Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Lấy chồng

27/11/201311:39(Xem: 19385)
10. Lấy chồng

Tự truyện của mẫu thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Tác giả: Diki Tsering

Biên tập & giới thiệu:Khedroob Thondup

Nguyên tác: Cụ Bà Diki Tsering

Việt dịch: Thích Nguyên Tạng

Diễn đọc: Pt Quảng An

 



10. Lấy chồng

Phần 1:

Phần 2:



Trong thời thơ ấu, dù phải làm nhiều công việc nhưng tôi rất vui sướng, Sau khi lấy chồng vào năm mười sáu tuổi, tôi đã trải qua một thời gian rất khó khăn. Dù sao, là một người Phật tử, tôi tin rằng để sống một đời sống trọn vẹn và đầy đủ, người ta phải chấp nhận thực tại khổ đau. Như vậy người ta mới có thể phát triển và trở nên một con người trọn vẹn. Đặc biệt là niềm tin cơ bản này giúp cho người phụ nữ chúng tôi không bao giờ tuyệt vọng, và đã giúp tôi không mất tinh thần trong mấy năm đầu tiên lập gia đình. Nếu không có sức mạnh nội tâm này, tôi đã rơi vào một đời sống vô vọng.

Những đứa con gái như chúng tôi đã được dạy rằng tương lai và hy vọng độc nhất của mình là lấy chồng và một đời làm việc cực nhọc. Thật vậy, chúng tôi đã sống một cuộc đời nặng nhọc, có thể rất nghèo nàn, không có một sự giải trí hay giúp vui nào. Ngay cả thú vui xem người ta diễn tuồng chúng tôi cũng không được tham dự trừ khi có cha mẹ đi cùng. Chúng tôi không bao giờ được đi ra ngoài một mình. Ở những quán trọ bên đường, chúng tôi không được đụng vào những món ăn, vì tất cả đầu bếp đều là người Hoa, cha tôi nghĩ rằng thịt ở những nơi đó là thịt lừa. Khi đến tuổi trưởng thành, nếu có khách tới nhà, chúng tôi phải ở yên trong phòng làm công việc của mình, không được giao tiếp với những người khách, dù chúng tôi tò mò muốn biết về họ. Nhìn ngó khách tới nhà bị xem là vô lễ.

Việc gả vợ lấy chồng luôn luôn do người trên dàn xếp. Ở Amdo chúng tôi gọi việc này là "longchang" hay "xin cô dâu" (begging for a bride). Người làm mai đến xin phép ông nội, còn sự chấp nhận của cha mẹ cô dâu thì không quan trọng lắm. Chúng tôi lại phải hỏi vị "ngagpa", một tu sĩ kiêm thầy bói để biết cuộc hôn nhân này có thuận lợi hay không. Nếu vị này thấy là thuận lợi thì sau khi làm "thudam", hay bói toán và coi tử vi của đôi bên, lễ cưới sẽ được chấp thuận. Người ta luôn luôn tin tưởng một vị lạt ma biết bói toán. Khi còn trẻ, tôi đã được nhiều người hỏi cưới, nhưng bất cứ khi nào gia đình tôi tới tham vấn vị "ngagpa", vị này cũng nói là cuộc hôn nhân không thuận lợi.

Hôn nhân là sự kết giao giữa hai họ như một sự liên minh và đã được dàn xếp khi chúng tôi còn rất trẻ, khoảng tám hay mười tuổi. Hôn nhân còn được giao ước khi trẻ con mới được một hay hai tuổi, hay giữa hai bà bạn, khi mà hai trẻ vẫn còn trong bụng mẹ, với điều kiện một bà sinh con trai và bà kia sinh con gái. Khi một cô gái được mười lăm hay mười sáu tuổi, người con trai sẽ hỏi cưới cô ta, nói rằng phải có người trông coi nhà cửa cho anh ta.

Trong hôn nhân người ta chú trọng rất nhiều đến kinh tế cũng như những nhân tố khác, thí dụ như phẩm chất của gia đình, đặc biệt là cha mẹ của cô dâu. Người ta cho rằng mẹ đức hạnh thì con gái cũng đức hạnh. Ở Amdo, mọi người đều làm việc chăm chỉ và rất coi trọng tính thật thà. Khi tìm hiểu về một gia đình, người ta sẽ hỏi: "gốc gác có trong sạch không?". Gia đình nào thường cũng muốn làm sui gia với một gia đình cao hơn gia đình mình. Nhưng nếu một gia đình nghèo có con trai thông minh thì anh ta sẽ được coi là một mối giá trị. Người ta không được lấy vợ, lấy chồng trong cùng một gia tộc, cho dù liên hệ giữa hai bên xa bao nhiêu.

