Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Phật pháp căn bản - Bài thứ hai mươi

03/04/201320:49(Xem: 40012)
20. Phật pháp căn bản - Bài thứ hai mươi

TRÁITIM CỦA BỤT

Tác giả:THÍCH NHẤT HẠNH.

Phiên tả và hiệu đính: Chân Đoan Nghiêm, Chân Văn
Tâm Phước và Diệu Chánh

Nhà xuất bảnTôn giáo.
Năm xuất bản:2005.

---o0o---

20.

Phật Pháp Căn Bản

Bài thứ hai mươi

Hôm nay là ngày 30 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Hạ và chúng ta học tiếp về bát chánh đạo.

Chúng ta đang học về tam giải thoát môn, tức là ba cánh cửa đưa tới giải thoát. Cánh cửa thứ nhất là Không. Quán Không, ta phải thấy tính tương quan, tương duyên, tương tức và tương sinh trong mọi sự mọi vật. Thấy như vậy, ta vượt được hàng rào bản ngã, thoát được ngục tù ý niệm về ta và về của ta, và mở được cánh cửa giải thoát. Trong tăng thân, nhìn bằng con mắt Không Quán, ta thấy sự an vui của ta liên hệ tới sự an vui của người, sự an vui của người liên hệ tới sự an vui của ta. Cho nên khônglà cách nhìn, quán, và tiếp xúc để thực tập chứ không phải là đề tài để đàm luận, nghiên cứu.

Vô tướng cũng vậy. Tất cả mọi sự vật được biểu hiện qua tướng và vì thường bị cái tướng ấy đánh lừa, nên ta mới sợ hãi, mới giận hờn, mới căm thù. Khổ đau xung quanh ta và trong ta đều do sự kiện ta bị kẹt vào tướng. Kinh Kim Cương nói về bốn loại tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ mệnh.

Sở dĩ ta bị kẹt vào tướng ngãlà vì chúng ta nghĩ có những cái đối lập với ngã tức phi ngã. Khi thấy được trong tướng ngã toàn là những yếu tố phi ngã thì tự nhiên ý niệm về ngã tan biến, và chúng ta thoát ra được khỏi tướng ngã. Tướng thứ hai là tướng nhân. Nhân đây nghĩa là loài người. Cho loài người là một thực tại độc lập, không phải là thú, là cây, là đất đá, chúng ta bị kẹt vào tướng nhân. Chúng ta nói trời sinh ra những con tôm, con cá, con bò, con heo để cho loài người ăn. Ta tưởng cây cỏ, đất đá, không khí, trời, sông, rừng và biển là để cho ta sử dụng thả cửa, ta không cần thương tiếc, không cần bảo vệ. Lo phục vụ tướng người, ta tàn phá các loại động vật, thực vật và khoáng vật. Đạt tới cái thấy vô tướng về người, thấy trong người có hàm chứa các loài động vật, thực vật và khoáng vật ta mở được cánh cửa giải thoát thứ hai. Tướng thứ ba là tướng chúng sinh. Chúng sinh ở đây là các loài động vật, các loài có sự sống. Các loài có mạng sống tùy thuộc và được tạo thành bằng những loài gọi là vô tình, không có sự sống. Khi tàn phá không khí, sông hồ, biển cả và rừng cây ta cũng hủy hoại luôn những chủng loại gọi là chúng sinh. Cho nên nhìn vào chúng sinh ta phải thấy các yếu tố không phải là chúng sinh. Nhìn vào các yếu tố gọi là vô tình ta phải thấy những các chủng loại hữu tình. Trong đời sống hàng ngày mà quán chiếu như vậy thì tự nhiên ta thấy được chúng sinh vô tướng. Sau cùng là tướng thọ mạng, nghĩa là khoảng thời gian của mạng sống, từ khi sinh ra đến khi chết. Ta cứ thường nghĩ sinh mạng ta nằm trong khoảng thời gian đó. Khi quán chiếu, ta thấy mình không từng sinh và cũng sẽ không bao giờ diệt đi, thấy rằng ta không bắt đầu có từ khi sinh ra, cũng không bắt đầu không từ lúc chết đi, nhờ thế pháp quán đưa ta tới cánh cửa giải thoát vô tướng về thọ mạng. Nỗi sợ hãi cái chết được dựa trên một ý niệm sai lạc là tướng thọ giả. Kinh Kim Cương chỉ nói về bốn tướng nhưng còn nhiều tướng khác nữa mà ta có thể quán chiếu. Nếu không dùng niệm và định để quán chiếu thì ta không thể mở được ba cánh cửa giải thoát không, vô tướng và vô tác.

