Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Ấn Độ

10/03/201103:52(Xem: 4011)
1. Ấn Độ

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO
Edward Conze - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
 

CHƯƠNG III: THỜI KỲ THỨ BA
(TỪ NĂM 500 ĐẾN NĂM 1000)

1. ẤN ĐỘ

Sự kiện quan trọng nhất ở Ấn Độ vào thời kỳ thứ ba này là sự ra đời của những kinh điển Tan-tra.1 Thêm vào đó, chúng ta sẽ phải nói qua về sự tổng hợp của tư tưởng Đại thừa, sự phát triển của luận lý và những thành quả của Tiểu thừa.

Thể loại kinh điển Tan-tra là sự thành quả sáng tạo thứ ba, và là cuối cùng của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ.2 Sự sáng tạo này trải qua gần như là ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu có thể gọi là Chân ngôn thừa.3 Khởi đầu vào thế kỷ 4 và tạo được đà phát triển từ sau năm 500. Những gì mà bộ phái này đạt được là làm phong phú thêm cho Phật giáo bằng cách thêm vào những yếu tố phụ có tính cách thần bí truyền thống, và sử dụng chúng vào mục đích làm cho sự đạt đến giác ngộ trở nên dễ dàng hơn. Theo phương thức này, rất nhiều các hình thức thần bí như man-tra, mu-dra, mạn-đà-la... và nhiều vị Phật, Thánh được thêm vào Phật giáo theo một cách có phần nào đó không được hệ thống hóa.

Và điều này được nối tiếp bởi một sự hệ thống hóa vào sau năm 750, với Kim cang thừa4 kết hợp tất cả những giáo lý trước đó với năm vị Như Lai. Và dần dần, các khuynh hướng và hệ thống tiến xa hơn nữa đã xuất hiện. Đáng chú ý trong số đó là Câu sanh thừa,5 giống như Thiền tông của Trung Hoa, nhấn mạnh sự thực hành công phu thiền định và rèn luyện trực giác, giảng dạy bằng cách đặt ra những câu hỏi khó giải quyết, những vấn đề mâu thuẫn và những hình ảnh cụ thể, tránh rơi vào những học thuật không còn sức sống, bằng cách không cố chấp vào các giáo lý cứng nhắc.

Cho đến cuối thời kỳ này, vào thế kỷ 10, xuất hiện phái Thời luân,1 nổi bật lên với sự gia tăng mức độ dung hòa và chú trọng nhiều đến khoa chiêm tinh.

Trào lưu mới này phát triển ở miền Nam và Tây Bắc Ấn Độ. Những ảnh hưởng của nước ngoài, từ Trung Hoa, Trung Á và các vùng biên giới bao quanh Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cho nó.

Còn có sự hấp thụ nhiều tư tưởng của các bộ tộc nguyên khai nằm ngay trong lòng xứ Ấn. Những kinh Tan-tra cố gán một vai trò tôn kính, dù chỉ là thứ yếu, cho tất cả những linh thần, yêu tinh, thần tiên, ác quỷ, hung thần, ma quái... vốn đã từng ám ảnh trong trí tưởng tượng của những người bình dân, như những chuyện phù phép gắn chặt với tất cả những người dân du mục và nông dân. Bước tiến xa hơn trong việc bình dân hóa Phật giáo như thế là nhằm mục đích tạo ra một nền móng vững chắc hơn nữa trong xã hội. Nhưng đối với tầng lớp trí thức, vẫn có sự khác biệt quan trọng: những kẻ ngoại đạo dùng pháp thuật để đạt được quyền lực, trong khi tín đồ Phật giáo sử dụng nó để thoát khỏi những ngoại lực xa lạ với bản tánh chân thật của chính mình.

Những kinh Tan-tra khác biệt với kinh điển ban đầu của Đại thừa trong việc xác định mục đích nhắm đến, và khác biệt về khuôn mẫu lý tưởng của người tu tập, cũng như về phương pháp truyền dạy. Mục đích vẫn là đạt đến quả Phật, nhưng không còn là trong một tương lai xa xôi vô tận nhiều đời nhiều kiếp nữa, mà là ngay trong hiện tại, trong chính thân xác này, chỉ trong một niệm tưởng, thành tựu một cách kỳ diệu nhờ vào một phương tiện mới, nhanh chóng và dễ dàng. Bậc thánh lý tưởng giờ đây là một vị Tất-đạt,2 hay một vị pháp sư2 nhưng tương tự như một vị Bồ Tát đã lên đến Bát địa, với những năng lực thần thông biến hóa thành tựu trọn vẹn.

