Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC PHẬT GIÁO Ở MIẾN ĐIỆN

08/04/201308:32(Xem: 3419)
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC PHẬT GIÁO Ở MIẾN ĐIỆN
CHỦ NGHĨA DÂN TỘC PHẬT GIÁO Ở MIẾN ĐIỆN
Nguyên tác: Buddhist Nationalism in Burma by Maung Zarni (*)

Dr_ZarniHệ thống hóa sự kỳ thị chủng tộc chống người Hồi giáo Rohingya đã dẫn Miến Điện tới con đường diệt chủng. ( Institutionalized racism against the Rohingya Muslims led Burma to genocide) (Hình bên; tác gỉa)

Ở bên ngoài Miến Điện, hình ảnh những nhà sư Theravada Miến qua cuộc “Cách Mạng Áo Vàng” (Saffron Revolution) năm 2007, vẫn còn tươi màu. Với sự hỗ trợ của nhân dân Phật tử sùng tín, từng đoàn sư áo vàng miệng râm rang tụng niệm những lời từ bi xen lẫn thính âm của tình yêu thương trên khắp đường phố Rangoon, Mandalay, và Pakhokeku, kêu gọi sự cải thiện đời sống cho công chúng trước tình cảnh kinh tế khốn đốn gây khổ cho người dân Phật tử. Những vị sư chân trần can trường chống đối sự cai trị quân phiệt, là hình ảnh tuyệt vời của Phật Giáo dấn thân, âm vang một phó bản Tinh thần phương Đông cổ đại của Phật Giáo hành động, làm biến dạng hình ảnh của những người Phật tử thường có là sự khả ái, nụ cười, lòng mến khách đang dẫn đạo một cuộc sống đầy ý nghĩa, cho một phần thế giới không-Phật-Giáo thấy con đường mà Phật Giáo ấp ủ cho hòa bình.

Thế mà trong năm ngoái, thế giới sững sờ trước hình ảnh những nhà sư cũng chiếc áo vàng ngày trước, biểu tình chống đối các nước Hồi Giáo phân phối thực phẩm cứu trợ cho dân đói vùng Rohingya, phải di cư đến những trại tị nạn ngay trên quê hương của họ, sau khi bị những người Phật Giáo Rakhine tấn công. Một cuộc diệt chủng của người Phật Giáo kỳ thị chủng tộc chống lại dân Hồi Rohingya, một cộng đồng thiểu số non một triệu người ở phía tây tỉnh Rakhine (còn có tên gọi khác là Arakan) Miến Điện, là một tai biến cho công tác cứu trợ nhân đạo quốc tế. Nhà nước quân-phiệt-trị không ngừng toan tính xóa bỏ dấu vết chủng tộc Rohingya, một thành phần thiểu số đã từng được chế độ dân chủ U Nu nhìn nhận năm 1954. Thực vậy, trong vài tháng bạo động vừa qua, bắt đầu từ tháng Sáu 2012, dân Rohingya đã bị thiệt hại đến 90 phần trăm gồm số người thiệt mạng và nhà cửa bị phá hủy, có làng và vài vùng phụ cận bị tàn phá hoàn toàn. Đàng sau làn sóng bạo động ở Rohingya, là một loạt những vụ giết người, đốt nhà, và những cơn giận dữ cuồng điên đã đổ lên đầu dân Rohingya, được hỗ trợ ngầm bởi lực lượng an ninh Miến Điện.

Diễn biến trong vài năm vừa qua là sự căng thẳng và cuồng nộ của kỳ thị chủng tộc, nổi lên từ những người Phật Giáo Tiểu Thừa Miến –những kẻ đã tham dự vào cuộc tàn phá cùng với chủ trương tống xuất dân Hồi Giáo Rohingya. Những điều hung ác ấy được nhân danh chủ nghĩa dân tộc Phật Giáo Miến Điện, vốn không thể nào kết nối được với lý tưởng của từ-bi-tâm (tiếng Pali: metta). Người Phật tử Rakhine đã ném những đứa bé Rohingya vào trong những đám lửa cháy ngay chính căn nhà của chúng trước mắt những người thân trong gia đình. Vào ngày 3 tháng Sáu, 10 người Hồi giáo ở ngoài địa phận tới hành hương, đã bị kéo lôi ra khỏi xe bus ở phố Rakhine, Taunggoke, chừng 200 dặm về phía tây Rangoon (thủ đô cũ), và họ bị đánh đập cho tới chết bởi một nhóm hơn 100 thanh niên Phật tử. Tội ác xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt của công chúng và nhân viên cảnh sát địa phương.

