Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diễn văn tưởng niệm BT Quảng Đức thiêu thân lần thứ 47, 2010

10/04/201317:13(Xem: 3891)
Diễn văn tưởng niệm BT Quảng Đức thiêu thân lần thứ 47, 2010

 

Bo Tat Quang Duc


Diễn văn tưởng niệm
Bồ Tát Quảng Đứcthiêu thân lần thứ 47, 2010

Hòa thượng Thích Toàn Châu

Nguồn: www.quangduc.com


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô lịch đại Tổ Sư Bồ Tát.

Kính lạy Ân Đức Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Kính bạch chư Tôn Hòa Thượng Hội Đồng Chứng Minh; Hội Đồng Trị Sự Văn Phòng II Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh; chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa Ban Đại Diện Phật Giáo Quận Phú Nhuận; chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa các cấp Giáo Hội toàn Thành Phố; chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni trong các tỉnh thành phố khắp mọi miền đất nước đã đủ duyên về dự Lễ Tưởng niệm hôm nay, cùng chư Tôn Đức Năng Ni các Chùa, các Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất.

Kính thưa Quý vị đại diện các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, Ủy Ban Nhân Dân, Ban Tôn Giáo Thành Phố và Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố Hồ Chí Minh; các cấp lãnh đạo Quận Phú Nhuận, Phường 5.

Kính thưa chư vị đại diện các Tôn giáo bạn tại phường 5, Quận Phú Nhuận, quý vị Quan khách, chư vị Thức giả cùng toàn thể Phật tử các giới hiện diện.

Xin hân hạnh chào mừng tất cả Quý vị.

Kính thưa toàn thể Quý vị, 47 năm trước, năm 1963, một năm kinh hoàng nhất đối với Chùa chiền, Tăng Ni, Phật tử tại miền Nam Việt Nam. Cũng từ đó mà sự hy sinh quyết tâm bảo vệ Đạo Pháp và Tinh thần truyền thống Dân tộc lại được xác định, càng thêm rõ nét, ghi thêm một dấu ấn vàng son của Đạo Pháp trên dòng lịch sử bất khuất của Dân tộc Việt Nam.

Sự hy sinh để bảo tồn Đạo Pháp và truyền thống Dân tộc là luôn luôn có trong tinh thần Giác Ngộ và Hạnh Nguyện Từ Bi của các nhà hành Bồ Tát Đạo, những vị thật tu thật đức.

Đất nước Việt Nam chúng ta trong thế kỷ XX gặp quá nhiều đau thương khổ nhục. Phật giáo cũng cùng chung với vận nước; Pháp nạn 1963 cho thấy rõ những đau thương đã đến cùng độ, mà Đạo Pháp và Dân tộc phải gánh chịu; lương tâm bị nhà cầm quyền chà đạp.

Khi mà nhà quyền lực chối bỏ lương tri, lấy uy quyền thế lực để trị dân, không cần lẽ phải, coi rẻ dư luận và khuyến cáo; Chùa chiền, những nhà Tu hành sống trong Trí giác và thực hiện Từ Bi Hạnh Nguyện cứu tế chúng sanh, bị coi là đối thủ. Đạo Từ Bi Giác Ngộ tại Việt Nam dưới mắt nhà cầm quyền cần loại bỏ thì, tinh thần bảo vệ Đạo Pháp đó trở thành ý chí mãnh liệt, nhất là khi mà biểu tình bị nghiêm cấm, tuyệt thực để đòi hỏi quyền tự do và bình đẳng Tôn giáo cũng bị phong tỏa. Dư luận cả trong và ngoài nước đều lên án sự bất công đó, nhưng nhà cầm quyền vẫn coi rẻ và phớt lờ. Tất nhiên, nhà tu hành của Đạo Giác Ngộ Từ Bi cứu tế chúng sanh phải dụng tới bản năng ý chí và Hạnh Nguyện phi thường của lý tưởng Vô Ngã Vị Tha, mà người nhiễm mê ái trước thế gian không thể thực hiện được. Đó là tự thiêu đốt thân mình để cứu nguy Đạo Pháp, lợi lạc chúng sanh, và chính Tinh thần Hạnh Nguyện đó cũng là một pháp cúng dường Chư Phật, và đây là pháp cúng dường cao cả, khó nhất trên hết thảy các pháp cúng dường, chỉ có các Bậc Bồ Tát với Trí Bi sung mãn, Hạnh Nguyện Giác tha với Tâm Bồ Đề kiên cố mới làm được trong tinh thần An Lạc, biểu hiện Tánh đức Giải thoát ngay giữa lòng chúng sanh thế gian đầy khổ đau phiền muộn.

