Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VIII Vị trí của ngôi chùa Viên Giác tại Hannover đối với người Việt cũng như người Đức

13/05/201314:06(Xem: 8215)
Chương VIII Vị trí của ngôi chùa Viên Giác tại Hannover đối với người Việt cũng như người Đức

Cảm tạ xứ Đức

Thích Như Điển

Phật lịch 2546 - 2002

Trung tâm văn hóa xã hội Phật Giáo Việt Nam

---o0o---

Chương VIII

Vị trí của ngôi chùa Viên Giác tại Hannover đối với người Việt cũng như người Đức

Chùa Viên Giác là một ngôi chùa Việt Nam được xây dựng tại thành phố Hannover thuộc Tiểu Bang Niedersachsen Bắc Đức, mà cũng có thể nói đây là ngôi chùa đầu tiên của người ngoại quốc cũng như của người Đức xây dựng kể từ khi Phật Giáo được du nhập vào nước Đức đến nay.

Thật ra cho đến năm 2002 là hơn 200 năm Phật Giáo có mặt tại đây và đã có gần 500 Hội Đoàn, Tổ Chức Phật Giáo của người Đức cũng như của người ngoại quốc sinh hoạt; nhưng chỉ có 2 ngôi chùa xây theo kiểu Á Đông và hoàn toàn mới là ngôi chùa Viên Giác tại Hannover và ngôi chùa Nikko của người Nhật tại Düsseldorf được xây dựng khoảng năm 1994. Còn đa số các chùa khác đều mua hoặc thuê những lâu đài cũ, nhà ở hay nhà tư nhân để làm chùa. Ngay cả ngôi nhà Phật Giáo tại Berlin (Buddhistisches Haus) được Dr. Dahlke hiến dâng cho Phật Giáo Tích Lan từ đầu thế kỷ thứ 20; nhưng tại đây cũng là một ngôi nhà biến thể, chứ không phải toàn diện được xây dựng thành như một ngôi chùa.

Chùa Viên Giác ở tại Tiểu Bang Niedersachsen. Do vậy cũng nên biết rõ thêm hơn về Tiểu Bang nầy một chút, dẫu rằng trong chương trước đã có giới thiệu sơ qua. Tiểu Bang hiện có 7.815.000 người đang sinh sống. Xem như 9,5 phần trăm dân số của toàn Cộng Hòa Liên Bang Đức. Trong đó có 3.999.600 đàn bà; 3.815.500 đàn ông và ngoại kiều chiếm tổng số là 476.700 người. Trong số nầy có 4.735.000 người theo Tin Lành giáo và 1.401.000 người theo Thiên Chúa giáo. Đây là con số thống kê mới nhất vào ngày 18.6.2002 của Phủ Thủ Tướng Tiểu Bang Niedersachsen.

Như vậy Tiểu Bang nầy có số đàn bà nhiều hơn đàn ông và Tin Lành gấp 3 lần Thiên Chúa. Về các đạo khác chưa có thống kê chính thức trong số gần nửa triệu người đó; nhưng chắc chắn có lẽ là Hồi Giáo. Vì người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở đây rất đông. Tôi đang sao lục, tìm kiếm về tài liệu của người Việt Nam tại Tiểu Bang nầy để thực hiện một chương trình công ích từ thiện rộng lớn cho toàn Tiểu Bang và có thể trong tương lai cho cả Liên Bang nữa.

Chùa chúng ta chính thức sinh hoạt từ năm 1978 tại đây; như vậy là đã 25 năm rồi. Chúng ta chỉ còn 5 năm nữa là đủ điều kiện để được công nhận là một Tôn Giáo như nước Ý, Áo đã thực hiện thành công. Trong vòng 5 năm đó Phật Tử Việt Nam, hoặc Đức, hoặc bất cứ một người ngoại quốc nào ở tại Tiểu Bang nầy theo Phật Giáo cũng được tính chung vào để chúng ta có được tư cách quyền công cộng (Offenliches Rechts) như những tôn giáo khác.

Điều kiện đầu là cần 30 năm sinh hoạt.

Điều kiện thứ nhì là có 1 phần ngàn người theo đạo. Nghĩa là phải có ít nhất là 7.800 người Phật Tử chính thức ghi tên tuổi, ngày sinh, có địa chỉ, chữ ký và được quyền sinh sống lâu dài tại đây. Số người ấy không phải là nhiều; nhưng sợ 5 năm nữa sẽ có người sinh sản thêm và đồng thời cũng có người mất đi. Do đó chúng ta có thể tính sát suất thay đổi là 8.500 đến 9.000 người là tốt nhất. Dĩ nhiên khi chính thức khai báo như thế, sau khi chúng ta được công nhận chúng ta có nhiều quyền lợi và điều kiện hơn. Ví dụ con em của quý vị có nhu cầu học giáo lý bằng tiếng Đức tại trường học; những ngày lễ của Đạo Phật; sự chết chóc ma chay của các Phật Tử nơi nghĩa trang v.v... tất cả đều có tính cách đại chúng hóa; nếu chúng ta được công nhận; nhưng với điều kiện chúng ta phải liên kết hỗ trợ cho việc nầy thật chặt chẽ mới thành công được. Khi chúng ta có quyền lợi, dĩ nhiên chúng ta cũng phải có một số bổn phận. Bổn phận chi tiết như thế nào chúng tôi sẽ gởi đến quý vị sau trong thời gian tới.

Điều kiện thứ ba là có liên hệ tốt với Bộ Tài Chánh và Bộ Nội Vụ. Điều kiện nầy cho đến nay sau 25 năm sinh hoạt, chúng ta được biết là rất tốt; không những liên hệ bình thường với các Bộ nầy mà còn rất chặt chẽ nữa là đằng khác.

Đây là một công việc lâu dài có tính cách lịch sử cho hằng trăm hàng ngàn năm về sau nầy. Chúng tôi mong rằng quý vị Phật Tử không nên bỏ qua cơ hội đóng góp phần mình vào sự lợi ích chung cho Đạo Pháp.

Theo thống kê ngày 31.12 năm 1996 của Phủ Thủ Tướng Tiểu Bang Niedersachsen, thì Tiểu Bang nầy có những thành phố sống trên 100.000 dân như sau:

- Hannover : 523.000 người

- Braunschweig : 251.000 "

- Osnabrück : 167.000 "

- Oldenburg : 114.000 "

- Göttingen : 126.000 "

- Wolfsburg : 125.000 "

- Salzgitter : 117.000 "

- Hildesheim : 105.000 " 

Chính quyền địa phương của Tiểu Bang gồm có 4 nơi. Đó là:

- Braunschweig và Vùng phụ cận : 1.678.000 dân

- Hannover và Vùng phụ cận : 2.147.000 dân

- Lüneburg và Vùng phụ cận : 1.616.000 dân, và

- Wesses - Ems : 2.374 dân

Diện tích tổng cộng của Niedersachsen là 47.609 kmỲ, chiếm tỷ lệ 13,3% của Cộng Hòa Liên Bang Đức; trong đó có 29.700 kmỲ là diện tích nông nghiệp cho chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài ra còn có 9.850 kmỲ rừng. 2.850 kmỲ diện tích đất xây dựng và mặt bằng còn trống. 2.250 kmỲ về giao thông; 10.000 kmỲ về vùng cảnh trí được bảo trì và 1.300 kmỲ vùng thiên nhiên được bảo trì.

Về phương diện địa lý của Tiểu Bang nầy được đo nơi điểm cao nhất cũng như thấp nhất như sau:

- Wurmberg (Harz) : 971 m

- Bruchber (Harz) : 927 m

- Achtermann (Harz) : 925 m

- Freepsumer Meer sâu : 2,3 m

- Wynhamster Kolb sâu : 2,3 m

Tiểu Bang nầy cũng có những con sông và kênh đào quan trọng như sau:

- Sông Weser (cùng với Werra và Fulda) dài 378 km

- Sông Elbe dài 262 km

- Sông Ems dài 241 km

- Sông Line dài 211 km

- Con kênh đào giữa Tiểu Bang dài 195 km

- Con kênh đào Dortmund - Ems dài 147 km

- Con kênh đào Elbe - Seiten dài 115 km

Ngoài ra tại Tiểu Bang nầy cũng có những đầm và hồ được kể như sau:

- Steinhuder Meer rộng 27 kmỲ

- Dümmer rộng 13 kmỲ

- Zwischenahner Meer rộng 5,5 kmỲ

- Großes Meer rộng 2,6 kmỲ

- Okertalsperre rộng 2,3 kmỲ

- Granetalsperre rộng 2,2 kmỲ

Phần bên trên thuộc về dân số, đất đai, địa lý, sông ngòi, ao hồ v.v... sau đây xin đơn cử một vài dữ liệu tương đối quan trọng để chúng ta có một cái nhìn cụ thể hơn.

Hiện tại (2002) Đảng SPD có 47,9% số ghế trong Quốc Hội Tiểu Bang và có 83 Dân Biểu.

Đảng CDU chiến 35,9% có 62 Dân Biểu.

Đảng Xanh chiếm 7% và có 12 Dân Biểu.

Chính quyền trong hiện tại do Đảng SPD cầm quyền và những nhiệm vụ được phân chia như sau:

- Thủ Tướng Tiểu Bang : Sigmar Gabriel (SPD)

- Bộ Tài Chánh : Heinrich Aller (SPD)

- Bộ Nội Vụ :Heiner Nartling (SPD)

- Bộ Văn Hóa :Jürgens-Pieper (SPD)

- Bộ Thực Phẩm, Nông Nghiệp Lâm Sản : Uwe Bartels (SPD)

- Bộ Phụ Nữ, Lao Động & Xã Hội: Dr. Gitta Trauernicht (SPD)

- Bộ Tư Pháp : Dr. Christian Pfeiffer (SPD)

- Bộ Kinh Tế, Kỹ Thuật và Giao Thông: Dr. Susanne Knorre (không đảng phái)

- Bộ Khoa Học và Văn Hóa : Thomas Oppermann (SPD)

- Bộ Môi Sinh : Wolfgang Jüttner (SPD)

- Bộ Liên Bang và Âu Châu : Wolfgang Senff (SPD)

Ngoài ra cũng nên biết về những vị Thủ Tướng Tiểu Bang tiền nhiệm như sau:

1946 - 1955 : Hinrich Wilhelm Kopf (SPD)

1955 - 1959 : Heinrich Hellwege (DP)

1959 - 1961 : Hinrich Wilhelm Kopf (SPD)

1961 - 1970 : Georg Diederichs (SPD)

1970 - 1976 : Alfred Kubel (SPD)

1976 - 1990 : Ernst Albrecht (CDU)

1990 - 1998 : Gerhard Schröder (SPD)

1998 - 1999 : Gerhard Glogowski (SPD)

và từ 1999 đến nay : Sigmar Gabriel (SPD)

Trong 9 đời Thủ Tướng Tiểu Bang chỉ có đời của Thủ Tướng Albrecht là cai trị lâu đời nhất; nghĩa là 14 năm thuộc Đảng CDU. Còn Đảng SPD tuy chiếm đa số và lâu dài; nhưng người cai trị lâu nhất trong 2 lần làm Thủ Tướng là Hinrich Wilhelm Kopf cũng chỉ được 11 năm. Đặc biệt trong thời gian ông Dr. Ernst Albrecht làm Thủ Tướng, ông ta chủ trương vớt người Việt Nam vượt biển tìm tự do. Tôi đã có cơ hội 2 lần tiếp xúc trực tiếp với ông tại dinh Thủ Tướng và một lần hai Ông Bà đến thăm chùa Viên Giác nhân một lễ Vu Lan cách đây mấy năm.

Ngôi chùa Viên Giác ngày nay đứng sừng sững tại số 6 đường Karlsruher, tại thành phố Hannover, chiếm cứ một diện tích 4.000mỲ đất và 3.000mỲ diện tích xử dụng, là nhờ ý tốt của ông cựu Thủ Tướng Tiểu Bang Albrecht không ít; nếu không có ông lưu tâm vào thì chùa cũng khó mà nhận được giấy phép xây cất sớm như thế. Hồi đó khi xây chùa mặc dầu Tiểu Bang Niedersachsen không giúp cho được một khoản tài trợ nào; nhưng sổ xố Loto Lotto của Tiểu Bang đã giúp chùa được 10.000 Đức Mã và suốt từ năm 1978 đến nay Bộ Văn Hóa Tiểu Bang cũng đã chỉ giúp một lần năm 1979 để tổ chức lễ Phật Đản tại Bethoven Saal độ hơn 10.000 Đức Mã. Tuy vậy công ơn của đất nước nầy, của Tiểu Bang nầy chúng tôi không bao giờ quên cả.

Từ hướng Messegelảnde quẹo mặt qua đường Karlsruher khách hành hương sẽ thấy có bảng chỉ công cộng "Pagode Viên Giác" màu nâu. Như vậy ngôi chùa của chúng ta cũng đã có nhiều người nhìn thấy bảng. Mặc dầu không có ý đi tìm chùa; nhưng họ cũng sẽ gặp chùa. Còn những người có ý đi tìm thì trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra trong quyển bản đồ thành phố Hannover xuất bản năm 2000 có ghi địa chỉ nơi chùa là một dấu thánh giá và chú thêm "Tibetisches Buddhist-Zentrum". Thật sự ra khi làm bản đồ, người vẽ không biết biểu hiệu ngôi chùa bằng dấu gì, nên cho dấu thánh giá cho tiện. Đây là ngôi chùa Việt Nam chứ không phải là của người Tây Tạng. Có lẽ họ thấy chùa là họ nghĩ về Phật Giáo Tây Tạng chăng? Điều ấy cũng quý thôi! Vì lẽ họ có cơ hội để biết đến chữ Buddhismus hay Buddhisten; chứ ngay cả bây giờ nhiều người Đức viết chữ Phật Tử hoặc Phật Giáo đó chỉ có 1 chữ d, hoặc không có chữ h phía sau.

Trong chùa Viên Giác cũng có một phòng nhỏ, tôi đã cho Hội Phật Giáo Chöling, gồm nhiều người Đức theo Phật Giáo Tây Tạng sinh hoạt cả 7, 8 năm nay và năm 1995 Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã đến phòng nầy làm lễ cầu nguyện cho các Phật Tử Đức. Do vậy mà cũng có người gọi đây là Trung Tâm của Phật Giáo Tây Tạng chăng ?