Cha mẹ chồng của tôi đã đi coi bói cho chồng tôi ở một tu viện khi ông ấy còn rất trẻ. Vị lạt ma coi bói nói rằng ông ấy nên làm tu sĩ, nếu không sẽ chết yểu (có lẽ là sự trùng hợp kỳ lạ vì chồng tôi qua đời tương đối sớm). Cha mẹ chồng tôi không làm theo lời bói này mà bảo con mình lấy vợ, và ông ấy vâng lời vì không có ai giúp đỡ ở nhà cha mẹ già của mình.

Gia đình chồng tôi hỏi cưới tôi qua một người hàng xóm của gia đình tôi quen biết họ. Họ tới gặp ông bà nội tôi, và khi ông bà nội coi bói thì câu giải đáp là thuận lợi, cuộc hôn nhân sẽ khó khăn nhưng sau đó rất thuận lợi. Bà nội tôi rất hài lòng với cuộc cưới hỏi này. Bà nói rằng trong tất cả các cháu của mình bà biết rõ về tôi nhất, và bà muốn tôi làm dâu nhà Taktser Rinpoche, vì đó là một gia đình danh giá. Bà đã gặp hai cô gái của gia đình này trong một buổi lễ ở tu viện Kumbum và thấy họ đều giỏi giang, có giáo dục.

Như vậy tôi sẽ lấy chồng là cháu họ của Taktser Rinpoche. Khi họ hỏi cưới thì tôi chỉ mới mười ba tuổi. Người làm mai là một ông già đã đến với một cái khăn theo nghi thức và những món quà biếu như băng cột tóc, vải, lụa và gấm để làm thắt lưng theo đúng tục lệ; Ông ta cũng cho chúng tôi mỗi người một bình bia "chang". Đám dạm hỏi nhỏ này là nghi thức cho thấy hai họ chấp thuận đám cưới sắp tới.

Phản ứng của tôi đối với việc này là nói "không" một cách quả quyết. Tôi nói với cha mẹ của mình rằng tôi không muốn lấy chồng, mà muốn ở nhà để chăm sóc bà nội của tôi. Khi tôi còn nhỏ, một thầy bói đã nói với bà nội rằng không bao giờ nên cho tôi đi khỏi gia đình, vì tôi là một đứa con gái rất tốt. Nếu ông nội cho tôi đi lấy chồng thì gia đình sẽ gặp xui xẻo. Cha mẹ tôi không tin như vậy, vì mấy người con trai và vợ của họ sẽ ở lại gia đình này, và về mặt kinh tế, không thể cho con gái và chồng ở cùng với gia đình. Ông bà nội và cha mẹ tôi nói với tôi rằng đã chấp thuận cuộc hôn nhân này, tôi sẽ phải về nhà chồng, giống như em gái tôi trước đó. Tôi cố nói là tôi không muốn lấy chồng, nhưng không ăn thua gì. Bà nội nói đùa rằng nếu tôi ở lại nhà này, tôi sẽ "bay qua đầu" mọi người, nghĩa là tôi sẽ chiếm quyền quản lý gia đình. Ngày nay, con gái có thể làm ngược lại ý muốn của cha mẹ nếu không muốn lấy người đàn ông đã được chọn cho mình, nhưng trong thời của tôi, con gái chúng tôi quá nhút nhát.

Để sửa soạn đám cưới của tôi, người ta đã làm trang phục và giày, cũng như bông tai và nhẫn, như một phần tư trang của tôi. Thời đó đám cưới không phải là chuyện đơn giản. Người ta phải làm ba mươi lăm đôi giày và ba mươi hai bộ trang phục. Trong ba năm, ngoài những công việc nội trợ, mẹ tôi đã tự tay may áo, giày, và những thứ cần yếu khác để tôi mang theo về nhà chồng. Tôi rất khâm phục việc làm của mẹ tôi, bà là một thợ may và thêu xuất sắc. Từ những nón đội đầu cho đến đế giày của tôi, mẹ tôi đều tự tay làm tất cả. Sau khi làm xong mỗi món, bà gấp lại gọn gàng và cất vào trong một cái rương. Bà không để cho một người nào khác đụng vào những trang phục mà mình đã làm. Nếu một người đàn bà đang có thai rờ vào một món tư trang của cô dâu thì sẽ bị xem là rất xui xẻo, và nghi thức tịnh hóa phải được làm ngay.

