Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền sư Ma Ha (gốc người Chiêm Thành), Đời thứ 10 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

10/07/202109:26(Xem: 17505)
Thiền sư Ma Ha (gốc người Chiêm Thành), Đời thứ 10 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi 🌼🌹🥀🌷🌸🏵️


 
 

Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ,

Hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Ma Ha. Ngài thuộc đời thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại Việt Nam.

Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 257 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19, đầu tháng 5-2020.

 

Sư gốc người Chiêm Thành, sau đổi họ là Dương. Cha tên Bối Đà, tinh thông sách lá bối, làm quan dưới triều Lê là Bối trưởng (xưa gọi Đà phan). Lớn lên Sư có nhận thức thấu đáo, học thông cả hai thứ chữ Phạn và Hán.

Năm hai mươi bốn tuổi, Sư nối nghiệp cho cha kế thế trụ trì ngôi chùa cũ. Một hôm, đang lúc giảng kinh thấy Hộ pháp Thiện thần xuất hiện quở rằng: “Đâu cần cái học bên ngoài ấy làm gì? Ắt không thể thông lý.” Do đây hai mắt Sư bị mù. Sư hết lòng ăn năn hối lỗi, toan gieo mình xuống vực sâu mà chết. Bỗng gặp Đông Lâm Viễn ngăn rằng: “Dừng! Dừng!” Sư nghe lời này liền tỉnh ngộ.

Về sau, Sư đến chùa Cổ Sơn thọ giáo với Thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Ở đây Sư chuyên việc sám hối và tụng Đại Bi tâm chú, ròng rã ba năm chưa từng có một phút giây biếng trễ. Cảm Bồ-tát Quan Âm lấy nước cành dương rưới trên đảnh và mặt mắt. Bỗng nhiên mắt Sư sáng lại tâm càng thanh tịnh.

Niên hiệu Thuận Thiên năm thứ năm (1014), Sư dời về ngọn núi Đại Vân ở Trường An ngày ngày chuyên cần tu tập được “Tổng trì tam-muội” và các pháp thuật, người đời không thể lường nổi.

Hoàng đế Lê Đại Hành ba lần triệu Sư vào cung thưa hỏi, Sư chỉ chắp tay cúi đầu mà thôi. Đến lần thứ ba, Sư mới đáp: “Cuồng tăng ở chùa Quan Ái.” Vua nổi giận sai cầm Sư ở chùa Vạn Tuế trong Đại nội, cắt người canh gác. Sáng hôm sau thấy Sư ở ngoài phòng tăng, mà cửa vẫn kín như cũ. Vua rất kinh dị, bèn trả tự do cho Sư.

Sư dạo phương Nam châu Ái, đến trấn Sa Đảng. Nhân dân ở đây rất sùng mộ quỉ thần, lấy việc sát sanh làm chủ yếu. Sư khuyên họ ăn chay làm phước, họ đồng đáp: “Thiên thần của chúng tôi, họa phước không dám trái.” Sư bảo: “Các ngươi nếu bỏ ác làm lành, dù có quỉ thần xúc hại Lão tăng sẽ gánh chịu cho.” Dân làng thưa: “Gần đây có người mang bệnh hủi nặng, các thầy thuốc đều bó tay, nếu ông trị lành được bệnh này, chúng tôi sẽ nghe theo lời khuyên.” Sư bảo dẫn người bệnh ấy đến. Họ đến, Sư liền tụng chú, lấy nước phun vào người bệnh, chẳng bao lâu bệnh được lành. Dân làng tuy cảm phục, mà tập nhiễm của họ đã lâu, chưa có thể nhất thời cảm hóa được.

