Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Vườn Lâm Tỳ Ni

14/07/201112:28(Xem: 5834)
02. Vườn Lâm Tỳ Ni

VƯỜN LÂM TỲ NI (LUMBINI)

NƠI ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH

Lâm Tỳ Ni đã trở thành một trong những thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo, kể từ khi đức Phật đản sanh tại đây, hơn 2.500 năm trước, vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha, khoảng tháng 5 năm 623 trước tây lịch. Thực vậy, trải qua bao thế kỷ, thánh địa này là trung tâm nghiên cứu, hành hương của hàng triệu nhà khảo cổ, học giả, sử gia trứ danh Đông lẫn Tây phương; của các chính khách, lãnh tụ, và Phật tử khắp nơi trên thế giới.

I. LÂM TỲ NI NGÀY XƯA

Vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch (T.L.), trước thời đức Phật đản sanh, Lâm Tỳ Ni (Lumbini) là một hoa viên, nơi du ngoạn, giải trí chung của hai bộ tộc Thích Ca (Sakyas) thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) và thị tộc Câu Ly (Koliyas) của thành Ramagrama. Hai thị tộc này, từ lâu đời, đã có liên hệ mật thiết thông gia với nhau. Lúc Phật còn tại thế, Ngài có đến thăm Lâm Tỳ Ni một lần trên đường đức Phật du hóa đến thuyết giảng kinh Devadaha (thuộc Trung Bộ Kinh) cho dân chúng tại thành Devadaha, kinh đô của bộ tộc Câu Ly, quê ngoại của Ngài. Sau ngày đức Phật nhập diệt, năm 543 trước T.L, A Dục (Asoka) là vị vua Ấn Độ đầu tiên đến chiêm bái nơi này vào năm 249 trước T.L.

Sau đó, các danh tăng Trung Hoa đến chiêm bái thánh tích Lâm Tỳ Ni đầu tiên là ngài Pháp Hiển (Fa Hien) vào năm 403 T.L., rồi đến ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang) năm 636. Từ đó đến những thế kỷ về sau, Lâm Tỳ Ni đã biến thành một nơi rừng rậm hoang vu, xa xôi hẻo lánh, ít có nhà hành hương nào đến chiêm bái được.

II. LÂM TỲ NI THỜI VUA A DỤC (ASOKA) CỦA ẤN ÐỘ

A Dục Vương là một vị vua Phật tử nhiệt thành, có công đức nhiều nhất đối với nhân loại trong việc phát huy, bảo vệ chánh pháp của đức Phật. Ngài là con vua Bindusara và hoàng hậu Subhadrangi, trị vì vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) vào những năm 298-273 trước T.L., với kinh đô đóng tại Pataliputra (Hoa Thị Thành), nay là thành phố Patna, thủ đô của tiểu bang Bihar, thuộc miền đông Ấn Độ. Vua A Dục lên ngôi lúc ngài 30 tuổi, và mất vào năm 71 tuổi (273-232 trước T.L.). Nhà vua bấy giờ đã tích cực ủng hộ, truyền bá giáo pháp của đức Phật, không những trong nước Ấn Độ, và các quốc gia Á Châu; mà còn lan rộng cả đến Âu và Phi Châu.

Theo sử liệu ghi chép ở tập Divyavadana, vào năm thứ 20 của triều đại A Dục, nhà vua lần đầu tiên viếng Lâm Tỳ Ni vào năm 249 trước T.L., dưới sự hướng dẫn của Đại đức Upagupta. Đoàn người hộ giá theo đức vua, gồm triều thần, quân lính đến bốn tiểu đoàn, với nhiều tràng hoa, hương đèn mang theo để cúng lễ. Họ khởi đầu từ kinh đô Pataliputra (Hoa Thị Thành), qua thị trấn Tỳ Xá Li (Vesali) để đến Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Khi tới thánh địa này, Đại Đức Upagupta, đưa tay chỉ vào một thân cây và nói: “Tâu Đại Vương, đây là nơi đức Phật đản sanh. Bệ hạ nên cho xây dựng trụ đá để ghi dấu, và tỏ bày lòng tôn kinh đức Thế Tôn”.Vua A Dục, sau khi chắp tay kính cẩn hành lễ, Ngài liền truyền lệnh cho xây dựng trụ đá tại đây. Chính nhờ trụ đá này mà về sau nhân loại và các nhà khảo cổ mới biết rõ, và xác định được đức Phật đã giáng sanh hơn 2.500 năm trước.

III. LÂM TỲ NI QUA KÝ SỰ CỦA CÁC NHÀ HÀNH HƯƠNGTRUNG QUỐC

A. KÝ SỰ CỦA NGÀI PHÁP HIỂN (FA HIEN) 399-414

Ngài Pháp Hiển, danh tăng Trung Hoa, đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni, vào năm 403 T.L., sau vua A Dục khoảng 750 năm đầu tiên đến viếng nơi này. Ngài Pháp Hiển, trong tập ký sự của ngài, đã ghi chép cảnh trí ở đây như sau:

“Cách xa kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) 50 lý (hơn 16 dặm) về hướng đông, chúng tôi đến một hoa viên, gọi là Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi xưa hoàng hậu Ma Gia đã đi xuống hồ nước và tắm. Rời khỏi hồ nước từ bờ hướng bắc, sau khi đi 20 bước, hoàng hậu đưa tay lên vin giữ một nhành cây, với mặt ngoảnh nhìn về hướng bắc, hoàng hậu hạ sanh thái tử. Khi thái tử vừa đặt chân xuống đất, thái tử liền bước đi bảy bước. Hai vị Long Vương (dragon - kings) xuất hiện phun nước tắm cho thái tử, khiến nơi đây tức thì biến thành giếng nước. Hoàng hậu đã đến tắm tại giếng này cũng như hồ nước trên. Ngày nay, ngay cả chư Tăng vẫn thường dùng nước các nơi đó để uống…”

Trích “Fa Hien’s Records Of Buddhistic Kingdoms”translated of Chinese Text, by James Legg (“Ký Sự về các Vương Quốc Phật Giáo của Ngài Pháp Hiển), Chương 22, trang 67.

B. KÝ SỰ CỦA NGÀI HUYỀN TRANG (HIUEN TSIANG) 629-645

Ngài Huyền Trang, danh tăng Trung Hoa thứ hai, đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni khoảng năm 636 T.L., đã ghi chép tương đối khá đầy đủ hơn ngài Pháp Hiển. Trong tập Ký sự “Tây Du Ký” (Si Yu Ki), ngài Huyền Trang đã viết như sau về thánh tích này:

“…Cách xa ‘Suối Mũi Tên’ (Arrow Fountain) về hương đông bắc khoảng 80 hay 90 lý (30 dặm), chúng tôi đến vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Nơi đây thấy có hồ nước tắm của dân làng thị tộc Thích Ca (Sakyas), nước hồ trong sáng như gương; và trên mặt hồ bao phủ đầy những loại hoa. Cách bờ hồ hướng bắc khoảng 24 hay 25 bước là cây Vô Ưu (Asoka) mà hiện nay đã tàn tạ. Đây là nơi Bồ Tát (thái tử) đản sanh... Về phía đông của nơi này là một ngọn tháp (Stupa), do vua A Dục cho dựng nên ngay tại chỗ hai con rồng đã phun nước tắm cho thái tử.

