Ngày 13/3: Đoàn họp tại Viện Nghiên cứuPhật học Việt Nam để thống nhất về kế hoạchvà thông qua một số việc cần thiết. 9g00, đoàn rời Viện để đến sân bay Tân Sơn Nhất. 11g45, máy bay cất cánh. 12g50, đến sân bay Bangkok. 21g50, đổi máy bay đi New Delhi.
Ngày 14/3: 2g00, máy bay đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Các đại diện Sứ quán Việt Nam, các Tăng Ni sinh của Trường Cao cấp Phật học Việt Nam đang du học tại Ấn Độ đã chờ đón đoàn tại cổng sân bay, quàng vòng hoa cho từng thành viên của đoàn. Đoàn lên chiếc xe ca 27 chỗ ngồi, rất tiện nghi mà Thượng tọa Thích Chơn Thiện đã ký hợp đồng mướn ở một hãng du lịch lớn tại New Delhi, gồm cả tài xế và phụ xế để đoàn sử dụng trong suốt thời gian ở tại Ấn Độ. Xe đưa đoàn về khách sạn Kanishka, một khách sạn nổi tiếng ở New Delhi.
9g30, đoàn họp để một lần nữa thông qua chương trình chiêm bái và tiếp nhận các thông tin cần thiết do Thượng tọa Thích Chơn Thiện cung cấp. 16g30, đoàn đến thăm Sứ quán Việt Nam, được ông Đại sứ và toàn thể Sứ quán tiếp đãi ân cần. Đoàn đã tặng Sứ quán một số sách của Viện Nghiên cứu PHVN để làm quà lưu niệm. 17g30, đoàn được ông Đại sứ đưa đi thăm mộ Thánh Gandhi. Tại đây, đoàn được thăm cây sứ do Hồ Chủ tịch trồng và khóm tre do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trồng trong số các cây do các nguyên thủ nhiều quốc gia trồng trong khu vực mộ Thánh Gandhi.
Ngày 15/3: 6g15 sáng, đoàn rời khách sạn Kanishka để tiến về Lucknow cách New Delhi gần 600km về phía Đông, trên đường đến Kusinaga. 20g30, đoàn đến Lucknow, nghỉ tại khách sạn Clarks Avahd.
Ngày 16/3: 6g45, đoàn rời khách sạn Clarks Avahd để đến Kusinaga cách Lucknow khoảng 400km cũng về phía Đông. 15g15, đến Kusinaga, trọ tại chùa Linh Sơn do Sư cô Trí Thuận trụ trì. Đây là một chùa của người Trung Hoa nhường lại, tuy không mang nét đặc thù Việt Nam nhưng khá khang trang và đang được xây dựng thêm một dãy lầu để mở rộng sinh hoạt.
Ngày 17/3: 6g00, đoàn lễ Phật tại chùa Linh Sơn. Chúng tôi và Hòa thượng Phó đoàn có vài lời tán thán, khích lệ Sư cô trụ trì về các Phật sự tại đây. Đoàn cũng gửi tặng chùa một số kinh sách và tịnh tài.
8g00, sự mong đợi, náo nức và nỗi kính mộ từ lâu ấp ủ trong lòng của các thành viên nay được bừng dậy, giây phút thiêng liêng đã gần kề. Toàn đoàn, với y áo đại lễ, hương hoa, từ từ tiến về nơi Đức Phật nhập Niết-bàn, không cách xa chùa bao nhiêu. Hình ảnh và pháp ngữ của đấng Từ phụ nổi rõ hơn bao giờ hết: “Này Ananda, giờ đây, Thầy hãy đi vào Kusinagara, báo tin cùng dân chúng Malla rằng: “Này Vasettha, đêm nay vào cuối canh Đức Như Lai sẽ diệt độ. Này Vasettha, các người hãy đến, về sau chớ hối hận: ‘Đức Như Lai đã diệt độ tại vườn chúng ta mà chúng ta không được dịp chiêm ngưỡng Đức Như Lai’”.
