Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Trên đỉnh Linh Thứu

12/02/201216:01(Xem: 7524)
06. Trên đỉnh Linh Thứu
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG

TRÊN ĐỈNH LINH THỨU

Đỉnh Linh Thứu đối với tôi gần như hoang đường, tôi không bao giờ dám nghĩ đời mình sẽ có ngày đến Linh Thứu. Hôm nay tôi chỉ còn cách Linh Thứu vài cây số, đã thấy đỉnh núi huyền thoại này từ xa, từ điện của Tần-bà sa la.

Trong số du khách đến Ấn Độ mà nếu có ai đến Vương Xá là chỉ để thăm Linh Thứu. Người Ấn gọi Linh Thứu là Griddhaguta, nó là một đỉnh đồi nằm phía đông kinh thành Vương Xá. Do Linh Thứu thu hút khách nước ngoài nên tại thị trấn Vương Xá mới xây sau này cũng có một vài khách sạn hiện đại, đón khách hành hương từ Nhật hay Aâu Mỹ quen tiện nghi. Chúng tôi vào ăn trưa ở một khách sạn mang tên Lotus (Hoa sen) và mới hay nơi thị trấn hẻo lánh này mà cũng có khách sạn trang bị đầy đủ máy lạnh nước nóng. Vào sảnh đường khách sạn tôi thấy ngay một bức tranh lớn vẽ đỉnh Linh Thứu. Lòng tôi toát ra lòng biết ơn cuộc đời và cảm nhận một niềm rộn rã vô hạn. Khách sạn này chỉ mở cửa sáu tháng mùa đông, còn mùa hè thì du khách không có ai đến vì quá nóng.

Sau bữa ăn trưa, nhân viên khách sạn chỉ đường cho chúng tôi đi Linh Thứu, họ nói với anh tài xế bằng tiếng Hindu cách đi đường thế nào thuận tiện nhất. Và khi đến nơi, chúng tôi mới hay Linh Thứu không hề là một vùng hoang vu như Vương Xá mà là một nơi được nhiều người đến chiêm bái.

Theo dòng khách hành hương chúng tôi đến một trạm đi xe cáp, đó là phương tiện di chuyển thông thường trong các vùng núi non. Từ dưới thấp nhìn lên chúng tôi thấy một bảo tháp trắng toát. Thế nhưng đỉnh Linh Thứu đâu?

Xe cáp dần dần đưa chúng tôi lên núi, thì ra đó là núi Bảo sơn [35], nằm phía tây bắc của Linh Thứu. Trên đỉnh núi này, năm 1969 người Nhật xây một bảo tháp cực lớn mang tên Shanti Stupa (tháp hòa bình thế giới). Khi đến nơi tôi mới thấy quả thật đây là một bảo tháp tuyệt đẹp với bốn tượng Phật hoàn hảo nhìn ra bốn phía. Thông thường thì tôi có thể bỏ cả nửa buổi để nhìn ngắm tháp này nhưng tôi đến đây vì Linh Thứu, đỉnh núi thiêng liêng này đang chiếm lấy tâm tôi. Tôi chạy ra sân của công trình bảo tháp nhìn xuống, thì dưới kia là Linh Thứu ! Linh Thứu là đó sao, một đỉnh đồi với một chiếc sân nhỏ bằng đá hình vuông vuông, đó thật là nơi cách đây 25 thế kỷ Phật đã giảng những bộ kinh quan trọng hay sao?

Thì ra xe cáp đã kéo chúng tôi lên rất cao, tới đỉnh Bảo sơn nơi xây bảo tháp. Cách đi là khách thăm Bảo sơn trước, sau đó đi bộ xuống núi để đến Linh Thứu. Lòng tôi có chút vướng bận một điều gì đó chưa rõ nhưng tôi háo hức theo đoàn người xuống núi, đi trước là một viên lính Ấn Độ dẫn đường. Càng đi, Linh Thứu càng gần dần và rõ dần. Buổi chiều đã bớt nắng, gió hơi mạnh.

Và đây rồi, len lỏi qua vài mô đá lớn, chúng tôi tới đỉnh Linh Thứu ! Xúc động thay, đời mình đến được nơi này.

Đây là một sân vuông nhỏ, dài khoảng hai mươi mét, rộng mười mét. Đây là nơi diễn ra Hội Linh Sơn cách đây hai ngàn năm trăm năm mà hồi nhỏ tôi đã nghe ông tôi tụng “Linh Sơn hội thượng Phật”, pháp hội mà nhiều người hiện nay cho rằng nó vẫn còn tiếp diễn.

