Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ứng phú đạo tràng

16/02/201115:25(Xem: 3981)
Ứng phú đạo tràng

BÓNG TRÚC BÊN THỀM
Tâm Chơn

Ứng phú đạo tràng

Có người cho rằng, đi tu mà không biết “ứng phú đạo tràng” (cúng đám) thì rất khó làm đạo. Nhưng, thế nào là khó, thế nào là dễ? Nhớ có lần thầy nói với tôi, như các sư thuộc hệ phái khất sĩ, các thầy tu thiền, các ngài có bao giờ dùng ứng phú (應赴) đâu mà vẫn hoằng pháp lợi sanh rộng rãi, xây dựng đạo tràng tu học khắp nơi, Tăng ni, Phật tử nương về đông đúc. Gần nhất là Sư ông Sơn Thắng, ngài có ứng phú đâu mà vẫn tiếp Tăng độ chúng tu học tốt, hướng dẫn Phật tử hiểu sâu Phật lý ngày một nhiều. Cho nên, thầy tuyệt nhiên không chấp nhận quan niệm đó.

Với thầy, ứng phú trước sau cũng chỉ là một phương tiện trong nhiều phương tiện mà chư Tổ chế ra để đem đạo vào đời, mang lợi ích cho tất cả chúng sanh. Và đã là phương tiện thì đều như nhau về mặt ý nghĩa.

Theo Từ điển Phật Học Hán Việt (Phân viện nghiên cứu Phật học, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998) thì có hai cách giải thích thuật ngữ phương tiện:

1. Đối với Bát-nhã mà giải thích thì cái trí thông đạt về chân như là Bát-nhã, còn cái trí thông hiểu về đạo quyền nghi thì gọi là phương tiện. Quyền đạo, đạo quyền nghi, chính là phương pháp lợi tha. Theo cách giải thích này thì tất cả các pháp môn tu tập của Phật giáo Đại thừa cũng như Tiểu thừa đều có thể nhất loạt gọi là phương tiện.

Phương là phương pháp, tiện là tiện dụng. Phương tiện là phương pháp tiện dụng thích hợp với căn cơ của mọi chúng sanh.

Thêm nữa, phương là ph?ương chính (đạo lí đúng đắn), tiện là ngôn từ thiện xảo (lời lẽ khéo léo). Vậy ph?ương tiện cũng có nghĩa là dùng đạo lí đúng đắn và ngôn từ khéo léo đối với mọi loại căn cơ.

Mặt khác, phương còn có nghĩa là phương vực của chúng sanh, tiện là tiện pháp giáo hóa. Ứng với phương vực của các loại căn cơ mà sử dụng tiện pháp thích hợp với việc giáo hóa, đó gọi là phương tiện.

2. Đối với chân thực mà giải thích thì cứu cánh là chân thực, còn những thứ giả tạm được đặt ra rồi bỏ đi, đó là phương tiện. Cho nên còn gọi là thiện xảo, còn gọi là thiện quyền (biện pháp quyền nghi khéo léo). Đó tức là pháp có thể thông biến để thâm nhập vào cái chân thực.

Nghĩa là, lợi vật lợi tha một cách có phép tắc, có phương pháp thì gọi là phương, còn tùy thời mà thi hành được gọi là tiện. Theo cách giải thích này thì Tiểu thừa là môn thâm nhập vào Đại thừa, nên gọi là phương tiện giáo. Ba thừa là để thông với một thừa (duy nhất Phật thừa) mà đặt ra, nên cũng gọi là phương tiện giáo. Nhân đó mà phân tách làm hai loại: chân thực và phương tiện.

Như vậy, ứng phú cũng chỉ là một phương tiện để hoằng pháp mà thôi.

Trong sách Thiền Sư Việt Nam, mục Tăng Cang Tiên Giác Hải Tịnh, Hòa thượng Thích Thanh Từ có giải thích từ ứng phú như sau: “Ứng phú là dùng âm nhạc cổ truyền của đạo Phật và dân tộc vào các buổi lễ tại chùa hay các lễ cầu an, cầu siêu, tang lễ... ở nhà các tín đồ...”

