Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Rừng Sala tại Câu-thi-na

12/02/201216:01(Xem: 7600)
14. Rừng Sala tại Câu-thi-na
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG (tt)

RỪNG SALA TẠI CÂU-THI-NA

Cuối năm 484 Phật rời Vesali đi về hướng Tây Bắc với một chủ ý rõ rệt: Ngài sẽ từ bỏ thân người sau gần 40 năm giáo hóa. Hướng đi của Ngài là Tây Bắc nên nhà Phật học Schumann cho rằng Ngài muốn nhập diệt trong một tu viện tại Xá-vệ, nơi Ngài từng sống rất lâu, nhưng trên đường đi Ngài chỉ đến được Câu-thi na (Kusinara), tên ngày nay là Kasia, nằm khoảng chừng giữa Vesali và Xá-vệ. Đó là giả thiết của Schumann, nhưng tôi không nghĩ khoảng cách địa lý là một trở ngại cho một thánh nhân như Phật và khám phá thêm trong kinh sách, Phật đã báo trước cho A-nan biết sẽ nhập niết bàn ba tháng trước đó, tại chỗ của bộ lạc Malla. Trên đường đi, Ngài đến Pava, gặp tại đó một người thợ rèn tên là Cunda. Pava ngày nay có lẽ là Fazilnagar, cách Câu-thi-na 16 km, nằm trên quốc lộ 28 nối Vesali với Gorakhpur. Đường Phật đi ngày xưa hẳn là một con đường nhiều dân cư mà ngày nay nó đã trở thành một quốc lộ nằm hướng đông tây, nối liền hai bang Bihar và Uttar Pradesh.

Người thợ rèn tốt bụng mời Phật và tăng đoàn thọ thực và nấu một thứ thức ăn mà ngày nay người ta đoán là một thứ nấm. Phật tự mình ăn thức ăn đó, không cho phép ai được đụng tới và nói với A-nan rằng, “khắp trời người, ta không thấy ai có thể ăn món ăn này mà sống sót”. Giờ cuối cùng của Ngài đã điểm và Cunda có cái hân hạnh nấu cho Ngài bữa ăn lần chót.

Rời nhà Cunda, đoàn tăng già ra đi, băng qua một con sông nhỏ mà ngày nay có tên là Little Gandak, đến Câu-thi-na. Đây không phải là chỗ xa lạ, Phật đã đến đây, nó thủ phủ thứ hai của bộ lạc Malla. Dưới tàng cây Sala, A-nan làm một chỗ nằm cho Phật nằm tạm và từ đây Phật không bao giờ đứng dậy nữa.

Chiều hôm đó Phật chỉ thị cho A-nan đừng lo lắng gì về việc mai táng Ngài, đã có nhân dân quanh vùng giúp đỡ. Đến lúc đó thì A-nan mới biết Phật sắp giã biệt tăng đoàn và khóc lóc than thở. Tối đó có một sa-môn tên Subhadda đến thăm Phật và bị A-nan cấm không cho vào. Vị đạo sư lúc đó như ngọn đèn sắp tắt nhưng vẫn nghe rõ lời van xin, bảo A-nan cho ông vào và Subhadda trở thành vị đệ tử cuối cùng của Phật lúc Ngài còn tại thế. Ngày hôm sau, Phật cho tăng già một dịp cuối được hỏi về đạo pháp nhưng tất cả mọi người đều im lặng. Lúc đó đêm đã gần kề, cuối cùng Phật nói: “Này chư vị, thật vậy, các pháp hữu vi đều vô thường, hãy tinh tấn”.

Sau đó Schumann kể lại Phật “bất tỉnh” nhưng theo kinh điển, Ngài đã đi vào thiền định, từ sơ thiền đến các xứ định rồi trở lại sơ thiền. Phật nhập định hai chiều thuận ngược như thế “đến hai mươi bảy lần” và cuối cùng đúng lúc nửa đêm “Ngài nhập tứ thiền, lặng lẽ mà đi” [3]. Ngài bỏ ứng thân bằng xác thịt này, bỏ một tâm thức mang tính cá thể và đạt tới một dạng bất khả tư nghì mà chúng ta gọi là “Đại Niết bàn”. Đó là năm 483 trước công nguyên.

Tôi từ Gorakhpur đến Câu-thi-na vào một chiều mưa, rừng cây Sala [4] ngày nay vẫn còn, lá xanh ngắt đẫm nước trông như ngọc. Đây là một nơi nhà dân chỉ có vài nóc, cách quốc lộ 28 khoảng vài trăm mét. Lúc tôi vào thì có một đoàn người Ấn Độ vào chiêm bái, nhưng khác hẳn với Lộc Uyển, đây là một nơi hết sức vắng vẻ. Bây giờ như thế nhưng ngày xưa, lúc Huyền Trang đến đây thì sao?

