Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Viếng thăm Ấn Độ (kỳ 8) - Dưới cội Bồ Đề

25/06/201307:44(Xem: 4807)
Viếng thăm Ấn Độ (kỳ 8) - Dưới cội Bồ Đề
Dưới cội Bồ Đề (8)

 

An Do_71Bodhi Pallanka: Khách hành hương đứng xem bia khắc chạm bàn chân Đức Như Lai trong khi các nhà sư và tín đồ tụng kinh, khấn nguyện dưới cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo năm 623 trước Công Nguyên. Hình: N.H.A.

 

Tại Ấn Độ, di chuyển bằng xe lửa thông dụng và rẻ nhất. Vì không có máy bay đi thẳng từ Varanasi tới thủ phủ Patna đừng nói chi thành phố  Gaya hay trị trấn Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nên tôi đã thử mua vé xe lửa online.

 

Nhưng các vé hạng tốt vài đô la đã hết, chỉ còn vé hạng thấp nhất (hình như hạng đứng) nên tôi đã quyết định không mua, bởi vài lý do. Xe lửa Ấn Độ nổi tiếng bẩn chật và không an toàn. Bị lật, đụng hay đang chạy bốc cháy là chuyện không hiếm.

 

Xe đò thì cũng chẳng khá hơn, bởi người ta thường chuyển cho nhau xem những hình ảnh xe đò quá tải với hành khách đu hay ngồi trên mui và hàng hóa treo hai bên hông làm bề ngang chiếc xe lớn gấp đôi.

 

Tôi chỉ còn chọn lựa duy nhất là thuê xe bao. Đi xe nhỏ giá 7000 Rupee (thời giá khoảng $132 Úc kim), xe lớn hơn như 4WD hay station wagon 14,000 Rupee vì phải trả thêm 2,000 Rupee thuế đường. Anh hướng dẫn viên Rajesh đề nghị chúng tôi nên đi xe nhỏ cho đỡ tốn tiền.

 

Tôi bảo anh hướng dẫn viên phải kiếm xe tốt cho chúng tôi vì đường dài trong đó nhiều đoạn nghe nói xấu lắm nên nếu tôi thấy xe không an toàn, sẽ không đi. Trên đường từ vườn Lộc Uyển trở về khách sạn, Rajesh điện thoại với chủ bằng tiếng Ấn và  khi tôi nghe được hai chữ Việt Nam và seatbelt thì yên tâm vì trong ba chiếc xe hơi dùng để chở chúng tôi trong hai ngày qua, không có chiếc nào có seatbelt.

 

An Do_72Cổng chào đón du khách vào thị trấn Bodhgaya. Hình: N.H.A.

 

Rajesh đến đón chúng tôi đúng giờ. Ghế xe bằng vải nhưng chỗ ngồi phía sau dành cho khách được bọc vải lụa lòe loẹt như rước cô dâu chú rể. Trước khi bước lên xe, tôi hỏi tại sao không có dây nịt. Rajesh nói với anh tài xế và anh ta phải cất miếng vải bọc ghế đi thì mới lộ ra dây nịt, chứng tỏ người ta cần bề ngoài hơn sự an toàn.

 

Từ Varanasi tới Bodhgaya

 

Lộ trình dài khoảng 260 cây số, dự trù đi từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Xe chạy trên quốc lộ N.H.2 (National Highway) nối dài từ New Delhi tới Kolkata (tức Calcutta cũ). Quốc lộ này mất 6 năm mới làm xong và dài 1,400 cây số mỗi bên có hai lằn. Chiếc cầu đầu tiên chúng tôi vượt qua Sông Hằng ở thành phố Varanasi là cầu đôi Malivya Bridge có phần dành cho xe lửa. Sông ở đoạn này dài từ 1 đến 2.5 cây số tùy mùa nước.

 

Cầu thứ hai là Dehria-on-Sone Bridge dài  3 cây số trên sông Karamnasa River chi nhánh của Sông Hằng. Đây là cầu xe lửa bắc qua sông dài nhất Ấn Độ. Xe dừng lại một số trạm đóng lệ phí  thu cho quốc lộ mới xây.  Dọc đường có nhiều ngọn núi và Rajesh tỏ ra thích thú vì đây là lần đầu tiên anh hướng dẫn viên 30 tuổi được đi xa và ngắm cảnh.

 

An Do_73Rất bình thường ở Ấn Độ:  giao thông trên quốc lộ N.H.2 từ thành phố Vanarasi tới thị trấn Bodhgaya. Hình: N.H.A.