QUÁN VÔ TÁC VÔ NGUYỆN

Vô táccó nghĩa là không cần có gì phải làm, không cần có dự án nào phải theo đuổi. Người ta thường nghĩ rằng tu tức là theo đuổi dự án “đạt được niết bàn” hay “chấm dứt được sinh tử.” Đi tu không phải là để lên chức hoà thượng. Mục đích của sự tu học là thoát khỏi sinh tử và đạt tới giải thoát. Nhưng theo giáo lý tam pháp ấn thì chúng ta chưa bao giờ từng bị sinh tử cả. Chúng ta chưa bao giờ bị ràng buộc cả. Chúng ta vô thường, đúng. Chúng ta vô ngã, đúng. Nhưng chúng ta cũng vốn là niết bàn. Cũng như đợt sóng kia vốn là nước. Trở về với bản tánh tự tâm của mình là một cách nói. Kỳ thực mình luôn luôn an trú trong bản tánh tự tâm của mình, không cần trở về. Mục đích của sự tu học là để bừng tỉnh, thấy rằng ta chưa bao giờ sinh, chưa bao giờ diệt. Đã không sinh, đã không diệt thì ta đã sẵn có tính niết bàn. Đâu cần phải có dự án, đâu cần phải thực hiện gì nữa? Đó gọi là vô tác, hay là vô nguyện.

Giáo lý vô nguyện chỉ cho chúng ta thấy tất cả sẵn có đầy đủ trong bản tánh tự tâm của mình, ta không cần đi tìm đâu hết. Ta đã là cái mà ta muốn trở thành (we are already what we want to become). Tự nhiên có an lạc ngay trong giây phút hiện tại, đó gọi là hiện pháp niết bàn. Buổi sáng nhìn thấy ánh nắng ta mừng, nghe trời mưa ta cũng mừng, thấy trời đầy sương ta cũng mừng. Ánh nắng, cũng như tiếng mưa rơi, cũng như sương mù đều là những hiện tượng của sự sống. Trong một hiện tượng có những hiện tượng khác. Và tất cả những hiện tượng đều mang tính niết bàn và vô nguyện. Nếu thức dậy mà ta cảm thấy có hòa bình, và an lạc trong thân tâm, thấy ta không còn thiếu thốn gì, không cần đeo đuổi gì nữa, thì lúc đó ta có khả năng tiếp nhận hai mươi bốn giờ đồng hồ mà sự sống hiến tặng.

Thức dậy miệng mỉm cười,

hăm bốn giờ tinh khôi,

xin nguyện sống trọn vẹn,

mắt thương nhìn cuộc đời.

Ta chỉ có thể tiếp nhận tặng phẩm này một cách trọn vẹn với tâm vô nguyện. Nếu nghĩ rằng có hăm bốn giờ để làm cái này, hoặc làm cái kia, thì hăm bốn giờ đó sẽ trở thành một phương tiện, mà không còn là sự sống nữa.

Mỗi việc chúng ta đang làm là sự sống, và có thể cho ta hạnh phúc ngay trong khi ta làm. Khi ta đi thiền, ngồi thiền, hay uống trà, ăn cơm, hoặc quét nhà, thì tất cả những giây phút kia đều có thể là những giây phút hạnh phúc. Ta không coi chúng như những phương tiện để đạt tới mục đích nào cả. Trong lúc ta bửa củi, sự sống đã mầu nhiệm rồi, ta thấy không cần bửa củi xong mới có hạnh phúc. Không cần nước sôi rồi mới có hạnh phúc. Không cần nấu cơm chín rồi mới có hạnh phúc. Như vậy là ta sống trong tinh thần vô nguyện. Cái thấy ấy đạt tới thì cánh cửa vô nguyện giải thoát môn mới mở ra.

Có hôm tôi gặp một phụ nữ người Anh ở một xưởng làm gốm. Bà ta hỏi: “Thầy có lo về tình trạng thế giới không?” Tôi trả lời:” Tôi có lưu tâm, nhưng mối quan tâm của tôi không làm hại tới sự an vui của tôi.” Bà này đang đau khổ, chồng của bà bị bệnh tâm thần. Trong câu hỏi vể tình trạng ở trên thế giới, và muốn nói tới những chuyện xảy ra ở Nam Tư (Yougoslavie), hay ở các nơi khác. Nếu ta để cho những lo lắng đó tràn ngập tâm mình thì chẳng bao lâu ta sẽ bị bệnh như chồng của bà. Tôi im lặng, thở năm bảy lần rồi mới nói:” Cái quan trọng nhất, bà ơi, là dủ rất quan tâm đến tình trạng thế giới, bà cũng đừng để cho những nỗi lo lắng đó tràn ngập tâm của mình, làm cho mình quá ưu sầu. Nếu tâm mình bị tràn ngập âu lo thì mình sẽ bệnh, và nếu bà bệnh thì ai mà chăm sóc, và nâng đỡ cho ông nhà bây giờ? Thành ra bà phải tu tập. Tôi biết rõ những gì đang xảy ra ở Nam Tư, tôi thấy cảnh khổ đau rất tội nghiệp, nhưng tôi không để cho những chuyện đó trở thành những yếu tố đe dọa tôi.”

