Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bồ Đề Đạo Tràng [Bodh-Gaya]

18/07/201509:21(Xem: 6051)
Bồ Đề Đạo Tràng [Bodh-Gaya]
XỨ PHẬT TÌNH QUÊ
Thích Hạnh Nguyện - Thích Hạnh Tấn

Bồ Đề Đạo Tràng [Bodh-Gaya]

Ấn Độ huyền bí, linh thiêng và nổi bậc hẳn trên các quốc gia khác trong lãnh vực phát triển tâm linh và triết lý. Các thánh nhân đã thay nhau ra đời tại đây, những triết gia lỗi lạc đã từng một thời sanh ra, lớn lên, sáng tác và ra đi tại đây. Nhưng có lẽ nếu không có hiện tượng đã xảy ra trên 2500 năm về trước tại Bồ Đề Đạo Tràng thì số người biết đến Ấn Độ ít hơn hiện tại rất nhiều. Thế giới sẽ không biết gì đến một Long Thọ bồ tát siêu tuyệt với những bản luận vượt xa những triết lý quá trừu tượng của các triết gia khác. Một Vô Trước và một Thế Thân để tuyên dương Duy Thức học cũng làm sao được biết đến thì còn nói chi đến tổ Bồ Đề Đạt Ma, Nhựt Liên thánh tăng, bồ tát Thích Quảng Đức, Dalai Lama hay bất cứ một nhân vật Phật Giáo nào nổi danh trên thế giới ngày nay. Và cả cái tên Bồ Đề Đạo Tràng cũng sẽ không hiện hữu chứ đừng nói chi là được ghi lại trên những trang giấy, truyền trao trong những lời nói.

Mục tiêu đầu tiên của người phật tử đến Ấn Độ có lẽ chính là Bồ Đề Đạo Tràng, có những phật tử, tu sĩ và không phật tử đã chỉ đến Bồ Đề Đạo Tràng rồi tâm tánh bỗng nhiên biến đổi, bao nhiêu thiện tâm bỗng bừng dậy và họ trở thành những nhà từ thiện tâm linh và xã hội một cách thiết thực. Trong đạo phật không có sự bắt buộc phải viếng thăm các thánh tích Phật Giáo như truyền thống của Hồi Giáo, trong đời phải một lần đến Mekka. Đức Phật vì lòng từ đã bày phương tiện cho hàng đệ tử có thể tạo thêm công đức, thêm chất liệu để phấn chấn hơn trên con đường mà thời gian để đi phải trải qua ba a tăng ký kiếp (hàng ngàn thế kỷ); ngài đã dạy là phật tử nếu đến được các nơi thánh tích thì phước đức sẽ tăng trưởng rất nhiều. Tại sao vậy? Phật Giáo là một tôn giáo của tỉnh thức, của thực tại và thực tiễn, có thể nói khoa học hơn cả nền khoa học văn minh ngày nay vì khoa học của Phật Giáo không phải bị suy đi sét lại bởi ảnh hưởng tàn hại môi sinh của chính nó, như những phát minh thời đại đã làm ra. Thế thì làm gì có chuyện huyễn hoặc chỉ đến thăm một vùng đất lại có thêm phước báo? Trong kinh đức Phật đã dạy chính niềm tin là mẹ đẻ mọi công đức, vì vậy khi đến được thánh tích thì phước báo chúng ta tăng bởi niềm tin chúng ta tăng. Niềm tin được tăng trưởng bởi hai nguyên do: thứ nhất các thánh tích cho ta một chứng minh xác thực về hiện hữu của một thái tử Sĩ Đạt Ta đã hiện thân nơi Ấn Độ và từ một con người ngài đã phát triển và chuyển hoá thành một bậc giác ngộ, một vị Phật; thứ nhì những thánh tích đều mang một từ trường mạnh có ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển tâm linh đó là nơi chư Phật đều thay nhau xuất thế, ví dụ như chung quanh vùng Ca Tỳ La Vệ chúng ta đã thấy có những nơi kỷ niệm của Phật Câu Lưu Tôn và Phật Câu Na Hàm Mâu Ni. Bồ Đề Đạo Tràng lại đặc biệt hơn cả, vì nơi đây là nơi mà ánh sáng trí tuệ của chư Phật bắt đầu bừng dậy và từ đó ánh hào quang các ngài đã toả đi đến muôn phương. chỉ bốn chữ “Bồ Đề Đạo Tràng“ cũng đủ để sưởi ấm tín tâm của hàng phật tử chứ đừng nói chi đến việc được viếng thăm nơi đây. 
Tôi cũng đã đến Bồ Đề Đạo Tràng trong một niềm háo hức vô biên. Nhưng lần đầu đến Bồ Đề Đạo Tràng là một kinh nghiệm khó quên. Đặt chân đến Ấn Độ hơn hai tuần rồi mà lòng tôi lúc nào cũng nôn đến Bồ Đề Đạo Tràng; mặc dầu, tôi đã giao phó cho thầy Hạnh Nguyện sắp xếp tuyến đường. Dĩ nhiên những động đá Phật Giáo ở Trung Ấn cũng đã làm cho tôi say mê, những tu viện Tây Tạng tại nam và bắc Ấn cũng gieo vào tôi nhiều ấn tượng đẹp. Nhưng tâm trạng của tôi vẫn là tâm trạng của một người về thăm quê ngoại (hay quê nội) đã đến được đầu làng rồi nhưng vẫn còn phải ‘bị’ đi vòng vòng để xem những hàng cây xanh, những rặng tre già đong đưa theo gió. Phong cảnh tuy hữu tình, nhưng làm sao hấp dẫn bằng căn nhà của ngoại (hay nội) mặc dầu nó chỉ là một căn nhà lá lụp xụp đi chăng nữa. Nhưng ở đây đâu phải vậy, Bồ Đề Đạo Tràng nào phải là một căn nhà lá lụp xụp mà là cả một gia sản khổng lồ, một thắng tích mà cả những người “mắt xanh mũi lỏ“ cũng hăm hở tìm về chớ không riêng gì những người con Phật.

Chiếc xe buýt công cộng tuy gọi là Super Delux (tối sang trọng) vẫn không làm sao so sánh được với những phương tiện sang trọng của Âu Mỹ nhưng tôi cảm thấy nó rất dễ thương và đáng mến, có lẽ vì nó chở tôi đến gặp hình bóng của người cha tinh thần chăng? Sau khi đi thăm đồi Sanchi đẹp thơ mộng, chúng tôi đã lấy xe buýt để đi Patna và từ Patna đi Gaya, một thị trấn nhỏ cách Bồ Đề Đạo Tràng hơn 10 km. Chuyến xe Patna khởi hành lúc bốn giờ chiều. Chúng tôi đã đến Patna lúc hai giờ sau khi tìm quán ăn chúng tôi lại phải tìm xe để đi. Vì không rành Patna chúng tôi phải nhờ đến một anh hướng dẫn người Ấn Độ, sau khi bằng lòng giá cả về tiền công giới thiệu của anh ta, chúng tôi đã đến một trạm xe buýt tư nhân với những chiếc xe Video Coach-Super Deluxe (xe tối sang trọng có máy video). Nhưng điều kiện đầu tiên mà chúng tôi thoả thuận khi chúng tôi nhìn thấy chiếc xe là không được bật cả nhạc lẫn phim ảnh Ấn Độ, thật là một cực hình khi chúng ta phải đi trên một chiếc xe vừa dằn vừa bụi mà tai lại bị tra tấn bởi những âm thanh cao vút và ầm ỉ của nhạc Ấn Độ, nếu thị hiếu của chúng ta không phải tình cờ nằm trong tầng số đó. Chủ xe bằng lòng, chúng tôi mua hai vé trực tiếp với anh tài và chỉ trả đúng số tiền cò mồi cho anh Ấn dẫn đường, làm anh ta tiu ngiủ, vì anh ta nghĩ rằng sẽ ăn thêm của chúng tôi một số tiền nữa khi chúng tôi nhờ anh ta mua giùm vé như một số người Đài Loan hay Nhựt thường làm. Có lẽ hai dân tộc này có những người lúc nào cũng sẵn sàng đưa cổ cho Ấn Độ chém, nên điều đầu tiên mà họ thường hỏi có phải là Japanese hay không, nếu không thì có phải là Taiwan? Nhưng ngày nay tại Bồ Đề Đạo Tràng thì sự hiện hữu của những người Việt Nam không còn lạ nữa và cũng là những con mồi hấp dẫn. Người Việt Nam tuy không nhẹ dạ nhưng đôi khi vì sống ở Âu Mỹ lâu ngày nên quên đi nghệ thuật mặc cả chăng? Cũng may, thầy Hạnh Nguyện đã sống tại Ấn Độ gần năm (và dĩ nhiên cũng vẫn bị lừa dài dài) còn tôi thì nổi tiếng trùm sò cả nước đều biết, nên chúng tôi không dễ gì sa vào những cái bẩy lúc nào cũng được giương sẵn chờ đón những con mồi Tourist (du khách) béo bở.