Tiện đây cũng xin giải thích thêm mấy chữ như thế nào là một Niệm Phật Đường; thế nào là một ngôi Chùa? thế nào là một Pagode? thế nào là một Tu Viện? thế nào là một Đại Tòng Lâm?

Niệm Phật Đường là nơi nhỏ dùng để cho ít người có thể đến đó ngồi tụng kinh hoặc niệm Phật. Không nhất thiết phải to lớn, mà ngay cả tại tư gia cũng có thể biến thành nơi thờ Phật trang nghiêm và có thể gọi là một Niệm Phật Đường. Nơi đây cũng có thể có Tăng Ni trụ trì, mà cũng có thể là Cư Sĩ tại gia cũng có quyền coi sóc cơ sở như thế.

Một ngôi Chùa, tiếng Đức gọi là Tempel; tiếng Anh gọi là Temple. Chùa là nơi thờ Phật, lớn hơn Niệm Phật Đường, chỗ dành cho người lui tới sinh hoạt định kỳ vào mỗi cuối tuần hay ngày Rằm và Mồng Một. Đây phải là nơi công cộng, ai cũng có thể đến để lễ bái, cầu nguyện, làm lễ cầu an, cầu siêu, cưới hỏi, ma chay, học học giáo lý v.v...

Thế nào gọi là một Pagode? Chữ Pagode người Việt Nam thường hay dùng để chỉ cho chùa; nhưng thật ra không đúng hoàn toàn. Vì từ nầy tiếng Đức không có; nên phải vay mượn của tiếng Pháp và tiếng Anh (Pagoda). Nếu tiếng Phạn thì gọi là Stupa. Nghĩa là một ngôi tháp có nhiều tầng; nên gọi là Pagode. Có nhiều chùa có cả Pagode; nhưng cũng có nhiều chùa không có tháp. Ngày nay có nhiều người Đức vẫn còn nghĩ Pagode là một nhà hàng (Restaurant); nhưng trên thực thế Pagode là nơi để thờ Xá Lợi của Phật chứ không phải để bán đồ ăn. Nhiều hôm tôi đứng trước cổng chùa, có người Đức đến gặp và hỏi:

- Hôm nay có mở cửa không ?

- Có chứ! Chùa lúc nào cũng mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Tôi trả lời thế.

- Thế có bán không ?

Tôi bảo:

- Ở đây là chùa thờ Phật của Phật Giáo chứ không phải nhà hàng. Nếu quý vị muốn đi dùng cơm thì xin ra chỗ góc đường kia sẽ có tiệm.

Thế là họ lủi thủi ra đi. Cũng có lần tờ báo địa phương của Mittelfeld chụp hình cái tháp của chùa Viên Giác và ra câu đố, ai trả lời được đó là cái gì và nằm ở đâu? Nếu ai đáp trúng sẽ được thưởng 35 Đức Mã. Tôi không biết là có bao nhiêu người đáp đúng, mà chắc chắn sẽ có nhiều người nói đúng, nếu họ là những Phật Tử Việt Nam hay đi chùa; hoặc những người Đức sống ở gần chùa thì sẽ biết. Tiếc rằng hôm tôi nhận được tờ báo ấy thì đã trễ 2 ngày rồi; nhưng nghĩ ra cũng vui vui. Vì người Đức cũng có những sáng kiến mới lạ và do vậy mà ngôi chùa đã trở thành chỗ công cộng cho người Đức lẫn người Việt lui tới lễ bái nguyện cầu.

Nếu quý vị mở máy Computer lên và vào tìm xem chỗ Pagode Viên Giác hoặc Thích Như Điển thì sẽ có nhiều tin tức, hình ảnh về chùa cũng như những bài thuyết trình của tôi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; nếu quý vị muốn tra cứu, tham khảo. Ngày nay cái gì trên máy computer cũng có; nếu có thiếu thì chỉ thiếu thiện chí của con người mà thôi.

Tu Viện là gì ? Có nhiều người nghĩ vào đó tức không được tiếp xúc với ai cả. Không nhất thiết phải như vậy. Có lẽ bên Thiên Chúa giáo có những dòng tu kín như thế; nhưng bên Phật Giáo Việt Nam thì rất hiếm; người Tăng sĩ hay Ni cô đang sinh sống tại các Tu Viện hay Phật Học Viện là nơi có nhiều người, kể từ số trăm trở đi. Họ cùng chấp tác chung, ở chung, tụng kinh chung, học chung, tụng luật, bố tát chung v.v... nghĩa là cái gì cũng có tính cách công cộng; nên gọi là Tu Viện. Nhiều khi gọi điện thoại cho người Đức, xưng là tôi từ chùa (Pagode) Viên Giác gọi thì họ không hiểu, thế là chúng tôi phải nói là Tu Viện (Kloster) Viên Giác thì họ hiểu ngay. Vì danh từ nầy họ đã quen bao đời nay rồi với danh từ của Thiên Chúa, hoặc Tin Lành.

Còn Đại Tòng Lâm là gì ? Đó là nơi tu học của chư Tăng Ni, không nhất thiết ở thành phố, mà phải nằm xa thành thị. Nơi đó có thể là vùng núi non, vùng thung lũng và chỗ ấy có thể ở, sinh hoạt, tu học cho cả mấy ngàn người chứ không phải chỉ vài trăm người. Trong ấy vẫn có một ngôi chùa chính và nhiều ngôi chùa phụ cũng như trường học để Tăng chúng học tập, tu luyện..

Tại Việt Nam, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản v.v... đều có nhiều danh từ để chỉ về một ngôi chùa như thế. Còn trong ngôn ngữ tiếng Đức nầy nó chỉ có sự giới hạn của nó và người Đức cũng khó phân biệt thế nào là một ngôi Chùa hay một Tu Viện. Do vậy tôi đã giới thiệu qua một số nét căn bản để người Đức hoặc các trẻ em Việt Nam sinh ra ở đây có cơ hội để biết rõ ngọn ngành hơn.

Nhiều người Đức cũng đi chùa; nhưng mới đầu học còn bỡ ngỡ và khó gần gũi với nếp sống của người Á Châu; nhưng dần dần rồi cũng quen đi. Ví dụ như vào chùa phải bỏ giày dép bên ngoài; hoặc giả không được mặc y phục cao hơn đầu gối. Ngoài ra sự cầu nguyện, lễ bái của người Á Châu động hơn và người Đức thường hay thích tịnh. Tuy nhiên tất cả đều là thói quen và thời gian năm tháng người ta sẽ tự nhiên thích hợp.

Đây là một ngôi chùa Việt Nam được xây dựng đầu tiên ở xứ Đức và cũng có thể nói từ khi Đạo Phật truyền vào xứ Đức nầy đã 200 năm rồi và đây cũng là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng theo lối kiến trúc kết nạp giữa Á và Âu; nên có nhiều nét đặc thù. Khi một đứa bé con của một gia đình Việt Nam sinh ra và lớn lên tại đây, chúng sẽ hãnh diện và tự hào là ông cha, tổ tiên của chúng đã đến đây tỵ nạn bằng hai bàn tay trắng; chỉ có một ý chí cương quyết tạo dựng một cuộc đời mới tại xứ Đức nầy; trong ấy đã xây dựng một ngôi chùa tại đây. Chúng sẽ hãnh diện giới thiệu với bạn bè Việt và Đức của chúng là nơi ngôi chùa Viên Giác ấy xứng đáng đại diện cho Văn Hóa Việt Nam và nếu có ai muốn đến đó xem thì tại đó sẽ cung ứng những nhu cầu về tâm linh mà họ cần hiểu biết. Người Việt lập nghiệp ở đây hơn 25 năm nên cơ sở thương mại, kinh doanh, nhà hàng rất nhiều; nhưng đấy không phải là văn hóa của dân tộc; nên những người trẻ không thể vào một nhà hàng bán thức ăn, hoặc tiệm thực phẩm Á Châu bảo rằng: Đó là quê hương của tôi, là văn hóa của dân tộc tôi đó. Thì đây là một sự sai lầm lớn vậy.

Người Việt ra đi đã bỏ lại sau lưng tất cả và trong ấy có bỏ lại ngôi chùa. Do vậy mà sự nhớ thương dằng dặc, bao giờ ngôi chùa cũng xuất hiện đầu tiên trong tâm trí của họ. Thi sĩ Huyền Không, tức Hòa Thượng Thích Mãn Giác, cách đây 50 năm đã làm một bài thơ Nhớ Chùa rất hay, đã diễn tả đúng tâm trạng của những người xa quê khi hướng về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bài thơ ấy nhan đề là :

Nhớ Chùa

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.

Đây là lối thơ thất ngôn trường thiên. Nghĩa là mỗi câu 7 chữ và không nhất thiết bài thơ phải dừng nơi 4 câu như những loại thơ Đường luật bị gò bó niêm luật, mà ở đây gồm 9 đoạn, mỗi đoạn 4 câu như thế.

Con người khi xa quê mong muốn làm nên một cái gì đó cho đời; nên phải bon chen với danh với lợi, tranh đấu hơn thua để phần thắng được về mình; nhưng khi sực tỉnh lại, thấy sao mà chua xót quá. Do vậy mới mơ màng nhớ lại cảnh cũ người xưa, trong ấy có bóng dáng một ngôi chùa.

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

Cảnh cũ người xưa đâu còn nữa; nhưng trên con đường đất đỏ chạy vào làng đó, hai bên có những hàng tre thẳng tắp, đứng sừng sững với núi sông, tượng trưng cho cuộc đời của người quân tử. Chỉ đơn giản thế thôi; nhưng là biểu tượng cho làng tôi đấy và nơi đó dưới ánh nắng chói chang hay những chiều ta ảm đạm, ngôi chùa vẫn im lìm trong cuộc sống trầm lặng của dân quê.

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách vẫn xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười.

Thật là hạnh phúc biết bao! Thật là hoan hỷ biết bao! trong tất cả hoàn cảnh, trong tất cả nhịp điệu sống của dân làng đều có sự hiện diện của ngôi chùa; trong ấy có Đức Phật dưới làn khói hương nhẹ tỏa, Ngài ngồi yên đó mỉm cười với cuộc thế đổi thay từ bên trong lẫn bên ngoài bản thân của mỗi con người. Tuy vậy trong vườn chùa kia có những cây mai sống rất lâu. Mỗi năm Đông đến Xuân sang thì hoa mai đua sắc thắm để chào đón nàng Xuân, mặc cho gió Đông có khe khắt. Ngoài những gốc mai già ra còn có những cây tùng và cây bách vẫn sừng sững với gió sương, trơ gan cùng tuế nguyệt, chịu đựng với bao nhiêu gian khổ khó khăn; nhưng lá vẫn xanh, cây vẫn thẳng, chịu đựng gian khổ với thời tiết, với hoàn cảnh. Điều nầy cũng nói lên được ý chí của những người ở lại quê, khi họ đã chấp nhận sống chết với lũy tre làng, nương khoai, bờ giậu ấy.

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát giọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.

Dưới mái chùa hiền hòa ấy có hình bóng của vị Sư già ngày 2 buổi với kinh kệ, mõ chuông, cầu nguyện cho dân làng sống cho có hạnh phúc qua lời dạy của chư Phật, bỏ ác làm lành, giữ tâm ý cho được thanh tịnh. Lời kinh tiếng kệ ấy như là những tiếng vọng cao cả dội vào tâm tư của người dân, ngay cả những người đang sống nơi viễn xứ. Lời kinh ấy cứ vang vọng mỗi ngày sớm chiều hai buổi, khiến cho khách trần ai tục lụy cũng phải hướng về cảnh giới giải thoát nhiệm mầu để tu thân tích đức.

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình.

Cuộc sống nông thôn rất đơn giản; chỉ có gạo, khoai, sắn, bắp, rau cải chứ có gì đâu; nhưng trong từng vi sinh vật ấy được sinh trưởng, lớn lên tại làng quê kia có mục đích rõ ràng là tô bồi cho quê hương xứ sở cho đẹp đẽ, mà muốn thế phải nương theo sự cầu nguyện, nương theo chuông mõ, linh tang, gõ nhịp vào thành trống, thành chuông để gióng lên bao hồi chuông cảnh tỉnh. Để từ đó con người sống trọn vẹn trong cảnh thái bình an lạc. Sự yên ổn đó không phải tự nhiên mà nó có. Đó là do sự cầu nguyện, do ý chí mong cầu. Do sự hướng về Đấng Toàn Giác. Do tâm nguyện ấy mà đời sống của mọi người trong thôn trở nên an lạc.

Mỗi tối dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh.

Đời sống của nông dân rất là hồn nhiên chất phác. Cật lực làm lụng suốt ngày để có miếng cơm, manh áo, tối về tắm rửa sạch sẽ, sau đó cơm nước và dẫn vợ con lên chùa để ngắm trăng. Vì sao vậy? Vì tại chùa bao giờ cũng có cây to bóng mát. Xuyên qua ngàn cây nội cỏ đó, ánh trăng rằm sẽ dọi chiếu khắp đó đây trở nên muôn hồng ngàn tía hòa lẫn với tiếng chuông ngân nga như đem mùi Thiền làm nên cảnh vật của thiên nhiên. Khiến người nông dân thư thái, hạnh phúc vô cùng. Đây là niềm an ủi, một sự động viên không phải dùng thuốc uống để chữa lành bệnh tật mà tất cả đều khởi đi từ chỗ tâm hướng thượng của mỗi con người.

Trầm đốt hương xông thơm ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lễ

Mười bốn, ba mươi mỗi tối vào.

Đến ngày sám hối vào tối 14 âm lịch hoặc tối 30. Mỗi tháng 2 lần như thế sau khi cơm nước tắm gội, vợ chồng con cái cả nhà lên chùa với sản phẩm trong vườn như rau, chuối, đậu, mè mang lên chùa để cúng dường Sư cụ và thập phương bá tánh. Đây là tâm nguyện của dân làng khi đi chùa lễ Phật. Cho nên ai ai cũng nôn nao trông cho đến những ngày trọng đại ấy để mà lên chùa dâng hoa hương cúng Phật và dầm mình vào trong trầm hương khói tỏa, để như thấy mình cũng được sám hối những tội lỗi từ lâu đời, lâu kiếp đã gây ra.

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phù vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.