Thế giới chúng sanh khổ đau, mê vọng; Bồ Tát đã Giải thoát mê vọng, tức khổ đau cũng chấm dứt ngay đó. Chúng sanh vì cái thân mà khởi phiền não, gây nghiệp chướng, Bồ Tát xả thân ngồi trong lửa mà An lạc, biểu hiện sự sáng sạch trọn vẹn không vướng dính phiền não nghiệp chướng. Sống trong Đại nguyện và chết bằng Đại nguyện: Phụng sự Phật đạo, Phước lợi quần sanh ,là việc thường nhiên của Bồ Đề Tâm làm sáng giá Bồ Tát Hạnh.

Ngài Thích Quảng Đức đã thực hiện Đại Nguyện thiêu thân cúng dường của Bồ Tát Đạo hết sức ngoạn mục, mà bao lớp người của thời đại khoa học văn minh nầy đã chứng kiến.

Cho nên, quả tim Ngài Thích Quảng Đức đốt lại lần thứ hai mà vẫn còn nguyên, chẳng những là biểu hiện Phật giáo Việt Nam bất diệt, mà còn biểu hiện giá trị tối thượng của Phật đạo có ngay nơi bản thân mỗi chúng sanh, khi mà chúng sanh đã biết tự dứt sạch mọi mê vọng và ác nghiệp ngay trong nhịp thở của đời sống.

Thưa Quý liệt vị, cuộc tranh đấu trong Pháp nạn 1963, Chúng tôi nhớ rõ và cũng đã khảo cứu là có hai giai đoạn chính, để đối phó với mưu đồ loại trừ và triệt tiêu Phật Giáo tại miền nam Việt Nam:

Giai đoạn thứ nhất,

Là đòi hỏi tự do bình đẳng Tôn giáo, bỏ chính sách kỳ thị Phật giáo của nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm.

Từ hai điểm chính nầy với sự đàn áp đẫm máu tại đài phát thanh Huế tối rằm Phật Đản năm Quý Mão (1963), mà có ra 5 nguyện vọng của Tăng Tín đồ Phật Giáo. Biện pháp đầu tiên được các nhà lãnh đạo Phật giáo đề xuất thực hiện là mít tinh, biểu tình nêu nguyện vọng và Tăng Ni tuyệt thực tập thể để hậu thuẩn cho những nguyện vọng chính đáng đó. Giai đoạn thứ nhất nầy kể từ sáng Đại lễ Phật Đản và tối hôm đó bị đàn áp đẫm máu như đã nêu trên, cho đến sau khi Ngài Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trưa ngày 11/6/1963 (20/4 nhuận Quý Mão) đã chấn động thế giới, cả thế giới đều lên án sự bất công, kỳ thị, áp bức giới Phật giáo của nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm.

Hạnh nguyện vị Pháp thiêu thân của ngài Thích Quảng Đức, như một tối hậu thư có một không hai của Bồ Tát Đạo, gởi cho một chế độ quyền lực bạo ác, đòi hỏi phải đáp ứng 5 nguyện vọng của Tăng Tín đồ Phật giáo, và đòi hỏi phải thực thi quyền tự do bình đẳng tôn giáo ngay!

Do Hạnh Nguyện vị Pháp thiêu thân chấn động cả thế giới đó, mà nhà cầm quyền thay đổi sách lược, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh giải tỏa những ngôi chùa bị bao vây phong tỏa tại Huế, chấp nhận sự đàm phán để ký kết và thực thi 5 nguyện vọng của Phật giáo.

Đấy là giai đoạn thứ nhất.