 Trời từ từ sụp tối, chúng tôi kéo trong giỏ ra chiếc radio nhỏ để nghe đài BBC. Thật là khủng khiếp khi nhìn ra bầu trời tối đen (chỉ mới hơn 6 giờ chứ mấy), và nghe tin tức về một vụ cướp tại vùng Bihar (tiểu bang mà chúng tôi hiện đang di chuyển). Một toán cướp đã chận đường những xe buýt hành khách, ra lệnh cho đàn bà con gái xuống xe và tất cả hành khách phải trao ra vật quý rồi thì nhả đạn vào những người đàn ông còn lại trên xe. Tin tức thật hấp dẫn và có lẽ chỉ làm chúng tôi rùn mình xót xa một thoáng rồi qua, nếu chúng tôi đang ở Âu Mỹ xa xôi hay ở một nơi an toàn nào khác. Đằng này chúng tôi đang ngồi trên một chiếc xe buýt hành khách, mà lại là loại tối sang trọng nữa chứ và chạy bon bon như không có việc gì xảy ra trong vùng Bihar. Tâm tư bỗng nhiên khuấy động những viễn ảnh của bao nhiêu thứ chết lần lượt hiện ra như một cuốn phim, có thể một viên đạn sẽ ghim vào óc chăng, thật thê thảm khi cái đầu be bét máu và mắt trợn trừng như tiếc nối những hình ảnh sau cùng của trần thế. Hay là một viên đạn sẽ xé tan lòng ngực ghim vào tim, làm tắt đi nguồn sống tức khắc. Hay nó sẽ đi vào bụng làm máu chảy ra từng hồi với những cơn ho khắc khoải thay cho lời trối trăn cuối cùng. Tôi phải rùn mình trước những tư tưởng ‘đỏ’ đó, mặc dầu là một tu sĩ Phật Giáo được học và nghe giảng về vô thường về sự hoại diệt của tất cả hiện hữu, nhưng những thứ đó đều đã được nghe và đọc như những thu thập về các loại khoa học giả tưởng mà thôi, tôi không có một khái niệm thực tiễn nào về vô thường cả. Ngay cả trong những lúc thực hành các đề mục thiền quán về vô thường thì hình ảnh vô thường vẫn thơ mộng và đẹp quá. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy: “Hãy luôn luôn quán tưởng tất cả các pháp hữu vi (hiện tượng) như là giấc mộng, như bọt nước, như sương mai hay như tia điện chớp“. Tôi có lúc đã dùng nó để làm đề mục quán sự vô thường (dĩ nhiên là cách hiểu biết hoàn toàn hạn hẹp và không đúng mức về lời dạy cao siêu như thế!) và giấc mộng tuy có mau qua nhưng âm hưởng của cái chăn ấm áp vẫn lấn cái vô thường của giấc mộng, bọt nước trong chốc lát sẽ tiêu tan không có thật tướng nhưng nó vẫn đẹp, vẫn trắng xoá khi từng đợt sóng biển lùa vào bãi, hạt sương dưới ánh dương quang sẽ tan biến trong phút giây nhưng vẫn long lanh như những viên ngọc quý đong đưa trên ngọn cỏ hay đầu lá và tia điện thì mang nhiều màu sắc của thiên nhiên. Nhưng bây giờ thì sự vô thường đến thật bất ngờ, đến vì tôi nghĩ rằng sinh mạng mình đang bị đe dọa; thì ra người ta chỉ cảm nhận được giáo lý khi mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân hay nói đúng hơn, khi mà cái bản ngã của chính mình bị đe dọa trong một hình thức nào đó thì mình mới chịu khó suy sét giáo lý về khía cạnh đó [đúng với câu kệ “Trì niệm Phật kinh duy khốn khổ“(chỉ nhớ nghĩ đến kinh điển của Phật khi bị khốn khổ)], thật vô cùng xấu hổ. Nhưng khi ấy tôi đâu biết xấu hổ, chỉ biết rằng có lẽ mình sẽ không đến được Bồ Đề Đạo Tràng chăng? sẽ không đủ phước duyên đảnh lễ kim cương toà chăng? Ước vọng đến được Bồ Đề Đạo Tràng bỗng trở nên to lớn vô cùng, có lẽ vì vậy mà tôi đã phải trở lại Bồ Đề Đạo Tràng hai lần nữa, sau khi rời khỏi nơi đây vài ngày sau đó để viếng thăm những thánh tích khác.

 Cuối cùng thì xe đã đến Gaya an toàn (quý vị cũng chắc rằng tôi đã đến an toàn phải không, nếu không vậy thì Vô Thức nào ngồi đây để ghi lại những kỷ niệm này). Xe chạy qua những đường phố ngoằn ngèo nhỏ xíu, đôi lúc tôi cứ sợ xe sẽ va vào tường của một ngôi nhà nào đó. Những anh tài Ấn Độ thật là tài tình, có lẽ lái xe giỏi nhất chính là tài Ấn Độ, khi còn ở Đức tôi vẫn thường lái xe và nghĩ rằng mình lái không tệ, nhưng bây giờ so với các anh Ấn Độ thì phải chịu thua xa. Xe vẫn tiếp tục chạy và ô kià, nó đã bỏ lại thị trấn sau lưng. Tôi ngạc nhiên nhìn thầy Hạnh Nguyện, thầy ấy hiểu ý cười: ‘có lẽ Hạnh Nguyện nhớ lộn, ở đây tỉnh nào cũng giống tỉnh nào, nhất là trời tối nữa“. Tôi ngã ngưòi trở lại ghế ngồi thư giản những căng thẳng chờ đợi để nhìn thành Dà Gia (Gaya). Nhưng chỉ độ 15 phút sau thì xe đổ ở một bến nằm giữa một vùng tối đen loe lét những ngọn đèn dầu. “Trạm chót, trạm chót“ anh lơ lùa hành khách xuống xe. Chúng tôi ngỡ ngàng xách ba lô, leo xuống. “Hỏi lại coi có chắc là Gaya không?“ tôi thúc thầy Hạnh Nguyện vì tiếng Anh tôi kém lắm mà nói chuyện với Ấn Độ lại càng không đủ. Ai cũng bảo là Gaya và chúng tôi dỡ khóc dỡ cười, vì trời tối đen như mực mà không anh Ấn Độ nào chịu biết nói dùm tiếng Anh. Cuối cùng thì có một ông hành khách có lẽ thương hại hai anh chàng ngoại quốc ngốc ngếch nên đã đến bên chúng tôi bảo: “Đây cũng là một bến của Gaya, nhưng chỉ là bến phụ; các anh phải đi qua bên kia cầu thì mới đến được Gaya, các anh yên tâm mà ngồi lên xe xích lô đây, ông ta sẽ đưa đi không xa lắm đâu.“ Chúng tôi nghe nhẹ cả người, ngồi lên chiếc xe xích lô cao nghiệu để cho ông Ấn Độ già nua ì ạch đạp, không còn đâu tâm trí để tội nghiệp ông ta khi màn đêm đang bao phủ và thân thể thì mệt nhoài sau tuyến đường sáu tiếng đồng hồ (theo sách ghi lại và anh chủ xe nói thì chỉ ba tiếng thôi vì chỉ có khoảng 180 km thôi mà); quả nhiên trong cảnh khổ tột cùng thì chúng sanh sẽ không có cơ hội để phát bồ đề tâm!

 Đến Gaya thì trời đã quá tối không anh xe lôi nào chịu chở vào Bodh-Gaya cả. Chúng tôi đành phải thuê một khác sạn cá kèo ngủ lại đêm, một phòng hai giường có nhà vệ sinh và bồn rửa mặt nằm......bên ngoài, chỉ tốn 100 Rs mà thôi. Sáng hôm sau khi trời tờ mờ lên, tôi đã thức dậy nôn nao, sau khi làm vệ sinh cá nhân xong tôi ra phía lan can nhìn mặt trời bình minh, bầu trời mù sương tạo một mặt nhựt hồng đỏ tươi thắm, khác với màu máu đỏ trong sự tưởng tượng của tôi tối qua. Xí xọn tôi đã lấy chiếc máy chụp hình ra chớp một cảnh để kỷ niệm “mặt trời lên nơi thành Dà Gia vào ban mai“, một việc làm uổng phí vì thứ nhất máy tôi không đủ chuyên môn và tôi không phải là chuyên viên nhiếp ảnh, kết quả là một tấm hình lờ mờ xam xám với một bệt đo đỏ ngay chính giữa như cười vào mặt tôi về cái vụng về của mình. Chúng tôi sau đó đã trả phòng và đi ra nhà ga xe lửa để thuê xe lam. Xe lam là tôi tạm mượn danh từ dùng thôi, chứ Ấn Độ đâu có, hay tôi chưa thấy có, dạng xe lam như ở Việt Nam. Xe lam ở đây có một cái thùng được chia làm hai phần, phía trước anh tài ngồi trên máy xe và có một bánh lái, phía sau là một băng dài vừa ngồi đủ ba người không to con lắm. Những anh lái xe thấy chúng tôi như những con kênh kênh thấy xác chết ùa cả lại, “Bodhgaya, Sir? please, please, come, come“ (các ông đi Bồ Đề Đạo Tràng hả, xin mời, xin mời, lên xe). Chúng tôi không biết phải đi xe nào, bỏ xe nào. Sau khi hỏi giá, các anh tài đều đòi giá quá cao, chúng tôi liền bỏ đi và nghĩ rằng xe ở tại bến lúc nào cũng đắc hơn bên ngoài. Đi ra một quán trà bên ngoài chúng tôi kêu hai ly trà Ấn Độ, trong một ngôi quán lụp xụp húp ly trà sữa nóng khói nghi ngút thật là một hạnh phúc khó tả. Có lẽ ngưòi Ấn Độ cũng nghĩ như chúng tôi, nên quán chật ngẹt những anh Ấn Độ đang quấn chăn ngồi bó gối lim dim với vị ngọt của từng hớp trà để cho cái ấm của ngụm nước thấm dần vào bao tử để lại một vị chan chát của trà và vị béo thơm tho của sữa. Chúng tôi trong những ngày ở Ấn Độ đã sống rất là Ấn Độ, không một quán nào chúng tôi chưa thử qua, ăn một dĩa Thali chỉ 10 Rs (khoảng 30 Cent) hay một bữa ăn cả 100Rs cũng có. Khi đó thầy Hạnh Nguyện thoáng thấy một chiếc xe lam chạy qua, thầy ấy mau mắn đứng dậy kêu lại và ngã giá cho chuyến đi Bồ Đề Đạo Tràng cả luôn Linh Thứu Sơn và Nalanda sau đó. Xe bằng lòng với giá 300 Rs, nhưng anh tài cũng bị một số anh khác chửi rủa cho một trận vì các anh kia đã đòi chúng tôi chỉ đi Bồ Đề Đạo Tràng thôi 100Rs mà chúng tôi không chịu đi. Chúng tôi trước tiên đi đến chùa Việt Nam của Giáo Sư Quốc. Rồi ra tháp Đại Giác (Maha Bodi).

