Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trái Tim Kim Cang Quảng Đức....

27/06/201317:29(Xem: 4460)
Trái Tim Kim Cang Quảng Đức....

Trái Tim Kim Cang Quảng Đức -

Một Vị Bồ Tát Xả Thân Trong Pháp Nạn 1963

G.S. Cao Văn Hở

(Bài nói chuyện tại chùa Bát Nhã, CA, USA, ngày 23 tháng 06 năm 2013 nhân ngày lễ 50 năm cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức.)

Kính thưa chư Tôn Đức, Tăng Ni,

Kính thưa quý quan khách và Phật tử:

Ngày 11 tháng Sáu năm 1963 Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại thủ đô Sài gòn, góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Hôm nay trong khung cảnh trang nghiêm của ngày tưởng niệm, chúng ta có dịp chiêm nghiệm và quán chiếu về một hạnh nguyện Bồ Tát, lấy thân mình làm bó đuốc soi đường, về một hành vi cao cả vị pháp vong thân, vì dân tộc và đạo pháp. Hơn nửa thế kỷ đã qua, một thời gian dài để cho những trẻ em chào đời, mang trong lồng ngực một trái tim Việt Nam và hôm nay gần tròn năm mươi tuổi. Là Phật tử, chúng ta tin vào luân hồi và tái sinh. Rất có thể rằng trong số tăng ni trẻ, hay các Phật tử trẻ dưới năm mươi tuổi hiện diện hôm nay là hóa thân của Bồ Tát Quảng Đức. Vì có nhiều gắn bó với dân tộc Việt Nam, cho nên Ngài trở lại cõi Ta bà này để tiếp nối hạnh nguyện hóa độ cho nước Việt Nam vẫn còn đang đắm chìm trong bể khổ trầm luân.

Bài nói chuyện hôm nay sẽ ngắn gọn tập chú vào hai chủ đề liên quan đến trái tim kim cang bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức và trái tim của Quảng Đức hóa thân.

Trái tim kim cang bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức

Hòa thượng Thích Quảng Đức là một vị chân tu tròn đạo quả. Từ bi hỷ xả là tứ vô lượng tâm vô bờ bến trong trái tim của người phát nguyện qui y trong cửa Phật. Ngài hoằng hóa và an nhiên chết vì đạo pháp. Ngọn lửa ngày 11 tháng Sáu, năm 1963 là ngọn lửa từ bi do chính tay Hòa Thượng châm ngòi để hoàn tất công trình hóa độ cứu khổ chúng sanh. Tự thiêu thân mình để giúp cho chúng sanh sực tỉnh bến mê, để cho cấp lãnh đạo giác ngộ thương yêu đồng loại, đem công bằng, bình đẳng và nhân ái cho đồng bào. Quả nhiên Ngài thương chúng sanh hơn bản thân mình, Ngài thấu triệt được đạo lý vô thường, vô ngã, bản thân tứ đại chỉ là hình hài giả tạm do duyên giả hợp và hạnh nguyện thiêu thân là cứu khổ chúng sanh. Hòa Thượng nộp Đơn Xin Thiêu Thângởi cho Giáo Hội Tăng Già. Đêm 10-06-1963 trước tự thiêu, theo lời kể cuả Ðại Ðức Thích-Ðức-Nghiệp, Ngài dặn dò rằng: “Một là, sau khi thân tôi thiêu thành tro bụi sẽ còn lưu lại một vật gì đó cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời Phát nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Ðạo Pháp và đó cũng là thành quả đời tu hành của tôi. Hai là, khi tôi thiêu, nếu tôi chết trong tư thế nằm ngửa thì nguyện vọng Phật-Giáo sẽ thành công, các Thầy cứ tiếp tục tranh-đấu”.

Có những hình ảnh của Malcome Browne, trưởng phòng hãng Associated Press tại Sài gòn và bài tường thật trung thực của David Halberstam, ký giả báo The New York Times về việc tự nguyện tự thiêu ngày hôm đó.