“…Chân thái tử bước đến đâu, nơi đó hoa sen liền nở. Trên không hai con rồng xuất hiện, từ miệng mỗi con phun ra một luồng nước mát và ấm để tắm cho thái tử... Về phía đông của ngôi tháp này là hai ngọn suối nước trong, bên cạnh người ta xây lên hai ngôi tháp. Đây là nơi hai con rồng từ dưới mặt đất hiện ra. Khi Bồ Tát đản sanh, các triều thần và cung phi đi tìm nước khắp nơi để tắm cho thái tử. Vào lúc đó, từ dưới đất phun lên trước mặt Hoàng hậu hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho thái tử.

“Về hướng nam của nơi này là một ngọn tháp khác. Đây là chỗ vua trời Đế Thích, vua của chư Thiên, liền bồng và bọc thái tử trong chiếc áo của thiên thần. Gần đó, có bốn ngọn tháp ghi dấu nơi bốn vị Thiên vương đưa tay ôm thái tử. Khi Bồ tát đản sanh bên phía tay phải của hoàng hậu, bốn vị thiên vương đã lấy vải bằng vàng bao che cho thái tử; đặt thái tử nằm trên một phiến đá bằng vàng, rồi họ mang thái tử đến trước Thánh mẫu và nói: ‘Thật hết sức vui mừng hoàng hậu đã hạ sanh một đấng Siêu nhân’.

“Bên cạnh những ngôi tháp trên là một trụ đá lớn, trên đầu trụ đá có tượng hình con ngựa, do vua A Dục truyền dựng nên. Về sau, do sét đánh, trụ đá bị gãy ở giữa và rơi xuống đất. Gần đấy là một dòng sông nhỏ chảy về hướng đông nam. Dân địa phương gọi đó là ‘con sông dầu’ (River of Oil). Đây là dòng suối do các thiên thần tạo ra như hồ nước trong và lấp lánh cho hoàng hậu, sau khi hạ sanh thái tử, tắm ở đó. Ngày nay, nó biến thành con sông, với nước đang còn chất nhờn….”

Trích “Buddist Records Of The Western World”,translated from the Chinese of Hiuen Tsiang, by Samuel Beal (“Tây Du Ký” của Ngài Huyền Trang), Quyển VI, trang 24-25.

IV. LÂM TỲ NI NGÀY NAY

A. NHỮNG NHÀ KHẢO CỔ TIÊN PHONG GÓP PHẦN TÌM RACÁC THÁNH TÍCH PHẬT GIÁO

Có thể nói phần lớn các Phật tích tại Ấn Độ và Nepal được khám phá đầu tiên nhờ ở các nhà khảo cổ Tây phương. Hội “Hoàng Gia Á Châu” (Royal Asiatic Society) do ông William Jones (1746-1794), một học giả người Anh, thành lập năm 1784 tại Calcutta, thủ đô của bang West Bengal, miền đông Ấn Độ; đã đặt nền tảng sơ khởi cho công cuộc khảo cứu về lịch sử, cổ học, văn hóa, và nghệ thuật của các nước Á Châu, nhất là Ấn Độ. Năm 1837 James Prinsep, nhà khảo cổ đầu tiên, đã nghiên cứu tìm ra được cách đọc chữ Brahmi, một cổ ngữ Ấn Độ rất khó, thường thấy khắc trên các trụ đá của vua A Dục (Asoka). Khám phá này đã góp phần to lớn cho công trình khảo cứu, tìm hiểu nội dung các bản văn sử liệu được ghi khắc trên những trụ đá, bia ký của A Dục tại các thánh tích Phật giáo.

Nhà khảo cổ Anh quốc có công nhất trong sự nghiệp khai quật, phát hiện phần lớn những di tích Phật giáo, phải kể là học giả Alexander Cunningham (1814-1893). Ồng ta đã nghiên cứu theo tài liệu lộ trình ghi chép trong các tập ký sự của hai nhà hành hương Trung Hoa, Pháp Hiển và Huyền Trang để xác định lại vị trí địa dư các Phật tích tại Ấn Độ.

B. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁM PHÁ LÂM TỲ NI ÐẦU TIÊN

Người đã khám phá ra di tích vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) đầu tiên là Dr. Alois Anton Furher, một học giả người Đức. Năm 1896, ông tìm ra hai trụ đá A Dục (Asokan Pillars), một tại vườn Lâm Tỳ Ni (nay là làng Rummindei, thuộc quận Rupandehi, vương quốc Nepal) và trụ kia tại làng Gotihawa ở Ca Tỳ La Vệ (hiện nằm trong vùng phía tây Terai của Nepal).

Công trình này của Dr. Furher, được các nhà khảo cổ Ấn Độ và Tây phương, xem như “một trong những khám phá quan trọng nhất trong thế kỷ 19” của nhân loại. Sau đó, chính phủ Ấn Độ đã đặc phái học giả P.C. Mukherjee qua Nepal nghiên cứu để kiểm chứng lại các khám phá trên của Dr. Furher. Sau một thời gian khảo sát tại chỗ, năm 1901, ông P.C. Mukherjee cho ấn hành một bản báo cáo về công tác khai quật, đào bới của ông, với đầy đủ giải thích chi tiết, họa đồ, và hình ảnh. Ngày 11 tháng 3 năm 1899, nhà khảo cổ P.C. Mukherjee đến Lâm Tỳ Ni. Ông ta thấy có hai mô đất lớn: một mô gồm chùa Mayadevi (Hoàng hậu Ma Gia), trụ đá vua A Dục, và nhiều kiến trúc khác, trong tình trạng đổ nát; một gò đất khác nằm về hướng tây nam chùa Mayadevi, đó là làng Lâm Tỳ Ni cũ; mà xưa kia vua A Dục đến viếng thăm, đã truyền lệnh bố thí giúp đỡ cho dân chúng 1,000 đồng tiền vàng. Mục đích khảo sát của ông Mukherjee chỉ giới hạn xung quanh khu vực các di tích đổ nát gần trụ đá A Dục, và chùa Mayadevi.

Mô đất chùa, ông Mukherjee tìm thấy, là một mảnh đất hình chữ nhật dài 400 feet, rộng 300 feet, và cao từ 10 đến 20 feet. Trên đỉnh mô đất này, trông có một hình dáng di tích của một ngôi chùa đổ nát, và bên trong thấy tôn trí pho tượng Mayadevi (hoàng hậu Ma Gia), mà dân địa phương sùng kính như nữ thần. Điện thờ của ngôi chùa này về sau, đã được trùng tu lại. Nói tóm, công trình khảo cứu của ông Mukherjee tại vườn Lâm Tỳ Ni là đã khám phá ra ngôi chùa nguy nga, được xây bằng những viên gạch chạm khắc rất đẹp với những tượng đá mỹ thuật diển tả khi đức Phật đản sanh; và trụ đá A Dục tại nơi chính gốc của nó, có tường gạch bao quanh.

C. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁM PHÁ LÂM TỲ NI SAU NÀY

Sau ông Mukherjee, tướng Kaiser Sumsher J.B. Rana, được chính phủ Ấn Độ ủy thác tiếp tục công việc khai quật, khám phá các di tích tại Lâm Tỳ Ni vào những năm 1932-1939, nhưng tiếc rằng ông không đạt được thành quả bao nhiêu. Ông chỉ phát hiện được cái nền cao chung quanh chùa Mayadevi, đào bới rộng thêm cái hồ nước Thích Ca (Sakyan Tank), thiết lập hàng rào sắt xung quanh trụ đá A Dục, và cho xây cất vài quán trọ dành cho du khách hành hương.

