Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời ngỏ

26/09/201019:47(Xem: 3336)
Lời ngỏ

hân loại có hai nguồn văn minh lớn đó là văn minh phương Đông và văn minh phương Tây. Các thể loại văn hoá, nghệ thuật, triết học, thiên văn học… hầu hết các nguồn văn minh này được khởi nguồn từ thời cổ đại ở các quốc gia như Hy Lạp và La Mã thuộc phương Tây - Trung Quốc và Ấn Độ thuộc phương Đông. Khi nói đến tiến bộ văn hoá phương Đông, Ấn Độ cũng như Trung Quốc, đạo đức tâm linh và tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt nhất khi đề cập đến văn minh Ấn Độ, chúng ta phải thừa nhận rằng, Ấn Độ là cái nôi của văn hoá lễ hội và là xứ sở tôn giáo đa phức. Gần như xuyên suốt quá trình phát triển văn hoá Ấn Độ, lễ hội và tôn giáo luôn gắn liền với mọi sinh hoạt truyền thống của người dân Ấn, và nét đặc trưng này không chỉ tồn tại trong thời sơ khai, thậm chí bây giờ nó vẫn còn phản ánh trong đời sống thường nhật của họ.

Phật giáo được xem là một trong những tôn giáo có mặt sớm nhất trong thời văn minh Ấn Độ cổ đại, vào thế kỷ thứ VI trước kỷ nguyên Tây lịch. Một điều đặc biệt là, Phật giáo không mang tính tôn giáo đơn thuần chỉ phục vụ cho tín ngưỡng lễ hội, mà ngoài tính triết lý siêu thế đạo Phật còn là một phương pháp sống hết sức thiết thực nhằm xoá đi nỗi đau khổ và giúp con người trong mỗi thời đại tìm được hạnh phúc an lạc cho chính bản thân mình ngay tại cõi đời này. Vì vậy, ngày nay đạo Phật càng được nhiều người biết đến; sự quan tâm của các ngành khoa học, giới học giả và những nhà nghiên cứu xem những lời dạy của đức Phật là một đề tài lớn, cần được tìm hiểu và thảo luận một cách kỹ càng để lấy những tinh hoa Phật giáo xây dựng nền tảng hạnh phúc cho nhân loại. Do đó, những gì liên quan đến phật giáo, cho dù chỉ là những di tích cũ mục còn sót lại, cũng cần được giới thiệu để mọi người biết đến như những chứng tích hùng hồn về sự thật lịch sử của một tôn giáo với bề dày gần 3000 năm.

Vào năm 2006, khi được du học tại Ấn Độ, nhiều lần dự định đi chiêm bái và thực hiện phim tư liệu về các thánh tích Phật giáo, nhưng do nhiều mặt còn hạn chế lại thêm thời gian không cho phép nên đành kéo dài đến giao thời 2007 - 2008, chúng tôi mới đủ duyên lành đảnh lễ các thánh tích, đồng thời ghi một số hình ảnh làm bộ phim tư liệu về đất Phật.

Có hai động cơ chính để chúng tôi phải cố gắng hoàn thành công việc khiêm tốn này:

Thứ nhất, sau chuyến hành hương đất Phật do công ty du lịch Biển Đông (East Sea) tổ chức vào tháng 11 năm 2005, chúng tôi đã quay phim ghi hình tóm tắt toàn bộ chuyến đi từ thánh tích Phật giáo cho đến những gì liên quan trên suốt đoạn đường để làm kỷ niệm. Mặc dù đó chỉ là hình ảnh được ghi lại theo tinh thần “kiến văn tiểu lục” để kỷ niệm cho chuyến hành hương mang tính cá nhân nhưng mọi người vẫn xem một cách say mê, đôi khi còn tỏ vẻ tiếc nuối bởi những chỗ đứt ngang, không phải vì thích bộ phim tôi quay, mà chỉ vì muốn thấy được hình ảnh thực trên quê hương Phật giáo, là xứ sở thường được nhắc đến trong kinh điển.

Thứ hai, mỗi khi xem các phóng sự về văn hoá đặc biệt nhất là văn hoá Ấn Độ, tôi bỗng liên tưởng ngay đến Phật giáo, một nơi được gọi là thánh địa thiêng liêng, nhiều chứng tích lịch sử quan trọng, lại thêm tư liệu dồi dào, tại sao chúng ta chưa có bộ phim nào nói đến toàn bộ thánh tích Phật giáo cho tương xứng với tầm vóc bề dày lịch sử của một tôn giáo lớn trên thế giới!

