Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Quan niệm về sự sống và chết đối với người Trung Quốc và Nhật Bản

06/05/201319:53(Xem: 6826)
Chương III: Quan niệm về sự sống và chết đối với người Trung Quốc và Nhật Bản

Sống Và Chết

Chương III: Quan Niệm Về Sự Sống Và Chết Đối Với Người Trung Quốc Và Nhật Bản

Thích Như Điển

Nguồn:Thích Như Điển


Trung quốc và Việt Nam ở rất gần nhau, chỉ cách một biên giới thôi; nên dầu muốn dầu không Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự liên hệ với nhau lâu đời về nhiều phương diện như văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán, lễ nghi v.v... Có những cái người Trung Quốc cũng phải học của những nước nhỏ. Ngược lại các nước nhỏ lâng bang của Trung Quốc phải học hỏi tại đây rất nhiều, sau đó mang những tư tưởng học thuật nầy về lại quê hương của mình để biến chế ra thành thức ăn tinh thần cho dân tộc mình.

Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam là những nước ảnh hưởng rất sâu đậm về nền văn hóa của Trung Quốc, do vậy mà quan niệm về sự sống cũng như chết đối với các dân tộc nầy cũng có nhiều điều giống nhau.

Trung Quốc đã có đến 5.000 năm văn hiến. Nơi đây đã sản xuất ra không biết bao nhiêu nhân tài và vĩ nhân của thế giới như Khổng Phu Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Tô Đông Pha v.v... Đó là về phương diện Đời. Còn phương diện Đạo thì cũng đã có vô số kể các bậc Tổ sư như Huệ Khả, Tăng Xáng, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng, Lâm Tế v.v... Hay gần đây như Ấn Quang Đại Sư, Hư Vân Lão Hòa Thượng v.v... Tất cả những giá trị tinh thần nầy là một quốc bảo vô giá của gia tài Trung Quốc vậy.

Khi các dân tộc yếu thế nầy nhìn về Trung Quốc cũng có ý thần phục ở nhiều phương diện; nhưng nếu Trung Quốc muốn lấn chiếm lãnh thổ, hoặc gây hấn thì Trung Quốc cũng bị các nước lâng bang tấn công lại như thường. Ví dụ vào thời Lý, Trần ở Việt Nam vào thế kỷ 11 đến 14, đã bao cuộc đụng độ với Việt Nam, cuối cùng rồi Trung Quốc cũng phải thua và chạy về nước. Hay mãi đến thế kỷ 18, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đem đại binh qua đến Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc để chinh phạt. Rồi gần đây nhất, ở đầu thế kỷ 20 nầy, khi sự kiện Mãn Châu đã xảy ra, Nhật Bản đã đến làm chủ Trung Quốc mấy năm liền vào đầu thập niên 40 và đây là bàn đạp để Nhật Bản có thể tiến xuống các nước Đông Nam Á Châu chiếm làm thuộc địa.

Nhìn trên bản đồ thế giới, nước Nhật mới chỉ lớn hơn một hòn đảo Hải Nam của Trung Quốc mà dám đem quân xâm chiếm một nước lớn hơn mình cả vạn lần. Quả là điều vô tưởng; nhưng đó là sự thật. Không biết những nhà cầm quyền thuở bấy giờ dựa trên lập trường và chính sách nào để đi chinh phạt kẻ khác, giả thử như bây giờ người ta phải nương cậy vào súng ống và kinh tế. Còn lúc đó có lẽ Nhật Bản dựa vào tinh thần cực đoan của dân tộc họ chăng? Chiến tranh đã được gì? chẳng ai trả lời cho trọn vẹn câu hỏi nầy. Chỉ có kết quả là nhà tan cửa nát, gia đình ly tán, của cải mất mát và gây bao cảnh khổ cho hàng vạn sinh linh. Không biết những nhà lãnh đạo của thế giới đã nghĩ gì khi họ ban hành những đạo luật giết người ấy. Vì thế, theo tôi luôn nghĩ rằng: Người làm Tôn Giáo không cần theo một thể thức chính trị nào cả. Vì lẽ, dầu ở bất cứ dưới chế độ nào, Tôn Giáo vẫn phải tồn tại. Ngược lại, những người làm chính trị mà không có đạo đức của Tôn Giáo quả là một điều lầm lẫn.

Đến thế kỷ thứ 18 thì Âu Châu đã tách tôn giáo ra khỏi vương quyền. Điều ấy đúng; nhưng những người cai dân trị nước bây giờ trên thế giới rất hiếm người có một đời sống đạo đức tôn giáo thật sâu sắc. Mặc dầu có Quốc hội Lưỡng viện, có luật pháp bảo vệ; nhưng tất cả chỉ là những cái tương đối của thế gian về luật pháp mà thôi.

Nhìn lại Trung Hoa mấy ngàn năm trước và Trung Quốc ngày nay, chúng ta học hỏi được gì? qua bao nhiêu triều đại phong kiến và cộng sản. Chế độ nào cũng tự cho mình là nhất; nhưng so sánh với ngày xưa, quả thua sút rất nhiều. Ngày xưa tuy văn minh vật chất không tiến bộ như ngày hôm nay; nhưng đời sống tinh thần quả là một kho tàng vô giá. Khổng Tử đã dạy cách sống cho kẻ sĩ cũng như mọi người lúc bấy giờ rằng: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Phải thuận chiều như thế thì nhà mới yên và nước không có loạn. Nếu tự thân không có đạo đức thì gia đình không thể hòa hợp được. Khi không làm chủ được gia đình làm sao có thể cai quản được quốc gia, từ đó đi đến kết luận rằng không thể làm cho thiên hạ thái bình được. Còn ngày nay lại khác, người ta làm ngược lại những nguyên tắc trên. Nghĩa là bình thiên hạ trước, đến trị nước sau và lo cho gia đình, rồi mới đến bản thân. Bởi vậy nên luân thường đạo lý đều thay đổi rất nhanh chóng và xã hội bị chao đảo mọi điều; lòng người cũng không yên ổn chút nào trong một cuộc sống khủng hoảng về tâm linh như thế.

Khổng Tử cũng đã dạy người con trai có năm đức tính quan trọng phải làm tròn. Đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín. Nhân đây có nghĩa là lòng thương người. Nghĩa đây là tình nghĩa Thầy trò, cha mẹ, vợ chồng. Sống với nhau phải có cái nghĩa là vậy. Ngoài ra phải có trí tuệ để phán xét sự việc trước khi hành động và cuối cùng, nhất là niềm tin. Nếu không có chữ tín thì mọi sự khó thành. Người ta tin tưởng với nhau ở lời nói. Nếu hứa sai, hoặc nói sai, tức không đáng được tin cậy.