Sau một thời gian dài gián đoạn, bà Debala Mitra, nhân viên Nha Khảo Cổ Ấn Độ (Archaeological Survey of India) đến Lâm Tỳ Ni nghiên cứu vào năm 1962. Mục đích là khảo sát để kiểm chứng lại xem nơi trụ đá A Dục (ghi dấu chỗ đức Phật đản sanh trước kia) có đich thực ở nguyên vị trí chính gốc đầu tiên của nó hay không. Bà cũng chụp hình các vật dụng cổ đào thấy trong nhà bếp của chư Tăng sống tại nơi này vào những thế kỷ lâu xa trước đây.

D. NHỮNG KHÁM PHÁ TẠI LÂM TỲ NI CỦA CHÍNH PHỦ NEPAL

Khác với những công cuộc khảo cứu thánh tích Lâm Tỳ Ni vào những thập niên trước đó, đều do chính phủ Ấn Độ khởi xướng; công trình khai quật có tánh cách quy mô, khoa học tại Lâm Tỳ Ni vào những năm 1970-1971, do Nha Khảo Cổ của chính phủ hoàng gia Nepal thực hiện. Mục tiêu của lần khảo cứu này, là nhằm xác định lại vị trí khu vực của “Ngôi làng Lâm Tỳ Ni” (Lumbini village) thời xưa, thấy được khắc ghi nói đến nơi trụ đá A Dục nằm về hướng tây của chùa Mayadevi. Thứ hai, thực hiện một bản đồ, trình bày rõ các di tích hiện hữu xung quanh chùa Mayadevi cho công cuộc bảo trì thánh địa Lâm Tỳ Ni trong tương lai. Thứ ba, lập đồ án khu vực những nơi khảo cổ chung quanh sông Telar (con sông Dầu), mà trong ký sự của ngài Huyền Trang có nhắc tới.

Công cuộc khảo cứu nơi gò đất thứ hai (do ông Mukherjee tìm thấy đã nói trên) chứng tỏ rằng vườn Lâm Tỳ Ni đã có người ở từ thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch. Nghiên cứu các tầng đất nơi chỗ có người cư trú, người ta thấy liên tiếp có đến 10 lớp, và nơi tầng thấp nhất với các đồ gốm. Cũng ở lớp đất thấp này, các nhà khảo cổ còn đào thấy một bức tường bằng đất bùn, một cái chuông bằng đất nung, và những cổ vật khác, được dân chúng đào vào thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch. Nơi lớp đất cao hơn, các nhân viên khảo cổ đào thấy hai cái giếng bằng gạch, một cái khung bằng đất nung, đúc hình đức Phật đản sanh. Ngoài ra, nhiều kiến trúc xây lên từ các thời đại xa xưa nhất đến thời Trung Cổ, để tưởng niệm đức Phật, đã tìm thấy rải rác trong một vùng đất rộng lớn xung quanh Lâm Tỳ Ni. Hiện nay, các hoạt động khảo cổ chính yếu tại Lâm Tỳ Ni của chính phủ Nepal là nhằm bảo trì các di tích đã khám phá được từ nhiều năm qua, cũng như trùng tu lại các ngôi tháp nhỏ và những kiến trúc khác trong khu vực này.

E. NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI NHẤT TẠI LÂM TỲ NI

Ngày 22-24 tháng 9 năm 1981,trong phiên họp đặc biệt của Nha Khảo Cổ tại Nepal, đã thông qua dự án thực hiện thêm công tác khai quật, khảo cứu tại Lâm Tỳ Ni. Kết quả của chương trình này, là một ngôi chùa mới (Vihara), xây cất lâu đời vào những thời kỳ khác nhau trước đây, đã được đào thấy tại phía đông nam chùa Mayadevi (Ma Gia hoàng hậu). Tại giữa ngôi chùa mới trên, người ta còn tìm thấy một ngọn tháp cổ có đường kính 6 feet. Ngôi chùa mới khám phá này đã được trùng tu và chăm sóc. Năm 1983, các nhân viên khảo cổ lại đào thấy một cái giếng cũ bằng gạch. Nơi đáy giêng, thấy có vài cái hũ bằng đất nung thuộc thời đại Kushan của Ấn Độ (48-220 T.L.), và một cái bình rất đẹp, được dân chúng dùng vào dịp lễ cúng Long Thần (Naga).

V. CHÚNG TÔI ÐẾN VIẾNG LÂM TỲ NI

Sau thời gian ở Bangkok (Thái Lan) nghiên cứu Phật giáo gần một năm, khoảng tháng 8 năm 1966, chúng tôi rời Thái Lan qua Ấn Độ; và đến cuối tháng 10 năm 1969, chúng tôi đi chiêm bái Phật tích Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Lúc bấy giờ, chúng tôi đang theo học chương trình M.A. tại Học Viện Phật Giáo Nalanda, thuộc quận Patna, tiểu bang Bihar, miền đông Ấn Độ. Đại Học Phật Giáo Nalanda ngày xưa là nơi ngài Huyền Trang, danh tăng Trung Hoa, trong thời gian đến Ấn Độ từ năm 630-643 T.L., đã ở nghiên cứu, tu học trong nhiều năm. Từ Nalanda, chúng tôi đi xe lửa về Patna, thủ đô của bang Bihar. Tại ga trung ương Patna, gần 1 giờ trưa, chúng tôi đáp tàu lửa tốc hành (Express), trên tuyến đường hỏa xa đông bắc Ấn Độ (North-EasternRailway) để đi Varanasi (Ba La Nại), thuộc bang Uttar Pradesh, một thành phố lớn chỉ cách xa 6 dặm (miles) đường bộ vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi ngày xưa, đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế (Chuyển Pháp Luân). Chúng tôi đến thị trấn này vào lúc khoảng gần 7 giờ tối. Chúng tôi phải đi kiếm gì ăn, vì bụng thấy đói.

Chúng tôi vào tiệm ăn chay (VegetarianRestaurant) ngay tại ga Varanasi. Ở Ấn Độ, bất cứ nhà ga lớn nào, cũng có mở tiệm ăn dành cho hành khách. Phần lớn các tiệm ăn này do Sở Hỏa Xa của chính phủ đảm trách. Bên này tiệm ăn chay, đầu kia là tiệm mặn (Non-Vegetarian). Có nơi trong cùng một tiệm, người ta phân hai ra, một bên mặn, một bên chay. Dù mặn hay chay, trước cửa tiệm đều có để bảng hiệu rõ ràng bằng hai thứ tiếng Hindi (Ấn Độ) và Anh văn. Quý vị nào biết tiếng Anh, thì rất dễ tìm thấy. Đồ ăn uống ở Ấn Độ rẻ mạt, nhất là thức ăn chay. Một bửa cơm chay ăn thực no, lúc ấy, chúng tôi nhớ chỉ phải trả đâu mất có 12 Rúp-pi (Rupees) tiền Ấn (bằng 1 đô la rưởi). Tôi nghĩ lúc này thực phẩm ở Ấn Độ có lên giá chút đỉnh, nhưng vẫn còn rẻ, nếu so với các nước Á Châu khác, nhất là tại Hoa Kỳ.

Xin được kể tiếp về chuyến đi. Sau khi dùng cơm xong, xem đồng hồ thấy gần 9 giờ tối. Chúng tôi vội vàng trả tiền đứng dậy rời tiệm ăn, đến sắp hàng chờ mua vé, để kịp đáp chuyến tàu lửa 10 giờ đêm từ Varanasi đi Gorakhpur, một thành phố lớn, nằm trong quận Gorakhpur, bang Uttar Pradesh miền đông bắc Ấn Độ. Đêm ấy, tàu tới trễ mất hơn tiếng đồng hồ, làm chúng tôi chờ sốt cả ruột, lại cảm thấy buồn ngủ. Tàu lửa ở Ấn Độ bị trễ là chuyện thường, đôi khi trễ đến 3,4 giờ liền. Nói vậy để quý vị hôm nào qua Ấn hành hương thì phải chịu khó kiên nhẫn mới được. Dù trễ cách nào, rồi trước sau gì tàu cũng đến… Tôi leo lên xe, tìm chỗ ngồi nơi toa hạng nhì, nhìn lại đồng hồ thấy hơn 11 giờ khuya. Vì không mua được chỗ nằm ở các chuyến tàu đêm, nên suốt đêm ấy chúng tôi phải ngồi mà ngủ. Tàu lửa đêm Ấn Độ, chỗ nằm phần nhiều phải mua trước một vài ngày mới có. Tàu tốc hành chạy suốt đêm, đến gần 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đến ga Gorakhpur.

