Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xuân Di Lặc

13/05/201312:40(Xem: 10911)
Xuân Di Lặc
Cho Trọn Mùa Xuân


Xuân Di Lặc

HT. Thích Đức Niệm
Nguồn: www.quangduc.com


mai-2Hôm nay là ngày xuân tết, ngày mừng vui của mọi người, ngày ai nấy tràn đầy hy vọng nơi lòng. Dù đang sống ở đâu, ở vào lứa tuổi nào, trong ngày đầu năm xuân tết, cũng đều cảm thấy nhen nhúm nơi lòng niềm hân hoan, rộn ràng bừng dậy nguồn sống hy vọng tươi sáng khắp tâm hồn.

Niềm vui tự nhiên nẩy nở nơi lòng mọi người trong ngày xuân tết, nên nhà Phật thường chúc cho nhau: “Năm mới chúc quý bà con đạo hữu trọn hưởng mùa xuân Di Lặc.”

Xuan Di Lặc là xuân hoan hỷ, niềm hoan hỷ tràn đầy vô biên, không vướng mắc, không bận lòng, không lo âu, không phải là xuân vui theo thời gian mùa tiết đến đi, mà là xuân thường nhiên bất diệt, xuân miên viễn chơn thường, xuân phát triển khả năng thánh thiện.

Nói đến đức Di Lặc, người ta liền nghĩ ngay đến hình ảnh dáng vóc của một ông Phật bụng phệ, miệng cười hả hê toe toét, với mấy trẻ nít trèo lên mình nghịch phá, mò rún, kéo tai, rờ miệng, thọc mũi làm đủ trò nghịch giỡn. Trong lúc đó ngài Di Lặc vẫn tươi cười xuề xòa tự tại không chút tỏ ra chướng ngại bực mình.

Nụ cười Di Lặc thật tươi, thật hồn nhiên, thật cởi mở, biểu lộ trọn vẹn cõi lòng rộng mở bao la, buông thả hoàn toàn. Nụ cười của đức Di Lặc thể hiện tâm hồn thanh thản an nhiên tự tại, không còn mảy may u ẩn chướng ngại nơi lòng. Phải nói là nụ cười cởi mở giải thoát có một không hai trên trần thế. Nụ cười Di Lặc là nụ cười muôn thuở, muôn thời, vượt ngoài giới hạn buộc ràng thời gian không gian và hoàn cảnh không còn mảy may dính mắc. Từ hình thái đặc thù này, quý vị có thể lãnh hội được ý nghĩa tại sao ngày xuân tết, nhà Phật gọi là xuân Di Lặc và chúc cho nhau trọn hưởng mùa xuân Di Lặc.

Đức Di Lặc tượng trưng cho nguồn vui bất tận, an nhiên tự tại, hạnh phúc muôn đời, vượt ngoài vướng mắc hoàn cảnh, thời gian và không gian. Trong ý nghĩa đó, nhà Phật mong cho mọi người có được đời sống tự tại, giải thoát an vui, hạnh phúc chân thật trường cửu như đức Di Lặc và đặc biệt đối xử với nhau chân tình vui đẹp hài hòa như cảnh năm chú bé chọc phá đủ điều đủ cách mà Ngài vẫn nở nụ cười hỷ xả trên môi.

