Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Trên đỉnh hoàn cầu...

21/03/201105:25(Xem: 7137)
Chương 5: Trên đỉnh hoàn cầu...

DU LỊCH XỨ PHẬT
Tác giả: Montgomery Mc. Govern, Đoàn Trung Còn dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Chương 5: Trên đỉnh hoàn cầu...

Bởi đi sai đường nên ngày 30 tháng 1 chúng tôi phải trở lại một quãng chừng mười hai cây số. Đường lạc đi mất, kiếm khá lâu mới được, lại cùng nhau đi. Nhằm đường núi phải đi lên. Chẳng những là đi bộ, mà chúng tôi còn vác nặng, vì ngựa và la yếu lắm, phải phụ khuân bớt đồ. Đi lên mãi, có lẽ gần sáu ngàn mét cao hơn mặt biển. Chúng tôi ngừng nghỉ nhiều phen, vì lên cao quá rất khổ, càng rán càng mệt, bước thêm một bước thì phổi lại càng tức thêm. Sau đến chót vót, mệt mỏi lắm, nhưng ai nấy đều la rân và rất lấy làm hân hoan. Chính là chúng tôi lên tới đỉnh hoàn cầu, hay là núi Pamir cao sáu ngàn mét. Tôi quay lại trông về phía Ấn Độ. Đứng trên cao hơn hết, nhìn ra mút tầm mắt, bốn phương trời đều là những đỉnh núi đụng tới mây và sương mù. Tôi nhận ra tựa hồ như có một sự xa xôi, mịt mờ buồn thảm bao bọc các đỉnh núi cao hơn hết ở hoàn cầu. Và trí tôi những phập phồng lo sợ, dường như linh cảm có điều chi không lành. Tuy đã dùng hết sức lực để chống chỏi với tuyết và đói, nhưng mới vừa qua khỏi những sự cái khổ thường mà thôi, chứ thật ra thì những nổi gian nguy khổ nhọc như chỉ vừa khởi sự từ đây. Bây giờ đã bước chân đến xứ cấm ngặt, càng đi gần tới kinh đô là càng không chắc ý vững lòng. Ở ngoài truông sự canh giữ không mấy nghiêm ngặt, chứ ở trong thị tứ thì họ tuần phòng gắt lắm, nhất là ở kinh thành. Tôi suy nghĩ đến nổi khó, tuồng như không thể đạt được chí nguyện. Mà dầu có vào đến kinh đô xứ Tây Tạng đi nữa, cũng phải khổ vì hạng thầy tu ganh tị họ không dung cho mình đâu. Hạng này mạnh mẽ lắm, chính do nơi họ mà chính phủ đã không cho tôi vào kinh, lại trục xuất tôi ra khỏi thành Gyangtsé lúc trước. Một mai mà họ gặp tôi vào tới kinh đô xứ Phật thì họ dám ăn gan tôi lắm vậy!

Bụng suy nghĩ đến nổi khổ niềm nguy, nhưng chân tôi vẫn bước tới. Chúng tôi lại phải đi mau, thà cực nhọc mà lướt tới còn ít nguy hiểm hơn băng qua các núi tuyết mà trở lui về. Đến tối, đau đớn và mệt mỏi lắm, cả bọn dựng trại trên đỉnh đèo chỗ mặt bằng mà ngủ. Đèo thật cao lớn, chúng tôi chưa qua khỏi đỉnh. Người bản xứ thuật chuyện rằng trên đèo này là chỗ ở của nhiều yêu quái thường hại người qua đường. Nhưng có lẽ yêu quái tha chúng tôi chăng! Trời lạnh lắm, tôi bảo mấy người trong nhóm lấy mền của họ đem đắp lên cho la và ngựa. Còn chúng tôi thì ôm dính cục với nhau cho đỡ lạnh! Đồ ăn còn lại là thịt ngựa đã hạ hôm rồi, chúng tôi có lấy mang theo. Nhờ có chút phân cỏ của một nhóm bộ hành nào đó bỏ lại, chúng tôi nướng sơ thịt ngựa rồi ăn một cách ngon lành. Chúng tôi lại được nước trà nóng mà uống cho ấm bụng.

