Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương II: Nhân duyên hội ngội với Bhutan

23/05/201319:41(Xem: 8059)
Chương II: Nhân duyên hội ngội với Bhutan


Bhutan có gì lạ?

Thích Như Điển

◄♣►

Chương II. Nhân duyên hội ngộ với Bhutan

"Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh và tất cả các pháp đều do nhân duyên diệt" là đúng. Đó là chân lý ngàn đời của vạn pháp mà chư Phật trong quá khứ đã dạy. Chư Phật trong hiện tại đang dạy và chư Phật trong vị lai cũng chỉ dạy như thế mà thôi.

Năm 2000 là năm bận rộn của Hội Chợ Thế Giới tại thành phố Hannover, ai cũng biết như thế cả, mà cả thành phố như sống dậy vươn lên để sánh vai cùng thế giới; nên ở đây cái gì cũng chạy đua cả. Chạy đua với thời gian và chạy đua với mọi hoàn cảnh; không những trong năm 2000 mà trước đó một hai năm người dân của Hannover cũng đang có tâm trạng ấy. Đâu... vào giữa năm 1999 có một người Bhutan đến chùa và tự giới thiệu là Kunzang Thinley; người đứng đầu Viện Bảo Tàng tại Thimphu, thủ đô của Bhutan, muốn gặp tôi để trình bày một số vấn đề nhân EXPO năm 2000 tại Hannover. Hôm đó có Frank Sanzenbacher tức là Thầy Hạnh Hảo, người Đức. Ông ta nói tiếng Anh rất trôi chảy, mặc dầu ông ta cũng nói được tiếng Đức. Ông ta trình bày rằng: Để hoàn thành một tòa nhà của Bhutan tại khu triển lãm EXPO Hannover trong năm 2000 thì chính phủ phải gởi sang Đức 20 người thợ và chỉ dựng ngôi nhà nầy cũng như trang trí bên trong phải cần 6 tháng như thế, mà nơi ăn chốn ở lại chẳng có. Do vậy, ông ta có ý nhờ chùa Viên Giác giúp dùm. Vì đường đi từ chùa đến khu triển lãm chỉ cần 10 phút đi bộ là đến. Dĩ nhiên là tôi rất vui mừng. Vì biết rằng Bhutan không giàu có mấy, vả lại là một quốc gia Phật Giáo tại Á Châu rất ít người biết đến, ngay cả tôi. Do vậy mà tôi đã đồng ý không điều kiện là cứ tự nhiên đến ở và ngay cả ăn uống, tắm giặt suốt trong thời gian xây dựng ấy và chùa Viên Giác sẽ không lấy một lệ phí nào cả. Dĩ nhiên là ông ta rất vui mừng.

Qua trao đổi, tôi thường hay nhấn mạnh rằng: Tuy Phật Giáo của quý quốc có khác về lễ nghi và truyền thống với Phật Giáo Việt Nam; nhưng trong thâm tâm tôi thì không có sự phân biệt giữa Tiểu Thừa với Đại Thừa hay giữa Đại Thừa với Kim Cang Thừa, mà chỉ có một Thừa duy nhất - đó là Phật Thừa mà thôi. Ông ta có vẻ vui khi tôi đề cập như thế. Cũng chính từ quan điểm khởi đi từ lòng tôi như vậy, cho nên chùa Viên Giác tại Hannover đã đón tiếp rất nhiều chư Tăng Ni, Phật Tử khắp nơi trên thế giới không phân biệt Nam Bắc Tông hay Phật Giáo Nhật Bản, Đại Hàn v.v...

