Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Việt Nam Qua Các Khúc Quanh Lịch Sử Thời Đại

07/11/202206:43(Xem: 6323)
Phật Giáo Việt Nam Qua Các Khúc Quanh Lịch Sử Thời Đại


chuamotcot

Phật Giáo Việt Nam

Qua Các Khúc Quanh Lịch Sử Thời Đại

 

Phật Giáo đã có mặt trên quê hương Việt Nam kể từ thời bình minh dựng nước của 2000 năm trước. Từ thời ấy, các vị Tổ đức Thiền gia đã dày dạng, cần mẫn, gieo từng hạt giống, ươm từng hạt mầm để cây Phật giáo được ăn sâu mọc rễ, bám chặt vào lòng đất thắm, mà đơm bông, kết trái hiến dâng cho đời hoa thơm quả ngọt. Nhờ vậy, dân tộc Việt mới nếm được hương vị ngọt ngào của giáo Pháp, để rồi thực hành, áp dụng Phật Pháp vào đời sống của tự thân, gia đình, xã hội.

Tự thân thì biết xuất gia đầu Phật, quy y Tam bảo, giữ giới, ăn chay, tu nhơn hành thiện để trở thành những con người tốt, có đạo đức, lễ nghi. Đó chính là hạt giống để tác thành các bậc kỳ túc nơi chốn Thiền môn, làm rường cột ngôi nhà Phật giáo 2000 năm qua.

Gia đình thì có hiếu thảo, bổn phận với nhau trong mối tương quan của lẽ sống. Cha mẹ biết lo cho con cháu thành người tốt, có nhân có nghĩa. Và con cái thì có hiếu thảo, đức hạnh với hai đấng sinh thành.

Xã hội thì có lòng trung thành với nước non. Xây dựng một quê hương thái bình, thịnh trị, giữ yên bờ cõi, xóm làng, trong yên ngoài ấm. Tránh nạn binh đao, giữ lòng Từ Bi mà trị nước, an dân muôn thuở.

Chúng ta có cái nhìn xuyên suốt qua ba phạm trù ấy. Đời sống tự thân,  đời sống gia đình, đời sống xã hội bất phân ly đã kết thành một sức mạnh để hộ quốc, an dân, phò trì Đạo Pháp.

Bây giờ, chúng ta thử đọc một cách tổng quát quyển Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Toàn Tập của Nguyễn Lang, để có một cái nhìn xuyên suốt mà xâu kết lại một vài hình ảnh, dữ kiện đã kinh qua dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ lúc ban mai cho đến hôm nay.

 

Bối Cảnh Lịch Sử Thời Sơ Khai

 

Đọc vào các sử liệu, chúng ta biết Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ II, bằng những đoàn người đi buôn trên những con thuyền buồm xuôi theo gió mùa. Trong đoàn người thương buôn ấy, cũng có các nhà Sư đi theo để hoằng Pháp. Khi tàu buôn cập bến nơi mảnh đất Giao Châu thì các nhà Sư này cũng theo đó mà làm Phật sự, sinh sống từ lúc ấy. Bước lên mảnh đất mới, chắc hẳn sẽ tạo nên một nếp sống mới, một sinh hoạt mới, để phù hợp theo nền văn hóa của người dân bản xứ. Từ lĩnh vực học thuật, tín ngưỡng, cho đến giáo dục, tập quán, xã hội, v.v… thảy đều sinh động, dựng thành một xã hội Phật đầu tiên cho quê hương, dân tộc này, và quê hương, dân tộc này cũng đã dang rộng vòng tay đón nhận đạo Phật đầu tiên, như là một bầu không khí mới làm tươi mát, thăng hoa cho một đời sống tâm linh cao quý.

 

Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu

 

Đạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật Giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên.”(Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Toàn Tập, Chương I, tr 23)

Lời mở đầu của bộ sách lịch sử, đã khẳng định một cách minh nhiên rằng, Đạo Phật đã được truyền bá vào nước ta rất sớm, và cũng từ đó đã dựng thành một Trung tâm Phật Giáo Luy Lâu để làm Trung tâm hóa đạo, kiến lập niềm tin yêu Tam Bảo, là nơi chuyển tải giáo Pháp đến cho mọi tầng lớp người lúc bấy giờ, và tầng lớp người ấy đã trở thành đệ tử của Phật, phát tâm tu trì và hộ pháp thực vững chắc, như cây Phật giáo gốc rễ đã ăn sâu vào lòng đất, tỏa mát lá cành, che rợp một trời quê hương.

“Trung Tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của những Tăng Sĩ Ấn Độ. Các vị Tăng Sĩ này tới Việt Nam bằng đường biển, theo các thuyền buôn người Ấn. Nhưng trước khi các Tăng Sĩ Ấn Độ tới Việt Nam, thì các thương gia Ấn Độ cũng đã tới Việt Nam rồi và cũng đã mang theo sinh hoạt Phật Giáo tới xứ ta.” (Sđd., tr 25)

