Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ca Tỳ La Vệ [Kapilvastu]

18/07/201509:20(Xem: 5196)
Ca Tỳ La Vệ [Kapilvastu]
XỨ PHẬT TÌNH QUÊ
Thích Hạnh Nguyện - Thích Hạnh Tấn

Ca Tỳ La Vệ [Kapilvastu]

Đã đến Lâm Tỳ Ni mà không vào Ca Tỳ La Vệ là một thiếu sót không nhỏ. Với ý nghĩ đó tôi đã rời khỏi Lâm Tỳ Ni trong niềm xót xa vì trời đã quá tối mà chúng tôi còn phải rời khỏi Nepal để về lại Câu Thi Na Thành cho đúng hẹn với thầy Hạnh Nguyện. Ngày xưa tôi không hiểu câu ‘tuy chân đã bước mà lòng còn quyến luyến’ cho lắm, vì với tuổi còn quá trẻ chúng tôi cũng chẳng có gì nhiều để luyến lưu và nhất là đốivới một con người sống hời hợt với tất cả như tôi. Thật sự bây giờ thì đã rõ, niềm bịn rịn làm khó chịu vô cùng và tôi nguyện rằng đừng bao giờ phải có cái cảm giác ấy lần thứ hai, vì nó thật không hợp với những nguyên lý sống của chúng tôi.

Dĩ nhiên lần thứ hai chúng tôi đến Lâm Tỳ Ni và chuẩn bị đi Ca Tỳ La Vệ trong một niềm hân hoan nhẹ nhàng. Chúng tôi viễn vọng một cố đố Huế qua kiến trúc của Ấn Độ, thật là một hành động viễn vong, là con nhà Phật đúng ra chúng tôi không nên để cho địch làm chủ tình hình mà phải thật chính chắn đếm từng hơi thở chờ đến nơi. Nhưng than ôi, chúng tôi lại đi nhằm ngày lễ tạ điền của dân bản xứ, trên đường phố chật đầy người, chưa bao giờ vùng này có nhiều phụ nữ ngoài đường như thế! Những tà Sari muôn màu rực rỡ bay phất phới như cánh bướm vờn hoa. Nam thanh nữ tú cùng ông cả bà già và trẻ em người lớn, đều đổ cả ra đường hay đúng hơn ra đồng để tạ ơn ruộng đã cho họ một mùa đầy lợi tức. Dĩ nhiên trong niềm hân hoan đó họ đã hít vào buồng phổi những mạn bụi đỏ như sương đang bay khắp nơi vì bị những gót giày vô tư khuấy động, và bởi mấy chiếc bánh của chiếc xe buýt gắn máy lạnh của chúng tôi. Thật sự mà nói thì Ấn Độ cũng còn tệ lắm, họ tưởng rằng những người đến từ Âu Mỹ là người xứ tuyết, nên máy lạnh trong xe của họ chỉ có hai nấc, mở và tắt. Những thanh niên nam nữ trong phải đoàn trên ngũ, lục tuần đều phải khoác thêmáo lạnh khi bật máy. Nhưng trên đoạn đường này thì không ai còn để tâm than lạnh nữa, vì nếu không mở máy thì phải mở cửa sổ. Mà nếu mở cửa thì phái đoàn sẽ được nhìn thế giới qua màu hồng.......của bụi. Dầu vậy cũng có những chàng bụi hiếu kỳ đã lòn qua khe hở để làm quen với những cánh mũi xinh xinh (đầy nếp nhăn), làm bà con phải sặc và ho dữ dội.

Từ Lâm Tỳ Ni đến Ca Tỳ La Vệ cũng không xa chỉ 19 km mà xe phải chạy gần một tiếng đồng hồ. Và đó cũng chính là nguyên nhân mà chúng tôi đã bị thầy bổn sư khiển trách, khi dẫn phái đoàn thứ hai đến thăm Ca Tỳ La Vệ hơn một năm sau đó. Lần này thì chúng tôi quyết định đi Ca Tỳ La Vệ trước khi ghé lại Lâm Tỳ Ni vì bổn sư chúng tôi có mối liên hệ mật thiết với GS Quốc, nên muốn dừng chân lại Việt Nam Lâm Tỳ Ni Tự một thời gian kha khá. Khi tới ngã ba đường rẽ trái đi Ca Tỳ La Vệ và phải đi Lâm Tỳ Ni. Tôi đinh ninh là gần tới rồi, vì chỉ còn 19 Km thôi mà. Thế là tôi tạm gọi là nhắm mắt dưỡng thần, bất thình lình xe giồng làm tôi thức giấc ngó ra phong cảnh quen quen, tánh nào tật nấy tôi mau mắn buột mồm bảo gần tới rồi, bà con hăm hở lắm. Tôi lại yên chí ‘dưỡng thần’. Qua hai ba lần gần tới của tôi ông cụ bổn sư nhẹ lời ‘mắng yêu’, “mấy chú này thiệt là dỡ quá đi thôi, đã đi rồi đi lại mà còn không nhớ đường“ làm chúng tôi thẹn đỏ cả người. Nhưng cũng may không bao lâu nữa thì xe dừng lại làm tôi nhẹ nhõm.

 Từ chỗ xe đậu phải đi bộ thêm vài phút băng qua một làng quê giống như những làng mạc miền tây, có những rặng tre gai đong đưa trong gió rì rào, có những chú trâu nằm gác mõm trên thành chuồng đưa đôi mắt với hàng mi dài, mà bao thiếu nữ mong mình có được, ngơ ngác nhìn khách bộ hành và dĩ nhiên là có những bãi phân trâu, phân bò trên đường đất đỏ. Phái đoàn bước vào khuôn viên của cố đô Ca Tỳ La Vệ. Lần đầu tiên nhìn thấy Ca Tỳ La Vệ, trong tôi chết đi một phần nào sự hy vọng ở thời gian, nó quá phủ phàng không biết lịch sự với bất cứ ai, không biết vuốt ve mơn trớn một người nào. Thời gian tàn nhẫn xóa đi lịch sử. Tôi còn nghe như văng vẳng bên tai những câu hát của các em trong gia đình Phật tử hát về kinh thành của thái tử Sĩ Đạt Ta, mà hình ảnh đó chỉ còn trong thơ và nhạc. Ngày nay không còn gì nữa cả. Cảnh tiêu sơ làm chạnh lòng người. Một vương quốc mà còn phải chịu sự chi phối của định luật thế gian nữa là những con người bé nhỏ. Nếu ai còn chưa hẳn tin tưởng lời dạy của Thế tôn về sự ‘thành trụ hoại không’ của cuộc đời thì hãy đến Ca Tỳ La Vệ. Vài hòn gạch lơ thơ nằm rãi dài theo bờ kẽm gai sét rỉ. Những tàng cây sum xuê với hoa màu lửa vào những tháng xuân sang, cũng không làm vơi đi sự hoang tàn. Một vài tấm bảng với những hàng chữ ghi lại những nơi quan trọng, chẳng hạn thái tử đã vượt thành từ đây. Từ ngày đó chúng tôi nghĩ rằng mình có thể sẽ không trở lại đây nữa. Trừ một kiếp nào còn xa diệu vợi, khi thời cơ đã đến, khi chính bản thân mình sẽ thị hiện để chuẩn bị chuyển pháp luân. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, có khả năng thành Phật, nhưng lâu hay chậm là tuỳ theo từng cá nhân thôi. Nơi đây cũng có nhiều dấu tích để kỷ niệm những vị Phật thời quá khứ đã thị hiện, như Phật Ca Diếp, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni. Thì chắc chắn rằng một ngày nào đó trong vài ba a tăng kỳ kiếp nữa thì chúng tôi và quý vị cũng được lập bia kỷ niệm. Nhưng dĩ nhiên chúng ta đều phải nổ lực thực hành lời dạy của Thế Tôn.

Ca Tỳ La Vệ  
Một Thời Vang Bóng.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc, 
Thật vui sướng nhiệm mầu, 
Phước Bồ Tát cùng cực, 
Vui chơi trong hoan lạc.

Kinh thành Ca Tỳ La Vệ tuy không phải là một vương quốc lớn nhưng cũng vô cùng trù phú. Tương truyền rằng khi xưa Ca Tỳ La Vệ là một khu rừng hoang, khi đó một vị thánh giả Kapil Gautama (tạm dịch: Ca Tỳ Cồ Đàm) đã khuyên thái tử Ikshwaku đến đó để lập nghiệp. Thái tử được mọi người biết qua tên Shakya đã nghiễm nhiên trở thành Shakya Gautama và đặt tên cho vương quốc của mình là Kapilvastu (Ca Tỳ La Vệ). Thái tử Sĩ Đạt Ta đã xuất thân chính từ dòng dõi này. 
Thái tử đã sống một thời gian trong kinh thành vô cùng hoan lạc. Ngài đã là niềm vui của nhà vua và là niềm an ủi vô vàn; Khi hoàng hậu Maha Maya từ trần sau bảy ngày thái tử đản sanh, nhà vua đã đặt tất cả tình thương vào thái tử. Dì của ngài, Maha Ba Xà Ba Đề đã làm nhũ mẫu nuôi ngài.