Bước ra khỏi tàu lửa, dù người hơi mệt vì mất ngủ; nhưng lòng chúng tôi vẫn cảm thấy rất vui, cái vui nhẹ nhàng thanh thoát của những người đệ tử như chúng tôi, theo gương Phật xuất gia từ nhỏ; giờ đây, đang trên đường trở về tìm lại dấu vết của ngàn xưa, hơn 2,500 năm trước, nơi vườn Lâm Tỳ Ni, đức Phật đã ra đời. Tại ga Gorakhpur, sau khi dùng điểm tâm, chúng tôi chờ đón chuyến tàu 11 giờ sáng để đi Nowgarh, một thành phố nhỏ vùng biên giới, trong quận Basti, thuộc bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn Độ. Muốn đi chiêm bái thánh tích Lâm Tỳ Ni (Lumbini), Nowgarh lúc bấy giờ là địa điểm thuận lợi nhất để quý vị có thể đến Lâm Tỳ Ni bằng đường bộ. Từ Gorakhpur đến Nowgarh mất khoảng 3 giờ tàu hỏa. Chúng tôi đến Nowgarh vào lúc hơn 2 giờ chiều, và phải nghỉ lại đêm để chờ sáng mai mới có xe buýt (bus) đi Lâm Tỳ Ni.

Nhờ ở đây có chùa Tích Lan của Hội Ma Ha Bồ Đề, nên chúng tôi vào xin ở lại. Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm để kịp đi chuyến bus đầu tiên, đến Lâm Tỳ Ni. Nowgarh cách vườn Lâm Tỳ Ni khoảng 22 dặm (milles) đường bộ. Hơn 7 giờ sáng, xe buýt mới khởi hành. Trên chuyến xe này, chúng tôi gặp, cùng đi với chúng tôi hôm ấy, có ba nhà sư Ấn Độ, hai sư Tây Tạng, một sư Tích Lan, một sư Miến Điện, vài du khách Tây Phương, và một số Phật tử người Ấn. Chiếc xe vượt băng qua những ngôi làng, bỏ lại đàng sau các lớp bụi đường mờ đục hòa lẫn trong ánh nắng ban mai. Trước mắt chúng tôi hiện ra những cánh đồng, xanh màu rau cải, với những người nông dân Ấn Độ hiền lành chất phác của một quê hương xứ Phật thật thanh bình. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy một vài ngọn tháp và ngôi đền Ấn giáo được xây cất rải rác đó đây dọc hai bên đường, dẫn đến vườn Lâm Tỳ Ni.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ, chiếc xe buýt mang chúng tôi đến gần biên giới Nepal. Xe ngừng nơi trạm kiểm soát, các hành khách ngoại quốc, trong đó có chúng tôi, xuống xe. Chúng tôi mang sổ thông hành (của Việt Nam Cộng Hòa) đến trình nhân viên sở Di Trú, để xin dấu chiếu khán (visa) nhập cảnh vương quốc Nepal, với lệ phí 10 Rupees Ấn Độ (hơn 1 mỹ kim). Xong, chúng tôi trở lên xe buýt tiếp tục cuộc hành trình. Khoảng 9 giờ 30 sáng, chúng tôi đến vườn Lâm Tỳ Ni. Mặt trời đã lên cao, nhưng ánh nắng không gắt lắm, vì tiết trời đang còn mùa thu. Vì phải tranh thủ thì giờ để kịp trở về Nowgarh chuyến xe buýt lúc 2 giờ chiều, nên ngay khi vừa đến, chúng tôi theo đoàn hành hương, đi vào khu vườn Lâm Tỳ Ni lịch sử, chiêm bái các di tích tại nơi đây. Không ai bảo ai, chúng tôi và mọi khách hành hương, đều mang theo sẵn hương đèn để chuẩn bị hành lễ.

Lâm Tỳ Ni, thời gian năm 1969, chúng tôi đến viếng, cũng giống như Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), nhìn chung cảnh vật thật tiêu điều. Ngày xưa, thời Phật còn tại thế, hoa viên Lâm Tỳ Ni, làm nơi du ngoạn, giải trí chung cho cả hai bộ tộc Thích Ca (Sakyas) và Câu Ly (Koliyas), cảnh trí huy hoàng, nhộn nhịp, hoa lá xanh tươi đẹp đẽ bao nhiêu, thì giờ đây khu vườn lại hoang sơ, vắng vẻ, tàn tạ bấy nhiêu. Mặc dù nhiều năm trước đó, chính phủ Nepal cũng đã cố gắng thực hiện vài công tác trùng tu, phát triển thánh tích này, nhưng vẫn không thể đạt được thành quả nhiều như hiện giờ, qua chương trình Liên Hiệp Quốc phát triển Lâm Tỳ Ni đang xúc tiến, với sự đóng góp chung của nhiều quốc gia Phật giáo trên thế giới.

Sau khi thắp hương đèn khấn nguyện hành lễ xong, chúng tôi theo đoàn người đi chiêm bái, lần lượt đến viếng những cảnh chính sau đây trong vườn Lâm Tỳ Ni:

A. TRỤ ÐÁ VUA A DỤC (ASOKAN PILLAR)

Di tích quan trọng nhất tại đây là trụ đá do vua A Dục truyền dựng lên khi ngài đến viếng thánh địa này vào năm 249 trước Tây lịch, để đánh dấu nơi đức Phật đản sanh hơn 2,500 năm trước. Trụ đá này lần đầu tiên do nhà khảo cổ người Đức, Dr. Alois A. Fuhrer khám phá thấy vào năm 1896. Trụ đá, theo nhà khảo cổ học Ấn Độ, bà Debala Mitra, (đo từ mặt đất), cao 24 feet 3 inches. Trên trụ đá có khắc 5 hàng chữ Brahmi (cổ ngữ Ấn độ) dưới đây:

Devanampiyena Piyadasina Lajina-Visativasabhisitena,

Atana-agacha mahiyite. Hida Budhe-jati Sakyamuniti

Silavigadabhicha kalapita Silathabhe-cha usapapite

Hida Bhagavam jateti Lumbinigame ubalike Kate

Athabhagiye Cha.

Phỏng dịch: “Hoàng đế Piyadasina (A Dục), được các Thiên thần kính mến, sau khi lên ngôi 20 năm, Ngài đích thân đến đảnh lễ tại nơi này. Vì đây là nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh, Ngài truyền lịnh cho tạo nên một pho tượng lớn và dựng một trụ đá để ghi dấu đây là nơi đức Thế Tôn xuất thế. Nhà vua cũng miễn thuế nghi lễ cho dân làng Lâm Tỳ Ni và họ chỉ phải trả 1/8 lợi tức mà thôi”.

Nhìn kỹ, chúng tôi thấy trụ đá có một vết nứt thẳng dài từ trên đến khoảng giữa, và tượng “hình con ngựa” trên đầu cột trụ (mà trong ký sự của Ngài Huyền Trang có nói đến), không còn nữa. Hiện nay, các nhà khảo cổ chưa tìm thấy di tích tượng của “hình con ngựa” này.