Hình ảnh ngôi tháp cổ kính đã làm tim tôi rung động bàng hoàng. Tôi không biết khi một anh thanh niên thông thường gặp được người yêu thì tim đập như thế nào, nhưng cảm xúc của tôi đối với hình ảnh của Bồ Đề Đạo Tràng có lẽ có phần hơn hoặc bằng chứ không kém. Mua những bó nhang và nến xong tôi cố gắng đi thật chậm để khỏi phải chạy ùa vào tháp, mà cũng để nuốt trọn vào tâm hình ảnh của vùng kỷ niệm người xưa. Một ngọn tháp đứng sừng sững giữa một vùng cây xanh biếc. Khác với những ngọn tháp kiều mỹ của vùng đông nam Á, ngọn Đại Giác chỉ có bốn mặt và đi thẳng từ dưới nhọn dần đến đỉnh chớ không có một mái cong nào tô điểm mỗi tầng. Trên tường của tháp có khắc những hoa văn nổi theo hình vòm hay hoa sen thật là đặc biệt. Một ngôi tháp Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam cũng thế đều mang vẻ đẹp mềm mại và ẻo lã, trong khi ngọn Đại Giác lại hùng dũng như tuyên chiến cùng thế gian. Ngọn tháp nhọn vút như trí tuệ của đức Phật, tột cao và tột bén nên không có một chỗ đứng nào khác cho một thứ trí tuệ thứ hai song song với nó cả, nó là tột đỉnh của các trí tuệ nằm bên dưới; nhưng chính vì có cái nền rộng và đầy các hoa văn nên đỉnh nhọn kia mới nổi bậc trong cái dáng oai hùng đơn giản của nó. Chung quanh tháp Đại Giác còn vô số những tháp lớn nhỏ đã được tạo dựng sau đó. Có thể là một vị quốc vương được toại ý một điều cầu nguyện nào, nên đã xây tháp đáp lễ, có thể là một thủ tưởng, bộ trưởng nào đó đã xây tháp vì thân nhân mình được qua một cơn hiểm nghèo qua sự gia trì của đức Phật. Cũng có những tháp được dựng nên đơn thuần chỉ vì sự cầu nguyện cho chúng sanh đều được vào quả vị giác ngộ tối cao.

Bỏ lại sau lưng ngưỡng cửa vào khu tháp và những người ăn xin Ấn Độ kêu la thảm thiết để kích động lòng từ của khách hành hương, chúng tôi đến một cầu thang dẫn thẳng vào ngôi tháp. Nơi đây tôi cũng có một so sánh (thật là khó bỏ được tập khí này phải không? tuy giáo lý luôn nhắc nhở hãy bỏ đi những nhị nguyên của cuộc đời mà người tăng sĩ như tôi lại cứ chạy theo những so đo!). Những tháp mà chúng ta đã thấy qua, thường nằm trên những vùng cao hay ít nhất cũng được tô bồi cho cao lên. Để vào tháp chúng ta phải vượt qua những tam cấp cao rộng thênh thang, như người Việt chúng ta vẫn quen với ngôi tháp Giác Duyên nổi tiếng của chùa Linh Mụ Huế. Nhưng ở đây thì không, cầu thanh này cũng rộng đó nhưng lại dẫn đi xuống, vì ngôi tháp nằm ở một vị thế thấp, tuy vậy nó vẫn sừng sững vươn lên, vẫn vượt trội toàn vùng cao vút. Phải chăng đây cũng là hình ảnh của con người mà ngôi tháp này đã được dựng nên để kỷ niệm, một con người đã sanh ra trong nhung lụa giàu sang nhưng lại bỏ tất cả từ một vương vị cao sang đã ‘bước xuống’ sống đời người khất sĩ, một danh từ hoa lệ để chỉ cho kẻ xin ăn. Và cũng từ nơi tận cùng khốn khổ người đã vượt cao lên, cao mãi, cao vút đến vô song như hình ảnh đoá hoa sen vượt khỏi bùn nhơ nở hương thơm ngát như ta vẫn thường so sánh. Để tỏ ra lòng tôn kính và thể hiện những cảm xúc dồi dào tôi cũng như bao người đến chốn này đã phải hạ mình thật thấp, cuối rạp người cũng chưa đủ thấp, phải duỗi hẳn người ra cũng dường như chưa đủ thấp, nên cố ấn người mình thêm sâu vào lòng đá. Hầu như ai đến Bồ Đề Đạo Tràng cũng cảm thấy mình phải ít nhất một lần tam bộ nhất bái quanh tháp như vậy.

Khi con người gặp nhau trên cùng một lãnh vực tâm linh thì sự xa lạ không còn là vấn đề nữa, đó là tâm trạng của những người đến Bồ Đề Đạo Tràng. Tất cả mọi người trở nên như bằng hữu hay quen biết, không một ngượng ngạo nào khởi lên khi cả hai người tóc đen và tóc vàng cùng ngồi vào chiếc băng ghế ọt ẹt của cái quán trà bên kia tháp để hưởng hương vị ly trà sữa Ấn Độ đặc biệt, để cùng nhau đi đến một sự quen biết đậm đà hơn. Đã nhiều lần đến Bồ Đề Đạo Tràng nên những anh bán trà, bán nước miá cho tôi uống chịu là chuyện thường, đôi khi ông bán chuỗi hột còn cho tôi thiếu cả một, hai trăm đô la đến mấy tháng trời đi biệt dạng. Đây phải nói là một việc hy hữu vì đối với Ấn Độ vài mươi Đô đã là một số tiền lớn. Trong những chuyến viếng thăm nơi đây tôi đã quen một cô người Pháp, mạnh khoẻ và đã làm việc tích cực cho một hội Tây Tạng từ nhiều năm. Cô ta mỗi năm đều sang Bồ Đề Đạo Tràng để tu tập một tháng, kinh hành nhiễu Phật; mỗi ngày cô ta có thể đi hàng ngàn vòng chung quanh tháp Phật và trì niệm thần chú cũng như danh hiệu của vị Phật mà cô đang tu tập. Việc này tương đương với một người đi bộ khoảng vài mươi cây số một ngày. Bẵng đi một thời gian hai năm tôi không gặp cô ta, có lẽ vì cả hai đến Bồ Đề Đạo Tràng không cùng một thời gian.

 Lại một mùa đông sắp đến trường cho nghỉ hai tuần, tôi và một thầy nữa đã cùng đi Bồ Đề Đạo Tràng. Thật không thể có một nơi nào mà mỗi lần viếng thăm, cảm xúc lại trào dâng mạnh hơn như nơi đây. Cũng như mọi khi, đến nơi vào cất hành lý xong là tôi vội vàng ra ngay tháp, như một đứa con đi xa nhà vội vã đến chào cha mẹ sau một thời gian dài vắng bóng. Trời đang oi ả nắng, bóng Bồ Đề toả rộng làm một nơi thu hút nhiều người tìm một ch‡ râm. Tôi cũng đến ngồi nơi gốc tường dưới bóng mát thả hồn theo tiếng lá rì rào. Trời đứng gió nhưng chú ý lắm thì ta vẫn có thể nghe được tiếng lá reo, có lẽ do những chú sóc di chuyển hay những con chim chuyền cành làm di động. Cái nóng Ấn Độ thật vô cùng khó tả, nó làm đôi mắt tôi trĩu xuống sau một ngày du hành trên xe lửa mệt nhọc. Khi đó một bóng người đổ dài vào tầm mắt tôi, một người đang từng bước xê dịch vô cùng khó khăn, môi cắn chặt như cố giữ cho tiếng rên khỏi bậc ra cửa miệng. Tôi ngạc nhiên chăm chú nhìn cô gái lạ. Nhưng kià, đâu lạ gì đôi mắt thông minh đầy vui tánh đó. Tôi ngạc nhiên bật người dậy, tỉnh ngủ hẳn và ngoắc cô ta đến chỗ tôi ngồi. Một khoảng ngắn hơn bốn thước mà cô ta cũng phải mất vài giây để đến đích. Chuyện gì đã xảy ra với cô, những năng động ngày nào đâu cả rồi?“ Tôi đã thắc mắc. Cô ta cười thật tươi, gương mặt được trả lại những nét tôi quen biết: Chỉ có trời mới biết, tôi về lại Pháp hai năm trước đây thì bỗng nhiên ngã bệnh. Bác sĩ không thể chửa trị chỉ cho tôi uống thuốc Opium để giảm đau mà thôi. Opium à, đó là thuốc phiện mà tôi ngạc nhiên. “Phải, vì tay chân tôi bị co rút đau đớn vô cùng họ không tìm ra thuốc trị, nên đành phải cho tôi uống thuốc phiện để làm giảm đau thôi, chỉ làm giảm đau thôi, vì mỗi bước tôi đi vẫn giống như đi trên đinh vậy. Chắc thầy còn nhớ câu chuyện nàng công chúa thuỷ tề của thần thoại Đan Mạch chứ. Tôi bây giờ cũng giống như cô ta sau khi đã bán giọng hát của mình cho bà phủ thuỷ để đổi lấy cặp giò. Chỉ khác là đôi chân cô ta nguyên vẹn trong khi hai bàn chân tôi thì đang bị như chuột rút, nhưng cả hai đều phải chịu đau đớn khi di chuyển trên đôi chân của mình rồi cô ta cười thật sảng khoái sau cái so sánh của mình. Cô đến đây bao giờ và đang làm gì? Tôi đến đã hơn mười ngày rồi, ngày nào cũng ra đây đi kinh hành thôi, thầy đã biết pháp môn tu của tôi rồi mà. Kinh Hành tôi không khỏi sửng sốt nhưng đôi chân của cô?. Đó là nghiệp của tôi mà, tôi phải làm tròn lời phát nguyện, biết đâu đây là mùa đông cuối cùng tôi có thể di chuyển và tu tập. Đức Phật đã chứng minh cho tôi thấy sự cố gắng vượt bực của ngài. Tôi chỉ làm theo những gì tôi có thể, trong khả năng hạn hẹp của mình thôi. Nhưng thôi, tôi phải tiếp tục! Bây giờ một ngày tôi chẳng đi được bao nhiêu vòng nữa, thật là tệ quá, tôi không thể bỏ phí thời gian. Chào thầy nghe. Cô ta lại đứng lên lê từng bước nặng nhọc kinh hành.