Về mặt ngữ nghĩa, chữ ứng (應) là đáp ứng, là chấp nhận tùy theo, ở đây có nghĩa là đáp ứng, chấp nhận lời mời của thí chủ, đàn việt; chữ phú vốn đọc trại từ chữ phó (赴), nghĩa là đi đến, tham dự, ở đây có nghĩa là đi đến tham dự lễ cúng ở nhà thí chủ.

Như vậy, ứng phú có nghĩa là chư Tăng chấp nhận lời mời đến nhà thí chủ để thực hiện lễ cúng, chẳng hạn như cúng cầu an, cầu siêu...; danh từ bình dân gọi là “đi cúng đám”.

Xét ra, ứng phú hay đi cúng đám sẽ có nhiều điều kiện đem Phật pháp đến với lớp người bình dân trong xã hội. Vì khi chư Tăng đến nhà tín đồ làm lễ sẽ có nhiều người trong gia đình chưa biết Phật pháp nhân đó kết duyên lành với Tam bảo. Rồi những người láng giềng lân cận cũng sẽ được dịp nghe niệm Phật, tụng kinh, nhắc lại những lời Phật dạy, hiểu biết thêm về lễ nghi Phật giáo mà phát tâm quy hướng đạo giác ngộ giải thoát.

Thế nhưng, dường như không có được mấy người chịu khó áp dụng trọn vẹn mặt tích cực của ứng phú nên dần dần danh từ “đi cúng đám” đã mất đi ý nghĩa ban đầu. Để rồi, khi nói tới hai chữ “cúng đám” thì y như rằng người ta liên tưởng tới các thầy đám, thầy tụng... Mà vấn đề tiêu cực này đâu phải tới thời bây giờ mới vấp phải?

Trong sách vừa dẫn trên có nói rõ, phong trào Ứng phú thuộc khoa Nghi lễ Phật giáo đã bắt đầu xuất hiện ở miền Nam hồi giữa thế kỷ 19, cũng là thời kỳ hành đạo của Tăng Cang Tiên Giác Hải Tịnh (1788-1875).

Tổ Hải Tịnh xuất gia từ nhỏ nhưng rất chuyên tâm trong việc tham học kinh điển và hành trì thiền định, nên chỉ sau một thời gian tu học, Tổ đã sớm trở thành một danh Tăng uyên bác.

Tháng 3 năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng cho mời Tổ về trụ trì chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế, giữ chức Tăng cang. Trong sách Thiền sư Việt Nam viết:

“Với kinh nghiệm hoằng pháp từ Gia Định ra đến Huế, trong các khóa lễ thuyết pháp từ thành thị tới thôn quê, trong các buổi giảng kinh cho chư Tăng tại các chùa, Tổ Hải Tịnh đã nhận thấy rằng đa phần chư Tăng ni và tín đồ Phật tử thời đó ưa ứng phú hơn là đến pháp hội nghe thuyết giảng Phật pháp...”

Có lẽ vì phương cách tụng kinh tán xướng hòa cùng tiếng nhạc du dương trầm bổng dễ thâm nhập vào lòng người hơn là cách tụng kinh bình thường khô khan đơn điệu. Nhưng biết có được mấy người tán xướng nhận thức rằng điều cần nhất trong khi tán tụng là hướng đến mục đích an tâm, dù lúc lên cao hay khi xuống thấp cũng không để tạp niệm xen vào. Có như thế mới dễ dàng giúp người nghe tỉnh ngộ, phát tâm hướng thiện.

Nói đến việc tán tụng, trong một buổi nói chuyện về âm nhạc Phật giáo, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê đã khẳng định: “Tán tụng Phật giáo không phải là tán tụng để chơi, mà mỗi câu, mỗi bài đều mang ý nghĩa nhiệm mầu, gắn liền với những giáo lý, chuyển tải hình tượng Phật giáo. Khi tán tụng, phải để hết tâm tư cảm nhận và hiểu hết lời kinh tiếng kệ, nhằm loại bỏ tham, sân, si đạt trạng thái tâm thanh thản, thiền định.” Và đó cũng chính là dụng ý của chư Tổ khi chế ra khoa nghi này!

