Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con đường đi đến giải thoát sanh tử

06/07/201618:27(Xem: 10577)
Con đường đi đến giải thoát sanh tử

Con đường
đi đến giải thoát sanh tử

Thích Như Điển

Khi tu học theo Phật Giáo, không ai trong chúng ta là không mong muốn đạt đến quả vị nầy, nhưng đường đi thì có trăm ngàn cách và sự thể hiện của hành giả phải như thế nào qua cách hành trì của mình để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát của mỗi người lại khác nhau. Đây là đề tài mà chúng ta cần nên mổ xẻ để định hướng cho lối đi nầy.

Niết Bàn cũng còn gọi là Vô Ngã hay cũng còn gọi là Hưu Tức, nghĩa là dừng lại tất cả mọi trạng thái của hơi thở. Niết Bàn không là một nơi chốn để đến hay để đi, mà Niết Bàn là một trạng thái không còn sanh diệt nữa. Do vậy khi đọc trong Kinh Nam Tryuền chúng ta thường hay thấy các vị A La Hán sau khi chứng Đạo thường hay tuyên bố rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, việc nào cần làm ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”. Tuyên bố một câu dứt khoát như vậy, có nghĩa là người ấy sẽ không còn bị sự sanh diệt chi phối nữa. Lời nầy cũng đã được Thái Tử Tất Đạt Đa khi sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni cách đây 2640 năm về trước, sau khi nói câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” và kế tiếp đó Ngài đi bốn hướng và nói 4 lần câu: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, việc nào cần làm ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”. A La Hán được định nghĩa là: Vô Sanh, Vô Học hay Sát Tặc. Nghĩa nào cũng có ý là không còn tái hiện nữa, dứt bặt mọi sự đến đi, còn mất hay đối đãi nữa. Nhiều vị đã chứng A La Hán ngay trong đời sống nầy, chứ không nhứt thiết phải chờ đến hơi thở cuối cùng, mới nhập vào trạng thái Vô Sanh. Do vậy Thiền Sư Nhất Hạnh thường nói rằng: “There is no way to Nirwana, Nirwana is the way”(không có con đường nào dẫn đến Niết Bàn, mà Niết Bàn chính là con đường). Ai đang thực hành con đường giải thoát sanh tử, thì người ấy cũng có thể nói rằng: “Họ sẽ được dẫn  đến Niết Bàn an lạc”.

Đại Thừa thì định nghĩa Niết Bàn khác hơn một chút. Ai không chấp thủ, không chấp ái và không chấp ngã, thì đó là Niết Bàn. Những gì là Thủ, là Ngã, là Ái …thì chúng ta đã học nhiều rồi, nhưng chúng ta đã liễu ngộ được chăng? Nói về chấp thủ, chỉ cho mình là đúng, còn kẻ khác thì sai. Câu chuyện bắt đầu như sau:

Một hôm hai Ông Bà già cãi với nhau và ai cũng bảo rằng người kia điếc, chứ còn mình thì không điếc và cái không điếc ấy mới là đầu đuôi câu chuyện.

-Ông mới là người điếc. Bà bảo thế.

-Không! Bà mới là người điếc. Ông hô lớn lên như vậy. Rồi một hôm Ông bảo Bà rằng:

-“Bà hãy đứng xa tôi 10 mét” và Ông bắt đầu gọi Bà đến ba lần, nhưng Ông chẳng nghe tiếng trả lời. Tiếp theo Ông đề nghị rằng:

-“Bây giờ mình nên đứng gần thêm chừng 5 mét” và gọi lớn tên Bà ba lần nữa, nhưng  Ông cũng  không nghe tiếng trả lời. Lúc ấy Ông nghĩ rằng: Bà nầy sao mà điếc quá vậy và Ông tiến gần đến cách Bà chỉ còn có ba mét nữa thôi. Sau khi gọi Bà lần thứ ba thì Bà trả lời Ông rằng: “Tôi đã trả lời Ông ba lần rồi tại sao Ông vẫn gọi hoài như vậy”…….(lời bàn xin để dành cho quý Vị)

Còn chấp Ngã thì như thế nào? Trong Kinh Tạp A Hàm có kể nhiều câu chuyện khi Đức Phật còn tại thế rất hay như sau: Một hôm Ngài a Nan bạch Phật rằng:

-Kính bạch Đức Thế Tôn! Con không biết thế nào là Ngã và thế nào là Ngã sở? Kính mong Đức Thế Tôn dạy cho.

Đức Phật từ tốn bảo Ngài A Nan rằng:

-Con hãy lấy hai bàn tay vỗ mạnh vào nhau, sau đó Đức Phật hỏi.

-Nầy A Nan, Con có nghe gì chăng?

-Bạch Thế Tôn, Con có nghe.

-Nghe gì?

-Bạch Ngài! âm thanh của hai bàn tay vang lên.

-Đúng vậy! Nhưng âm thanh ấy trước, trong và sau khi Ông nghe được thì nó ở đâu? Nó có hình tướng chăng?

-Bạch Thế Tôn, không! Con thấy âm thanh ấy trước đó nó không có và sau đó nó cũng chẳng đi về đâu cả.

Thế Tôn bảo rằng: Ngã cũng như thế ấy. Nó chẳng thật có như tiếng vỗ của hai bàn tay thôi.

-Còn Ngã sở là như thế nào? Bạch Thế Tôn.

Phật bảo: A Nan hãy nhìn bó củi kia có hình tướng chăng?

-Bạch Ngài, có.

-Ông hãy đem lửa đốt nó cho ta. Và sau khi Ngài A Nan đốt bó củi ấy đi rồi thì Đức Phật bảo rằng:

-Nầy A Nan, bó củi ấy bây giờ ở đâu rồi?