Làm thế nào để có nụ cười an lạc hạnh phúc chân thật trường cửu như đức Di Lặc? Nụ cười tràn đầy hoan hỷ đó chỉ có với những ai có tâm hạnh hỷ xả lợi tha. Lòng vị tha, hạnh buông xả thì tự nó đã chứa chan chân thật hạnh phúc. Ta thấy mấy đứa bé trèo leo khuấy phá trên người đức Di Lặc mà Ngài vẫn an nhiên cười hả hê, tức là tâm ngài đã hỷ xả tự tại vô ngại, khai thông rộng mở cánh cửa lòng, không ranh giới, không phân biệt cách ngăn nhân ngã, nên không còn ranh giới giữa mình với người, mình với hoàn cảnh. Ai biết sống đời buông thả, hỷ xả, vị tha là người mở rộng cánh cửa hạnh phúc cho mình và cho đời. Nên kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy người tu hành muốn được tự tại giải thoát thì phải biết sống “bất tùy phân biệt.” Tức là không phân biệt chấp trước dính mắc theo trần cảnh. Nếu còn phân biệt chấp trước theo trần cảnh tức là tâm còn sanh khởi bỉ thử đắc thất, tam độc tham sân si theo đó mà sanh khởi. Còn tam độc là còn sống trong hẹp hòi ích kỷ, nghi hoặc bất chơn, tức là còn chìm trong biển sóng gió ba đào phiền não khổ lụy, còn trôi lăn trong dòng thác lũ sanh tử luân hồi.

Người đời sở dĩ khổ đau bệnh hoạn bởi do tâm phân biệt chấp trước. Tâm phân biệt cái này tốt đẹp thì mong muốn, mong muốn chụp bắt không được thì sanh ra buồn khổ. Tâm chấp chặt vào tiền của, vợ con, ái tình, danh vọng thì lòng luôn luôn bất an. Bởi vì tâm buồn vui theo những thứ này, còn thì vui, ly tán thì thất vọng buồn phiền đau khổ. Một khi chưa đạt lý vô thường, thế gian vạn vật hợp tan mộng huyễn, nên người đời cuồng dại sống theo tâm phân biệt chấp trước. Do tâm phân biệt, nên đối với sự việc gì không thích thì dù cho có tốt mấy cũng cho là xấu, rồi lạnh nhạt, ghét bỏ, nguyền rủa, tìm cách ám hại. Còn nếu thương thích thì dù có hư xấu ác độc cũng khen ngợi bao che. Con người do tâm phân biệt chấp trước nên phải luôn luôn dính mắc, sống trong trạng thái dày vò cuồng si đau khổ suốt kiếp. Tâm an thì lý đắc, thân khỏe, tinh thần vui. Tâm bất an thì lý bất đạt, thân bệnh hoạn, tinh thần suy.

Muốn hết đau khổ, ta nên tập sống đời vị tha hỷ xả, mở rộng cõi lòng thương người thương vật như chính tự thương ta. Việc gì qua nên cho qua, quên đi, đừng thắc mắc nhắc nhở ghi khắc chấp chặt nơi lòng. Càng khắc sâu trần cảnh danh lợi ngũ dục lại nơi lòng, thì càng tăng thêm cố chấp tiếc thương buồn phiền. Còn cố chấp thì tâm thần càng chật hẹp bất an, cản ngăn bước tiến bộ trên quang lộ an lành. Tâm lượng bị thu hẹp, thì vũ trụ tâm thức không còn bao la tươi đẹp thanh bình. Tâm cố chấp thì không khác gì người khát uống nước biển, càng uống càng khát. Tài sắc danh lợi ái ân ngũ dục tình đời chỉ là trò chơi nguy hiểm, nhận chìm con người xuống hố thẳm khổ lụy tội lỗi. Cổ đức đã nói: “Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết.” Nghĩa là người muốn có đời sống tiến bộ trên quang lộ giác ngộ hạnh phúc thì phải biết nhận thức âm thanh danh sắc ngũ dục ở đời như hoa trồng trên đá, như bụi vướng trong mắt, hàm chứa tánh chất vô thường mộng huyễn. Nếu mê muội tham đắm chấp trước ngũ dục (tài, sắc, danh lợi, ăn, ngủ) thế gian, thì vô tình để đời mình rơi vào hầm hố chông gai của luân hồi sanh tử đau khổ triền miên. Dục lạc trần gian có năng lực cuốn phăng như dòng thác lũ đẩy trôi nhận chìm bao kiếp người. Thi nhân đã bày tỏ quan niệm đó: “Cuồn cuộn Trường Giang đăng lưu thủy thảo hoa đào tận anh hùng; thị phi thành bại chuyển đầu không, thanh sơn y cựu tại, cơ độ tịch dương hồng.” Nghĩa là, dòng nước sông Trường giang cuồn cuộn chảy xoáy rễ trốc gốc cuốn đi hết bao cỏ cây hoa lá anh hùng. Danh lợi thị phi thành bại ở đời rồi cũng trắng tay không trong một sớm một chiều. Núi cây muôn đời xanh biếc, bóng chiều mấy độ tà dương.