Ngoài ra, như trên có nói, khi đến nhà tín chủ hành lễ, bằng thân giáo và khẩu giáo, người ứng phú sẽ có cơ hội giúp họ chuyển hóa tâm thức, nhận hiểu đúng đắn lời Phật dạy, bỏ đi những hủ tục mê tín, tin sâu lý nhân quả, phát khởi thiện tâm tu học Phật pháp…

Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi, thuận tiện cho việc “đem đạo vào đời” đó, khoa ứng phú cũng không tránh khỏi những cái bất lợi “đem đời vào đạo” và những nguy hại khác.

Như việc chư Tăng đến nhà Phật tử hành lễ thường xuyên sẽ bị ảnh hưởng đến nếp sống phạm hạnh của một nhà tu. Bằng giao thiệp với nhiều thành phần trong xã hội quá sẽ bị tiêm nhiễm đời sống thế tục. Đi ứng phú nhiều mà không khéo giữ gìn oai nghi tế hạnh, giới luật trang nghiêm thì rất dễ bị sắc tài danh lợi quyến rũ sa ngã, có thể làm mất phẩm cách, đạo hạnh của bậc tu hành cầu giải thoát.

Tổ biết vậy nhưng không thể ngăn chặn được khi khoa Ứng phú đã phát triển mạnh và lan tràn khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê ở Lục tỉnh Nam Kỳ và các tỉnh miền Trung. Cuối cùng, Tổ quyết định tham gia vào khoa Ứng phú để để tìm cách hướng dẫn phong trào Ứng phú đi theo đúng hướng trong giới luật đạo Phật, tránh bớt những hành động của chư Tăng bị phàm tục lôi cuốn, làm mất phẩm cách, giới hạnh của Tăng sĩ, ảnh hưởng không tốt cho tiền đồ Phật giáo.

Rồi Tổ triệu tập một cuộc đại hội chư Tăng để phổ biến chủ trương “bảo vệ và phát huy tinh hoa của khoa Ứng phú theo đúng với đạo Phật cổ truyền” và chính thức thành lập khoa Ứng phú. Sử dụng ngôi chùa Giác Viên vừa mới kiến tạo xong, trực thuộc cơ sở chùa Giác Lâm làm trung tâm của khoa Ứng phú ở Lục tỉnh Nam Kỳ.

Không lâu sau, danh tiếng chư Tăng Ứng phú ở chùa Giác Viên lan rộng khắp nơi. Nhiều người đã tìm đến chùa để làm lễ hoặc thỉnh mời chư Tăng về tại tư gia mỗi khi có việc cầu an, cầu siêu, trai tăng, bố thí...

Nhờ vậy, bổn đạo đến chùa ngày càng đông, kinh tế nhà chùa theo đó mà sung túc. Ngược lại, chùa Giác Lâm thì ít người lui tới. Để đời sống Tăng sinh đang tu học tại đây không bị thiếu hụt, Tổ đã dung hòa tài chánh ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, lấy phần dư thừa ở chùa Giác Viên bổ khuyết cho chùa Giác Lâm.

Mặc dù vậy, Tổ vẫn không chút hồ hởi hay tán dương việc Ứng phú vì ngay từ buổi đầu Tổ đã nhận thấy tính chất “lợi bất cập hại” đó. Cho nên, đến lúc sắp viên tịch, Tổ đã tập họp tất cả đồ chúng của hai chùa, rồi tha thiết dặn dò phải chăm lo tham học nghiên cứu kinh điển, trau dồi đạo đức phẩm hạnh, không nên ham thích theo khoa Ứng phú dễ bị sa ngã, mà cần phải tu tập thiền định để giải thoát khỏi luân hồi sanh tử…

Nói tóm lại, sở dĩ chúng tôi viện dẫn dài dòng như vậy là cốt để tự nhắc mình đừng quên Ứng phú chỉ là một phương tiện hóa độ chúng sanh, không dễ không khó, không thấp không cao nhưng lại rất mong manh giữa đôi bờ lợi - hại. Cũng như việc hành đạo có thuận duyên hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà trong đó phần công phu tu tập, hạnh nguyện lợi tha nơi đời hiện tại là có ảnh hưởng rất lớn.