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là ta làm được tới mức tối đa những gì ta có thể làm, mà vẫn phải giữ được sự an lạc, và bình tâm của mình. Nếu có thời giờ thiền hành, hay thiền tọa thì chớ bỏ qua. Tâm trạng lo lắng không đưa tới đâu. Dầu ta có lo âu tới mười lần, hoặc gấp trăm lần, thì tình trạng cũng như vậy thôi. Nếu ta bị bệnh thì tình trạng sẽ xấu hơn. Cho nên điểm quan trọng không phải là ta lo, mà là ta làm những gì có thể làm được trong giờ phút hiện tại. Nếu bà không giữ được sự an lạc của bà thì bà không thể nào giúp được ông nhà. Bà cũng không thể nào giúp được cho bất cứ ai và bất cứ nước nào trên thế giới. Cho nên hãy làm những gì trong đời sống hàng ngày của mình có thể làm được. Đó là chìa khóa. Khi có thái độ đó thì tự nhiên ta có an lạc.” Tôi đã nói tóm tắt những điều đó cho bà người Anh này trong vòng mấy phút.

Ta có thể có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, dầu trong thân và tâm ta có điều chưa được như ý. Giáo lý Tịnh độ nói: dầu còn khổ đau, dầu còn nghiệp chướng, ta vẫn có thể vãng sanh được tới thế giới cực lạc. Đức Phật A Di Đà sẽ không đóng cửa, sẽ không cấm ta vào cõi cực lạc với một ít nghiệp chướng, một ít tham, giận, và si mê. Đó gọi là đới nghiệp vãng sanh. Đới nghiệp là còn mang nghiệp theo. Nghĩa là tịnh độ hiện tiền, đây là tịnh độ, tịnh độ là đây. Dầu còn một ít lo lắng, sầu khổ, một ít bệnh tật, ta vẫn có thể bước vào được thế giới cực lạc như thường. Cho nên, buổi sáng thức dậy mỉm miệng cười, ta thấy ta có thể có hạnh phúc. Quan trọng là thái độ vô nguyện của ta. Vô nguyện là được như nguyện, Không chờ đợi, không đòi hỏi, ta có thể hạnh phúc trong bất cứ giây phút nào.

ÁP DỤNG BA CỬA GIẢI THOÁT

Theo các nhà xã hội học bên Mỹ, vấn đề số một của Hoa kỳ là bạo động. Người ta bạo động đối với nhau: cha bạo động đối với con, con bạo động đối với cha, học trò bạo động đối với thầy. Người ta bạo động với chính thân thể và tâm hồn của họ. Tự tử, sử dụng ma tuý, nghiện rượu, người ta tự tàn phá cơ thể và tâm hồn. Giống như xã hội đang đi về hướng tự hủy một cách tập thể. Và những người có con mắt nhận xét thấy đó là một vấn đề rất lớn. Căn nguyên của hiện tượng trên là con người không có an lạc, con người đang đi tìm quên lãng. Nếu con người có hạnh phúc thì con người đâu phải đi tìm mấy chất ma tuý, và những ông vua ma tuý đâu có thể làm ăn được. Sống với bản thân không an lạc, tự ghét bản thân; sống với gia đình không an lạc, hờn oán gia đình; sống với xã hội cũng không an lạc, thù ghét xã hội. Với những đau khổ không biết cách chuyển hóa, người ta trút những đau khổ đó lên cho nhau, làm phát sinh ra bao nhiêu căm thù và bạo động.

Có những thiếu niên mười hai, và mười ba tuổi ở Pháp đã bắt đầu giết người. Trong mấy tuần lễ vừa qua lại có những vụ giết người trong xe lửa. Bên Anh cũng vậy. Bạo động là một dấu hiệu của tình trạng thiếu hạnh phúc, thiếu thăng bằng. Người ta khổ đau nhưng không biết thực tập, không có ai hướng dẫn. Có cơ duyên tu học, ta phải biết trách nhiệm. Trước hết phải làm sao cho chính mình có an lạc, và hạnh phúc, phải học nghệ thuật sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, dầu ta còn có những điều bất như ý. Ta bắt buộc phải có hạnh phúc. Nếu không ta không thể làm chỗ nương tựa cho bất cứ ai, dầu đó là cha, mẹ, anh, chị, em mình, đồng bào mình hay người trong xã hội quanh mình. Ta cần phải làm thế nào để cho hạt giống an lạc và giác ngộ sinh sôi nẩy nở cho nhiều, cho nhân loại được nhờ. Mỗi ngày hăm bốn giờ đồng hồ của ta là một cơ hội lớn để sống an lạc, và hạnh phúc. Nếu ta cần một dự án, thì dự án đó là làm thế nào để đào tạo thật nhiều những người có khả năng hướng dẫn tu học. Cần có rất nhiều giáo thọ. Trong Đại Giới Đàn sắp tới, Giới Đàn Hương Tích, sẽ có lễ truyền đăng cho mười hai vị giáo thọ mới.

