Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Trúc Lâm, Huế.

09/04/201318:58(Xem: 6519)
Chùa Trúc Lâm, Huế.

23.chuatruclamhue02

CHÙA TRÚC LÂM Ở HUẾ

HỒ ĐẮC DUY

Chùa Trúc Lâm ở về phía tây nam cách thành phố Huế khoảng 5km, tọa lạc trên đỉnh đồi Dương Xuân Thượng thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy.

Đồi Dương Xuân Thượng nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi và núi bao quanh. Phía bắc giáp dốc Cầu Lim và đàn Nam giao; phía nam giáp đồi lăng mộ cụ thượng thư Hồ Đắc Trung và vùng núi Ngũ Tây, Thần Phù, Phú Bài; phía đông có núi Thiên Thai và vùng núi đá vôi và phía tây có đồi Thiên An, núi Kim Phụng mà xa hơn là dãy Trường sơn Nam. Sườn đồi Dương Xuân hình vòng cung , dưới chân đồi có khe suối uốn khúc chảy từ hướng nam bắc vòng qua dưới Cầu Lim vào địa phận Dương Xuân Hạ trước khi đổ ra sông Hương.

Cách đây hơn nửa thế kỷ về mùa mưa suối chảy xiết nước đổ ầm ầm, đến mùa khô hanh nước cạn dần, suối trở thành khe nước trong vắt ngọt lịm có thể thấy đá cuội dứới lòng khe và những đàn cá nhỏ tung tăng rượt đuổi nhau. Hai bên bờ suối là một dãi cát trắng phau nhất là ở trước mặt tiền của chùa, còn ở nơi khác thì cát chen lẩn với đá cuội đủ màu sắc (từ đen tuyền cho đến trắng bạch, xanh ngọc, xám, nâu vàng tím…) to nhỏ tròn lép hay có những hình thù góc cạnh khác thường trông rất lạ mắt đúng là:

Trước mặt bờ khe phơi cát trắng

Sau lưng chòm núi rợp cây xanh.

Đến thập niên 60 thế kỷ trước, sư ông trù trì chùa Trúc Lâm là Hòa thượng Thích Mật Hiển cho ủi san bằng khu đất trước cổng chùa bên dưới chân đồi và đào sâu xuống thành một cái hồ hình chữ S. Sư ông còn đắp một con đường đi vòng quanh hồ, hai bên bờ trồng trúc, tre la ngà, dương liễu. Mé phải đầu con đường thiền hành này sư ông có cho dựng một cột đá có khắc chữ hình như là ba chữ Trúc Lâm Tự. Lâu ngày cột đá đổ xuống không rõ tấm bia nay còn hay đã mất.

Gần một thế kỷ khi mới lập chùa Trúc Lâm, chổ đó chỉ là một cái am lá thô sơ nằm trong một khu rừng hoang vắng rậm rạp tre trúc dày đặc. Chung quanh am là đồi núi khe suối chia cắt, theo đường chim bay thì từ kinh đô đến chùaTrúc Lâm còn xa hơn chùa Tra Am của sư Viên Thành ở dưới chân núi Ngự Bình. Ít người đến được nơi đây hoặc muốn tới phải băng rừng lội suối vạch lau sậy đi theo lối mòn của tiều phu hay thợ săn.

Đồi Dương Xuân là đất bìa rừng của dãy Trường Sơn, đứng trên núi Ngự Bình hay trên đỉnh Thiên Thai nhìn về phía tây là có thể định vị đỉnh đồi Dương Xuân Thượng nếu như có một tiều phu nào đó đốt củi làm than trên đó.

Tồ khai sơn chùa là Thiền sư Giác Tiên, câu chuyện ngôi chùa được thành lập là một hạnh duyên cực kỳ lý thú :

Nguyên vào mùa xuân năm Ất Mùi (1895) triều Thành Thái, chùa Phổ Quang ở dốc Bến Ngự càng ngày càng hư hỏng. Theo tương truyền là một thảo am của ông Nguyễn Hữu Hào (Đôn Hậu Công Thần Trấn Thủ sinh năm 1642 mất năm 1712 tức anh ruột của Nguyễn Hữu Cảnh ngưởi khai sinh ra thành phố Saigòn) tác giả của một truyên thơ bằng chữ Nôm truyền đời đó là truyện Song Tinh (một tác phẩm văn học cổ nước ta trước cả truyện Hoa Tiên và truyện Kiều hơn một thế kỷ). Lúc ấy, tự trưởng là Chánh Động Đại sư đem ngôi chùa cúng dường cho đại lão hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu. Bấy giờ có một tỳ kheo ni là bà Hồ Thị Nhàn người làng Chuồn ( An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên) con ông Hồ Đắc Tuấn và bà Công Nữ Thức Huấn, cháu ngoại của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Bà sinh năm 1863 kết duyên cùng ông Nguyễn Đôn Lý, sau ngày chồng mất bà xuất gia thụ giáo với hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu (1898) pháp danh Thanh Linh hiệu Diên Trường. Bà xin phép đại lão hòa thượng được trùng tu chùa Phổ Quang. Điện Phật, cửa chùa, nhà tăng, buồng bếp, ảnh tượng, đồ thờ được sửa sang trang nghiêm đầy đủ. Bà lại đem chuyện đó tâu lên với đức Thái hoàng Thái hậu Trang Ý Thuận Hiếu xin ban cho hai mẫu ruộng chi dùng vào việc đèn hương… Đấy cũng là thời điểm đang mở đường xe lửa chạy ngang qua dứơi chân đồi của chùa Phổ Quang, nơi ấy trở nên thị tứ ồn ào đông đúc, dân cư tụ tập, chơ búa ghe thuyền tấp nập… nên sư bà Diên Trường tìm đường rẻ lối tới chốn sơn lâm cùng cốc xa hơn lập một thảo am khác để tiếp tục tu hành. Duyên lành đã hạnh ngộ trên đỉnh đồi Dương Xuân là vậy, khi thảo am đã xong sư bà Diên Trường mời sư Giác Tiên về làm trụ trì và sư cũng là tổ khai sơn của chùa Trúc Lâm ngày nay.