Về phương pháp truyền dạy, Đại thừa đã nêu rõ những giáo lý của họ trong những kinh1 và luận2 được phổ biến rộng rãi, sẵn có cho bất cứ ai quan tâm tìm học và có đủ trí huệ để nhận hiểu. Thay thế vai trò của những kinh luận ấy, giờ đây chúng ta chứng kiến sự hình thành của một khối lượng khổng lồ các kinh Tan-tra, loại kinh văn bí truyền chỉ dành riêng cho một số ít người được chọn lựa, và được một đạo sư3 truyền dạy theo cách thích hợp.

Những Tan-tra được cố ý viết ra bằng một loại ngôn ngữ bí ẩn và khó hiểu, tự chúng là vô nghĩa nếu không có sự trực tiếp giảng giải của một vị thầy đã học được những bí mật trong đó. Những bí ẩn được giữ kín, và cho dù có đến hàng ngàn kinh Tan-tra vẫn tồn tại, nhưng các học giả hiện đại rất ít khi hiểu được chút ý nghĩa nào trong đó. Phần nào đó là vì họ bị chìm đắm trong những giả thuyết khoa học của thời đại nên có rất ít sự đồng cảm với cách suy nghĩ có tính chất huyền bí này.

Những nguyên tắc chính trong việc truyền dạy Tan-tra có thể hiểu được với phần nào chắc chắn, nhưng chi tiết cụ thể, vốn gắn liền với công phu thực hành thiền định và mang lại ý nghĩa thật sự thì không thể nắm bắt được. Không giống như Đại thừa trước đây, những người biên soạn Tan-tra không nối kết những kinh văn mới của họ với đức Thích-ca Mâu-ni, mà nói rất xác quyết rằng đó là của một vị Phật trong truyền thuyết, đã thuyết giảng cho họ từ thời quá khứ rất lâu về trước.

Những nền tảng để phát minh ra loại kinh văn mới này vốn đã sẵn có trong trường phái Du-già. Trường phái này đã hệ thống hóa những kinh nghiệm đạt được trong quá trình thiền định với sự tập trung cao độ, và các hành giả Du-già tin rằng những gì họ thấy được trong thiền định gần với thực tại hơn nhiều so với những gì chúng ta gọi là “thực tiễn”, hơn cả những thời gian hay nơi chốn, hơn cả những con người với những họ tên và tiểu sử. Và do đó, họ thường tuyên bố về một bản kinh nào đó là theo sự truyền dạy của một vị Phật, chẳng hạn như đức Phật Di-lặc, và họ quên đi việc đề cập đến tên tuổi cụ thể của người đã nhận sự truyền dạy đó. Như vậy, họ gây rất nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu lịch sử hiện đại, mặc dù theo quan điểm riêng của họ thì tất cả những gì là cốt lõi, cần thiết đều đã được ghi chép đủ.

Trong một thời gian dài, những người thuộc phái Du-già cũng tỏ ra hết sức quan tâm đến những phương thức truyền pháp bí mật hơn nữa, và bộ Nhiếp đại thừa luận1 của ngài Vô Trước có phân loại rất rõ những phương thức được phép sử dụng để truyền đạt mật nghĩa, khi điều được nói ra khác với những gì thật sự muốn nói. Thật ra, chính từ trường phái Du-già của Đại thừa mà những ý tưởng và sự hành trì các Tan-tra được sản sinh ra.

Khuynh hướng mới tất yếu sẽ làm suy yếu hệ thống tự viện. Sự phát triển các nhóm nhỏ môn đồ phụ thuộc hoàn toàn vào từng vị đạo sư đã thúc đẩy việc phân tán tăng đoàn thành các nhóm hành giả Du-già tự lập. Nhiều người trong số đó tin rằng họ đã trưởng thành về mặt tâm linh đủ để không cần đến sự kiềm chế bởi giới luật trong tự viện nữa. Một số khác, do lối sống không đúng đắn của chính mình nên cố ý xúc phạm đến cuộc sống khắc khổ của những vị tăng bình thường.

