Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VII. Pháp môn tu học, hành trì của Phật Giáo Việt Nam tại Đức như thế nào?

13/05/201314:05(Xem: 7993)
Chương VII. Pháp môn tu học, hành trì của Phật Giáo Việt Nam tại Đức như thế nào?

Cảm tạ xứ Đức

Thích Như Điển

Phật lịch 2546 - 2002

Trung tâm văn hóa xã hội Phật Giáo Việt Nam

---o0o---

Chương VII.

Pháp môn tu học, hành trì của Phật Giáo Việt Nam tại Đức như thế nào?

Ngày xưa khi Phật còn tại thế Ngài đã chỉ dạy cho mọi người xuất gia cũng như tại gia chỉ một con đường thôi. Đó là làm sao cho được giác ngộ giải thoát. Ngài là một vị giáo chủ ở cõi Ta Bà nầy, thế nhưng Ngài đã dùng không biết bao nhiêu là phương tiện để hóa độ quần sanh. Tuy nhiên Ngài cũng đã không độ hết cho mọi người được. Vì trong đó có nhiều người thiếu nhân duyên với Phật Pháp.

Ngài nói pháp từ cao sang thấp, rồi từ thấp sang trung bình. Sau đó tiến cao hơn vài trí tuệ bát nhã, tánh không và cuối cùng là siêu việt Tam Giới, chứng được Niết Bàn diệu tâm. Thuở ban đầu ấy giáo lý của Đức Phật như một dòng sông lớn, chuyên chở hết tất cả mọi tốt xấu của cuộc đời và suốt 25 thế kỷ qua, dòng sông ấy chảy sang các nước Đông Nam Á Châu, sang Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, Mông Cổ, Tây Tạng, Bhutan. Đến thế kỷ thứ 20, 21 dòng sông ấy lại chảy mãi đến những xứ xa xôi khác như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Phi chứ không còn ở yên nơi Châu Á nữa. Do vậy mà đã mọc thêm không biết bao nhiêu là dòng sông con. Có dòng sông con phát triển rất mạnh chia ra làm 10 nhánh như Phật Giáo của Trung Quốc thời Đường, hoặc Phật Giáo Nhật Bản hay ở Tây Tạng cũng thế. Ở Việt Nam không chia ra 10 Tông phái như thế nhưng sau nầy phái nào cũng muốn thủ chấp cho mình là đúng và tập họp một số tử đệ để tạo ra một môn phái riêng, nhằm xiển dương tâm niệm của người tạo ra chi nhánh đó; nhưng đồng thời cũng có những dòng sông nhỏ bị nghẽn lối, không tiếp xúc được lại với dòng sông mẹ; nên đã bơ vơ lạc lõng và chảy hiu quạnh, lạc loài ở một khung trời xa lạ khác.

Ngay cả từ thời Đức Phật đã có nhiều người tu nhưng chấp vào có, có người chấp không, có người chấp còn, có người chấp mất và chính trong thời Phật ấy sau 12 năm Tăng chúng thanh tịnh không có vấn đề tranh cãi nhau và đến khi Tăng đoàn quá đông thì sinh ra tạp lục. Ví dụ như thuở ấy, Phật có người đệ tử tên là Da Xá (Yasas). Vị nầy là con trai của vị trưởng giả ở thành Tỳ Xa Ly. Sau khi xuất gia còn quay về nhà ngủ với vợ cũ. Đức Phật rất chê trách, bèn đặt ra giới dâm. Đây là việc đầu tiên chế định ra giới trong Phật Pháp. Vị nầy trở thành một đối tượng bị chê bai trong Tăng chúng lúc bấy giờ. Rồi sau đó cũng trong thời Phật còn tại thế, có nhiều vị Tỳ Kheo muốn thay đổi cách ăn uống và cũng có nhóm muốn hành trì theo khuôn khổ giới luật như Phật đương thời.

Khi Phật thuyết giảng, Ngài đã tùy theo từng trình độ để thuyết pháp và sau nầy các vị Tổ Sư căn cứ theo đó mà chia ra Tiểu Thừa (Hinayana), Nguyên Thủy (Theravada), Đại Thừa (Mahayana) và trong mỗi Tông như vậy còn có nhiều phái khác nhau. Ví dụ như khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc thì chia ra đến 10 phái. Đó là:

1/ Luật Tông (Nam Sơn Tông)

2/ Câu Xá Tông (Hữu Tông)

3/ Thành Thực Tông

4/ Tam Luận Tông (Tính Không Tông)

5/ Thiên Thai Tông (Pháp Hoa Tông)

6/ Hiền Thủ Tông (Hoa Nghiêm Tông)

7/ Từ Ân Tông (Pháp Tướng Tông - Duy Thức Tông)

8/ Thiền Tông

9/ Mật Tông (Chân Ngôn Tông)

10/ Tịnh Độ Tông (Liên Tông)

Phật Giáo Nhật Bản cũng có 2 thuyết nói về 10 Tông nầy.

Thuyết thứ nhất cho rằng 10 Tông của Phật Giáo Nhật Bản là: Đại Thừa Luật Tông, Câu Xá Tông, Thành Thực Tông, Pháp Tướng Tông, Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Chân Ngôn Tông, Tiểu Thừa Luật Tông, Tịnh Độ Tông.

Thuyết thứ hai không nêu Đại Thừa Luật Tông vào trong Thập Tông, thay vào đó là Thiền Tông (1)

Trong 10 Tông ấy có 2 Tông là: Thành Thực Tông và Câu Xá Tông là những Tông thuộc Phật Giáo Tiểu Thừa; nên không thích hợp với Phật Giáo Nhật Bản và Trong Quốc nên không còn tồn tại nữa. Ngày nay ngay cả Trung Quốc và Nhật Bản thịnh hành nhất là Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Pháp Hoa Tông và Hoa Nghiêm Tông. Ngay cả Mật Tông cả 2 nước nầy cũng như Việt Nam không thịnh hành lắm. Chỉ có Tây Tạng là chuyên sâu vào việc hành trì của Mật Tông mà thôi.

Ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc Tông Tịnh Độ rất thịnh hành. Tông này tại Trung Quốc lấy Ngài Phổ Hiền Bồ Tát làm Sơ Tổ. Lấy việc niệm Phật cầu vãng sanh làm trọng tâm. Sau đó được truyền sang Nhật Bản và Việt Nam. Có 3 dịch giả dịch 3 bộ kinh quan trọng của Tịnh Độ Tông là:

1/ Ngài Khang Tăng Khải, thế kỷ thứ 2, là nhà sư Thiên Trúc đã dịch kinh Vô Lượng Thọ ra chữ Hán.

2/ Ngài Cưu Ma La Thập, vào cuối thế kỷ thứ 4, cũng người Thiên Trúc dịch kinh A Di Đà, và

3/ Ngài Cương Lương Da Xá, vào đầu thế kỷ thứ 5, cũng người Thiên Trúc dịch kinh Quán Vô Lượng Thọ, 3 quyển.

Đó là những kinh căn bản của Tịnh Độ Tông.

Ngài Tuệ Viễn người Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 7, đời nhà Tấn, chuyên tâm dẫn pháp về môn Tịnh Độ. Ngài trụ trì ở núi Lư Sơn, lập ra Liên Xã gồm 123 người cùng nguyện được vãng sanh sang cõi Cực Lạc. Các Ngài Đàm Louv đời Ngụy, Đạo Xước đời Đường cũng đều chuyên nhất tu theo pháp môn nầy. Lấy việc chuyên tu quán tưởng, trì danh Đức Phật A Di Đà làm chính. Tông nầy còn có tên là Liên Tông. Tông nầy rất thịnh hành tại Việt Nam và Nhật Bản (2),

Thượng Tọa Trí Siêu Lê Mạnh Thát mới đây khi viết quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 1, từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế thế kỷ thứ 6 cũng đã chứng minh rằng Tịnh Độ Tông đã có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ thứ 4 và thịnh hành ở núi Tiên Du, Bắc Việt. Như vậy qua lịch sử truyền thừa chúng ta thấy được rằng mỗi một nước, mỗi một Tông phái được tiếp nhận một cách khác nhau, tuy cùng phát sinh từ Đức Phật. Rồi Phật Giáo được truyền sang Âu Mỹ ngày nay còn khác xa Phật Giáo thời nguyên thủy nhiều hơn nữa. Điều đó phải chấp nhận thôi. Vì lẽ "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" là lẽ ấy. Phật Giáo phải khế hợp với nhân sinh và lòng người mà tồn tại, chứ Phật Giáo không thể sống ra ngoài văn hóa phong tục của xứ ấy được.

Thiền Tông cũng được truyền vào Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam rất sớm. Ví dụ Thiền Tông từ Ấn Độ do Ngài Bồ Đề Đạt Ma tổ thứ 28 của xứ nầy mang Thiền qua Trung Quốc vào đời Lương Vũ Đế niên hiệu Phổ Thông (520-527) và truyền tiếp cho đến 5 đời nữa như: Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn và Lục Tổ Huệ Năng. Kế tiếp việc truyền thừa vẫn còn tiếp tục cho đến thế kỷ thứ 20, 21.

Mặc dầu Phật Giáo từ Ấn Độ được truyền sang Trung Quốc trước đó hằng 500 năm; nhưng chưa phát triển mấy. Cho đến khi Thiền của Bồ Đề Đạt Ma truyền đến Trung Quốc, lúc bấy giờ Thiền phái nầy mới phát triển mạnh về sau nầy.

Sau đây là một phần sử liệu căn bản về sự truyền thừa của Thiền Tông Trung Quốc.