Cuối cùng thì tháng 11 năm 1999 đã có 20 người Bhutan đến ở chùa Viên Giác. Chỉ có một vài người nói tiếng Anh rành thì thông dịch lại cho những người còn lại. Họ sống rất kham nhẫn và làm việc rất tận tụy. Mặc dầu mùa Đông năm 1999 bước sang năm 2000 ấy rất lạnh. Nhiều khi họ chẳng ngại tuyết băng giá lạnh, ngày nào cũng như ngày ấy, có khi ngay cả ngày chủ nhật họ cũng đi làm. Họ là những nghệ nhân tạo nên những tác phẩm hữu hình ấy; nhưng hầu như họ đều vô danh, chẳng có một ai để lại tên tuổi của mình trên những tác phẩm có nghệ thuật cao như vậy. Có lẽ đây là quan điểm chung của những người Á Châu theo Phật Giáo chăng? Ngay cả những Thiền Sư, sống vang lừng một thuở mà khi ra đi lại chẳng để dấu vết nào. Đúng là:

Cuộc đời có cũng như không

Sớm còn tối mất bận lòng làm chi!

Mà bận lòng làm chi nữa khi tất cả đều bị vô thường chi phối. Nhìn họ, lúc nào họ cũng mỉm cười. Nhiều lúc nói họ không hiểu, tôi bảo Hạnh Tấn nói tiếng Tây Tạng, lại có một số người hiểu. Họ rất lịch sự, chỉ có một điều là ít siêng năng tắm rửa mà thôi. Có lẽ họ bị ảnh hưởng bởi ở xứ cao chăng? Vì lẽ giọt nước ngọt rất quý cho những trường hợp như thế.

Mỗi buổi sáng họ tự nấu ăn cho luôn cả buổi trưa. Sau khi dùng sáng xong, họ cho cơm vào hộp và mang theo để đến trưa dùng tại chỗ. Những ngày đầu tiên họ hoàn toàn dùng chay như ở chùa; nhưng có lẽ vì công việc nặng; nên những tháng sau đó buổi trưa họ ăn uống bên ngoài tự do hơn. Họ đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Khi về thì họ dùng cơm chiều chung với chùa. Đặc biệt họ ăn rất cay; không thua gì người Đại Hàn mấy. Nghe đâu họ cũng có xuất cảng ớt cho Đại Hàn để làm Kim Chi đó.

Lâu lâu thì Hạnh Hảo thưa với tôi là: Sư Phụ nên cho họ đi thăm Hamburg hoặc Berlin hay tham dự những trận đá banh với các anh em Gia Đình Phật Tử. Họ rất vui, vì mỗi lần như thế có cơ hội để thi thố tài năng của mình cũng như xem phong cảnh địa phương cho biết để khi về lại quê còn kể lại cho thân nhân, bè bạn nghe nữa chứ!

Một hôm anh Kunzang dẫn ông Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng đến gặp tôi để cảm ơn và nhân danh Chính phủ Bhutan tặng những tấm Thangkha có giá trị cho chùa. Nhân cơ hội nầy tôi cũng đã trình bày là Phật Giáo Việt Nam cũng như Phật Giáo Đức muốn có một gian hàng nhỏ tại chùa Bhutan ở khu EXPO để giới thiệu về những sinh hoạt Phật Giáo tại đây. Dĩ nhiên là ông ta bằng lòng và cũng đã chẳng có một điều kiện nào hết. Đây cũng là nơi mà cho Hạnh Hảo cũng như những người Đức Phật Giáo suốt trong 6 tháng triển lãm có cơ hội giới thiệu về sinh hoạt Phật Giáo của từng nhóm và từng Tông phái Phật Giáo khác nhau cho những người Đức đi tham quan.

Câu chuyện không dừng tại đó. Vì lẽ sau khi triển lãm xong ngôi chùa Bhutan nầy phải dỡ đi nơi khác. Do vậy họ cũng cần chỗ ăn ở cho 10 người làm trong vòng 2 tháng và xin ở lại chùa. Tôi cũng đã đồng ý luôn. Đây là những nhân duyên chính để sau nầy tôi có được những sự liên hệ tiếp theo.

Ngày chờ đợi khai mạc Hội Chợ Thế Giới EXPO năm 2000 cũng đã đến. Hôm đó là ngày 1 tháng 6 năm 2000. Từ bên Pháp qua có chư Tăng Bhutan và người Pháp tu theo Phật Giáo Bhutan đến làm lễ. Đầu tiên họ dùng các nhạc cụ như kèn, tù và, trống, linh đi ra tận ngõ để đón rước vị khách quý đến từ Bhutan. Đó là ông Bộ Trưởng Ngoại Giao của xứ nầy.