Các người buôn trên những thương thuyền ấy, có thể hiểu họ dừng chân ở lại mỗi lần là một năm, đợi cho gió mùa Đông bắc lại đến thì họ mới trương bườm quay về Ấn Độ. Trong thời gian lưu trú, họ có những sinh hoạt mang tính cá nhân, nhưng đã làm ảnh hưởng đến dân Việt thời bấy giờ. Những sự sinh hoạt ấy như Nguyễn Lang cho biết là: “Họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh và cúng dường những Pháp Phật nho nhỏ mà họ mang theo.” Từ những hình ảnh tinh tế này, cho ta một hiểu biết, hay một cái nhìn để thấu triệt được rằng, chính những người thương buôn này có thể đi trước một bước đối với chư sư người Ấn, đem đạo Phật vào quê hương Giao Chỉ lúc bấy giờ. Sự sinh hoạt nho nhỏ, thường nhật của họ lâu ngày đã dần thấm vào lòng người dân Giao Chỉ, và được xem như là món ăn tinh thần để nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Để rồi đến khi thực sự có hình thức sống của chư Tăng, hiện diện sinh hoạt nơi ấy thì niềm tin Phật được hòa quyện một cách thâm trầm gắn bó hơn, để ngày càng phát triển và tựu thành nền văn hóa Luy Lâu Phật Việt. Đây chính là cái nôi đã sinh ra và nuôi lớn Đạo Phật Việt để đồng hành với dân tộc.

 

Đạo Phật Giao Châu Trong Thế Kỷ Đầu Tây Lịch

 

“Sự thành lập Tăng đoàn, dịch kinh, sáng tác và làm chùa hẳn được thực hiện vào thế kỷ thứ hai. Trong thế kỷ đầu của Tây lịch sinh hoạt Phật ở Giao Châu, chắc chắn còn thô sơ lắm.” (Sđd., Chương II, tr. 14)

Một khi hạt giống đã được gieo xuống đất, có đầy đủ nhân duyên thì hẳn là mầm cây sẽ mọc lên, cành to, nhánh rộng và đơm bông kết trái. Sự thành tựu niềm tin trong đạo Phật của dân gian lúc bấy giờ qua các lĩnh vực:

  • Quan niệm về Phật: Được sự thân cận học hỏi giảng dạy, người Phật tử lúc bấy giờ đã biết được Phật là một đấng Giác ngộ. Một đức Thế Tôn có lòng Từ Bi ban vui cứu khổ luôn gần gũi với con người trong mọi thời mọi lúc, làm nơi quy ngưỡng, nương tựa cho tất cả chúng sanh. Bằng cách nhìn đó, mà trong tâm lúc nào cũng có Phật. Phật ở trong tâm. Trong tâm có Phật, hiểu một cách đơn sơ, chân thành. Chính vậy mà nhà nhà có thờ Phật, người người đều thắp hương, niềm tin Phật càng lớn mạnh.
  • Quan niệm về Pháp: Nghe những lời Phật dạy, rồi đem áp dụng vào đời sống tự thân, họ thấy có một niềm an vui hạnh phúc. Họ biết làm lành, lánh dữ, xem giáo pháp như liều thuốc chữa bệnh ưu phiền, thực hành giáo pháp để chứng đắc giáo Pháp. Như ngồi thuyền qua sông, vượt bờ mê qua bờ giác. Hay, nếu có ai đó chưa được hiểu một cách sâu xa thì ít ra giáo pháp cũng đã là nơi nương tựa bằng cái nhìn “Phật Pháp dân gian.”
  • Quan niệm về Tăng: Người dân nhìn chư Tăng lúc bây giờ rất đơn sơ, dễ gần gũi. Một người cạo bỏ râu tóc, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Dáng dấp hiền hòa từ tốn, thương người, giúp đời, không điều kiện. Từ đó đã tạo nên mối tương quan thắm thiết hơn giữa hai đời sống Tăng Sĩ xuất gia, và Cư Sĩ tại gia.
  • Quan niệm về nghiệp báo luân hồi: Bằng cái học Phật chân chất, hiền hòa, mà nghĩ rằng, mình sống mà biết hiền lành, thì sẽ gặp được nhiều quả tốt. Ăn ác, ở ác thì kết quả chẳng được bình yên. Và cứ thế mà dàn dựng nên một đời sống đạo đức dân gian, theo giáo lý nhà Phật, ăn hiền ở lành.
  • Quan niệm về Từ Bi Hỷ Xả: Con người sống phải biết cho tình thương, và cứu đi nỗi khổ. Phải biết vui vẻ với mọi người và buông bỏ mà không trói buộc. Từ quan niệm này, mà người dân càng gần gũi với đạo Phật thời ấy hơn nữa. Đây, một vài hình ảnh tiêu biểu trong cộng đồng Phật tử thời bấy giờ.


Điều mà chúng ta rất cần quan tâm, để ý một cách cẩn trọng ấy là Bộ Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Bộ Kinh có mặt đầu đời của dòng lịch sử Phật Việt. Bộ Kinh này do hai ngài Ca Diếp Ma Đăng và Trúc Pháp Lan thỉnh về từ Thiên Trúc, chở trên lưng con bạch mã, được dịch và lưu hành từ thuở ấy. Nhưng cho đến nay thì nội dung đã được thêm vào nhiều tư tưởng Thiền đượm màu của chư Tổ: “Pháp của Ta và quan niệm cái vô niệm, thực hành cái vô hành, nói cái vô ngôn, tu cái vô tu, chứng cái vô chứng.” (Ngô Pháp niệm vô niệm niệm, hành vô hành hành, ngôn vô ngôn ngôn, tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng.) Hay có một tư tưởng khác, tư tưởng Thiền Đại Thừa: “Ta phải niệm nghĩ gì? Niệm nghĩ tới Đạo. Ta phải hành gì? Hành Đạo. Ta phải nói gì? Nói về Đạo.” (Sđd., tr. 55).

