Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương I: Những mẩu chuyện liên quan về vấn đề đi đầu thai

06/05/201319:51(Xem: 5332)
Chương I: Những mẩu chuyện liên quan về vấn đề đi đầu thai

Sống Và Chết

Chương I: Những Mẩu Chuyện Liên Quan Về Vấn Đề Đi Đầu Thai

Thích Như Điển

Nguồn:Thích Như Điển


Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã hoằng hóa không ngừng nghỉ. Ngài đã đi khắp miền Trung, Nam Ấn Độ để giảng pháp và ngày nay sau 25 thế kỷ đã trôi qua, mặc dầu Ngài đã thị tịch Niết Bàn; nhưng pháp âm ấy đã vang vọng khắp mọi nơi mọi chốn ở cõi Ta Bà nầy. Thật đúng với ý nghĩa "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Đó là lời dạy của Đức Phật trước khi thị tịch Niết Bàn.

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài là một bậc giáo chủ và khi Ngài tịch diệt đi rồi, không có một giáo chủ khác thay thế vào vị trí của Ngài, chỉ có giáo pháp, mới là bậc Thầy của tất cả chúng sanh, còn Tăng Đoàn cũng như Cư sĩ là những người hành trì giáo pháp ấy. Nếu ai thực hành đứng đắn qua việc nghe thấy, suy nghĩ và hành động theo sự hiểu biết nhận thức của mình, thì giáo lý ấy chính là một chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống hằng ngày khi còn sống, cũng như sẽ mang theo khi qua bên kia bờ giải thoát.

Đức Phật đã vì chúng sanh và khai ngộ mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ sự khổ cho đến con đường diệt khổ. Từ sự tìm ra nguyên nhân, rồi đến dùng thuốc giới định huệ để chữa lành căn bịnh tham, sân, si của con người vốn có cội gốc từ trong vô lượng kiếp. Ngài cũng đã nói về vô thường, khổ, không, vô ngã, vô tướng, vô tánh về Niết Bàn sanh tử. Ngài đã nói về nhân duyên, về luân hồi, về giải thoát sanh tử. Ngài đã giảng và kể những câu chuyện về tiền thân của Ngài lúc còn thực hành hạnh Bồ Tát. Có lúc Ngài còn trong A Tỳ địa ngục, có lúc Ngài ở Đẩu Suất thiên cung. Có lúc Ngài làm con nai, có lúc Ngài làm con chim. Có khi Ngài làm Vua, có lúc làm Thái Tử; nhưng hầu như bao nhiêu vai tuồng trong 6 nẻo luân hồi, Ngài đều đóng vai thiện nam tử, hầu như và không khi nào Ngài đóng vai một người ác, mà tất cả đều hiền lành, đức hạnh, chơn tu theo mỗi vai trò mà Ngài đã thể hiện nơi chốn Ta Bà nầy. Có khi Ngài kể chuyện Ngài với Công chúa Da Du Đà La về nhân duyên ở tiền kiếp. Có khi Ngài nhìn thấu suốt qua tam giới và về vô lượng kiếp về trước để nhắc lại những sự liên hệ giữa Ngài và Ngài Xá Lợi Phất hay Ngài Mục Kiền Liên hay Đề Bà Đạt Đa, hay A Nan, hay Di Mẫu Kiều Đàm Di, hoặc Vua Tịnh Phạn v.v...

Qua con mắt trí tuệ sau khi đã chứng đạo Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu cho tất cả chúng sanh ở thế giới Ta Bà nầy nhiều thế giới khác, nhiều cuộc đời khác, mà vốn bị màn vô minh che khuất; nên chúng sanh không thể dùng con mắt thường tình và trí hiểu biết bình thường để nghe, hiểu và thấy được. Ngài đã nói rất rõ thế giới ấy ở đâu; chốn khổ ấy ở chỗ nào; con người đầu thai ở kiếp trước và kiếp sau ấy là ai; nhưng ai có thể tin được điều đó, ngoại trừ những bậc đã chứng thánh quả.

Thật sự ra trước khi Đức Phật chứng quả cũng đã có những bậc Thánh của Ấn Độ giáo chứng thánh quả, cũng đã nói về luân hồi, về tái sanh; nhưng những vị Thánh nầy họ không chỉ lối giải thoát cho chúng sanh. Do vậy mà Ngài đã phải đi tìm một lối giải thoát cho riêng mình và đưa chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi sanh tử ấy. Đức Phật sau khi thành đạo, Ngài rời khỏi cây bồ đề và nói câu nói đầu tiên là: "Kỳ lạ thay, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Chính cái Phật tánh nầy là cái nhân để giác ngộ; nhưng đa phần cái nhân ấy bị che lấp bởi nghiệp lực và vô minh, nên ít ai tự tìm ra lối thoát, giống như con ngựa bị che 2 mắt, chỉ có đường thẳng chạy thôi và chờ cho khi nào người chủ mở 2 mắt bị che, mới thấy được chung quanh có những cảnh lạ khác. Thông thường chúng ta tự trói buộc mình vào khổ đau, tình ái, nghiệp lực v.v... nhưng ít ai tự mình cởi trói được khỏi khổ đau, mà chỉ nhờ người khác mở dùm và ủy thác sinh mạng của mình cho những người có quyền thế ấy. Điều đó hẳn sai, vì không ai có thể thay cho mình cởi trói khỏi vô minh cả, ngoại trừ chính mình phải cởi trói cho mình qua sự hỗ trợ của giáo lý.

