Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ký sự Hành Hương Tu Học tại 6 nước Á Châu

03/05/201707:59(Xem: 5381)
Ký sự Hành Hương Tu Học tại 6 nước Á Châu
Ký sự Hành Hương Tu Học tại 6 nước Á Châu
của Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ

từ ngày 16.3.2017 đến ngày 30.4.2017
(Ấn Độ, Népal, Thái Lan, Lào,
Đại Hàn và Nhật Bản)

Thích Như Điển lược ghi.


Mỗi năm một lần như thế, những vị trong Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ của chúng tôi đều tổ chức một chuyến hoằng pháp sang Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu, nhưng năm nay chúng tôi quyết định tổ chức đi Á Châu gồm những nước như bên trên, khiến cho một số quý Thầy Cô trong Phái đoàn phải lo nghĩ, vì không biết rằng mình có thể tham gia trọn vẹn được chuyến hành trình này hay không? Và cuối cùng thì đã có những vị từ Hoa Kỳ tham gia như sau: Thượng Tọa Thích Thông Triết, Viện Chủ Thiền Viện Chánh Pháp tại Oklahoma; Đại Đức Thích Thánh Trí, Trụ Trì Tu Viện Bồ Đề tại Seattle; Đại Đức Thích Hạnh Tuệ, Tri Sự chùa Phật Đà tại San Diego; Ni Sư Thích Nữ Minh Huệ, Trụ Trì Tịnh Thất Thanh Lương tại Sarcramento (vắng mặt Thượng Tọa Thích Hạnh Đức và Đại Đức Thích Thiện Đạo).

 

Từ Âu Châu đến có: Tôi; Thượng Tọa Thích Hạnh Bảo, Trụ Trì chùa Liên Tâm, Phần Lan và Viên Ý, Ý; Đại Đức Thích  Pháp Trú, Trụ Trì chùa Liễu Quán, Đan Mạch; Đại Đức Viên Giác, Trụ Trì chùa Đôn Hậu, Trondheim, Na Uy. Từ Á Châu có: Thượng Tọa Thích Hạnh Nguyện, Trụ Trì Trung Tâm Tu Học Viên Giác, Ấn Độ và Cực Lạc Cảnh Giới Tự tại Thái Lan; Thượng Tọa Thích Thiện Thuận,Viện Trưởng Tu Viện Chuyên Tu tại Đồng Nai; Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân, Giáo Sư Học Viện Phật Giáo Việt Nam. Ngoài ra có trên 30 Vị Tăng Ni cùng tháp tùng với Phái Đoàn để đi đến các nước trên. Ví dụ như ở Đức có Ni Sư Thích Nữ Diệu Phước, Trụ Trì chùa Linh Thứu Berlin, Ni Sư Huệ Châu, Berlin. Từ Hoa Kỳ có Ni Sư Thích Nữ Minh Liên, chùa Viên Thông ở Houston, Texas; Ni Sư Hoa Đạo, chùa Từ Bi tại Kansas City. Từ Việt Nam có Ni Trưởng Thuần Trí cùng với những Đệ Tử xuất gia của Thượng Tọa Thích Thiện Thuận. Từ Quảng Nam có Đại Đức Thích Như Tịnh, Trụ Trì Tổ Đình Viên Giác tại Hội An cùng chư Huynh Đệ xuất thân từ Quảng Nam. Tại Lào và Thái Lan chúng tôi cũng đã gặp được một số chư Tăng Ni từ Việt Nam sang, sẽ đề cập đến sau trong bài nầy:

1) Ấn Độ:

Lâu nay đã có nhiều người đi hành hương về đất Phật và đã viết nhiều bài ký sự rất hay, đã đăng trên nhiều trang Web khắp nơi trên thế giới và từ đó có cả hằng trăm, thậm chí hằng ngàn phái đoàn của chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước về xứ Phật để chiêm bái Tứ Động Tâm cũng như những Phật tích khác tại Ấn Độ. Đây là một hành trình tâm linh mà ai có thể nghiệm qua rồi, mới có thể chứng biết được tất cả những giá trị  tuyệt vời, mà không thể diễn tả bằng lời nói hay cử chỉ được, chính mỗi người trong chúng ta khi đi hành hương mới thể nghiệm được điều nầy.

 

Cá nhân chúng tôi cũng vậy, sau khi đi hành hương đất Phật lần đầu tiên vào năm 1987, về lại Đức chúng tôi chấp bút viết quyển “Lòng Từ Đức Phật”và nghĩ rằng sẽ khó có ngày quay lại Ấn Độ lần thứ hai. Thế mà, cho đến nay trải qua 30 năm như vậy, chúng tôi đã đi Ấn Độ không biết bao nhiêu lần. Cho nên xứ Phật linh thiêng, huyền diệu là như vậy. Ai không đi, sẽ không cảm nhận được điều nầy. Kể từ năm 2003 đến 2012 trong 10 năm như vậy, mỗi năm tôi đều về Bồ Đề Đạo Tràng, nhưng không đi chiêm bái các Thánh Tích khác. Năm nay sau hơn 10 năm, tôi mới có cơ hội đi lại hết Tứ Động Tâm và nhận ra được rằng có nhiều thay đổi từ hình thức cho đến nội dung ở những nơi nầy.

 
nhat-bo-nhat-bai-9

Ngày 17.3.2017 các phái đoàn từ Mỹ Châu, Đan Mạch và Đức gặp nhau tại Delhi, sau đó bay đi Patna và về Trung Tâm Tu Học Viên Giác. Tại đây khóa tu học cho chư Phật tử hành hương trong đoàn bắt đầu từ ngày 18 đến ngày 20.3.2017 do chúng tôi, Thượng Tọa Hạnh Nguyện, Đại Đức Pháp Trú, Đại Đức Thánh Trí và Đại Đức Viên Giác thuyết giảng cho các Phật tử tại Thư Viện của Trung Tâm. Từ sáng sớm, mọi người đã có mặt tại Đại Tháp Giác Ngộ để trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm và có hôm có một Phật Tử xin xuống tóc cũng như có nhiều Phật Tử làm lễ giá kéo ở dưới cội cây Bồ Đề, nơi Đức Thế Tôn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cách đây 2561 năm về trước.