Trong đó, có Hương hào họ Ngô nhân ăn thịt uống rượu bèn đem nài ép Sư: “Hòa thượng có thể thưởng thức cái vui này với chúng tôi, chúng tôi sẽ tuân theo lời Ngài dạy.” Sư đáp: “Đã mời thì chẳng dám từ, chỉ sợ e đau bụng thôi.” Hương hào mừng rỡ thưa: “Có đau thì tôi xin thay cho.” Sư nhận lời, ăn uống được vài tuần rượu, chợt bụng sình to lên, hơi thở hào hển. Sư kêu to: “Ông Hương hào đâu chịu thay cho tôi!” Ông Hương hào và cả bọn mặt xám ngắt, không biết làm sao.

Sư tự chấp tay niệm lên: “Nam-mô Phật, Nam-mô Pháp, Nam-mô Tăng cứu con.” Giây lát, Sư mửa ra thịt thì biến thành thú chạy, cá thì hiện cá nhảy, rượu thì hóa thành nước đồng. Mọi người trông thấy đều kinh hãi. Sư bảo: “Thân các ngươi bệnh thì ta chữa được lành, ta đau bụng các ngươi không thay thế được. Vậy từ nay các ngươi có theo lời ta dạy hay không?”

Tất cả dân làng đều bái tạ xin vâng.

Năm Thiên Thành thứ hai (1029), quan Đô úy Nguyễn Quang Lợi mời Sư trụ trì chùa Khai Thiên, phủ Thái Bình. Ở đây được sáu năm, Sư lại rời châu Hoan. Từ đó về sau chẳng biết Sư trụ ở phương nào.

 

Sư Phụ có nhắc lại thời vua Lương Võ Đế có thiền sư Chí Công đã đắc đạo, hoàng hậu Hy Thị ghét ngài Chí Công. Nhân một ngày cung đình tổ chức cúng dường trai tăng, hoàng hậu dọn cố tình làm bánh báo nhân thịt chó để bôi bẫn uy tín của ngài ngỏ hầu chia rẻ Ngài và Vua Lương Võ Đế, vì Vua rất kính quý ngài; ngài Chí Công biết trước nên căn dặn chúng đệ tử làm bánh bao sẳn để trong tay ao, khi vào dự trai tăng thì tráo bánh nhân thịt đem về chùa đào lỗ chôn sau vườn chùa. Lễ trai tăng xong, Hoàng hậu tố cáo với vua là ngài Chí Công ăn thịt, Vua Lương Võ Đế tức giận kéo quân đến chùa, TS Chí Công dẫn ra sau chùa đào hố chôn bánh bao lên, Thiền sư trì chú làm phép thì mấy con chó bỏ chạy…Vua Võ Đế biết mình tin lời phỉ báng bậc thánh tăng của hoàng hậu, nên vua lạy sám hối và trở lại cung đình la rầy hoàng hậu, bà hoàng hậu hối hận, bịnh khổ và qua đời, đọa làm rắn mảng xà, bị trùng kiến cắn đau đớn đêm ngày, bà về báo tin cho vua, cầu xin vua giải cứu. Vua đến chùa xin thỉnh HT Chí Công giúp, Ngài Chí Công đã biên soạn bộ Lương Hoàng Sám Pháp để thọ trì sám hối cho hoàng hậu, sau 7 ngày hoàng hậu đã được vãng sanh, thoát khỏi loại súc sanh. Bộ Lương Hoàng Sám này sau đó đã truyền qua VN và đã được Hoà thượng Viên Giác (ở Chùa Giác Hải, Ninh Hòa, Nha Trang) dịch ra tiếng Việt cho chúng đệ tử VN hành trì.

 

Sư Phụ kể chuyện HT Chí Công bên Trung Hoa, để minh chứng cho những "tư tưởng lớn thường gặp nhau", sau hơn 500 năm, tại Việt Nam, Thiền Sư Ma Ha, cũng giống như HT Chí Công, ngài đã thi triển thần thông để cảm hóa dân làng thì ăn thịt uống rượu,  để khuyên mọi người nên  làm lành lánh dữ, ăn chay và niệm Phật. Nếu không sát sanh thì lo gì thế giới có chiến tranh. Sư phụ có ngâm bài thơ khuyên ăn chay như sau:

"Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục tri thế thượng đao binh kiếp,

Thả thính đồ môn dạ bán thanh!"