David Halberstam thuật lại như sau:


"Tôi thấy quang cảnh ấy nhưng một lần là quá đủ.

Ngọn lửa bốc lên từ nhục thể của một con người.

Thân người từ từ vụt bốc cháy rồi tàn lụi.

Đầu bị cháy sạm đen.

Trong không khí khét lên mùi thịt đốt,

Sửng sờ thay nhục thân trong phút chốt lụi tàn.

Sau lưng tôi, vang tiếng khóc than của đám dân Việt tụ tới.

Tôi quá đỗi xúc động để khóc,

Quá hoang mang để ghi vội một đôi hàng,

Miệng khô cứng không thể thốt lên câu hỏi.

Bàng hoàng thảng thốt để nghĩ một điều gì.

Người tự thiêu im lìm bất động, bắp thịt không co giựt.

Không một tiếng kêu rên, thân người ngồithẳng,

tương phản với tiếng khóc than vang dội chung quanh."



David Halberstam wrote:

“I was to see that sight again, but once was enough. Flames were coming from a human being; his body was slowly withering and shriveling up, his head blackening and charring. In the air was the smell of burning human flesh; human beings burn surprisingly quickly. Behind me I could hear the sobbing of the Vietnamese who were now gathering. I was too shocked to cry, too confused to take notes or ask questions, too bewildered to even think ... As he burned he never moved a muscle, never uttered a sound, his outward composure in sharp contrast to the wailing people around him”.

Lúc đó lực lượng cảnh sát tìm cách tiến đến hiện trường nhưng bị đoàn tăng ni cản lại. Một nhân viên cảnh sát phủ phục lạy Ngài. Các tăng ni và dân chúng lần lượt quỳ xuống vái lạy và cầu nguyện. Sau độ chừng mười phút, toàn thân của Hòa thượng bị thiêu đốt và ngã ra phía sau. Các tăng ni đem áo cà sa phủ lên thân Ngài còn bốc khói và đưa vào một áo quan gỗ, nhưng tứ chi của Ngài cong vênh và một cánh tay thòng ra ngoài. Hòm gỗ chứa di thể được đoàn tăng ni đưa về chùa Xá Lợi.

Ngày 16 tháng Sáu, Lễ Trà Tỳ và hỏa thiêu được tổ chức tại An Dưỡng Địa, Phú Lâm. Ðại Ðức Thích-Ðức-Nghiệp thuật lại như sau:

“Lửa cháy mạnh, khói bốc cao, mọi người niệm Phật rất chân thành. Hôm sau, các Tăng, Ni mở lò thiêu để hốt xương thì thấy một vật to bằng nắm tay lẫn lộn giữa những xương tro. Tôi là đại diện Hội Phật-Học Nam-Việt được cử đi chứng kiến việc hốt tro, đã thấy tận mắt những xương nhỏ cháy thành tro vụn, mầu trắng, những xương lớn như xương đầu gối, xương ống chân cũng tan vụn thành những mảnh nhỏ, nhưng trái tim của Hòa-Thượng thì còn nguyên, tuy có bị cháy chung quanh chút ít. Mọi người đều bàng hoàng và đưa tro cốt cùng trái tim của Hòa-Thượng về trình lên Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo.”

Một hiện tượng siêu nhiên đã xảy ra. Một trái tim Việt Nam vẫn không tiêu tan, trơ trơ tồn tại sau tự thiêu và hỏa thiêu. Lành thay, mây lành ngũ sắc chiếu rạng hồng danh Bồ Tát Quảng Đức, một Bồ Tát với trái tim Việt Nam nguyên vẹn bất hoại. Thân giả hợp trở thành tro bụi, cốt xương tan biến, duy trái tim kim cang còn tồn tại với đất trời.

Xin đê đầu đảnh lễ một ấn chứng tốt lành, một thông điệp tiềm ẩn về sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc.