Khi tôi được mười bốn tuổi, cha chồng tương lai của tôi đến gặp chúng tôi để xin làm đám cưới ngay, vì bây giờ họ đã già muốn có người ở nhà săn sóc họ và muốn thấy con trai của mình yên bề gia thất. Hai người con gái đã đưa chồng về ở cùng với họ vì gia đình này hiếm con trai, nhưng hai người con rể này không chịu ở lại đó, và còn xung khắc với cha mẹ vợ. Vì vậy hai người con gái không vui và điều này có ảnh hưởng đến bổn phận trong gia đình của họ. Nhưng cha mẹ tôi đáp rằng tôi còn quá non trẻ, không biết gì về nội trợ, và hứa sẽ cho tôi về nhà chồng khi được mười sáu tuổi.

Lễ cưới phải được hoạch định xong qua một người trung gian thuộc gia đình nhà chồng. Khi người này đến nhà cô dâu, người ta giựt mũ của ông ta ra khỏi đầu và đổ một chậu nước lên người của ông ta. Một củ cải, bánh mì chiên và hai cái đuôi cừu được đính lên mũ của ông ta bằng chỉ thô nhiều màu. Tất cả đàn bà con gái "phục kích" ông ta ở cửa, những tay áo rộng của họ đựng đầy bột "tsampa", rồi họ vừa hát vừa liệng bột vô mặt ông ta, có khi họ còn bôi tro và dầu lên khắp quần áo và mặt của ông ta. Màn kịch đối địch này hàm ý rằng gia đình cô dâu không muốn cô ta đi khỏi nhà mình.

Giữa đám hỏi và đám cưới phải cách nhau vài tháng. Đám cưới của tôi diễn ra sau đám hỏi hai tháng. Cha mẹ và những người trong gia tộc của tôi sửa soạn cho đám cưới trong hai tháng. Trong khoảng thời gian đầy hân hoan này, người ta làm nhiều món ăn, rượu uống. Tất cả hàng xóm, bạn bè, và người quen được mời tham dự việc sửa soạn này và ca hát giúp vui.

Lễ cưới của tôi được cử hành vào tháng mười một năm 1917. Ông thầy bói của chúng tôi quyết định ngày cưới sau khi coi tử vi cho chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện nhiều để xin các vị thần giúp cho không có tai họa nào giáng xuống cô dâu và mọi người trong đám cưới.

Ngay trước lễ cưới, nhà chồng tặng tôi hai mươi món trang phục, gồm áo, giày, và "hari". Theo tục lệ, cô dâu sẽ mặc trang phục của gia đình chú rể khi rời khỏi nhà cha mẹ của mình. Nhà chồng cũng đưa con ngựa đến cho tôi cưỡi. Nếu gia đình chú rể khá giả, họ sẽ biếu những món quà theo tục lệ. Cha chú rể biếu một con ngựa tốt, và mẹ chú rể biếu một con "dzomo" (trâu yak lai bò) cho mẹ của cô dâu, để bà có sữa mà uống. Những tấm gấm đẹp được phủ lên con trâu cái đó và những cái khăn đúng nghi thức được quàng lên con ngựa.

Vào buổi tối trước ngày cưới, tôi được gội đầu và làm tóc bởi một cô gái có tuổi hợp với tuổi của tôi. Tôi sinh năm con Bò Sắt (Iron Ox, Tân Sửu, 1901), như vậy cô gái gội đầu làm tóc cho tôi phải sinh năm con Chó, Chim, hay Bò. Lúc đó tất cả đàn bà con gái trong nhà buộc chỉ đen lên tóc của tôi và không cho tôi cột cái "hari", họ vừa làm vừa khóc để biểu lộ sự đau khổ. Tôi không được tiếp xúc với các bà đang có thai hay các bà góa chồng.