Có lần Đức Phật kể lại nguyên nhân làm sao mà vua A Xà Thế lại bất hiếu với phụ vương của mình là vua Tần Bà Sa La như thế, thì đây là câu chuyện:

"Khi vua Tần Bà Sa La đã lớn tuổi nhưng chưa có con để nối dõi ngôi vua, thì nhà Vua và Hoàng Hậu lo sợ rằng ngôi báu ấy sẽ bị trao về tay người khác, do vậy cả Vua lẫn Hoàng Hậu luôn khẩn cầu ngày đêm mong có được một người con để nối dõi vương nghiệp. Một hôm vua nằm mộng thấy có một vị thần nhân đến mách bảo rằng: Trong núi Hy Mã Lạp Sơn kia có một vị Tiên nhơn tu đã 500 năm rồi và sau khi mãn kiếp sống, sẽ thọ thai nơi Hoàng Hậu, đản sanh thành Thái Tử để giúp vua trị nước. Sau khi tỉnh dậy Vua báo tin nầy cho Hoàng Hậu và bá quan văn võ triều thần đều biết, ai nấy đều hết sức vui mừng và từ đó chính nhà Vua cùng với tùy tùng vào sâu trong núi Hy Mã Lạp Sơn để tìm vị tu tiên ấy. Quả đúng như vậy, khi vua Tần Bà Sa La đến, vị Tiên nhơn kia cũng kể lại rằng, sau khi chết, sẽ đầu thai vào hoàng gia của nhà vua; nhưng vua lại năn nỉ, vì vua tuổi đã già rồi, không biết còn sống bao lâu nữa để chăm sóc cho Thái Tử, khi Thái Tử ra đời. Vị Tiên nhơn ấy suy nghĩ mãi; nhưng đồng thời nhà vua cũng hối thúc mãi, nên cuối cùng vị Tiên nhơn ấy quyết định bằng cái chết lập tức để tâm thức của mình đi đầu thai và trước khi chết, vị Tiên nhơn ấy có nói rằng: Tôi chưa tới lúc phải chết; nhưng vì bệ hạ khẩn cầu. Vậy sau nầy đứa trẻ được đầu thai có điều gì bất hiếu, mong bệ hạ không oán trách. Lúc bấy giờ vua Tần Bà Sa La chỉ muốn có con chứ không muốn gì khác; nên mới trả lời rằng: Dầu bất cứ mọi hậu quả gì, ta cũng sẽ gánh chịu. Sau khi hai bên nói lời ấy xong, vị Tiên nhơn ấy kết liễu đời mình và thần thức được đầu thai vào Hoàng Hậu Vi Đề Hy, vợ vua Tần Bà Sa La. Ngày lại tháng qua Hoàng Hậu lâm bồn; nhưng các vị tướng số đều đoán rằng sau khi Thái Tử nầy được sanh ra sẽ đoạt ngôi vua và giết cha, giam giữ mẹ. Vua nghe như thế tức giận bảo là hãy giết đi; nhưng Hoàng Hậu vì công mang nặng đẻ đau nên không nỡ lòng nào giết khi còn bào thai trong bụng mẹ. Hoàng Hậu chỉ nghĩ rằng, khi sanh, tìm cách đứng chứ không nằm. Lúc thai nhi sanh ra rơi từ trên cao xuống sẽ bị chết thì tốt hơn là tự giết. Thế nhưng Thái Tử chỉ bị gãy nơi ngón tay út thôi. Và chính ngón tay út này mà cũng là đầu mối của câu chuyện khi A Xà Thế lớn lên, hỏi nguyên nhân tại sao với Đề Bà Đạt Đa và Đề Bà Đạt Đa đã kể rõ lại mọi tình tiết đã xảy ra, thế là một sự oán thù đã bắt đầu vay trả, cho nên nói oan oan tương báo là như thế đó...."

Câu chuyện còn dài lắm, dài suốt cả một đời người mấy mươi năm luôn, không phải chấm dứt nơi đây; nhưng điều muốn nói ở quyển sách nầy không phải việc xấu tốt, lành dữ v.v... mà điều muốn nói ở đây là những hành động lúc cận tử nghiệp và ý niệm lúc đi đầu thai nó quan trọng như thế nào.

Có nhiều chủ thuyết cho là không có luân hồi, không có quả báo. Có nhiều tôn giáo chủ trương rằng có một linh hồn bất tử. Nếu tin tưởng vào Thượng Đế sẽ được lên Thiên Đàng. Nếu không, thì ngược lại. Có nhiều chủ nghĩa bảo rằng: Chết là hết, không còn gì hết cả; nhưng điều ấy có thật không? Qua câu chuyện của Đức Phật vừa kể lại ở trên và qua kết quả của chúng ta vẫn thường thấy hằng ngày?

Việc vị Tiên nhơn đi đầu thai mà mang mối hận cừu, rằng chưa đến lúc chết mà phải chết. Do vậy mới có oan oan tương báo với nhau. Đây là điểm hành nghiệp chính mà thuyết luân hồi của Đạo Phật đã chỉ vẽ rất rõ ràng, nhưng ít có người lưu ý. Vì khi sống, thích tranh danh đoạt lợi, ưa dua nịnh, đấu tranh, khen chê thù tạc. Tất cả đều chỉ vì tự ngã và cố nâng niu bản ngã để chiều chuộng theo thói hư tật xấu của mình, ít khi để ý đến sau khi chết sẽ đi về đâu và dầu có đến giờ phút cận tử nghiệp đi chăng nữa cũng ít có người lo sợ. Đến khi đi đầu thai vào một chốn nào đó trong 6 nẻo luân hồi, lúc ấy mới bừng tỉnh, thì đã trễ quá rồi.