Thưa rằng một thông điệp tiềm ẩn từ Quốc tổ Việt Nam: hồn thiêng sông núi đã un đúc nên một trái tim kim cang bất hoại. Trái tim Việt Nam tồn tại vạn cổ của một Bồ tát Việt Nam kêu gọi muôn triệu trái tim Việt Nam hãy cùng yêu thương nhau trong bình đẳng—bình đẳng cho mọi tôn giáo và cho toàn thể quốc dân, trong hôm nay, ngày mai và muôn hậu. Trái tim Bồ tát đó chứa chan ca dao quê mẹ: “Chẳng là máu chảy về tim? Chẳng là máu chảy ruột mềm đấy sao?

Lời nguyện tâm quyết, viết ngày 04-06-1963, của Tỳ Kheo Thích Quảng Đức gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm là một kêu gọi tha thiết của một trái tim Việt Nam gởi cho một trái tim Việt Nam:

“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức, Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:

1. Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

3. Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác gian.

4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc...
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.
Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp”.

Thưa, vào năm 1963, tôi vừa hơn 20 tuổi, là một sinh viên năm cuối cùng tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Thửa đó tôi rất đồng cảm với một câu nói của Ngô Tổng Thống: “Sống sao cho xứng đáng là người, ngẩng mặt nhìn trời không thẹn với trời, nhìn xuống đất không thẹn với đất”. Vào thời điểm đó, Dụ số 10 đang có hiệu lực dành nhiều đặc quyền tài sản, miễn thuế cho Nhà thờ, và tại nhiều vùng, có các đạo quân Thiên Chúa được trang bị vũ khí, đóng đồn bảo vệ các giáo xứ.

Lời nguyện tâm quyết bị rơi vào khoảng trống không. Tổng thống Ngô Đình Diệm và các vị thân cận tín cẩn-- Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Bà Trần Lệ Xuân, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục-- đã không nghe Lời nguyện tâm quyết với một trái tim bác ái hiểu biết. Khi nghe tin tức Vị pháp Thiêu Thân xảy ra, tim tôi se thắt về một hy sinh bản thân cúng dường cho đại nghĩa, tôi chấp tay cầu nguyện vãng sanh, niệm Phật A Di Đà. Chừng 5 tháng sau, thêm một lần nữa, lòng tôi chùn xuống nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu bị thảm sát tại Chợ Lớn trong cuộc đảo chánh vào tháng 11, 1963, tôi chấp tay nguyện cầu cho hai linh hồn được an nghĩ nơi nước Chúa vĩnh hằng. Quả thật, từ anh minh đến vô minh không có khoảng cách lớn. Bóng tối vô minh bao phủ tràn lan và cả nước phải cùng chung cộng nghiệp dai dẳng đầy khổ đau. Nghiệp báu và quả báo xảy ra trước mắt nhãn tiền. Mọi người đều cảm nhận được sự trong sáng của Lời nguyện tâm quyết không hàm chứa mảy may hận thù, trái lại chứa đầy thiện nhân của tấm lòng Bồ Tát. Cớ sự vì sao? Thưa bởi “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Là một trưởng tử của Như Lai, hay một Phật tử, con của Phật, ai ai cũng nên lắng lòng nghe “tiếng chuông chánh niệm đi về nẻo tâm”. Tâm lành, tâm diệu, tâm bền.

Thưa quý Tôn Đức, liệt vị quan khách và Phật tử, cho tôi được hạnh duyên hôm nay để có vài lời với các tăng ni trẻ hiện diện tại đây về Trái tim của Quảng Đức hóa thân.

Trái tim của Quảng Đức hóa thân

Thưa quý thầy, quý ni,

Xin hãy cùng tôi đọc các bài kệ của Tỳ Kheo Thích Quảng Đức dặn dò bổn đạo và đệ tử sống theo Bát chánh đạo và Lục hòa, đoàn kết và giữ vững niềm tin trong đạo pháp.


Bài kệ thứ nhất: Kính dâng thập phương Chư Phật

Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thần thức nương về giúp sinh linh
Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình.