Một trong những cảnh tượng đáng kinh ngạc là sự kỳ thị chủng tộc chống dân Rohingya đặc biệt xảy ra ngay vùng trung tâm, tràn ngập người Miến đa số, không hề thấy một bóng dáng người Rohingya nào –họ vốn cư ngụ ở vùng Rakhine phía tây Miến Điện, giáp ranh với Bangladesh.

Diện mạo bề ngoài –ngoại trừ ngôn ngữ, tôn giáo, giai cấp xã hội, là chỉ dấu để nhận diện người cùng cộng đồng dân tộc. Màu da đóng vai trò quan trọng để người ta quan sát, giám định sự kỳ thị ở Á Châu. Rohingya là một chủng tộc có mà da nâu hơn –đôi khi họ còn bị gọi chế nhạo là bọn “Bengali kalar” (có ý miệt thị). Thực vậy, người Phật Giáo có màu da sáng hơn, thường không bị nỗi sợ hãi như người dân có màu da nâu sậm, mà lại còn được ưu ái, kính trọng, và được bảo vệ.

Sự áp chế và thù ghét dữ dội nhắm vào người Hồi Giáo còn mở rộng đến những người Phật Giáo nào đi giúp đỡ dân Hồi. Tháng Mười 2012, một số thanh niên Phật Giáo Rakhine bị nêu đích danh, rồi họ bị hạ nhục, bắt đi diễu hành khắp các đường phố, treo trên người một tấm bảng viết tay, “Tôi là kẻ phản bội.” Tội phạm của họ là gì vậy? –Tội đã bán phẩm vật cho một người Hồi giáo Rohingya.

Tinh thần Đông phương về Phật Giáo đã được tô-hồng quá đậm đối với người phương Tây, làm cho họ sẽ vô cùng kinh ngạc khi nghe nói sự tàn ác xuất phát từ một quần chúng Phật Giáo võ trang, hay một chế độ chính trị nào đó hỗ trợ hay xúi khiển Phật Giáo như là công cụ ý thức hệ.

Hình ảnh phổ biến của Phật Giáo là hòa bình, thuyết lý tôn giáo đầy nhân-bản-tính trái ngược với một chiều dài lịch sử những đế quốc Phật Giáo đầy bạo động –từ Hoàng đế Ashoka trên bán lục địa Ấn Độ cổ đại đến các chế độ quân chủ tiền-thực-dân Sri Lanka, Siam (Thái Lan), và các vương quốc Khờ-me hay Miến Điện –vài nơi đã phát động chiến tranh phải cậy nhờ vào phật-pháp (dharma). Sự đàn áp dưới chế độ của Tổng thống Miến Thein Sein và kẻ đồng lân ở Sri Lanka –Tổng thống Rajapaksa, chỉ là vài thí dụ mới nhất trong chiều dài các chế độ Phật Giáo hung bạo.

Thành kiến bao giờ cũng tăng trưởng trong những cộng đồng có sự khác biệt về tín ngưỡng, giai cấp và chủng tộc cùng nhau chung sống. Song, diệt chủng không phải là điều không thể tránh được; bảo vệ phải xuất phát từ định chế hữu cơ, với những tổ chức có quyền lực được ban hành bởi luật pháp của chế độ. Đoàn thể chính trị và cư sĩ Miến Điện –trong khi được thế giới biết đến với những lý tưởng của nhân quyền và dân chủ xuyên qua các tổ chức xã hội thiên tả có bằng chứng thất bại với thử thách điều mà Aung San Suu Kyi vang danh gọi là, “cuộc cách mạng tinh thần”. Thay vào đó, họ đã chọn theo đuổi một chủ nghĩa dân tộc phá sản đóng rễ trong nỗi lo sợ mất nhà cửa, đất đai, sự thuần tính về tôn giáo và chủng tộc.