Không phải cho tới bây giờ, Pháp môn tu thiền được nhiều người hâm mộ mà kể từ thời Khương Tăng Hội, Thiền Tổ của Phật Giáo Việt Nam đã được khởi xướng, thịnh hành đối với cộng đồng Phật giáo thời ấy: “Thiền học Việt Nam khởi đầu bằng Khương Tăng Hội vào đầu thế kỷ thứ ba. Không những Khương Tăng Hội là sáng tổ của Thiền Học Việt Nam, ông cũng còn phải được xem là người đầu tiên đem Thiền học phát huy ở Trung Hoa nữa.” (Sđd). Từ mấu chốt lịch sử này, trải dài qua các bối cảnh tư tưởng của các tông phái Thiền, Tịnh, Mật trên dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

  • Bối cảnh tư tưởng của Tỳ Ni Đa Lưu Chi: “Cuốn Kinh đầu tiên mà Tỳ Ni Đa Lưu Chi phiên dịch là Kinh Tượng Đầu Tinh Xá, một Kinh có tính chất Thiền học và mang màu sắc của văn hệ Bát Nhã. Kinh này nói về bản chất của giác ngộ, tức là bồ đề. Đây là một vài đoạn chọn trong những đoạn quan trọng nhất của kinh.” (Sđd., tr. 115)
  • Kinh Tượng Đầu Tinh Xá nội hàm yếu tính phá chấp của văn hệ Bát Nhã, do được tu tập và thấm nhuần yếu tính ấy mà vua Lý Thái Tông đã làm bài thơ trong tán Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi:

“Hạo hạo Lăng Già Nguyệt

  Phân phân Bát Nhã Liên

  Hà thời đắc tương kiến

 Tương dữ thoại trùng Huyền?”

 

Dịch:

Trăng Lăng Già vằng vặc

Sen Bát Nhã ngạt ngào

Bao giờ được tương kiến

Đàm đạo huyền cùng nhau?

  • Tư Tưởng Pháp Thuận Thiền Sư: Làm ông lão đưa đò, Thiền Sư Pháp thuận đã giúp vua Lê Đại Hành trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ đưa Lý Giác, sứ Tàu sang sông:

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Bạch mao phô lục thuỷ

Hồng trạo bãi thanh ba.”

 

Dịch:

“Song song ngỗng một đôi

Ngửa mặt ngó lên trời

Lông trắng phơi dòng biếc

Sóng xanh chân hồng bơi.”

 

Đọc vào lịch sử, chúng ta thấy những chặng đường lịch sử Phật Giáo Việt Nam không thể tách rời dòng lịch sử dân tộc Việt Nam. Hai dòng lịch sử đã hòa quyện với nhau, có thể nói cùng sống chết với nhau, cùng đồng hành với nhau như là con chim có đôi cánh. Khi Vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Thiền sư Pháp Thuận trả lời:

 

“Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.”

 

Dịch:

“Vận nước như dây quấn

Trời Nam ôm thái bình

Đạo đức ngự cung điện

Muôn xứ hết đao binh.”

  • Tư Tưởng Vạn Hạnh Thiền Sư: Chuyên tâm tu tập, chứng đắc đạo Thiền, nhưng không xa rời đời sống xã hội, Thiền sư đã nỗ lực hộ quốc an dân qua cuộc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngai vàng giữ yên bờ cõi, đem đạo giải thoát, giác ngộ đến cho muôn dân thanh bình, thạnh trị. Tự thân chứng ngộ làm Tổ Sư Thiền, còn lưu lại bài kệ cho ngàn vạn đời sau:

“Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy, vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”

 

Dịch:

“Thân như sấm chớp, có rồi không

Cây cối xuân tươi, thu héo hon

Nhìn cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi

Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng.”

 

Dòng lịch sử cứ tiếp nối, rồi lại tiếp nối, tiếp nối không ngừng. Tiếp nối trên hai phạm trù: dữ kiện lịch sử và con người lịch sử, mà triều đại nào cũng có, hoàn cảnh lịch sử nào cũng có. Dù thịnh, dù suy thì dữ kiện lịch sử vẫn còn đó và con người lịch sử vẫn là chứng nhân của lịch sử để tô đậm chiều sâu và bề dày lịch sử. Như “những ngày cuối” của Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng Phật Tổ, đã truyền trao công việc lãnh đạo Giáo Hội Trúc Lâm cho Pháp Loa Tôn Giả:

“Ngày tết, uỷ Pháp Loa Trú Trì Chùa Báo Ân.

Tháng tư: Kết Hạ ba tháng tại chùa Vĩnh Nghiêm, ủy Pháp Loa trú trì luôn cả chùa này. Giảng Truyền Đăng Lục cho đại chúng. Thỉnh Quốc Sư Đạo Nhất giảng Kinh Pháp Hoa…” (Sđd., tr. 308)

Thầy truyền xuống cho học trò lớn. Sư huynh truyền xuống sư đệ. Đây chính là lịch sử Tổ Tổ tương truyền. Hay Tổ Ấn Trùng Quang đời đời không dứt. Dòng chảy của Giáo Hội Trúc Lâm truyền từ tổ Trúc Lâm Đầu Đà xuống đệ tử Pháp Loa Tôn giả, rồi Pháp Loa Tôn Giả truyền xuống cho Huyền Quang Tôn Giả đệ Tam Tổ: “Những điều mà Trúc Lâm Điều Ngự nói, nhà ngươi quên hết cả rồi sao? Huyền Quang nghe nói thế từ đó theo sát bên mình Pháp Loa để tham học.” (Sđd., tr. 340)

Cho đến bây giờ, hàng Phật tử chúng ta có một số là đệ tử của Môn Phái Liễu Quán, như bao nhiêu Môn phái khác. Được quy y, thọ giới thành người Phật tử, kể cả xuất gia lẫn tại gia, theo mỗi dòng kệ của Tổ. Điều này chứng tỏ, trên tinh thần tu học, chúng ta phải có Tổ có tông, phải có cội nguồn, gốc gác. Chính tinh thần Tổ Tông, cội nguồn gốc gác là chánh lý, là yếu tính tất nhiên như thị.