Bài kệ thứ hai: Dâng chư hiền Thánh Tăng

Phật giáo sử vàng máu thay son
Than ôi! Quỷ kế họ vẫn còn
Quyết diệt suy tàn nền chánh pháp
Làm cho Tăng tín phải chết mòn
Vì sự bất công tôi thiêu xác
Khói hồn nguyện độ kẻ hàm oan
Kính chúc Tăng – Ni tâm dũng tiến
Chánh pháp ngày mai phải trường tồn.

Bài kệ thứ ba: Cùng toàn thể Tín Đồ Phật giáo

Cùng hàng Phật tử ở tại gia
Hãy quên bản ngã bỏ cái ta
Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc
Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia
Thân tôi dù cháy linh thiêng máu
Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà
Đã mang danh thể con dòng Thích
Bi – Trí – Hùng sao chẳng đem ra.

Bài kệ thứ tư: Xuất kệ Vân

Nền Phật dò lên Kiếp tẩy sang
Phủi tay rửa sạch nợ trần gian
Tránh đường danh lợi tìm nơi tịnh
Niệm chữ từ bi lánh cửa quan
Chuỗi hột tay lần khuya với sớm
Kệ Kinh tụng niệm vái rồi van
Một lòng thành kính lòng mình nguyện
Tịnh độ từ đây rất ở an.


Mồng 8- tháng 4 nhuần năm Quý mão ( 1963)
Tỳ khưu THÍCH QUẢNG ĐỨC

Thưa quý thầy, quý tăng ni trẻ, có vị nào cảm thấy rất quen thuộc với mấy bài kệ này chăng? Những bài kệ đã nằm sẳn trong tiềm thức, trong tim của quý thầy, quý ni? Những bài kệ của tiền kiếp chăng? Xin cung thỉnh, nếu người có mặt hôm nay, hãy đứng lên cho năm sắc mây lành phủ xuống Hội trường vân tập hôm nay.Xin triệu thỉnh Quảng Đức hóa thân với lòng kính tưởng.

Tôi có niềm tin son sắt rằng Bồ Tát Quảng Đức đã trở lại cõi Ta Bà Việt Nam để cứu khổ độ sanh. Nước Việt Nam vẫn còn đang đắm chìm trong pháp nạn và khổ nạn triền miên. Tôi vững có niềm tin về Quảng Đức tái sinh, do duyên khởi từ mạch nguồn Phật pháp.

Ngày 11 tháng Sáu, 1963 nếu như Tỳ Kheo Thích Quảng Đức khi ngồi kiết già tự thiêu mà tâm không vướng bận, thần thức không an trú thì Ngài đã tịch diệt Niết Bàn rồi. Tỳ Kheo đã kết liễu kiếp sống như 3 vị Tỳ kheo thời Đức Thích Ca Mâu Ni còn tại thế: Xiển Đà (Channa)trong Kinh Trung Bộ 144 và Tạp A Hàm 47, Bạt Ca Lê (Vakkali)trong Kinh Tương Ưng Bộ 3, và Tạp A Hàm 47, và Cù Đề Ca (Godhika)trong Kinh Tương Ưng Bộ 1 và Tạp A Hàm 39. Ba vị tu sĩ trưởng lão thời Đức Phật đã chọn vào cõi chết với tâm không trụ và thức không an trú, các vị biết rõ con đường nhân quả, các ngài đã đạt tới tâm vô trụ bất sinh và biết rõ sau kiếp này không sinh vào kiếp khác. Tỳ kheo Thích Quảng Đức kính yêu, qua các bài kệ trên, tâm và thức quá rõ chuyên chú hướng về đại nghĩa dân tộc quốc gia, cứu nguy Phật đạo, an trụ như thế mà vào cõi chết, và tất nhiên tái sinh để hành trì bổn nguyện. Luận dẫn Kinh Kim Cang lấy vô tướng làm tông, vô trụ làm thể, diệu hữu làm dụng, bổn nguyện của Tỳ kheo Thích Quảng Đức gắn bó với đất nước Việt Nam thật cao quý vô biên, thật là tuyệt vời một trái tim Việt Nam.