Cái nhân sân hận sẽ ra cái quả sân hận. Cái nhân từ bi sẽ gặt hái cái quả từ bi. Cái nhân tham lam sẽ gặt hái quả keo kiệt. Cái nhân hiếu hạnh sẽ gặt hái được cái quả sống đầm ấm hạnh phúc trong gia đình. Cái nhân sát sanh sẽ gặp cái quả thường hay đau ốm và chết yểu. Cái nhân trộm cướp, chắc chắn sẽ bị người khác trộm lại. Hoặc giả sanh vào kiếp khác sẽ bị bần cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Cái nhân tà dâm sẽ gặt hái cái quả là chính mình hay vợ con sẽ đem lòng lan chạ với kẻ khác. Cái nhân uống rượu sẽ gặt hái cái quả là trí tuệ không có, tối tăm mù mịt, sanh ra đời bị ám độn không có lợi căn như bao nhiêu người khác. Cái nhân đâm thọc, chửi bới sẽ ra cái quả gia đình của mình bị lộn xộn không yên. Cái nhân giận hờn sẽ sinh ra cái quả si mê ngu muội.

Ngược lại những nhân và quả xấu bên trên, chúng ta có thể thấy được những nhân và quả tốt như sau:

Người ưa phóng sanh và cứu mạng sống của kẻ khác thì cái quả của người ấy sẽ gặt là kiếp nầy hay kiếp sau được sống lâu và ít hay bịnh hoạn. Người hay bố thí giúp người thì cái quả của kiếp nầy hay kiếp sau được giàu sang vinh hiển. Nếu đàn ông hay đàn bà sống một đời sống đức hạnh, không lan chạ thì đời nầy hoặc đời sau sẽ được tướng mạo trang nghiêm, khi gặp, ai ai cũng kính mến. Nếu người luôn luôn nói lời chân thật thì hiện tại và vị lai luôn luôn được người khác tin cậy. Nếu một người không uống rượu thì trí tuệ dần dần sáng tỏ.

Trên đây là một số nhân tốt và quả tốt; đồng thời cũng có một số nhân xấu và quả xấu. Có những loại nhân gây ra trong đời nầy, kết quả sẽ gặt hái ngay trong hiện tại; nhưng cũng có nhiều loại nhân gây ra trong đời nầy mà đời sau mới gặt hái và cũng có nhiều loại nhân gây ra trong đời nầy mà nhiều đời sau mới gặt hái. Cũng có lúc những gì đang hưởng trong hiện tại là cái quả đã gieo trong đời trước, hoặc tốt hoặc xấu. Cái nầy làm nhân cho cái kia. Cái kia làm nhân cho cái nọ. Có nhiều khi người ta nghĩ là trái ngược nhau; nhưng trên thực tế không phải vậy. Ví dụ có người trong đời nầy chỉ làm toàn là chuyện lương thiện; nhưng lúc nào cũng gặp những chuyện khổ đau phiền não. Do đó không tin nhân quả của nhà Phật; nhưng trên thực tế phải hiểu rằng: Dẫu cho người ấy trong hiện tại có làm thiện nhiều; nhưng cái nhân trong quá khứ đã làm việc xấu, ác; nên trong hiện tại phải trả quả xấu trước, mặc dầu vẫn làm thiện. Hoặc ngược lại có nhiều người sống trong đời nầy tàn ác, vô tâm; nhưng họ luôn luôn giàu sang vinh hiển. Có người cũng bảo rằng luật nhân quả của nhà Phật không đúng; nhưng trên thực tế phải hiểu như thế nầy. Sở dĩ người nầy hưởng được quả lành là do đời trước hoặc nhiều đời trước nữa đã gây nhân lành; nên hiện tại đang hưởng quả tốt, mặc dầu họ đang làm những việc xấu. Nói cho dễ hiểu, ta có thể tóm tắt những việc trên như sau:

Người nhân hậu nhưng vẫn gặp tai ương ví như người bỏ tiền trong ngân hàng nhưng chưa sinh lời. Vì tiền lời được trừ vào vốn đã mượn trong thời gian quá khứ. Ngược lại người ác vẫn gặp chuyện lành, ví như người để tiền trong ngân hàng nhiều năm, bây giờ chỉ lo hưởng lợi, do vậy mà sung sướng; nhưng khi hưởng xong, không lo tu phước tiếp thì quả xấu sẽ đến thay thế vào đó. Đây mới chính là nhân quả mà Đạo Phật hay Đức Phật muốn nhắc đến cho chúng ta hiểu để hành trì.

Câu chuyện thứ hai cũng xảy ra tại Ấn Độ. Đây là nội dung của câu chuyện:

"Có một cặp vợ chồng người Bà La Môn sinh được một người con trai. Khi con khôn lớn, cha mẹ muốn con tu hạnh thanh tịnh và trở thành một giáo sĩ của Bà La Môn giáo. Cậu con trai được giáo dục trong một môi trường rất tốt và dĩ nhiên cậu ta có nhiều cơ hội để học hỏi qua kinh điển và sách vở để tìm hiểu những điều chân thiện mỹ; nhưng cái học của cậu ta không dừng lại ở đó, cậu còn muốn học hiểu xa hơn nữa. Do vậy mà cậu ta được cho đến học với một Giáo sĩ Bà La Môn khác danh tiếng ở trong làng. Khi đến học, cậu ta rất chăm chỉ ngồi thiền, luyện nội tâm, quán chiếu ngoại cảnh v.v... chẳng bao lâu cậu ta thông suốt kinh sử của Bà La Môn giáo, nên Thầy dạy học lại cho về nhà. Khi về đến nhà cha mẹ cậu ta han hỏi đủ điều về sự học vấn cũng như sự tiến bộ của nội tâm. Cậu ta từ từ trả lời thông suốt. Cuối cùng bà mẹ hỏi cậu ta rằng: Mẹ thấy con đã nhắc qua những loại kinh con đã học; nhưng con đã học về loại kinh tình yêu chưa con? Người con nghe thế mới hỏi lại mẹ mình rằng:

- Bộ có bộ kinh đó sao mẹ? sao con không nghe Thầy con nói?