 Tôi nhìn theo bóng cô bồi hồi, theo tôi thì cô ta kinh hành hôm nay nhiều hơn những năm trước và những bước chân của cô như để lại trên nền những đoá sen mầu nhiệm. Nhìn cô tôi nhớ đến một anh chàng người Pháp khác đã ngồi trên chiếc xe lăn được bạn bè đẩy đi. Anh ta bị liệt toàn thân bặt cả ngôn ngữ. Nhưng đôi mắt đẩm đầy nước mắt làm ngời lên niềm hạnh phúc phản chiếu trong đó khi anh ta nhìn ngôi tháp thế tôn, đã nói lên tất cả những gì mà ngôn ngữ khó thể diễn đạt. Sau khi ngồi lặng nhìn ngôi tháp một lúc lâu người bạn của anh đã đẩy chiếc xe lăn đi dọc theo hành lang quanh tháp, trước mỗi trụ đá xe đều ngừng lại như để anh ta có thể nghiêng mình đảnh lễ trước di tích của Như Lai. 
Những hình ảnh đẹp và cao thượng tại một nơi tôn nghiêm như là những biện minh hùng hồn cho giá trị của nơi đó và xa hơn nữa là cho những gì đã được dạy, bởi chính con người từ nơi đó ra đi. Ngày nay trong mỗi mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 4, hàng ngàn phật tử muôn nơi đổ về để lễ bái nguyện cầu. Không khí thật nhộn nhịp trong một niềm vui đạo vị, khi mọi ngưòi vui theo từng giọt mồ hôi của những vị lễ dài hàng ngàn lễ mỗi ngày quanh tháp, hay theo từng nhịp điệu cầu kinh của những vị đi hay ngồi quanh tháp tụng niệm.

Một nơi mang tên Uruvela. 
Từ giã Ca Tỳ La Vệ thái tử Sĩ Đạt Ta đã băng qua vùng sinh sống của dòng họ Thích, vượt qua vùng đất của dòng họ Krobiya và bỏ lại sau lưng xóm làng dòng họ Malla. Ngài đã đến bên bờ A Nô Ma! xuống ngựa, cắt tóc, cởi hoàng bào để đổi chiếc áo người thợ săn đã bạc màu từ màng trắng đã ngã vàng, trong tiếng khóc nức nở của người hầu cận Sa Nặc, ngay cả con ngựa Kiền Trắc cũng phải gục đầu trước cảnh biệt ly để cho những giòng lệ yên lặng chảy hoà vào lòng đất thẳm ướt của bồ sông. Phải chăng bờ sông cũng đã đưa những dòng lệ của nó vào bờ để tỏ sự chia buồn với hai nhân vật kia. Tiếng sóng rì rào như bàn tán nhau về sự kiện của một vị dòng cao quý đã từ bỏ giàu sang để đổi lấy đời sống của Sa Môn. Tiếng gió rung cây như đang truyền nhau nghe tin tức về một sự kiện hy hữu đang xảy ra. 
Thôi đừng khóc nữa Sa Nặc à, đâu có gì phải buồn bã, ngươi nên mừng cho ta, vì từ đây ta sẽ sống theo ước nguyện của mình. Ngươi hãy về và thưa với phụ hoàng, bao giờ tìm được giải thoát khổ não cho tất cả mọi loài ta sẽ trở về để tuyên nói nó cho phụ hoàng nghe.

Hạ thần cũng mừng cho thái tử, nhưng sao có thể dằn lòng trước những thường tình của cảnh sanh biệt tử ly, thái tử nhìn kià chính con ngựa vô tri kia mà cũng còn đổ lệ. 
Ta rất hiểu tâm trạng của nhà ngươi, nhưng hãy nghe lời ta mà quay về đi 
Xin vâng, tuy nói thế nhưng Sa Nặc vẫn dõi trông theo hình bóng của Sa Môn Sĩ Đạt Ta đi dần theo bờ sông, ánh bình minh làm bóng ngài đổ dài về phiá hắn như một lời hứa hẹn rằng tuy thân thể có cách ngăn nhưng tình chủ tớ vẫn luôn hiện hữu. Bóng ngài đã xa mờ trong sương sớm, hắn quay về vuốt ve chiếc buồm con Kiền Trắc rồi thót lên lưng nó. Mặc dầu hắn giật mạnh giây cương, con ngựa như mất hết sinh khí chỉ miễn cưỡng lửng thửng đi theo sự điều khiển của hắn. Rốt cuộc hắn cũng bỏ mặc để nó nện những chiếc vó câu chậm chạp xuống đường như điệu nhạc hát lúc chia tay.

Thái tử Sĩ Đạt Ta giờ đã là một vị Sa Môn tuấn tú, bước chân oai vệ của một vị vương giả sống trong chức trọng quyền cao không vì chiếc áo tả tơi mà vơi đi. Đến một khúc sông cạn ngài đã lội qua bên kia và đi dần về cương thổ Ma Kiệt Đà. Trước tiên ngài đã đến Tỳ Xá Ly để theo học với Arda Kilapa nhưng ngài đã không hài lòng về giáo lý của ông taẠ. Ngài sống cuộc đời như bao vị Sa Môn khác, lặng lẽ đi, đến trưa thì dừng chân trước nhà những dân làng để chờ sự cúng dường cũng trong im lặng rồi lại im lặng cất bước, trên quảng đường du hành ngài đã nghe danh tiếng của tiên ông Bạt Già Bà (Bhagavà), nhưng giáo lý của ông chỉ cầm chân ngài được một đêm. Rồi ngài lại lên đường tìm đến những nhà học giả trứ danh của Ấn Độ thời bấy giờ là A Ra La Ca Lan (Aralakalama) và Uất Đầu Ka La Ma Tử (Udraka-Ramaputta) để học hỏi, nhưng triết lý cao diệu của những nhà hiền triết này chỉ đặt trọng tâm vào sự thiền định để sanh vào những cõi trời phi tưởng và phi tưởng phi phi tưởng mà thôi. Sau một thời gian thực hành ngài đã xác định rằng đây không phải là cứu cánh. Thế là ngài đã tiếp tục tiến bước dần vào thủ đô của Ma Kiệt Đà, thành vương xá.

Một sáng khi bãi triều xong, vua Tần Bà Sa La, lên thành cao để nhìn xuống sự sinh hoạt của dân. Nhà vua bỗng ngạc nhiên phát hiện trên đường giữa những người dân hạ tiện có một bóng người bước đi vô cùng oai vệ, giống như hình ảnh một con thiên nga cao quý đang lội giữa bầy vịt trời hay như một thớt tượng oai dũng giữa những con lừa lao xao. Nhà vua đã cho vời ngưòi hầu cận sai tìm ra tông tích vị Sa Môn kia. Sau khi biết chỗ vị Sa Môn ấy trú ngụ nhà vua đã tìm gặp: 
Kính lễ Sa Môn, trẫm từ trên bờ thành nhìn thấy Sa Môn có dung mạo khác thường nên nghĩ rằng chắc xuất thân từ dòng dõi cao quý nên tìm đến đây để luận bàn. 
Ngài có thể cho trẫm biết nguồn gốc không? 
Thưa bệ hạ trước kia, Sĩ Đạt Ta thuộc dòng họ Thích Ca con vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ nhưng hiện tại tôi chỉ là một Sa Môn mà dòng dõi của Sa Môn là từ Phạm thiên, nhưng tôi không phải là một sa môn tốt, vì tôi không hài lòng với những gì Phạm thiên đã truyền dạy

Nghe những lời trung thực của Ngài, vua Tần Bà Sa La nghĩ rằng đây là một đấng quân vương đúng nghĩa, nên ngài đã đề nghị: Thế thì ngài nên bỏ đi cuộc đời khất sĩ mà trở về với thế tục. Nếu ngài bằng lòng ở lại đây cùng trẫm thì trẫm sẽ chia ngài nửa giang san này để cùng cai trị. 
Sa môn mỉm cười. Đâu có gì đáng lưu luyến trong cõi thế giả tạm, nếu muốn vương vị thì tôi đã ở lại hoàng triều chứ đâu cần phải đến đây để chịu ơn bệ hạ. Ý nguyện duy nhất của tôi là phải tìm ra con đường giải thoát chân chánh 
Nghe những lời cảm khái, nhà vua nghĩ rằng nếu trong đời này có người đạt được giác ngộ, người đó phải có một quyết tâm dõng mãnh như vị sa môn thái tử này, nên nhà vua đã thưa: “Ngài đã có chí, trẫm nghĩ sẽ thành. Khi nào tìm ra đạo giác ngộ ngài hãy đến để dạy lại cho trẫm. Trẫm chắc chắn sẽ mong chờ. Thái tử không ngần ngại nhận lời: Bệ hạ yên tâm, khi nào giác ngộ tôi sẽ trở về truyền đạt sự hiểu biết của tôi cho bệ hạ. Nghe nói vùng này có một vị đại Sa Môn Rudraka nổi tiếng tôi muốn đến để tham học với ngài