B. NGÔI ÐỀN THỜ RUMMINDEI

Đây là ngôi đền với mái bằng phẳng, được xây gần trụ đá A Dục về hướng đông, trên một bức nền cao độ 3 thước tây. Bên trong ngôi đền thấy tôn trí một phiến đá lớn, chạm khắc hình tượng nữ thần, gọi là Rupadevi hay Rummindei. Ngoài ra, còn có những hình tượng bằng đá, diễn tả cảnh lúc hoàng hậu Ma Gia đản sanh thái tử. Hoàng hậu Ma Gia (Mayadevi) cao gần bằng người thật, đứng dưới một thân cây Sa La (Sala), với tay phải của hoàng hậu đưa lên vịn nhành cây, và tay trái của hoàng hậu đặt nơi hông. Một phụ nữ đứng bên phải nâng đỡ hoàng hậu, theo giáo sư B.C.Bhattacharya, có thể đó là bà di mẫu Mahaprajapati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề). Cạnh đó có một hình tượng mà theo học giả V.A.Smith, cho là vua trời Đế Thích (Sakra), người cúi xuống nâng đỡ thái tử khi Ngài đản sanh từ phía hữu của hoàng hậu. Đứng dưới là tượng thái tử với vòng hào quang trên đầu Ngài.

C. HỒ NƯỚC PUSHKARINI

Về phía nam ngôi đền trên có một hồ nước hình vuông bằng gạch, gọi là hồ Pushkharini. Tục truyền xưa kia khi đức Phật đản sanh, từ trên trời có hai suối nước chảy xuống tắm cho Ngài, và nước này về sau đã tạo nên hồ Pushkarini. Ngày nay, dân chúng địa phương tin rằng hễ ai có bệnh tật gì thì đến đây tắm, bệnh sẽ chóng lành.

D. NỀN CỦA NGÔI CHÙA CŨ

Gần con đường dẫn tới ngôi đền và trụ đá vua A Dục, chúng tôi thấy vết tích lâu đời nền móng của một ngôi chùa cổ. Cái nền có hình chữ nhật, cách kiến trúc trông giống như một cái phòng lớn, mà khi cần có thể chia thành nhiều phòng nhỏ. Người ta đào thấy ở đây vài pho tượng nhỏ của đức Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí v.v… bằng đất nung, đá đen và bằng đồng; cùng với một vài đồng tiền không được rõ lắm. Các pho tượng nói trên, một phần nửa đã bị hư hoại. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy tại đây nhiều mảnh tượng chạm khắc không rõ lắm. Có một mẩu chỉ nửa phần trông rõ, mà các nhà khảo cổ nghĩ rằng, không biết có phải đó là phần dưới của cái tượng “hình con ngựa” trên đầu trụ đá vua A Dục hay không

VI. NHỮNG CHÙA THÁP VÀ TRỤ ĐÁ MỚI XÂY CẤT TẠI LÂM TỲ NI

Sau khi đi chiêm bái hết các di tích trên, chúng tôi đến thăm hai ngôi tháp và trụ đá mới dưới đây.

A. HAI NGÔI THÁP MỚI

Chính phủ Nepal, trong chương trình sửa sang thánh tích Lâm Tỳ Ni, khoảng vài mươi năm trước, đã dùng các vật liệu đào bới được tại đây, để xây cất hai ngôi tháp mới cách không xa trụ đá vua A Dục. Về phương diện mỹ thuật, hai ngôi tháp này không có gì đặc biệt cho lắm.

B. TRỤ ÐÁ VUA MAHENDRA

Để kỷ niệm đức Phật đản sanh năm 2,500, vua Mahendra của Nepal (nay đã qua đời), vào năm 1956, đã cho xây cất tại Lâm Tỳ Ni, một trụ đá mới bằng cẩm thạch rất đẹp, và trên đó có khắc những hàng chữ Nepali (tiếng Nepal), đại ý như sau:

“Đức vua của Vương quốc Nepal, đã truyền cho xây cất quán trọ, đường xá, và sửa sang lại các chùa tháp, hồ nước xưa tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh - đấng siêu nhân vĩ đại nhất trong lịch sử của Nepal. Đức vua đã truyền thực hiện các công trình khai quật, nghiên cứu một cách khoa học, nhằm phát triển và duy trì thánh địa này. Nhân ngày trăng tròn tháng Vaisakha, kỷ niệm đức Phật đản sanh năm 2,500, trụ đá Mahendra này được xây dựng. Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh an lành”.

Vừa viếng xong nơi đây, thì trời cũng đã quá 12 giờ trưa. Chúng tôi đi tìm quán ăn chay để dùng bữa. Sau đó, chúng tôi vội vã đến thăm tịnh xá, nơi các chư Tăng Nepal đang ở. Vào lúc ấy, chúng tôi nhớ có gặp được hai Đại đức Aniruddha và Mahanam. Hai Đại Đức đã đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Sau hơn nửa giờ thăm hỏi, chuyện trò, chúng tôi có thỉnh mua vài cuốn sách Anh văn viết về thánh tích Ca Tỳ La Vệ và Lâm Tỳ Ni, mà hiện giờ đây, chúng là một trong những tài liệu chúng tôi đã dùng đến để viết bài này. Thỉnh sách xong, chúng tôi xin chụp chung với hai Đại Đức vài tấm hình để lưu niệm. Nhìn lại đồng hồ thấy gần 2 giờ chiều, chúng tôi vội vàng ra xe để kịp chuyến bus trở về Nowgarh. Khoảng gần 5 giờ chiều chúng tôi về tới Nowgarh. Vì hơi mệt, chúng tôi buộc lòng phải ở lại ngôi chùa Tích Lan một đêm nữa tại thành phố vùng biên giới khá yên tĩnh này, hầu dưỡng sức để sáng hôm sau, chúng tôi lại đáp tàu lửa tiếp tục cuộc hành trình một mình đi chiêm bái các Phật tích khác tại Ấn Độ.

VII. CÔNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM TỲ NI CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO NEPAL

Trong công trình phát triển, duy trì thánh tích Lâm Tỳ Ni, vào những thập niên gần đây, ngoài chính phủ Nepal, Giáo hội Phật giáo tại Nepal cũng đã góp phần không nhỏ. Chư Tăng có công nhiều nhất là cố Thượng Tọa Bhadanta Dhammaloka và các đại đức Aniruddha và Mahanam. Nhờ cố gắng của Giáo Hội, từ nhiều năm trước, một văn phòng chỉ dẫn cho du khách hành hương tại Lâm Tỳ Ni đầu tiên đã được thành lập. Giáo hội cũng đã cho ấn hành các tại liệu sách báo bằng Anh văn và tiếng địa phương, để hướng dẫn giúp đỡ du khách hiểu rõ về lịch sử thánh tích này. Năm 1952, Giáo hội đã đứng ra tổ chức Đại Lễ Phật Đản tại Lâm Tỳ Ni với hàng trăm ngàn Phật tử xa gần khắp nơi trong và ngoài nước Nepal về tham dự.

Tiếp tay với Giáo Hội, chính phủ Nepal năm 1956, nhân kỷ niệm Phật Đản năm 2,500, đã cho xây cất một “Văn Phòng Hướng Dẫn Du Khách” và một quán trọ (Rest House) mới, nhằm giúp phương tiện nghỉ ngơi cho khách thập phương đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni. Nhiều quốc gia Phật giáo khác như Tích Lan, Miến Điện, Cam Bốt và Thái Lan v.v… cũng đã góp phần với chính phủ Nepal trong việc phát triển thánh tích này. Tưởng nên biết rằng trước đó, một quán trọ đã được xây cất tại Lâm Tỳ Ni do sự phát tâm đóng góp của Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bodhi Society) ở Ấn Độ.