Trước khi về nhận chùa, sư Giác Tiên đã cùng sư cụ Diên Trường du hành đó đây. Khi đến Trúc Lâm Yên Tử (một trung tâm Phật Học dứơi triều đại nhà Trần) hai vị đã lưu lại một thời gian, sưu tầm một số pháp bảo quý giá như kinh điển, pháp khí. Trở về Huế, sư đã quyết định đặt tên chùa là Trúc Lâm Đại Thánh, có ý liên hệ với Trúc Lâm tinh xá thời Phật còn tại thế và thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử nước ta do Trúc Lâm Đầu Đà Đại Sĩ (hiệu của vua Trần Nhân Tông) thiết lập.

Tổ khai sơn pháp danh Trừng Thành, tự Chí Thông thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42. Sư thế danh Nguyễn Duy Quyển sanh năm 1879 tại làng Dạ Lê Thượng, Thủy Phương, Hương Thủy. Lên 4 tuổi thì song thân mất, phải về ở với ông bà đến năm 11 tuổi (1890) xin xuất gia và được thọ giáo với tổ sư Tâm Tịnh (đời thứ 41 thuộc dòng Lâm Tế, người khai sơn tổ đình Tây Thiên). Đầu tiên ngài được tu học tại tổ đình Từ Hiếu, nơi ngài Hải Thiệu đang làm trụ trì và ngài Tâm Tịnh làm giám tự. Năm 14 tuổi ngài được tổ cho thọ giới Sa-di. Năm 1907, Hòa thượng đàn đầu Vĩnh Gia tổ chức đại giới đàn tại chùa Phước Lâm tỉnh Quảng Nam, ngài được cho đăng đàn thọ cụ túc giới. Tại đây ngài được cử làm thủ chúng Sa-di khi vừa 28 tuổi.

Năm 1918 sư mở đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu, mời Hòa thượng Tâm Tịnh làm đàn đầu. Năm 1924 vân tập đại Tăng an cư kiết hạ tại chùa, năm sau sư được chiếu chỉ của triều đình mời làm trú trì ngôi quốc tự Diệu Đế.

Năm 1926, sư cho trùng tu toàn bộ Phật điện và tăng xá chùa Trúc Lâm. Đến năm 1928 ngài biến Trúc Lâm thành nơi đào tạo tăng tài. Năm Kỷ Tỵ 1929, ngài vào Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định mời Hòa thượng Phuớc Huệ ra Huế làm chủ giảng. Năm 1930, sư khuyến khích và giúp đỡ sư bà Diệu Hương xây dựng và mở Ni trường Diệu Đức.

Năm 1931, sư là người đầu tiên khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo và vận động thành lập Hội An Nam Phật học, thỉnh nhiều vị thiền sư tài đức về chung lo Phật sự. Năm 1932, nhờ sự giúp đỡ của bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu), vua Bảo Đại cho phép An Nam Phật học hội ra đời do sư đứng đầu, trụ sở đầu tiên đặt tại chùa Trúc Lâm Huế. Năm 1933, sư ủy cử thiền sư Mật Khế vị đệ tử xuất sắc của ngài mở trường An Nam Phật học sơ cấp tại chùa Vạn Phước. Năm 1934 vua Bảo Đại ban sắc chỉ đặt tên chùa là “Sắc tứ Trúc Lâm Đại Thánh tự ”.

Năm 1935, pháp sư Trí Độ đảm nhiệm chức vụ Đốc giáo sau khi trường dời từ chùa Túy Vân (chùa Thánh Duyên ) về chùa Báo Quốc. Trong năm này sư cùng đệ tử Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật học tại Trúc Lâm, thu nhận 50 học tăng. Đến cuối năm ngài lại quy tụ các học tăng có trình độ cao về Trúc Lâm để mở thêm cấp Đại học Phật giáo, và đó là lớp Đại học Phật giáo đầu tiên có tại miền Trung. Ngoài vị đệ tử lớn của sư là thiền sư Mật Khế, còn có vị đệ tử tại gia rất xuất sắc là Bác sĩ Lê Đình Thám, người đã soạn thảo chương trình tu học cho thanh thiếu niên Phật tử. An Nam Phật học hội đã hơn một lần tổ chức một đại lễ Phật đản lớn chưa từng có ở Huế.