Sự phát triển của Tan-tra ban đầu là một phản ứng tự nhiên chống lại các khuynh hướng lịch sử đối nghịch đang ngày càng gia tăng, đe dọa bóp chết sự phát triển của Phật giáo Ấn Độ. Để tự bảo vệ, những người truyền nối Phật giáo ngày càng phải vận dụng nhiều hơn những sức mạnh siêu nhiên huyền bí và cầu khẩn sự giúp đỡ của nhiều vị thần linh hơn, những vị mà họ tin chắc là đã hiện ra rất thật trong lúc họ thực hành công phu thiền định.

Trong số các thần linh này, những vị có dáng vẻ giận dữ, như các vị hộ pháp, hay cũng gọi là thiên tướng Vi-đà,2 được chú ý đến rất nhiều. Họ vốn có bản chất hiền thiện, nhưng hiện ra vẻ ngoài rất dữ tợn để bảo vệ cho tín đồ Phật giáo.

Thật thú vị khi có thể nhận ra là vào thời đó, để tìm kiếm sự an ổn, tín đồ Phật giáo ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào các vị thần nữ. Khoảng năm 400, thần nữ Đà-la1 và Bát-nhã Ba-la-mật-đa2 đã được sùng kính như hai vị Bồ Tát hóa thân. Và không lâu sau đó, lại có thêm 5 vị nữ hộ thần, với hình ảnh Đại khổng tước3 trên đỉnh đầu.

Sau đó, những người thực hành thiền định huyền vi đến mức độ cao, dần dần đưa thêm vào những vị nữ hộ thần như Thuần-đà,4 Trì Thế,5 Phật Mẫu Đảnh Tôn Thắng,6 Kim Cang Mẫu,7 Phật Quán Mẫu...8 và nhiều vị khác nữa. Những người thực hành pháp thuật đặc biệt sùng bái các vị nữ thần trong truyền thuyết thiêng liêng, và các vị Không Hành Mẫu.9 Những người bình dân thường được khuyến khích sùng bái các vị nữ thần có thể ban cho họ con cái, hoặc bảo vệ cho khỏi bệnh đậu mùa .v.v...

Sau năm 700, những kinh văn được gọi là Tan-tra cải cách lại đưa thêm vào một số các vị Phật và Bồ Tát. Những vị này được gọi là Minh trí10 hay Bát-nhã, tương đương với Ennoia và Sophia11 của những tín đồ theo giáo phái Gnosticism.12 Một nghi lễ có vẻ như liên quan đến tính dục thường được kèm theo việc thờ cúng các vị Minh trí, và khía cạnh này của Tan-tra đã gây bối rối rất nhiều cho những người châu Âu thiếu kinh nghiệm khi tìm hiểu việc này. Ở đây không có gì cần nói đến, vì sự thật như thế nào về nghi lễ này chúng ta hoàn toàn không được biết.

Niềm tin vào sự huyền bí, vào thần thông và sự mầu nhiệm bao giờ cũng là một yếu tố nội tại của Phật giáo, cho dù điều đó được thừa nhận như một kết quả tu tập thực tế hơn là một vấn đề quan trọng thực tiễn cần thúc đẩy. Nhưng khi những tác động tinh thần của giáo pháp ngày càng yếu đi, và khi hoàn cảnh lịch sử ngày càng trở nên bất lợi hơn, càng phải có nhiều trông cậy vào phép mầu để xua tan những nguy hiểm và có được sự chở che phù hộ.

Chúng ta được biết rằng, khoảng sau năm 300 có rất nhiều loại thần chú Man-tra1 dần dần được đưa vào kinh điển. Những thần chú này cũng được gọi là Đà-la-ni,2 bởi vì chúng có mục đích hộ trì hay duy trì đời sống tín ngưỡng. Từ sau năm 500, tất cả các hình thức huyền bí đều được vận dụng, như các nghi lễ cũng như những hình tròn và đồ hình huyền bí. Những hình thức này được dùng để bảo vệ đời sống tâm linh của các pháp sư, đồng thời mang lại cho người bình dân những gì họ mong ước. Phép bắt ấn3 thường làm tăng thêm hiệu lực của những câu thần chú.

