Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V. Có và Không theo tinh thần của Trung Quán luận

13/05/201316:19(Xem: 7390)
Chương V. Có và Không theo tinh thần của Trung Quán luận

Có và Không

Thích Như Điển

Phật lịch 2544 - 2000

Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam

tại Cộng Hòa Liên Bang Đức Xuất Bản

---o0o---

Chương V

Có và Không theo tinh thần của Trung Quán Luận

Hôm nay quý độc giả cùng tôi đi vào một chương rất là khó. Có thể nói rằng khó nhất trong cuộc đời; khó nhất trong triết lý và cũng khó nhất trong Phật Giáo nữa. Tôi sẽ cố gắng dịch lại một cách nghiêm mật 446 câu kệ về Trung Luận của Ngài Long Thọ và có thể cuối mỗi quyển sẽ giải thích một số ý niệm căn bản để người đọc hiểu thêm được một chút về triết lý nầy.

Kính nguyện các bậc Tổ Sư từ bi gia hộ và chứng minh cho con để con có đủ sáng suốt làm công việc khó làm nầy. Chắc chắn rằng sẽ có nhiều chỗ sai ý của chư vị Tổ Sư, vì trí óc nông cạn của con. 

446 câu kệ nầy chia ra làm 4 quyển và gồm có 27 phẩm. Quyển một có 6 phẩm. Quyển 2 có 8 phẩm. Quyển 3 có 7 phẩm và quyển 4 có 6 phẩm. Luận nầy do Ngài Long Thọ Bồ Tát viết thành; đến đời Diêu Tần bên Trung Quốc, Ngài Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập đã dịch từ Phạn văn ra Hán văn và từ đó đến nay hơn 1.500 năm ở Việt Nam đã có nhiều nhà dịch giải và bình chú sang Việt ngữ. Mới đây năm 1994 tại Hoa Kỳ, Thượng Tọa Thích Viên Lý cũng đã cho dịch bản nầy từ Hán văn sang Việt văn có bình chú. Ý nghĩa khá rõ ràng và có phụ bản Phạn văn gồm có phẩm Quán Nhân Duyên thứ nhất và phẩm Quán Niết Bàn thứ 25 với sự chú giải của pháp sư Nguyệt Xứng (Àcàrya Candrakìrti)

Trung Luận

quyển thứ nhất

Phẩm một :

Quán Nhân Duyên

Chẳng sanh cũng chẳng mất; chẳng thường cũng chẳng đoạn

Chẳng một cũng chẳng khác; chẳng đến cũng chẳng đi

Hay nói là nhân duyên; hay trừ các hí luận

Con nay đầu lễ Phật; các thuyết là đệ nhất

Các pháp không tự sanh; lại chẳng từ cái khác

Không cùng không không nhơn; như vậy biết không sanh

Nếu các pháp tự tánh; không ở nơi trong duyên

Nên không là tự tánh; tánh khác cũng lại không

Nhơn duyên thứ đệ duyên; duyên duyên tăng thượng duyên

Bốn duyên sanh các pháp; không có duyên thứ năm

Quả là từ duyên sanh; cũng từ không mà sanh

Nên duyên là quả vậy; cũng duyên mà không quả

Nhơn là pháp sanh quả; pháp ấy gọi là duyên

Nếu mà quả chưa sanh; chẳng gì gọi không duyên

Quả có trước trong duyên; có không đều không thể

Trước không là duyên gì; trước có chẳng dùng duyên

Nếu quả từ không sanh; lại từ không không sanh

Lại chẳng có không sanh; làm gì có gọi duyên

Nếu quả lại sanh sau; tức không hợp có diệt

Pháp mất làm sao duyên; nên không thứ đệ duyên

Như chư Phật đã nói; chơn thật vi diệu pháp

Với nầy pháp không duyên; làm sao có duyên duyên

Các pháp không tự tánh; lại không có tướng có

Gọi có là như vậy; đây là việc không thật

Tóm tắt trong nhơn duyên; tìm quả không có được

Nếu nhơn duyên không có; từ đâu mà duyên sanh

Nếu mà duyên không quả; vậy duyên từ không sanh

Nên quả làm sao có; trong không duyên mà sanh

Nếu quả từ duyên sanh; vậy duyên không tự tánh

Từ không tự tánh sanh; sao được từ duyên sanh

Quả không từ duyên sanh; chẳng từ không duyên sanh

Vậy quả không có vậy; duyên không duyên đều không. 

Đây là về pháp quán nhân duyên. Nội dung của phẩm nầy nói tất cả đều do nhân duyên sanh và tất cả đều do nhân duyên mà hợp. Hợp rồi tan, tan rồi hợp; nên ta gọi là nhân hay quả; nhưng trên thực tế ý nghĩa của 4 câu đầu cũng như 4 câu cuối của phẩm nầy rất rõ ràng. 

"Chẳng sanh cũng chẳng diệt; chẳng thường cũng chẳng đoạn

Chẳng một cũng chẳng khác: chẳng đến cũng chẳng đi"

Pháp vốn không sanh và không diệt. Nhân duyên cũng như thế. Nhơn duyên không có hình tướng, nên không bền chắc mà cũng không có nghĩa là mất hẳn đi. Trong duyên không chỉ có một mà cũng chẳng phải tồn tại trong hai hữu thể cùng một lúc. Cho nên nhân duyên không đến mà cũng chẳng đi. Đây là lối lập luận của Trung Quán - không khẳng định mà cũng không phủ định. Vì trong khi cái nầy có thì cái kia cũng có, cái nầy không thì cái kia cũng không. Cái nầy tồn tại thì cái kia lại thay đổi và cái nầy thay đổi thì cái kia không tồn tại nữa.

Bốn câu cuối cùng của phẩm Nhân Duyên viết: 

"Quả chẳng từ duyên sanh; chẳng từ không duyên sanh

Vậy quả không có vậy; duyên không duyên đều không".

Như vậy kết quả của một sự việc không phải từ nhân duyên mà sanh ra, cũng chẳng phải từ không có nhân duyên mà sanh. Do vậy cho nên cái quả đó không có vậy. Từ đó có thể đi đến kết luận rằng có nhân duyên hoặc không phải nhân duyên, tất cả đều không vậy.

Ta xem đoạn đầu của Trung Luận nầy cũng đã khó hiểu rồi. Tuy nhiên nếu hiểu được thuyết trung đạo của Đạo Phật thì ta chấp nhận về thuyết nhân duyên nầy một cách dễ dàng. Thật sự ra, muốn hiểu được thuyết nầy phải vượt lên trên có và không và không chấp vào có cũng như không thì mới hiểu được thuyết trung đạo của Đạo Phật. Đạo Phật là đạo như thật; nên phải hiểu tướng như thật của các pháp, thì mới hiểu được Đạo Phật vậy. 

Phẩm thứ hai :

Quán về đến và đi

Lìa đến không có đến; chưa đến cũng không đến

Bỏ rời đến chưa đến; lúc đến lại không đến

Nơi động tức có đến; trong nầy có lúc đến

Chẳng phải đến cùng đi; như vậy lúc đến đến

Vì sao tại lúc đến; cũng đang có pháp đến

Nếu lìa pháp để đến; lúc đến chẳng phải được

Nếu nói đến lúc đến; là người tức có lỗi

Lìa đến lúc có đến; đến thời riêng chỉ đến

Nếu lúc đến có đến; tức có hai loại đến

Có nghĩa là lúc đến; hai nghĩa đến lúc đến

Nếu cả hai cùng đến; tức có hai cùng đến

Nên lìa nơi người đến; pháp đến cũng chẳng được

Nếu người lìa nơi đến; pháp đến cũng chẳng được

Lại không có pháp đến; làm sao có người đến

Người đến tức chẳng đến; kẻ không đến chẳng đến

Lìa đến kẻ chẳng đến; không có người thứ ba

Nếu nói người đến đến; vì sao có nghĩa nầy

Nếu lìa được pháp đến; kẻ đến cũng chẳng được

Nếu kẻ đến có đến; tức có hai loại đến

Một là đến kẻ đến; hai là đến pháp đến

Nếu là đến kẻ đến; tức người có lỗi lầm

Lìa đến có kẻ đến; nói đến kẻ có đến

Bỏ đến trong không phát; chưa đến trong không đến

Lúc đến trong không đến; nơi nào đang có phát

Chưa sanh lúc không đến; cũng không có bỏ đến

Là hai nên có sanh; chưa đến sao có sanh

Không đến không chưa đến; đều là lúc không đến

Tất cả không có sanh; vì sao lại phân biệt

Kẻ đến tức không ở; kẻ không đến chẳng ở

Lìa đến kẻ chẳng đến; sao có ở thứ ba

Kẻ đến nếu đang ở; vì sao có nghĩa nầy

Nếu đang lìa sự đến; kẻ đến lại chẳng được

Đến chưa đến không ở; lúc đi cũng không ở

Chỉ có làm phép dừng; đều cùng là nghĩa đến

Pháp đến tức người đến; việc nầy tức không vậy

Pháp đến khác người đến; việc nầy cũng không vậy

Nếu nghĩa là pháp đến; tức làm người sẽ đến

Người tạo và nghiệp tạo; đây là việc làm một

Nếu nghĩa là pháp đến; có khác với người đến

Lìa kẻ đến có đến; lìa đến có kẻ đến

Kẻ đến đến là hai; nếu một khác pháp thành

Hai cửa cũng chẳng thành; vì sao đang có thành

Nhơn đến biết người đến; không thế dùng điều đến

Trước không có pháp không; lại không đến kẻ đến

Nhơn đến biết người đến; không thể dùng đến khác

Là một đến trong kẻ; không được hai lần đến

Quyết định có người đến; không thể dùng ba đến

Không quyết định kẻ đến; lại chẳng dùng đến ba

Pháp đến định không định; kẻ đến không dùng ba

Đây là kẻ đến đến; nơi đến cũng đều không.

Đến đây là hết phẩm thứ hai nói về việc đến đi của tự tánh, chúng ta đã bắt đầu thấy có những điều khó hiểu cho việc đến và đi, còn và mất của các pháp. Do vậy phải đứng trên lập trường của sự có và không mới có thể hiểu được Trung Luận nầy của Ngài Long Thọ vậy.

Đến và đi là thời gian; nhưng Ngài Nagarjunar cũng đã cho chúng ta thấy trong phẩm thứ hai nầy rằng ngay cả việc đến đi của thời gian cũng không nốt. Vì nếu còn chấp có thời gian đến, thời gian đi thì có nghĩa là chấp vào sự hiện hữu của thời gian và của con người, mà thời gian cũng như con người không nhất định, không thường hằng, luôn luôn thay đổi, luôn luôn biến thể ở nhiều dạng khác nhau. Do vậy dưới cái nhìn của Trung Quán, ngay cả thời gian cũng chỉ là một sự giả hợp mà thôi.

Chúng sanh vì lăn lộn trong sáu đường sanh tử, trí huệ không phát triển mà vô minh và ái dục lại nhiều. Do đó sự chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn thường hay xảy ra trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Do vậy chúng ta phải khéo cảnh tỉnh chính mình để sự nhận thức chín chắn hơn. 

Phẩm thứ ba : 

Quán lục tình

Mắt tai và mũi lưỡi; thân ý là sáu tình

Mắt nầy cùng sáu tình; hành sắc cùng sáu trần

Riêng mắt tức không thể; tự thấy thân hình nầy

Nếu không thể tự thấy; vì sao thấy có vật

Như lửa tức không thể; thành ra phép mắt thấy

Chưa đến chưa phải lúc; bỏ hết cả việc nầy

Thấy nếu chưa phải thấy; tức không phải là thấy

Mà gọi thấy hay thấy; là việc tức không thể

Thấy không thể có thấy; không thấy cũng chẳng thấy

Nếu bỏ lối thấy nầy; tức người phá thấy vậy

Lìa thấy chẳng lìa thấy; người thấy cũng chẳng có

Nên không có kẻ thấy; sao sự thấy có thể

Thấy và thấy không thể; biết đây cả bốn không

Do bốn thủ làm duyên; nên gọi là thấy vậy

Tai mũi lưỡi thân ý; nghe và kẻ lắng nghe

Phải hiểu biết nghĩa nầy; cũng giống như thuyết trên.

Lục tình cũng còn gọi là lục căn; tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là chỗ nương tựa của sáu trần để biết đối tượng của mắt, tai, v.v... là gì; nhưng tự con mắt không thể thấy được, mà mắt phải cần nhiều nhân duyên hòa hợp lại; nếu không có thể là kẻ mù, kẻ loạn sắc v.v... cũng có mắt nhưng không thể thấy được. Sở dĩ có sự thấy, vì những căn nầy nương tựa vào nhau, chứ chúng không thành tựu một cách độc lập được. Do vậy lục tình cũng là điều không thật. Tất cả nên quán sát như vậy. 

Phẩm thứ tư :

Quán Ngũ Ấm

Nếu lìa nhơn có sắc; sắc cũng chẳng có được

Nếu đang xa rời sắc; nhân sắc cũng không được

Xa sắc chính có sắc; sắc nầy không có nhơn

Không nhơn mà có pháp; là việc không thể được

Nếu lìa sắc có nhơn; tức là không nhơn quả

Nếu nói không quả nhơn; tức không có nơi chốn

Nếu mà có hình tướng; tức chẳng dùng sắc nhơn

Nếu không có tướng người; chẳng nên dùng sắc nhơn

Không nhơn mà có sắc; việc ấy rốt không vậy

Cho nên có người trí; không nên phân biệt sắc

Nếu quả mà giống nhơn; việc nầy cũng chẳng phải

Nếu quả chẳng giống nhơn; việc nầy cũng không phải

Thọ ấm và tưởng ấm; hành ấm và tưởng ấm

Ngoài ra tất cả pháp; đều cũng giống sắc ấm

Nếu người có bị hỏi; lìa không mà muốn đáp

Đáp nầy không đúng vậy; tất cả đều bị nghi

Nếu có người hỏi khó; lìa không nói việc qua

Đều không thành hỏi khó; tất cả đều bị nghi.