Có lẽ nhận chân được tánh chất huyễn mộng của dục lạc cảnh trần, mặc dù tánh chất huyễn mộng, nhưng chúng thể hiện qua tướng trạng ngũ dục lạc với sức hấp dẫn cuốn lôi nổi chìm người đời một cách phi thường làm cho lớp lớp người trần gian đau thương vì đắm đuối, để rồi âm thầm thiêu hủy khả năng cầu tiến trên đường thánh thiện giác ngộ giải thoát. Tham đắm ngũ dục thế gian chẳng khác như người đam mê thuốc phiện, say sưa tửu sắc cờ bạc, mặc nhiên tự hủy hại mình trên đường lập nghiệp, biến thành nhân cách sa đọa, nên thi nhân đã khéo nhắc nhở:

Nước sông cuồn cuộn cuốn trôi,
Lôi kéo bao kẻ anh hùng
Nhận chìm kiếp sống thanh cao
Đào thải kẻ háo danh sắc
Núi xanh vẫn như thuở nào

Thi nhân còn phác họa bức tranh vân cẩu tuyệt đẹp để nói lên tánh chất vô thường huyễn ảo của thế sự nhân tình hợp tan, kiếp sống con người quá đỗi mong manh như gió thoảng mây bay:

Mây tương cẩu trắng xanh xanh trắng
Trắng rồi xanh, cuộc thế thể chiêm bao
hoa hải đường tươi héo héo tươi
Tươi lại héo người đời như ngọn gió

Sự đời như mây tan hợp. Kiếp sống con người như gió thoảng, như chiêm bao, mà con người vẫn lao đầu chụp bắt lợi danh sắc tình giả huyễn không lúc nào thôi. Giáo lý nhà Phật trình bày cho người trần thế nhận chân thế sự vô thường, mạng người trong hơi thở. Có nhận chân như vậy để không đắm đuối tiếc nuối khổ lụy vào dục lạc vô thường còn mất, để còn có cơ hướng đến cái chơn thường, ngõ hầu được sống trường cửu với tánh linh ngời sáng an lạc, chứ không phải để bi quan yếm thế, trốn tránh cuộc đời. Cũng như người nào ý thức biết nhận mình dốt, gắng công chịu học để cầu tiến thì trở nên người kiến thức khôn ngoan. Biết mình bịnh, chịu cầu thầy hay thuốc tốt chữa trị thì thân tâm trở nên lành mạnh. Có ý thức mình đang sống trong hoàn cảnh vô thường bất an không hạnh phúc chân thật, thì mới nỗ lực tìm cách tạo cảnh sống an lành hạnh phúc chơn thường. Tất cả sự tiến bộ hạnh phúc của con người đều do chính con người biết ý thức nhận định nhìn rõ sự thật. Tất cả đều do tâm tạo. Tâm sáng lành thì tạo hạnh phúc. Tâm chân thật thì nhận hưởng chơn thường. Tâm tham độc thì tạo đời sống bất an.