Trong chuyến đi Hoa Kỳ vừa rồi có những buổi thuyết pháp cho công chúng mà số tới dự bốn ngàn người, có những khóa tu trong đó bốn trăm hoặc năm trăm người xin quy y để tiếp nhận năm giói. Đó là hình ảnh cá mẹ sinh cả đàn cá con. Nhưng như thế cũng không có thấm thía vào đâu. Trong chuyến đi Bắc Mỹ đó, số người tới học trực tiếp trong những khóa tu hay những buổi pháp thoại vào khoảng 28.000 người. So với dân số cũng không có nghĩa gì. Dầu có những đài phát thanh đã phát nguyên văn các bài pháp thoại liên tiếp trong mười ngày, những tờ báo lớn như Washington Post, New York Times hay Los Angeles Times đã viết một số những bài khá hay về phương pháp thực tập. Có thể nói hàng triệu người đã được tiếp xúc với giáo lý Bụt. Loài người rất khao khát sống an lạc, rất mong biết được cách chuyển hóa tâm hồn và thay đổi xã hội. Nhưng hiện bây giờ số người có thể hướng dẫn được dân chúng tu tập, chuyển hoá còn ít lắm. Và chúng ta phải thực tập như thế nào để làm cho số người đó nhân lên. Điều này thì chúng ta có thể làm được.

Nếu cứ để thì giờ mà lo lắng, và ưu sầu thì chúng ta chỉ làm cho tình trạng đen tối hơn. Thành ra câu trả lời cho từng người vẫn là phải làm thế nào để mỗi bước chân của mình được thảnh thơi, mỗi giây phút của đời sống hàng ngày có an lạc, hạnh phúc. Ngưòi Pháp có một bài hát “Chúng ta đợi gì không hạnh phúc bây giờ” (qu’est-ce qu’on attend pour être heureux?). Mỗi sư cô, mỗi sư chú, mỗi Phật tử và thiền sinh của chúng ta hãy tự hỏi câu hỏi đó: tại sao chúng ta lại không có hạnh phúc ngay bây giờ? Hạnh phúc trong giây phút hiện tại, hạnh phúc có liền như là cà phê bột chỉ cần chế nước sôi vào là có thể uống.

Tôi còn nhớ một thiếu phụ, tại một khóa tu ở Canada, sau buổi thiền hành đầu tiên đã nói:” Thưa thầy, từ khi sang Bắc Mỹ đến giờ, trong suốt bao nhiêu năm con chưa bao giờ được đi những bước thong thả như hôm nay.” Xã hội đã kéo bà chạy theo như một con chong chóng. Và bà chỉ cần được hướng dẫn thiền hành trong hai mươi phút, là có thể đi vào được trong thế giới của tĩnh lặng, của an lạc. Không cần phải dự một khóa tu ba tháng. Có khi ta chỉ cần một khóa tu ba ngày, hoặc bốn ngày. Và chỉ ngay sau giờ thiền hành đầu tiên là đã có thể nếm được pháp lạc. Sau đó thiếu phụ hỏi:” Bạch thầy, con có thể về chia sẻ phương pháp thiền hành này cho các bạn con đuợc không?” Tại sao không? Các sư cô, sư chú được tu tại Làng Hồng bốn năm là đã có may mắn hơn những người như vậy nhiều. Sau bốn năm đó ta đã có khả năng thiết lập những trung tâm tu học để hướng dẫn người khác. Quý vị cũng sẽ làm như tôi, là suốt đời học thêm, và phải luôn luôn thực tập. Càng học và càng thực tập thì cái thấy, cái hiểu của mình về chánh pháp càng sáng, và càng sâu thêm. Đức Khổng Tử nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ,” học mà thuờng được thực tập thì hà chẳng phải là niềm vui hay sao? Học với thầy được một ngày thì ta đã tiếp nhận được chất liệu của gia đình tâm linh ta để lại từ mấy ngàn năm. Điều quan trọng là khả năng tiếp nhận, khả năng hấp thụ (assimilation) của mỗi người. Hấp thụ là biến những chất liệu mình tiếp nhận thành sự sống liền. Đừng chất chứa chúng thành những kho kiến thức không dùng vào việc gì được.