Phẩm thứ tư nầy nói về Ngũ Ấm cũng còn gọi là Ngũ Uẩn, tức gồm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nghĩa là hình tướng, sự cảm nhận, tư tưởng, hành động và ý thức. Năm điều nầy cũng không thật có. Vì tất cả đều bị sự chấp trước của tâm thức mà chúng hiện hữu; nếu không có sự chấp trước, tức nhiên chúng sẽ xa lìa và tất cả những sự có bên trên của năm ấm nầy cũng chỉ là một sự giả danh mà thôi. Người học Trung Quán luận phải nên quán sát như thế.

Phẩm thứ năm :

Lục Chủng (Sáu loại)

Lúc tướng không chưa có; tức không pháp hư không

Nếu hư không có trước; tức tướng có tướng không

Pháp của tướng không là; tất cả nơi không có

Nơi vô tướng pháp ấy; tướng mà thật không tướng

Có tướng trong không tướng; tướng nầy không chỗ trụ

Lìa tướng có tướng không; ngoài nơi cũng chẳng trụ

Tướng pháp không có vậy; cả tướng pháp cũng không

Do tướng pháp không có; nên tướng pháp lại không

Cho nên nay không tướng; lại không có cả tướng

Lìa tướng có tướng lìa; lại cũng chẳng có vật

Nếu nói không sự có; vì sao lại có không

Có không cũng là không; biết có không ta người

Vì vậy biết hư không; không có cũng chẳng không

Không tướng không cả tướng; ngoài năm giống hư không

Trí cạn thấy các pháp; nếu có không không tướng

Tức là không thấy được; mắt thấy pháp an ổn.

Đây gọi là Lục Chủng, tức sáu loại, mà ta đang đối diện hằng ngày. Đó là: thủy, địa, hỏa, phong, không và thức. Ở đây chỉ nói về hư không để đại biểu cho 5 loại khác. Theo nội dung bản văn trên cho ta thấy rằng hư không cũng chẳng có mà cũng chẳng không. Nếu nói có thì vô lý. Vì hư không luôn luôn biến đổi, không thường còn. Nếu nói không cũng không đúng. Vì lẽ hư không vẫn hiện hữu. Nếu nhìn từ thuyết Trung Luận của Ngài Long Thọ thì phải quan sát rằng: hư không chẳng thật, chẳng phải hư, chẳng phải có, chẳng phải không; chẳng phải còn và chẳng phải mất vậy. Có, không, còn, mất, đến, đi v.v... chỉ do tâm niệm của con người phân biệt mà thành thôi.

Phẩm thứ sáu :

Quán về kẻ nhiễm ô

Nếu lìa được pháp nhiễm; trước từ chính kẻ nhìn

Nguyên nhơn là nhiễm dục; nên sanh ra pháp nhiễm

Nếu không có người nhiễm; làm sao có thể nhiễm

Nếu có hoặc không nhiễm; kẻ nhiễm cũng như vậy

Kẻ nhiễm và pháp nhiễm; đều là không phải vậy

Cả kẻ nhiễm pháp nhiễm; tức không có tướng chờ

Kẻ nhiễm pháp nhiễm một; hợp lại thành một pháp

Kẻ nhiễm khác pháp nhiễm; pháp khác làm sao hợp

Nếu có kẻ hợp một; lìa xa rồi có hợp

Nếu khác có hợp lại; xa rời cũng hợp lại

Nếu khác mà có hợp; kẻ nhiễm ô làm việc

Là hai tướng khác nhau; sau nầy nói tướng chung

Nếu nhiễm và kẻ nhiễm; đều trở thành tướng khác

Tất bị thành tướng khác; sao gọi là hợp được

Tướng khác không thể thành; cho nên gọi muốn hợp

Tướng hợp cũng chẳng thành; nên lại nói tướng khác

Khi tướng khác không có; tướng hợp cũng không có

Nơi ở trong tướng khác; mà muốn nói tướng hợp

Như thế kẻ nhiễm nhiễm; không hợp chẳng hợp thành

Các pháp đều như thế; không hợp cũng chẳng thành.

Phẩm thứ sáu nầy nói về sự nhiễm ô. Nghĩa là tâm và pháp là những nguyên nhân và đối tượng để bị nhiễm ô. Vì lẽ nếu tâm không nhiễm thì pháp sẽ không có lý do để tồn tại. Rốt cuộc rồi người bị nhiễm và pháp bị nhiễm cũng đều không thật. Vì chúng không có đối tượng; chẳng qua là sự chấp trước vào hình tướng mà thôi.

Như tiếng vỗ của một bàn tay thì không thể tạo nên âm thanh được. Cũng như thế đó, kẻ nhiễm ô và việc nhiễm ô cũng vậy. Nếu tâm bất động trước các pháp, thì các pháp không có lý do để tồn tại. Sở dĩ có hợp lại và có tan đi, vì do tâm phân biệt chấp trước mà thành. Trên thực tế thì sự phân biệt chấp trước nầy không thật.

Tất cả các pháp đều như vậy. Không tập hợp lại, cũng chẳng thành tựu. Sở dĩ có việc nầy vì do tâm nhiễm ô chấp trước của chúng ta mà có vậy.

TRUNG LUẬN

Quyển thứ hai

Phẩm thứ 7 :

Quán sát ba tướng

(sanh, trụ, diệt)

Nếu sanh là có thật; tức hợp với 3 tướng

Nếu sanh là không có; lấy gì mà có tướng

Ba tướng nếu hợp ly; không thể có tướng thật

Tại sao gọi một chỗ; một lúc có ba tướng

Nếu chưa sanh còn mất; đổi có có làm tướng

Điều ấy là vô cùng; vô tức không có vậy

Sanh sanh là được sanh; sanh vì bị sanh bởi

Sanh bởi là nơi sanh; hết sanh lại sanh ra

Nếu mà điều sanh ra; hay sanh việc sanh bởi

Sanh ra từ chỗ sanh; sao lại sanh chỗ sanh

Nếu chưa là sanh bởi; hay sanh ra chỗ sanh

Sanh bởi từ bị sanh; sao lại sanh ra sanh

Nếu lúc sanh ra sanh; hay sanh ra bởi sanh

Sự sanh thường chưa có; làm sao sanh bởi sanh

Như đèn tự nó sáng; lại làm cho người sáng

Pháp sanh cũng như vậy; tự sanh và bị sanh

Trong đèn tự không tối; chỗ ở cũng không tối

Phá tối lại chiếu sáng; không tối tức không sáng

Vì sao lúc sanh sáng; mà hay phá bóng đêm

Lúc đèn nầy mới sanh; không thể cùng bóng tối

Đèn nếu chưa đốt sáng; mà hay trừ bóng tối

Đèn ở tại phòng nầy; tức bị tất cả tối

Nếu đèn tự nó sáng; lại cũng giúp sáng kia

Tối cũng hay tự tối; lại hay tối kẻ khác

Sanh nầy nếu chưa sanh; vì sao hay tự sanh

Nếu sanh đã tự sanh; sanh rồi sanh chi nữa

Sanh không sanh đã sanh; cũng không chưa sanh ra

Lúc sanh hoặc chẳng sanh; đến đi trong đối đáp

Nếu chưa sanh thì sanh; việc nầy không thể được

Vì do duyên hợp lại; lúc ấy được sanh ra

Nếu pháp do duyên sanh; tức là tánh tịch diệt

Do vậy lúc sanh ra; cả hai đều vắng lặng

Nếu có pháp chưa sanh; nói rằng có kẻ sanh

Pháp nầy trước có rồi; vì sao lại sanh nữa

Nếu nói sanh lúc sanh; vậy là có thể sanh

Sao được gọi có sanh; vì sanh nghĩa là sanh

Nếu không phải có sanh; sanh sanh tức vô cùng

Lìa sanh sanh lại có; pháp đều do tự sanh

Có pháp không được sanh; không cũng chẳng được sanh

Có không lại chẳng sanh; nghĩa nầy trước đã nói

Lúc các pháp diệt đi; lúc ấy lại chẳng sanh

Nếu pháp cũng chẳng diệt; cuối rồi cũng thành không.

Không trụ pháp bất trụ; trụ pháp chẳng không trụ

Lúc ở lại chẳng ở; không sanh sao gọi ở

Nếu các pháp lúc diệt; có nghĩa không ở lại

Nếu pháp không diệt đi; cuối rồi cũng không có

Do vậy tất cả pháp; đều bị tướng già chết

Cuối không thấy có pháp; lìa già chết có ở

Ở chẳng phải tự ở; lại chẳng khác tướng ở

Như sanh không tự sanh; lại cũng chẳng khác sanh

Pháp đã diệt không diệt; chưa diệt lại cũng không

Lúc diệt lại chẳng diệt; không sanh làm sao diệt

Nếu pháp có tướng trụ; tức là không có diệt

Nếu pháp không tướng trụ; lại cũng không có diệt

Pháp tức là như vậy; không phải nên lúc diệt

Pháp nghĩa là khác lúc; không phải khác lúc diệt

Như tất cả các pháp; tướng sanh không có được

Vì tướng không sanh vậy; tức cũng không tướng diệt

Nếu pháp là có người; tức là không có diệt

Không hợp với một pháp; đó có tướng không tướng

Nếu pháp là không người; tức là không có diệt

Ví như có hai đầu; không thể đoạn đi được

Pháp không tự nó diệt; tướng khác cũng như vậy

Nếu tự tướng không sanh; tướng khác cũng chẳng sanh

Sanh, ở, mất chẳng thành; nên không có có vậy

Pháp hữu vi không có; làm sao có vô vi

Như huyễn lại như mộng; như thành Càn Thát Bà

Nên nói sanh, ở, mất; các tướng đều như vậy.

Phẩm thứ bảy nầy nói rõ về ba tướng của sự sanh ra, tồn tại ở đời và mất đi. Như chúng ta đều biết các pháp hữu vi đều không thật, cho nên pháp vô vi cũng không có. Các pháp nếu nói có sanh, có trụ lại ở đời, có mất đi, chẳng qua chỉ là tướng giả mà thôi. Thật tướng của nó là không thật. Do vì con người không có trí tuệ nên mãi bị ba tướng nầy chi phối. Nếu ta luôn quán sát ba tướng nầy theo thuyết Trung Luận của Ngài Long Thọ thì ba tướng nầy không có nơi nương tựa ở tâm thức của mọi người.

Phẩm thứ 8 :

Quán tác và tác giả

(Tác có nghĩa là nghiệp được tạo và tác giả là kẻ tạo ra nghiệp)

Chắc chắn có người tạo; không tạo quyết định nghiệp

Quyết định không người làm; không làm không định nghiệp

Quyết định nghiệp không làm; là nghiệp không kẻ tạo

Kẻ tạo nghiệp không tạo; kẻ tạo cũng không nghiệp

Nếu chắc có kẻ làm; lại cũng có nghiệp tạo

Người tạo và nghiệp tạo; tức theo đó không nhơn

Nếu theo đó không nhơn; tức không nhơn không quả

Không tạo không người tạo; nên không có pháp làm

Nếu không tạo ra pháp; tức không có tội phước

Tội phước lại không có; quả báo tội phước không

Nếu không tội phước báo; lại cũng không Niết Bàn

Tất cả có thể làm; đều không không có quả

Kẻ tạo định hoặc không; không thể làm hai nghiệp

Có không tướng khác nhau; một chỗ không có hai

Có không thể tạo không; không không thể tạo có

Nếu có tạo người tạo; cũng giống như trước nói

Kẻ tạo không làm nghiệp; lại không làm định nghiệp

Và định không định nghiệp; cũng giống như đã nói

Nghiệp nhơn có kẻ làm; kẻ làm nguyên có tội

Thành nghiệp nghĩa là vậy; ngoài ra không có gì

Như phá nghiệp người tạo; người thọ cũng như vậy

Và tất cả các pháp; cũng nên phá như vậy.

Nghiệp tiếng Sanscrit gọi là Karma, Trung Hoa dịch là nghiệp; tiếng Việt dịch thành những hành vi đã làm. Nghiệp có nghĩa là tất cả những gì liên quan đến quá khứ, hiện tại và vị lai. Từ tư tưởng đến hành động; nếu có móng tâm tạo nên tội lỗi, tức hành nghiệp nầy sẽ dẫn dắt chúng ta vào sanh tử luân hồi. Nếu từ tư tưởng cũng như hành động, chúng ta không khởi lên một niệm tạo tác, thì chắc chắn rằng không có những nghiệp được tạo ra. Vì vậy trong đoạn trên có hai câu đáng lưu tâm là "Có không thể tạo không, không không thể tạo có" là vậy. Tất cả đều có nguyên nhân và tất cả đều có kết quả. Nếu nhân không gây thì quả sẽ không có. Cũng như thế ấy, ái dục không tạo, thì nghiệp ái không sanh; nghiệp ái không sanh thì không còn tiếp theo những vòng luân hồi liên tục nữa. Còn lại chỉ mình ta và chính cái ta nầy đi vào sự tu học, giải thoát thì cái tạo nên nghiệp cũng không còn nữa. Từ đó kẻ tạo ra nghiệp và nghiệp dĩ của mỗi cá nhân sẽ không còn tồn tại nữa. Đây là một phẩm quan trọng trong các phẩm khác của tác phẩm Trung Luận nầy.