Đoàn chậm rãi kính cẩn bước lên các bậc cấp vào chùa Niết-bàn. Đây là một kiến trúc theo mặt ngang hình chữ nhật, ngay giữa và theo bề ngang là tượng Phật Niết-bàn dài hơn 6m. Ngài nằm nghiêng bên phải, quay mặt ra ngoài (phía Tây), tức cửa ra vào, đầu quay về phía Đông, tức phía phải của chùa. Tượng được tạc từ thế kỷ thứ 5, được tu sửa nhiều lần và bị vùi lấp cho đến năm 1876 mới được phát hiện sau một cuộc khai quật lớn.
Đoàn dâng hương hoa, tụng một số bài kinh ngắn, nhiễu quanh Kim thân Phật ba lần rồi ngồi xuống. Chúng tôi và Hòa thượng Phó đoàn có lời thuyết giảng ngắn cho đoàn. Mọi người không ngăn được nước mắt, dù lời Thế Tôn còn như văng vẳng bên tai, lời dạy cuối cùng của Ngài trước khi nhập Niết-bàn: “Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên dạy các Thầy: các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.
Thế rồi cả đoàn ngồi thiền định bên cạnh Kim thân Niết-bàn của Bổn sư. Thời gian qua mau, mọi người cúi lạy và hôn chân Đức Phật để từ biệt ra ngoài. Đằng sau chùa Niết-bàn là ngôi tháp chính, gọi là tháp Mahaparinibbana; cao khoảng 15m. Xưa kia, sau khi Đức Phật nhập diệt, dân Malla xây tháp kỷ niệm ngay tại đây, tháp hình tròn, không có cửa, đường kính độ 8m. Sau đó hơn 200 năm, vua A-dục dựng lên tháp cao 60m, cho ghi sự tích vào đấy và ngài Huyền Trang cũng có nhắc đến khi ngài đến Ấn Độ đầu thế kỷ thứ 7, mặc dầu lúc ấy tháp đã có phần tàn phế. Tháp hiện nay là tháp đã được trùng tu nhiều lần và đã bị chôn vùi cho đến khi được khai quật và tái phát hiện năm 1876, sau đó lại được xây dựng lại.
Sau khi đi vài vòng quanh tháp, chúng tôi lặng ngắm toàn cảnh chung quanh. Cả một khu đất rộng, chỉ còn lại một số ít cây sa-la và những cây mới trồng cùng hoa kiểng, ngoài ra là cả một quần thể phế tích bằng gạch đá, di chỉ của một hoặc nhiều tịnh xá được thành lập từ nhiều thời khác nhau và tuổi tác xưa nhất cũng đến hơn hai mươi mấy thế kỷ…
Mặt trời lên cao làm nổi rõ những vùng tối của các di chỉ gồm phòng ốc, nhà kho, nền nhà, giếng nước…
Nỗi ngậm ngùi dai dẳng, chúng tôi quyết định rời khu này để tiến về nơi trà-tỳ Đức Phật, nổi danh với tháp Ramabhar. Từ 100 năm trước đây, người ta đã khởi sự đào bới và đến năm 1956 mới làm lộ ra toàn bộ ngôi tháp này. Tháp không có hình dáng cũ, hiện trông như một nấm mồ lớn hay một đồi gạch nhô cao, tuy có vẻ hoang sơ nhưng rất hùng vĩ.
Lòng nặng trĩu, thổn thức trước nơi Đức Phật nhập diệt chưa nguôi, nay xúc động lại tuôn trào. Cây cối, cỏ hoa nơi đây được chăm sóc cẩn thận nhưng quang cảnh trông ảm đạm đìu hiu, lại thỉnh thoảng có tiếng chim chóc, khỉ vượn kêu gào nghe não ruột. Ngọn tháp kia, nơi đặt giàn hỏa thiêu Đức Thế Tôn như đang thuật lại một đoạn của kinh Mahaparinibbana trong Trường Bộ kinh:
“Khi Tôn giả Maha Kassapa và 500 vị Tỳ-kheo đảnh lễ xong thời giàn hỏa thiêu Thế Tôn tự nhiên bắt cháy. Khi thân Thế Tôn đã cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân hay nước giữa các khớp xương, thảy đều cháy sạch, không có tro, không có than, chỉ xương xá-lợi còn lại…”.
Chúng tôi dâng hương hoa dưới chân tháp, thành tâm khấn nguyện, sau đó, các thành viên của đoàn chia thành từng nhóm nhỏ viếng thăm các thắng tích khác ở lân cận, rồi tất cả về chùa Linh Sơn.