- Làm sao không có được. Có lẽ Thầy con chưa dạy cho con đó. Thôi con hãy nghỉ đây vài ngày và hãy trở về lại nơi Thầy con, để học nốt bộ kinh ấy đi. Sau khi học xong, con hãy trở về lại đây với cha mẹ.

Người con vâng lời mẹ, lại một lần nữa khăn gói lên đường. Khi đến nhà vị Thầy cũ, ông ta ngạc nhiên hỏi tại sao còn trở lại đây. Vì những loại kinh căn bản ông ta đã dạy hết rồi. Cậu ta tình thiệt trình bày với Thầy mình rằng: Mẹ cậu ta bảo phải trở lại đây học nốt về bộ kinh tình yêu mới xong bổn phận.

Thực sự ra thì không có bộ kinh nào gọi là kinh tình yêu hết cả; nhưng nếu cậu muốn, thôi thì ta sẽ dạy cho.

Nguyên là vị Thầy Bà La Môn nầy có một người mẹ già 120 tuổi. Ngày ngày ông ta săn sóc cho mẹ rất chu đáo. Nào tắm giặt, rửa ráy thân thể cho mẹ, đút cơm, hầu cháo khi trái gió trở trời. Tất cả đều chỉ vì mẹ và là một tình thiêng liêng mẫu tử; nhưng khi nghe người học trò nầy muốn học về kinh tình yêu nên ông ta mới bảo rằng:

- Mẹ ta già 120 tuổi, ta vẫn thường chăm sóc hằng ngày. Ngươi hãy thay ta tắm rửa, bồng ẩm mẹ ta, thay thế ta để học hỏi về bộ kinh quan trọng nầy.

- Không có gì khó khăn cả. Người học trò trả lời thế. Rồi cậu ta ngày lại tháng qua làm công việc của Thầy mình đã làm cho bà lão.

Một hôm lão bà phụng phịu kề bên tai cậu học trò của con mình, bà ta nói rằng: Ta yêu ngươi. Khi mới nghe đến đó, người học trò choán váng mặt mày. Vì mình chỉ xứng vai cháu con thôi, làm sao có thể nghĩ đến việc ấy. Vả lại bà ta đã quá già, làm sao có thể nói chuyện yêu đương như vậy được. Người học trò sợ sệt và trả lời rằng:

- Con đâu dám thế. Vì lẽ con cũng chỉ làm một bổn phận thôi, con thay thế cho Thầy của con mà.

- Không sao cả. Bà lão bảo thế.

- Nhưng Thầy con thì sao? mặt mũi nào con gặp Thầy con.

- Không sao cả. Con hãy giết quách nó đi.

- Nhưng người ấy là Thầy con mà. Đã dạy cho con nên người như ngày hôm nay.

- Có sao đâu, giết đi là yên chuyện. Nếu ngươi không giết thì ta sẽ giết con ta. Bà lão trả lời trong sự phều phào như thế.

Người con là một người liễu đạo và biết rằng căn cơ của mẹ mình và nghiệp lực đã chiêu cảm nặng nề về tình yêu như thế, nên ông ta mới bảo cho người học trò rằng:

- Con hãy lấy một trái bí thật tròn giả làm cái đầu của ta và hãy vào vườn chặt một cây chuối, giả làm thân hình của ta, chặt hai tàu lá giả làm 2 cánh tay của ta. Xong đâu đó đem những vật nầy lên để trên giường của ta, phủ khăn chiếu lại như ta đang ngủ bình thường, sau đó hãy ra báo cho ta biết.

Sau khi làm xong, người học trò báo cho Thầy mình biết và Thầy cũng cho người học trò biết rằng cũng chính hôm nay mẹ ta sẽ chết và tâm thức ấy sẽ di đầu thai vào 6 nẻo luân hồi do chữ ái mà ra.

Người học trò trở lại giường bà lão. Bà ta hỏi cậu học trò rằng:

- Thế con ta ở đâu rồi?

- Thưa bà, Thầy con đang ngủ trên giường.

- Ngươi hãy lấy cho ta một cái búa.

- Lấy làm gì vậy?

- Thì ngươi không giết nó, ta phải giết nó để chúng ta có tình yêu, khỏi sợ dị nghị.

Người học trò điếng hồn; nhưng cũng phải đi tìm cái búa cho bà lão. Bà ta bò lại giường người con và dùng hết sức bình sinh để giáng xuống cổ của người con. Khi ấy khúc chuối đứt ngang. Bà ta cũng vừa tắt thở. Vị Thầy Bà La Môn mới bảo người học trò rằng: Đó là kinh tình yêu vậy.

Qua câu chuyện nầy chúng ta thấy có nhiều khía cạnh khác nhau.

Khía cạnh thứ nhất là khía cạnh về nghiệp ái. Khi đã yêu thì chẳng luận gì già trẻ. Vì nghiệp ái là nghiệp chính trong 12 nhân duyên của nhà Phật. Từ Vô Minh cho đến hành, thức, danh sắc, lục nhập, thụ, xúc, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử. Đây là 12 mắc xích. Muốn đoạn vô minh không phải dễ. Vì trí tuệ đâu có mà đoạn vô minh. Chỉ có ái là dễ đoạn nhất. Nhưng như trên đã nói, nghiệp ái không đơn thuần. Tuy không có hình hài nhưng nó đã trói buộc biết bao tao nhân mặc khách. Vì thế Tản Đà, một thi sĩ Việt Nam đã nói về cái tình như sau:

"Cái tình là cái chi chi

Dẫu chi chi cũng chi chi với tình

Đa tình là dở

Đã mắc vào đố gỡ cho ra

Khéo khuấy người một giấc thiên ma

Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy

Đã gọi người nằm thiên cổ dậy

Lại đưa hồn mộng ngủ canh đi..."