Trung luận

quyển thứ chín

Quán về Bổn Trụ

(Bản Trụ hay Bổn Trụ có nghĩa là cái Ngã)

Nhãn nhĩ và các căn; khổ vui và các pháp

Ai có việc như vậy; đó gọi tên bổn trụ

Nếu không có bản ngã; ai có mắt và pháp

Vì vậy nên phải biết; trước bỏ cái bản ngã

Nếu lìa mắt các căn; và khổ vui các pháp

Trước kẻ có bản ngã; vì thế nên phải biết

Nếu lìa mắt tai thảy; mà kẻ có bản ngã

Lại muốn lìa bản ngã; mà có mắt tai vậy

Pháp nầy biết có người; vì người biết có pháp

Lìa pháp mà có người; lìa người mà có pháp

Tất cả mắt và căn; thật không có bản ngã

Nhãn nhĩ và các căn; tướng khác nên phân biệt

Nếu nhãn và các căn; kẻ không có bản ngã

Nhãn và tất cả căn; sao có thể biết trần

Kẻ thấy tức kẻ nghe; kẻ nghe tức kẻ thọ

Như vậy cùng các căn; nên chi có bản ngã

Nếu thấy nghe đều khác; kẻ thọ lại khác tên

Lúc thấy lại nên nghe; như vậy tức nhiều thần

Mắt tai và các căn; khổ vui và các pháp

Nên đây sanh các đại, bị đại cũng không thần

Nếu mắt tai và căn, khổ vui cùng các pháp

Không có một bản ngã; mắt cũng không có vậy

Mắt không có bản ngã; sau nầy cũng lại không

Vì ba đời không vậy; không có không phân biệt.

Đại ý phẩm thứ chín nầy nói về Thần Ngã hay Bản Ngã. Khi con người chấp vào mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Mắt có cái thấy, tai có cái nghe, mũi có cái ngửi v.v... tất cả đều lấy chủ tể là cái ta để xem những đối tượng ấy; nhưng trên thực tế thì những cái nầy không có cái nào là chủ cả. Vì mắt không phải là mắt; mũi không phải là mũi; nghe không phải là nghe v.v... như vậy cứ mỗi một căn của con người như thế sinh ra một đối tượng, mà đối tượng đó thật ra chỉ là giả danh thôi chứ không phải thực tướng. Vì giả danh nên chúng không có thật. Không có thật cho nên tất cả những mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý v.v... đều không có gì cả; không những không có trong đời nầy mà tất cả chư Phật ba đời trong quá khứ, hiện tại cũng như vị lai cũng không có chấp vào thần ngã ấy.

Vì người mù thấy khác, người loạn sắc thấy khác, người có mắt bình thường thấy khác v.v... tất cả cái thấy không khác; nhưng vì con người chấp chặt vào sự thấy của mỗi người cho nên mới sinh ra cái thấy nầy hay cái thấy kia; nhưng trên thực tế thì không có mắt để thấy và không có cái thấy nào cả. Vì cái thấy tự nó không có chủ thể của nó. Chỉ vì chấp có thần ngã nên mới như vậy 

Phẩm thứ mười:

Quán về lửa và nhiên liệu

Nếu lửa thật là lửa; nghiệp, tạo nghiệp là một

Nếu lửa khác chất lửa; lìa chất lửa có lửa

Như vậy thường có lửa; không nhơn lửa chẳng sanh

Tức không có lửa cháy; lại không tên tạo lửa

Lửa không đợi mới cháy; tức không do duyên sanh

Lửa nếu hay tự cháy; công người cũng thành không

Nếu lửa lúc cháy đi; có tên là lửa cháy

Lúc bấy giờ có củi; vật nào cháy lại cháy

Nếu khác tức không đến; không đến tức không cháy

Không cháy tức không tiêu; không mất tức thường trụ

Cháy và có khác nhau; có thể đến chỗ cháy

Như vầy đến người khác; người khác đến người nầy

Nếu cháy nghĩa có thể; cả hai đều khác nhau

Như vậy cháy nghĩa là; cuối cùng cũng bị cháy

Nếu nhơn có thể cháy; nhơn cháy có thể cháy

Có định trước pháp nầy; nên sự cháy có thể

Nếu nhơn có thể cháy; nên cháy trở thành cháy

Nên trong khi cháy ấy; tức là không có cháy

Nếu nhơn pháp chờ thành; tức pháp mất chờ thành

Ngay đây không chờ nhơn; cho nên không pháp thành

Nếu pháp có chờ thành; chưa thành làm sao chờ

Nếu thành đã có chờ; sự thành chờ làm gì

Nhơn có lửa không lửa; không nhơn lại không lửa

Nhơn lửa lại không lửa; không nhơn không có lửa

Lửa không từ đâu đến; lửa không chỗ không lửa

Cháy được là như vậy; như trên đã nói vậy

Có lửa tức không lửa; lìa lửa chẳng có lửa

Lửa không có tự tánh; trong lửa không có lửa

Cả lửa cũng không lửa; (bản Hán văn thiếu 5 chữ)

Cả lửa pháp có lửa; nói thọ kẻ thọ pháp

Và nói pháp y chú; tất cả các pháp ấy

Nếu người nói có ta; các pháp đều tướng pháp

Hãy biết người như thế; không được vị Phật Pháp.

Người mà không hiểu như trên, quả thật không hưởng được hương vị của Phật Pháp vậy. Có nghĩa là có lửa cũng như không lửa và lìa lửa chẳng có lửa là vậy. Lửa do nhân duyên phát sanh, rồi lửa do nhân duyên tự diệt. Không phải vì có củi mà có lửa, cũng chẳng phải vì có lửa nên mới có củi. Lửa và củi tuy có đó; nhưng trên thật tướng là không. Vì lẽ tất cả đều là giả danh và tất cả chỉ là do sự biến hiện của tâm thức mà thành vậy.

Phẩm thứ mười một :

Quán sát về bổn tế

(Bổn tế hay bản tế có nghĩa là biên tế)

Đức Phật đã nói rằng; bản tế không thể được

Sanh tử không có đầu; lại cũng không có cuối

Nếu không có đầu cuối; ở giữa làm sao có

Nếu giữa là như vậy; trước sau cũng hoàn không

Nếu mà trước có sanh; sau có già và chết

Không già chết có sanh; không sanh có già chết

Nếu trước có già chết; thì sau phải có sanh

Đều là không có nhơn; không sanh có già chết

Sanh ra và già chết; không phải cùng một lúc

Có sanh tức có chết; cả hai không có nhơn

Nếu mà đầu và sau; cũng đều không như vậy

Vì sao lại không thật; vì chưa sanh già chết

Các việc có nhân quả; có tướng tức có pháp

Nhận và kẻ thọ nhận; do có tất cả pháp

Không có cả sanh tử; bổn tế không thể được

Tất cả pháp như vậy; bổn tế cũng đều không.

Sanh không từ đâu đến, chết không từ đâu đi. Đó là bản tế. Phải quán sát như vậy. Cho nên ở khoảng giữa không có gì để nói. Nếu sanh không có thì già cũng không có mà chết cũng lại không. Tất cả các pháp đều như vậy cả. Hành giả thực hành Trung Luận, nên luôn luôn phải suy nghĩ và thực hành về điều nầy. Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh và các pháp đều do nhân duyên diệt. Có thì có vậy; nhưng không vẫn hoàn không. Không vẫn là không vậy; nhưng sẽ biến thành có. Do vậy nên gọi là biên tế. Vì đây là những nhận biết có tính cách tạm thời, chứ không phải là chơn lý chơn thật của Phật Giáo. Vì Đức Phật vẫn thường hay nói: Các hành nghiệp đều bị vô thường chi phối và các pháp đều không có cái ta. Dầu cho pháp đó là của thế gian hay xuất thế gian đi nữa. Tất cả đều là như vậy. Ngay cả việc sanh và việc tử là những việc trọng đại của con người; nhưng trên thực tế, dưới cái nhìn của Trung Quán, nó chỉ là những cái gì tương đối có tính cách đối đãi của thế gian mà thôi. Trước và sau đều không có. Vì tâm chúng ta không khởi lên niệm chấp có ban đầu hay chấp có sau cùng hay ngay cả khoảng giữa cũng vậy. Không có cái gì gọi là bắt đầu cả, nên cũng không có cái gì gọi là chấm dứt. Sở dĩ có bắt đầu có chấm dứt là do tâm niệm của con người chấp chặt vào đối tượng mà thôi. Đã là người hiểu biết giáo lý nhà Phật, chúng ta không khó khăn mấy, khi học cũng như thực tập về biên tế nầy. 

Phẩm thứ mười hai:

Quán sát về sự khổ đau

Tự làm và người làm; cả hai không nhơn làm

Cho nên nói các khổ; do vậy quả không thật

Khổ khổ người tự làm; tức không từ duyên sanh

Có nhơn có thân nầy; như có từ ấm sanh

Nếu là ngũ ấm nầy; khác với ngũ ấm vậy

Như vậy tức đúng lời; theo đó mà tạo khổ

Nếu người tự làm khổ; lìa khổ sao có người

Nghĩa là bởi người khác; chính mình tự làm khổ

Khổ khổ người khác làm; mà làm người nầy vậy

Nếu muốn lìa khổ não; sao có người nầy thọ

Khổ khổ bị người làm; giữ lại kẻ làm nầy

Lìa khổ sao có người; cho nên giữ việc nầy

Nếu làm mà không thành; làm sao lại bị khổ

Nếu bị người làm khổ; tức lại gọi tự làm

Khổ không tên tự làm; pháp không tự pháp làm

Bị có không chi phối; sao có bị làm khổ

Nếu việc nầy thành khổ; cùng với khổ làm nên

Cái nầy không tạo nên; hà huống không nhơn làm

Không cần nói đến khổ; bốn loại nghĩa không thành

Tất cả ngoài vạn vật; bốn nghĩa cũng không thành.

Bốn chủng loại đó là: tự tác, tha tác, cộng tác và vô nhân tác. Tự tác có nghĩa là tự mình tạo ra sự khổ đau. Tha tác là người khác tạo ra sự khổ đau. Cộng tác có nghĩa là cả hai đều tạo ra và cuối cùng là không ai tạo ra cả. Không có nguyên nhân và cũng chẳng có kết quả của sự khổ đau.

Sự đau khổ của con người thì không có giới hạn. Vì con người đã bị có và không chi phối; nhưng đứng trên lập trường của Trung Quán thì không có người làm nên, không có người nhận lấy cũng như không có cả hai nguyên nhân trên; nên cũng gọi là không ai gây ra cả. Vì vậy khi thực hành pháp quán nầy phải dựa theo tinh thần của Trung Quán mới thành tựu được pháp quán.

Những cái khổ về sanh, về già, về bệnh, về chết, về ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắn hội và ngũ ấm xí thạnh khổ v.v... chỉ là những cái khổ căn bản của con người khi có hình hài, tức phải có sự hủy hoại. Học Trung Quán chúng ta phải biết quán rằng: sanh không từ đâu tới; chết không từ đâu đi. Do vậy sự khổ cũng chỉ như vậy thôi. Sanh, già, bệnh, chết, khổ, vui v.v... cũng chỉ là những giả danh trong cuộc đời chứ không phải là những thật tướng vậy. Nếu quán sát như vậy thì 4 chủng loại bên trên không có cơ sở để thành tựu đối với hành giả thực hành Trung Quán vậy.

Phẩm thứ mười ba:

Quan sát về các hành

Như kinh Phật đã nói; chấp tướng hư cuồng vọng

Các hành đều không thật; cho nên gọi hư cuồng

Kẻ nhận hư cuồng vọng; trong ấy chấp chỗ nào

Phật nói những việc nầy; tất cả đều vô nghĩa

Các pháp đều sai biệt; biết rằng không có tánh

Pháp cũng lại không tánh; tất cả pháp như vậy

Nếu các pháp không tánh; tại sao gọi trẻ con

Cho đến tuổi già nua; có điều gì khác nhau

Nếu các pháp có tánh; vì sao mà được khác

Nếu các pháp không tánh; vì sao mà có khác

Các pháp tức không khác; pháp khác cũng không khác

Như mạnh không thể già; già cũng không làm trẻ

Nếu pháp là sai khác; sữa tức cũng giống lạc

Lìa sữa có pháp nào; có thể tạo nên lạc

Nếu có pháp không không; tức hợp pháp có không

Thật không pháp bất không; sao được pháp có không

Đức Phật dạy không pháp; vì lìa các chấp vậy

Nếu lại thấy có không; các Phật không đổi thay.

Các hành đều vô thường; nghĩa là các pháp của thế gian và xuất thế gian đều biến đổi. Vì lẽ các hành đều không thật; nhưng chúng ta chấp vào sự tồn tại và hiện hữu của các pháp nên gọi là cuồng vọng. Đức Phật thấy rõ được điều đó nên nói rằng tất cả đều vô nghĩa. Vì các pháp luôn luôn sai biệt và các pháp không có tự tánh của nó. Khi các pháp luôn sai biệt, thì đâu có gì gọi là chủ tể. Đã không có chủ tể thì làm gì có kẻ làm và người bị làm hay kẻ được làm.

Sự biến đổi từ trẻ con đến tráng niên hay già nua v.v... chỉ là sự hóa hiện, cũng như sữa không tự biến thành lạc và lạc cũng chẳng biến thành sữa. Sở dĩ gọi là sữa hay lạc, vì do nhân duyên tác động mà thành vậy. Mà những nhân duyên ấy vì chúng ta chấp trước mà có; nên chúng đều vô thường là vậy. Nếu chúng ta lìa xa các pháp có không còn mất, sự hiện hữu, sự băng hoại v.v... thì chúng ta sẽ hiểu được Trung Luận của Ngài Long Thọ.

Đức Phật thường dạy cho chúng ta các pháp đều không; có nghĩa là Ngài dạy cho chúng ta đừng rơi vào chỗ chấp tướng, chấp ngã. Nếu còn chấp tức còn bị dính chặt vào sự đối đãi; mà còn đối đãi tức còn nằm trong vòng tương đối của thế gian, khó vào trong nhận thức của xuất thế gian được.

