Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ II: Các bài sám văn sám hối - phát nguyện

10/05/201317:08(Xem: 17871)
Phần thứ II: Các bài sám văn sám hối - phát nguyện

Tuyển tập các bài sám văn - Tập II: 55 Bài sám âm nghĩa trích lục

Phần thứ II: Các bài sám văn sám hối - phát nguyện

Thích Đồng Bổn sưu tập

Nguồn: Thích Đồng Bổn sưu tập

70. SÁM HỐI KHỂ THỦ NGHĨA (III)


Cúi đầu thọ qui y Tam bảo,
Cùng trung thiên Giáo chủ Thích Ca,
Tây phương Từ phụ Di Ðà,
Các Phật quá hiện vị lai ba đời.
Quán Tự Tại, Phổ Hiền, Sư Lợi,
Với Quan Âm, Thế Chí, Thánh hiền,
Nguyện cầu phóng hiện oai quang,
Chiếu soi chỗ tối tiềm tàng độ sanh.
Ðộ quần sanh ai lân hỷ xả,
Ðệ tử đồng một dạ chí thiền,
Ðồng nhau tựu tại Phật tiền,
Năm thân chấm đất một nguyền chẳng sai.
Dốc một lòng tiêu tai sám hối,
Nguyện tiêu trừ những tội lỗi xưa,
Sanh ra các nguyện có thừa,
Bởi từ vô thỉ tham và sân si.
Thân khẩu ý là nơi tạo khởi,
Con phát nguyện sám hối tự thân,
Cầu cho chứng cũ bỏ lần,
Thiện căn thêm lớn mấy phần tươi xanh.
Các phiền não chí thành tiêu diệt,
Lưới vô minh trừ tuyệt trong lòng,
Diệu tâm Duyên Giác mở thông,
Tịch quang cảnh thiệt đặng trông thấy liền.
Khi thọ mạng gần miền duyên mãn,
Ðã tiên tri số mạng đến kỳ,
Thân không bệnh khổ nàn chi,
Lòng không một chút sự gì tham mê.
Sáu căn đặng đủ bề vui vẻ,
Chánh niệm thì toàn thể phân minh,
Báo thân khi xả an ninh,
Ví như thiền định không hình kém suy.
Phật Di Ðà, Quan Âm, Thế Chí,
Với Thánh Hiền các vị rất đông,
Phóng quang tiếp dẫn qua sông
Ðem về Cực lạc hưởng chung phước nhàn.
Có lầu các, tràng phan, bửu cái,
Cùng vị hương thiên nhạc tỏ tường,
Nghiêm trang cõi Thánh Tây phương,
Hiện ra trước mắt rõ ràng chẳng sai.
Khiến cho kẻ thấy nghe phấn chí,
Lòng vui mừng phát ý Bồ-đề,
Con trong khi ấy đặng về,
Theo hầu bên Phật tại đài Kim Cang.
Ví móng tay khảy ngang kêu “Cắc”,
Ðã sanh về Cực lạc quốc bang,
Trong ao thất bửu rõ ràng,
Hoa sen chín phẩm mình vàng ngồi trong.
Nở ra thấy kim dung Phật sắc,
Cùng các ngôi Bồ-tát đâu đâu,
Nghe xong tiếng pháp nhiệm mầu,
Vô sanh liền đặng chứng vào chẳng sai.
Trong khoảnh khắc đặng về Phật vị,
Ngỏ mong cầu thọ ký cho tôi,
Sau khi đặng thọ ký rồi,
Tam không tứ trí thảy đều viên dung.
Lại cùng đặng lục thông ngũ nhãn
Cùng bá thiên vô hạn đà ni,
Bao nhiêu công đức cũng thì,
Thảy đều thành tựu trong khi ấy rồi.
An dưỡng quốc sau tôi hồi tỵ,
Nhập Ta bà cho phỉ dạ mong,
Chia thân ra số rất đông,
Ứng trong thế giới giáp vòng mười phương.
Lấy thần lực chẳng lường lao khổ,
Vận chước mầu cứu độ quần sanh
Làm cho lìa các nhiễm tình,
Mau mau đem đặng loøng thanh tịnh về.
Cõi Cực lạc đề huề sanh đó,
Vào cõi này không có trở lui,
Ấy là đại nguyện viên dung
Không cùng thế giới không cùng chúng sinh.
Nghiệp phiền não cũng gần vô tận,
Con thề nguyền trọn phận chẳng chăng,
Nay con lễ Phật nguyện rằng,
Công con tu luyện thí sang hữu tình.
Trọn bốn ân chí thành đều đủ,
Ba cõi đều hưởng thụ vẻ vang,
Biết bao thế giới mênh mang,
Chúng sinh chủng trí một đàng đồng viên.
------------------
-Trích Kinh Diễn Nghĩa, HT Huệ Ðăng,Tổ đình Thiên Thai xb, Saigon, 1967

71. SÁM QUI MẠNG (III)


Nương minh đức Giác Hoàng Ðiều Ngự,
Nguyện kinh mầu diệu ngữ truyền trao,
Ba thừa, bốn quả ngôi cao,
Dủ lòng từ tế, độ mau con rày.
Chúng con tự xưa nay ngang trái,
Nên sa vào khổ hải vô biên,
Chịu vòng sanh tử liền liền,
Ra đây vào đó ưa riêng sắc tài.
Dây buộc trói mỗi ngày thêm chắc,
Miệng, mũi, tay càng thắt càng đau,
Ðường tà, biển ái lăn vào,
Trau tria lỗi quấy lấp rào tài năng.
Ðường nghiệp ác, càng xăn lối bước,
Nguyện Phật, Tăng rưới phước chúng con,
Trải lòng hối quá tội mòn,
Vớt đưa chỉ dẫn chẳng còn lầm sai.
Ra biển khổ, Phật đài thẳng bước,
Hiện đời nay, hưởng phước thanh nhàn,
Nguyện cầu thỏa mãn rảnh rang,
Ðời sau càng đặng vẻ vang trí mầu.
Nơi chánh quốc, thầy sâu chỉ dạy,
Tuổi thiếu niên ngộ giải lý thiền,
Sáu căn, ba nghiệp lặng yên.
Không ưu lợi dục, chỉ niềm thanh tu.
Gương giới đức trơn tru chẳng bợn,
Nét từ bi rộng lớn độ đời,
Duyên khẳm đủ, nạn xa dời,
Soi gương Bát nhã, dòm nơi chí thành.
Tu Chánh pháp, học hành Liễu nghĩa
Chống thuyền Từ, một phía thẳng xuôi,
Ba kỳ biển kiếp vượt lui,
Dựng cờ Chánh giác, xé nùi tối nghi.
Hiển Tam bảo, phá tham si,
Cúng hầu chư Phật, ngại gì mỏi mê.
Các cửa học, một bề học suốt,
Rộng nhiều phương, thắp đuốc đưa đường,
Sáu thần thông, một nguyện vương,
Trên bờ pháp giới, thẳng đường độ sanh.
Ðồng Quan Âm, tâm lành một niệm,
So Phổ Hiền, mấy điểm chân tu,
Phương này cõi ấy ngao du,
Hiện thân thuyết pháp chẳng lu tánh mầu.
Cõi địa ngục, âu sầu quỉ đói,
Phóng hào quang, biến rọi pháp thần,
Ðức từ, rộng bủa thâm ân,
Chúng sinh khắp độ, niệm trần nhẹ phân.
Nghe danh ta, hoặc thân trông thấy,
Phát Bồ-đề, khổ ấy thoát qua,
Nước băng, lò lửa tránh xa,
Hóa thành rừng báu, thơm hòa nơi nơi.
Cơm khảo phạt, đồng sôi trái sắt,
Trở thành nhà Cực lạc thảnh thơi,
Mang lông đền trả nợ đời,
Cũng đều rảnh khỏi vướng nơi trần phiền.
Cùng những bệnh lây truyền chất độc,
Ðem thuốc hay lừa lọc vi trùng,
Những năm đói rét khốn cùng,
Hóa nhiều phẩm vật, độ dùng ấm no.
Việc lợi ích, giúp cho muôn loại,
Cứu bà con, khắp trải ơn thù,
Xé lưới ái, phá tham ngu,
Vượt ra bốn thú, không lu tánh lành.
Ðồng hàm thức, vãng sanh nước Phật,
Quả Bồ-đề, chứng bực Thượng nhơn.
Hư không mòn hết sạch trơn,
Nguyện tôi sÂu rộng, không cơn nào cùng.
Khắp thế giới hòa chung giống trí,
Thường lặng soi chơn lý diệu mầu,
Mười phương cõi Phật thâm sâu,
Mở đường Giải thoát, lánh câu Luân hồi.
---------------------
-Trích Kinh Kim Quang Minh Hiệp Bộ, Tỷ-kheo Ni Như Ấn, THPG Tp. HCM xb, 1992

