Namo Sakya Muni Buddha
Theo Dấu Như Lai
Con trở về đây... theo dấu xưa
Ôi ! bao tha thiết nói sao vừa .
Lòng như mở hội ngày quê cũ
Nghe niềm hạnh phúc thoảng hương đưa..
Con trở về quê gặp lại Cha
Thôi làm du tử kiếp xa nhà.
Ưu Đàm thuở trước vừa tươi nở
Nơi lòng con trỗi khúc hoan ca.
Đây Vườn Lộc Uyển đạo hoằng khai
Tiếng gầm Sư Tử Hống Như Lai .
Ba nghìn thế giới còn rung chuyển
Ánh Sáng Đông Phương cứu vạn loài.
Bước đến Kỳ Viên một sớm mai
Sương đêm còn đọng lối hoa nhài.
Quỳ bên Hương thất dâng lời nguyện
Thôi bước trầm luân, tỉnh mộng say.
Lần lên Núi Thứu sớm tinh sương
Đất trời thanh khiết đến lạ thường !
Sau lưng rơi rớt bao phiền muộn
Vui nào hơn, cất bước siêu phương .
Văng vẳng bên trời Kinh Pháp Hoa
Quyện cùng chuông mõ sớm ngân nga.
Không gian phút ấy như ngừng đọng
Cho lòng con rộng mở, bao la...
Đoàn hành hương đến Bodh-gaya .
Hoa Đăng thắp nến đẹp chan hòa.
Bên Cội Bồ Đề hương khói quyện
Lòng vui.. sao mắt lệ nhạt nhòa.!.
Con trở về quê thỏa ước mơ
Từ lâu ấp ủ đến bây giờ.
Kiếp bèo trôi dạt từ vô thủy
Nay đời ấm cúng hết bơ vơ.
Con trở về đây dưới bóng Từ
Như vừa thức giấc cõi phù hư .
Trăm năm sương khói trần gian mộng
Sao bằng một bước hướng Chân Như....
Như Nhiên - Thích Tánh Tuệ
Hành hương Xứ Phật OCT -2017
Hành hương chiêm bái Tứ động tâm
Tứ động tâm là bốn Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ, ghi dấu bốn sự kiện trọng đại
trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca. Tứ động tâm gồm: Lumbini (Lâm Tì Ni
nơi Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển
pháp luân-thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật
nhập Niết bàn. Sở dĩ được gọi là động tâm vì bốn nơi này là Thánh địa rất linh thiêng, khiến cho khách
hành hương bị xúc động, chấn động mạnh mẽ khi đến chiêm bái tại đây và từ đó tăng trưởng niềm tin,
tinh tấn dõng mãnh hơn trong sự nghiệp tu tập.
Kinh Trường Bộ I (Đại Bát Niết Bàn), trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn đã có lời căn dặn như sau:
“Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda,
các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sanh,
đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô
thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm
bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng
chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.
Như vậy, theo lời dạy của Đức Phật, những ai có đủ duyên lành hành hương chiêm bái, đảnh lễ Tứ động
tâm thì được phước báo lớn. Đặc biệt, những vị hành giả nào trong và sau khi chiêm bái Thánh tích mà
thành tựu được tâm tịnh tín, tức lòng tin kiên cố không lay chuyển, bất động vào Tam bảo cùng với tâm
hoan hỷ, luôn vui vẻ và an lạc nhẹ nhàng, thì chắc chắn vị ấy sẽ được sanh vào các cõi lành. Đồng thời,
nếu những vị ấy phát tâm cầu giải thoát, thì việc chiêm bái Tứ thánh tích sẽ trợ duyên cho các hành giả
rất nhiều trong lộ trình tu tập, nhất là sự tinh tấn và nhiếp phục tâm.
Ngày nay, tại các Thánh tích này, mỗi ngày có rất nhiều chư Tăng và Phật tử ở khắp nơi trên thế giới
đến hành hương chiêm bái. Mặc dù các Thánh tích Phật giáo tại Ấn đã theo thời gian trở nên hoang phế
nhưng năng lượng tâm linh của Đức Phật và chư vị Thánh tăng ở những nơi ấy vẫn còn dào dạt, khách
hành hương cảm nhận được sự hộ trì của Tam bảo rất rõ ràng. Đặc biệt, tại Thánh địa Bodhgaya
(Bồ Đề Đạo Tràng) nơi Phật thành đạo dưới cội bồ đề, nhiều vị hành giả đã dừng chân khá lâu ở đây để
miên mật dụng công tu tập. Theo kinh nghiệm riêng của họ, được tu tập ngay trên Thánh địa là một phước
duyên, vì họ nhận được rất nhiều sức gia trì và hộ niệm của Đức Phật.