Thái tử càng lớn càng thông minh, không bao lâu tất cả các vị thầy dạy ngài về toán học, triết học và binh thư giáo lý v.v tất cả những gì một vị vua tương lai phải biết, đã phải thừa nhận rằng mình không còn gì để truyền đạt nữa. Đôi khi cái nhìn của thái tử còn sâu hơn sự hiểu biết của những vị thái học sinh. Không những ngài có năng khiếu về văn học mà ngay cả các môn thể thao võ nghệ ngài đều thông suốt. Mọi người trong hoàng tộc đều phải công nhận thái tử quả là một người xứng đáng để thừa kế ngai vàng mai hậu. 
Một mùa xuân đẹp trời, sau khi những tia nắng ấm đã xua đi cái lạnh lẽo của một mùa đông khắc nghiệt, vua Tịnh Phạn đã cho mở một hội thi thể thao. Các vương tôn công tử của dòng Thích Ca đã nô nức đi dự cuộc tranh tài, nhất là khi có tin công chúa Da Du Đà La con vua Thiện Giác cũng có mặt trong hàng khán giả. Công chúa nổi tiếng là người đẹp đương thời và bao nhiêu vương tôn quốc thích đều ao ước được mắt xanh nàng lưu ý.

 Quả nhiên tiếng đồn không ngoa, trên hàng khán đài công chúa đã nổi bậc trong màu áo màu xanh nõn nà như cái tuổi của nàng. Ánh nắng ban mai làm hồng đôi má đào tơ, hai cặp mắt thơ ngây đang từ từ đi vào tuổi mộng mơ say mê theo dõi cuộc tranh tài. Sở dĩ nàng hiện diện trong buổi tranh tài ngày hôm nay cũng vì tò mò muốn một lần nhìn tận mắt con người mà các thể nữ của nàng cho là rồng phụng trong loài người. Những câu chuyện về người đó đã được bọn thể nữ chuyền nhau kể và đã đến tai nàng. Trong các chuyện nàng thích nhất là hình ảnh của một thái tử nhỏ mặt mày thanh tú đang ôm một chú thiên nga trắng toát một bên cánh lại trúng tên và màu máu nổi bật trên màu tuyết của những chiếc lông vũ. Con chim không may mắn kia đã bị hoàng tử Đề Bà Đạt Đa bắn rớt và thái tử đã đón được khi nó rơi xuống. Không chần chờ, thái tử đã rút mũi tên và băng bó con chim tội nghiệp kia. Từ đó cô công chúa bé đã có cảm tình với chú thái tử nhỏ nhưng đầy tình thương kia. Ngày qua ngày hình ảnh kia đã thay vào bằng bóng của một chàng thái tử oai hùng với đôi mắt chứa đầy linh mẫn.

Tâm tư nàng bị cắt ngang vì tiếng reo hò vang dậy khi từ xa một đoàn ngựa đang phi đến. Dẫn đầu là thái tử trong một bộ đồ kyã bó sát thân màu hoàng kim. Thân hình chàng như được tạo bằng ánh sáng, từ đôi mắt chàng tia ra những luồng chói lọi, công chúa dường như ngột đi vì cái cảm xúc chợt đến khi bắt gặp ánh mắt của chàng. Con ngựa bạch của chàng có màu lông sáng như bạc, nó khôn ngoan ngừng lại khi thái tử đến đích. Thái tử vung cánh tay rắn chắc và phóng một ngọn lao. Tiếng lao xé gió nghe như tiếng rú của một làn sét, mọi người đua nhau vỗ tay tán thưởng, tiếng cổ võ của khán giả làm rung chuyển một vùng nhưng lạ thay vẫn không át nổi tiếng rú của ngọn lao. Khi ngọn lao rơi xuống, một tia nước từ nơi đó đã phụt ra.

 Trong khi đó thì những vị vương tôn cũng đã lần lượt đến và phóng lao, nhưng không ai nào có thể phóng xa như thái tử. Mọi người đều ào lại để chúc mừng thái tử thắng giải. Trong lúc mọi người vui cười thì quốc thích Đề Bà Đạt Đa lại lặng lẽ bỏ đi trong niệm hận và giận vô biên. Chàng ta lấy làm tức giận và trách Phạm thiên, đã tạo một Đề Bà Đạt Đa lại còn sanh thêm một Sĩ Đạt Ta. Từ bé đến giờ Sĩ Đạt Ta luôn là một cái gai trong mắt của chàng, bất cứ hành động gì mà chàng lỡ phạm đều bị khiển trách và thái tử đều được đem ra làm tấm gương để chàng noi theo. Không có gì đáng chán và đáng bực hơn thế, thay vào lòng xấu hổ ban đầu là lòng tức giận và căm hận. Ngày càng lớn thì niềm hận càng sâu, vì thật sự chàng đâu phải là người không có khả năng, nhưng khổ nỗi thái tử lúc nào cũng hơn chàng, từ diện mạo cho tới tài năng. Trong buổi thi này chàng đã cố gắng đạt giải, để cho mọi người biết rằng Đề Bà Đạt Đa cũng có mặt hơn Sĩ Đạt Ta chứ. Nhưng không may, khi gần đến đích thì vì quá nóng nảy nên chàng đã thả lỏng dây cương hơn, và con tuấn mã của chàng bị vấp! Chàng không còn tâm trí nữa để mà nhìn cảnh mọi người tung hô vạn tuế thái tử đáng hận kia. Trong tư tưởng đăm chiêu chàng bị một thớt voi chận đường, chàng lách sang phải thì thớt voi lại tràn sang phải, chàng lách trái thì con tượng lì lợm kia lại quay sang trái, mặc dầu anh cai voi tha hồ hò hét điều khiển. Bực mình chàng nhìn thớt voi được trang hoàng lộng lẫy kia, chàng hỏi anh cai là voi của ai. Anh cai trong sự vô tư đã trả lời voi đi rước thái tử và lại còn nổ ra một tràng lời ca tụng. Đang cơn hận Đề Bà Đạt Đa vung tay vỗ vào đầu con vật khốn nạn kia, con vật của người mà chàng hận, con voi chỉ kịp rống lên một tiếng ngắn và gục xuống ngay giữa đường bít cả lối đi. Hả nư chàng bỏ đi và nghĩ rằng để xem thái tử sẽ làm sao với con voi chết kia. Trong khi đó thì trên đường xe cộ bị ứ lại và mọi người xôn xao bàn tán về tánh hung bạo của chàng và về sức mạnh đáng sợ kia. Hoàng tử Nan Đà cũng bị chận đường nên rẽ đám đông tiến tới, khi chàng nghe dân chúng thuật lại chuyện con voi bị đánh chết, chàng chỉ cười và hất con voi sang vệ đường để tạo lại giao thông. Sau đó thái tử đến và hỏi tại sao con voi lại chết, mọi người đã thuật lại: ‘chính hoàng tử Đề Bà Đạt Đa đã đánh nó chết và dùng thân nó bịt cửa thành không cho mọi người ra vào, hoàng tử Nan Đà đã hất nó sang bên để dọn đường’. Thái tử trong niềm xót thương đã nâng cao con voi lên và quẳng nó ra khỏi tường của kinh thành. Khi von voi rơi xuống nơi đó đã bị ấn sâu xuống thành một hố sâu và rộng. Mọi người từ đó gọi nơi đó là hố voi rơi.