72. SÁM NHỨT TÂM NGHĨA (II)


Một lòng chánh tín nguyện ra,
Nguyện về Tịnh độ nước A Di Ðà.
Nguyện Phật phóng hào quang ra,
Dứt trừ nghiệp chướng thân ta an hòa.
Lòng thành nguyện Phật độ ta,
Ta nay chánh tín niệm A Di Ðà.
Nguyện làm nên đạo chẳng xa,
Cầu về Tịnh độ ngồi tòa kim liên.
Phật xưa lời thệ lưu truyeàn,
Chúng sinh bằng muốn về miền Lạc bang.
Hết lòng tin tưởng rõ ràng,
Những đến mười niệm cũng sanh Lạc thành.
Nhưng mà chẳng đặng vãng sanh,
Thệ không chứng quả lạc thành Pháp vương.
Nhơn duyên niệm Phật không lường,
Ðặng vào biển thệ nguyện vương Di Ðà.
Nương nhờ đức Phật độ ta,
Thiện căn thêm lớn phước ta vô cùng.
Nguyện cho đến lúc lâm chung,
Ngày giờ biết hết hình dung như thường.
Thân không bệnh khổ vấn vương,
Lòng không tham mến sự thường thế gian.
Ý không điên đảo trớ trang,
Như khi thiền định an nhàn thảnh thơi.
Rõ ràng thấy đức Như lai,
Các vị Thánh chúng cầm đài Kim cang.
Không lường hiện thoại phóng quang,
Rước ta về đến Tây phương tức thì.
Hoa sen liền nở một khi,
Ðoan nghiêm tướng hảo liễu tri pháp mầu.
Mở mang Phật huệ thẩm sâu,
Nhứt thừa thọ ký lại cầu vô sanh.
Bồ-đề phát nguyện viên thành,
Chúng sinh độ hết Tây phương đồng về.
*
* *
--------------
-Trích Kinh Diễn Nghĩa, HT Huệ Ðăng, Tổ đình Thiên Thai xb, Saigon, 1967

73. QUI MẠNG DIỄN NGHĨA (IV)


Mười phương Ðiều Ngự nguyện về nương,
Trong sạch pháp mầu thệ xiển dương,
Bốn quả, ba thừa Tăng giải thoát,
Từ bi thâu nạp rải lòng thương.
Kiếp lại kiếp trái thường chơn tánh,
Theo đường mê nặng gánh trần ai,
Xuống lên sanh tử bao nài,
Nhiễm mùi thanh sắc càng ngày càng sâu.
Nào triền sử(1) từ lâu thắt chặt,
Chứa đã thành dày đặc lậu nhân,(2)
Sáu căn hiệp với sáu trần,
Dối gây tội cấu chất ngần trời cao.
Nơi khổ hải dấn vào lặn hụp,
Chốn tà đồ mãi giục chân bon,
Ðam mê nhân ngã bằng non,
Ði theo đường vạy, bỏ con đường bằng.
Bao kiếp trước dùng dằng dây nghiệp,
Nhiều đời qua oan kiếp còn giâm,
Ngửa mong Tam bảo từ tâm,
Một lòng sám hối lỗi lầm sạch trơn.
Nguyền xin đấng Năng Nhơn cứu vớt,
Mỏi mòn trông bạn tốt dìu nhau,
Vượt ra phiền não vực sâu,
Ðến nơi ngàn giác nhiệm mầu bờ kia.
Kiếp hiện tại phước lành, mạng vị,
Ðời lai sanh giống trí, mạ linh,
Những mong xương thịnh cho mình,
Những mong tươi đẹp thêm xinh sắc màu.
Sanh vào chốn trung châu quốc thổ,
Lớn lên cùng hội ngộ minh sư,
Do lòng chánh tín chơn như,
Xuất gia nhập đạo đồng chơn buổi đầu.
Sáu căn đủ làu làu thông lợi,
Ba nghiệp đầy vời vợi thuần lương,
Duyên đời há để nhiễm vương,
Siêng tu phạm hạnh, giữ thường giới căn.
Nghiệp trần cấu đón ngăn chớ phạm,
Gìn uy nghi chẳng dám lần sai,
Côn trùng nhỏ nhít cựa bay,
Hộ sanh nào để ý này tổn thương.
Kìa tám nạn(3) chưa tường vướng víu,
Nọ bốn duyên (4) chẳng thiếu chi đâu,
Hiển bày Bát Nhã trí mầu,
Bồ-đề tâm ấy vững lâu chẳng lùi.
Nương chánh pháp hằng vui tu tập,
Hiểu Ðại thừa chẳng chấp tà tôn,
Mở bày Lục độ hạnh môn,
Vượt ra kiếp số mênh mông ba kỳ.
Dựng cờ pháp lần đi mọi chỗ,
Xé lưới nghi kiên cố điệp trùng,
Uy linh hàng phục ma hung,
Nối hưng Tam bảo tận cùng ngàn sau.
Mười phương Phật vâng thờ không mỏi,
Ngàn pháp môn học hỏi làu thông,
Rộng tu phước huệ viên dung,
Lợi người cứu vật khắp cùng trần sa.
Thần thông nọ được qua sáu phép,
Phật quả kia viên kịp một đời,
Rồi sau pháp giới chẳng rời,
Khắp vào sanh tử độ người trầm luân.
Lòng từ đức Quan Âm bi thiết,
Hạnh Phổ Hiền nào biết mỏi mê,
Cõi này phương khác chi nề,
Tuyên dương chánh pháp tùy loài hiện thân.
Chốn địa ngục khổ phần vĩnh kiếp,
Trong đường ma quỉ nghiệp còn vương,
Phóng quang chiếu sáng đôi đường,
Hoặc là thần biến tùy phương hiện hình.
Người thấy tướng tâm linh diệu vợi,
Kẻ nghe danh phơi phới mừng vui,
Bồ-đề tâm phát chẳng lùi,
Vượt ra khổ ải, luân hồi hằng không.
Nơi ngục giá, lửa hồng hăng hắc,
Biến thành rừng thơm ngát mùi hương,
Uống đồng nuốt sắt thảm thương,
Hóa ra Lạc quốc, Thiên đường tịnh chơn.
Giống chở nặng, ngậm hờn nhiều nỗi,
Loài mang lông, đầu đội sừng dài,
Hết điều khổ lụy bi ai,
Hưởng điều lợi lạc, ngày ngày lo chi.
Ðời tật dịch con thì hiện thuốc,
Cứu bệnh nghèo đều được tiêu tan,
Trời sanh nhiều nổi cơ hàn,
Hóa ra lúa bắp độ an cảnh nghèo.
Ðiều lợi ích bao nhiêu chăng những,
Không việc nào chẳng khứng ra ân,
Kế là nhiều kiếp oan thân,
Bà con quyến thuộc kẻ gần người xa.
Dứt dây nghiệp ái hà nhiều mối,
Biển tứ sanh(5) chìm nổi đưa qua,
Hàm linh hết thảy đều là,
Ðồng thành quả Phật ngự tòa Pháp vương.
Nay xin dâng tấm lòng son,
Hư không có hết nguyện con chẳng cùng.
Hữu vô tình thức nguyền chung,
Ðồng viên trí Phật đồng cùng an vui.
--------------------
Trích Phật Tổ Ngũ kinh – HT. Thích Hoàn Quan soạn dịch
THPG TP HCM 1992

