Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ I: Các bài sám văn xưng tán - kỷ niệm - Phật - Bồ tát - Thánh chúng

10/05/201317:54(Xem: 14272)
Phần thứ I: Các bài sám văn xưng tán - kỷ niệm - Phật - Bồ tát - Thánh chúng

Tuyển tập các bài sám văn - Tập IV: 55 Bài sám văn chọn lọc

Phần thứ I: Các bài sám văn xưng tán - kỷ niệm - Phật - Bồ tát - Thánh chúng

Thích Đồng Bổn sưu tập

Nguồn: Thích Đồng Bổn sưu tập

Lời Nói Ðầu


Qua ba tuyển tập đã gởi đến tay quí độc giả. Chúng tôi nghĩ rằng khó mà sưu tầm thêm nữa cho tuyển tập số IV nầy. Nhưng tác dụng của ba tuyển tập kia đã có ý nghĩa, khi chúng tôi nhận được phản hồi từ chư tôn túc độc giả khích lệ và cung cấp thêm tư liệu, các địa chỉ để sưu tầm thêm.
Qua đó, chúng tôi lại có dịp tiếp nối công trình còn dang dỡ, thu thập tư liệu, biên soạn lại các bài sám văn tuy rằng xưa này, nhưng là mới với tất cả chúng ta, để ra mắt đến quí vi tuyển tập IV : “55 Bài sám văn chọn lọc”.
Ðến tuyển tập IV này nhìn lại từ đầu chúng tôi tạm hình dung ra những mô típ cốt lõi, mà từ đó, các nhà trước tác dựa theo nhu cầu của những nghi lễ, những lễ hội và cho ra đời các sám văn ; các áng văn thơ hay, để mọi người cùng nhau đọc tụng truyền bá.
Tổng hợp các loại hình sám văn trong sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo, chúng ta có thể tóm lượt khái quát như sau :
A. Phân loại theo lễ hội :
1. Sám văn kỷ niệm các đại lễ (Phật Ðản, Vu Lan).
2. Sám ăn kỷ niệm các ngày vía (Phật, Bồ Tát).
3. Bài sám sám văn sử dụng, trong các lễ hội trai đàn (Thí thực, bố thí).
B. Phân loại theo nghi lễ :
1. Sáu văn lễ cầu an đảo bệnh.
2. Sám văn lễ cầu an chúc thọ.
3. Sám văn lễ cầu an tiêu tai.
4. Sám văn lễ cầu siêu đám tang.
5. Sám văn lễ cầu siêu cúng giỗ.
6. Sám văn lễ cầu siêu cô hồn.
C. Phân loại theo hành trì :
1. Sám văn phát nguyện.
2. Sám văn sám hối.
3. Sám văn cảnh tỉnh khuyến tu.
4. Sám văn chỉ bày pháp tu.
Như trên, chúng tôi khái lược phân loại thành hệ thống các ý nghĩa của sám văn, cho ta thấy rằng, nguyên nhân hình thành nên các bài sám văn, được bắt nguồn từ những yêu cầu chủ quan theo tiêu đề phân loại trên.
Tuy nhiên, trải qua thời gian đọc tụng và truyền khẩu, phần nhiều các bài sám văn đã không còn là nguyên tác ban đầu. Lý do thứ nhứt là do người trước tác theo chủ quan ý nguyện của mình, cùng với trình độ thư pháp, ngữ pháp của tác giả, cho nên khi phổ biến rộng đến mọi người, có sai sót trong câu cú hành văn, hoặc thất niêm vận, nên người sau sửa lại. Lý do thứ hai, lúc phổ biến rộng rãi đến một một nơi khác, để cho phù hợp với bối cảnh, hoàn cảnh của một đạo tràng, lễ hội khác mà tụng giả và thính chúng thấy cần sửa lại thêm bớt đôi chút cho phù hợp chùa mình, sơn môn mình để tiện bề sử dụng.
Một đặc điểm phổ biến trong tổng thể các sám văn mà chúng ta cần lưu ý, đó là dị bản chỉ cùng một gốc do các nhà soạn và dịch khác nhau. Ví dụ như từ bài Qui mạng, Khể thủ, Ngã niệm, Thập phương, Nhứt tâm... bằng chữ Hán, mỗi bài đã có không dưới năm bản dịch với lối hành văn khác nhau. Ở đây, trong phạm vi các tuyển tập đã giới thiệu, chúng tôi có chọn lọc những dị bản theo hai ý:
1. Là những sám văn đã được nhiều người biết đến, được sử dụng rộng rãi lâu nay trong các chùa.
2. Là những sám văn có văn phong khác biệt trong lối dịch, có cách diễn đạt Việt ngữ phong phú ít trùng lặp giữa các dị bản.
Bên cạnh những sáng tạo từ ngữ văn phong rất thú vị và hay ho của các dị bản, vẫn còn những mặt hạn chế là đôi khi trùng lặp trong cách dịch, làm cho các bài sám văn này mất đi ít nhiều giá trị tính sáng tạo đặc thù riêng. Phân tích điều này, ta thấy có các nguyên nhân :
1. Do một soạn giả soạn ra nhiều bài sám. Từ đó, ý tưởng và cách hành văn thường lặp đi lặp lại giữa các bài sám văn cùng một tác giả.
2. Do người sau muốn sử dụng các bài sám nơi đạo tràng của mình, nên biến cải và thêm một đôi câu của riêng mình tâm đắc trong pháp môn tu, trong phát nguyện v.v... cách này ta dễ dàng nhận ra ở đoạn kết các bài sám.
3. Do sự vay mượn lắp ghép của những người soạn dịch sau, mà phần nhiều do hạn chế về trình độ sáng tạo, nghèo từ ngữ mà có ra. Hiện tượng lắp ghép vay mượn từ các bài sám có sẵn nầy đã trở nên phổ biến.
4. Do sự truyền khẩu lẫn nhau, hay cách học thuộc lòng qua sự truyền khẩu của người khác, rồi lẫn lộn giữa các bài, các ý, mà nảy sinh các bài sám “đầu gà đuôi vịt”.
Trên đây mới chỉ là đôi nét phác thảo về cách phân tích lược khảo. Nếu có điều kiện sau nầy, chúng tôi sẽ thực hiện lược khảo đầy đủ khi đã hoàn thành trọn vẹn việc sưu tầm biên soạn các tuyển tập sám văn.
Ở tuyển tập số IV này, vẫn có mang đặc điểm riêng như mỗi tuyển tập trước. Ðó là việc sưu tầm các áng văn hay mang tính cách cảnh tỉnh nhân thế, như của Ngài : Toàn Nhật Thiền sư, Mạc Thiên Tích, Tổ Liên Tôn - Huyền Ý, Tổ Huệ Ðăng, Chơn Thường Thiền sư v.v... ở thế kỷ trước và trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930 trở về sau. Ngoài ra, chúng tôi còn sưu tầm đưa thêm vào hệ thống tuyển tập các bài sám văn ở các Hệ phái Nguyên Thủy, Hệ phái Khất sĩ, và các Sơn môn Tổ đình riêng trên cả ba miền đất nước mà nội dung ý nghĩa đều chung luồng tư tưởng khi biên tập. Nhưng dĩ nhiên là có chọn lọc, cho phù hợp với hệ thống chung nhất, ai cũng có thể sử dụng được. Bởi vì tất cả đều là tài sản chung của hệ thống kinh sám trong Văn hóa Phật-giáo Việt Nam. Dụng ý chúng tôi là chỉ muốn giới thiệu cái hay, cái chung để chúng ta cùng sử dụng rộng rãi trong tất cả cộng đồng, sơn môn pháp phái, mà không còn ranh giới nữa, để mọi người có cùng chung Phật tánh xích lại gần nhau hơn trong một nhà Phật pháp.
Thế nhưng, một mình chúng tôi thì sẽ không tránh khỏi sự chủ quan và hạn chế. Rất mong sự đóng góp bổ sung của chư Tôn đức, Thiện tri thức và đọc giả, tụng giả xa gần phát tâm chỉ bảo cho những chỗ sai cùng những gì còn thiếu sót.
Cuối cùng, vẫn như cách sắp đặt tiếp nối ở các tuyển tập trước. Tuyển tập IV này bắt đầu từ bài số 166 đến 220. Nếu có dịp tái bản lại các tập tuyển trước, chúng tôi sẽ bổ sung những điều thiếu sót tồn tại, và sửa chữa, chú giải theo hệ thống sắp đặt trên đây để hoàn thiện dần bộ tuyển tập sám văn này thật đầy đủ.