Tổ Liễu Quán thuộc đời thứ 35 dòng Lâm Tế. Bài kệ truyền Pháp như là:

“Thật Tế Đại Đạo

Tánh Hải Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Đức Bổn Từ Phong

Giới Định Phước Huệ

Thể Dụng Viên Thông

Vĩnh Siêu Trí Quả

Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý

Diễn Xướng Chánh Tông

Hành Giải Tương Ưng

Đạt Ngộ Chân Không.”

 

Dịch:

“Đường lớn thực tại

Biển thể tính trong

Nguồn tâm thấm khắp

Gốc đức vun trồng

Giới định cùng tuệ

Thể dụng viên thông

Quả trí siêu việt

Hiểu thấu nên công

Truyền giữ lý mầu

Tuyên dương chính tông

Hành giải song song

Đạt ngộ chân không.” (Sđd., tr. 603)

 

Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Toàn Tập còn cho thấy quá nhiều những dữ kiện lịch sử, những biến đổi của thời cuộc: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, các triều đại nhà Nguyễn, Phật giáo ở đàng trong, Triều đại đệ nhất, đệ nhị Cộng Hoà, và bây giờ, sau năm 1975, nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Phật Giáo đã có lúc lên ghềnh, khi xuống thác vận nước lênh đênh, nhưng không bao giờ chết.

 

Nhà Sư Nặng Tình Với Quê Hương, Dân Tộc, Đạo Pháp, Tuổi Trẻ

 

Hôm nay, Tuệ Sỹ, tên người Viễn Mộng, của đoạ đày, của tóc trắng bơ vơ, của mắt xanh mòn mỏi, của đợi chờ nơi quán trọ, trên đỉnh Trường Sơn, giữa dòng sông nhuộm nắng.

 

“Ngược Xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về.”  

 

Hòa Thượng Tuệ Sỹ, một nhà Sư nhiều tình cảm quê hương dân tộc, đạo Pháp, tuổi trẻ… Những tình cảm này đã nung nấu và đốt cháy tâm tư, để cất lên thành lời thơ bất hủ, Khung Trời Cũ:

 

 “Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ.

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.”

 

Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.

Ý thức dân tộc là văn hóa tự tồn, độc lập tạo thành một sức mạnh kiên cường dân chủ, là người Việt Nam máu đỏ da vàng, mũi tẹt mắt nâu, thì nguyện sống hòa quyện trong tình tự tồn dân tộc đó. Dòng máu của mình là dòng máu của dân tộc. Tế bào của mình là tế bào của dân tộc. Hơi thở của mình là hơi thở của dân tộc. Do vậy nguyện sống giữa lòng con dân nước Việt, dù nghiệt ngã điêu tàn. Dù bị kết án tử hình, hay khổ sai chung thân, không cúi đầu lùi bước, mà còn cất cao khí thái của bậc Đại Hùng, vô uý:

 

Con người sống hai thế kỷ,

Đầu hói mắt sâu sáng quắc

Cổ cao vai gầy

Trông giống Hạt già đi đêm

Bằng đôi chân lêu nghêu

Dẫm xuống nền đất bùn lầy lội

Lũ ếch nhái cua còng hoảng sợ

Lặng thinh thiêm thiếp cúi đầu

Ngồi đó, đối diện với chính mình

Đếm thời gian đi qua từng đốt tay

Bụi đường mệt mỏi

Bên dốc lưng đèo

Tối ngủ chèo queo

Dưới lòng sư tử đá

Trong miếu cô hồn

Hương tàn khói lạnh

Người gầy, mỏng lép cọng lau

Uống sương đêm làm nước

Ăn ánh sáng mặt trời

Mặc lá rừng làm áo

Chân mang dép cỏ gầy hao

Lang thang biển đời mấy độ

Vai mang tinh thể trăng sao

Đền ơn công người cứu sống

Giữa rừng già trong bóng hoàng hôn

Người ơi, trăng khuyết lại tròn

Núi cao, rừng thẳm, biển còn xanh lơ

Sóng rì rào, người bước chân trên cát

Vẽ thành vết tích thời gian

Âm ba đồng vọng cung đàn

Nốt trắng, nốt đen ngập ngừng khoan nhặt

Để hôm nay, thành người thế kỷ

Chứng tri cho nấm mồ hoang tàn.

Hởi! Người tù hai thế kỷ.

Ngẩng cao đầu không rên rỉ xin vang

Mặc cho chúng nó vỗ bàn

Hét la ầm ĩ

Im lặng an nhàn.

Người nói:

“Không ai có quyền xét xử tôi.

Không ai có quyền ân xá tôi.”

Mỉm cười đôi môi, người gầy thế kỷ

Ngắm trăng ngàn

Giấc mộng thoáng qua

Tháng ngày lặng lẽ la đà

Hóa thành thần tượng

Một toà sáng trưng.


ht quang do-ht tue sy-2





 

Một tòa sáng trưng, sáng như viên ngọc quý của dân tộc Việt Nam của Đạo Pháp Việt Nam như học giả Đào Duy Anh đã nói.

