẳng biết rằng bao giờ sẽ có một vị Phật Đức; nhưng trong hiện tại thì có quá nhiều người Đức muốn thành Phật.

Câu chuyện của chúng tôi xoay chung quanh nhiều vấn đề gần như không dừng nghỉ, để rồi sau đó uống trà bơ của Bhutan và còn tiếp tục mãi cho đến gần cơm chiều thì quý vị ấy mới về. Đây là một cuộc hội ngộ tương đối rất hy hữu mà rất có ý nghĩa. Câu chuyện được trình bày trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu. Chung quanh là cây rừng, gió nội. Khung cảnh gỗ đá và con người. Do vậy tôi rất thích và cũng chính từ những điểm nầy mà tôi đã nêu ra 3 quan điểm sống của tôi lúc về già là đọc kinh sách, uống trà cũng như sống nơi thôn dã. Có lẽ những điều ước muốn ấy đã gần kề. Hôm nay ngày 28.6 tại chùa Viên Giác Hannover đã tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 53 của tôi và tôi cũng cảm như cái già, cái bệnh và cái khả năng nó đã đến thời kỳ giới hạn của nó. Khi tôi viết những dòng chữ nầy là lúc đang tổ chức sinh nhật. Có khoảng 24 Tăng Ni và 50 Cư sĩ hiện diện. Năm rồi (2000) không vui vì Thầy Thiện Thông mất. Còn năm nay thì vui hơn vì có nhiều Thầy khách Tăng từ các nơi tựu về.

Chúng tôi giã từ nhau, để đêm đó chúng tôi có một đêm dài nơi khách sạn; chuẩn bị hành trang cho một ngày mai vào 3 tháng 5 năm 2001 về lại Calcutta, Bangkok, rồi Hòa Lan rồi Đức Quốc.

Sáng sớm ngày 3 tháng 5 năm 2001 phái đoàn chúng tôi đã có mặt tại phi trường; nhưng chẳng thấy máy bay đâu cả. Mặc dầu thế nhân viên phi trường Paro cũng đã cân hành lý cho chúng tôi và chỉ gởi đến Calcutta, sau đó phải đổi máy bay Ấn Độ để đi Bangkok. Chờ một hồi lâu thì thấy máy bay lăn bánh ra phi đạo và bắt đầu cất cánh thử. Hành khách ở bên trong phòng chờ vỗ tay tán thưởng không ngớt. Đúng là một điều kỳ lạ. Sau một hồi bay chừng 15 phút máy bay đáp xuống và trở về lại chỗ khởi điểm lúc ban đầu, để mọi người tán thưởng nhiệt liệt bằng một tràng pháo tay khác nữa. Lẽ ra họ phải bay thử từ chiều hôm qua, chứ đến hôm nay họ mới bay thử cho nên mọi người cũng hơi đứng tim một phút, lỡ mà không bay được thì chỉ có nước chờ. Đúng lý ra họ phải bay đi Bangkok; nhưng chỉ bay đến Calcutta, rồi từ đó họ bay về lại Paro. Có lẽ họ sợ bay nhiều không đủ giờ để đi ngày đó thành 2 chuyến; nên mới xảy ra việc như vậy.

Đến Calcutta chúng tôi xuống máy bay; xe Bus chở vào phòng chờ. Người đại diện tại đây làm vé rất cẩn thận, mặc dầu có nhiều điều không cần chi tiết đến như thế. Khi kiểm tên và phát vé lên tàu xong, chúng tôi lên phòng chờ bên trên để đi Bangkok thì nhân viên an ninh không cho vào bảo là thiếu dấu ấn. Họ đóng dấu đủ chỗ, nào là hành lý xách tay; nào là áo quần. Thật là quá thừa thãi, tốn tiền và tốn nhân công quá. Có lẽ chính phủ Ấn Độ vì quá dư thừa nhân công nên mới làm những việc như thế chăng? Chúng tôi phải đứng đợi cả một hồi lâu họ mới giải quyết cho qua. Không khí tại đây rất chộn nhộn và vì quá cận giờ mà kiểm soát quá gắt gao nên ai nấy cũng nổi quạu. Chỉ có Transit thôi, sao mà quá phiền hà như thế nhỉ ? Nhưng biết nói sao hơn thân phận mình vẫn còn ở tại xứ người, phải ẩn nhẫn và tùy thuộc vào họ vậy.