Chư Tăng Bhutan đón rước ông Bộ Trưởng Ngoại Giao

Về nghi lễ ngoại giao thì tôi không biết rõ phải chào như thế nào; cho nên người phụ tá chỉ tôi là khi gặp ông Ngoại Trưởng nên cầm một dải khăn trắng túm lại một đầu, còn đầu khác thì bung dài ra và đưa lên trao qua ông Bộ Trưởng. 

Nghi lễ đón ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Bhutan 

Sau khi tiếp chuyện bằng tiếng Anh với ông Bộ Trưởng, ông ta rất vui mừng và cảm động khi thấy Phật Giáo Việt Nam đã hỗ trợ hết mình cho Phật Giáo Bhutan như thế; nên trong bài diễn văn của ông đọc hôm đó, nhân danh Chính phủ cũng đã cảm ơn Phật Giáo Việt Nam chúng ta.

Khi nói chuyện với ông Bộ Trưởng thì ông Đại Sứ Toàn Quyền Bhutan tại Âu Châu cũng đến gần để tiếp chuyện.

Ông ta rất trẻ và lịch lãm. Ngôn ngữ ngoại giao vẫn là tiếng Anh. Chúng tôi nói chuyện về đủ mọi đề tài. Sẵn đó tôi có dịp để đề cập rằng sang năm 2001 chúng tôi muốn sang thăm xứ Bhutan một lần cho biết. Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao nói rằng tại đây có ông Đại Sứ. Mọi việc sẽ do ông Đại Sứ lo sắp đặt cho chuyến đi nầy. Thế là từ đó tôi tiếp chuyện với ông Đại Sứ. Được biết cả Âu Châu chỉ có một Tòa Đại Sứ của Bhutan và Tòa Đại Sứ nầy hiện đóng tại Thụy Sĩ.

Tiếp chuyện cùng ông Bộ Trưởng và ông Đại Sứ Toàn Quyền của Bhutan.

Sau đây là tên của ông Đại Sứ cũng như địa chỉ và số điện thoại. Nếu quý vị nào ở Âu Châu thì nên liên lạc nơi đây để được hướng dẫn thêm.

Mr. BAP KESANG

Ambassador of the Kingdom of Bhutan

Chancery: 17 - 17 Chemin du Champ d' Anier

CH - 1209 Genève

Tel. 022 - 799 0890 FAX. 022 - 799 0899

Đến tham dự lễ khai mạc chùa Bhutan hôm đó ngoài tôi ra còn có chư Tăng chùa Viên Giác, các vị Sư người Đức tu theo phái Thiền Nhật Bản ở Steyerberg cũng như vị Sư người Lào.

Chư Tăng chùa Viên Giác và Đức tham dự lễ khai mạc.

Hôm ấy chỉ đặc biệt làm lễ theo Phật Giáo Bhutan còn các truyền thống Phật Giáo khác thì không cử hành. Lý do có lẽ vì thời gian không đủ, mà nhân viên chính phủ thì phải tham dự nhiều nơi khác nhau; nên nghi lễ có phần giản lược bớt. Tuy nhiên thời gian cũng đã kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ. 

Sau khi dự lễ xong thì mọi người được mời đến quầy thức ăn để điểm tâm bằng nhiều loại thực phẩm khác nhau theo truyền thống Tây phương do người Việt Nam nấu. Những người khác thì tham gia đi xem các phòng triển lãm.

Toàn cảnh ngôi chùa Bhutan tại EXPO

Tháp tùng với ông Ngoại Trưởng để đi xem triển lãm.

Trên chánh điện có thờ Phật ở giữa. Hai bên thờ Ngài Guru Rimpoche (Padmasambhava) và Ngài Shabdrung Rimpoche; người có công thống nhất đất nước Bhutan và giành lại độc lập từ người Tây Tạng. Hình ảnh 2 vị nầy ở bất cứ chùa nào của Bhutan cũng được thấy trưng bày.