Chế độ Miến Điện đã vận động tình thần thù ghét Hồi Giáo xuyên qua các cơ cấu tổ chức, bao gồm hệ thống truyền thông chính phủ, các mạng Net xã hội, kể cả Facebook của văn phòng tổng thống.. Các mạng Net xã hội tiếng Miến trong nổ lực thoát ra khỏi tầm quan sát của truyền thông quốc tế, thường văng ra thứ ngôn ngữ thù hận thô tục. Phổ biến những bức hình nạn nhân của Hồi Giáo, kể cả Rohingya trên trang Facbook –chắc là dễ dàng cho các mạng lưới truyền thông xã hội của một nước Miến Điện mở cửa đổi mới –chắc sẽ được chào đón với sự đồng lòng của các công dân mạng Phật Giáo trong và ngoài nước. Rất ít người Miến, các nhà hoạt động cho nhân quyền nước ngoài, các ký giả còn dám lên tiếng chống lại làn sóng kỳ thị chủng tộc, phát xít trong xã hội Phật Giáo đang bành trướng với những lời chửi rũa, đe dọa và thù ghét. Các ký giả đã mất hết tinh thần với khối lượng điện thư đầy những lời lẽ thù hận hung dữ họ nhận được từ những công dân Miến sau một vài bài báo kết án những hành vi bạo động vừa mới xảy ra cho lên báo.

Trong một tài liệu vừa được hãng Al Jazeera phát hình vào ngày 9/12/2012, Giáo sư William Achabas, một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn nạn diệt chủng, mới đây từng là chủ tịch Hội Các Học Giả Quốc Tế về Diệt Chủng, đã xếp loại việc bạo hành chống dân Rohingya thuộc vào loại diệt chủng. “Chúng tôi đi đến một vùng mà ở đấy chỉ có thể dùng từ ngữ diệt chủng để mô tả,” Schabas nói, “Khi ta thấy tầm mức ngăn chận sự sinh sản, nổ lực xóa sạch căn cước của một chủng tộc, mong cho nó… sẽ không còn hiện hữu, chối bỏ lịch sử, phủ nhận quyền chính đáng được sống và sống ở nơi đâu của một nhóm người, thì đấy là những dấu hiệu cảnh báo rằng nó không phải là chuyện nhỏ để nói thẳng bằng danh từ diệt chủng.”

Hội Nghị Quốc Tế về Phòng Vệ và Trừng Phạt Tội Ác Diệt Chủng đã được ban hành từ ngày 12 tháng 1, 1951, đã phán quyết rằng: “Với Hội Nghị này, diệt chủng có nghĩa là bất cứ một trong những hành động theo sau có mục đích hủy hoại, toàn thể hay từng phần, quốc tịch, chủng tộc, dòng giống và thành phần tôn giáo, chẳng hạn như:

(a) Giết hại các thành viên của một nhóm đồng chủng;

(b) Gây thương tích thể xác hay tinh thần đến thành viên của nhóm;

(c) Chủ tâm gây thương tổn đến điều kiện sống với mưu toan mang đến sự hủy hoại thể chất hoàn toàn hay từng phần;

(d) Ép buộc có chủ đích ngăn chận sự sinh sản;

(e) Dùng sức mạnh để chuyển đổi trẻ em từ một nhóm người này sang một nhóm khác.

Các nhà lãnh đạo Miến Điện, các tổ chức xã hội lẫn chế độ chính trị Phật Giáo, đã can dự vào 4 điều vi phạm trước, mặc dù họ đã phủ nhận sự sai trái của các lực lượng an ninh, trong suốt 6 tháng bạo động năm 2012, để lại 167 dân Hồi Giáo Rohingya chết và 110 ngàn người khác phải tị nạn.