 Sau cuộc thi thái tử trở về cung điện mùa xuân của chàng. Vừa bước qua ngưỡng cửa, những mùi hương hoa thơm ngát đã làm ngất ngây hồn người. Chàng thích nhất là Xuân Hoa Điện này, nơi đây mỗi khi chàng ngự lại tiếng chim hòa cùng tiếng nước chảy làm cho tâm thần chàng sảng khoái. Những cây hoa đượm đầy cành đua nhau khoe sắc. Chàng đôi khi không hiểu tại sao phụ vương chỉ cho mở cửa điện này trong bốn tháng đầu năm. Dĩ nhiên chàng vẫn thích những cung điện mùa hè mát mẻ với những nền gạch lúc nào cũng được giữ mát lạnh bởi những dòng nước chảy bên dưới nền. Những thân cây bàng tươi mát, những gốc Phong với các nhành lá reo vui trong gió, những cây bách ưởn ẹo như những cô gái đang ẻo lã nô đùa. Lúc nào tai chàng cũng được nghe những tiếng hát ngọt ngào của bọn thể nữ hoà cùng cung điệu của tiếng đàn tiếng sáo. Cung điện mùa đông của chàng cũng không kém đẹp não nùng; đứng bên sau song cửa nhìn xa xa lên ngọn Hy Mã Lạp Sơn trắng xoá, chàng cảm nhận một sự tinh khiết tuyệt trần. Màu tuyết trắng làm thư thái thần kinh của chàng. Trong cung điện mùa đông này mọi màu sắc đều nhắc nhở chàng đến những ngày nắng ấm của những tháng trước. Chiếc thảm nhung đỏ vương giả, những cây cột gỗ cẩn ngọc long lanh, những lò sưởi bập bùng. 
Hầu như chàng đều có cái cảm nhận tự nhiên, khi nào phụ vương sẽ cho người đến vời chàng sang một điện khác và đóng cửa một cung điện mà cái tên của nó đi liền theo với thời tiết của thiên nhiên. Hôm nay chàng cảm thấy tù túng lạ, sau cuộc thi tài ngoài thoáng, cung điện đẹp đẽ của chàng bỗng trở nên chật hẹp. Trái với thông lệ, chàng không tâu qua cùng phụ vương mà cho Sa Nặc thắng xe tứ mã trở ra ngoài cung thành. Sa Nặc đã lanh lẹ cho xe đến và hai chủ tớ ra đi. Mọi người không ai ngạc nhiên khi thấy thái tử lại ra khỏi thành, khi vừa mới trở về. Trong đầu dĩ nhiên ai cũng nghĩ thái tử đi thăm nàng Da Du Đà La kiều diễm vừa mới làm quen sáng nay. Thái tử thì lại không nghĩ gì cả về nàng công chúa kiều diễm kia, tâm trạng chàng hiện giờ chỉ muốn thoát khỏi cái nguyên tắc khắt khao của đời sống vương cung. Nhất nhất phải tuân hành theo thời gian, nên không gian đã dường như cũng bị đong lại làm nghẹn cả buồng phổi chàng. Nhưng tâm tư chàng không phải bận lâu, vì những cảnh sinh hoạt của thần dân làm chàng kinh ngạc vô cùng. Bao nhiêu lần chàng xuất cung nào đâu có những cảnh như ngày hôm nay. Hôm nay đâu là những tà áo hội xinh tươi đẹp đẽ, dân chúng thành Ca Tỳ La Vệ dường như xuống sắc hẳn đi trong những bộ y phục mà chàng chưa từng nghe nói đến chứ nói chi là thấy qua. Những người đàn ông trong những chiếc doti bạc màu và những chiếc áo không còn nhận ra sắc thái nguyên thỉ, dĩ nhiên thấp thoáng đâu đây những màu áo mà chàng quen thuộc. Ngạc nhiên, chàng đã hỏi Sa Nặc: ‘Hôm nay là ngày đặc biệt ư, sao dân chúng Ca Tỳ La Vệ lại trang phục dị kỳ?’. Sa Nặc cũng ngạc nhiên không kém: ۡ thái tử, đây mới là trang phục bình thường của hàng hạ dân. Ngày ngày vẫn là cảnh trạng như thế này không khác’. Thái tử không tin hỏi vặn tiếp: ‘Nhưng những khi trước ta nào thấy cảnh tượng này?’. Sa Nặc vỡ lẽ: ‘Những lần trước vì nhà vua đã ra lệnh cho chúng dân không được làm việc khi thái tử xuất cung và phải y trang thật lộng lẫy để đón chào thái tử’. Trong tâm thái tử bỗng trống trải lạ thường, thì ra từ trước đến nay phụ hoàng đều sắp đặt tất cả, ngài muốn tạo cho ta một cái hiểu biết sai lạc về đời sống của thần dân, là vì lẽ gì? Làm sao ta có thể trị vì khi không hiểu rõ cảnh sinh hoạt của dân mình? Hôm nay ta phải đi khảo sát cho thật tận tường. Thế là chàng cho xe đi khắp các cửa thành, ngắm nhìn dân chúng sinh hoạt, nào kẻ cày người cấy, nào kẻ gánh người khuân, những cảnh chân lấm tay bùn thay nhau hiện ra dưới mắt chàng. Đặc biệt là những người có vẻ khác biệt đều gợi cho chàng không ít tò mò. Chàng đã được giải thích, người nằm kia co quắp chính là ông lão bệnh phong cùi mà Sa Nặc vẫn thường ghé cho mấy mẩu bánh khi hắn về thăm gia đình. Nọ là bà lão làng hạ vì không có con cháu nên vẫn phải ngày ngày lủi thủi lê cái thân ốm yếu run rẩy vào chợ xin cho một buổi ăn. Cảnh thiêu người chết làm chàng hãi hùng hơn cả, trong phút chốc cô thiếu nữ yểu mạng xinh đẹp kia chẳng còn lại gì ngoài những nắm tro bay tản mát trong gió chiều. Tâm tư triểu nặng chàng cho Sa Nặc quay xe về kẻo phụ hoàng chờ mong. Chiều hôm đó, trong bữa ăn chàng luôn luôn nhớ đến những việc mình vừa phát hiện. Đã hai lần chàng không nghe phụ hoàng nói gì phải hỏi lại. Nhà vua ngạc nhiên hỏi chàng có điều gì băn khoăn, chàng chỉ cười: ‘thưa phụ hoàng chỉ vì hài nhi buổi trưa này đã lén cha ra thành, thấy một số cảnh trạng lạ mắt đến giờ vẫn còn nhớ mà thôi’. Nhà vua không nói gì, nhưng hôm sau khi lâm triều ngài đã truyền các quan cận thần bàn phương cách, vì nhà vua vẫn không sao quên lời tiên tri của bậc thánh giả A Tư Đà, nhất là khi nhìn thấy đôi mắt đăm chiêu của thái tử một niềm lo sợ đã len vào xương tuỷ nhà vua. Quan thượng thư liền tâu: ‘tâu bệ hạ, theo hạ thần nghĩ là bệ hạ nên cưới cho chàng một vương phi, khi con vợ đùm đề thì chàng sẽ say trong niềm hạnh phúc của gia đình mà quên đi tất cả chăng!’, thừa tướng cũng thưa: ‘tâu bệ hạ, thần nghe nói nhan sắc của công chúa Da Du Đà La nguyệt thẹn hoa nhường, sáng hôm qua thái tử cũng đã làm quen với nàng. Theo ngu ý, nàng là nhân tuyển thích hợp nhất.’

Hai tháng sau kinh thành Ca Tỳ La Vệ treo đèn kết hoa mừng ngày công chúa Da Du Đà La được phong vương phi. Mọi người đều vui vẻ chúc mừng cặp trai tài gái sắc có một không hai. Chàng thái tử oai hùng làm tăng vẻ yêu kiều của vợ mình và nàng công chuá nhan sắc làm tăng nét dũng mãnh của nhà vua tương lai như mọi người mong đợi. 
Thái tử mãi mê trong niềm vui mới, nàng Da Du Đà La rất mực chiều chồng, một người vợ lý tưởng. Không bao lâu thì niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ được tăng thêm qua tin Da Du Đà La mang thai. Sau khi hoàng tử La Hầu La được sanh ra thái tử cảm thấy đời mình đầy đủ tất cả, vợ đẹp con thơ. Chàng không thấy chán khi nhìn La Hầu La, nó là sự nối kết giữa chàng và nàng, là một sản phẩm của tình yêu hai người. Bỗng nhiên trong niềm vui một hình ảnh đã len lén đi vào tâm khảm của chàng. Hình ảnh của những cảnh già chết mà chàng đã mục kích khi trước. Tim chàng thắt lại, khi nghĩ đến cái thân hình yêu kiều của Da Du Đà La phải bị ngọn lửa thiêu rụi, hay La Hầu La bụ bẫm kia phải gầy nhom dưới cơn bệnh hoành hành. Chàng suy nghĩ đến một con đường đưa những người thân yêu của mình ra khỏi những quy luật của thiên nhiên.