Suốt cuộc đời hành đạo, Tỳ kheo Thích Quảng Đức trì tụng Kinh Pháp Hoa, noi gương đức Dược Vương, Ngài hành trì hạnh nguyện tự độ và độ tha, cầu Phật đạo vô thượng để thoát vòng sinh tử luân hồi và phát nguyện độ chúng sanh để cùng nhau thoát khỏi biển khổ sinh tử. Ngài thọ giới Bồ Tát giữ gìn các pháp: đoạn trừ tất cả nghiệp ác (Nhiếp Luật Nghi Giới), tu tập tất cả pháp lành (Nhiếp Thiện Pháp Giới), đem lòng từ bi làm những điều lợi ích cứu độ chúng sanh (Nhiếp Chúng Sanh giới / Nhiêu Ích Hữu Tình Giới). Tỳ kheo Thích Quảng Đức thọ giới Bồ Tát thông suốt Kinh Phạm Võng, Kinh Đại Bảo Tích, sẳn sàng đặt hạnh nguyện Bố thí Ba la mật vào an trú đại thí. Đàn na ba la mật cao quý nhất (Dana Pramatthaparami) là hy sinh mạng sống bản thân để cứu độ các chúng sanh. Giới tu của các vị Đại thừa, mở rộng cánh cửa thời gian, không hạn định nơi một thân, hay một kiếp sống. Một kiếp sống được kết liễu bằng cái chết là nhân duyên cho một kiếp sau tế độ. Các vị bồ tát luân lưu trong các cõi nước ta bà, đời này qua đời khác, thành tựu cứu độ chúng sanh.

Trong dịp 50 năm tưởng niệm 2013, niệm hồng danh Bồ Tát Quảng Đức là có thị hiện của đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng và đại thí. Trong 49 năm hành đạo hoằng hóa trên khắp nẻo đường đất nước, Ngài đã góp phần tạo lập hay quản trị hơn 30 ngôi chùa, giảng kinh cho các đạo tràng Phật tử, Ngài thọ tụng Kinh Pháp Hoa không ngừng nghỉ. Ngài thọ tụng Chú Đại Bi như mọi Phật tử hàng ngày trì kinh nhật tụng. Hôm nay quý vị vân tập nơi đây để được nghe về Ngài, hiểu biết thêm và thấy gần gủi hơn với một vị Bồ Tát bạn lữ có trái tim Việt Nam “Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ”.

Ngài là hiện thực linh động của Ma-Ha-Toát-Đỏa trong Chú Đại Bi:

Nam Mô A rị da bà lô kiết đế,

thước bát ra da

Bồ đề Toát-Đỏabà da

Ma-ha Toát Đỏabà da,

Nam mô ca lô ni ca da…

Nhắc tụng tích môn về Thái tử Toát Đỏa, tiền thân của Đức Thích Ca Mâu Ni, đã từng xả thân cứu độ chúng sanh, cũng là thọ trì liên tưởng tới Bồ Tát Quảng Đức

Vì báo ơn đức Phật nguyện bỏ huyễn thânđể độ hết thảy chúng sanh,

Vì chánh pháp trường tồn nguyện thành chánh giácđể lưu tiếng thơm cho đời.


佛恩以報誓捨幻身還渡恒娑衆

法藏長存誓成正覺流芳塵刹土

不思議!

Phật ân dĩ báo thệ xả ảo thânhoàn độ hằng sa chúng.

Pháp tạng trường tồn thệ thành chánh giáclưu phương trần sát độ.

Bất tư nghì


Không thể nghĩ bàn!

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam mô đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng,

đại lực, đại thí Quảng Ðức bồ tát.

Thay Lời kết: Thông điệp của Quốc Tổ tiềm ẩn trong Trái Tim Kim Cang bất hoại của Bồ Tát Quảng Đức.