Làm thế nào để đạt được an lạc chơn thường, hạnh phúc trường cửu? Điều nầy chỉ có một con đường duy nhất là tu. Tu là sửa. Nghĩa là những gì mình vốn đã có rồi, như đồ vật, tánh tình, bây giờ nó hư, nó sai, nó xấu, nên sửa lại cho nó tốt nó đúng. Tức là tâm ta vốn đã có tánh chất thánh thiện từ bi hỷ xả vị tha rồi, nhưng ta quên đi, lại chạy theo mộng huyễn tình thức tham dục sân si làm cho vẩn đục lu mờ cái đặc tánh thánh thiện từ bi hỷ xả cao đẹp trong ta, để rồi ta phải chịu lắm nỗi sầu bi khổ lụy nổi chìm. Chẳng khác nào như lư đồng vốn sáng bóng, nhưng bị gió lộng không khí đốt mà thành ten ố. Bấy giờ muốn chất đồng sáng bóng hiển lộ thì phải đánh bóng. Cũng đồng ý nghĩa nầy, học trò ham chơi không chịu đến trường chăm học; kẻ đồng tử con của nhà triệu phú nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè xấu ác bỏ nhà trốn cha mẹ, để đam mê rượu chè cờ bạc xì ke ma túy; kẻ đi ăn xin, chỉ vì quên lời dặn của mẹ cha lấy ngọc cất trong lai áo ra dùng, nên phải cực khổ đói rách dày vò lang thang khắp chốn.

Chúng sanh cũng giống như thế. Trong mỗi chúng sanh đều có tánh từ bi hỷ xả trí huệ. Đức Phật tha thiết khuyên chỉ khai thị cho chúng sanh nên sớm trở về với đặc tánh thánh thiện trí huệ từ bi hỷ xả của chính mình đó khai triển để sống đời vị tha cao thượng, để trọn hưởng bầu trời bao la hạnh phúc. Nhưng chúng sanh không nghe theo, lại chỉ thích sống theo phàm tình dục vọng ích kỷ chấp trước hình danh sắc tướng, đắm mê mộng huyễn ái tình nhục dục xác thân tham ăn mê ngủ, đua đòi rượt bắt đủ thứ phù hoa danh lợi thế gian, mà không bao giờ dừng bước biết đủ. Nào có biết danh lợi ái tình thế gian vừa nắm trong tay, thì xảy mất liền sau đó. Chụp bắt dục lạc ở đời chẳng khác nào chụp lấy bọt sóng trên biển, bèo trôi trên sông. Càng chụp bắt danh lợi ái tình thì càng chuốc lấy khổ lụy vào thân, chứ không bao giờ hạnh phúc dài lâu. Thi nhân nói:

Hạnh phúc bọt nước nếu cầm tay
Hỡi người ơi! Trên trần thế vạn ngày
Chưa sánh được một ngày trong đạo giới

Lòng người tối tăm mê muội lấy giả làm chơn, chấp hư làm thật, tự nhận chìm suốt trọn kiếp vào chuyện thiệt hơn, thị phi; suốt tháng năm rắp tâm đuổi bắt danh lợi ái tình huyễn hóa đang chờn vờn trước mắt. Họ đuổi bắt đến kiệt sức uất lòng mà vẫn chưa có phút giây nào tâm hồn thật sống thanh thản. Chẳng khác nào xưa kia có nàng công chúa nhìn những hạt nước mưa rơi phản chiếu dưới ánh nắng ban mai lấp lánh muôn màu sắc, tưởng đó là những hạt ngọc quý đẹp tuyệt trần, quyết đòi lấy cho được những hạt ngọc nước đó xỏ xâu thành chuỗi. Ước muốn không thành nên sanh tâm đau khổ phát bệnh đến gần mất mạng. Nếu không có vị lương y kịp thời đến giải thích làm cho nàng tỉnh ngộ đó là những hạt nước mưa chứ không phải ngọc thật, thì chắc có lẽ nàng sẽ suốt đời ôm lòng ước ao chuỗi ngọc kia mà phải đau khổ triền miên, hủy hoại một đời thanh xuân hương sắc đến tuyệt mạng oan uổng! Vị lương y tượng trưng cho ai? Nàng công chúa kia tiêu biểu cho ai? Xin quý vị giải đáp giùm!