Rồi ngài từ giã nhà vua ra đi, vua Tần Bà Sa La đã kinh ngạc nhìn theo bóng ngài chững chạc bước đi trong nắng chiều với tâm đầy ái mộ cũng như bao người trước đó cũng đã từng nhìn theo và ái mộ ngài trên suốt quảng đường ngài đã đi qua. 
Nhưng rốt cuộc ngài cũng không thể hài lòng với những gì Radraka giảng dạy, nên đã lại ra đi cùng với năm vị đệ tử của Radraka vì họ quá cảm mến ngài và không muốn rời ngài nữa sau một thời gian ngắn quen biết. Cuối cùng họ đã vượt đường tìm đến làng Uruvela, nơi có nhiều ẩn sĩ đang tu tập phép khổ hạnh. Bên dòng sông Ni Liên (Nairanjana) là một khu rừng rất gần Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay. Trong khu rừng đó có nhiều người đang đứng một chân, không bao giờ thay đổi, có người đang đứng bằng tay không bao giờ quay xuôi người lại, có người nằm ép mình sát xuống đất không bao giờ trỗi dậy, có người lấy cây đập vào thân thể mình không ngừng nghĩ một giây... Mục đích chung của mọi người là chế ngự các cảm thọ của thân thể để có thể tập trung vào tâm linh mà hoà nhập vào đại thể của Phạm Thiên. Sa Môn Cồ Đàm và năm vị sa môn kia cũng đến đây và gia nhập vào sự tu tập khắc khổ kia. Sa Môn Cồ Đàm đã vô cùng khắc khổ, mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo trong suốt hai năm liền và bốn năm kế hoàn toàn không ăn gì cả. Trong hai năm đầu ngài đã thực hành nhiều pháp môn để cảm thọ tận cùng các khổ đau của thân thể. Sau những cố gắng tột cùng đó, ngài vẫn không thể tìm ra tia sáng giác ngộ nào.

Một ngày nọ khi đang cảm nhận những khổ đau của thân ngài nghe có tiếng một lão nhạc sĩ đang dạy người học trò: Khi căng giây đờn con phải biết thế nào là mức độ vừa phải đúng đắn. Nếu con làm quá căng giây sẽ đứt, nếu con để quá chùn đàn sẽ không kêu. Chỉ khi nào giây con căng đúng mức đàn mới phát ra được âm thanh vi diệu“. Nghe những lời như thế ngài quán chiếu lại quãng đời của mình, những ngài sống trên nhung lụa chẳng khác nào dây đàn thả lỏng, nhưng đến khi tu tập thì lại bị quá căng, ngài nghĩ phải tìm một lối nào khác hơn chăng. Thế rồi ngài cố gắng rời chỗ ngồi đi đến bên sông Ni Liền ngâm mình vào dòng nước mát. Mặc dầu trời đã nóng lắm vào tháng tư nhưng ngài vẫn không thấy cái chói chang của mặt nhựt. Những dòng nước chảy qua thân ngài làm mềm dần lớp cáu đóng trên người và tạo nên một sự thoải mái cho thân, tinh thần ngài cũng phấn chấn hẳn lên. Tắm xong ngài đi dần về phía bóng râm của làng Uruvela, nhưng mặc dầu tinh thần ngài vô cùng phấn chấn thân thể ngài lại quá suy nhược khó lòng đi được xa. Đến một gốc cây bên đường ngài ngồi xuống dưỡng thần, sau khi tắm rửa ngài cảm thấy có nhu cầu phải an thần một lúc thế là ngài để tâm rỗng rang thân thư thái, ngài lần lần đi sâu vào một trạng thái định. Khi đó cô bé chăn dê đang đi dần đến, cô còn bé quá nhưng gia đình ngèo nên phải làm việc để phụ giúp cho mẹ cha. Không như những đứa trẻ khác có thời giờ để ngồi bên bà ngoại hay bà nội để nghe kể những câu chuyện cổ tích, không có người kể thì cô hay tự kể cho mình nghe. Trong những lúc bầy dê đang đi tìm ăn thì cô thường ngồi dưới một gốc cây dệt những chuyện vô cùng kỳ thú để giải trí. Hôm nay cô rất là vui vì cha cô cho cô một túi mật để dặm thêm cho bữa ăn trưa. Đây là một việc rất hiếm hoi, chỉ khi nào ông bán được số cũi mà ông đốn mới có mà thôi. Trong đầu cô đã tưởng tượng cảnh nếm từng giọt mật ngọt ngào, để nó thắm dần qua đầu lưỡi đi sâu vào huyết quản. Đang say sưa với ý nghĩ cô đi thẳng đến gốc cây mà Sa Môn Cồ Đàm ngồi. Cô khựng lại khi chỉ còn cách ngài hai ba thước, cô ngẻo đầu kinh ngạc ngắm nhìn người lạ mặt. Cô thấy trước mắt một người có khuôn mặt hóp sâu, tóc đánh cao trên đỉnh đầu râu ria dài quanh mặt. Tuy vậy trong vẻ hóc hác cô vẫn thấy ông ta toả ra một cái gì vô cùng cao quý. Cô nghĩ chắc đây là một vị trời, thế rồi cô bỗng nhớ đến những câu chuyện cô tự kể, trong đó có những cô bé ngèo như cô nhưng đầy lòng trung hậu đã biết cúng dường những vị trời nên được phước báo to lớn. Thế rồi cô cởi chiếc bầu đeo bên người xuống, lấy chiếc bình bát đổ vào đó đầy cháo sữa mà cô đã mang theo để ăn trong ngày, xong xuôi cô lại cởi chiếc bầu đựng mật trân trọng trút ra từng giọt mật thơm ngậy vào bát cháo. Tất cả cô làm bằng lòng thành kính và tâm ngây thơ của một cô bé tin vào chuyện thần thoại mà cô thường tự sáng tác ra để giải buồn. Cô kính cẩn quỳ xuống dâng lên bát cháo: “Hỡi đấng phạm thiên cao quý, con xin ngài hãy nhận nơi con bát cháo sữa này với tất cả lòng thành và ban cho con khỏi sự khổ đau“. Nghe tiếng cô bé, Sa Môn Cồ Đàm rời khỏi định: Ta không phải là một vị trời ta chỉ là một đạo sĩ thường, trên con đường đi tìm giác ngộ. Khi cô bắt gặp ánh mắt của ngài bỗng một luồng hơi ấm tràn ngập tim cô, cô cảm nhận được một tình thương rộng lớn trong đôi mắt ấy và giọng nói yếu ớt của ngài chứa đầy thiết tha. Có lẽ ngài sợ cô phải thất vọng vì ngài không phải là một vị trời nên không thể ban bố cho cô đặc ân hết khổ chăng? Nhưng bây giờ thì cô đâu cần nó nữa cái cảm nhận mà ánh mắt ngài đã ban cho cô đã đủ lắm rồi: “Dầu ngài là trời hay chỉ là đạo sĩ cũng xin nhận nơi con sự cúng dường này. Con nguyện cầu cho ngài được giải thoát giác ngộ như mục tiêu hành đạo của ngài“. Ngài đã nhận lời, cô bé vui vẻ đứng lên chạy theo bầy dê đã đi khá xa, chạy một đỗi cô quay lại vẫy tay như chào tạm biệt. 
Trong lúc Sa Môn Cồ Đàm dùng cháo thì năm anh em đạo sĩ theo ngài cũng tìm đến nơi họ vô cùng khinh ngạc: Ngài phá bỏ lời nguyện à? Sa Môn Cồ Đàm đã chịu thua trước sự hành xác và trở lại với cuộc đời lạc thú sao? Rồi không đợi ngài nói lời nào, họ quày quả bỏ đi. Không như đứa bé chăn dê, họ không hề ngoái cổ lại nhìn một lần cuối để có thể bắt gặp ánh mắt sáng ngời đầy tình thương của ngài như thầm hứa hẹn sẽ đem lại ánh sáng giải thoát cho họ khi ngài được giải thoát.

Dùng xong bát cháo ngài lia cái bát xuống giòng nước nhìn cái bát theo giòng trôi ngài phát lên lời nguyện: Ta nguyện đạt được giác ngộ rốt ráo, nếu lời nguyện ta thành thì bát nước hãy trôi ngược giòng. Khi đó bỗng nhiên từ đâu xuất hiện một con rắn hổ mang bơi đến bên chiếc bát và đưa nó đi ngược lại phiá ngài, trên bầu trời lại có tiếng chim kêu vang. Một bóng chim với đôi cánh vàng ánh như kim loại đang lượn vòng trên không rồi nó xà xuống thật nhanh cấp chiếc bát ngài bay vút vào hư không.Ạ Ngài băng qua bên kia sông đến bên một gốc cây cao su định ngồi xuống bỗng có người bán cỏ đi ngang dâng cho ngài một bó cỏ Kusa (kiết tường). Lấy cỏ làm nệm ngài phát nguyện phải đạt đạo trước khi rời chỗ ngồi này. Sau 49 ngày ánh sáng trí tuệ đã bừng dậy trong ngài. Từ đó tên làng được nhiều người biết đến, nhưng không phải cái tên Uruvela mà là Bodh-Gaya, nơi thành đạo; cây cao su ngài ngồi cũng đã được đổi tên thành cây Bodhi (Bồ đề, giác ngộ).

Quá trình tu tập và chứng đắc.