An Nam Phật học hội qui tụ được nhiều nhà tu hành uyên bác như các Thiền sư Mật Khế, Mật Thể, Đôn Hậu, Diệu Hương, Diệu Không... các cư sĩ như Tiến sĩ Đinh Văn Chấp, Nguyễn Khoa Tân, Bửu Bác... và ra báo Viên Âm, tổ chức các buổi thuyết pháp, dịch Kinh sách

Ngày 2 tháng 10 năm Bính Tý, sư cho quy tụ đồ chúng để nghe giảng kinh Pháp Bảo Đàn. Hai hôm sau khi giảng xong phẩm Bát nhã, sư nhìn từng đệ tử để truyền kệ và vào lúc 20 giờ ngày mùng 4 tháng 10 niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (tức ngày 17.11.1936) sư thị tịch lúc 57 tuổi trong lúc đang đảm nhận trách vụ trú trì hai tổ đình Trúc Lâm - Diệu Đế và chứng minh đạo sư cho hội An Nam Phật học.

Với công hạnh và đức độ của sư, ngài Tâm Tịnh đã phó pháp bài kệ sau :

Giác đạo kiếp không Tiên

Không không bát nhã Thuyền

Quả nhân phù hạnh giải

Xứ xứ tức an nhiên.

(Đường giác kiếp không trước, thuyền bát nhã không không, hạnh giải hợp nhân quả, ở đâu cũng thung dung).

Ông Nguyễn Lang viết : “Thiền sư Giác Tiên có thể gọi là người đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung. Thiền sư hướng đạo cho hội An Nam Phật học được bốn năm thì viên tịch. Các đệ tử của ngài là thiền sư Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện và Mật Thể đều đóng những vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau này”.

Thiền sư Mật Khế là một trong những đại đệ tử của sư Giác Tiên. Sư là con ông Khóa họ Lê ở Thần Phù và bà Nguyễn thị Lài người làng Cầu Ngói Thanh Toàn. Xuất gia từ năm lên 7 tuổi sau khi cha qua đời, sư là một người thông minh lanh lợi làu thông kinh sử ngay từ thuờ niên thiếu được mọi người trong chùa gọi là chú tiểu Nam. Năm 20 – 22 tuổi khi đang tu học ở chùa Thánh Duyên - Túy Vân (quê hương của đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại). Bà Từ Cung nghe tiếng sư là người uyên bác nên cho vời sư vào cung để thuyết giảng phật pháp.

Thiền Sư Mật Khế qua đời khi còn rất trẻ khoảng 30 tuổi vì bị viêm phúc mạc do viêm ruột thừa, hiện tại thiền sư còn một người em gái là cụ bà Hồ Thị Huyền vợ của ông Ưng Úy (thượng thư bộ Lễ) và bà đang sống tại Tp HCM.

Thiền sư Mật Thể thế danh là Nguyễn hữu Kê người làng Nguyệt Biều (Hương Thủy, Thừa Thiên) sinh năm 1912, xuất gia năm 12 tuổi, tu học tại chùa Diệu Hỷ, Từ Quang, Trúc Lâm. Năm 1930, được Hòa Thượng Giác Tiên nhận làm đệ tử pháp danh Tâm Nhất, hiệu Mật Thể. Năm 1937 sang Trung Quốc học ỡ Phật Học Viện Tiêu Sơn, năm 1941 dạy tại Phật học đường Lữơng Xuyên Trà Vinh, năm 1944 làm trụ trì chùa Phổ Quang ở Huế và mất năm 1961 tại Nghệ An.

Thiền sư Mật Hiển là sư ông trụ trì chùa Trúc Lâm lâu nhất, mất năm 1992 là ngươi có công nhiều nhất trùng tu và xây dựng chùa Trúc Lâm để có được dáng vẻ như ngày hôm nay.

Từ thành phố Huế xe đi qua cầu Nam Giao vào con dường thẳng mà không bằng ấy đến đàn rẽ trái vượt qua cầu Lim găp một con đường đất bên trái đi thêm khoảng 500 mét là đến cổng chùa. Chỉ mất chừng nửa giờ đi xe là đến nơi, con đường đá vàng cát trắng quanh co ngày xưa mà bác sĩ Lê Đình Thám đã từng mô tả :

Đường Trúc Lâm đá vàng cát trắng,

Cảnh Trúc Lâm, cảnh vắng người thanh

Dòng khe lượn khúc như tranh

Rừng cây rợp bóng tươi xanh bốn mùa.

Thoạt đầu để mở được con đường quả thật là cam go vì khu vực này còn là rừng nguyên sinh, cây cối tre trúc um tùm ít bóng ngươi lai vãng. Đất đai chưa có ai khai phá có rất nhiều đoạn phải xẻ núi bởi triền đồi Dương Xuân Thượng có độ dốc khá dựng đứng bên phải là vực sâu có giòng khe nước chảy xiết nhất là mùa mưa bão.

Một trăm năm trước nhà chùa chỉ làm được một lối mòn ven triền đồi để đi lại, xe ngựa không thể vào đây được (dấu tích nay vẫn còn thấy). Sau những đợt trùng tu chùa vào các năm 1926, 1942, 1968, 1992 con đường mới được rộng rãi như hôm nay.

Tôi sinh ra và trọn tuổi ấu thơ đã được sống bên cạnh chùa Trúc Lâm, ngôi chùa đã in một dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn tôi. Vả lại gia đình nhà tôi còn có một mối liên hệ rất mật thiết với ngôi chùa này. Sư bà Diên Trường là em gái của ông nội tôi là cụ Hồ Đắc Trung (Thượng thư bộ Học, Đông Các Đại Học Sĩ, thầy dạy vua Duy Tân, bạn của hai ông Thái Phiên, Trần cao Vân và là người duyệt lại bộ “Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu” một quyển sử quan trọng của Quốc Sử Quán triều Nguyễn ).