-Bạch Thế Tôn! Chỉ còn đống tro tàn, chứ không còn hình tướng là một bó củi nữa.

Cũng như thế ấy, Thế Tôn dạy rằng: “Lâu nay các Ông vẫn luôn cho rằng, cái nầy là của ta, cái nầy thuộc về ta, nó do ta làm chủ v.v… Nhưng cuối cùng mọi vật có hình tướng trên thế gian nầy đều không có tướng thật của nó. Thật tướng của vạn pháp là “Không”. Không ấy là Không gì cả, không ấy là hiện tượng đổi thay, nhưng mắt trần của chúng sanh duyên vào sự chấp Thủ, chấp Ngã và chấp Ái nên mới sinh ra như vậy. Ai không còn chấp ba món nầy, người ấy sẽ tận hưởng Niết Bàn an lạc ngay trong đời nầy.

Những câu chuyện nầy nhắc lại cho chúng ta thấy về Ngã và Pháp, chấp và không chấp cũng như pháp Duyên Sanh như sau:

Một hôm Ngài Asita đi khất thực ngoài làng. Ngài Xá Lợi Phất gặp Ngài Asita và hỏi rằng:

-Ngài tu theo pháp môn nào và Thầy của Ngài là ai vậy?

Thầy ta dạy ta rằng: “Tất cả các pháp đều do nhơn duyên sanh, tất cả các pháp đều do nhơn duyên diệt và tự tánh của các pháp là không”. Ngài Asita (A Thuyết Thị) trả lời như vậy.

Le khai mac An Cu Quang Duc ky 17 (69)Ngài Xá Lợi Phất sau khi nghe câu nói ấy liền chứng quả Tu Đà Hoàn liền, vì lâu nay ở trong phái ngoại đạo của Ngài, chưa có vị Thầy nào dạy được Ngài cách nhìn về vạn pháp như vậy và tiếp đó Ngài Asita bảo rằng:

Ta chỉ biết có vậy, còn Ngươi muốn hiểu thâm sâu hơn thì hãy đến với Thầy ta, chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sẽ dạy cho Ngươi thêm nữa. Sau đó Ngài Xá Lợi Phất về báo cho Ngài Mục Kiền Liên biết tin vui nầy và cả hai Ngài đều dẫn đệ tử của mình đến quỳ dưới chân Đức Phật để được xuất gia và làm những vị Tỳ Kheo chơn chính.

Qua những dẫn chứng trên, cho chúng ta thấy rằng: Muốn hiểu được Phật thì phải hiểu Pháp. Kẻ nào hiểu được Pháp thì kẻ ấy sẽ hiểu được Phật. Phật Pháp Tăng là ba ngôi báu, nhưng Pháp quan trọng hơn cả hai ngôi kia. Vì Phật ai cũng có thể thành, như Đức Phật đã từng dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Tăng ở vào một thời điểm cuối của kiếp hoại sẽ không còn nữa, nhưng Pháp ấy sẽ không bị lệ thuộc vào quá khứ, hiện tại hay vị lai, mà Pháp ấy vẫn luôn tồn tại trên thế gian nầy.

Pháp Duyên Sanh có nghĩa là: “Cái nầy sanh nên cái kia sanh, cái nầy diệt nên cái kia diệt và tự tánh của các Pháp vốn là không”. Ai hiểu và thực hành được điều nầy, kẻ ấy sẽ hiểu Phật và sẽ đạt đến được con đường giác ngộ, giải thoát, vốn không xa. Điều quan trọng ở đây là phải chứng thực nơi Pháp và phải tỏ ngộ nơi Pháp thì Phật Tánh, Chơn Tâm  và Đại Định mới hiển bày.

Xin đóng góp một bài ngắn cho Trường Hạ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi -Tân Tây Lan năm nay (2016) tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức ở Melbourne để góp phần xiển dương giáo lý Phật Đà trên vạn nẻo đăng trình của người con Phật xuất gia cũng như tại gia, dầu cho sống ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu nầy.

Viết xong vào ngày 30 tháng 4 năm 2016, tại Tu Viện Đức Mẹ Hiền, New Jersey, Hoa Kỳ.
Thích Như Điển

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/10/2010(Xem: 17227)
Ngày nay, khái niệm An cư kiết hạ không còn xa lạ với những người đệ tử Phật. Theo Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma (q.4) giải thích nghĩa lý an cư như sau: “Thân và tâm tĩnh lặng gọi là an. Quy định thời gian ở một chỗ gọi là cư”.
03/10/2010(Xem: 3126)
Tôi viết bài : “Tăng Sĩ và Chiếc Áo Cà Sa” cốt để nhắc nhở bổn phận tu học của mình trong mùa An Cư cũng như cả đời sống xuất gia và xin chia xẻ đến những ai quan tâm tìm hiểu về ý nghĩa của Y Phục Tăng Sĩ Phật Giáo.
26/09/2010(Xem: 5436)
Tinh thần hòa hiệp đoàn kết là ý nghĩa sống lành mạnh an vui, là tinh thần của một hội chúng biết tôn trọng ý niệm tự tồn và xây dựng vươn cao trong ý chí hướng thượng. Một con người đơn thuần, khó có thể hoàn thành một sự việc đáng kể dù rằng sự việc ấy cho chính bản thân mình, mà tất cả mọi sự thành công chúng ta đều phải hiểu rằng, trong đó có ý niệm của tập thể tham dự. Do động cơ con người thúc đẩy và cảm tính đối với tha nhân mà con người đã tiến lên sự xây dựng tốt đẹp cho chính mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]