Xây năm 1192, Qutub Minar được coi là tháp bằng gạch cao nhất Ấn Độ và thế giới. Hình: N.H.A.
New Delhi (phiên âm Việt ngữ Tân Đề Li) là tên của thủ đô nước Ấn Độ ngày nay. New Delhi có nghĩa là Delhi mới. Đã có mới ắt phải có cũ. Và chỉ khi sang Ấn Độ, sống ở thành phố này trong 3 ngày tôi mới biết có một khu gọi là Old Delhi (Cựu Đề Li). Và cả Old Delhi lẫn New Delhi nằm trong phần đất có tên là Lãnh thổ Thủ đô Quốc gia (National Capital Territory of Delhi).
Cái tên Delhi thường được gọi để bao gồm Delhi mới, Delhi cũ và những thành phố phụ cận có chế độ hành chánh chính trị gần như một tiểu bang, có nội các địa phương với người đứng đầu là một Chief Minister, tương đương với một thủ hiến (như Chief Minister của chính phủ Lãnh thổ Thủ đô ở Canberra).
Delhi là một trong những thành phố cổ hàng đầu thế giới, có con sông Yamuna phụ lưu của con sông Hằng (Ganga) linh thiêng của người Ấn giáo chạy ngang, được cho rằng đã có con người cư ngụ từ 5 ngàn năm trước. Nghe nói gần đây người ta có khám phá bia đá ghi sắc lệnh của Asoka Đại Đế (304-232 trước công nguyên) -- phiên âm Việt ngữ A Dục Vương hay A-du-già-- người được coi có công phát huy Phật giáo và cai trị cả vùng đất rộng lớn hơn nước Ấn Độ ngày nay.
Tại Delhi hiện có cột trụ bằng sắt do Hoàng đế Kumra Gupta I của triều đại Gupta theo Ấn giáo truyền đúc và mang về dựng ở Qutub Minar, nay là một khu bảo tồn di sản văn hóa được nhiều người đến xem.
Delhi đã chứng kiến nhiều cuộc chiến, là thủ đô của 7 đế quốc và là nơi người Hồi giáo cai trị một thời gian dài trước khi bị người Anh chiếm đóng.
Old Delhi của ngày nay trước kia được gọi là Shahjahanabad, là một thành phố được hình thành bởi hoàng đế Shah Jahan (bởi vậy mới lấy tên của ông vua đặt cho thành phố. Ông vua này là người xây lăng Taj Mahal tặng vợ đã chết) và trở thành thủ đô của đế quốc Mughal từ năm 1638 cho đến khi đế quốc này rơi vào tay đế quốc Anh năm 1857.
Thời hoàng kim của Ấn Độ: cột trụ sắt Iron Pillar (hình trái, giữa sân) cao 7.21 mét đúc trên 15 thế kỷ bởi hoàng đế Ấn giáo Gupta I nay đã được bọc bằng hàng rào sắt để du khách khỏi sờ hay ôm khi khấn xin. Hình N.H.A.
Nhưng sau khi chiếm được Ấn Độ, Anh quốc sợ dân ở đây nổi dậy nên đã dời thủ đô về thành phố Calcutta (nay gọi là Kolkata) cho đến năm 1911 mới đưa thủ đô trở lại Delhi, xây dựng các cơ sở hành chánh và chính trị ở phía nam Old Delhi và từ đây, khu vực mới rộng rãi hơn, nhà cửa hiện đại hơn được gọi là New Delhi và khu vực cổ thành với đền đài, nhà cửa chật chội ngày xưa của triều đại Mughal được gọi là Old Delhi.
Delhi là thành phố đông dân thứ hai của Ấn Độ sau Mumbai (tức Bombay cũ) với dân số khoảng 17 triệu người, là thành phố đông dân hàng thứ 8 trên thế giới. Nếu tính thêm các thành phố và thị trấn sát cạnh thì khu vực Lãnh thổ Thủ đô Quốc gia sẽ có dân số trên 22 triệu người.
Du khách như chúng tôi chắc chắn khi đến thủ đô của Ấn Độ sẽ ở trong khu New Delhi đường sá rộng rãi, nhiều cây xanh với phố xá tân thời, khách sạn cao cấp. Muốn ở khách sạn rẻ, du khách có thể tìm kiếm những khách sạn 3 sao ở khu South Delhi với giá khoảng 35 đô la một đêm. Thế là bạn cũng như chúng tôi có một chút ý niệm về thủ đô của Ấn Độ, trước khi tìm những di tích hay thắng cảnh để xem.