Thiền Tông (Lưu Phái). Còn gọi là Phật Tâm tông, Đạt Ma tông, Vô Môn tông. Chỉ một tông phái Đại Thừa lấy Ngài Đạt Ma làm Sơ Tổ, nghiên cứu bản nguyên của tâm tính, để mong "kiến tính thành Phật". Đó là một trong 13 tông của Trung Quốc, một trong 13 tông của Nhật Bản. Hệ thống chuyên chú tọa thiền từ cổ ở Trung Quốc là Thiền tông, bao gồm cả hai hệ Thiên Thai, Tam Luận, chứ không chỉ giới hạn ở Thiền tông. Từ Trung Đường trở đi, Đạt Ma tông hưng thịnh thì Thiền Tông là chỉ Đạt Ma tông. Về truyền thừa của tông này, Trung Quốc lấy câu chuyện của Đức Phật trong Hội Linh Sơn giơ bông hoa, và Ngài Ca Diếp mỉm cười làm nguồn gốc. Thuyết này tuy không có căn cứ lịch sử, nhưng thuyết "lấy tâm truyền tâm, truyền riêng ngoài giáo" từ sau Lục Tổ trở đi vẫn nhấn mạnh câu chuyện Ngài Ca Diếp được trao pháp truyền thừa này. Sau Ca Diếp đến các Ngài A-Nan, Thương-na-hòa-tu, Ưu-bà-cúc-đa, Đề-đa-ca, Di-già-ca, Bà-tu-mật, Phật-đà-nan-đề, Phú-na-dạ-ca, A-na-bồ-đề, Ca-tỳ-ma-la, Na-già-ư-lạt-thục-na, Ca-na-đế-bà, La-hầu-la-đa, Tăng-già-nan-đề, Già-da-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Xà-dạ-đa, Bà-tu-bàn-đậu, Ma-nô-la, Cưu-lặc-na, Sư Tử bồ-đề, Bà-xá-tư-đa, Bất-như-mật-đa, Bát-nhã-đa-la, đến Bồ-đề Đạt-ma gồm 28 vị, đó cũng là 28 vị Tổ của Thiền tông Ấn Độ. Bồ đề Đạt Ma và niên hiệu Phổ Thông (520-527) đời vua Lương Vũ Đế từ vùng Nam Thiên Trúc đến Kiến Nghiệp (Nam Kinh) truyền bá Tông này vào Trung Quốc. Đó là vị Sơ Tổ của Thiền tông Trung Hoa. Ngài Đạt Ma khi mới đến có yết kiến Lương Vũ Đế, nhưng không hợp. Sư bèn tới chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn quay mặt vào vách đá ngồi thiền 9 năm. Mọi người gọi Sư là Bích quán Bà La Môn. Ngài Thần Quang (Tuệ Khả) đứng ngoài trời tuyết tự chặt cánh tay, thành tâm cầu Phật Pháp, cuối cùng được Sư truyền tâm ấn cho, trở thành vị Tổ thứ 2 của Thiền tông Trung Quốc. Tuệ Khả truyền cho Tăng Xán, Tăng Xán truyền cho Đạo Tín. Tông này dần thịnh. Học trò Đạo Tín có hai người giỏi là Hoằng Nhẫn và Pháp Dung. Dưới Dung có Trí Nghiêm, Tuệ Phương, Pháp Trì... Vì hệ phái này trụ trì ở núi Ngưu Đầu Kim Lăng, nên gọi Ngưu Đầu thiền, lấy "Muốn đắc tâm tĩnh, Dụng công vô tâm" làm yếu chỉ. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trụ trì ở núi Hoàng Mai Kỳ Châu (Hồ Bắc), xiển dương áo chỉ của kinh Kim Cương; kinh Bát Nhã. Môn đệ có nhiều người tài giỏi, như Ngọc Tuyền Thần Tú, Đại Giám Tuệ Năng, Tung Sơn Tuệ An, Mông Sơn Đạo Minh, Tư Châu Trí Sằn v.v... Trong số môn đệ của Ngũ Tổ có ngài Thần Tú là vị thượng thủ số một, gọi là "Tú thượng tọa". Sau khi Ngũ Tổ thị tịch, Thần Tú lên phương Bắc truyền bá, gọi là "Bắc Tú", môn đệ giỏi xuất hiện nhiều, sư được tôn là vị Tổ của Thiền Tông Bắc phương. Bắc phương lấy Trường An, Lạc Dương làm trung tâm, pháp vận hưng thịnh chừng 100 năm, chủ trương tinh thần cần cù và thực tiễn tu hành thiền pháp. Dưới Thần Tú có Phổ Tịch ở Tung Sơn, Nghĩa Phúc ở Kinh Triệu... truyền được 4, 5 đời thì dứt. Ngoài ra, có ngài Tuệ An ở Tung Sơn lập ra "Lão An thiền", Trí Sằn ở Tư Châu lập ra "Nam Sằn thiền". Ngài Tuệ Năng ở Đại Giám nhân bài kệ mà được Ngũ Tổ truyền tâm ấn, y bát, trở thành vị Tổ thứ 6. Về sau sư lánh nạn rời về phương Nam, trụ trì ở Tào Khê Thiều Dương (Quảng Đông), chấn hưng Thiền phong, trở thành vị Tổ của Thiền tông Nam phương. Do thiền phong của hai tông Nam-Bắc khác nhau, nên có thuyết "Nam đốn Bắc tiệm". Đệ tử nối pháp của Tuệ Năng có hơn 40 người, trong đó có các ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng, Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Dương Tuệ Trung, Vĩnh Gia Huyền Giác, Hà Trạch Thần Hội là nổi tiếng nhất. Hà Trạch Thần Hội lập ra "Hà Trạch tông" cực lực đề xướng pháp môn Đốn Ngộ, lấy "Một niệm không khởi" là tọa, "Liễu kiến bản tính" là Thiền. Nam Nhạc Hoài Nhượng theo Lục Tổ được truyền tâm ấn, trụ trì ở chùa Bát Nhã, giáo hóa trong 30 năm, đệ tử nối pháp có 9 người, mà ngài Mã Tổ Đạo Nhất là Thủ tọa. Mã Tổ ở núi Cung Công Giang Tây hoằng dương Thiền pháp, tác phong mạnh mẽ, lập ra thiền phong quát hét, đánh gậy, đời gọi là Hồng Châu tông. Sư chủ trương về thuyết những hoạt động của thân tâm hàng ngày như khởi tâm động niệm, nhíu mày trợn mắt đều là Phật tính, đều có "tính đại tác dụng", "Kiến tính thành Phật" cả. Môn hạ của Mã Tổ có hơn trăm người, nổi tiếng là các ngài Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Tây Đường Trí Tạng, Đại Mai Pháp Thường, Chương Kính Hoài Huy, Đại Châu Tuệ Hải... Sau khi ngài Hoài Hải ở núi Bách Trượng xây dựng chùa chiền, lập ra thanh quy, thiền tông bắt đầu thoát ly chế độ thiền tăng y trụ Luật tự. Dưới Bách Trượng có Hoàng Bá Hy Vận, Quy Sơn Linh Hựu... Dưới Hy Vận có Lâm Tế Nghĩa Huyền. Nghĩa Huyền lập ra Tam huyền tam yếu, Tứ liệu giản... để giáo hóa môn đệ, có phong cách mạnh mẽ, học trò rất đông, trở thành Lâm Tế tông. Lúc đó là vào thời Vãn Đường. Đến đời Tống, trải các ngài Hưng Hóa Tồn Thưởng, Nam Viện Tuệ Ngung, Phong Huyệt Diên Chiểu, Thủ Sơn Tỉnh Niệm, Phần Dương Thiện Chiểu, đời thứ 7 truyền đến Thạch Sương Sở Viên có hai môn hạ là ngài Hoàng Long Tuệ Nam và ngài Dương Kỳ Phương Hội thì sinh ra hai phái Hoàng Long và Dương Kỳ, và hai tông Tào Động, Vân Môn cũng được thành lập. Ngài Qui Sơn Linh Hựu ở Đàm Châu (Hồ Nam), người tham học tới 1500 người. Môn hạ có ngài Ngưỡng Sơn Tuệ Tịch là nổi tiếng nhất. Hệ phái này gọi là Quy Ngưỡng tông. Dưới Thanh Nguyên Hành Tư có Thạch Đầu Hy Thiên, soạn sách Tham đồng khế, cùng với ngài Mã Tổ được gọi là hai con Long Tượng lớn. Môn hạ có Dược Sơn Duy Nghiêm, Đan Hà Thiên Nhiên, Thiên Hoàng Đạo Ngộ. Hệ phái Dược Sơn sinh ra Vân Nham Đàm Thạch, Động Sơn Lương Giới, Vân Cư Đạo Ưng, Tào Sơn Bản Tịch... trở thành Tào Động tông. Thiên Hoàng Đạo Ngộ truyền ba đời đến Tuyến Phong Nghĩa Tồn, trụ trì ở núi Tuyết Phong Phúc Châu, pháp tự có hơn 50 người, trong đó có ngài Vân Môn Văn Yển phát huy tông chỉ độc đáo, hình thành Vân Môn tông. Ngoài ra còn có ngài Huyền Sa Sư Bị truyền tới các ngài La-hán Quê Thâm, Pháp Nhân Văn Ích. Ngài Văn Ích trụ trì ở chùa Thanh Lương Kim Lăng, lập ra Pháp Nhãn tông. Ngoài việc nêu tên các tông phái trên đây, sách Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự của ngài Khuê Phong Tông Mật còn cho biết, các giáo phái Thiền tông đời Đường gồm: Hồng Châu, Hà Trạch, Bắc Tú, Nam Sằn, Ngưu Đầu, Thạch Đầu, Bảo Đường, Tuyên Thập (Niệm Phật môn thiền), Huệ Điều, Cầu-na, Thiên Thai v.v... Sách Viên Giác kinh sớ của Tông Mật còn nêu ra 7 tông: Bắc Tông thiền, Trí Sằn thiền, Lão An thiền, Nam Nhạc thiền, Ngưu Đầu thiền, Nam Sơn niệm Phật môn thiền, Hà Trạch thiền. Sách Thập di môn của Tông Mật còn phân loại cho Ngư Đầu tông, Bắc tông, Nam tông, Hà Trạch tông, Hồng Châu tông là Ngũ gia. Ngũ gia thất tông của Tông Mật có khác với Ngũ gia thất tông sau này... Tóm lại, từ Đạt Ma tới Tuệ Năng, trong khoảng thời gian 250 năm thiền phong của tông này nêu ra thành một nhà riêng, Tổ Sư ngữ lục thường dẫn kinh điển đề xướng thành chỉnh thể Phật Pháp, không rơi vào sự đối lập giữa các tông phái, có thể coi đó là thời kỳ thành lập của Thiền tông. Từ các ngài Nam Nhạc, Thanh Nguyên cho tới cuối Đường, Ngũ đại, trong khoảng thời gian 250 năm, một cánh Nam tông thiền nảy nở. Về tư tưởng, trừ bỏ những dây leo văn tự, xây dựng tinh thần "Tức tâm là Phật, tâm bình thường là Đạo". Trong đời sống thực tế, xây dựng quy chế lấy tăng đường làm trung tâm Thiền viện. Hoằng truyền thiền pháp, lấy phương pháp linh hoạt sinh động để hướng dẫn người đọc, lấy tác phong gậy đánh, quát hét để tuyên dương tông phong. Rồi lâu dần, chia ra thành 5 nhà. Thời kỳ này có thể gọi là phát đạt nhất của Thiền tông. Trong 320 năm nhà Lưỡng Tống, tông Lâm Tế lại chia ra làm hai phái Hoàng Long và Dương Kỳ, mà trở thành "Ngũ gia thất tông" của Thiền tông Trung Quốc. Trong đó phái Hoàng Long về sau từ Vĩnh Tây truyền sang Nhật Bản. Phái Dương Kỳ từ sau Dương Kỳ Phương Hội, lần lượt có Ngũ Tổ Pháp Diễn, Viên Ngộ Khắc Cần, Đại Tuệ Tông Cảo v.v... phát huy Thiền chỉ, trở thành chủ lưu trong dòng Thiền. Lại ngài Hoàng Trí Chính Giác thuộc hệ thống Tào Động và Đại Tuệ Tông Cảo thuộc hệ thống Lâm Tế đều đề xướng Mặc Chiếu thiền, Khán thoại thiền. Ở thời kỳ này, các giáo dung hợp dẫn đến khuynh hướng ba giáo nhất trí. Giáo Thiền hòa hợp, Thiền Tịnh song tu, Thiền tông dần mất đi tính cách độc lập. Đó là thời kỳ thủ thành của Thiền tông. Từ Nguyên Minh tới đời Càn Long nhà Thanh, thời gian là 450 năm, là thời kỳ suy vi của Thiền tông. Thời kỳ này tuy có các vị tông sư nối theo nhau như: Hải Vân Ấn Giản, Vạn Tùng Hành Tú, Phá Am Tổ Tiên, Vô Chuẩn Sư Phạm, nhưng nhìn từ đại thế của một tông thì vẫn là khuynh hướng Nho Thích hòa hợp, Giáo Thiền nhất trí. Thời cận đại có vị đại sư đứng đầu là Hư Vân Hòa Thượng (1839-1958) cả cuộc đời 120 tuổi của mình, ngài hoằng pháp không biết mệt, xây dựng nhiều chùa, hết sức chấn hưng Thiền tông, giữ gìn mạch pháp từ Lục Tổ đến nay. Tác phẩm truyền ở đời là Hư Vân Hòa Thượng pháp tập; Hư Vân Hòa Thượng thiền thất khai tông lục, v.v... (1)