Cảnh vắng làm cho thấy dễ sợ, mấy người trong nhóm mới quây quần lại mà thuật chuyện giải buồn. Họ thuật chuyện người trên núi và các sơn thần, những chuyện mà mình đã biết, nhưng cũng vui lòng nghe.

Người Tây Tạng tin chắc rằng có một dân tộc bị mất nước dưới đồng bằng, chạy lánh trên non cao. Ấy là một thứ người to lớn, có lông, và mạnh vô cùng. Họ vì bị chiếm đất nước, cho nên mỗi khi thấy người dưới đồng lên, như bọn mục đồng, thì họ giết để trả thù. Chưa ai tận mắt thấy được thứ người ấy, mà ai cũng nói rằng anh em mình hoặc bà con mình có bị rượt, may lắm mới thoát được về.

Anh chàng La-ten thuật rằng một người bạn của anh bị người núi rượt, nhưng nhờ lanh trí nên mới thoát thân. Người bạn ấy bị rượt, nhưng thấy hễ mỗi khi ngoái lại thì người rượt theo cũng ngoái lại đàng sau. Làm như vậy đã lâu, nhưng người ấy rượt theo gần tới, thì anh ta làm bộ ngã ra giả đò ngủ. Người kia chạy đến cũng bắt chước nằm bẹp mà ngủ mòm. Anh ta bèn vùng dậy chạy về.

Người khác nghe nói có hứng bèn thuật lại một chuyện lạ hơn nữa. Có anh nhà quê kia một hôm thấy tướng rừng vào nhà mình, trước cửa có một thùng dầu xăng. Anh kia bèn lấy một thùng nước tạt vào người ấy, thì người ấy cũng chụp lấy thùng toan tạt lại.

Nhưng anh ta liền lấy thùng nước mà đổ trên mình, thì người trên núi cũng bắt chước mà đổ dầu lên mình. Anh nhà quê lấy cây lửa ném lại. Dầu bắt với lửa, thui người rừng chết ngay. Theo tôi, ấy là loài khỉ rừng rất to lớn ở miền núi non Tây Tạng.

Mấy người trong nhóm nói chuyện hoang đường, không giúp gì được về mặt khoa học. Tôi bèn trở qua chuyện khác. Và tôi thú thật với họ rằng tôi muốn giả dạng mà đến kinh thành Lhassa.

Họ lấy làm bất bình lắm. Cả thảy đồng xin tôi bỏ cái ý định mơ mộng ấy. Nhưng sau cùng họ cũng chịu nghe theo vì tôi hứa trọng thưởng họ. Tôi lấy trong đồ hành lý ra một cái áo đẹp của nhà quý tộc mà trao cho anh chàng Sa-tăn. Từ đây anh đóng vai một ông nhà giàu, dắt bọn tôi đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh ở thành Lhassa. Còn tôi thì đóng vai người phụ bếp, tiếp dọn cơm nước dưới quyền anh chàng La-ten. Tôi sắp xếp như vậy, mấy người làm thuê cho tôi rất hân hoan. Đương lúc bình thường mà được thay bậc đổi ngôi thì họ vui lắm, chớ thật là nguy hiểm cho họ, nhưng vì không sáng trí nên họ không hiểu được sâu xa.

Tôi cải dạng thật khổ. Tóc tôi trước đã nhuộm rồi, nhưng nay còn phải nhuộm cả thân thể nữa. Dẫu trời lạnh cũng phải ở trần truồng mà chịu cho anh chàng La-ten lấy nước cao với chất oide mà thoa cùng mình. Thật là lạnh thấu xương. Đã mặc quần áo đầy đủ mà còn chịu không thấu, huống là trần truồng mà chịu sức lạnh âm ba mươi độ!

Trước, tôi tính chỉ bôi sơ mấy chỗ ở ngoài. Nhưng sợ người ta có tình nghi mà xét kỹ, cho nên phải sơn hết cả thân thể, để cho chắc chắn hơn. Còn cặp mắt tôi xanh, không giống người Á Đông. Tôi bèn lấy nước chanh mà nhỏ vào, đau đớn lắm. Nhưng mắt được đổi ra màu sẫm tạm trong một thời gian. Muốn cho chắc ý, tôi dùng keo mà thoa theo mí cho giống người Tây Tạng thường hay đau mắt. Tôi lại mang kiếng đen giả ý che nắng. Sau rốt, tôi lấy đồ âu phục mà chôn dưới kẹt đá.