Ngôi chùa với phong sương cùng tuế nguyệt ấy, với thời gian năm tháng chất chồng, với chiến tranh đổ nát, với sương gió phũ phàng, chắc chắn phải có ảnh hưởng; nhưng trong tâm trạng của kẻ xa quê vẫn muốn rằng những hình ảnh của năm xưa, một ngôi chùa hiền hòa yên tĩnh tọa lạc trong một ngôi làng và trong tâm thức của người xa quê như thế cũng mong rằng không bị ảnh hưởng gì nặng nề cả. Vì ngôi chùa trong lòng người xa xứ là cả một bầu trời, một đất nước, một quê hương. Chưa biết là bao giờ mới có thể trở lại thăm quê; nhưng mong rằng ngôi chùa trong lòng của tuổi ấu thơ ấy vẫn còn mãi mãi nơi tâm thức của người xa quê.

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chỡ hồn dân tộc

Nếp sống muốn đời của Tổ Tông.

Thật là tuyệt vời! Thật là vi diệu khi bên tai mình văng vẳng đâu đây tiếng chuông và nhiều tiếng chuông liên tục như thế vọng ra từ một ngôi chùa cho nên mình đã thức tỉnh và nhớ lại chùa xưa. Ai là người đã ra đi, chắc chắn không bao giờ quên được ngôi chùa ấy. Vì sao vậy? Vì lẽ mái chùa kia đã che chở hồn dân tộc qua bao nhiêu năm tháng chất chồng, qua các triều đại thịnh suy của dân tộc; che chở hết tất cả những muộn phiền của thế sự đổi thay và đó, đó chính là nếp sống nghìn đời của ông bà, cha mẹ ta trong tinh thần của Phật Giáo vậy.

Chỉ một bài thơ 36 câu gồm 9 đoạn thôi, mà đã diễn tả được tất cả hình ảnh của một ngôi chùa đối với bên trong của nội tâm qua bao thăng trầm của thế sự cũng như đối với những hoàn cảnh đổi thay ở bên ngoài của cảnh vật, của đất nước quê hương. Thật ra tác giả đã gởi gắm tâm sự của mình vào đây khi xa quê và hình ảnh ngôi chùa ấy tại một làng quê hẻo lánh tại nơi chôn nhau cắt rốn đã chiếm trọn vẹn cuộc đời và tuổi thơ của tác giả. Hai câu thơ cuối là 2 câu quan trọng nhất. Đã là người Việt Nam, không nhất thiết là có đạo hay không có đạo. Tất cả đều được và bị ảnh hưởng bởi tiếng chuông chùa. Trong dân tộc Việt ấy dĩ nhiên là có nhiều tín ngưỡng khác nhau nữa; nhưng mái chùa ở đây đã phủ kín mọi khuynh hướng tôn giáo, để tất cả cùng nhau xây dựng cho một dân tộc Việt Nam sớm thanh bình thịnh vượng.

Còn tôi ? sau 30 năm xa xứ, ngôi chùa ấy luôn luôn hiện hữu trong tâm thức và hôm nay đã làm trụ trì ngôi chùa nầy đã 25 năm rồi; nên có rất nhiều kỷ niệm. Tuy đây không phải là một làng quê hẻo lánh như ở Việt Nam; nhưng hình ảnh từ bi của Đức Phật thì ở đâu cũng tương tự như vậy. Không biết một mai đây tôi về với Phật hoặc đi nước khác, có lúc nào đó tôi rảnh rỗi ngồi lại để nhớ và nghĩ về ngôi chùa Viên Giác nầy suốt 25 năm qua hay còn nhiều năm sau đó nữa, về những kỷ niệm thân thương, vui buồn, an ổn, nhiều vấn đề v.v... để rồi chính ngôi chùa trong tâm thức đó sẽ hiện về như tác giả Huyền Không đã mô tả chăng ?

Tôi không phân biệt người Phật Tử theo tông nầy hay tông khác, nước nầy hay nước kia. Có người nói tôi theo Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada); có người nói tôi theo Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) nhưng với tôi trên bình diện tâm thức, không phân biệt là Đại hay Tiểu, lớn hay nhỏ, cao hay thấp, mà tôi chỉ có một thừa để theo. Đó là Phật thừa (Buddhayana) mà thôi. Tại chùa Viên Giác nầy có nhiều phái đến sinh hoạt. Ví dụ như Thiền của Nhật Bản, Phật Giáo Đại Hàn, Phật Giáo Thái Lan, Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Đức, Phật Giáo Mỹ và dĩ nhiên là Phật Giáo Việt Nam, tất cả đều cùng sinh hoạt chung dưới mái chùa nầy và không có một vấn đề gì bị kỳ thị về tông phái đã xảy ra cả. Tôi còn cố vấn giúp đỡ cho những Hội mới thành lập, như Hội Phật Giáo Phật Quang Sơn tại Berlin chẳng hạn. Lúc mới bắt đầu, dầu cho những người Phật Tử ở đây lâu năm cũng không biết nên làm sao. Do vậy tôi đã chỉ vẽ cho cách lập Hội, bản nội quy, sau đó đi khai báo ở Tòa Án và cuối cùng phải qua Sở Tài Chánh để có được tư cách từ thiện công ích (Gemeinnütziger). So ra như vậy tôi đã chẳng có phân biệt để giúp cho những ai, hoặc những hội nào cần cố vấn trong vấn đề giấy tờ hợp pháp của tôn giáo đối với xã hội nầy.

Ở Việt Nam hay các xã hội Á Châu luật pháp về tôn giáo ít hơn. Vì nhiều khi một ngôi chùa tại làng đó đã có trước, sau đấy cả 100 năm ngôi làng ấy mới thành hình. Do vậy mà vị trí của ngôi chùa ấy cũng là một vị trí độc tôn, khỏi cần phải xin phép ai và xin phép cái gì cả. Còn ở đây, tất cả đều luật pháp, tất cả đều giấy tờ, chứng từ, xuất nhập, chi tiêu v.v... thật sự ra không phải là vấn đề rắc rối; nhưng đó là vấn đề hành chánh và vấn đề điều hành cơ sở ở các nước Tây phương nầy cũng phải biết qua, hay nói đúng hơn là biết rành về luật pháp lại tốt hơn nữa. 

Lời Kết

Cộng Hòa Liên Bang Đức được thành lập năm 1949 và năm đó cũng là năm ra đời của tôi. Chẳng biết có nhân duyên gì với nước Đức không, mà tôi đã đến đây và đã ở đây cho đến hôm nay (2002) là 25 năm rồi. Trong 25 năm đó cuộc đời tôi cũng lắm đổi thay, mà nước Đức nầy cũng có rất nhiều thay đổi. Miền Đông Đức theo chế độ Cộng Sản và ngày 7.10.1949 chính quyền tại đây được thành lập. Sau bao nhiêu năm thống trị, bức màn sắt càng ngày càng khép kín giữa Đông Tây, khi bức tường ô nhục Berlin được xây dựng từ năm 1960 và vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 bức tường đã bị chính nhân dân Đông Đức phá bỏ cũng đồng thời có nghĩa là phá bỏ chủ nghĩa Cộng Sản để trở thành hòa hợp thống nhất với thế giới tự do.

Sau 40 năm sống với Cộng Sản người dân Đông Đức hay Đông Âu và Nga Sô đã thấm mệt, họ muốn sửa đổi, cải cách. Họ tự bỏ phiếu bằng bước chân đi tìm tự do của họ và chúng tôi cũng thế, những người Việt Nam cũng đã ra đi tìm tự do từ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ không ở lại nơi quê hương của họ, như người Đức đã ở lại để hít thở không khí tự do nầy mà họ phải ra đi. Ra đi không định hướng, chỉ nhắm vào tấm lòng nhân đạo của thế giới nầy mà thôi. Từ đó đến nay đã có gần 3 triệu người đã bỏ nước ra đi và chỉ còn sống sót lại hơn 2 triệu đang định cư gần 150 quốc gia trên thế giới. Còn bao nhiêu là làm mồi ngon cho thú dữ của rừng thiên, làm thức ăn cho cá ngoài biển cả khi lênh đênh trên biển nhiều ngày mà không có tàu nào cứu vớt. Do sóng to gió lớn bị chìm tàu, những oan hồn ấy vẫn còn vất vưỡng đâu đây. Do vậy năm 1991 khi khánh thành Chùa Viên Giác, chúng tôi có làm một Lễ Vớt Vong nơi biển Hamburg và đem những vong linh ấy về siêu độ chẩn tế cho họ. Cầu nguyện cho những người thân cũng như không thân thuộc khi ra đi tìm tự do chẳng may bị tử nạn.

Khi bức tường Đông Tây Bá Linh và Tây Đức còn hiện hữu mỗi năm cũng đã có biết bao nhiêu người từ Đông đã vượt sang Tây. Có người may mắn thì còn sống sót để đoàn tụ với tự do. Nếu ai đó chẳng may thì cũng là nạn nhân của lính biên phòng Đông Đức. Từ trước năm 1989 nếu ai đó có lần viếng thăm Berlin, nơi Tòa Nhà Quốc Hội bây giờ có chôn hoặc có những bia đá để tưởng niệm những người xấu số vượt biên qua Tây Bá Linh chỉ bằng con sông nhỏ; nhưng bị lính Đông Đức phát hiện và bắn chết. Họ bắn người đi tìm tự do cũng có nghĩa là họ đã phá hoại sự tự do rồi đó. Một điều đáng lưu tâm là từ bên Đông tìm sang bên Tây để tỵ nạn thì có rất nhiều người; mà từ bên Tây tìm qua bên Đông Đức để sống thuở ấy, hầu như không có ai. Cũng như thế đó ngày 20 tháng 7 năm 1954 Việt Nam bị chia đôi đất nước, phân nửa miền Bắc thuộc chế độ Cộng Sản và phân nửa miền Nam thuộc chế độ Quốc Gia. Đã có hơn 1 triệu người từ Bắc di cư vào Nam năm 1954 để tìm tự do và hầu như sau đó, không có người miền Nam Việt Nam nào tự nguyện ra miền Bắc để sinh sống cả. Điều đó chứng tỏ rằng những chủ nghĩa độc tài dầu cho Đông hay Tây cũng đều giống nhau; nhưng nơi thiên đường phát sinh ra chủ nghĩa ấy là Liên Xô qua 70 năm kinh qua với chủ nghĩa Cộng Sản họ cũng đã dẹp rồi. Ngày nay trên thế giới chỉ còn 4, 5 nước trong đó có Cộng Sản Việt Nam; nhưng Trung Quốc đã đổi màu thì Việt Nam cũng theo chủ trương ấy mà thay đổi để được tồn tại.

Miền Nam Việt Nam đã không giữ vững được thành trì của tự do, chỉ tồn tại gần 21 năm (1954-1975), trong khi đó Đại Hàn đang giữ vững (1950 đến nay) hơn 50 năm, và nước Đức đã tiên phong dùng tự do để phủ kín những dị biệt của Đông Tây sau hơn 40 năm người Đức sống trong xã hội độc tài, Đảng trị ấy. Honecker là một người có uy quyền tuyệt đối; nhưng sau khi nước Đức thống nhất rồi cũng phải lưu vong ra ngoại quốc và cuối đời cũng phải chết đơn côi tại ngoại quốc mà thôi. Danh lợi, địa vị như thế mà cuối cùng chỉ 3 tấc đất là cùng. Xác cũng không được chôn trên quê hương của mình. Do vậy ai ai rồi cũng phải hiểu sự vô thường là thế. Vì là nhân duyên hòa hợp thì tồn tại; nhân duyên không còn hội ngộ nữa thì chia ly, phân tán v.v... Chắc có lẽ ông Honecker cũng không nghĩ rằng mình phải lưu vong và phải chết như thế. Không biết trong tâm tư ông có một ngôi nhà thờ, một vị Linh mục nào để ông nghĩ đến không? Nếu chẳng có gì cả hóa ra tạo hóa và cái chủ nghĩa kia vô tình bạc bẽo quá.

Trong khi đó tại Tây Đức nầy đã thành lập một chính quyền Liên Bang dân chủ và từ năm 1949 đến nay đã trải qua các đời Tổng Thống như sau:

- Ông Theodor Heuss (FDP) 1949-1959

- Ông Heinrich Lübke (CDU) 1959-1969

- Ông Gustav Heinemann (SPD) 1969-1974

- Ông Walter Scheel (FDP) 1974-1979

- Ông Carl Carstens (CDU) 1979-1984

- Ông Richard v. Weizsảcker (CDU) 1984-1994

- Ông Roman Herzog (CDU) 1994-1998

- Ông Johannes Rau (SPD) (1998 - ).

Tuy tại nước Đức, Tổng Thống không có quyền như ở Pháp và tại Việt Nam thuở trước. Nhưng Tổng Thống là đại biểu tinh thần của quốc gia nên cũng rất quan trọng. Trong 8 vị Tổng Thống nầy chỉ có ông Dr. Richard v. Weizsảcker là người gần gũi với Phật Giáo nhất. Vì mỗi lần Đức Đạt Lai Lạt Ma sang thăm Đức là ông tiếp kiến rất trọng thể. Dĩ nhiên đây là phép ngoại giao của quốc gia; nhưng phải thấy rằng không có cảm tình với triết học và Phật Giáo thì đã không có những buổi tiếp kiến như thế.

Từ năm 1949 đến nay nước Đức đã trải qua 7 đời Thủ Tướng. Như vậy trong hơn 50 năm ấy chia đều cho 7, thì mỗi vị làm Thủ Tướng độ 2 nhiệm kỳ; nghĩa là 8 năm; nhưng có vị làm rất ít như ông Ludwig Erhard (1963-1966) hoặc ông Kurt Georg Kiesinger (1966-1969); nhưng cũng có vị làm 15 năm như ông Willy Brandt (1969-1974) hoặc ông Helmut Kohl là Thủ Tướng từ năm 1982 đến 1998, như vậy tổng cộng là 16 năm của 4 lần bầu cử. Sau đây là nhiệm kỳ của những vị Thủ Tướng tiền nhiệm:

- Ông Konrad Adenauer (CDU) 1949-1963)

- Ông Ludwig Erhard (CDU) 1963-1966

- Ông Kurt Georg Kiesinger (CDU) 1966-1969

- Ông Willy Brandt (SPD) 1969-1974

- Ông Helmut Schmidt (SPD) 1974-1982

- Ông Helmut Kohl (CDU) 1982-1998

- Ông Gerhard Schröder (SPD) (1998 - ).