Người đời đuổi bắt phù hoa danh lợi ái tình nào có khác nàng công chúa kia nằng nặc quyết đòi lấy cho được những hạt nước mưa xâu làm chuỗi? Cứ tưởng ý nghĩ của mình là đúng, vật sở hữu của mình là thật, rồi sanh tâm chấp chặt. Nào có biết khi vừa chụp bắt được ngũ dục chưa thỏa nụ cười thì nó đã tan biến không còn! Ước mong chưa tròn thì đã tiêu mất, rồi lại sanh tâm lẫn tiếc thở than! Bướm lượn trên hoa màu sắc tươi đẹp, dáng điệu nên thơ. Rờ tay bắt bướm, thì bướm liền rách cánh rụng chân, thân bướm thành sâu nhộng! Cảm thông nỗi lòng nhân thế, thi nhân diễn tả nỗi xót xa hạnh phúc mộng huyễn của người trần gian và hạnh phúc người biết tu tỉnh với cõi lòng thanh tịnh như sau:

Lấy gió mát, trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.

Hạnh phúc của thế gian mong manh như bọt nước trong tay. Vui hạnh phúc thế gian là vui ngũ dục lạc. Bản chất của ngũ dục lạc là uế trược vô thường. Hạnh phúc của người liễu đạo là người có cõi lòng thanh tịnh thong dong thì khổ hóa vui. Nên cổ đức cảnh tỉnh người trần thế:

Vui trong tham dục vui là khổ
Khổ để tu hành khổ hóa vui

Ta hãy nghe tăng nhân Thiền Lão sống một đời an bần lạc đạo thanh cao của một nhà tu thanh đạm trong chốn thiền môn, lòng buông thả tất cả việc thế sự, đã kín đáo trao gửi lời nhắn nhủ đến vua Lý Thái Tông, người tượng trưng cho sự sống tràn đầy hạnh phúc trần gian, tột đỉnh danh vọng quyền quý trong thiên hạ:

Nhà vua hỏi: Hòa Thượng sống ở đây bao lâu rồi?

Thiền Lão đáp:
Sống ngày nay chỉ biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì
Nhà vua lại hỏi: Thường ngày Hòa Thượng làm gi?

Thiền Lão đáp:
Trúc biếc hoa vàng đây cảnh sắc
Trăng trong mây bạc hiện toàn chơn.

Ta thấy cõi lòng của tăng nhân buông thả tất cả, hài hòa với thiên nhiên vạn vật, giải thoát không còn mảy may vướng bận dính mắc, nội tâm ngoại cảnh rỗng không dung thông, nên lòng của người bao la chan hòa cùng vũ trụ, hài hòa pháp tánh chân như “hiện toàn chơn.” Trong khi đó tâm của nhà vua thì bị giới hạn với thời gian và cảnh vật.

Không phân biệt thì không chấp trước. Không chấp trước thì không dính mắc. Không chấp trước không dính mắc thì không bị lợi danh ân tình sai khiến. Không dính mắc, không bị thế sự cuốn lôi sai khiến thì tự tại vô ngại thản nhiên trước quyền uy danh vọng tình đời.

Một hôm vua nhà Tống trịệu Hòa Thượng Phất Ấn vào triều và ban chiếu chỉ bắt các sư tăng mỗi lần triều kiến nhà vua phải lễ lạy. Hòa thượng Phật Ấn đối trước vua, nghiêm chỉnh đứng thẳng người đáp: “Người đời quý trọng danh lợi quyền uy, vua thể hiện điều đó hơn hết trên đỉnh cao thiên hạ, nên mọi người phục lạy. Còn người xuất gia đầu Phật xem địa vị danh lợi quyền uy như gai trước mặt, như rác trong mắt, phải mau xa lánh ném bỏ. Hoàng thượng cần triệu bần tăng vào triều, chứ bần tăng nào có muốn cân đai võng lọng, danh vọng quyền uy?” Vua Tống nghe, lòng thầm khâm phục gật đầu khen: “chí lý, chí lý! Thật là tâm địa hỷ xả!”