Ờ trong Hậu tổ Chùa Trúc Lâm hiện nay vẫn còn hai câu đối của ông nội tôi đề tặng khi Thiền sư Giác Tiên viên tịch:

Học hạnh khiêm ưu bình tố năng linh nhơn cảnh mộ

Tử sanh vô ngại tu trì định hoạch Phật siêu thăng.

(nghĩa : Học hạnh khiêm ưu thường được người ta mến mộ . Sống chết không ngại tu trì kết quả Phật siêu thăng).

Vị kế Đông sơn phi cụ nhãn yên minh tổ ý

Pháp khai Nam lĩnh thị mê nhơn bất khế Phật tâm.

(nghĩa : Ngôi nối núi Đông, không mắt tỏ sao rõ ý tổ . Pháp mở rừng Nam, nếu người mê, không hiễu tâm Phật).

Năm 1942 thiền sư Mật Hiển đại trùng kiến chùa theo hình chữ khẩu, đưa chánh điện lên phía trước, hai bên là đông đường dùng làm nhà khách và tây đường làm thiền thất. Chánh điện cũ dùng làm nhà hậu để thờ chư vị tiền bối hữu công và hương linh thiện nam tín nữ (trong đó gian giữa có khán thờ ông bà nội và cha tôi).

Năm lên 6 tôi được mẹ cho đi học ở một trường do các Cha cố dòng Thiên An lập ra ở ngã ba Cầu Lim. Để đến trường có hai con đường, một là đi băng qua chùa Trúc Lâm và hai là phải đi qua một cánh đồng.

Nhà tôi ở là cơ ngơi dinh thự của bác tôi ông Hồ Đắc Khải , thượng thư bộ hộ để lại tọa lạc trên một đỉnh đồi kế cận với đồi Thiên An, đó là một biệt thự to lớn bề thế chiếm gần hết đỉnh đồi. Dứơi chân đồi là một cái hồ Vọng Nguyệt đường kính khoảng 40 m và một cái hồ hình chữ nhật sen nở xanh tươi. Con đường thoai thoải dốc chạy giữa hai cái hồ lên đến bãi đổ xe, dinh thự nằm khuất sau những tán thông già phủ kín cả ngọn đồi. Mỗi ngày tôi phải đi qua chùa ít nhất là 2 lần, nên cảnh trí của ngôi chùa đã in sâu trong tâm hồn tôi từ thuở còn ấu thơ. Tôi thuộc từng viên đá trên con đường mòn đó, thuộc từng bụi sim móc màu tim tím trĩu đầy trái, từng đám hoa ngũ săc, gốc bứa gốc thông cổ thụ….

Cuối những năm của thập niên 40 và đầu những năm 50 của thế kỷ trước, chiến tranh khốc liệt tràn tới khu vực này, một biến cố làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi là khi một chiếc máy bay “Bà Già” bị bắn rơi xuống sườn đồi. Xác máy bay rơi vãi bên lăng mộ cụ Băng Tá sau lưng dinh thự của bác tôi, viên phi công bị giết ngay tại chỗ. Sau đó quân đội viễn chinh Pháp gồm có nhiều lính da trắng da đen lùng sục suốt ngày đêm, trả thù tàn bạo. Chúng lấy đi hết gia sản và lùa đi đàn gia súc, bẻ hái cả một vườn cam mấy mẫu của mẹ tôi tan hoang… dân chúng vùng Cư Chánh phải bồng bế nhau tản cư lên Tu viện Thiên An để tránh giặc vì ở đó quân Pháp không được vào đến.

Rồi một tối cuối mùa hè vào khoảng 23 giờ xuất hiện một toán người bịt mặt khoảng 50 người trang bị cưa, dao, búa, câu liêm, thang. Chúng tôi được đánh thức dậy, tất cả được dồn trong một phòng nhỏ, người cầm đầu trao đổi với mẹ tôi một điều gì đó, mẹ tôi đi vào đóng cửa lại ôm hai anh em tôi và khóc. Bên ngoài toán người hoàn toàn yên lặng, tôi không nghe tiếng người nói chuyện với nhau mà chỉ nghe thấy tiếng gạch ngói đổ ầm ầm , tiếng sập của các bức tường.. . Tôi ngủ thiếp đi trong cái âm thanh hỗn độn đó, sáng mai thức giấc tôi hốt hoảng khi thấy khu dinh thự của mình chỉ còn là một đống gạch đổ nát ngoại trừ căn phòng chúng tôi đang tá túc.

Mẹ tôi gom lại một ít vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của hai anh em chúng tôi, cùng một ngừơi vú em đi qua chùa Trúc Lâm, những gia nhân khác thì ở lại để dọn dẹp đống đổ nát.