Trong khi đó Thiền Tông được chính thức truyền từ Trung Quốc vào Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 6 do Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi mang vào. Ngài là người Ấn Độ đến Trung Quốc gặp đệ tam Tổ Tăng Xán và Tổ sai ngài hãy đi về phương Nam để truyền bá Phật Pháp. Ngài Tăng Xán được Ngài Huệ Khả thiền sư truyền pháp cho, sau ẩn ở núi Hoàn Công đất Thư Châu. Trong thời gian Chu Vũ Đế phá hoại Phật Giáo, sư bỏ đến núi Tư Không huyện Thái Hồ. Năm Khai Hoàng thứ 12 đời Tùy, sư tìm được Sa Di Đạo Tín liền truyền pháp cho. Năm Đại Nghiệp thứ 2, đời Dạng Đế, sư viên tịch, được vua Đường Huyền Tông ban tên thụy là Giám Trí Thiền Sư.

Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 6 và truyền thiền tông tại đây, để sau đó các tông như Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Trúc Lâm Yên Tử đời Trần (1222-1400) đã xiển dương tông thiền rất mạnh mẽ.

Đến thế kỷ thứ 17, Ngài Nguyên Thiều từ Trung Quốc sang Việt Nam truyền thiền, Ngài là đệ tử đời thứ 33 của Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền và Việt Nam kể từ thế kỷ thứ 17 đến nay ở miền Trung và miền Nam Việt Nam ảnh hưởng bởi tông thiền nầy rất lớn. Đến cuối thế kỷ thứ 19 bước sang thế kỷ thứ 20 thì Tịnh Độ tông ở Việt Nam vượt trội. Có nhiều người tu học hơn. Do vậy mà Thiền Tông tại Việt Nam đã bị Tịnh Độ hóa rồi. Nếu kể theo truyền thừa thì Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền là đời thứ 38 kể từ thời Đức Phật và đời thứ 11 của Thiền Tông Trung Hoa kể từ Ngài Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ. Đến khi Ngài Nguyên Thiều sang Việt Nam để truyền pháp, thì Ngài thuộc về phổ hệ thứ 33 kể từ thời Ngài Lâm Tế và đời thứ 70 kể từ thời Đức Phật. Ngài Nguyên Thiều truyền pháp cho Ngài Minh Hải (1610-1687). Ngài Minh Hải từ Trung Quốc sang Việt Nam ở và tịch tại đây và bắt đầu kể Ngài là đời thứ 34. Đây là bắt đầu kể từ Ngài Lâm Tế.

Sau gần 400 năm Thiền Tông phát triển tại miền Trung và miền Nam, đến bây giờ thế hệ của tôi là đời thứ 41 và cũng có nơi đã cho truyền thừa đến đời thứ 45 rồi; dĩ nhiên là kể từ Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền. Do vậy tông nầy gọi là Lâm Tế chánh tông. Ngoài ra miền Bắc Việt Nam cũng có Thiền; nhưng là Thiền Tào Động. Ngày hôm nay ở trong nước có một số quý vị Thiền Sư muốn phát triển lại tinh thần thiền của Trúc Lâm Yên Tử thế kỷ thứ 13, được gọi là Thiền chơn truyền của người Việt Nam; nhưng cũng không được nhiều và ở tại ngoại quốc ngày nay cũng có một số quý vị Thiền Sư Việt Nam cải cách, sửa đổi cách thức Thiền cũng như tên gọi và ngay cả hiện đại hóa kinh điển; nhưng những việc nầy người Tây phương có thể chấp nhận dễ dàng. Vì đối với họ cái gì cũng mới. Còn người Phật Tử có truyền thống truyền thừa từ Tổ sang Tổ, đời nầy qua đời khác nên không phải đơn thuần một sớm một chiều mà họ có thể chấp nhận được. Nếu có theo thì nên theo sự truyền thừa; vì lẽ không có người nầy thì người khác thay thế. Còn một vị nào đó đứng lên lập một tông phái riêng, khi vị ấy tịch rồi thì tông ấy cũng không còn tồn tại được bao lâu. Nhìn lịch sử thì sẽ rõ. Có biết bao nhiêu vị Tổ sáng giá như Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và ngay cả Trúc Lâm Yên Tử cũng chỉ truyền thừa được mấy chục đời là nhiều, rồi sau đó lại thất truyền.

Ngài Minh Hải nối dòng thiền của Ngài Lâm Tế. Ngài Lâm Tế nối dòng thiền của Ngài Lục Tổ Huệ Năng. Ngài Lục Tổ nối dòng thiền của Ngài Bồ Đề Đạt Ma. Ngài Đạt Ma nối dòng thiền của Ngài Ca Diếp, rồi Ngài Ca Diếp trực tiếp lãnh hội tâm thiền nơi Đức Phật. Như thế gọi là chơn truyền; nhưng đến đời 30, 40, 50, 60, 70, 80 v.v... mỗi đời lại có thêm nhiều chi nhánh khác nữa được thành lập. Do vậy cũng khó mà nói là tông phái nào vẹn toàn. Tuy nhiên có truyền thừa liên tục như thế, biết được rằng tông Thiền ấy có hợp với khế cơ và khế lý của chúng sanh qua nhiều thời đại khác nhau trải qua hơn 2500 năm lịch sử.

Có nhiều người Đức khi học Zen của Nhật thì nghĩ rằng cái gì đó bí mật lắm, cao cả lắm và thần kỳ lắm; nhưng đâu có gì lạ. Đây là cách phát âm của Nhật từ chữ Thiền mà ra đấy thôi! Tiếng Tàu gọi là Ch'an. Tiếng Sanscrit gọi là Dhyana, tiếng Nhật gọi là Zen và khi qua tiếng Anh, Pháp, Đức thì nó trở thành là Meditation chứ không còn là Zen nữa. Thỉnh thoảng tôi có xem một số tạp chí của người Đức viết về văn hóa Nhật và chữ Sensei họ bảo là dịch ra tiếng Đức không được. Đâu có gì lạ mà tạo nên khó khăn như thế. Chữ nầy viết và đọc theo âm Hán-Việt là Tiên Sinh. Tiên Sinh có nghĩa là ông Thầy dạy học, ông giáo sư. Theo nghĩa tiếng Phô Thông Trung Quốc có nghĩa là người đi trước, sanh ra trước. Nhiều khi dùng để gọi chồng mình nữa.

Không có gì để nhân cách hóa và thần thánh hóa ngôn ngữ cả. Dĩ nhiên là cũng có nhiều chữ khó dịch thật; nhưng không phải là chữ nào cũng vậy.

Cho đến tôi, thuộc đời thứ 41 của Thiền Lâm Tế có pháp danh đứng đầu bằng chữ NHƯ, pháp tự đứng đầu bằng chữ Giải và pháp hiệu đứng đầu bằng chữ Trí, ngày nay tôi vẫn thực tập Thiền mỗi ngày; nhưng cái Thiền nầy đã pha trộn với Tịnh Độ. Vì lẽ ở đây tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, lễ bái nhiều hơn là ngồi Thiền. Nếu chỉ chuyên về Thiền, mỗi ngày ngồi mấy tiếng đồng hồ và tham khảo công án hoặc thoại đàm liên tục, như thế mới gọi là chơn truyền. Còn bây giờ đa phần đã bị Tịnh Độ hóa rồi.

Ngày nay tại Âu Mỹ nầy phần lớn một số người thích tu theo lối Mật Tông của Tây Tạng dưới sự hướng dẫn của các vị Đại Sư Tây Tạng hoặc trực tiếp dưới sự dạy dỗ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Để hành trì giống như Tây Tạng không phải đơn thuần. Ví dụ một vị muốn nhập thất, đầu tiên phải lạy sám hối hằng trăm ngàn lần về một vị Phật, sau đó mới vào thất và hành trì trong 1 năm 1 tháng 1 ngày hay 3 năm 3 tháng 3 ngày v.v... Thông thường thì ta chỉ thấy các Hội Phật Giáo Tây Tạng tại Đức dạy theo phép Lamrim, nghĩa là tiệm tu, sau đó học theo phép quán Tiểu Thừa gồm 37 phẩm trợ đạo; kế tiếp là học Phật Giáo Đại Thừa và cuối cùng là đi vào con đường Mật Giáo Tây Tạng.

Nhiều người Âu Mỹ nghĩ rằng đơn thuần để đi đến Niết Bàn và giải thoát giác ngộ; nhưng việc ấy theo bất cứ tông phái nào cũng phải cần có thời gian và năm tháng, chứ không phải chỉ trong một đời người. Số đếm thời gian trong Phật Giáo nó không có ý nghĩa gì cả. Ví dụ như một ngày tại cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, cõi nầy vẫn còn ở trong cõi dục, bằng 1.600 năm tại cõi Ta Bà nơi chúng ta đang ở. Đó là chưa kể những chúng sanh đang ở trong những cõi Sắc và cõi Vô Sắc; thời gian đối với những chúng sanh nầy nó chẳng có một ý nghĩa gì cả.