 

Ngày 21.3.2017 cúng dường Thiên Tăng Hội để cầu nguyện cho Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm, Viện Chủ chùa Bảo Quang, Hamburg, tật bịnh sớm tiêu trừ. Phần tịnh tài 10.000 Euro để dâng cúng cho 1.000 Vị Tăng Ni hôm ấy do Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm, Trụ Trì chùa Bảo Quang cúng 5.000 Euro; Ni Sư Thích Nữ Diệu Phước cúng 3.000 Euro và 2.000 Euro còn lại do phái đoàn hành hương cúng dường. Hôm đó cả 3 truyền thống Theravada, Mahayana và Vaijrayana đều hiện diện. Lời kinh tiếng kệ đã làm động lòng đến chư Thiên nên hào quang 5 sắc đã xuất hiện ngay tại cội Bồ Đế nầy, khiến cho ai nấy đều phát lòng tin một cách dõng mãnh, tinh tấn hơn thường ngày gấp nhiều lần. Chiều đó phái đoàn đã đến chùa Linh Sơn của Ni Sư Thích Nữ Trí Hân để phát chẩn cho 500 gia đình nghèo người Ấn Độ sống quanh vùng nầy và quỹ nầy do phái đoàn đóng góp. Nhìn những người cùng khổ nầy chạnh nghĩ đến ta, mới biết mình có phước báu hơn người. Từ đó ý nghĩa của nhân quả, luân hồi và nghiệp lực mà Đức Phật đã dạy, mọi người càng thấu hiểu nhiều hơn nữa. Sau đó chúng tôi đi thăm  trên 10 chùa ngoại quốc có mặt tại Bồ Đề Đạo Tràng.

 

Từ 4 giờ sáng ngày 22.3.2017 Thầy Trò chúng tôi đi xe đến chân núi Linh Thứu, nơi Đức Phật đã giảng Kinh Pháp Hoa và Đại Bát Niết Bàn, chúng tôi đã lạy tam bộ nhứt bái từ chân núi lên đến Hương Thất của Ngài. Với tôi, đây là lần thứ hai đã thực hiện được như thế. Lần nầy chỉ sau 3 tiếng đồng hồ là mọi người đã thực hiện xong tâm nguyện của mình rồi. Riêng tôi, tuổi đời năm nay đã 69 tuổi ta, không biết là ngày mai và năm tới sức khỏe sẽ ra sao, nên đã cố gắng hết mình cho chuyến hành trình lần nầy và cũng đã được toại nguyện như lời khấn lúc ban đầu. Sau đó đi thăm Trúc Lâm Tịnh Xá và trở về lại TrungTâm Tu Học Viên Giác để ngày mai lên đường đi Kushinagara, nơi Đức Phật thị tịch Niết Bàn. Đến đây để đảnh lễ Ngài và ai trong đoàn cũng đầm đìa nước mắt, vì nghĩ rằng Đức Phật đã vì chúng sanh mà thị hiện nơi cõi ngũ trược ác thế nầy và Ngài cũng từ đây thị hiện pháp Vô Sanh Bất Diệt, ai nấy cũng cảm nhận được sự hy hiến cao cả ấy của Ngài mà động tâm. Tiếp đến phái đoàn chúng tôi đến thăm chùa Song Lâm Linh Sơn nơi Ni Sư Thích Nữ Trí Thuận Trụ Trì và về khách sạn nghỉ ngơi để ngày mai còn đi Népal sớm.

2)  Népal:

Đi Népal thật ra không được nêu ra trong chương trình, nên nhiều người chỉ xin Visa vào Ấn Độ một lần. Thế là không thể qua biên giới được và những người có thông hành tỵ nạn, Népal cũng không cho vào. Do vậy mà đoàn còn lại ít người hơn và những người còn lại phải di chuyển về Varanasi trước đó một ngày. Sau hơn 10 năm, tôi mới trở lại Lâm Tỳ Ni và nhận thấy nơi nầy là một trong bốn Thánh Tích được xây dựng cũng như sửa sang nhiều nhất so với 3 nơi kia. Vì lẽ chính quyền Népal muốn quảng bá du lịch tâm linh và nơi đây đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa của thế giới, nên những công trình được xây dựng tại đây rất quy mô và hiện đại. Chúng tôi cũng đã ghé thăm chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của Thầy Huyền Diệu và chùa Linh Sơn của Thượng Tọa Thích Linh Quang. Tối đó ở khách sạn tại Lâm Tỳ Ni và sáng sớm ngày hôm sau phái đoàn tiếp tục chuyến hành trình bằng xe Bus đi Varanasi, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như.

 
HT Nhu Dien_Lumbini (3)

Đến Varanasi để thăm Vườn Lộc Uyển (Sanath), nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân lần đầu tiên nói về Tứ Thánh Đế cho 5 anh em Kiều Trần Như nghe. Tại đây phái đoàn cũng đã đến nơi khắc những bài Kinh Chuyển Pháp Luân bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có cả tiếng Việt. Đây là do công đức của Thầy Hạnh Nguyện và Thầy Hạnh Tấn đề xướng, dưới sự chứng minh của Trưởng Lão Thích Chơn Điền, nhân một chuyến hành hương của nhiều năm về trước và Ngài đã đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải Ngọai chủ trì lễ khởi dựng bản Kinh nầy tại đây. Đây là một chứng tích lịch sử, chúng ta không nên quên.

Sáng sớm ngày 26.3.2017, chúng tôi đã thuê thuyền đi trên sông Hằng để ngắm mặt trời mọc cũng như thả những con cá trên dòng sông nầy, trả chúng về với khoảng không gian tự do của chúng. Ai làm được điều nầy, cảm thấy tâm hồn mình thanh thản vô cùng, nhất là những người làm nghề buôn bán liên quan gián tiếp đến việc sát sanh. Đồng thời chúng tôi cũng có cơ hội để chiêm nghiệm những cảnh thiêu xác người bằng củi bên cạnh sông Hằng. Đời quả thật không có gì để nói, ngoại trừ hai chữ sống và chết là một đề tài mà ai trong chúng ta cũng không thể thoát ra khỏi sự nghiền nát của bánh xe luân hồi. Nơi đây cũng là Thánh Địa của Ấn Giáo, nên cả Phật tử lẫn người theo Ấn Giáo đều đến đây để lễ bái nguyện cầu, do vậy sông Hằng bao giờ cũng đông nghẹt cả người là người, kể cả người sống lẫn kẻ chết. Người sống đến đây để tắm nước sông Hằng nhằm vơi đi tội lỗi, đó là theo quan điểm của Ấn Giáo và Bà La Môn Giáo; còn người chết, theo quan niệm của họ, nếu được trầm mình dưới nước sông Hằng trước khi hỏa thiêu hay ngay cả thả cả thây người chết xuống sông nầy cũng sẽ là một phước báu để sanh Thiên. Cho nên chữ Varanasi cũng được dịch ra nghĩa tiếng Việt là Chư Thiên đọa xứ, nơi những người đã mất thần thông nên không quay lại cõi trời, nơi mà họ đã rời xa để giáng trần.

Tối đó chúng tôi lên máy bay đi Delhi và cùng ngày 27.3.2017 chúng tôi đã đến Bangkok, Thái Lan và sau đó di chuyển về Cực Lạc Cảnh Giới tự tại Chiangmai.