Sáng hôm sau các vị khách đến nhà sớm và được tiếp đãi suốt ngày. Ngày hôm sau tôi về nhà chồng, giờ khởi hành đã được thầy bói quyết định. Tôi rời khỏi nhà vào lúc sáu giờ sáng, bốn hay năm người đàn bà sẽ đi cùng với tôi, và họ phải biết hát. Tôi mặc trang phục cho chuyến đi này và ngồi đợi các bà ấy trên cái "kang". Khi họ đến, tôi đứng dậy và họ hát "cô phải mặc đẹp, đeo thắt lưng đúng cách, nếu không, trong tương lai, dù cố gắng bao nhiêu, cô sẽ không bao giờ có thể đeo thắt lưng đúng cách. Nếu y phục của cô xốc xếch thì nó sẽ luôn luôn xốc xếch". Trong suốt bài hát này, tôi và tất cả các bà, các cô đều khóc.

Các bà hộ tống bảo tôi chào từ biệt gia đình và cả vị thần bảo hộ của chúng tôi nữa. Tất cả những lời này đều được các bà hát lên như một bài ca. Tôi đi vào gian nhà thờ tổ tiên và phục lạy ba lần, rồi tôi đi vô bếp và cũng phục lạy ba lần. Sau đó tôi ra ngoài sân, nơi có những lá cờ cầu nguyện treo trên một cây sào cao, tôi đi quanh cây sào ba vòng rồi leo lên lưng ngựa. Người ta đã đưa cho tôi một cái khăn len màu đỏ để che mặt và hai bàn tay, không cho ai trông thấy. Tôi không được nhìn quanh và phải ngồi cúi thấp đầu trên lưng ngựa, hai bà ở mỗi bên tôi ca hát, chúng tôi khởi hành đến nhà chú rể.

Cha tôi và anh tôi cũng đi cùng với tôi đến nhà chú rể. Mẹ tôi và những người khác trong gia đình phải ở lại nhà. Khi tôi rời khỏi nhà, cha tôi kêu than mấy lần "Sonam Tsomo, yong wa chi", nghĩa là "Sonam Tsomo ơi, hãy về nhà". Trong khi đó mẹ tôi lấy tất cả những món trang phục mà tôi đã mặc ngày hôm trước bỏ vào lò đốt. Bà quay mặt vào lò mà khóc và kêu tên tôi trong nỗi đau khổ. Đây là hai tục lệ biểu lộ nỗi buồn của cha mẹ khi phải chia ly với con gái.

Tất cả những vị khách ngồi trên lưng ngựa với y phục đẹp nhất của mình chứng kiến tôi đi về nhà chồng. Tôi mang theo áo, mũ nón, và giày ống cho chú rể, trang phục cho mẹ chú rể và giày với quà biếu cho cha chú rể. Nếu chú rể có những thân nhân quan trọng, mỗi người đó cũng được biếu y phục. Những người họ hàng xa thì được biếu khăn quàng. Nếu có nhiều tặng phẩm để biếu thì sẽ có nhiều người đi cùng để giúp đỡ cô dâu. Đoàn cô dâu có thể đông tới hai mươi hay ba mươi người, nếu gia đình cô dâu giàu có thì đoàn người lên đến năm mươi hay sáu mươi người. Mọi người đều ca hát với nhau trên đường đi.

Trong hành trình dài sáu tiếng đồng hồ này, khi đi được nửa đường, các bà "ca sĩ" quay về nhà, và từ đây tôi được hai bà già đi kèm. Khi đoàn chúng tôi sắp đến nhà chú rể, đoàn chú rể đến để tiếp chúng tôi. Họ vừa phi ngựa vừa giựt đùa nón của nhau. Rồi họ mời chúng tôi trà, một món canh ngon lành và bánh mì hấp. Nhưng tôi được mời một món khác, đó là chè nếp chà là.

Khi tôi sắp đến nhà chú rể, một ông già được gọi là "janggu" (người hướng dẫn) đi tới đón chúng tôi. Khi đoàn cách nhà chú rể một khoảng ngắn, đoàn của tôi xuống ngựa đi bên cạnh tôi, cầm cương ngựa của tôi và cất tiếng hát. Ở trước cửa nhà, các tu sĩ đang tụng kinh và ông thầy bói đang bói xem tôi nên xuống ngựa hướng nào, Đông, Tây, hay Nam, Bắc, rồi ông ta "sái tịnh" cho các bà, các cô bằng sữa. Trong khi đó tôi đưa hai bàn tay lên che mặt, tôi không được để cho ai nhìn thấy mặt của mình và tôi cũng không được nhìn ai cả. Trên trán tôi đeo một tấm mạng dài gần một tấc, được trang trí bằng bạc với những tua rủ xuống để che hai mắt của tôi.