Sau khi ra khỏi 3 cõi nầy mới chứng nhập vào địa vị của Bồ Tát. Bồ Tát có 10 thứ bậc khác nhau. Đến đệ thập địa Bồ Tát có nghĩa là giai đoạn cuối cùng để thành Phật phải cần 3 A Tăng Kỳ Kiếp như thế nữa. Nếu làm con số thống kê về thời gian phải kể rằng một con số 3 đứng đầu và 52 con số 0 đứng liên tục phía sau như thế nữa. Như vậy thời gian cần có để thành Phật phải nói thời gian là vô lượng vô biên, đâu phải chỉ ngồi xếp bằng hít vào thở ra là thành Phật, thành Tổ. Dĩ nhiên là người Âu Mỹ cũng có thể thành Phật; nhưng thời gian phải kể là vậy, chứ không thể chỉ nôn nóng muốn biết Niết Bàn là gì ? hoặc giác ngộ là gì ?

Cũng có một pháp môn đơn giản hơn. Đó là pháp môn Tịnh Độ. Giáo chủ cõi nầy là Đức Phật A Di Đà. Qua sự giới thiệu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, ta thấy rằng ai có đủ 3 điều là: Tín Nguyện Hạnh thì sau khi lâm chung sẽ được Đức Phật A Di Đà, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát đến cõi nầy đón ta về Tây Phương Tịnh Độ. Cõi Phật ấy hiện cách xa nơi ta đang ở là 100.000 quốc độ Phật và ở về phía phương Tây. Khi về đây rồi không còn sợ tái sanh trong 6 đường luân hồi sanh tử nữa, mà ở đây có thể tu tiếp để trở thành những bậc đẳng giác Bồ Tát. Ở cõi nầy hay ở cõi kia cũng đều phải nương theo tha lực của Đức A Di Đà Phật, còn tự lực của ta là phải tinh tấn dõng mãnh niệm Phật để cầu vãng sanh. Tuy rằng tu pháp môn nầy phải nương vào tha lực; nhưng tự lực cũng không phải là không cần đến.

Trong khi đó có nhiều người tu Thiền nghĩ rằng chỉ cần tự lực là ta có thể tự giác ngộ giải thoát được. Điều ấy có thể có; nhưng vào thời kỳ chánh pháp kia, còn bây giờ là thời mạt pháp rồi làm sao có được những bậc thiện căn, thiện trí như thế.

Có nhiều người Âu Mỹ ngày nay, kể cả người Đức trong ấy, nghĩ rằng theo Đạo Phật là một Hoppy, một cách trị liệu tâm sinh lý. Đành rằng giáo lý của Đạo Phật sẽ bao gồm tất cả như vậy; nhưng nếu chia chẻ riêng ra như thế nó không có một ý nghĩa nào cả. Cũng không phải vì mặc chiếc áo tôn giáo như Tin Lành và Thiên Chúa đã hơn 2000 năm rồi; nên bây giờ phải thay đổi một chiếc áo khác, mà điều căn bản là phải phát tâm tin tưởng như thế nào để tâm mình hướng vào con đường giải thoát giác ngộ đó.

Tại Đức nầy, kể từ khi tôi đến cho đến nay, đã 25 năm qua là 25 năm tạo dựng cơ sở, xây dựng niềm tin cho các tín đồ và ở tại chùa Viên Giác nầy tôi cũng như Đại chúng xuất gia tu học theo các nguyên tắc sau đây. Tôi chia người xuất gia ra làm 3 loại :

Loại 1 là vừa học văn hóa bên ngoài như các ngành Tôn Giáo, Triết học, ngôn ngữ, giáo dục, Phật học tại các Đại Học thì phải cần hai phần ba thì giờ để đi học bên ngoài. Cho nên loại nầy gọi là học ngoại điển nhiều và nội điển ít.

Loại thứ 2 là chỉ ở chùa, chuyên môn học nội điển và ngoại điển ít hơn. Do vậy người học ngoại điển bên ngoài có thể hướng dẫn bổ sung cho người học nội điển về ngoại ngữ. Ngược lại, người học nội điển nhiều có thể hướng dẫn bổ khuyết và giáo lý cho những người đang đi học Đại Học bên ngoài.

Loại thứ 3 là loại chuyên tu. Trong nầy có 2 phần. Một phần là những vị đã tốt nghiệp ở loại 1 hoặc loại 2. Bây giờ không còn bận chuyện học hành thi cử nữa. Chỉ có vấn đề hạ thủ công phu mà thôi. Phần khác là những vị không có trình độ nào cả; nhưng quyết chí xuất gia tu học cũng có thể gọp chung lại với những vị chuyên tu nầy để hạ thủ công phu tu hành.

Trong 3 loại ấy thỉnh thoảng vẫn có một vài trường hợp cá biệt; nhưng trường hợp nầy rất ít. Vậy mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm Tăng chúng chùa Viên Giác tại Hannover họ tu theo pháp môn gì?

Ở đây có thể chia ra làm 2 phần chính. Đó là phần tịnh tu vào mùa hè ba tháng từ sau lễ Phật Đản đến lễ Vu Lan và phần mùa Đông hay 9 tháng còn lại từ tháng 9 đến tháng 5 mỗi năm có những giờ giấc và khóa tu khác.

Nếu là mùa hè; có những vị dậy từ 4 giờ 30 sáng. Sau đó lên chánh điện hành trì, hoặc lễ Phật, hoặc sám hối, hoặc trì chú hay niệm Phật. Sau đó 6 giờ kém 15 là ngồi thiền. Đúng 6 giờ sáng tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Độ 7 giờ 15 thì xong. Tiếp theo lo dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị ăn sáng. 08 giờ 00 điểm tâm. Người nào đi học thì đi đến trường, kẻ nào ở nhà thì lo tự học, ôn tập bài vở. Đến gần 11 giờ thì cúng ngọ. Lúc 11 giờ tất cả Đại chúng đi quá đường kinh hành nhiễu Phật. 12 giờ đến 14 giờ 30 là giờ cá nhân. Từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 00 là giờ học. 17 giờ 00 công phu chiều. 18 giờ 30 dùng cháo. 20 giờ 00 lạy kinh Đại Bát Niết Bàn, mỗi chữ mỗi lạy. 21 giờ 00 ngồi Thiền độ 10 phút.

Sau đó là giờ riêng của mỗi cá nhân và chỉ tịnh. Mỗi ngày đều như thế và 3 tháng đều như vậy.

Từ tháng 9 đến tháng 5 mỗi năm thì chương trình tu và học ít hơn mấy tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên là phần cá nhân mỗi người có thể tu nhiều ít tùy theo thời tiết và công việc. Ví dụ như sáng dậy sớm lúc 5 giờ, sau đó lên chánh điện hành trì. 6 giờ kém 15 phút ngồi thiền đến 6 giờ. Tụng kinh Lăng Nghiêm đến 7 giờ 15, sau đó mỗi người làm công chuyện riêng của mình, rồi 8 giờ dùng sáng. Từ sáng đến 12 giờ trưa mỗi người làm công việc riêng của mình. Đến 12 giờ dùng cơm trưa. Từ 12 giờ 30 đến 14 giờ 30 nghỉ trưa hoặc làm việc riêng của mình. Đến 14 giờ 30 học 1 tiếng rưỡi, chừng 16 giờ thì nghỉ. 17 giờ công phu chiều; 19 giờ cơm tối; 10 giờ trở đi là giờ của cá nhân. Cũng có một số quý Thầy, Cô lên chánh điện để trì tụng những bộ kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm hay Bảo Tích v.v... nhằm cầu nguyện cũng như nghiên tầm thêm giáo điển trong kinh sách ấy.

Phần tụng kinh rất quan trọng, bản thân tôi đã ở ngoại quốc hơn 30 năm và kể từ khi xuất gia đến nay gần 40 năm, chưa có một buổi sáng nào mà không lên chánh điện để hành trì kinh nầy cả. Trừ những ngày bệnh và đi xa chùa. Thế nhưng số ngày như thế không nhiều. Đây là một Đại Thần Chú gọi là Suramgama. Dịch nghĩa là kiện tướng, kiện hạnh, nhất thiết sự kính. Chỉ tên gọi Đức Phật có được pháp tam muội. Kiện tướng là so sánh sự vững chắc của cờ phướn giống như đức của Phật chắc bền, ma quỷ không thể phá hoại được. Nhất thiết sự kính là chỉ cứu cánh của Đức Phật như Đại Trí Độ Luận quyển 47. Kinh Niết Bàn quyển 27, Huyền Ứng âm nghĩa quyển 23 có viết đến. Riêng quyển trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội có viết "Bồ Tát có được Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, có thể đem 3.000 đại thiên thế giới bỏ vào trong hạt cải, mà tất cả núi sông, mặt trời, mặt trăng và các tinh tú vẫn hiện ra như cũ, không thấy chật hẹp. Điều ấy chứng tỏ cho chúng sanh rằng: "Sức mạnh không thể tưởng tượng được của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội là như thế" (1).

Khi Ngài A-Nan đi khất thực bị Ma Đăng Già quyến dụ vào phòng dâm. Nếu không nhờ Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm của Đức Phật thì đã hỏng cả một đời tu hành của con người vương giả đa văn ấy. Bên Đại Học Pháp Giới (Dharma Realm) ở Vạn Phật Thánh Thành vùng San Jose, California, khi Ngài Tuyên Hóa còn tại thế, Ngài bắt buộc tất cả những sinh viên khi thi vào Đại Học nầy dầu cho người Mỹ, người Hoa, người Việt gì cũng đều phải thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm phiên âm kiểu tiếng Trung Quốc, mới được vào học. Cuối đời Ngài có thuyết giảng nhiều lần và trong Bồ Đề Hải có đăng lại lời Ngài đoan chắc rằng: Ai trì tụng kinh Lăng Nghiêm một cách miên mật thì không thể bị đọa địa ngục và các tội cực ác dầu có phạm cũng nhờ thần chú Thủ Lăng Nghiêm mà vượt qua tất cả những hiểm nạn.

Tại đây có 6 phương pháp để tu như hành thiền, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, lễ bái, trì giới là 6 pháp môn mà người nào cũng có thể chọn 1 hoặc 2 để hành trì. Cũng có thể nhập thất trong nhiều ngày và bên ngoài có người hộ thất cho mình. Sau khi ra thất, mình lại hộ thất cho người đã giúp mình và như thế là ai cũng có cơ hội để nhập thất cả.