Thêm vào đó còn có những mạn-đà-la,4 với nét đẹp hài hòa mà cho đến nay vẫn còn hấp dẫn khiếu thẩm mỹ của chúng ta. Những vòng tròn huyền diệu này, thường được vẽ quanh một điểm linh thiêng hay thuần khiết về mặt nghi lễ, dĩ nhiên là cũng có nguồn gốc rất xa xưa như các phép mầu từ thời tiền sử. Tuy nhiên, cách sắp xếp kỳ lạ của Phật giáo trong các mạn-đà-la này dường như đã phát triển ở vùng Trung Á và có nguồn gốc liên quan nhiều đến khuôn mẫu các loại gương cổ Trung Hoa có niên đại xác định vào đời Hán. Các mạn-đà-la diễn tả những sức mạnh tâm linh và sức mạnh vũ trụ dưới một hình thức huyền bí hay được nhân hóa, thể hiện những sức mạnh ấy thông qua hình ảnh các vị thần, được trình bày bằng hình dạng có thể nhìn thấy được, hoặc bằng những ký tự có khả năng gây liên tưởng đến các vị thần và những gì tạo thành tính chất huyền bí của họ.

Những biểu tượng này, nếu được nhận hiểu một cách thích hợp sẽ cho phép chúng ta diễn đạt được những nỗi lo sợ sâu thẳm trong tâm hồn, những rung động từ thuở sơ khai và những cảm xúc từ xa xưa. Thông qua chúng, ta có thể liên kết, khống chế và làm tan biến đi những sức mạnh của vũ trụ, tạo ra được sự chán ghét đối với tất cả những điều giả tạo của thế giới luân hồi, và đạt đến sự hợp nhất với ánh sáng tâm thức duy nhất và tuyệt đối.

Những mạn-đà-la là một hình thức đặc biệt của những đồ hình vũ trụ xa xưa, được xem như tiến trình thiết yếu phát triển từ một nguyên tắc cốt yếu và xoay quanh một trục trung tâm là núi Tu-di.1

Những đồ hình như vậy không những được tái tạo trong các mạn-đà-la, mà còn có ở những loại bình dùng trong nghi lễ, ở những cung điện hoàng gia, ở các bảo tháp và đền thờ. Nhờ sự tương đồng giữa vũ trụ rộng lớn và tiểu vũ trụ trong con người mà kịch bản của vũ trụ được tái hiện trong mỗi cá nhân, với tâm thức cũng như xác thân có thể được xem như là một mạn-đà-la, là bối cảnh của sự tìm cầu giác ngộ.

Cấu trúc, sự thiết kế những mạn-đà-la, và sự liên tưởng đến các thần linh đều được khống chế một cách tự nhiên bởi những quy tắc nghiêm ngặt và nghi thức hành lễ được xác định rõ.

Sự bộc phát sáng tạo của những Tan-tra đầu tiên đã dẫn đến một sự hỗn loạn hoàn toàn của vô số những giả thuyết về các sức mạnh vũ trụ và tâm linh, và chính Kim cang thừa là bộ phái đã áp đặt trật tự sắp xếp cho khối lượng khổng lồ những truyền thống mới hình thành đó. Bộ phái này chấp nhận việc phân chia tất cả sức mạnh vũ trụ thành năm phần, mỗi phần thuộc về một trong 5 đức Như Lai. Đó là các vị Đại Nhật Như Lai,2 A-súc-bệ Như Lai,3 Bảo Sinh Như Lai,4 A-di-đà Như Lai5 và Bất Không Thành Tựu Như Lai.6

Tiếp đó là một hệ thống phức tạp và rất chi tiết của những mối tương quan huyền bí, sự xác định, biến đổi và chuyển hóa, liên kết tất cả những sức mạnh và sự kiện trong vũ trụ với 5 phần này. Thân thể con người được đặc biệt xem như một tiểu vũ trụ, là biểu hiện của toàn thể vũ trụ, và là phương tiện để nhận thức chân lý, chủ yếu là nhờ vào những phương pháp đã hình thành nên một phần của môn Du-già Hatha1 ngày nay ở Ấn Độ.

Chúng ta nghe nói nhiều về sự tương đồng giữa những gì nhìn thấy, nghe biết và sờ mó được, và tất cả mọi việc đều được vạch ra nhằm hợp nhất những sức mạnh của tâm ý, lời nói và thân thể, hướng đến mục đích nhận ra được trạng thái rốt ráo của sự hoàn tất, hay chính là sự giác ngộ.