Trong đời ông Schmidt làm Thủ Tướng ông cũng đã cứu vớt cả gần 60.000 người tỵ nạn Việt Nam đến Tây Đức để sinh sống. Trong đó có ông Dr. Neudeckt đã dùng chiếc tàu Cap Anamur để đi vớt người trên biển Đông và mang về Tây Đức. Có thể rằng thế hệ thứ 2 và thứ 3 của người Việt Nam sinh ra tại nước Đức nầy chúng sẽ quên đi những thảm trạng vượt biển đi tìm tự do của cha mẹ chúng hay của chính bản thân chúng. Do vậy mà những người đi trước cần phải viết lại những trang sử bi đát, đau thương của dân tộc Việt Nam do Cộng Sản trị vì nên mới ra nông nỗi ấy. Cũng như người Đức thỉnh thoảng vẫn chiếu trên truyền hình cảnh những trại tập trung trong thời Hitler độc ác, man rợ như thế nào, để lớp trẻ sinh sau đẻ muộn tại ngay chính quê hương nầy, lấy đó làm một bài học nhân bản cho cuộc đời và cái giá để phải đối diện với người Do Thái do ông cha ta gây ra và để lại.

Đường đường là một vị Thủ Tướng của nước Đức, là người cha của tự do, đã có công thống nhất nước Đức như Thủ Tướng Kohl; nhưng một cái hư danh, một sự mờ tối nào đó đã làm cho ông mất hết chân đứng cũng như biểu tượng của nước Đức nầy. Quả thật cuộc đời nầy rất khó nói và khó xác định. Vì cái đúng của ngày hôm qua có thể là cái sai của ngày mai và cái sai của ngày hôm qua là cái đúng của ngày hôm nay. Ví dụ trường hợp giữa Mỹ, Nga, Trung Cộng thì rõ. Cách đây 30 năm không ai có thể nghĩ rằng ngày nay những cường quốc ấy có thể bắt tay với nhau. Vì vậy cho nên Đức Phật nói rằng: Tất cả các pháp đều chỉ có tính cách giả định. Không nên tin hoàn toàn vào đó, mà phải thể nghiệm qua bản thân của mình mới có thể chấp nhận. Đức Phật là một nhà dân chủ, là một người sống trên nhân cách của một con người; nên trên 2500 năm vẫn còn là tấm gương đạo đức sáng giá cho nhân loại và tín đồ noi chung.

Thông thường trong cuộc sống chúng ta thường hay ỷ lại vào thời gian, nghĩ rằng mình còn trẻ chưa già, lo gì học hỏi hoặc làm việc. Nghĩ như thế là sai. Vì thời gian và thủy triều không đợi chờ ai cả. Nó vô tình lắm; khi thời gian đến, nó sẽ đi, nó sẽ mang theo biết bao nhiêu sự tiếc nuối ngậm ngùi của những công việc dở dang chưa làm xong, mà phải đi vào trong lòng đất lạnh. Thủy triều mỗi ngày lên xuống 2 lần và đâu có lần nào giống lần nào đâu. Đã như vậy mà thủy triều của ngày hôm qua không phải là thủy triều của ngày mai hoặc của ngày hôm nay. Do vậy phải tận dụng hết khả năng của mình đang có để mà tu, mà học, mà hành.

Chúng ta cũng hay bị hoàn cảnh chung quanh chuyển đổi mình; chứ ít khi mình chuyển đổi được hoàn cảnh. Ví dụ như World Cup năm 2002 về đá banh tại Đại Hàn và Nhật Bản trong tháng 6 năm 2002 là một điển hình. Từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, Úc hay nhẫn đến Châu Phi đi nữa, bất luận là giờ nào, ai cũng muốn xem trực tiếp những trận đá như thế. Tại Âu Châu giờ đá banh tại Đại Hàn hoặc Nhật Bản bắt đầu từ 1 giờ 30 trưa; không biết tại Úc Châu là mấy giờ. Có lẽ là nửa đêm. Ở đây chắc cũng có lắm người phải thức thật khuya để xem cho hết trận đá; ngày mai vào sở làm mắt nhắm mắt mở và các bạn đồng nghiệp cũng chỉ xoay quanh câu chuyện bóng đá mà thôi. Ở Á Châu thì cách chỉ mấy tiếng đồng hồ; nên không phải thức khuya. Tuy nhiên tại Việt Nam giờ ấy là giờ đi Tịnh Độ của các chùa và mùa nầy là mùa an cư kiết hạ nữa, cũng không thể thiếu những vị Trưởng Lão, những Thượng Tọa bỏ giờ giảng dạy để xem đá banh. Chánh điện sẽ trống vắng. Vì nhiều Thầy trẻ, nhiều Cô trẻ cũng ham môn thể thao nầy lắm. Còn Phi Châu hoặc Mỹ Châu chắc chắn cũng phải xem trong những giờ ngủ hoặc giờ làm việc, để rồi công chuyện bê trễ và cả thế giới nầy mấy tỷ người cũng chỉ hướng về có một trái banh thôi. Đành rằng thể thao là tinh thần cao độ trong nhiều cách đấu tranh khác nhau của thế giới ngày nay; nhưng không vì thế mà bê trễ mọi chuyện. Ngày xưa thế giới cạnh tranh với nhau về súng đạn, tàu chiến, xe tăng v.v... rồi sau đó là kinh tế. Bây giờ là bóng bàn, quần vợt, đá bóng v.v... Dĩ nhiên là còn nhiều màn hấp dẫn khác nữa sẽ được diễn ra trong thế kỷ nầy hoặc thế kỷ tới, chứ những cuộc chơi như thế không dừng lại đây.

Tôi không chống lại việc ấy; nhưng có điều phải thành thật nói rằng nó ít thích hợp với mình. Chỉ đơn giản có thế thôi và nhiều khi nếu tôi quan tâm, tôi chỉ cần biết kết quả là đủ rồi, không có thì giờ đâu cả một tháng để theo dõi tất cả các trận đá, mà nếu tôi để thời giờ đó để làm việc như viết sách, dịch kinh thì đã được mấy trăm trang rồi. Đó là ý kiến bảo thủ của mình, sẽ có nhiều người cười, bảo rằng: Thầy xưa quá, ngày nay đàn bà, con gái còn đá banh, còn Thầy thì vẫn chưa ra khỏi cái thành kiến về trái banh đó! Trách như vậy tôi cũng đành chịu thôi. Có nhiều người không thích nên cũng có nhiều lý do để biện hộ lại quan điểm của họ. Có người bảo rằng: mấy chục người mà chỉ giành nhau có một trái banh, tại sao không mua mỗi người mỗi trái đá cho nó khỏe? Họ nói tiếp: Thế giới mấy tỷ người cũng bị lặn hụp vào trong trận tranh tài ấy, há không uổng phí thì giờ sao? Đó là lập luận của người không thích. Còn người thích đá banh thì có muôn ngàn cách để biện hộ. Ví dụ như cá độ với nhau đội nào thua, đội nào thắng rồi sát phạt nhau bằng tiền bạc, đãi nhau thù tạc v.v...

Ngay tại chùa Viên Giác nầy nhiều khi cũng phải hỏi cho rõ giờ tranh tài của các đội đá bóng để sắp giờ học, giờ tụng kinh đừng trùng vào. Đôi khi phải học hoặc tụng kinh trễ 15 phút để cho một số quý Thầy, quý Chú thích xem đá banh thì hãy xem cho trọn hiệp. Thế là tùy thuận rồi còn gì nữa. Tuy tôi không ham mê đá banh; nhưng tôi đã giúp người thích môn thể thao nầy được như ý. Chỉ đơn thuần thôi. Cách đây 1.500 năm về trước có câu chuyện giữa Ngài Lục Tổ Huệ Năng và Ngài Pháp Đạt cũng hay hay. Xin chép ra đây để làm quà cho quý vị nhân mùa đá bóng nầy.

"Ngài Pháp Đạt đến đảnh lễ Ngài Huệ Năng; nhưng khi lễ, đầu không sát đất. Lúc ấy Ngài Huệ Năng mới hỏi Pháp Đạt rằng:

- Cớ sao lễ mà đầu không sát đất; nếu vậy đừng lễ vẫn hơn. Hay là trong tâm ông đang có vật gì, mà ông đang chứa chấp đấy?

Pháp Đạt thưa rằng:

- Con tụng kinh Pháp Hoa đến ba ngàn bộ.

Ý nói rằng ba ngàn bộ kinh ấy rất quan trọng hơn cái lễ kia và tỏ ý không tôn trọng Lục Tổ, vì công đức tụng kinh của Ngài Pháp Đạt nhiều hơn.

Đoạn Ngài Huệ Năng mới nói rằng:

- Ông đã tụng Pháp Hoa 3.000 bộ; nhưng từ xưa đến nay chưa từng chuyển Pháp Hoa mà để cho Pháp Hoa chuyển cho nên mới ra nông nỗi ấy.

Pháp Đạt quỳ xuống đảnh lễ sát đất Ngài Huệ Năng và lãnh hội tâm thiền ấy".

Chỉ một câu nói liễu đạo thôi, đã làm rung chuyển cả một bầu trời tâm thức của Pháp Đạt khi trì tụng 3.000 bộ Pháp Hoa kia. Ở đây cũng thế xem bóng đá làm sao chuyển được việc đá bóng kia mới quý, chứ để bóng đá chuyển mình thì quả là điều còn đối đãi trong vòng tương đối của thế gian vậy.

Ngày hôm qua đây (25.6.2002) nhằm ngày Rằm tháng Năm năm Nhâm Ngọ, đội tuyển Đại Hàn (nước chủ nhà) đấu với đội tuyển nước Đức để vào vòng chung kết vào chủ nhật (30.6.2002) tới đây. Kết quả là Đại Hàn thua Đức 0-1. Người Đức thì hể hả tại vận động trường và ngay tại quê hương nầy. Nào pháo bông, rượu champagne mở nút, tiếng hò hét, tiếng còi hụ xe hơi ngoài đường làm rung chuyển cả màn đêm. Trong khi đó người Đại Hàn thì tiu nghĩu. Vì nghĩ rằng mình có thể thắng Đức để đi vào vòng chung kết. Mà nghĩ cũng lạ, từ xưa đến nay chưa có một nước Á Châu nào được vào vòng tứ kết; nay thì đã có Đại Hàn. Do vậy mà nhiều người Á Châu ủng hộ Đại Hàn lắm. Họ lý luận rằng: Đại Hàn đứng hàng thứ 40 mà nay đã qua mặt thế giới như thế là giỏi quá, nếu kỳ nầy mà vào chung kết nữa thì thôi khỏi nói!

Mong đợi là một chuyện, mà nhân duyên, may rủi là một chuyện khác. Đến khi hết giờ các anh em công quả tiu nghĩu bảo rằng: Đại Hàn thua rồi thật uổng! Tôi hỏi tại sao mình đang ở Đức mà không hỗ trợ Đức lại đi hỗ trợ Đại Hàn? Có người bảo: Đức chỉ gặp hên thôi, chứ đá không đẹp như Đại Hàn - là những người trẻ, đá rất hăng!

Tôi bảo: Đó là thể diện quốc gia của người Đức mà, chắc chắn là họ không chịu khuất phục đâu. Nghĩ lại cho cùng: Đại Hàn cũng bị chia đôi đất nước như Việt Nam; nhưng Nam Hàn trong hiện tại không cần ai hỗ trợ, họ vẫn có thể tự lực tự cường vực nền kinh tế đứng dậy, ngang hàng với nhiều nước tại Á Châu. Có khi nay mai họ còn qua mặt Nhật Bản nữa. Vì họ tự ái dân tộc. Đọc lịch sử ta thấy lúc đệ nhị thế chiến (1939-1945) khi người Nhật đánh chiếm và cai trị Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Việt Nam v.v... người Nhật rất tàn ác, cứ 3 nhà người Đại Hàn mới được dùng chung một con dao và còn nhiều thủ đoạn khác nữa. Vì vậy họ sợ người Đại Hàn chống lại quân đội Nhật. Do vậy mà người Đại Hàn ngày nay rất ghét Nhật; ít có thiện cảm với người Nhật và ngay cả người Đài Loan, Trung Quốc cũng vậy. Thế hệ sinh trước năm 1930, 1940 đều biết nói tiếng Nhật rất rành nhưng họ không nói. Nếu có dịp bị nói thì họ mới nói mà thôi. Vì lúc ấy người Nhật cai trị những dân tộc nầy và bắt buộc các dân tộc bị trị phải học ngôn ngữ của họ.

Người Việt Nam cũng thế, khi người Pháp đô hộ từ giữa thế kỷ thứ 19 đến giữa thế kỷ thứ 20, gần 100 năm như thế; nhưng sau khi Việt Nam thắng Pháp, thì không khí giao hảo bình thường, không thù hằn sâu như người Đại Hàn đối với Nhật và ngay cả việc Nhật Bản đã làm cho Việt Nam chết gần 2 triệu người vào những năm 45-54; nhưng sự thù oán ngày xưa hầu như bây giờ không còn nữa, mà trong hiện tại Việt Nam cũng như Nhật Bản có sự giao hảo rất tốt. Cái tinh thần hòa bình nầy rất quan trọng. Vì Đức Phật cũng đã dạy rằng: Chỉ có lòng từ bi mới dập tắt được hận thù; còn hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù cả. Nếu kỳ nầy mà Đại Hàn thắng Đức để vào trận chung kết thì Đại Hàn sẽ hỷ hả để đá tại sân của Nhật Bản cho biết tay; nhưng việc ấy đã không xảy ra. Nếu Đức thua Đại Hàn, chắc rằng họ sẽ khó chịu với những người Á Châu lắm.

Khi tôi viết xong quyển sách nầy thì mới có chung kết ai nhất, ai nhì. Có thể là Đức mà cũng có thể là Brasil hoặc Thổ Nhĩ Kỳ; nhưng ở đời thắng thua là chuyện bình thường. Ví dụ như trường hợp của Pháp thì rõ. Đội tuyển của Pháp đương kim vô địch Âu Châu và Thế Giới; thế nhưng mới vào trận đụng độ đầu đã thua, bị ra khỏi vòng loại. Như thế ai bảo rằng dở, ai bảo rằng hay. Cái may, cái rủi, cái hên, cái xuôi nó luôn luôn đi kèm với nhau. Brasil hay Đức thắng đi nữa thì cũng vậy thôi, để có ngày cũng phải thua. Vậy thắng thua là chuyện bình thường của cuộc đời, của lẽ sống; không có gì để bi quan và cũng chẳng có gì để lạc quan cả. Đó là câu chuyện đá bóng, tôi không chuyên môn mà còn có khả năng bình luận như thế. Còn những người chuyên môn thì khỏi phải nói, họ có thể thảo luận hằng giờ, viết hằng quyển sách cũng chưa hết.