Cuối Thu, năm Ðinh Sửu 1997
Người góp nhặt
ÐỒNG BỔN.


166. SÁM AN CƯ
(Sám Phát nguyện 13)


Cúi đầu lễ Phật mười phương
Chứng minh đệ tử lệ thường an cư
Trong mùa hạ, lạp trừ tu dưỡng
Tuổi đạo thành, thọ hưởng phước mầu
Ðèn thiền, đuốc huệ tỏ sâu
Gắng công tác Phật, ngày lâu sẽ nhuần
Dầu khổ nhọc gian truân bao độ
Ấy duyên lành chẳng hổ tâm can
Cao xa cõi Thánh muôn ngàn
Nhứt tâm bờ giác một đàng thẳng sang
Chúng con nguyện thuận an chơn tánh
Vượt sông mê xa lánh lưới tà
Ưu Ðàm hoa báu nở ra
Tỏa thơm hương giới gần xa đượm mùi
Mùa kiết hạ cùng vui tu học
Tứ phương Tăng trí dốc giồi trau
Tụng kinh niệm Phật làu làu
Chuông chiều mõ sớm dạt dào thiền môn
Hạnh tinh tấn như son in thắm
Ðức nhẫn hòa như tấm gương vàng
Nguyện làm nhân tốt Tăng đoàn
Nguyện tròn sứ mạng của hàng xuất gia
Dứt thân ra khỏi Ta bà
Thoát ly sanh tử ngự tòa pháp vương
Hằng năm mùa Hạ về nương
Lục hòa, lục độ, con đường thậm thâm
Ấy mùa Phật tử thành tâm
Cúng dường Tăng chúng gieo mầm phước duyên
Tu trai, học đạo, khẩn nguyền
Báo ân cha mẹ bình yên tuổi già
Bao nhiêu công đức có ra
Ðều do Hạ lạp tăng gia tháng ngày
Mong nhờ Phật độ hôm mai
Ðồng tròn giống trí, liên đài bước sang.
 Trích soạn lại theo bài "Sám mùa hạ" của Sa môn Thích Thiện Huê chùa Ðại Giác ấn hành Sàigòn 1974.