Nếu như đi Ứng phú mà nội lực không vững vàng thì chẳng những sẽ không cảm hóa được người mà còn dễ bị người tiêm nhiễm trở lại. Do đó, hơn bao giờ hết, hàng đệ tử Phật phải luôn luôn tinh tấn thực hành lời Phật dạy, lấy sự tu làm gốc phát triển mọi hạnh lành, đồng thời phải sáng suốt nhận ra sự tùy thời, tùy lúc mà giả lập phương tiện, hiển bày tùy duyên, hướng dẫn mọi người quay về chánh đạo để việc lợi lạc quần sanh không chỉ là nói suông.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/06/2014(Xem: 6574)
Nữ Phật tử Aung San Suu Kyi, vị lãnh đạo đất nước Myanmar đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại Tu viện Dharmakirti Thành phố Kathmandu, thủ đô Nepal vào tuần trước. Giáo viên và học sinh Trường Trung học Prabhat địa phương đã kết thành hàng rào danh dự để nhiệt liệt tiếp đón vị danh nhân đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình, vị lãnh đạo dân chủ của Myanmar, nổi tiếng thế giới. Nhân dịp này, Bà đã có được một chuyến trở về viếng thăm ngôi nhà cũ của mình. Nơi mà trước đây bốn mươi năm (1974) Bà đã từng lưu lại 9 tháng.
06/06/2014(Xem: 11313)
Ai cũng biết, Ấn Độ là một nước có một nền văn minh rất lâu đời. Hơn thế nữa, nơi đó còn sản sanh ra các triết gia, các đạo gia và có rất nhiều tôn giáo và thần linh. Có thể nói Ấn Độ là một nước tôn giáo, triết học và thi ca. Tôn giáo nổi tiếng và thạnh hành nhứt trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời, phải nói đó là Bà La Môn Giáo, mà hiện nay gọi là Ấn Độ giáo. Đồng thời, Ấn Độ còn có nhiều danh lam thắng cảnh với ngọn núi Hy mã lạp sơn hùng vĩ cao nhất thế giới. Đất đai rộng rãi là một bán đảo lớn có trên 5 triệu cây số vuông và với một dân số hơn cả tỷ người. Dân số được xếp loại đứng hàng thứ nhì chỉ sau Trung Quốc. Có thể nói, vị thế Ấn Độ giống như hình tam giác mênh mông, đáy ở phía Bắc, tức dãy núi Hy mã lạp sơn quanh năm tuyết phủ; đỉnh thì ở phía Nam, tức đầu đảo Tích Lan, quanh năm nóng như thiêu. Phía Tây là Ba Tư mà dân chúng, ngôn ngữ, thần thánh đều rất gần với Ấn Độ.
10/05/2014(Xem: 13851)
Tập sách Phù Tang Ký Sự do Đại Đức Thích Phước Thái biên soạn, ghi lại cuộc hành trình trong chuyến đi Nhật Bản lần đầu tiên của tác giả và của đoàn. Tổng số người đi là 25 người đa số là những liên hữu trong đạo tràng Quang Minh. Mục đích của chuyến đi nầy, nhằm thực hiện cầu an, cầu siêu cho các nạn nhân thiên tai sóng thần đã xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, tại tỉnh Miyagi thành phố Sendai thuộc miền Đông Bắc Nhật Bản. Ai cũng biết đó là trận thiên tai sóng thần ác liệt đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản và sinh mạng. Có hơn 15.000 người chết và trên 3.000 người bị mất tích. Đồng thời, đoàn cũng cỏn đến thăm viếng thuyết giảng và ủy lạo cho 24 gia đình nghèo tại chung cư Hiệp Hội Từ Thiện. Ngoài ra, đoàn còn đi tham quan chiêm bái những danh lam thắng cảnh ở một vài nơi khác. Tất cả đã được tác giả ghi lại từng ngày, từng nơi, mà đoàn đã đi qua và thực hiện. Ngoài việc ghi chép theo lịch trình thời gian ra, tác giả còn cho chúng ta biết qua một vài vấn đề có liên quan đến đ
03/05/2014(Xem: 11199)