“ Ngàn năm trong một bát canh
Oán sâu tợ biển, hận thành non cao
Rằng hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò thịt tiếng gào đêm thâu”.

 

Trong Kinh Phật cũng dạy “ Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp, hà sầu thế giới động đao binh”, có nghĩa là hết thảy chúng sanh không còn giết hại lẫn nhau, thì lo gì thế giới này có chiến tranh. Do vậy muốn hết oán hận nhau, muốn hết chiến tranh đau khổ, ngay bây giờ chúng ta hãy chấm dứt sát sanh và bắt đầu ăn chay như lời dạy của Thiền Sư Ma Ha.

Năm Thiên Thành thứ hai (1029) quan Đô Uý Nguyễn Quang Lợi mời Sư trụ trì chùa Khai Thiên, phủ Thái Bình. Ở đây được 6 năm, Sư lại rời châu Hoan. Từ đó về sau chẳng biết Sư trụ ở phương nào.

 

Sư phụ cũng diễn ngâm bài thơ của TT Chúc Hiền tán thán công hạnh của Thiền Sư Ma Ha:

 

Hán, Phạn làu thông nối nghiệp cha
Không may mắt bỗng bị mù loà
Trưa chiều sám hối mong oan giải
Sớm tối trì kinh ước chướng qua
Rũ sạch tai ương ngời mắt sáng
Tiêu trừ ách chướng hiển tâm hoà
Ăn chay trì chú linh mầu nhiệm
Phổ độ hàm linh vượt nẻo tà…!

 

Cuối buổi giảng, Sư Phụ giải đáp câu hỏi của Đạo hữu Bảo Minh Toàn “Sự ảnh hưởng giáo lý Đạo Phật đối với Truyện Kiều của Thi Hào Nguyễn Du”.

 

Sư phụ trả lời hơn 30 phút về câu hỏi này, con sám hối là con không ghi chép kịp hết, con chỉ ghi đôi nét chính mà thôi.

 

Sư phụ cho biết: Thi Hào Nguyễn Du (1765-1820) người Tiên Điền, Nghệ An, làm quan 2 triều đại hậu Lê và Nguyễn, nên ông xem mình cũng giống nàng Kiều trong truyện Kim Vân Kiều. Thi Hào Nguyễn Du một lần đi sứ đến Trung Hoa và đã đọc được câu chuyện này của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (1521-1593) và khi về nước ông bắt tay viết lại câu chuyện này bằng chữ Nôm, và tác phẩm của ông lập tức trở thành một tác phẩm bất hủ trên thi đàn của VN và thế giới. Tác phẩm này đã chinh phục các thế hệ độc giả VN trong hơn 256 năm qua. “Truyện Kiều” cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập...và bản thân Thi hào Nguyễn Du đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và tôn vinh là một Danh nhân văn hóa thế giới.

 

Nguyễn Du chủ trương thuyết "thiên mệnh" của Nho giáo, hay thuyết "hồng nhan bạc mệnh" hoặc "tài mệnh tương đố”.thuyết nhân quả và nghiệp báo của nhà Phật. Có ý kiến bảo Nguyễn Du nói về khía cạnh bi kịch của một người đàn bà tài sắc trong xã hội phong kiến.

 

Nguyễn Du là một Phật tử thuần thành, ông đã trì kinh Kim Cang Bát Nhã 1000 biến và nhờ vậy mà giáo lý Nhân Quả Nghiệp Báo ảnh hưởng rõ nét trong tác phẩm này qua các câu:

-"Sư rằng: phúc họa đạo trời,
 Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta,
Tu là cội phúc, tình là giây oan"

 

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

 Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

 Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh?

