Bút ký
MỘT CHUYÊN DU NAM VÃN CẢNH BÁI PHẬT
HAI NGÔI CHÙA NỔI TIẾNG TRÊN ĐẤT THỦ (BÌNH DƯƠNG)
HỘI KHÁNH CỔ TỰ
Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc còn lưu lại một câu đối đậm thiền vị tại ngôi chùa cổ Hội Khánh, nơi đặt Trụ sở Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Dương:
“Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt
Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong”
Tạm dịch:
Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước
Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây.
Chùa xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), 1861 chùa đã bị chiến tranh tàn phá thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với khuôn viên trên 1.200m2.
Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét.
Năm 2010, đại tượng đức Bổn Sư Thích Ca Nhập Niết Bàn cao 12m, dài 52m, được khánh thành, xác lập kỷ lục là Pho Tượng Phật Nhập Niết Bàn lớn nhất Việt Nam.
Nét nỗi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay.
Trên chánh điện có câu liễn đối tuyệt diệu:
“Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động
thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thuỷ vô ngân”
Tạm dịch:
Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần chẳng động.
Là không là sắc, ánh trăng xoáy biển, nước biển không nhồi.
Tôi được thuận duyên đến vãn cảnh chùa, bái Phật lễ Tăng, nhưng chỉ có thời gian ngắn ngủi, ngắt quãng, sáng thong thả dạo quanh sân nắng đẹp, chiều lật đật ghi nhận những khoảnh khắc trời chuyển mây đen xám xịt rồi đổ cơn mưa mát mẻ...
TÂY TẠNG TỰ
Sách kỷ lục Guinness Việt Nam đã xác lập: “Ngôi chùa có tượng Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma được kết bằng tóc lớn nhất”.
Vâng, đó là ngôi chùa mang tên có 3 chữ "T": Tây Tạng Tự.
Xưa, chùa mang tên Bửu Hương, tu theo Tịnh Độ Tông. Đến năm 1937, sau khi vân du cầu đạo ở đất Phật (Ấn Độ), rồi vượt đường xa gian nan nguy hiểm qua Tây Tạng thọ truyền pháp tu, mang tinh hoa tinh túy của Mật Tông nước này về quê hương, bắt đầu mở cuộc hoằng pháp, Hòa thượng Minh Tịnh (tức ngài Chơn Phổ Nhẫn Tế) mới đổi tên chùa là Tây Tạng Tự.
Chùa được đại trùng tu vào năm 1992,.mang đậm hình sắc gần giống với kiến trúc của những ngôi chùa ở Tây Tạng. Khi bước vào cổng Chùa, du khách sẽ được thưởng lãm câu đối do vị Tổ khai kiến chùa đã chấp bút lưu ngôn:
“TÂY quy độc diệu thiên chơn Bửu
TẠNG xuất hàm linh địa chánh Hương”
(Tạm dịch:
Ngọc thật của trời độc diệu từ Tây lại
Chánh hương của đất chứa linh thiêng do Tạng sinh)
Thoạt nhìn bức tượng Sư tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma trên ngôi đại hùng bảo điện, không ai có thể ngờ rằng tượng được kết phần nhiều bằng chất liệu tóc của những người Phật tử, chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt, được ông Nguyễn Khắc Bửu cùng với các ông Nguyễn Chí Cơ và Tôn Ngọc An làm trong 2 năm 1982, 1983 mới hoàn thành.
Tượng mô tả hình tướng của Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma đang bước đi, trên vai là một đòn gánh, đầu đòn gánh bên tay phải là túi càn khôn và đầu bên trái là hòm kinh Lăng Già. Trên đòn gánh còn treo một chiếc nón lá đậm chất Việt Nam.
Được biết, tượng gồm 3 phần rời nhau, được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt còn chất liệu chủ yếu bằng tóc được thu nhận từ các Phật tử, kết hợp với mật rỉ đường và vôi vữa. Chiều cao của tượng 2,83m, chiều ngang tính từ túi Càn khôn đến kinh Lăng già là 1,74m.
Pho tượng Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma được đặt trang nghiêm trên một bệ thờ ở chính giữa trai phòng phía sau chính điện, trông rất dữ dằn với hình dáng mũi cao, tóc quăn, râu rậm, lông mày xếch ngược, vầng trán nhăn nhíu, đôi mắt to sáng như đang soi rọi vào cõi u tối phiền não.
Thiền sư Thích Thanh Từ đã có giải thích: “Con mắt của ngài rất lạ, tượng Phật thì con mắt phải hiền từ nhưng con mắt của ngài trông chừng chừng dữ dằn quá! Sở dĩ ngài có mắt như vậy bởi tổ Bồ Đề Đạt Ma là người chưa đạt tới sự viên mãn, chưa thành Phật, mới gần đến viên mãn, gần đến mà chưa đến nên đó là giai đoạn cố gắng tối đa, giai đoạn chót rất khó khăn, phải nỗ lực như người leo núi sắp lên tới đỉnh nên ngó trừng mắt lên chứ không phải ngài dữ”.
Rất nhiều cảnh đẹp lạ hiển hiện trước mắt bạn từ ngoài sân lên đến chánh điện, với sự kết hợp hài hòa của tượng tranh, kỳ hoa dị thảo, hồ cá, non bộ, và trầm hương nghi ngút, không khí trang nghiêm...
Tôi đã mạo muội "phạm quy" khi lấy máy ảnh ra ghi nhận lại một số hình ảnh thiêng liêng trên ngôi chánh điện đã có treo bảng đề: "Chốn tôn nghiêm, không được quay phim chụp ảnh".
Nam mô Phật, Pháp, Tăng!
Con xin đê đầu sám hối, vì khi chụp ảnh xong rồi con mới được một vị tăng trẻ nhắc nhở cho biết bằng cách ra hiệu bằng tay. Đại xá, đại xá!
Tâm Không – Vĩnh Hữu