Giai đoạn thứ hai,

Nhưng sau khi Ủy Ban Liên Bộ của nhà cầm quyền và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã đàm phán và ký kết xong Bản Thông Cáo Chung, thì nhà cầm quyền lại thay đổi sách lược đàn áp, chẳng những không thực thi những gì đã ký kết, mà còn lên án, chụp mũ, vu khống và ra mật lệnh bắt giam tất cả những ai cầm đầu, chủ động, điều động những cuộc biểu tình chống đối vừa qua. Tăng Ni Phật tử khắp nơi đều điện về báo cáo cho các nhà lãnh đạo Phật giáo biết sách lược trả thù đó.

Vì vậy mà có giai đoạn thứ hai, cũng là giai đoạn tranh đấu quyết liệt nhất. Khắp các tỉnh thành lớn đều tổ chức mít tinh thẳng tay lên án và miệt thị mạ lỵ chế độ Diệm, Nhu, trong những buổi chiều tối. Ở Huế thì thường thuyết giảng và mít tinh tại chùa Diệu Đế. Nhưng những lần biểu dương lực lượng tinh thần chống chế độ Diệm, Nhu của các giới Phật tử, thì chỉ có Phu Văn Lâu mới đủ sức chứa hết lượng người tham dự.

Để đối phó nhằm đề bẹp ý chí và dập tắt tinh thần tranh đấu bất bạo động của giới Phật giáo, một mật lệnh đưa ra từ dinh Tổng Thống Ngô Đình Diệm: “Phải bắt giam hết các cấp lãnh đạo Phật giáo trên toàn quốc đúng lúc 22 giờ ngày 20 tháng 8 này. Những Tăng Ni, kể cả Chúng Điệu lớn tuổi thì bắt tập trung vào một ngôi chùa nào đó mà dễ bề kiểm soát, đủ sức canh phòng để học tập gây áp lực trong vòng 3 ngày”.

Giai đoạn thứ hai nầy, các nhà bình luận gọi là: “Giai đoạn tranh đấu quyết liệt một mất một còn đối với chế độ đàn áp Phật giáo khắc nghiệt chưa hề thấy trong lịch sử Việt Nam”. Trong giai đoạn nầy có 6 vị tự thiêu để bảo vệ Phật giáo (gồm 5 vị Tăng và 1 vị Ni):

(Vị thứ nhất), Đại Đức Thích Nguyên Hương, vị Pháp thiêu thân ngày 4/8/1963 tại trước tòa Tỉnh Trưởng Phan Thiết, Ngài sinh năm 1940 tại làng Long Tỉnh, xã Liên Hương, tỉnh Bình Thuận.

9 ngày sau lại có một Tăng sinh tự thiêu, đó là:

(Vị thứ hai), Đại Đức Thích Thanh Tuệ, sinh tại xã Ba Khê, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, vị Pháp thiêu thân đêm 12 rạng 13 tháng 8/1963, tại chùa Phước Duyên Huế, lúc đó Ngài mới 18 tuổi.

2 ngày sau lại có một vị tự thiêu, đó là:

(Vị thứ ba), Sư cô Thích nữ Diệu Quang, sinh năm 1936 tại Phú Cát, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, tu tại chùa Vạn Thạnh Nha Trang, vị Pháp thiêu thân ngày 15/8/1963, tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

3 ngày sau lại có một vị phát nguyện vị Pháp thiêu thân an nhiên tự tại trước mặt đông đảo Tăng Ni Phật tử đang tuyệt thực và cầu nguyện, đó là:

(Vị thứ tư), Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu, sinh năm 1892, tại làng An Truyền, tỉnh Thừa Thiên, vị pháp thiêu thân vào 4 giờ sáng ngày 16/8/1963 trước sân chùa Từ Đàm Huế.

Qua các vụ tự thiêu đó, nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm, Ông Ngô Đình Nhu, Bà Trần Thị Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu – Hai vợ chồng này lấn lướt quyền hành Ông Diệm), Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục và Ông Ngô Đình Cẩn, v.v… đều như ngồi trên lửa, ác nghiệp đang đốt cháy tâm can, không chịu nổi những bài bình luận, phê phán, chỉ trích khắp các báo đài trên thế giới và trước sự phẩn uất khắp nơi trong nước.