Trong kinh đức Phật đã tường thuật về những nỗ lực của ngài như sau: Này Aggivessana, rồi ta suy nghĩ: ‘ta hãy nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm!’ Này Aggivessana rồi ta nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Khi ta đang làm như thế, mồ hôi toát ra ướt đẫm nách của ta. Này Aggivessana như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy hai vai, có thể chế ngữ, nhiếp phục và đánh bại người ấy. Này Aggivessana, dầu ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta.

Này Aggivessana, rồi ta suy nghĩ như sau: ‘ta hãy tu thiền nín thở’. Và này Aggivessana, rồi ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi. Này Aggivessana, khi ta nín thở như thế thì một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Aggivessana giống như tiếng kinh khủng phát ra từ ống thổi bệ đang thổi của người thợ rèn. Cũng vậy này Aggivessana tiếng gió thổi ngang lỗ tai ta khi ta nín thở như thế. Này Aggivessana, dầu ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta.

Này Aggivessana rồi ta suy nghĩ như sau: ‘ta hãy tu thiền nín thở’. Và này Aggivessana, rồi ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Aggivessana, khi ta nín thở như thế thì ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu ta. Này Aggivessana ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với một thanh kiếm sắc, cũng vậy này Aggivessana, khi ta nín thở như thế thì ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu ta. Này Aggivessana, dầu ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta.

Khi đó Bồ tát đã liên tục dùng đủ loại hình thức để cảm thọ sự khổ trong việc tu nín thở, những cảm giác nóng kinh khủng cắt ngang qua bụng như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang qua bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén, những cảm giác nóng kinh khủng khởi lên trong thân như bị hai người lực sĩ sau khi nắm cánh tay một người yếu hơn nướng người ấy đốt người ấy trên một hố than hừng 
Lại nữa chư thiên thấy vậy nói như sau: ‘Sa Môn Gotama đã chết rồi.’ Một số chư thiên nói như sau: ‘Sa Môn Gotama chưa chết, nhưng Sa Môn Gotama sắp sửa chết’. Một số chư thiên nói như sau: ‘Sa Môn Gotama chưa chết. Sa Môn Gotama, cũng không phải sắp chết. Sa Môn Gotama là bậc A La Hán, đời sống một A La Hán là như vậy’

Sau đó thì bồ tát quyết định tuyệt thực và chư thiên đã đến và nói như sau: “Này thiện hữu, Hiền giả chớ hoàn toàn tuyệt thực. Này Thiện hữu, nếu Hiền giả có hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đổ các món ăn chư thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Hiền giả, nhờ vậy Hiền giả vẫn sống.“ Nhưng ngài đã suy nghĩ: “Nếu ta hoàn toàn tuyệt thực và chư thiên này đổ các món ăn chư thiên ngang qua các lỗ chân lông cho ta và nhờ vậy ta vẫn sống, thời như vậy ta tự dối ta“ và ngài đã bác bỏ những điều thỉnh cầu ấy của chư thiên.

Đức Phật đã giảng về quá trình tuyệt thực của ngài bắt đầu từ cách dùng từng giọt súp đậu và vì vậy mà thân ngài trở nên vô cùng gầy yếu. Tay chân ngài trở thành như những ngọn cỏ hay những đốt cây leo khô héo: bàn trôn của ngài trở thành như móng chân con lạc đà, xương sống phô bày giống như một chuỗi banh, xương sườn gầy mòn giống như rui cột một nhà sàn hư nát, con ngươi nằm sâu trong hố mắt giống như nước long lanh nằm sâu thẳm trong giếng nước thâm sâu, da đầu trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn khô cằn. Ngài nói rằng khi đó ngài rờ vào bụng mình thì gặp phải xương sống nếu rờ xương sống thì gặp phải da bụng, vì ngài ăn quá ít nên da bụng bám chặt vào xương sống. Khi ngài muốn đứng dậy để đi đại tiện hay tiểu tiện thì liền ngã quyuống vì quá yếu. Nếu ngài muốn xoa dịu thân thể, lấy tay xoa bóp chúng, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân ngài. Có người thấy ta thì gọi là Sa Môn Gotama có da đen. Một số người gọi ta là Sa môn Gotama da không đen nhưng có da màu xám. Một số người khác thì cho rằng Sa môn Gotama da không đen, không xám mà lại vàng sẫm.

Khi đó bồ tát đã suy nghĩ: “Thuở xưa có những sa môn hay bà la môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Về tương lai và trong hiện tại, có những sa môn hay bà la môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng không thể có gì hơn nữa. Nhưng ta, với sự khổ hạnh khốc liệt như thế vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?Ϡ
Và ngài lại hồi tưởng về thuở trước khi vua Tịnh Phạn đang cày và ngài ngồi dưới gốc cây Diêm Phù Đề đã ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Khi nhớ đến điều đó ngài đã tự hỏi hay đó chính là con đường dẫn đến giác ngộ. Và ngài đã khẳng định chính con đường ấy đưa đến giác ngộ. Ngày lại cân nhắc về những lạc thọ có được khi ly dục và ly pháp bất thiện và biết rằng không thể chứng đạt được lạc thọ đó với một cái thân yếu gầy như hiện trạng. Khi ấy ngài đã dùng thô thực và dùng cơm chua, nên năm vị sa môn theo ngài bấy lâu đã bỏ ngài đi trong tâm chán ghét: “Sa môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc. 
Khi ngài đã hồi phục sức khoẻ, ngài liền dùng phương pháp ly dục, ly pháp bất thiện thiền định, tâm ngài đã dễ dàng chứng nhập vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền rồi tứ thiền. An trụ trong tứ thiền, tâm ngài vô cùng nhu nhuyễn, trong sáng như một mặt gương mà trong đó mọi vật đều soi tỏ một cách trung thực. Khi tư tưởng ngài trở nên lắng dịu, tinh khiết, trong sạch, không còn tham ái và ô nhiễm, dễ uốn nắn, giác tỉnh, vững chắc và không thể lay chuyển, ngài đã hướng tâm về sự hiểu biết những đời sống thời quá khứ (túc mạng minh). Ngày đã dần nhớ được kiếp thứ nhất, kiếp thứ hai, thứ ba rồi trăm kiếp ngàn kiếp cho đến vô lượng kiếp về trước mỗi mỗi ngài đều nhớ rõ, trong mỗi kiếp tên ngài là gì, cha mẹ ngài là ai, lối sống ngài thế nào và chết thế nào, rồi tái sanh như thế nào. Từ đó ngài biết rõ về sự tái sanh và các đời quá khứ.

 Vào canh một đêm giác ngộ sự hiểu biết về đời quá khứ của ngài hoàn toàn viên mãn tột cùng. Đây là sự chứng đắc thứ nhất: Túc Mạng Minh. Đã phá tan lớp vô minh có liên quan đến quá khứ. Ngài hướng tâm thanh tịnh về ‘sự tri giác hiện tượng Diệt và Sanh của chúng sanh’ (thiên nhãn minh) với tuệ nhãn tinh khiết và siêu phàm ngài đã nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp này tái sanh vào một kiếp khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng kẻ sang người hèn, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khổ đau, tất cả đều trải qua sanh và diệt, tuỳ hành vi tạo tác của mỗi người. Ngài biết rằng những người này do hành động lời nói và tư tưởng xấu xa nguyền rủa bậc thiện trí cao thượng, tin tưởng không chơn chánh và có nếp sống của người tà kiến, sau khi thể xác phân tán và sau khi chết, đã tái sanh vào những trạng thái bất hạnh. Ngài biết rằng những người kia, do hành động, lời nói và tư tưởng tốt đẹp, không nguyền rủa bậc thiện trí cao thượng, tin tưởng chơn chánh và có nếp sống của người có chánh kiến, sau khi thể xác phân tán và sau khi chết, đã tái sanh vào những cảnh trời an vui hạnh phúc. 
Như vậy với thiên nhãn minh, ngài mục kích sự phân tán và sự cấu hợp trở lại của chúng sanh.

Đây, hẳn vậy, là tuệ giác thứ nhì mà ngài đã ngộ trong canh giữa đêm thành đạo. 
Đã phá tan lớp vô minh có liên quan đến tương lai, ngài hướng tâm về thanh tịnh về ‘tuệ hiểu biết sự chấm dứt các pháp trầm luân’ (lậu tận minh). 
Tuỳ trường hợp ngài nhận thức: ‘Đây là phiền não, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường dẫn đến chấm dứt phiền não’. Cùng một thế ấy, ngài nhận định: ‘Đây là ô nhiễm, đây là sự chấm dứt ô nhiễm, đây là con đường dẫn đến chấm dứt ô nhiễm’. Nhận thức như thế tâm ngài giải thoát khỏi dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), hữu lậu (ô nhiễm của sự luyến ái đời sống) và vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh). 
Được giải thoát, ngài biết rằng: “ta đã được giải thoát“ và ngài nhận thức: “tái sanh đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã được viên mãn, đã làm xong những việc phải làm, không còn trở lại trạng thái này nữa“.

Đây là tuệ giác thứ ba mà ngài đã chứng ngộ trong canh ba, đêm thành đạo. 
Màn vô minh đã được giải tỏa và trí tuệ phát sanh. Đêm tối đã tan và ánh sáng đến. 
Từ đây trên thế giới đã có thêm một nhà hiền triết với trí tuệ siêu phàm bậc nhất, một thánh giả với khả năng cứu độ không ai hơn, một vị chiến thắng, một vị đáng để nhận đồ cúng dường, một vị mà mọi người nhìn lên với tất cả niềm tôn kính, một vị thầy của trời và người, một vị Phật.