Xiển dương Đạo Pháp như trái tim nóng đẩy máu đến khắp toàn thân, để nuôi sống từng làn da, thớ thịt. Đạo Pháp là lý tưởng tối thượng, là tiêu chí tột cùng, phải hy hiến đời mình để phụng sự, không phân biệt màu da, chủng tộc, giới tính, địa dư, từ trong nước, Thầy viết thư kêu gọi, vận động tinh thần phụng đạo, tiếp nối con đường hoằng Pháp của lịch Đại Tổ Sư, gửi ra hải ngoại, kêu gọi tứ chúng đệ tử Phật ngồi lại với nhau để giữ gìn kỷ cương nề nếp mà chư vị kỳ túc, Tôn sư đã đề bạt ra nhưng chưa hoàn tất. Thầy lập Hội Đồng Hoằng Pháp, rồi Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời. Trong ý thức: “Hoằng Pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” mà tứ chúng đệ tử Phật đã hoan hỷ tùy thuận. Trong một tâm thư của Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Tuệ Sỹ viết: “Những gian nan khổ nhọc trong chiến tranh khói lửa, những ức chế bởi thế lực cường quyền một thời, chư Tôn giả ấy, đã viết lên trang sử dày những công trình văn hóa giáo dục, không dày với những đấu tranh bạo lực. Hàng hậu bối, thế hệ tiếp nối, bằng ý chí, bằng tâm đức, bằng trí tuệ, như thế nào để kế thừa di sản cao quý ấy, để phát huy tinh hoa dân tộc ấy?”

Nửa thế kỷ đất nước hòa bình, nhưng dân tộc thì không hòa bình. Nửa thế kỷ Đạo Pháp trùng hưng, nhưng Tổ Ấn không trùng quang. Làm sao để thực hiện ý chí thi thiết giáo luật của Đức Thế tôn, hóa giải những xung đột trong Tăng, bằng biện pháp cuối cùng là “như thảo phú địa.”

 Sau khi ổn định cơ cấu tổ chức của Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa Thượng Tuệ Sỹ tiến tới thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời. Hòa Thượng Tuệ Sỹ viết: “Thánh điển Tam Tạng là nguồn suối cho tất cả nhận thức về Phật Pháp, để học tập và hành trì, cũng như để nghiên cứu. Kinh Tạng và luật tạng là tập đại thành Pháp và luật do chính Đức Phật giảng dạy và quy định, là sở y cho tri thức và hành trì của Thánh đệ tử để tiến tới thành tựu cứu cánh Minh và Hành. Kinh và luật cũng bao gồm những diễn giải của các thánh đệ tử được thân truyền từ Kim Khẩu của Đức Phật.”

Như vậy, về lĩnh vực Đạo Pháp, Hòa Thượng Tuệ Sỹ đã biểu tỏ một năng lượng sung mãn, làm động cơ thúc đẩy Chư Tăng Ni từ trong nước ra đến hải ngoại hãy đứng lên, đi bằng đôi chân của chính mình mà hoàn thành trọng trách trong ý thức: “Tác Như Lai Sứ, hành Như Lai Sự.” Như dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam 2000 năm qua đã chứng minh.

Tiếp sức một năng lượng cho tuổi trẻ - thế hệ kế thừa: Hòa Thượng Tuệ Sỹ viết trong thư gửi các Tăng sinh Thừa Thiên-Huế: “…Cầu mong các con có đủ dũng mảnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình …”

Sự ân cần, nhắn nhủ bằng tâm huyết của Hòa Thượng đối với thế hệ trẻ. Một thế hệ có nhiều tương lai, đầy sức sống mãnh liệt. Nếu có một tuổi trẻ nào đọc được “Thư gửi” này mà thẩm thấu được tâm nguyện của Hòa Thượng, và thực hành theo, để gìn giữ chí nguyện xuất trần của người xuất gia thì quả thật là niềm tự hào không đơn lẻ. Hiện tại, bây giờ và tương lai sắp đến có cả một thế hệ ý thức để cùng chung lưng đấu cật, thể hiện tâm nguyện hay thừa sự phụng hành trên bản thể độ sanh. Điều mà Hòa Thượng muốn nói cho tuổi trẻ hôm nay là có biết thương yêu quê hương dân tộc hay không, có biết nhớ một thuở sơ tâm xuất gia hay không, hay là cũng như bao nhiêu người khác mải mê gấm vóc lụa là, bằng một hình tướng lầu son gác tía để lặn hụp trong ao bùn danh vọng, truỵ lạc của thế tục thì quả là lạc hướng, vong thân của một đời xuất gia, tu Phật: “Các con hãy tự hào, với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi mãi đứng thẳng trên đôi chân của chính mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.”

Xây dựng thế hệ trẻ là tổ chức cho một lớp người trong tương lai có tầm nhìn và chỗ đứng vững chắc. Tầm nhìn trên phẩm tính chánh kiến, chánh tư duy…Thấy đâu là đúng, đâu là sai để nhận và bỏ theo chánh Pháp. Quả thật đây là một tâm hồn lớn. Tâm hồn kẻ sĩ thấu triệt các pháp thế gian, mà gióng lên tiếng trống Pháp vang rền để cảnh tỉnh cho tuổi trẻ còn đam mê bóng đêm, dập vùi trong các sắc thái của thế tục, mà ngẩn cao đầu với niềm tự hào trên dòng lịch sử của lịch đại Tổ Sư 2000 năm qua. Chỗ đứng bằng đôi chân của chính mình không quỵ lụy mà thẳng bước tới, đạp đổ gông cùm, xiềng xích, đi trên danh vọng huyễn hoặc. Chỗ đứng không vì cặn bã của thế tục mà đứng. Bước tới không vì miếng mồi ngon đang giăng nhử mà bước tới. Bằng khí khái của bậc xuất trần thượng sĩ, Hòa Thượng nhắn nhủ: “Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại, một đức tin dõng mãnh vô uý, nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càng theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài, nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.” Thẩm định để rồi giao phó, khơi sáng niềm tin để tuổi trẻ tự tin trên tiến trình hộ pháp, hộ dân, hộ quốc cho hôm nay và ngàn sau.