Kim cang thừa được xác định rất rõ ràng như là một “phương thức sống giúp người ta sử dụng được mỗi một hoạt động của thân, khẩu và ý đều như là phương tiện giúp cho sự tiến đến giác ngộ”, và như vậy thật đáng ngạc nhiên là rất giống với Thiền tông ngày nay.

Tuy nhiên, ý nghĩa chân thật của Kim cang thừa không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra được, bởi vì ở đây đã thành một thông lệ là, đưa cái cao nhất vào trong hình thức thấp nhất, làm cho cái linh thiêng nhất trở thành tầm thường nhất, cái siêu việt nhất trở thành trần tục nhất, và tri thức chân chánh nhất được che giấu bởi những nghịch lý kỳ lạ nhất. Đây là một cách đối trị có dụng tâm với sự tri thức hóa quá đáng của Phật giáo vào thời đó. Việc dùng đến rất nhiều hình ảnh gợi dục đặc biệt có dụng ý đánh thức thái độ nghiêm khắc quá đáng của tăng sĩ đối với mọi vấn đề liên quan đến tính dục. Sự giác ngộ, kết quả sự kết hợp giữa trí huệ và phương tiện thiện xảo, được trình bày bằng sự hợp nhất nam và nữ trong khoái cảm tình yêu. Sự hợp nhất cả hai trong trạng thái giác ngộ là niềm hạnh phúc không thể diễn đạt.2

Sự phát triển xa hơn nữa của Phật giáo ở vùng Bắc Ấn chịu ảnh hưởng lớn lao bởi sự ủng hộ thất thường của các vị vua chúa. Vào thế kỷ 7, vua Giới Nhật,2 một quốc vương có phần kém hơn vua A-dục, hết lòng ủng hộ Phật giáo. Vị vua này trước kia ưa chuộng phái Sammitiyas, và có lẽ do kết quả chuyến viếng thăm của ngài Huyền Trang từ năm 630 đến năm 644, ông quay sang hâm mộ Đại thừa, mặc dù tín ngưỡng của nhà vua có lẽ là giáo phái Shiva. Tuy nhiên, chính triều đại Pla của Bengal (750 – 1150) đã quyết định lịch sử Phật giáo trong những thế kỷ tiếp theo sau đó bằng sự giúp đỡ cho những đại học của Phật giáo. Từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 9, đại học Nālandā trở thành một trung tâm tư tưởng sinh động cho toàn thế giới Phật giáo.

Dưới triều đại Pla, những trung tâm mới được thành lập ở miền Đông Ấn, đặc biệt là Vikramasila và Odantapuri. Những trung tâm này, cùng với Jaggadala và Somarupa là những trung tâm điểm mà từ đó văn hóa Phật giáo lan tỏa ra khắp châu Á trong suốt từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 12.

Ngài Nghĩa Tịnh viếng thăm đại học Nālandā khoảng năm 700,1 đã nói về các giáo phái ở đây rằng: “Họ sống ở những nơi riêng biệt và không can dự vào nhau.” Nhưng thật ra thì Phật giáo chính thức của thời đó đã là sự pha trộn giữa giáo lý Bát-nhã và những Tan-tra. Vua Hộ Pháp2 (khoảng 770 – 810) ngay sau khi lên ngôi rất sùng kính Haribhadra, một pháp sư uyên bác hàng đầu về giáo pháp Bát-nhã và Hiện quán trang nghiêm luận,3 nhưng đồng thời cũng không coi thường những người diễn dịch bộ Bí mật tập hội,4 một bộ Tan-tra rất nổi tiếng.

Chư tăng ở những đại học này kết hợp siêu hình học với sự mầu nhiệm, gần giống với những câu chuyện “Gerbert ở thành Rheims” và “Đại đế Albert” của văn học dân gian thời trung cổ. Phạm vi quan tâm của họ được thể hiện rất rõ qua những gì mà Taranatha ghi nhận lại về một vị trong số họ như sau:

“Bằng cách chăm chú nhìn vào khuôn mặt của nữ thần Đà-la, Sư phá tan mọi nghi ngờ của mình. Sư lập ra 8 trường để dạy Bát-nhã Ba-la-mật-đa, 4 trường để giảng giải bộ Tan-tra Bí mật tập hội, mỗi trường dành cho một trong ba loại Tan-tra, và Sư còn lập nhiều trường với đủ phương tiện để giảng dạy lý luận Trung Quán. Sư bào chế rất nhiều thuốc trường sanh và phân phát cho mọi người, để những người già, 150 tuổi hoặc hơn nữa, đều trẻ lại.”