74. SÁM HỐI VĂN
(Sám hối nguyện V)


Chúng con trì niệm,
Danh hiệu chân thật,
Ðầy đủ công đức,
Của Phật Di Ðà.
Xin Phật từ bi,
Nhiếp thọ chúng con,
Chứng minh chúng con,
Sám hối phát nguyện:
Bao nhiêu ác nghiệp,
Chúng con đã làm,
Ðều bởi vô thỉ,
Những tham sân si,
Ðộng thân miệng ý,
Mà phát sinh ra.
Ngày nay chúng con,
Xin sám hối cả.
Nguyện cầu chúng con,
Trong lúc gần chết,
Khỏi có tất cả,
Mọi thứ trở ngại,
Trực tiếp nhìn thấy,
Ðức Phật Di Ðà,
Tức khắc vãng sinh,
Thế giới Cực lạc.
Bao nhiêu thiện căn,
Do chúng con làm,
Bao gồm pháp hạnh,
Sám hối hôm nay,
Ðều đem hồi hướng,
Hết thảy chúng sinh,
Nguyện cầu pháp giới,
Hết thảy chúng sinh,
Cùng được vãng sanh,
Thế giới Cực lạc.
-----------------
-Trích Lương Hoàng Sám, HT Trí Quang dịch – XB, Sài Gòn, 1972

75. SÁM NHƠN LÀNH
(Sám hồi tâm II)


Nhơn lành nghiệp luyện trắng trong,
Quả lành cảm ứng bên thành Lạc bang.
Hóa Phật dẫn lên đài vàng,
Thánh Hiền nghinh tiếp về an dưỡng thành.
Vượt ra ba cõi thinh thinh,
Cao hơn bốn quả vô sinh cõi trời.
Tiêu tan các nghiệp tình đời,
Lòng không sáng suốt thảnh thơi nhẹ nhàng.
Hóa thân vào búp sen vàng,
Thần thông khí sản chơi sang cõi mầu!
Trước tòa sen báu cúi đầu,
A Di Ðà Phật con hầu về đây.
Quan Âm, Thế Chí vui thay,
Thắng duyên pháp lữ tỏ bày khuyên răn.
Ðông đầy các bực Thánh Tăng,
Thảy đều nhóm hợp đồng đăng bửu trì.
Hoa sen chín phẩm phương phi,
Ðều nói bổn hạnh trước khi tu hành.
Năm mùi hương báu thơm thanh,
Ba đức sáng rỡ pháp thân chói lòa.
Xảy liền gió diệu phất qua,
Rung các báu lạ tiếng ra pháp mầu.
Nhộn nhàng hoa rưới lưới châu,
Thấy hào quang tỏa chói lòa sáng trưng.
Ráng mây bồng đỡ dưới chân,
Nhẹ nhàng y kích mấy từng hoa thơm.
Ban mai dưng các Thế Tôn,
Ðặng nghe pháp ấn chơn ngôn trở về.
Ban chiều cỡi báu dựa kề,
Nghe bài ngọc kệ nhiều bề tiêu diêu.
Hỡi còn tội cấu bao nhiêu,
Hơi sen nhuần nhã thảy đều tiêu tan.
Các phương Phật tử mới sang,
Quả vị bất thối chứng hàng vô sanh.
Xẩy lìa cõi khổ phàm tình,
Rõ ràng quả Phật gần mình chẳng xa.
Ngao du rừng ngọc ngâm nga,
Tắm gội nước đức thân ta đượm nhuần.
Lầu đài trăm báu sáng trưng,
Hàng cây thất bửu mấy từng phủ che.
Thảnh thơi trong cõi trường xuân,
Ðất vàng bằng phẳng như vừng bàn tay.
Tự nhiên ăn mặc hiện bày,
Thanh thao thiên nhạc ngày ngày trổi xây.
Các vật thọ dụng hiện đầy,
Muôn phần khoái lạc khác rày nhân gian.
Cõi trời thua sút muôn ngàn,
Hằng sa cõi Phật tiếng vàng ngợi khen.
Pháp thân sáng rỡ hào quang,
Bước lên cõi Thánh trải đường hoa hương.
Kim cang thọ mạng không lường,
Mở lòng bi nguyện mười phương đều nhờ.
Vượt ra sanh tử cõi bờ,
Nào hay quả chưùng trong tòa Pháp vương.
Làu làu chơn tánh thường quang,
Do lòng niệm Phật duyên cường đức cao.
Trùng trùng phước thọ xiết bao,
Tịnh nhơn cảm báo thao thao nghiệp lành.
Vậy hay Phật nguyện độ sanh,
Chúng sinh cảm Phật tín hành nguyện châu.
Ngày nay chứng đặng quả mầu,
Chánh y rực rỡ chẳng cầu mà nên.
Liên trì thất bửu bốn bên,
Hoặc khi thiền tụng bước lên điện vàng.
Hoặc khi tán bộ kinh hành,
Nhẹ nhàng gót ngọc mấy hàng hoa đua.
Thiền duyệt pháp hỉ trân tu,
Yến diên ngọc thực phỉ phu tấm lòng.
Thiên y mặc áo trắng trong,
Từ bi hỉ xả sáng trưng nhẹ nhàng.
Càng thêm công đức thênh thang,
Càng thêm bi trí muôn ngàn vơi vơi.
Thung dung đạo đức mấy lời,
Càng thêm thánh trí một trời quang minh.
Bước vào trong cõi vô sinh,
Quả chứng bất thối toàn hình kim thân.
Từ nay cõi thánh bước lần,
Bồ-đề thêm lớn muôn phần cao xa.
Ðã vào trong pháp vương gia,
Như lai thọ ký nghe qua Ðại thừa.
Rày mừng bổ xứ cao thăng,
Mấy lời huyền diệu lòng hằng lặng trang.
Tam muội chánh định rõ ràng,
Ðủ trong sáu phép vẹn toàn thần thông.
Cúng dường các đức Thế Tôn,
Mười phương qua lại cũng không ngại gì.
Hóa thân vô số câu chi,
Hằng sa thế giới tổng trì định tâm.
Một bình pháp thủy tay cầm,
Ba ngàn thế giới rưới đồng thanh lương.
Chúng sinh ra khỏi lửa vườn,
Tự tha lưỡng lợi một đường tiêu diêu.
Cùng là hạnh nguyện bao nhiêu?
Trăm ngàn tam muội thảy đều do tâm.
Ðạo mầu vô thượng thậm thâm,
Rõ ràng công đức thảy đồng về ta!
----------------
-Trích Kinh Diễn Nghĩa, HT Huệ Ðăng, Tổ đình Thiên Thai xb, Saigon, 1967

76. SÁM PHỤNG HÀNH PHẬT SỰ
(Sám phát nguyện 6)


Cúi đầu trước mười phương chư Phật,
Chúng con nguyền chân thật kính tin,
Phát lời thệ nguyện độ sinh,
Y theo giáo pháp luật kinh dạy bày.
Chúng con chút duyên may buổi trước,
Nay dự vào ơn phước Phật gia,
Cúng dường thừa sự Thích Ca,
Bổn sư Từ phụ đức cha trọn lành.
Ðã nhiều kiếp hy sinh hóa đạo,
Ðem phép mầu chỉ giáo quần sanh,
Dứt niềm nhân nghĩa đua tranh,
Thẳng đường Bát chánh lên thành Chân như.
Trên nẻo ấy minh sư dắt dẫn,
Tránh khỏi vòng lận đận đắn đo,
Mặc dầu đường lối cam go,
Phụng hành Phật sự phước to ngại gì.
Miễn trừ sạch sân si nghiệp chướng,
Xa khỏi điều tứ tướng đắm mê,
Sen vàng cảnh Phật đẹp xuê,
Hào quang tỏa sáng đường về lẹ thay!
Chúng con nguyện từ nay sám hối,
Ác nghiệp đành thay đổi duyên may,
Rửa lòng trần cấu đắng cay,
Mùi hương Phật sự thơm bay ngạt ngào.
Ðồng cất tiếng vang cao kính tụng,
Khắp nguyện cho dân chúng an nhàn,
Phước lành ban rải nhân gian,
Niệm lành tràng nhảy muôn ngàn thiện duyên.
Ðồng một nguyện vui miền phước địa,
Ðồng một lòng về phía chánh nhơn,
Ðạo tràng dựng lập không sờn,
Tô bồi Phật sự lòng đơn nhiệt thành.
Tiếng đây đó nào sanh thối khiếp,
Chỉ một bề thâu nhiếp vọng tâm,
Quay về cảnh giới thậm thâm,
Rõ đường chánh giác u trầm thoát ly.
Lòng thành Phật chứng tri hộ niệm,
Chúng con nguyện thúc liễm cùng nhau,
Nẻo lành nhẹ bước mau mau,
Cõi lành về đến trước sau một đoàn.
Kìa thiên thượng nhân gian qua lại,
Giống Bồ-đề gieo rải sum suê,
Liên đài Phật rước con về,
Chúng sinh hết nghiệp, đề huề vui theo.
-----------------
-Trích Tam Bảo Tôn Kinh, Thích Ca Tự xb, Sài Gòn, 1974