Khổng Tử cũng đã dạy cho người đàn bà có 4 đức tính quan trọng trong cuộc sống hằng ngày đó là Công, Dung, Ngôn và Hạnh. Đây là những nét đẹp của người phụ nữ Trung Quốc nói riêng và người phụ nữ Á Châu nói chung. Công đây có nghĩa là việc làm. Ngày xưa người đàn bà hay ở nhà lo việc tề gia nội trợ, để người chồng có thì giờ lo cho công việc ở bên ngoài. Sắc đẹp cũng là một điều rất trân quý và đây là một lợi khí rất quan trọng của nữ giới khi hành xử với đời. Lời nói phải nhỏ nhẹ, ôn hòa, khiêm cung, lễ phép và nhất là đức hạnh của một người đàn bà phải trong sạch, thủy chung v.v... Tất cả bấy nhiêu đó nếu làm được hết thì xã hội sẽ được an ổn. Đó là chủ trương của Khổng Tử trong việc trị thế; nhưng cái khuyết điểm của Khổng Tử là không chỉ cho con người một lối thoát là sau khi chết, đi về đâu? Lúc sống chỉ lo phụng sự cho con người, cho quốc gia và xã hội; nhưng không có một lối thoát, khi đã mãn phần ở cõi tạm nầy. Có lẽ Khổng Tử chỉ là một bậc hiền triết, một chính nhân quân tử chăng? Không phải là một bậc xuất thế gian, do vậy mà khó có thể đòi hỏi ở Khổng Tử một giá trị tuyệt đối về 2 mặt sống chết của cuộc đời cho đầy đủ được.

Do vậy mà lúc Lão Tử xuất hiện tại Trung Quốc cách mấy ngàn năm trước đã bổ sung cho cách sống nầy. Đó là việc xuất thế. Lão Tử chủ trương mọi việc trên thế gian đều giả hợp, chỉ có cảnh thanh tịnh yên lặng, nơi đó mới chính là đạo. Có lần ông cũng đã dạy cho môn đồ của ông rằng: Đạo mà nói lên được thì không còn gọi là đạo được nữa. Cái tên mà còn gọi lên được thì cái đó chỉ là một bã hư danh. Nếu so sánh cả 2 loại triết lý trên, chúng ta có thể thấy rằng Khổng Tử chủ trương nhập thế tích cực và Lão Tử thì chủ trương xuất thế tiêu cực. Cả 2 cũng chỉ đáp ứng được một mặt của cuộc đời thôi. Do vậy, Đạo Phật khi đến với người Trung Quốc, họ đã chấp nhận một cách rất dễ dàng và dung hóa mau lẹ vào trong một đất nước to lớn như thế nầy. Vì Đạo Phật đã có được cả 2 phương diện. Nghĩa là khi còn sống, người Phật Tử biết mình phải làm gì và khi chết, họ tự biết mình phải đi về đâu?

Một nền Đạo phóng khoáng bao dung như vậy, có cả nhập thế lẫn xuất thế như thế nên vua Hán Vũ Đế lúc bấy giờ vào đầu thế kỷ thứ nhất đã trân quý đón nhận triết lý của Đạo Phật từ Ấn Độ được truyền sang Trung Hoa, như một món quà cao cả nhất và trải qua hằng mấy chục triều đại, suốt gần 2.000 năm lịch sử tại Trung Hoa, Phật Giáo đã sản sinh ra không biết bao nhiêu bậc danh Tăng chân tu thực học. Phật Giáo đã đào tạo ra không biết bao nhiêu ông vua Phật Tử chơn chánh biết chăn dân trị nước và thương dân như chính thương con mình. Nếu không nhờ tinh thần từ bi, vô ngã của Đạo Phật thì chắc chắn Trung Hoa không có những bậc minh quân hiền đức như thế. Rồi học thuật, Văn hóa, Trà đạo, Thơ đạo, Kiếm đạo, Thiền đạo v.v... tất cả cái nhân cách sống ấy của người Trung Quốc đã ứng dụng Đạo vào thơ, Đạo vào trà, Đạo vào Thiền, Đạo vào cung tên, nhu đạo v.v... tất cả là những bông hoa thơm ngát tỏa rạng một khung trời hơn 1 tỷ dân trong hiện tại và chính bông hoa ấy đã đóng góp cho nền triết học, nghệ thuật của Trung Quốc thêm cho chiều dầy của lịch sữ nước nầy càng ngày càng vững mạnh hơn. Dĩ nhiên, nếu không có Đạo Phật, người Trung Quốc, Tây Tạng, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản v.v... hay ngay cả người Âu Mỹ vẫn có thể sống, vẫn có thể làm ăn, hưởng thụ v.v... Nhưng có thêm Đạo Phật vào một dân tộc nào đó, là có thêm một chất liệu dưỡng sinh về tinh thần, mà dân tộc đó có được một trợ lực vô hình, khiến cho chính dân tộc mình có một niềm hãnh diện với chính mình và đó cũng là niềm hãnh diện chung của nhân loại ngày nay khi nhìn về Trung Quốc.

Tại sao người Đại Hàn, Mông Cổ, Nhật Bản, Việt Nam phải qua Trung Quốc để học hỏi? Vì lẽ dễ hiểu là nơi Trung Quốc lúc bấy giờ đã có những gì mà những dân tộc lâng bang khác chưa có. Ví dụ Thiền từ Ấn Độ được truyền sang Trung Quốc; nhưng người Trung Quốc đã biến chế, sửa đổi lại cho hợp với tinh thần của dân tộc mình. Đó cũng là một cách sống vậy và đến khi người Nhật sang Trung Quốc cũng học Thiền, rồi khi trở về nước, người Nhật biến thành cái Thiền của họ. Do vậy mà ngày nay những người Âu Mỹ khi nghe đến chữ ZEN hay CHADO, KENDO v.v... là nghĩ ngay chỉ có người Nhật mới có: nhưng trên thực tế, người Nhật cũng chỉ học lại của người Trung Quốc mà thôi; nhưng người Nhật giỏi ở chỗ khéo léo tài tình biến chế; trong khi đó, người Việt Nam chưa có được cái cách sống nầy. Những gì mà các sĩ phu Việt Nam sang Trung Quốc học, mang về áp dụng giống hệt như tại Trung Quốc. Do vậy mà bao nhiêu chủ nghĩa, bao nhiêu học thuật hay bị thất bại và khi đất mẹ chết là những đất đai chung quanh bị ảnh hưởng không nhỏ. Chỉ có một ít quý vị Đại Sư người Việt Nam biết dung hóa 2 nền văn hóa, nghệ thuật, chính trị, tôn giáo nầy thì có thể phát triển một cách thuần thục; nhưng rất chậm chạp. Vì đa phần người Việt Nam đều vọng ngoại, rất khác xa với tinh thần của người Nhật Bản.