Sự tổng hợp các tư tưởng Đại thừa trong triều đại Pla đã tỏ ra có một sức sống kỳ lạ. Mặc dù bị những người Hồi giáo hủy diệt ở Bengal, Phật giáo vẫn được truyền qua Java và Nepal. Và ở Tây Tạng vẫn duy trì được một truyền thống sinh động cho đến những năm gần đây.

Vì tín đồ Phật giáo đi trước những người đạo Hindu trong việc phát triển những kinh Tan-tra, nên họ cũng đi trước cả trong sự phát triển môn luận lý.

Vào thời Trung cổ, vị trí trong xã hội cũng như quyền lợi của các nhóm tôn giáo ở Ấn Độ, trong một chừng mực nào đó, tùy thuộc vào sự thể hiện của họ trong những cuộc tranh luận về tôn giáo, cũng rất phổ biến như những cuộc đấu kiếm ở châu Âu.

Trong bối cảnh này, sẽ là một lợi thế rất mạnh mẽ nếu có được kiến thức về những quy luật mà nhờ đó có thể phân biệt rõ những kết luận được rút ra là hợp lý hoặc không hợp lý. Cũng giống như những cuộc tranh luận của các nhà hùng biện Hy Lạp đã dẫn đến hệ thống lý luận của trường phái Socrates, những cuộc tranh luận của các giáo phái ở Ấn Độ cũng đưa đến việc hình thành trong Phật giáo những lý thuyết về lý luận và nhận thức.

Khuynh hướng mới này đã có từ thời ngài Long Thọ,1 nhưng người đầu tiên giảng dạy một hệ thống mạch lạc về lý luận chính là ngài Trần-na2 (vào khoảng năm 450), một đệ tử của Bồ Tát Vô Trước.3 Ngài cũng khởi xướng những nghiên cứu có hệ thống về nhận thức luận trong Phật giáo, bàn luận về nguồn gốc của tri thức, giá trị của sự nhận hiểu và suy luận, cũng như đối tượng của tri thức và tính hiện thực của thế giới ngoại vi.

Trải qua thời kỳ thứ ba, những nghiên cứu về lý luận này đã đạt những thành tựu lớn lao với Dharmakirti (khoảng năm 600 – 650) và Dharmottara (khoảng năm 850), những người đã đề cập đến nhiều vấn đề từng làm bận tâm các triết gia châu Âu, chẳng hạn như vấn đề tự ngã duy nhất và sự hiện hữu của các tâm thức khác. Mối quan tâm này vẫn còn được duy trì cho đến giai đoạn cuối của Phật giáo Ấn Độ, rồi từ đó truyền sang Tây Tạng, và có phần nào giảm nhẹ khi sang đến Trung Hoa và Nhật Bản.

Những nghiên cứu về lý luận của Duy thức tông được phát triển một cách hoàn toàn tự nhiên từ một số vấn đề mà Tỳ-bà-sa bộ đã tự đặt ra trước đây,1 và chúng đã giữ cho tư tưởng triết học Phật giáo luôn luôn tiến tới, và thường là vượt lên trước thời đại.

Ngay tại Ấn Độ, những người Đại thừa dường như vẫn chỉ là thiểu số. Chẳng hạn như, vào năm 640 ngài Huyền Trang đã tính trong số 250.000 vị tăng, và chỉ có từ 70.000 đến 100.000 vị thuộc Đại thừa. Và như vậy, hẳn là sự việc có vẻ như không hoàn toàn công bằng khi chúng ta chẳng có gì để nói về Tiểu thừa mà chỉ đề cập đến Đại thừa, bộ phái đối nghịch của họ.