Như vậy, trường hợp của quí Đạo hữu Phật tử nếu hội đủ duyên lành hành hương chiêm bái Tứ động
tâm với tất cả sự khát ngưỡng của một cuộc hành trình tâm linh thì chắc chắn bạn sẽ gặt hái được
nhiều phước báu. Chính sự chuyển hóa nội tâm sau cuộc hành hương sẽ làm thay đổi quan niệm sống,
biết tỉnh thức trước tham ái, phiền não nên cải tạo được nghiệp lực. Một khi nghiệp nhân đã được thay đổi,
chuyển hóa theo hướng thiện lành thì nghiệp quả sẽ tốt đẹp, viên mãn ngay trong đời này và những đời sau.
Điều cần thiết phải thành tựu trong lúc hành hương là ngoài việc thành tâm chiêm bái, đảnh lễ với
hình thức bên ngoài thì trong tâm linh phải tiếp xúc và cảm nhận được sự gia trì và hộ niệm của Phật tổ.
Một người hời hợt, chỉ chú trọng hình thức, tâm không chí thành, hành hương về đất Phật như một cuộc
du ngoạn hay nghiên cứu lịch sử thì khó “động tâm” để thức tỉnh và chuyển hóa. Trong ý nghĩa đó,
nếu chưa hội đủ duyên lành để thực hiện một chuyến hành hương về đất Phật, chiêm bái và đảnh lễ bốn
Thánh tích thì chúng ta hãy hướng về Pháp thân. Pháp thân Phật có ở khắp nơi, chiêm bái và đảnh lễ
Phật bằng tâm thanh tịnh của chính mình cũng giúp chúng ta thành tựu phước báo vô lượng và nhận
được trọn vẹn sức gia hộ của chư Phật.
Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, chư Pháp hữu, quí Phật tử và toàn thể thành viên của chuyến
Hành hương '' Theo Dấu Như Lai '' kỳ 10 một số hình ảnh của cuộc hành trình Tâm linh trong
tháng 10 -2017 vừa được viên mãn. Nguyện cầu tất cả đều được vô lượng an lành trong hồng ân Tam Bảo.
Kính chúc ''cả nhà'' luôn tinh tấn trên lộ trình hướng về giải thoát, và mọi sự đều được tùy tâm mãn nguyện.
Xin chân thành tri ân.
Nguyện đem tâm thanh tịnh
Cầu pháp giới chúng sinh
Thoát ly luân hồi khổ
Phật đạo chóng viên thành.
With Metta
Thích Tánh Tuệ
Đoàn hành hương Theo Dấu Như Lai kỳ 9 chiêm bái Xá Lợi Phật
tại viện bảo tàng Quốc gia New Delhi
Lộc Uyển (鹿苑-Sarnath) còn gọi là Lộc Dã (鹿野-Mrigadava, vườn nai) là nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên
cho 5 anh em Kiều Trần Như (憍陈如-Koṇḍañña), kinh gọi là chuyển pháp luân. Vườn Lộc Uyển nằm cách thành
phố cổ Varanasi (Ba La Nại-菠羅奈) khoảng 10 km. Varanasi trước đây là thủ phủ của bang Uttar Pradesh, nay thủ
phủ dời về Lucknow. Tại đây có tháp Dharmarajika là một trong số những ngôi tháp dựng lên bởi vua Ashoka còn lại, mặc dù chỉ còn nền móng, vật liệu của tháp đã được di chuyển tới Varanasi để sử dụng làm vật liệu xây
dựng trong thế kỷ thứ 18.
Ta từ sinh tử về chơi - Ngồi trên chóp đỉnh mĩm cười với trăng
Thân ta là dãi đất bằng - Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông...
Thơ : TS Huyền Không
Thành Xá Vệ (舍衛-sa. śrāvastī pa. Savatthi) là kinh đô của nước Kiều Tát La (憍薩羅- Kosala), do vua Ba Tư Nặc
(波斯匿-Pasenadi) cai trị. Nơi đây có Tịnh Xá Kỳ Viên mà trưởng lão Cấp Cô Độc đã mua của thái tử Kỳ Đà (Jeta)
để làm nơi cư trú chính cho Đức Phật và các đệ tử. Về sau thái tử Kỳ Đà bị em là Tỳ Lưu Ly sát hại vì không ủng hộ
cuộc tàn sát dòng họ Thích Ca. Phật đã trải qua 25 mùa an cư kiết hạ tại đây. Cách tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana)
khoảng 5 km có một vườn xoài, đó là khu Đông viên Lộc Mẫu giảng đường (東園鹿母講堂-Pubbārāma Migāramātupāsāda), do nữ thí chủ Tỳ Xá Khư (毗舍佉-Visakha) cúng dường. Bà sống trên 120 tuổi, qua đời sau khi đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 60 năm. Trước cổng tịnh xá Kỳ Viên có một cây Bồ Đề cổ thụ đến nay vẫn còn, do tôn giả A Nan Đà
(阿難陀-Ānanda) trồng, chiết cành từ cội Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo. Savatthi ngày nay cũng nằm sát biên giới
Nepal- Ấn Độ, thuộc quận Shravasti, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow (thủ phủ của bang) 170km về phía bắc.