Trước tình thế nan giải đó, gia đình nhà Ngô càng khiển trách các cấp thuộc hạ và chỉ thị phải canh phòng kỹ hơn nữa, phải theo dõi kỹ hết thảy mọi nơi, nhất là chùa chiền, phố thị có hình bóng Tăng Ni.

Trước tình huống và thời điểm như vậy, chẳng ai dễ thực hiện đốt những ngọn lửa phản kháng tiếp. Chỉ còn tại Sài Gòn mới có khả năng biểu tình và tự thiêu được; Tất cả các tỉnh thành khác đều bị đàn áp khống chế tê liệt. Vào ngày 25/8/1963, nữ sinh Phật tử Quách Thị Trang bị Công an mật vụ bắn chết trong cuộc biểu tình của Sinh viên Học sinh trước chợ Bến Thành.

Nhà cầm quyền Diệm, Nhu tưởng rằng Phật giáo đã bị tê liệt hẳn trước Công an mật vụ, quyền lực bủa khắp của họ. Chỉ cần dập tắt những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh nữa là êm.

Nhưng không ! hơn một tháng sau, lại có một Thầy thực hiện được sự tự thiêu để cứu nguy Đạo Pháp, với ý chí uy dũng nội lực phi thường ngồi kết già thẳng lưng, an nhiên trong lửa rất đẹp (hiện có hình rõ trên internet), đó là:

(Vị thứ năm), Đại Đức Thích Quảng Hương, sinh năm 1926, tại xã An Ninh, tỉnh Phú Yên, vị pháp thiêu thân ngày 5/10/1963, trước chợ Bến Thành Sài Gòn, lúc phái đoàn Liên Hiệp Quốc qua điều tra sự đàn áp Phật giáo của nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm. Bấy giờ Quốc hội và Tổng thống Mỹ cũng đã lên án gay gắt sự độc tài tàn ác của chế độ Ngô Đình Diệm và cúp hẳn viện trợ. Nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, … như đang chết điếng trên ngai vàng ảo mộng. Ác quả đã đến hồi chín muồi, khí thế Tăng Ni Phật tử thì không thể dập tắt, niềm phẩn uất càng ngày càng nặng. Công an mật vụ ngày đêm canh phòng nghiêm ngặt mà không ngăn chặn được những vụ tự thiêu. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc thì còn đó, lại có một ngọn lửa chí khí hùng dũng cứu nguy Đạo Pháp và Dân tộc. Quý Thầy phải khéo trang bị mới thực hiện được những vụ tự thiêu trước Công an mật vụ có mặt cùng khắp, nhất là những con đường sắp xếp cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc đi qua. Một vụ tự thiêu quyết liệt và thần tốc trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, mặc dù quanh đó Công an có mặt không ít. Đó là:

(Vị thứ sáu), Đại Đức Thích Thiện Mỹ, vị pháp thiêu thân vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 27/10/1963, Công an thấy sự tình đó hốt hoảng dùng bao tiến vào dập lửa, lôi Thầy ra, Công an bị bỏng tay không chịu nổi, Thầy lại nhảy vào lửa ung dung ngồi cho lửa đốt!

Đây là những ngọn lửa hùng lực biểu hiện ý chí bất khuất tinh thần Hộ Pháp của Tăng Ni son trẻ, trong lúc các cấp lãnh đạo Phật giáo đều bị giam cầm cẩn mật, không cho biết những gì bên ngoài.

Và ngọn lửa của Đại Đức Thích Thiện Mỹ cũng là ngọn lửa cuối cùng trong pháp nạn 1963 đó.

Từ đâu đã bật đèn xanh, để hình thành một cuộc đảo chánh của các Tướng lãnh, cũng phải nói là tương đối thần tốc, đối với một chế độ uy quyền kiên vững như thế. Cuộc đảo chánh đó thành công trưa ngày 1/11/1963, người người reo mừng, Phật giáo nhẹ nhõm!

Kính thưa chư Tôn Đức và toàn thể Quý vị, Chúng tôi rất xúc động, khi lật lại những trang sử bi thảm đó của Phật giáo Việt Nam, nhất là khi nhìn những hình ảnh đang tuổi thanh xuân non trẻ, mà phát Đại Nguyện tự đốt thân mình để cứu nguy Đạo Pháp, phản đối một chế độ gia đình trị mù quáng, tà kiến bạo quyền nhất, quyết triệt hạ Đạo Phật và tinh thần truyền thống Dân tộc.