Sự không cân đối này có lẽ do một sai lầm trong cách tiếp cận vấn đề đã ảnh hưởng đến hầu hết các công trình sử học. Đó là, sự tiếp tục của một truyền thống, cho dù có giá trị đến đâu đi nữa, thường được xem là tất nhiên và không có gì đáng nói, và sẽ còn tiếp tục qua đi mà không có bất cứ một lời nhận xét nào. Thời điểm khởi đầu của một cuộc sống mới bao giờ cũng thu hút hoàn toàn mọi sự chú ý. Và như một cách để điều chỉnh sai lầm này, đôi khi chúng ta cũng nên nhớ lại rằng, vào bất cứ giai đoạn nào cũng luôn luôn hiện hữu một đa số tín đồ Phật giáo có đức độ, những người vẫn tiếp tục đi theo truyền thống cũ và không nhận được bất cứ một sự đánh giá nào,2 cũng giống như những người đàn bà đức hạnh thường không được ai nói đến giá trị đức hạnh ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/07/2012(Xem: 9891)
Thiền sư Nhật Dōgen Kigen (Đạo Nguyên Hy Huyền) (1200-1253), cũng thường được gọi là Eihei Dōgen, là vị tổ sáng lập tông Tào Động (Nh: Sōtō) tại Nhật. Hiện nay Thiền tông (Zen) tại Nhật có hai tông thịnh hành nhất là tông Lâm Tế (Rinzai) và tông Tào Động
29/06/2012(Xem: 6042)
Biện đạo thoại (Bendōwa, 辨 道 話) là một trong những phẩm chánh của tác phẩm Shōbōgenzō (Chánh pháp nhãn tạng 正 法 眼 藏) do Dōgen (Đạo Nguyên 道 元) là vị tổ sáng lập tông Tào Động (Sōtō) Nhật Bản viết.
30/05/2012(Xem: 5773)
Giáo lý Phật Đà được truyền đến Tây Tạng dưới sự bảo trợ của một dòng truyền thừa cổ xưa các vị vua.
30/05/2012(Xem: 6664)
LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO & HỒI GIÁO TẠI AFGHANISTAN · Địa lý · Sự hiện diện của Phật Giáo vào buổi đầu · Trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ và Vương quốc Graeco-Bactrian · Thời đại Kushan · Người White Huns và Turki Shahis · Tây Thổ Nhĩ Kỳ (The Western Turks) · Thời đại Umayyad và sự mở đầu của Hồi giáo · Liên minh Tây Tạng · Đầu thời kỳ Abbasid · Cuộc nổi loạn chống lại đế chế Abbasids · Triều đại Tahirid, Saffarid, và Hindu Shahi · Triều đại Samanid, Ghaznavid, và Seljuk · Triều đại Qaraqitan và Ghurid · Thời kỳ Mông Cổ (Mongol)
29/05/2012(Xem: 17197)
Đây là cuốn sách đầu tiên ghi lại lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu và ảnh hưởng của Phật Giáo đối với đời sống văn hóa và tâm linh của người Úc... Thích Nguyên Tạng
16/04/2012(Xem: 8576)
ột vài người có thể nghĩ rằng, Rime (Rimed, phát âm là Remay) là một truyền thống riêng biệt của Phật giáo Tây Tạng, hay đây là một truyền thống mới, tách biệt khỏi tám dòng truyền thừa thực hành hay năm truyền thống chính. Nhưng sự thật thì không phải thế.
16/04/2012(Xem: 5160)
Lịch sử của dòng Sakya bắt nguồn từ các vị trời giáng sinh từ cõi Tịnh Quang trong coi trời Sắc giới đến ngự tại các rặng núi tuyết của Tây Tạng vì lợi lạc của chúng sinh.
16/04/2012(Xem: 6778)
Đức Kyabje Trulshik Rinpoche, Ngawang Chökyi Lodrö, là hóa thân của ngài Zhadeu Trulshik Rinpoche ở Dzarong, và cũng là hóa thân của đức Kim Cương Thủ và đức Văn Thù.
07/04/2012(Xem: 7381)
Trong cuối kỷ nguyên hai mươi đầu thế kỷ 21 đầy biến động chính trị trọng đại trên thế giới cũng như ở nhiều quốc gia, mà chúng tôi chỉ trình bày với mức tối thiểu về một khía cạnh Tôn giáo trong những năm tháng gần đây, nhất là đối với Phật Giáo Việt nam ở hải ngoại. Còn đề tài trên chắc chắn phải dành một chỗ rộng hơn, hay là có nhiều bậc thức giả mổ xẻ nhiều hơn trong những dịp có thể.
19/03/2012(Xem: 3842)
Có thể nói nguyên nhân sâu xa và then chốt nhất của sự biến mất truyền thống Tăng bảo trong Phật giáo Nhật Bản hiện tại là bản thể giới luật của Tăng không được coi trọng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]