Một buổi sáng khi chàng đang trầm tư theo dõi những suy nghĩ về cách giữ lại những niềm vui vĩnh cửu thì chàng thấy thấp thoáng một bóng vàng ngoài cổng hoàng cung. Từ ngày thái tử mục kích cảnh sinh hoạt hằng ngày của dân chúng, nhà vua không còn ngăn cấm chàng nữa và cửa thành cung cũng không còn im lìm đóng chặt. Cái dáng thong dong kia dừng lại trước cổng hoàng cung, đứng lặng yên. Một con người rất lạ, chàng chưa từng thấy qua bao giờ. Hiếu kỳ chàng gọi một người cận vệ đang đứng gần: ‘này, người kia là ai xem rất lạ, sao ta chưa từng gặp qua bao giờ?’. Tên cận vệ kính cẩn thưa: ‘bạch thái tử, đó là một trong những người Sa Môn, họ là những người lià bỏ đời sống bình thường và đang trên đường đi vào đại thể của Phạm thiên. Họ chỉ mới đến Ca Tỳ La Vệ được hai ngày thôi, thần nghe họ sẽ rời nơi đây ngày mai để tiếp tục lên đường.’ Thái tử vội đi đến gặp người sa môn kia: ‘xin chào sa môn, tại sao ngài lại đứng lặng yên nơi đây’, sa môn kia mắt vẫn nhìn xuống tay nâng bình bát nhẹ nhàng đáp: ‘xin thưa, những người sa môn sống nhờ vào khất thực, tôi đứng đây cũng đang chờ ngài bố thí cho’. Chàng hỏi tiếp: ‘tại sao ngài lại làm Sa Môn mà không sống đời sống gia đình?’ Sa môn đáp: ‘vì tôi muốn thoát khỏi luân hồi, sanh lão bệnh tử.’ ‘Làm sao có thể thoát được?’ thái tử hỏi dồn. ‘Khi đã đi vào đại thể của bậc Phạm thiên thì tất cả sanh già bệnh chết đều dứt’. Nghe được điều đó thái tử vui mừng ra lệnh ban cho sa môn đồ ăn rồi quay vào hoàng cung.

Ngay sau đó chàng đã vào hội kiến nhà vua và tỏ ý định xuất ly của mình. Nhà vua đã sững sờ nghe chàng nói, trong đầu ông ta không ngớt làm việc trong khi những lời phân trần của thái tử chỉ thoáng qua bên tai ông. Trong ông là cả một trời tan vở. Bao nhiêu tháng năm hoài vọng, bao nhiêu công phu giữ gìn, bao nhiêu tâm huyết đã bỏ ra để ngày hôm nay không trở thành sự thật, nhưng tất cả đều không tránh khỏi định mệnh khắt khe! ‘Nhưng ta không thể nào bỏ cuộc, không thể chịu thua trước định mệnh’ ông quyết định như thế. Với tất cả nghiêm nghị ông ta ra lệnh: ‘ta không cho phép con bỏ tất cả trách nhiệm, giang san này, gia đình này và con nhỏ của con!’ Thái tử liền thưa: ‘chính vì trách nhiệm mà con phải ra đi, không những đối với quốc gia này mà còn đối với tất cả mọi người, chính vì tất cả những người thân mà con phải ra đi. Cha à, cha có thể cho con những gì? Cha với quyền uy của một vị vua có thể giữ cho tất cả mọi người đều tươi trẻ vĩnh cửu chăng, có thể ban bố cho thần dân sức khoẻ tương tục không, và quan trọng hơn hết có thể giữ mạng của tất cả mọi người đời đời không? Những gì quý nhất đã không giữ được thì còn giữ gì nữa chứ. Cha có thể giữ xác thân con nhưng còn tâm hồn con thì sao, con sẽ héo mòn trong cung cấm’. Nhà vua trong cơn thất vọng không muốn nghe thái tử nói thêm, ngài khoác tay ra hiệu cho chàng lui ra và ra lệnh cho lính canh đóng các cửa thành, không cho bất kỳ một ai xuất thành mà không có lệnh nhà vua. Thái tử sau khi thấy vua cha không vui, ngài đã cúi đầu chào biệt trong niềm thương tiếc, ngài cũng tự nhủ đây là cái chào để ra đi, chàng tự nhủ sẽ trở về khi đạt được giác ngộ giải thoát. 
Tin thái tử muốn xuất gia loan đi trong hoàng thành như một đám cháy, như một bệnh dịch nguy hiểm. Mọi người đều phập phòng, hồi hộp và lo sợ. Nàng Da Du Đà La đã sướt mướt trách chàng không thương tưởng vợ con. Hoàng Hậu Maha Ba Xà Ba Đề đã khuyên chàng nghĩ đến công ơn vua cha và để vận mệnh quốc gia trên hàng đầu. Nhưng một khi thái tử đã quyết chí thì không có gì ngăn cản chàng được nữa. Chàng không nói gì cả sau những lời trách móc, khuyên lơn. Chàng ra lệnh bày yến tiệc. Mọi người nghĩ rằng chàng muốn nhận chìm sự thất vọng không toại ý trong chum rượu, nên đã tích cực tham gia vào cuộc vui đêm. Hoàng cung như tưng bừng ngày tết đến, đàn ca rượu thịt ê hề. Quá nửa đêm mọi người đều say mèm, duy chỉ có tên giữ ngựa Sa Nặc là tỉnh táo vì đã được thái tử dặn trước, con ngựa Kiền Trắc cũng đã yên cương sẵn sàng. Trời chưa sáng tỏ chàng đã cùng Sa Nặc lên ngựa vượt thành đông.

 Tiếng vó ngựa nện đều trên đường đất giữa cảnh tịch mịch của đêm khuya, làm chàng nhớ lại hình ảnh đứa con thơ nằm ngủ vùi trong tay vợ. Hình ảnh này chàng ghi sâu vào tâm khảm và nguyện sẽ đem lại niềm vui vĩnh cửu cho con, đứa con yêu dấu của chàng. Cuối cùng chàng cũng đã ngoái đầu lại để nhìn hình ảnh cung thành Ca Tỳ La Vệ lần sau cuối, trước khi cho ngựa đi vào một khúc quanh của đoạn đường còn lại mà cũng là của cuộc đời chàng.

Ca Tỳ La Vệ 
theo Dòng Lịch Sử.

 Ca Tỳ La Vệ là một di tích lịch sử quan trọng của Phật Giáo. Thái tử Sĩ Đạt Ta đã sống nơi đây một thời gian dài (theo nguyên thỉ 29 và theo Đại Thừa 19 năm). Không những chỉ thái tử mà còn những vị Phật trước cũng có vị đã thị hiện đản sanh và niết bàn ở vùng này. Thành Ca Tỳ La Vệ phải nói là đã đi vào sụp đổ ngay sau khi thái tử Tỳ Lưu Ly đánh phá và giết chết hầu hết dòng họ Thích Ca. Đây là một bi kịch cho chúng ta thấy rõ những cực đoan của xã hội Ấn Độ ngày xưa cũng như ngày nay.

 Tương truyền vào thời đức Phật vua dòng Ikshvaku tên Prasanjit (Ba Tư Nặc) vì muốn bang giao với dòng họ Thích nên đã cho người đến để cầu hôn. Ngược lại, dòng họ Thích lại cho rằng vua Ba Tư Nặc không phải thuộc dòng Sát Đế Lợi nên không muốn gã công chúa, nhưng vì khiếp phục nước Kosala là một cường quốc nên đã cho Vasbhaktiya, một thị nữ, cải trang làm công chúa về với vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc đã phong nàng làm hoàng hậu và không lâu sau đông cung thái tử Tỳ Lưu Ly được sanh ra. Khi Thái tử Tỳ Lưu Ly trưởng thành và muốn về thăm quê ngoại, bà Vasbhaktiya hết sức cản ngăn, nhưng chàng nhất định đi. Thái tử Tỳ Lưu Ly cũng được tiếp đón theo thể chế của một quốc khách và được cho ngụ tại sứ quán. Khi thái tử ra về thì sứ quán được rửa bằng sữa tươi. Một người hầu của thái tử vì bỏ quên đồ và trở lại sứ quán đã chứng kiến cảnh này về thuật lại cho thái tử. Chàng ta vô cùng tức giận và nguyền rằng không phải chỉ rửa sứ quán mà sẽ rửa cả Ca Tỳ La Vệ bằng máu.