VIII. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM TỲ NI CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

Chúng tôi xin tóm lược sau đây lịch sử chương trình phát triển Lâm Tỳ Ni của Liên Hiệp Quốc.

A. KHỞI XƯỚNG ÐẦU TIÊN

Có thể nói ý kiến phát triển quy mô vườn Lâm Tỳ Ni bắt đầu có từ Đại Hội Phật Giáo Thế Giới (WorldFellowshipofBuddhists) lần thứ 4, tổ chức tại Kathmandu, thủ đô vương quốc Nepal, vào những ngày 15-21 tháng 11 năm 1956. Tại đại hội này, cố hoàng đế Mahendra của Nepal, đã khởi xướng kêu gọi việc phát triển Lâm Tỳ Ni, và đức vua đã phát tâm hỷ cúng hàng trăm ngàn Rúp-pi (Rupees) để xây cất tại đây một ngôi chùa mới, một lữ quán và một con đường.

B. ÐỀ NGHỊ PHÁT TRIỂN

Sau đó, nhân chuyến đi chiêm bái Lâm Tỳ Ni, cố Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant (Miến Điện) đã thảo luận tại hoàng cung với cố Hoàng đế Nepal Mahendra vào ngày 13-04-1967 về dự án phát triển Lâm Tỳ Ni thành một trung tâm hành hương Hòa bình và Du lịch Quốc tế. Đề án này liền được vua Mahendra bấy giờ đồng ý chấp thuận.

C. LỊCH TRÌNH PHÁT TRIỄN

Tháng 10 năm 1967, hai vị Phó Thủ Tướng và Bộ Trưởng Ngoại Giao Nepal, ông Kirti N.Bista gặp ông U.Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) để thảo luận thêm về dự án. Sau đó, vua Nepal chính thức yêu cầu LHQ giúp đỡ soạn thảo kế hoạch phát triển Lâm Tỳ Ni. Vài tháng sau, một phái đoàn ba nhân viên của LHQ, dưới sự hướng dẩn của cố giáo sư S.Kobe đã đến thăm các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ; đặc biệt là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) và Lâm Tỳ Ni (Lumbini) ở Nepal, trong thời gian từ 10-12-1967 đến 9-01-1968. Phái đoàn, sau khi nghiên cứu tường tận, đã cố vấn chỉ dẩn cho chính phủ Nepal, trong việc phát triển thánh tích này, với các vấn đề cơ bản: phương tiện giao thông, nước uống, điện lực và tiện nghi cho du khách hành hương.

Năm 1970, một Ủy Ban Liên Hiệp Quốc phát triển Lâm Tỳ Ni được thành lập tại Nữu Ước (New York). Vị đại sứ thường trực vương quốc Nepal tại Liên Hiệp Quốc làm chủ tịch Ủy Ban này, với 15 quốc gia thành viên: A Phú Hãn, Bangladesh, Bhutan, Miến Điện, Cam Bốt, Ấn Độ, Nam Dương (Indonesia), Lào, Mã Lai, Nepal, Hồi quốc (Pakistan), Đại Hàn, Tân Gia Ba, Tích Lan và Thái Lan. Cùng lúc, Ủy ban cũng đề cử giáo sư người Nhật Kenzo Tange, một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, thiết kế đồ án. Sau đó (trong năm 1970), ông U Thant, cố Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, nhân danh Ủy Ban Phát triển Lâm Tỳ Ni, đã phổ biến một văn thư kêu gọi sự giúp đỡ và hợp tác của các quốc gia trên toàn thế giới, trong công tác lịch sử vĩ đại này. Văn thư có đoạn ông viết:

“…Từ đầu năm 1968, nhiều chương trình phát triển Lâm Tỳ Ni đã được thực hiện bởi cả hai chính phủ Nepal và tổ chức Liên Hiệp Quốc, và dự án đó nay đã tiến đến giai đoạn, cần sự phát tâm đóng góp tài lực (của mọi quốc gia), để thánh địa này sớm trở thành một trung tâm hành hương, với đầy đủ tiện nghi cho các Phật tử đến chiêm bái và du khách. Trong công tác này, tôi muốn bày tỏ sự tán thán của riêng cá nhân tôi đối với chính phủ Nepal trong việc họ đã thực hiện được những bước tiến đầu tiên. Tôi cũng chân thành hy vọng rằng, các chính phủ quan tâm, những cá nhân và đoàn thể sẽ phát tâm đóng góp bằng tịnh tài cũng như hiện vật để ủng hộ cho sự thực hiện một công trình mà tôi nghĩ là hết sức thiêng liêng và cao quý…”.

Cũng trong tinh thần kêu gọi sự giúp đỡ, hợp tác thế giới nhằm phát triển vườn Lâm Tỳ Ni, đương kim Hoàng Đế Nepal Birendra, trong thông điệp Mừng Lễ Phật Đản năm 2,527 (1983), đã bày tỏ với dân chúng:

“Thánh địa, nơi đản sanh của đấng Giác Ngộ, được xem như vùng đất thiêng của Tình Thương và Hòa Bình siêu việt. Thực vậy, đó là sự diễn rộng cái ý tưởng chấp nhập đề nghị xem Nepal như một khu vực Hòa Bình. Những năm qua, theo đồ án thiết kế để phát triển Lâm Tỳ Ni, bằng tài lực của riêng mình, chúng ta đã thực hiện được vài công trình cơ bản đáng kể. Chúng ta đã cố gắng phát triển Lâm Tỳ Ni trở thành Thánh địa cho các nhà hành hương, du khách, sử gia và khảo cổ khắp nơi trên thế giới. Chúng ta nghĩ đã đến lúc chúng ta cần sự hỗ trợ của quốc tế để phát triển thêm qua việc sử dụng đúng mức các nguồn tài trợ ngoại nhân này. Bằng cách đó chúng ta có thể bày tỏ lòng tôn kính vô biên đối với đức Phật, vị Vua của Hòa Bình…”.

Trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc phát triển Lâm Tỳ Ni, tổ chức tại Lâm Tỳ Ni vào tháng 3 năm 1984, ông Javier Perez De Cuellar, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đã nhắc lại cái tâm nguyện nhiệt thành phát triển Lâm Tỳ Ni của cố Tổng Thư Ký LHQ U.Thant, và sau này đã được tiếp nối bởi ông Kurt Waldheim, có đoạn viết:“Thông điệp từ bi và lợi tha của đức Phật nhằm phục vụ cho nhân loại ngày nay thật cần thiết hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử. Hòa bình, sự thông cảm, với cái nhìn xa (hiểu biết) vượt khỏi biên giới quốc gia là nhu cầu cấp thiết trong thời đại nguyên tử, và bất an của chúng ta hôm nay…”.

Năm 1976, kế hoạch phát triển Lâm Tỳ Ni, theo bản họa đồ chính (Master Plan), tổn phí dự trù lên tới khoảng 19 triệu mỹ kim. Đồ án thiết kế này được hoàn thành trong phiên họp cuối cùng tổ chức tại Đông Kinh (Tokyo), Nhật Bản, vào tháng 3 năm 1978; đã đệ trình lên cho Liên Hiệp Quốc, và được chuẩn y bởi chính phủ Nepal vào năm 1979. Khu vực phát triển tại Lâm Tỳ Ni theo đồ án thiết kế, rộng chiếm đến 3 dặm vuông, phân làm 3 vùng, mỗi vùng rộng một dặm vuông, chia ra như sau:

Vùng I: Công Viên Thiên Liêng (Sacred Garden)

Vùng II: Khu Chùa tháp (Monastic Zone)

Vùng III: Ngôi làng Lâm Tỳ Ni mới (New Lumbini Village)

Công Viên Thiêng Liêng: Nhằm tạo nên một khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh, và an lành phù hợp với tinh thần đản sanh của đức Phật.

