Vấn Đề Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu
Và Giới Không Sát Sanh Trong Đạo Phật
Và Giới Không Sát Sanh Trong Đạo Phật
8. Kết Luận
Thích Hạnh Bình
Nguồn: Thích Hạnh Bình
Việt nam là một nước tự chủ độc lập, có nền văn hóa và tín ngưỡng riêng. Văn hóa đó qua nhiều thế hệ của dân tộc tạo nên, là đứa con đẻ của dân tộc Việt nam, không ai có quyền hủy hoại nó.
Phật giáo là Tôn giáo xuất phát từ Ấn độ, nhưng trải qua 2000 năm lịch sử Phật giáo đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Sự tồn tại đó không phải tự nhiên mà có, xuất phát từ những yếu tố tích cực từ hai phía, dân tộc Việt nam sẵn có tấm lòng nhân hậu và bao dung, còn Phật giáo có một triết lý xây dựng cuộc sống, không có tư tưởng phân biệt chủng tộc, phá hoại văn hóa khác, với tinh thần Bồ tát làm lợi mình và lợi người, bắt nguồn từ những yếu tố này dân tộc Việt nam chấp nhận và xem Phật giáo như là tôn giáo của mình, Phật giáo cũng lấy mảnh đất này như là quê hương xứ sở của chính mình, cả hai phía cùng nhau vun bồi cho nên mới có Phật giáo trong lòng quê hương trong lòng dân tộc Việt nam như ngày nay. Văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc quyện với nhau như nước với sữa, không thể tách rời. Điều đó có nghĩa rằng, ai kỳ thị Phật giáo Việt nam có nghĩa là kỳ thị văn hóa truyền thống dân tộc. Ai không tôn trọng chủ quyền độc lập và thống nhất của Việt nam, Phật giáo Việt nam có bổn phận và trách nhiệm ngăn chận.
Sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào năm 1963 nói lên ý nghĩa này. Người Việt nam có lòng bao dung, bất cứ một tôn giáo nào có chính nghĩa cũng có thể đến Việt nam truyền đạo, nhưng không vì lợi ích cho Tôn giáo mình chà đạp phá hoại nền văn hóa dân tộc, nhất là bằng con đường truyền giáo mang theo những yếu tố chính trị, phá hoại sự thống nhất và nền độc lập của dân tộc. Dẫu rằng Phật giáo Việt nam hoan nghênh những tôn giáo khác đến mảnh đất Việt nam hoạt động, nhưng điều đó không đồng nghĩa Phật giáo Việt nam chấp nhận thái độ hèn mọn nương cập quyền lực hà hiếp Phật giáo, dung sức mạnh kinh tế để dụ dỗ nhân dân. Đạo Thiên chúa đến Việt nam đã vi phạm hai yếu tố cơ bản đó, hình thành cuộc đấu tranh của toàn Phật giáo toàn nhân dân Việt nam chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của Ngô đình Diệm, cao trào là sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức.
Sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức không trái với tinh thần giới luật của Phật giáo Đại thừa, có nghĩa là không vi phạm giới ‘không sát sinh’. Vì tinh thần giới ‘không sát sinh’ bao hàm cả việc tự sát của Phật giáo nhằm bảo vệ sinh mạng và nuôi dưỡng lòng từ bi của chính mình. Thật ra hành vi sát sinh hay tự sát, nếu đứng về mặt hình thức thì đó là hành vi bất thiện, nhưng nếu xét về mặt động cơ của việc sát hại, thì hành vi đó chưa chắc gì là bất thiện. ví dụ một con cọp say đang sát hại dân làng, người Phật tử giết con cọp đó để cứu dân làng, hành vi sát đó trên hình thức vi phạm giới sát, nhưng căn cứ vào tâm thì không vi phạm, vì người đó giết cọp vì lòng thương dân làng. Cũng vậy, nếu chúng ta căn cứ ý nghĩa việc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức thì chúng ta thấy rằng, tâm của Ngài rất trong sáng, vì lợi ích của Phật giáo, vì quốc gia vì dân tộc không phải vì danh lợi của cá nhân. Hành vi vì lợi lạc cho người khác là hành vi thiện, với tâm quên mình vì người khác phục vụ là tâm của Bồ tát, là người đã giác ngộ giải thoát, không phải tâm của người phàm phu. Sự tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức không phải là hành vi trốn chạy sự sống, như người tự sát vì tình. Ngược lại sự tự thiêu của Ngài nói lên chính nghĩa, biểu thị thái độ ôn hòa nhưng rất cương quyết, buột đối phương phải trả lại quyền tự do tín ngưỡng, quyền bảo vệ văn hóa dân tộc.
Sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự thiêu năm 1963 là một sự kiện lịch sử của dân tộc, nó mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, với tư cách là người dân Việt nam, đại diện cho nhân dân Việt nam, lấy thân mình làm ánh đuốc kêu gọi kẻ cầm quyền phi dân tộc chấm dứt chính sách phá hoại truyền thống văn hoá của dân tộc; Thứ hai là với tư cách là một vị tu sĩ Phật giáo, lấy nhục thân làm ngọn đuốc kêu gọinhà cầm quyền giòng họ Ngô thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo. Đó là ý nghĩa mà Bồ tát Quảng Đức tự thiêu.
Tinh thần tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức là tinh thần ‘vô ngã vị tha’ của Bồ tát đạo. Nó xuất phát từ ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi, không phải là lòng tị hiềm nhỏ nhoi thường tình. Sự an nhiên trong ngọn lửa biểu hiện sự thoát tục của Ngài, không phải ai cũng làm được.
Sự xả thân tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức mang một ý nghĩa rất vĩ đại, nó không chỉ là tấm gương sáng cho giới Phật giáo, mà còn là một biểu tượng trong sáng cao cả cho dân tộc việt nam, trong sự nghiệp bảo vệ truyền thống văn hoá của dân tộc.
Thạnh Lộc mùa xuân năm 2003
(xem tiếp)
CHÚ THÍCH
[1] Bồ tát Thích Quảng Đức thế danh Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ ông Lâm Hũu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương. Lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho xuất gia học Phật. Ngài thụ giáo với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm là cậu ruột và được Hòa thượng nhận làm con đổi tên là Nguyễn Văn Khiết.
[2] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” Tập I, trang 234. Viện NCPHVN ấn hành.
[3] HT. Trí Tịch dịch, “Kinh Diệ Pháp Liên Hoa”.
[4] Trí HảI dịch, “Thanh Tịnh Đạo Luận” tập I, trang 140, NXB Tôn giáo, 2001.
[5] Phật Đà Bạt đà la và Pháp Hiển dịch, “Ma ha Tăng Kỳ Luật”, Quyển 1, trang 228 (Đ C 28).
[6] Ấn Thuận, “Sơ kỳ ĐạI thừa Phật giáo chi khởI nguyên dữ tập thành” trang 175-176, NXB Chánh Văn.
[7] Cần tra cứu nguồn gốc câu kệ này.
[8] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập I, trang 83-84 (Trường CCPHVN ấn hành, 1986).
[9] Xin tham khảo “Kinh Bổn sanh” và “Kinh Hiền Ngu”.
[10] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập II, trang 403 (TCCPHVN ấn hành, năm, 1986).
[11] Tham khảo, Ấn Thuận, “Sơ kỳ ĐạI thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển” trang 125-168, (NXB Chánh Văn).
[12] “Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật đa” Quyển 18 (ĐT 08, trang 353c).
[13] “Kinh Đại bát Niết bàn” Quyển 30 (ĐT 12, trang 804b).
Gửi ý kiến của bạn