Huyền Trang kể “...Đây là nhà cũ của Cunda. Giữa đó là một cái giếng do ông này đào khi cúng dường thức ăn cho Phật. Dầu trải qua nhiều năm tháng lụt ngập, nước vẫn trong và ngọt. Về phía tây bắc thành phố [5] độ 3,4 dặm vượt qua sông Ajitavati [6], về bờ phía tây không xa lắm, chúng ta đến một khu rừng có cây Sala. Cây Sala như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá lóng lánh và trơn dịu...Tại chỗ này có một tinh xá bằng gạch, trong đó là tượng đức Như Lai nhập Niết bàn. Ngài nằm đầu hướng về phía bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá là một ngọn tháp do vua A-dục dựng lên; dầu đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 200 bộ...Phía bắc thành phố vượt qua sông và đi bộ khoảng 200 bước có một ngọn tháp. Đây là chỗ làm lễ trà tỳ [7] nhục thân đức Phật. Đất hiện tại đen vàng, than và đất trộn với nhau...” [8]

muihuongtram-02-10

Sơ đồ vùng Câu-thi-na. Chỗ ô vuông có chấm là chỗ Phật nhập Niết-bàn. Chấm đen có chữ “Einascherungsstupa” là chỗ cử hành lễ trà tỳ [9]

Ngày nay tôi đến thì tinh xá và tháp do vua A-dục xây vẫn còn. Nhưng theo tài liệu thì đền mà ngày nay ta thấy mới được xây lại năm 1956, thay thế đúng nơi “tinh xá bằng gạch” mà Huyền Trang kể lại. Trong tinh xá này là một bức tượng Phật nhập Niết bàn dài 6,2m bằng đá được hoàn thành trong thế kỷ thứ năm, đó chính là bức tượng mà Huyền Trang mô tả. Bức tượng này đã nằm dưới đống gạch vụn của tinh xá cũ và may thay được tìm thấy lại năm 1876 để hậu sinh như chúng ta được đảnh lễ. Đó là một cái đền có mái cao, buổi chiều trời mưa nên bên trong mát lạnh. Tượng Phật đắp y vàng nằm an tịnh, hai bàn chân để lộ ra ngoài. Tôi lặng lẽ tìm chỗ ngồi trên nền đá dưới chân tượng, trong đền mát lạnh và thơm mùi nhang khói, lòng biết rằng ở nơi đây hai ngàn năm trăm năm trước, có một vị đạo sư cũng phải lìa đời như mọi sinh vật trên trái đất này. Ngài chủ động lấy thân người, sinh ra và lớn lên trong số phận của đời làm người và cũng thông qua dạng người đó để chỉ dạy cho con người những nhận thức và phương pháp giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đến ngày cuối cùng của đời mình Ngài cũng chịu bệnh tật và đau đớn, dùng chính thân mình để minh họa cho giáo pháp mình. Ngài là người thể hiện trước nhất và cụ thể nhất Bồ-tát đạo, cứu cánh của Đại thừa Phật giáo mà vài trăm năm sau mới bắt đầu phát triển.

Lần thiền định trong đền này này để lại cho tôi lòng an tịnh khó quên, nó khác hẳn tại Bodh Gaya, nơi đầy người qua kẻ lại. Lúc tôi ra khỏi đền thì trời đã dứt cơn mưa, lá cây Sala vẫn còn lóng lánh. Hỡi các cây Sala này, theo kinh điển thì tiền bối của các ngươi cũng đã chứng kiến phút nhập diệt của Phật:

“...Bốn cặp cây Sala,
vươn tàng ra hợp lại,
thành một vầng mây lá,
che phủ thân vàng kim,
nằm trên giường bảy báu...”

và cây lá như các ngươi mà cũng biết đau buồn:

“...Lá các cây Sala,
bỗng biến thành trắng xóa,
như một rừng hạc trắng,
rồi thì lá hoa trái,
vỏ cây và nhành cánh,
khô dần thành nứt nẻ,
gẫy rụng lả tả rơi...”. [10]

muihuongtram-02-11

Sơ đồ tại tháp Nhập niết-bàn. Hình tròn màu đen ở giữa là tháp tròn cao 15m. Bên cạnh là chính điện (có chữ “Tempel”), trong đó có tượng Phật nhập niết-bàn dài 6,2m. Xung quanh là các tu viện [11]