Sau đó chàng đã âm mưu tướt ngôi vua nhân dịp nhà vua đi thăm đức Phật để nghe giảng pháp. Khi vua hay tin này đã phải chạy đi Ma Kiệt Đà để lánh nạn nhưng không may giữa đường thì băng hà. Thái tử Tỳ Lưu Ly đã ba lần mang quân đi đánh Ca Tỳ La Vệ nhưng hai lần đầu đều bị đức Phật ngăn cản. Truyền thuyết ghi lại rằng khi thái tử đem binh đi lần đầu đã gặp đức Phật ngồi giữa đường dưới một tàng cây khô. Thái tử ngạc nhiên hỏi tại sao thế tôn lại ngồi dưới một tàng cây không có bóng. Đức Phật nói rằng: © bệ hạ, cái bóng mát của giai cấp vô cùng thoải mái.’ Nghe xong câu nói đầy ý nghĩa này chàng đã lui binh. Trong lần thứ ba thì chàng đã thành công. Thành Ca Tỳ La Vệ đã rửa bằng máu của dòng họ Thích, chỉ một số ít là thoát chạy đi đến vùng Kathmandu. Ngài Huyền Trang ghi rằng số tử vong lên đến 9990, cho đến đứa trẻ sơ sinh cũng không thoát khỏi lưỡi gươm quái ác kia. 
Từ đó Ca Tỳ La Vệ đã trở thành một nơi hoang dã, dầu vậy vẫn có một số người vì cảmnhớ ân giáo dưỡng của đức Phật mà đã đến đó xây những đền kỷ niệm. Tuy nhiên không một di tích lịch sử liên quan đến cuộc đời của đức Phật nào hoang tàn như nơi đây. Có lẽ phải vài mươi năm nữa, Ca Tỳ La Vệ mới trở thành một trung tâm chiêm bái. Dầu vậy, những học giả chiêmbái thời xưa đã không ngại gian lao tìm đến nơi này và giữ lại những kỷ niệm qua nét bút nên chúng ta mới có cơ hội tìm về vết xưa và xin hãy đứng yên nơi đây cho dòng tư tưởng dõi theo những ký sự xa xưa. 
Khi ngài Pháp Hiển đến Ca Tỳ La Vệ thì nơi đây có: “Những ngọn núi đầy tuyết trắng của dãy Hi Mã Lạp Sơn nhìn xuống Ca Tỳ La Vệ, một thành phố nằm dọc theo bờ dòng sông. Những bức tường đổ nát bằng gạch được bao bọc bởi một hào thành. Những bức tường của cung thành thì lớn hơn và biểu hiện một trung tâm văn hoá cao. Ngài đã đến Ca Tỳ La Vệ, một nơi không có vua và không có cả thần dân. Ranh giới của thành phố được nhận biết qua những bờ thành mục nát. Một vài tăng sĩ và một số tín đồ đang ở đây. Đây là nơi mà thái tử Tất Đạt Đa đã mục kích một người già, và đây là cửa thành đông, nơi thái tử đã ra đi bỏ lại sau lưng những dục lạc dương trần. Đây là nơi mà ngài A Tư Đà thiền định. Nơi mà Đề Bà Đạt Đa đã giết chết con voi. Đây là nơi mà mũi tên của thái tử đã ghim xuống sau đoạn đường bay trên 30 lý (4,8 dặm) và nơi đây đã phun lên một vòi nước, cũng là nơi mà 500 người họ Thích quy y theo Phật giáo. Những nơi như đất rung động sáu lần, nơi đức Phật đã gặp vua cha sau khi giác ngộ, nơi đức Phật giảng pháp cho chư thiên, nơi trời Đế Thích Indra đã đứng hầu Phật và nơi mà Tỳ Lưu Ly sát hại dòng họ Thích, tất cả những nơi này đều được các tín đồ Phật Giáo xây đền kỷ niệm.Ϡ

 Tây Du Ký của ngài Huyền Trang ghi chép tận tường hơn: “Nước này có một chu vi khoảng hơn 4000 lý. Trong đó có trên 10 thành phố đều hoang phế và điêu tàn tột độ. Thủ đô cũng bị đất lấp và đổ nát. Cấm cung nằm trong thủ đô và có chu vi khoảng 14, 15 lý. Hoàng cung được xây dựng bằng gạch đỏ. Những nền tường vẫn còn cứng cáp và cao. Nơi nầy có lẽ đã bị bỏ phế từ lâu. Những làng mạc có dân cư rất là ít và tiêu điều.

 Nơi đây không có ai trị vì cả; mỗi một phố có một người trưởng phố riêng. Đất đai rất là mầu mỡ và được khai thác theo từng mùa. Người dân ở đây rất là hiền và ngoan ngoãn. Có lẽ có trên 1000 tăng xá bị bỏ hoang. Gần nơi cung thành vẫn còn một tăng xá có khoảng 3000 phật tử đang tu học theo truyền thống tiểu thừa. 
Ở đây cũng có một số đền thờ Đế Thích và được cúng tế (đồ thịt sống). Bên trong hoàng thành còn những tường nhà đổ nát. Có lẽ đây là cấm cung của vua Suddhodana (Tịnh Phạn) vì một ngôi đền với hình ảnh nhà vua đã được dựng lên nơi đây. Không xa mấy là tàn tích của nơi mà hoàng hậu Ma Ya cư ngụ. Trên nền đã cũ người ta đã xây một ngôi đền có hình hoàng hậu.

Bên hông ngôi đền này là nơi bồ tát đã thị hiện vào trong thai của hoàng hậu. Cảnh này cũng được vẽ lại bên hông tường của ngôi đền. Theo truyền thống Mahasthavira thì bồ tát đã hạ thai vào đêm 30 của tháng Uttarashadha - tương đương với ngày 15 tháng 5 theo lịch của ta [Trung Quốc]. Những trường phái khác thì ghi rằng sự kiện đã xảy ra vào ngày 23 cùng tháng - tương đương với mùng tám lịch ta. 
Phía đông bắc của hoàng cung là một ngôi tháp, kỷ niệm nơi nhà tiên tri A Tư Đà đã chiêm đoán cho thái tử. Vào ngày thái tử hạ sanh có những điềm lành đã xảy ra. Vua Tịnh Phạn đã cho gọi tất cả các chiêm tinh gia lỗi lạc và phán rằng: ‘Hãy tôn trọng đứa bé này, những điềm gì tốt và những điềm gì xấu? Các ngươi hãy trả lời ta thật rõ ràng“. Họ đều đáp: ‘Theo dự đoán của chúng thần thì có rất nhiều điều vô cùng đặc biệt. Nếu thái tử sống ở đời thế tục người sẽ trở thành một bậc chuyển luân thánh vương; nếu người xuất gia sẽ trở thành một vị Phật’. 
Khi đó A Tư Đà cũng từ xa đến, đứng trước cổng thành xin vào gặp mặt nhà vua. Nhà vua vô cùng mừng rỡ đã thân hành ra rước và lễ ngài sau đó đã thỉnh ngài ngồi vào một ghế đặc biệt rồi nói: ‘Trẫm nghĩ rằng một đại thần tăng như ngài không phải đến đây không có nguyên do’. Tiên ông đáp: ‘Tơi đang nghỉ (hay đang ngủ qua mùa hè) trong cung thành của Đế Thích, bỗng nhiên thấy vô số chư thiên đang nhảy múa vui mừng. Tôi đã hỏi tại sao họ lại vui mừng như chưa từng có thế này, khi đó họ đáp: hỡi tiên ông ngài hãy biết ngày hôm nay nơi cõi Nam Diêm Phù Đề hoàng hậu Maya đã sanh cho vua Tịnh Phạn dòng họ Thích một thái tử, người sẽ đạt được giác ngộ giải thoát hoàn toàn, sẽ trở thành một vị toàn giác. Khi nghe đều đó tôi liền đến để chiêm ngưỡng thái tử; Ô hô, tuổi tôi đã quá già để chờ đợi xem quả vị thiêng liêng.“

 Nơi cổng nam của hoàng thành cũng có một tháp, nơi đánh dấu thái tử sau cuộc thi với các hoàng tử dòng họ thích đã ném con voi đi xa. Thái tử đã thi đấu với các hoàng gia nơi công cộng và đã bỏ xa tất cả trong mọi lãnh vực. Đại đế Tịnh Phạn đã chúc mừng ngài liền trở về cung thành. 
Khi đó một tên nài đang cho con voi chuẩn bị rời khỏi cung thành. Đề Bà Đạt Đa lúc nào cũng tự kiêu về sức khoẻ của chàng, đang bước vào cổng thành và hỏi tên nài voi: ‘Ai sẽ cỡi con voi được trang hoàng lộng lẫy như thế này’. Tên nài đáp: ‘Thái tử sắp trở về, và thần đang trên đường đi đón ngài’. Đề Bà Đạt Đa trong lòng ghen tức đã kéo con voi xuống đập vào đầu nó và đá vào bụng nó, sau đó thì bỏ con voi giữa đường không cho ai đi qua được. Bởi vì không ai có thể di chuyển con voi nên số người bị kẹt lúc càng đông. Khi đó Nan Đà cũng đến và hỏi: ‘Ai đã giết con voi?’ họ đáp: ‘chính Đề Bà Đạt Đa’. Nan Đà đã hất con voi qua một bên đường. Sau đó thì thái tử cũng đến và hỏi: ‘Ai đã nhẫn tâm mà giết con voi như thế này?’. Mọi người đáp: ‘Đề Bà Đạt Đa đã giết và dùng nó để lấp đường, sau đó thì Nan Đà đã hất nó sang bên để dọn đường’. Thái tử khi đó liền nhấc bổng con voi lên và quăng nó ra khỏi bờ thành. Nơi con voi rơi xuống trủng thành một hố sâu và rộng. Từ đó người ta quen gọi nơi đó là hố voi rơi. 
Bên hông nơi này là một ngôi đền có tượng của thái tử. Kế bên ngôi đền này lại là một ngôi đền, nơi hoàng phi và thái tôn ngủ. Trong đó có hình của hoàng phi Da Du Đà La và thái tôn La Hầu La. Bên hông ngôi đền này lại là ngôi đền có hình chú bé đang học. Nó đánh dấu nền đá cũ của thái miếu, nơi các vị hoàng tử học tập. 
Phía đông nam của kinh thành là một ngôi đền thờ tượng thái tử đang cỡi trên một con tuấn mã trắng. Đây là nơi thái tử đã rời cung thành. Bên ngoài mỗi cổng thành đều có một ngôi đền, mỗi ngôi đền đều có tượng của một lão già, một người bệnh, một người chết và một sa môn. Đó chính là những nơi mà thái tử trên đường du ngoạn đã mục kích các cảnh lão bệnh tử và sa môn. Khi đó thái tử mất cả những nhả hứng của chuyến đi và quyết định quay về trong niềm suy tư đầy đạo vị.