Vườn Lâm Tỳ Ni (藍毗尼-Lumbini) là nơi Phật đản sinh 佛誕生, ngày rằm
tháng 04 âm lịch gọi là ngày Phật Đản 佛誕 cũng tức là sinh nhật của Phật.
Lumbini nay là quận Rupandehi thuộc nước Nepal nằm cách biên giới với Ấn Độ khoảng 36 km.
Câu Thi Na (拘尸那-Kushinagar) là nơi Phật nhập Niết bàn giữa hai cây sa la (sa la song thọ- 沙羅雙樹).
Câu Thi Na là kinh đô của tiểu quốc Malla, một thị tứ nhỏ và nghèo nàn so với các nước hưng thịnh thời bấy giờ,
nhưng Đức Phật lại chọn nơi này làm nơi diệt độ với lý do liên quan đến tiền thân Ngài. Thời xa xưa, Câu Thi Na
là kinh đô của Chuyển Luân Thánh Vương 轉輪聖王 tên là Thiện Kiến 善見, một trong những tiền thân của Phật,
xưa cũng là một kinh đô hưng thịnh phú cường. Và cũng chính nơi đây, Ngài đã xả báo thân đến bảy lần.
Ngày nay Kushinagar là một thị trấn nhỏ khoảng 18.000 dân, thuộc quận Kushinagar, bang Uttar Pradesh.
Thành Tỳ Xá Ly (毗舍離-Vaisali), kinh đô của bộ tộc Licchavi, đây cũng là quê hương của
cư sĩ Duy Ma Cật (維摩詰-sa. vimalakīrti), là bối cảnh của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, nơi đây Phật từng
có lần làm phép tẩy trừ dịch bệnh cho dân chúng, cũng là nơi thành lập đoàn thể Tỳ Kheo Ni, đây là nơi
kết tập kinh điển lần thứ hai, là nơi Phật cư trú và hoạt động vào những năm cuối đời.
Xuất gia gieo duyên cho 18 vị Phật tử trên đỉnh Linh Sơn
Đại học Nalanda. Nalanda có nghĩa là “người trao trí tuệ”. Đó là một khu đại học rất quy mô của Phật giáo suốt từ
thế kỷ thứ V đến thế kỷ XII. Sinh thời Phật nhiều lần đến chỗ này, lúc đó thì chưa có đại học. Khi đi từ Vương Xá
đến Hoa Thị Thành (Pataliputta nay là thành phố Patna), Phật thường đi ngang Nalanda, dừng chân tại vườn xoài
của Pavarika và thuyết kinh tại đây. Tôn giả Xá Lợi Phất (舍利弗-sa. śāriputra) tịch diệt tại đây. Ngài Long Thọ
(Nagarjuna) cũng từng học tại Nalanda. Nalanda cách thủ phủ Patna 90km về hướng Đông nam, cách Vương Xá
khoảng 12km. Địa danh này ngày nay được xác định nằm tại ngôi làng Bada Ganon. Lúc thịnh thời , khu đại học
này từng được ghi nhận là có mười ngàn sinh viên và hai ngàn giáo sư. Nalanda bị hủy diệt, thiêu rụi hoàn toàn
vào năm 1193, khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của Bakhtiyar Khilji đánh phá nơi này.
Họ đã đốt phá trường học, tự viện và giết các Tăng sĩ ở đây. Sự kiện này cũng được xem là điểm mốc đánh dấu sự
suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ, mặc dù Phật giáo đã thực sự suy yếu trước đó một vài thế kỷ. Từ năm 1915
(trong suốt thời gian từ 1915-1937, và sau đó từ 1974-1982), Nalanda chính thức được khai quật tổng thể dưới sự
chỉ đạo của Hội Khảo cổ học Ấn Độ (Archaeological Survey of India), với sự tài trợ của Hội Royal Asiatic Society
của Anh. Nhiều nền chùa tháp được tìm thấy, nhiều di tích liên quan được phát hiện. Toàn khu vực Nalanda
ngày nay rộng vào khoảng 14 hecta. Tuy đã được khai quật nhiều, nhưng dựa theo ký sự của ngài Huyền Trang
thì những gì được biết đến chỉ là một phần nhỏ so với tổng thể của Nalanda xưa.
Chiêm bái và tu tập tại hang Thất Diệp, nơi 500 vị Thánh Tăng
kết kinh điển lần đầu tiên sau 3 tháng Phật Niết Bàn
Bồ Đề Đạo Tràng (菩提道場-Bodh Gaya) là nơi Phật thành đạo bên bờ sông Ni Liên Thiền
(尼連禪-Niranjana). Nay là một thành phố thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được coi là
thánh tích quan trọng nhất, nằm cách thủ phủ Patna của bang Bihar 96km, có tháp Đại Giác cao 52m.
Từ thiện- Phát quà cho 387 hộ nghèo tại làng Dugapur
cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 8 cây số.
Ý kiến bạn đọc
11/01/202002:40
Hoa Tâm
Khách
Cho con hỏi muốn đăng kí chuyến đi hành hương sẽ liên lạc với ai và số điện thoại nào ạ?