77. SÁM KHẤN NGUYỆN
(Sám phát nguyện VII)


Kính lạy mười phương Phật,
Kính lạy mười phương Pháp,
Kính lạy mười phương Tăng,
Xin chứng giám lòng con,
Với tất cả tâm thành,
Dâng lên lời khấn nguyện.
Xin cho con mãi mãi,
Lòng tôn kính vô biên,
Hơn núi biển mênh mông,
Dâng lên mười phương Phật.
Xin cho con mãi mãi,
Lòng thương yêu không cùng,
Trải thế giới tam thiên,
Ðến chúng sanh vô tận.
Xin cho khắp muôn loài,
Sống yên lành bên nhau,
Không ganh ghét oán thù,
Không chiến tranh giết chóc.
Xin cho kẻ bất thiện,
Biết tin có luân hồi,
Có nghiệp báo trả vay,
Ðể hồi đầu hướng thiện.
Xin kẻ mù được sáng,
Kẻ điếc lại được nghe,
Kẻ nghèo được ấm no,
Kẻ ốm đau bình phục.
Xin cho loài cầm thú,
Thoát được nghiệp ngu si,
Tái sinh vào cõi người,
Biết tu theo Phật pháp.
Các vong linh vất vưởng,
Trong cõi giới u huyền,
Thoát nghiệp đói triền miên,
Quy y và siêu thoát.
Xin cho nơi đia ngục,
Chúng sinh đang đọa đài,
Khởi được tâm từ bi,
Ðể xa lìa cảnh khổ.
Cúi xin mười phương Phật,
Chư Bồ tát Thánh hiền,
Ðem chánh pháp thiêng liêng,
Sáng soi nghìn theá giới.
Cho chúng con mãi mãi,
Dù sinh về nơi đâu,
Ðều gặp pháp nhiệm mầu,
Ðể nương theo tu tập.
Cho con biết khiêm hạ,
Biết tôn trọng mọi người,
Tự thấy mình nhỏ thôi,
Việc tu còn kém cỏi.
Cho tay con rộng mở,
Biết san sẻ cúng dường,
Biết giúp đỡ yêu thương,
Ðến những người khốn khó.
Xin cho con bình thản,
Trước nghịch cảnh cuộc đời,
Dù bị mắng bằng lời,
Hay bằng điều mưu hại.
Xin tâm con sung sướng,
Khi thấy người thành công,
Hoặc gây tạo phước lành,
Như chính con làm được.
Cho con biết im lặng,
Không nói lỗi của người,
Chỉ lặng lẽ dùng lời,
Cầu cho người hết lỗi.
Xin vòng dây tham ái,
Rời khỏi cuộc đời con,
Ðể cho trái tim con,
Biết yêu thương tất cả.
Cúi laïy mười phương Phật,
Ðau khổ đã nhiều rồi,
Vô lượng kiếp luân hồi,
Ðắng cay và mỏi mệt.
Nay con dâng lời nguyện,
Giải thoát, quyết tìm về,
Giác ngộ, quyết lìa mê,
Ðộ sinh dền ơn Phật.
Xin cho con giữ vững,
Ðược chí nguyện tu hành,
Không một phút buông lơi,
Không một giờ xao lãng.
Xin vẹn toàn giới hạnh,
Với thiền định lắng sâu,
Với trí tuệ nhiệm mầu,
Xóa tan dần chấp ngã.
Xin cho con tỉnh táo,
Không kiêu mạn tự hào,
Dù tu tiến đến đâu,
Vẫn tự tìm chỗ dở.
Nguyện cho con đi mãi,
Không dừng lại giữa đường,
Ðến tuyệt đối vô biên,
Tâm đồng tâm chư Phật.
Rồi trong muôn vạn nẻo,
Cửa sinh tử luân hồi,
Com mãi mãi không thôi,
Ðộ sinh không ngừng nghỉ.
Cúi lạy mười phương Phật,
Xin chứng giám lòng con,
Lời khấn nguyện sắt son,
Dâng lên ngôi Tam bảo.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
---------------------
- Nguyên tựa là “Lời Khấn Nguyện”. Chưa rõ tác giả, sưu tập từ bản in phổ biến nội bộ, tìm thấy ở Quan Âm Các- chùa Xá Lợi, Sài Gòn, 2000