Quý vị đã lắng nghe về cuộc vị pháp thiêu thân trong pháp nạn 1963. Sau Thích Quảng Đức, những ngọn lửa thiêu thân của Thượng tọa Tiêu Diêu, Đại đức Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương, Thiện Mỹ, Ni cô Diệu Quang... 7 Tăng Ni và 1 cư sĩ của Phật giáo Việt Nam khẳng định con đường nhập thế của Đạo Phật. Trái tim kim cang bất hoại của Bồ Tát Quảng Đức biểu trưng cho tinh thần tranh đấu của toàn dân về bình đẳng tôn giáo cũng như tinh thần bất bạo động chống lại đàn áp bất công.

Con người học Phật cảm thức rằng hóa thân Quảng Đức hiện đang có mặt trong cõi ta bà, đang hành trì bổn nguyệnhóa độ cho Phật tử Việt Nam ở trong nước và hải ngoại. Trái tim kim cang bất hoại của Bồ Tát ẩn tàng thông điệp của Quốc Tổ về pháp nạn và khổ nạn còn dài lâu trên đất tổ Việt Nam, và trang sử Việt được dựng xây bằng phụng sự, bằng hy sinh hiến thân cúng dường, bằng đóng góp xương máu của hàng hàng lớp lớp Phật tử dấn thân. Ngọn đuốc tuệ 1963 sẽ được tiếp nối bùng lên trong hành trình bổn nguyện của Quảng Đức hóa thân. Theo dấu chân xưa, Ngài là đuốc tuệ soi đường cho đại nghĩa quốc gia dân tộc. Hàng hàng lớp lớp thế hệ tuổi trẻ nam nữ, sức mạnh của đất nước Việt Nam thuộc mọi thành phần và tôn giáo, đứng lên tranh đấu cho dân chủ tự do và bảo toàn lãnh thổ.

… đại cuộc
Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia.

Trích lời kệ củaTỳ kheo Thích Quảng Đức.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam mô đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng,

đại lực, đại thí Quảng Ðức bồ tát.


G.S. Cao Văn Hở

tháng 6/2013.