Ấn Độ có một nền văn minh cổ và vĩ đại không thua gì Trung Hoa, lại là nơi sinh ra nhiều tôn giáo lớn như Ấn giáo, Phật giáo và những tôn giáo nhỏ khác như Sikh, Jain và nhất là có sự hiện điện cả ngàn năm của Hồi giáo nên đền đài lăng tẩm nhiều không kẻ xiết. Và dĩ nhiên, rất đa văn.
Chỉ nội ở Delhi mà thôi, cũng có nhiều nơi để du khách thăm viếng. Ngoài thư viện, bảo tàng viện, vườn bách thảo, các trung tâm khoa học, các khu phố cũ và mới, các bạn có thể xem những di tích, nhiều nơi đã được liệt vào danh sách bảo tồn văn hóa của Liên hiệp quốc như (đền đài và pháo đài) Hymayun’s Tomb, Old Fort, Red Fort, Qutab Minar, Jantar Mantar... hay (những nơi thờ phượng) như Jama Masjid, Bahai Temple, ISKCON Temple, Lakshmi Narayan Temple, Chattarpur Mandir, Bangla Sahib Gurudwara...
Nguyện đường Hồi giáo Quwwat-ul-Islam Mosque. Hình N.H.A.
Một ngày ở Dehli
Sau một ngày thăm lăng Taj Mahal xa hai trăm cây số, hôm nay chúng tôi dậy trễ và thưởng thức bữa ăn sáng kiểu buffet đã được bao trong tiền phòng tại nhà hàng tân thời của khách sạn 5 sao khá rẻ tiền Le Meridien.
Ra trước cửa, nhân viên phục dịch vẫy taxi cho khách. Bác tài xế người to con để râu quai nón, đầu quấn khăn, mắt đen tròng sáng, trông quắc thước và cũng “đáng sợ” nhưng lại có nụ cười tươi nên đã xua tan ngay cái ấn tượng nghi ngại trong lòng chúng tôi đối với các bác tài ở xứ lạ. Lúc này đã 11 giờ rưỡi. Chúng tôi nhìn bản đồ để định vị trí xa gần và dự trù sẽ thăm hai di tích trong ngày, tối về ăn cơm xong sẽ làm một vòng “Delhi by night”.
Tôi nói bác tài đến Qutub Minar trước, sau đó sẽ đi một nơi nào khác. Tôi nghe nói địa điểm này chỉ cách khách sạn khoảng 30 phút, hỏi bác tài tới đó bao nhiêu bác nói giá bao 350 Rupee (1 đô Úc ăn khoảng 53 Rupee), nếu muốn xài máy lạnh trả thêm 50% và nếu muốn bác đợi chở về thì cứ mỗi tiếng đợi, trả thêm 50 Rupee. Nếu sau đó đổi ý muốn đi các chỗ khác, thì cứ căn cứ vào đồng hồ mà tính tiền. Bác nói bác có đăng ký với khách sạn để được vào khách sạn chở khách nên tôi tạm tin, bởi tôi đã được cảnh cáo hãy coi chừng các bác tài xế và những người bán hàng hóa vì họ tính giá trên trời dưới đất.
Vé vào cổng 10 Rupee cho người địa phương và 250 Rupee cho người ngoại quốc (đắt gấp 25 lần).
Kế hoạch dở dang: tháp Alai Minar dự trù cao gấp đôi tháp Qutub (góc phải) nhưng mới xây được 24.5 mét thì vua Alauddin Khalji qua đời. Hình: N.H.A.
Qutub Minar --niềm hãnh diện của thành phố Delhi-- là một địa điểm tham quan thu hút nhiều người xem nhất Ấn Độ với khoảng 4 triệu du khách mỗi năm. Tháp Qutub của người Hồi giáo được khởi công xây vào năm 1192 bởi vua Qutab-ud-din Aibak và sau đó được hoàn thành bởi người kế vị là Iltutmish, là một kiến trúc chịu ảnh hưởng của Ấn-Hồi và A Phú Hãn.
Ngọn tháp được xây bằng gạch sa thạch đỏ và đá cẩm thạch, hoàn toàn không có dùng hồ hay xi măng, được chồng lên nhau thành một khối duy nhất cao 72.5 mét, là loại tháp bằng gạch cao nhất Ấn Độ (và trên thế giới?) với đường kính đáy 14.32 mét và đường kính chóp tháp 2.75 mét.