Người Phật Tử Trung Quốc bị ảnh hưởng giáo lý của Đạo Phật nên họ cũng xem cuộc đời nầy là vô thường, không có gì chắc thật cả. Do vậy mà quan niệm "Sống Gởi Thác Về" cũng được rất nhiều người Trung Quốc ứng dụng vào kiếp nhân sinh của mình. Trong cuộc sống ấy họ cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng "Tri túc thường lạc" của Phật Giáo, để rồi họ vui với những gì trong hiện tại, không đòi hỏi xa hoa, mà tự mãn với những gì đang có. Nhất là cái giá trị tinh thần mà Phật Giáo đã cống hiến cho họ. Một Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang, đã trao truyền cho dân tộc Trung Quốc một sức sống rất mãnh liệt về nội tâm. Một vua Lương Võ Đế đã để lại hậu thế biết bao nhiêu di ngôn không lời, khiến cho quê hương thanh bình thịnh trị, qua cách chăn dân trị nước dựa theo tinh thần của Phật Giáo. Một Huyền Trang Đại Sư, Người đã ra đi và Người đã trở lại Trung Quốc với biết bao nhiêu là hành trang và tư liệu học hỏi được từ Ấn Độ, để từ đó Phật Giáo được trang trải khắp non sông, như trang trải một tấm lòng Bồ Tát cho tất cả chúng sanh nơi cõi Ta Bà nầy.

Viết làm sao cho hết, nói làm sao cho cùng trong một tác phẩm nhỏ mấy trăm trang nầy; nhưng nói gọn cũng có thể chỉ dùng một chữ mà hình thành. Đó là chữ "TÂM" cho Trung Quốc. Chữ Tâm nầy nó biến đổi sơn hà đại địa, chữ Tâm nầy nó đã gọi người Trung Quốc ngồi dậy, chữ Tâm nầy nó đã thúc giục người Trung Quốc phải sống, chữ Tâm nầy nó đã biến đổi từ quan niệm hữu thần, đa thần thành vô thần (theo cái hiểu của Phật Giáo chứ không phải chủ nghĩa cộng sản) để từ đó bước lên chủ nghĩa tự tu, tự chứng, tự thành, như các bậc Tổ Sư vĩ đại của Trung Quốc qua vai trò của Ngài Huệ Năng, Thần Tú, Lâm Tế, Mã Tổ v.v... Đó chính là cách sống của Phật Giáo vậy và cũng từ cách sống nầy, Phật Giáo đã chỉ cho người Trung Quốc con đường phải đi, tất có đến. Đó là Niết Bàn an lạc, giải thoát, an vui hay địa ngục A Tỳ nơi giam giữ những oan hồn uổng tử. Câu "Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo" để nhắc cho người Trung Quốc hiểu rằng: Nhân lành sẽ ra quả tốt và nhân xấu sẽ gặt quả xấu là chuyện đương nhiên. Do vậy mà, với tinh thần nầy tuy không phải là hàng rào kẽm gai, không phải là nhà tù giam hãm, mà là một khuôn phép vô hình đã giúp đỡ về vấn đề đạo đức cho người dân sống sao cho khỏi bị sa vào vòng lưới pháp luật.

Người Trung Quốc cũng quan trọng cái chết như hoặc hơn người Việt Nam nữa. Vì ngoài đạo Phật ra, họ còn ảnh hưởng bởi Khổng Giáo. Do vậy mà cách làm người khi sống cũng như khi chết bị trách nhiệm và bổn phận ràng buộc nhiều hơn.

Người Trung Quốc ngày xưa cũng sống trong một chế độ đa hệ. Nghĩa là có nhiều đời cùng sống dưới một mái nhà giống như người Việt Nam. Vì lẽ Trung Quốc ngày xưa hầu hết đều sống về nông nghiệp, đánh cá hay săn bắn. Khi mà xã hội chưa phát triển tình người ít bị phân ly. Lúc mà cuộc sống vật chất càng ngày càng nâng cao, cũng có nghĩa là đời sống tinh thần không còn vững vàng như những thế hệ trước nữa. Ngày xưa ít thấy ly dị, mặc dầu sống trong một xã hội chậm tiến; còn ngày nay tuy sống trong một xã hội với thông tin đứng hàng đầu, khoa học tiến bộ vượt bực; nhưng tâm con người đâu có an ổn chút nào. Lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi, bị đe dọa, khủng bố v.v... Con người bây giờ mỗi ngày càng muốn cuộc sống có đầy đủ tiện nghi hơn. Do vậy mà đời sống tinh thần cũng bị lơ là đi rất nhiều. Ngày nay, ở cuối thế kỷ thứ 20 nầy, nếu ai đó đã có lần viếng thăm Trung Quốc thì phải hết sức ngạc nhiên. Vì lẽ ít có người còn quan tâm đến Tôn Giáo. Nếu có đi chăng nữa, đa phần cũng bị hình thức mê tín, dị đoan cầu đảo nhiều hơn là thực hành đúng với lời khuyên của các vị Tổ Sư ở vào những thế kỷ trước. Nếu còn chăng trong hiện tại ở Trung Quốc là những chùa chiền, đền đài, miếu một đồ sộ. Khiến khách lãm du phải trầm trồ khen ngợi. Nhưng để được cái tinh thần bao dung và làm nên những công trình to lớn như vậy phải cần một tư tưởng thật vĩ đại lúc bấy giờ mới có được và cái tư tưởng ấy ngày nay nó đã lẫn trốn nơi nào rồi, không ai khơi dậy nổi. Vả chăng Trung Quốc phải cần một bậc Đại Danh Tăng như Hư Vân Đại Lão Hòa Thượng hay Ấn Quang Đại Sư ra đời vào đầu thế kỷ thứ 21 nữa để chấn chỉnh Phật học như Thái Hư Đại Sư đã làm vào đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua?