Bấy giờ mới được vào xứ Tây Tạng. Tôi phập phồng lắm, vì ngày ấy không tránh khỏi lính tráng. Và nhờ có gặp lính nên tôi mới biết rằng cuộc giả hình của tôi là có hiệu quả.

Đi tới, thấy tuyết ít dần. Đồng trống, đường liền, nhưng cảnh tượng rất đìu hiu. Ngó chung quanh xa tít mấy mươi ngàn mét, không thấy một chòm cây, một đám cỏ, một xóm nhà. Mặt đất toàn là một màu vàng sậm, trừ ra những nơi có tuyết phủ đã đi qua rồi, tức là núi Tây Tạng bỏ lại phía sau. Ban đầu chúng tôi ngỡ rằng chốn này không có cây cỏ, thì chắc cũng không có loài người và loài vật. Nhưng chẳng bao lâu được gặp vài bầy hươu. Tôi không hiểu nổi làm sao hươu lại sống được với cảnh này. Xem kỹ mới thấy chúng nó bới đất cát lên, phía dưới có một lớp cỏ cũng úa vàng như cảnh tượng chung quanh. Cho đến lông của mấy bầy hươu ấy cũng giống hệt với đất liền nên phải lại gần mới nhận biết được.

Loài thú này hiền lắm. Bên Tây Tạng ít dùng súng, còn ná thì bắn chẳng bao xa, nên hươu không biết sợ người. Lại chính phủ Tây Tạng cấm ngặt sự bắn giết, vì theo thuyết nhà Phật là không bao giờ sát sanh hại mạng. Dân gian đâu đó đều tuân theo, cho nên loài thú này, ở xứ khác là thú rừng, mà ở đây như thú nhà.

Thình lình, khi quẹo một ngả đường, đến ngay trong một làng, người ta xúm lại hỏi thăm, chúng tôi tránh không được. Tôi bảo Sa-tăn và La-ten đi tới trước, tôi thì ở lại phía sau.

May cho chúng tôi và không ai ngăn trở. Hóa ra tôi đã phí công lo sợ, vì về sau tôi được biết rằng trong mùa hạ thì có quan trấn nhậm, còn mùa đông các đường truông đều bị tuyết chận, không ai đi được, nên nhà nước không cần phái quan đến giữ gìn. Tôi sợ người ta biết tôi giả dạng lắm, cứ ẩn theo ngựa và la cho đến khi đi. Làng này nghèo lắm, chỉ mua được có chút ít đồ ăn thôi.

Có ông nhà giàu cai quản trong làng, bán lúa mạch cho chúng tôi. Ông nói rằng mới rồi có hai người trong làng muốn đến Lachen có việc cần. Nhưng qua núi không được, bị bão tuyết đành phải trở về. Trong hai người, có một người bị đau phổi sắp chết. Chúng tôi thật gan lắm mới dám qua đèo, và may mắn mới được bình yên! Dân chúng chỗ này ăn ở dơ nhớp hơn nhiều chỗ khác. Họ ở dơ, họ bị lạnh, họ bị bệnh, cả thảy đều ra bộ dạng buồn thảm lắm. Còn trong làng chỉ có chừng hai ba chục cái chòi bằng lá, khác với phần đông nhà cửa trong xứ. Cả làng đều xúm lại chung quanh chúng tôi. Họ thấy tận mặt còn chưa tin nổi rằng chúng tôi đã vượt qua đèo, vượt qua sự khổ nhọc và tuyết giá lạnh lùng. Tôi để Sa-tăn với La-ten mua đồ, còn tôi thì đi trước với mấy người kia, thẳng đường đến Kamba-Dzong. Nửa giờ sau, hai người đuổi theo kịp. Cả bọn ngừng lại ăn uống. Từ hôm ra đi, chỉ mới bữa nay là ăn ngon miệng.