Người chánh tâm cầu đạo giác ngộ là người biết hy sinh tham vọng tự kỷ, tự thân đã buông thả hy sinh tất cả, để kiến tạo đạo tràng xứ xứ, phá lưới nghi tham vọng trùng trùng, để hàng phục ma quân, làm rạng ngời chánh pháp, thức tỉnh quần sanh chứ không phải len lỏi tìm cách quen thân với kẻ quyền thế để phô trương danh vọng của mình. Kẻ thích dựa quyền thế để cầu danh lợi dưỡng là kẻ tục hóa đạo,lấy đạo tạo đời. Chư Phật các tổ nói những kẻ đó “thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo,” “lấy đạo tạo đời mong cầu lợi dưỡng.”

Thật là tự tại giải thoát làm sao, khi người càng biết xa lánh danh vọng quyền uy dục lạc trần gian, an bần lạc đạo, thì càng gần ánh sáng giác ngộ của Phật, càng được tự tại giải thoát, như Lục Tổ Huệ Năng đã bốn lần từ chối hoàng đế Võ Tắc Thiên triệu thỉnh về triều để nhà vua sắc phong, cung phụng cúng dường như bậc sư phụ, dù là quyền uy danh vọng của nhà vua trùm khắp thiên hạ, mà Lục Tổ vẫn chẳng vướng bận lòng. Vật chất tham vọng càng cao thì đạo hạnh tâm lành càng thấp. Tổ Liễu Quán vui sống thanh bần hái củi đốt than để hoàn thành đạo hiếu đạo tâm và liễu nghĩa Phật pháp, đã thể hiện trọn vẹn tinh thần tự tại giải thoát đó, khi người bày tỏ với môn đồ trước giờ viên tịch:

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thảy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bận lòng hỏi tổ tông?

Hôm nay ta đang hưởng xuân tết trần gian. Xuân tết trần gian là xuân tết hữu hạn theo tháng theo mùa có đến có đi. Ta nên chuyển xuân tết trần gian thành xuân tết hoan hỷ Di Lặc. Xuân tết Di Lặc là xuân tết chân thật trường cửu siêu việt thời tiết tháng năm. Phật dạy: Tất cả khổ vui thăng trầm vinh nhục mất còn chơn giả đều do tâm người tạo ra. “Tâm xuân vũ trụ đều xuân.” Vậy ta nên thật lòng quán xét lại tự tâm, xem thử hành vi tâm niệm của ta trong năm rồi động tĩnh như thế nào, điều gì sai quấy gây phiền khổ cho mình cho người? Nếu còn ray rứt buồn khổ nơi lòng, thì chính tâm ta quá nhiều vọng động theo cảnh trần, nên chưa giảm thiểu phiền lụy, chưa nhổ sạch gốc rễ ích kỷ tam độc tham sân si. Gốc ích kỷ tam độc còn trong lòng thì đừng mong trọn hưởng mùa xuân Di Lặc.

Đức Phật dạy các Tỳ kheo rằng: “Chừng nào ba con rắn độc tham sân si ra khỏi tâm các ông,lúc đó các ông mới an tâm ngủ.” Lời dạy đó hàm chứa ý nghĩa nhắn nhủ hành giả ngày đêm phải chuyên tâm niệm Phật tham thiền, chuyên cần tu sửa, gột rửa tâm hồn, cho đến khi nào ba con rắn độc tham sân si không còn ẩn núp trong tâm ta nữa, khi đó ta mới thật sự an lành, mới thật sự tắm mát trong ánh sáng mùa xuân Di Lặc. Nếu tâm còn phân biệt hơn thua, quên hồi quang phản chiếu tự tâm để sửa sai lầm vọng niệm, cứ tiếp tục đắm chìm trong vọng thức mê tình thị phi, thì khó có mùa xuân Di Lặc nơi lòng.