Sang qua lãnh vực sống và chết của người Nhật cũng có ít nhiều khác nhau so với người Trung Quốc và Việt Nam. Ví dụ như ngày nay những trẻ nhỏ người Nhật đều được sinh ra tại nhà thương, lớn lên tại nhà và học đường. Khi cưới hỏi đa phần làm lễ tại nhà thờ (ở chùa hầu như rất hiếm). Khi chết mọi người lại lục tục sắp hàng vào chùa. Không biết đây là quan niệm tôn giáo của Nhật Bản hay sao? Có lẽ là một thói quen đúng hơn và thói quen ấy dựa trên thời trang cũng như cách sống trong hiện tại. Ví dụ tại Nhật Bản theo thống kê chỉ có 1% là Thiên Chúa Giáo; nhưng đến ngày lễ Giáng Sinh vào 25 tháng 12 mỗi năm, đi đâu cũng thấy quà bánh Giáng Sinh, làm như nước Nhật là một nước đa phần theo Thiên Chúa Giáo không bằng?

Việc cưới hỏi tại nhà thờ ngày nay có lẽ cũng như thế thôi. Cặp thanh niên nam nữ nào tổ chức theo thời trang và cách sống hiện đại sẽ được nhiều người hưởng ứng hơn. Mặc dầu họ cũng tự biết rằng niềm tin của họ vào một đấng tối cao cũng không tha thiết mấy. Rồi khi chết có lẽ họ cũng không thích vào chùa mấy. Nhưng ông bà họ đã được chôn tại đất chùa, bây giờ họ phải chôn ở đây. Do vậy mà đã trở thành một truyền thống. Mà ở Nhật chỉ có chùa mới có đất đai rộng rãi, còn nhà cửa dân chúng thì quá sức chật hẹp, làm sao có đất để chôn thân nhân mình. Vậy là ngoài chùa ra, không có nơi nào để đi cả, khi mà họ phải bỏ tấm thân tứ đại giả tạm ở giữa cuộc đời nầy.

Người Nhật có tôn giáo thì quan niệm rằng sau khi chết sẽ thành Phật và thành Thánh hết, không phải đi luân hồi tái sanh như các nước theo Phật Giáo khác quan niệm. Đây cũng là chủ trương của Nhựt Liên Tôn và Tịnh Độ Tông. Bởi vậy họ không bị ràng buộc trong cuộc sống nầy bằng những nguyên lý đạo đức, bổn phận như các quốc gia Phật Giáo khác, mà đa số đều quan niệm rằng sẽ được giải thoát sau kiếp sống nầy.

Đạo Phật được truyền vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6. Đến thế kỷ thứ 7, Đạo Phật đã được phát triển tại đây một cách vững mạnh qua việc ứng cơ trị nước qua tư tưởng Tam Quy Ngũ Giới mà vị vua Phật Tử như Thánh Đức Thái Tử đã hành xử vào thế kỷ thứ 7 vừa qua tại Nhật Bản. Nhật Bản là một đảo quốc, do đó khó bị ảnh hưởng bởi một luồng tư tưởng học thuật nào từ ngoài đến, ngoại trừ Trung Quốc là xứ văn minh gần gũi Nhật Bản hơn cả Ấn Độ và Âu Châu hay Mỹ Châu. Người Nhật đã đến Trung Quốc qua con đường biển. Họ đến đây để học về Thiền, về Trà, về suối nước nóng, về thơ, họa v.v... và sau khi trở về, các vị Thiền sư người Nhật đã chế tạo ra một loại Thiền khác, một loại trà khác và một loại ngôn ngữ khác để thích nghi với người Nhật địa phương, thế là Phật Giáo đã đâm chồi bắt rễ nơi nầy suốt cả 1.400 năm lịch sử đã trôi qua. Ngày nay người Nhật vốn hấp thụ đời sống văn minh tân tiến của Âu Châu, nhất là Mỹ, kể ra cũng có nhiều điểm quá đà; nhưng nhìn chung người Nhật vẫn còn duy trì được những gì thuộc về văn hóa, tôn giáo, học thuật cũng như tư tưởng đặc thù của Nhật Bản.

Một Đại Học Nalanda tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ nhất do Ngài Long Thọ làm Viện Trưởng, lúc bấy giờ đã có hàng chục ngàn Sinh viên Tăng sĩ lưu học tại đó và Đại Học nầy đã tồn tại đến thế kỷ thứ 8, thứ 9 tại Ấn Độ; nhưng trải qua bao cuộc biến thiên của lịch sử Nalanda trong hiện tại ở vào cuối thế kỷ thứ 20 nầy, thu hẹp lại chỉ còn có thể dạy cho chừng 50 Sinh viên là cùng. Trong khi đó Phật Giáo Nhật Bản lại khác. Từ con số không to tướng về tư tưởng, học thuật, tôn giáo và khi có mặt của Phật Giáo cho đến nay đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử khác nhau; nhưng tựu chung họ đã vượt thoát qua khỏi bao chướng ngại để tự tồn. Ngày nay tại Nhật Bản không phải chỉ có một vài Đại Học Phật Giáo, ít ra trên toàn cõi Nhật Bản ngày nay cũng có hơn 100 Đại Học Phật Giáo so với hơn 1.000 Đại Học công tư thục mà Nhật Bản hiện có. Đây quả là một đáp số rất to lớn để kết luận về giáo dục và Tôn Giáo tại Nhật Bản ngày nay.

Trong khi đó tại Đại Hàn ngày nay ở thành thị cũng như thôn quê đâu đâu cũng thấy bóng dáng của Thánh Giá nhiều hơn chùa chiền. Đây là một mối nguy của Phật Giáo Đại Hàn trong hiện tại. Ngày xưa, ở những thế kỷ trước, Phật Giáo tại quốc gia nầy gần như là quốc giáo, mà ngày nay tại Đại Học Phật Giáo Seoul chỉ có mấy chục Sinh viên học về phân khoa Phật Học. Đây quả là một điều đáng lo lắng cho Phật Giáo Đại Hàn trong hiện tại.

Đời sống của Tăng sĩ Nhật Bản trong hiện tại vốn không thanh tịnh như đời sống của chư Tăng Nam Tông hay một số các nước Phật Giáo Bắc Tông khác; nhưng về kiến thức văn hóa, Phật học, có nhiều vị trội hẳn các nước khác. Có lẽ vì phải biến đổi để tự tồn ở một đảo quốc, nhất là sau thời kỳ Minh Trị Duy Tân (1868) đến nay; nên tất cả người Nhật phải vươn lên, trong đó có Phật Giáo. Nhờ vậy mà những bông hoa văn hóa của Phật Giáo vẫn còn nở thắm không những chỉ tại bầu trời Đông Kinh mà còn tỏa rộng ra khắp cả xứ Nhật nầy.