Tôi đi vòng quanh tháp bên cạnh đền, lòng ngẩn ngơ. Ngọn tháp mà Huyền Trang cho là 200 bộ (khoảng hơn 60m) đó ngày nay chỉ đo được khoảng 15m. Có tài liệu cho rằng đó là chỗ thờ xá-lợi của Phật được chia cho bộ lạc Malla chứ không phải của A-dục xây. Ngay tại nơi đây, cách đền khoảng 1,5 km là nơi hỏa thiêu nhục thân đức Phật mà Huyền Trang cũng đã mô tả, ngày nay chỉ là một ngọn đồi con đường kính 34m, cao 8m (xem hình 16). Đó là nơi cử hành lễ “Trà tỳ”, lễ hỏa thiêu cử hành khoảng một tuần sau khi Phập nhập diệt. Đó là buổi lễ không thể thiếu Ma-ha Ca-diếp, đại đệ tử của Phật, lúc đó đang ở Linh Thứu đã vội vã trở về tham dự. Lễ này được mô tả rõ ràng trong Đại Niết bàn kinh, phẩm Trà tỳ. Qua bao nhiêu năm tháng ngọn đồi này đã bị nhiều

muihuongtram-02-12H 4: Lễ hỏa táng (trà tỳ) đức Phật. Bên mặt phía dưới là Ca-diếp đang chắp tay cầu nguyện. Bên cạnh là cư sĩ dang cúng dường hoa quả. Một tăng sĩ đang đổ hương trầm vào lửa từ trong một bình đựng bằng vỏ ốc. Phía trên là thiên nhân đang tấu nhạc, một vị khác đang rải hoa cúng dường [12]

người đào bới để tìm xá lợi Phật. Huyền Trang cũng từng nói ai đến đây với lòng chí thành sẽ tìm thấy xá lợi. Tôi không có chút tham vọng, biết mình làm sao đủ cơ duyên để tìm thấy cái gì, chỉ nhớ rằng lúc mình đến là một buổi chiều sau khi mưa tạnh, bầu trời hết sức quang đãng và lòng hết sức thanh thản. Điều bất ngờ là vềà sau tại Linh Quang tự gần Bắc Kinh tại Trung Quốc, tôi đã được chiêm bái răng Phật, một trong bốn chiếc răng được tìm thấy tại ngọn đồi con này, một trong các báu vật mà cả Long Vương, Đế Thích cũng giành nhau.

[1] Samyuttanikaya
[2] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
[3] Theo “Phật thuyết đại bát niết bàn kinh“, Việt dịch của Thích Nhất Chân
[4] Tên khoa học là shorea robusta
[5] Có lẽ Huyền Trang nói Kasia bây giờ
[6] Tức là sông Little Gandak
[7] Lễ hỏa thiêu
[8] Trích Thích Thiện Châu, sách đã dẫn
[9] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
[10] Kinh đã dẫn, Việt dịch của Thích Nhất Chân
[11] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
[12] Hình trích từ H.W.Schumann, Buddhistische Bilderwelt, Eugen Diederichs Verlag 1993