167. VĂN TỤNG CÚNG DƯỜNG LỄ DÂNG Y
(Sám tụng Vu lan 3)


Trước Phật điện cúi đầu đảnh lễ
Ðốt tâm hương toàn thể hân hoan
Thiện nam tín nữ lưỡng ban
Thảy đều trong sạch lo toan việc này
Cà sa đại lễ hôm nay
Do thân khẩu ý duyên may trọn lành
Hiệp theo lễ đạo sắm sanh
Chúng con Phật tử tịnh thanh cúng dường
Của này là của thiện lương
Kính dâng Ðại Ðức mười phương Tăng dùng
Xin cho tín cúng thung dung
Cà sa hữu nhiễu quanh chung Phật đài
Tỏ lòng cung kính Như Lai
Ngưỡng cầu Phật Tổ đoái hoài chứng tri
Cà sa đầy đủ tam y
Màu vàng tinh khiết có chi sánh bằng
Kính dâng chư Ðại đức Tăng
Từ bi mẫn nạp tâm hằng nhận thâu
Chúng con gieo giống đạo mầu
Vuông tròn quả phúc mai sau nương nhờ
Biển trần lặn hụp bơ vơ
Nương thuyền Bát nhã qua bờ giác minh
Cầu cho thế giới hòa bình
Cầu cho trăm họ an ninh lâu dài
Cầu cho vạn vật muôn loài
Tấn hóa đạo pháp Như Lai dạy truyền
Hiện tiền tăng trưởng phước duyên
Gia đình hướng phước bình yên đời đời
Cầu cho khắp cả mọi nơi
Ðồng tu tịnh độ sớm mơi an nhàn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .
Nam Mô Ca Sa Tràng Bồ tát .
Nam Mô Công Ðức Lâm Bồ tát.
- Bản in trong "Nghi thức tụng niệm" chùa Ðại Giác Sàigòn 1974. Tủ sách chùa Kỳ Quang lưu trữ TPHCM 1977.
- Chưa rõ xuất xứ của bài.

168. VĂN TỤNG CHÚ NGUYỆN LỄ DÂNG Y
(Sám tụng Vu lan 4)


Y tối thắng trang nghiêm thanh tịnh
Ðem cúng dường phụng thỉnh chư Tăng
Phước nhiều như cát sông Hằng
Phước điền vô thượng sánh bằng Thái Sơn
Nguyện tròn phước quả chánh chơn
Bồ đề gieo giống tạo nhơn sen vàng
Ta bà giải thoát bước sang
Tây phương lạc quốc Phật ban phước lành
Nguyện cầu Phật tử tu hành
Gia đình trường thọ tâm sanh hiền từ
Trau dồi bổn tánh chơn như
Nương theo giáo pháp Bổn sư dạy truyền
Ngày đêm niệm Phật kết duyên
Cầu cho thất tổ cửu huyền siêu thăng
Hưởng nhờ phước đức chư Tăng
Bốn mùa ngũ cốc phong đăng thuận hòa
Nơi nơi lạc nghiệp âu ca
Hòa bình thế giới quốc gia an bài
Nguyện cầu thất bảo Như Lai
Tây phương giáo chủ Liên đài phóng quang
Quan Âm đại sĩ từ hàng
Hóa thân cứu khổ tai nàn chúng sanh
Nhà nhà an lạc tịnh thanh
Dứt trừ tai họa chiến tranh an hòa
Bốn phương lạc nghiệp âu ca
Hòa bình thế giới quốc gia an lành,
Mọi người phát nguyện tu hành
Ðồng về cực lạc, đồng sanh sen vàng.
Nam Mô Tăng Phước Thọ Bồ Tát.
Nam Mô Tiêu tai giáng kiết tường Bồ Tát.
Nam Mô Siêu Lạc Ðộ Bồ Tát.

 Bản in trong "Nghi thức tụng niệm" chùa Ðại Giác Sàigon 1974 tủ sách Chánh Ðức lưu trữ TPHCM 1997.
 Chưa rõ xuất xứ của bài.

169. BÀI TỤNG LỄ VU LAN
(Sám tụng Vu lan 5)


Ðệ tử chí thành
Ðốt hương kính lạy
Ðức Phật Thích Ca
Phật A Di Ðà
Khắp mười phương Phật
Tôn pháp, Bồ Tát
Cùng Thánh Hiền Tăng
Ðệ tử vâng lời Phật dạy
Báo ân bảy kiếp thân sinh
Gặp hội Vu lan
Ðộng niềm hiếu đạo
Nhớ ơn từ mẫu
Chín tháng cưu mang
Nguy khổ thay sanh
Ba năm nuôi dưỡng
Quên ăn bỏ ngủ
Nhớ ơn Từ Phụ
Chẳng nại gian lao
Dìu dắt học hành
Theo đường chánh đạo
Ân nghĩa cao dày
Sánh tày trời đất
Ðệ tử noi gương Ðại Hiếu
Ðức Mục Kiền Liên
Tự thấy thấp hèn
Không tròn hiếu đạo
Cù lao nghĩa trọng
Ân một chưa đền
Nay vừa gặp hội Vu lan
Chư Tăng xuất hạ
Các vị Thánh Tăng
Pháp thí độ sanh
Chân thành hộ niệm
Cha mẹ chúng con
Hiện còn tại thế
Thân tâm yên ổn
Tật bệnh tiêu trừ
Phát nguyện tu hành
Mau thành Phật đạo
Những vị quá cố
Ðược đủ nhân duyên
Theo đạo Bồ đề
Tu trì thanh tịnh
Chứng pháp vô sanh
Ðệ tử tâm thành khẩn nguyện
Ngửa trông chư Phật chứng minh
Từ bi gia hộ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Vu Lan Thắng Hội Ðại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
 Trích "Kinh Nhựt tụng " chùa Ðại Giác ấn hành Sàigòn 1974.