Chúng tôi còn ngồi thì thấy có hai người cũng đi tới theo đường đến chùa Kamba-Dzong. Tôi phải bỏ đi lại phía sau giả ý coi chừng thú, chờ cho họ đi rồi mới trở ra. Hai người đó đến chùa mà cúng dường một cây phướn mới để cầu nguyện cho người bị cảm nặng vì đã toan qua đèo. Họ đi cúng chùa là xin trời Phật khoan lấy mạng người kia. Còn như mạng người kia đã hết thì họ cầu cho kiếp sau được đầu thai cho đáng chỗ đáng nơi vì anh ta mới nằm mơ thấy mình chết và đầu thai làm một con chí. Anh ta sợ rằng hồi sanh tiền không tu nhân, nên về sau bị trừng phạt. Ban đầu tôi thương hại cho anh phải đầu thai làm chí. Nhưng rồi tôi nghĩ lại rằng ở xứ này làm thân con chí còn sướng hơn làm người.

Vì hết đồ ăn và không biết đường nên bọn tôi phải sang Kampa-Dzong, chứ ý tôi không vui. Kampa-Dzong là một thành lớn như kinh đô, lại ở trong xứ Tây Tạng, có đủ quan lính, nếu họ gặp tôi thì khó lắm, vì họ từng giao thiệp với người Âu Tây nên hẳn phải hiểu rõ tập tục người phương Tây.

Chúng tôi đến thình lình trong mùa đông, làm cho ai nấy đều để ý. Tôi bèn cho Sa-tăn với La-ten đi trước để mua đồ ăn và mướn phòng ngủ. Sa-tăn cắt nghĩa với họ rằng hành lý và thú còn phía sau. Tôi với mấy người kia ở lại dựa bên đường để cho hai người đi lên trước. Một lát sau, có một trận giông to thổi tới. Ai còn chẳng biết xứ Tây Tạng là có giông gió to. Xứ trống trải, không cây cối ngăn ngừa nên những luồng gió kéo nhau mà thổi rất nhanh và rất mạnh. Thường thường có giông to bão lớn về buổi xế chiều.

Chúng tôi ngồi dựa lề đường, giữa đồng trống, lạnh lẽo vô cùng, thật lấy làm thống khổ. May còn có đồ đạc để che chắn, rồi mình ẩn ở phía sau. Giây lát, hai người kia đều ngủ thiếp đi.

Tôi lấy một quyển kinh bằng chữ Tây Tạng và cầm lên xem cho khuây. Mình đã giả làm thân phận tôi tớ mà xem kinh sách thì không hợp chút nào! Là vì bên Tây Tạng chỉ có riêng hạng thầy tu là biết đọc biết viết mà thôi. Tôi vì biết rõ văn chương Tây Tạng, việc ấy suýt chút nữa thì làm cho tôi phải nguy. Lúc ấy có một đám người đi ngang qua, họ thấy trại bèn dừng lại để hỏi coi chúng tôi là ai. Gió mạnh quá, tôi không nghe biết tiếng gì khác. Đến chừng họ đứng trước mặt tôi mới hay.Họ xúm lại hỏi nhiều việc, nhưng tôi không dám trả lời. Tôi chỉ đọc lớn tiếng dường như tôi đương tụng kinh mà chẳng được phép ngừng. Tôi vừa đọc, vừa lấy chân khều Syce. Anh ta mở mắt ra, trả lời giễu cợt làm cho toán người kia cười rộ lên rồi bỏ đi. Đến chiều mặt trời lặn, chúng tôi mới dám vào thành. Đường không xa mà đi mất mấy giờ đồng hồ, vì có một con ngựa bị lạnh và bị thiếu hụt đồ ăn nên yếu lắm, nó đi không muốn nổi. Chúng tôi phải đẩy nó, rồi kéo nó. Sau rốt nó nằm lỳ một chỗ và chết luôn tại đó. Mấy con kia đã chở nặng rồi, không thể nào lấy đồ trên mình con ngựa chết mà chất thêm lên. Tôi đành bỏ ngựa, yên và đồ ăn. Con ngựa đã chết, chúng tôi đi được nhanh hơn, vừa đi vừa xem cảnh vật lúc ban đêm. Vầng trăng lộ lên, ánh sáng soi xuống như hào quang huyền ảo. Cảnh buồn xem chừng đã bớt. Còn thăm thẳm phía sau là mấy đỉnh núi Hy-mã-lạp-sơn và những ánh sáng đủ màu. Chung quanh, tiếng gió kêu ồ ồ dường như tiếng rền rĩ, nguyền rủa của bọn yêu tinh!