Để lên đỉnh tháp này, phải bước 379 bậc cấp. Hiện nay tháp đóng cửa không cho du khách lên bởi như ông taxi nói vì mới đây có một tai nạn chết người nên tháp đóng cửa.
Tháp có 5 tầng với các bao lơn nhô ra bên ngoài mỗi tầng, tạo thêm vẻ đẹp cho ngôi tháp mà tường là những hình ống tròn hay góc cạnh, thay đổi theo từng tầng với những phiến đá màu sắc cũng thay đổi đậm nhạt trông như những chiếc lá mùa thu rơi dính vào tháp, hòa hợp với những vần thơ kinh Koran được khắc thành những vòng tròn bọc quanh tường sa thạch đỏ sậm của tháp.
Tháp này dùng làm nơi để kêu gọi tín đồ tới cầu nguyện ở giáo đường Quwwat-ul-Islam Mosque ( có nghĩa Vinh quang của Hồi giáo) ở bên cạnh nhưng cũng là cái tháp biểu tượng của sự chiến thắng, là sức mạnh của đạo Hồi và cũng là nơi dùng làm đài quan sát để phòng ngự thuở xa xưa. Đây là nguyện đường hồi giáo đầu tiên được xây ở Delhi khi Hồi giáo chinh phục Ấn Độ và là một biểu tượng còn sót lại của kiến trúc Ghurids của triều đại Hồi giáo phái Sunni gốc Ba Tư trên tiểu lục địa Ấn Độ.
Đông Tây gặp nhau: những di tích trong khu tổng hợp Qutub Minar có những nét giống quảng trường La Mã Forum Romanum ở Rome. Hình: N.H.A.
Người ta nói rằng, khi xây nguyện đường Quwwat-ul Islam, nhà vua đã cho phá tất cả các đền thờ của Ấn giáo và đạo Jain ở Delhi, lấy gạch đá để xây nguyện đường Hồi giáo, nhưng vì Hồi giáo không chấp nhận các biểu tượng, do đó thợ mài nhẵn mặt ngoài của gạch đá khi xây nguyện đường. Tuy nhiên, với thời gian và hư hại, một số hình tượng và chữ khắc nơi đá của Ấn giáo đã lộ ra.
Như đã nói ở trên, trong khu tổng hợp Qutub có một vật quý tên Iron Pillar. Trụ bằng sắt luyện này được làm từ triều đại Gupta (320-540 sau công nguyên) được dựng trong đền Vishnu Temple ở Udayagiri nhưng tới thế kỷ thứ 10 thì được di chuyển và dựng tại vị trí hiện nay. Trên cột có khắc chữ Phạn ghi rằng cột trụ này dựng để vinh danh Thần Vishnu của Ấn giáo.
Trụ cao 7.21 mét và nặng trên 6 tấn, là một bằng chứng về kỹ thuật luyện kim của các thợ rèn Ấn Độ thời đó, ban đầu dùng như một đồng hồ mặt trời khi bóng của cột in trên đất nhưng về sau cột trụ sắt này đã tạo sự tò mò khi người ta cho rằng ai quay lưng lại mà dùng hai cánh tay ôm hết thân cột trụ thì khi khấn xin gì sẽ được nấy. Dù sắt được tôi luyện chống lại sự rò rỉ nhưng vì trải qua hàng thế kỷ bị mồ hôi của con người làm cho mòn nên chính quyền đã dùng một hàng rào bao quanh để bảo vệ trụ sắt.
Qutub là một quần thể của nhiều di tích trên dưới ngàn năm còn sót lại nên có những di tích thuộc về những triều đại khác nhau đã ngự trị ở Delhi. Bạn sẽ thấy những ngôi mộ còn nguyên vẹn dù tường thành có bị hư hao hay mái của lăng không còn nữa vì chiến tranh, thời gian và thiên tai như Khalji’s Tomb tức mộ của vua Alauddin Khalji (1296-1316) gốc Thổ - A Phú Hãn, là vị vua thứ hai của triều đại Khalji và là một trong những nhà cai trị hiếm hoi trên thế giới đã nhiều lần đẩy lui đoàn quân xâm lăng Mông Cổ.