 

Vượt qua hơn ba phần tư đường, xe tách quốc lộ N.H.2  rẽ trái chạy vào hương lộ. Đây là con đường chỉ có một lằn mỗi bên như mọi hương lộ khác trên thế giới nhưng không tệ hại như tôi nghĩ trước đây.

 

Qua thành phố Gaya, chúng tôi tiến vào thị trấn (hay làng) Bodhgaya với cổng chào hình bán nguyệt màu hồng. Người hướng dẫn viên của chúng tôi phải hỏi thăm hai ba người địa phương mới tìm được khách sạn Hotel Tokyo Vihar. Đi mất đúng 4  giờ, nhanh hơn dự trù. Chúng tôi chia tay “đứa con trai Ấn Độ” với một chút bùi ngùi, cám ơn anh ta đã đón đưa tận nơi.

 

Khách sạn được quảng cáo 3 sao này nhìn bên ngoài xem cũng tạm nhờ có bộ mã mới sơn phết, phòng tiếp khách không tệ, nhưng lên phòng ngủ thì phát khiếp bởi nóng khoảng 45 độ mà máy lạnh không hoạt động (chạy kêu xè xè nhưng hoàn toàn không tỏa một  chút hơi lạnh), thỉnh thoảng còn bị ngưng vì điện cúp. Thấy bồn rửa mặt và bồn tắm không muốn rửa mặt, chứ nói gì tắm. Hơn hai mươi năm trước chúng tôi đã từng ở khách sạn 2 sao bên Bangkok  nhưng thấy còn khá hơn khách sạn 3 sao ở Bodhgaya này. Các nhân viên trong khách sạn chẳng buồn trả lời những thắc mắc của chúng tôi về phòng ốc, ăn uống. Tôi nghĩ người ở đây trông có vẻ không mấy thân thiện, hiếu khách bởi họ quen tiếp xúc với người hành hương dễ dãi chỉ cần chỗ đặt lưng, chứ không phải khách du lịch cần sự phục vụ.

 

An Do_74Hotel Tokyo Vihar: phòng ngủ trở thành “lò thiêu” vì máy lạnh trở thành máy sưởi khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 45 độ C. Hình: N.H.A.

 

Nhà tôi chịu không nổi cái nóng bên trong khách sạn nên chỉ trông mong sao ngày chóng qua để sáng mai được... rời nơi đây! Tôi nói đã lỡ tới đây và ở đây thì đành chịu vì không biết làm sao hơn. Chúng tôi rời khách sạn ngay để đến Đền Mahabodhi hầu tránh cái “lò thiêu” của khách sạn.

 

Từ khách sạn đến đền chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ nhưng bụi bặm và nắng gay gắt tạo cảm giác mệt mỏi, chán nản. Tôi cổ động nhà tôi bằng cách nói đùa chúng tôi không đi du lịch mà đang đi hành hương, do đó cực khổ một chút chẳng sao.

 

Tới gần cổng thấy cảnh mua bán tấp nập như mọi thánh tích tôn giáo trên thế giới. Một  bảng nhỏ đề“Welcome to Maha Bodhi Temple” và ngay trên cổng vào một bảng lớn chiếm gần trọn mái cổng ghi“Mahabodhi (Mahavihara) Temple – Bodhgaya Temple Management Committee”. Điều này có nghĩa toàn bộ khu thánh địa này được quản trị bởi một ủy ban.

 

 

An Do_75Chợ búa hai bên đường dẫn vào cổng Chùa Đại Bảo Tháp. Khoảng sân rộng bên trong chỉ bán đồ lưu niệm. Hình: N.H.A.

 

Đệ nhất thánh tích  của Phật giáo

 

Chuyến du lịch Nepal và Ấn Độ sở dĩ được thực hiện  bởi do tôi tình cờ xem cuốn phim tài liệu “7  Kỳ quan Phật giáo trên Thế giới” của Đài BBC và sau đó muốn đi xem hai “kỳ quan” hàng đầu nằm ở Bodhgaya và Kathmandu.