 

3) Thái Lan

Thái Lan là một quốc gia Phật Giáo ai cũng biết, vì lẽ trên từ Đức Vua, Hoàng Hậu, Công Chúa, Thái Tử, dưới đến bàn dân thiên hạ, ai ai cũng cung kính Đạo Phật qua lối chào hỏi hằng ngày bằng cách chắp hai tay lại và lễ bái mọi người cũng như chư Tăng khi gặp gỡ. Đến đây để thấy người Phật tử tại gia phụng thờ Tam Bảo như thế nào. Nhờ vậy mà Đạo Phật được phát triển rất mạnh so với các nước Phật Giáo Nam Tông khác như Miến Điện, Tích Lan hay Lào… Phái đoàn chúng tôi đến Cực Lạc Cảnh Giới Tự vào một buổi trưa ngày 28.3.2017. Sau hơn một năm mới trở lại đây, Cực Lạc Cảnh Giới bây giờ cũng có phần khác xưa nhiều. Tuy ngày nay  tại đây không có nhiều chư Tăng cư trú như ngày trước, nhưng cũng được cái may là nơi nầy có nhiều vị Thầy từ Việt Nam sang đây để thăm viếng và hành hương. Kỳ nầy chúng tôi đã gặp Thượng Tọa Thích Chúc Nghĩa, người tiên phương ra Đảo Trường Sa lãnh nhiệm vụ trấn an bờ cõi bằng đời sống tinh thần cho đồng bào đang cư ngụ tại đó và cũng một duyên may nữa tôi đã gặp Đại Đức Thích Tâm Mẫn, người đã đi mỗi bước lạy một lạy trong suốt ba năm trường từ chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn cho đến chùa Đồng trên núi Yên Tử, người ít nói, nhưng hành động lại có một không hai trên quê hương đất Việt, lại là người xứ Quảng, cùng quê quán Duy Xuyên với tôi. Thầy Vạn Trí, người Tăng Sĩ tài ba qua những cây bút lông tuyệt mỹ, vẽ phượng múa rồng bay. Thầy Trung Thành với năng lực học hành nổi bậc. Thầy Hạnh Trí đã mấy năm Thầy trò chưa gặp lại và những Đệ Tử của Thầy Hạnh Nguyện như Thông Trí, Thông Tuệ v.v… Quả là nhân duyên trùng trùng điệp điệp. Chúng tôi có những buổi Thiền trà bên hồ bán nguyệt vào những đêm không trăng. Thật là tuyệt diệu vô cùng và cũng đã có những khoảnh khắc mà Thầy Viên Giác đã trao đổi với những Anh Em Tăng Ni trẻ thật chân tình giữa hai lối sống Đạo Đời ở trong và ngoài nước.

HT Nhu Dien_Cuc Lac Canh Gioi Tu_2017 (1)

 

Ngày 31.3.2017, một lễ động thổ miếng đất gần Cực Lạc Cảnh Giới Tự mà Thầy Hạnh Nguyện  đã hiến dâng cho Ngài Kyabje Gosok Rinpoche, vốn là người sáng lập cũng như Viện trưởng Viện Đại Học Sera Mey tại Ấn Độ, nơi có thể dung chứa cả 4.000 Sinh Viên Tăng Ni và tôi đã gặp Ngài tại đây cũng như đàm đạo một vài vấn đề liên quan đến Phật Giáo. Ngài hơn tôi một tuổi và gần đây Ngài đã đến Việt Nam nhiều lần cũng như quy y cho nhiều người đang nắm chính quyền trong hiện tại. Đây là một sự thay đổi niềm tin đáng quan tâm cho những người lâu nay vốn chẳng biết Tam Bảo là gì. Hôm ấy dưới ánh nắng chói chang, vầng hào quang ngũ sắc cũng đã xuất hiện tại mảnh đất nầy.

 

Ngày 1 đến ngày 3 tháng 4 năm 2017, phái đoàn xuống Bangkok để đi thăm một số chùa viện nơi đây, trong đó có chùa Phổ Phước, chùa Khánh Vân, nơi có nhục thân của Ngài Phổ Sái Thiền Sư còn tồn tại nhiều năm tháng ở nơi nầy, cũng như viếng thăm chùa Cảnh Phước. Đây là ba ngôi chùa vốn đã được thành lập từ thời Vua Gia Long bôn đào nơi xứ Thái (1786-1792). Hơn 200 năm lịch sử đã trôi qua, bây giờ không còn vị Sư Việt Nam nào cư ngụ trong những ngôi chùa Việt nầy nữa, nhưng tiếng Kinh lời kệ mỗi ngày vang vọng hai lần vào buổi sáng sớm tinh sương với Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm qua giọng đọc Việt ngữ của người Thái, người Hoa và buổi chiều với thời Kinh A Di Đà cũng như Hồng Danh, Thí Thực cũng bằng tiếng Việt. Du khách sẽ chạnh lòng khi đến đây tham quan và gặp những thời trì kinh như vậy.

 

4)  Lào Quốc

Lào hay nước Ai Lao như người Việt chúng ta thường gọi, là một đất nước theo Phật Giáo Nam Tông. Ở đây dân chúng nghèo hơn Thái Lan, nhưng niềm tin thì có lẽ còn nguyên thủy hơn cả Thái hay Miên nữa. Họ nghèo, nhưng tiền của có được bao nhiêu đều cúng vào chùa. Đến Vientiane, thủ đô của nước Lào và cũng còn gọi là Vạn Tượng, nhưng ngày nay không còn thấy con voi nào ở đây cả, chỉ thấy người là người và người Việt cũng như người Hoa rất đông. Lần nầy đến đây chỉ còn 4 Thầy trò, đó là tôi, Thầy Viên Giác, Phật tử Đồng Bảo và Phật tử Diệu Hiền. Chúng tôi được đón về chùa Bàng Long nơi Ni Sư Đàm Ngọc đang Trụ Trì. Tối ngày 4.4.2017 chúng tôi và Thầy Viên Giác có buổi nói chuyện với 40 Phật Tử tại chùa Bàng Long; trước đó có ghé thăm chùa Phật Tích của Thượng Tọa Minh Quang và một vài ngôi chùa Lào khác. Chùa Bàng Long vốn được hình thành từ những năm 1934, nghĩa là gần 100 năm về trước khi làn sóng người Việt bỏ nước ra đi từ những năm của đầu thế kỷ thứ 20, đến Lào để lập nghiệp và dựng chùa, mãi cho đến những năm 60, chùa được Hòa Thượng Thích Nhật Liên và Hòa Thượng Thích Trung Quán về lo xây dựng lên to lớn như ngày hôm nay. Năm 1975 Hòa Thượng Trung Quán sang Pháp lập chùa Hoa Nghiêm tại Paris, Hòa Thượng Nhật Liên về lại Việt Nam, các Ngài giao lại chùa nầy cho hai Sư Cô Đàm Ngọc và Đàm Quy trông coi. Nhưng cho đến giờ nầy thì nội bộ của chùa có phần bất ổn, do từ bên trong ra và bên ngoài tiếp hơi vào, nên cũng chưa biết cuối cùng rồi chùa viện ở đây sẽ ra sao, không sao đoán biết được nữa.