Bên tầng dưới có treo những tấm hình thác nước, phong cảnh thiên nhiên cũng như đồ thủ công nghệ của Bhutan. Có phòng triển lãm nơi dệt vải. Có phòng trưng bày những loại thuốc gia truyền, cây cỏ của phương Đông. Trong tầng dưới cũng có một phòng lớn được ngăn ra để làm chỗ ngồi thiền, mà tôi đã có mấy lần đến đây để hướng dẫn người Đức khi tham quan chùa Bhutan.

Cùng với Thượng Tọa Thích Quảng Bình, ông Đại Sứ, ông Ngoại Trưởng

và Thầy Shukhashito tham quan các gian hàng.

Mỗi ngày như thế có 4 hay 5 lần tham thiền. Mỗi lần độ 30 đến 45 phút. Trong 6 tháng ấy có rất nhiều trường phái Phật Giáo khác nhau của nước Đức đến đây hướng dẫn cho người Đức.

Một hôm tôi hỏi hai Thầy Gap Tshering và Kinga T. Dorji người Bhutan rằng:

- Tại sao quý Thầy không hướng dẫn người tham quan ?

Quý Thầy cười và trả lời rằng:

- Vì họ hỏi nhiều câu khó lắm.

Theo tôi nghĩ thì tiếng Anh của hai Thầy ấy đủ để giao dịch; nhưng khi đi vào chuyên môn, quả là vấn đề không đơn thuần chút nào. Mặc dầu quý Thầy cũng đã xong Cao Học tại Ấn Độ.

Toàn cảnh chùa Bhutan và khách tham quan.

Ban đầu hai Thầy nầy cũng cư ngụ tại chùa Viên Giác; nhưng sau đó thì họ dọn ra ở luôn ngoài chùa Bhutan này cho tiện đi lại cũng như ăn uống.

Đã có lúc báo chí loan tin rằng: Thành phố Hannover là thành phố chùa Phật Giáo. Mà quả thật thế, ở đầu đường Karlsruher là chùa Viên Giác. Kế tiếp trong khuôn viên EXPO là chùa Népal. Kiến trúc một nửa theo Ấn Giáo và một nửa theo Phật Giáo. Sau đó là chùa Bhutan. Chùa nầy mặc dầu triển lãm xong vẫn còn nguyên vẹn chứ không phải bị dỡ đi. Rồi chùa Tích Lan, Thái Lan, Lào v.v... đúng là một thành phố... Chùa. Nhưng sau tháng 10 năm 2000 các chùa nầy lần lượt thiên di đi nơi khác. Những tưởng đâu chùa Bhutan sẽ về ngự trị tại Steyerberg; nhưng vì đấu giá chưa xứng giá; nên cuối cùng Phật Giáo bên Pháp đã thắng và chùa Bhutan đã thiên di về đó. Còn chùa Népal nghe nói vì kêu giá quá đắt, chẳng có ai đoái hoài đến; nhưng cuối cùng rồi cũng phải dỡ đi; chẳng biết đem đi đâu. Còn các chùa khác thì làm trong khu triển lãm; nên việc xếp đặt lại không khó khăn gì mấy.

Chùa Bhutan được quần chúng đi xem đánh giá và cho điểm là chùa đẹp nhất trong khu triển lãm. Vì ngôi chùa đã nói lên hết được ý nghĩa của đề tài triển lãm năm 2000 là: Con người, thiên nhiên và kỹ thuật. Cả 3 khía cạnh nầy ngôi chùa Bhutan đều có đầy đủ cả.

Tôi đang bận rộn bao nhiêu chuyện cho EXPO và khóa học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 13 dự định tổ chức tại Amiens - Pháp Quốc, từ ngày 20 đến 30 tháng 7 năm 2000, thì nghe Hạnh Hảo nói rằng: Bên chính phủ Bhutan báo tin ngày 27.7.2000 sau khi Hoàng Hậu ghé thăm chùa Bhutan muốn ghé thăm chùa Viên Giác. Tôi ngỡ ngàng và lo lắng. Vì lẽ những ngày ấy tất cả chùa, ngay cả tôi cũng như Phật Tử tại Đức đều ở tại Pháp để tham gia khóa học; không thể đón tiếp Hoàng Hậu mà không chuẩn bị kỹ càng được.