170. SÁM CA SỰ TÍCH MỤC KIỀN LIÊN
(Sám Mục Liên 6)


Ðức Mục Kiền Liên lòng mong báo hiếu
Phóng nhãn quang chiếu khắp mười phương
Thấy mẹ da bọc lấy xương
Ở nơi địa ngục trăm đường khổ đau.
Ngài liền xuống tìm mau đến mẹ
Ðem bát cơm dâng để đỡ lòng
Mẹ ngài tay vói bốc ăn
Bỗng dưng cơm hóa than hồng ghê sao !
Thảm thân mẹ gan bào ruột thắt
Ðau lòng con nước mắt tuôn rơi
Liền lên bạch Phật xin Người
Ðộ cho vong mẫu thoát nơi ngục hình
Ðức Phật dạy : “Bình sinh người đã
Gây ra nhiều ác quả dày sâu
Không ai độ thoát được đâu
Ngươi tuy hiếu thuận khó hầu cứu ra.
Phải nhờ đến xong qua giải hạ
Ngày tự tứ của cả chư Tăng
Là hôm tháng bảy ngày rằm
Vu Lan Bồn lập thành tâm cúng dường
Nhờ uy lực mười phương Tăng chúng
Chú nguyện cho ngày cúng Vu lan
Mẹ ngươi mới thoát khỏi đàng
Ðọa nơi Ngạ quỉ hay hàng súc sanh”.
Kể từ đó thiết thành ngày lễ
Ðể báo ân trời bể mẹ cha
Ngày rằm tháng bảy của ta
Là ngày xá tội cũng là Vu lan.
Là Phật tử ta càng hiếu thuận
Với ngày nầy hưởng ứng cho đông
Ðể đem thành kính một lòng
Cầu cho cha mẹ trong vòng bảy thân
Ðược giải thoát được phần siêu độ
Ðược sanh về Tịnh độ nhơn thiên
Mẹ cha còn, được phước liền
Sống lâu vui vẻ, không phiền không đau
Lòng báo hiếu kêu cầu trên Phật
Dưới chư Tăng với một tấc thành
Xin Phật, Tăng, nghĩ thương tình
Từ bi hộ niệm chứng minh cho rày.
Nam Mô Ðại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.
 Trích trong tập Văn Vu lan " số 33 - của Tâm Thông - Trần Ngọc Cơ - Ban Văn Hóa Trung Ương GHPGVN ấn hành 1995.

171. VĂN PHÁT NGUYỆN VÍA A DI ÐÀ
(Sám tụng Di Ðà 5)


Ðệ tử chúng con
Tựu trước liên đài
Niệm ngày Khánh đản
Phật A Di Ðà
Giữa tiết Ðông thiên
Bầu trời giá lạnh
Dưới ánh trăng khuya
Nhằm ngày mười bảy
Chúng con lễ bái
Quì trước đài sen
Chí thành sám hối
Ðệ tử chúng con
Từ vô thỉ kiếp
Nhẫn đến ngày nay
Tội chướng sâu dày
Dẫy đầy biển nghiệp
Sanh tử không dừng
Trôi lăn nhiều kiếp
Mới được thân người
Nay đủ duyên lành
Nương theo giáo pháp
Ðức Phật Thích Ca
Ðộ khắp Ta bà
Tìm phương giải thoát
Phát nguyện tu hành
Niệm đức Hồng danh
Cha lành Từ phụ
Lạc bang Giáo chủ
Ở cõi Tây phương
A Di Ðà Phật
Vì thương xót chúng sanh
Phát nguyện rộng lớn
Bốn mươi tám điều
Lập cảnh lạc bang
Tiếp dẫn chúng sanh
Khỏi chốn ái hà
Thẳng qua cực lạc
Ðến cảnh an vui
Cúi xin đức Phật từ bi
Chứng minh hộ niệm
Cứu khổ chúng sanh
Ðồng thành chánh giác
Chúng con phát nguyện
Niệm Phật trì danh
Cầu sanh cực lạc
Nguyện tu giải thoát
Tất cả chúng sanh
Ðồng sanh Tịnh độ
Cửu huyền thất tổ
Thảy đều siêu độ
Về cõi Lạc bang
Chứng ngôi Bất thối
Hoa nở thấy Phật
Ðặng nghe pháp mầu
Mở mang trí tuệ
Chứng quả vô sanh
Ðệ tử chúng đẳng
Tâm thành khẩn nguyện
Cúi mong đức Phật từ bi
Duỗi tay thọ ký
Quan Âm, Thế Chí
Bồ tát, Thánh chúng
Hải hội liên trì
Ðồng thì tế độ
Ta bà cảnh khổ
Tịnh độ nghiêm trang
Tiếp dẫn phóng quang
Ðồng thành Phật đạo.
Nam Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật.
 Trích "Pháp Môn tu Tịnh Ðộ" Tịnh Xá Niết Bàn - Vũng Tàu 1974.

172. SÁM VĂN 12 HIỆU AN DƯỠNG NGHĨA
(Sám tụng Di Ðà 6)


Tây phương giáo chủ đấng Năng nhơn
Tiếp dẫn chúng sanh chí chẳng sờn
Cực lạc hữu duyên sanh Tịnh Ðộ
Ta bà giải thoát kiến Di Ðà
Bốn tám lời nguyện độ chúng sanh
Phát nguyện rộng lớn đặng viên thành
Ao sen chín phẩm sanh thượng phẩm
Ðồng độ chúng sanh Phật đạo thành.
- Cầu về An dưỡng Di Ðà
Nước tên Cực lạc thiệt là nghiêm trang
Hiệu ngài Vô Lượng Thọ Quang
Liên trì Hải hội Niết bàn Như Lai
- Nguyện về An dưỡng hằng ngày
Nước tên Cực lạc hiện nay Di Ðà
Liên trì hải hội hằng hà
Như Lai công đức thiệt là Vô Biên
- Chúng con Tịnh độ hữu duyên
Nguyện qua An dưỡng tinh chuyên tu hành
Liên trì hải hội xây đoanh
Hiệu Ngài Vô Ngại đức lành Như Lai
- Cầu về cực lạc liên đài
Nước tên An dưỡng hiệu nay Di Ðà
Ðộ người thoát khỏi ái hà
Hào quang Vô Ðối khắp tòa Như Lai.
- Nguyện về An dưỡng nước ngài
Là nơi cực lạc liên đài Diệm Vương
Chúng con lễ bái cúng dường
Liên trì hải hội xin thương rước về .
- A Di Ðà Phật Bồ đề
Nước tên An dưỡng hầu kề Tây phương
Hào quang Thanh Tịnh không lường
Liên trì hải hội cúng dường Như Lai
- Cầu về cực lạc nước ngài
Hiệu là Hoan Hỷ thiệt rày Như Lai
Nơi cửu phẩm liên đài hải hội
Chứng quả ngôi bất thối vô sanh
- Nguyện về An dưỡng quốc thành
Là cõi cực lạc vãng sanh Di Ðà
Hào quang Trí Tuệ hiện ra
Liên trì hải hội cùng là Như Lai
- Cầu về cực lạc liên đài
Là nơi An dưỡng hiệu nay Di Ðà
Ðộ con ra khỏi Ta bà
Nan Tư công đức thiệt là Như Lai
- Chí thành đảnh lễ đức ngài
Nước kia cực lạc tỏ bày hiện ra
Chúng con phát nguyện thiết tha
Phóng quang Bất Ðoạn sáng lòa kim thân
- Cúi đầu làm lễ tứ ân
Cầu về cực lạc hóa thân liên trì
Ðức ngài Giáo chủ A Di
Hiệu là Vô Xưng đồng thì phóng quang.
- Nguyện về Tịnh độ lạc bang
A Di Ðà Phật hào quang sáng lòa
Sáng hơn nhật nguyệt hiện ra
Chí thành độ chúng Ta bà vãng sanh.