16g00, toàn đoàn lại một lần nữa đến chiêm bái khu Đức Phật nhập Niết-bàn. Một số người ngồi thiền định tại chùa Niết-bàn, tại tháp, tại các phế tích, một số đi tản bộ các nơi… mãi đến tối mọi người mới trở về chùa.
Ngày 18/3: 5g40, đoàn rời chùa Linh Sơn, vượt 200km về phía Nam, tiến về Sarnath, nổi danh với vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên. Kế cận là thành phố Vanarasi nằm trên hữu ngạn sông Hằng, tức thành Ba-la-nại mà kinh vẫn thường nhắc đến. 12g30, xe đến chùa Trung Hoa tại Sarnath. Đoàn được Thượng toạ trụ trì tiếp đón ân cần, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi. 16g30, đoàn đi bộ thẳng đến vườn Lộc Uyển ở cạnh chùa.
Hồi tưởng lại, 25 thế kỷ trước, sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề, Đức Phật vượt sông Hằng, đến Ba-la-nại, vào Lộc Uyển chuyển Pháp luân lần đầu tiên, độ cho năm anh em Tôn giả Kiều-trần-như và nhiều vị khác. Tăng già được thành lập tại đây.
Dưới ánh nắng chiều, đoàn vừa xúc động vừa hân hoan, nhẹ bước qua cổng, tiến về sân chùa Mulagandhakuti. Đây chính là địa điểm Đức Phật ngồi chuyển Pháp luân.
“Này các Tỳ-kheo, có hai điều thái quá mà những người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai ? Một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng đáng Thánh hạnh, không ích lợi cho đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng đáng Thánh hạnh, không ích lợi cho đạo. Này các Tỳ- kheo, chính nhờ từ bỏ hai thái quá này, Như Lai giác ngộ con đường Trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí tuệ, được an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Kế đó Đức Phật giảng về Tứ đế, Bát chánh đạo… Lời dạy của Ngài làm rúng động khắp các thế giới.
Với lòng tín thành vô hạn, cả đoàn lễ Phật, nhiễu quanh Kim tượng ba vòng rồi ngồi ngay ngắn trước bệ thờ. Chúng tôi có giảng cho đoàn về ý nghĩa của lần chuyển Pháp luân đầu tiên, Hòa thượng Phó đoàn giảng thêm về sự tích vườn Nai và sách tấn việc tu tập.
Chúng tôi ngồi ngay ngắn, thiền định. Chùa có kiến trúc đồ sộ nhưng bên trong bài trí đơn giản. Ngoài chỗ thờ Phật, mặt trước là một sảnh đường cao rộng, quanh tường có minh họa về sự tích cuộc đời Đức Phật.
Đoàn rời chùa, tản bộ, tham quan, chiêm bái khắp khu Thánh tích này. Phía bên trái chùa là tượng năm Tôn giả Kiều-trần-như đang nghe Đức Phật thuyết pháp. Cách 100m phía phải chùa là tháp Dhamek đồ sộ cao 32m, hiện đang được tu bổ. Rải rác trong khu vực là một số chùa, điện thờ, viện bảo tàng, tháp, trụ đá của vua A-dục và nhiều phế tích khác.
Khi đoàn trở về chùa Trung Hoa thì trời đã sẫm tối.
Sau khi thọ thực, chúng tôi cùng Hòa thượng Phó đoàn đàm đạo với Thượng toạ trụ trì, thay mặt đoàn trao tặng kinh sách và tịnh tài, đến lễ ở điện Phật và gặp gỡ một số Phật tử người Hoa.
Ngày 19/3: 6g30, đoàn rời chùa Trung Hoa, xuôi về phía Đông, vượt sông Hằng để tiến về Bodh Gaya thuộc bang Bihar, cách Sarnath 200km. Do đường sá chật hẹp, sự đi lại khó khăn, mãi đến 17g xe mới đưa chúng tôi đến Bodh Gaya, đỗ tại chùa Việt Nam do Thượng tọa Huyền Diệu trụ trì. Thượng tọa niềm nở đón tiếp đoàn, phân định chỗ nghỉ ngơi rồi sau đó cùng đoàn trò chuyện tưởng không dứt được. Tại đây, đoàn gặp gỡ một đoàn chiêm bái từ Mỹ sang khoảng 15 người do Sư bà Đàm Lựu hướng dẫn (hai hôm sau thì đoàn này sang chiêm bái Lâm-tỳ-ni ở Nepal).