Khu Chùa Tháp: Trong khu này, một bảo tàng viện sẽ được thiết lập để bảo trì tất cả những cổ vật đào thấy tại Lâm Tỳ Ni; cùng triển lãm cho du khách hành hương, mọi tài liệu khác diễn tả về đời sống đức Phật. Ngoài ra, nhiều chùa tháp cũng dự trù cho xây cất bởi các tông phái và quốc gia Phật giáo khác biệt, nhằm tạo ra ở đây một cảnh trí thiền vị, yên tĩnh, cùng hòa hợp chung giữa các màu sắc giáo hệ Phật giáo.

Ngôi làng mới Lâm Tỳ Ni: Ngôi làng này nhằm cung cấp mọi tiện nghi sinh hoạt cho cả du khách và dân chúng địa phương, với các cơ sở như trung tâm Văn hóa (Cultual Centre), trung tâm Lâm Tỳ Ni (Lumbini Centre) v.v...

Cho đến nay (theo tài liệu báo cáo của chính phủ Hoàng gia và Ủy ban Phát triển Lâm Tỳ Ni tại Nepal, ấn hành năm 1983-1984), một phần lớn chương trình phát họa trong đồ án thiết kế trên đã được thực hiện với tổn phí hàng triệu mỹ kim; và hiện đang tiếp tục phát triển. Chương trình thực sự khởi đầu công tác từ năm 1983, và Ủy ban Liên Hiệp Quốc Phát Triển Lâm Tỳ Ni dự trù sẽ hoàn tất toàn bộ vào năm 1990. Tổn phí dự trù cho việc thực hiện đúng theo đồ án trong năm 1983 là 867 triệu Rupees (tiền Nepal); đây chưa kể ngân khoản dự trù 420 triệu Rupees dành cho chương trình thiết lập 41 ngôi chùa. Những chùa này sẽ được xây cất theo họa đồ, kiểu mẩu riêng của từng quốc gia.

Dưới đây là ngân khoản hứa đóng góp của các giáo phái và quốc gia Phật giáo:

a) Giáo phái Reiyukai của Phật giáo Nhật Bản hứa cúng 1,740,000 mỹ kim cho kế hoạch xây cất một Trung tâm Văn Hóa và 125,000 mỹ kim cho việc trang bị dụng cụ máy móc tại trung tâm.

b) Chính phủ Tích Lan nhận sẽ giúp 10 triệu Rupees (bằng nửa triệu mỹ kim) để thiết lập các tiện nghi ăn ở cho du khách hành hương.

c) Chính phủ Ấn Độ hứa sẽ đóng góp 2,1 triệu mỹ kim để xây cất một Viện Bảo Tàng.

d) Ủy Ban Phát Triển Lâm Tỳ Ni tại Hoa Kỳ hứa giúp 5 triệu mỹ kim cho công tác xây cất Hội trường và cho ngân quỹ tổng quát.

Đến nay, nhiều Ủy ban Phát triển Lâm Tỳ Ni đã được thành lập tại các quốc gia: Bhutan, Đại Hàn, Nhật Bản, Tích Lan, Thái Lan, Ấn Độ và Hoa Kỳ v..v.. nhằm gây quỹ để tài trợ cho công trình vĩ đại này.

Viết đến đây, lòng chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động, vì sung sướng thấy rằng hình ảnh đức Bổn Sư Thích Ca Từ Phụ, tuy đã khuất bóng lâu rồi; nhưng giáo pháp cao siêu vi diệu của Ngài vẫn còn là nguồn an ủi vô biên, ngọn đuốc soi đường muôn đời cho nhân loại hôm nay, cuối thế kỷ 20, thời đại nguyên tử; với mọi nghiệp chướng tham, sân, si cố hữu của con người, vẫn còn gây chiến tranh đau khổ, chia rẽ, hận thù, chém giết lẫn nhau khắp nơi. Chính vì nhận thức được sự quá cần thiết của giáo lý đức Phật đối với thế giới bất an ngày nay, mà đề án Phát Triển Lâm Tỳ Ni, nơi nguồn gốc phát sinh của Hòa Bình và An Lạc hơn 2,500 năm trước, đã được các quốc gia Phật giáo, và Phật giáo đồ trên toàn thế giới, từ nhiều năm qua cũng như bây giờ, hết lòng tán dương và ủng hộ.

Nhân mùa Phật Đản P.L. 2530 (1987), chúng tôi thành tâm chấp tay cầu nguyện hồng ân Tam Bảo thùy từ gia hộ cho kế hoạch phát triển vườn Lâm Tỳ Ni của Liên Hiệp Quốc sớm được viên mãn thành tựu; để cho nguyện ước của cố Tổng Thư Ký LHQ U. Thant, cũng như hàng trăm triệu Phật tử khắp năm châu, sớm thấy trong tương lai gần, Lâm Tỳ Ni thực sự trở thành một trung tâm du lịch, hành hương của Tình Thương và Hòa Bình thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A Guide To Kapilavastu And Lumbini,by V. Srivastara, Varanasi, India.

2. Lumbini, by J. Vijayatunga, Delhi, India.

3. Lumbini Development Project,by The Lumbini Development Committee, Kathmandu, Nepal

4. Archaeological Activities In Lumbini 1978-1983, by Krishna Rijal, Kathmandu, Nepal.

5. Lumbini Development Committee: A Profile 1983-1984, Kathmandu, Nepal.

6. Buddhist Remains In India, by Dr. A. C. Sen, New Delhi, India.

7. Asoka, by Radhakumud Mookerjee, Delhi, India.

8. Temples Of Nepal, Department of Tourism, Kathmandu, Nepal.

9. Buddhist India,by T. W. Rhys Davids, Delhi, India.

10. The Buddha And His Teachings, by Narada Maha Thera, Colombo, Sri Lanka.

11. The Life Of Buddha,by Edward J. Thomas, London, England.

12. Men And Thought In Ancient India, by R. K. Mookerji, Delhi.

13. Buddhist Art In India, by Jas. Burgess, New Delhi, India.

14. Early History Of Vaisali, by Y. Mishra, Delhi.

15. An Advanced History Of India, by R. C. Marjumdar, H. C. Raychaudhuri and Kalikinkar Datta, New York.

16. Evolution Of Indian Culture,by V. C. Pandey and K. Singh, Lucknow, India.

17. Ancient Indian Historical Tradition, by F. E. Pargiter, Patna, India.

18. A Record Of Buddhistic Kingdom; Translated from the Chinese of Fa-Hien by James Legge, San Francisco.

19. Buddhist Records Of The Western World (Si Yu Ki),Translated from the Chinese of Hiuen Tsiang by Samuel Beal, Delhi.

20. General Knowledge Compendium, by C. S. Bedi, Delhi.

21. A Glossary Of Anglo-Indian Colloquial Words And Phrases, And Of Kindred Terms, by Col. Henry Yule and A. C. Burnell, Delhi.