 Trích "Pháp môn Tu Tịnh độ" Chùa Ðại Giác ấn hành - Sàigon 1974.
 Cứ mỗi bốn câu là một lạy - Vì chuyển thành bài Sám tụng nên người soạn sắp nối luôn thành một mạch liền nhau. Chỉ đánh dấu bằng một gạch đầu đàng .

173. SÁM VĂN 12 ÐẠI NGUYỆN DƯỢC SƯ
(Sám tụng chư Bồ Tát 6)


- Nguyện thứ nhất khi tôi thành Phật
Thân tướng tôi sáng thật tự nhiên
Khắp cùng thế giới vô biên
Ba mươi hai tướng trang nghiêm thân mình
Tám mươi vẻ đẹp tùy hình
Hiện danh, thân tướng, chúng sanh thảy đồng.
- Nguyện thứ hai sau khi đắc đạo
Thân tướng tôi rốt ráo chói lòa
Trong ngoài sáng suốt điều hòa
Sáng hơn nhật nguyệt như là lưới gương
Chiếu cùng pháp giới mười phương
Chúng sanh ý nguyện khỏi đường tối mê.
- Nguyện thứ ba Bồ đề nên đạo
Phương tiện dùng tạo đủ mọi bề
Không còn thiếu kém não nề
Bao nhiêu lợi lạc đem về chúng sanh
Vô biên trí tuệ căn lành
Thảy đều rốt ráo tinh an đủ đầy.
- Nguyện thứ tư y như đại nguyện
Các chúng sanh tu luyện đạo tà
Khiến cho bình đẳng dung hòa
Thinh văn, Duyên giác, dẫn qua Ðại thừa .
- Nguyện thứ năm tôi vừa chứng quả
Các chúng sanh vô lượng vô biên
Tu hành phạm hạnh cần chuyên
Phụng trì giới luật chứng duyên thượng thừa.
Nếu có ai mới vừa lỡ phạm
Niệm danh tôi sám hối chí thành
Trở nên giới luật tịnh thanh
Chẳng vào ác đạo trọn lành quả cao.
- Nguyện thứ sáu nếu tôi thành đạo
Các chúng sanh thân thể thiếu hèn
Các căn không đủ, ghét ghen
Mù, câm, ngọng, điếc, xấu, đen, đui, cùi
Què ngu, điên dại, gù lưng
Lại thêm bệnh khổ, quả nhân chẳng lành
Ăn năn sám hối hiệu danh
Trở nên sáng suốt an lành vui tươi.
- Nguyện thứ bảy khi tôi thành Phật
Các chúng sanh bệnh tật hiểm nguy
Không ai cứu chữa thuốc chi
Không thầy, không thuốc, không y, không nhà
Bần cùng khốn khổ rên la
Nếu nghe kinh kệ, thiết tha chí thành
Ðọc tụng, lễ bái hiệu danh
Bệnh đau dứt hết, tâm sanh vui vầy
Của tiền gia quyến đủ đầy
Tu hành đắc đạo, quả nầy trọn nên .
- Nguyện thứ tám chứng lên quả Phật
Thân nữ nhơn phiền não khổ sầu
Sanh lòng chán ngán buồn rầu
Muốn khỏi thân gái cõi đời uế xu
Nghe danh lễ bái tiến tu
Ðược thâm nam tử trượng phu thanh nhàn
Tu hành đắc đạo hoàn toàn
Chứng ngôi chánh giác Niết bàn Như Lai .
- Nguyện thứ chín tôi nay chứng quả
Khiến chúng sanh xa lạ hiểm nguy
Thoát khỏi chài lưới ly kỳ
Ma quân ngoại đạo châu vi buộc ràng
Vào nơi rừng núi lạc đàng
Tôi liền dắt dẫn độ an khỏi nàn
Về đường chánh kiến bảo toàn
Lập hạnh Bồ Tát, an nhàn độ sanh.
- Nguyện thứ mười khi thành Chánh giác
Nếu chúng sanh phạm các ngục hình
Giam cầm, tra khảo, buộc mình
Còn nhiều tai nạn tử hình khổ thân
Nghe danh lễ bái ân cần
Ðằng nhờ phước đức lần lần thoát ra
Thành tâm niệm Phật thiết tha
Dứt hết khổ não, sanh ra vui vầy.
- Nguyện lớn mười một sau đây
Khi tôi đắc đạo nguyện nầy trọn nên
Chúng sanh đói khát khổ rên
Tạo nhiều nghiệp ác xuống lên cõi trần
Nghe đến danh hiệu ân cần
Chuyên tâm trì niệm, hưởng phần ấm no
Ăn ngon mỹ vị thơm tho
Vui mùi pháp vị, đồng lo tu hành .
- Nguyện lớn mười hai đặng viên thành
Chúng sanh nghèo khổ thiếu áo chăn
Muỗi ruồi châm chích cắn ăn
Ngày đêm lạnh nóng mạng căn khổ sầu
Nghe danh hiệu Phật khẩn cầu
Ăn năn sám hối nghiệp sâu tiêu trừ
Tùy tâm ý nguyện chơn như
Hưởng dùng quí báu, phước dư thanh nhàn
Ðem hương hoa tốt nghiêm trang
Âm nhạc múa hát, ca xang vui mừng
Tùy tâm thích ý lẫy lừng
Thảy đều trọn đủ hiến dưng đến rày .
Mười hai đại nguyện tuyệt vời
Lưu Ly Quang Phật tùy thời độ sanh
Chúng con lễ bái chí thành
Cầu Ngài cứu khổ chúng sanh khỏi nàn.
Nam Mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Hải Hội Phật Bồ Tát.
 Trích soạn lại theo bài "12 Ðại nguyện nghĩa " trong kinh Nhật tụng
 Chùa Niệm Phật Bình Dương ấn hành 1970.