Sau khi qua khỏi khu kiểm soát nầy mọi người mới thở phào và thốt lên nhiều lời khác nhau, không phải để cảm ơn mà là để hậm hực. Ấn Độ như thế đó ! Làm vậy bao giờ mới phát triển quốc gia được ? v.v... và v.v... thật là một chuyến đi nhớ đời, nhất là phải ghé Ấn Độ trong trường hợp bất đắc dĩ như thế; nhưng đi máy bay Ấn Độ được cái may là đồ ăn chay không cần đặt trước vẫn có. Trong khi đó những hãng máy bay khác thì khó được điều nầy.

Trong máy bay Ấn Độ thấy những người Ấn Độ lấy mỗi người 2 lon bia; sau khi uống bia rồi thì lời ra tiếng vào không ngớt. Những người Âu Châu và chúng tôi ngồi đó cũng chỉ có việc ẩn nhẫn cho đến Bangkok mà thôi chứ biết nói sao hơn.

Khi máy bay mới đáp xuống Bangkok, cả một chiếc máy bay chở người đầy như thế mà họ chạy ra đến phía trước, mặc dầu máy bay chưa ngừng bánh, khiến cho phi hành đoàn có nói gì họ cũng chẳng nghe. Đó có lẽ cũng là một loại văn hóa của một dân tộc vậy. Chả bù với lúc về từ Bangkok đến Amsterdam, cả một máy bay gần 400 người như thế mà chẳng có một tiếng động khi rời máy bay. Đó cũng là một loại văn hóa của một dân tộc vậy.

Đến Bangkok vào lúc 4 giờ chiều ngày 3 tháng 5 và vấn đề của chúng tôi là phải lãnh hành lý ra để cân trở lại cho chuyến về của máy bay China Airline; chứ không còn cách nào khác. Còn một điều nguy hại hơn là Druk Air của Bhutan chẳng liên hệ gì với China Airline cả để bỏ chuyến đi hôm ngày 30.4 và ngay cả hôm nay 3.5 họ cũng chẳng có ghi tên chúng tôi vào máy để chờ. Tất cả chúng tôi đều phải tự làm hết những thủ tục nầy. Khi gọi người đại diện của hãng Druk Air ra nói chuyện thì họ cũng nhờ nhân viên Thái ra can thiệp chỉ cho chuyện hành lý mà thôi. Mà cuối cùng thì hành lý của chúng tôi cũng phải tự cân, chứ chẳng có nhân viên nào đến chỗ chúng tôi để lo cho chuyện hành lý cả. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi. Vì lẽ cả phi trường mỗi ngày mấy chục ngàn người lên xuống, ai đâu mà đi lo cho một nhóm nhỏ chỉ 17 người; nhưng đối với chúng tôi là một việc trọng đại lắm. Vì đã trễ 3 ngày rồi, trong khi đó tôi và Thiền Sư Reiho có nhiều chương trình khác đã dự định trước, hoặc lễ Phật Đản tại Linh Thứu, Hamburg và còn nhiều người phải đi làm, đi học nữa. Quả là đa đoan Phật sự. Chỉ có 6 vị có vé về trễ mà nay lại yên tâm. Vì đã có chỗ ngồi. Còn lại 11 người phải chờ. Chờ cho đến khi nào hết người đi; nếu máy bay còn trống chỗ họ mới cho đi. Thật là khủng khiếp. Nếu một hay hai người đi Standby thì không sao, chứ ở đây 11 người quả là điều ít hy vọng. Đó là chưa kể việc anh nhân viên China Airline bảo tôi là từ nay đến cuối tháng 5 máy bay của chúng tôi không còn chỗ nữa. Đúng là hú hồn ! Thế nhưng chúng tôi phải học chữ kiên nhẫn. Chúng tôi chờ đến 22 giờ 30 thì họ cho cân hành lý; nhưng trước đó họ bảo rằng: nếu muốn đi hạng Economic thì mỗi người phải đóng thêm 500 Đức Mã nữa là có chỗ chắc chắn. Còn nếu không đóng thêm, mặc dầu hành lý đã cân; nhưng nếu người của chúng tôi vào thêm thì mấy ông phải nhường chỗ.