Thưa Quý vị, Chúng ta không thể vô tình trở thành những con người quên ân dễ dàng, Chúng ta phải thành tâm tưởng nhớ, đãnh lễ cúng dường và cầu nguyện cho những vị đã hy sinh cho Đạo Pháp, An lạc cho chúng sanh.

Sự thể hiện tinh thần tri ân hôm nay của Quý vị cũng là pháp giúp cho thế hệ hiện tại và mai sau không quên tinh thần nầy.

Chúng ta không chỉ tri ân các Ngài ở sử sách, mà tri ân các Ngài hàng ngày được thể hiện trong những thời khóa tu niệm, cũng như trong những lúc an lành nhất của đời sống chúng ta.

Để cho buổi lễ tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, chư Tôn Thượng tọa Đại Đức Tăng Ni vị Pháp thiêu thân trong Pháp nạn 1963, với tâm thành tri ân của chúng ta được mãn nguyện.

Thay mặt Ban Tổ chức, Chúng tôi xin thành kính đãnh lễ Chư Tôn Trưởng lão hiện tiền chứng minh, ngưỡng mong Quý Ngài và toàn thể Chư Tôn đức Tăng Ni, cùng chư vị Quan khách, Từ Bi mẫn niệm cho Chúng tôi được tuyên bố chính thức khai mạc Đại lễ Tưởng niệm hôm nay.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.

(Hòa thượng Thích Toàn Châu trưởng ban tổ chức viết và đọc trong Đại lễ Tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, lần thứ 47 tại Tổ đình Quan Thế Âm, Phú Nhuận, TP.HCM).