Ngày 20/3: Sau khi đảnh lễ Phật tại chùa, đoàn đến Thánh tích Bồ đề Đạo tràng lúc 8g. Đây là một khu đất rộng 11km vuông. Vào năm 637, khi ngài Huyền Trang từ Trung Hoa đến đây, đã tán thán: “Khắp nơi đầy các kiến trúc đủ loại: chùa, tháp, tượng… do các vua chúa, đại thần, các nhân vật quan trọng đã thọ nhận giáo pháp của Đức Phật xây dựng lên để tưởng nhớ Ngài”.
So với kiến trúc ở các Thánh tích khác thì tháp chùa Mahabodhi tại đây còn giữ được nguyên gốc kể từ khi vua A-dục cho xây cất, dù đã nhiều lần được trùng tu. Tháp hình bốn mặt, càng lên cao càng nhỏ lại cho đến khi đạt đến độ cao 60m là đỉnh tháp.
Chúng tôi vào làm lễ tại chánh điện, trước tượng Đức Bổn sư y vàng sáng chói. Tiếp theo, chúng tôi vòng theo mé phải của chùa, đến làm lễ tại cội bồ-đề Thánh thọ. Khi Đức Phật từ bỏ lối tu khổ hạnh, Ngài nhận bát cháo sữa của nàng Sujata, con của vị trưởng làng, rồi nhận bó cỏ của người cắt cỏ tên Sotthiya làm tọa cụ, đến ngồi thiền định dưới cội cây Assattha này, chiến thắng ma quân và đạt thành Chánh Đẳng Giác. Cội cây hiện nay hẳn là hàng cháu chắt của cội cây cách đây 25 thế kỷ nhưng địa điểm thì đúng với vị trí của cây chánh, được các nhà nghiên cứu đồng ý khẳng định. Cây cao gần 30m, một nhánh lớn chĩa ra phía sau và một nhánh khác chạm vào mé tháp. Giữa cội cây và tháp có tòa Kim Cang được xây dựng bằng đá, đúng nơi Đức Phật đã ngồi thiền định và thành Đạo.
Bên tòa Kim Cang, đoàn làm lễ Phật. Sau thời kinh, cả đoàn không ai ngăn được nỗi nghẹn ngào xúc động. Chính chúng tôi và Hòa thượng Phó đoàn, trong bài thuyết pháp ngắn, cũng phải nhiều lần ngưng giọng để chế ngự cảm xúc của mình. Sau đó, từng người trong đoàn tưới một ít nước vào gốc cây Thánh thọ để tỏ lòng tôn quý Thánh thọ mà Đức Từ phụ đã ngồi dưới gốc mà thành bậc Chánh Đẳng Giác.
Đoàn đi khắp Thánh tích để chiêm bái, đâu đâu cũng đều trang nghiêm đẹp đẽ, nhuốm đầy đạo vị.
Đến 11g00, đoàn rời khu Thánh tích, viếng thăm các chùa lân cận của các nước bạn xây cất quanh Bồ-đề Đạo tràng rồi trở về chùa lúc đã quá ngọ.
16g, các vị trụ trì đại diện các chùa của bảy quốc gia đến thăm đoàn tại chùa Việt Nam. Đó là các chùa Miến Điện, Nhật Bản, Tây Tạng, Bhutan, Sri Lanka, Ấn Độ, và Trung Hoa. Cuộc gặp gỡ diễn ra rất thân mật và thắm thiết đạo tình.
Ngày 21/3: 6g00, đoàn rời chùa đi núi Linh Thứu, nơi Đức Phật, ngài Xá-lợi-phất, ngài A-nan và nhiều vị Tôn giả khác trú một thời gian khá lâu, nơi vua Tần-bà- sa-la thường đến tham bái Đức Phật, nơi Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng.