HT Nhu Dien_Lao quoc (14)HT Nhu Dien_Lao quoc (32)

 

Ngày 5.4 Thầy trò chúng tôi đi Luangprapang, cố cung của nước Lào, nơi vua chúa đã một thời hưng thịnh tại nơi đây. Có một Gia Đình Phật tử đón chúng tôi tại phi trường rồi lo việc ăn uống cũng như đưa đi tham quan vài nơi như chùa Phật Tích, chùa Linh Thiêng để ngày hôm sau 6.4 chúng tôi rời cố đô để về thủ đô Bangkok của Thái Lan, chờ chuyến bay sang Hàn Quốc. Tại sân bay nầy chúng tôi đã gặp Thượng Tọa Thích Hạnh Bảo và Thầy Thông Trí, Đệ Tử của Thầy Hạnh Nguyện.

 

5) Hàn Quốc

Hàn Quốc mà ngày xưa hay gọi là Đại Hàn, có nghĩa là một nước cực lạnh, nằm phía Bắc của Việt Nam và gần cả Nhật Bản cũng như Nga Sô nên lạnh là phải. Trong khi miền Bắc thì gọi là Triều Tiên, mà miền Nam gọi là Hàn Quốc, cũng giống như Nam Bắc Việt Nam thời chia đôi lãnh thổ từ năm 1954 đến 1975 vậy. Xứ sở nầy cũng gọi là xứ sở của Kim Chi, vì món ăn chính của họ là món dưa cải muối ớt, rất hợp khẩu vị với mọi người. Từ tối ngày 7 đến tối ngày 9.4.2017 có khóa tu học cho Phật tử trong đoàn hành hương cũng như tại Hàn Quốc ở chùa Tam Quang thuộc thành phố Pusan của Đại Hàn. Đây là thành phố cảng lớn thứ hai sau thành phố Seoul. Buổi khai mạc cũng là buổi bế mạc, chúng tôi nhận thấy có cả 700 Phật Tử Việt Nam tại Đại Hàn tham dự. Tại  đây, Thượng Tọa Thích Thông Triết, Đại Đức Thích Hạnh Tuệ, Ni Sư Minh Huệ, Ni Sư Hoa Đạo từ Hoa Kỳ cũng đã đến và trong những giờ giáo lý quý Giáo Thọ Sư cũng đã hướng dẫn cho các Phật tử tu tập một cách miên mật. Những buổi tham vấn qua những câu hỏi được viết trên giấy đã được chư Tôn Đức Tăng Ni trả lời một cách thỏa đáng. Đoàn của Thượng Tọa Thích Thiện Thuận từ Việt Nam, cả Tăng Ni và Phật Tử lên đến 42 người, hợp với đoàn của Ni Sư Diệu Phước và các nơi khác 28 người nữa trở thành 70 người từ ngoại quốc đến. Đây là một khóa tu hùng hậu và chuẩn bị thật là chu đáo. Thầy Thiện Thuận làm trưởng ban tổ chức. Thầy Hạnh Bảo, Thầy Viên Anh, Thầy Giác Phổ làm Phó Ban và Thầy Thiện Hưng cũng như những Đệ Tử xuất gia và tại gia của Thầy Thiện Thuận làm xướng ngôn viên cùng các ban bệ khác của khóa tu học. Đây phải nói là sự thành công ngoài dự tưởng. Chỉ có phần chỗ ở hơi thiếu thốn hơn những nơi khác, vì nhiều người phải ở chung trong một phòng; còn ăn uống cũng như tu học thì phải nói là chùa Tam Quang cảnh trí thật là tuỵêt vời. Chùa nằm núp mình dưới những cây Anh Đào khi hoa vừa chớm nở, lại càng tạo  thêm nhiều ý nghĩa hơn khi chúng tôi gặp để thăm vị Sư Trụ Trì chùa cũng như trao đổi một vài việc Phật sự chung, đồng thời qua buổi tiệc chay vào tối ngày thứ Bảy 8.5.2017 đã nói lên được tất cả tấm thạnh tình của hai dân tộc Hàn Việt đang hiện hữu nơi đây.

 

Những bài cảm tưởng của các học viên đọc trong khóa tu tại chùa Tam Quang cũng như tại chùa Hoàng Long đã làm cho mọi người phải rơi lệ. Không ai có thể ngăn lại được những giọt lệ nóng của mình tự nhiên lăn tròn trên hai gò má, vì quá xúc động cho một kiếp làm người phải tha phương cầu thực, phải chịu bao cảnh đắng cay như vậy. Nhưng trong phần ban Đạo từ, tôi đã nhắc nhở mọi người là từ thế kỷ thứ 13 (1226) chúng ta đã có một Nam Hoa Tướng Quân (Hoàng Tử Lý Long Tường) dòng dõi nhà Lý đã đến tỵ nạn tại Bắc Hàn và qua nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta đã cống hiến cho Đại Hàn một Tổng Thống Lý Thừa Vãng, vốn dòng dõi họ Lý nầy; một Lý Kỉnh Huy làm Tổng Thống Đài Loan cũng từ dòng dõi nhà Lý nầy và bây giờ chúng ta cũng có quyền hy vọng rằng: “Sau cơn mưa trời lại sáng” không có lý do gì để mà bi quan mãi như vậy.

LeKhaiBeGiangKhoaTuTaiChuaHoangLong12LeKhaiBeGiangKhoaTuTaiChuaHoangLong28LeKhaiBeGiangKhoaTuTaiChuaHoangLong32

 

Tại hai chùa Tam Quang và Hoàng Long, Ban Tổ Chức cung thỉnh Đại Đức Thích Như Tịnh, Đại Đức Thích Chúc Hiếu và chư Đại Đức trong Ban Kinh Sư làm lễ cầu siêu cho những người Việt xấu số đã mất tại Đại Hàn trong thời gian qua và những buổi lễ nầy cũng đã sưởi ấm được lòng người còn ở lại nơi dương thế, nhất là những thân nhân của những người đã quá vãng.