Sư Phụ giải thích: Nghiệp không có sẳn mà nghiệp có là do chính mình tạo ra từ thân, khẩu và ý, và một khi nghiệp đã tạo ra rồi thì nó trở lại điều khiển và kiểm soát cuộc đời mình mà những tôn giáo khác cho đó là định mệnh.

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Ma Ha, tiểu sử của Sư rất kỳ bí lúc ra đời cũng như sự ra đi của Sư không có ghi nhận được. Tuy nhiên trong đời tu của Sư nhờ chuyên cần tu tập “Tổng trì tam muội”, Sư chứng đắc thần thông, và Sư dùng thần thông cảm hoá giống dân châu Ái bỏ thói quen ăn thịt uống rượu.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Cung kính và tri ơn Sư,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).    



257_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Ma Ha


Thiền sư Ma Ha, Đời thứ 10 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
Sư gốc người Chiêm Thành, đệ tử nối pháp của Thiền Sư Pháp Thuận
Thiền Sư Ma Ha với hành trạng kỳ bí nhưng để lại cho đời pháp môn tu trường trai !


Kính dâng Thầy bài trình pháp về Thiền Sư Ma Ha. Kính bạch Thầy , bài pháp không những tuyệt vời về tích truyện được Thày diễn giải và so sánh với Câu chuyện của Ngài Chí Công và Lương Hoàng Sám mà còn tuyệt vời hơn khi giải thích cho câu hỏi của đạo hữu Bảo Minh Toàn về " Ảnh Hưởng của Phật Giáo trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Thi hào Nguyễn Du và những dẫn chứng ...để rồi Thầy đã kết luận mà con rất tâm đắc " Nghiệp không có sẵn cho ta ...Đó là những hành vi mà ta đã tạo tác qua Thân Khẩu, Ý và ta chỉ có thể chuyển hoá để tạo một tương lai tốt cho ngày sau bằng cách Tu Tâm sửa Tánh " Thiện căn ở tại lòng ta - Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài " hoặc " Đã mang lấy Nghiệp vào thân- Cũng đừng oán trách trời gần trời xa " . Kính đảnh lễ Thày và kính chúc sức



Hành trạng Thiền Sư Ma Ha theo tích sử thật kỳ bí ! (1)
Thiên thần Hộ Pháp sách tấn bảo ban (2)
Đi sâu vào quần chúng cách dễ dàng
Thi triển thần thông ...ảo thuật , trì chú từ Mật Giáo (3)


Để lại cho đời ..." pháp môn tu trường trai " từ bi, tuyệt hảo (4)
Kính đa tạ Giảng Sư ...chuyện tương tự Quốc Sư Chí Công (5)
Đời Lương Võ Đế, hoàng hậu Hy Thị ...thật cuồng ngông
Hãm hại Thánh Tăng ....đột tử đúng theo nghiệp báo
Từ đấy Bộ Lương Hoàng Sám được soạn thảo(6)


Chút trộm nghĩ : Dòng Thiền Tỳ ni Đa Lưu Chi
.....chấp nhận tín ngưỡng nhân gian
Hữu hiệu nhưng phải thông suốt tránh mê tín dị đoan
Lấy sở chứng mình ...mà tuỳ cơ truyền tải Đạo (7)
Nam Mô Thiền Sư Ma Ha tác đại chứng minh .


Huệ Hương
Melbourne 10/7/2021




(1) Năm Thuận Thiên thứ 5 (1014), sư dời đến chùa Đại Vân ở Trường An, chuyên cần tu tập, đắc phép tu tập thiền định cùng các phép ảo thuật, người ngoài không ai dò biết được. Vua Lê Đại Hành ba lần thỉnh sư về triều để hỏi han việc nước, sư chỉ chắp tay cúi đầu mà thôi. Gặng hỏi hai ba lần thì sư mới đáp rằng:

- Bần đạo chỉ là kẻ cuồng tăng ở chùa Quan Ái!