Đoàn theo các tầng cấp xuôi dần lên núi, ghé chiêm bái hang động của ngài A-nan, rồi của ngài Xá-lợi-phất, rồi sau đó lên thẳng tới đỉnh núi.Từ trên đỉnh núi Linh Thứu, có thể nhìn quanh hết cả khu rộng, ngày xưa là thành Vương Xá sầm uất. Tại đây, hiện chỉ còn ba dãy chân tường gạch vây quanh một bệ đá, nơi xưa kia Đức Phật thường nằm nghỉ. Chúng tôi đặt hương hoa, tụng một thời kinh ngắn. Rồi tất cả đều im lặng tưởng nhớ đến Thế Tôn.
Bên cạnh núi Linh Thứu, cũng ở trên một đỉnh cao là ngôi chùa Nhật Bản với ngôi tháp tròn đỉnh nhọn màu trắng nổi bật trên trời xanh. Các thành viên của đoàn cũng đến thăm chùa, theo phương tiện ghế trượt (chairlift) trên dây cáp để đi từ chân núi đến chùa. Đây là một kiến trúc khá hùng vĩ, làm tôn nghiêm thêm cho Thánh địa này.
Sau bữa cơm trưa ở chân núi Linh Thứu, đoàn lên xe ghé thăm tịnh xá Vườn Xoài, rồi đến thẳng tịnh xáTrúc Lâm. Tịnh xá Trúc Lâm được vua Tần-bà-sa-la dâng cúng cho Đức Phật và đoàn Tỳ-kheo của Ngài vào năm thứ nhất khi Ngài thành đạo. Cả một kiến trúc đồ sộ, trải theo thời gian nay chỉ còn lại một vùng gần như hoang vắng với những khóm tre rải rác phía trước và một hồ nước hình chữ nhật.
Đến 15g00, đoàn lại ghé thăm cổ viện Nalanda, một di tích lớn của Phật giáo. Vào thế kỷ thứ 5, ngài Long Thọ làm Viện trưởng ở đây và cả hàng chục ngàn Tỳ-kheo thọ học. Đến thế kỷ thứ 7, ngài Huyền Trang cũng đã đến tu học và bấy giờ sinh hoạt vẫn còn phồn thịnh. Hiện nay, tháp thờ ngài Xá-lợi-phất tuy bị tàn tạ nhưng vẫn còn sừng sững trang nghiêm; các di tích Tăng phòng, nhà kho, tường thành chỉ còn là những nền gạch nhưng khách tham quan vẫn tưởng tượng ra được sự vĩ đại của ngôi cổ viện này.
Trên đường trở về chùa Việt Nam, chúng tôi có ghé lại thăm Trường Đại học Nalanda, nơi chúng tôi đã thọ học cách đây 40 năm. Cảnh cũ không thay đổi, trang nghiêm, xinh xắn. Tuy nhằm ngày nghỉ, vị Thư viện trưởng, Chánh Văn phòng và một số nhân viên vẫn niềm nở đón tiếp chúng tôi. Đoàn cũng tặng trường một số sách lưu niệm.
Đoàn trở về chùa Việt Nam lúc 19g. Ai cũng náo nức chờ đến sáng để trở lại chiêm bái Bồ-đề Đạo tràng.
Ngày 22/3: 7g30, đoàn ra chiêm bái Bồ-đề Đạo tràng, lễ Phật, tản bộ thăm các di tích, và ngồi thiền dưới bóng cội bồ-đề. 15g00, đoàn họp mặt thân mật với Thượng tọa Huyền Diệu, tặng chùa một số kinh sách và số tịnh tài do các cá nhân và cơ sở Phật giáo từ nhà cúng góp để xây chùa Bodh Gaya và tại Lumbini, Nepal. 17g00, đoàn lại ra chiêm bái Bồ-đề Đạo tràng, thiền định cho đến sẫm tối mới trở về chùa.
Ngày 23/3: 7g00, đoàn lên xe đi thăm Khổ Hạnh lâm. Xe qua cầu, vượt sông Ni-liên-thuyền, con sông mà Đức Phật đã tắm khi Ngài quyết định từ bỏ lối tu khổ hạnh để rồi chứng ngộ dưới cội bồ-đề. Sông đang vào mùa khô, chỉ còn đôi chút nước tại các rãnh do dân địa phương đào để có nước tạm dùng.
Dưới chân núi Khổ Hạnh có một ngôi trường nhỏ đang được xây cất. Các học sinh đang học dưới tàng cây. Đoàn tự góp tiền để tặng các thầy giáo và các em nhỏ.