ht quang do-ht tue sy-2019




 

Thừa Tiếp Trọng Trách ‘Tổ Ấn Trùng Quang’

 

Thừa tiếp trọng trách trên tiến trình Tổ Ấn Trùng Quang: ủy thác quyền điều hành Giáo Hội cho Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Trong Quyết Định số T4/QĐ/TT/VTT của Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống ghi rằng:

“Căn cứ vào Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất bản tu chính lần cuối qua ngày 04 tháng 12 năm 2015.

Với lý tưởng hòa bình bất bạo động của Giáo lý Đức Phật, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời năm 1964 với lập trường kiên định và thuần khiết là để phụng sự nhân sinh và Dân tộc, vì vậy vận mệnh của Giáo Hội tùy thuộc vào vận mệnh của Dân tộc. Đất nước Việt Nam sẽ thoát qua cơn quốc nạn và pháp nạn, không thể nào đứng ngoài quy luật tất yếu của thịnh suy.

Nay Quyết Định

Điều hai: Thỉnh cử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay tôi đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống, bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủy thác trọng trách này cũng như trao toàn quyền cho Hòa Thượng Tuệ Sỹ điều hành mọi hoạt động của Giáo Hội.

Chùa Từ Hiếu, Sài Gòn ngày 24 tháng 05 năm 2019

Tức ngày 20 tháng 04 năm Kỷ Hợi

Đệ Ngũ Tăng Thống

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Sa Môn Thích Quảng độ

Ấn Ký”

 

Hòa Thượng Tuệ Sỹ tiếp nhận sự ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống một cách nghiêm minh theo dòng lịch sử luôn tuôn chảy, cuốn phăng và đẩy tới mọi rác rến dẫy đầy. Đẩy tới đâu? Đẩy vào biển thệ của Như Lai, hòa tan vào Đại Hải thanh tịnh. Không còn nhơn ngã phù trầm, nên hư tốt xấu, như là ảo ảnh của áng mây trôi, chợt tan rồi hợp. Chợt biến rồi thành. Sinh diệt vô tung. Đến đi tự tại. Bánh xe lịch sử tiếp tục lăn và nghiền nát tất cả chướng vật phía trước. Dù nhỏ dù to. Dù lớn dù bé tan thành tro bụi, trong tiếng gầm thét của tiếng xe lăn, dệt thành một trang lịch sử mới. Trang lịch sử đầy máu và nước mắt. Trang lịch sử đầy sự tù đày và lao ngục. Bao nhiêu sự biến thiên của thế quyền nghiệt ngã, nhơn tâm mạc trắc. Huynh đệ tương tàn. Cha con ly tán. Nhơn nghĩa đã phôi pha. Tình người chỉ trong chiếc túi vơi đầy. Bạc như vôi, lạc như nước ốc.

Qua từng khúc quanh của dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam 2000 năm, không thiếu sự đau thương và tủi nhục. Nhưng đau thương và tuổi nhục nào cũng được sang bằng qua tấm lòng Từ Bi và Trí Tuệ Hùng Lực. Chất liệu Từ Bi và Trí Tuệ này đã nuôi lớn chí nguyện phụng sự cho đạo cho đời dù phải đốt thân mình làm ngọn đuốc từ bi soi sáng lương tri cho các thế lực vô minh tăm tối, cũng không từ nan. Các bậc Kỳ Túc nhà thiền ấy đã biểu hiện hạnh nguyện độ đời kham nhẫn thật đẹp. Tuyệt đẹp như từng bước đi của Tượng Vương quay về lối xưa. Như tiếng rống vang rền của sư tử chúa:

 

“Sư tử hống thời phương thảo lục

Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng.”

 

Chắp tay, cúi đầu y giáo phụng hành như lễ nghi trong chốn nhà Thiền.

 Trong Thư Khâm Thừa Quyết Định của Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, Hòa Thượng Tuệ Sỹ đã viết rằng:

Ngưỡng bạch Chư Tôn Hòa Thượng,

Khâm thừa quyết định của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, tôi Tỳ Kheo Thích Tuệ Sỹ, tự xét chướng thâm huệ thiển, nhưng Tổ giáo nghiêm, vô khả nại hà, nay phủ phục đê đầu phụng chỉ…

Thị ngạn am, PL 2563

Tháng 03, ngày 15

Tuệ Sỹ (ký tên)”

 

Gió vẫn thổi, bầu trời vẫn sáng, có hạt bụi nào rơi trong mắt ai, ngàn năm mây trắng. Chim hoàng oanh hót trên cành liễu, la đà đong đưa theo ngàn hoa nội cỏ, tưng bừng khoe hương tỏa sắc đón một mùa xuân mới.

 

“Chư Pháp tùng bản lai

Thường tự tịch diệt tướng

Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng oanh đề liễu thượng.”

 

Chứng tích qua những khúc quanh lịch sử Phật Giáo Việt Nam là những dấu ấn in sâu vào tâm thức của những người con Phật, là những động lực cho chúng ta hãy đứng dậy và bước tới trong sứ mệnh thượng cầu hạ hóa, trong ý thức tự tồn của lẽ sinh diệt, diệt sinh ngàn đời chẳng di dịch.