Từ ngày 10 đến ngày 13.4.2017 chúng tôi đã đến Cứu Nhân Tự (GUINSA), chùa Tổ thuộc Thiên Thai Tông; chùa Phật Quốc (Bukkoksa); chùa Hải Ấn (Heiinsa), nơi có bộ Đại Tạng Kinh bằng mộc bản trải qua hằng nghìn năm vẫn không bị mai một hư hại bởi thời gian. Ngày 14.4.2017 phái đoàn di chuyển về chùa Hoàng Long ở Seoul để tham gia giảng dạy và tu tập trong ba ngày như tại Pusan từ ngày 14 đến ngày 16.4.2017. (Quý vị có thể xem thêm hình ảnh trên các trang nhà như: quangduc.com (Úc); hoavouu.com (Hoa Kỳ); viengiac.de (Đức) hay vienchuyentu.com (Việt Nam) để biết thêm tất cả những chi tiết và hình ảnh của những Khóa Tu Học nầy. Đến sáng ngày 17.4.2017 khi hoa Anh Đào tại Đại Hàn vẫn còn nở rộ, phái đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường sang Phi trường Narita Nhật Bản, trong khi bán đảo Triều Tiên cũng như Nam Hàn và Nhật Bản đang tiến hành những hình thức của một thế giới chiến tranh, nên ai trong chúng tôi cũng cảm thấy lo ngại vô cùng.

 

6) Nhật Bản

 

Nhật Bản là một đất nước Á Châu, nhưng cái gì cũng đứng đầu thế giới, nên khi nhắc đến Nhật Bản, ai ai cũng trầm trồ thán phục. Đó là: Nước uống ngon nhất. Ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng có nước sạch để uống và nước ngon không thua nước của Na Uy là mấy. Gạo ngon, thơm, dẻo nhất. Không phải là nếp, nhưng nếu không phải là gạo Nhật thì người ta không thể làm Sushi và Mochi được. Cho nên đi đâu tôi cũng nói rằng, trong những năm tháng ở Nhật, nếu không nhờ cơm gạo, nước uống của Nhật Bản thì tôi không được như ngày hôm nay, nên lúc nào tôi cũng cảm ơn Nhật Bản là vậy. Đi nhanh nhất. Đi bộ mà giống như người ta chạy. Ăn cũng nhanh nhất. Ăn sáng 5 phút, ăn trưa 10 phút, ăn tối 15 phút. Lạy Phật cũng nhanh nhất. Tôi lạy đã nhanh mà người Nhật còn lạy nhanh hơn tôi nữa. Vừa rồi ở chùa Vô Lượng Thọ Tự, Niệm Phật Tông, Vương Đường Phật Giáo tại Hyogoken, tôi mới lạy có hai lạy thì chư Tăng ở đây đã lạy xong ba lạy rồi. Nhanh thật. Xe lửa chạy nhanh nhất thế giới. Ngay trong hiện tại Đức mới có ICE chạy nhanh độ 270 cây số giờ, TGV của Pháp độ 300 cây số giờ, nhưng xe Shinkansen mới nhất của Nhật chạy từ Tokyo đến Kyoto hơn 500 cây số chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Sạch cũng nhất thế giới. Đi ngoài đường, nhìn những vỉa hè, nhà ga xe lửa…đâu đâu cũng chẳng thấy rác.  Đúng giờ nhất thế giới. Hầu như không có người Nhật nào biết trễ giờ là gì. Độ tin cậy giữa con người và con người cũng nhất thế giới. Bằng chứng là tiền mặt có thể gửi bảo đảm trong thư Kakitome, không giới hạn số tiền gửi. Bên ngoài ghi tên người gửi và người nhận cũng như số tiền bỏ bên trong bao nhiêu, ngày hôm sau nhân viên bưu điện sẽ đưa đến nhà cho mình. Núi nhiều nhất so với đồng bằng và để lo đời sống cho số dân trên 130 triệu người như thế không phải là dễ. Đại học Phật Giáo nhiều nhất thế giới. Cho đến giờ nầy tại Nhật có trên 1.000 Đại Học và Phật Giáo có  không dưới 200 Đại Học. Dân tộc ít nói ngoại ngữ nhất thế giới. Nếu bạn đến Nhật Bản chỉ với  một số vốn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức giỏi cũng sẽ khó thành công ở nơi công cộng, vì người Nhật rất ít dùng những ngôn ngữ nầy, mặc dầu ở lãnh vực nghiên cứu các ngôn ngữ nầy họ cũng đứng nhất thế giới. Uống rượu Sake và hút thuốc lá chắc cũng nhất nhì thế giới. Còn không biết bao nhiêu cái nhất nữa, tôi chưa kể ra hết, nếu quý vị nào muốn tìm hiểu nước Nhật thì nên đến nước nầy để sinh sống, học tập thì sẽ thấy thêm nhiều cái nhất nữa.

 

Nếu so với 30 thành viên trong đoàn đi Ấn Độ, 70 trong đoàn ở Đại Hàn thì khi đến Nhật Bản chỉ còn lại 26 vị mà thôi. Vì lẽ ở Nhật cái gì cũng đắc đỏ, không có cái gì rẻ cả, nên khi đi hành hương Nhật Bản ai cũng ngại vấn đề chi dùng khi ở tại xứ nầy. Ngày 17.4.2017, chúng tôi chờ mọi người ở khách sạn Ana tại Phi trường Narita, đến sáng ngày 18.4.2017 phái đoàn chúng tôi đến tượng Đại Phật A Di Đà cao 120m tại Ushiku để đảnh lễ Ngài. Đây cũng là một tượng Phật cao nhất thế giới. Nếu kể một tầng lầu là 3m, thì tôn tượng nầy tương đương với một cao ốc cao 40 tầng. Thế mà họ vẫn chưa gọi là nhất Á Châu, trong khi đó Việt Nam mình cái gì cũng nhất, mà so với tượng nầy thì chưa thể nhất được. Sau đó chúng tôi được đưa về Yokohama, nơi Cụ Phan Bội Châu cách đây hơn 100 năm về trước đã chủ trương phong trào Đông Du, cho Sinh Viên Việt Nam sang Nhật Bản để học và Cụ cũng như  họ đã cập bến cảng Hoành Tân (Yokohama) nầy. Từ đây chúng tôi đi Ueno, thăm Ngài Daichi, thăm công viên Hachiko ở Subuya, thăm Đức Quan Âm ở Asakusa, thăm trung tâm điện tử ở Akihabara và ngày 20.4.2017 vừa qua là ngày đặc biệt của riêng tôi. Đó là buổi thuyết trình bằng tiếng Nhật cho các Sinh Viên Nhật Bản nghe qua đề tài: Tại sao người Việt Nam bỏ nước ra đi? Hôm đó tôi chọn Ni Sư Minh Huệ (Hoa Kỳ), Ni Sư Tịnh Vân (Việt Nam), Đại Đức Viên Giác (Na Uy) và Đại Đức Hạnh Tuệ (Hoa Kỳ) cùng vào chung giảng đường để tham dự buổi thuyết trình hội luận nầy. Trước khi tôi đi sang Nhật, Thầy Hạnh Giới đã dịch sang tiếng Đức, Sư Chú Thông Giáo đã dịch sang tiếng Anh bài nầy. Do vậy mà trên Power Point của tôi do Thầy Hạnh Bổn chuẩn bị thật chu đáo để tôi thuyết trình cho Sinh Viên Nhật Bản hôm đó gồm có 4 ngôn ngữ là: Tiếng Nhật, Việt ngữ, Anh ngữ và Đức ngữ. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ thuyết trình là giờ thảo luận. Giáo Sư Uchino và Giáo Sư Akiyama đã hướng dẫn sinh viên đi vào đề tài rất là linh hoạt. Đó là một buổi nói chuyện thành công tại Đại Học Teikyo Heisi ở khu Nakano tại Tokyo vào ngày 20.4.2017 vừa qua. Xin cảm ơn tất cả quý Thầy, Cô và những vị Phật tử đã trợ duyên cho việc thuyết trình nầy, nhất là sau hơn 40 năm không dùng đến tiếng Nhật thường ngày, nhưng hôm ấy tôi phải xử dụng tiếng Nhật như là ngôn ngữ chính của mình, nên xin tạ ân tất cả là vậy.