Như Lai ứng thế: 2634 - Tây lịch: 2010

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2013(Xem: 6919)
Điện thoại gọi đi từ Chùa Xá Lợi tới một số phóng viên có chọn lựa của các hãng thông tấn ngoại quốc cho biết : “Ngay mai, tại nơi đó sẽ có một diễn biến rất quan trọng xảy ra.
29/11/2012(Xem: 3252)
Cách đây đúng nửa thế kỷ, khởi đầu bằng một mùa Phật Đản tang thương và kéo dài cho đến mùa Đông năm 1963, tại miền Nam Việt Nam đã xảy ra một biến cố bi hùng làm chấn động lương tâm nhân loại và để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc vào hậu bán thế kỷ XX. Biến cố đó là sự sụp đổ của chế độ phi dân tộc Ngô Đình Diệm, kéo theo cơn vươn vai trở mình để nhập thế của Phật giáo Việt Nam sau mấy trăm năm ngủ yên mộng mị. Thật vậy, kể từ khi lực lượng Tống nho làm chủ đời sống văn hóa và khống chế chốn cung đình, cùng lúc với cuộc xâm lăng tàn bạo của người Pháp nhân danh quyền tự do giảng đạo và tự do khai thác tài nguyên nước ta, thì Phật giáo đã bị đẩy về vai trò thứ yếu, rút về nông thôn, âm thầm quấn quyện với văn hóa miền hương đảng. Đầu thế kỷ thứ XX, dù có một số vị cao Tăng thạc đức bôn ba hoằng hóa và dù có một số cư sĩ phát động phong trào ‘Chấn hưng trong thập niên 1930’, nhưng các nỗ lực đó đã không đủ năng lượng để kích hoạt được hào khí Lý-Trần của nền Phật Việ
19/09/2012(Xem: 3490)
LỄ TƯỞNG NIỆM 50 NĂM PHÁP NẠN (1963-2013) BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VÀ TĂNG TÍN ĐỒ VỊ PHÁP VONG THÂN VỊ PHÁP THIÊU THÂN Bài thuyết trình nhân Lễ Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Quảng Đức vị Pháp thiêu thân
03/08/2012(Xem: 3308)
The tragedy of the war of South Vietnam, with all its immense complications for the USA, Asia and the rest of the world, at first would seem to have nothing whatever to do with the Catholic Church.
26/04/2012(Xem: 17210)
Mùa Phật Đản 1963, có máu, lửa, nước mắt và xương thịt của vô số người con Phật ngã xuống. Nhưng từ trong đó lại bùng lên ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát Thích Quảng Đức
19/11/2011(Xem: 3622)
Trước hết, vào đầu thập niên 60’ của thế kỷ trước, Cuộc vận động đòi bình đẳng Tôn giáo và Tự do Tín ngưỡng năm 1963 của Phật giáo đồ tại miền Nam Việt Namlà một biến cố lịch sử to lớn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lâu dài không những cho Phật giáo Việt Nam mà còn cho cả dân tộc Việt Nam. Đó là lúc dân tộc đang đối diện vời sự bành trướng của chủ nghĩa nước lớn tại Việt Nam, và riêng Phật giáo tại miền Nam thì đang phải chịu đựng một sách lược Công giáo hóa miền Nammà trong đó Phât giáo trở thành đối tượng hàng đầu phải bị khống chế và tiêu diệt. Đã có nhiều tài liệu của người Việt và người ngoại quốc viết về lần trở mình bi hùng đó của Phật giáo tại miền Nam. Tuy nhiên, một công trình quy mô và chính thức của Phật giáo Việt Nam thì cho đến nay vẫn chưa có. Song song, lại có nhiều “tài liệu” của những thế lực xem Phật giáo là kẻ thù được tung ra làm nhiễu loạn sự thật lịch sử. Do đó, trong niềm ao ước được thấy một hồ sơ như thế vào năm 2013, kỷ niệm 50 năm của biến cố 1963
05/11/2011(Xem: 5886)
Việc đóng diễn lại video clip Hòa thượng Thích Quảng Đức theo kiểu biến một vụ tự thiêu thành một vụ giết người, một cuộc đấu tranh bất bạo động biến thành vụ ẩu đả thô bạo giang hồ như thể, không gì khác hơn là nhằm bôi nhọ hình ảnh thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam
02/11/2011(Xem: 3934)
Bài viết này chỉ nhằm mục tiêu chỉ ra một số khác biệt trên hình ảnh (tĩnh/video) ghi lại khoảnh khắc Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, để hướng đến vấn đề, rằng sự khác biệt đó cho thấy một số tư liệuhình ảnh (tĩnh/video) có thể là đã được dựng đóng lại về sau, không phải là hình ảnh thực ghi tại hiện trường.
08/09/2011(Xem: 4877)
Năm 1962, cơ duyên đến, Hoàng tôi "tình cờ" được dự lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm. Đó là một hoát nhiên đại ngộ chính trị. Không khí trang nghiêm, kỹ luật, thuần thành của biển người trên sân Chùa Từ Đàm hôm đó khiến Hoàng tôi nghĩ rằng, tổng quát ra, Phật giáo có thể là một đoàn thể áp lực có khả năng góp phần giải tỏa những oan khiên khúc mắc lịch sử xứ sở đang kẹt vào. Như thế nào? Thực sự Hoàng tôi chưa có một ý niệm rõ rệt nào cả. Anh chị em chúng tôi thường le lưỡi đùa đó là thời "mã thượng ham vui".
07/07/2011(Xem: 28285)
Lời Ban Biên Tập: Nhằm mục đích góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại biết rõ lịch sử Việt Nam trong năm 1963 xảy ra như thế nào và nhất là để có nhận thức sâu sắc hơn về điều mà dân tộc đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”. Cho nên chúng tôi lưu trữ vào Thư Viện Hoa Sen CÁC BẢN DỊCH TỪ KHO DỮ LIỆU BỘ NGOẠI GIAO, BỘ QUỐC PHÒNG, CƠ QUAN TÌNH BÁO TRUNG ƯƠNG & CÁC NGUỒN KHÁC đã giải mật. Các tư liệu này có liên quan đến sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Sự việc này chắc chắn sẽ có những ý kiến ủng hộ và chống đối, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Ban biên tập website Thư Viện Hoa Sen chân thành cảm tạ nhà văn Cư sĩ Nguyên Giác, Cư sĩ Nguyễn Kha, và Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức Publications đã gửi tặng các phiên bản vi tính điện tử và trân trong giới thiệu đến toàn thể quý độc gỉa trong và ngoài nước.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567