Sư ông trụ trì tiếp chúng tôi trong gian nhà khách ờ phía đông đường, ngài nói một vài điều gì đó với mẹ tôi và sai người dọn cơm cho hai anh em tôi ăn. Vừa ăn xong là sư ông cho chúng tôi vào lễ Phật và ông bà nội tôi rồi sai người dẫn đường đưa ngay chúng tôi đi quanh sườn đồi phía sau lưng chùa ra ngả cầu Lim, đi về phía lăng Thiệu Trị ra bến Than. Ở đó có một chiếc đò dọc đón sẵn và đưa ba mẹ con tôi về làng Phú Lương cách khoảng hơn 20km. Khi đò đi ngang qua dưới chân cầu Trường Tiền lúc nửa đêm, tôi nghe thấy tiêng súng nổ vang trời phía thành phố, những vệt đạn như sao băng trên bầu trời đen thẳm từ hướng An Hòa - Kim Long

Tôi trở lại Trúc Lâm lần cuối vào năm 1952 khi cha tôi qua đời, lúc ấy quân Pháp đóng đồn ở Nam Giao. Chúng ngăn con đường cấm dân chúng không được đi lại qua đồn. Từ Huế muốn lên chùa Trúc Lâm hay lăng Khải Định dân phải đi vòng núi Bân, Ba Đồn, Tây Thiên hoặc phải đi vòng qua Long Thọ. Mẹ tôi phải xin phép viên sĩ quan Pháp để xe chở quan tài của cha tôi được đi ngang qua.

Sau tang lễ chúng tôi rời Huế vào Saigon và 4 năm sau khi hòa bình được tái lâp, chúng tôi trở lại Huế và kể từ đó cuộc sống của tôi gắn liền mật thiết với ngôi chùa này hơn bởi nhiều lý do.

Lần đầu tiên tôi khám phá những điều kỳ diệu của đạo Phật là ở nơi lầu chuông, trong chùa lúc bấy giờ có mấy chú điệu cùng trang lứa với anh em tôi là Lưu Ân và Lưu Phương. Ngày nọ, họ nói với tôi là “ sáng mai mồng một Tết rán thức dậy thật sớm, tui sẽ dẫn anh Thiện (tên tôi) lên lầu cho anh gióng chuông, hay và vui lắm”.

Đêm đó là đêm 30 tết, tôi ra đứng ngoài sân chùa nhìn về hướng thành phố Huế thấy sáng rực lên một góc trời. Pháo của nhà ai đó ngoài xóm nổ đi đùng vang tới cảnh chùa khiến lòng tôi cũng nao nao. Tôi thầm giận mẹ đã không cho mình ở nhà, đón giao thừa cùng với mấy anh chị em cô cậu thì vui biết bao (từ khi cha mất chúng tôi về ở chung với anh mẹ tôi là cậu Lê đình Phu).

Tối đó trằn trọc mãi, vừa giận mẹ vừa mong đến sáng để được lên lầu chuông và tôi thiếp đi cho tới khi bị lay dậy bởi một trong hai chú điệu, nhưng Lưu Ân hay Lưu Phương tôi không nhớ rõ. Chú ấy suỵt môi ra dấu cho tôi đi rửa mặt và thay áo quần, chú kia đi trước cầm cái đèn hột vịt. Ngang qua nhà khách, leo một bậc cấp dọc theo phía đông của nhà Tổ và chánh điện. Lầu chuông có hình vuông. ba mặt tường có hoa văn nhìn ra phía ngoài, lối đi vào ăn thông với hành lang của chánh điện. Một quả chuông rất to màu xám xanh được treo trên một giá đỡ bằng gỗ. Mặt ngoài chuông trơn láng gờ lên những hoa văn, so với thân hình của tôi lúc đó thì quả chuông thật vĩ đại. Trên giá đỡ có một sợi dây căng ngang để móc các thẻ tre, cứ mỗi lần dộng chuông thì kéo một thẻ từ phía nam qua bắc. Chày dộng bằng gỗ rất đơn sơ được treo lên nóc bằng một sợi dây thừng, nghe nói là sư ông đã cho thay cả chục cái chày, cho đến khi lựa được một cái chày vừa ý mà sau này tôi cho là cái chày của sự tỉnh thức vì chỉ có cái chày đó khi dộng chuông mới tạo ra một âm thanh vô cùng huyền diệu. Một âm sắc có khả năng đưa con người trở về với thanh tịnh tâm. Tiếng chuông phát ra từ cái dộng dầu tiên đã làm cho máu huyết trong cơ thể tôi muốn đảo ngược lên sau đó điều hòa một cách nhẹ nhàng êm ái, tâm hồn trở nên vắng lặng hư không. Tôi không còn ham muốn, ray rứt hoặc giận hờn mẹ tôi nữa (vì đã không cho tôi ở lại dưới thành phố để đón giao thừa mà bắt buộc tôi phải lên chốn sơn lâm cùng cốc này ăn tết). Hình như mọi chuyện đều trở nên đơn giản và thân thiện khi nghe tiếng ngân….( bạn sẽ tự cảm nhận được điều đó khí cố lắng nghe những âm vang gần cuối cùng của tiếng ngân ) mơ hồ như từ một cõi ta bà nào đó vọng tới, một thông điệp cuộn tròn trong những tiếng ngân cuối cùng. Tâm hồn thơ ấu của tôi đang theo sau bước hành thiền của tiếng chuông, tôi đang được tách rời ra khỏi với thế giới hiện tại thì có tiếng thúc giục của Lưu Ân báo cho tôi biết là đến lúc phải dộng tiếng chuông kế tiếp làm tôi ra khỏi trạng thái “hôn mê” đó.