174. SÁM PHỔ HIỀN THẬP NGUYỆN
(Sám Phát nguyện 14)


Chúng con thành kính hướng về
Phổ Hiền hạnh nguyện lời thề sắt son
Tu hành tùy thuận vuông tròn.
Mười điều nguyện lớn chẳng mòn chẳng phai.
- Một là kính lễ Như Lai
Từ bi đức cả trên đài liên hoa
Hai là xưng tán Phật Ðà
Viên dung phước trí hằng sa chơn thường
Ba là rộng khắp cúng dường
Khắp trong pháp giới mười phương đạo tràng
Bốn là sám hối nghiệp mang
Sớm tiêu tội chướng trái ngang cuộc đời
Năm là vui thuận ngập lời
Bao nhiêu công đức con thời hiến dâng
Sáu là thỉnh chuyển pháp luân
Làm cho ba cõi ly trần tiến tu
Bảy cầu Phật ở Diêm phù
Dạy cho đệ tử công phu viên thành
Tám là theo Phật nghe kinh
Làu thông giáo điển độ mình thoát mê
Chín hằng thuận chẳng dám chê
Mọi điều sanh chúng đề huề làm nên
Mười là hồi hướng chớ quên
Cầu cho bá tánh đồng lên Bảo tòa
Mười điều đại nguyện phát ra
Nguyện về cực lạc nguyện xa luân hồi
Phổ Hiền đại nguyện phát rồi
Trước ngôi Tam Bảo trọn đời khắc ghi
Trau dồi hạnh nguyện từ bi
Cho toàn quả phúc liên trì nên danh.
 Bài do Chiêu Ðề soạn - Xá Lợi TPHCM 1997.