Học điều gì ta phải đem ra thực tập. Khi ta học về ba cánh cửa giải thoát: không, vô tướng, và vô tác chẳng hạn, thì phải áp dụng liền. Áp dụng thế nào về cánh cửa thứ nhất là cánh cửa không? Có phải là lên thiên đường ngồi thiền để suy tư về không chăng? Không phải như vậy. Mỗi lần nhìn cây cỏ, đất trời, tiếp xúc với người với vật, phải thấy được tính cách tương tức, tương nhập của tất cả. Phải thấy tính cách mầu nhiệm của không ở trong con ngưòi của mình.

Tới cánh cửa thứ hai là vô tướng. Phải thấy được tính cách vô tướng trong cái tướng của người, và vật chung quanh. Thấy được rồi thì những sợ hãi, lo buồn, hờn giận của mình sẽ tan biến, và vô tướng trở thành sự sống hàng ngày.

Cuối cùng là vô tác, vô tác là không cần tìm kiếm. Vô tác không phải là hết ham muốn mà thôi. Có những người hết ham muốn mà trong lòng rất rầu rĩ: tôi không thiết gì nữa! Apranihitalà không đặt trước mình một đối tượng để chạy theo. Tức là biết dừng lại, và hạnh phúc chỉ đạt được khi ta biết dừng lại. Cho nên nếu có người hỏi: ”Tu để làm gì?”, có thể ta trả lời: “ Tu là để có hạnh phúc.” Ngươi ta hỏi:” Tu tới bao giờ mới có hạnh phúc?”. “Phải có hạnh phúc ngay từ bây giờ. Còn nếu không thì không phải là anh đang tu.”

CÁC CÁCH TRÌNH BÀY KHÁC VỀ PHÁP ẤN

Sau khi đã hiểu về cách tu tập Tam Pháp Ấn chúng ta nên biết thêm về các lối trình bày khác về pháp ấn. Trong văn học Phật giáo cũng có ý niệm Nhị Pháp Ấn. Khổlà một pháp ấn và niết bànlà pháp ấn thứ hai. Ngoài ra còn ý niệm về Tứ pháp ấn, là vô thường, khổ, vô ngãniết bàn. Và Kinh cũng nói tới một pháp ấn thuộc truyền thống đại thừa, gọi là Nhất Thật Tướng Ấn. Sở dĩ có nhiều cách trình bày về pháp ấn là do lối nhìn của những thế hệ về sau.

Trong lịch sử phân phái, cuộc phân chia hệ phái đầu tiên xảy ra một trăm năm sau khi Bụt nhập diệt, thành Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Thượng Tọa Bộ là các vị có khuynh hướng bảo thủ, Đại Chúng Bộ là các vị muốn cải cách. Thượng Tọa Bộ sau này chia ra Hữu Bộ và Phân Biệt Thuyết Bộ, đó là cuộc phân phái thứ hai. Như chúng ta biết, Hữu Bộ truyền lên miền Kashmir. Phân Biệt Thuyết Bộ ở lại, sau đó lại gửi một chi phái là Xích Đồng Diệp Bộ sang Tích Lan, bây giờ ta gọi là Theravada. Cho nên Hữu Bộ và Theravada có cùng một nguồn gốc và kinh điển rất giống nhau. Trong tam tạng Pali, những đoạn văn nói về vô thường cho nên khổ, khổ cho nên vô ngãđược lập đi lập lại nhiều lần, cũng giống như trong những bộ Kinh A Hàm bằng chữ Hán thuộc văn hệ Bắc Truyền. Điều đó chứng tỏ cách nhìn đó có trước thời phân chia thành hai phái Hữu Bộ và Phân Biệt Thuyết Bộ.

Theo sát các đoạn kinh trên, đạo Bụt Nam Truyền giải nghĩa Tam Pháp Ấn là Vô Thường, Khổ, và Vô Ngã. Cách nhìn đó có thể đưa tới những hiểu lầm, cũng như lối xếp đặt Khổ và Niết Bàn vào làm Nhị pháp ấn. Sai lầm căn bản là sự biến đổi vai trò của Khổ, từ một cảm thọcần nhận diện, thành một bản chấtcủa thực tại. Sau khi đã học về ba cánh cửa của giải thoát chúng ta sẽ nhìn lại vấn đề này trong ánh sáng của tam tam muội.