 

“Nằm ôm một bóng trăng gầy

Vai nghiêng tủi nhục hờn lay mộng tàn

Rừng sâu mấy nhịp Trường Sơn

Biển Đông mấy độ triều dâng ráng hồng

Khóc tràn cuộc lữ long đong

Người đi còn một tấm lòng đơn sơ?

Máu người pha đỏ sắc cờ

Phương trời xẻ nửa giấc mơ dị thường

Quân hành đạp nát tà dương

Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.”

 

Ý thức trong trách nhiệm và bổn phận như nắng ấm làm đẹp lá hoa, rừng xanh và nước biếc. Dang tay ôm ấp một thứ tình; tình mùa Đông giá lạnh, như nuôi dưỡng được cội mai già khẳng khiu, gầy guộc, để cho những đóa mai vàng làm đẹp cuộc đời. Cho những ai bị hụt hẫng, trơ vơ, đây bàn tay hãy nắm lấy. Đây bờ vai hãy dựa cho vững chắc và ấm êm để nghe lòng thì thầm cảm ơn đất trời man nhiên như thị.

 

“Vác cuốc xuống chân đồi

Nắng mai hồng đôi môi

Nghiêng vai hờn tuổi trẻ

Máu đỏ rộn bên trời

 

Sức yếu lòng đất cứng

Sinh nhai tủi nhục nhiều

Thân gầy tay cuốc nặng

Mắt lệ nóng tình yêu

 

Thầy tóc trắng bơ vơ

Con mắt xanh đợi chờ

Đèn khuya cùng lẻ bóng

Khúc ruột rối đường tơ

 

Tuổi Thầy trong cánh hạc

Cánh hạc vẫn chốc mòng

Mắt con mờ ráng đỏ

Ráng đỏ lệ lưng tròng

 

Chân đồi xanh luống cải

Đời ta xanh viễn phương

Sống chết một câu hỏi

Sinh nhai lỡ độ đường.”

 

Rồi có lúc nào đó trên con đường dài sinh tử, ta có dừng chân đứng lại để ngắt một bông hoa nơi ven triền đồi, trên cánh đồng lúa vàng rì rào trong gió, mà thoảng nghe lòng thì thầm, như là một chứng nhân lịch sử của kiếp nào đang sống lại trong ta.

 