Sau khi cân hành lý, cô nhân viên bảo tôi là tại sao Druk Air làm như thế mà chẳng liên lạc với chúng tôi gì cả ? quý vị về nên thưa Druk Air đi ! Tôi chỉ mỉm cười thôi và nói rằng: Chắc là họ có cái khó khăn của họ; miễn sao chúng tôi về hết được đêm nay là vui rồi. Cô ta cho biết còn 20 chỗ. Thế là an tâm; nhưng vẫn cứ phập phồng khi có thêm một hai người đi trễ vào thêm và cân hành lý. Thiền Sư Reiho vì nóng lòng chịu không nổi nên đã điện thoại về Đức, nhờ người em ruột làm hãng máy bay mua liền một vé máy bay hạng rẻ của hãng Lufthansa để về trước và trước khi ông ta đi, ông ta có nói rằng như vậy những người còn lại có thêm một chỗ trống để đi. Đó cũng là một điều hay; nhưng người đệ tử đi cùng thì buồn hiu. Vì Thầy mình đã về trước, còn mình thì phải ở lại chịu chờ.

Đến 23 giờ là giờ cuối thì họ còn 14 chỗ trống, họ cho đoàn của chúng tôi 10 người đứng ở danh sách chờ đi hết và 6 người khác đã có chỗ trước, ngồi chờ bên trong cũng hả dạ vô cùng và giờ nầy càng tin vào lời của ông Harada là đúng.

Hôm đó theo cô nhân viên hãng China Airline thì người ta đặt chỗ chật hết rồi, mà có lẽ vì mưa bão bên ngoài quá lớn; nên có một số người không đi, hoặc đi trễ. Do vậy mà quý vị là những người có phước nên Đức Phật đã độ trì cho đó. Đó là một câu an ủi mà cũng là một niềm hy vọng lớn của chúng tôi.

Ngồi yên trên máy bay rồi, chúng tôi hồi ức lại những việc đã qua mà hoảng vía. Thầy Giáo Thọ bảo rằng mới chỉ có một đêm lo lắng mà sao râu tôi ra dài lắm thế. Nhưng Thầy đâu có biết chỉ một đêm, mà kể từ khi đi cho đến khi về tôi đều phải có trách nhiệm nên không an tâm là phải, mà không an tâm thì nỗi lo hiện lên mặt và râu mọc nhiều là phải chứ đâu có gì đâu là điều đáng nói.

Hơn 13 tiếng đồng hồ bay, chúng tôi đã đến Hòa Lan trong một không khí yên tĩnh của một buổi mai mùa Xuân tại Âu Châu nầy. Quả là bất khả tư nghì thật! 

Sau khi đi về Đức được mấy bữa thì tôi nhờ Thầy Hạnh Tấn viết một thư cảm ơn cho Bộ Ngoại Giao Bhutan, đại ý như sau: 

Kính gởi vị Chánh Văn Phòng của Bộ Ngoại Giao

Mr. Kesang Wangdi

Thimphu - Bhutan

Fax. 00975. 2. 323056 

Kính gởi Ông Kesang Wangdi,

Tôi xin chân thành cảm ơn ông và chính quyền Bhutan đã bảo trợ cho 10 ngày thăm viếng từ 23 tháng 4 đến ngày 3.5.2001 tại quý quốc. Chúng tôi cảm ơn về sự chuẩn bị chu đáo trong việc di chuyển, ăn ở của phái đoàn trong khi chúng tôi là khách của quý vị.

Tôi cũng xin thành tâm biết ơn sự phối trí nhịp nhàng trong việc tiếp kiến Hoàng Hậu cũng như Bộ Ngoại Giao.

Sự thăm viếng quý quốc đã gây ấn tượng tốt đẹp với tất cả chúng tôi và không có điều gì là không thể chấp nhận được.

Kính chào trong tinh thần Phật Pháp 

Thích Như Điển

Viện Chủ Chùa Viên Giác 

Mà đúng thế, trong khi ở Bhutan chẳng có việc gì phải nói. Ngoại trừ việc chiếc máy bay bị hư. Nếu mà Hoàng gia sắm thêm một hay hai chiếc nữa thì có lẽ không có vấn đề. Nghe đâu một chiếc nhỏ như thế chỉ chở được 72 người mà đến 60 triệu Đức Mã. Thử hỏi một chiếc Boing 747 là bao nhiêu tiền và một phi trường quốc tế như Frankfurt, Amsterdam, New York, Paris, Chicago v.v... có không biết bao nhiêu là chiếc máy bay như thế. Quả thật là tiền rừng bạc biển.

Mong rằng Hoàng gia Bhutan sẽ có thêm một chiếc máy bay nữa để mọi người khỏi hồi hộp khi phải chờ máy bay như thế và niềm hy vọng ấy chắc cũng không lâu sẽ được đáp ứng cho mọi người.