Người chết một ngàn năm dưới mồ mà khi nghe về chữ tình cũng lòm ngòm ngồi dậy. Ôi! đấy mới thật là tình yêu và ái nghiệp. Có ai liễu ngộ được chăng? Hay bao nhiêu người đã ra, rồi cũng có lắm kẻ đang phát nguyện lội vào để trả nợ xưa và gây nợ mới.

Khía cạnh thứ hai, điều đặc biệt muốn nói ở quyển sách nầy là về cận tử nghiệp và sự tái sanh. Khi lão bà nầy chết, chắc chắn thần thức chỉ nghĩ đến chuyện yêu đương và giết hại. Tình yêu không dừng lại ở đâu cả. Vì nếu tâm mình không tự dừng lại thì ở tuổi tác nào, ở cương vị nào, ở thời điểm nào, thứ ma lực nầy nó sẽ quyến rũ mình vào cặm bẫy của khổ đau. Cũng giống như làn sóng điện, cái nầy phát ra, cái kia thu vào tùy theo tầng số và tùy theo chu kỳ của mỗi sự việc, thì ở đây sự tái sanh vào chốn nào cũng đơn giản dễ hiểu thôi. Điều quan trọng nơi Đạo Phật không phải chỉ là sự hiểu biết mà còn phải tri hành hợp nhất, để hướng cái tâm ấy đi vào nẻo thiện và cố vượt ra khỏi sự sanh tử luân hồi. Ấy mới là điểm chính của Đạo Phật.

Ở Ấn Độ vấn đề tái sinh còn rất nhiều. Ngay cả thời Đức Phật còn tại thế hay dẫu cho đến ngày nay, người Ấn Độ chấp nhận một cách rất dễ dàng và rất phổ cập trong dân chúng. Bây giờ chúng ta đi xa hơn một chút nữa, hướng về Trung Quốc; nơi đó Phật Giáo cũng đã có mặt gần 2.000 năm lịch sử và những mẩu chuyện tái sanh cũng rất nhiều; nhưng nơi đây chỉ đơn cử 2 mẩu chuyện căn bản mà thôi.

Chuyện thứ nhất kể về Bố Đại Hòa Thượng và những việc tiên đoán của Ngài qua con mắt trí tuệ. Chuyện rằng:

Vào thế kỷ thứ 10 có một vị Hòa Thượng thường hay ngao du sơn thủy, đi đến đâu cũng xin ăn và hát những bài hát khó hiểu. Con nít thường hay bu quanh Ngài để xem và nhiều khi còn chọc ghẹo Ngài nữa. Nhưng không sao, Ngài vẫn từ bi và mỗi khi xin được tiền hay thức ăn đều kêu chúng tới ăn chung. Dần dà trở thành thân thiện.

Ngài có hình dáng to lớn, bụng bự và trên vai quảy một cái đãy thật lớn để chứa thức ăn cũng như dụng cụ cá nhân. Mỗi lần các trẻ đến Ngài, Ngài đều dạy chúng niệm Phật. Mấy lần đầu, nếu trẻ nào niệm được nhiều câu Phật hiệu, Ngài sẽ cho tiền chúng. Chúng ham niệm Phật để có tiền; nhưng sau dần thành thói quen, không có tiền chúng vẫn niệm Phật. Một hôm có một đám cưới đi ngang qua trước nơi Ngài ngồi thiền. Ngài liền cười nhiều tràng không dứt, khiến cho mọi người bảo rằng: Lão Hòa Thượng khùng. Ngài không nói chi và chỉ lo cười mãi. Đoạn có người tò mò có vẻ thân thiện đến hỏi cớ sao Ngài cười. Ngài bảo rằng: Ta nực cười cho cái đám cưới kia. Vì chúng giết cha, cưới bà cho cháu. Người kia nghe không hiểu và nhờ Ngài giải thích cặn kẽ dùm. Làm sao có chuyện giết cha cưới bà cho cháu được. Việc ấy là thế nào? Ngài ung dung ngồi kể lại sự việc:

"Ta thấy rằng chúng sanh có mắt cũng như mù. Vì lẽ tất cả những hành nghiệp gây ra trong đời nầy đều do vô minh che đậy, không thấy đâu là chánh, đâu là tà. Nguyên là như thế nầy: Cô dâu sắp cưới đó chính là bà nội của chú rể. Vì đi đầu thai xa nên không biết; nhưng cũng vì có ân nghĩa nhiều đời, nên nay lại phải làm vợ và cũng tại nhà kia, nhân đám cưới ấy có giết một con heo. Con heo đó chính là cha của chú rể nầy đã đầu thai vậy".

Câu chuyện nghe như hoang đường; nhưng đó là sự thật đối với những bậc giác ngộ có trí tuệ. Còn đối với chúng sanh vì vô minh che đậy thì không thể giải thích được. Nếu có nói, họ cũng không tin. Ở đây có thể nêu ra 2 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất là sau khi chết, con người có thể đầu thai làm người trở lại mà cũng có khi làm con vật như câu chuyện trên đã diễn tả. Thành người, nếu cận tử nghiệp có nhân duyên trở lại làm người. Thành vật nếu nhân duyên của cận tử nghiệp đến, phải chấp nhận như thế. Điều nầy có liên quan với câu chuyện chấp tướng và bị lệ thuộc vào người thân của mình như sau:

Có một vị Tăng sĩ được mời đến một nhà quàn để tiếp dẫn cho vong linh người đã mất. Tại nhà quàn bao nhiêu quan tài đều để ngang nhau, có tính cách bình đẳng khi chết. Trước mỗi quan tài có để tên của người mất để thân nhân dễ nhận diện.