Khổ đau phát sinh là do chúng ta bị kẹt vào tướng, cho nên Bụt đã dạy phép quán vô tướng. Phương pháp mà Bụt dạy là dùng giáo lý vô thường và vô ngã. Vô thường là một chiếc chìa khóa để mở cửa thực tại, và dùng quán vô tướng chúng ta phá vỡ được các tướng trạng. Vô ngã là một chìa khóa khác. Dùng phương pháp vô ngã, chúng ta cũng đi tới vô tướng. Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, cái gì có tướng là có sự lầm lẫn. Vô thường mà nghĩ là thường thì khổ, vô ngã mà cho là có ngã thì khổ. Trước tiên, khổ ở đây là do một cảm thọ do hư vọng gây ra. Nhưng nhiều thế hệ Phật tử sau này đã nâng ý niệm khổ lên thành một tính chất phổ biết tất yếu của thực tại. Vì trong giáo lý tứ diệu đế Khổ đứng dầu. Bản ý của Bụt là: chúng ta phải nhận diện Khổ. Nhận diện Khổ là một chuyện, thái độ giáo điều nói rằng ” Tất cả đều là khổ, không có cái gì là không khổ hết” là một chuyện khác. Hai cách nhìn đó khác nhau rất nhiều. Nhưng nhiều thế hệ Phật tử đã đi vào con đường thứ hai. Cho nên có lý thuyết về Tam Khổ: Ban đầu Khổ như là một cảm thọ (Dhukha as an unpleasant feeling). Rồi đến Hoại Khổ, vì vạn vật sẽ tàn hoại cho nên khổ ( Dhukha as change). Thứ ba Hành Khổ, mọi hiện tượng vì được tập hợp mà thành nên khổ, khổ vì bản chất là Hành (Dhukha as formation). Thuyết Tam Khổ có tính cách giải thích, binh vực cho chủ trương tất cả đều là khổ. Mục đích của Bụt khi giảng Tứ Diệu Đế không phải là biện luận về một chủ thuyết. Mục đích của Ngài là dặn dò rằng có những cái khổ chúng ta phải nhận diện. Những thế hệ sau nghĩ rằng sự giải thoát chỉ đạt được khi ta nhắc đi nhắc lại sự thực thứ nhất :” Đời là khổ, cái gì cũng là khổ, cái gì cũng là khổ” nếu không thì không đạt được quả vị A La Hán, không giải thoát, không an lạc. Đọc lại những tác phẩm A Tỳ Đạt Ma, như Tranh Luận Sự (Points of contreversy) ta sẽ thấy. Đó là ta hiểu và áp dụng sai Tứ Diệu Đế. Những cái đau khổ gọi chúng là đau khổ đã đành rồi, những cái không đau khổ cũng làm cho chúng thành đau khổ luôn!

Đi xa thêm một bước nữa là quan niệm tất cả các Hành - những hiện tượng được tập thành như là núi, sông, cây, cỏ, mặt trời, mặt trăng, cha mẹ, anh em, nụ cười, tiếng khóc, tất cả đều là khổ hết! Hệ luận của một quan niệm như vậy là Niết – Bàn hoàn toàn tách biệt khỏi các hành. Nước mà bỏ hết sóng đi thì đâu còn có nước?

Cách nhìn đó dẫn tới ý tưởng cuộc đời là khổ, năm uẩn là khổ, sáu đại là khổ, tất cả là khổ cho nên ta phải diệt bỏ hết. Nhưng ai là kẻ làm công việc dứt bỏ đó? Có một cái Ta biệt lập với năm uẩn, với những cái gọi là Hành không? Hay Ta chẳng qua cũng chỉ là những Hành đó? Cái ta có phải là một thực tại độc lập ngoài những Hành này không? Nói Có tức là chấp vào Hữu Ngã, có một cái Ngã riêng biệt.

Có một cái Ngã nằm ngoài các Hành, có một cái Ngã riêng ở ngoài năm uẩn, đó là một sai lầm căn bản. Đó là hai khái niệm về ngã mà Bụt đã phá vỡ. Khái niệm thứ ba là Thần Ngã (Atma) tức là yếu tố thiêng liêng có thể đồng nhất hóa với Phạm Thiên (Brahma). Ta là Atma, còn Brahma là Đại Ngã, hai cái đó là một, trở về với nhau gọi là giải thoát, Bụt cũng đã bác bỏ ý niệm đó.