Tứ Đại Danh Sơn theo truyền thuyết, là những nơi có các vị Đại Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Địa Tạng, hiện thân tu hành để hóa độ chúng sanh. Đó còn là những nơi thắng cảnh nổi tiếng tuyệt vời vượt thời gian qua nhiều phương diện của Phật giáo Trung Quốc từ xưa tới nay. Vì thế, mà hằng năm có nhiều đoàn du lịch đến những nơi nầy để tham quan chiêm bái. Xưa nay, đã có biết bao tác phẩm xưng tán ca ngợi hết lời nhiều điều mầu nhiệm thiêng liêng ở những nơi thắng tích nầy. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm chuyên tải mỗi cách nhìn khác nhau. Có những tác phẩm chuyên sâu trong lãnh vực khảo cứu nặng phần triết lý, hay lịch sử. Có những tác phẩm chỉ diễn tả những phong cảnh núi non hay chuyên sâu trong lãnh vực phong hóa, mỹ thuật. Dù nhìn từ góc độ nào tự nó cũng đã mang lại cho nhơn sinh nhiều điều tìm hiểu, học hỏi thú vị.
22/03/2014(Xem: 8771)
Choáng ngợp kỳ quan Phật giáo trắng tinh như cổ tích Choáng ngợp kỳ quan Phật giáo trắng tinh như cổ tích Với màu trắng tinh khiết và lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước Phật giáo Thái Lan.
17/03/2014(Xem: 6218)
Đoàn chư Tăng, Ni và Phật tử đi từ nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ và nhiều tỉnh ở Canada có 80 người do Hòa thượng Thích Thái Siêu, Viện chủ Niệm Phật đường Fremont, California làm Trưởng Đoàn. Đoàn chư Tăng, Ni và Phật tử đi từ nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam có 74 người do Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ làm Trưởng Đoàn. 154 thành viên của đoàn từ nhiều nơi đã tập trung tại New Delhi, đáp chuyến bay đi Patna, Bihar (Ấn Độ), mở đầu chuyến hành hương tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali). Đoàn đã đến viếng hơn 100 địa điểm, trong đó các địa điểm tham quan chính tại 3 quốc gia là:
09/03/2014(Xem: 7305)
Key Gompa là một tu viện Phật giáo Tây Tạng nằm trên đỉnh một đỉnh đồi đẹp như tranh vẽ ở độ cao 4.166m so với mực nước biển, gần sông Spiti, trong thung lũng Spiti của tiểu bang Himachal Pradesh, Ấn Độ.Amusing Planet
07/03/2014(Xem: 8189)
Chúng tôi lên tham quan Golden Rock, một ngôi chùa tháp rất linh thiêng nằm trên một tảng đá vàng. Đoàn dự kiến 10h tối sẽ về khách sạn. Tuy nhiên, do cảnh quá đẹp, không khí linh thiêng, tinh thần tuyệt vời nên tận gần 24h đêm chúng tôi mới rời Golden Rock để về khách sạn.
09/02/2014(Xem: 5014)
1- Theo truyền thống Phật giáo, hành hương là nghi thức thắp hương đi nhiễu chung quanh tháp và điện Phật và cũng chỉ việc thắp hương lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát... Đây là cách hiểu nguyên ủy của từ “hành hương”, còn về sau này, nội hàm của “hành hương” mở rộng hơn nhiều, thậm chí đến nay hành hương đôi khi được đánh đồng với du lịch văn hóa, nhất là các tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử tôn giáo - tín ngưỡng.
08/02/2014(Xem: 5122)
Tôi đi thăm Yên Tử thuở núi rừng còn hoang vu. Bồi hồi, xúc động. Những cội tùng già cỗi cằn, khô gầy ngạo nghễ giữa thời gian và năm tháng. Ồ, bên này là rừng trúc và bên kia là triền đá dựng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567