Tại chùa Viên Giác nầy cũng thế. Trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 5 mỗi năm đều có nhiều người nhập thất, không ra ngoài phòng, không tiếp xúc với ai. Tới giờ cơm có người mang đến để trước phòng, cần gì cứ viết giấy gởi ra ngoài và cứ ở trong thất lo hành trì, có thể là 1 tuần, 10 ngày, 30 ngày, 49 ngày hay lâu hơn nữa là tùy theo mỗi người vậy. Có hạ thủ công phu như thế thì chư Long Thần Hộ Pháp mới hộ trì và nội tâm càng ngày càng vững vàng khi đối diện với chính mình hay với quần chúng.

Thần chú Thủ Lăng Nghiêm cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận. Vì nguyên bản tiếng Sanscrit không còn nữa. Ngày nay chỉ thấy nơi Đại Tạng tiếng Tàu, Nhật, Việt và Đại Hàn. Ngay như tạng Tây Tạng cũng không có. Và đây cũng thuộc về Đại Thừa Mật Giáo. Tuy nhiên việc hành trì liên tục từ đời nầy qua đời khác đã trở thành thói quen và kinh nghiệm; nên nhiều nước cũng không muốn truy cứu nguyên gốc làm gì. Điều chắc chắn là nhờ thần chú nầy cho nên Ngài A-Nan mới khỏi lụy vào tay dâm nữ khi Phật còn tại thế. Nơi các kinh Nam truyền, nghĩa là tụng Pali dĩ nhiên là không có rồi và nơi tạng Pali không những chỉ không có kinh Lăng Nghiêm, thần chú Thủ Lăng Nghiêm mà một số lớn kinh điển của Đại Thừa cũng không có trong nầy. Ai đúng ai sai, khó mà giải thích được.

Lễ bái cũng là một phép tu rất quan trọng của bản thân tôi cũng như tại chùa Viên Giác nầy. Mỗi nước theo Phật Giáo có một cách lạy khác nhau. Ví dụ như các xứ Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt thì ngồi để lạy. Các xứ Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam thì đứng lên ngồi xuống để lạy; nhưng cách lạy của Tây Tạng mới đúng là "ngũ thể đầu địa". Nghĩa là cả thân mình gồm: trán, 2 khuỷu tay, 2 đầu gối đều phải chạm sát đất. Có nhiều người lạy mỗi ngày như thế cả ngàn lạy. Hoặc tại chùa, hoặc tại Bồ Đề Đạo Tràng, hay đi hành hương về Lahsa nơi cung điện Potala của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cũng có người đi quanh tứ động tâm, nơi Đức Phật sanh ra (Lumbini) đến nơi Đức Phật thành đạo (Buddhigaya) đến nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên (Varunasi) rồi đến nơi Đức Phật nhập Niết Bàn (Kushinagara).

Hoặc giả ở Trung Quốc có nhiều vị danh Tăng như Ngài Hư Vân Lão Hòa Thượng đi ba bước lạy 1 lạy khắp 4 đại danh sơn như: Ngũ Đài Sơn nơi thị hiện của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Nga Mi Sơn nơi thị hiện của đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát; Phổ Đà Sơn nơi thị hiện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Cửu Hoa Sơn nơi thị hiện của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Mỗi nơi như thế cách nhau cả hàng ngàn cây số, núi non hiểm trở, đường dốc gập ghềnh. Chỉ có những người có ý chí mới có thể thành công được.

Mỗi một lạy sẽ tiêu một tội trong hằng hà sa số kiếp về trước. Phải tin như vậy để việc lễ lạy mới có công đức thù thắng và khi lạy như thế toàn thân cũng như tâm đều hướng về mục đích của mình đã vạch ra. Trí huệ bát nhã cũng từ đó phát sanh, khi tất cả huyết mạch, nội tạng, luân xa trong người của chúng ta được khai mở. Hãy đừng chờ đợi và mong cầu, khi nào nó sáng thì hãy để tự nhiên như vậy, đừng bắt giữ, đừng tìm kiếm, đừng mong chờ.

Từ năm 1984 cá nhân tôi và cả Đại chúng chùa Viên Giác tại Hannover đã thực hành phép lễ bái nầy. Đầu tiên chúng tôi lạy 500 danh hiệu của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát nhân mùa An Cư Kiết Hạ đầu tiên tại ngoại quốc (đối với tôi). Xuất gia từ 1964, thọ giới Tỳ Kheo năm 1971, mà 1984 mới bắt đầu hạ thủ công phu. Như vậy thời gian chuẩn bị tương đối dài đấy. Tôi có nhân duyên quan sát nhiều Phật Tử lớn tuổi đi chùa; nhưng phải ngồi lễ, không đứng lên ngồi xuống được. Do vậy tôi liên tưởng đến bản thân của mình một ngày nào đó cũng như vậy thôi. Do từ khởi niệm nầy mà mỗi năm 3 tháng, tôi và Đại chúng chùa Viên Giác đã lạy gần 20 năm rồi đó.

Sau khi lạy kinh Ngũ Bách Danh xong, chúng tôi phát tâm lạy kinh Tam Thiên Phật Danh. Nghĩa là lạy tên của 3.000 vị Phật. Trong quá khứ Trang Nghiêm Kiếp có 1000 vị Phật. Trong hiện tại Hiền Kiếp có 1000 vị và trong vị lai Tinh Tú Kiếp có 1000 vị Phật như thế. Mỗi đêm hồi đó lạy chừng 100 lạy. Có nhiều lúc lạy 200 lạy và cho đến bây giờ khi lạy đã thuần thục rồi, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ có thể lạy đến 350 lạy nếu đánh khánh nhanh; còn trung bình thì chừng 300 lạy.

Khi lạy kinh Tam Thiên Phật Danh xong, tôi phát nguyện lạy bộ kinh Vạn Phật. Tuy nói là 10.000 vị Phật; nhưng trên thực tế là 11.100 vị. Xướng mỗi danh hiệu Phật, lạy một lạy. Đến đó vẫn chưa dừng nghỉ. Tôi phát tâm lạy kinh Pháp Hoa, mỗi chữ mỗi lạy. Trong kinh Pháp Hoa có nói là Phật đã dạy trên 60.000 ngàn lời; nhưng trên thực tế là: 75.802 chữ. Chúng tôi bắt đầu lạy ngày 7 tháng 6 năm 1990 và đến ngày 10 tháng 6 năm 1995 là xong 75.802 lạy ấy. Trung bình trong hơn 5 năm đó, mỗi năm lạy chừng 13 đến 14 ngàn lạy. Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh quan trọng của Đại Thừa giáo, chúng ta đã có cơ hội tụng, đọc, nghe giảng pháp và nay lễ lạy mỗi chữ trong kinh quả là công đức không nhỏ. Đến đây vẫn chưa dừng lại. Tôi cùng đại chúng chùa Viên Giác vẫn còn hăng say trong sự tu niệm, cho nên bắt đầu ngày 11 tháng 6 năm 1995 trở đi cho đến nay, chúng tôi đã lạy kinh Đại Bát Niết Bàn, cũng mỗi chữ mỗi lạy.

Kinh nầy chùa Khánh Anh in còn lại mấy cuốn, chữ nhỏ. Cuốn một độ 750 trang. Đến nay chúng tôi đã lạy cuốn một được 515 trang. Cuối tháng 8 năm 2002 có lẽ lạy thêm được mấy chục trang nữa. Nếu tính trung bình mỗi trang là 200 chữ thì cho đến nay chúng tôi đã lạy hơn 100.000 lạy cho bộ kinh nầy trong 8 năm. Như vậy mỗi năm cũng hơn 10.000 lạy, lạy trong 3 tháng an cư kiết hạ. Năm 2000 vì Hannover có tổ chức Hội Chợ Thế Giới (EXPO) nên một số công việc tu học cũng bị gián đoạn. Nếu lạy hết 2 quyển kinh dày nầy phải tính thời gian tổng cộng trên 10 năm mới xong.

Mỗi ngày lạy một ít, mỗi tháng sẽ được nhiều; mỗi 3 tháng trong năm sẽ thành một số lớn và cứ hằng 10 năm như vậy làm thống kê, thì con số kết quả ấy thấy không nhỏ. Cũng như thế ấy, tội dầu nhỏ đến đâu nếu ta không để ý, nó cũng có thể tạo thành sông, thành núi. Phước dầu lớn đến bao nhiêu, nếu chúng ta không tiếp tục tu hành làm phước, thì phước ấy sẽ hao mòn. Do vậy người tu học Phật Pháp phải lo tích tụ phước đức nầy hằng ngày hằng giờ, hằng tháng, hằng năm như việc lạy Phật bên trên thì sẽ có những thành quả nhất định của nó.

Ngày xưa tại Việt Nam cũng có một số quý vị Đại Sư thực hiện pháp môn lạy Phật nầy; nhưng không đại chúng hóa mấy. Khi ra ngoại quốc, bắt đầu từ năm 1984 trở lại đây có lẽ tôi là người đầu tiên chủ xướng pháp môn nầy và ngày hôm nay cả nước Đức, lan ra nhiều nước ở Âu Châu, rồi Mỹ Châu, Úc Châu và ngay cả Việt Nam bây giờ đang có nhiều chùa, nhiều Thầy, Cô hướng dẫn cho Phật Tử cũng như chính tự thân của quý vị nầy đang lễ Phật hằng đêm trong các mùa An Cư Kiết Hạ hoặc những buổi lễ tu Bát Quan Trai hay những kỳ huân tu Tịnh Độ. Thật là một pháp môn thù thắng vậy.

Khi lễ lạy quen rồi, mỗi đêm 300 lạy trở lên thì việc Bố Tát (uposatta) và lạy Hồng Danh Sám Hối vào mỗi tối 14 hay 30 âm lịch chỉ 108 lạy tất cả từ đầu đến cuối thì không còn là vấn đề khó khăn nữa. Nếu ai dụng công và dụng tâm sẽ thấy có nhiều kết quả ngay, kể cả việc lạy nhiều hay lạy ít, khi đã thuần thục rồi, quả là điều rất vô cùng vi diệu.

Đi kinh hành sau mỗi lần quá đường cũng là thực tập Thiền quán trong lúc đi. Buổi trưa và chiều niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. Buổi khuya khi đi kinh hành niệm danh hiệu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Việc thực tập thiền không nhất thiết chỉ có việc ngồi, mà còn phải thể hiện trong lúc đi, đứng và nằm nữa. Tất cả 4 động tác ấy phải luôn luôn chánh niệm và thể hiện sự tập trung cao độ thì mới có kết quả tốt.