Lời cuối sách

Với tước hiệu là một văn học sĩ của Nhật Bản từ năm 1977; nhưng tôi chẳng làm gì cho văn học Nhựt và ngay cả văn học Việt Nam hay văn học Đức. Vì trong văn đoàn đó đã có những bậc đàn anh, đàn chị hay đàn em tài giỏi hơn mình; nên đành làm việc âm thầm mấy chục năm nay thôi! Cốt để giữ cho cái hồn của mình nó thanh tịnh. Thỉnh thoảng mỗi năm cho ra đời 1 đến 3 tác phẩm để ghi lại những gì đã trải qua trong cuộc đời làm Tăng Sĩ của mình. Đó là suy nghĩ lúc ban đầu. Đến một lúc nào đó có nhiều người đọc sách hoặc theo dõi những bài văn của tôi và đã có cảm tình; nên đã mời làm chuyện nầy chuyện nọ: nhưng xin thưa tôi chỉ là một người tu rất bình thường trong cái tầm thường của nhân thế. Chẳng có gì đặc biệt cả nên không dám nhận một việc gì, mà cũng không tự xưng mình là một văn học sĩ, mặc dầu tước hiệu nầy đã có.

Văn tôi vốn nhà quê, ý tôi vốn cạn cợt. Không là văn chương triết học; cũng chẳng phải là văn chương luận lý khó hiểu, mà là một loại văn nông dân, xuất thân từ đồng ruộng. Tôi cũng giống như con trâu và cái cày, chỉ có trách nhiệm cày xong thửa ruộng mà thôi. Thật ra rất đơn giản. Vì vậy tôi không là đối tượng của ai cả, mà lại cũng chẳng là thần tượng của nhiều người chỉ vì những ý tưởng bên trên. Chỉ có một điều tôi nghĩ sao thì viết vậy; không hoa hòe trau chuốt lời văn. Từ đó, đối với tôi việc viết không khó mấy. Người ta nói viết là lách; nhưng tôi thì không lách. Vì tôi chỉ muốn nói sự thật và đa phần chỉ viết về sự thật của cái tốt thôi; chứ không đá động gì về sự thật của cái xấu cả. Do vậy nên không cần lách. Vì cái xấu nó vốn dĩ đã xấu rồi, phải đào sâu vào đó làm gì nữa ?

Đó là chưa kể các pháp trên thế gian nầy đều thay đổi; nay thế nầy mai thế kia. Ngày hôm nay tốt, ngày mai không phải thế. Hôm qua là người hiền lương; nhưng ngày kia không phải như vậy. Do đó để nhận xét một sự vật hay một con người quả thật là khó. Nếu có, đó cũng chỉ là chủ quan của mỗi người thôi. Từ điều đó, nếu chúng ta làm việc gì với một cái tâm bình thường, không mong cầu và quán thế gian pháp tất cả đều "như vậy" thì có lẽ rằng tâm ta sẽ đỡ phiền não hơn và lời văn của ta viết ra khi người khác đọc sẽ được lợi lạc hơn nhiều.

Giàu, nghèo, sang, hèn, địa vị cao sang quyền quý. Tất cả đều phải chết. Có cái chết thật an ổn mà cũng có những cái chết thật khổ đau. Rồi ra ai cũng thành tro bụi cả. Mới đây cả Hoàng Gia Népal, ở không xa Bhutan là mấy, đã bị chính người của Hoàng gia giết trọn 8 người trong thân tộc. Như thế gọi là gì ? là cộng nghiệp ? là khổ đau ? là tục lụy ? ... nhưng dầu là gì đi nữa thì lịch sử cũng đã sang trang. Chỉ có một điều là khi ta sống ta làm được cái gì đó, để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi, ít ra cũng không để lại một lời trách móc cho đời. Như thế cũng là một điều hy hữu lắm.

Đa phần khi sống thì xúm nhau mà nói xấu nhau cho nó hả giận, đỡ tức; nhưng khi chết thì chỉ thấy và nghe toàn nói chuyện tốt của người kia. Như thế hỏi có ích gì ? Người chết bấy giờ không ngồi dậy để nghe được những lời kể lể tốt về họ. Do vậy tôi chủ trương khi sống nên thấy và chỉ nói điều tốt về người, để trước tiên tâm mình không bận rộn với chuyện thị phi và người đối diện cũng vui khi thấy họ có một giá trị nho nhỏ nào đó trong cuộc sống. Nếu không, chẳng lẽ cuộc đời nầy đều vô vị hết sao ?