Phẩm thứ mười bốn : 

Quán về sự hòa hợp

Thấy và thấy kẻ thấy; đấy ba loại khác nhau

Như vậy ba pháp khác; cuối không có hòa hợp

Nhiễm và có thể nhiễm; kẻ nhiễm cũng lại thế

Thêm vào các phiền não; tất cả đều như vậy

Pháp khác đương hòa hợp; thấy rằng không có khác

Tướng khác không thành vậy; thấy vậy hợp chỗ nào

Không vậy thấy các pháp; tướng khác không thể được

Cho nên tất cả pháp; đều lại không tướng khác

Khác nhơn cũng khác khác; khác lìa khác không khác

Nếu pháp từ nhơn sanh; pháp nầy không khác nhơn

Nếu lìa nơi khác khác; hay trừ khác có khác

Lìa nơi khác không khác; nên gọi không có khác

Trong khác không khác tướng; không khác trong cũng không

Không có khác tướng nầy; nên không bị sai khác

Các pháp không hòa hợp; pháp khác cũng không hợp

Kẻ hợp và hòa hợp; pháp hợp cũng đều không.

Thấy, được thấy và bị thấy là ba yếu tố khác nhau; chúng không phải là một. Do vậy nên không hòa hợp nhau. Vì các pháp có khác nhau về nhơn duyên để sanh khởi; nên cuối cùng cũng khác nhau về kết quả khi đã đến. Mà tất cả các pháp đều không có tướng; nên lìa tướng cũng không có pháp mà lìa pháp cũng không có tướng được. Các pháp thế gian cũng như các pháp xuất thế gian trên căn bản không có pháp nào giống nhau; nên gọi là không hòa hợp. Căn bản là như vậy cho nên khi nói hợp hay hòa hợp chỉ là cách mượn cớ chứ thật ra hợp hay không hòa hợp cũng đều không tất cả.

Ở đây người hòa hợp hay pháp hòa hợp chỉ là sự đối đãi để mà thành; chứ trên thực tế thì pháp cũng không hòa hợp mà người cũng không hòa hợp. Vì căn bản vốn là không. Tất cả chỉ là thay đổi hình tướng và vị trí mà gọi là hợp cũng như không hợp mà thôi.

Nhiễm ô pháp thế gian cũng như có thể nhiễm và kẻ bị nhiễm cũng thế. Đây gọi là pháp hòa hợp của ba loại nhiễm; nhưng trên thực tế ba loại nầy không thực tướng; chúng chỉ là giả danh để gọi những việc nhiễm ô của cuộc đời. Chúng giống như âm thanh, điện chớp, sóng gợn, gió thổi v.v... tuy có tác động vào hình tướng bị động và bị phân biệt; nhưng đó chỉ là những biến đổi của tâm thức, chứ không phải là thực tướng của các pháp. Thực tướng của các pháp có nghĩa là không bị luật vô thường và khổ, không chi phối. Ở đây vẫn bị chi phối; nên Phật nói không hòa hợp là vậy. 

Trung quán luận

Quyển thứ ba

Phẩm thứ mười lăm :

Quán sát về hữu vô

(Có và Không)

Trong các duyên có tánh; việc ấy tức không phải

Tánh từ các duyên sanh; có tên tạo các pháp

Tánh nếu là kẻ làm; vì sao có nghĩa nầy

Tánh tên là không làm; không đợi pháp khác thành

Pháp nếu không tự tánh; vì sao có tánh khác

Tự tánh và tha tánh; lại tên là tánh khác

Lìa tự tánh tha tánh; làm sao có được pháp

Nếu có tự tha tánh; các pháp tức có thành

Có nếu không thành được; không sao gọi có thành

Nhơn vì có các pháp; có khi hoại thành không

Nếu người thấy có không; thấy tự tánh tha tánh

Như vậy là không thấy; Phật Pháp nghĩa chơn thật

Nếu pháp có tánh thật; ở sau không khác mấy

Tánh nếu có khác tướng; việc ấy cuối không phải

Phật hay diệt có không; như độ Ca Chiên Diên

Trong kinh đã có nói; lìa có cả lìa không

Nếu pháp thật có tánh; vì sao mà sai biệt

Nếu pháp không có tánh; vì sao mà sai biệt

Định có tức thường còn; định không tức hay mất

Vì vậy có kẻ trí; không hợp với có không

Nếu pháp có tánh định; không không cũng là thường

Trước có bây giờ không; tức là nghĩa mất còn.

Đây cũng là chương quan trọng của Trung Quán Luận mà chúng tôi đã lấy làm đề tựa cho quyển sách thứ 29 kỳ nầy. Năm 2000 cũng là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của cuộc đời, của thiên niên kỷ thứ 3. Thông thường chúng ta hay dễ dãi với chính mình và để cho thời gian trôi qua một cách vô ích; ít ai tự hiểu rằng thời gian rất gấp rút, hãy dùng để gạn lọc tâm thức của mình và rọi soi chính mình theo tinh thần Trung Quán Luận để hiểu rõ chơn thật nghĩa hơn.

Tánh có nghĩa là cái căn bản của tinh thần, nó không là vật chất; nhưng tánh tự nó không có; tánh cũng không phải do các pháp khác tạo thành, mà tánh do từ các nhân duyên khác hòa hợp và sinh ra; cho nên tánh cũng còn có tên là tạo nên các pháp.

Nếu thực tế có tự tánh và tha tánh thì các pháp tức có thành tựu; nhưng trên thực tế có cũng không thể sinh được thì làm sao thành tựu được sự không. Nếu còn thấy có không, còn thấy tánh đây tánh kia; tức chẳng thấy được tánh gì cả. Vì sao vậy ? Vì nghĩa của Phật Pháp nằm nơi nghĩa chơn thật, chứ không nằm nơi đối đãi ấy.

Nếu thấy có tánh tức có tướng, có trước tức có sau, có còn tức có mất, có sanh tức có diệt; nhưng Phật thì không vậy. Không đối với Ngài cũng không mà có đối với Ngài cũng chẳng có. Nếu hành giả lìa cả có và không; đó chính là chơn thật nghĩa của Như Lai vậy.

Đến như định cũng vậy. Nếu nói có, tức thường còn. Nếu nói không tức hay mất. Do vậy là kẻ trí, tức người hiểu biết chân lý nầy phải biết rằng có không chỉ là sự đối đãi với nhau, chứ trí tuệ và định tỉnh thì không phải như vậy.

Nếu pháp trong thế gian và xuất thế gian có tánh định tỉnh cũng sai nốt. Vì lẽ nếu nói có thì không cũng thường còn. Cho nên phải có trước có sau, mà pháp thì không như vậy. Không sanh cũng không diệt, không mất cũng không còn; không đến cũng không đi; không còn cũng không mất; không được cũng không thua, không có cũng không không. Đó chính là chơn diệu nghĩa của Có Không vậy.

Phẩm thứ mười sáu :

Quán sát về phược giải

(Trói buộc và giải thoát)

Các hành đến và đi; thường không hợp đến đi

Vô thường hay không hợp; chúng sanh lại cũng vậy

Nếu có chúng sanh đến; ấm giới và các nhập

Năm loại muốn hết không; ai có đến đi vậy

Nếu từ thân đến thân; đến đi tức không thân

Nếu mà không có thân; tức không có đến đi

Nếu các hành mất đi; việc nầy sau không phải

Chúng sanh nếu có mất; việc nầy cũng như vậy

Các hành sinh tướng diệt; không trói lại chẳng mở

Chúng sanh như trước nói; không trói cũng chẳng mở

Nếu thân gọi là trói; có thân tức không trói

Không thân cũng không trói; vì sao mà có trói

Nếu mà trói có trước; tức có trói và trói

Nhưng trước thật không trói; chỉ có đến đi vậy

Kẻ trói không giải thoát; chẳng trói cũng chẳng mở

Có trói tức có mở; trói mở chỉ một thôi

Nếu không thọ các pháp; ta nay đã Niết Bàn

Nếu người được như vậy; mất đi chỗ trói buộc

Không lìa nơi sanh tử; cũng không rời Niết Bàn

Thật tướng nghĩa là thế; vì sao có phân biệt.

Chúng ta hay có phân biệt thế nầy thế kia, vì chúng ta chấp vào không và chấp vào có. Sở dĩ chúng ta thấy có trói buộc. Vì lẽ chúng ta thấy mình có thân; nên phải cầu giải thoát. Như Lai đến đi trong tam giới không ngần ngại. Vì lẽ không có sự trói buộc trong sự đối đãi bình thường nầy. Vì chúng sanh có thân và thân ấy tự do hành nghiệp của mình sai sử chiêu cảm mà thành tựu; rồi cũng do chính hành nghiệp ấy nó dẫn dắt mình đi vào nhiều con đường tối tăm tội lỗi khác; nên phải cầu giải thoát ra khỏi chốn nầy. Trên thực tế các Đức Như Lai vào chốn hư không hay đi qua lỗ hổng nơi mũi kim cũng chỉ là một tướng; nhưng không bị dính mắc. Vì lẽ các vị giác ngộ không nằm vào trong tư thế chấp có hay là chấp không; còn chúng ta luôn luôn bị triền phược của thế gian lôi kéo nên mới phát sinh ra như vậy.

Trên thực tế thì chẳng ai trói mình và mình cũng chẳng trói ai. Chỉ vì mình tự mình trói mình vào vòng luân hồi sanh tử; nên mình phải cầu ra khỏi. Khi cầu ra khỏi như vậy có tướng cầu và mong được cầu; chứ thực ra trên thực tế thì không có gì bị trói và không có gì để phải giải thoát hết. Vì tất cả các pháp đều như như bất động; chỉ có sự thay đổi tâm thức của mình mà hoàn cảnh xoay chuyển mà thôi.

Phẩm thứ mười bảy :

Quán về nghiệp

Người hay hàng phục tâm; lợi ích cho chúng sanh

Có tên là việc lành; hai đời các loại quả

Đại Thánh nói hai nghiệp; tư và từ tư sanh

Trong nghiệp có biệt tướng; nói các loại khác nhau

Phật nói về suy nghĩ; đó thuộc về ý nghiệp

Chúng từ ý nghiệp sanh; tức do thân miệng tạo

Thân nghiệp và khẩu nghiệp; làm và không tạo nghiệp

Như vậy trong bốn loại; có tốt lẫn không tốt

Chúng từ phước đức sanh; tội cũng sanh như thế

Ý chí tạo bảy pháp; hay thành các tướng nghiệp

Nghiệp ở đến thọ báo; nghiệp luôn luôn tồn tại

Nếu mất tức không nghiệp; làm sao sanh quả báo

Giống như tướng của mầm; tất cả từ hạt sanh

Từ đó sanh ra quả; lìa hạt không liên tục

Từ hạt có liên tục; từ tướng tiếp có quả

Sanh tiếp quả kế sau; không mất cũng chẳng thường

Như vậy từ tâm đầu; tướng của tâm sanh tiếp

Từ đây mà sanh quả; lìa tâm không liên tục

Từ tâm có liên tục; từ tướng tiếp có quả

Nghiệp trước quả đời nầy; không mất cũng không còn

Hay thành phước đức vậy; đó là mười nghiệp lành

Hai đời năm món vui; tức sinh nghiệp báo sạch

Nếu có phân biệt ra; trải qua nhiều vô số

Cho nên nói việc nầy; hiểu nghĩa phải như vậy

Nay lại nói thêm nữa; tùy theo nghiệp sanh báo

Các Phật và Bích Chi; hiền thánh đều xưng tán

Không mất pháp như thế; nghiệp như một tài vật

Tánh nầy tức vô ký; phân biệt có bốn loại

Thấy thật thì không mất; suy kỹ có mất đi

Cho nên pháp không mất; các nghiệp có quả báo

Nếu thấy thật có mất; nghiệp đến cũng giống vậy

Tức được phá nghiệp nầy; như vậy thật quá xấu

Tất cả các hành nghiệp; giống nhau hoặc không giống

Một cảnh thân mới thành; lúc ấy sanh lần đầu

Như vậy hai loại nghiệp; bây giờ thọ quả báo

Hoặc nói thọ báo rời; chỉ còn dư báo thôi

Nếu quả cũng mất luôn; cùng chết cũng mất đi

Như thế mà phân biệt; hữu lậu và vô lậu

Tuy không mà chẳng mất; tuy có mà chẳng còn

Nghiệp quả báo không mất; cho nên Phật dạy rõ

Các nghiệp không gốc sanh; vì có vô định tánh

Các nghiệp cũng không mất; vì chúng không sanh ra

Nếu nghiệp mà có tánh; phải nói rằng thường còn

Không tạo chẳng có tên; thường tức chẳng tạo ra

Nếu do không tạo nghiệp; không làm mà có tội

Không mất các phạm hạnh; mà có bất tịnh quá

Từ đây phá tất cả; các pháp của thế gian

Làm tội và làm phước; lại không có sai biệt

Nếu lời nghiệp quyết định; mà tự có tánh vậy

Thọ quả báo vậy rồi; tiếp theo lại thọ nữa

Nếu các nghiệp thế gian; do từ phiền não sanh

Vậy phiền não không thật; làm sao nghiệp có thật

Các phiền não và nghiệp; nên gọi là nhân duyên

Phiền não và nghiệp không; huống gì đến thân thể

Vô minh che lấp thảy; dây ái cột chặt lại

Đây là gốc chánh vậy; không tức chẳng có khác

Nghiệp không từ duyên sanh; không từ không duyên sanh

Cho nên gọi có không; mà hay làm nên nghiệp

Không nghiệp không người làm; làm sao có sanh quả

Nếu mà không có quả; làm sao có người thọ

Như thần thông Đức Phật; hay biến hóa làm người

Việc biến hóa như thế; lại biến hóa tiếp tục

Như lúc biến hóa đầu; gọi là kẻ tạo vậy

Người biến hóa đã làm; đây có tên là nghiệp

Các phiền não và nghiệp; kẻ tạo và quả báo

Đều như huyễn như mộng; như cháy cũng như tiếng.