Ngoài ra khi đi thiền hành như thế cũng giúp cho ta chấn chỉnh oai nghi của mình trong mọi động tác dầu cho lúc động cũng như khi tịnh. Đây là giới đức tự phát sinh, do việc giữ giới của mình mà thành tựu vậy. Giới thể, giới tướng và giới tánh là những điều căn bản của người học Phật. Nếu lơ là trong việc trì giới và thể hiện tư cách chánh niệm của người tu trong mọi động tác thì việc hành trì ấy xem như thiếu sót.

Giờ tụng kinh công phu chiều gồm có kinh A Di Đà, Hồng Danh Sám Hối và Mông Sơn Thí Thực là thể hiện lòng từ bi của mình đối với tất cả chúng sanh muôn loài còn nổi trôi trong lục đạo. Để cho ta và mọi loài chúng sanh đều cùng chung cộng hưởng những lợi lạc từ cõi dương đến cõi âm ấy, chúng ta không thể thiếu tấm lòng vị tha đối với những linh hồn không có nơi nương tựa kia được. Do vậy việc tụng niệm cũng cần phải chí tâm chí thành. Như thế mới có thể xoay đổi tình thế được. Tụng cũng có nghĩa là niệm; niệm cũng có nghĩa là tập trung tư tưởng; tập trung tư tưởng cũng có nghĩa là sự hành trì miên mật của một hành giả tu theo Phật Giáo. Vậy thì cuối cùng Thiền hay Tịnh, Mật Tông hay Hoa Nghiêm, Pháp Hoa cũng dẫn con người đến một mối: đó là làm cho nội tâm an lạc và ngoại cảnh càng ngày càng đổi thay để trở thành những điều diệu dụng hơn.

Tu là chuyển nghiệp; tu là cội phúc; tu là sửa đổi; tu là đem lợi lạc đến cho tha nhân và cho chính bản thân mình. Chứ không phải tu là trốn đời, tránh người; mà tu là chấp nhận những khổ đau và hóa giải những khổ đau ấy trở thành an lạc hạnh phúc vậy.

Sự học tôi vẫn thường nói: nó không làm cho con người giải thoát được; nhưng nếu thiếu sự học thì người tu khó có thể mở cánh cửa giải thoát kia được. Cả 2 phải bổ sung cho nhau cả vấn đề học ngoại điển lẫn nội điển. Thực sự ra sự học nó làm cho người ta thêm kiến thức; nhưng nếu không biết chuyển hướng thì cái trí thức kia nó sẽ trở thành: thế trí biện thông và chấp chặt vào cái trí thức của mình thì mục đích tu học giải thoát kia khó mà thành tựu được.

Ở chùa Viên Giác nầy thỉnh thoảng cũng có huân tu Đại Bi hoặc huân tu Tịnh Độ trong nhiều cái cuối tuần trong năm như thế. Người thực tập giữ thân, khẩu, ý cho thanh tịnh và từ đó vào trong đàn tràng của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát hành trì miên mật Thần Chú Đại Bi nhiều lần trong ngày và nhiều ngày liên tục như vậy. Khi có huân tu Tịnh Độ thì lấy hình ảnh Đức Phật A Di Đà làm bổn tôn, cứ niệm Phật liên tục hằng nhiều giờ, nhiều ngày thì giữa ta và Phật có nhiều sự cảm ứng. Không nhất thiết phải chờ cho đến lúc lâm chung mới thấy Phật, mà hiện tiền trong đạo tràng ấy, Phật đã đang phóng quang và tiếp dẫn những chúng sanh nào muốn sanh về thế giới của Ngài.

Mỗi tối trong mùa an cư kiết hạ tại chùa Viên Giác sau phần lạy Phật như vậy đều có ngồi Thiền từ 10 đến 15 phút. Ngày xưa khi Phật còn tại thế có nhiều vị Tăng sĩ ngồi Thiền suốt đêm như vậy. Mỗi canh ngồi mấy chục phút. Mỗi canh có 2 tiếng đồng hồ. Ví dụ như:

- Canh một : từ 7 đến 9 giờ tối.

- Canh hai : từ 9 đến 11 giờ khuya.

- Canh ba : từ 11 giờ đến 1 giờ sáng.

- Canh tư : từ 1 đến 3 giờ.

- Canh năm : từ 3 đến 5 giờ sáng.

Trong tất cả những giờ giấc như thế người tu lúc nào cũng phải tỉnh thức. Nếu còn mê, tức chưa vực dậy cái tâm hướng thượng của mình. Do đó lúc nào cũng phải luôn luôn tinh tấn hành trì. Ngày nay ở ngoại quốc có nhiều chùa 7 giờ sáng vẫn chưa dùng đến chuông mõ. Vì sự ảnh hưởng đến hàng xóm; nhưng ngày xưa thì không được phép như vậy. Chư Tăng ở trong các chùa hay tự viện phải dậy trước 5 giờ sáng. Nghĩa là trước lúc mặt trời mọc. Trên thế giới nầy có nhiều nơi chư Tăng dậy sớm hơn như thế nữa. Ví dụ như tại Đại Hàn, đa phần chư Tăng tu trên các chùa ở trên núi; cảnh vật rất hữu tình, sáng sủa, tiếp xúc trực tiếp với cây cỏ, đất trời, với thái dương và hằng nga; nên thường hay dậy lúc 2 giờ sáng để ngồi thiền, tụng kinh, kinh hành nhiễu Phật. Dĩ nhiên là họ đi ngủ sớm. Từ 4 giờ chiều đã ăn cơm tối và 6 giờ tối đã tọa thiền để chuẩn bị cho một đêm dài của núi rừng cô tịch ấy.

Có nhiều người Đức đến tu với chùa Việt Nam tại đây khó thích hợp vì không quen cách lạy Phật, không quen dậy sớm và không quen tụng kinh; nên đã tìm đến những đạo tràng khác ít dùng ngôn ngữ hơn để thực hiện hoài bão của họ. Tuy nhiên như bên trên đã trình bày - người tu không thể thành Phật trong một đời, mà phải cần huân tập nhiều chủng tử thiện trong nhiều năm nhiều tháng thì hạt giống giác ngộ tâm linh ấy mới có thể triển khai và khiến cho con đường đi đến giải thoát có những tiến trình nhất định của nó.

Tại nước Đức ngày nay có 17 Chi Hội và 7 Gia Đình Phật Tử cùng 10 chùa. Trung bình mỗi năm tôi và Tăng chúng chùa Viên Giác đi đến mỗi chùa và mỗi địa phương từ 1 đến 2 lần và ngược lại Phật Tử tại các Chi Hội địa phương cũng về chùa Viên Giác tại Hannover là trụ sở trung ương của Giáo Hội từ 1 đến 2 lần nhân các lễ Phật Đản, Vu Lan hay Tết Nguyên Đán.

Đặc biệt từ năm 1999 đến nay mỗi năm từ ngày 1 đến 14 tháng 7 dương lịch tại chùa Viên Giác đều có tổ chức các khóa Tu Gieo Duyên cho các Phật Tử tại gia. Đây là cung cách mới của Giáo Hội nhằm giúp cho người tại gia chưa có cơ hội tu suốt đời ở chùa như người Tăng sĩ, thì mỗi năm lấy nghỉ hè 2 tuần để về chùa tu niệm, đa phần là những vị đã thọ Bồ Tát giới tại gia, họ tự nguyện xuống tóc, đắp y nâu và mỗi ngày trong 14 ngày ấy nhằm vào mùa an cư kiết hạ của chư Tăng nên họ tu và học, sống như là một Tăng hay một Ni tại đạo tràng chùa Viên Giác nầy. Mỗi năm như vậy số lượng không đồng đều. Có năm 150 vị, có năm 100 vị và có năm ít hơn. Tùy theo công ăn việc làm của mỗi người Phật Tử.

Ngoài ra những Phật Tử tại gia nầy còn tham gia các khóa tu học Phật Pháp Âu Châu nữa. Mỗi năm mỗi nước tại Âu Châu sẽ đảm trách một lần tổ chức như thế. Mỗi lần quy tụ từ 500 đến 1.000 Phật Tử tại gia, độ chừng 100 Tăng Ni và khóa tu học thường kéo dài 10 ngày và thường tổ chức vào mùa hè cuối tháng 7 đầu tháng 8 mỗi năm để cho các học sinh và sinh viên cũng có cơ hội tham gia tu học nữa. Năm nay (2002) là kỳ thứ 14 được tổ chức tại Anh Quốc và năm 2003, kỳ thứ 15, sẽ được tổ chức tại Đan Mạch. Cứ như thế luân phiên nhau cho mười mấy nước tại Âu Châu như vậy. Cứ trước một năm là học viên đã biết năm sau khóa tư học Phật Pháp sẽ được tổ chức tại nơi đâu rồi, để họ sắp xếp hành trang và thời giờ lên đường tu học, gặp gỡ bạn đạo, Thầy xưa.

Các vị giảng sư đa phần là thành phần cốt cán của Giáo Hội Âu Châu; nhưng theo thông lệ mỗi năm Giáo Hội đều có mời một hay hai vị đến từ các châu lục khác ngoài Âu Châu. Mỗi ngày nghe thuyết giảng 3 thời, tụng kinh 3 thời, chấp tác, ăn cơm v.v... Cuối khóa thường có những ngày du ngoạn thăm danh lam thắng cảnh địa phương; nên đã có rất nhiều người ưa thích và cũng chính từ những người trẻ lẫn già trưởng thành trong các khóa tu học Phật Pháp như thế đã phát tâm xuất gia và trở thành những người giỏi, tốt cho Giáo Hội sau nầy.

Tại các Chi Hội địa phương ở nước Đức mỗi lần tổ chức Thọ Bát Quan Trai hay huân tu như thế thường rất cực nhọc. Vì chưa có Niệm Phật Đường hay Chùa; nên phải thuê Hội Trường để tổ chức. Một phần tốn kém; nhưng phần khác cũng rất nhiêu khê vì vấn đề nhân sự, số người tham dự, thời tiết v.v... Mỗi lần Thọ Bát Quan Trai tại mỗi địa phương như thế ít nhất là 25 người và nhiều nhất là 120 người. Tùy theo nơi nào có ít hoặc đông Phật Tử. Thường thường thì những Phật Tử địa phương nầy đến các địa phương khác để tham dự và vì vị nể, cảm tình nên địa phương khác tổ chức họ cũng đi để trả nghĩa, trả ơn. Đồng thời tham gia các khóa giảng kinh được liên tục. Thông thường mỗi nơi tôi giảng từ 1 đến 2 lần, mỗi lần 1 tiếng rưỡi. Có những bộ kinh phải giảng gần 30 lần như Đại Thừa Khởi Tín Luận; hơn 20 lần như kinh Đại Bi. Gần 20 lần như kinh Viên Giác, kinh Diệu Pháp Liên Hoa; hơn 10 lần như kinh Bách Dụ hay Duy Thức học v.v...