Hôm qua đây ngày 28 tháng 6 năm 2001 Đại chúng chùa Viên Giác cả Tăng lẫn tục đã làm lễ sinh nhật chúc thọ tôi ở tuổi 53 và tôi có bảo rằng: Trong cuộc sống nầy có những người rất phi thường, có những kẻ sống rất bình thường và riêng tôi thì chỉ là một con người tầm thường như bao nhiêu con người tầm thường khác thôi. Tuy nhiên trên đầu tôi; ở nơi hai vai tôi đều có rất nhiều trách nhiệm và ơn nghĩa của Cha Mẹ, Thầy Tổ, ơn thiện hữu tri thức, ơn quốc gia và ơn nhân loại chúng sinh. Nội chừng đó thứ ơn, tôi cố gắng đáp đền và nguyện cho mình phải luôn thực hành sự lợi tha cho kẻ khác mới là điều quan trọng. Còn đối với cá nhân nó chẳng có nghĩa gì cả.

Một Đại chúng sống an hòa như thế. Dĩ nhiên là tôi càng có bổn phận hơn, để như con tằm chỉ có bổn phận phải nhả tơ, để dệt nên những gấm hoa và tô điểm cho cuộc đời thêm ý vị. Chỉ có vậy và đó là kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi. Không than trách, không oán hờn, không vị kỷ.

Cứ mỗi lần tôi ngồi yên để viết được những dòng chữ như thế nầy là cũng nhờ vào không biết bao nhiêu người. Có người phải lo cho cái ăn, cái mặc. Có người phải lo cho chỗ ở, chỗ nghỉ ngơi. Có người phải lo cho mình sự thiếu sự đủ. Ơn ấy há chẳng là cao cả hay sao. Do vậy mà sự thành tựu của tôi cũng là sự thành tựu của mọi người vậy. Cứ mỗi tối khi lạy kinh Đại Bát Niết Bàn, mỗi chữ mỗi lạy như thế tôi đều niệm đến ơn Chúng sanh, ơn Tam Bảo, ơn Cha Mẹ, Thầy Tổ để nếu được trong kiếp nầy phải trả hết đi. Nếu kiếp sau không còn làm người nữa không biết cơ hội nào mới có được.

Riêng các vị đệ tử xuất gia thì tôi cho học hành tới nơi tới chốn, tốn kém mấy cũng không nệ hà và không phải chỉ đệ tử của mình không thôi, mà Thầy Cô nào hiếu học ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu có ý nhờ tôi và trong khả năng có thể của mình, tôi đều không từ chối. Cứ lo học cho ra trường là đủ. Đó là pháp bảo của ngôi chùa Viên Giác nầy và cho Phật Giáo Việt Nam vậy.

Với tôi ơn nghĩa nặng nghìn trùng và mãi mãi ghi sâu, không bao giờ dám quên một mảy may nào cả. Vì lẽ nếu không có nghĩa ân thì mình sẽ không thành người hữu dụng được. Sống mà không có ân nghĩa chẳng khác nào cỏ cây trong trời đất. Hãy vì người mà quên mình, chứ đừng vì mình mà quên người là điều không đáng làm với người quân tử: huống gì đây là một trưởng tử của Như Lai.

Bởi sống với ân nghĩa như thế cho nên tôi muốn giúp đỡ hết mọi người; không những người Việt Nam mà còn người ngoại quốc nữa. Bằng chứng là kỳ nầy sau khi đi Bhutan, tôi đã có ý trước, khi tiếp kiến với Hoàng Hậu là muốn giúp đỡ một số Thầy trong vấn đề giáo dục, học vấn và đó là căn bản để 2 Thầy Gap và Dorji đề nghị tôi cho học bổng sang học Anh văn và Computer tại Úc Châu. Tôi đồng ý ngay và sau đó có về liên lạc với Thượng Tọa Thích Bảo Lạc để nhờ Thầy ấy cưu mang cho họ ở lại Chùa Pháp Bảo để quý Thầy ấy có cơ hội làm quen với đời sống Tu Viện của Phật Giáo Việt Nam; còn phần tôi chỉ lo cung cấp về vấn đề tài chánh và tiền học phí. Thầy Bảo Lạc cũng rất là vui khi Thầy ấy thấy có thêm nhiều người tu học ở chùa mình như vậy. Đây cũng là bản hoài của Thầy Bảo Lạc khi xây chùa là để tiếp Tăng độ Chúng mà.

Thượng Tọa Bảo Lạc xuất thân từ các Phật Học Viện nổi tiếng tại Việt Nam như Phổ Đà (Đà Nẵng), Huệ Nghiêm (Sàigòn); nên những ai cầu học và phát tâm tu niệm thì Thầy ấy cũng rất quý, mà có lẽ điều nầy cũng chẳng riêng chi Thầy Bảo Lạc và tôi, hễ cứ người xuất gia có một tâm hồn phóng khoáng thì không ai nỡ từ chối những kẻ mong cầu và học hạnh giải thoát đi sau mình cả.