Tinh thần Tông phái tại Trung Quốc đã khác biệt nhau qua 10 Tông như: Tịnh Độ, Thiền, Luật, Pháp Hoa, Pháp Tướng, Câu Xá, Thành Thật, Thời Tông, Hoa Nghiêm Tông, Tam Luận Tông mà khi đến Nhật Bản, các Tông nầy lại chia ra nhiều phái khác nhau. Ví dụ trong Thiền Tông lại có chia ra Lâm Tế và Tào Động phái. Trong Pháp Hoa Tông lại chia ra: Nhựt Liên Chánh Tông, Sáng Giá Học Hội và Lập Chánh Giảo Thành Hội. Trong mỗi phái lại có nhiều Chi Nhánh khác nhau và cứ thế cứ thế cạnh tranh để sinh tồn. Ai đã có lần đi đến Kyoto thì sẽ rõ. Cũng là 2 chùa theo Tịnh Độ Tông; nhưng một chùa gọi là Đông Bổn Nguyện và một chùa gọi là Tây Bổn Nguyện. Chùa nào cũng có số tín đồ rất đông đảo. Bên nào cũng thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; nhưng chủ trương của các vị Tổ của 2 bên khác nhau, do vậy mà niềm tin của họ cũng khác.

Tinh thần tông phái cũng là tinh thần tốt thôi; nhưng chúng ta nên nhớ một điều là cạnh tranh để sinh tồn, chứ không phải cạnh tranh để tiêu diệt nhau. So với Việt Nam trong hiện tại, ở quốc nội cũng như hải ngoại, tinh thần tông phái Đại Thừa, Tiểu Thừa, Thiền hoặc Tịnh cũng có chia ra rõ rệt; nhưng không vì thế mà cạnh tranh nhau ráo riết để đi đến chỗ hạ thủ nhau. Chỉ có một điều tại Việt Nam cũng như Nhật Bản cả hai đều hấp thụ nền tư tưởng học thuật cũng như văn hóa tôn giáo của Trung Quốc qua suốt dòng lịch sử, mà Nhật Bản ngày nay vẫn còn giữ gìn. Trong khi tiếp thu cái mới vẫn còn bảo vệ những giá trị tinh thần của cái cũ. Trong lúc đó Phật Giáo Việt Năm lại không thực hiện được chức năng nầy. Có lẽ vì chiến tranh loạn lạc xảy ra đã làm cho lòng người ly tán, nghi kỵ chăng?

Người Nhật có tinh thần võ sĩ đạo rất cao thượng. Nghĩa là khi thua thì chịu chết chứ không chịu đầu hàng. Ngày xưa chúng ta thường thấy họ trung thành với lý tưởng nầy mà mổ bụng tự sát để chứng tỏ lòng trung thành với lý tưởng, tổ chức hoặc quốc gia, dân tộc. Ngày nay tinh thần ấy hầu như không còn nữa đối với dân tộc Nhật. Có lẽ đó là một tinh thần quốc gia cực đoan chăng? Nhìn lại lịch sử, vào thế chiến thứ nhất 1914-1918 và thế chiến thứ hai 1939-1945 người Nhật đã vì tinh thần quốc gia cực đoan nầy mà đã xua quân tràn khắp Á Châu chiếm làm thuộc địa; nhưng với chiêu bài là giúp các nước Châu Á giành lại độc lập từ tay người Âu Châu, trong đó có Việt Nam, Lào, Cam Bốt v.v... nhưng thực tế, đây chỉ là một chủ nghĩa xâm lược, chứ không phải chủ nghĩa Châu Á của người Á Châu như người Nhật vẫn hay rêu rao khi ra chiến đấu. Rồi đội quân Kaminokaze (Thần Phong) là một đội quân quyết tử, quyết chiến đấu với Mỹ; nhưng cuối cùng Nhật Bản vẫn bị bại trận qua 2 quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Qua sự kiện nầy cho chúng ta thấy được rằng cái nào có tính cách cực đoan quá khích đều không thể tồn tại lâu dài nơi một dân tộc. Tại Âu Châu cũng vậy, Hitler cũng vì chủ nghĩa quốc gia cực đoan và mộng bá chủ điên cuồng của ông mà đã có không biết bao nhiêu người Do Thái bị chết một cách thê thảm và ngày nay người ta nhắc lại sự kiện giết người nầy vẫn còn ghê tởm, chẳng khác gì tệ nạn diệt chủng tại Cam Bốt. Chỉ khác nhau một điều là Hitler chủ trương giết Do Thái, còn người Cao Miên tự đào hào chôn dân tộc mình qua một chủ nghĩa không tưởng đại đồng của cộng sản thế giới.

Cái chết của người Nhật họ coi nhẹ như thế khi tinh thần quốc gia bị nhồi nhét vào đầu óc họ. Còn trong hiện tại các thanh niên, thanh nữ Nhật Bản không chết cho những lý tưởng như thế mà đôi khi vì thất tình, thất chí, mất công ăn việc làm, hối lộ v.v... cũng đã tự tử rất nhiều để tránh đi bao mối nhục nhằn của xã hội mà tự họ không thể giải quyết được. Thật ra vai trò của Tôn Giáo rất là quan trọng trong những trường hợp nầy; nhưng tôn giáo ngày nay tại Nhật đa phần cũng giống như ở chốn thương trường, ít có nơi nào còn thuần túy là một nơi khai phóng tâm linh như những thế kỷ trước. Ngày nay nếu còn những trung tâm tu học to lớn, hoặc giả những chùa viện đồ sộ nguy nga mà chúng ta được trông thấy đó, cũng chỉ là những gì mà những thế kỷ trước để lại, chứ các bậc danh tăng cũng ít xuất hiện ở hậu bán thế kỷ thứ 20 nầy.