San Diego, California

Ngày 25 tháng 10 năm 2022

Thích Nguyên Siêu

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/01/2022(Xem: 8333)
Đại Bảo tháp tại Sanchi được kiến tạo vào thời trị vì của vị minh quân thánh triết Ashoka, nhân vật vĩ đại trong lịch sử của Ấn Độ, vị vua Phật tử hộ trì chính pháp Phật đà, người đã có công trải rộng và phát triển giáo pháp đức Phật trong suốt những năm ông ta trị vì; và luôn luôn mong mỏi được truyền bá khắp 5 Châu 4 bể. Một cấu trúc vòm bằng gạch, được xây dựng theo kiểu mẫu vũ trụ Phật giáo. Xuyên qua tam vòng tròn là một cột trụ vươn lên, qua đỉnh vòm, tượng trưng cho cột đỡ vũ trụ. Trên cùng của nó là 3 đĩa tròn, biểu thị Tam bảo (ba ngôi báu, Phật, Pháp, Tăng), được xem là một trong những khu kiến trúc bằng đá cổ nhất Ấn Độ, những di tích Phật giáo tại Sanchi là những miêu tả kinh điển cho nghệ thuật và kiến trúc của triều đại Maurya dưới hình thức Bảo tháp (Stupa), những ngôi tự viện linh thiêng của đạo Phật.
04/01/2022(Xem: 4986)
Ngôi già lam cổ tự Ta Som (tiếng Khmer: ប្រាសាទតាសោម), ngôi chùa nhỏ ở trong quần thể Thánh địa Phật giáo Angkor, Vương quốc Phật giáo Campuchia, được kiến tạo vào cuối thế kỷ 12 cho Quốc vương Jayavarman VII (tại vị: 1181-1215?). Ngôi già lam cổ tự tọa lạc tại dông bắc của Angkor Thom và ngay phía đông của Neak Pean ("con rắn quấn") tại Angkor, một hòn đảo nhân tạo với một chùa trên một đảo hình tròn ở Preah Khan Baray được xây trong thời kỳ trị vì của đức Quốc vương Jayavarman VII vị anh minh Phật tử hộ pháp Đại thừa Phật giáo, vị vua thần hộ trì chính pháp đầy nhân ái, người đã xả thân lưu lại trần gian vì lợi ích của muôn dân. Đức Quốc vương Jayavarman VII còn có công xây dựng vô số bệnh viện khắp đất nước Campuchia.
30/12/2021(Xem: 3353)
Không phải lúc nào cũng được xem là nghệ thuật như bối cảnh ban đầu vốn có, các hiện vật mà bây giờ chúng ta phân loại là “nghệ thuật Phật giáo” (Buddhist art), mặc dù có được kỹ thuật thủ công tuyệt xảo và tính thẩm mỹ sâu sắc, chúng được tạo ra với mục đích tôn nghiêm thờ phụng, sinh hoạt văn hóa tâm linh và tích lũy công đức. Giống như nhiều thuật ngữ chính của Phật giáo bị hiểu sai ở phương Tây, thì hình ảnh Phật giáo cũng vậy. Trên thực tế, việc lạm dụng hình tượng Đức Phật trở nên tràn lan, đến nỗi cộng đồng Phật giáo ở Bangkok, Thái Lan cảm thấy cần phải đặt dấu hiệu cảnh báo trên khắp thành phố để giáo dục du khách thập phương rằng "Đức Phật không phải để trang trí" (Buddha is not for decoration) một cách lạm dụng
22/12/2021(Xem: 4402)
Hindustan Times khẳng định, Đoàn nhà khảo cổ học người Ý và các nhà khai quật Pakistan đã khai quật ngôi già lam cổ tự 2.300 tuổi tọa lạc tại Quận Swat, Thung lũng Swat, vùng địa lý tự nhiên bao quanh sông Swat. Thung lũng là trung tâm chính của Ấn Độ giáo và Phật giáo thời kỳ đầu dưới vương quốc Phật giáo Gandhāra cổ đại, vùng miền Tây bắc Ấn Độ, ngày nay thuộc về Afghanistan và một phần của Pakistan và là trung tâm chính của Phật giáo Gandhāra, với các quần thể Phật giáo tồn tại trong thung lũng cho đến thế kỷ thứ 10, sau đó khu vực này phần lớn trở thành người Hồi giáo.
24/10/2021(Xem: 3227)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 tới, Vương quốc Phật giáo này sẽ mở cửa chào đón du khách thập phương hành hương từ 46 quốc gia, thay vì trước đây chỉ công bố 10 quốc gia có nguy cơ thấp bởi dịch Covid-19.
24/10/2021(Xem: 3059)
Hôm thứ Tư, ngày 20 tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã phát biểu miêu tả rằng: "Đức Phật là nguồn cảm hứng cho Hiến pháp Ân Độ đến tận ngày nay; Đức Phật luôn Ngự trong tâm hồn của nhân loại và kết nối các nền văn hóa và quốc gia khác nhau."
23/09/2021(Xem: 5063)
Bài Khảo Luận nầy nay đã in lại và trở thành CHƯƠNG MỘT của tác phẩm nầy. Chương hai có tựa đề là: VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRUYỀN QUA TRUNG QUỐC. Những chương khác nghiên cứu về Phật, Bồ Tát, các Kinh, Luận...là những Kinh, Luận, Bồ Tát... rất uyên thâm, nỗi tiếng, tiêu biểu cho Giáo Lý Phật Giáo của tất cả các tông phái Phật Giáo đang hành đạo tại Việt Nam. Phần cuối của tác phẩm là những phụ lục. Trong đó 3 phụ lục đầu là 3 bài tham luận đã thuyết trình trong 3 lần hội thảo quốc tế, có ghi rõ thời gian và nơi chốn hội thảo. Những phụ lục còn lại là những bài khảo luận nghiên cứu về giáo lý Phật Giáo. Như vậy xét về nội dung tác phẩm nầy không phải là sách chuyên khảo cứu về Lịch Sử Du Nhập và Truyền Thừa của Phật Giáo Việt Nam. Mục đích của tác giả là muốn cho thế hệ người Việt Nam trẽ lưu tâm nghiên cứu sâu, tìm hiểu, phát huy những điểm son lịch sử hào hùng của Dân Tộc Việt, viết lên cho thế giới biết Dân Tộc Việt Nam có lịch sử Hào Hùng, Minh Triết về mọi thời đại, mọi lãnh vực tro
31/03/2021(Xem: 12578)
Sách này sẽ được ghi theo hình thức biên niên sử, về các sự kiện từ ngày 8/5/1963 cho tới vài ngày sau cuộc chính biến 1/11/1963, nhìn từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Phần lược sử viết theo nhiều tài liệu, trong đó phần chính là dựa vào tài liệu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “Foreign Relations of the United States 1961-1963”, một số tài liệu CIA lưu giữ ở Bộ Ngoại Giao, và một phần trong sách “The Pentagon Papers” của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ấn bản Gravel Edition (Boston: Beacon Press, 1971). Vì giờ tại Việt Nam và Hoa Kỳ cách biệt nhau, cho nên đôi khi ghi ngày sai biệt nhau một ngày.
18/01/2021(Xem: 8333)
Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh tồn và phát triển. Dân tộc Việt Nam là một chủng tộc có ngôn ngữ riêng biệt thuần nhất, có nền văn hóa nhân bản đặc thù, siêu việt và nền văn hóa này có khả năng chuyển hóa, dung hợp tinh ba của tất cả nền văn hóa nhân loại biến thành chất liệu sống và ý nghĩa sự sống bồi dưỡng cho sanh mệnh dân tộc mang tánh chất Rồng Tiên nẩy nở phát triển và trường tồn bất diệt trải dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến kể từ khi lập quốc cho đến ngày nay. Đặc tánh Rồng Tiên, theo Hai Ngàn Năm Việt Nam Và Phật Giáo của Lý Khôi Việt, trang 51 giải thích: Rồng tượng trưng cho hùng tráng dũng mãnh tung hoành, Tiên biểu tượng cho thanh thoát cao quý, hòa điệu. Vì có khả năng chuyển hóa và dung hợp của nền văn hóa Việt Tộc (Chủng Tộc Việt Nam), dân tộc Việ
13/09/2020(Xem: 12798)
Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1.450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ trung bình 200C, Bạch Mã là nơi có khí hậu mát mẻ, lý tưởng cho việc tu tập của Tăng, Ni, Phật tử và các chuyến tham quan, chiêm bái của du khách. Tên thiền viện lấy theo tên núi Bạch Mã. Chữ “Trúc Lâm” hàm ý đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và mang tính nhập thế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000