HT Nhu Dien thuyet trinh tai Dai Hoc Teikyo Heisei  (20)HT Nhu Dien thuyet trinh tai Dai Hoc Teikyo Heisei  (28)HT Nhu Dien thuyet trinh tai Dai Hoc Teikyo Heisei  (35)HT Nhu Dien thuyet trinh tai Dai Hoc Teikyo Heisei  (37)
HT Nhu Dien thuyet trinh tai Dai Hoc Teikyo Heisei  (49)

 



Ngày 21.4.2017, phái đoàn đã đi Kamakura (Liêm Thương) để thăm các chùa Viên Giác, Trường Cốc Tự, Kiến Trường Tự v.v… cũng như tượng Đại Phật tại đó. Đêm ấy phái đoàn về nghỉ ở khách sạn tại Atsugi, gần chùa Việt Nam của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền để hôm sau và cuối tuần tất cả thành viên trong phái đoàn về chùa tổ chức khóa tu học cho đoàn, cũng như cho quý Phật tử địa phương từ ngày 21 đến ngày 23.4.2017. Kết quả thật là tuyệt vời, vì mọi người đều nhiệt tâm với công việc của mình nên mới được như vậy. Xin niệm ân Hòa Thượng Thích Minh Tuyền rất nhiều cũng như Đại Đức Thích Nhuận Ân và chư Phật tử tại đó. Chúng tôi đã có những món ăn chay thuần túy Việt Nam thật là tuyệt vời và ngon miệng.

 

Ngày 24.4.2017, chúng tôi rời Atsugi đi Osaka. Ngày 25.4.2017 thăm Kyoto với các chùa Thanh Thủy Tự, Kim Các Tự, Nam Thiền Tự. Ngày 26.4.2017 chúng tôi đã đến thăm Vô Lượng Thọ Tự, Niệm Phật Tông, Vương Đường Phật Giáo tại Hyogoken. Ở đây thì cái gì cũng nhất cả. Chùa được xây dựng cách đây 7 năm có 3 triệu rưỡi nhân công làm trong vòng bảy năm trời. Chùa có Chánh Điện làm bằng gỗ quý, có thể chứa 5.000 người bên trong. Có quả Đại Hồng Chung nặng 5.000 tấn và còn nhiều thứ nhất nữa. Nếu quý vị nào có duyên đến được ngôi chùa nầy thì sẽ rõ về việc đó. Hầu như cái gì quan trọng đều được thếp vàng 20 hay 22 cả. Ngay cả tượng Tây Phương Tam Thánh, trên  thế giới chắc hẳn nơi nào cũng không có được. Hôm đó phái đoàn chúng tôi may mắn được chiêm ngưỡng kim thân của các Ngài, mà theo Thầy hướng dẫn nói rằng mỗi năm cánh cửa điện Tam Thánh nầy chỉ mở 6 lần mà thôi. Ai nấy đều cảm động như tự thân của mình đã có mặt nơi cảnh giới Tây Phương Cực Lạc vậy. Trong ngày hôm nay chúng tôi cũng nghe tin thân phụ của Đại Đức Thích Viên Giác ra đi êm ả ở tuổi 87 tại Na Uy và ngày hôm sau, trên đường đi Nara, phái đoàn đã tụng kinh cầu siêu cho Người.


Vieng Tham Ushiku Daibutsu93
Vieng Tham Ushiku Daibutsu95

 

 

Ngày 27.4.2017, phái đoàn đã đi Nara (Nại Lương) thăm chùa Đường Chiêu Đề Tự của Ngài Giám Chân người Trung Quốc đời nhà Đường, đến Nhật khai tông và dựng chùa tại đây (quý vị có thể xem phim Giám Chân Hòa Thượng bằng tiếng Nhật hay tiếng Việt để hiểu thêm về 6 lần vượt biển sang Nhật của Ngài vào thế kỷ thứ 8). Sau đó chúng tôi đi viếng mộ của Ngài để tưởng nhớ về người xưa và tụng một thời Kinh Bát Nhã tại đó. Tiếp tục chúng tôi đi đến thăm chùa Đông Đại (Todaiji). Đây là một ngôi chùa lịch sử có liên hệ với Phật Giáo Việt Nam từ hơn 1.000 năm về trước. Sử sách ghi lại rằng vào năm 752, chùa làm lễ Khai Nhãn cúng dường và Thiên Hoàng Thánh Vũ đã cho người sang Trung Quốc để thỉnh Ngài Phật Triết (người Lâm Ấp- bây giờ là Việt Nam) cùng với Ngài Bồ Đề Tiên Na (người Ấn Độ) sang Nara để chứng minh Đại Lễ và trao truyền những âm nhạc Phật Giáo Lâm Ấp cũng như những điệu múa liên quan đến chùa chiền tại đây, và ngay đến cả ngày hôm nay, sau hơn 1.265 năm lịch sử Thiên Hoàng Heisei (Bình Thành) vừa thăm Việt Nam hôm đầu tháng 3 năm 2017, tại Đại Nội Huế đã có nhắc đến những sự kiện lịch sử nầy cũng như Thiên Hoàng đã viếng mộ Cụ Phan Bội Châu tại Huế. Đây là những hình ảnh đẹp mà Phật Giáo và Dân Tộc Việt Nam đã song hành cùng dân tộc trong nhiều ngàn năm lịch sử đã trôi qua. Tiếp đó chúng tôi viếng chùa Tịnh Lưu Ly và sau cùng đoàn trở về lại Osaka để ngày mai 28.4.2017 đi xuống Fuchu để đảnh lễ tượng Đức Địa Tạng không đầu và trực chỉ Hiroshima.