Trong giờ phút thiêng liêng của đêm giao-thừa, tống cựu nghinh tân, tiễn biệt cũ, nghinh tiếp mới, chúng ta hân hoan đón mừng xuân Di-Lặc. Xin quý vị cùng tôi, thành kính trang nghiêm trước Phật đài, nhìn thẳng tượng Ngài dâng trọn lòng thành phát nguyện: “Chúng con một dạ chí thành phát nguyện, năm mới tinh tấn sống đời vị tha, quyết xả bỏ dục tình tham chấp gút mắc nơi lòng, quyết trục xuất ba rắn độc tham sân si ra khỏi nội tâm, nguyền theo gót chân Phật, sống đời từ bi hỷ xả, xa lìa ngũ dục.”

Từ năm mới trở đi, ta quyết tâm sống trọn với lời phát nguyện. Một khi đã sống với lời phát nguyện, thì kìa, trời xuân Di-Lặc hân hoan đã hiện về tràn ngập lòng ta và chan hòa nguồn sống an lạc khắp trần gian, bình minh của nguồn sống tràn khắp vạn vật.

Nên nở nụ cười bao dung với người và vật thì đó là đích thực xây dựng mùa xuân Di-Lặc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/09/2017(Xem: 6395)
Nhân cách là vấn đề cơ bản của "tâm lý học"; khoa tâm lý cho rằng nhân cách được hình thành bởi 3 yếu tố: -xã hội, sinh học và tâm lý. Con người là một động vật tự hữu về hoạt động, một phần chịu ảnh hưởng bởi giáo dục, bởi cộng đồng xã hội và cuộc sống chung quanh. Ngoài vấn đề nhận thức tiếp thu từ ngoại cảnh, ý thức tự thân còn chịu ảnh hưởng không nhỏ về tập khí mà nhà Phật gọi là hạt giống tiềm ẩn trong tâm thức. Điều này tạo nên sắc thái cá biệt từ ý thức đến nhân cách. Nhân cách có thể thay đổi tùy hoàn cảnh, tuổi tác và sự cố.
27/09/2017(Xem: 7552)
Giông bão từ đại dương liên tục đánh vào bờ, gây lũ lụt, tàn phá nhà cửa, làm thiệt mạng cả mấy trăm người ở miền trung nam và đông nam Hoa-kỳ, rồi Ấn-độ và Việt-nam trong tháng qua. Tiếp theo là động đất, làm hàng trăm người ở Mễ-tây-cơ tử vong, mất tích. Rồi lại bão, quét qua các đảo quốc phía biển đông nước Mỹ, lấy đi mạng sống mấy chục người. Rồi lại động đất đâu đó ở châu lục Á châu. Lại có dự đoán động đất mạnh tại California (the Big One) vào tháng 10 năm nay. Thiên tai liên tục thị uy, đe dọa đời sống nhân loại bằng sức mạnh vô bờ mà dù đã đạt đến những kỹ thuật tân tiến hiện đại, người ta vẫn chưa tìm ra cách nào để khống chế. Chỉ có tiên liệu, dự đoán mà thôi. Sự tiên liệu có thể làm giảm thiểu tổn thất từ một số người nơi một xứ sở nào đó, nhưng cũng không sao tránh được một số trường hợp cá biệt.
25/09/2017(Xem: 7258)
Con đường thực nghiệm tâm linh dẫn đến đời sống giải thoát và giác ngộ đã được đức Phật giảng dạy ở trong các kinh điển, từ cô đọng đến khai triển, từ hẹp đến rộng, từ cạn đến sâu, từ phương tiện đến cứu cánh, qua các văn hệ kinh điển từ A hàm đến Đại thừa với nhiều thính chúng và nhiều căn cơ khác nhau. Đạo đế ở trong Tứ Thánh đế được các kinh điển Phật giáo nhấn mạnh là con đường diệt tận khổ đau và thành tựu các thánh quả giải thoát cho những ai có tín căn và nỗ lực thực hành.
25/09/2017(Xem: 8822)