Nghiệp tiếng Phạn gọi là Karma, Trung Hoa dịch là nghiệp; tiếng Việt dịch rộng ra có nghĩa là những hành vi của chính mình tự tạo từ trong quá khứ rồi dẫn đến hiện tại và kế tục trong tương lai, rồi lại tiếp tục như thế mãi, trong vòng luân hồi sanh tử. Những điều nầy gọi là nghiệp. Sở dĩ có nghiệp vì chúng sanh vô minh không thấy rõ con đường luân hồi sanh tử và tiếp đến bị ái nhiễm buộc ràng, không tự làm chủ mình. Do vậy khó thoát khỏi sáu đường luân hồi trong ba cõi. Ái dục là động cơ để tạo nghiệp. Vô minh là cửa ngõ để nghiệp ghé vào nương tựa để tồn tại và chúng thay phiên nhau để canh giữ hành động của mỗi chúng sanh, rồi dẫn dắt chúng sanh mãi mãi vào sâu trong cạm bẫy của sanh tử. Nghiệp tuy không có hình tướng; nhưng là kết quả của những việc làm cố ý tốt hoặc xấu để rồi mãi mãi lặn hụp trong chốn khổ ải trầm luân. Nói theo Trung Quán Luận thì nghiệp không có bắt đầu và cũng không có chấm dứt; giống như tâm thức của con người, tuy không có hình tướng nhưng có thể làm nên sơn hà đại địa. Sơn hà đại địa có dáng dấp to nhỏ khác nhau; nhưng cuối cùng rồi cũng trở lại không. Vì lẽ ta đến từ chỗ không đến và ta đi từ chỗ không bắt đầu. Tâm, nghiệp, thức, vũ trụ, vạn hữu, sơn hà đại địa cũng đều như vậy.

Đức Phật cũng đã nói rằng các nghiệp báo không mất; tuy không có gốc gác sinh ra; nhưng nghiệp có tính cách vô định. Lành hay dữ, tốt hay xấu đều do tâm niệm và hành động của con người tự tạo nên, để từ đó tiếp tục nổi trôi trong sáu nẻo luân hồi. Ai là người trí, tức có sự hiểu biết về nhân quả và tội báo tức thôi không tạo nghiệp cho chính mình và cho người. Nếu không hiểu được điều nầy, tức không hiểu những lời dạy của chư vị Bồ Tát và chư vị Phật trong nhiều đời nhiều kiếp vậy.

Có nhiều người bảo rằng những việc nầy của tôi làm đâu có ai biết. Đành là vậy, con người trong giới hạn của nó không thể hiểu hết được; nhưng những bậc cao hơn và có trí tuệ sẽ thấy chúng sanh tạo nghiệp không thiện nầy mà đau lòng. Ma Vương cũng như quỷ dữ sẽ vui theo, vì chúng có thêm bạn đồng hành. Cũng chính vì vô minh và ái nhiễm khiến cho chúng ta tạo mãi những ác pháp và để từ đó vào sâu trong sáu nẻo luân hồi vậy.

Đây là một phẩm tương đối dài trong Trung Quán Luận nầy và cũng là một phẩm rất có ý nghĩa. Chúng ta những Phật Tử xuất gia cũng như tại gia nếu nghiêm chỉnh thực hành lời dạy của Đức Phật cũng đủ thấy những lợi lạc hiển nhiên trong cuộc sống của mình, ở kiếp nầy hay dẫn đến kiếp sau, cả hiện tại dẫn đến tương lai... bao giờ con đường của chúng ta đi và đã chọn là con đường cao quý nhất.

Phẩm thứ mười tám : 

Quán pháp

Nếu ngã là ngũ ấm; vậy ngã có sanh diệt

Nếu ngã khác ngũ ấm; tức không tướng ngũ ấm

Nếu không có tướng ngã; làm sao có thuộc ta

Không ngã không thuộc ngã; tên gọi trí vô ngã

Kẻ được trí vô ngã; tức có tên thật quán

Kẻ được trí vô ngã; người nầy rất ít có

Trong ngoài ta thuộc ta; hết sạch không có gì

Các thọ đều có mất; thọ mất tức thân mất

Nghiệp phiền não diệt rồi; tên gọi là giải thoát

Nghiệp phiền não không thật; vào không hí luận mất

Chư Phật nói về ngã; hoặc hay nói vô ngã

Trong pháp có thật tướng; không ta không không ta

Các pháp có thật tướng; tâm làm ngôn ngữ mất

Không sanh cũng không mất; yên lặng như Niết Bàn

Tất cả thật không thật; lại thật lại không thật

Không thật không chẳng thật; có tên là Phật Pháp

Tự biết không theo khác; tịch diệt không hí luận

Không khác không phân biệt; đây có tên thật tướng

Nếu pháp từ duyên sanh; không tức không khác nhau

Cho nên tên thật tướng; không mất cũng chẳng còn

Không một chẳng phải khác; không còn cũng chẳng mất

Có tên các Đức Phật; giáo hóa vị cam lồ

Nếu Phật không ra đời; Phật Pháp đã hết sạch

Các vị Bích Chi Phật; từ xa nầy sanh ra.

Thông thường chúng ta chấp về cái ta của mình và về cái thuộc về ta. Ví dụ ta thương người đó. Vì ta muốn người đó thuộc về ta và chính cái ta của mình cũng muốn người khác thương như vậy. Từ đây sẽ sinh ra một trạng thái bảo thủ, gìn giữ, không cho ai chạm vào cái ta đó và kể cả chững cái ta muốn thuộc về ta; nhưng trên thực tế, nếu cái ta và cái thuộc về ta không như điều ta muốn, thì ta sẽ nguyền rủa, đuổi xua, nói xấu v.v... để bảo vệ cái ta của mình. Đây là chấp ngã và ngã sở; nhưng trên thực tế thì không có cái gì là ta và cũng chẳng có cái gì thuộc về ta cả. Kẻ nào quán sát như vậy thì được trí vô ngã. Những người như thế thật ít có. Chỉ có chư Phật và chư vị Bồ Tát đã lìa hết những sự chấp trước mới không có tâm phân biệt được.

Nghiệp và phiền não của chúng sanh mất đi hết, tức sự giải thoát sẽ hiện ra; nhưng trên thực tế thì nghiệp và phiền não cũng chẳng có; chẳng qua chỉ là những vấn đề luận bàn cho vui như vậy thôi.

Tâm ta, hành nghiệp của ta cũng như các pháp không sanh cũng chẳng mất; luôn luôn yên tĩnh như Niết Bàn. Bởi vì chúng sanh chấp vào có không, còn mất, được hơn, thua kém v.v... nên mới bị kẹt vào vô minh sanh tử như vậy

Thật, có nghĩa là tướng chân thật của các pháp. Tướng ấy không mất cũng chẳng còn, không đến cũng không đi, vắng lặng như bất động; pháp ấy chẳng phải một mà chẳng phải khác một. Có nghĩa là trong sự tồn tại của cái nầy đã ẩn hiện cái mất mát của cái kia. Cái nầy đến thì cái kia đi, cái nầy còn thì cái kia mất. Chỉ thay đổi vị trí với nhau để tồn tại và để chi phối tâm thức lẫn hình hài của mỗi chúng sanh khi chưa giác ngộ. Do vậy nên nói không còn cũng không mất là thế.

Nếu chư Phật không ra đời để giáo hóa chúng sanh thì các pháp nầy đã hết sạch. Vì có sự hiện hữu của chư Phật; nên các pháp nầy được tỏ bày và vì sự thay đổi của các pháp; nên các vị Bích Chi Phật lại ra đời trong khi không có các Đức Phật ở thế gian nầy để giáo hóa. Do vậy chơn thật pháp vẫn luôn luôn tồn tại và không đến cũng chẳng đi; không còn cũng chẳng mất là vậy.

Phẩm thứ mười chín : 

Quán về thời gian

Nếu nhơn là quá khứ; có vị lai hiện tại

Vị lai và hiện tại; tức kết quả quá khứ

Nếu trong lúc quá khứ; không vị lai hiện tại

Trong vị lai hiện tại; sao gọi nhân quá khứ

Không nhơn của quá khứ; tức không có vị lai

Cũng chẳng có hiện tại; cho nên không hai lúc

Có nghĩa là như vậy; tức biết ngoài hai thời

Trên giữa dưới khác một; tất cả pháp đều không

Lúc ở chẳng có được; lúc đi cũng chẳng xong

Thời nếu không có được; làm sao nói tướng thời

Có vật nên có thời; lìa vật sao có thời

Vật thường không có chủ; hà huống hiện có thời.

Thời gian mỗi một quốc gia, một thế giới, một cõi tính khác nhau. Ví dụ ở Á Châu tính mỗi ngày có 12 tiếng đồng hồ; trong khi đó ở Âu Châu mỗi ngày có 24 tiếng. Ở Á Châu mỗi tuần có 10 ngày, gồm thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Trong khi đó ở Âu Châu mỗi tuần có 7 ngày và mỗi tháng có 4 tuần. Như vậy giữa Âu Châu và Á Châu về thời gian đã có khác nhau rồi. Trong khi Úc Châu là mùa hè thì Âu Châu là mùa đông. Đó là chưa nói cõi chư Thiên một ngày nhiều gấp 100 lần tại hạ giới. Nếu lên tới cõi trời Đẩu Suất thì một ngày tại đó bằng 1000 ngày (tức gần 3 năm) tại xứ Ta Bà nầy. Rồi một ngày ở cõi Tha Hóa Tự Tại bằng 1.600 năm ở cõi nầy. Như vậy thời gian đâu có gì để mà so sánh. Đây chỉ là những ngày tháng trong cõi Dục mà đã như vậy, huống gì ngày tháng tại cõi Sắc và cõi Vô Sắc; hay thời gian tại cõi Phật thì không bao giờ có bóng đêm chẳng hạn. Cho nên nói thời gian không đến không đi, không còn, không mất, không quá khư, không vị lai, không hiện tại là thế. Tất cả chỉ là đối đãi mà thôi.

Con người sở dĩ bị trầm luân trong sanh tử vì lẽ chỉ chấp vào cái điều mình hiểu biết, mà sự hiểu biết thì bao giờ nó cũng giới hạn. Lấy cái hữu hạn đó đem so lường với cái vô hạn của không gian thì không có một ý nghĩa nào cả. Từ ý niệm về quán sát thời gian nầy chúng ta nên tập cho tâm ta phải hướng về tánh chơn thật của pháp mà quán sát. Có như thế mới được lợi lạc nhiều hơn.

Phẩm thứ hai mươi : 

Quán về nhân quả

Nếu các duyên hòa hợp; tất có quả sanh ra

Trong sự hòa hợp đó; cần gì hòa hợp sanh

Nếu các duyên hòa hợp; trong đấy không có quả

Sao gọi từ duyên sanh; hòa hợp sinh ra quả

Nếu các duyên hòa hợp; trong ấy có quả rồi

Hòa hợp trong ấy có; mà thật không thể được

Nếu các duyên hòa hợp; trong ấy không có quả

Gọi đấy là nhơn duyên; không nhơn duyên cũng vậy

Nếu nhơn cùng quả nhơn; nhơn làm đã mất đi

Nhơn nầy có hai hình; một và khác mất đi

Nếu nhơn không cùng quả; nhơn gây đã mất đi

Nhơn mất thì quả sanh; quả nầy không có nhơn

Khi các duyên hòa hợp; lúc ấy sanh ra quả

Kẻ sanh và được sanh; tức cùng một lúc vậy

Nếu quả sanh ra trước; các duyên hợp lại sau

Điều nầy lìa nhơn duyên; nên gọi không nhơn quả

Nếu nhơn biến thành quả; tức nhơn cho đến quả

Như vậy nhơn sanh trước; sanh rồi lại sanh nữa

Sao gọi nhơn mất đi; có thể sanh ra quả

Lại nếu nhơn tại quả; sao gọi nhơn sanh quả

Nếu nhơn bên cạnh quả; như thế sanh quả gì

Thấy nhơn không thấy quả; cả hai cùng không sanh

Nếu nói nhơn quá khứ; sanh ra quả quá khứ

Quả vị lai hiện tại; như vậy rốt không hợp

Nếu nói vị lai nhơn; sanh ra quả vị lai

Hiện tại quá khứ quả; cuối cùng không hòa hợp

Nếu nói hiện tại nhơn; sanh ra hiện tại quả

Vị lai quá khứ quả; rốt cuộc đều không hợp

Nếu mà không hòa hợp; nhơn nào sanh ra quả

Nếu mà có hòa hợp; nhơn nào sanh ra quả

Nếu nhơn không có quả; nhơn nào sanh ra quả

Nếu nhơn chẳng có quả; nhơn nào sanh ra quả

Quả chẳng phải chẳng sanh;quả chẳng không chẳng mất

Nếu quả chẳng có gì; không sanh cũng không mất

Quả không có sanh ra; quả không có mất đi

Quả nầy thức không vậy; không sanh cũng chẳng mất

Nhơn quả là một vậy; việc nầy rốt không vậy

Nhơn quả nếu khác nhau; việc nầy cũng không vậy

Nếu nhơn quả là một; sanh được sanh là một

Nếu nhơn quả khác nhau; nhơn cũng giống không nhơn

Nếu quả có định tánh; nhơn do đâu mà sanh

Nếu quả không định tánh; nhơn do đâu mà sanh

Nhơn không sanh ra quả; tức không có tướng nhơn

Nếu không có tướng nhơn; làm sao sanh ra quả

Nếu từ các nhơn duyên; mà sanh ra hòa hợp

Hòa hợp tự không sanh; làm sao sanh quả được

Do vậy quả không theo; duyên hợp không hợp sanh

Nếu không có quả nầy; nơi nào có pháp hợp. 