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2011(Xem: 3539)
Đức Phật là vị A-la-hán đầu tiên. Các vị A-la-hán đệ tử của ngài đều giống ngài và các vị Bồ-tát ở chỗ sau khi chứng đạt giải thoát, tiếp tục cứu độ nhân loại thoát khỏi khối đau khổ của sanh tử luân hồi. Do đó, các cáo buộc cho rằng A-la-hán là tiêu cực, là ích kỷ, là tiểu thừa chỉ phản ảnh một sự hiểu biết phiến diện về lời Phật dạy nói chung, về các bậc A-la-hán nói riêng.
05/01/2011(Xem: 3759)
Khi nghĩ về Đức Phật, là Phật Tử, không ai lại không nhớ về bốn thánh tích quan trọng. Đó là vườn hoa Lâm Tỳ Ni (Lumbini Nava), dưới cây hoa Vô Ưu, thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) nay thuộc nước Nepal phía Bắc Ấn Độ, nơi Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha Gautama) đản sanh. Thứ hai là Bồ Đề Đạo Tràng (Boddha Gaya), tại Buddh Gaya, nay thuộc tiểu bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo. Thứ ba là vườn Lộc Uyển (Migadaya nay gọi là Sarnath thuộc xứ Utta Pradesh) (1), nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên . Thứ tư là Câu Thi Na(Kusinagara), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn . Nhân ngày Đức Phật Thành Đạo xin sơ lược đôi nét về Bồ Đề Đạo Tràng để ghi nhớ nơi Đức Từ Phụ sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định đã thành bậc vô thượng chánh đẵng chánh giác. Kể từ đó sau 49 năm Ngài thuyết giảng kinh pháp đà để lại cho nhân loại một kho tàng kinh điển vĩ đại quí giá.
30/12/2010(Xem: 3159)
Bên cạnh tu viện Larung Gar đang bị Trung Cộng triệt phá, cung điện khổng lồ Potala được coi là một kỳ quan không chỉ của dân tộc Tây Tạng mà còn của toàn nhân loại. Nằm ở trái tim của thành phố Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, cung điện Potala được coi là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hóa Tây Tạng và là biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma.
29/12/2010(Xem: 8915)
51 Địa Danh Bạn Cần Đến Thư Giản và Thưởng Ngoạn
26/12/2010(Xem: 4375)
Ngày 1 tháng 4 thì phải, tôi ghé chân ở Shangri-la, một miền đất khuất nẻo của Vân Nam. Để đến được nơi này, từ Lệ Giang, xe phải đi mấy giờ liền qua một sơn đạo chênh vênh ở độ cao chóng mặt. Tôi đã thấy gì? Trời ạ, giữa một nhân gian tế toái gồm đủ thiên hình vạn trạng của bao thứ bào ảnh ảo tượng, tôi lại bất ngờ nhận ra mình đang hiện hữu ở một nơi chốn mà mọi thứ đều ở mức tối giản.
16/12/2010(Xem: 6122)
Một cư sĩ học giả viết trong một quyển sách đã xuất bản, trong đó có lập lại một lời nói của đức Phật không được đúng như trong kinh đã ghi, điều này có thể tạo cho Phật tử hiểu lệch lạc về đạo Phật dẫn tới một đạo Phật mê tín. Họ nói Đức Phật nói rằng: “… Nếu vị thiện tâm nào đến bốn nơi Thánh địa này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu và duyên lànhvà nếu có vị thiện tâm nào có duyên được trút hơi thở cuối cùngtại một trong những Thánh địa này, chắc chắn người ấy sẽ được tái sanh vào cảnh giới thanh nhàn..”
28/10/2010(Xem: 4208)
Pháp Hội Thủy Lục khởi đầu từ đời Vua Lương Võ Đế. Nhà vua phát tâm Bồ Đề thành kính cung thỉnh Hòa Thượng Chí Công định chế nghi thức lập đàn tràng “Thủy Lục” để cầu siêu cho các oan hồn uổng tử. Các chiến sĩ trận vong trong chiến tranh, xả thân báo quốc, nhưng hương hồn của họ vất vưỡng không nơi nương tựa, những cô hồn vô chủ lang thang khắp nơi, những người chết vì bị trúng đạn, tai nạn trên không, dưới nước, đất bằng, chết vì bệnh dịch, chết oan, chết đuối trên đường vượt biển, các thai nhi sản nạn v.v… Chúng ta đều tác lễ cầu siêu cứu độ tất cả, giúp họ sớm thác sanh về cõi giới an lành. Âm siêu dương thới, pháp giới chúng sanh, đều hàm triêm lợi lạc.
26/10/2010(Xem: 5556)
(VietNamNet) - Đó là chuyến đi Tây Tạng của tôi và nhà thơ Văn Cầm Hải từ ngày 17/9 đến 25/9. Có nhiều cách đến Tây Tạng. Chúng tôi chọn con đường từ Hà Nội đi Nam Ninh, từ Nam Ninh bay sang Thành Đô, rồi từ Thành Đô bay lên Lhasa.
19/10/2010(Xem: 5870)
Lục tổ điện được xây lại vào năm Minh Hoàng Trì thứ 3, Canh Tuất (1490), Nam Hoa Thiền Tự trùng tu lần cuối vào năm Quý Dậu (1933). Trong điện này hiện nay vẫn còn tôn thờ nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (sinh đường Trinh Nguyên năm 12, tịch Đường Khai Nguyên năm đầu 638-713), cùng với nhục thân ngài Đại sư Hám Sơn và ngài Đại sư Đan Điền. Nam Hoa Tào Khê – Bửu Lâm Đạo Tràng, nằm cách thành phố Thiều Quan thuộc miền đông nam Trung Quốc 25 km (15,5 dặm), tại thị trấn Tào Khê, huyện Khúc Giang. Địa danh này nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, cách sông Bắc Giang vài km, trước đây là một tuyến giao thương giữa miền trung Trung Quốc và Quảng Châu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]