 Phía đông bắc cách cung thành khoảng 40 lý có một ngôi tháp đánh dấu sự kiện thái tử trong một ngày lễ hạ điền, đã ngồi dưới gốc cây và đạt được sơ thiền. Nhà vua đã chứng kiến cảnh thái tử ngồi trầm lặng dưới gốc cây trong khi ánh dương quang chiếu rọi chung quanh ngài, trong khi bóng cây hoàn toàn không xê dịch. Nhà vua vô cùng lo lắng khi nhận ra thái tử có một đời sống nội tâm cao. 
Phía đông nam của cung thành có trăm ngàn ngọn tháp, đáh dấu nơi dòng họ Thích bị sát hại. Vua Tỳ Lưu Ly đã đánh chiếm và bắt tất cả dòng họ Thích 9990 người sau đó ra lệnh xử chém tất cả. Thây họ chất thành đống như rơm và máu họ chảy thành hồ. Các vị Đế Thích đã kích động lòng người để họ thu thập xương tàn mà đem chôn.

Phía tây nam của nơi dòng họ Thích bị tàn sát có bốn ngôi tháp nhỏ. Đây là nơi bốn người dòng họ Thích đã chống lại một quân đội. Ban đầu khi vua Ba Tư Nặc (cha của Tỳ Lưu Ly) gởi một sứ thần sang để tìm bang giao với dòng họ Thích qua một cuộc hôn nhân. Dòng họ Thích cho rằng nhà vua không phải thuộc người trong tộc nên đã gã cho nhà vua một đứa con của người thị nữ và kèm theo của hồi môn rộng rãi. Vua Ba Tư Nặc đã phong bà làm hoàng hậu và phong con bà Tỳ Lưu Ly làm thái tử. Khi lớn lên thái tử Tỳ Lưu Ly muốn về thăm cậu để học hỏi với các hoàng tử họ Thích. Khi đến phía nam của hoàng thành chàng thấy một giảng đường mới nên cho xe dừng lại. Những người dòng họ Thích biết thế nên đã đuổi chàng: ‘Vô lễ kẻ hạ tiện kia! dám choáng chỗ của người dòng họ Thích, nơi để đón rước đức Phật’ 
Sau khi lên ngôi Tỳ Lưu Ly quyết định trả thù. Ngài đã triệu tập quân lính và chiếm đóng nơi này. Bốn người dòng họ Thích đang tát nước dưới ruộng đã đứng ra chống lại quân đội và đánh đuổi không cho họ xâm nhập hoàng thành. Những người trong tộc nghĩ rằng họ là dòng dõi của những vị vua và không thể chấp nhận một hậu duệ của dòng vua có thể hành động thô lỗ dã man như giết hại một cách không nhân nhượng nên đã đuổi bốn người kia đi và cho rằng họ đã làm nhơ danh của dòng tộc. 
Bốn người kia đã đi về phía bắc, nơi có những ngọn núi tuyết và trở thành bốn vị vua của Bamya, Udyana, Himatala và Sambi [Kosambi?]. Dòng dõi của họ đã được truyền nối không gián đoạn.

Phiá nam của thủ đô khoảng 3 hay 4 lý là một vườn cây Ni Câu Đà (Nyagrodha) [?] nơi thế tôn sau khi thành đạo đã hội ngộ với vua cha và giảng dạy giáo pháp. Vua Tịnh Phạn hay tin thái tử đã chiến thắng ma quân và du hành khắp mọi nơi để truyền trao giáo pháp của mình, bỗng nhiên cảm thấy nhớ ngài và muốn gặp lại thái tử cũng như tỏ bày lòng tôn kính. Nhà vua đã gởi một sứ thần đến gặp Như Lai với lời nhắn: ‘Trước kia người đã hứa, khi đắc đạo giải thoát sẽ trở về quê nhà. Những lời hứa kia đến nay vẫn chưa được thực hiện; bây giờ chính là lúc người hạ giá đến thăm ta.’ Sứ thần đã đến gặp Phật và chuyển lại lời của vua. Như Lai đáp: ‘trong vòng bảy ngày ta sẽ về lại quê’. Sứ giả quay về và thông báo cho nhà vua. Vua Tịnh Phạn đã ra lệnh rãi nước, quét dọn, rãi dầu thơm và trang hoàng đường xá bằng những loại bông hoa. Đến ngày nhà vua đã cùng đoàn tuỳ tùng ra khỏi hoàng cung 40 lý xuống xe và đợi tăng đoàn. Khi Như Lai đến thì có tám Kim Cang Thủ bồ tát đi kèm, bốn bị thiên vương đi trước, những vị đế thích và trời cõi dục giới đi phiá bên trái, những vua trời phạm thiên và đế thích cõi sắc giới đi phiá bên phải. Những vị tỳ kheo đi phiá sau thế tôn. Trong đoàn tuỳ tùng, đức Phật xuất hiện như mặt trăng sáng giữa muôn sao. Trí tuệ của ngài làm rung chuyển tam giới, hào quang của ngài làm mờ cả ánh sáng của bảy hành tinh [trời, trăng và năm hành tinh]. Ngài đã trở về sinh quán của mình trong ánh hào quang như thế. Sau khi nhà vua và các quan ra mắt ngài họ đều trở về hoàng cung, họ đã nghỉ lại tại vườn cây Ni Câu Đà (Nyagrodha). 
Không xa bên hông của tăng xá là một ngôi tháp kỷ niệm nơi đức Phật khi ngồi dưới gốc cây lớn hướng mặt về phương đông đã nhận một tấm y bằng chỉ kim tuyến của dì và cũng là nhũ mẫu của ngài dâng cúng. Không xa nơi đó là một tháp khác đánh dấu nơi đức Phật cảm hóa tám vị vương tử cùng năm trăm người họ Thích. 
Bên trong cổng thành đông phía bên trái của đường cũng có một ngôi tháp, nơi thái tử Sĩ Đạt Ta đã chơi các cuộc thể thao.

Bên ngoài thành là một ngôi đền thờ Đế Thích Isvara. Trong đền có một bức tượng đế thích trong tư thế đang khởi người dậy từ trạng thái quỳ. Đây là ngôi đền mà khi thái tử còn sơ sanh đã vào. Vua Tịnh Phạn sau khi đi đến vườn Lâm Tỳ Ni để gặp thái tử trở về, khi đi ngang qua ngôi đền nhà vua đã nói: ‘Ngôi đền này nổi tiếng là linh thiêng. Những đứa trẻ dòng họ Thích đều cầu sự gia hộ của thần đền và cúng dường những gì thần yêu cầu. Chúng ta phải đem thái tử đến đây để cúng bái.’ Khi đó người vú bồng thái tử vào đền, bỗng nhiên bức tượng đứng dậy và chào thái tử. Khi thái tử đi khỏi thì bức tượng trở về nguyên vị. 
Bên ngoài cửa thành nam phía bên trái đường là một ngôi tháp đánh dấu nơi thái tử đã cùng các hoàng tử tranh tài và mũi tên của ngài đã chẻ đôi cái đích bằng sắt. 
Từ nơi tháp này đi về phía đông nam 30 lý có một ngôi tháp khác. Nơi đây có một vòi nước, nước nơi đó trong như mặt gương. Đây chính là nơi mũi tên của thái tử sau khi chẻ đôi cái đích đã ghim sâu xuống, từ đó một vòi nước đã chảy ra. Thông thường người dân ở đây gọi đó là tiễn tỉnh (Sarakupa). Những người bệnh phần đông nhờ uống nước này mà được khỏi. Một số người đã đến từ phương xa để lấy một chút bùn nơi đây mà đắp lên chỗ đau của họ cũng đều lành lặn.