Theo tinh thần đoạn văn (e) thì sự thiếu ăn của các trẻ em Rohingya, hay chúng không hề được chăm sóc về học hành, hẳn không thể gọi là bị “áp lực chuyển dời nơi cư trú”, ngược lại các trẻ em Rohingya lại bị giết hại –bằng đâm chém, nhận chìm dưới nước, thiêu sống –bởi những người Phật Giáo Rakhine.

Trong buổi diễn thuyết với công chúng ở Brunei, Đông Nam Á châu, vào ngày 2 tháng 12, 2012, Giáo sư Ekmeleddin Ihsanoglu, Tổng thư ký của Tổ chức Tác hợp Hồi giáo (OIC), được một sinh viên hỏi –vì sao với 57 đại biểu thành viên quốc gia, về lý thuyết, tối thiểu có 1.5 tỷ người Hồi Giáo –lại không biết gởi thông điệp về nạn khủng bố thiểu số người Hồi giáo cho khắp thế giới biết đến. Để trả lời, Ishanoglu cho rằng thần tượng dân chủ Miến Điện là người được giải Nô-ben Hòa bình Aung Suu Kyi vừa là một nhà hoạt động nhân quyền cho Phật Giáo Miến Điện. Ông nói, Suu Kyi, “chỉ quan tâm đến nhân quyền cho người Phật Giáo, bởi vì họ là con người, còn Hồi Giáo thì không.” Sự xúc động đàng sau câu tuyên bố trên là điều có thể hiểu được; thật ra đó là tính toán chính trị. Aung San Suu Kyi sẽ chẳng được gì, nếu như công khai tuyên bố chống lại sự đối xử với người Hồi giáo Rohingya. Bà không còn là một nhà đối kháng chính trị nữa, nay bà là một chính trị gia, và bà đang nhắm tới mục tiêu trước mắt: thắng cuộc bầu cử 2015 với lá phiếu của Phật Giáo đa số.

Trước buổi diễn thuyết ở Brunei, Giáo sư Ihsanoglu đã gửi một lá thư cho bà Suu Kyi nhân danh Tổ chức OIC, trong đó ông nhấn mạnh với người lãnh đạo tổ chức Liên Minh Dân tộc cho Dân chủ cần phải biết dùng uy thế lớn lao, tầm ảnh hưởng xã hội của bà, đẩy lùi làn sóng kỳ thị chủng tộc người Hồi giáo ở Rohingya nói riêng, và dân chúng Hồi giáo nói chung. Nhưng ông chỉ nhận được sự im lặng. Đã thất bại trong việc làm giảm thiểu sự vi phạm nhân quyền chống người Rohingya, nhà lãnh đạo thần tượng của Miến Điện –người mà một số Phật tử Miến coi như một “vị Phật” –coi như thất bại luôn trong bước diễn hành với chủ nghĩa nhân đạo Phật giáo.

Ngày 4 tháng Giêng, 2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày độc lập của Miến Điện thoát khỏi sự cai trị của Anh quốc, Suu Kyi nói trong bài diễn văn tại trung tâm Liên minh Tác hợp Dân Chủ rằng, người dân Miến Điến phải biết dựa vào chính mình, nếu muốn biến giấc mộng một quốc gia tự do và phú cường trở thành hiện thực. “Đừng bao giờ mong đợi một vị cứu tinh,” bà cảnh báo. Thế nhưng, theo tạp chí Irrawaddy, trong một bài bình luận mới đây, viết rằng “Suu Kyi nói đúng, Miến Điện không cần một vị cứu tinh; song Miến Điện cần một nhà lãnh đạo.”