Vua Alauddin Khalji bắt đầu xây tháp Alai Minar, dự trù sẽ to và cao gấp đôi tháp Qutub Minar, nhưng mới xây cao được 24.5 mét thì ông chết vào năm 1316 và những người kế vị đã không bao giờ tiếp tục nên ngày nay du khách thăm viếng sẽ thấy một công trình dở dang với đế hình khối, đá sù sì lởm chởm chưa được mài chứ không phải là hậu quả của chiến tranh hay thiên tai.
Ngoài những di tích đậm nét Hồi giáo, còn nhiều di tích khác của Ấn giáo như các ngôi đền nhỏ bị đổ nát nhưng còn lại những trụ đá được khắc chạm một cách tinh xảo, phủ kín không chừa một chỗ trống giống kỹ thuật khắc chạm trên gỗ mà chúng tôi đã thấy ở các cung điện tại thành phố Katmandu của nước Nepal.
Tôi có cảm tưởng Qutab Minar là một Forum Romanum ở Ý, một quảng trường đầy di tích của Đế quốc La Mã ngày xưa mà ngày ngay chỉ còn lại những tường thành chơ vơ, những phiến đá chồng lên nhau, âm thầm kể lại sự tích hai ngàn năm về trước.
Khu mộ của vua Alauddin Khalji. Hình: N.H.A.
Sau khoảng 1 tiếng rưỡi đi quanh khu tổng hợp (complex) này của Qutub Minar, chúng tôi ra bên ngoài tìm bác taxi. Bác hỏi cảm tưởng, tôi nói đẹp và hấp dẫn nhưng nắng và quá nóng (có lẽ trên 40 độ). Bác tài nói bây giờ là mùa hè, lại sắp đến mùa gió nồm có nhiều mưa, vì vậy tốt nhất nên đi du lịch từ tháng 8 đến tháng 10 là lúc khí hậu dễ chịu. Từ tháng 12 trở đi trời lạnh.
Chúng tôi yêu cầu bác taxi đưa chúng tôi sang xem đền của đạo Bahai mà thoạt trông ở báo chí sách vở, giống Nhà hát Con sò ở Sydney. Bahai Temple còn được gọi là Lotus Temple bởi kiến trúc trông giống những búp hoa sen.
Ngôi đền màu trắng có đường kính 70 mét, cao 34.27 mét, mái gồm 27 đài sen bằng cẩm thạch kết thành 9 khóm, mỗi khóm có 3 cánh sen. Đền có 1,300 ghế ngồi được khánh thành năm 1986 nhưng đã mau chóng trở thành nơi nổi tiếng và là một địa điểm có nhiều du khách đến thăm hàng đầu thế giới. Như giáo lý của Bahai, đạo này không có sự phân biệt với các đạo khác, là một tôn giáo hòa đồng nên họ đón tất cả mọi người thuộc mọi tính ngưỡng vào trong đền của họ, và không tính tiền vào cửa. Chỉ cần giữ sự thinh lặng.
Người ta nói viếng Đền Lotus ở New Delhi là một kinh nghiệm ngàn năm một thuở. Con gái của tôi mấy tháng trước trong một chuyến du lịch Ấn Độ theo đoàn đã đến xem và gợi ý chúng tôi nên đi xem vì rất đẹp và khác xa những đền đài khác.
Lotus Temple của đạo Bahai ở New Delhi, chụp từ hàng rào cổng. Hình: N.H.A.
Nhưng hôm nay chúng tôi không vào được bởi cổng đóng. Xem bảng niêm yết thấy ghi ngày Thứ Hai đóng cửa! Bác tài đề nghị thay vì trở về khách sạn, sẽ đưa chúng tôi đi xem những khu của người Cashmir, những di dân nghèo tới sống ở Delhi nhưng nghề dệt của họ nổi tiếng thế giới. Tôi nói tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì ở Delhi vì tôi đã mua đồ kỷ niệm ở thành phố Agra và cảm thấy đủ rồi.
Bác tài nói không sao, cứ đi xem cho biết. Nhưng hình như chưa bao giờ y phục, vải vóc hay khăn choàng của Ấn Độ hấp dẫn chúng tôi. Bác tài đậu xe trước một cửa tiệm coi cũng chẳng bắt mắt, lại gặp trời nóng nên khi chủ nhân vừa ra cửa mời khách vào, chúng tôi chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào, lắc đầu rồi trở lại xe. Bác tài có vẻ thất vọng vì đã không làm hài lòng khách hay có thể không kiếm được mối cho chủ tiệm.