Tại các Đạo Tràng Tu Bát Quan Trai như thế các giới tử thường vân tập vào sáng thứ bảy và bế mạc vào sáng chủ nhật, gồm có nghe giảng 2 đến 3 lần. Tụng kinh 2 đến 3 lần và trao đổi những kinh nghiệm hoặc giải đáp những thắc mắc của các học viên. Cuối cùng là buổi lễ Phật công cộng cho các Phật Tử địa phương không có thời giờ để tham gia suốt 24 tiếng đồng hồ thì có thể tham gia trong những buổi lễ Phật với thời gian ngắn từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ như vậy. Ngoài việc tụng kinh còn có thuyết giảng; nhưng những phần giảng nầy có tính cách đại cương, tổng quát, chứ không đi vào chi tiết như các buổi giảng kinh trong khóa Tu Gieo Duyên hay trong các khóa Tu Bát Quan Trai giới. Vì vậy nếu ai muốn thực hành giáo pháp sâu xa hơn phải đi sâu vào phần thực hành và nghe những buổi giảng kinh như thế.

Trong trường hợp tôi không đích thân đi, có các Thầy đệ tử đi về các địa phương thì thường hay tổ chức Huân Tu Tịnh Độ hay Đại Bi. Nghĩa là hình thức cũng giống như Tu Bát Quan Trai; nhưng thời gian ngắn hơn, có thể chỉ trong một ngày là chấm dứt và nghe giảng ít hơn. Chủ yếu là tập trung vào sự tu luyện như tụng kinh, trì chú, niệm Phật và ngồi Thiền trong nhiều giờ liên tục như thế.

Riêng về phần người Đức như bên trên đã trình bày, mỗi năm có cả 10.000 người về chùa Viên Giác thăm viếng, học hỏi làm quen với giáo lý nhà Phật. Đa phần là họ thích học Thiền và hay hỏi về luân hồi, tái sanh là gì? Sau khi chết đi về đâu? Niết Bàn như thế nào? và giác ngộ là trạng thái ra sao v.v... Dĩ nhiên là không phải đơn giảng hoàn toàn; tuy nhiên những câu hỏi đó không phải là khó trả lời, mà có nhiều trường hợp chưa cần trả lời đến nữa. Nếu có trả lời bây giờ họ cũng khó hiểu và khó chấp nhận. Vì nếu đứng từ quan niệm hữu thần; nghĩa là có một vị thần sáng tạo để hiểu Phật Giáo thì không làm sao mà hiểu nổi Đạo Phật được.

Kể từ năm 1994 đến năm 2001 tôi có một lớp chuyên tu cho những người Đức, đa phần là giới trí thức như Luật sư, Bác sĩ, Giáo sư, Giáo viên và người thường có tín tâm đối với Đạo Phật. Học suốt 7 năm như thế. Mỗi lần đông nhất là 25 người và ít nhất là 5 người. Mỗi tháng chỉ tu và học một lần thôi. Mỗi lần chừng 2 tiếng đồng hồ. Đầu tiên chúng tôi ngồi thiền 30 phút, sau đó là học một bộ kinh nhất định nào đó. Ví dụ như kinh Bát Nhã, kinh Vu Lan Bồn, kinh Dược Sư, kinh Pháp Hoa và giáo lý căn bản Đại Thừa giáo. Cứ đọc qua một đoạn kinh là giải thích ý nghĩa của những từ mới và nội dung của kinh văn. Nếu ai có thắc mắc thì hỏi, hoặc đưa ra những nhận xét của mình về những gì đã học được.

Tôi thấy việc học ấy cũng có kết quả nhất định của nó; nhưng đa phần người Đức thích lý luận và đi vào tri thức nhiều hơn. Còn việc hành trì họ ít thực tập nên cũng khó mà cân bằng cho sự học và hành theo giáo lý của Đạo Phật.

Có nhiều vị Đại Sư Á Châu có học vị tốt nghiệp tại Âu Châu nầy, khi đi vào cộng đồng người Phật Tử Đức cũng có những cái khó khăn nhất định của nó. Ví dụ theo tinh thần của lục độ vạn hạnh hay lục Ba La Mật là bố thí đi đầu rồi mới đến trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Phải thuận chiều như thế; nhưng người Âu Mỹ khi học Phật lại muốn ngồi thiền trước, thì đây là điều nghịch lý vậy. Thiền sẽ sinh ra trí tuệ; nhưng nếu trí tuệ kia không qua giai đoạn hiến dâng phần vật chất của mình để xả thân cầu đạo thì thiền định và trí tuệ kia vẫn còn thiếu sót.

Người Đức có thể trả 5 đồng, 10 đồng hay đến 100 đồng để nghe một buổi giảng, hoặc mua một quyển sách; nhưng nói đến từ bố thí (Dana) hay Geberfreundlichkeit thì họ không thể hiểu nổi như người Á Châu hiểu. Do vậy mà giữa Tây và Đông vẫn còn nhiều điều khác biệt nhau là vậy. Mặc dầu ngày nay tại Đức nầy có rất nhiều chùa, trung tâm thiền học v.v... nhưng họ sinh hoạt dưới dạng khác.

Một hôm tôi gặp một Thiền sư người Đức - Ông ta đang vận động xây cất một ngôi chùa tại miền Bắc Đức, tôi có đề nghị là nên kêu gọi mỗi người một thước đất, mỗi gia đình nhiều thước. Nếu có nhiều gia đình cúng dường như thế thì mấy ngàn thước đất ấy cũng như ngôi chùa sẽ xong ngay. Ông ta nhìn tôi cười và trả lời rằng:

- Thầy nói đúng! nhưng người Đức của chúng tôi nếu họ cúng 1 hay 10 thước thì họ đòi có quyền lợi trong 10 thước đó họ mới cúng, chứ không phải họ cúng không có điều kiện như người Việt Nam hay những người Á Châu đâu.

- Thế thì đâu còn ý nghĩa của Dana và Geberfreundlichkeit nữa. Tôi trả lời như thế.

Đó là một mẩu chuyện đối thoại nhỏ thôi, chúng ta đủ thấy bản chất của mỗi dân tộc khác nhau rồi. Ở đây không nói việc tốt xấu, hay dở, mà ở người Đức là phải rõ ràng, sòng phẳng thế thôi. Còn người Á Châu chúng tôi có tâm phụng sự, dâng hiến đối với Tôn Giáo không có một điều kiện nào cả.

Nói vậy những tổ chức từ thiện như Caritas, Diakönie v.v... họ dựa trên nguyên tắc nào để hoạt động? Dĩ nhiên là có nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ nhiều người Đức giàu có, không có người thừa hưởng gia tài, trước khi chết họ cúng tài sản ấy vào cho Giáo Hội. Các Giáo Hội Thiên Chúa và Tin Lành tại Đức nầy nhờ vào những tài sản ấy và tiền thuế nhà thờ. Họ lấy thuế của những người vô (trong) đạo và từ đó họ đem đi đầu tư ở mọi lãnh vực. Có như thế Giáo Hội mới tồn tại và phát triển được. Đây là những điểm chính. Do vậy việc lạc quyên hay cúng dường họ thường chỉ bỏ vào thùng bạc cắc chứ ít khi có số tiền lớn. Nếu đem ứng dụng việc cúng dường vào bên Đạo Phật thì sẽ có một khoảng không to tướng, không có gì để đền bù vào chỗ trống nầy được. Do vậy mà những tổ chức của Phật Giáo tại Âu Mỹ nầy mỗi khi tổ chức Hội Thảo, nghe giảng pháp hay hội họp v.v... đều lấy tiền vào cửa để bù đắp vào những chi phí như phòng ốc, xe cộ, tiền thù lao cho diễn giả v.v... nhưng tại Á Châu chúng tôi thì hầu như không lấy một lệ phí nào của tín đồ khi vào nghe giảng pháp. Dầu cho đó là một vị Đại Sư nổi tiếng đi chăng nữa. Tất cả cũng chỉ tự nguyện đóng góp theo sức mình mà thôi. Bởi vậy tục ngữ Việt Nam có câu:

"Con giàu một bó

Con khó một nén"

Điều ấy có nghĩa là ai giàu có, có khả năng thì cúng tiền bạc vào chùa nhiều. Trong khi người nghèo khó chỉ có một nén nhang để cúng Phật thôi. Mong Phật chứng minh. Đây cũng chẳng phải giống như chế độ bao cấp trong các xã hội chủ nghĩa, mà là một sự bình đẳng giữa con người với nhau, giữa lòng tin và Đức Phật. Phật không quở, không phạt những người không cúng; nhưng đồng thời cũng không cứu vớt những người giàu có, nếu sự cúng dường đó mang ý nghĩa đút lót, hối lộ. Chùa chiền, Giáo Hội sẽ san bằng sự cho ấy đến với mọi người, mọi nơi, nếu nơi nào thiếu và cần đến.

Người Đức hay người Âu Mỹ thành tựu nhiều công trình lớn. Vì họ có tính toán. Trong khi đó người Á Châu thì khác. Có tiền đến đâu thì xây chùa đến đó, không có thì thôi. Mặc dầu như thế nhưng khi quý vị sang Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Thái Lan, Bhutan v... nơi nào cũng có những ngôi chùa lớn cả. Tất cả đều do sự đóng góp tự nguyện của tín đồ. Ở Trung Quốc có nhiều ngôi chùa còn lớn hơn cung điện của vua chúa nữa. Cho nên nhiều nơi có câu: "Phép vua thua lệ làng" là vậy.

Điều nầy có nghĩa là khi dân đã một lòng hỗ trợ cho vấn đề tín ngưỡng của mình thì dầu cho vua có ban phép xuống bảo rằng không nên làm thì dân vẫn cãi lại để thực hiện lý tưởng của họ là phụng sự Đạo Pháp vậy.

Đạo Phật đã đến Đức 200 năm rồi, kể từ ngày Schopenhauer làm quen với giáo lý của Đạo Phật, rồi đến Hermann Hesse, Nietzsche v.v... là những triết gia rất nổi tiếng của nước Đức; nhưng thuở 100 hay 200 năm trước những triết gia nầy đi tìm những nguyên lý sống hợp với đạo đức và cái nhìn khác với hữu thần giáo. Họ không phải là những tu sĩ hay những người lãnh đạo tinh thần. Do vậy họ không cổ võ việc xây chùa cũng như tạo dựng những trung tâm tu học to lớn. Nhưng bây giờ bắt đầu từ từ họ thấy tầm quan trọng của cơ sở và thế đứng của Phật Giáo trong cộng đồng xứ Đức nầy. Do vậy những cơ sở Phật Giáo được mọc lên khắp nơi, không phải để giải quyết vấn đề tín ngưỡng như người Á Châu, mà để giữ cái thể diện của niềm tin khi họ tìm về với Đạo Phật.