78. SÁM HỒI TÂM TAM BẢO
(Sám hồi tâm 3)


Chữ Tâm là chân như Tam bảo,
Phật, Pháp, Tăng chỉ tại lòng ta,
Phật là giác tánh soi xa,
Giữ đường sáng suốt vượt qua cõi trần.
Nghĩa chữ Pháp: giữ phần chánh kiến,
Dứt kiêu căng bỏ chuyện thị phi,
Tăng là thủ tịnh tinh vi,
Sáu căn trong sạch, dung nghi thuận hòa.
Vận Tam bảo ấy ra đối trị,
Dứt sáu trần chiùnh thị chân tu,
Còn như bỉnh tức công phu,
Luyện tinh, thần, khí: rùa mù cây trôi !
Tánh Tam bảo phân rồi chỉ rõ,
Người tu hành lấy đó thềm thang,
Còn câu Tam bảo thế gian,
Chỉ ra thể dụng đôi đàng phân minh.
Phật bảo là tượng hình ra đó,
Ðể phụng thờ lòng có chủ trương,
Pháp là ba tạng chiêu chương,
Những lời Phật Tổ truyền phương tu hành.
Tăng bảo là lòng thành xuất tục,
Chán mùi đời cạo tóc đi tu,
Cửa thiền tinh tấn công phu,
Chí tâm vượt đến Vô dư Niết bàn.
Nghĩa Tam bảo thế gian là đó,
Nhờ coù thầy đường ngõ mới thông,
Thầy như lạch nước giòng sông,
Nếu không luồng lạch, nước thông bao giờ?
Mắt lờ mờ, tay rờ chân bước,
Thế vậy mà xông lướt sao xong!
Qui y trước sửa tấm lòng,
Có thầy chỉ giáo ra vòng tử sinh.
Có thể dụng mới tròn đạo lý,
Thấy trăng nhờ người chỉ cho ta,
Chữ Qui: phân bạch ấy là,
Trở nên hắc ám về nhà quang minh.
Nghĩa chữ Y nên hình mặc áo,
Ðấng làm người thánh giáo phải tuân,
Trau dồi đạo đức sáng trưng,
Nước không xao động ló vừng trăng thanh.
Trong ngũ giới sát sanh thứ nhất:
Người tu hành thể đức hiếu sanh,
Vật, người một khí hóa thành,
Chẳng nên sát hại, ấy danh hành từ.
Giới thứ nhì: dạy trừ trộm cắp,
Vật của người chẳng đặng tham lam,
Công tư của cải bạc vàng,
Chẳng nên mong ý lấy làm của ta.
Giới thứ ba: cấm tà sắc dục,
Chớ tư tình lén lút ngoại duyên,
Trăng hoa lòng chớ đảo điên,
Tam cương cũng phải răn khuyên từ từ.
Giới thứ tư: cấm trừ vọng ngữ,
Chớ buông lời hung dữ điêu ngoa,
Ngược xuôi láo xược lời ma,
Nói qua nói lại cũng là hung hăng.
Giới thứ năm: cấm ngăn uống rượu,
Việc lỗi lầm bởi tửu mà ra.
Say sưa mê muội lòng ta,
Dữ hơn thuốc độc phá nhà hư linh.
Lấy năm giới sửa mình là đạo,
Dụng tam quy kiến tạo pháp thân,
Từ bi hỉ xả là nhân,
Tinh tấn là quả, giải phân rõ ràng.
Nghĩa chữ đạo như đường đi đó,
Song đươøng đi biết có trước sau,
Dẫu mà ngàn dặm đâu đâu,
Mối đường bắt đặng ngõ hầu chẳng xa.
Chớ bôn ba nhận ma tác Phật,
Uổng công trình chôn lấp tánh linh.
Than ôi! Biển khổ mông mênh,
Người mù cầm lái đưa mình sao xuôi!
Ðứa mù dắt lũ đui theo dõi,
Sa lửa hầm còn hỏi chi chi!
Phải tìm đến bậc trí tri,
Ðạo mầu mới tỏ đường đi mới tường.
Bát Chánh Ðạo mối đường đã trổ,
Tứ Diệu Ðề là chỗ nghỉ ngơi,
Ðèn lòng soi sáng khắp nơi,
Thinh thinh trí huệ một trời quang minh.
Ðọc tâm kinh cho tinh cho suốt,
Dẫu mà đường chưa thuộc cũng thông,
Vậy hay sắc tức thị không,
Chẳng nên chấp sắc mà không cũng đừng.
Ðạo vô cùng chấp trung là đạo,
Lý nhiệm mầu uẩn áo rất sâu,
Ðạo mầu khắp hết đâu đâu,
Cứ trong sắc tướng tìm cầu mới ra.
Tuy sắc tướng nhưng mà vô tướng,
Vô tướng từ hữu tướng mà ra,
Hữu vô chung ở một nhà,
Chẳng nên chấp hữu cùng là chấp vô.
Trong hữu tướng lý vô ẩn đó,
Vô tướng mà tướng có ẩn trong,
Hữu vô bước khỏi hai vòng,
Mới biết đạo lý không trong không ngoài.
Thỏ vểnh tai gọi hai sừng đó,
Chấp trước mà nói có nói không.
Thử coi ba thú qua sông,
Ba xe ngoài ngõ thiển thâm lẽ nào.
Ngoài vườn lửa ào áo cháy dậy,
Bầy trẻ thơ chơi nhảy trong nhà,
Khuyên răn hắn cũng chẳng ra,
Mở lời phương tiện thuyết ba xe ngoài.
Ðại biện tài trừ hai còn một,
Tột bực rồi thời một cũng không.
Cho hay sự lý viên dung,
Cứ theo thể dụng thích trung thời nhằm.
Nước dợn lắng bóng trăng nhấp nháng,
Trăng lu lờ vì áng đám mây.
Làm cho nước đứng mây tan,
Tự nhiên sáng suốt thiền quang nhiệm mầu.
Ðạo không cầu do đâu mà được,
Coi giấy xưa chấp trước hữu vô.
Làng màng dưới gốc cây khô,
Mà trông có trái gẫm âu nực cười.
Trong mắt người có ngươi mới tỏ,
Sách không thấy nói ngỏ làm sao?
Xưa nay giáo pháp truyền trao,
Không thầy há dễ mặt nào nên thân!
Khổng thánh nhân ân cần Lão Tử,
Huỳnh đế còn sư sự Quảng Thành,
Thiện Tài ngũ thập tam tham,
Thiếu Lâm đoạn tý Thần Quang lưu truyền.
Coi lịch sử tiên Hiền cổ Thánh,
Biết bao nhiêu khổ hạnh tham cầu,
Ðạo tuy rộng lớn cao sâu,
Nhỏ hơn mảy bụi dễ hầu biết sao?
Muốn cho khỏi ra vào tam giới,
Phải nhớ câu “tự tại bất thành”,
Nhân tay mới thấy trăng thanh,
Chớ chấp văn tự tu hành uổng công.
Nên cổ đức có ông Tông Bổn,
Vịnh sơn cư có bốn câu rằng:
“Sơn cư phong cảnh tự thiên nhiên,
Ðại đạo chi chiêu tại mục tiền.
Bất thức tổ tông thâm mật chỉ,
Ðồ lao niệm Phật dữ tham thiền”.
Ấy là cặn kẽ bảo khuyên,
Phải cầu giáo ngoại biệt truyền diệu tâm,
Chớ chấp trước thinh âm sắc tướng,
Cảnh ngoại cầu vọng tưởng đảo điên.
Kính lời khuyên khách hữu duyên
Biết nghe chí đạo chớ phiền lời ngay.
------------------
-Trích Tam Bảo Tôn Kinh, Thích Ca Tự xb, Sàigòn, 1974
- Kinh Nhựt Tụng, chùa Ðại Giác ấn hành, Sàigòn, 1974
- Bài do Tổ Huệ Ðăng chùa Thiên Thai soạn – nối tiếp trong bài sám Thảo Lư.

79. VĂN SÁM HỐI
(Sám hối nguyện 6)


Cúi đầu lạy trước Bửu đài,
Con xin sám hối từ rày ăn năn,
Xưa nay lỡ phạm điều răn,
Do thân, khẩu, ý bị màn vô minh,
Gây ra nghiệp dữ cho mình,
Sát sanh hại vật chẳng tình xót thương,
Giết ăn hoặc bán không lường,
Vì lòng tham lợi quên đường thiện nhân;
Oan oan tương báo cõi trần,
Trầm luân biển tối chịu phần khổ lao!
Xét ra nhân vật khác nào,
Hại nhơn nhơn hại mắc vào trả vay.
Lại thêm trộm sản cướp tài,
Công người cực nhọc hằng ngày làm ra,
Lòng tham tính bảy lo ba,
Mưu kia kế nọ lấy mà nuôi thân;
Hoặc nuôi quyến thuộc xa gần,
Làm cho người phải lắm lần than van.
Tà dâm tội nặng muôn ngàn,
Liệu toan chươùc sách làm đàng chẳng ngay,
Vợ con người phải lầm tay,
Mất trinh thất tiết phải tai tiếng đời,
Xấu hổ cha mẹ nhiều lời,
Xa lìa chồng vợ rã rời lứa đôi.
Vọng ngôn giả dối ngoài môi,
Chuyện không nói có, có rồi nói không,
Dụng lời đâm thọc hai lòng,
Phân chia quyến thuộc, vợ chồng anh em,
Mắng nhiếc chưởi rủa pha gièm,
Xóm làng, cô, bác, chị em không chừa,
Nói lời vô ích dây dưa,
Phí giờ quí báu hết trưa đến chiều.
Uống rượu sanh hại rất nhiều,
Ham ăn meâ ngủ nói liều chẳng kiêng,
Say sưa ngã gió đi xiên,
Nằm bờ té bụi như điên khác nào !
Loạn tâm cuồng trí mòn hao,
Nhiều người vì rượu biết bao hư nhà.
Xan tham những của người ta,
Mong sang đoạt được lòng tà mới ưng;
Nết sân nóng giận không chừng,
Toan làm hại chúng bâng khuâng trong lòng;
Si mê tin chạ chẳng phòng,
Nghe đâu theo đó không thông chánh tà;
Chẳng tin Phật pháp cao xa,
Thậm thâm vi diệu bao la trên đời;
Nếu con cố ý phạm lời,
Hoặc là vô ý lỗi thời điều răn;
Hoặc xúi kẻ khác bạo tàn,
Hoặc nghe thấy ác lòng hằng vui theo;
Phạm nhằm ngũ giới thập điều,
Vì chưng thân, khẩu, ý, nhiều lầm sai;
Lỗi từ kiếp trước lâu dài,
Ðến kiếp hiện tại miệt mài lắm phen;
Hoặc vì tà kiến đã quen,
Khinh khi Tam bảo lòng bèn chẳng tin;
Cho rằng người chết hết sinh,
Phạm vào đoạn kiến tội tình nặng thay;
Hoặc phạm thường kiến tội dày,
Sống sao đến thác sanh lai như thường;
Tội nhiều kể cũng không lường,
Vì con ngu dốt không tường phân minh;
Dễ duôi Tam bảo hại mình,
Bởi chưng không thấu vô minh nghiệp tà.
Cho nên chơn tánh mới là,
Tối tăm chẳng rõ sai ngoa thuở đầu,
Hóa nên khờ dại đã lâu,
Ðể cho hoàn cảnh mặc dầu kéo xoay;
Khác nào bèo bị gió quây,
Linh đinh giữa biển dật dờ bờ sông,
Xét con tội nặng chập chồng,
Kiếp xưa cho đến hiện trong kiếp này;
Con xin sám hối từ đây,
Nguyện cầu Tam bảo đức dày độ cho,
Tội xưa chẳng hạn nhỏ to,
Con nguyền dứt cả chẳng cho thêm vào;
Tâm lành dốc chí nâng cao,
Cải tà qui chánh chú vào Phật ngôn;
Cho con khỏi chốn mê hồn,
Ðến nơi cõi Phật Thế Tôn gần kề;
Thoát vòng khổ não tối mê,
Hưởng miền Cực lạc mọi bề thảnh thơi.
Ngày nay dứt bỏ việc đời,
Căn lành gieo giống chẳng rời công phu,
Mặc ai danh lợi bôn xu,
Con nguyền giữ hạnh người tu thoát trần;
Trước là độ lấy bản thân,
Sau giúp quyến thuộc được phần tiêu diêu.
Sám hối tội lỗi đủ điều,
Duyên lành đâu cũng ít nhiều kết xây,
Con xin hồi hướng quả này,
Thấu đến quyến thuộc nơi đây cho tường;
Cũng là thân thích tha phương,
Hoặc đã quá vãng hoặc thường hiện nay;
Chúng sinh ba giới bốn loài,
Vô tưởng hữu tưởng chẳng nài đâu đâu,
Nghe lời thành thật thỉnh cầu,
Xin mau tựu hội lãnh thâu quả này.
Bằng ai xa cách chưa hay,
Cầu xin Thiên chúng mách ngay với cùng;
Thảy điều thọ lãnh hưởng chung,
Dứt rồi tội lỗi thoát vòng nạn tai.
Nguyện nhiều Tăng chúng đức tài,
Ðạt thành thánh quả hoằng khai đạo lành;
Nguyện cho Phật pháp thạnh hành,
Năm ngàn năm chẳn, phước lành thế gian.
-----------------
- Trích Nhật Hành của Người Tại Gia Tu Phật, BIKKHU VANSARAKKHITA (Tỷ-kheo Hộ Tông), THPG Tp. HCM xb, 1991