Vua cả giận sai đưa sư đến chùa Vạn Tuế trong Đại Nội đóng cửa lại, sai người canh giữ. Sáng hôm sau đã thấy sư ở ngoài tăng phòng mà cửa vẫn đóng như cũ. Vua lấy làm lạ cho phép sư muốn đi đâu tùy ý.

Lại nữa đến cuối đời

Năm Thiên Thành thứ hai (1029) quan Đô úy Nguyễn Quang Lợi mời Sư trụ trì chùa Khai Thiên, phủ Thái Bình. Ở đây được sáu năm, Sư lại rời châu Hoan. Từ đó về sau chẳng biết Sư trụ ở phương nào.

(2) Sư gốc người Chiêm Thành, sau đổi họ là Dương. Cha tên Bối Đà, tinh thông sách lá bối, làm quan dưới triều Lê là Bối trưởng (xưa gọi Đà Phan). Lớn lên Sư có nhận thức thấu đáo, học thông cả hai thứ chữ Phạn và Hán.

Năm 24 tuổi, Sư nối nghiệp cho cha kế thế trụ trì ngôi chùa cũ. Một hôm, đang lúc giảng kinh thấy Hộ pháp Thiện thần xuất hiện quở rằng: “Đâu cần cái học bên ngoài ấy làm gì? Ắt không thể thông lý.” Do đây hai mắt Sư bị mù. Sư hết lòng ăn năn hối lỗi, toan gieo mình xuống vực sâu mà chết. Bỗng gặp Đông Lâm Viễn ngăn rằng: “Dừng! Dừng!” Sư nghe lời này liền tỉnh ngộ.

Về sau, Sư đến chùa Cổ Sơn thọ giáo với Thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Ở đây Sư chuyên việc sám hối và tụng Đại Bi tâm chú, ròng rã ba năm chưa từng có một phút giây biếng trễ. Cảm được Bồ-tát Quan Âm lấy nước cành dương rưới trên đảnh và mặt mắt. Bỗng nhiên mắt Sư sáng lại tâm càng thanh tịnh.

(3)

Về sau Sư lại đi về phía Nam, đến trấn Sa Đãng thuộc Ái Châu. Nơi đây, phong tục dân chúng còn sùng chuộng thờ quỷ thần, nhiều người làm nghề sát sinh, sư khuyên họ ăn chay kiêng thịt nhưng không được nghe theo.

Sư nói: - Nếu các ngươi chịu khó bỏ ác theo thiện thì lão tăng này dù có bị hại cũng cam chịu.

Dân làng nói: - Vùng này có người bị bệnh hủi lâu ngày sắp chết, các thầy lang thầy bói đều chịu bó tay. Nếu hòa thượng chữa khỏi, chúng tôi xin theo lời hòa thượng.

Sư bèn niệm chú vào nước lã rồi ngậm phun, người hủi liền khỏi bệnh. Dân làng cảm phục nhưng lấy cớ theo tục thờ cúng đã lâu nên chưa thể cải hóa ngay được.

Có người họ Ngô bày rượu thịt ra ép sư ăn uống, nói rằng: nếu hòa thượng chịu thưởng thức thú vui này thì chúng tôi xin quy y đạo Phật.

Sư đáp: - Bần đạo không dám từ chối, chỉ sợ bị đau bụng thôi.

Người họ Ngô cười nói: - Nếu đau thì Ngô mỗ này xin chịu cho.

Sư miễn cưỡng nghe theo. Được một lúc, sư về nhà bị trướng bụng, đau dữ dội, sư bèn kêu to: - Ngô quân hãy chịu đau cho tôi đi!

Chủ nhà họ Ngô hốt hoảng không biết làm thế nào

. Bấy giờ sư chắp tay niệm: Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng, xin cứu độ cho đệ tử! Rồi cúi xuống nôn hết thức ăn, các món thịt liền biến thành thú vật chạy đi, các món cá biến thành cá sống vùng quãy, rượu biến thành nước gỉ đồng. Mọi người hết sức kinh lạ và khiếp sợ. Sư nói: - Người bệnh của ngươi ta đã chữa khỏi, còn ta bị đau bụng thì chẳng ai chịu đau thay cho ta. Vậy bây giờ người đã chịu theo đạo ta chưa?
Người làng đều sụp xuống lạy tạ.