Đạo Phật không phải chỉ để riêng cho người Á Châu, mà cũng chẳng phải là dành đặc ân cho một dân tộc nào cả. Nếu ai đó thấy giáo lý ấy thích hợp thì hãy chấp nhận và thực hành. Chỉ đơn giản vậy thôi và Phật Giáo cũng không mong có một số tín đồ thật lớn để rồi phải đi xâm chiếm xứ nầy hay xứ nọ. Do vậy mà Phật Giáo không có cơ quan đi truyền đạo. Cũng giống như thế những người Việt Nam khi đến xứ Đức nầy vì lý do tỵ nạn chính trị, khi không thể sống chung với người Cộng Sản Việt Nam nữa, cũng giống như người Đức không thể sống chung với chủ nghĩa Đức Quốc Xã nữa nên mới đi tỵ nạn khắp nơi trên thế giới. Khi đến đây người Việt Nam, người Tây Tạng hay những người Á Châu khác có mang theo một Tôn Giáo đã có mặt mấy ngàn năm tại đó và họ tiếp tục thực hành tại đây. Người địa phương thấy thích hợp, hài hòa, có lòng từ bi lợi tha rộng lớn; nên họ có thể chấp nhận được và họ theo. Cuối cùng rồi số tín đồ Phật Giáo ở Đức nầy càng ngày càng lớn. Đây là một kết quả tự nhiên, không mong cầu, không ỷ và dựa vào bất cứ một thế lực nào từ bên trong lẫn bên ngoài cả.

Chương nầy tôi đã giới thiệu tổng quát về phương pháp tu của chùa Viên Giác tại Hannover cho người Việt lẫn người Đức. Ngoài ra mỗi người tu theo Phật nên thực hiện tâm từ bi và hỷ xả để đối đãi với nhau thì mọi người đều được an lạc. Thông thường trong cuộc sống nầy ai cũng có khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc. Vì vậy giáo lý của Đạo Phật phải là một giáo lý mang lại cái hạnh phúc miên viễn cho con người. Sự an lạc ấy có nơi nụ cười của Đức Phật, sự tiếp xúc với Tăng Ni; những lời an ủi chí tình v.v... nhưng đó mới chỉ nằm bên ngoài thân ta, làm sao sự an lạc ấy phải xuất phát ngay từ tâm ta thì mới tốt hơn. Vì lẽ khi tâm ta thể hiện lòng từ bi thì mọi cử chỉ, mọi hành động, mọi đối tượng đều được an hòa dầu ít hay nhiều. Nếu tâm ta không an và không tịnh thì chính mình đã khổ, làm sao giúp kẻ khác an ổn được.

Tâm mình có đầy dẫy tham, sân, si và nghiệp chướng; nếu chúng ta biết thực hành những thiện pháp thì các ác pháp kia sẽ tự động tiêu diệt. Chúng ta không cần mang cái tham, sân, si ấy đi giao cho người khác giữ dùm. Vì người nào cũng muốn vứt bỏ chúng; nên chẳng ai có can đảm đâu mà thầu thêm những của nợ của người khác bao giờ. Thông thường ai cũng muốn buông bỏ, chứ ít ai muốn cột chặt vào. Nhưng buông bỏ như thế nào, lại chẳng thực hiện. Nhiều lúc còn cột chặt thêm vào thì có, đâu có dễ gì buông bỏ, dẫu biết rằng đó là những điều không tốt với nội tâm mình.

Nói tóm một điều, dầu cho tông nào hay phái nào đi nữa cũng nhằm giúp đỡ chỉ rõ mặt mũi của tự thân, thấy rõ mình là ai thì lúc đó tu Thiền, tu Tịnh Độ hay tu Mật cũng chẳng muộn. Ngược lại càng tu càng bị hoàn cảnh chung quanh hoặc nội kết nó trói buộc lại làm cho mình lúng túng, không biết lối ra thì liệu tu hành như thế nó có được những lợi ích gì ?

Người Việt Phật Tử theo Đạo Phật giống như một truyền thống. Vì cha mẹ là Đạo Phật nên con cái tự nhiên là Phật Tử. Tuy nhiên nếu muốn hiểu giáo lý Đạo Phật một cách chính xác thì cần phải nghiên cứu tìm tòi, thực tập, chứ không phải chỉ đóng khung nơi truyền thống mà thôi.

Người Đức vì sống với truyền thống tôn giáo lâu đời có tính cách hữu thần, khi tìm hiểu đến Đạo Phật thấy không phải như vậy, nghĩ rằng dễ dàng hơn để đi đến Niết Bàn, giải thoát. Trên thực tế thì nó không đơn thuần như vậy. Vì muốn tìm vàng và kim cương thì người ta phải tốn công đào sâu vào lòng đất, chứ không thể hời hợt ở trên mặt đất là có vàng hay kim cương đâu! Sự tu hành cũng hoàn toàn giống như vậy.

---o0o---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/01/2019(Xem: 6579)
Chúng tôi quay trở lại Trung tâm Từ thiện và Hướng nghiệp Phật Tích lần thứ 3 trong năm 2018 với mục đích giao lưu và truyền động lực cũng như khát vọng vươn lên trong cuộc sống cho các em nhỏ sống tại trung tâm. Mỗi một lần đến Trung tâm Phật Tích chúng tôi đều luôn vô cùng bất ngờ và hạnh phúc bởi những gương mặt trẻ thơ, ngoãn ngoãn và đầy hoạt bát của các em
23/01/2019(Xem: 5646)
Đến dự lễ cúng Tất niên tại Chùa Tịnh Quang ở Suối Hiệp, được đọc và nghiền ngẫm lại "Mười Điều Tâm Niệm" ngay tại chỗ, tự dưng thấy hỗ thẹn vô cùng, thấy mình quá yếu đuối, hèn nhát, trước pháp Phật vi diệu mà mình đã từng được nghe, được đọc, được học. Lòng nặng trĩu, bèn lên chánh điện lạy sám hối...
23/01/2019(Xem: 7794)
Trong kho tàng văn chương truyền khẩu hay huyền thoại Việt Nam đã có nhiều chuyện duyên-nợ. Chẳng hạn chuyện tích Mưa Ngâu mà dân gian đã có thơ truyền tụng: Tục truyền Tháng Bảy mưa ngâu. Con Trời lấy đứa chăn trâu cũng phiền. Một rằng duyên hai là rằng nợ. Sợi xích thằng ai gỡ cho ra.
17/01/2019(Xem: 7680)
Có nhiều người cho rằng cầu an cầu siêu là mê tín dị đoan rồi chê bai ... đối với những người đi cầu an cầu siêu. Lại có không ít người chưa hiểu biết về chuyện cầu an cầu siêu rồi lại rất cuồng tín, thậm chí làm ra những việc còn mang nhiều tội lỗi hơn như việc giết hại sinh vật cúng tế, đốt nhiều vàng bạc .... rồi muốn cầu Phật Thánh Thần ... gia hộ, thế nhưng tất cả những người trên ấy đều vô minh không thể mang lại phước đức mà còn tốn tiền, tốn thời gian và mất tiền của đã không có phước mà phải mang thêm tội lỗi chồng chất.
17/01/2019(Xem: 6204)
Có những kỷ niệm ta tưởng đã được cất giấu tận đáy sâu tâm hồn và sẽ phải mờ theo thời gian, theo sự đổi thay, sự trưởng thành của ta , nhưng không .....nó không hoàn toàn mất đi ...mà thật ra vẫn tồn tại trong cơ thể ta qua những hình thức vật lý hay khuôn mẫu mà ta ứng xữ và đó cũng chính là nguyên tắc mà tôi đã học về nghiệp ....hay nói đúng hơn là những trải nghiệm trong cuộc đời ....
15/01/2019(Xem: 14977)
“Một nữ cư sĩ đến gặp vị thầy trụ trì và nói: "Bạch Thầy, Con không đi chùa nữa!" Vị Thầy hỏi: – Vậy à, Đạo hữu có thể cho thầy biết lý do không?
14/01/2019(Xem: 7798)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - (phần 13) vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột[1] cho đến vật âm mình! Nguyễn Cung Thông[2] Phần này bàn về một số cách dùng trong tiếng Việt như lòng, bụng, dạ, ruột thời các LM Alexandre de Rhodes và Jeronimo Maiorica sang An Nam truyền đạo. Đây là những ‘cầu nối’ để có thể giải thích một số cách dùng hiện đại. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đôn Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
14/01/2019(Xem: 6802)
Bài này là phần 4 trong loạt bài viết về hiện tượng đồng hóa âm thanh trong ngôn ngữ với tâm điểm là tiếng Việt. Phần 1 bàn về khuynh hướng đồng hoá âm thanh (phụ âm) qua các cách dùng ròng rọc < rọc rọc, phưng phức < phức phức, nơm nớp < nớp nớp, phấp phất/phất phới/phân phất < phất phất và khám bệnh < khán bệnh. Phần 2 bàn về khuynh hướng đồng hoá âm thanh (thanh điệu) qua các cách dùng Huyền Trang < Huyền Tảng/Tráng, Tịnh Độ < Tịnh Thổ. Phần 3 chú trọng vào cách dùng tẩm liệm so với tấn/ tẫn/tẩn liệm qua khuynh hướng đồng hoá âm thanh (phụ âm) như khán bệnh > khám bệnh. Bài này (phần 4) bàn về các dạng phong thanh (phong thinh), phong phanh và phong văn.
11/01/2019(Xem: 6231)
Trước khi bàn về ma, chúng ta thử định nghĩa xem “ma” là gì. Thông thường, ma là người đã chết hay người chết. Đang sống thì là người. Nhưng vừa chết một cái đã thành ma, thây ma. Chính vì thế đám ma là nghi thức hoặc tục lệ để khóc than, để tang, thăm viếng, tiễn đưa hoặc chôn cất, hỏa thiêu người chết.
11/01/2019(Xem: 6653)
Sống chung với nghịch cảnh, đương đầu với chướng duyên, gẫm ra đó cũng chính là một pháp môn tu trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật truyền dạy. Người đã tu học theo Pháp Phật thì chẳng còn lạ gì chuyện “sống chung” và “đương đầu” này! Nhờ chướng duyên mà ta mới thấm thía được lý nhân quả. Nhờ nghịch cảnh mà ta mới nhận thấy rõ vô thường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]