 Sau khi chứng đạo: trong tuần lễ đầu sau khi thành đạo đức Phật đã ngồi bất động nơi Kim Cang toà, theo kinh điển đại thừa thì trong ba tuần lễ đầu ngài đã thuyết kinh Hoa Nghiêm cho chư thiên và bồ tát ở các cõi trời nghe, nhưng vì kinh lý quá cao siêu khó người lãnh hội nên thế tôn đã chuẩn bị nhập niết bàn. Khi đó thì những vị đế thích đã hiện ra để cung thỉnh Phật trụ thế mà thuyết kinh vì hai nguyên nhân: nguyên nhân thứ nhất vì các vị Phật thời quá khứ cũng dùng phương tiện chia thành nhiều cấp bậc giáo lý để giảng dạy, nguyên nhân thứ hai là để thực hiện lời nguyện độ sanh của ngài trước khi bước vào tu tập cũng như những lời hứa của ngài với vua Tần Bà Sa La và bao nhiêu người khác nữa. Đức Phật vì thế đã bằng lòng và bắt đầu thuyết những phép tu thuộc về tứ diệu đế (bốn chân lý tuyệt hảo)Ạ rồi sau mới dần giảng dạy những kinh điển có tính cách triết lý đại thừa cao hơn theo như bài kệ:

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật 
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát, 
Nhị thập nhị niên bát nhã đàm, 
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.

Đây là cách phân chia của ngài Thiên Thai thánh giả bên Trung Quốc. Nhưng trên thực tế thì kinh điển đức Phật đã thuyết ở nhiều nơi và nhiều đề tài khác nhau tuỳ theo trình độ của thính chúng. Về sau ngài A Nan mới hệ thống hoá thành những bộ kinh.

 Riêng về truyền thống của Nam Tông thì lấy năm bộ Nikaya làm gốc. Trong đó phần chính yếu nói về lý duyên khởi và những giáo lý nhân duyênẠ mà theo họ thì đức Phật đã nghiền ngẫm trong tuần lễ đầu sau khi giác ngộ. 
Trong tuần lễ thứ hai đức Phật đã đứng cách cây bồ đề một khoảng xa để có thể nhìn cây một cách chăm chú biết ơn đã che chở cho ngài trong những ngày thiền định. Hàng phật tử ngày nay cũng đem lòng kính trọng cây bồ đề này vì chính nơi đó mà đức Phật ra đời. Cũng như trong kinh cũng ghi lại sự tích cây bồ đề A Nan, đức Phật đã từng dạy có thể dùng những vật mà gợi nhớ đến Phật để tôn thờ cũng được phước báo lợi lạc, thì việc thờ cúng cây bồ đề cũng nằm trong ý nghĩa này. 
Vào tuần thứ ba ngài đã đi kinh hành dọc theo bên trái cây bồ đề. Tương truyền rằng vì chư thiên thấy ngài không rời khỏi Bồ Đề Đạo Tràng nên đã hoang mang không biết ngài đã chứng ngộ chưa và vì để chư thiên hiểu rõ sở đắc của mình, ngài đã dùng thần lực tạo ra đường kinh hành bằng ngọc này. 
Trong tuần thứ tư đức Phật đã suy gẫm về những vấn đề thuộc về siêu hình học của A Tỳ Đạt Ma. Truyền thuyết cho rằng khi ngài tư duy về những lý nhân quả tương duyên thì thân tâm ngài vô cùng tinh khiết và phóng ra những vùng hào quang quý báu vô cùng.

Tuần thứ năm ngài ngồi dưới cây Ajapala để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Khi ngài xuất định có một vị Bà La Môn ngã mạn đã hỏi ngài: “Này tôn giả Cồ Đàm, làm thế nào để trở thành một Phạm thiên và những điều kiện nào để trở thành phạm thiên?. Đức Phật đáp: “Người kia đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi, không còn ngã mạn, đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học và đã chơn chánh sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là thánh nhơn (phạm thiên). Đối với người ấy không còn có sự bồng bột, dầu ở nơi nào trên thế gian“ 
Từ cây Ajapala đức Phật đến bên cây Mucalinda để chứng nghiệm về hạnh phúc giải thoát. Khi đó trời bỗng mưa tầm tã. Con mãng xà vương Mucalinda liền bò lên và dùng thân quấn quanh đức Phật bảy vòng và dùng đầu để làm tàng che mưa đỡ gió cho ngài. 

 Vào tuần thứ bảy ngài ngụ tại cây Rajayatana để chứng nghiệm an lạc của quả vị giải thoát hoàn toàn. Sau khi nhận sự cúng dường của hai vị thương gia đức Phật đã rời khỏi Bồ Đề Đạo Tràng đi về thành Ba La Nại để tìm năm người đồng tu trước kia mà truyền đạt những gì ngài đã chứng ngộ. 
Trong suốt thời gian đức Phật đi tìm giác ngộ thì tin tức về ngài cũng được liên tục đưa về cung thành Ca Tỳ La Vệ. Khi hay tin thái tử bỏ vương phục đổi lấy y vải thì nàng Da Du Đà La cũng như thế từ bỏ vương phục mặc chiếc áo bằng vải, khi thái tử tu tập khổ hạnh thì nàng cũng hành xác mình tương tự. Bao nhiêu vương tôn đến để dạm hỏi nàng nhưng nàng đều từ khước. Trước khi tin đức Phật giác ngộ truyền về đến Ca Tỳ La Vệ thì một tin khác về cái chết của ngài đã làm toàn thể kinh thành khóc than thương tiếc. Sự kiện này nói lên cái bản tánh của thái tử Sĩ Đạt Ta phải là một con người vô cùng đặc biệt trước khi ngài ra đi để có thể để lại bao nỗi nhớ nhung như thế cho mọi người. Là một con người đặc biệt nên khi chứng ngộ quả vị của ngài cũng là quả vị tột cùng, quả vị Phật. 

Dữ kiện lịch sử của Bồ Đề Đạo Tràng.

 Người đến Bồ Đề Đạo Tràng để tỏ lòng tôn kính đầu tiên mà sách sử biết đến có lẽ là vua A Dục. Nhưng cũng chính vì vậy mà ngày nay có nhiều ý kiến về những tác phẩm của ngài tại đây. Khi A Dục vương đến đây chiêm bái thì ngài đã cho xây dựng những gì? Nhiều nhà học giả cho rằng chỉ có Kim Cương toà và một vài trụ đá là của chính vua A Dục xây dựng, còn những kiến trúc khác là tác phẩm của hậu nhân.

 Theo những nhà nghiên cứu thì có rất nhiều dữ kiện để suy luận, nhưng rốt cuộc đến nay vẫn chưa có một kết luận nào có thể gọi là chính xác 100% cả. Tuy nhiên vẫn có hai đường hướng kết luận được đưa ra, một là của ông Cunninghamvà một của ông Barua. Ông Cunningham thì cho rằng ngôi tháp hiện nay chúng ta thấy chính do vua A Dục xây dựng vào thế kỹ thứ III trước tây lịch. Trong khi ông Barua thì nghĩ rằng ngôi tháp hiện tại chỉ được xây dựng sau khi ngài Pháp Hiển đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng và hoàn thành trước khi ngài Huyền Trang đến đấy. Tuy nhiên vẫn có một giả thuyết khác được xem như là đáng chú ý, đó là giả thuyết của ông R.L.Mitra. Ông Mitra nghĩ rằng theo những chữ khắc ở những nền tượng hay trụ đá cho ta thấy những văn hoá thời Gupta. Tuy nó không phải là một dẫn chứng cụ thể cho niên đại của ngôi tháp, nhưng nó vẫn tạo cho ta cái ấn tượng là tháp ấy phải đã hiện hữu từ thế kỹ thứ hai sau tây lịch, và như thế nếu ta tiếp tục kết luận thì ngôi tháp phải được xây dựng khoảng vào thế kỹ thứ nhất sau tây lịch. Vì vậy ông ta nghĩ rằng: “Chính nơi ngọn tháp ngày nay đứng, đã có một kiến trúc của A Dục vương xây nên, nhưng chắc chắn nó đã không phải là một ngôi tháp. Về sau không hiểu vì nguyên nhân nào nơi đó đã được nhường chỗ cho ngọn tháp [mà như ông đã kết luận] vào khoảng thế kỹ thứ nhất sau tây lịchϬ ông ta còn dựa theo một bức tượng Phật đã được tìm thấy trong một miếu nhỏ cửa thành nam của khu tháp. Tượng đá rất cũ và mang những chữ khắc bằng tiếng Phạn thời Gupta (thế kỹ thứ II sau tây lịch).

 Có rất nhiều lập luận được đưa ra đồng thời với những dẫn chứng để biện minh cho tư tưởng của mình về ngôi tháp này. Tuy đây không phải là một sách nghiên cứu lịch sử theo khuôn khổ khoa học, nhưng chúng tôi cũng xin đưa ra một số dữ kiện để quý đọc giả tham khảo.

 Bia ký thứ VIII của vua A Dục ghi rằng: “Trôi theo giòng thời gian, nhà vua đã làm một chuyến du hành để săn bắn cũng như thực hiện một số mục đích khác. Nhà vua Priyadarsin, người yêu dấu của chư thiên, đã khởi hành đến Sambodhi. Từ đó nó trở thành nơi chiêm bái của những người ngoan đạo. Dĩ nhiên lối văn thơ cổ Ấn Độ đã gây không ít bàn luận trong giới nghiên cứu vì đoạn khởi hành đến Sambodhi mang hai ý nghiã, một là nhà vua đi đến Bồ Đề Đạo Tràng để chiêm bái nơi đức Phật đã đạt được giác ngộ (Sambodhi), hai là nhà vua bắt đầu quá trình tu tập của mình hầu đạt được giác ngộ như Phật.