Dầu cho Tăng Ni ngày nay của Việt Nam ít, không đủ để chuyên chở những khó khăn và thuận duyên của Phật Tử Việt Nam, vốn là con số không nhỏ trong 2 triệu người ở ngoại quốc ngày nay; nhưng trong số 400 Tăng Ni ấy đã có rất nhiều Thầy Cô hy sinh thời giờ cũng như công sức của cá nhân mình để lo xây dựng Chùa Viện và đào tạo Tăng tài hầu duy trì mạng mạch của Phật Giáo tại xứ người. Dẫu cho sau nầy không có người Việt Nam ở tại các trụ xứ nầy đi chăng nữa, thì giống như trường hợp chùa Việt tại Thái Lan và Singapore cũng sẽ có người địa phương nối truyền, ta chẳng có gì để sợ hãi khi phát huy công việc Phật sự nầy cả.

Suốt trong 25 năm qua là những năm tháng đặt nền móng xây dựng, kiến thiết Chùa Viện tại ngoại quốc và 25 năm sau nữa là lo đào tạo nhân tài. Cây công đức lâu gặt hái được kết quả chừng nào, thì cây nhân tài của Giáo Hội cũng thế. Phải trồng trong thế hệ nầy và trải qua thế hệ khác hay nhiều thế hệ nữa mới có thể có kết quả. Tôi không muốn có trái gấp để dùng; nên rất nhiều phần đầu tư tôi đều lưu tâm về vấn đề trí tuệ trước.

Để giữ lời hứa với quý vị nên tôi đã viết tác phẩm thứ 32 nầy. Một phần để đền ơn đáp nghĩa Chính phủ Bhutan; một phần để hiến dâng cho đời cho đạo về những sự hiểu biết cạn cợt của mình về một nền văn minh của Phật Giáo tại một xứ nhỏ của Hy Mã Lạp Sơn. Đó là những lý do chính để quyển sách nầy khởi đầu viết vào ngày 20 tháng 6 và chấm dứt vào ngày 29 tháng 6 năm 2001. Chỉ trong 9 ngày miệt mài viết và một ngày chuẩn bị tư liệu nữa. Tổng cộng là 10 ngày. Một tác phẩm như thế kể ra cũng vội vàng; nhưng nếu không viết ngày tháng sẽ qua đi và trong tôi có nhiều việc sẽ trả về sự quên lãng; nên cần phải chắp bút là vậy.

Khoảng 150 trang viết tay và viết trong 10 ngày. Vậy trung bình mỗi ngày viết 15 trang và còn nhiều hình ảnh cũng như những tư liệu khác thêm vào nữa. Chắc chắn quyển sách nầy cũng gần 200 trang; nhằm giới thiệu với các độc giả một chuyến đi có một không hai trong cuộc đời của mình vậy.

Ngày mai và ngày mốt đây còn có khóa Tu Gieo Duyên và khóa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng Ni Âu Châu tại chùa Viên Giác, do vậy mà tôi còn phải có nhiều bổn phận khác nữa. Cho nên tác phẩm nầy phải viết xong sớm như thế. Sau khóa Tu Gieo Duyên là khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 13; năm nay tổ chức tại Thụy Điển; thế là tôi cùng chúng lý Viên Giác cũng phải khăn gói lên đường để hỗ trợ chung cho công việc của Giáo Hội Âu Châu và sau đó về lại chùa chỉ mấy ngày nữa là Lễ Vu Lan rồi.

Giáo Hội Âu Châu chúng tôi không có những người giỏi như Giáo Hội Úc Châu hay Mỹ Châu; nhưng được cái là Giáo Hội chúng tôi cho đến bây giờ vẫn trên dưới một lòng nên đã tổ chức được 13 khóa trọn vẹn như thế. Mỗi khóa không dưới 500 người tham dự học tập, tu niệm trong vòng 10 ngày như vậy.