Bây giờ bước sang một lãnh vực khác của cuộc đời đối với 3 trường hợp điển hình bên dưới của người Việt Nam sinh sống tại Đức trên dưới 30 năm và chính nơi quê hương nầy đã tạo cho họ trở thành triệu phú và kết quả như thế nào thì quý vị sẽ xem nơi phần kết luận.

Chuyện thứ nhất là có một cặp vợ chồng Việt Nam là những sinh viên đi du học từ miền Nam Việt Nam, đến Đức từ năm 1969. Họ kết hôn và sinh một cháu bé từ năm 1975, nay thì cháu đã xong Đại Học. Sau khi hai vợ chồng tốt nghiệp Đại Học bàn tính với nhau nên mở tiệm để làm ăn. Họ làm ăn phát đạt và phát triển rất nhanh. Chỉ trong vòng 20 năm ở khắp nước Đức nầy tại thành phố nào họ cũng có những cửa hàng rất lớn. Kẻ ra người vào, kẻ buôn người bán rất tấp nập. Nhưng mới đây thì hai vợ chồng đã ly dị; khi người chồng ra đi chỉ có một chiếc xe đạp mà thôi. Còn tài sản của cải không mang theo được một đồng nào. Đó là nhìn từ bên ngoài; còn nội vụ bên trong thì chưa rõ hết; nhưng tôi đã nói cho Tăng chúng chùa Viên Giác biết rằng: Quý vị thấy chưa - tiền bạc của cải, vợ con, danh vọng, tất cả những thứ đó cặp vợ chồng nầy đã chẳng thiếu thứ gì; nhưng họ phải ly dị. Vậy thử tìm nguyên nhân tại sao vậy?

Câu chuyện thứ 2 cũng là một câu chuyện có thật. Có 2 vợ chồng người Việt Nam đến tỵ nạn tại Đức vào khoảng năm 1978. Chồng và vợ cố gắng đi học, họ đã xong Đại Học và sau đó kết hôn với nhau, hiện tại có một cô con gái độ 10 tuổi, rất thông minh. Gia đình một thời đã có rất nhiều hạnh phúc. Sau đó họ ra mở nhà hàng trở nên giàu có phát đạt. Người chồng muốn tiến thân nhiều hơn nên đã dành tiền làm được để mua cổ phiếu. Đã có lúc người chồng làm chủ trong Konto mình chừng 3 triệu Đức Mã. Vợ chồng nầy cũng hiểu đạo; nên lúc có được tiền họ cũng làm phước cúng chùa và làm những công việc từ thiện khác tại Việt Nam nữa. Kế tiếp họ mua một cái nhà, mua một cái nhà hàng để làm ăn buôn bán và xây thêm một cái nhà để ở nữa, còn nhà cũ kia thì cho mướn.

Đột nhiên sau vụ 11 tháng 9 năm 2001 vừa qua đã xảy ra tại Mỹ, khiến cho cổ phần phiếu sụt giảm một cách thê thảm. Từ việc thực có 3 triệu Đức Mã trong tay và hiện nay (2002) bị mắc nợ ngân hàng là 1 triệu Đức Mã. Một hôm cả 2 vợ chồng gặp tôi và nói rằng: Chắc là tụi con bán cả 2 ngôi nhà và nhà hàng kia trả nợ ngân hàng. Sau đó còn dư bao nhiêu thì lo cho con gái ăn học thành tài. Số còn lại mang vào chùa và cả chồng lẫn vợ đều muốn sống cuộc đời tỉnh thức của một người tu. Tôi bảo rằng: Nếu cả hai đều đồng thuận thì việc ấy đâu có khó. Chỉ ngại rằng lâu nay quen làm ăn buôn bán, sợ không ở yên được trong chùa mà thôi. Nhưng cả hai vợ và chồng đều vui vẻ quyết định như vậy.

Tôi đã đem câu chuyện ấy để nói cho Đại chúng chùa Viên Giác biết rằng: Họ vẫn có hạnh phúc đấy chứ. Vì gia đình họ không có vấn đề; nhưng tiền bạc, của cải, địa vị, giỏi dang như thế liệu có qua được những trở lực, cám dỗ của cuộc đời chăng? hay rồi đâu đó cũng chẳng bằng sự thanh tịnh của tâm hồn và sống tự tại nơi thiền môn yên tĩnh?

Câu chuyện thứ 3 cũng là một câu chuyện có thật. Chuyện xảy ra cách đây chừng 5 tháng. Một hôm tôi đang giảng pháp tại một địa phương ở miền Trung nước Đức, sau đấy có một người tới mách với tôi rằng: Cô ta có người chị em bạn dì mới trúng số 15 triệu Đức Mã ở vùng Stuttgart. Người trúng số có ý cho chùa mượn cũng như cúng dường tổng cộng độ 5 triệu Đức Mã. Đã hẹn ngày giờ gặp gỡ; nhưng suốt 1 tuần, 2 tuần, rồi 3 tuần cũng chẳng thấy tới. Sau đó vài tháng tôi gặp lại người kia và hỏi rằng sao lâu quá không thấy tới? thì được trả lời rằng: người trúng số kia không còn có ý định cho chùa mượn nữa mà họ đã đầu tư sang Mỹ hết rồi. Tôi cười và nói rằng: Vậy sao?

Quý vị thấy đó 15 triệu Đức Mã đâu phải là số tiền nhỏ? Đó là cả một đại gia tài. Nếu biết đầu tư, số tiền ấy có thể sinh ra nhiều hơn nữa. Nếu không biết, nhiều khi còn thâm vào vốn nữa là khác. Báo chí xưa nay đã đề cập đến rất nhiều trường hợp như thế. Có không biết bao nhiêu người triệu phú bằng lối đánh Lotto; nhưng cuối cùng lại họ vẫn nghèo; nếu họ không biết làm phước, bố thí, giúp đỡ những gì thuộc về từ thiện, công ích xã hội. Kết cuộc rồi tay trắng vẫn hoàn trắng tay mà thôi. Vì vậy cho nên tục ngữ Việt Nam có nói rằng:

"Chẳng có ai giàu ba họ

Mà cũng chẳng có ai khó ba đời"

là vậy. Điều nầy quá khứ đã chứng minh, hiện tại cũng đang có và tương lai cũng sẽ có những trường hợp tái diễn như vậy nữa. Từ đó mình phải rút ra một bài học là ở trên đời nầy khi biết đủ thì nó đủ, chứ đợi chờ cho đủ thì không bao giờ nó đủ cả. Vì trên nguyên tắc lòng tham của con người nó không có đáy và không có cái giới hạn cuối cùng của nó. Ngày xưa Việt Nam cũng thường hay nói: khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống thôi! Vậy biết cái gì đây? phải biết đủ và phải dùng lòng từ để quan sát những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của mình.

Đó là 3 câu chuyện tiêu biểu và 3 bài học rất sáng giá cho cuộc đời và tất cả đều xảy ra tại nước Đức nầy. Tất cả đều hợp pháp, tất cả đều đứng đắn; chứ không phải những chuyện bị tình nghi như bán thuốc lá lậu, hay trộm cướp giết người, sống với xã hội đen của một số người Việt Nam đã xảy ra tại Đông Đức trong thời gian qua. Không phải tất cả mọi người Việt Nam đều xấu như vậy, mà cũng không phải mọi người Việt Nam đều không có khả năng. Ví dụ 3 trường hợp bên trên đều đáp ứng đầy đủ về khả năng, học lực, tài cán, tiền bạc, ngôn ngữ v.v... nhưng họ vẫn thất bại như thường. Vậy nguyên nhân chính tại đâu? Và làm sao chúng ta có thể thoát ra ngoài sự thất bại thường tình ấy? Ngoài đời sống vật chất, làm việc ra chúng ta phải cần đến đời sống tâm linh nữa không? và Tôn Giáo nào có thể giúp mình giải quyết những khúc mắc ấy? tự mình đi đến với Tôn Giáo hay Tôn Giáo sẽ tìm đến mình?

Đó là những câu hỏi và câu trả lời dĩ nhiên là mỗi người hãy tự chọn lựa lấy. Chứ ở đây không có một mẫu số chung để làm khuôn mẫu. Tôi đã đem 3 câu chuyện nầy để nói cho Đại chúng chùa Viên Giác nghe. Vì đây là những bài học luân lý sống động trong cuộc đời mà mỗi người đều phải tự mình soi sáng cho lối đi của mình để phải tự trả lời những câu hỏi mà mình hay gặp phải. Ví dụ như hạnh phúc là gì? khổ đau là gì? thất bại là gì? Thế nào là thành công? thế nào là một tôn giáo? thế nào là bộ mặt thực của tình yêu? v.v...

Dưới đây là một câu chuyện cũng có thật và chuyện xảy ra tại Việt Nam chứ không phải tại xứ Đức nầy. Theo tôi nghĩ đây cũng là một bài học luân lý, đạo đức, nhân cách của con người, mà ai trong chúng ta cũng có thể rút tỉa kinh nghiệm để làm hành trang đi vào cuộc sống tạm bợ nầy.

Nguyên hồi tôi còn ở Việt Nam, khi ở Hội An (1964) tôi có mấy người bạn tu cùng lứa; nhưng sau 1975 thì kẻ đi đây, người đi đó, lưu lạc khắp bốn phương trời. Trong thời gian ấy tôi ở ngoại quốc có nghe tin là anh A ra đời, chị B kết hôn, anh C đi dạy học v.v... Bẵng đi một thời gian hơn 20 năm như thế tôi không có liên lạc. Sau nầy tôi được biết chính xác là chú A đã ra đời, lập gia đình được mấy con và chú B đã có gia đình rồi, hiện con cái đã lớn và bây giờ vào chùa xuất gia trở lại. Thỉnh thoảng tôi vẫn có giúp đỡ cho một số trường hợp ngặt nghèo như con cái đi học ở Đại Học thiếu tiền đóng tiền trường hoặc một vài công việc từ thiện khác.

Rồi một hôm tôi nhận được một lá thư dày cộm, độ 8 trang giấy viết tay, gởi đi từ Sài Gòn, chữ viết rất đẹp và đúng là bạn cùng tu với tôi gần 40 năm về trước. Anh ta tâm sự:

"Thưa Thầy: Bây giờ mọi việc đã rõ ràng, con mong Thầy cho con tái sinh vào một cuộc sống khác, mà cuộc sống đó không còn hệ lụy với gia đình, với sự ràng buộc với vợ con, thê nhi tử trước. Con muốn thoát ly ra khỏi địa ngục của cái gia đình nầy, ý con đã quyết. Mong Thầy cho con tái sinh! Nhưng nếu con không viết rõ nguyên nhân thì Thầy của con sẽ không hiểu tại sao như vậy. Và đây là vở kịch của cuộc đời:

Sau khi con ra đời (1975) con đã lấy vợ và vợ con cũng là một Phật Tử nhưng không thuần thành lắm. Cô ta ít đi chùa, do vậy mà giáo lý cũng không thâm hiểu nhiều. Ở đây thỉnh thoảng con cũng có hướng dẫn cho vợ con; nhưng kết quả không như ý. Ngày lại tháng qua tụi con chung lòng chung sức gầy dựng được một mái ấm gia đình và sinh được 2 cậu con trai. Đồng thời ăn nên làm ra. Vì con là nhà thầu may mặc, nhà tạo mẫu; nên gặp thời, tiền vô như nước. Con đã mua được 2 căn nhà, một để ở, một cho thuê, đồng thời sang lại một tiệm may mặc thời trang rất đắt giá. Trong khi đó mọi sự giao dịch bên ngoài, con để vợ con lo liệu, vì để vợ con tin tưởng; nên ngay cả tiền bạc con cũng chẳng quan tâm, mà con chỉ cố gắng gầy dựng nên sự nghiệp và dạy dỗ con cái mà thôi. Đồng thời bây giờ cũng cảm thấy đầy đủ nên bỏ thì giờ để nghiên cứu lại sách vở, kinh kệ mà ngày xưa đã quên lãng hết rồi; hoặc chỗ nào chưa đọc tới thì nghiên tầm thêm.

Vợ con lấy cớ đi giao dịch chỗ nầy chỗ kia, đi sớm về muộn và đồng thời ăn mặc hở hang, trau giồi sắc diện. Con đã cảnh cáo nhiều lần và vợ con đã chẳng nghe. Con cứ làm việc của con, để cho vợ con được toại ý. Xem như cả 2 người đều đồng sàng nhưng dị mộng. Ngày tháng càng cách biệt dần và sự nội kết giữa 2 người lại dâng cao. Đồng thời vợ con cũng đã chơi hụi; nên lấy cớ là thua lỗ và phải bán bớt một cái nhà. Sau đó thì máy giặt, tủ, giường lần lượt đội nón ra đi. Chẳng mấy chốc cái tiệm may mặc cũng phải bán và con cam tâm đi làm thợ giặt cho hãng may mặc khác cho qua ngày cũng như bù đắp lại những thua lỗ đó; nhưng tình cảm càng ngày càng sứt mẻ nhiều hơn và vợ con ngang nhiên thách thức cũng như liên hệ với bạn trai công khai hơn. Từ đó vợ chồng con đâm đơn ly dị và cái nhà ở cuối cùng cũng không thuộc về con. Bây giờ con là một gã cùng tử, đã ra ở riêng và cũng không có đủ số tiền để gởi thư cho Thầy kỳ nầy. Kính mong Thầy cứu độ con và cho con tái sinh ở một nơi khác, con xin xuất gia và bái Thầy làm Sư phụ.

Dĩ nhiên đây không phải là sự chạy trốn bổn phận hay trách nhiệm, vì 2 đứa con của con đã trưởng thành rồi. Bây giờ con chỉ muốn dành thì giờ còn lại trong cuộc đời của mình để quay về bờ giác. Thời gian đã gặm nhấm cuộc đời con. Nay tuổi đã ngoài 50 rồi, không còn thời gian để chờ đợi nữa. Kinh mong Thầy hoan hỷ giúp đỡ con...".