Trong các pháp thế gian cũng như xuất thế gian, tất cả đều do nhân duyên hòa hợp mà có, rồi cũng từ nhân duyên không kết hợp được nữa nên lại tan rã. Điều nầy cho thấy rằng tất cả các pháp đều không nhất định. Nhưng cái gì sinh ra cái gì thì theo Ngài Long Thọ, không nhơn cũng chẳng quả, không quả cũng chẳng nhơn. Vì lẽ trong nhơn có quả và trong quả có nhơn. Ngoài nhơn không có quả, ngoài quả không có nhơn. Do vậy không thể nói cái nầy sinh ra cái kia được, cũng chẳng thể nói cái kia sinh ra cái nầy. Cái nầy có trước rồi cái kia có sau v.v... tất cả đều bị nằm trong vòng đối đãi. Thật tế mà nói trong vô lượng kiếp đã có cái hòa hợp rồi và trong vô lượng kiếp đã có cái tan rã. Cái nầy phát sinh ra, thì cái kia phải nhường chỗ cho cái nầy tồn tại và cái nầy mất đi thì cái khác sẽ sanh ra. Chỉ đơn giản như vậy; nhưng con người vì chấp chặt vào tự ngã cũng như cố chấp nên khó hiểu và cũng không chịu cố gắng hiểu là các pháp đều không nhất định. Vì chúng luôn luôn thay đổi. Giống như thế ấy, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta đã thị hiện độ sanh ở cõi Ta Bà nầy có hình tướng, có sanh già bệnh chết; có nói pháp, có thị hiện độ sanh v.v..., nhưng Đức Phật trước khi Nhập Diệt đã bảo rằng: Trong 49 năm ta chưa nói một lời nào cả ! Vì sao vậy ? Vì lẽ trong quá khứ chư Phật đã nói những điều ấy; hiện tại chư Phật cũng chỉ nói những điều ấy và trong tương lai các vị Phật có ra đời ở xứ Ta Bà nầy hay ở bất cứ nơi nào trong tam thiên đại thiên thế giới đều sẽ nói những gì như chư Phật trong quá khứ đã nói vậy.

Một cái vòng tròn thì không có cái bắt đầu và cái cuối cùng. Cũng như thế ấy, sự sanh tử của chúng sanh không có cái chấm dứt cho một tập thể. Vì vòng luân hồi vẫn xoay; chỉ có những chúng sanh nào muốn thoát ly tam giới thì hãy tự mình cố gắng vượt thoát ra khỏi cảnh giới khổ đau ấy do sự tự tu và tự học cũng như sự trợ lực của chư Phật và chư vị Bồ Tát. Khi hiểu được như vậy rồi thì có thể kết luận như trên là: Trong nhân có quả và trong quả có nhân; không có cái nào sinh ra cái nào cả.

Phẩm thứ hai mươi mốt : 

Quán về sự thành hoại

Lìa thành và cùng thành; trong ấy không có hoại

Lìa hoại và cùng hoại; trong ấy cũng không thành

Nếu lìa xa sự thành; sao gọi là có hoại

Như lìa sanh có chết; việc nầy thật không phải

Thành hoại cùng có vậy; sao gọi có thành hoại

Như sanh tử thế gian; một lúc đều không thể

Nếu lìa hoại để có; sao gọi ngay có thành

Vô thường chẳng có gì; không ở nơi các pháp

Thành hoại cùng không thành; lại lìa không có thành

Cả hai loại không thể; sao gọi đang có thành

Cuối cùng không có thành; chẳng cuối cũng chẳng thành

Cuối tức không có hoại; chẳng cuối lại chẳng hoại

Nếu như lìa thành hoại; đều không có các pháp

Nếu đang lìa các pháp; lại chẳng có thành hoại

Nếu tánh pháp là không; ai đương có thành hoại

Nếu tánh thật là không; lại cũng chẳng thành hoại

Thành hoại nếu là một; điều nầy không thể được

Thành hoại nếu khác đi; việc nầy cũng không phải

Nếu nghĩa do thấy nghe; tức có sanh diệt vậy

Tức điều ấy hư vọng; nên thấy có sanh diệt

Từ pháp không sanh pháp; lại chẳng sanh phi pháp

Từ phi pháp không sanh; pháp cùng với phi pháp

Pháp không từ tự sanh; cũng không từ khác sanh

Không từ nơi khác sanh; sao gọi có sự sanh

Nếu pháp có được thọ; tức tùy theo mất còn

Phải biết pháp thọ ấy; cũng thường cũng vô thường

Cho nên kẻ thọ pháp; không thuộc về mất còn

Nhơn quả luôn tương tục; không mất cũng chẳng còn

Nếu nhơn quả sanh diệt; liên tục mà không mất

Mất chẳng thể sanh ra; nhơn kia tức mất đi

Pháp nằm nơi tự tánh; chẳng hợp với có không

Niết Bàn xong liên tục; tức tùy nơi còn mất

Nếu đầu tiên có diệt; tức không có cái sau

Cái đầu nếu chẳng diệt; làm sao có cái sau

Nếu như cái đầu mất; cái sau liền sanh ra

Mất lúc ấy có một; lúc sanh tức là có

Nếu nói có sanh diệt; tức nghĩa cùng thời vậy

Có nghĩa thân nầy chết; nghĩa là thân nầy sanh

Ba đời đều như vậy; liên tục không mất còn

Nếu ba đời chẳng có; sao gọi có liên tục.

Khi quán sát về sự thành trưởng và sự hoại diệt, chúng ta luôn tâm niệm rằng trong quá khứ nhiều đời, cho đến hiện tại và vị lai trong vô lượng kiếp khác nữa, thật ra không có cái gì sanh ra mà cũng chẳng có cái gì mất đi hết. Vì lẽ trong sự sống đã ẩn chứa sự chết và trong sự chết đã có sẵn sự sống. Chỉ vì tâm chấp còn, chấp mất, chấp thường, chấp đoạn của chúng sanh mà nghĩ rằng cái nầy còn, cái nầy mất. Cái nầy sinh ra cái kia; cái kia sanh ra cái nọ; nhưng trên thực tế, dưới cái nhìn của Trung Quán luận thì chẳng cái nào sinh ra cái nào cả. Do vậy mà chẳng có cái nào mất đi cả.

Các pháp hữu vi và vô vi trên thế gian nầy cũng thế. Tuy chúng ta thấy có thành, trụ, hoại, diệt; nhưng trên thực tế chúng không có tự tánh. Sở dĩ chúng ta thấy có sanh, có già, có bệnh, có chết là vì chúng ta chấp vào sự sanh, sự già, sự bệnh, sự chết v.v... nên tâm thức của chúng ta nương vào đó mà chấp còn, chấp mất v.v...; nếu tâm thức hiểu rằng mọi pháp không sanh mà cũng chẳng diệt. Vì trong cái nầy đã tồn tại có cái kia rồi. Từ đó chúng ta thấy rằng thế giới quan và nhân sinh quan của Phật Giáo rất thông thoáng, không bị gò bó bởi một vật gì sinh ra và mất sẽ như thế nào, mà điều căn bản vẫn là tự thể của mỗi pháp đều có ngay sự sanh diệt của nó. 

Trung luận

Quyển thứ tư

Phẩm thứ 22 :

Quán sát về Đức Như Lai

Lìa thân không lìa thân; nầy bị không liên tục

Như Lai không có ấm; nơi nào có Như Lai

Ấm hợp có Như Lai; tức không có tự tánh

Nếu không có tự tánh; làm sao sanh ra khác

Pháp nếu nhơn khác sanh; tức nhiên không có ngã

Nếu pháp không có ngã; sao gọi là Như Lai

Nếu không có tự tánh; làm sao có tánh khác

Lìa tự tánh tha tánh; tên nào gọi Như Lai

Nếu không nhơn ngũ ấm; trước đó có Như Lai

Nên nay có thân nầy; nên gọi là Như Lai

Nay thật không có thân; cũng không pháp Như Lai

Nếu mà chẳng có thọ; nay đang thọ cái gì

Nếu sau nầy mới thọ; có thọ không tên thọ

Không có chẳng thọ pháp; nên có tên Như Lai

Nếu mà một khác trong; Như Lai không thể được

Năm loại tìm cũng không; vì sao thọ pháp trong

Lại cũng thọ năm ấm; không từ có tự tánh

Nếu mà không tự tánh; sao gọi có tánh khác

Như thật nghĩa nầy đây; thọ không kẻ thọ không

Sao gọi đang có không; nên nói Như Lai không

Không tức không thể nói; không không chẳng thể nói

Cùng không cùng chẳng nói; chỉ nói giả danh thôi

Tướng tịch diệt không có; thường vô thường cả bốn

Tướng tịch diệt không có; cùng không cùng với bốn

Nay thấy biết sâu xa; nên nói không Như Lai

Tướng tịch diệt Như Lai; phân biệt có hoặc không

Tánh không trong như vậy; suy nghĩ cũng chẳng thể

Sau khi Như Lai diệt; phân biệt có và không

Như Lai vậy hí luận; vì người sanh hí luận

Hí luận phá mắt huệ; tất cả khó thấy Phật

Như Lai có thuộc tánh; tức là tánh thế gian

Như Lai không thuộc tánh; thế gian cũng không tánh.

Như Lai chỉ là một danh từ để gọi những bậc đã giác ngộ tự tánh. Danh từ nầy không nằm trong sự đối đãi của có hoặc không, của thường hoặc không thường; nên không nằm trong bốn điều. Đó là hữu biên, vô biên, vừa hữu biên, vừa vô biên và chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên. Sự thị hiện sanh ra của Như Lai hay sự tịch diệt của Như Lai cũng không có thật tướng. Nếu vì tướng tịch diệt của Như Lai mà khởi lên có không v.v... thì điều ấy cũng thật vô lý vậy. Vì lẽ những gì mà chúng sanh lấy con mắt của thế gian để quan sát, thì chúng luôn luôn có đối đãi. Chỉ khi nào đạt đến huệ nhãn thì mới có thể thấy được tánh chân thật của Như Lai mà thôi.

Chính thế gian đã phân biệt đối đãi nên mới gọi là Như Lai tánh; trên thực tế thì tánh nầy cũng chẳng có. Sở dĩ có, vì có sự chấp chặt của chúng sanh mà có tánh Như Lai, mà trong thực tế như như của tánh không thì Như Lai vốn rỗng không, vô khứ, vô lai, không còn, không mất, không đến, không đi v.v...

Như Lai vốn chân thật. Do vậy dưới cái nhìn của Trung Quán không bị thay đổi bởi thời gian hay không gian. Như Lai tánh không bị biến đổi còn hay mất theo cái nhìn của thế gian, mà Như Lai vốn dĩ không. Do vậy không có gì để so sánh để gọi mất hay còn, đến hay đi. Sở dĩ có mất còn, đến đi là do tâm của con người chấp trước, dưới cái nhìn đối đãi; nên mới như vậy. Vì lẽ bản tánh của Như Lai vốn rỗng không, chân thật. lìa đối đãi, nói năng; nên gọi Như Lai là bản thể chơn như của vạn hữu vậy

Phẩm thứ 23 :

Quán về điên đảo

Từ ý tưởng phân biệt; sanh ra tham sân si

Sạch không sạch điên đảo; tất cả do duyên sanh

Nếu nhơn sạch không sạch; điên đảo sanh ba độc

Ba độc vốn không tánh; nên phiền não không thật

Pháp ta có và không; cuối cùng không gì cả

Phiền não vốn vô ngã; có không cũng chẳng phải

Ai có phiền não nầy; tức nhiên không đúng vậy

Nếu lìa nầy mà có; phiền não tức không thực

Như thân thấy năm loại; cầu mà chẳng có được

Phiền não nơi tâm dơ; năm cầu không thể được

Sạch không sạch điên đảo; tất cả không tự tánh

Vì sao nhơn có hai; mà sanh các phiền não

Sắc thanh hương vị xúc; và pháp làm sáu loại

Đây là cả sáu loại; căn bản của ba độc

Sắc thanh hương vị xúc; và thân thể sáu loại

Đều không như giấc mộng; như thành Càn Thác Bà

Như vậy trong sáu loại; làm sao sạch không sạch

Giống như nhỏ rồi lớn; giống như hình trong gương

Không nhơn mà tướng sạch; tức không có bất tịnh

Nhơn sạch có không sạch; nên gọi là bất tịnh

Không nhơn và không tịnh; cũng lại không có sạch

Nhơn sạch và không sạch; lại cũng không có sạch

Nếu không có kẻ sạch; làm sao có sự tham

Nếu không có bất tịnh; làm sao có sự sân

Từ vô thường đến thường; cho nên gọi điên đảo

Không trung không có thường; sao có nơi đến thường

Nếu mà trong vô thường; hiểu vô thường không đến

Không trung không vô thường; làm sao không điên đảo

Có thể có kẻ biết; và nên dùng pháp ấy

Tất cả tướng tịch diệt; sao gọi có đến đi

Nếu không có chấp pháp; tiếng gì gọi điên đảo

Lời nói không điên đảo; tất cả chỉ có vậy

Có đến không sanh đến; không đến không sanh ra

Kẻ đến không sanh đến; không đến cũng không sanh

Nếu mà lúc điên đảo; hoặc lúc không điên đảo

Hãy nên tự quan sát; ai sanh ra điên đảo

Các điên đảo không sanh; làm sao có nghĩa nầy

Không có điên đảo vậy; sao có kẻ điên đảo

Nếu thường lạc ngã tịnh; mà thật là có người

Thì thường lạc ngã tịnh; cũng không có điên đảo

Nếu thường lạc ngã tịnh; mà thật chẳng có gì

Vô thường khổ bất tịnh; tất cả cũng đều không

Như vậy điên đảo mất; vô minh cũng mất theo

Khi vô minh mất rồi; các hành cũng không còn

Nếu tánh phiền não thật; cái gì có lệ thuộc

Sao gọi có thể đoạn; ai nên dứt tánh nầy

Nếu phiền não không thật; không tánh cũng không thuộc

Làm sao có thể dứt; ai dứt được tánh không.

Tham, sân, si vốn là ba độc của chúng sanh trong thế gian nầy phải đối diện. Do vậy mới có giới, định huệ để khử trừ đi. Đây là việc đối đãi để có thể làm thanh tịnh thân tâm; nhưng đứng trên quan niệm của Trung Quán, Ngài Long Thọ chủ trương rằng tham sân si vốn không, vì chúng không có tự tánh. Sở dĩ có tham sân si, vì do tư tưởng và tâm thức của mỗi cá nhân phân biệt mà có. Từ chỗ phân biệt nầy; nên mới sinh ra các điên đảo vọng tưởng. Rồi đến việc sạch không sạch v.v... đều do nhân duyên sanh và tất cả rồi cũng do nhân duyên mà hủy hoại đi.