Do vậy mà tôi nói với Hạnh Hảo rằng: Hãy bảo với người Đại Diện là Thầy phải có mặt ở Pháp. Vì chương trình đã định sẵn và ở đó có nhiều vấn đề quan trọng cần phải làm. Còn ở nhà Hạnh Hảo nên tiếp Hoàng Hậu đi. Cuối cùng rồi ngày ấy cũng đã đến. Hạnh Hảo và Thầy Shukhashito đã tiếp Hoàng Hậu tại chùa Bhutan nầy.

Hoàng Hậu Ashi Dorji Wangmo Wangchuck, Thầy Shukhashito và Thầy Hạnh Hảo vào ngày 27.7 tại Hannover.

Hạnh Hảo thì như quý vị đã biết, sau khi tốt nghiệp Thạc Sĩ (Cao Học) tại Đại Học Hamburg thì lo cho chùa Viên Giác hai năm về người Đức. Sau đó lo cho EXPO và sau EXPO thì tôi cho đi Népal và Bhutan để tham cầu học đạo. Sau khi ở Nepal và Bhutan 5 tháng thì về lại Đức và hiện tại đang nhập thất tại Hòa Lan nơi Niệm Phật Đường của Thượng Tọa Thích Minh Giác.

Còn Thầy Shukhashito là người Đức, xuất gia theo truyền phái Tiểu Thừa của Thái Lan, rành tiếng Anh và cũng đã có dịp ở chung với Chúng lý tại chùa Viên Giác một thời gian. Sau 7, 8 năm lưu học tại Á Châu, bây giờ Thầy ấy về lại Đức và làm một cái cốc nơi vườn nhà của cha mẹ để tu tịnh. Thỉnh thoảng vẫn ghé thăm chùa và hỗ trợ một số công tác có liên quan đến người Đức.

Vào lúc 20 giờ ngày 27 tháng 7 năm 2000 tại chùa Bhutan có tổ chức chiêu đãi và xem văn nghệ, có sự hiện diện của Hoàng Hậu. Cả Hạnh Hảo và Thầy Shukhashito đều có tham dự buổi chiêu đãi nầy.

Địa điểm chùa Bhutan trong khuôn viên EXPO 2000

Vé mời tham dự văn nghệ.

Sau khi ở Pháp về, tôi có hỏi Hạnh Hảo là cuộc tiếp rước như thế nào và Hoàng Hậu ra sao? thì Hạnh Hảo chỉ cho tôi một số gói quà to tướng đang chờ tôi khui ra, do Hoàng Hậu tặng đấy. Tôi nhìn những gói quà mà lòng tự thấy hơi khó xử. Vì đã không tiếp đón Hoàng Hậu mà còn nhận quà nữa xem sao được. Tuy nhiên tôi cũng đã cho người mở ra. Đầu tiên là một ghế trầm hương để ngồi thuyết pháp, mà ghế nầy cho mãi đến bao giờ tôi cũng chẳng dám ngồi. Vì sợ giống chuyện trong kinh Thủy Sám đã kể về Viên Án và Triệu Thố lắm. Vả lại cá nhân mình chẳng xứng đáng gì cả; nên lại để nguyên như vậy.

Riêng tấm thảm thì rất đẹp, dệt bằng tay, chiều dài độ 2 thước, chiều ngang 1 thước. Trên ấy có thêu 3 hoa mẫu đơn màu sắc rất tuyệt vời. Xanh, vàng, đỏ là 3 màu chính của thảm nầy. Tôi hiện để tấm thảm nầy nơi phòng làm việc của tôi.

Trên hai kiện hàng nầy tôi thấy 3 tờ giấy nhỏ:

Tờ thứ nhất có dấu hiệu của Hoàng Gia "Royal Government of Bhutan" và tên là VVIP. Nghĩa là very very importan person. Có nghĩa là "của người rất rất quan trọng". Hay Việt Nam mình nói gọn là VIP.