Có lẽ rồi đây khi Giáo Hội lớn mạnh sẽ sinh ra nhiều cành lá khác; nhưng đó là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Một cành cây, một hạt giống cho vào lòng đất, lúc mới lớn lên chỉ một thân cây mẹ; nhưng càng ngày càng lớn thì từ thân cây mẹ kia sanh ra nhiều cành lá chung quanh. Đó là lẽ dĩ nhiên không ai chối cãi được. Nhưng chúng ta nếu muốn tiến xa hơn nữa phải chấp nhận một điều thực tế là: mỗi cá nhân đều có những vấn đề riêng và tất cả chúng ta ở xứ tự do nầy phải tôn trọng cái riêng đó; nhưng đồng thời chúng ta phải có những điểm chung. Điểm chung đó là mái nhà của Giáo Hội và giáo pháp của Như Lai. Nếu đem cái riêng để phụng sự cho cái chung, thì cái chung ấy luôn luôn tồn tại. Ngược lại nếu đem cái chung để phụng sự cho cái riêng của mỗi người, mỗi nhóm thì chắc chắn tổ chức kia dầu lớn đến bao nhiêu, vững mạnh bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ có ngày tàn tạ và lúc ấy chẳng biết trách cứ ai bây giờ; nếu không tự trách mình ngay từ bây giờ là thiếu tu và thiếu đức.

Hôm tôi bắt đầu viết tác phẩm nầy tại thư phòng chùa Viên Giác trời rất đẹp và hôm nay đây kết thúc quyển sách nầy không khí bên ngoài cũng rất tươi mát và mặt trời đã soi sáng chứa chan khắp cả đất trời vạn vật cũng như chung quanh cửa sổ của phòng mình. Tôi thấy đó là một điềm lành, một niềm vui và niềm hy vọng vậy.

Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người, mọi loài đã vì tôi mà hỗ trợ cũng như tồn tại. Nếu có được chút hữu duyên tác phẩm nầy đến với quý vị thì xin hồi hướng đến mười phương vô biên thế giới và cầu nguyện cho mọi loài mọi người được thâm nhập vào Phật trí của Như Lai.