Tánh ấy cũng giống như sự trẻ và sự già đồng thời cũng giống như hình trong gương. Nếu chấp chặt là mình có sự thay đổi ấy cũng không đúng, mà nói mình không phải là người ở trong gương ấy cũng không đúng. Vậy thì ai điên đảo đây ? Ai sanh ra chấp trước về tham sân si đây ? Có phải do chấp ngã mà sinh ra vọng tưởng chăng ? Rồi đến những sự việc như thường hằng, ngã sở, vui vẻ, yên ổn v.v... tất cả cũng đều do điên đảo mộng tưởng chấp chặt vào đó mà thành, chứ trên thực tế chúng không có tự tánh; mà đã không có tự tánh thì chẳng có cái nào sinh ra cái nào cả.

Do như vậy cho nên khi điên đảo mất thì vô minh cũng mất theo, mà vô minh mất thì hành mất và tất cả những điên đảo vọng tưởng không còn tồn tại nữa. Lúc bấy giờ Như Lai tánh lại xuất hiện. Phiền não, điên đảo, vọng tưởng, tham, sân, si cũng giống như đám mây mù. Còn Như Lai tánh giống như mặt trời tỏa ánh sáng. Ánh sáng lúc nào cũng luôn luôn tồn tại; nhưng bị mây che khuất; nên chúng ta không thể thấy ánh sáng mặt trời. Từ điểm nầy chúng ta phải hiểu rằng do vô minh phiền não vọng tưởng che mờ trí tuệ; nếu những loại nầy không còn hiện hữu nữa thì trí tuệ tự nhiên hiển bày. Do vậy mà Ngài Long Thọ đã nhấn mạnh rằng tham sân si vốn không có gốc là thế. Cái nầy đến tức cái kia phải đi; cái nầy tồn tại tức cái kia phải ẩn hiện dưới một dạng thái khác vậy.

Phẩm thứ 24 :

Quán về tứ đế

Nếu tất cả đều không; không sanh cũng không diệt

Như vậy tức không có; bốn pháp tứ diệu đế

Nếu tứ đế không có; thấy khổ cùng lìa tập

Lên diệt và tu đạo; như vậy cả đều không

Việc nầy nếu là không; tức bốn quả cũng không

Bốn quả đã không rồi; người chứng đắc cũng không

Nếu tám hiền thánh không; Tăng bảo cũng không có

Bốn đế không có rồi; Pháp bảo cũng chẳng có

Pháp và Tăng cũng không; Phật bảo cũng chẳng nốt

Như vậy nói về không; tức phá Tam Bảo vậy

Pháp không lưu nhơn quả; cùng mất các tội phước

Lại cũng bị băng hoại; tất cả pháp thế tục

Ta nay thật chẳng thể; biết không không nhơn duyên

Và cũng biết nghĩa không; như vậy tự sanh phiền

Chư Phật nương nhị đế; vì chúng sanh thuyết pháp

Một là thế tục đế; hai là nhứt nghĩa đế

Nếu người nào chẳng biết; phân biệt làm hai đế

Ý sâu của Phật Pháp; chẳng thể hiểu nghĩa thật

Nếu không nương tục đế; không thể chứng nghĩa một

Không được đệ nhứt nghĩa; tức không vào Niết Bàn

Không thể quán không được; gốc gác chính tự hại

Như không rành chú thuật; không thể trừ rắn độc

Thế Tôn biết pháp ấy; làm tướng lành cho thân

Không độn căn cũng vậy; cho nên không muốn nói

Từ đây chấp ngã không; nhưng mà ngã đã sanh

Ta nay nói việc nầy; tuy không chẳng phải có

Có không ở nghĩa nầy; tất cả pháp thành tựu

Nếu không có nghĩa nầy; tất cả chẳng được gì

Ta nay tự trải qua; nói đến cái ta nầy

Như người cỡi ngực vậy; hãy quên lúc lên cỡi

Nếu thấy được các pháp; chắc chắn có tánh vậy

Tức thấy được các pháp; không nhơn cũng chẳng duyên

Thức là phá nhơn quả; kẻ tạo ra pháp nầy

Cũng làm hại tất cả; vạn vật có sanh diệt

Các nhơn duyên sanh ra; ta nói vậy chứ không

Cũng có nghĩa giả danh; đây nghĩa trung đạo vậy

Những pháp chưa hề có; chẳng từ nhơn duyên sanh

Tất cả các pháp nầy; không cũng không như vậy

Nếu các pháp rỗng không; tức không có sanh diệt

Như vậy tức không có; pháp tứ đế như vậy

Nếu không từ duyên sanh; làm sao lại có khổ

Vô thường là nghĩa khổ; định tánh không vô thường

Nếu khổ có định tánh; làm sao sanh từ Tập

Nếu mà không có Tập; nên phá nghĩa không vậy

Khổ nếu có định tánh; tức không hợp với diệt

Nếu chấp vào định tánh; tức phá về Diệt Đế

Khổ nếu có định tánh; tức không có tu đạo

Nếu đạo có thể tu; tức không có định tánh

Nếu không có khổ đế; và không tập diệt đế

Có thể diệt khổ đạo; làm sao đến nơi nao

Nếu khổ có định tánh; trước đến không thể thay

Nay đây làm sao thấy; tánh nầy chẳng khác vậy

Nếu thấy khổ không thật; đoạn Tập cùng đến Diệt

Tu Đạo và bốn quả; việc nầy cũng chẳng phải

Tánh của bốn thánh đạo; trước đó không thể được

Các pháp nếu có chắc; nay sao gọi là được

Nếu không có bốn quả; tức không có người chứng

Cũng không có tám đạo; tức chẳng có Tăng bảo

Bốn Thánh Đế không có; lại cũng chẳng Pháp bảo

Không Pháp bảo Tăng bảo; làm sao có Phật bảo

Nay nói vậy không nhơn; Bồ Đề làm giống Phật

Nếu lại chẳng nhơn Phật; lại có tánh Bồ Đề

Tuy rằng hay siêng năng; tu hành đạo giác ngộ

Đầu tiên không tánh Phật; không thể được thành Phật

Nếu các Pháp đều không; không có kẻ gây tội

Chẳng không làm thế nào; để trở thành tánh định

Nếu trong tội phước ấy; chẳng sanh ra quả báo

Tức là lìa tội phước; nhưng lại có quả báo

Nếu nghĩa từ tội phước; mà sanh ra quả báo

Quả từ tội phước sanh; sao gọi là không được

Nay phá tất cả pháp; các nhơn duyên nghĩa không

Tức phá về thế tục; còn thân pháp sở hữu

Nếu phá thành nghĩa không; tức hợp vô sở tác

Không làm mà có làm; không làm có tên làm

Nếu có quyết định tánh; thế gian có nhiều loại

Tức không sanh không diệt; thường trụ lại không mất

Nếu không có không nầy; chưa được cũng chẳng được

Lại không trừ phiền não; lại không khổ cuối cùng

Cho nên trong kính nói; nếu thấy các nhơn duyên

Tức như hay thấy Phật; thấy khổ tập diệt đạo.

Sau khi Đức Phật thành đạo, lần đầu tiên trong thế gian Ngài chuyển pháp luân để nói pháp Tứ Diệu Đế và thành lập Tăng Đoàn. Đây là theo phép của Tục Đế mà hành xử để sau nầy Phật dẫn dắt mọi chúng sanh đi vào đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế cũng có nghĩa là Đạo Đế hay Niết Bàn an lạc. Tuy các pháp của thế gian và xuất thế gian đều huyễn; nhưng mượn những sự hư ảo nầy để hiển bày chân diệu nghĩa. Đó là ý hướng của chư Phật khi độ sanh. Nhưng chúng sanh trong cõi Ta Bà nầy tất cả đều bị sự chấp trước ràng buộc; nên mới sinh ra điên đảo vọng tưởng và từ sự điên đảo vọng tưởng nầy nên mới sinh ra phiền não và từ phiền não sẽ sinh ra những khổ lụy khác. Nếu thấy tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh, ngay cả Tứ Diệu Đế; thì chắc chắn sẽ thấy được bản thể của chư Phật và hiểu rõ được thế nào là khổ, thế nào là tập, thế nào là diệt và thế nào là Đạo. Nếu không hiểu và cứ chấp vào những hình tướng giả huyễn ấy, thì đời sẽ không bao giờ thấy được chân như bản thể của chính mình.

Đức Phật cũng đã ví dụ như người không rành chú thuật thì không thể trừ khử được rắn độc. Rắn độc đây là sự chấp trước và chú thuật đây chính là quán về nhân duyên. Nếu không thấy được nhân duyên, tức không thấy được các pháp. Từ đó sẽ sinh ra sự chấp chặt về Tứ Đế hay về các loại hình tướng của thế gian.

Tội phước tuy có đó; nhưng thực thể lại không. Tuy không nhưng không phải là không có địa ngục. Vì lẽ địa ngục chỉ hiển bày khi tâm thức bị đọa lạc. Nếu tâm con người luôn luôn thanh tịnh thì cảnh giới cũng lại thanh tịnh. Nếu tâm con người bất tịnh thì cảnh giới cũng bị ảnh hưởng theo. Đây là nhân duyên, đây là nhị đế vậy. Khi hiểu rõ được quan niệm nầy tức hiểu được Phật Pháp và hiểu được tánh Phật của mỗi người. 

Phẩm thứ 25 :

Quán về Niết Bàn

Nếu các pháp đều không; không sanh cũng không mất

Đoạn gì và mất gì; nên gọi là Niết Bàn

Nếu các pháp không không; tức không sanh không diệt

Dứt gì và mất gì; nên gọi là Niết Bàn

Không được cũng chẳng đến; không mất cũng chẳng còn

Không sanh cũng chẳng mất; nên tên gọi Niết Bàn

Niết Bàn không tên gọi; tức có tướng già chết

Cuối cùng không pháp có; lìa cả tướng già chết

Nếu Niết Bàn có thật; tức Niết Bàn hữu vi

Cuối cùng có một pháp; nên phải có vô vi

Nếu Niết Bàn có thật; sao có tên không thọ

Không có chẳng từ thọ; nên có tên là pháp

Trên không có Niết Bàn; làm sao có nơi chốn

Niết Bàn chẳng có không; nơi nào nói có không

Nếu không là Niết Bàn; sao gọi tên chẳng thọ

Sau đó không có thọ; nên có tên không pháp

Thọ các nhơn duyên rồi; luân chuyển trong sanh tử

Không thọ các nhơn duyên; có tên là Niết Bàn

Như trong kinh Phật nói; đoạn có đoạn không có

Có thể hiểu Niết Bàn; không có cũng chẳng không

Nếu nghĩa về có không; tạo nên Niết Bàn vậy

Có không tức giải thoát; việc nầy không phải vậy

Nếu nghĩa là có không; tạo thành Niết Bàn vậy

Niết Bàn chẳng không thọ; cả hai từ thọ sanh

Có không chung hợp thành; sao gọi tên Niết Bàn

Niết Bàn tên vô vi; có không là hữu vi

Có không chung hai việc; sao gọi là Niết Bàn

Cả hai không cùng nơi; như sáng tối không đủ

Nếu không có chẳng không; tên gọi là Niết Bàn

Này chẳng có chẳng không; cho nên sinh phân biệt

Phân biệt chẳng có không; như vậy tên Niết Bàn

Nếu do có không thành; chẳng có chẳng không thành

Sau khi Như Lai diệt; không gọi có hoặc không

Lại chẳng nói có không; không có và chẳng không

Như Lai bây giờ đây; không nói có hay không

Lại chẳng nói có không; không có và chẳng không

Niết Bàn và thế gian; không có ít phân biệt

Thế gian và Niết Bàn; lại không ít phân biệt

Niết Bàn là thật tế; và cùng với thế gian

Như vậy cả hai là; không thể phân biệt được

Tịch rồi có không nầy; hữu biên và thường hằng

Các thấy nương Niết Bàn; tương lai và quá khứ

Tất cả các pháp không; sao có biên vô biên

Lại biên lại vô biên; chẳng có chẳng không biên

Làm sao có sai khác; sao có thường không thường

Lại có lại chẳng có; không thường chẳng vô thường

Các pháp không thể được; lìa tất cả hí luận

Không người lại chẳng nơi; Phật lại không nói gì.

Khi Đức Phật còn tại thế thật ra Ngài nói rất ít về Niết Bàn và Ngài cũng rất hiếm khi trả lời cho các đệ tử về Niết Bàn. Ngài luôn nói rằng: Trạng thái ấy như củi hết lửa tắt vậy thôi. Có nơi nói là không sanh diệt; nhưng nếu đã dùng đến ngôn ngữ, tức có đối đãi. Do vậy mà Đức Phật rất ít nói. 

Niết Bàn chẳng hữu vi mà cũng chẳng vô vi. Niết Bàn cũng chẳng phải chẳng có, mà cũng chẳng phải chẳng không. Tất cả đều như như bất động. Không nên phân biệt có hoặc không nơi trạng thái của Niết Bàn. Vì Niết Bàn lìa ngôn ngữ và sự đối đãi nầy. Nhiều người đi tìm Niết Bàn; nhưng Niết Bàn không phải là một nơi chốn nên không thể tìm được. Nếu cứ nhìn từ sự đối đãi để đánh giá một trạng thái không còn sanh diệt nữa thì mãi mãi vẫn còn xa xôi lắm đối với Niết Bàn vậy. 

Tóm lại chúng ta có thể hiểu rằng: Niết Bàn là một trạng thái chứng đạo, lìa nói năng và sự đối đãi thường tình của thế gian.