Nhãn thứ 2 cũng đề bảng VIP và có ghi phía dưới là Druk Air. Đây là Air line của Bhutan chuyên chở kiện hàng nầy. Có dịp tôi sẽ đề cập vào cuối sách nầy về Hàng Không nầy vậy

Cuối cùng là một Carte Visit cỡ nhỏ, trên có ấn dấu của Hoàng Gia Bhutan; phía dưới đề: Her Majesty The Queen of Bhutan - có nghĩa là Hoàng Hậu Bệ Hạ của Bhutan kính tặng Thượng Tọa Thích Như Điển, Viện Chủ chùa Viên Giác Việt Nam tại Hannover.

Thật ra việc nầy tôi chẳng đợi chờ; nhưng biết trả lễ làm sao đây? thôi thì chờ thời gian sẽ tính. Có lẽ phải đi Bhutan một chuyến mới có thể giải quyết được những vấn đề nầy.

Những ngày sau đó thì có ngày gọi là: Tag der Weltreligion. Ngày Tôn Giáo Thế Giới. Tất cả các Tông phái Phật Giáo tập trung tại chùa Bhutan để cầu nguyện.

Trên đường đi đến chỗ cầu nguyện chung

Gồm có Phật Giáo Nhật Bản, Tây Tạng, Bhutan, Việt Nam, Đức, Lào v.v... ai ai cũng hớn hở vui mừng cho ngày trọng đại ấy.

Mọi người đang chuẩn bị cho lễ cầu nguyện.

Tại chùa Bhutan chúng tôi đã tụng kinh Bát Nhã tiếng Việt, tiếng Đức và tiếng Nhựt. Sau đó tôi nói một bài pháp thoại ngắn bằng tiếng Đức, nhằm nói lên ý nghĩa của Ngày Lễ Tôn Giáo nầy. Hôm đó có ít nhất là 100 người tham dự tại chùa Bhutan.

Thiên Chúa Giáo và Tin Lành thì cầu nguyện tại nhà thờ trong khu nhà EXPO của họ. Hồi Giáo thì cầu nguyện tại Mosche trong phố. Ấn Độ giáo thì cũng thế. Do Thái giáo cũng vậy. Tất cả Đại Diện của 5 tôn giáo lớn nầy đều tập trung tại một nơi gọi là Plaza để cầu nguyện theo nghi lễ tôn giáo của mình.

Chư Tăng Việt Nam và Phật Tử Đức tham dự lễ cầu nguyện tại chùa Bhutan.

Đức Tổng Giám Mục Hofmeier và các Tôn giáo bạn.

Đại Diện cho Phật Giáo Đức có đọc một vài phẩm trong kinh Pháp Cú bằng tiếng Đức và một vài em bé lên tặng quà cho những người đại diện tham dự lễ.

Mỗi tôn giáo đều có một sắc thái riêng và cuối cùng thì có một bài hát chung cho 5 tôn giáo nhân ngày trọng đại ấy.

Đại diện 5 Tôn Giáo lớn của Thế Giới.

Có nhiều người tham dự hôm đó rất cảm động. Họ chảy nước mắt. Vì biết rằng một cơ hội như thế rất khó xảy ra tại Hannover nầy.

Số người tham dự hôm đó tại buổi lễ cầu nguyện chung nầy độ chừng 2.000 người, đủ các sắc dân và đủ mọi thành phần của Tôn Giáo.

Ngày hôm đó cũng là ngày đẹp trời, rất đẹp trời. Nhằm ngày 12 tháng 9 năm 2000.

Tôi cho đăng vào sách nầy nguyên văn 5 bài cầu nguyện về Hòa Bình bằng các thứ tiếng nhân Ngày Tôn Giáo của Thế Giới để mọi người lãm tường(Xem trang ..... ) . Đây là một dấu hiệu tốt, một bước tiến nhảy vọt của tôn giáo thế giới ngày nay. Do vậy phải cảm ơn Hannover. Cảm ơn nước Đức. Cảm ơn chùa Bhutan. Cảm ơn tất cả mọi người. Vì nếu không có cái nầy sẽ không có cái kia và nếu không có cái kia sẽ không có cái nọ. Tất cả đều do nhân duyên để thành tựu, rồi tất cả cũng do nhân duyên biến thể đi mà thôi. Đó là lời Phật dạy. Đó là pháp trong muôn pháp và giáo lý nầy vẫn còn mãi mãi giá trị đến tận ngàn sau nữa.