 

Bodhgaya được coi là một trong “tứ thánh địa” của Phật giáo gồm Sarnath (Lộc Uyển), Lumbini (Lâm Tì Ni ở Nepal nơi  Phật sinh ra ) và Kushinagar (Câu Thi Na nơi Phật nhập niết bàn). Theo tôi nghĩ, nơi Đức Như Lai giảng pháp lần đầu và nơi ngài giác ngộ là quan trọng nhất. Nhưng Bồ Đề Đạo Tràng có thể được gọi là thánh địa số 1 bởi  vì có giác ngộ thì mới có việc chuyển bánh xe pháp.

 

Sự suy nghĩ của tôi cũng hữu lý nếu xét về số lượng khách hành hương, số đền đài tu viện ở Bồ Đề Đạo Tràng cũng như việc nhà nghiên cứu sử học người Anh Bettany Hughes sắp xếp thứ tự này (số 1) trong cuốn phim tài liệu của bà.

 

Bồ Đề Đạo Tràng nằm trong thị trấn Bodhgaya, thuộc thành phố Gaya cách Patna hơn 100 cây số. Patna là thủ phủ (capital city) của tiểu bang Bihar, một tiểu bang mà theo một số tài liệu được liệt vào hàng nghèo nhất, có nhiều người không biết đọc và viết nhất Ấn Độ. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn hơi rối với nhóm chữ Bồ Đề Đạo Tràng.

 

Theo tự điển wikipedia thì Bodhgaya hay Bodh Gaya được gọi bằng tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng. Nhưng Bodhgaya là tên một địa danh, vậy ngôi đền (lớn nhất) xây ngay nơi Phật thành đạo gọi là gì?

 

Mahabodhi Temple có thể gọi là Đền hay Chùa Đại Bồ Đề, bởi chỗ này là nơi tranh chấp giữa người theo Ấn giáo và Phật giáo trong mấy ngàn năm cho đến khi được giao cho một ủy ban hỗn hợp quản trị cách đây hơn nửa thế kỷ.

 

An Do_76Tháp Đại Giác cao khoảng 51m giữa những bảo tháp lớn nhỏ khác. Hình: N.H.A.

 

Đạo tràng (hay đạo trường) theo Hán-Việt tự điển của Đào Duy Anh “là chỗ dậy kinh và cúng bái của Phật giáo và đạo giáo (temple) – chỗ người ta tu đạo (monastère, couvent). Vậy nhóm chữ Bodhgaya có thể gọi là Bồ Đề Đạo Tràng không, vì Gaya là tên của thị trấn chứ không phải cái đền? Tôi không rành về Phật ngữ, cũng chẳng biết tiếng Phạn nên hy vọng có bạn đọc nào sau này giải thích dùm.

 

Tôi cũng không rành về tên cây cối. Ở quê tôi có những cây đa hay cây mà người trong làng gọi cây cừa. Tại thành phố Huế, tôi thấy có những cây được gọi là sung, vả hay bồ đề. Nhưng khi tới vườn Lộc Uyển và Bồ Đề Đạo Tràng có nhiều cây cổ thụ, muốn biết cây nào là cây bồ đề thì tôi phải nhờ người địa phương chỉ dùm. Đứng trước Tòa Kim Cang dưới những cành cây nơi Phật thành đạo, tôi vẫn không làm sao ghi vào trí lá bồ đề, cho đến lúc một chú tiểu mang tặng cho tôi một chiếc lá làm kỷ niệm, nhờ vậy từ nay nếu thấy cây cổ thụ nào có lá cây giống hình trái tim, sẽ nhận ra cây bồ đề.

 

Tra tự điển thấy chữ cây đề hay bồ đề  được gọi bằng ngoại ngữ là bo, bodhi tree, pipal, peepul hayasvatha  danh từ khoa học gọi là ficus religiosa, có họ hàng với cây sung, đa và mọc rất nhiều ở Ấn Độ, cao đến 30 mét. Vì Phật giác ngộ dưới cây bồ đề nên bồ đề còn có nghĩa là giác ngộ hay phật. Buddha, theo chữ Phạn bud là giác ngộ, dha là người, tức người giác ngộ. Vì thế (cây) bồ đề đồng nghĩa với phật, bụt.

 

Chùa Đại Bồ Đề hiện nay chắc chắn không có từ thời Phật. Vậy có từ lúc nào?  Các tài liệu không thống nhất với nhau về chặng đường hình thành trong 2,500 năm qua.

 

An Do_77Tượng Phật bên trong Tháp Đại Giác. Hình: N.H.A.