80. VĂN PHÁT NGUYỆN THỌ TRÌ NGŨ GIỚI
(Sám phát nguyện 7)


Nay đệ tử thành tâm lập nguyện,
Giữ năm điều chánh thiện tu thân.
1
Một là tuân giới Sát tồn nhân,
Không giết hại vật nhơn sanh mạng,
Noi gương Phật từ bi vô hạn,
Thương mọi loài, nguyện quảng độ sanh.
Lòng trống không ác độc trừ thanh,
Niệm niệm giữ háo sanh chớ lãng,
Xét loài vật với người đồng mạng,
Vốn sanh nơi bình đẳng nguyên căn.
Muôn vật đều tự có đạo hằng,
Bẩm linh tánh siêu thăng tiến hóa,
Luật nhơn quả chỉ rành phước họa,
Cuộc oan gia vay trả định phân.
Nguyện chẳng vì khẩu phúc lợi thân,
Mà tạo nghiệp tổn nhơn hại vật,
Thân, khẩu, ý tịnh thanh như Phật,
Rải lòng thương tế vật lợi nhơn.
Baèng sát sanh đánh đập hành thân,
Nghe, thấy, giết, lòng mừng đồng tội,
Ý nghiệp báo, mạng đền không chối,
Lộn kiếp sanh sừng đội lông mang.
2
Hai là tuân Thâu đạo điều răn,
Tâm giữ Nghĩa công bằng đức cả,
Chừa trộm cắp của người thiên hạ,
Thấy vật xinh chẳng dạ tham gian.
Của mười phương Tam bảo đạo tràng,
Nguyền chẳng dám đoạt sang giấu cất,
Dốc tu niệm gìn lòng ngay thật,
Một mảy lông sai thất không làm.
Chữ thanh liêm công chánh thươøng tham,
Bỏ lòng dục, mới kham học đạo,
Noi Tiên Phật thanh bần gương báu,
Tránh của tiền loạn náo tâm đơn.
Ý khẩu thân thanh tịnh qui chơn,
Trừ vọng thức, lục trần chẳng nhiễm,
Cầu chư Phật Bồ-đề chỉ điểm,
Nguyện thân tâm thúc liễm tu hành.
Cuộc sang giàu dạ chẳng mến tranh,
Diệt phàm tục, siêu sanh Tịnh độ,
Lòng tham dục ấy là gốc khổ,
Nay quyết chừa, lánh chỗ trầm luân.
3
Ba là tuân Dâm giới ân cần,
Tâm giữ Lễ, dục căn giải tuyệt,
Nguyện tu niệm trau mình tinh khiết,
Laùnh tà dâm hao kiệt khí tinh.
Tổn mạng thân bịnh hoạn phát sanh,
Trí huệ phải tán khuynh suy bại,
Trong Tăng chúng nữ nam hạnh giới,
Giữ biệt phân, chừa cải dâm tà.
Việc thấy nghe phi lễ lánh xa,
Ðiều dâm loạn bỏ qua đừng nói,
Thân trong sạch, tránh đường tội lỗi,
Dưỡng tinh thần vun nối huệ căn.
Ý sạch trong, tánh dục chế dằn,
Tu phạm hạnh, thường tăng Phật huệ,
Niệm niệm gắng tồn chơn giác thể,
Noi Phật Tiên nghĩa lễ chẳng lơi.
Nay nguyện gìn thanh tịnh trọn đời,
Xuất tam giới, thoát nơi khổ hải,
Cầu chư Phật dâm tà hóa giải,
Ðặng vào nơi tịnh giới tu thân.
4
Bốn giữ điều Vọng ngữ giới chơn,
Gìn Tín nguyện, tâm đơn thành thật,
Chừa nói dối làm điều sai thất,
Lường gạt người, mê hoặc thiên lương.
Lời xảo gian, trở tráo vô thường,
Gây nghiệp ác, họa vương khốn khổ,
Trong Tăng lữ bạn bè lễ độ,
Tin cậy nhau tại chỗ chơn thành.
Việc nói sai, đời để nhơ danh,
Chúng khi thị, chịu đành nhục nhã,
Người thất tín bày mưu giả trá,
Heát ai tin, thiên hạ tránh xa.
Nguyện tu hành, chơn chất thật thà,
Lòng chẳng dám sai ngoa dối giả,
Giữ tín đức trọn thành tấc dạ,
Học đạo chơn, kháng phá hồng trần.
Vun Bồ-đề chánh giác Pháp thân,
Theo Tiên Phật, hưởng phần Cực lạc,
Bằng chuốc việc ngụy tà gian ác,
Sanh não phiền, đọa lạc âm ty.
5
Năm nguyện trừ Nha phiến, tửu đi,
Tồn Trí tánh quang huy hành đạo,
Hút nha phiến, thân gầy tâm táo,
Thịt rượu vào, tánh bạo mê si.
Sanh gian tham hung ác lỗi nghì,
Gây tai họa thị phi, oan nghiệt,
Trong chất rượu chứa men độc nhiệt,
Nha phiến đầy suy liệt vi trùng.
Hai món này nhiễm vươùng thân trung,
Hư tánh mạng, tiêu công đức nghiệp,
Người suy nhược, tinh thần khủng khiếp,
Loạn trí tâm, khó tiếp đạo căn.
Nay tu hành nương Phật Pháp Tăng,
Các độc ấy quyết hằng dứt bỏ,
Tâm Bát nhã thường gìn kiên cố,
Thân Bồ-đề bồi bổ hôm mai.
Chỗ vui chơi nguyện chẳng vãng lai,
Thân, khẩu, ý, mắt, tai, mũi sạch,
Noi Phật Thánh, trí tu thanh bạch,
Bằng loạn mê, khổ ách đành mang.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .
---------------------
-Trích Thiền Môn Nhựt Tụng, HT. Minh Trực, Phật Bửu Tư xb, Sàigòn, 1992