Khi đoàn của chúng tôi tới, đoàn của chú rể đi ra nói những lời văn hoa theo phép lịch sự. Một cái khăn lễ được trao cho chú rể và anh ta thúc ngựa đi tới cửa nhà rồi lấy ra một cái áo cho tôi, một cái khăn, và một món bơ dâng cúng. Lúc đó ông già "janggu" vẫn nói một tràng những lời theo nghi thức, chú rể biếu một cái áo cho ông ta và cố cưỡi ngựa vô trong nhà. Sau mấy lần cố gắng như vậy, mọi người can chú rể và rốt cuộc anh ta xuống ngựa.

Một bao củi, bột "tsampa", ba hũ lúa mạch và một cái bình có trang trí mặt trời và mặt trăng được đặt ở cửa. Các cô gái đợi ở lối vào và ông thầy bói đang tụng niệm. Đoàn của tôi xuống ngựa, đi vô nhà qua lối nhà bếp và ở đây chúng tôi rửa mặt. Tôi không thể nhìn thấy gì, vì vậy hai bà trong đoàn dắt tay tôi đi tới một ấm trà lớn, được pha với lá trà, sữa và nước; bốn cái chén được đặt ở bốn hướng. Bấy giờ tôi khuấy trà ba lần, rót đầy rồi trút cạn vào một bình trà bằng gỗ ba lần, sau đó rót đầy bốn cái chén. Đây là nghi thức mở đầu.

co dau chu re tay tang

Đoàn của cô dâu được dẫn vô gian nhà chính và được mời ngồi. Trong những căn phòng có đông quý ông, quý bà, người già, trẻ em, và mọi người bắt đầu hát. Nhà gái và nhà trai hát với nhau những câu hỏi đáp như: "Chúng tôi đã từ phương xa đến và đang uống trà. Nước có mùi vị gì?"...

Buổi tối chúng tôi ăn tiệc, một lần nữa mọi người đều hát. Đoàn của tôi hát cho người đầu bếp ở trong bếp: "Bà không tốt, món ăn vô vị, củ cải và thịt thì sống sít". Các bà các cô bên nhà trai hát đáp lại: "Quý vị không thấy mắc cỡ hay sao, bụng của quý vị quá bự. Quý vị là con người, nếu chỉ uống một chén trà, nhưng nếu uống hai, ba chén thì quý vị là con bò". Những câu hát này là một hình thức châm biếm, chê bai nhau.

Sau đó tư trang của tôi được lấy ra khỏi rương để cho mọi người xem, cho họ biết tài may thêu của mẹ tôi, và những món đồ của tôi tặng cho nhà trai. Sau đó mọi người rời khỏi nhà của chú rể, không ai được ở lại đây kể cả tôi. Đêm hôm đó, tôi cùng hai bà già trong đoàn của tôi ở nhà của một người hàng xóm. Bữa ăn chính ở đó là chè và sữa. Tôi vẫn chưa gặp người chồng tương lai của mình.

Ngày hôm sau, lúc mười giờ sáng, tôi được đưa trở lại nhà chú rể. Người ta làm một nghi lễ, đây là lúc tôi chính thức đeo "hari" lên đầu, và làm nghi thức này ở bên ngoài căn nhà. Trước đó tôi đã đeo "hari" trên đường đi tới nhà chú rể, nhưng không được cột đúng cách mà chỉ đeo lỏng ở cả hai bên. Sau lễ cưới, "hari" được cột chặt quanh bụng. "Hari" có ba mảnh, hai mảnh ở hai bên và một mảnh ở lưng. Gia đình chú rể gửi cho tôi hai mảnh bên, còn mẹ tôi cho mảnh giữa. Những mảnh này có những sợi len buộc chúng lại với nhau. Bây giờ sợi len được cắt bằng kéo, người cắt sợi len phải có tuổi hợp với tuổi của tôi. Người này được biếu một cái khăn lễ, một chén rượu và được mời đúng nghi thức cắt cái "hari" với một cái kéo. Nghi thức này xác nhận bây giờ tôi là người đàn bà có chồng và tôi được ông bác của chồng là Taktser Rinpocher đặt cho tên Diki Tsering.