(4)

Thiên bách niên lai vạn lý canh

Oán thân tợ hải hận nan bình

Dục tri thế thượng đao binh kiếp

Dạ thả thính đồ môn dạ bát thanh

Dịch Việt

Ngàn năm trong một bát canh

Oán sầu tợ biển hận thành non cao

Rằng hay muốn dứt bịnh đao

Lắng nghe lò thịt tiếng gào đêm thâu

Từ những câu thơ này ta mới chấp nhận rằng Ăn chay là một phép tu, vì những lý do sau :

Vì lòng từ bi: Từ bi là căn nguồn của Phật Giáo, nếu không từ bi hay thực hành từ bi chắc chắn chẳng bao giờ có thể giác ngộ được chân lý Phật giáo. Phật luôn dạy con người nên nuôi dưỡng lòng từ bi, từ những cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, cứu vớt khổ đau cho muôn loài. Từ những căn bản trên, để bảo vệ chúng sinh có tri giác, Phật tự lựa chọn cách ăn chay để cứu khổ ban vui cho muôn loài, giữ lại tính mạng cho chúng sinh thay vì vui thú với một bữa ăn mặn. Chỉ nuôi sống bản thân ta mà hi sinh biết bao sinh mạng, thì đây là một sự bất công không thể nào bù đắp được

Vì nhân quả: Gieo nhân nào gặt quả đấy, gây sự chia ly, đau đớn cho muôn loài thì quả báo nhãn tiền cũng sẽ đối ứng vào số phận bản thân, không thể tránh khỏi. Theo đúng luật nhân quả thì với mỗi một bữa ăn bằng máu thịt loài vật, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả lại bằng một kiếp sống khổ đau, vì sẽ bị chấm dứt bằng sự giết hại, bằng sự đau đớn do bị hành hạ cho đến chết. Quả thật là một cái giá quá đắt cho chỉ một bữa ăn, đừng nói gì đến hàng trăm ngàn bữa ăn trong suốt cuộc đời ta!

Ăn chay giúp tâm tính hiền hòa, an vui

Một trong những lợi ích của việc ăn chay là giúp tâm tính hiền hòa, an vui.

Việc tiêu thụ các thực phẩm từ thiên nhiên cũng khiến người trường chay có cảm giác thanh bình, an nhiên. Việc ăn chay giúp con người thể hiện tình thương yêu muôn loài, gia tăng lòng bát át và vị tha. Từ đó tâm được yên vui và thoải mái.

Ăn chay để thế giới tốt đẹp hơn

Ngày nay, ăn chay không còn là thói quen ăn uống đạm bạc của những bậc tu hành nữa.

Ăn chay đủ chất, khoa học đã trở thành một phong trào sống khỏe, an vui và đang được khuyến khích mạnh mẽ tại khắp nơi trên thế giới.

(5)

Thiền sư Chí Công là Quốc sư trong triều đại của vua Lương Võ Đế (463 – 549). Ngài là người đã soạn thảo bộ Lương Hoàng Bảo Sám, một bộ sám pháp nổi tiếng và có công năng siêu diệt tội chướng thần dị. Thực ra Ngài vốn là một hóa Thân Bồ Tát. Do lúc Ngài Chí Công biên soạn, đã được Bồ Tát Di Lặc ứng mộng ban tên là: “Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp”, lại bắt nguồn từ vua Lương Võ Đế, nên gọi là “Lương Hoàng Bảo Sám”. Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài đầy rẫy nhưng điều thần dị, được lưu truyền kim cổ.