175. SÁM VĂN PHỔ HIỀN ÐẠI NGUYỆN
(Sám phát nguyện 15)


Con nay phát nguyện lòng thiền
Chẳng cầu quả báo Nhơn, Thiên, phước dày
Thinh Văn, Duyên Giác cả hai
Quyền thừa Bồ Tát quả rày chẳng mong
Duy nương tối thượng Phật tông
Bồ đề tâm phát, gắng công tu hành
Nguyền trong pháp giới chúng sanh
Vô thượng, Chánh đẳng, giác minh tánh thành
Chư Phật các cõi xưng danh
Thường trụ tại thế, háo sanh độ đời
Từ bi tưởng kẻ lưng vơi
Cứu con lầm lạc khỏi nơi đọa đày
Các tội kiếp trước kiếp này
Từ đời vô thỉ con gây tới rày
Hoặc xui người tạo ác tai
Thấy người làm việc quấy sai mà mừng
Các vật của cải mười phương
Thuộc trong chùa tháp, hoặc hàng chư Tăng
Tự mình trộm cắp lấy ngang
Hoặc là xui kẻ đoạt sang mà mừng
Năm điều tội phạt không ngừng
Tự mình lầm lạc lẫy lừng tạo ra
Hoặc xui kẻ ác mê tà
Làm điều tội ấy mà ta vui mừng
Mười điều tội ác mình làm
Hoặc xui, hoặc thấy người làm mà vui
Các tội phạm thấy rõ rồi
Hoặc trong bóng tối dễ duôi dạn làm
Ðáng sa vào chốn khổ thâm
Ðịa ngục ngã quỉ hoặc nhầm súc sanh
Hoặc là biên giới dã man
Hoặc là các chỗ thấp hèn trược dơ
Các tội chướng ấy nguyện trừ
Thảy đều sám hối kể từ hôm nay
Nguyện cầu chư Phật chứng ngay
Từ bi tưởng kẻ lạc loài muội mê
Phật tiền đệ tử xin thề:
Trước sau các kiếp, hoặc về kiếp ni
Từng làm bố thí tế nguy
Hoặc là giữ giới tinh vi tịnh hành
Nắm cơm cho loại súc sanh
Các điều làm phước độ sanh hết lòng
Hoặc tu đặng hạnh sạch trong
Hoặc là độ chúng thành công đức thiền
Bồ đề tu đặng cố kiên
Hoặc tu đặng trí diệu viên Phật đà
Căn lành ấy tạo hằng sa
Gom lại hồi hướng, mở mà đạo chơn
Tức là Vô thượng tâm đơn
Chánh đẳng Chánh giác, pháp thường Như Lai
Ba đời chư Phật đạo khai
Hồi hướng công đức, con nay cũng vầy
Các điều tội lỗi đã gây
Thảy đều sám hối, dứt rày tận căn
Cầu Phật hoan hỉ độ an
Thành Vô thượng trí chơn toàn biến khai
Ba đời chư Phật Như Lai
Các công đức lập, cao dày vô cương
Con này một dạ kính nương
Thành tâm đảnh lễ cúng dường niệm xưng
Ba đời chư Phật Thế Tôn
Trụ trong thế giới khắp cùng mười phương
Con nay ba nghiệp tịnh thường
Nhứt tâm đảnh lễ niệm xưng chí thiền
Sức mầu hạnh nguyện Phổ Hiền
Hiện ra khắp cả Phật tiền hiển nhiên
Một thân biến hiện vạn thiên
Nhứt nhứt đảnh lễ vô biên Phật đà
Một trần biến Phật hằng sa
Ở trong Bồ Tát hội mà vô phương
Cùng trong pháp giới khôn lường
Tin rằng chư Phật mười phương đủ đầy
Mỗi vị dùng đủ giọng hay
Diễn cùng Pháp ngữ, biện tài diệu thay
Ngợi khen tận kiếp vị lai
Các công đức Phật quảng khai độ đời
Hoa thơm các sắc tốt tươi
Nhạc ca, tàng lọng, đủ thời thức thơm
Trang nghiêm vật ấy các phần
Con nguyền lễ Phật cúng dâng ân cần
Y phục, các thứ hương trầm
Ðèn, nhang, nhứt nhứt cúng dường Như Lai
Lấy tâm quảng đại trí khai
Hết lòng tin tưởng Như Lai ba đời
Phổ Hiền hạnh nguyện rộng khơi
Nguyền dâng sức ấy khắp thời Như Lai
Các điều ác nghiệp xưa nay
Do nơi ba độc tâm gây dập dồn
Ý, thân, khẩu, tạo tội hung
Con nay sám hối, thảy đồng diệt thanh
Mười phương tất cả chúng sanh
Hữu học, vô học, các Tăng nhị thừa
Cùng chư Bồ Tát Phật thừa
Công đức chư vị, con ưa kính mừng
Mười phương trí huệ Thượng nhơn
Các người mới chứng đạo chơn Bồ đề
Con nay khuyến thỉnh nhứt tề
Pháp luân thường chuyển mọi bề độ sanh
Chư Phật muốn nhập Niết bàn
Con nay một dạ chí thành kính khuyên
Trụ nơi trần kiếp vô biên
Ðộ siêu cả thảy các miền chúng dân
Ngợi khen, lễ bái cúng dâng
Cầu Phật ở thế diễn dương phép lành
Sám hối, tùy hỉ, căn lành
Tấm lòng hồi hướng chúng sanh Phật đà
Nguyện đem công đức ấy ra
Hồi hướng pháp giới bao la Ta bà
Tánh, Tướng, Phật, Pháp, Tăng già
Tam muội, Nhị đế, đặng mà liễu thông
Công đức ấy lớn vô song
Con đều hồi hướng hết lòng chẳng sai
Chúng sanh ba nghiệp lỗi dày
Kiến hoặc, ngã pháp chấp sai tội đầu
Các điều nghiệp chướng ấy sâu
Nguyện đều tiêu diệt hết nào còn dư
Trí tuôn Pháp giới chẳng thôi
Ðộ đều dân chúng tu thời tấn tinh
Cõi không cứu hết hữu tình
Chúng sanh, nghiệp chướng não phiền diệt an
Bốn pháp này rộng khôn ngằn
Nay nguyền hồi hướng, mở mang đạo mầu.
Nam Mô Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát
 Trích "Thiền Môn Nhựt Tụng" - Tổ đình Phật Bửu Thành Hội Phật Giáo TPHCM ấn hành 1992.