81. VĂN SÁM HỐI
(Sám hối nguyện 7)


Chúng con xin dốc lòng sám hối,
Ðể giải bày tội lỗi xưa nay,
Xét con tạo ác đã dày,
Vì ngu, tham, giận, mà gây thói tà.
Lòng, miệng, mình, sinh ra mọi tội,
Suy cho cùng đều bởi sáu căn:
Mắt ưa sắc, lưỡi ham ăn,
Tai say mê tiếng, mùi thuần mến hương.
Thân thích xúc, lòng vương mọi pháp,
Hợp cùng nhau tạo ác vô cùng,
Xấu xa chất chứa đầy lòng,
Hại người hại vật thật không thiếu gì.
Lòng: tham, giận, ngu si điên đảo,
Miệng: điêu ngoa trơû tráo trăm chiều,
Bỗng dưng thường đặt lên điều,
Ăn không nói có dệt thêu hại người.
Hết nguyền rủa lại lời độc ác,
Chẳng khác gì Càn Thát ma vương,
Thân còn trộm cắp đủ đường,
Tham tàn giết hại chẳng thương muôn loài.
Thói nguyệt hoa đêm ngày say đắm,
Làm bao điều rối loạn nhân luân,
Nay con thẹn hổ muôn phần,
Vì mê nên đã trầm luân bao đời.
Thân chẳng khác bèo trôi sóng vỗ,
Chịu đắm chìm bể khổ sông mê,
Bấy lâu chưa biết đường về,
Cam lòng theo nghiệp dắt đi đủ đường.
Chư Phật động lòng thương con dại,
Muốn cứu con thoát khỏi luân hồi,
Gắng công cầu đạo không ngơi,
Trải bao cay đắng chẳng lui chuyển lòng.
Tổn tính mệnh cũng không hề tiếc,
Nguyện đời đời độ hết chúng sinh,
Con nay dốc một lòng thành,
Cúi xin giải tỏ tội tình của con.
Bằng tơ tóc chẳng còn dám giấu,
Sám hối cầu Tam bảo chứng minh,
Trước cầu sạch tội của mình,
Sau xin cho cả chúng sinh mọi loài.
Bao tội lỗi đồng thời giải thoát,
Dốc lòng thành xin Phật rộng thương,
Từ nay chẳng dám tưởng màng,
Gây nên tội ác để mang sau này.
Việc phúc thiện đêm ngày xin gắng,
Ðạo Boà-đề nguyện chứng không lui,
Ðược rồi xin độ muôn loài,
Ðều cùng thành Phật đời đời yên vui.
Xin cho con được như lời.
*
Sám hối phát nguyện đã rồi
Con xin lễ Phật cùng mười phương Tăng.
---------------
-Trích Nghi Thức Tụng Niệm bằng Chữ Việt. Sa Môn Trí Hải soạn, chùa Bồ Ðề ấn hành, Sàigòn, 1971

82. VĂN CẢNH SÁCH BUỔI SÁNG
(Sách tấn tu tập I)


Xin đại chúng lặng nghe cho kỹ,
Phật dạy rằng rất quý là thân,
Vì bao đời tích thiện nhân,
Nên nay mới lại được sinh làm người.
Phật pháp chính là nơi khó gặp,
Thầy bạn hiền cũng rất hiếm hoi,
Nay ta may gặp đủ rồi,
Không mau tu tỉnh đợi thời nào ư?
Vậy nên kíp bài trừ tính xấu,
Bao điều hay khuyên bảo lẫn nhau,
Phải nên suy trước nghĩ sau,
Chớ theo cảnh dối tìm vào bến mê.
Ðể thân lại quay về bể khổ,
Kiếp bọt bèo sóng vỗ tả tơi,
Ðắm chìm chưa biết bao đời,
Vào sinh, ra tử, đứng ngồi lao đao.
Lúc đó muốn tu nào dễ được,
Ðường đã nhầm càng bước càng xa,
Chi bằng ta hãy vì ta,
Bây giờ tu học thật là dễ thay.
Học ngay pháp xưa nay Phật học,
Việc Phật làm cũng dốc lòng theo,
Chí thaønh làm được bao nhiêu,
Quả sau kết bởi nhân gieo tự rày.
Việc phúc thiện đêm ngày nên gắng,
Ðiều hại người, chớ tưởng màng chi,
Thẳng dong đường chính bước đi,
Ngàn kia xa cũng có khi tới gần.
Bấy giờ được pháp thân tự tại,
Cả hai đường phúc tuệ vẹn hai,
Lại ra độ khắp muôn loài,
Theo như chư Phật đời đời yên vui.
Dốc lòng niệm đức Như lai.
-----------------
-Trích Nghi Thức Tụng Niệm bằng chữ Việt, Sa Môn Trí Hải soạn, chùa Bồ Ðề ấn hành, Sài gòn, 1971

83. VĂN CẢNH SÁCH BUỔI TỐI
(Sách tấn tu tập II)


Xin đại chúng cùng nghe cho rõ,
Phật dạy rằng từ cổ tới nay,
Cõi đời thay đổi đổi thay,
Biến thiên từng phút từng giây chẳng ngừng.
Ngẫm ngay cảnh tưng bừng trước mắt,
Ngoảnh cổ đi đã mất hết rồi,
Khác nào như đám mây trôi,
Thiên hình vạn trạng hợp rồi lại tan.
Muôn loài ở thế gian là khổ,
Sinh, ốm, già, chết, đủ đắng cay,
Ái ân ly biệt thảm thay,
Cầu chi chẳng được lòng này xót xa.
Ở với kẻ vẫn là thù oán,
Chịu những điều chẳng muốn xưa nay,
Khổ đau càng chất càng đầy,
Ai người trong cảnh mới hay nỗi niềm.
Một thân chịu muôn nghìn đau khổ,
Kết cục rồi còn có thấy chi,
Họa may đám cỏ xanh rì,
Gọi là chút đỉnh làm ghi ít ngày.
Thế mới biết thân này là giả,
Có chi mà tranh ngã, tranh nhân,
Chẳng qua cùng ở cõi trần,
Cõi đời ô uế dễ thân sạch nào.
Suy cho kỹ gót đầu sẽ thấy,
Cõi đời này tin cậy được không,
Vậy còn chi nữa mà mong,
Kíp nên niệm Phật để hòng mai sau.
Sang Cực lạc còn đâu hơn được,
Ðấy mới là cõi nước yên vui,
Chúng sinh sung sướng đời đời,
Muốn sao được vậy tức thời có ngay.
Ðức Di Ðà hiện nay là chủ,
Vẫn rộng lòng cứu độ chúng sinh,
Hễ ai có chút duyên lành,
“Tin” theo “Làm” đúng “Nguyện” mình sẽ nên.
Trong chín phẩm đài sen khi tới,
Bạn bè cùng toàn với thiện nhân,
Ðều cùng chứng được chân thân,
Tiêu dao tự tại muôn phần yên vui.
Ngôi bảo tọa chẳng lui chẳng chuyển,
Cảnh trang nghiêm chẳng biến chẳng rời,
Sống luôn kiếp kiếp đời đời,
An nhàn sung sướng thảnh thơi tháng ngày.
Vết ô uế mảy may chẳng có,
Tiếng ưu sầu đau khổ đều không,
Sạch sanh như thể gương trong,
Cảnh vui khôn dễ tả cùng được sao.
Khắp mười phương Phật đều khen ngợi,
Khuyên chúng sinh nguyện tới cho mau,
Tới nơi như ý sở cầu,
Muốn sao được vậy còn đâu hơn mà.
Vậy ai đã goïi là người biết,
Nên dốc lòng chí thiết cầu sang,
Sang rồi lại mở lòng thương,
Lại ra độ khắp mười phương muôn loài.
Ðể cùng được về nơi Cực lạc,
Hưởng đời đời giải thoát tiêu dao,
Dốc lòng niệm Phật cùng nhau.
---------------
-Trích Nghi Thức Tụng Niệm bằng Chữ Việt, Sa Môn Trí Hải soạn, chùa Bồ Ðề ấn hành, Sài Gòn, 1971