Nghe tôi nói muốn đi xem phố xá, bác lại đưa chúng tôi đến một cửa tiệm lớn bán bàn ghế, đồ thờ phượng của Ấn giáo và các đồ thủ công nghệ khác. Mặc chủ tiệm săn đón, chúng tôi chỉ lướt một vòng rồi đi ra ngay vì không có món gì làm chúng tôi thích. Tôi yêu cầu bác tài lái xe chạy ngang qua Dinh Tổng thống (tiếng Ấn: Rashtrapati Bhawan) và cổng India Gate (cả hai nằm ở hai đầu đại lộ Ralpath Imperial) để chúng tôi ngắm trước khi trở về khách sạn vào lúc 3 giờ chiều.
Chuyến đi hôm may kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi nhưng chúng tôi thấy mệt mỏi bởi khí hậu khắc nghiệt. Nhìn đồng hồ tính tiền được phủ kín bằng chiếc khăn, tôi hỏi tiền chuyên chở bao nhiêu, bây giờ bác tài mới vén chiếc khăn cho thấy gần 1000 Rupee. Bác nói tổng cộng 1,600 Rupee bao gồm tiền mở máy lạnh và chờ đợi.
Khu chờ đợi và tiếp tân của khách sạn Le Meridien với 4 chiếc thang máy bằng kính có thể nhìn thấy toàn bộ 4 góc của bên trong khách sạn
Chúng tôi tận dụng thời giờ còn lại ở Delhi, hưởng buổi chiều trong hồ bơi ngoài trời ở tầng 4 của khách sạn, sau đó hưởng thêm một giờ massage trong phòng ốc theo tiêu chuẩn một khách sạn 5 sao bao gồm tắm hơi (sauna), giá tương đương với một giờ massage ở khu bình dân tại Richmond hay Fitzroy (nhưng đắt gấp đôi ở khách sạn Shanker ở Nepal).
Buổi tối, chúng tôi thuê taxi từ khách sạn ra khu trung tâm thương mại nổi tiếng Connaught Place để cho biết phố xá ở đây ra sao, nhưng do bụi bặm chúng tôi không thể đi bộ để ngắm, nên yêu cầu bác taxi chở ra cổng India Gate để lại ngắm cái cổng được coi là một Khải Hoàn Môn của Ấn Độ về đêm. Bác tài sẽ tính tiền theo đồng hồ, còn nếu phải đợi, bác nói cho bao nhiêu cũng được. Bác tài này trông có vẻ giống người Trung Đông, thật thà nhưng đồng hồ tính tiền cũng được che kín, chỉ mở ra cho khách xem khi chấm dứt chuyến đi!
Cổng India Gate cao 42 mét xây năm 1931 trước đây là nơi để tưởng niệm 90,000 binh sĩ Ấn chết cho Đế quốc Ấn Độ (tức Đế quốc Anh ở Ấn Độ) nhưng khi Ấn độc lập năm 1947, trở thành nơi tưởng nhớ Chiến sĩ Vô danh của Quân đội Ấn, là nơi đoàn diễn hành Lễ Quốc khánh (Republic Day) từ Dinh Tổng Thống đi ngang qua, là biểu tượng và niềm hãnh diện của Ấn Độ.
Nơi đây ngoài du khách, các gia đình người địa phương tụ tập để pic-nic, các tình nhân hẹn hò và cũng là nơi của những người bán dạo kiếm sống. Buổi tối trời mát, nhưng do quá đông người tụ tập nên không khí đầy bụi.
Chúng tôi đi một vòng quanh cổng India Gate xem ngọn lửa vĩnh cữu, các binh sĩ canh gác và trở về khách sạn để ngày hôm sau bay tới thành phố Vanarasi thăm viếng Sông Hằng linh thiêng của người Ấn giáo và vườn Lộc Uyển, một thánh địa của Phật giáo. (còn tiếp)
Khi nghĩ về Đức Phật, là Phật Tử, không ai lại không nhớ về bốn thánh tích quan trọng. Đó là vườn hoa Lâm Tỳ Ni (Lumbini Nava), dưới cây hoa Vô Ưu, thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) nay thuộc nước Nepal phía Bắc Ấn Độ, nơi Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha Gautama) đản sanh. Thứ hai là Bồ Đề Đạo Tràng (Boddha Gaya), tại Buddh Gaya, nay thuộc tiểu bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo. Thứ ba là vườn Lộc Uyển (Migadaya nay gọi là Sarnath thuộc xứ Utta Pradesh) (1), nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên . Thứ tư là Câu Thi Na(Kusinagara), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn .
Nhân ngày Đức Phật Thành Đạo xin sơ lược đôi nét về Bồ Đề Đạo Tràng để ghi nhớ nơi Đức Từ Phụ sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định đã thành bậc vô thượng chánh đẵng chánh giác. Kể từ đó sau 49 năm Ngài thuyết giảng kinh pháp đà để lại cho nhân loại một kho tàng kinh điển vĩ đại quí giá.
Bên cạnh tu viện Larung Gar đang bị Trung Cộng triệt phá, cung điện khổng lồ Potala được coi là một kỳ quan không chỉ của dân tộc Tây Tạng mà còn của toàn nhân loại.
Nằm ở trái tim của thành phố Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, cung điện Potala được coi là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hóa Tây Tạng và là biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma.
Ngày 1 tháng 4 thì phải, tôi ghé chân ở Shangri-la, một miền đất khuất nẻo của Vân Nam. Để đến được nơi này, từ Lệ Giang, xe phải đi mấy giờ liền qua một sơn đạo chênh vênh ở độ cao chóng mặt. Tôi đã thấy gì? Trời ạ, giữa một nhân gian tế toái gồm đủ thiên hình vạn trạng của bao thứ bào ảnh ảo tượng, tôi lại bất ngờ nhận ra mình đang hiện hữu ở một nơi chốn mà mọi thứ đều ở mức tối giản.
Một cư sĩ học giả viết trong một quyển sách đã xuất bản, trong đó có lập lại một lời nói của đức Phật không được đúng như trong kinh đã ghi, điều này có thể tạo cho Phật tử hiểu lệch lạc về đạo Phật dẫn tới một đạo Phật mê tín. Họ nói Đức Phật nói rằng: “… Nếu vị thiện tâm nào đến bốn nơi Thánh địa này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu và duyên lànhvà nếu có vị thiện tâm nào có duyên được trút hơi thở cuối cùngtại một trong những Thánh địa này, chắc chắn người ấy sẽ được tái sanh vào cảnh giới thanh nhàn..”
Pháp Hội Thủy Lục khởi đầu từ đời Vua Lương Võ Đế. Nhà vua phát tâm Bồ Đề thành kính cung thỉnh Hòa Thượng Chí Công định chế nghi thức lập đàn tràng “Thủy Lục” để cầu siêu cho các oan hồn uổng tử. Các chiến sĩ trận vong trong chiến tranh, xả thân báo quốc, nhưng hương hồn của họ vất vưỡng không nơi nương tựa, những cô hồn vô chủ lang thang khắp nơi, những người chết vì bị trúng đạn, tai nạn trên không, dưới nước, đất bằng, chết vì bệnh dịch, chết oan, chết đuối trên đường vượt biển, các thai nhi sản nạn v.v… Chúng ta đều tác lễ cầu siêu cứu độ tất cả, giúp họ sớm thác sanh về cõi giới an lành. Âm siêu dương thới, pháp giới chúng sanh, đều hàm triêm lợi lạc.
(VietNamNet) - Đó là chuyến đi Tây Tạng của tôi và nhà thơ Văn Cầm Hải từ ngày 17/9 đến 25/9. Có nhiều cách đến Tây Tạng. Chúng tôi chọn con đường từ Hà Nội đi Nam Ninh, từ Nam Ninh bay sang Thành Đô, rồi từ Thành Đô bay lên Lhasa.
Lục tổ điện được xây lại vào năm Minh Hoàng Trì thứ 3, Canh Tuất (1490), Nam Hoa Thiền Tự trùng tu lần cuối vào năm Quý Dậu (1933).
Trong điện này hiện nay vẫn còn tôn thờ nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (sinh đường Trinh Nguyên năm 12, tịch Đường Khai Nguyên năm đầu 638-713), cùng với nhục thân ngài Đại sư Hám Sơn và ngài Đại sư Đan Điền. Nam Hoa Tào Khê – Bửu Lâm Đạo Tràng, nằm cách thành phố Thiều Quan thuộc miền đông nam Trung Quốc 25 km (15,5 dặm), tại thị trấn Tào Khê, huyện Khúc Giang. Địa danh này nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, cách sông Bắc Giang vài km, trước đây là một tuyến giao thương giữa miền trung Trung Quốc và Quảng Châu.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.