Ý kiến bạn đọc
06/10/201514:44
Khách
nam mo a di da phat !
Trang của thầy Quang Đức Thật hay và dễ xem!
cám ơn thầy nhiều
Hà Nội 06/10/2015
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2021(Xem: 6821)
Nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo năm nay, trong tâm tình hộ trì Tam Bảo, chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi cúng dường đến chư Tôn đức Tăng già, các bậc xuất sỹ tu hành nơi xứ Phật, đặc biệt là chư Tăng thường trú tại khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Thế Tôn thành Đạo.. Xin tường trình cùng chư vị một số hình ảnh của buổi cúng dường chư Tăng các truyền thống Đạo Phật (International Maha Sangha), chư Tăng Tibet, India, Lào, Miến, Thái, Bangladesh, Việt Nam.. tai Bồ Đề Đạo Tràng. (Với tổng số 500 vị, mỗi vị thọ nhận 1 phong bì với tịnh tài 1000Rupees- tương đương 14usd và cúng dường thọ trai)
21/01/2021(Xem: 4798)
Trường phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng tổ chức Pháp hội Nyingma Monlam Chenmo lần thứ 32 tại Đại Giác Ngộ Tự (Mahabodhi Temple), thành phố Bodh Gaya, tiểu bang Bihar, nơi mà ngày xưa, cách đây 2550 năm, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã giác ngộ chân lý tối thượng dưới gốc cây Bồ-đề sau 6 năm khổ hạnh tinh chuyên. Sự kiện bắt đầu khai mạc vào ngày 14 tháng Giêng và sẽ kết thúc vào ngày 23 tháng Giêng năm 2021. Tuân theo nguyên tắc và hạn chế tập trung đông người do đại dịch Covid-19, sự kiện diễn ra chỉ có khoảng 100 vị Tăng sĩ Phật giáo tham dự.
21/01/2021(Xem: 4455)
Cư sĩ Matthew Kapstein, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1949, Giáo sư thỉnh giảng, nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, học giả triết học Phật giáo Đại học Chicago, chuyên về lịch sử triết học Ấn Độ, Tây Tạng, và lịch sử văn hóa Phật giáo Tây Tạng, nghiên cứu những ảnh hưởng văn hóa trong việc Trung cộng cưỡng chiếm Tây Tạng. Ông là Giáo sư thỉnh giảng về Nghiên cứu Phật học tại Trường Đại học Thần học Chicago, Hoa Kỳ và Giám đốc Nghiên cứu Tây Tạng tại École pratique des hautes études ở Paris, Pháp.
20/01/2021(Xem: 4984)
Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm Ngày Thành đạo của đức Phật Thích Ca (theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch). Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của sự thành đạo. Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sanh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.
20/01/2021(Xem: 5740)
Khi chúng ta phát triển một ý tưởng thô về ý nghĩa gì là sự lệ thuộc trên tư tưởng, chúng ta nên tự hỏi mình rằng mọi người và mọi vật có thường xuất hiện đến chúng ta trong cách này hay không. Khi chúng ta bị tác động bởi những tư tưởng trong một trình độ vi tế, thật khó để xác định chúng ta nắm bắt chúng như thế nào. Do thế, hãy xem xét một thời điểm khi mà chúng ta cảm thấy thù hận và khao khát mạnh mẽ. Một con người và sự kiện thù hận và khao khát dường như cực kỳ cụ thể, ngay cả hoàn toàn không thay đổi, có phải thế không? Khi chúng ta nhìn một cách sát sao, chúng ta sẽ thấy rằng không có cách nào để thừa nhận là chúng ta đã thấy những hiện tượng như lệ thuộc trên tư tưởng rồi. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng dường như tồn tại trong những điều kiện của chính chúng.
19/01/2021(Xem: 4255)
Những món quà Phật giáo Hàn Quốc đã gieo hạt giống Bồ đề, hoa Bát nhã, đầy hy vọng tại Tanzania, đang hướng đến Châu Phi. Tổ chức phi lợi nhuận “Đồng hành Xinh đẹp” (Hòa thượng Viên Hạnh (원행스님 - 圓行和尚), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 36) bắt đầu chiến dịch gây Quỹ để gửi các vật phẩm cần thiết cho hoạt động của Trường Đại học Công nghệ và Nông nghiệp Bodhi Garam (보리가람농업기술대학) ở Tanzania, Châu Phi. Đây là một chiến dịch nhằm thu hút sự tham gia của chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên khắp đất nước Hàn Quốc, với đầy ý nghĩa bởi mang lại niềm hy vọng cho Châu Phi. Quang cảnh Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông nghiệp Barley Garam và các sinh viên đang thực tập tại thao trường.
19/01/2021(Xem: 4393)
Tiến sĩ Frederick Lenz được biết đến với biệt danh là “Rama” (tiếng Phạn: रामा) và “Atmananda” (tiếng Phạn: आत्मानदा), ông bắt đầu công phu tu tập và hướng dẫn thiền định Phật giáo từ tuổi thập niên 20. Trong suốt cuộc đời, ông miệt mài truyền tải tinh hoa Phật giáo đến sinh viên phương Tây, bậc thầy về tâm linh, truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ, bao gồm các giáo trình Phật giáo Tây Tạng, Thiền định, Advaita Vedanta (IAST Advaita Vedānta; Sanskrit अद्वैत वेदान्त; là một tiểu trường phái của triết lý Vedānta; và Huyền bí học (Mysticism), tác giả, nhà thiết kế phần mềm, nhà kinh doanh và sản xuất thu âm. . .
18/01/2021(Xem: 8922)
Paing Takhon, năm nay 24 tuổi hiện là người mẫu kiêm diễn viên, MC nổi tiếng ở Myanmar, nhưng anh là một Phật tử thuần thành, mới đây anh đã phát tâm tham dự khóa tu xuất gia ngắn hạn tại quê nhà. Anh chàng sở hữu thân hình cường tráng với chiều cao khủng 1m88, mái tóc dài lãng tử cùng loạt hình xăm chất ngầu nên được mệnh danh là "Aquaman châu Á". Paing Takhon gia nhập làng giải trí với tư cách người mẫu từ năm 2014. Ba năm sau anh còn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh và ca hát. Tất cả số tiền thu được từ album đầu tay anh đều quyên góp cho trẻ mồ côi. Ngoài ra, anh còn biết vẽ tranh sơn dầu, thích nấu ăn và yêu động vật.
17/01/2021(Xem: 4947)
Các học giả Phật giáo Ấn Độ, Giáo sư Bimalendra Kumar và Tiến sĩ Ujjwal Kumar đã phát hành một cuốn sách mới được biên tập có tựa đề “Sangitiyavamso: The Chronicle of Buddhist Councils on Dhamma & Vinaya” (Biên niên Sử các Hội đồng Phật giáo về Đạo pháp và Giới luật) của tác giả Sangitiyavamso. Các học biên tập viên miêu tả cuốn sách do Aditya Prakashan, New Delhi xuất bản, là một trong những biên niên sử toàn diện nhất của Thái Lan, kết hợp lịch sử Phật giáo với Lịch sử Vương quốc.
17/01/2021(Xem: 4708)
Trong một loạt các hội thảo hàng tuần, bắt đầu từ ngày 14 tháng 1 năm 2021, các học giả từ khắp nơi trên thế giới, sẽ thảo luận về các nghiên cứu So sánh Luật Hiến pháp và tư tưởng pháp lý của Phật giáo. Các buổi hội thảo dự kiến diễn ra trong tám tuần. Theo các nhà tổ chức, trong khi sự giao thoa giữa luật phát thế tục và các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, trong những thập kỷ gần đây đã được nghiên cứu rất nhiều, cho đến nay thù Phật giáo vẫn bị loại khỏi cuộc đối thoại. Chuỗi hội thảo này nhằm giảm bớt khoảng cách đó, bao gồm nghiên cứu về các giao điểm lịch sử, cũng như đương đại của Phật giáo và các quy tắc pháp lý quốc gia.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]