 

Có những ý kiến cho rằng Chùa Đại Bồ Đề được xây từ thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên hay thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên. Nhà sư  Huyền Trang thời nhà Đường khi đi Thiên Trúc (Ấn Độ)  thỉnh kinh có ghé qua đây và mô tả về tòa nhà có tháp cao khoảng 48 đến 52 mét, tức cao bằng đại tháp hiện nay.

 

Cũng có người nói vua A Dục Vương (Ashoka 304-232 trước CN) đã cho xây một ngôi chùa nhỏ tại đây bởi hiện còn di tích trụ  đá của ông tại Bồ Đề Đạo Tràng. Chiến tranh đã tàn phá ngôi chùa và có thời gian dài bỏ hoang.

 

Từ thế kỷ thứ 11 trở đi, ngôi chùa được các Phật tử, tăng sĩ và vua chúa các xứ Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan tu bổ, sửa chữa nhưng vẫn có sự tranh chấp giữa người Ấn giáo và Phật giáo.

 

An Do_78Tượng Phật ngồi thiền giữa hồ được rồng bảo vệ. Hình: N.H.A.

 

Những năm cuối thế kỷ 19 những nỗ lực của triều đình Miến  Điện cũng không giúp khôi phục lại di tích và nơi phụng thờ của Phật giáo. Có thời kỳ di tích linh thiêng này được đặt dưới sự cai quản của một giáo sĩ Ấn và chính phủ Ấn, và vì thế tại ngôi đền (hay chùa) này, nghi lễ của cả hai tôn giáo đều diễn ra và đã xảy ra một vụ kiện. Rồi ông Dharmapala người Tích Lan  nhập cuộc và thành công trong việc xin chính phủ Ấn cho phép ông tu bổ ngôi chùa nhưng xung đột vẫn diễn ra giữa hai tôn giáo từ cuối thế kỷ thứ 19  cho đến giữa thế kỷ 20  giống trường hợp Nhà thờ Máng Cỏ ở Jerusalem  ngày xưa giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo; và ngày nay giữa các giáo phái thuộc Thiên Chúa giáo với nhau.

 

Chùa Đại Bồ Đề có được sự huy hoàng ngày nay nhờ công lao trùng tu của Sir Alexander Cunningham (1814-1893), một kỹ sư người Anh được coi là cha đẻ công cuộc khảo cổ ở Ấn Độ.

 

Khi Ấn Độ độc lập vào năm 1947,  chính phủ Ấn đã trao việc quản trị Chùa Đại Bồ Đề cho một ủy ban gồm 11 người đứng đầu là một chủ tịch do chính phủ đề cử với 10 thành viên gồm một nửa đại diện của Ấn giáo và một nửa cho Phật giáo, nhờ vậy việc tu bổ và bảo trì ngôi đền được thuận tiện hơn.

 

Ngoài ra, chính phủ Ấn còn khuyến khích các nước Phật giáo đến xây chùa của họ ở thị trấn Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya town/ village) để khách hành hương khắp thế giới về đây chiêm ngưỡng nơi Đức Phật thành đạo. Vì có nhiều chùa của nhiều quốc gia ở đây (như Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu) nên Bồ Đề Đạo Tràng còn được gọi là một “Liên Hiệp Quốc Phật Tự”.

 

Hiệp hội Mahabodhi cách đây mấy năm thông qua luật lệ mới xác nhận chỉ có Phật tử bẩm sinh cha truyền con nối mới có thể lãnh đạo hiệp hội. Như vậy trong tương lai hầu như thánh tích của Phật sẽ do con cái Phật nắm giữ.

 

 

Sự tích cây bồ đề ở Mahabodhi Temple

 

Khuôn viên của Chùa Đại Bồ Đề rất rộng có tường thành. Ở bên trong có một lớp tường khác bao bọc một khu tổng hợp mà  hai phần ba là các bảo tháp và phần còn lại là hồ (phía nam chùa) nơi có tượng Phật được con rồng bảo vệ khi ngài đang ngồi thiền. Tháp Đại giác cao khoảng 51 mét, đáy mỗi cạnh dài khoảng 20 mét, mặt tiền hướng về phía đông. Trong đại tháp có tượng Phật mạ vàng được cho là do vua xứ Bengal cúng dường vào thế kỷ thứ 4.

 

An Do_79Tác giả bút ký “kể chuyện đường xa” đặt tay lên bia khắc chạm bàn chân Đức Phật Thích Ca để cạnh cây bồ đề

 

Ngay sau bảo tháp là cây bồ đề rất lớn, được cho là nơi Phật ngồi thiền trước khi đạt chánh quả. Ở đây có rất nhiều bảo tháp lớn nhỏ. Phía bắc của chùa có khu thờ phụng của người Tây Tạng với bàn thờ ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma.