Sau lần được gióng chuông , tôi bắt đầu tìm hiểu những điều bí ẩn trong gian chánh điện là nơi mà tôi ít khi được lên đó một mình hay nói cách khác là tôi không dám lên khi không có ai. Lúc đó tôi chỉ thích cái sàn nhà của chánh điện, nó mát lạnh tuyệt vời mà không phải bất cứ chùa nào ở Huế cũng có được. Chỉ cần nằm lăn lên trên cái sàn nhà đó là hạnh phúc và bình an đến với tôi, tôi không còn sợ hãi ma quỉ hù dọa, cảm giác như được mẹ ôm vào lòng, che chở và từ đó thỉnh thoảng nếu thấy không có ai thì tôi lén chạy lên nằm lăn lên đó cho “đã thèm” ! Một lần tôi bị sư ông bắt gặp, có lẽ sư ông thấy hêt hành động của tôi từ đầu chí cuối, tôi lăn lộn như một chú chó con mừng chủ đi xa trở về, ngụp lặn hạnh phúc trong cõi bình an một cách tột độ trước mặt hình tượng im lặng trang nghiêm của đức Thế Tôn đang ngự trên tòa sen. Tôi đã hốt hoảng biết chừng nào khi nhận ra là sư ông đang nhìn mình nằm lăn ra như vậy.

Ngài không nói mà chỉ nhìn tôi đang sợ hãi bối rối đứng lên rồi ngài đến nhẹ nhàng cầm bàn tay nhỏ bé của tôi đang run rẩy dẫn qua phía tây của chánh điện, vòng ra phía nhà Tổ và chỉ cho tôi ảnh của một người râu ria xồm xoàm vai vác một cây gậy có treo một chiếc giày. Mãi đến mấy chục năm sau, tôi mới biết người ấy là ai và bây giờ thì chánh điện và hậu tổ được thầy Lưu Thanh mô tả như sau :

Qua vuông sân nhỏ, du khách đến trước chánh điện kiến trúc theo kiểu Á Đông. Mái cong lợp ngói đỏ có gắn long, lân, quy, phụng trên nóc và chia làm ba phần : phía trước là tiền đường, giữa là chánh điện, sau là hậu tổ. Tiền đường tả hữu là lầu chuông trống, chánh điện bên trong khám thờ đức Bổn sư, bên trái có ngài Ca-diếp đứng cầm hoa sen miệng mỉm cười, bên phải có ngài A-nan tay bưng bình bát như đang chờ đợi đệ tử kế thừa. Ở tầng kế tiếp thờ đức Phật Dược sư, hai bên có đức Quan Âm và Địa Tạng. Phía trước tầng này là bàn để chuông mõ. Trên tường có treo bức hoành sơn son thếp vàng bảy chữ “Sắc tứ Trúc Lâm đại thánh tự” và dòng chữ nhỏ “Bảo Đại bát niên cát nhật tạo”.

Gian bên trái phía trên thờ ngài Văn-thù-sư-lợi, bàn thấp hơn thờ đức Quan Thế Âm, cạnh bên trái sát tường là tôn tượng ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Gian bên phải phía trên thờ ngài Phổ-hiền, thấp hơn là bàn thờ ngài Đại Thế Chí, cạnh tường là tôn ảnh của ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán. Phía ngoài là hai bàn Tiêu Diện và Hộ Pháp đối diện nhau.

 

Text Box:

Hậu Tổ cách chánh điện bằng một bức tường ván sơn trắng nhạt. Gian giữa thờ di ảnh tổ Giác Tiên bằng sơn mài lọng kiếng, trên bàn thờ có ba long vị: ở giữa là long vị của tổ Phước Huệ chùa Thập Tháp Di-đà tỉnh Bình Định; bên trái là long vị tổ Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên, và bên phải là long vị tổ Huệ Pháp giáo thọ chùa Thiên Hưng. Phía dưới ba long vị này là long vị của ngài Giác Tiên, thấp hơn nữa là long vị Hòa thượng Thích Mật Hiển; hai bên có di ảnh của hai ngài. Từ tường nhìn ra, hai bên có hai câu đối của cụ Hồ Đắc Trung thân phụ của sư bà Diệu Không đề tặng khi ngài Giác Tiên vừa viên tịch:

Học hạnh khiêm ưu bình tố năng linh nhơn cảnh mộ

Tử sanh vô ngại tu trì định hoạch Phật siêu thăng.

Vị kế Đông sơn phi cụ nhãn yên minh tổ ý

Pháp khai Nam lĩnh thị mê nhơn bất khế Phật tâm.

Trên bàn thờ tổ có thờ bộ kinh Kim Cang thêu trên lụa Tàu. Pháp bảo này do sư bà Diệu Nhàn phát tâm thêu bằng chữ Hán vào đời Cảnh Thịnh thứ 8, có bài tựa do chính vua ngự đề tại thành Thăng Long, được chúa Nguyễn thỉnh về kinh đô Huế để thờ. Bộ kinh này bị thất lạc trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Sau tổ Giác Tiên trên đường hoằng hoá gặp được ở một ngôi chùa làng, ngài xin thỉnh về thờ tại tổ đình Trúc Lâm. Cùng với bộ kinh này là một lư trầm bằng đá có từ đầu triều Nguyễn. Mặt trước lư khắc ba chữ ‘Sơn bảo tự” mặt sau khắc ba chữ “Bát sơn lô” và hai bên có chạm khắc hai bài thơ chữ Hán đường nét rất đẹp, hiện vẫn được dùng xông trầm cúng Phật tại chùa.