Viết xong vào lúc 10 giờ sáng ngày 29 tháng 6 năm 2001

tại thư phòng chùa Viên Giác

Tác giả Thích Như Điển

---- ♣----

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/09/2020(Xem: 5606)
Trong khi ý tưởng về Phật giáo đã đạt đến một vị thế rõ ràng trong triều đại nhà Minh (1368-1644) đã lỗi thời trong giới học giả, nó vẫn tồn tại bởi vì vẫn còn tồn tại quan niệm phổ biến, ngay cả trong giới Phật giáo đương đại, rằng Phật giáo đã đạt đến đỉnh cao về trí tuệ, và triết học vào triều đại nhà Đường (618-907), trước khi bị tê liệt bởi nhiều cuộc khủng hoảng và đàn áp, sau đó suy tàn vào triều đại nhà Tống (960-1279) và kế đến triều đại nhà Minh. Đây không phải là hoàn toàn nhầm lẫn, cũng không phải là đầy đủ câu chuyện. Nhà xuất bản Đại học Columbia một lần nữa đã phát hành một nghiên cứu đột phá, có thể thay đổi sự hiểu biết của học giả - và có lẽ là nhiều năm sau, sự hiểu biết phổ biến – về kinh nghiệm của Phật giáo vào triều đại nhà Minh.
29/09/2020(Xem: 6944)
“So sánh với thế giới ngày nay, tôi nghĩ rằng mọi người ở khắp nơi đều cảm thấy hòa bình là rất quan trọng. Vào thế kỷ trước, chúng ta đã chi rất nhiều tiền và kiến thức khoa học để chế tạo vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Bây giờ tôi nghĩ rằng phải khai trừ thái độ tinh thần đó và đã thay đổi nhiều. Bây giờ mọi người đang thể hiện mối quan tâm nghiêm túc về hòa bình; điều đó rất quan trọng. Ngày nay do đại dịch hiểm ác Covid-19 nên tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Trong thời kỳ nguy khốn như vậy, suy nghĩ về vũ khí là không thực tế và lỗi thời. Bây giờ chúng ta phải nghĩ về một thế giới hòa bình.
29/09/2020(Xem: 5158)
Hai cây đàn gỗ, thường gọi là đàn thùng, được chủ nhân treo gần bên nhau trên chung một vách gần bên kệ kinh sách. Sáng sớm, cây Đàn Mới Đẹp được chủ mang đi hòa tấu ở đâu đó đến trưa mới mang về treo lại bên cây Đàn Cũ Kỹ. Gần bên nhau hơn cả giờ đồng hồ, thấy Đàn Cũ Kỹ vẫn im thin thít không hỏi han gì, Đàn Mới Đẹp ấm ức hỏi: "Sao anh không hỏi gì?"
28/09/2020(Xem: 6255)
Họa sĩ Nhân dân Mông Cổ, Cư sĩ Urjingiin Yadamsuren (1905–1986) là cha đẻ của Nghệ thuật Mông Cổ hiện đại, đặc biệt là một phong cách chịu ảnh hưởng của “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Socialist realism), cũng như các phong cách và kỹ thuật truyền thống của Mông Cổ, được gọi là Mongol Zurag. Phong cách lấy chủ đề Mông Cổ thường nhật và làm cho những người bình thường và thực hành chủ đề này.
28/09/2020(Xem: 7067)
Sáng nay chúng con, chúng tôi lại tiếp tục lên đường gieo hạt tình thương, nơi đến cứu trợ hôm nay là một địa điểm đặc biệt liên quan đến lộ trình hoằng pháp của đức Phật, đó là nơi Ngài đã thuyết Bài Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta- Tương Ưng Bộ Kinh- Kinh 35.28). Như trong kinh tả lại, vài tháng sau khi giác ngộ, Đức Phật giảng bài pháp nầy cho 1,000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Đức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn. Sau khi nghe bài giảng nầy, toàn thể thính chúng đắc quả A la hán.(Đường Link để tham khảo bài Kinh: Kinh Lua Chay)
28/09/2020(Xem: 6792)
Dharamshala: Thủ tướng Chính phủ Tây Tạng lưu vong (Sikyong), Tiến sĩ Lobsang Sangay, nhà lãnh đạo Chính trị được bầu dân chủ Tây Tạng, Cục Quản lý Trung ương Tây Tạng lưu vong đã ra mắt cuốn sách do Hoà thượng Acharya Yeshi Phuntsok, Phó Chủ tịch Quốc hội Lưu vong Tây Tạng biên soạn với chủ đề “So sánh Hiến pháp của các Quốc gia Dân chủ Khác nhau” (Comparative Constitutions of Various Democratic Nations). Tác phẩm tập trung vào việc so sánh Hiếp pháp của các quốc gia dân chủ khách nhau trên thế giới, và giải thích các loại Hiếp pháp Dân chủ khác nhau một cách đơn giản nhưng sâu sắc.
27/09/2020(Xem: 5999)
Hôm thứ Bảy, ngày 26 tháng 9 năm 2020, Ấn Độ đã công bố khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 15 triệu USD để thúc đẩy quan hệ Phật giáo giữa hai quốc gia Ấn Độ-Sri Lanka, bên cạnh việc khẳng định mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng nhằm ổn định Ấn Độ Dương. Những quyết định này đã được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ảo đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Đây cũng là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên như vậy của Ấn Độ với một quốc gia láng giềng.
27/09/2020(Xem: 7092)
Colombo (News 1st); Cư sĩ Gotabaya Rajapaksa, Tổng thống nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka nhấn mạnh rằng, cần phải nâng cao một thế hệ được định hướng về mặt Đạo đức, và Đạo đức được hướng dẫn bởi Tôn giáo của họ, đồng thời với sự phát triển thể chất trong nước. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhấn mạnh, Sri Lanka là một quốc gia giàu Đạo đức và phẩm hạnh do lòng tôn kính cao độ đối với Chính pháp Phật đà và sự đồng đạo của các tôn giáo khác được thực hành tại Sri Lanka.
27/09/2020(Xem: 6415)
Vài năm trước, dân tình xôn xao khi xuất hiện website lễ chùa online thì nay việc đi chùa đã được đưa lên... App. Khi cài ứng dụng này, mọi người có thể đến viếng, thắp nhang rất nhiều ngôi chùa trên cả nước. Đặc biệt, người dùng có thể nạp tiền vào App để... được phù hộ. Với mức nạp 20 ngàn đồng, "thí chủ" sẽ được phù hộ trong 1 ngày, nạp 50 ngàn đồng sẽ được bình an trong 1 tháng. Mua gói càng lớn thì ưu đãi càng cao! Hiện App này có hơn 5.000 lượt tải về và hàng trăm đánh giá trên Google Play.
27/09/2020(Xem: 4590)
Vào tuần trước, phát biểu tại buổi gặp gỡ với chư tôn tịnh đức Tăng già giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo Hàn Quốc, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae-in đã thỉnh cầu sự hỗ trợ tiếp tục của cộng đồng Phật giáo tại Hàn Quốc, trong nỗ lực mở ra lộ trình đối thoại và trao đổi hơn nữa với Triều Tiên nhằm thúc đẩy con đường hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và sự thống nhất cuối cùng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]