 

Chuyện kể rằng, sau những năm khổ tu mà không đạt ý muốn, Thái tử Tất Đạt Đa đã rời Khổ Hạnh Lâm (Dungsiri) qua sông Ni Liên Thiền (Neranjara) nhưng bị ngất xỉu, may nhờ một bát sữa của một cô gái (Sujata) mà tỉnh lại để tiếp tục tới ngồi dưới cây bồ đề thiền định trong 49 ngày và sau đó đạt giác ngộ.

 

Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, vua A Dục Vương cho dựng một cột trụ trên đầu có hình sư tử (nay chỉ còn trụ đá) để đánh dấu một nơi linh thiêng và cho xây một tường đá bao quanh để bảo vệ cây bồ đề. Khi vua nước Tích Lan theo đạo Phật, vua A Dục Vương đã ban cho vua này một nhánh bồ đề mang về nước trồng.

 

Tương truyền bà quý phi của vua A Dục Vương vì ghen ghét chồng quá chăm sóc cho cây bồ đề mà quên bà nên bà đã phá cây này. Cây thứ hai được chiết từ cây bồ đề bên Tích Lan về trồng nhưng đến thế kỷ thứ 7 lại bị một người Ấn giáo đốn đi. Cây thay thế thứ hai (tức cây thứ ba) bị cơn bão năm 1876 làm trốc gốc. Có những giả thuyết cho rằng cây hiện nay tự nó mọc lên sau cơn bão hoặc lại do chiết cành từ cây bồ đề bên nước Tích Lan.

 

An Do_80Một nữ tín đồ lễ Phật trước lối vào cửa Tháp Đại Giác khi bình minh vừa ló dạng. Hình: N.H.A.

 

Dù xuất phát từ đâu, mọi người con Phật đều tin rằng chính ở dưới gốc bồ đề hiện nay Đức Phật đã thành đạo và mang ánh sáng cho nhân loại, giúp con người thoát khỏi vòng tử sinh bằng con đường giải thoát do ngài truyền dạy. Cây bồ đề này vì thế là vật cực linh thiêng đối với Phật tử và ai đã một lần hành hương đất Phật không thể không tới nơi đây để chiêm bái ngài. (đón xem kỳ chót: chuyện bên lề du lịch xứ Phật)

 

 

“Nhạc của tôi, chuyện của mọi người”

 

Trong số báo tuần trước, tôi có chép lại lời hai bản nhạc Thiền Sư Xuống Núi và Lên Núi viết trước khi vượt biên vào năm 1980. Tôi cũng có nhắc việc tôi in tập nhạc có tên Thân Phận Ca và phát hành bên trại tị nạn Galang, Nam Dương vào năm 1981, in bằng giấy quay ronéo tặng thân hữu và người quen biết trên đảo trong đó có một cuốn tặng cho nhạc sĩ Lê Văn Thiện, một người nổi tiếng chơi dương cầm và hòa âm.

 

Giữa năm 1981, khi đang ở trong hostel dành cho di dân ở Nam Úc, tôi khá ngạc nhiên khi biết 4 trong số các bản nhạc của tập Thân Phận Ca đã được ca sĩ Thanh Thúy thu vào cuốn băng cassette có tênSiêu Âm 1 gồm Chuyện Của Tôi (Thanh Thúy hát), Sao Ta Còn Ngồi Đây (Hải Lý), Biển Vắng (Vân Thanh) và Còn Nỗi Buồn (làm với Nguyễn Văn Khâm, do Janne Mai trình bày).

 

Tôi đã làm mất cuốn cassette trên 20 năm nên không còn ý niệm gì về cuốn băng và những bài hát mang đầy kỷ niệm đó cho đến tuần qua, tôi lên google.com.vn đánh 5 chữ “sao ta con ngoi day” (vàchuyen cua toi thanh thuy) tức thì hiện ra website tinhcaviet.com. Những bản nhạc tôi viết sau năm 1975 được người chủ trang mạng đưa vào thể loại “Nhạc Việt Nam trước năm 1975”. Các bài hát đều có ghi tên ca sĩ, riêng nhạc sĩ  thì đề “Chưa biết”.