Những người tham dự Lễ Cầu Nguyện Chung. 

FRIEDENSTEXTE 

Verlesen von Vertretern der Weltregilionen in Hannover am 12. September 2000

Tag der Weltreligionen auf der Weltausstellung EXPO 2000

---- ♣----

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/08/2020(Xem: 5570)
Vào hôm thứ Hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020, một cuộc họp trực tuyến (online) của nội các do bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Chính phủ Bangladesh chủ trì, đã thông qua dự thảo thỏa thuận giữa Tổ chức Lumbini Development Trust of Nepal và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Bangladesh về việc xây dựng tu viện Phật giáo Bangladesh. Tu viện Phật giáo được đề xuất sẽ được xây dựng tại Lâm Tỳ Ni, nơi Đản sinh của Đức Phật lịch sử. Việc xây dựng được bắt đầu với lợi ích cá nhân, và kế hoạch của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh tại Nepal, Mashfee Binte Shams, và Bí thư thứ nhất, Asit Baran Sarkar.
20/08/2020(Xem: 6815)
Kinh Kim Cang Bát Nhã được ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch từ tiếng Phạn sang Hán văn, và được thái tử Chiêu Minh (499-529) chia bố cục ra 32 chương. Đây là một trong những bộ kinh quan yếu nhất của Thiền Tông Trung Hoa đặc biệt từ thời Lục Tổ Huệ Năng (638- 713), người đã ngộ đạo, kiến tánh qua câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" trong lời khai thị từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601-674). Cụm từ "Ưng Vô Sở Trụ" được nhắc đến hai lần trong kinh: lần 1st ở chương 4 ("Diệu Hạnh Vô Trụ") và lần 2nd ở chương 10th ("Trang Nghiêm Tịnh Độ). Đây không là sự trùng lặp mà mà là sự tiến triển vi diệu về ý nghĩa của cụm từ này với rất nhiều hàm tàng đặc sắc và quan trọng trong phân biệt nhận thức theo Duy Thức Học cùng hành trì tu tập Phật đạo.
17/08/2020(Xem: 12319)
Năm 2020 những chương trình tu học Phật pháp như Phật Đản,Vu Lan, Khoá Tu Học Bắc Mỹ, Khoá an cư của Giáo Hội.v.v...khắp toàn cầu đều phải tạm ngưng vì nạn dịch COVID-19. Tại Mỹ và một số các nước, tất cả học đường phải đóng cửa và chuyển qua online. Giáo sư và sinh viên phải chật vật vì một hệ thống mới hoàn toàn. Sự thay đổi đó làm tất cả mọi người xôn xao và lo lắng, bất an...Bản thân chúng con, lịch giảng của các bang được sắp xếp vào năm trước-2019 phải huỷ bỏ. Phật tử khắp nơi gọi đến thăm hỏi và mong ước có được một lớp học Phật pháp bằng một phương tiện nào đó để tâm được an, thân được nhẹ từ lời giảng dạy trực tiếp của Chư Tăng-Ni. Đây cũng là điều mà chúng con trăn trở và tham vấn ý kiến của Chư tôn đức để chúng con có thể mở ra một chương trình tu học online miễn phí cho tất cả quý Phật tử khắp nơi trên thế giới.
16/08/2020(Xem: 8841)
Người giải thoát giống như một bánh xe quay tròn đều, không bị mắc kẹt, vướng bận, thanh thoát, thông suốt. Họ không còn ý niệm “tôi là như thế này, tôi là như thế nọ, tôi là đây, tôi là kia”. Người tu nhẫn nhục mà thấy ta đang nhẫn nhục là mắc kẹt rồi. Càng nhẫn nhục chừng nào thì CÁI TA càng lớn chừng đó. Nhẫn nhục mà không thấy ta nhẫn nhục thì mới thông suốt. Người tu hạnh khiêm cung mà thấy mình khiêm cung là mà mắc kẹt rồi. Càng khiêm cung chừng nào, thì CÁI TA càng lớn chừng đó. Tu riết như vậy lâu ngày thành bịnh, hết thuốc chữa vì kẹt lâu ngày, bánh xe không quay tròn đều được, thậm chí không thể chuyển động được vì các bộ phận bị ô-xy hóa, bị rỉ sét do chấp pháp, chấp tướng lâu ngày, thành thử bệnh nặng.