Dĩ nhiên từ ngày ngài Huyền Trang chiêm bái Ca Tỳ La Vệ đến nay đã trải qua bao nhiêu thế kỹ, bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời đã xảy ra. Hai thế chiến lớn đã nối tiếp nhau khai mở và kết thúc, biết bao tang tóc và đau thương đã chất chồng trên chuỗi ngày khắt khoải. Ca Tỳ La Vệ cũng không nằm ngoài định luật đào thảy vô tình của thiên nhiên. Ngày nay nếu chúng ta đến đó thì chỉ có những bụi cỏ hoang dại và những hàng cây không thành hàng, bởi không người chăm sóc, chào đón chúng ta. Những ngôi tháp mà ngài Huyền Trang đã miêu tả chỉ còn là hình ảnh của ngàn xưa, giống như ta đọc truyện của Kim Dung rồi đi sang Trung Quốc để tìm vẻ đẹp của Tô Hằng nhị châu mà ông ta đã diễn tả là tiên cảnh ở nhân gian. Ngay cả khi phái đoàn của ngài Minh Châu sang chiêm bái hơn 20 năm về trước, nơi đây cũng chẳng còn gì, ngoài những “đồi rất cao có thể là đền đài ngày xưa. Hiện tại toàn vùng bị cây cối mọc bao trùm. Chúng tôi chỉ thấy xa xa một khu rừng rậm rạp. Đến gần nhìn thấy nhiều gạch đá vụn, có lẽ đây là một khu nhà rộng lớn của thành.

Những Di Tích. 
Ca Tỳ La Vệ:  
Dĩ nhiên di tích đầu tiên chính là Ca Tỳ La Vệ. Ngày nay chúng ta đến đây có thể nhìn lại một góc tường của thành tây và một hàng gạch với tấm bảng ghi rằng: đây là cửa thành đông nơi thái tử đã thoát ra khỏi kinh thành để tìm đường xuất gia. Ngoài ra những nhà sử khảo cổ học vẫn còn chưa nhất trí với nhau về địa thế của Ca Tỳ La Vệ. Hiện nay có hai nơi được nghi ngờ là Ca Tỳ La Vệ, thứ nhất nằm tại Nepal cách Lâm Tỳ Ni 27 km về phía tây và Taulihawa 4,8 Km về phía tây bắc (đây là Ca Tỳ La Vệ mà tôi đã viếng thăm và ngay cả ngài Minh Châu và phái đoàn cũng đã đến). Ngoài ra còn một địa thế tên là Piprahwa thuộc vùng Basti của tiểu bang Uttar Pradesh, cách nhà ga Naugarh trên chuyến đường Gorakpur Gonda 25 km và cũng cách Ca Tỳ La Vệ tại Nepal 25 Km nhưng không có gì để có thể khẳng định nơi nào là đúng cả. 

Niglihawa. 
(Nơi kỷ niệm Câu Na Hàm Mâu Ni Phật): cách Ca Tỳ La Vệ khoảng 6 hay 7 km về hướng bắc. Nơi làng này có một hồ nước vây phủ bởi những bụi cây. Bên hồ nước người ta đã tìm thấy hai phần trụ đá của A Dục vương vào năm 1895. Phần trên của trụ dài hơn khoảng 4m5 và phẳng, đã được tìm thấy nằm trong lòng đất. Trên nó có hình hai con công và hàng chữ của ngài Ripu Malla. Những dòng chữ trên phần trên của trụ gồm hai phần một là câu ‘Om Mani Padme Hum’ (Án Ma Ni Bát Di Hồng) của Đại Thừa giáo và hai là ‘Shri Ripu Malla, người đã chiến thắng từ lâu, 1234 (thời đại Saka = 1312 tl). Phần dưới của trụ 1m52 ghim sâu dưới đất và nghiên về phiá tây. Phần này lú khỏi mặt đất khoảng 0m76 và mang hàng chữ: 
1. “Đức vua Priyadarsin vào năm trị vì thứ 14 đã tu bồi lần thứ hai tháp thờ Phật Câu Na Hàm Mâu Ni và vào năm trị vì thứ 20 đã thân hành đến đây để dựng trụ đá kỷ niệm và lễ bái. (do V.Smith dịch) 
2. “Vua Priyadarsin vào năm trị vì thứ 14 đã tu sửa tháp thờ Phật Câu Na Hàm Mâu Ni lớn gấp đôi nguyên khổ và đã đến để lễ bái vào năm trị vì thứ 20. (do E.J. Thomas dịch)

 Làng Niglihawa được công nhận trong quá khứ là xóm dưới của tỉnh Shobawati, nơi Phật Câu Na Hàm Mâu Ni hạ sanh. Tương truyền thân Phật cao 9m1 và tuổi thọ ngài đến 30 ngàn năm. Câu Na Hàm Mâu Ni là vị Phật thứ 23 trong cõi Nam Diêm Phù Đề. 
Mặc dầu vậy vẫn có những sự chênh lệch trong vấn đề phân định chỗ kỷ niệm của ngài. Trong khi nơi này nằm khoảng 8 dặm về phía tây của Ca Tỳ La Vệ thì ngài Pháp Hiển ghi nhận rằng nơi Phật Câu Na Hàm Mâu Ni hạ sanh nằm cách Ca Tỳ La Vệ về phía nam không quá 8 dặm và ngài Huyền Trang lại cho là nơi đó phải nằm về phía đông bắc của nơi Phật Câu Lưu Tôn hạ sanh khoảng 30 lýẠ. 
Trong ký sự của ngài Pháp Hiển không nhắc gì đến một trụ đá, trong khi ngài Huyền Trang ghi nhận có trụ đá đầu sư tử. Ngoài ra người ta còn phát hiện nơi đây nền đá của ngôi tháp xưa. Chính trụ đá vua A Dục nơi đây đã xác nhận vị trí đản sanh của Phật Câu Na Hàm Mâu Ni và gián tiếp giúp việc xác định vị thế của Ca Tỳ La Vệ.

Gotihawa.  
(nơi đản sanh Phật Câu Lưu Tôn): Đi từ Ca Tỳ La Vệ về phía tây nam khoảng 4 km là làng Gotihawa, Phật Câu Lưu Tôn đã thị hiện nơi đây. Vị Phật thứ tư trong hàng bảy vị Phật quá khứ. Ngay trung tâm làng là trụ đá vua A Dục. Không may phần trên của trụ đã bị gãy đổ và không tìm ra được. Phần còn lại cao khoảng 3m04, đường chu vi khoảng 2m6. Cây trụ được dựng nên để kính mừng sự ra đời của đức Phật nhưng ngày nay nó đã đánh mất vẻ hào nhoáng của thời xa xưa. Cũng chính nơi này người ta tin rằng đức Phật Thích Ca sau khi giác ngộ đã trở lại và gặp vua cha. Cây trụ này được nhà khảo cổ Carllyle phát hiện vào năm 1904. 
Gần trụ đá về phía nam có một cái bể (bồn) dưới đáy bể lại có một căn hầm kỳ lạ được đậy bằng một thớt gỗ. Tương truyền rằng vị thủ tướng tiền nhiệm của Nepal đã tìm đến để khám phá sự bí mật nhưng rốt cuộc đành phải lấp lại như cũ. 
Bên phiá tây của bể cũng còn một số tàn tích của một ngôi đền. Nhưng đến nay những nhà khảo cổ cũng chưa tìm ra dấu tích của ngôi tháp mà vua A Dục đã dựng nên như trong du ký ngài Huyền Trang có ghi chép. Năm 1898 Waddell và Mukerjee có đào bới được một số nền đá và nghi rằng đấy chính là di tích của ngôi tháp, nhưng không thể nào xác định chính xác, vì chung quanh Ca Tỳ La Vệ có vô số tháp như ngài Huyền Trang đã miêu tả.

Kudan. 
(Nơi Đức Phật gặp vua Tịnh Phạn - Vườn cây Nigrodharna): Cách Tulihawa khoảng 1km về hướng tây nam là làng Kudan. Nơi đây ông P.C.Mukherjee đã khai quật được nền móng của những bức tường và một số bể nước. Ông ta cho rằng đây chính là di tích của vườn Nigrodharna nơi vua Tịnh Phạn gặp đức Phật. Nhưng di tích này cũng có thể là phần còn lại của ngôi tháp kỷ niệmnơi bà dì ngài đã dâng chiếc y kim tuyến. Nhưng không có một yếu tố tiêu biểu nào để xác định rõ ý nghĩa của từng nơi cả. Debal Mitra đã tiếp nối việc đào bới nơi này và đã phát hiện ra một ngôi đền bằng gạch nung vào thế kỷ thứ 8. Những viên gạch này đều mang nhiều hoa văn đẹp tuyệt vời. Ngoài ra Kudan vẫn được nghi là nơi đản sanh của Phật Câu Lưu Tôn. Mukherje đã y cứ vào tài liệu của hai nhà chiêm bái Pháp Hiển và Huyền Trang để khẳng định rằng nơi đản sanh của Phật Câu Lưu Tôn phải nằm tại Pipari cách Taulihawa 4km8 về hướng tây nam.