Linh Thứu được xem là chỗ đức Phật giảng pháp thậm thâm, dành cho các bậc thượng thừa, được mệnh danh là chỗ Ngài chuyển pháp lần thứ hai. Trong một bài giảng tại đại học Harvard (Mỹ) [36], vị Đại-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay nói: “Nội dung của những bài thuyết pháp này là những bài kinh thuộc hệ Bát-nhã ba-la-mật-đa và trong những bài kinh này, người ta thường kể rằng, rất nhiều môn đệ của Ngài (Phật) – người, chư thiên, a-tu-la và những loài khác đã tham dự pháp hội này. Nhưng nếu đã từng đến núi Linh Thứu thì người ta sẽ nhận ra ngay là cái đỉnh của ngọn núi này chỉ có thể chứa được mười, cao nhất là mười lăm người. Vậy thì chỗ Phật thuyết pháp phải là một nơi, một hiện tượng mà chỉ những môn đệ với những thiện nghiệp hi hữu, con mắt thanh tịnh, mới có thể nhìn thấy được”.

Đỉnh Linh Thứu chính là nơi Phật giảng bộ kinh Diệu pháp liên hoa, trong đó Ngài không còn là một con người lịch sử có sống có chết nữa, mà Phật xuất hiện trong dạng Báo thân, trong dạng của một vị Phật đã thành tựu Phật quả từ muôn ngàn kiếp trước. Trong kinh này Ngài trình bày rõ các phương pháp khác nhau của tam thừa đều chỉ là phương tiện của “người cha muốn cứu các con đang vui chơi trong một ngôi nhà đang cháy”.

Phẩm thứ 16 (Thọ mạng Như Lai) trình bày rõ việc Ngài đắc đạo bốn mươi năm trước đó tại Bồ-đề đạo trường hay sẽ nhập Niết bàn chỉ là dạng Ứng thân của Ngài cho người đời dễ tin dễ hiểu chứ Ngài thành đạo không phải trong đời này và cũng sẽ mãi mãi thường trụ tại đời này. Và đáng chiêm ngưỡng thay, đỉnh Linh Thứu chính là trú xứ, là tịnh độ của Ngài. Vì thế mà “hội Linh Sơn” mãi mãi vẫn còn tiếp diễn với hàng vạn bồ-tát và thiên nhân. Người bình thường, còn bị vô minh vây phủ, thấy thế giới này còn vô thường và khổ đau, thì cũng thế, thấy Linh Thứu chỉ là một cái sân nhỏ tráng xi-măng chỉ có chỗ cho vài chục người.

Tôi chỉ là người trần mắt thịt nên chiều hôm đó chỉ nghe tiếng gió chiều và cảm nhận một cách trừu tượng rằng mình đang đứng một chỗ thiêng liêng. Từ đỉnh núi Linh Thứu này, lòng đầy u hoài tôi nhìn xuống Vương Xá ngày nay chỉ là một con đường chạy giữa hai triền núi. Tôi nhớ lại một tác phẩm của Schumann để hiểu tại sao ngày xưa Phật lại cư trú trên này. Theo Schumann [37] thì Vương Xá ngày xưa là một đô thị nằm trong lòng chảo, xung quanh toàn là núi không có chút gió nên mùa hè hẳn phải nóng khủng khiếp. Đức Phật và đoàn tùy tùng có lẽ cũng không chịu nổi cái nóng và phải rút lên núi, thế nhưng không lên quá cao để môn đệ, trong đó có nhà vua Tần-bà-sa-la tiện việc thăm Ngài. Dễ thương thay, cách giải thích logic của một người phương tây. Thì ra Ứng thân của Ngài cũng sợ nóng, cũng chịu mọi cảnh sinh lão bệnh tử của cuộc đời.

Về sau trên đường đi xuống núi, quả nhiên tôi thấy có bảng đề: “Đây là chỗ nhà vua cho tùy tùng rút lui để một mình lên diện kiến Phật”. Đi tiếp xuống một đoạn lại thấy: “Đây là chỗ nhà vua xuống xe ngựa, đi bộ lên núi thăm Phật”.

Trước khi xuống núi khách có thể thăm viếng các động thiền định của A-nan, Đại Ca-diếp, Xá lợi-phất, Mục-kiền-liên. Bao nhiêu thế hệ của khách hành hương đã đến chỗ này, bao nhiêu lòng thành kính đã tỏa lan nơi đây mà ngày nay còn lại là những cửa động bằng đá dát vàng lấp lánh. Ôi, những điều tưởng là huyền thoại không ngờ lại có thật cả.

Trên đường xuống núi, người lính Ấn Độ dẫn đường đã chỉ cho tôi thấy một tảng đá rất giống hình chim ưng, một trong những lý do mà người ta đặt cho đỉnh núi này biệt danh “đỉnh kên kên”. Tôi chụp được hình ảnh độc đáo này, không dễ gì bắt gặp nó trong một ngày trời xanh nắng sáng như hôm nay (xem hình 9).

Tôi đi xuống chân núi, lòng ân hận. Bây giờ tôi mới biết lòng mình vướng bận điều gì. Lẽ ra tôi phải đi bộ lên núi, như hàng đoàn người đi ngược từ dưới lên, trong đó có cả ông già bà cả. Những người trong khách sạn tưởng tôi thích tiện nghi đã chỉ một con đường bất xứng, đi xe cáp lên cao rồi từ trên đi xuống cho khỏe. Từ phía dưới tôi ăn năn nhìn lên, chỉ còn thấy xa xa hình của một ông già người Ấn đứng bơ vơ trên đỉnh, ông là người thu những số tiền mà khách cúng dường nơi chốn thiêng liêng này.