Phẩm thứ 26 : 

Quán về nhân duyên

Chúng sanh si chấp chặt; sau đó sinh ra ba

Từ điểm nầy mà đi; trôi vào trong sáu nẻo

Các hành làm nhơn duyên; thân tâm trong lục đạo

Từ thức mà sinh ra; danh sắc tăng trưởng mãi

Danh sắc tăng trưởng tồi; làm nhơn sinh lục nhập

Tình trần thức hòa hợp; sanh ra sự va chạm

Nhơn từ sự chạm nầy; tức sanh ra ba thọ

Từ đây ba thọ nầy; sẽ sinh ra ái dục

Từ ái có bốn thủ; nhơn thủ sinh ra hữu

Nếu thủ mà không thủ; tức giải thoát không hữu

Từ hữu sinh ra sanh; từ sanh có già chết

Từ già chết lại có; ưu bi và khổ não

Như vậy các việc nầy; đều từ sanh đến hữu

Nên gọi là nhơn duyên; huân tập thành thân khổ

Nghĩa là phải sanh tử; các hành là căn bản

Vô minh từ đây ra; người trí không làm vậy

Việc nầy mất đi thôi; việc ấy không sanh nữa

Nên gọi các khổ ấm; sanh diệt không chỗ đứng.

Đây là 12 nhân duyên trong giáo lý căn bản của Đạo Phật. Đứng từ chỗ căn bản mà nhìn thì tất cả các hành đều do vô minh và ái dục xui khiến mà mới sanh ra những nhân duyên khác. Nhưng nếu là người trí thì không phải thế. Vì người trí biết kết quả trước khi gây ra nhân, do vậy mà nhân không có, tức quả không có nơi nào để mà nương tựa. Cho nên đối với bậc giác ngộ các nghiệp về thân, khẩu, ý không còn nữa. Khi những nghiệp căn bản nầy không còn nữa thì tâm thức trong suốt như hư không, không có gì dính mắc và ràng buộc nữa; nên gọi là giải thoát vậy. 

Giải thoát tức cởi bỏ mọi sự ràng buộc của thế gian, của 6 loài chúng sanh phải trôi lăn trong 6 đường sanh tử. Khi vô minh mất thì hành mất, khi hành mất thì thức mất. Hoặc nói ngược lại khi lão tử không còn thì sự sanh cũng không thể hiện hữu mà sự sanh không có thì không thể nào có hữu nữa. Như vậy cái nầy mất thì cái kia không còn khả năng và điều kiện nữa để tồn tại. Theo tinh thần Trung Quán của Ngài Long Thọ chủ trương thì mọi vật mọi việc đều do nhân duyên hòa hợp và do hành điều khiển cũng như vô minh buộc ràng; nên từ đó mới sinh ra những nhân quả chồng chéo với nhau. Nếu dứt hẳn ái và vô minh thì nhân duyên sẽ không có cơ hội mà tồn tại nữa.

Phẩm thứ 27 : 

Quán sát về tà kiến

Cái ta từ quá khứ; có không hay không có

Thế gian thấy có thường; đều nương vào quá khứ

Vị lai nương ngã nầy; làm chẳng làm mà ra

Thấy biết có giới hạn; đều nương vào vị lai

Nếu quá khứ có ngã; việc nầy khó thể được

Cái ngã của quá khứ; không tạo ngã đời nầy

Nếu mà thật có ngã; tức thân có tướng khác

Nếu mà lìa khỏi thân; nơi nao ngã nương tựa

Lìa có không nơi thân; việc nầy ắt khó thành

Nếu thân tức là ngã; cả hai đều không phải

Thân nầy chẳng phải ngã; vì tướng thân sanh diệt

Làm sao giữ lại được; tạo thành sự cảm thọ

Nếu lìa thân có ngã; việc nầy cũng chẳng được

Không thọ mà có ngã; lại cũng chẳng cảm nhận

Không phải thọ chẳng thọ; điều nầy phải có nghi

Quá khứ ngã chẳng làm; việc nầy cũng không phải

Quá khứ ấy có ngã; khác nay cũng không phải

Nếu nghĩa là khác ngã; lìa xưa mà có nay

Ngã ở trong quá khứ; nay sanh ngã đời nầy

Như vậy tức đoạn diệt; không còn nghiệp quả báo

Kia tạo nay nầy thọ; như thế mà trôi qua

Trước không mà nay có; trong nầy lại cũng qua

Ngã là do tác pháp; lại cũng chẳng có nhơn

Nếu như trong quá khứ; thấy có không về ngã

Cùng với hay không cùng; việc nầy cũng chẳng phải

Ngã trong đời vị lai; làm hay lại chẳng làm

Như vậy đều có thấy; cũng giống đời quá khứ

Là trời cũng là người; tức rơi vào chấp thường

Trời tức là vô sanh; pháp thường không sanh ra

Nếu trời khác loài người; tức chính là không thường

Nếu trời lại khác người; như vậy không liên tục

Nếu nửa trời nửa người; tức rơi vào nhị biên

Thường và cả vô thường; việc nầy cũng chẳng được

Nếu thường và vô thường; cả hai đều cùng nên

Như vậy mà thành tựu; không thường chẳng vô thường

Pháp nếu định có trước; hoặc định có rồi đi

Sanh tử tức không đầu; điều nầy có không một

Nay nói không có thường; sao gọi có vô thường

Cả thường lẫn vô thường; không thường chẳng phải thường

Nếu thế gian hữu biên; sao gọi có đời sau

Nếu thế gian không cùng; sao lại có đời sau

Ngũ ấm hay liên tục; giống như ánh sáng đèn

Như vậy thế gian này; không có biên vô biên

Nếu ngũ ấm mất trước; không nhơn là ngũ ấm

Sao sanh ngũ ấm sau; thế gian tức có hạn

Nếu ấm trước không hoại; lại không nhơn là ấm

Mà sanh ngũ ấm sau; thế gian tức không cùng

Pháp đúng và người nói; người nghe khó hiểu được

Từ đây mà sanh tử; không có biên vô biên

Nếu chỉ nửa hữu biên; thế gian nửa vô biên

Điều nầy lại có hạn; lại vô biên chẳng phải

Người bị thân ngũ ấm; sao lại một phần mất

Một phần khó thể mất; việc nầy cũng chẳng được

Thọ cũng lại như vậy; làm sao một phá ra

Một phần khó phân ly; việc nầy cũng khó được

Nếu lại hữu vô biên; cả hai đều thành tựu

Không hữu không vô biên; việc nầy cũng thành tựu

Tất cả pháp đều không; thế gian thường thấy vậy

Nơi nào hoặc lúc nào; ai khởi ra tà kiến

Đức Đại Thánh đã nói; lân mẫn nói pháp nầy

Tức lìa những điều thấy; con nay cúi đầu lạy.

Đến phẩm thứ 27 nầy tức chấm dứt 446 câu kệ của Ngài Long Thọ chủ trương Trung Quán luận và chương chót nầy chúng ta cũng thấy được rằng Đức Cồ Đàm vì sự chấp trước của chúng sanh mà hiển bày ra các pháp để dạy dỗ cho chúng sanh nương theo đó mà tu học; cho nên chúng ta phải cung kính mà thọ trì. Tuy nhiên vì chúng sanh thấy nghe, chấp trước còn nặng nề về ngã, về vô thường, về có không, sanh diệt v.v... nên Phật và Tổ đã phá chấp để chúng sanh từ đó mà giác ngộ về bản thể của vũ trụ vạn hữu. 

Ví dụ về cái ngã. Có người chấp nó ở trong thân, có người chấp ngã ở ngoài thân; có người chấp ngã nầy là sự liên tục của ngã trước và ngã nầy chính là cái nhân của vị lai v.v... Tất cả đều sai. Vì lẽ chúng sanh đứng từ bờ sanh tử bên nầy để nhìn sự giải thoát ở bờ bên kia là không thể được. Lấy cái giới hạn để kết luận cho cái vô hạn là không nên. Từ đó mới sinh ra tính ước đoán tỷ lệ của sự việc. Từ sự chấp trước nầy mà sinh ra những điên đảo vọng tưởng, tà kiến chấp chặt vào sự thấy nghe và quan niệm của mỗi cá nhân, để từ đó dẫn đi từ sự mê lầm nầy đến sự mê lầm khác. 

Qua 27 phẩm trong Trung Quán luận nếu người nào thành tâm thiện ý và cố dốc hết tâm lực ngày đêm quán chiếu tự tâm của chính mình theo phép nầy thì chắc chắn hành giả sẽ nắm rõ được Phật lý Trung Đạo, để từ đó con đường đi vào tánh không của Phật Giáo lại thênh thang rộng mở. Nếu người nào vẫn còn chấp chặt về sự thấy nghe, còn mất, thường vô thường, biên vô biên v.v... tức chỉ mới đứng ở ngoài cửa ngõ của Đạo Phật, chưa bước vào thềm của cây thang Phật Pháp vốn cao vòi vọi như thế ấy.

Phật thị hiện ra đời nhằm soi rọi mọi khổ đau cho nhân thế tỏ tường. Chư Tổ tiếp nối những hành hoạt ấy mà phổ độ chúng sanh; nhưng những chúng sanh như chúng ta ngày nay, nếu cứ mãi ham vui nơi ngũ dục nầy thì chắc chắn rằng con đường Trung Đạo vẫn còn xa vời trong vô tận, khó nắm bắt được. Nhưng đường ấy cũng không xa, quay đầu tức thấy bến vậy.

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/07/2011(Xem: 9513)
Phật nói: Đời người ở thế gian, nhỏ là gia đình, quyến thuộc, lớn là quốc gia,dân tộc, đều không ngoài "báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ". Do bốnthứ duyên này mà tương hợp. Hà huống tập khí và nghiệp chướng của chúng sanh sâunặng, sống thiếu ân nghĩa, bố thí đức huệ thì ít, kết oán thì nhiều, do đó màluân hồi trong lục đạo từ vô lượng kiếp đến nay để oan oan tương báo, khổ khôngkể xiết.
14/07/2011(Xem: 12741)
Ngài giáng sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) và nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na...
11/07/2011(Xem: 12620)
Lá sen "cõng người", chuyện tình Rùa Hạc là những câu chuyện có thật trong Phước Kiển Tự. Trong cõi nhân gian này, không thiếu những sự kiện ly kỳ khó lý giải, và ở nơi này nơi kia, vào thời gian này thời gian nọ, biến động của cuộc sống luôn chứa đựng những bí ẩn trông chờ các nhà khoa học giải mã. Một hiện tượng lạ, một câu chuyện lạ, để thấy rằng, cuộc sống này có rất nhiều điều con người chưa khám phá hết.
10/07/2011(Xem: 7376)
Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 76 tuổi hôm Thứ Tư 6-7-2011, một ngày cũng là khởi đầu cho một loạt buổi thuyết giảng, truyền pháp và hướng dẫn tu học pháp môn Kalachakra cho nhiều ngàn Phật Tử tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
10/07/2011(Xem: 16361)
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khích lệ chúng ta hãy triển khai lòng tốt và tình thương yêu mà Ngài luôn luôn quả quyết là những phẩm tính ấy đều đã có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta.
09/07/2011(Xem: 12722)
Có lẽ danh từ “Phật đảo“ tôi dùng cho xứ đảo Đài Loan có hơi lạ tai với các bạn, vì từ đó đến giờ ta chỉ nghe nào là “Hải đảo chiều mưa“ hay “Ốc đảo cô đơn“, chứ chưa ai dám dùng từ chứa nhiều cường điệu như thế! Nhưng quả thật là như thế các bạn ạ! Một cụm đảo gần chín mươi chín hòn nhỏ to đủ cỡ, không lấy gì làm lớn cho lắm nằm chơ vơ giữa biển mà đi đến đâu cũng thấy những tượng Phật vĩ đại và Chùa chiền với tầm vóc đáng ngại, nhìn vào phải bái phục khen thầm, ấy là chưa kể tinh thần tu học nghiêm mật và trật tự của Phật tử Đài Loan.
08/07/2011(Xem: 8410)
Trước những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại ngày một xuất hiện nhiều sản phẩm cứu người và giết người tân kỳ mới lạ, con người thường xuyên đứng trước những ngã ba đường của sự chọn lựa thiện ác, khen chê.
08/07/2011(Xem: 7780)
Sau khi nhóm Khóm Hồng San Diego phổ biến tập Hạnh Phúc kỳ diệu vào mùa xuân 1993, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực. Nhận thấy sự cần thiết trình bày thêm những cách thức cụ thể áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày để duy trì và phát triển niềm an vui trong lành, tươi mát và tích cực, chúng tôi đã soạn thêm trên một trăm trang cho kỳ tái bản này. Joseph Campbel, nhà huyền thoại học trứ danh của Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ thứ hai mươi này, khi được sinh viên của ông hỏi họ phải chọn lựa con đường nào, ông ta trả lời không chút do dự: “Hãy đi theo niềm an vui kỳ diệu của chính mình.”
04/07/2011(Xem: 7113)
Lễ lạy, tham bái, chiêm lễ các thánh tích của các bậc Tiên Thánh là một tập tục truyền thống lâu đời của một trong những nghi thức hành trì trong Phật Giáo, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tương truyền rằng trong văn hóa truyền thống cổ của người Ấn Độ có tập tục đi lễ lạy các thánh tích gọi là "Tuần lễ", chỉ cho việc đi về thánh tích của các bậc thánh nhân lễ lạy, để cầu nguyện và cũng là cảm niệm tưởng nhớ, đến hành trạng cũng như công đức của vị thánh, thần đó đã đem đến cho thế gian.
02/07/2011(Xem: 7140)
Đối với Phật giáo, vũ trụ được sanh ra như thế nào, con người bắt đầu từ đâu không có gì quan trọng vì tất cả chỉ là thế giới hiện tượng có sinh có diệt. Khi Đức Phật còn tại thế, một hôm Tỳ kheo Man Đồng Tử đặt ra những câu hỏi siêu hình để hỏi Thế Tôn rằng :
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]