Gần vào thành thì gặp La-ten. Anh chàng thấy trễ nên trở lại tìm chúng tôi. Anh cho chúng tôi hay một vài tin tức mới. Quan chức nghe tin bọn tôi tới thành, đã giữ cả hai anh lại, gặn hỏi Sa-tăn muốn đi những đâu, và từ đâu mà đi lại đây. Rất may là anh chàng đã không làm cho họ nghi ngờ gì về phần tôi, và nói rằng thú vật mệt lắm nên còn đi chậm chậm phía sau. Họ thả hai người ra và cho phép mua đồ ăn tại chợ Kampa-Dzong.

Theo lời tôi dặn trước, Sa-tăn và La-ten thuê chỗ ở ngay trong một quán cơm gần chợ. Chúng tôi đến ngay đó trước khi vào nội thành. Hôm ấy nhằm lúc chợ phiên, người ta đông đảo lắm. Mướn được một chỗ cũng là may lắm rồi, nhưng phải chia sẻ với vài người thương gia, cùng chung một phòng. Sa-tăn lúc này đóng vai chủ đoàn, được ngủ trong nhà. Anh chàng còn thừa dịp ấy mà lấy mấy cái mền tốt để đắp, bỏ cả nhóm bọn tôi ngủ ngoài trời, mỗi người một cái mền xấu, phải chịu lạnh lẽo vô cùng. Lạnh đến âm ba mươi độ. Trước khi đi ngủ, La-ten và hai người kia ăn một bữa no nê, lại còn uống rượu thả cửa. Còn tôi chưa dám chường mặt, đành phải ở trên nóc nhà. Tôi có dặn La-ten nói rằng tôi đau, mệt lắm, xuống ăn không được. Lấy cớ ấy, anh chàng mang đồ ăn lên cho tôi. Tôi ăn một hơi hết sạch. Thèm ăn, nên ăn ngon miệng lắm. May là không ai để ý, chứ một người bệnh mà ăn nhiều quá cũng là một chuyện lạ!