 

Người chủ trang mạng không biết cũng đúng thôi, bởi khi phát hành ca sĩ Thanh Thúy đã không đề tên nhạc sĩ trong cuốn cassette.

  

Nghe lại 4 bài hát này, tôi xúc động, man mác nỗi buồn với những kỷ niệm sau  mấy chục năm mới được nghe lại những bài do mình sáng tác vào thời điểm đau thương đáng nhớ đó (1977-1981).

 

Những bài hát này đúng là... “nhạc của tôi” nhưng là... “chuyện của mọi người”, nói lên tâm trạng chung của người dân Miền Nam, nhất là của những người từng có ý định hay đã từng vượt biên như tôi.

 

Mời bạn thử lên mạng nghe bài “Chuyện Của Tôi” qua giọng ca liêu trai trầm ấm da diết của người ca sĩ xứ Huế với kỹ thuật hòa âm điêu luyện của nhạc sĩ Lê Văn Thiện, để xem chuyện của tôi có giống... chuyện của bạn, chuyện của bạn bè thân nhân mình không?

 

(TiVi Tuần-san số 1378  - 22.8.2012)

 

Xin nói thêm: lúc này bạn chỉ việc lên mạng www.tivituansan.com.au hay lên YouTube đánhhuonggiang49 là có thể nghe được các bài vừa nói và nhiều bài khác nữa của tác giả bài viết này (gần 20 bài).

 

Tác giả: Nguyễn Hồng Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/06/2013(Xem: 3936)
Vân Cương Thạch Động tọa lạc dưới chân núi Vũ Châu, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, thạch động này được xem là di sản văn hóa thế giới và là một di tích PG lớn nhất, đẹp nhất và lâu đời nhất, có từ thời Bắc Ngụy (439 sau Tây Lịch).
26/06/2013(Xem: 5666)
Hình ảnh ngày 31-10-2009 Phái đoàn viếng thăm: NGŨ ĐÀI SƠN, NƠI HÓA HIỆN CỦA BỒ TÁT ĐẠI TRÍ VĂN THÙ THÙ TƯỢNG TỰ (chùa thờ tôn tượng bồ tát Đại Trí Văn Thù, cao khoảng 8 mét, được xem là pho tượng Văn Thù Bồ Tát đẹp nhất trên trần gian này)
26/06/2013(Xem: 4139)
Hình ảnh ngày 30-10-2009 Phái đoàn viếng thăm: - Bồ Tát Đảnh - Hiển Thông Tự Tháp Viện Tự tại Ngũ Đài Sơn
26/06/2013(Xem: 7911)
Ấn Quang Đại Sư, húy Thánh Lượng, biệt hiệu Thường Tàm, người khoảng cuối đời nhà Thanh sang kỷ nguyên Dân Quốc, con nhà họ Triệu ở Hiệp Tây.
26/06/2013(Xem: 4718)
Tế Tỉnh Đại Sự, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường, người đời Thanh, con nhà họ Mã ở huyện Phong Nhuận.
26/06/2013(Xem: 4907)
Từ thuở bé ngài không ăn cá thịt. Sau khi xuất gia, tham cứu câu Niệm Phật Là Ai? Được tỏ ngộ, và nói: "Tôi đã tỉnh giấc mơ!".
26/06/2013(Xem: 4565)
Hành Sách Đại sư, tự là Triệt Lưu, người đời nhà Thanh, con của Tưởng Toàn Xương, một bậc lão nho ở vùng Nghi Hưng. Cha ngài là bạn phương ngoại với đức Đức Thanh Hòa Thượng, tức Hám Sơn Đại Sư.
26/06/2013(Xem: 5467)
Trí Húc Đại sư tự Ngẫu Ích, người đời Thanh, họ Chung, nhà ở Ngô huyện. Thân phụ trọ trì chú Đại Bi và Bạch Y, mộng thấy đức Quán Âm đại sĩ trao cho một đứa bé trai mà sanh ra ngài.
26/06/2013(Xem: 4973)
Tỉnh Thường đại sư, tự Thứu Vi, người đời Tống, con nhà họ Nhan ở Tiền Đường. Khi lên bảy, ngài gặp duyên lành xuất gia và mới mười bảy tuổi đã thọ giới cụ túc.
26/06/2013(Xem: 4709)
Diên Thọ Đại sư, tự Xung Huyền, người đời Tống, con của họ Vương ở Tiền Đường. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng kinh Pháp Hoa, cảm đến bầy dê quỳ mọp nghe kinh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]