Từ hai động cơ trên, tôi quyết tâm thực hiện bộ phim này với những phương tiện khiêm tốn, thô sơ của một tăng sinh du học có được. Gần ba năm nuôi ước nguyện, khi hội đủ duyên lành, tôi cùng với một vài người bạn thân âm thầm thực hiện bộ phim này với ước mong làm một gạch nối, gợi ý đến những ai có thiện chí và khả năng chuyên môn hầu thực hiện hoàn hảo bộ phim về các thánh tích Phật giáo.

Trong khi viết lời bình cho bộ phim với tựa đề Phật Quốc Ký Sự, chúng tôi nhận thấy nhiều thông tin quan trọng, cần giới thiệu đến các Phật tử và những người muốn tìm hiểu về đất Phật. Và đó là khởi điểm cho tập sách nhỏ này được ra đời cùng một chủ đề. Trong tập sách này, chúng tôi chú trọng chủ yếu đến tứ động tâm, là bốn sự kiện trọng đại liên hệ đến cuộc đời đức Phật: Đản Sanh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân và Nhập Niết Bàn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng liên hệ đến những thánh tích cần thiết, mong được chia sẽ cùng quý bạn đọc về những điều đã chứng kiến và bao tâm sự vui buồn được cảm nhận trong chuyến hành hương vào dịp xuân Mậu Tý - 2008.

Nội dung tập sách này không phải là tư liệu về sử học hay khảo cổ học, nhưng đã được tham khảo nhiều tác phẩm và những bài viết liên quan đến các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, chúng tôi mô tả lại những chi tiết cần thiết dưới dạng ký sự, phản ảnh lại một vài sự kiện lịch sử nổi bật trong quá khứ và hiện tại ở các khu thánh địa từng trải qua thời hoàng kim Phật giáo, nhất là giai đoạn đức Phật còn tại thế. Một Lâm Tỳ Ni (Lumbini) thiên nhiên thơ mộng, nơi Bồ Tát Hộ Minh giáng trần từ cõi trời Đâu Xuất; Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) đồ sộ nguy nga, khởi nguồn cho một đạo Phật từ sự giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác của nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta dưới cội Bồ Đề; Một Lộc Uyển (Sarnath), vườn nai thanh bình trong xứ Ba La Nại, nơi Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên; Câu Thi Na (Kusinagar) cô tịch trầm buồn cho lần ra đi cuối cùng của Phật tại rừng Ta La song thọ… và còn biết bao điều chưa được biết đến đối với người con Phật chúng ta!

Để dễ dàng trong việc tìm hiểu, chúng tôi sắp xếp nội dung theo trình tự diễn tiến cuộc đời đức Phật, vì vậy các địa điểm bị sai khác với lịch trình đi của chúng tôi nên có những đoạn chuyển ý không được liên kết với nhau. Hơn nữa, từ sự cảm nhận thực tế trong một vài cảnh tượng trùng hợp gây nên cảm xúc của riêng mình, đôi khi cũng có những ý kiến đánh giá chủ quan; vả lại, lực bất tòng tâm, thiện ý mong chia sẻ với mọi người về những điều hay mà mình có dịp tường tận chứng kiến, nhưng khả năng còn nhiều mặt hạn chế, diễn đạt câu văn chưa tròn, xin qúy độc giả đạt ý quên lời, lượng thứ bỏ qua những điều còn khiếm khuyết, người viết xin ghi nhận sự góp ý chân tình từ quý bạn đọc, để bổ khuyết cho lần tái bản được hoàn hảo hơn. 