Khi gia đình ấy cùng vị Tăng sĩ vào phòng thứ nhất, gia chủ thấy không phải, cười và đi tiếp phòng thứ hai. Tại đây cũng thế, mọi người đều cười; nhưng đến phòng thứ ba, sau khi đọc tên xong, mọi người đều khóc. Tại sao vậy? Câu trả lời đơn giản rằng: Vì đó là người thân của mình. Điều ấy đúng; nhưng còn hạn hẹp lắm. Vì chính chỗ chấp có, chấp tướng và bị sự liên hệ nầy mà chúng sanh cứ mãi mãi ở trong vòng luân hồi sanh tử vậy. Sự chết, tất cả đều giống nhau; nhưng ai liên hệ mới bị khổ đau. Nếu nhìn từ Đức Phật và các bậc giác ngộ, thì sự khổ không riêng cho một ai; nhưng chúng sanh vì sự hiểu biết còn giới hạn, do vậy mà vẫn còn lặn hụp mãi mãi nơi lục đạo nầy. Cũng chính sự liên hệ nầy mà lúc làm chồng, làm cha, lúc làm con, lúc làm cháu v.v...

Khía cạnh thứ 2 ở câu chuyện đám cưới nhắc cho chúng ta thấy rằng: Sau khi chết, con người không nhất thiết phải trở lại làm người, mà có thể làm thú. Vì lẽ tâm của người ấy khi chết, dán chặt vào hành nghiệp của thú, nên mới đầu thai làm con heo ở nhà nọ và cũng chính con heo kia bị làm thịt để lo cho ngày vui của chú rể. Khi cô dâu vui bên chú rể, cũng có thể là tình thương của kiếp trước còn lại và bây giờ đã biến thành tình yêu để bà cháu bên nhau mà không hề hay biết gì cả.

Cuộc đời nầy tất cả giống như một giấc mộng; nhưng nhiều người vẫn không chấp nhận. Nhiều lúc lấy mộng làm thật và cũng có khi lấy thật làm mộng. Ví dụ trong đêm tối chúng ta thấy nhiều cảnh đẹp, giàu sang hay ngay cả những mộng ác, lúc ấy trong tâm rất sung sướng hoặc sợ sệt; nhưng khi tỉnh mộng rồi, tất cả đều bình thường. Đó là đêm, dụ cho màn vô minh đối với chúng sanh. Còn ban ngày đối với chúng ta, ăn uống, ngủ, nghỉ, làm việc, học hành, yêu đương, thi thố tình thương v.v... tất cả chúng ta cho là thật; nhưng trên thực tế, đối với các bậc đã giác ngộ, nó cũng chỉ là giả danh mà thôi. Vì cái gì còn hình tướng, tức cái ấy đều hư vọng cả. Nếu ai ai cũng ý thức được như vậy, chắc chắn cảnh khổ không còn nơi thế gian nầy nữa; nhưng hầu như ngày nay, còn ngược lại là khác. Chúng ta để cho vật chất làm chủ tâm mình, sai khiến ông chủ nầy phải làm nô lệ cho mọi tiện nghi để được sung sướng; nhưng đâu có biết rằng, chúng sẽ lừa chúng ta đi vào con đường tội lỗi.

Câu chuyện thứ hai có tính cách cao thượng hơn, giải thoát hơn, cũng xảy ra tại Trung Quốc, xin ghi ra đây để quý vị độc giả lãm tường. Chuyện nầy rút ra từ quyển "Tây Phương Du Ký" của Ngài Khoán Tịnh Hòa Thượng. Ngài là một bậc tu hành đạo cao đức trọng ở Trung Quốc. Suốt đời Ngài ở ẩn trên núi cao, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà để cầu nguyện vãng sanh. Đặc biệt Ngài hay tụng kinh Lăng Nghiêm và trì kinh Pháp Hoa, chỉ mong ước gặp được Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Một hôm Ngài đang niệm Phật thì có một Lão Tăng đến rủ Ngài ra đi, Ngài vâng lời ra đi cùng Lão Tăng và từ từ Ngài có cảm giác khác lạ, thần thức của Ngài bay bổng lên không trung, dường như không cần sự cố gắng nào nữa, Ngài chỉ lâm râm niệm thần chú. Thế là Ngài được đến các tầng trời của chư thiên, sau đó đến cảnh giới của trời Đẩu Suất và cuối cùng Ngài đã đến được cảnh giới của Đức Phật A Di Đà, đã gặp Đức Quan Thế Âm Bồ Tát qua việc hóa thân là một Lão Tăng, đã đưa Ngài Khoán Tịnh về thế giới Cực Lạc nầy. Đức Đại Thế Chí Bồ Tát và các vị Bồ Tát khác Ngài cũng đã diện kiến. Đặc biệt ở thế giới Cực Lạc, Ngài đã gặp Ấn Quang Đại Sư và ở cõi trời Đẩu Suất, Ngài đã gặp Hư Vân Đại Lão Hòa Thượng.

Sau một thời gian ngắn mấy chục ngày ở cõi trên, Ngài về lại trần gian thì thấy cảnh vật đã đổi thay khá nhiều, ai cũng già đi hằng chục tuổi và hang động nơi Ngài tu, ngày nay cũng bị chôn vùi với cây cỏ. Đây là câu chuyện có thật do một bậc Đại Tăng Trung Quốc thuật lại. Đó là Ngài Khoán Tịnh Hòa Thượng. Khi nghe câu chuyện nầy dĩ nhiên là có người tin và có lẽ cũng không tin; nhưng tin hay không là quyền của mỗi người. Thế mà ở đời có nhiều sự thật ngoài những sự thật đang có. Nếu dùng con mắt bình thường ít có người sẽ hiểu thấu được. Chỉ có con mắt trí tuệ mới có thể nhận rõ nguồn cơn được.