Ngoài ra còn có truyền thuyết cho rằng Kudan chính là nơi nghị viện của vua Tịnh Phạn và nơi đây đã từng có tượng của đức Phật nhưng về sau lại bị Adi-Shankaracharya thay thế vào đó bằng một biểu tượng Linga (một hình ảnh dương vật tượng trưng cho thần Shiva). Dân làng bảo rằng có những khai quật đã được thực hiện nhưng rất khó mà đem các di tích lên và sau đó đã bị cát lấp trở lại. Dầu vậy người ta vẫn tin chắc rằng đã tìm ra ngọn của một ngôi tháp hay của một trụ đá.

Sagarhawa.  
(Nơi dòng họ Thích bị tàn sát): Từ Taulihawa đi về phiá bắc 5km chúng ta sẽ đến một khu rừng, nằm giữa khu rừng là một cái bể hình chữ nhật dài có tên là Lambu Sagar. Di tích này đã được nhà khảo cổ người Đức tiến sĩ Fóhrer phát hiện, khi ông ta được giao phó cho việc phụ tá thiếu úy Bir Jung người Nepal phụ trách về việc khai quật, vào năm 1898.

 Nơi này được ghi nhận là nơi thái tử Tỳ Lưu Ly, vua của nước Kosala, đã tàn sát dòng họ Thích. Nơi đây còn có 17 ngọn tháp cổ và một di tích dài. Những tảng đá mang hình hoa sen nở và các vũ khí thời xa xưa cũng được tìm thấy nơi đây. Căn cứ vào đây ông V.Smith và nhiều học giả khác cho rằng nơi đây có thể có ngôi tháp kỷ niệm cuộc chiến tranh hay ít ra kỷ niệm những người đã hy sinh trong trận chiến. Bên dưới những tảng đá họ còn phát hiện ra những hòm chứa đồ cổ quý giá. Trong một rương bằng đất nung phát hiện trong một ngôi tháp còn có xương xá lợi, một tượng rắn bằng vàng và bạc, đá quý và đồ trang sức, một ít hột gạo, v.v. Người ta tin rằng đó là xương của ngưòi dòng họ Thích bị Tỳ Lưu Ly giết.

Baradhawa. 
(giếng tên rơi - tiễn tĩnh): Cách Taulihawa 6km4 về hướng tây nam là làng Baradhawa, nơi đã được phát hiện một số di tích cổ xưa. Người ta tin rằng nơi đây có ngôi tháp chứa xá lợi của chính đức Phật. Không xa nơi này là một bể nước được xác định là nơi mũi tên của thái tử Sĩ Đạt Ta đã ghim xuống trong cuộc thi tài ngày xưa. Nhưng dĩ nhiên có nhiều điểm đáng nghi ngờ về vị trí này, bởi vì trong ký sự của hai ngài Pháp Hiển và Huyền Trang có những sai biệt nên rất khó mà xác định cho đúng.

 Ngoài ra còn có một số làng quanh vùng được phát hiện có di tích lịch sử như làng Hardewa cách Taulihawa 5km về phiá nam, làng Bikuli cách Taulihawa 12km8 về phiá đông bắc, làng Chatradei cách Taulihawa 4km8 về phiá tây bắc, làng Araurakot cách Ca Tỳ La Vệ 9km về phiá đông bắc,v.v. nhưng những nơi này đều không được xác định một cách chắc chắn về ý nghĩa của chúng. Có thể đây là mục tiêu cho những nhà thích nghiên cứu tìm hiểu tận tường và có đầu óc quan sát tỉ mỉ, nhưng hoàn toàn không thích hợp cho những phái đoàn chiêm bái.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/03/2011(Xem: 3772)
Hôm nay là đêm 31-12-2008, chúng tôi chuẩn bị bước sang năm mới tại nhà Ngari Khangtsen. Mọi người tụ họp tại phòng ăn sau khi đã được về phòng của mình ngơi nghỉ lấy sức sau hai ngày đi đường bằng xe buýt. Có nhiều thức ăn đã được quý thầy nấu và dọn sẵn, một bên thức ăn chay và một bên thức ăn mặn. Thầy Kunchok Rabgye là bếp chánh. Thức ăn có súp, cari, cơm chiên, đồ xào, nhưng món nào cũng có nêm cà ri. Tôi có vào nhà bếp xem thì thấy nhà bếp rất đơn sơ. Khi nhận được xà bông rửa chén, quý thầy rất mừng vì xà bông cục nhỏ của Ấn không ra bọt, rất khó cho việc rửa chén bát.
11/03/2011(Xem: 14687)
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám...
08/03/2011(Xem: 13866)
Trong chuyến du hành sang Ai Cập, tác giả đã dày công thâu thập được nhiều kinh nghiệm huyền linh và thần bí. Ngoài ra tác giả còn trình bày những khía cạnh bí ẩn khác của xứ Ai Cập...
01/03/2011(Xem: 12736)
Trước cuộc du hành đầu tiên của tôi, phương Đông đã xâm chiếm tâm hồn tôi với một sự hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Về sau, tôi quay sang việc khảo cứu các kinh điển của Á châu...
16/02/2011(Xem: 8495)
Bóng trúc bên thềm là tập hợp những trang tùy bút mà tôi đã trải lòng trong những năm gần đây. Chung quy không ngoài những chuyện thường ngày của cuộc sống...
16/02/2011(Xem: 9411)
Từ muôn trùng xa xôi diệu viễn, chúng tôi đã đến Ấn Độ bằng những tâm trạng vô cùng phức tạp. Những bước chân đàu dọ dẫm trên miền đất mới. Những ấn tượng sâu đậm chập chùng đã sống dậy trong tâm hồn chúng tôi. Là những đứa con của Phật, là những người đã chọn cho mình lối sống truyền thống của người thoát ly, dĩ nhiên chúng tôi luôn ao ước được đặt chân đến nơi đã từng là trụ xứ của người cha tinh thần của chúng tôi, của người cha hiền mà chúng tôi quen gọi là từ phụ.
23/01/2011(Xem: 9635)
Gần hai mươi sáu thế kỷ về trước, trong lúc chúng sanh đang lăn trôi trong biển đời sanh tử thì một ánh sáng kỳ diệu lóe lên nơi miền Bắc Ấn báo hiệu cho sự thị hiện kỳ diệu của một đấng Giác Ngộ. Đức Phật đã thị hiện chỉ nhằm một mục đích duy nhất là “khai thị cho chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật.” Sau những năm tháng tu hành tầm cầu chơn lý, Đức Phật đã giác ngộ và giải thoát. Ngài đã mang hết những gì mình liễu ngộ ra mà trao truyền lại cho chúng ta, chỉ với một mục đích là những mong cho chúng sanh mọi loài đều có được cuộc sống an lạc và tự tại
07/01/2011(Xem: 4505)
Ngày nay, ngôi tháp Đại Giác đã một lần nữa sống lại với sự viếng thăm của hàng triệu khách hành hương chiêm bái trên toàn thế giới. Thanh thế của Thánh địa được lớn mạnh như thuở vàng son của Phật giáo. Con số các chùa chiền tự viện của những nước Phật giáo trên thế giới tăng lên rõ rệt tại Bồ-đề Đạo Tràng.
07/01/2011(Xem: 8259)
Ngày nay, Buddhagay là nơi thu hút giới Phật giáo và các phái đoàn hành hương đến viếng thăm quanh năm. Như một điều kỳ diệu, Buddhagay , một ngôi làng tầm thường, cổ xưa đã được chuyển hoá trong chốc lát. Giờ đây, Buddhgay đang hoạt động mạnh mẽ trong đời sống, và một lần nữa, Buddhagay có triển vọng sẽ là một trung tâm của Phật giáo thế giới. Thánh tích "Bồ-đề Đạo Tràng" (Buddhagay hay còn gọi là Bodhgay ) là địa danh chỉ cho nơi Đức Phật đạt được quả vị giác ngộ tối thượng (Sambodhi). Buddhagay cách thị trấn Gay cũ sáu dặm về phía Bắc, ngày nay cũng được biết với tên Brahmagay , nơi chiêm bái của tín đồ Ấn giáo (Hinduism). Có lẽ tín đồ Ấn giáo đã thêm thuật ngữ ‘Brahma’ vào địa danh của thánh tích này để phân biệt với Buddhagay , thánh tích của Phật giáo. Buddhagaya bây giờ là một thị trấn thịnh vượng, phía bắc giáp với Haripur, phía đông giáp với Mastipur, Dhondowa, Bhalua and Turi, phía nam giáp với Rampur và phía đông giáp với dòng sông Lilajan. Đây là một hình thức
07/01/2011(Xem: 3372)
Bodh Gaya được xem là đệ nhất thánh tích Phật giáo, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ. Hằng năm tín đồ Phật giáo ở Ấn Độ và khắp thế giới lũ lượt hành hương về đây để chiêm ngưỡng cây bồ đề nơi Đức Phật ngồi thiền định, đông nhất là vào các ngày lễ truyền thống của Phật giáo. Nơi Đức Phật thành đạo
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]