Bức thư nội dung viết về một câu chuyện như thế. Đọc xong thư nước mắt tôi đầm đìa chảy. Tôi nghĩ đây cũng là bài học cho đệ tử của mình. Khi còn sống trong chùa thì hướng ngoại, nghĩ rằng chắc ngoài nhân gian có gì vui lắm. Đôi khi có những vị chân trong chân ngoài và cũng có nhiều người ở ngoài đời đang trên thực tế chán ngán những nỗi bất công nên tìm đến của chùa để được xuất gia tu niệm nhằm thanh thản cho tâm hồn.

Một người bạn tôi đã gọi tôi là vị Thầy, một người bạn trinh nguyên. Hơn 50 tuổi là hơn 50 mùa xuân thanh khiết, thánh thiện, không nhuốm chút bụi trần. Còn bạn tôi đã bị giày vò nơi tâm thức, nơi hố thẳm của tử sinh, nơi ngả ba đường của sự sanh tử. Tôi có gọi điện thoại về thăm và đã tìm cách giúp đỡ và người bạn ấy đang thể hiện lời hứa đó, đang tìm về bến giác ở một nơi chốn gần đây. Nay mai quý vị sẽ có cơ hội gặp gỡ.

Mới nghe qua chắc quý vị nghĩ là một câu chuyện tiểu thuyết như mấy cuốn sách tôi đã viết trong thời gian trước; nhưng ở đây, với câu chuyện nầy là thực 100% đó. Tôi đem câu chuyện ấy hướng dẫn cho chúng Tăng tại chùa Viên Giác đang tu học. Nếu xét về danh thì chú nầy trước năm 1975 đã đậu Tú Tài 2 ban C, văn chương hay đáo để; nếu xét về sắc thì cũng không đẹp trai lắm mà cũng chẳng xấu trai. Nếu xét về tài sản của cải thì cũng chẳng kém ai, nhất là trong xã hội Cộng Sản mà có được những của cải như thế là nhiều. Xét về đường tình duyên, con cái thì cũng không phải là người chồng đáng trách; nhưng ở đây lỗi tại ai?

Đó là câu hỏi mà mọi người nên tự trả lời. Có thể người ta sẽ bảo: người chồng hững hờ với vợ trong việc chăn gối; nên mới sinh ra những sự cố như thế! nhưng đồng thời cũng có kẻ bảo: người vợ đã phản bội chữ tín của chồng mình, đan tâm đi theo người đàn ông khác, mặc dầu chồng mình vẫn còn đó v.v... Thôi thì có muôn ngàn cách trả lời khác nhau, mà câu trả lời tốt nhất theo tôi nghĩ vẫn là sự quyết định của người chồng hay người vợ khi muốn đoạn tuyệt với dĩ vãng của mình để đi tìm một sinh lộ mới. Nếu không, con người sẽ bí lối. Ở những nước văn minh ngày nay có nhiều cơ quan cố vấn về tình yêu, gỡ rối tơ lòng, tâm lý trị liệu v.v... nhưng theo tôi nghĩ nhân vật chính vẫn là người chồng và người vợ, còn người thứ ba ở ngoài câu chuyện thì cũng chỉ có thể góp ý thôi, chứ không thể quyết định vấn đề được.

Tất cả những câu chuyện của tôi đã kể ở trên đều là những câu chyện thật và dưới cái nhìn của một nhà tu, tôi có một cách giải quyết khác. Còn quý vị dĩ nhiên kinh nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm về tình yêu nhiều hơn tôi; nên có lẽ giải quyết sự việc một cách đơn giản hơn chăng? Nhưng dầu cách nào đi nữa thì cuộc đời nầy sao mà nó tục lụy quá, phũ phàng quá phải không? đâu là hạnh phúc chân thật? đâu là tình yêu cao thượng? Theo tôi nghĩ người Đức cũng vậy thôi, vì người Đức cũng là con người. Người Đức còn có nhiều vấn đề khúc mắc hơn là người Việt Nam nữa. Nhiều câu chuyện thương tâm có đăng nơi báo chí, sách vở mà hằng ngày chúng ta đọc được. Thiết nghĩ cũng không nên biên chép vào đây thêm tốn giấy mực. Điều chúng ta cần quan tâm và hiểu biết là mình muốn gì và mình có tự biết mình là ai không? Điều ấy mới quan trọng.

Một hôm trong giờ học Đại Trí Độ Luận của Tăng chúng chùa Viên Giác, tôi có đặt ra câu hỏi cho mọi người rằng: Ở trên đời nầy cái gì là khó nhất? Có người trả lời thế nầy, có người trả lời thế kia. Dĩ nhiên là không hoàn toàn sai, mà chẳng hoàn toàn đúng. Thật ra lâu nay chúng ta cứ nhìn ra ngoài để so sánh sự việc, giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu v.v... nhưng đâu có ai tự thấy mình đâu, cho nên mới xảy ra nhiều câu chuyện trên trời dưới đất như thế. Thật ra câu trả lời đúng nghĩa nhất là: Tự hiểu được mình là khó nhất. Điều ấy tôi mong đợi, nhưng đã không có người trả lời đúng.

Bởi vậy trong cuộc sống nầy chúng ta hơn và thua nhau không phải vì bằng cấp, địa vị, sang hèn, đẹp xấu v.v... mà chúng ta hơn hoặc thua nhau chỉ là vấn đề ý chí mà thôi. Kẻ nào kiên trì nghị lực, có ý chí bền vững qua suốt thời gian và không gian thì kẻ ấy sẽ thành công. Cái ý chí ấy giúp ta làm Phật, làm Tổ, làm chư Thiên, làm người. Đồng thời cũng cái ý chí đó nó làm cho chúng ta tự xuống địa ngục; nếu chúng ta không tự kiểm soát được tự thân của mình. Ý chí nó quyết định quan trọng như thế. Xin đừng xem thường.

Ngoài ra chúng ta cũng phải học hỏi trau giồi kiến thức nữa. Học thì phải có bằng cấp, đi dạy học, đi làm giám đốc khi ra lệnh cho nhân viên mới nghe lời. Nếu ta không có kiến thức, kẻ thuộc hạ sẽ khinh thường. Kiến thức cũng do từ sự học mà ra; nhưng kiến thức không nhất thiết có từ bằng cấp. Kiến thức ấy có được là do sự tự tìm tòi nơi sách vở, kinh điển. Bởi vậy ở trong đời nầy người ta thường chọn 2 loại người tiêu biểu để dạy ở Đại Học hay làm Giám Đốc một công xưởng; hoặc ngay cả làm Dân Biểu Quốc Hội, Thủ Tướng, Tổng Thống một nước v.v... Đó là những người có năng lực và những người thành công qua bằng cấp. Ngày xưa các xã hội Á Châu còn vua chúa cũng tạo nên những kỳ thi để chọn ra những quan văn tài giỏi và tạo ra những kỳ thử trí dùng mưu để đất nước có được những quan võ tài ba. Văn và Võ là hai bộ phận quan trọng của một quốc gia thuở bấy giờ. Còn bây giờ có nhiều bộ phận như khoa học, kỹ thuật, môi sinh v.v... còn đa diện hơn; nhưng dưới mắt tôi, dầu ở trong hoàn cảnh nào thì 2 điều kiện ắt có và đủ để được thành công là 2 điều kiện đã được nêu lên bên trên.

Ngoài ra còn một điều kiện thứ 3 nữa cũng không kém phần quan trọng nữa đó là "hằng". Hằng ở đây có nghĩa là "hay", "thường", "luôn luôn". Vậy chúng ta hằng cái gì? Nếu chúng ta đã tạo ra một công việc, chúng ta biết mục đích ấy rất rõ ràng, phải luôn theo dõi mục đích ấy để đi đến thành công. Không ai làm cho mình thành công cả, mà chính ở mình. Cũng chẳng có ai làm cho mình thất bại cả; cũng chính chỉ là mình. Vậy sự cố gắng, lòng nhiệt thành, sự nhẫn nại là những yếu tố quan trọng để quyết định mỗi con người; nhưng khi danh vọng có rồi con người dễ tự cao ngã mạng. Khi địa vị có rồi thì dễ tham lam, hối lộ, quyền thế. Khi tình yêu đã đến cao điểm rồi thì người ta dễ sinh ra vụng trộm khó coi. Đến lúc ấy chồng đổ thừa vợ, vợ đổ lỗi cho chồng; chẳng ai nhường nhịn nhau. Cứ như thế mà ra tòa ly dị. Nếu mọi người ai cũng biết rằng đó là lỗi của mình thì hy vọng cuộc đời nầy đẹp đẽ là dường bao! Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó nhân loại sẽ lấy nguyên lý nầy làm chính để mà sống, mà tu thân thì gia đình mới vui vẻ, hòa hợp, xã hội mới ít lầm than hơn và chính phủ không phải tạo ra nhiều đạo luật để cai trị dân nữa.

Tôi viết quyển sách thứ 34 nầy với nhan đề là "Cảm Tạ Nước Đức" và chắc cũng có nhiều người Đức sẽ tìm tòi để xem thử tôi cảm ơn họ những gì? Có lẽ có người đã thất vọng, vì đã không nêu đích danh họ về những sự trợ giúp vật chất như cái ghế, cái bàn, cái tủ v.v... mà ở đây tôi chỉ giúp cho con người, giúp cho đời có một cách sống, một cái nhìn lạc quan, tự chủ cho người Việt mà theo tôi nghĩ người Đức cũng cần đến. Đó là sự đóng góp của tôi cũng như của người Việt Nam cho xứ sở nầy.

Còn những sự đóng góp giúp đỡ người Việt Nam chúng tôi của Bộ Nội Vụ Liên Bang đặc trách về vấn đề văn hóa và truyền thông thì tôi đã cảm ơn tỉ mỉ ở bên trên rồi. Nếu quý vị nào muốn biết thêm chi tiết thì xin đọc thêm luận án tốt nghiệp Cao Học và Tiến Sĩ của đệ tử tôi là Thầy Thích Hạnh Giới đã viết về "Phật Giáo Việt Nam tại Đức" cũng như "Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ" thì rõ hơn. Vì những sách ấy có dẫn chứng kỹ càng hơn. Ngoài ra quý vị cũng có thể xem thêm ở những sách của ông Dr. Martin Baumann là Giáo sư Tôn Giáo học tại Đại Học Hannover và ngay cả sách của bà Dr. Rumpt cũng đã có đề cập đến. Họ là những học giả chuyên ngành nên cách viết, cách trích dịch rõ ràng hơn cách viết và cách lập luận của tôi nhiều hơn.

Mai đây chắc chắn rồi tôi cũng phải chết và quý vị cũng không thể sống hơn 100 năm nữa để nhìn được cuộc thế đổi thay. Tuy nhiên những gì đã xảy ra trong quá khứ là thành quả trong hiện tại và những gì trong hiện tại chúng ta đang tạo tác, sẽ là kết quả của tương lai. Do vậy lịch sử vẫn còn đó, lịch sử phải trôi qua và chắc chắn rằng lịch sử không ngồi yên, không dừng lại một chỗ. Những điều tôi viết hôm nay để tạ ơn nước Đức sẽ còn lại ngàn năm sau trong thư viện, trong lòng người chuyển tiếp của tử sinh. Vì nơi nầy đã nuôi tự do cho chúng tôi sống, cho hơn 100.000 người Việt nơi đây. Ơn cứu tử ấy chúng tôi không thể quên chính phủ và nhân dân Đức được.

Ngoài ra ông Dr. Ernst Albrecht, ông Dr. Neudeckt, ông Dr. Geißler, ông Dr. Helmut Schmidt v.v... là những ân nhân của chúng tôi mà chắc chắn rằng không có một người Việt Nam nào đang sống trên quê hương nước Đức nầy mà quên đi được những ơn cứu tử nầy cả. Người ta bảo: Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhơn, nhơn trả oán; nhưng trong trường hợp nầy nó không đúng với người Việt Nam chúng tôi trong hiện tại, lại càng không đúng với những người Phật Tử Việt Nam hiện sinh sống nơi đây. Vì kẻ làm ơn bao giờ cũng hay quên và người mang ơn bao giờ cũng nên nhớ.

Đặc biệt ở đây tôi cũng xin cảm ơn ông Dr. Meihorst. Ông ta là người đỡ đầu của ngôi chùa Viên Giác nầy từ khi xây dựng đến nay. Quả thật là một người Đức tốt bụng có một không hai tại xứ Đức nầy. Năm 1989 khi khởi công xây cất chùa Viên Giác mới nầy thì chẳng may gặp một chuyện khó khăn là ở dưới lòng đất bị đóng bê-tông lâu đời, phải trục lên mới làm từng hầm được. Tôi có nhờ ông Steinmann, người chủ nhà cho thuê hãng để làm chùa ở đường Eichelkamp, đã giới thiệu cho tôi hãng đấu thầu xây dựng và khoan nền đất thử nghiệm trước khi xây. Tuy hãng của ông Mehmel trúng thầu, ông Dr. Meihorst không trúng; nhưng ông đã giúp cho chúng tôi từ khâu nhờ Luật sư biện hộ để đòi bồi thường thiệt hại và thương lượng với hãng thầu Mehmel để chúng tôi trả góp trong việc xây dựng v.v... Thế là ông đã trở thành cố vấn cho chùa chúng tôi cũng như cho Giáo Hội tại đây.

Trước khi ông giúp chúng tôi, chúng tôi cũng không biết ông là ai; nhưng sau đó qua tìm hiểu thì được biết rằng ông là Chủ Tịch của Hội Bundesingenieurkammer (Kỹ sư Liên Bang) gồm 800.000 trí thức, có địa vị trong xã hội Đức. Đồng thời ông cũng là Chủ Tịch của Niederesachsische Ingenieurkammer (Hội Kỹ Sư của Tiểu Bang). Đúng là một người có chức quyền, giàu có, địa vị; nhưng lúc nào cũng khiêm nhường. Nhiều khi chúng tôi thiếu hụt tài chánh, chúng tôi nhờ ông giúp đỡ; ông cũng đã vui lòng cho mượn không lấy tiền lời. Ông và anh Kiến trúc sư Trần Phong Lưu rất đắc ý với nhau trong việc xây cất ngôi chùa Viên Giác nầy. Phải nói rằng ông và anh Lưu là hai nhân vật chính trong khi xây dựng chùa Viên Giác từ năm 1989-1991, rồi từ 1991-1993 thì nhiệm vụ tinh thần ấy mới thư thả một chút.