Nhà lãnh đạo với 25 năm của phong trào nhân quyền Miến Điện, giờ đây nói bằng ngôn ngữ của an ninh quốc gia, chủ quyền tuyệt đối, và nhân quyền có điều kiện, vang vọng thứ ngôn ngữ và ý tưởng của những kẻ từng bắt giam bà –bọn quân phiệt. Liên minh NLD và sự đối kháng dân chủ đã thất bại với sự mâu thuẫn bởi chính cá nhân và ý hệ của riêng nó. Họ ôm ấp thứ nhân quyền có điều kiện và chủ quyền tuyệt đối là chỉ dẫn cho thấy họ cũng đã nói thứ ngôn ngữ của Phật Giáo, với tâm yêu thương phổ biến nhưng lại trật bước chân. Nhiều lãnh đạo sinh viên và hoạt động nhân quyền từng đứng dậy trong năm 1988 đã dành nửa cuộc đời của họ trước vành móng ngựa và bên các song sắt của nhà tù Insein, nổi danh là “những tù nhân của lương tâm” đã không chịu sẵn sàng nối tiếp cho lý tưởng nhân quyền của những người Hồi giáo Rohingya, một chủng dân mà Ủy Hội Quốc Tế đã xác nhận là một trong những thành phần thiểu số bị đàn áp nặng nề nhất trên thế giới.

Phật Giáo, là một hệ thống triết lý và tôn giáo, tuyệt đối không hề có sự tương thích nào với những tổ chức văn hóa, kinh tế và chính trị mà người ta thường gọi là ‘quốc-chế’ (nation states). Phật Giáo không phải như người ta thường tưởng tượng tới một cộng đồng dân tộc dựa vào sự đối xứng xã hội, mà phải là sự sử dụng trí năng con người để nhìn xuyên suốt cốt lõi thực tính phi hiện hữu của bản thân nó. Vả lại, ở Miến Điện thứ triết học nhân đạo này, đã xác nhận nó không đủ tư thế để bảo vệ chống lại cái vòm định kiến xã hội và những kẻ xướng xuất tinh thần dân tộc cực đoan, những người Miến ồn ào vốn tự nhận mình bám rễ vào tín ngưỡng Phật giáo, thực hành đúng mọi nghi lễ và là kẻ đỡ đầu cho các tổ chức Phật giáo, và rồi họ cứ tiến lên can dự vào các hành động tàn ác không diễn tả nỗi chống lại bất cứ ai, mà họ nghĩ là kẻ thù của Phật giáo, chế độ chính trị Phật giáo, sự giàu sang của Phật giáo, phụ nữ Phật giáo, đất đai của Phật giáo. Thay vì truyền hướng các nguyên tắc của lòng khoan dung tôn giáo trong xã hội, bất phân biệt, và hiệp thông xã hội giữa những người thế tục mộ đạo, thì các vị tu sĩ Phật giáo đầy ảnh hưởng, thẳng thừng phê phán và biểu tình chống lại người Hồi giáo Rohingya, biến thành một đe dọa nguy hiểm nhất cho tất cả mọi người.

Xuyên qua sự cai trị của ngoại nhân Anh từ 1824 đến 1948, nền Phật Giáo của một Miến Điện thuộc địa đã góp phần tạo dựng một căn cước dân tộc chung, giữa mọi giai tầng xã hội và các cộng đồng Phật giáo khác biệt chủng loại mâu thuẫn về quyền lợi chính trị, đều cùng có chung những nổ lực phối hợp chống-đế-quốc. Trong khi đó, sự bùng phát chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc hiện nay chính là kết quả trực tiếp từ nửa thế kỷ của chế độ quân phiệt bạo ngược. Xây dựng chu đáo một chuồng sắt –bằng những tảng đá nguyên khối quý giá, một thứ đặc tính chủng tộc –giam hãm và tự nhiên hóa nhãn quan một hình thái văn hóa dân tộc Miến Điện. Một chủng dân cố duy trì tiềm lực ưu thế, biến Phật Giáo trở thành cốt lõi nhằm nhận diện căn cước một người Miến đích thực.

Đối với những người Phật giáo Miến thiểu số, sự kết hợp chủ nghĩa dân tộc Phật giáo với tinh thần cực kỳ phân biệt chủng tộc đã phục vụ cho sự hợp lực ban đầu kêu gào chống lại chế độ Raj bù nhìn đế quốc Anh, giờ đây bị rẻ rúng như là chuyện của quá khứ. Thế nhưng đối với nhiều người Phật giáo Miến khác, chủ nghĩa dân tộc đồng-chủng đồng-tín-ngưỡng trước đây từng phục vụ cho phong trào độc lập dân tộc đã ban phát môi trường cho sự kỳ thị chủng tộc nở hoa.