Ngoài ra chùa còn giữ một pháp bảo vô cùng trân quý là cái bình bát bằng kim sa của tổ Thạch Liêm Thích Đại Sán, vị trú trì đầu tiên của chùa Thiên Mụ. Sau vì chiến tranh loạn lạc, bình bát này trôi dạt ngoài dân gian cho đến ngày tổ Giác Tiên cũng nhân đi hành hoá ở thôn quê mà gặp được. Biết là bảo vật vô giá, ngài đã kiếm tiền mua về để thọ trì, bình bát được trở lại chốn thiền môn kể từ ngày đó.

Bên tả bàn thờ tổ là bàn thờ chư tăng viên tịch, bên hữu thờ di ảnh và bài vị của sư bà Diên Trường và chư ni đệ tử.

Tôi chưa bao giờ kể chuyện sư ông bắt gặp tôi nằm lăn ra sàn nhà chánh điện với ai. Đó là ảo ảnh, hư cấu hay là một giấc mơ tẩu hỏa nhập ma trong thời thơ ấu của mình để mà suy nghiệm lời của đức Thế Tôn dạy “ Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào ảnh như lộ, diệc như điểu, ưng tác như thị quán ”

Sư ông đã viên tịch cách đây 10 năm, nhục thân của sư ông không biết bây giờ ra sao, duy chỉ có đôi mắt của và thần cách của sư ông là vẫn còn sống mãi trong tâm hồn tôi. Cho đến bây giờ đã qua tuổi 60 tôi vẫn còn “mơ hồ” về đôi mắt ấy, sự im lặng thiêng liêng ấy, bàn tay âm áp của ngài khi cầm bàn tay nhỏ bé đang run rẫy của tôi và cái mật hiễn mà sư ông chỉ cho tôi hình của ngài Bồ Đề Đạt Ma là gì tôi cũng đang còn “mơ hồ” !

Một năm trước khi sư ông viên tịch, tôi có gặp ngài tại chùa Già Lam và đôi mắt ấy sáng hơn, mạnh mẽ và dữ dội hơn. Những tia sáng từ mắt ngài xuyên thủng mọi mầm mống ác độc, nghi ngờ và đọc dò cả một quá khứ ẩn chứa trong tiềm thức của tôi. Hình như trước đôi mắt của sư ông, tôi không thể dấu diếm, che đậy, ma mãnh được bất cứ điều gì và cũng trong tia sáng từ đôi mắt ấy tôi tìm được sự bình an vĩnh cửu, thảnh thơi và hình như sư ông cũng “mơ hồ” không muốn giải mã về hành động của sư ông khi chỉ tay về phía hình của ngài Bồ Đề Lạt Ma…

Giếng nước trước và sau chùa, khóm trúc, con suối vòng vèo, tiếng ngân cuối cùng trong lầu chuông, sàn nhà trước chánh điện, đôi mắt của sư ông và kỷ niệm của những đêm trừ tịch là tất cả những gì về chùa Trúc Lâm trong tâm trí tôi.

“ Đảnh lễ hay là quỳ lạy thì cũng vậy thôi , sửa làm chi anh cứ để nguyên như vậy ” lời của thầy Trí Quang nói với tôi khi mẹ tôi qua đời lúc bà 92 tuổi , mẹ tôi đả có lần nói “ ngồi bên mộ ba tôi , me vẫn còn nghe được tiêng chuông chùa Trúc Lâm vọng đến , âm vang của tiếng chuông bay qua núi đồi khe suối len vào những tàng thông già cỗ thụ , vổ về nhửng tia nắng cuối cùng của buổi chiều tỉnh lặng…. ”

Còn đối với tôi chùa Trúc Lâm là hóa thân của đôi mắt sư ông.