Thỉnh thoảng tôi có mời ông tới chùa thăm viếng, ăn cơm và đàm đạo Phật Pháp. Tuy ông không phải là Phật Tử; nhưng ông hay ngồi Thiền và có chân trong "hội nhịn đói". Mỗi lần nhịn đói như thế cả 1 tuần lễ hay vài chục ngày để gạn lọc thân tâm. Một hôm tôi nhờ ông đào cho một cái giếng để tưới cây trong vườn chùa; ông sẵn sàng kêu thợ tới và sau khi đào xong thì ông không đòi trả tiền và xem như việc ấy dùng để cúng chùa, chứ không có điều kiện gì cả và hầu như tất cả những gì ông làm, đều không lấy một đồng tiền nào. Vì ông biết chùa chúng tôi là một hội từ thiện, vô vụ lợi. Ông cũng đã cúng cho chùa Viên Giác một bàn thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng đang ngự trị giữa chánh điện chùa Viên Giác và mỗi năm có lễ Phật Đản hay Vu Lan chúng tôi tôi vẫn hay mời ông đến phát biểu ý kiến, đã làm cho người Việt Nam tham dự lễ rất cảm động.

Trong xã hội dĩ nhiên có nhiều loại người. Người tốt như ông Dr. Meihorst thì ở đâu cũng có, nhất là ở xứ Đức nầy; nhưng đồng thời cũng là người Đức, nhưng cũng có những người không đủ tư cách như trộm cắp, rượu chè, tìm cách lạm dụng của công v.v... Ở xã hội nào thì cũng chẳng thiếu những loại người như vậy, nhất là ở những xã hội kém văn minh như một số nước Á Châu, Phi Châu, Trung Đông v.v... thì người lãnh đạo có quyền tóm thâu quyền lực, của cải về cho mình. Tuy dân chúng có biết đó; nhưng chả dám làm gì. Vì có luật pháp đứng sau lưng để bảo vệ họ. Vả lại ở những xã hội như thế các cơ quan ngôn luận, truyền thông vẫn là của chính quyền, chỉ loan tin có một chiều thì những sự lem nhem, mờ ám đó khó mà phơi bày ra sự thật. Còn các xã hội Âu Mỹ ngày nay trình độ dân trí cao. Cơ quan truyền thông, báo chí v.v... đa phần là độc lập với các cơ quan công quyền cũng như luật pháp; nên họ đã nêu lên những trường hợp thối nát, bất công trong xã hội để chính quyền lưu tâm và người dân lại hưởng được quyền an sinh xã hội. Xã hội dân chủ nó khác với chế độ độc tài là vậy.

Mới đây một cuộc nghiên cứu cho thấy rằng nước Trung Hoa cũng sản xuất phần mềm của Computer trong năm 2001; nhưng chỉ thu vào được mấy trăm triệu đô-la; trong khi đó nước Ấn Độ đã thâu vào được 8 tỷ đô-la. Sau khi nghiên cứu kỹ càng thì mới biết rằng: Sở dĩ Ấn Độ có phần thâu vào cao như thế. Vì lẽ ở Ấn Độ khi sản xuất có tự do cạnh tranh, tự do mậu dịch. Còn tại Trung Hoa chỉ sản xuất có một chiều và làm việc với tinh thần bao cấp của xã hội chủ nghĩa; cho nên con người ít mong gì hơn là bảo vệ chỗ làm của mình; có chân trong hợp tác xã là quý rồi. Việc lỗ lã đã có nhà nước lo. Tại sao phải nhọc công tốn sức cạnh tranh làm gì. Đó là thành quả của tự do và độc tài; dân chủ và phi dân chủ là vậy.

Ngày hôm nay thì thế giới đã toàn cầu hóa. Con người trở nên nhỏ bé nhưng linh hoạt vô cùng. Vì chỉ trong một giây lát, chuyện gì xảy ra trên thế giới người ta cũng đều có thể hiểu ra nhanh chóng qua điện thoại, điện thư, Internet v.v... Thế nhưng có một điều tìm cách để hiểu chính mình hay những thành viên trong gia đình mình thì hầu như lơ là vắng bóng. Đây là thảm trạng của nhân loại trong tương lai. Thất nghiệp, ly dị, tự tử, tâm thần v.v... sẽ còn nhiều hơn nữa. Vì lẽ con người chỉ tự làm thỏa mãn cái gì cho chính mình về phương diện vật chất như phải làm sao cho có cái nhà rộng, chiếc xe riêng, cái phòng riêng, cái gì cũng riêng hết là hạnh phúc. Trong khi đó cái chung thì chẳng có một cái gì. Vì vậy cho nên Tôn Giáo đóng góp một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày về cả 2 lãnh vực vật chất cũng như tinh thần.

Con người sống mà không có phần tâm linh hướng thượng thì đâu có khác gì cây cỏ, gỗ, đá. Do vậy một cuộc sống đầy đủ là một cuộc sống phải được cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Chứ không thể chỉ sống cho quyền lợi cá nhân của mình mà quên đi quyền lợi của kẻ khác.

Ngày hôm nay tại Âu Châu nầy, nhất là người Đức, hay tin vào Fengshui. Nghĩa đen có ý là gió và nước. Gió và nước là hai vật có thể làm thay đổi cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình. Nghĩa bóng có nghĩa là: phương hướng, địa lý, đất đai, nhà ở. Tại Á Châu người Trung Hoa phát minh ra vấn đề nầy trước. Ngay cả việc chọn ngày giờ tốt xấu để làm cưới hỏi, ma chay, xây nhà, xây chùa, xây cung điện, xây đền, xây miếu, xây mộ, dựng bia v.v... tất cả đều phải xem ngày tháng tốt xấu để hợp với gia chủ, mới mong làm ăn phát đạt, ít bệnh hoạn và phát triển nhanh chóng. Do vậy mà nhiều người tin vào thuật Phong Thủy nầy. Dĩ nhiên là cũng có cái đúng và có cái sai, chứ không phải hoàn toàn đúng hết và hoàn toàn sai hết.

Ví dụ có một gia đình xây một ngôi nhà rất đẹp; nhưng sau khi dọn về ở đó một hai năm lại không thích hợp, con cái đau ốm, địa vị mất dần trong xã hội v.v... Gia đình ấy bán nhà đi ở chỗ khác. Lại có người đến mua để ở. Gia đình đến sau tự nhiên phát đạt, thịnh vượng. Vậy việc nầy do đâu mà có? Nếu đứng về phương diện địa lý, các Thầy Fengshui sẽ nói rằng: Nhờ gia chủ mới nầy biết sửa cái cửa xây về hướng khác thích hợp hơn, nhờ đổi vị trí giường nằm của vợ chồng và con cái, nên mới được vậy. Có thể người ta tin điều đó; nhưng có một điều không kém phần quan trọng mà người ta không thấy để tin là dưới nền nhà đó có một ngôi mộ cổ, hay một dòng nước chảy ngang qua đó. Nếu gia chủ dời phòng ngủ đi nơi khác, không nằm trên chỗ có ngôi mộ cổ hoặc nơi dòng nước chảy ngang qua thì con cái sẽ hết bệnh và vợ chồng sẽ vui vẻ. Nhờ vậy mà nhà cửa lại phát đạt. Còn một điều khác nữa mà người có tôn giáo phải tin đó là cái đức của gia đình đến sau. Nhờ có đạo đức hay làm phước, bố thí, cúng dường, cứu đời, cứu người; nên mọi chuyện tai ương đều qua hết. Bởi vậy tôi thường hay nói: Thân ta tuy có đó, nhưng sẽ trở thành không. Vì khi đất, nước, gió, lửa trong thân thể không còn hòa hợp nữa thì thân cát bụi nầy sẽ trả về cho cát bụi. Còn tâm ta tuy là không; nhưng nó có. Chính nó đã tạo nên Thiên đường, Địa ngục, Cực lạc, chư Thiên chứ không ai khác. Do vậy mà cái đức ấy là do tâm sanh và đây là hành động cũng như kết quả tuy là vô hình, nhưng trên thực tế là có.

Ngôi chùa Viên Giác từ khi tạo lập cho đến nay cứ phát triển không ngừng. Có người nói rằng tôi có phước nên mới được vậy. Hoặc giả nhờ Kiến Trúc Sư đo cửa ra vào nào cũng đúng với kích thước của thước Lỗ Bang nên chùa mới thịnh như vậy. Có thể cũng không sai mà cũng không đúng. Vì lẽ cái chùa, cái nhà, tượng Phật v.v... chỉ là vật vô tri. Mình di động hay để yên chúng đều bị lệ thuộc vào mình cả. Do vậy mà cái ý hướng cho vấn đề đó mới là quan trọng, chứ cái vật bị đặt để không hoàn toàn quan trọng.

Từ khi xây dựng ngôi chùa Viên Giác nầy và kể cả trước đó hằng 10 năm, chính tôi và Tăng chúng cũng như Phật Tử mỗi ngày đều tụng kinh bái sám, trì chú, tham thiền, làm phước, bố thí, cúng dường v.v... chính nhờ đó mà ngôi chùa được phát triển và tồn tại cho đến ngày nay và một mai đây ngôi chùa nầy sẽ suy vi, nếu những người kế tiếp không tạo ra những giọt mật đạo đức để cho ong bướm có thể gần gũi thì số người đến chùa càng ngày càng ít đi và sự hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần sẽ không còn nhiều như xưa nữa. Hoặc cũng có thể phát triển nhiều hơn xưa; nếu vị Trụ Trì và Đại chúng biết tu học hành trì không cho tạp niệm xen vào thì chẳng mấy chốc ngôi chùa nầy sẽ phát đạt hơn xưa.

Nói cho cùng thì đất đai cũng rất quan trọng. Nó nuôi sống ta trong từng hơi thở và bảo bọc ta trong từng giờ, từng phút, từng li. Do vậy mà phải trân quý mặt đất. Từ mặt đất có thể cho ta lương thực như hoa, quả, rau, đậu, lúa, mè, khoai, bắp v.v... và con người cũng sống nhờ vào đất; nhưng đôi khi con người cũng vô tình làm cho đất mẹ bị giày vò, đổ lên mặt đất ấy không biết bao nhiêu là chất độc thừa thãi, để rồi chính những chất độc nầy sẽ chảy ra biển làm cho biển bị vẩn đục. Cá ăn, cá sống trong lòng sông, lòng biển ấy sẽ bị nhiểm độc. Con người ăn lại cá, sẽ bị bệnh triền miên. Hoặc giả cây cối bị nhiễm độc, chúng ta ăn vào cơ thể cũng sẽ bệnh hoạn lây. Vậy chính mình đã hại mình, chứ có ai đã hại mình đâu. Khi khổ đau khó nhọc đến thì mình đổ thừa cho cái nầy cái nọ; nhưng khi hạnh phúc đến thì chả ai trân quý chút nào.

Có lần tôi đọc một câu chuyện của một nữ văn sĩ Việt Nam viết về sự hiện hữu của một ngôi chùa tại miền Trung đất Việt. Câu chuyện được kể rằng: Có một ngôi chùa đó được xây lên hoàn thành; nhưng trong 3 năm liền đã phải thay đổi 7 đời trụ trì. Lý do giải thích bằng nhiều cách khác nhau; nhưng ở đây phải biết rằng đã có 4 người chết sau khi đến nhậm chức và 3 vị kia phải dời chỗ ở. Đây là sự thật. Có người bảo dưới nền chùa là một nghĩa địa, các vong hồn chết chưa có siêu. Có thể nơi đó ma quỷ nhiều lắm, mạnh hơn cả phép Phật cho nên phải bị chúng hành hung. Hoặc giả đức hạnh của những vị Sư nầy còn kém, nên mới có hiện tượng ấy v.v...

Tôi được ở yên đây trong 12 năm qua tại ngôi chùa mới nầy là do chư Phật, chư Long Thần Hộ Pháp chở che gia hộ và do sự hành trì miên mật thần chú Thủ Lăng Nghiêm của chính mình và Đại chúng nên chánh điện chùa Viên Giác có một năng lượng rất nhiệm mầu. Ngoài ra chùa Viên Giác còn thờ Xá Lợi Phật cũng như thờ các thứ đất thiêng nơi Đức Phật sinh ra, nơi thành đạo, nơi thuyết pháp lần đầu tiên và nơi nhập Đại Bát Niết Bàn. Do vậy mà vị trí của ngôi chùa vẫn còn đứng vững với thời gian. Có thể 100 năm, 200 năm, 500 năm hay 1000 năm sau những pho tượng, những mô hình của ngôi chùa thì vẫn còn đó; nhưng tôi và quý vị thì đã vào lòng đất lạnh tự thuở nào; vẫn còn đó sừng sững một bóng hình mà dầu cho năm tháng có trôi qua, lòng người có thay đổi, vị trí của nơi ấy không thay đổi. Đó là ngôi chùa Viên Giác trong tâm khảm của mọi người Việt cũng như Đức. Do vậy cảm tạ nước Đức đã dành cho người Phật Tử có một nơi chốn như thế để đi về, để lễ bái và nguyện cầu.

Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi (28.6.2002) đánh dấu một chặng đường 53 năm hiện hữu trên cõi thế nầy. Sinh nhật lần thứ 54 nầy nói theo người Việt Nam thì có gì đặc biệt?

Thứ nhất là tôi đã hoàn thành tác phẩm thứ 34 nầy trong 25 ngày, vừa đọc tài liệu tiếng Đức, vừa biên soạn thành sách với hơn 300 trang giấy viết tay. Nếu đánh máy sẽ còn độ 200 trang và sau đó Hạnh Giới sẽ dịch ra tiếng Đức độ 200 trang nữa. Tổng cộng chừng 400 trang. Đây có thể gọi là một đại tác phẩm được chăng? Theo tôi, đây là tác phẩm tôi ưng ý nhất từ trước đến nay. Không biết quý vị đọc sẽ nghĩ như thế nào? Riêng phần tôi thì đã nói cạn, nói hết cả tấm lòng cho quý vị, người Việt cũng như người Đức nghe rồi đó. Tôi đã chẳng giấu giếm một điều gì cả. Tất cả những gì tôi viết bên trên đều là sự thật.