(6)Hoà Thượng Thích Viên Giác người dịch Việt cho bộ Lương Hoàng Sám ghi lại :

Theo lời tựa trong chánh văn thì bộ LƯƠNG HOÀNG SÁM này do Hòa thượng Chí Công biên tập từ đời Vua Lương Võ Đế bên Tầu.

Nguyên Vua Lương Võ Đế, có một bà Hoàng hậu yêu quý nhất tên là Hy Thị. Vì được vua yêu quý nên lòng đố kỵ của bà ngày càng lên cao; Hy Thị ganh tị các cung phi, độc ác với mọi ngườivà hủy báng Tam Bảo. Trong Triều ngoài Quận ai cũng biết Bà Hy Thị là một “quái phi”.

Sau bà nhuốm bệnh nặng, các lương y đều thúc thủ, bà phải từ trần. Một hôm vào lúc đêm khuya, đang ngồi trong cung tịch mịch. Vua Lương Võ Đế nghe tiếng người kêu van thảm thiết.

Dưới ánh đèn mờ, Vua Lương Võ Đế lạnh cả người, muốn chạy trốn, nhưng không được. Vua bèn lên tiếng hỏi: “Ngươi là ai mà đêm khuya thanh vắng nghiêm mật thế này lại vào đây được?” – Hoàng đế ơi! Thiếp đây chính là Hy Thị. Vì quá độc ác nên chết rồi thiếp phải đọa làm rắn mãn xà. Ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vẩy đều bị sâu trùng rúc rỉa nhức nhối không thể chịu được.

Nhớ lại tình cầm sắc xưa kia nên thiếp đến đây mong nhờ Hoàng đế tìm phương cứu thiếp. Nói rồi biến mất. Nghe xong, Vua Lương Võ Đế như thoát cơn ác mộng và lòng đau như dao cắt! Ngày mai khi lâm Triều, Vua kể lại chuyện ấy cho bá quan nghe để tìm phương cứu vớt Hy Thị.

Trong số các quan có người đề nghị: Xin cung thỉnh Hòa thượng Chí Công lo việc này. Vua lương Võ Đế chấp thuận. Hòa thượng Chí Công là một cao tăng đắc đạo đương thời. Thể theo lời thỉnh cầu của nhà Vua, ngài liền triệu tập các danh tăng soạn ra Sám Pháp này và lập Đàn tràng làm lễ sám hối cho Hoàng hậu Hy Thị.

Nhà Vua chí tâm, thân hành lễ bái. Vài hôm đầu, người ta nghe có mùi hương lạ thơm nức, ngào ngạt khắp cả đạo tràng.

Lễ tụng đến quyển thứ năm, ngay tại chỗ, trên không trung, Vua Lương Võ Đế nghe có tiếng của Hy Thị. Bà hiện thân thiên nữ đẹp đẽ, nói tiếng ngưởi, tỏ lòng cám ơn Hòa thượng Hoàng đế.

Hy Thị cho biết bà đã thoát nạn và đã sanh lên Đao Lợi Thiên Cung, nhờ công đức sám hối.

Từ đó Sám Pháp này được truyền tụng khắp nơi, rất thạnh hành.

Bản chánh bằng Hán văn trọn bộ 10 quyển. Danh hiệu Phật và lời sám đều rút trong Tam Tạng Thánh giáo Đại thừa.

Năm 1948 – 1950, Bồ tát giới Tuệ Nhuận và một số đạo hữu khá đông ở Bắc việt đã dịch âm ra Việt văn, thành 2 tập.

Năm 1952, lúc còn tu học ở Phật học viện Báo quốc Huế, tôi bắt đầu dịch nghĩa bộ này ra tiếng Việt, đến nay mới đủ cơ duyên xuất bản.

Tôi nguyện xin nhờ công đức phiên dịch này, hầu mong đền đáp lại bốn ơn muôn một và cứu giúp muôn loài phần nào.