Sau đó đoàn đi bộ lên núi. Tại đây có ngôi chùa của các nhà sư Tây Tạng. Đoàn được đón tiếp ân cần, được đưa vào chiêm bái hang Khổ Hạnh. Đoàn cũng đã cúng cho chùa một số tịnh tài.
14g00, đoàn đến thăm viếng, ủy lạo và tặng tiền cho toàn bộ dân một làng vốn là Ấn giáo đã cải sang Phật giáo. Cuộc gặp gỡ đầy chân tình và rất cảm động. Tại Ấn Độ, Phật giáo đã suy tàn, làng này hẳn là một trong những hạt nhân để được gầy dựng, truyền bá Chánh pháp rồi nhân rộng ra trong tương lai.
Ngày 24/3: 3g00 sáng, đoàn rời chùa Việt Nam Phật Quốc ở Bodh Gaya để trở về Lucknow, qua Sarnath. 19g00, đoàn đến Lucknow, nghỉ đêm tại khách sạn Clarks Avadh.
Ngày 25/3: 6g30, đoàn lên đường trở về New Delhi. 20g00, đến New Delhi, nghỉ tại khách sạn Kanishka.
Ngày 26/3: 9g00, đoàn đi tham quan các thắng cảnh ở New Delhi: Thành Đỏ, đền Ấn giáo, chùa Phật giáo, chùa đạo Bàh’ai. 14g00, các thành viên của đoàn đi phố mua quà kỷ niệm.
Ngày 27/3: 10g00, đoàn họp cùng các Tăng Ni sinh Trường Cao cấp Phật học Việt Nam đang du học tại Ấn Độ, nghe báo cáo việc học tập, sinh hoạt. Chúng tôi và Hòa thượng Phó đoàn trao quà kỷ niệm, khích lệ việc tu tập học hành của các vị này. 14g30, đoàn họp rút các ưu khuyết điểm của cuộc chiêm bái, nghe báo cáo tài chánh. 15g00, các thành viên tiếp tục mua quà kỷ niệm ở New Delhi. 21g00, đoàn rời khách sạn đến phi trường New Delhi. Tại đây, các Tăng Ni sinh du học, các đại diện Sứ quán Việt Nam đến đưa tiễn đoàn.
Ngày 28/3: 0g30, máy bay cất cánh đưa đoàn về Bangkok. 7g đến Bangkok. 16g30 rời Bangkok. 18g đến phi trường Tân Sơn Nhất được rất đông Phật tử đón tiếp hoan hỷ.
Cuộc tham quan chiêm bái Phật tích do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức đã được thành công tốt đẹp. Kế hoạch chương trình thực hiện đúng như dự liệu, không có điều gì đáng tiếc xảy ra, tất cả đoàn đều hoan hỷ. Sau đây là một số điểm đáng ghi nhận:
- Nhà nước ta, Sứ quán Việt Nam, tòa Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM đã tận tình giúp đỡ cho đoàn được tiến hành các thủ tục và những điều cần thiết khác.
- Thượng tọa Thích Chơn Thiện đã dày công vạch kế hoạch liên lạc chặt chẽ với Ban tổ chức cũng như các cơ quan, cơ sở tại Ấn Độ để đoàn thực hiện tốt cuộc chiêm bái.
- Ban Tổ chức làm việc rất khoa học, tận tình. Tất cả các thành viên của đoàn đều kỷ luật, hòa đồng, vui vẻ, tận tình, một lòng mộ đạo, kính thầy, kính bạn.
- Cuộc chiêm bái đã gây cho các thành viên của đoàn quyết tâm tin tưởng Tam bảo, quyết chí tu tập Chánh pháp, có dịp thể hiện lòng từ bi hỷ xả qua các cuộc tiếp xúc, các công việc từ thiện trong suốt lộ trình.
- Và sau cùng, mục đích của cuộc chiêm bái đã được thực hiện trọn vẹn, vừa chiêm bái các Phật tích quan trọng, vừa thăm viếng các vị Tăng Ni hiện đang du học tại Ấn Độ, vừa chứng kiến ngôi chùa Việt Nam đầu tiên đang được xây dựng ở Bồ-đề Đạo tràng, vừa giúp cho các thành viên của đoàn tiếp cận một phần nào với dân chúng và đất nước Ấn Độ. (TC. Văn Hóa Phật Giáo)