(Ph.D., Nguyên Giáo Sư Đại Học Kinh Thương Minh Đức, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Quốc Gia Hành Chánh, thỉnh giảng Đại Học Cần Thơ trước năm 1975, bút hiệu Thi sĩ Cao Kiều Phong).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 10089)
Như chúng ta biết, Phật giáo là một Tôn giáo có chiều dài lịch sử rất lâu đời. Sự phát triển của Đạo Phật cũng khá phức tạp, từ Phật giáo nguyên thủy (tính từ Phật thành đạo đến sau khi Phật nhập diệt vào khoản 100 năm) phát triển đến Phật giáo Bộ phái; Từ Bộ phái phát triển đến Đạithừa. Mặt dầu mỗi giai đoạn lịch sử, Phật giáo có những quan điểm và hình thức sinh hoạt khác nhau, nhưng nhìn chung mục đích giáo dục của Phật giáo có điểm chung là, giải quyết những vấn đề khổ đau cho tự thân mình gia đình mình và xã hội. Quan điểm này được các kinh điển Tiểu thừa cũng như Đại thừa ghi như sau. Trước hết là Kinh Nikaya.
29/03/2013(Xem: 6821)
Khi tôi lớn lên, biết nhận thức đủ đầy giá trị lịch sử của công cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1963, thì tất cả dường như dần đi vào thế ổn định và ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát thích Quảng Đức cũng đang nguội tàn!
15/01/2013(Xem: 7697)
Điện thoại gọi đi từ Chùa Xá Lợi tới một số phóng viên có chọn lựa của các hãng thông tấn ngoại quốc cho biết : “Ngay mai, tại nơi đó sẽ có một diễn biến rất quan trọng xảy ra.
29/11/2012(Xem: 3623)
Cách đây đúng nửa thế kỷ, khởi đầu bằng một mùa Phật Đản tang thương và kéo dài cho đến mùa Đông năm 1963, tại miền Nam Việt Nam đã xảy ra một biến cố bi hùng làm chấn động lương tâm nhân loại và để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc vào hậu bán thế kỷ XX. Biến cố đó là sự sụp đổ của chế độ phi dân tộc Ngô Đình Diệm, kéo theo cơn vươn vai trở mình để nhập thế của Phật giáo Việt Nam sau mấy trăm năm ngủ yên mộng mị. Thật vậy, kể từ khi lực lượng Tống nho làm chủ đời sống văn hóa và khống chế chốn cung đình, cùng lúc với cuộc xâm lăng tàn bạo của người Pháp nhân danh quyền tự do giảng đạo và tự do khai thác tài nguyên nước ta, thì Phật giáo đã bị đẩy về vai trò thứ yếu, rút về nông thôn, âm thầm quấn quyện với văn hóa miền hương đảng. Đầu thế kỷ thứ XX, dù có một số vị cao Tăng thạc đức bôn ba hoằng hóa và dù có một số cư sĩ phát động phong trào ‘Chấn hưng trong thập niên 1930’, nhưng các nỗ lực đó đã không đủ năng lượng để kích hoạt được hào khí Lý-Trần của nền Phật Việ
19/09/2012(Xem: 3883)
LỄ TƯỞNG NIỆM 50 NĂM PHÁP NẠN (1963-2013) BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VÀ TĂNG TÍN ĐỒ VỊ PHÁP VONG THÂN VỊ PHÁP THIÊU THÂN Bài thuyết trình nhân Lễ Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Quảng Đức vị Pháp thiêu thân
03/08/2012(Xem: 3656)
The tragedy of the war of South Vietnam, with all its immense complications for the USA, Asia and the rest of the world, at first would seem to have nothing whatever to do with the Catholic Church.
26/04/2012(Xem: 19445)
Mùa Phật Đản 1963, có máu, lửa, nước mắt và xương thịt của vô số người con Phật ngã xuống. Nhưng từ trong đó lại bùng lên ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát Thích Quảng Đức
19/11/2011(Xem: 3932)
Trước hết, vào đầu thập niên 60’ của thế kỷ trước, Cuộc vận động đòi bình đẳng Tôn giáo và Tự do Tín ngưỡng năm 1963 của Phật giáo đồ tại miền Nam Việt Namlà một biến cố lịch sử to lớn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lâu dài không những cho Phật giáo Việt Nam mà còn cho cả dân tộc Việt Nam. Đó là lúc dân tộc đang đối diện vời sự bành trướng của chủ nghĩa nước lớn tại Việt Nam, và riêng Phật giáo tại miền Nam thì đang phải chịu đựng một sách lược Công giáo hóa miền Nammà trong đó Phât giáo trở thành đối tượng hàng đầu phải bị khống chế và tiêu diệt. Đã có nhiều tài liệu của người Việt và người ngoại quốc viết về lần trở mình bi hùng đó của Phật giáo tại miền Nam. Tuy nhiên, một công trình quy mô và chính thức của Phật giáo Việt Nam thì cho đến nay vẫn chưa có. Song song, lại có nhiều “tài liệu” của những thế lực xem Phật giáo là kẻ thù được tung ra làm nhiễu loạn sự thật lịch sử. Do đó, trong niềm ao ước được thấy một hồ sơ như thế vào năm 2013, kỷ niệm 50 năm của biến cố 1963
05/11/2011(Xem: 7050)
Việc đóng diễn lại video clip Hòa thượng Thích Quảng Đức theo kiểu biến một vụ tự thiêu thành một vụ giết người, một cuộc đấu tranh bất bạo động biến thành vụ ẩu đả thô bạo giang hồ như thể, không gì khác hơn là nhằm bôi nhọ hình ảnh thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam
02/11/2011(Xem: 4250)
Bài viết này chỉ nhằm mục tiêu chỉ ra một số khác biệt trên hình ảnh (tĩnh/video) ghi lại khoảnh khắc Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, để hướng đến vấn đề, rằng sự khác biệt đó cho thấy một số tư liệuhình ảnh (tĩnh/video) có thể là đã được dựng đóng lại về sau, không phải là hình ảnh thực ghi tại hiện trường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]