Lạnh cho đến nổi tôi ngủ không được. Mỗi lần vừa muốn chợp mắt ngủ thì lại giật mình. Ngủ không yên, đành ngồi dậy mà xem cảnh vật dưới bóng trăng thanh. Trời đêm, thành thị xem ra cũng thật là đồ sộ, uy nghiêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2011(Xem: 3566)
Đức Phật là vị A-la-hán đầu tiên. Các vị A-la-hán đệ tử của ngài đều giống ngài và các vị Bồ-tát ở chỗ sau khi chứng đạt giải thoát, tiếp tục cứu độ nhân loại thoát khỏi khối đau khổ của sanh tử luân hồi. Do đó, các cáo buộc cho rằng A-la-hán là tiêu cực, là ích kỷ, là tiểu thừa chỉ phản ảnh một sự hiểu biết phiến diện về lời Phật dạy nói chung, về các bậc A-la-hán nói riêng.
05/01/2011(Xem: 3801)
Khi nghĩ về Đức Phật, là Phật Tử, không ai lại không nhớ về bốn thánh tích quan trọng. Đó là vườn hoa Lâm Tỳ Ni (Lumbini Nava), dưới cây hoa Vô Ưu, thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) nay thuộc nước Nepal phía Bắc Ấn Độ, nơi Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha Gautama) đản sanh. Thứ hai là Bồ Đề Đạo Tràng (Boddha Gaya), tại Buddh Gaya, nay thuộc tiểu bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo. Thứ ba là vườn Lộc Uyển (Migadaya nay gọi là Sarnath thuộc xứ Utta Pradesh) (1), nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên . Thứ tư là Câu Thi Na(Kusinagara), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn . Nhân ngày Đức Phật Thành Đạo xin sơ lược đôi nét về Bồ Đề Đạo Tràng để ghi nhớ nơi Đức Từ Phụ sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định đã thành bậc vô thượng chánh đẵng chánh giác. Kể từ đó sau 49 năm Ngài thuyết giảng kinh pháp đà để lại cho nhân loại một kho tàng kinh điển vĩ đại quí giá.
30/12/2010(Xem: 3173)
Bên cạnh tu viện Larung Gar đang bị Trung Cộng triệt phá, cung điện khổng lồ Potala được coi là một kỳ quan không chỉ của dân tộc Tây Tạng mà còn của toàn nhân loại. Nằm ở trái tim của thành phố Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, cung điện Potala được coi là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hóa Tây Tạng và là biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma.
29/12/2010(Xem: 8943)
51 Địa Danh Bạn Cần Đến Thư Giản và Thưởng Ngoạn
26/12/2010(Xem: 4413)
Ngày 1 tháng 4 thì phải, tôi ghé chân ở Shangri-la, một miền đất khuất nẻo của Vân Nam. Để đến được nơi này, từ Lệ Giang, xe phải đi mấy giờ liền qua một sơn đạo chênh vênh ở độ cao chóng mặt. Tôi đã thấy gì? Trời ạ, giữa một nhân gian tế toái gồm đủ thiên hình vạn trạng của bao thứ bào ảnh ảo tượng, tôi lại bất ngờ nhận ra mình đang hiện hữu ở một nơi chốn mà mọi thứ đều ở mức tối giản.
16/12/2010(Xem: 6159)
Một cư sĩ học giả viết trong một quyển sách đã xuất bản, trong đó có lập lại một lời nói của đức Phật không được đúng như trong kinh đã ghi, điều này có thể tạo cho Phật tử hiểu lệch lạc về đạo Phật dẫn tới một đạo Phật mê tín. Họ nói Đức Phật nói rằng: “… Nếu vị thiện tâm nào đến bốn nơi Thánh địa này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu và duyên lànhvà nếu có vị thiện tâm nào có duyên được trút hơi thở cuối cùngtại một trong những Thánh địa này, chắc chắn người ấy sẽ được tái sanh vào cảnh giới thanh nhàn..”
28/10/2010(Xem: 4231)
Pháp Hội Thủy Lục khởi đầu từ đời Vua Lương Võ Đế. Nhà vua phát tâm Bồ Đề thành kính cung thỉnh Hòa Thượng Chí Công định chế nghi thức lập đàn tràng “Thủy Lục” để cầu siêu cho các oan hồn uổng tử. Các chiến sĩ trận vong trong chiến tranh, xả thân báo quốc, nhưng hương hồn của họ vất vưỡng không nơi nương tựa, những cô hồn vô chủ lang thang khắp nơi, những người chết vì bị trúng đạn, tai nạn trên không, dưới nước, đất bằng, chết vì bệnh dịch, chết oan, chết đuối trên đường vượt biển, các thai nhi sản nạn v.v… Chúng ta đều tác lễ cầu siêu cứu độ tất cả, giúp họ sớm thác sanh về cõi giới an lành. Âm siêu dương thới, pháp giới chúng sanh, đều hàm triêm lợi lạc.
26/10/2010(Xem: 5636)
(VietNamNet) - Đó là chuyến đi Tây Tạng của tôi và nhà thơ Văn Cầm Hải từ ngày 17/9 đến 25/9. Có nhiều cách đến Tây Tạng. Chúng tôi chọn con đường từ Hà Nội đi Nam Ninh, từ Nam Ninh bay sang Thành Đô, rồi từ Thành Đô bay lên Lhasa.
19/10/2010(Xem: 5890)
Lục tổ điện được xây lại vào năm Minh Hoàng Trì thứ 3, Canh Tuất (1490), Nam Hoa Thiền Tự trùng tu lần cuối vào năm Quý Dậu (1933). Trong điện này hiện nay vẫn còn tôn thờ nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (sinh đường Trinh Nguyên năm 12, tịch Đường Khai Nguyên năm đầu 638-713), cùng với nhục thân ngài Đại sư Hám Sơn và ngài Đại sư Đan Điền. Nam Hoa Tào Khê – Bửu Lâm Đạo Tràng, nằm cách thành phố Thiều Quan thuộc miền đông nam Trung Quốc 25 km (15,5 dặm), tại thị trấn Tào Khê, huyện Khúc Giang. Địa danh này nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, cách sông Bắc Giang vài km, trước đây là một tuyến giao thương giữa miền trung Trung Quốc và Quảng Châu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]