Người Nhật tuy không tin luân hồi như người Ấn Độ, Tây Tạng, Việt Nam; nhưng họ cũng rất quý trọng người chết. Tại hầu hết các vườn chùa đều có thờ các tượng Địa Tạng. Trước các tượng Địa Tạng đều có thờ những linh hồn chết yểu. Tiếng Nhựt gọi là Mizunoko, điều ấy có nghĩa là các đứa bé còn trong trứng nước. Có thể do khó sinh mà có hiện tượng nầy, hoặc giả do nghiệp lực mà kết tụ lại. Mỗi năm lễ Ohigan vào mùa xuân và mùa thu cũng như lễ Vu Lan vào ngày 15 tháng 7, người Nhật ai ai cũng đi chùa để cúng mồ mả ông bà tổ tiên của mình và cầu nguyện cho họ được cao đăng Phật quốc. Ở Nhật ngày nay không còn chôn cất sau khi chết nữa mà tất cả đều phải thiêu. Đó là luật định, đoạn đem về chùa thờ một thời gian, sau đó đem ra huyệt mộ để chôn chung với gia đình. Việc cúng giỗ cũng khác người Trung Hoa và Việt Nam, ở chương sau sẽ trình bày chi tiết hơn.

Người đàn bà Nhật có tiếng là thục nữ. Sống một cuộc đời đoan chánh để phụng sự chồng và chiều chồng hết mực. Điều nầy không phải bị ảnh hưởng của Khổng Giáo từ Trung Quốc du nhập sang, mà đây là tinh thần tự tôn của Nhật Bản. Đây cũng là cách để bảo vệ gia phong qua tinh thần đạo đức của người phụ nữ Nhật; nhưng mới nhìn vào trông có vẻ bị ép chế, hay gượng ép; nhưng với người Nhật xưa, điều đó như là một bổn phận tự nhiên thôi. Còn ngày nay dĩ nhiên là có nhiều thay đổi rồi. Vì xã hội đã thay đổi thì các phong tục, tập quán và Tôn Giáo cũng phải biến thái. Nếu không, sẽ không còn tồn tại với xã hội được nữa.

Ví dụ điển hình điều nầy ở phạm vi Tôn Giáo thì ta sẽ rõ. Trước khi vua Minh Trị sửa đổi đất nước vào năm 1868, tất cả Nhật Bản đều sống trong nếp sống của Khổng Giáo và tư tưởng Phật Giáo; nhưng sau cuộc cách mạng nầy tư tưởng hưởng thụ của Tây Phương, lấy vật chất để làm thước đo cho cuộc sống thì mọi cơ cấu của xã hội Nhật đều bị đổi thay. Người Tăng sĩ muốn được tồn tại, phải thích nghi như một người thế tục. Nghĩa là phải đi lính nếu đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Phải lập gia đình và dĩ nhiên chùa chiền không còn là chốn Già Lam thanh tịnh như những thế kỷ trước nữa. Để sống và tự sinh tồn, người Tăng sĩ cũng chế ra nhiều điều không đúng với chánh pháp để kinh tài và sống còn trong một xã hội lắm điều thử thách, nhất là vật chất. Điều nầy tốt hay xấu khó phán đoán được. Nếu đặt chúng ta là người Tăng sĩ Nhật Bản, chúng ta phải xử trí sao đây? Câu trả lời dành cho mỗi người nơi chúng ta có mỗi hoàn cảnh khác nhau, chứ không dành riêng cho một ai cả.

Người Phật Tử Nam Tông tin tưởng nơi sự thị hiện của Đức Phật khác với người Phật Tử Bắc Tông, mà đặc biệt Bắc Tông của Nhật Bản lại còn khác hơn nữa. Vì họ quan niệm rằng Phật Thích Ca đã là Phật quá khứ rồi. Chỉ có những vị Tổ của Nhật mới thay thế Phật mà hóa độ. Do vậy mà người Nhật, ở bất cứ một tông phái nào người ta thờ Tổ lớn hơn là thờ Phật. Ví dụ Nhựt Liên Tông chỉ trì tụng phẩm Phương Tiện thứ 2 và phẩm Như Lai Vô Lượng Thọ thứ 16 trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và thỉnh thoảng mới trì tụng phẩm Phổ Môn thứ 25; nhưng qua sự giải thích của người Nhật, kinh Pháp Hoa mà chính Đức Phật đã giảng tại Linh Thứu sơn, Ấn Độ, ngày nay họ hiểu rất khác với những gì Phật Giáo Nguyên Thủy đã dạy cho tín đồ của họ. Có lẽ khi Phật Giáo đã đến Nhật, ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Độ không còn nhiều; nên thay vào đó là ảnh hưởng của Tổ Sư sáng lập ra tông phái nhiều hơn là ảnh hưởng của Phật Giáo cũng nên. Như vậy vô hình chung dưới mắt người Tăng sĩ cũng như Phật Tử Nhật Bản, các vị Tổ Sư của họ là những vị Phật đã thay thế Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết giáo pháp nầy tại Nhật Bản vậy.

Điều nầy đúng hay sai, cũng khó có thể khẳng định được. Có lẽ điểm nầy do tinh thần quốc gia của mỗi dân tộc mà cấu tạo thành con người và tư tưởng của mỗi nền văn học, văn hóa mà Phật Giáo được du nhập vào. Nếu quan niệm như thế có lẽ sẽ dễ dàng thông cảm hơn.

Quả đất nầy ở đầu thế kỷ thứ 20 mới có 3 tỷ người. Sau 100 năm, quả đất phải chứa thêm 3 tỷ người nữa. Số người sinh ra càng ngày càng nhiều. Số người chết đi cũng không phải là ít; nhưng để sinh tồn, loài người đã tìm mọi cách để sống. Tất cả những gì từ lòng đất như vàng bạc, đá quý, kim loại, dầu lửa, than đá đã bị vơi đi rất nhiều. Dưới mặt đất sẽ là một khoảng không to tướng ở vào thế kỷ thứ 21 nầy.

Trong khi đó phần bên trên mặt đất thì bị cháy rừng, lụt lội, núi lửa, động đất v.v... tất cả đều do con người gây ra; nên thiên nhiên mới bị ảnh hưởng. Rồi đây quả đất nầy sẽ bị vỡ tan ra, các mảnh đất của năm châu bốn bể nầy sẽ rớt vào trong quỹ đạo của một trục xoay khác và thân thể của con người cũng như tâm thức nầy sẽ đi đầu thai trong vạn nẻo luân hồi để thành người, thành thú hay thành thiên thần. Đó là một định luật mà do con người đã gây ra, ắt có ngày phải hưởng quả lấy. Khoa học kỹ thuật ngày nay phát triển nhanh, điều ấy đáng quý; nhưng có nhiều phạm vi không phải để phụng sự con người, mà để hủy diệt con người, qua chiến tranh nguyên tử hay súng đạn, xe tăng, thiết giáp dùng trong chiến tranh. Nếu định luật mạnh được yếu thua có một giá trị tương đối trên thế gian nầy thì định nghiệp và luân hồi nhân quả là một nguyên lý chắc thật mà bao nhiêu đời, bao nhiêu thế kỷ cũng không thể nào thay đổi nổi.