New Delhi, 15/3/2008

Thích Phước Tiến

Kính đề

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2011(Xem: 3344)
Khi nghĩ về Đức Phật, là Phật Tử, không ai lại không nhớ về bốn thánh tích quan trọng. Đó là vườn hoa Lâm Tỳ Ni (Lumbini Nava), dưới cây hoa Vô Ưu, thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) nay thuộc nước Nepal phía Bắc Ấn Độ, nơi Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha Gautama) đản sanh. Thứ hai là Bồ Đề Đạo Tràng (Boddha Gaya), tại Buddh Gaya, nay thuộc tiểu bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo. Thứ ba là vườn Lộc Uyển (Migadaya nay gọi là Sarnath thuộc xứ Utta Pradesh) (1), nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên . Thứ tư là Câu Thi Na(Kusinagara), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn . Nhân ngày Đức Phật Thành Đạo xin sơ lược đôi nét về Bồ Đề Đạo Tràng để ghi nhớ nơi Đức Từ Phụ sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định đã thành bậc vô thượng chánh đẵng chánh giác. Kể từ đó sau 49 năm Ngài thuyết giảng kinh pháp đà để lại cho nhân loại một kho tàng kinh điển vĩ đại quí giá.
30/12/2010(Xem: 2744)
Bên cạnh tu viện Larung Gar đang bị Trung Cộng triệt phá, cung điện khổng lồ Potala được coi là một kỳ quan không chỉ của dân tộc Tây Tạng mà còn của toàn nhân loại. Nằm ở trái tim của thành phố Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, cung điện Potala được coi là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hóa Tây Tạng và là biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma.
29/12/2010(Xem: 8524)
51 Địa Danh Bạn Cần Đến Thư Giản và Thưởng Ngoạn
26/12/2010(Xem: 4025)
Ngày 1 tháng 4 thì phải, tôi ghé chân ở Shangri-la, một miền đất khuất nẻo của Vân Nam. Để đến được nơi này, từ Lệ Giang, xe phải đi mấy giờ liền qua một sơn đạo chênh vênh ở độ cao chóng mặt. Tôi đã thấy gì? Trời ạ, giữa một nhân gian tế toái gồm đủ thiên hình vạn trạng của bao thứ bào ảnh ảo tượng, tôi lại bất ngờ nhận ra mình đang hiện hữu ở một nơi chốn mà mọi thứ đều ở mức tối giản.
16/12/2010(Xem: 5514)
Một cư sĩ học giả viết trong một quyển sách đã xuất bản, trong đó có lập lại một lời nói của đức Phật không được đúng như trong kinh đã ghi, điều này có thể tạo cho Phật tử hiểu lệch lạc về đạo Phật dẫn tới một đạo Phật mê tín. Họ nói Đức Phật nói rằng: “… Nếu vị thiện tâm nào đến bốn nơi Thánh địa này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu và duyên lànhvà nếu có vị thiện tâm nào có duyên được trút hơi thở cuối cùngtại một trong những Thánh địa này, chắc chắn người ấy sẽ được tái sanh vào cảnh giới thanh nhàn..”
28/10/2010(Xem: 3793)
Pháp Hội Thủy Lục khởi đầu từ đời Vua Lương Võ Đế. Nhà vua phát tâm Bồ Đề thành kính cung thỉnh Hòa Thượng Chí Công định chế nghi thức lập đàn tràng “Thủy Lục” để cầu siêu cho các oan hồn uổng tử. Các chiến sĩ trận vong trong chiến tranh, xả thân báo quốc, nhưng hương hồn của họ vất vưỡng không nơi nương tựa, những cô hồn vô chủ lang thang khắp nơi, những người chết vì bị trúng đạn, tai nạn trên không, dưới nước, đất bằng, chết vì bệnh dịch, chết oan, chết đuối trên đường vượt biển, các thai nhi sản nạn v.v… Chúng ta đều tác lễ cầu siêu cứu độ tất cả, giúp họ sớm thác sanh về cõi giới an lành. Âm siêu dương thới, pháp giới chúng sanh, đều hàm triêm lợi lạc.
26/10/2010(Xem: 4939)
(VietNamNet) - Đó là chuyến đi Tây Tạng của tôi và nhà thơ Văn Cầm Hải từ ngày 17/9 đến 25/9. Có nhiều cách đến Tây Tạng. Chúng tôi chọn con đường từ Hà Nội đi Nam Ninh, từ Nam Ninh bay sang Thành Đô, rồi từ Thành Đô bay lên Lhasa.
19/10/2010(Xem: 5277)
Lục tổ điện được xây lại vào năm Minh Hoàng Trì thứ 3, Canh Tuất (1490), Nam Hoa Thiền Tự trùng tu lần cuối vào năm Quý Dậu (1933). Trong điện này hiện nay vẫn còn tôn thờ nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (sinh đường Trinh Nguyên năm 12, tịch Đường Khai Nguyên năm đầu 638-713), cùng với nhục thân ngài Đại sư Hám Sơn và ngài Đại sư Đan Điền. Nam Hoa Tào Khê – Bửu Lâm Đạo Tràng, nằm cách thành phố Thiều Quan thuộc miền đông nam Trung Quốc 25 km (15,5 dặm), tại thị trấn Tào Khê, huyện Khúc Giang. Địa danh này nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, cách sông Bắc Giang vài km, trước đây là một tuyến giao thương giữa miền trung Trung Quốc và Quảng Châu.
26/09/2010(Xem: 6578)
Phật Quốc Ký Sự
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567