Vậy thì cái Ta này là cái gì, có thể thoát ra ngoài năm uẩn và các Hành được chăng? Có phải sau khi tôi đã buông bỏ tất cả năm uẩn và các Hành rồi thì tôi sẽ bước sang một thế giới khác gọi là Niết Bàn chăng? Vậy Niết Bàn là một thực thể hoàn toàn biệt lập với các Hành chăng? Phải chăng bỏ cái thế giới khổ này, đi tìm tới một thực thể hoàn toàn khác với khổ, đó là nhập Niết bàn? Nghĩ như vậy thì hai Pháp Ấn, Khổ và Niết – bàn, trở thành một giáo lý nhị nguyên. Không phải Bụt dạy Khổ và Niết bàn là nhị nguyên, mà cách nhìn của người ta bị kẹt vào quan điểm nhị nguyên. Chúng ta thấy rất là mầu nhiệm khi phá vỡ được tư tưởng nhị nguyên. Cũng như khi học về Xả, ta cũng phải phá đổ quan điểm nhị nguyên. Tiếng Anh dịch Xả là equanimity tức là không đứng về một phe, đối lập với phe khác. Nếu nói Hành là khổ, rồi ta bỏ các Hành, đi tìm về Niết-bàn hoàn toàn khác biệt với Hành, đó là nhị nguyên, không phải là Xả. Niết bàn nằm trong các Hành, niết bàn chính là Hành.

Bàn luận như trên không phải là để biện giải lý thuyết xem giải thích Tam Pháp Ấn cách nào là đúng, hay Nhị Pháp Ấn cách nào là đúng. Câu hỏi thích đáng phải nêu lên là chúng ta có thực tập Tam Giải Thoát Môn không? Các Tổ, các Thấy nói tới Ba Cánh Cửa Giải Thoát nhưng đã dạy ta phương pháp thực tập. Làm sao để thực tập Không, làm sao để thực tập Vô Thường, và làm sao thực tập Vô Tác? Chúng ta phải tránh việc học một mớ lý thuyết rồi không bao giờ đem chúng áp dụng trong đời sống hàng ngày. Pháp Ấn có thể là ba, Vô Thường, Khổ, Vô Ngã cũng được hoặc Vô Thường, Vô ngã, Niết – bàn cũng được. Điều quan trọng là những giáo lý ấy có thể thực tập được, có thể đem lại cho ta giải thoát được hay không? Điều kỳ diệu là trong Tam Pháp Ấn có Vô Thuờng, Vô Ngã, Niết – bàn, thì Niết – bàn thuộc phạm vi Thể, và hai phần kia thuộc phạm vi Tướng. Chính nhờ tiếp xúc với Tướng một cách sâu sắc mà đi tới Thể của các tướng. Đó là nguyên tắc Tùng Tướng Nhập Tánh.

Tam Giải Thoát Môn đã được trình bày như là những phương pháp thực tập và chúng ta có thể thực tập được. Sống như thế nào gọi là có cái nhìn Không? Cách nhìn đó chúng ta thực tập khi thức dậy, khi ăn cơm, khi uống nước, khi tiếp xử với bạn bè. Sống như thế nào, thấy như thế nào, tiếp xử như thế nào có thể gọi là Vô Tướng? Và sống như thế nào có thể gọi là Vô Tác? Chúng ta an trú được trong giờ phút hiện tại, có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, dầu còn đeo theo một ít nghiệp chướng bên mình. Nếu quý vị nói về Không, Vô Tướng, Vô Tác, đọc một cuốn sách ba ngàn trang về Không, Vô Tướng, Vô Tác mà cuối cùng không áp dụng được trong đời sống thì ba ngàn trang sách đó sẽ không có ích lợi nào.

Sự hiểu sai và truyền thừa sai xẩy ra khắp nơi, trong Đạo Bụt Nam Truyền cũng như trong Đạo Bụt Bắc Truyền. Chúng ta phải dùng trí thông minh và căn cứ trên kinh nghiệm tu tập, trên những thành công, những thất bại của chúng ta để có thể tiếp xúc với giáo lý đích thực của Đạo Bụt.