Những lực lượng xã hội ảnh hưởng tinh thần Phật giáo, đã chứng tỏ như một con dao hai lưỡi trong nhiều năm qua. Trong thời kỳ hậu-thế chiến II đến cuối thập niên 1940, cuộc cách mạng dân tộc ảnh hưởng tinh thần Mác-xít được lãnh đạo bởi Aung San (thân phụ của Aung San Suu Kyi) đã tiến dẫn tới một chủ nghĩa quốc gia dân sự, thế tục và đa văn hóa. Năm 1948, sau khi Aung San bị ám sát bởi một đối thủ chính trị (chừng 90 ngày sau khi đạt nền độc lập), Miến Điện bị rơi vào một chuỗi nổi loạn vũ trang chống lại chính quyền trung ương. Những người thừa kế Aung San đã từng bước từ khước chủ nghĩa quốc gia thế tục song hành với các cơ cấu xã hội dân sự để thoát khỏi chủ trương tạo dựng căn cước dân tộc bằng tinh thần tín ngưỡng -và- địa phương tính sắt máu.

Để chống lại bối cảnh đó, tinh thần phân biệt chủng tộc phổ cập của Phật giáo đa số, biểu thị bằng một tiềm lực xã hội chiếm ngự bởi bộ phận công an chế độ Miến Điện, thống hợp để cùng chống các công dân Miến Hồi giáo. Quyền lực chính trị Miến Điện bao gồm, những tướng lãnh và cựu tướng lãnh đầy ưu thế, cùng với những chủ nhân đầy lòng khoan dung trong các hoạt động Phật giáo như bố thí, xây dựng chùa chiền, tự viện. Những kẻ lãnh đạo quân phiệt này sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cơn nghiện ‘ma túy’ của đám đông quần chúng –như một yêu cầu chính đáng của Phật giáo, với hiệu quả của nó là bình thường hóa sự khổ đau cho quần chúng, chừng nào mà người Phật tử còn tin tưởng chính lòng sùng đạo, chứ không phải là yếu tố kinh tế chính trị, là một hứa hẹn sự tái sinh đời sau sẽ tốt đẹp hơn. Như một viên chức chế độ đã nói với tôi rằng, “Mấu chốt của vấn đề là, chúng tôi không muốn có thêm “bọn Hồi” (‘Mus’) trong đất nước này, nhưng chúng tôi không thể giết hết bọn họ.” Thế là như một giải pháp, các nhà lãnh tụ cải cách đã chuyển giao công tác diệt chủng nơi vùng Đất Vàng (Golden Land) này qua những bàn tay của Phật giáo Rakhine.

(*) Dr. Maung Zarni là một nhà hoạt động nhân quyền Miến Điện, một học giả. Hiện nay, ông là một ‘visiting fellow’ tại Trường Kinh tế Luân Đôn; là người sáng lập tổ chức Liên minh Tự do Miến Điện.

(Maung Zarni is a Burmese activist and scholar. He is a visiting fellow at the London School of Economics and the founder of the Free Burma Coalition.)

Chuyển ngữ: Nguyễn Văn Hóa

Source link: http://www.tricycle.com/feature/buddhist-nationalism-burma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 62959)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
16/05/2010(Xem: 5209)
Trải qua chiều dài lịch sử, Phật Giáo Việt Nam hòa hợp với cuộc sống dân tộc để trở thành Việt Phật đầy tính dân tộc, thể hiện trong các lãnh vực tôn giáo, chính trị và văn hóa. Bài này, trích trong một cuốn sách sẽ xuất bản trong tương lai, chỉ đủ thời lượng để trình bày một khía cạnh, “Tính dân tộc của Việt Phật trong lãnh vực chính trị”, xét theo nhãn quan của khoa chính trị-xã hội học mới.
11/04/2010(Xem: 3300)
Tăng đoàn bắt đầu hoạt động rộng rãi và có ảnh hưởng kể từ khi Phật niết bàn. Khi Phật chứng Niết bàn tối hậu, 500 vị tỳ kheo A la hán họp lại để hệ thống hoá giáo điển (kiết tập).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]