Chú thích


(1) Triền sử: Tức là Thập triền và Thập sử.
(2) Lậu nhân: Nhân hữu lậu. Tạo nhân thiện ác để thành thân sau.
(3)Tán nạn: Tức là tám chỗ không gặp Phật pháp. Tám chỗ ấy là:
1) Ðịa ngục 2) Súc sanh
3) Ngạ quỉ 4) Ðui, điếc. câm, ngọng
5) Thế trí biện thông 6)Sanh trước hoặc sanh sau Phật
7) Bắc Cu Lô Châu 8) Vô tưởng thiên
(4) Bốn duyên: Có hai thuyết.
1) Thấy nghe duyên, nghe pháp duyên, hộ pháp duyên, phát tâm duyên.
Bốn duyên này giúp cho tâm Bồ đề được tăng trưởng.
2) Áo mặc, cơm ăn. Ðồ nằm, thuốc thang.
(5) Tứ sanh : Bốn loài sanh : noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/09/2020(Xem: 5395)
Cư sĩ Mahā Silā Vīravong, sử gia Lào, nhà ngữ văn, giáo viên dạy tiếng Pali, người hiện đại hóa bảng chữ cái Lào, một nhân vật trí thức lớn của nền độc lập Lào. Trong các cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của thực dân đế quốc Pháp, bằng cách tích cực hoạt động trong phong trào của Lào Issara mà ông lưu vong tại Vương quốc Thái Lan vào năm 1946.
29/09/2020(Xem: 5380)
Bảy đại diện của Hội nghị Hàn Quốc về Tôn Giáo và Hòa Bình (KCRP), bao gồm Hòa thượng Viên Hạnh (원행스님 - 圓行和尚), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 36, đã gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc Chung Sye-kyun (정세균; Đinh Thế Quân), và cam kết hợp lực để tìm ra một kế hoạch hợp tác, đôi bên cùng có lợi cho cả các hoạt động tôn giáo và phòng chống cơn đại dịch hiểm ác Virus corona.
29/09/2020(Xem: 4544)
Có lẽ chuyến du lịch hành hương không gian mạng, các bạn nhìn thấy một thứ tương tự như thế này từ một cửa hàng trực tuyến: “Chuỗi hạt Tây Tạng Mala Charm Vòng đeo tay Cát tường tuyệt đẹp này với các hạt màu phấn nhẹ nhàng, phù hợp để thực hành chân ngôn thần chú, và để đeo làm đồ trang sức”.
29/09/2020(Xem: 5313)
Tứ là bốn, nhiếp là thu phục, pháp là phương pháp. “Tứ Nhiếp Pháp” là bốn phương pháp lợi tha, đã được Đức Phật Thích Ca dạy cho các đệ tử tại gia cũng như xuất gia của Ngài. Bốn pháp này nếu thực hành đúng đắn sẽ có công năng giúp con người lìa xa cuộc sống buông lung, phóng túng… mà theo đó dễ có những hành động bất thiện gieo khổ đau cho người và phiền não cho mình. Tứ Nhiếp Pháp giúp con người quay về với đường ngay nẻo phải, hay chính xác hơn là trở về với Phật pháp. Phật pháp là con đường tu hành chân chính, hướng về tâm linh đi đến giác ngộ giải thoát.
29/09/2020(Xem: 5583)
Trong khi ý tưởng về Phật giáo đã đạt đến một vị thế rõ ràng trong triều đại nhà Minh (1368-1644) đã lỗi thời trong giới học giả, nó vẫn tồn tại bởi vì vẫn còn tồn tại quan niệm phổ biến, ngay cả trong giới Phật giáo đương đại, rằng Phật giáo đã đạt đến đỉnh cao về trí tuệ, và triết học vào triều đại nhà Đường (618-907), trước khi bị tê liệt bởi nhiều cuộc khủng hoảng và đàn áp, sau đó suy tàn vào triều đại nhà Tống (960-1279) và kế đến triều đại nhà Minh. Đây không phải là hoàn toàn nhầm lẫn, cũng không phải là đầy đủ câu chuyện. Nhà xuất bản Đại học Columbia một lần nữa đã phát hành một nghiên cứu đột phá, có thể thay đổi sự hiểu biết của học giả - và có lẽ là nhiều năm sau, sự hiểu biết phổ biến – về kinh nghiệm của Phật giáo vào triều đại nhà Minh.
29/09/2020(Xem: 6921)
“So sánh với thế giới ngày nay, tôi nghĩ rằng mọi người ở khắp nơi đều cảm thấy hòa bình là rất quan trọng. Vào thế kỷ trước, chúng ta đã chi rất nhiều tiền và kiến thức khoa học để chế tạo vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Bây giờ tôi nghĩ rằng phải khai trừ thái độ tinh thần đó và đã thay đổi nhiều. Bây giờ mọi người đang thể hiện mối quan tâm nghiêm túc về hòa bình; điều đó rất quan trọng. Ngày nay do đại dịch hiểm ác Covid-19 nên tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Trong thời kỳ nguy khốn như vậy, suy nghĩ về vũ khí là không thực tế và lỗi thời. Bây giờ chúng ta phải nghĩ về một thế giới hòa bình.
29/09/2020(Xem: 5132)
Hai cây đàn gỗ, thường gọi là đàn thùng, được chủ nhân treo gần bên nhau trên chung một vách gần bên kệ kinh sách. Sáng sớm, cây Đàn Mới Đẹp được chủ mang đi hòa tấu ở đâu đó đến trưa mới mang về treo lại bên cây Đàn Cũ Kỹ. Gần bên nhau hơn cả giờ đồng hồ, thấy Đàn Cũ Kỹ vẫn im thin thít không hỏi han gì, Đàn Mới Đẹp ấm ức hỏi: "Sao anh không hỏi gì?"
28/09/2020(Xem: 6228)
Họa sĩ Nhân dân Mông Cổ, Cư sĩ Urjingiin Yadamsuren (1905–1986) là cha đẻ của Nghệ thuật Mông Cổ hiện đại, đặc biệt là một phong cách chịu ảnh hưởng của “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Socialist realism), cũng như các phong cách và kỹ thuật truyền thống của Mông Cổ, được gọi là Mongol Zurag. Phong cách lấy chủ đề Mông Cổ thường nhật và làm cho những người bình thường và thực hành chủ đề này.
28/09/2020(Xem: 7024)
Sáng nay chúng con, chúng tôi lại tiếp tục lên đường gieo hạt tình thương, nơi đến cứu trợ hôm nay là một địa điểm đặc biệt liên quan đến lộ trình hoằng pháp của đức Phật, đó là nơi Ngài đã thuyết Bài Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta- Tương Ưng Bộ Kinh- Kinh 35.28). Như trong kinh tả lại, vài tháng sau khi giác ngộ, Đức Phật giảng bài pháp nầy cho 1,000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Đức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn. Sau khi nghe bài giảng nầy, toàn thể thính chúng đắc quả A la hán.(Đường Link để tham khảo bài Kinh: Kinh Lua Chay)
28/09/2020(Xem: 6739)
Dharamshala: Thủ tướng Chính phủ Tây Tạng lưu vong (Sikyong), Tiến sĩ Lobsang Sangay, nhà lãnh đạo Chính trị được bầu dân chủ Tây Tạng, Cục Quản lý Trung ương Tây Tạng lưu vong đã ra mắt cuốn sách do Hoà thượng Acharya Yeshi Phuntsok, Phó Chủ tịch Quốc hội Lưu vong Tây Tạng biên soạn với chủ đề “So sánh Hiến pháp của các Quốc gia Dân chủ Khác nhau” (Comparative Constitutions of Various Democratic Nations). Tác phẩm tập trung vào việc so sánh Hiếp pháp của các quốc gia dân chủ khách nhau trên thế giới, và giải thích các loại Hiếp pháp Dân chủ khác nhau một cách đơn giản nhưng sâu sắc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]