Theo tục lệ, tới giai đoạn này của lễ cưới, chú rể vẫn còn ẩn nấp ở một nơi nào đó. Người ta sẽ đi gọi anh ta, nhưng không tìm thấy anh ta. Tôi phải đợi trong khi mọi người đi tìm chú rể. Khi tìm thấy anh ta, họ xin anh ta rời khỏi chỗ nấp, trình bày với anh rằng cô dâu rất mệt vì đã phải đi đường xa tới đây. Cuối cùng chồng tôi đi tới và được biếu một cái khăn lễ. Chỉ khi anh ta đi ra khỏi phòng, cái "hari" của tôi mới được cột lại. Chỉ tới lúc này, chúng tôi mới đưa mắt nhìn nhau.

Ngày hôm nay, tất cả gia đình tôi và tôi trở về nhà của chúng tôi. Trước khi chúng tôi đi, gia đình của chồng tôi biếu tặng đoàn của tôi những phần thịt cừu khác nhau cũng như bánh mì lễ cưới. Tôi gặp mẹ chồng của mình lần đầu tiên trong ngày này. Bà dịu dàng quan sát tôi và nói vài lời thân ái để an ủi tôi, bà tặng tôi những món trang sức. Tôi phải ở lại nhà cha mẹ mình từ mười ngày cho đến một tháng, tùy theo lá số tử vi, sau đó cha tôi sẽ đưa tôi trở về nhà chồng.

Khi trở về nhà chồng tôi, một người đàn ông và một người đàn bà đón tiếp tôi ở cửa, cùng với một người không nhiễm ô. Những người đã chết vợ hoặc chết chồng, đang có thai hay không sinh được con thì không được đón tiếp cô dâu. Sau đó là lễ cầu xin nhiều con. Tôi được cho bưng một tô sữa, quay nó ba vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi đi vô nhà, tôi rót bia "chang" cho đàn ông trong nhà, cha chồng và anh chồng, Ông bà nội của chồng tôi đã qua đời từ lâu. Sau đó tôi được đưa vào phòng của tôi, cùng với tất cả các bà các cô của nhà chồng.

Tôi không phải làm công việc gì trong mấy ngày đầu của đời sống hôn nhân, tôi chỉ bắt đầu làm việc nhà sau năm ngày. Lúc đầu tôi không ở cùng phòng với chồng tôi mà ở cùng với các bà. Sau khoảng ba tháng vợ chồng tôi mới ở cùng phòng. Lúc chúng tôi cưới nhau, chồng tôi được mười bảy tuổi.

Khi người con gái đi lấy chồng và đã được chia một phần gia sản thì người đó không còn có bổn phận đối với nhà cha mẹ của mình, giờ đây chỉ có bổn phận đối với chồng và nhà chồng. Vì lý do thực dụng này, đa số gia đình đã không muốn cho con dâu đi về nhà cha mẹ, nếu con dâu về thăm nhà cha mẹ hai hay ba tháng, nhà chồng sẽ tìm người làm công việc thay cho cô ta cho đến khi cô ta trở về. Gia đình nhà chồng của tôi ít người nên phải làm như vậy.

Con dâu gần như luôn luôn có đời sống cực nhọc và bị đối xử giống như người hầu hay gia súc. Có những bà mẹ chồng bắt con dâu làm việc như nô lệ, không cho ăn đủ hay mặc đủ, và do đó có nhiều người tuyệt vọng đến nỗi phải tự tử.

Trừ những bà vợ của các viên chức cao cấp, tất cả phụ nữ phải làm việc nặng nhọc và làm cùng với những người hầu. Nếu không hài lòng với cuộc sống hôn nhân, người chồng có thể bỏ người vợ, nhưng dù bị ngược đãi bao nhiêu, con dâu không được phàn nàn một lời nào, và không được rời khỏi nhà chồng. Đó là bổn phận của người làm dâu. Nếu con dâu bị đối xử quá tệ bạc, gia đình cô ta có thể thưa kiện, nhưng trong thời đó, pháp luật thường bênh vực nhà chồng. Địa vị của con dâu sẽ gia tăng sau khi về nhà chồng vài năm, cô ta có thêm một chút quyền lực trong nhà theo thời gian.