Hồ Đắc Duy


--- o0o ---

Trình bày :Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/06/2014(Xem: 6574)
Nữ Phật tử Aung San Suu Kyi, vị lãnh đạo đất nước Myanmar đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại Tu viện Dharmakirti Thành phố Kathmandu, thủ đô Nepal vào tuần trước. Giáo viên và học sinh Trường Trung học Prabhat địa phương đã kết thành hàng rào danh dự để nhiệt liệt tiếp đón vị danh nhân đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình, vị lãnh đạo dân chủ của Myanmar, nổi tiếng thế giới. Nhân dịp này, Bà đã có được một chuyến trở về viếng thăm ngôi nhà cũ của mình. Nơi mà trước đây bốn mươi năm (1974) Bà đã từng lưu lại 9 tháng.
06/06/2014(Xem: 11313)
Ai cũng biết, Ấn Độ là một nước có một nền văn minh rất lâu đời. Hơn thế nữa, nơi đó còn sản sanh ra các triết gia, các đạo gia và có rất nhiều tôn giáo và thần linh. Có thể nói Ấn Độ là một nước tôn giáo, triết học và thi ca. Tôn giáo nổi tiếng và thạnh hành nhứt trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời, phải nói đó là Bà La Môn Giáo, mà hiện nay gọi là Ấn Độ giáo. Đồng thời, Ấn Độ còn có nhiều danh lam thắng cảnh với ngọn núi Hy mã lạp sơn hùng vĩ cao nhất thế giới. Đất đai rộng rãi là một bán đảo lớn có trên 5 triệu cây số vuông và với một dân số hơn cả tỷ người. Dân số được xếp loại đứng hàng thứ nhì chỉ sau Trung Quốc. Có thể nói, vị thế Ấn Độ giống như hình tam giác mênh mông, đáy ở phía Bắc, tức dãy núi Hy mã lạp sơn quanh năm tuyết phủ; đỉnh thì ở phía Nam, tức đầu đảo Tích Lan, quanh năm nóng như thiêu. Phía Tây là Ba Tư mà dân chúng, ngôn ngữ, thần thánh đều rất gần với Ấn Độ.
10/05/2014(Xem: 13851)
Tập sách Phù Tang Ký Sự do Đại Đức Thích Phước Thái biên soạn, ghi lại cuộc hành trình trong chuyến đi Nhật Bản lần đầu tiên của tác giả và của đoàn. Tổng số người đi là 25 người đa số là những liên hữu trong đạo tràng Quang Minh. Mục đích của chuyến đi nầy, nhằm thực hiện cầu an, cầu siêu cho các nạn nhân thiên tai sóng thần đã xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, tại tỉnh Miyagi thành phố Sendai thuộc miền Đông Bắc Nhật Bản. Ai cũng biết đó là trận thiên tai sóng thần ác liệt đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản và sinh mạng. Có hơn 15.000 người chết và trên 3.000 người bị mất tích. Đồng thời, đoàn cũng cỏn đến thăm viếng thuyết giảng và ủy lạo cho 24 gia đình nghèo tại chung cư Hiệp Hội Từ Thiện. Ngoài ra, đoàn còn đi tham quan chiêm bái những danh lam thắng cảnh ở một vài nơi khác. Tất cả đã được tác giả ghi lại từng ngày, từng nơi, mà đoàn đã đi qua và thực hiện. Ngoài việc ghi chép theo lịch trình thời gian ra, tác giả còn cho chúng ta biết qua một vài vấn đề có liên quan đến đ
03/05/2014(Xem: 11199)
Tứ Đại Danh Sơn theo truyền thuyết, là những nơi có các vị Đại Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Địa Tạng, hiện thân tu hành để hóa độ chúng sanh. Đó còn là những nơi thắng cảnh nổi tiếng tuyệt vời vượt thời gian qua nhiều phương diện của Phật giáo Trung Quốc từ xưa tới nay. Vì thế, mà hằng năm có nhiều đoàn du lịch đến những nơi nầy để tham quan chiêm bái. Xưa nay, đã có biết bao tác phẩm xưng tán ca ngợi hết lời nhiều điều mầu nhiệm thiêng liêng ở những nơi thắng tích nầy. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm chuyên tải mỗi cách nhìn khác nhau. Có những tác phẩm chuyên sâu trong lãnh vực khảo cứu nặng phần triết lý, hay lịch sử. Có những tác phẩm chỉ diễn tả những phong cảnh núi non hay chuyên sâu trong lãnh vực phong hóa, mỹ thuật. Dù nhìn từ góc độ nào tự nó cũng đã mang lại cho nhơn sinh nhiều điều tìm hiểu, học hỏi thú vị.
22/03/2014(Xem: 8771)
Choáng ngợp kỳ quan Phật giáo trắng tinh như cổ tích Choáng ngợp kỳ quan Phật giáo trắng tinh như cổ tích Với màu trắng tinh khiết và lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước Phật giáo Thái Lan.
17/03/2014(Xem: 6218)
Đoàn chư Tăng, Ni và Phật tử đi từ nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ và nhiều tỉnh ở Canada có 80 người do Hòa thượng Thích Thái Siêu, Viện chủ Niệm Phật đường Fremont, California làm Trưởng Đoàn. Đoàn chư Tăng, Ni và Phật tử đi từ nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam có 74 người do Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ làm Trưởng Đoàn. 154 thành viên của đoàn từ nhiều nơi đã tập trung tại New Delhi, đáp chuyến bay đi Patna, Bihar (Ấn Độ), mở đầu chuyến hành hương tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali). Đoàn đã đến viếng hơn 100 địa điểm, trong đó các địa điểm tham quan chính tại 3 quốc gia là:
09/03/2014(Xem: 7305)
Key Gompa là một tu viện Phật giáo Tây Tạng nằm trên đỉnh một đỉnh đồi đẹp như tranh vẽ ở độ cao 4.166m so với mực nước biển, gần sông Spiti, trong thung lũng Spiti của tiểu bang Himachal Pradesh, Ấn Độ.Amusing Planet
07/03/2014(Xem: 8189)
Chúng tôi lên tham quan Golden Rock, một ngôi chùa tháp rất linh thiêng nằm trên một tảng đá vàng. Đoàn dự kiến 10h tối sẽ về khách sạn. Tuy nhiên, do cảnh quá đẹp, không khí linh thiêng, tinh thần tuyệt vời nên tận gần 24h đêm chúng tôi mới rời Golden Rock để về khách sạn.
09/02/2014(Xem: 5014)
1- Theo truyền thống Phật giáo, hành hương là nghi thức thắp hương đi nhiễu chung quanh tháp và điện Phật và cũng chỉ việc thắp hương lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát... Đây là cách hiểu nguyên ủy của từ “hành hương”, còn về sau này, nội hàm của “hành hương” mở rộng hơn nhiều, thậm chí đến nay hành hương đôi khi được đánh đồng với du lịch văn hóa, nhất là các tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử tôn giáo - tín ngưỡng.
08/02/2014(Xem: 5122)
Tôi đi thăm Yên Tử thuở núi rừng còn hoang vu. Bồi hồi, xúc động. Những cội tùng già cỗi cằn, khô gầy ngạo nghễ giữa thời gian và năm tháng. Ồ, bên này là rừng trúc và bên kia là triền đá dựng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567