Tôi bắt đầu viết vào ngày 4 tháng 6 năm 2002, nghĩa là sau gần 10 ngày an cư kiết giới và từ ngày 4 tháng 6 đến nay (28.6.2002) tôi đã miệt mài mỗi ngày viết như thế vào buổi sáng 2 lần từ 7 giờ 30 đến 8 giờ. Sau đó viết từ 9 giờ đến 10 giờ rưỡi và buổi chiều viết từ 2 giờ rưỡi đến 4 giờ. Nếu ngày đó tôi không có giờ học tiếng Phổ Thông hoặc dạy Chúng, hay giảng dạy giáo lý cho Phật Tử. Có khi từ 5 giờ đến 6 giờ 30 chiều tôi cũng có viết tiếp, nếu ý tưởng trong đầu còn diễn tiến.

Sau 8 chương của quyển sách tôi viết, tôi đã chẳng đọc lại một lần nào. Vì ý tưởng cứ liên tục như thế mà chảy xuôi, mà nhảy múa trong đầu minh, yên lặng thúc đẩy tôi phải làm cho xong cái tổ ấy, như một loài ong hay loài chim đã vì sự sống còn mà xây dựng nơi trú ngụ vậy. Văn tôi không là văn chương bác học, mà chỉ là loại văn bình dân. Mong rằng người đọc sẽ lãnh hội được phần nào khi đọc đến sách của tôi.

Ngày hôm nay có một số thiệp chúc mừng gởi đến, trong đó có thiệp của ông Dr. Meihorst người luôn luôn giúp đỡ chùa và nhiều quà kỷ niệm khác nữa. Đồng thời quý Thầy đệ tử đi làm Phật sự tại Đan Mạch, Nürnberg cũng đã về. Một số bà con Phật Tử Việt cũng như Đức đã tề tựu nơi hội trường để chờ tôi đến.

Từ Việt Nam xa xôi, anh Bảo Tâm, bào huynh của Hạnh Bảo, cũng đã gởi tặng tôi một bài thơ đồng thời có thơ chúc mừng sinh nhật cũng như phần mở đầu của một cuốn sách mà anh dự định viết về tuổi thơ của tôi. Xin đa tạ tấm lòng của người Phật Tử ở phương xa, đồng thời tôi xin chép bài thơ ấy vào đây để làm kỷ niệm.

Về thăm quê Thầy

Người đi kết chuỗi bồ đề

Từ làng Xuyên Mỹ lần về Hội An

Trải qua ba, bốn giới đàn

Vĩnh Gia, Quảng Đức, đạo tràng Hưng Long

Đạo vàng xen phủ ánh hồng

Hà Linh, Viên Giác, Phước Lâm, Phổ Đà

Dấu xưa tích cũ giang hà

Ba mươi năm chẳn, xót xa chưa về

Mây trời xứ Quảng ủ ê

Cố tri, đồng đạo, tình quê vẫn nồng

Người đi ba chục năm ròng

Đạo vàng tỏa ngát ánh hồng Viễn Tây.

Mỗi năm có một ngày sinh như thế để nhớ về sự sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, phải quý trọng ơn đức nầy. Nếu không có cha mẹ thì ta chẳng có vóc hình. Nếu không có Thầy Tổ, chẳng ai có thể nuôi dạy ta thành người. Nếu không có hạt cơm của đàn na tín thí làm sao nuôi ta lớn và nếu không có quốc gia nầy chở che, làm sao ta hít thở được không khí tự do. Chỉ ngần ấy thứ thôi, đủ thấy ta nhỏ bé, ta chẳng xứng đáng gì với những ơn đức cao cả như bên trên vừa kể. Tuy nhiên những người thân, tử đệ tạo cho mình có một niềm vui, như thế cũng quý rồi. Chứ chờ lúc chết dầu có cúng tế bao nhiêu thứ trái cây, trổi bao nhiêu bài nhạc buồn thì mình có thể ngồi dậy được đâu để mà thưởng thức.

Năm nay cũng là năm thứ 31 tôi đã ở ngoại quốc. Hơn ba mươi năm ấy đem tất cả tinh thần và sức lực trong thời thanh niên và trung niên để góp mặt với đời và trong hơn 30 năm ấy biết bao nhiêu là chuyện phải nói, phải làm. Những gì đáng nói tôi đã nói; nhưng gì đáng viết tôi đã viết. Tôi giống như con tằm chỉ có bổn phận phải nhả tơ để dệt nên những gấm hoa cho người đời thưởng ngoạn. Tuy là dâu, nhưng nếu không có tằm thì dâu kia sẽ không thành vải. Tuy là tằm nhưng nếu chỉ biết ăn dâu mà không tiêu thụ thành sản phẩm thì đâu có được những sợi tơ óng ả cho cuộc đời.

Tôi sống trong cuộc đời nầy chịu ơn nhiều người, nhiều việc. Do vậy mà phải biết cảm ơn ngay từ bây giờ. Nếu không thì không có cơ hội đâu mà giải bày. Thứ nhất là cảm ơn xứ Đức nầy, như những gì tôi đã bộc lộ bên trên, trong đó có cả sự cảm ơn Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức giúp cả giấy mực để in ấn tác phẩm nầy hình thành mà góp mặt với đời. Thiết tưởng ở ngoại quốc nầy ít có chùa nào và người nào được vinh hạnh như thế.

Thứ đến là tử đệ, người đánh máy, người in, người đọc bài, người chữa lỗi chính tả, người sắp thành sách, người đóng gáy, người cắt xén, người dán tem bỏ vào bao thư, người gởi đi v.v... thôi thì không biết bao nhiêu là công đoạn. Những nghĩa cử ấy, những ơn đức ấy biết lấy gì mà đền đáp cho vừa. Hai tiếng cảm ơn suông ư? như thế chưa đủ, phải thể hiện tấm lòng của mình cho mọi người rõ, phải phơi trải lòng mình để mọi người cùng tin tưởng mà góp việc chung, phải hiến dâng kế sách hoặc khả năng của mình để góp phần làm đẹp cho quê hương nầy cũng như Đạo Pháp. Đó là tất cả tấm chơn tình của tôi đối với Đời cũng như với Đạo. Còn khen chê, hơn thua, được mất hãy trả lại cho đời, xin để phía sau lưng và không cần mang theo hành trang đi vào cõi yên tĩnh của cuộc đời.

Tôi sống rất giản dị và lúc chết có thể cũng thế thôi. Chỉ mong sao tình thương trí tuệ luôn hiện hữu trên cuộc đời nầy để xoa dịu những khổ đau tục lụy, để đời còn có cơ hội vươn lên và còn có khả năng để tiếp tục cuộc hành trình muôn dặm ấy.

Tôi sẽ gác bút nơi đây để nhìn lại tự thân mình và kiểm điểm những gì đã làm được nhân lần sinh nhật thứ 54 nầy và để từ đó có một cái nhìn rạng rỡ hơn khi hướng đến những tháng năm còn lại của cuộc đời.

Xin cảm ơn đời, cảm ơn người, cảm ơn tất cả và trong đó không quên cảm ơn xứ Đức như tựa đề của quyển sách đã muốn trình bày và cầu nguyện mọi người, mọi loài có một cuộc sống tâm linh hướng thượng, nhằm sách tấn nội tâm mình càng ngày càng cao cả hơn.

Viết xong vào ngày 28 tháng 6 năm 2002

tại thư phòng chùa Viên Giác,

Kỷ niệm lần sinh nhật thứ 54 của tác giả 

Thích Như Điển


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/04/2017(Xem: 8329)
1) Xin ngài cho biết thuyết tái sanh trong Phật giáo làm việc như thế nào? Trà lời: Tất cả những kinh nghiệm về thân và tâm của chúng ta, trong đời nầy cũng như đời quá khứ và tương lai, đều do hành động (nghiệp) của thân khẩu ý trong quá khứ và hiện tại. Hành động lành đem đến kết quả mong muốn, sự tái sanh và đời sống tốt đẹp. Trong khi đó hành động xấu ác đem đến hậu quả bất thiện, sự tái sanh và đời sống không tốt đẹp. Chúng ta sẽ liên tục tái sanh theo nghiệp báo, trong vòng luân hồi, cho đến khi nào đạt được sự giác ngộ tối hậu.
01/04/2017(Xem: 13132)
Từ khi loài người có mặt trên thế gian này, sống giữa trời đất bao la với hiểu biết và việc làm còn giới hạn, nên thường lo lắng và sợ hãi bởi những suy nghĩ cạn hẹp. Họ tưởng tượng ra có một đấng tối cao toàn quyền ban phước, giáng hoạ; nhìn đồi núi chập chùng, cao vót, họ tưởng ra vị thần núi; nhìn biển rộng bao la, mênh mông, họ nghĩ có vị thần biển đang cai trị ở đó, và vô số vị thần có nhiệm vụ cai quản muôn loài vật ở thế gian này. Đó là niềm tin của con người ở thời kỳ sơ khai, tin vào thế giới thần linh một cách tuyệt đối và chấp nhận giao phó số phận của mình, uỷ thác cho thần linh sắp đặt, định đoạt. Về sau, loài người chúng ta thật diễm phúc khi có được nhân duyên tốt đẹp gặp được Tam bảo, tức ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng trên cõi đời này.
01/04/2017(Xem: 11855)
Đề tài oan gia đã được thuyết giảng nhiều lần từ năm 2010 đến 2013. Tập sách này đúc kết lại các buổi giảng trên. Cốt lõi oan gia chỉ có một, nhưng mỗi lần giảng thì tôi thêm vào nhiều câu chuyện rút tỉa từ kinh sách, báo chí, internet hoặc nghe kể lại. Sống ở đời, ai cũng đi tìm hạnh phúc, muốn có một gia đình vợ chồng yêu thương, chung thủy với nhau, muốn có con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, anh em hòa thuận. Sự mong ướcrất đơn giản như vậy nhưng nhiều người suốt đời tìm hoài không được. Ngược lại, nhiều khi những người thân thương mà ta trông chờ hạnh phúc lại là người làm khổ ta nhiều nhất. Ta muốn họ làm vừa ý ta thì họ lại luôn làm trái ý ta, chưa kể họ bắt ta phải theo ý họ, hoặc họ bỏ bê, hất hủi, mắng chửi, đánh đập ta. Tại sao cuộc đời lại trớ trêu như vậy? Tại sao những người "thân thương" không thương yêu ta đúng như nghĩa "thân thương" mà lại làm khổ ta? Mời bạn đọc tìm câu trả lời trong tập sách này.
31/03/2017(Xem: 9384)
Ngày giỗ Nhị Tổ Pháp Loa mồng 3 tháng 3 thầy trò chúng tôi quy tụ tại Pháp Loa Thiền Tự, huyện Sóc Sơn, Thủ đô Hà Nội để tưởng nhớ đến Ngài. Có mặt trong ngày đặc biệt nay có khoảng vài chục quý thầy, quý sư cô đang thực hành thiền cùng các thiền sinh cư sỹ. Buỗi lê thật đơn giản và sâu sắc, ngắn gọn và ý nghĩa.
31/03/2017(Xem: 6127)
Nữ sĩ Ninh Giang Thu Cúc "mối lái" cho chuyến xe giá rẽ, đi trong hai ngày - Sài Gòn-Di Linh, một tài xế trẻ, có tâm đạo, cũng là xe nhà, thân quen với gia đình nữ sĩ, vì thế, vừa "ngon - bổ và rẻ". Vấn đề là phải tìm đủ người cho xe bảy chỗ.
30/03/2017(Xem: 6063)
Trong bài “Sức Mạnh Của Tâm” kỳ trước có nói đến Tâm là chủ tể. Đích thực, con người trên đời này làm nên vô số việc tốt, xấu, học hành, nên danh, nên nghiệp, mưu sinh sống đời hạnh phúc, khổ đau, cho đến tu tập phật pháp được giác ngộ thành Phật, thành Thánh, Nhân bản, v.v…đều do tâm chỉ đạo (nhất thiết duy tâm tạo). Qua đây cho ta thấy rằng; tâm là con người thật của con người, (động vật có linh giác, giác hồn thật siêu việt hơn tất cả các loài hữu tình khác trên trái đất này). Phi tâm ra, bản thân con người, chỉ là một khối thịt bất động.
29/03/2017(Xem: 6904)
Phật giáo đã mọc rễ vững chắc ở Úc châu trong mấy thập niên vừa qua, nhờ vào di dân từ các xứ có văn hóa Phật giáo khác nhau và thế hệ thứ hai gồm những người di cư từ nhỏ và những người sanh ra tại đây. Cũng nhờ phần nào sự quan tâm của người Úc tới giáo pháp quí báu và nếp sống (cao đẹp) đã được chứng min
29/03/2017(Xem: 6534)
..."Hơn nữa, nghề nghiệp và công việc ở thế gian giống như cơn mộng, như ào ảnh, nhự bọt nổi, như tiếng vang - chỉ tồn tại trong phút chốc rồi trở về hư không. Những thứ nầy không có lợi chi cho người tu hành trên đường giải thoát. Dầu cho quí ngài có xây được chùa viện đồ sộ, trang nghiêm, có tạo được ảnh hưởng rộng lớn và địa vị cao tột, làm bạn với nhiều nhân vật sang trọng quyền quí - và với tâm tự mãn nghĩ rằng quí ngài đã thành công trên con đường tu hành, quí ngài không nhận ra mình đã vi
28/03/2017(Xem: 9641)
Gần đây có người hỏi tại sao tôi yêu thích Phật giáo. Sau đây là 7 lí do tại sao tôi yêu thích, hâm mộ, kính ngưỡng, học tập, thực hành và chia sẻ giáo pháp quí báu của đức Phật. Có vài câu trả lời ngắn nhưng ngọt ngào, những câu khác có nhiều chi tiết hơn. Dĩ nhiên tôi có thể đưa ra nhiều giải đáp và chi tiết khác, nhưng để dễ dàng cho bạn đọc, tôi chỉ đưa ra 7 giải đáp thôi.
27/03/2017(Xem: 6520)
Hôm nay là ngày 21/2/2017, tại Thiền đường Chùa Từ Ân, Phật Quang Sơn, Thành phố Cebu, Philippines. Phái đoàn Phật giáo Việt nam chúng tôi, lần đầu tiên đến đất nước này và đến Phật Quang Sơn tại Philippines. Nhân cơ hội gặp gỡ này, tôi xin cám ơn Phật giáo Phật Quang Sơn cũng như Ni Sư Hữu Lâm trú trì và các bạn trẻ ở đây.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]