Nếu một người đàn bà được xem là không thể có con, người chồng có thể lấy thêm người vợ thứ hai. Người ta sẽ làm một lễ cưới nhỏ so với đám cưới đầu tiên. Sau vài năm, người vợ thứ nhì cũng không có con, người chồng lại lấy người vợ khác, và cứ như thế cho đến khi một trong những bà vợ sinh được con. Tất cả những người vợ này sống chung trong cùng một nhà. Người vợ đầu, dù không có con nhưng có địa vị cao nhất và có quyền lực nhất, những người vợ khác phải có thái độ tôn kính bà này. Người ta cũng thường nhận con nuôi, khi không có con ruột mà người chồng không muốn lấy vợ khác.

Khi người chồng qua đời, người vợ, dù trẻ tuổi, phải để tang ba năm trước khi lấy chồng khác. Một tục lệ độc ác là những người đàn bà góa chồng luôn luôn phải tái giá dù mình có muốn hay không. Cô ta không bao giờ được sống một đời góa phụ, thân nhân của cô ta sẽ kín đáo thương lượng với những mối để ý đến cô ta và trả tiền để một người đàn ông cưới cô ta. Người đàn bà chết chồng được người ta gả bán không cần biết đến ý muốn của cô ta, vì cô ta bị xem là người sống dựa vào họ. Tôi nhớ có một người đàn bà góa chồng, bị trói, bị bịt miệng và bị đưa đi lấy chồng. Nhiều người đàn bà đã tự tử bằng cách nhảy xuống vực sâu hay tự treo cổ vì tục lệ này.