 

Việc linh thiêng của Bồ Tát Địa Tạng không có đầu tại Fuchu, nơi chúng tôi đã nhiều lần đến và cũng đã dịch những mẫu chuyện linh ứng ở nơi nầy từ tiếng Nhật sang Việt ngữ, đã được xuất bản nhiều lần ở Hoa Kỳ, Âu Châu và ngay cả Việt Nam. Do vậy quý vị Phật Tử nào muốn thể nghiệm đời sống tâm linh về những sự linh nghiệm qua câu thần chú “Án Ha Ha Ha Vỹ Sa Ma Lý Ta Bà Ha” của Ngài thì nên đến Fuchu để chiêm bái hay đọc tác phẩm trên thì sẽ rõ nhiều hơn.

 

Chiều ngày 28.4.2017 một chiều như bao nhiêu buổi chiều khác, phái đoàn đã đến thành phố Hiroshima (Quảng Đảo) về phía Nam của Nhật Bản. Thành phố nầy đã bị một trong hai quả bom nguyên tử của Mỹ cho nổ vào lúc 8 giờ 12 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945. Sau đó là Nagasaki (Trường Kỳ), và Nhật Hoàng Showa Hirohito đã đầu hàng Hoa Kỳ, tất cả đều buông súng và hai thành phố nầy trở thành bình địa. Thế mà sau hơn 70 năm tái thiết, khách hành hương đến đây cứ ngỡ rằng đã chẳng có một việc gì xảy ra cả trong hiện tại, ngoại trừ một cơ quan hành chánh bị cụt đầu, giống như nhà thờ cụt đầu tại Berlin sau đệ nhị thế chiến người Đức đã thua Mỹ, chỉ giữ lại nơi nầy làm kỷ niệm và nhắc cho thế giới biết rằng: Hãy đừng bao giờ tái diễn lại lần thứ hai như thế nữa. Chúng tôi vào viện bảo tàng để xem, rất nhiều người đã khóc, vì nhớ lại một thân phận Việt Nam cũng đã có một thời gian đọa đày như thế. Không biết mục đích của chiến tranh là gì, mà người ta chỉ thấy đổ nát, tang thương, chết chóc…còn ai thắng, ai bại đâu có liên quan gì đến người dân đâu. Điểm chính mà chúng ta phải biết là: Vì ai gây nên nông nỗi nầy? Chỉ như vậy thôi và khi chúng ta đã biết được nguyên nhân rồi thì chúng ta không còn phải thắc mắc nữa. Chúng tôi tụng cho những người xấu số một thời Kinh Bát Nhã, Vãng Sanh và nguyện cho họ được sanh về cảnh giới an lành của chư Phật và chư vị Bồ Tát như dòng chữ Hiragana viết trên tấm bia dựng trước mặt mọi người khi cầu nguyện là: “Hãy an bình nơi lòng đất và mọi vật sẽ trôi qua đi”. Nơi đây những chính khách như Tổng Thống Obama, cũng như những nhân vật nổi tiếng khác của thế giới cũng đã đặt chân đến và cầu nguyện cho họ. Họ vẫn còn đây trong tâm tưởng của mọi người. Từ một em học sinh với tấm lòng trong trắng của một buổi mai mùa Hè năm ấy, nhưng phải bị chết tức tưởi chỉ vài phút sau đó khi bom nguyên tử rơi đúng thành phố nầy. Những cụ già chưa phải ra đi, nhưng phải chết ngay  khi ấy; những lọ ve chai cong quẹo; những miếng ngói không còn là hình thù của miếng ngói nữa; những chiếc xe đạp co quắp lại như những con gà bị thiêu rụi cả cánh và lông. Đâu đó những con đường sắt và những chiếc tàu lửa cong quẹo, những cọng sắt bung lên khỏi mặt đất, choáng cả một lối đi… Tất cả đều còn đó. Chính phủ Nhật Bản gìn giữ lại những sản phẩm của chiến tranh đệ nhị thế chiến như thế nầy không phải để nuôi hận thù với người Mỹ, mà cốt làm sao để chứng minh cho thế hệ trẻ về sau biết rằng: Chiến tranh có sức tàn phá như thế đó. Nó không phải chỉ có hại trong một đời, mà nhiều thế hệ trôi qua, trong giấc ngủ của họ vẫn còn chập chờn khi màn đêm buông xuống, tiếng đại bác lại inh tai điếc óc dội vào nơi phố thị xa xôi nào đó…. Mà họ vẫn còn mơ màng.

Khoa Tu Hoc Phat Phap Tai Chua Viet Nam Nhat Ban15Khoa Tu Hoc Phat Phap Tai Chua Viet Nam Nhat Ban17

 

Sáng sớm ngày 29.4.2017 phái đoàn lên xe Bus rời khỏi Hiroshima, trực chỉ Osaka và xe đã ngừng lại tại Bic Camera trong vòng 3 tiếng đồng hồ để bà con mua sắm quà cho những người thân, bạn bè ở nhà.

Thông thường trên những tuyến đường dài cả hàng mấy trăm cây số, mỗi sáng chúng tôi đều trì tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm, nếu đoạn đường ngắn hơn thì chúng tôi tụng kinh cầu an hay cầu siêu. Nhiều lúc lại nói cảm tưởng về suốt chặng đăng trình của mỗi người. Có người hát tân nhạc, có kẻ hát cải lương, có người ngâm thơ v.v… không khí thật là sôi nổi. Nói chung thì ai ai cũng tán thán, ca ngợi nước Nhật cả, chẳng ai có thể trách một điều gì. Không biết Việt Nam của chúng ta trong bao nhiêu năm nữa mới tiến bằng Nhật. Đó là nỗi niềm, là tâm sự, mà bao nhiêu người đi hành hương Nhật Bản kỳ nầy đều ước mong cũng như kỳ vọng.