16/08/2020(Xem: 5974)
Một pho tượng Phật, được phát hiện trong khi đào móng cho một ngôi nhà tại Mardan, Mardan là một thành phố thuộc Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, hôm thứ Bảy, ngày 18 tháng 7 vừa qua, đã bị công nhân xây dựng địa phương đập vỡ thành nhiều mảnh bởi họ không tôn trọng thánh tích Phật giáo, khiến chính quyền địa phương phẫn nộ và lo lắng.
16/08/2020(Xem: 6252)
Cư sĩ Milton Glaser, người Mỹ, nhà Thiết kế Đồ họa hiện đại, với nhiều công trình nổi tiếng và bền bỉ. Ông đã từ giã trần gian và đã để lại ấn tượng những hình ảnh Phật giáo. Cư sĩ Milton Glaser, người Mỹ, nhà Thiết kế Đồ họa hiện đại đã mãn báo thân, trút hơi thở cuối cùng tại quận Manhattan, thành phố New York, Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 6 vừa qua, vào ngày Sinh nhật lần thứ 91 của ông.
15/08/2020(Xem: 5782)
(Thimphu, Bhutan) – Vào ngày 11 tháng 8 vừa qua, Chính phủ Vương quốc Hy Mã Lạp sơn Bhutan đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên kể từ khi đại dịch Virus corona tấn công Vương quốc Phật giáo này. Chính phủ Vương quốc Phật giáo này đã ban hành lệnh cách ly cho khoảng 750.000 người dân, các cơ quan nhà nước cũng đề nghị đóng cửa tất cả các trường học, cơ sở đào tạo và các cửa hàng kinh doanh; hoãn các kỳ thi và không rời địa bàn sinh sống trong thời gian này.
15/08/2020(Xem: 6066)
Sự từ biệt trần gian Ta bà của Cư sĩ Steven D. Goodman (1946-2020) là vô cùng kính tiếc, một sự mất mát cho việc nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng tại phương Tây. Cư sĩ Steven D. Goodman, Giáo sư, Tác giả và Dịch giả nổi tiếng bởi các tác phẩm kinh điển Phật giáo Tây Tạng, đã an nhiên trút hơi thở cuối cùng tại tư gia và về cõi Phật vào ngày 03 tháng 8 năm 2020, Oaklan, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 75 tuổi.
14/08/2020(Xem: 7539)
Phần này bàn về cách dùng tiền quí, cheo, bài ca dao “đi chợ tính tiền” và các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ Nôm/chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập đến. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
11/08/2020(Xem: 9640)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch. Nơi nào tại Trung Quốc: Kiến Nghiệp, nay là Nam Kinh. Chùa đầu tiên được xây dựng tại Kiến Nghiệp là chùa nào: Do Khương Tăng Hội xây dựng chùa Kiến Sơ tại Kiến Nghiệp, Nam Kinh, hiện nay, 2020, vẫn còn. Trưỡng lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Đệ Nhất Phó Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã đến thăm chùa đó cách nay mấy năm và đã xác nhận với tôi tại chùa Huê Nghiêm của Ngài tại quận hai, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 năm 2017. Khương Tăng Hội mất năm 280. Nghĩa là Ngài hành đạo tại Trung Quốc được 33 năm. Trong khi đó Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc năm 520, nghĩa là sau Khương Tăng Hội 273 năm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]