Ở Amdo thời đó đã có tục lệ ly hôn. Hai vợ chồng lập bản giao ước hợp lệ và người chồng là người ký tên chính yếu. Người chồng phải nói rằng từ lúc này mình ly dị vợ và cô ta được tự do lấy chồng khác và sống đời sống riêng của mình. Nếu không có tờ giao ước như vậy thì không có việc ly hôn. Ở xứ chúng tôi, tội ngoại tình không được dung thứ, cũng giống như những nơi khác ở Tây Tạng, nếu phạm tội ngoại tình, người đàn bà sẽ bị chính gia đình của mình giết chết. Đó là hình phạt.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/02/2022(Xem: 5212)
“Glocalization” là một thuật ngữ, một ngôn ngữ lai giữa toàn cầu hóa và bản địa hóa, sự xuất hiện đồng thời của cả khuynh hướng phổ cập hóa và cụ thể hóa trong các hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế đương đại. (Joachim Blatter & Munro 2013) Toàn cầu hóa đã được sử dụng rộng rãi theo cách tiêu cực, để giải thích những hậu quả không mong muốn đương thời, do nỗ lực của các cơ sở kinh tế và chính trị xuyên quốc gia, từ các liên minh quân sự và kinh tế như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho các tập đoàn đa quốc gia như Huawei, McDonald's, Nestle, Starbucks và Toyota. Mặt khác, bản địa hóa đã nhận được sự ưu ái của công chúng và truyền thông bởi nó được sự tôn trọng rõ ràng đối với sự đa dạng, bảo tồn di sản và truyền thống địa phương và 'đôi khi' quan tâm đến lợi ích của thiểu số.
10/02/2022(Xem: 7063)
Tôi đào thoát khỏi Tây Tạng vào ngày 31 tháng 3 năm 1959. Kể từ đó tôi sống lưu vong ở Ấn Độ. Trong giai đoạn 1949-50, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gửi một đội quân đến xâm lược đất nước của tôi. Trong gần một thập kỷ, tôi vẫn là nhà lãnh đạo chính trị cũng như tinh thần của người dân và cố gắng thiết lập lại mối quan hệ hòa bình giữa hai quốc gia của chúng tôi. Nhưng nhiệm vụ được chứng minh là bất khả thi. Tôi đã đi đến một kết luận không mấy vui vẻ rằng tôi có thể phục vụ người dân của mình tốt hơn từ bên ngoài.
09/02/2022(Xem: 23426)
Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam Sử Lược (trọn bộ hai tập, do Hòa Thượng Giới Đức biên soạn)
08/02/2022(Xem: 5400)
Tại làng baho swabi, quận Swabi, nay là Khyber Pakhtunkhwa, các nhà khảo cổ và Bảo tàng KP đã phát hiện một Bảo tháp Phật giáo 1800 tuổi, các di vật và đồ tạo tác. Theo Daily Pakistan, đã được phát hiện hơn 400 cổ vật và Bảo tháp Phật giáo có niên đại 1800 năm.
18/01/2022(Xem: 5037)
Ấn bản nhiếp ảnh của bộ sách "Sao lục Phật tổ Trực chỉ Tâm thể Thiết yếu" (초록불조직지심체요절, 抄錄佛祖直指心體要節), là giáo trình tiêu biểu để giảng dạy cho học chúng trong chốn thiền môn tự viện Phật giáo Đại thừa, sẽ được chuyển thành một cơ sở dữ liệu văn hóa 3D. Tác phẩm văn học Thiền Phật giáo Bắc truyền nêu trên là bộ sách in kim loại lâu đời nhất thế giới.
14/01/2022(Xem: 4270)
Mạng lưới quốc tế Phật giáo Nhập thế “Ái hữu cho Hòa bình” (Buddhist Peace Fellowship, 和平團契, BPF), trụ sở hiện nay tại thành phố Oakland, tiểu bang California, Hoa Kỳ, là tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho phật tử tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi xã hội tiến bộ. Các tổ chức phi lợi nhuận BPF là chi nhánh quốc tế của “The Fellowship of Reconciliation” (FoR or FOR) với phương châm hoạt động hướng tới hòa bình toàn cầu, giúp đỡ người dân gặp khó khăn tại các quốc gia như Myanmar, Bangladesh, Tây Tạng và Việt Nam.
08/01/2022(Xem: 4744)
Đại học Phật giáo Nālandā Malaysia -Giáo dục toàn diện, Phát triển Con người toàn diện" (Nālandā Institute Malaysia -Holistic Education for Integral Human Development). Đại học Phật giáo Nālandā Malaysia (NIM) đã được hình thành vào tháng 01 năm 2006, nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Phật giáo, để có một cơ sở giáo dục Phật giáo tại Malaysia. Cố vấn tinh thần cho Hội Phật giáo Nālandā, Hòa thượng Tiến sĩ Kirinde Sri Dhammananda Nayaka Thera đáng kinh, đã cho thấy sự ủng hộ rõ ràng với ý tưởng của Ngài.
08/01/2022(Xem: 7146)
Taxila: Trong một cuộc khai quật một Bảo tháp Phật giáo tại Ban Faqiran, nhà Khảo cổ học của Bộ Liên bang Khảo cổ học đã phát hiện đồ cổ quý hiếm, trong đó có một đồng xu bằng đồng từ thời Vương triều Mughal, một đế quốc Hồi giáo (chịu ảnh hưởng từ nền văn hoá Ba Tư) ở Tiểu lục địa Ấn Độ đã ra đời vào năm 1526, nắm quyền kiểm soát trên phần lớn tiểu lục địa trong các thế kỷ 17 và 18, và cáo chung vào giữa thế kỷ 19.
08/01/2022(Xem: 4087)
Ung Chính lên ngôi lấy hiệu "Thuận Trị Hoàng đế, 順治皇帝" từ nhỏ đã thích đọc kinh sách Phật giáo, quảng giao tăng chúng, tinh thông Phật lý. Vua học thiền với Quốc sư Chương Gia, được hướng dẫn Thiền tọa liên tục trong hai ngày, đương thời Quốc sư Chương Gia (章嘉國師) khen ngợi vua có Chủng Tính Tối Thượng Thừa, khuyến khích bế quan nhập Thất Thiền tu, 14 ngày đêm miên mật tham cứu công án thoại đầu...
08/01/2022(Xem: 6479)
Bengal cổ đại là một trung tâm chính của Phật học, nghệ thuật và chủ nghĩa đế quốc; quả thực, đạo Phật là nền tảng của di sản văn hóa và ngôn ngữ của Bengal - bài thơ đầu tiên ở Bengali là Charyapada, được sáng tác bởi Chư tôn thiền đức Tăng già Phật giáo thời bấy giờ. Các Charyapada là tập hợp các bài thơ Thần kỳ, những bài tán thán sự chứng ngộ trong Kim Cương thừa truyền thống của Phật giáo mật tông ở các nơi Assam, Bengal, Bihar và Orissa. Theo các học giả đương đại, thuật ngữ Dharma trong tiếng Bengal có nghĩa là "Bauddha Dharma" (Buddhadharma) hoặc Phật pháp (佛法) và thuật ngữ Dharmapuja có nghĩa là "Buddhapuja". Khi Phật giáo bắt đầu suy tàn ở nhiều nơi khác nhau của Ấn Độ, nơi trú ẩn cuối cùng của Phật giáo là ở Bengal.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]