Hai phật tử tại Anh Quốc bị phạt 15,000 bảng Anh vì tội phóng sinhVietbf.com - Thời gian gần đây, toà án mới tuyên mức phạt 15,000 bảng (gần 500 triệu đồng) cho hai người liên quan là Zhixiong Li (33 tuổi) và Ni Li (30 tuổi) do phá hoại môi trường vì đem tôm hùm và cua ra biển phóng sinh. Những buổi lễ phóng sinh luôn khiến người ta cảm động với câu chuyện hàng trăm, hàng nghìn loài động vật được trả tự do, thả về với môi trường sống. Tuy nhiên cách đây 2 năm, hai phật tử phóng sinh một lượng lớn tôm hùm trị giá 5,000 bảng (hơn 150 triệu đồng) xuống vùng biển Brighton, Anh đã bị phạt 15,000 bảng (gần 500 triệu) vì "tàn phá" môi trường.
23/09/2017(Xem: 7775)
Xuất gia gieo duyên báo hiếu là một truyền thống văn hóa đặc sắc của các nước Phật giáo Nam truyền và đã dần trở thành một phần không thể thiếu, được xem như nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi thanh niên trong một giai đoạn nào đó của đời mình.
15/09/2017(Xem: 10252)
Có thể nói trào lưu trong những năm gần đây về sự ra đời của nhiều quyển sách viết riêng cho người trẻ đã chiếm được lòng của đông đảo bạn đọc là những thế hệ 8X và 9X trong thị trường xuất bản sách tại Việt Nam.
15/09/2017(Xem: 6804)
Tôi, hơn mười năm trở lại, Nha Trang lớn dậy bề thế về mọi mặt, nhất là du lịch. Tôi là người ăn chay, được các chị tổ bếp lo cho những bữa cơm chay đầy đủ ngon miệng, tiếp lửa cho những trang viết mới toanh. Có lẽ đây là một duyên lành tôi nhận được. Tôi đã ở Nha Trang hơn bốn mươi năm trước, thường nghe câu ca dao của người dân:
15/09/2017(Xem: 12221)
Đôi Giòng Tâm Sự Mỗi bộ óc con người đều có một câu chuyện và sau đây là câu chuyện của bộ óc tôi… Hơn mười năm trước đây, tôi là giáo sư Đại học Y Khoa Harvard, chuyên nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên về bộ óc của con người. Nhưng vào ngày 10 tháng 12 năm 1996, tôi đã học được bài học về não bộ từ chính bộ óc của mình.
15/09/2017(Xem: 8811)
Ngày xưa tôi rất thích đi phóng sinh. Có khi cả nhóm đặt mua khá nhiều cá, tôm cua, ốc, chim,… để phóng sinh. Thật là hạnh phúc khi làm lễ phóng sinh và phóng sinh để cứu mạng các loài động vật đáng thương này.
14/09/2017(Xem: 7933)
Dưới đây là phần chuyển ngữ một quyển sách nhỏ của Phật giáo Đài Loan được phổ biến khá rộng rãi. Tác giả là Hòa thượng Hsing Yun (星雲/Tinh Vân), vị đại sư viện chủ ngôi chùa nổi tiếng Fo Guang Shan (佛光山/Phật Quang Sơn) tại Kaohsung (高雄/Cao Hùng) thành phố lớn thứ hai tại Đài Loan. Theo lời giới thiệu trong quyển sách này thì Hòa thượng Tinh Vân sinh năm 1927, thụ phong tỳ kheo năm 1941, là một nhà sư thuộc Thiền Tông, học phái Lâm Tế (Linji). Sau khi thụ phong, Ngài tham gia tích cực vào các chương trình ấn hành kinh sách, cộng tác với các tạp chí Phật giáo và đồng thời thành lập các tổ chức canh tân Phật giáo, chẳng hạn như mở các "Lớp học giảng dạy giáo lý Phật giáo ngày Chủ nhật" tạo cơ hội cho thành phần thanh thiếu niên Phật tử gặp gỡ nhau, hoặc tổ chức các buổi tụng niệm tập thể dành cho các Phật tử tại gia.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]