Tôi nguyện xin nhờ công đức phiên dịch này, hầu mong giúp hàng sơ cơ một phương pháp tu hành giản dị để cải ác tùng thiện, để đi Tây phương về Lạc Quốc.

Tôi nguyện xin nhờ công đức phiên dịch này làm cho người tu hành ngày càng tinh tiến, nghiệp chướng chóng tiêu trừ, thân tâm thường an lạc và sở cầu được như nguyện.

Tôi cũng xin cầu nguyện cho tất cả người thấy, người nghe, người hủy báng, người tùy hỷ, đều được lợi lạc, thoát khổ não, và nguyện xin cho tất cả chúng sanh xả ly tà kiến, biết sám hối.

(7)

Vì Thiền Sư Ma Ha chuyên về Thiền và Mật cũng là hướng tu trọng dòng thiền Tỳ Ni đa Lưu Chi qua Đại Phương Quảng Tổng Trì

Theo nhận định của HT Nhất Hạnh

Chúng ta nên biết rằng Mật giáo là một khuynh hướng công nhận có những thế lực, những năng lượng rất hùng hậu ở trong mình và chung quanh mình. Tất cả mọi hiện tượng ở trong vũ trụ đều có năng lượng hùng hậu, mầu nhiệm. Mật giáo có tính cách dung hợp, chấp nhận tất cả những lực lượng thần bí ở trong vũ trụ. Vì vậy mà Mật giáo chấp nhận những vị thần linh có mặt ở trong dân gian. Đó là một con đường để đi vào trong xã hội rất dễ dàng.

Khi đạo Bụt đi vào một xã hội với tinh thần của Mật giáo thì đạo Bụt sẵn sàng chấp nhận những tín ngưỡng địa phương, và chuyển những tín ngưỡng đó, tạo cho những tín ngưỡng đó từ từ có màu sắc của đạo Bụt. Đó là thái độ mà Bụt muốn chúng ta có trong kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì

Đây là lời Bụt nói:

“Nhờ ta tu pháp môn vô úy, không sợ mà ta đạt được chánh giác, và ta hiểu thấu được cảnh giới của tâm linh chúng sanh. Nơi sở tri của ta, ta không khởi cái tướng sở tri (Sở tri tức là cái đối tượng của mình biết, ta biết nhưng ta không có cái tướng sở tri), và ta lấy cái sở chứng của ta để tùy cơ mà diễn thuyết, khiến cho người nghe đạt được Quang Minh Đà La Ni Ấn và đạt được Pháp Ấn (Ở đây chúng ta có danh từ Quang Minh Đà La Ni Ấn và Pháp Ấn), và đạt được Bất thối chuyển”.

Trong câu đó Bụt có nói rằng lấy sở chứng của mình mà tùy cơ diễn thuyết, nghĩa là chúng ta không học trong kinh sách, thâu góp một ít lý thuyết rồi đem trình bày lại những cái mà chúng ta đã học được ở trong kinh sách. Trái lại chúng ta phải lấy sở chứng, tức là lấy cái chứng đạt của chúng ta rồi tùy theo nhu yếu của từng người mà chúng ta diễn giải ra, gọi là tùy cơ diễn thuyết.



youtube



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/05/2010(Xem: 6847)
Video: Chúng ta cùng đi trên con đường vui
22/05/2010(Xem: 6620)
Tu Viện Viên Quang Mỹ Quốc
21/05/2010(Xem: 6687)
Video: Chánh Niệm Lúc Lâm Chung
21/05/2010(Xem: 6451)
Khóa Thiền Vipassana 10 ngày | Thiền Sư GOENKA
20/05/2010(Xem: 6921)
Video: Ánh Sáng Phật A Di Đà
17/05/2010(Xem: 7265)
Video: Ánh Sáng Phật Pháp Kỳ 45
05/05/2010(Xem: 13359)
Đại lễ Kỳ Siêu ngày 18 tháng hai năm Giáp Ngọ tại chùa Phật Ân
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]