---o0o---

Mục Lục> 01> 02> 03> 04> 05> 06> 07> 08

> 09> 10> 11> 12> 13> 14> 15> 16>

17 > 18> 19> 20> 21> 22.> 23> 24> 25

---o0o---

Vi tính: Hoằng Chơn Quảng Đài
Trình bày: Nhị Tường , Tịnh Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/07/2017(Xem: 5950)
Cần nói rõ ngay từ dòng chữ đầu tiên, rằng đây là chuyện Quốc hội Mỹ, không dính gì tới Quốc hội Tây, Tàu, Ta, Đức, Nhật… Nói thế, để hoàn toàn xa lìa mọi liên tưởng không thích nghi. Và tỉnh thức, là nói theo nghĩa Thiền tập, tức là mindfulness, một phương pháp đang ứng dụng nhiều tại Hoa Kỳ, không còn ý nghĩa tôn giáo và được dùng chỉ như một liệu pháp đa dụng.
27/07/2017(Xem: 5612)
Hãy hình dung về một nhà nước, từ người lãnh đạo cho tới cán bộ cấp làng xóm, rủ nhau tập Thiền mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút… Nói như thế, có vẻ như chúng ta đang nói về một Tây Tạng một thời quá khứ? Không. Bài này không nói gì về chuyện xưa, chỉ muốn nói chuyện nay. Cũng không nói về các nhà nước Tây, Tàu, Ta, Đức, Nhật… và chỉ có ý nói về các nhà nước Anh, Úc, và một phần Hoa Kỳ, dựa theo các bản tin tiếng Anh, và độc giả có thể dò lại nguồn tin bằng cách đưa dòng chữ nhan đề của bản tin vào Google để tìm.
23/07/2017(Xem: 7242)
Nam mô Phật đà da Nam mô Đạt ma da Nam mô Tăng già da Thưa đại chúng, trước khi nghe pháp thoại, xin đại chúng ngồi ngay thẳng, thân và tâm có mặt trong nhau để chúng ta thực tập thiền tập, khiến cho ba nghiệp của tất cả chúng ta giờ này thanh tịnh. Nhờ ba nghiệp (nghe không rõ)…. mà đưa tới sự chuyển hóa … (nghe không rõ) Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
21/07/2017(Xem: 9573)
Một câu chuyện thật, hoàn toàn có thật đang diễn ra. Đó là việc áp dụng “Người nam châm – bí mật của luật hấp dẫn” cùng với “Luật hấp dẫn – bí mật tối cao” và triết lý "gieo hạt" vào công việc và cuộc sống để đón nhận hạnh phúc và thành công không giới hạn.
15/07/2017(Xem: 10877)
Hòa Thượng Thích Thông Hải đang thực hiện một đài truyền hình toàn cầu, nơi Phật tử từ khắp thế gioơi, kể cả từ Việt Nam hay Anh, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ, Nga... có thể xem được qua các thiết bị di động.
10/07/2017(Xem: 5472)
Trong khi có những người mang hai quốc tịch một cách thoải mái… lại rất hiếm người tự nhận là theo hai tôn giáo cùng một lúc. Hiển nhiên, dầu với nước rất khó hòa hợp. Bạn cứ nhìn lại những cuộc thánh chiến nhiều ngàn năm nay là biết: không dễ có thái độ bao dung để theo cùng lúc hai tôn giáo một cách hòa hợp. Thực tế lịch sử cho thấy, bao dung nhất vẫn là Phật giáo – một tôn giáo chưa từng khơi dậy thánh chiến bao giờ. Nhưng rồi một số nơi ở Miến Điện vẫn xảy ra xung khắc giữa Phật tử bản địa và người Hồi giáo Rohinya vào tỵ nạn.
29/06/2017(Xem: 6901)
Bài này được viết để thành kính tưởng niệm bổn sư Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu (1912-2016), vị trụ trì quá cố của Chùa Tây Tạng Bình Dương, trong tuần lễ tròn một năm Thầy viên tịch.
23/06/2017(Xem: 9307)
Nếu như điểm nhấn của những người thích ăn chay và ủng hộ ăn chay của những ngày cuối năm 2016 là TẾT CHAy lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Tứ Kỳ Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 44 công ty, nhà hành chuyên đồ chay và thực phẩm dưỡng sinh thì trọng tâm của 6 tháng đầu năm 2017 là cuộc thi ĂN CHAY HẠNH PHÚC.
19/06/2017(Xem: 10650)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Nhân được sự quan hoài của quí Sư cô Tịnh thất Hiền Như và chư Phật tử, chiều 17 June chúng tôi đã đại diện quí vị đến thăm và tặng quà cho đồng bào nghèo tại Thành phố Huế. Những người được trao quà đa phần là các cụ già neo đơn, người thiểu năng khuyết tật, người bị tai nạn lao động, người nghèo trong thành phố và các vùng phụ cận Thừa Thiên Huế.
16/06/2017(Xem: 9371)
Theunis Botha (51 tuổi), một thợ săn chuyên nghiệp người Nam Phi đã mất mạng sau khi bị con voi đè lên người trong chuyến đi săn ở Gwai, Zimbabwe. Ngày 19-5, nhóm của Theunis Botha đang đi săn ở Gwai, Zimbabwe thì bắt gặp đàn voi 4 con, các thành viên trong đoàn đã nhanh chóng rút súng ra bắn. Tuy nhiên, hành động này đã khiến đàn voi nổi giận và chúng bắt đầu đuổi theo nhóm thợ săn. Sau khi Botha bắn vào 3 con voi, con thứ 4 trong đàn đã dùng vòi nhấc Botha lên cao. Đúng lúc đó, con voi này bị một thợ săn khác bắn chết, nhưng không ngờ thi thể của nó đổ sụp xuống người Botha, đè anh thiệt mạng. Được biết con voi thứ 4 là một con voi cái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]