Vo Luong Tho Tu Niem Phat Tong Vuong Duong Phat Giao38Vo Luong Tho Tu Niem Phat Tong Vuong Duong Phat Giao99Vo Luong Tho Tu Niem Phat Tong Vuong Duong Phat Giao111

 

Suốt chuyến hành trình dài gần một tháng rưỡi như vậy, dĩ nhiên là có nhiều chuyện buồn vui, chuyện không đâu đưa lại, chuyện tai bay họa gửi v.v… Nhưng tất cả đều thông cảm, đều tự nhận mình là con Phật thì chấp thủ làm gì, mà chúng ta phải xay nhuyễn những thứ cặn bã ấy thành những chất đề hồ để nuôi dưỡng thân tâm, lại càng được lợi lạc nhiều hơn. Nếu chúng ta chỉ ngồi đó mà trách móc hay đợi chờ phép mầu mang đến thì chắc rằng sẽ không bao giờ có được, mà chúng ta phải tự biến nỗi khổ đau thành an vui, hạnh phúc và những tục lụy của đời thường vẫn là những chất dưỡng sinh, giúp cho thân tâm của chúng ta được phát triển bình thường.

 

Dia Tang Khong Dau (16)Dia Tang Khong Dau (31)Hiroshima (31)
Hiroshima (17)


Xin niệm ân tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni trong Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ kỳ nầy. Quý vị đã nhọc nhằn cùng tôi kinh qua đoạn đường đi dài hằng mấy chục ngàn cây số và đã gặp không biết bao nhiêu là điều, giúp không biết bao nhiêu là việc cần giúp đỡ, nhưng quý vị cũng cảm thông bỏ qua tất cả cũng chỉ vì cái niệm Từ Bi và Lợi Tha là trên hết. Chúng tôi cũng xin tri ân những Đạo hữu Phật tử xa gần đã hết lòng với Tam Bảo, giúp cho nền đạo được hưng long ở nhiều hình thức khác nhau trong cuộc sống tâm linh của mình, mặc dầu ở bên kia song cửa sổ còn có không biết bao nhiêu sự khó khăn đang đợi chờ quý vị khi trở về với cuộc sống thế trần, nhưng hãy cố vâng theo lời Phật dạy và ứng dụng vào cuộc sống của mình thì trước sau gì cũng sẽ có sự đổi thay tốt đẹp hơn.

Nguyện cầu cho tất cả được an vui.

Viết xong Ký sự nầy vào chiều ngày 2 tháng 5 năm 2017 tại Tu Viện Viên Đức, Ravenburg thuộc miền Nam nước Đức.


Chương Trình Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ tại Hoa Kỳ và Canada 2018







HT Nhu Dien_Lao quoc (14)

CHƯƠNG TRÌNH

TU HỌC - HÀNH HƯƠNG 5 NƯỚC Á CHÂU NĂM 2017

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/06/2018(Xem: 6960)
Hành hương tâm linh Bhutan-Nepal-Ấn Độ TV Minh Quang tổ chức 19-03-2018 đến 04-04-2018
01/06/2018(Xem: 29996)
Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU sẽ được tổ chức tại Viet Bao Gallery, 14841 Moran St. Westminster, CA 92683, vào lúc 4:30--8:30 Chiều, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 6, 2018.
05/05/2018(Xem: 4368)
Tôi vừa đi chơi 2 tuần bên Tàu về. Vâng, tôi vừa thực hiện được ước mơ bấy lâu nay của tôi là đặt chân lên Vạn Lý Truờng Thành. Mặc dù ý thức được chuyến đi du lịch bên Tàu của tôi rơi không đúng thời điểm, tôi vẫn bắt buộc phải thực hiện điều này năm nay vì qua năm tới, về hưu, tôi sẽ không còn khả năng tài chánh, và có thể cả sức khỏe để làm được. Vợ chồng tôi đã ghi tên đi theo tour cùng với một số người Pháp. Điều gây ấn tuợng nhất đối với tôi qua chuyến đi này là phong cảnh hùng vĩ của nước Tàu và cái phồn vinh (giả tạo?) của các thành phố lớn, nhất là Shanghai.
01/05/2018(Xem: 13359)
Thông Báo Hành Hương Phật Tích Ấn Độ (2018)
02/04/2018(Xem: 24576)
Ngôi làng Nhật rực hồng mùa hoa anh đào Thường là nơi có hoa anh đào nở sớm nhất, Kawazu, cách Tokyo 2 giờ tàu thu hút hàng triệu du khách đến tham quan vào mỗi mùa xuân.
02/04/2018(Xem: 6602)
Hình ảnh ngôi đền thờ Kailasa ở Ellora Ấn Độ được đục khắc từ một khối đá duy nhất, Một trong những bí ẩn về ngôi đền cổ Kailasa, Ấn Độ khiến các nhà nghiên cứu bối rối trong nhiều năm qua là: Làm sao người xưa có thể tạo nên một kiệt tác từ đá núi như vậy chỉ với công cụ thô sơ trong khi con người của thế kỷ 21 còn khó mà thực hiện được?
04/01/2018(Xem: 5185)
Chúng tôi được cơ duyên trường Đại họcGautam Buddha University mời thuyết giảng với đề tài Đem Chân Thiện Mỹ qua Hình thức Chánh Niệm đến với Giáo viên, Học sinh và Học đường trong Hội nghị quốc tế về "Phật giáo: Các truyền thống, tư tưởng và bất đồng" từ ngày 7-9 tháng 9 năm 2017 tại Đại học Gautam Buddha. Trong dịp này chúng tôi có cơ duyên làm quên với một số Tăng Ni Việt Nam đang du học tại trường Đại họcnày. Chúng tôi có nhã ý mời quý Thầy Cô đi thăm viếng những thánh tích Phật Giáo nơi này, thế là sau buổi chia sẻ của mình. Chúng tôi được thuận duyên đi thăm Dharamsala, xứ sở của người Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ mà Ngài Dalai Lama, người đã định cư ở đây từ năm 1959 khi phải ly hương cố Quốc.
15/12/2017(Xem: 137867)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
29/11/2017(Xem: 6656)
Trong loạt bài Kể Chuyện Đường Xa lần này, người viết đặt thêm tên cho mục này Vòng Quanh Thế Giới, để có cùng tên với loạt phóng sự sẽ đưa lên tvtsonline.com.au với nhạc hiệu mở đầu của bài “Vòng quanh thế giới” người viết sáng tác gần bốn thập niên trước đây. Từ năm 1990, chúng tôi đã bắt đầu viết bút ký với chuyến đi Bangkok (Thái Lan) và loạt bài cuối cùng là chuyến du lịch Âu Châu vào năm 2015.
11/11/2017(Xem: 10772)
Tứ động tâm là bốn Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ, ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca. Tứ động tâm gồm: Lumbini (Lâm Tì Ni nơi Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển pháp luân-thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật nhập Niết bàn. Sở dĩ được gọi là động tâm vì bốn nơi này là Thánh địa rất linh thiêng, khiến cho khách hành hương bị xúc động, chấn động mạnh mẽ khi đến chiêm bái tại đây và từ đó tăng trưởng niềm tin, tinh tấn dõng mãnh hơn trong sự nghiệp tu tập.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]