Theo một số lập luận thì vua A Dục đã cho xây một loại điện thờ dưới gốc cây bồ đề theo mô hình giống như nhà thuỷ tạ không có nóc. Có nghĩa là chỉ có những cột trụ vây quanh toà mà thôi. Theo sách ghi lại thì nhà vua đã cho làm một toà kim cang bằng đá, bên trên có khắc các hoa văn. Phía trước toà có bốn cây trụ dẹp, bên sau toà là cội bồ đề. Mỗi bên cội bồ đề đều có biểu tượng của tam bảo và bánh xe pháp trên hai cây cột ngắn. Hai bên kim cang toà lại có hai nhà thuỷ tạ tương tự như tại kim cang toà. Bên trên kim cang toà được ghi nhận rằng không hề có an trí tượng Phật bởi vua A Dục. Điện Kim Cang Toà nằm trong đền thờ chánh ngày nay. Nếu chúng ta tinh ý sẽ thấy những trụ đá gãy nơi những góc tường. 
Ngoài ra những nhà khảo cổ đã đào được nơi nền của kim cang toà một cục đất nung trong đó có nhiều tiền vàng, đồ đất, đá v.v. tất cả đều là những y cứ để họ tìm hiểu thêm về niên đại của tháp. Nhưng không phải chỉ những khai quật tại trung tâm Bồ Đề Đạo Tràng đã làm những nhà khảo cổ lưu tâm mà ngay cả một tấm dĩa bằng đất đào được gần Patna, cũng như những mô hình đại tháp được đào lên tại Mrohoung và Bồ Đề Đạo Tràng cũng đã làm nhức óc các nhà nghiên cứu.

Cái dĩa bằng đất chôn sâu sáu inch dưới mặt đất gần Patna trình bày nhiều họa đồ, có ngôi tháp đại bồ đề tại trung tâm. Ngôi đền hình như có một vòm cong với một tượng Phật ngồi chính giũa. Hai bên là hai trụ đá tròn với ba đỉnh nhọn bên trên và những thiên thần bay lơ lững giữa không gian. Khung viên của điện được diễn tả trên tấm diã được bao bọc bởi một hàng rào đá vuông vức và một lối vào phía trước. Hai bên cửa vào là hai tượng người đứng phiá trong của chu vi điện thờ. Cả hai đều có một vòng hào quang giống hệt như của tượng ngồi bên trong điện. Bên trong khuôn viên của điện có một trụ đá vua A Dục đứng bên phải lối vào với tượng voi trên đầu trụ và những dòng chữ chạy dài theo chiều của cột..... Ngôi đền được bao bọc chung quanh bởi những ngôi đền khác, trong đó những sự kiện liên quan đến cuộc đời đức Phật và tiền thân của ngài được trình bày một cách mỹ thuật. Tất cả các ngôi đền đều có tường vây bằng đất hay đá... 

Hai mô hình đại tháp được tìm thấy rất giống đại tháp hiện nay nhưng lại không có bốn tháp nhỏ ở bốn góc tháp và hiện nay đang được tàng trữ tại viện bảo tàng Calcutta.

Để xác định niên đại của ngôi tháp những sử liệu của các nhà chiêm bái Trung Quốc cũng đã đóng góp không ít, nhất là hai cuốn ký sự của ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang. Nhân đây chúng tôi cũng xin dịch lại để chư vị có thể tham tường. 
Ngài Pháp Hiển đã ghi lại như sau: “Trong thành phố [Gaya] này mọi nơi đều điêu tàn và bỏ hoang như nhau. Từ đó đi về phía nam 20 lý chúng tôi đã đến nơi bồ tát khi còn sống đã thực hành sáu năm khổ hạnh. Nơi đây cây cối mọc um tùm. Từ nơi này đi về phía tây ba lý là đến nơi đức Phật đã bước xuống nước để tắm và phạm thiên đã oằn nhánh cây xuống để ngài vịn vào đó mà leo lên. Đi về phía bắc thêm hai dặm nữa chúng ta sẽ đến nơi mà cô bé quê đã dâng cho ngài bát cháo sữa. Đi thêm hai lý nữa về phiá bắc là tảng đá nơi đức Phật ngồi tựa vào gốc cây nhìn về hướng đông để dùng bát cháo sữa. Gốc cây và tảng đá ngày nay vẫn còn. Tảng đá có diện tích khoảng sáu chân độ vuông (feet) và cao hai chân độ. Ở trung Ấn nóng và lạnh tương đối đều nhau nên thực vật có thể sống đến cả mấy ngàn năm, và một số có thể sống cả mười ngàn năm. Từ đây đi về phía đông bắc nửa Yojana chúng tôi đến một hang đá, trong đó ngài đã ngồi kiết già nhìn về hướng tây và tự nhủ rằng: ‘Nếu đã đến thời tôi đạt được giác ngộ, thì hãy hiển lộ một vài uy lực của tâm linh’. Lập tức ngay trên bức tường đá hiện lên bóng của đức Phật, dài độ ba feet. Cái bóng này vẫn còn thấy rõ. Khi đó tất cả cõi trời và quả đất rung động chư thiên trên không trung đã gọi to rằng: ‘Đây không phải là nơi mà một vị Phật (quá khứ và tương lai) chứng đắc giác ngộ; Không tới nửa Yojana về phía tây nam phía bên dưới cây Pei-to chính là nơi mà chư Phật (quá khứ và tương lai) đến địa vị giải thoát.’ Khi chư thiên đã nói những lời trên liền hiện ra trước ngài, vừa đi vừa ca muá để dẫn ngài đến nơi mà họ đã đề nghị. Bồ tát đã đứng dậy và đi theo họ. Còn cách gốc cây độ ba mươi bước phạm thiên đã giao cho ngài nắm cỏ Kusa. Bồ tát nhận nắm cỏ đi mười lăm bước thì 500 con chim xanh bay về hướng ngài, sau khi bay nhiễu quanh ngài ba vòng liền bay đi. Bồ tát đã đi đến dưới gốc bồ đề trải nắm cỏ kiết tường và ngồi quay về phía đông. Khi đó chúa loài quỷ, Mara, đã khiến ba cô thiếu nữ mỹ miều từ phương bắc đến để dụ dỗ ngài, trong khi Mara thân hành đến từ phía nam. Khi đó bồ tát đưa một ngón chân chạm vào đất cả quân đội của Mara đều khiếp đảm và ba cô gái trở nên xấu xí như mấy bà phù thuỷ. Tất cả những nơi đã nêu trên, như nơi ngài tu khổ hạnh sáu năm, và những nơi khác đều có xây đài để kỷ niệm và đặt trong đó những tượng Phật mà ngày nay vẫn còn. Sau khi ngài đã giác ngộ, đức Phật ngồi bất động bảy ngày dưới gốc cây để hưởng an lạc của vị giải thoát; Nơi đây người ta đã dựng một ngọn tháp, cũng như ở những nơi ngài đã đi kinh hành dưới bóng cây bồ đề bảy ngày từ hướng đông về hướng tây....

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2013(Xem: 4899)
Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một như đuờng mía lau Nhớ ơn dưỡng dục cao sâu Con mong báo đáp công lao Mẹ hiền Hành hương đất Phật vạn niên Thẩm sâu giáo pháp diệu huyền Thầy ban Mẹ đi từng bước vững vàng Con thơ khôn xiết hân hoan vui mừng Đở nâng cho Mẹ bước chân Khi lên Linh Thứu, lúc dừng Câu Thi Na
21/06/2013(Xem: 5118)
Cung kính cúng dường đến những người Con hiếu thảo được phước duyên lớn cùng Mẹ hành hương Phật tích.
21/06/2013(Xem: 5457)
Hành hương đất Phật thật là vui! Xe bus số ba rộn tiếng cười Chúng con được phước Thầy dìu dắt Giảng giải, nhủ khuyên nhẹ từng lời Đồng Trúc, Diệu Thơ với Diệu Lan Vạn Hạnh, Diệu Vinh bước nhịp nhàng, Đồng Giải , Tâm Thịnh cùng Minh Lý
21/06/2013(Xem: 4874)
Dáng tha la dõi hồn thiên cổ Hồ tịnh tâm nhật nguyệt soi hồn Linh địa của ngàn đời chư Phật Thị hiện về giáo hóa quần sanh. Đài sen báu giữa vô thường bất diệt Bảy bước chân đi hoa đỡ gót vàng Vô ưu nở cho đất trời mở hội Pháp giới vang lừng nhã nhạc tôn vinh.
21/06/2013(Xem: 4992)
Thầy Trưởng Đoàn giới thiệu Đạo hữu Diệu Thiện Trần Thị Thân (thứ hai từ trái) tại buổi họp mặt cuối cùng của đoàn tại Đài Loan.
21/06/2013(Xem: 4843)
Chủ nhật ngày 20 tháng 10 năm 2008 sau khi tham dự buổi lễ bế mạc chiêm bái Xá Lợi tại Tu viện Quảng Đức, Melbourne.
21/06/2013(Xem: 4810)
Hôm nay phái đoàn đi viếng cảnh trên sông Hằng. Trên đường đi kinh hành ra đến sông Hằng con rất sợ vì không biết có nguy hiểm không?
21/06/2013(Xem: 6062)
Trong đời tôi, dường như ngoài việc được (hay bị) má tôi đẻ sớm, trước khoảng thời gian dự định thường lệ, chín tháng mười ngày cho một bào thai, mọi chuyện khác đều đến với tôi rất muộn màng. Yêu muộn mà tu cũng muộn!
21/06/2013(Xem: 5994)
Tôi đọc hai câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu trên microphone để bắt đầu chia sẻ cảm tưởng của mình trên xe Bus 1.
21/06/2013(Xem: 5511)
Hai em khoẻ không? Sau khi trở về, mọi việc đều ổn hết chứ? Chứng thấp khớp của Hưng nghe nói đỡ hơn nhiều khi đi hành hương về, thật kỳ diệu! Thầy sẽ nói là nhờ mình “có tu” đó…..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]