22. A Dictionary Of Chinese Buddhist Terms, by William Edward Woothill and Lewis Hodous, Reprinted in Taipei, Taiwan.

23. Concise Pali-English Dictionary, by A. P. Buddhadatta Mahathera, Colombo, Sri Lanka.

24. Student’s Sanskrit To English Dictionary, by V. S. Apte, Delhi.

25. Buddhism, Its Essence And Development, by Edward Conze, London.

26. India, Tourist Road Map Of North-Eastern Region, Department of Tourism, New Delhi, India.

27. The Life Of Buddha As Legend And History, by Edward J. Thomas, London, England.

28. Buddha And The Gospel Of Buddhism, by Ananda Coomaraswamy, New York.

29. The Buddha And Five After Centuries, by Dr. Sukumar Dutt, Calcutta, India.

30. The Beginning Of Buddhism,by Kogen Mizuno (Translated from Japanese into English by Richard L. Gage), Tokyo, Japan

31. Sources Of Indian Tradition, by Editor W. Theodore De Bary, Delhi, India.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/09/2016(Xem: 8549)
Chùa Pháp Tánh ( nay gọi là Chùa Quang Hiếu) nơi Lục Tổ Xuất Gia tại Quảng Châu, Trung Quốc, chùa nằm trên đường Quang Hiếu là một trong những đền thờ Phật cổ nhất ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây từng là nơi đặt tư dinh của Vương tử Triệu Kiến Đức thời nhà Triệu nước Nam Việt trong lịch sử Việt Nam. Chùa Quang Hiếu cũng là nơi xuất gia của Lục Tổ Huệ Năng.
01/08/2016(Xem: 3080)
Nói đến thánh tích Phật giáo và với lòng khát ngưỡng của một người phật tử thì việc có được một duyên lành để tháp tùng một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì quả là một trong những điều nguyện ước đã được mãn nguyện trong đời. Đọc lịch sử Đức Phật, được nghe, được biết đến những địa danh, những thánh tích, kể cả được nhìn thấy những hình ảnh về thánh tích trên các phương tiện thời đại như sách báo, phim ảnh, truyền hình, internet v.v…thì cũng chỉ là để hiểu biết,và có thêm một chút kiến thức về những thánh tích thế thôi, nhưng được tham dự một chuyến hành hương chiêm bái thánh tích thì không phải là như thế, không phải chỉ đi và đến để được thấy, được ngắm nhìn, để thỏa mản rằng chính mình đã được ”mắt thấy, tai nghe” về những thánh tích, mà chính thật ra là để cho chúng ta có được một cảm nhận rằng mình đã được" tìm về."
01/08/2016(Xem: 7687)
Từ chân núi đến tượng đài ta có thể đi bằng hai con đường, một bên là đường dốc bằng uốn lượn dựng đứng, một bên là đường dốc với hàng trăm bậc thang đá ghập ghềnh, nằm lọt thỏm giữa đồi thông vi vu xanh ngắt. Từ dưới chân cho đến đỉnh của con đường dốc đá có hơn 20 tấm bia đá ghi chép 12 lời nguyện ước của chúng sanh đến Quán Thế Âm Như Lai, cầu mong sự bình thành an lạc và bia đá các lời dạy của Phật, như mỗi bước đi đều nhắc ta nhớ đến điều lành, từ bi, hướng đến chân-thiện-mỹ. Trên triền dốc đến với tượng đài Quán Thế Âm là bức tượng đá Thiện Tài Đồng Tử đang chắp tay hướng về Mẹ từ bi. Phía dưới bức tượng có bia đề chữ: "Bậc trí như vách đá Gió cuồng nộ chẳng lay Lời tán dương phỉ báng Không xao gợn đôi mày" Tiến thẳng lên phía trên là lầu chuông nằm uy nghiêm như đón bước chân Thiền giữa rừng thông âm u hoang vắng.
20/06/2016(Xem: 4313)
Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việt Nam Hải Ngoại Quốc gia tại BIỆT ĐIỆN của Ngài Tu viện Namgyal là tu viện riêng, chính danh của Đức Dalai Lama, sẽ tổ chức một chuyến hành hương thăm Dharamsala, thủ đô của người Tây Tạng Lưu Vong – trú xứ của Đức Dalai Lama đời thứ 14 đang sống tỵ nạn 57 năm. Đức Dalai Lama được người Tây Tạng tôn kính và xem Ngài là vị Phật sống, là hiện thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Người Tây Phương xem Ngài là một thể hiện cho sự kêu gọi hòa bình của nhân loại. Đức Dalai Lama sẽ tiếp và gặp gỡ phái đoàn Phật tử Việtnam Hải ngoại Quốc gia ngay tại Biệt Điện của Ngài trong chuyến hành hương này. Kính mời quý Phật tử Việtnam cùng tham gia. • Thời gian 10 ngày - bắt đầu từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 10 tháng 11 năm 2016. • Khởi hành từ phi trường San Francisco bằng Cathay Pacific Airlines đến New Delhi, India. • Những nơi thăm viếng tại Dharamsala:
08/06/2016(Xem: 5432)
Chuyến đi Việt Nam lần này, ngoài việc làm lễ giỗ cho Mẹ, chúng tôi về Tổ Đình Long Tuyền đảnh lễ Sư Phụ, lễ Giác Linh sư huynh Giải Trọng và thăm quý thầy, ghé Tổ Đình Phước Lâm lễ Phật, đến chùa Bảo Thắng thăm chư Tôn Đức Ni, cũng như đi thăm một vài ngôi chùa quen biết. Như đã dự trù, tôi còn đi miền Bắc để thăm viếng ngôi chùa mà vị Thầy thân quen của tôi T.T Hạnh Bình mới vừa nhận chức Trụ Trì. Khi nghe Thầy báo tin nhận chùa ở ngoài Bắc, tôi có nói: Thầy nhận chi mà xa xôi thế? Nói thì nói vậy, chứ thật ra tôi rất mừng cho Thầy, ngoài tâm nguyện hoằng pháp độ sanh mà hàng trưởng tử Như Lai phải lo chu toàn, Thầy còn có nỗi thao thức đào tạo những lớp phiên dịch cho chư vị Tăng Ni từ Hán ngữ sang Việt Ngữ.
27/05/2016(Xem: 5265)
Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc
12/01/2016(Xem: 11235)
Con người bỗng thấy thật bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng, thấy mình trở nên hiền hòa như nước như đất, lành như cây như hoa, và mọi ưu tư về cuộc đời dường như tan biến !!! Một ngày đầu thu khi tôi lạc bước đến rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông nằm trên lưng chừng núi thuộc huyện Hương Trà, cách thành phố Huế 14 km về hướng Tây.
11/10/2015(Xem: 4578)
Đầm sen rộng hơn 5.000 m2 của anh Hạnh ở Thường Tín (Hà Nội) đang lai tạo nhân giống được 12 loài, thu hút nhiều du khách tới chiêm ngưỡng.
10/10/2015(Xem: 6022)
Ấn Độ : Lên Kế Hoạch Xây Dựng Tượng Phật Ngồi Cao Nhất Thế Giới Chính quyền bang Gujarat miền Tây Ấn Độ vừa thông qua kế hoạch xây dựng một tượng Phật ngồi cao 108 m. Dự kiến sau khi hoàn thành đây sẽ là pho tượng cao thứ hai thế giới sau pho tượng đứng Trung Nguyên Đại Phật tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và vượt qua tượng Phật ngồi cao 92 m tại Thái Lan trở thành tượng Phật ngồi cao nhất thế giới.
08/10/2015(Xem: 4861)
Những quốc gia sạch nhất thế giới Theo Business Insider, Mỹ, Canada, Nhật Bản ​, Australia là những nước có bầu không khí trong lành nhất. Ở Đông Nam Á có một đại diện là Brunei.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567