Nước Nhật ngày hôm nay là một cường quốc kỹ nghệ của Á Châu cũng như của thế giới; nhưng ở vào cuối thế kỷ thứ 20 nầy người Nhật cũng đã bị ảnh hưởng không ít vào sự suy thoái của kinh tế Á Châu. Do vậy mà thất nghiệp gia tăng, kinh tế suy đồi, nhiều người đã tìm giải pháp ổn định nhất, là một sự chết. Ngày xưa nước nào gây ra chiến tranh, nước đó lãnh hậu quả; nhưng bây giờ cái quả ấy là một cái quả dây chuyền, chứ không phải là một hậu quả riêng cho một ai hay một dân tộc nào. Do vậy mà ta có thể nói rằng: Đây là một trường hợp cộng nghiệp của tất cả nhân loại ngày nay trên thế giới.

Bây giờ chỉ trong một giây, một phút, một giờ tất cả mọi thông tin từ cung trăng, từ khắp nơi trên thế giới chúng ta cũng có thể hiểu được qua Internet, qua điện thoại, qua điện thư, qua truyền hình v.v... nhưng những người ở gần ta như vợ chồng, con cái, anh em, bằng hữu, xóm giềng v.v... thì chúng ta lại tỏ ra xa lạ và tìm cách tránh né không gặp gỡ, không tạo sự cảm thông cho nhau. Vì đa phần chúng ta đều hướng ra, hướng tới một mục đích xa xăm nào khác, chứ rất ít người muốn hướng vào và hướng về nội tâm. Do vậy mà cần phải có thì giờ, có điều kiện để thông cảm nhau hơn. Kết quả nầy là do sự tiến bộ của vật chất, của kỹ thuật mà ra đấy. Từ đó nhiều người Âu Mỹ, ngay cả người Nhật ngày nay họ muốn tìm về với cội nguồn, với thiên nhiên và với niềm tin của tôn giáo.

Mới đây trên truyền hình Đức có một bảng thống kê về lý do đi nghỉ hè. Hơn 45% trả lời rằng họ muốn trở về với thiên nhiên, 25% đi tìm hiểu văn hóa, học hỏi. 20% đi tìm ánh sáng mặt trời. Số còn lại là những lý do khác; những lý do nầy chỉ chiếm 10% thôi. So với 45% bên trên, con người lúc nào cũng muốn yên tĩnh chứ không muốn động niệm; nhưng vì lẽ thế giới quay cuồng họ phải quay cuồng theo. Đây là một điều kiện tất yếu để tự tồn. Ai ai cũng trông cho đến kỳ nghỉ hè. Trong mấy tuần lễ đó, họ muốn trở về với con người thật của họ. Nếu không có những giờ phút nghỉ ngơi như thế, chắc rằng họ sẽ bị khổ tâm không ít như bao nhiêu người Nhật Bản trong quá khứ đã chịu đựng. Ở Nhật, người ta sống ít có thì giờ cho việc đi dạo, giải trí, thăm viếng nhau cuối tuần như tại Âu hay Mỹ Châu. Vì người Nhật quan niệm rằng họ chỉ có làm việc và làm việc. Ngoài làm việc và hưởng thụ những tiện nghi vật chất ra, họ không có lối thoát. Cái gì cũng làm cho nhanh, ăn cho nhanh, học cho nhanh và có kết quả cho nhanh, để rồi tất cả trở nên điên loạn, khủng hoảng. Mặc dầu trong hiện tại họ có tiền rất nhiều, có của cải rất nhiều; nhưng nhìn đống tiền đó, đống của cải đó họ chẳng thấy hạnh phúc, chẳng thấy sự an lạc chút nào, mà sự khổ tâm, sự dày vò của tâm thức làm cho họ khốn đốn nhiều hơn.

Trong hiện tại người Tây Phương đã tìm về giá trị đích thực tinh thần của nội tâm; nên đã tìm đến Phật Giáo và nơi giáo lý của Đức Phật có khả năng hoán cải nhiều khía cạnh tâm lý của họ mà các tôn giáo khác còn thiếu sót. Họ hướng về những trung tâm thiền học trên thế giới trong đó có Nhật Bản. Vì họ nghĩ rằng Nhật Bản giữa hai nền văn minh vật chất và tinh thần, đa phần đã giữ vững được trạng thái quân bình đó. Nếu Nhật Bản so với các nước Âu Mỹ, điều ấy có thể đúng; nhưng Nhật Bản ngày nay so với các nước Á Châu khác, về phương diện nầy phải cần thẩm định lại.

Tinh thần con người ngày nay yếu đuối lắm. Tất cả ai ai và đâu đâu cũng muốn nương tựa vào nhau mà sống, rất ít người tự muốn đứng thẳng vào cuộc đời để vươn lên và trở thành giác ngộ. Trong quyển Qui Sơn Cảnh Sách có dạy rằng: Nếu không làm được như cây tùng cây bách có thân thẳng đứng và đầy đủ can đảm để hứng chịu gió sương mà thành trưởng nơi núi rừng, thì hãy như dây leo bám vào cây. Cây cao đến đâu thì dây leo bò đến đó cũng tốt thôi. Tổ đã dạy như vậy mà ngày nay con người lười biếng lắm. Nhiều lúc không muốn làm dây leo nữa kia, chỉ muốn rằng ai leo dùm cho mình, để mình được an phận. Như vậy thì không còn cách nào để nói nữa, mà tất cả đều lệ thuộc vào con người chứ không lệ thuộc vào giáo pháp nữa. Một loại thuốc dầu hay bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ chẳng công hiệu; nếu bệnh nhân đó không chịu uống những loại thuốc có công hiệu như thế.