Về Trung Quốc, 2 câu chuyện trên tiêu biểu cho một vấn đề. Nghĩa là sau khi chết không phải là hết, mà còn đi tái sanh nữa. Ngoài ra con người cũng có thể sanh về thế giới cao hơn, nếu trong đời nầy nhất tâm niệm Phật, trì chú, để khi lâm chung sẽ được vãng sanh về nước Cực Lạc.

Sau đây là 2 câu chuyện Việt Nam tiêu biểu về việc tái sanh. Một chuyện liên quan với Trung Quốc và một chuyện xảy ra ở Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 20 nầy.

Chuyển kể rằng:

Vào những năm tháng xa xưa khi mà Việt Nam và Trung Quốc còn bang giao chặt chẽ. Lúc bấy giờ nhà Minh sang độ hộ nước Việt Nam, do vậy mà họ đã bắt đi rất nhiều người Việt Nam tài giỏi sang Trung Quốc để xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh bây giờ. Ngày nay người Trung Quốc không nhắc tới ai là Kiến trúc sư của Tử Cấm Thành tại Thiên An Môn; nhưng người Việt Nam thì luôn tự hào rằng: Đó là một người Việt Nam. Trong số những người sang Trung Quốc đó cũng có những vị Tăng sĩ Việt Nam tài giỏi và khi qua Trung Quốc, không biết vì quốc thể hay vì lời nguyện, có một vị Tăng Việt Nam phát nguyện rằng sẽ làm vua Trung Quốc. Trước khi vị Tăng viên tịch có báo cho mọi người biết rằng trên mình Ngài có một bớt son bên tay phải. Sau một năm nếu Hoàng Hậu đương triều mang thai mà đứa trẻ có một bớt son như thế, thì đúng là Ngài tái sanh. Quả thật như vậy, sau khi sanh Hoàng Tử, mọi người trong cung cấm đều đồn nhau biết rằng: Thái Tử có điềm lạ như thế. Vị Hoàng Tử ấy sau nầy lên làm vua lấy hiệu là Càn Long.

Câu chuyện nầy thực hư thế nào thì không rõ; nhưng qua một lời nguyện của một vị Đại Tăng. Việc ấy đã trở thành sự thật. Điều ấy chứng tỏ rằng, qua con mắt trí tuệ chứng đắc của vị Sư người Việt Nam, đã báo cho mọi người biết là việc gì sẽ xảy ra một năm sau đó. Nếu điều ấy sai, hẳn việc ấy đã trở thành thêu dệt; nhưng điều ấy đã đúng. Vậy chúng ta có nên tin chăng?

Câu chuyện thứ 2 xảy ra cho một người đàn bà Việt Nam tại tỉnh Mỹ Tho. Câu chuyện được chính đương sự kể lại trong quyển sách "Cô Ba Cháo Gà", như sau:

Bình sinh bà ta làm nghề bán cháo gà. Mỗi sáng sớm bà cắt cổ gà, nhổ lông, luộc gà và sau đó là nấu cháo. Đoạn mang ra chợ bán, đến trưa hoặc xế bà lại đi mua gà, để ngày mai còn làm thịt tiếp, đem ra chợ bán nữa. Cứ thế và cứ thế, ngày lại tháng qua bà sinh sống với nồi cháo gà. Sáng mang cháo ra chợ bán, chiều quảy gánh về. Một hôm nọ bà bị bịnh thật nặng, thân thể yếu đuối, thần thức bị vua Diêm Vương và quỷ sứ dẫn đi xuống nhiều cửa ngục khác nhau. Đến đâu bà cũng bị những con gà đến đòi mạng. Nhiều nơi còn có quỷ dữ muốn hại mạng bà. Sau khi đi hết 9 tầng địa ngục và nhiều cửa ngục khác nhau, bà hối hận lắm nên mới phát tâm làm lành lánh dữ và quyết chừa bỏ mọi lỗi lầm. Do vậy mà thần thức của bà trở lại dương thế, nhập vào hình hài đang nằm thoi thóp trên giường bệnh. Sau thời gian tịnh dưỡng bà nhớ lại mọi chi tiết của câu chuyện trên, bà thuật lại cho mọi người biết và chép thành một quyển sách với tựa đề như trên, diễn tả nhiều cửa ngục đã đi qua và những hình phạt sau khi chết.

Đây cũng là một câu chuyện có thật; nhưng khi kể ra cũng ít người tin. Vì thông thường "chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ" là vậy. Mà nếu có đổ lệ cho người thân, cho gia đình lúc ban đầu, rồi chẳng bao lâu lại quên đi. Vì nghiệp thức của chúng sanh bản chất là vô minh nên hay quên những gì được gọi là tội lỗi, mà cũng chẳng nhớ những gì gọi là thánh thiện nơi tâm thức của mình lâu bền hơn.

