Ấn Độ là chiếc nôi minh triết và cũng là quê hương của Phật giáo. Từ ngàn xưa đã xuất hiện nhiều bậc vĩ nhân, thắp lên ánh sáng phương Đông, chiếu rực trên vòm trời tư tưởng tâm linh và học thuật sâu thẳm nhất của loài người. Thật vậy, tại đất nuớc này, vào thế kỷ thứ bảy (624) trước Tây lịch (TL), Đức Thích-ca Mâu-ni ra đời vì lợi ích và an lạc cho đa số, trong đó có chư thiên và loài người mà ngài nỗ lực tu hành chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ngài khai sáng Đạo Phật, một Đạo Tỉnh thức, lấy tình thương hóa giải hận thù, lấy trí tuệ làm nền giác ngộ và giải thoát, sống bình đẳng, vô ngã, vị tha. Nhờ vậy không những con người mà ngay cả loài vật đều được cảm hóa, lánh dữ làm lành, vơi bớt khổ đau, chuyển đổi nghiệp lực vô minh, trở về nếp sống Chân Thiện Mỹ.
Ngày nay, khắp nơi trên thế giới, Đạo Phật đã được nhân loại chấp nhận như nguồn sống tâm linh, là tàng cây cổ độ để cho muôn loài tựa nương bóng mát. Tôi được duyên lành, lên đường Tây du Ấn Độ, chiêm bái bốn chỗ Động Tâm (*) và các Thánh tích khác của Phật giáo vào đầu năm 2002.
Suốt hơn một tháng ngược xuôi, tìm dấu chân xưa, tìm về đất Phật, tìm lại dư hương ngày cũ mà đức Thế tôn cùng giáo đoàn của Ngài đã dong ruổi trên mọi nẻo đường sanh tử, để hoằng dương Chánh pháp. Lòng tôi trào dâng niềm cảm xúc khi quỳ trước bảo tháp Giác Ngộ uy nghiêm, hoặc ngậm ngùi khi nhìn thấy những Thánh địa hoang tàn đổ nát bởi thời gian và con người tàn phá.
Nhiều đêm thao thức, tôi tự hỏi: Vì đâu Phật giáo so với các Tôn giáo khác tại Ấn Độ sớm suy tàn mà không gượng nổi? Trong khi tại Việt Nam hoặc Trung Quốc cũng đã bao lần xảy ra Pháp nạn nhưng rồi sau đó phục hồi một cách nhanh chóng. Đó là điều mà mọi người con Phật khắp năm châu bốn biển cần quan tâm suy gẫm. Thiết tưởng chúng ta là những người con Phật, là “Sứ giả Như lai” phải gánh lấy trách nhiệm, vì đã vô tình hay cố ý làm phai mờ Chánh pháp.
Hoặc do tiêu cực trong định luật vô thường mà không nỗ lực phục hưng gìn giữ những thánh tích của Phật giáo. Hoặc quá nhu nhược để các thế lực ngoại đạo, ngoại lai áp bức, đánh phá hủy diệt, để rồi bây giờ ĐẤT PHẬT chỉ còn lưu lại chút HỒN XƯA!
Nay tôi góp nhặt những gì tai nghe mắt thấy, ghi vào kỷ niệm một chuyến đi, làm món quà nho nhỏ dâng tặng những ai muốn tìm hiểu về xứ Phật mà chưa có dịp tham quan chiêm bái. Tôi có tham khảo và trích dịch một ít tư liệu tiếng Anh, tóm rút một số Kinh văn và những tác phẩm tiếng Việt đã xuất bản truớc đây, ngõ hầu khơi dậy chút HỒN XƯA trên ĐẤT PHẬT.
Kính lạy đức Thế tôn chứng minh. Kính mong chư vị tác giả, nhiếp ảnh gia, thiện hữu tri thức, niệm tình hoan hỷ cho phép việc trích dịch này.
Xin chân thành cảm ơn tất cả những người Phật tử thân thương đã trợ duyên cho tôi trong chuyến đi, cũng như giúp công việc hoàn thành tác phẩm.
Nguyện cầu Tam bảo Từ bi gia hộ cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc; bốn ơn, ba cõi đều được thấm nhuần hương vị Chánh pháp của Như lai. (*)
Sài Gòn, Ngày Phật Đản, PL. 2546
Mạnh Hạ, Nhâm Ngọ - 2002
THÍCH GIÁC NGUYÊN
1) Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi Phật đản sanh.
2) Bồ-đề Đạo tràng (Bodh-gaya) nơi Phật thành đạo.
3) Vườn Nai (Sarnath) nơi Phật nói Pháp đầu tiên.
4) Câu Thi Na (Kusinaga) nơi Phật nhập diệt. 3
Đất Phật Hồn Xưa, Ký Sự Hành Hương Ấn Độ 2002, Thích Giác Nguyên