Trên đây là một số ý niệm tổng quát tiêu biểu về quan niệm sự sống cũng như sự chết đối với người Trung Quốc cũng như đối với người Nhật Bản. Ở các chương sau sẽ phân tích tỉ mỉ hơn về lễ nghi, phong tục cũng như hình thức đám tang của mỗi dân tộc đã nêu trên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/12/2020(Xem: 5075)
Ngày 10 tháng 12 vừa qua, theo Bình Nhưỡng đưa tin (KCNA) – Trong số những Di sản Văn hóa quý giá đất nước Triều Tiên có “Cao ly Bát Vạn Đại Tạng kinh” (고려 팔만 대장경, 高麗八萬大藏經, 80.000 Wooden Blocks of Complete Collection of Buddhist Scriptures” được khắc mộc bản vào nửa đầu thế kỷ 11, triều đại Vương quốc Koryo (918-1392).
19/12/2020(Xem: 4982)
Lối xưa người đến dạo chơi, Hoá thành chú Tiểu, học lời Thầy Trao. Thênh thang mây trắng hôm nào, Ra vào chốn tịnh, trăng sao gối tình.
13/12/2020(Xem: 6021)
Một học giả nổi tiếng người Anh, làm việc cho trường đại học ở Luân Đôn, nổi tiếng vì ông đã dịch một số sách vở Phật giáo từ tiếng Hoa. Trong số những ấn bản đã in của ông có tác phẩm “Cuộc Đời của Thánh Tăng Huyền Trang, The Life of Hsuan-Tsang”. Cư sĩ Samuel Beal sinh vào ngày 27 tháng 11 năm 1825, nguyên quán tại Greens Norton, một ngôi làng ở Nam Northamptonshire, Vương quốc Anh, vị học giả nổi tiếng Phương Đông học, vị Phật tử người Anh đầu tiên trực tiếp dịch những tác phẩm văn học Phật giáo từ tiếng Hoa sang Anh ngữ, ban đầy những ghi chép kinh điển Phật giáo, do đó góp phần làm sáng tỏ lịch sử Ấn Độ.
11/12/2020(Xem: 6035)
Phật giáo Hàn Quốc phải chịu đựng nỗi đau chưa từng có của “Pháp nạn 27.10” (10·27 법난, 十二七法難), nhưng chư tôn tịnh đức tăng già đã biến đau thương thành sức mạnh. Chẳng bao lâu, nỗi đau ấy đã thăng hoa thành động lực để sớm hồi sinh trong phúc lợi xã hội, và những thành tựu đáng kể bắt đầu đạt được trong các lĩnh vực xã hội dân sự, thông qua tổ chức phi chính phủ (NGO), nhân quyền, giao lưu liên Triều (Nam Bắc Hàn) và phúc lợi xã hội.
11/12/2020(Xem: 5535)
Mối quan hệ giữa Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc được minh họa rõ nhất qua lời của tác giả, nhà báo, nhà sử học và nhà tây tạng học, Cư sĩ Claude Arpi, người Pháp, người đã viết một loạt các tác phẩm quan trọng về Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc, bao gồm “Số phận Tây Tạng: Khi Những Côn trùng lớn ăn thịt Côn trùng bé; The Fate of Tibet: When the Big Insects Eats Small Insects”.
10/12/2020(Xem: 6248)
Trong số nhiều ấn phẩm sách báo, thư từ cũ xưa mà mẫu thân truyền giao cho tôi gìn giữ, bảo quản để làm tư liệu để viết lách sáng tác, tôi tìm thấy được quyến sách “Thi phẩm Từng giọt Ma Ni” (xuất bản năm 1993, bìa sách là tranh của Họa sĩ Phượng Hồng), cùng 02 phong bì thư của “Tạp chí An Lạc” được gửi qua bưu điện từ Sài Gòn ra Nha Trang vào năm 1966, trên các kỷ vật quý hiếm này đều có lưu thủ bút của một bậc danh tăng Phật giáo nước nhà: Hòa thượng Thích Thông Bửu.
10/12/2020(Xem: 5384)
Nữ nghệ sĩ Phật tử Jacques Marchais sinh năm 1887 tại Cincinnati, thành phố ở miền tây nam Ohio, Hoa Kỳ. Thân phụ của bà là cụ ông John Coblentz và mẫu thân là cụ bà Margaret Norman Coblentz. Vốn mồ côi cha từ thuở ấu thơ, mẹ phải vất vả đùm bộc trong cảnh gà mái nuôi con; Jacques Marchais đã đến các trại mồ côi và các mái ấm khác nhau trong suốt thời thơ ấu, và tuổi thanh xuân 16, bà đã trở thành diễn viên tham gia vào một bộ phim Boston Peggy From Paris, nơi bà gặp người chồng đầu tiên Brookings Montgomery. Bà sinh được ba người con, hai gái Edna May và Jayne, và con trai, Brookings.
08/12/2020(Xem: 14926)
29/ Nhị Tổ Huệ Khả Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng từ 6.45am, Thứ Năm, 01/10/2020 (15/08/Canh Tý) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Bổn lai duyên hữu địa, Nhơn địa chúng hoa sanh, Bổn lai vô hữu chủng, Hoa diệc bất tằng sanh. Xưa nay nhơn có đất, Bởi đất giống hoa sanh, Xưa nay không có giống, Hoa cũng chẳng từng sanh Nam Mô Đệ Nhị Tổ Huệ Khả Tôn Sư 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 https://www.facebook.com/quangducwebsite
07/12/2020(Xem: 5544)
Cư sĩ Giuseppe Tucci (dʒuˈzɛppe ˈtuttʃi; sinh ngày 5 tháng 6 năm 1894 – mất ngày 5 tháng 4 năm 1984), Học giả tiên phong người Ý, nhà Đông phương học, Ấn Độ học, Đông Á học, người đã xuất bản một số sách, mở đầu cho việc nghiên cứu tôn giáo, lịch sử và văn hóa của Tây Tạng. Ông là một trong những học giả Tây phương đầu tiên du hành một cách rộng rãi trên khắp vùng cao nguyên, Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng và các vùng phụ cận, những sách xuất bản của ông thường nổi tiếng về cả nội dung lẫn sự phiêu lưu mạo hiểm của ông trong khi làm nghiên cứu.
06/12/2020(Xem: 5497)
Đạo phật ngày nay đang xuyễn dương lối sinh hoạt của người con Phật là sống an nhiên tự tại trong hiện tiền. Lối sống được mọi người noi theo là tĩnh thức và hiện tại. Làm sao đạt được điều ấy? Và tại sao sống tĩnh thức và hiện tiền là chấm dứt khổ đau? Trong khi theo Phật dạy Tứ diệu đế thì tu tập diệt tận cùng lậu hoặc diệt khổ đau. Sống tĩnh thức là theo 4 y của Phật dạy: y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất y ngữ. Y trí bất y thức. Y kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa. Sống hiện tiền là sống trong thiền định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]