Trên đây là 6 câu chuyện, 2 câu chuyện xảy ra tại Ấn Độ, 2 câu chuyện tại Trung Quốc và 2 câu chuyện tại Việt Nam. Mỗi câu chuyện mang một màu sắc khác nhau. Giải thoát có, đọa lạc có. Cao thượng có, thấp hèn có. Thánh thiện có mà thấp hèn cũng chẳng phải là không. Tất cả cũng đều đi đến một điểm chung là: Trước khi sinh ra và sau khi chết đi, không phải là không có gì cả, mà trong cái khoảng không to tướng ấy lại có những cái vô hình, mà chính cái nầy làm nhân cho cái kia tác dụng lên nhau, như lớp sóng nầy chồng lên lớp sóng khác, cứ thế và cứ thế cuốn tròn trôi giạt vào bờ, rồi lại lùi xa hơn nữa để trở thành những đợt sóng cao hơn, lớn hơn và lan rộng xa hơn, để làm cho sinh linh ấy mãi mãi chìm ngập nơi cõi địa đàng. Chỉ có ai muốn tách ra khỏi lớp sóng ấy, vươn mình ngồi dậy, đi thẳng vào đời, xây dựng đạo một cách chơn thành, thì kẻ ấy mới là kẻ thức tỉnh. Kẻ ấy mới là kẻ đáng nói và đáng noi theo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2010(Xem: 8257)
Muốnngồi thiền, trước chúng ta phải biết lý thuyết, sau mới thực hành được.Tại sao chúng ta phải ngồi thiền? Phật dạy trong bốn oai nghi chúng ta đều tu được hết. Bốn oai nghi là đi, đứng, nằm và ngồi. Tuy nhiên trong số bốn oai nghi đó, các Thiền sư nói chỉ có ngồi là thù thắng hơn cả.
20/09/2010(Xem: 8207)
Bài viết dưới đây tóm lược lại hai câu chuyện được ghi chép trong kinh sách, tả lại những cảnh ganh tị, hận thù, tham vọng,... đã xảy ra khi Đức Phật còn tại thế.
20/09/2010(Xem: 13577)
Phật pháp như thuốc hay, nhưng tùy theo căn bệnh. Có điều, không phải như thuốc Tây, được bào chế như thế nào thì đồng loạt các người bệnh dùng như vậy, chỉ hơi khác nhau về cân lượng tùy theo thể trọng của mỗi người. Phật pháp tuy cũng một pháp môn có thể được truyền dạy cho nhiều người như nhau, nhưng để cho sự thực hành có hiệu quả hơn, cũng cần phân biệt thành phần xã hội, trình độ nhận thức, và kinh nghiệm từng trải của mỗi người mà phương pháp thực hành có thể một vài sai khác.
20/09/2010(Xem: 6900)
Đứng về mặt ẩn dụ một đóa mai, thiền sư Mãn Giác nhằm trao cho những người đi sau đức vô úy trước việc sống-chết của đời người, và nói lên sự hiện hữu của cái "Bản lai diện mục"...
19/09/2010(Xem: 7221)
Nằm cách cách sân bay quốc tế Bangkok, Thái Lan, 16 km về phía Bắc, tu viện Wat Phra Dhammakaya là khu điện thờ khổng lồ nằm ở quận Khlong Luang. Hình dáng ngôi đại Già lam trông giống một con tàu vũ trụ hay sân vận động hơn là một ngôi chùa truyền thống ở Thái Lan nói riêng và thế giới Phật giáo nói chung.
19/09/2010(Xem: 9799)
Đức Thế Tôn đã cẩn trọng để lại cho chúng ta rất nhiều tiêu chuẩn thẩm định chánh pháp như Duyên khởi, Tứ y cứ, Nhị đế, Tam pháp ấn v.v… Trong đó, Tứ y cứ là một thước đo quan trọng nhưng ít được đem ra sử dụng một cách rộng rãi và triệt để, nếu không nói là bị lãng quên.
19/09/2010(Xem: 7539)
Khoa học càng phát triển, con người càng có cơ hội hiểu thêm nhiều điều Đức Phật dạy. Giới khoa học bắt đầu tìm cách giải thích những hiện tượng, những triết lý, tâm lý… được Đức Phật nói đến trong kinh điển, như họ đã từng nghiên cứu, lý giải về các hiện tượng trong thiên nhiên, trong vũ trụ và con người. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc đó, họ đã gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Có những khó khăn đi đến bế tắc. Như chuyện về xá lợi chẳng hạn.
19/09/2010(Xem: 7211)
Do ảnh hưởng từ thảm họa kép năm 2011, Fukushima - Nhật Bản đến nay vẫn còn nhiều nơi bị xem như vùng đất chết vì lo ngại nhiễm xạ, chủ yếu chỉ còn các vật nuôi bị bỏ rơi và được một người đàn ông dũng cảm ở lại chăm sóc.
18/09/2010(Xem: 15486)
Phật giáo là một tôn giáo khiêm tốn,chú trọng vào tâm linh và trí tuệ, nhắm vào mục đích giải thoát con người khỏithế giới biến động và khổ đau. Phật giáo không chủ trương tranh giành uy quyền,củng cố thế lực hay bành trướng ảnh hưởng trong thế giới Vô thường này.
18/09/2010(Xem: 9074)
Nhiều người hỏi tôi, Phật tử nghĩ gì về hôn nhân đồng tính? Vâng, vấn đề này tùy thuộc vào đối tượng mà bạn nói đến. Cách đây vài năm, trong cuộc phỏng vấn với hãng CBC, đức Dalai Lama đã bác bỏ quan hệ đồng tính, khiến ngạc nhiều người cải đạo sang đạo Phật ngạc nhiên. Đôi khi, họ quá dễ dãi cho rằng đạo đức Phật giáo là phù hợp với quan điểm tiến bộ tiêu biểu của họ. Khi cuộc phỏng vấn của người Gia-nã-đại được lên mạng internet, vài người bị choáng và bị rối, nhưng quan điểm của đức Dalai Lama đưa ra không làm ngạc nhiên đối với bất cứ ai lưu tâm theo dõi vấn đề này. Rốt cuộc thì lập trường của ngài vẫn trước sau như một. Tại một hội nghị cách đây 12 năm, khi các lãnh đạo đồng tính gặp đức Dalai Lama ở San Francisco để thảo luận vấn đề cấm Phật tử Tây Tạng phản đối việc đồng tính luyến ái, ngài đã nhắc đi nhắc lại quan điểm truyền thống rằng đồng tính luyến ái là “tà hạnh”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]