Lần sau đời tôi nếu có cho tôi đến Linh Thứu lại, tôi sẽ dành một ngày đi bộ từ Vương Xá lên đỉnh, đi lại bước chân của đức Phật lúc Ngài còn tại thế. Nhiều năm về sau, tôi được đi tham bái nhiều thánh địa của đức Thích-ca ở Ấn Độ, nhiều đạo trường của các vị Bồ-tát mà Diệu pháp liên hoa kinh đã nhắc tới như Văn-thù, Quán Thế Âm, Phổ Hiền…ở Trung Quốc, nhiều tu viện rất cổ tại Tây Tạng. Đó là những chốn rất thiêng liêng được mệnh danh là “tứ động tâm” của Ấn Độ, “tứ đại danh sơn” của Trung Quốc, “thành phố của chư thiên” tại Tây Tạng. Thế nhưng không có nơi nào để lại trong tôi lòng xúc động và biết ơn cuộc đời như Linh Thứu. Phải chăng Linh Thứu quá nhỏ bé để tôi thấy đâu đây còn có hơi ấm và ánh sáng của vị đạo sư trong lúc các chốn kia quá to lớn mênh mông ? Nhưng đó là tâm tư thật của tôi. Nếu có một ngày hỏi lại đời mình đâu là chỗ đáng quí nhất đã từng đi tới thì đó là núi Linh Thứu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/06/2013(Xem: 6188)
Trước nhất, chúng tôi xin thân gởi đến quý Thân Hữu, quý Phật Tử gần xa, lời tán thán công đức luôn nhắc nhở khuyến khích chúng tôi viết quyển sách này. Những vị này đã nghe tôi kể lại tỉ mỉ cuộc hành trình nơi xứ Phật, những điều mắt thấy, tai nghe và đi tìm hiểu phong tục tập quán lạ, cũng như vào trong làng sâu, gần như chưa có sách nào đề cập đến.
01/05/2013(Xem: 3603)
Bác tài xế taxi đêm qua đưa chúng tôi một vòng “Delhi by night” sáng hôm sau đến đúng giờ đợi chúng tôi ở ngoài đường. Tôi đưa thiệp của bác taxi cho các gác dan của khách sạn để họ gọi bác vào. Các khách sạn loại đắt tiền ở Ấn Độ thường nghiêm nhặt về an ninh. Trên đường ra phi trường nội địa, xe chạy ngang qua khu vực Dinh Tổng Thống rồi tới con đường rất đẹp với mấy lớp cây xanh hai bên. Bác tài nói đây là con đường tập trung tất cả các tòa đại sứ. Tôi nhìn phía bên trái và đọc được tên của hơn một tá tòa đại sứ các quốc gia trên các bảng hiệu cắm bên đường.
09/04/2013(Xem: 7174)
Hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH Tổng cộng 26 ngày từ 04-11 đến ngày 29.11.2008
09/04/2013(Xem: 5907)
Phái đoàn hiện tại đã hoàn tất mọi thủ tục và chờ ngày lên đường, đoàn gồm có 74 người: 38 người từ Melbourne, 1 từ Adelaide, 17 từ Perth, 6 từ Sydney, 9 từ Hoa Kỳ và 2 từ Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 4847)
Tất cả quý Phật tử tại Mỹ (dù ở bất cứ tiểu bang nào) phải có mặt tại phi trường quốc tế Los Angles, California lúc 8 giờ tối để làm thủ tục lên máy bay (hãng China Southern Airline) lúc 11.50 tối 20-10-2009 để bay đến Quảng Châu, Trung Quốc.
09/04/2013(Xem: 5723)
Phái đoàn viếng thăm Tân Hưng Cổ Tự ở miền Đông Bắc Nam Triều Tiên
09/04/2013(Xem: 4498)
Hành Hương Phật tích Ấn Độ 2010 do HT Thích Bảo Lạc (Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu) hướng dẫn từ ngày 2 đến 20/11/2010.
09/04/2013(Xem: 5286)
Hình ảnh Ðại Ðức Thích Phổ Huân Trụ Trì Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu Và Ðạo Hữu Tony Thạch (Triumph Tour) Hướng dẫn phái đoàn hành hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Ðộ Từ ngày 1/2/2012 đến 24/2/2012.
09/04/2013(Xem: 11632)
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức tập sách giá trị này. Xin chân thành giới thiệu đến bạn đọc xa gần.
09/04/2013(Xem: 12057)
Chân thành cảm ơn Đạo Hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng tập sách Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng ở TP. HCM và 200 ảnh những ngôi chùa nổi tiếng 3 miền Bắc, Trung, Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]