Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm tại đình chùa thành phố Sa Đéc

09/04/202019:44(Xem: 5649)
Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm tại đình chùa thành phố Sa Đéc

chua phuoc hung sa dec
Giới thiệu một số văn bản Hán Nôm tại đình chùa thành phố Sa Đéc

Thành phố Sa Đéc hiện có trên dưới 48 cơ sở thờ tự (đình, chùa, miếu, nhà thờ họ,…) và trong đó không ít những ngôi chùa, đình có niên đại trên 100 tuổi (chùa Phước Hưng xây dựng vào 1838 tính đến nay 177 năm, chùa Quảng Phước xây dựng vào 1858, tuổi thọ cũng gần 160 năm, đình Tân Quy Tây thờ vị thần hoàng khai khẩn đất đai Võ Ngọc Minh được xây dựng vào năm 1812, hơn 200 tuổi…). Bài viết của chúng tôi tập trung giới thiệu 3 trong số quần thể di tích chùa, đình cổ ở đây với số lượng văn bản Hán Nôm  vượt trội, cũng như lịch sử lâu đời: Chùa cổ Phước Hưng, chùa Bà Thiên Hậu của công đồng người Hoa và đình Vĩnh Phước.

1. Chùa Phước Hưng

Chùa Phước Hưng, hay còn gọi là chùa Hương được thành lập vào năm 1838 do công hỷ cúng đất đai và tài sản của phật tử Võ Thị Hữu và Đỗ Văn Sum, tọa lạc số 461 Hùng Vương, khóm 2, TP. Sa Đéc. Ban đầu chùa có diện tích 7238m2, cho đến hiện nay là 4241m2. Từ khi thành lập cho đến nay, chùa đã trải qua 6 đời trụ trì: Khai sơn là Hòa thượng Thích Minh Phước Tư Trung; Hòa thượng Như Diệu Quảng Đức; Hòa thượng Kiểu Ấn - Tâm Pháp, hiệu là Vạn Hiển, đây cũng là người có công đề xướng việc khắc những bản kinh gỗ); Hòa thượng Hồng Tỵ - Vĩnh Tràng, Hòa thượng Hồng Hạnh - Vĩnh Đạt, hiện tại là Hòa thượng Thích Thiện Huệ - Nhựt Thành.

Chùa cất theo lối kiến trúc chữ thập (Chánh điện, sau đó là giếng trời, hậu tổ thêm hai gian là Đông lan và Tây lan). Ngoài ra vườn chùa còn có 6 tháp cổ, 1 trong số đó là tháp của Thiên Hậu, số còn lại của tháp trụ trì các đời. Tính đến nay, chùa có 3 đợt trùng tu lớn, một là đợt năm 1882, hai là trùng tu nhà Tây vào năm 1969, và đợt còn lại là nhà Đông vào năm 1993. Tựu trung kiến trúc cổ của chánh điện vẫn không có thay đổi.

Hiện chùa có nhiều bản kinh khắc bằng gỗ, 16 hoành phi, 19 cặp câu đối, và đại đa số đều là những có niên đại cao. Chúng tôi chọn giới thiệu 9 cặp câu đối và 3 hoành phi có niên đại cao, đều được khắc trên gỗ

1.1. Câu đối: Đại đa số có ghi rõ năm tôn tạo và tín chủ cúng dường trên mỗi câu

1. Pháp nhãn đại quang minh diệt độ giả phi không phi sắc,

Kim thân thành mô phạm công đức tai vô lượng vô biên.

法眼大光明滅渡者非空非色

金身成模範功德哉無量無邊

Pháp nhãn (của Phật) sáng soi, diệt tận hết thảy sự vướng mắc, không có cái gọi là không, cũng không có thứ gọi là sắc.

Thân vàng (của Phật) trở thành hình mẫu, công đức (nơi ấy) ôi vô lượng, vô biên.

2. Nam khuyết độ hạ hải phi tẩm vạn thánh vạn linh cơ quyền vô thượng,

Tây phương biệt nhất càn tượng giáo tam thiên đại thiên thế giới đồng tôn.

(Long Phi Nhâm Ngọ Mạnh hạ Thượng hoán)

南闕渡下海飛伈萬聖萬靈機權無上

西方別一乾象教三千大千世界同尊

龍飛壬午孟夏上浣)

 Nơi cửa Nam[1], Phật độ cho kẻ trong biển khổ chẳng còn lo sợ, vô cùng linh ứng, cơ trí quyền mưu xứng ngôi Vô Thượng

Trời Tây[2] (của Phật) riêng là cõi lành để giáo hóa chúng sanh, trăm ngàn cõi nước mười phương đều ngưỡng vọng

(Thượng tuần tháng đầu hè, năm Nhâm Ngọ 1882)

3. Kinh thanh phạm kệ phức úc chiên đàn bát nhã cực lạc quốc thổ,

Bảo phiệt từ hàng đinh đông phan cái như lai chấn đán càn khôn.

(Long Phi Nhâm Ngọ Mạnh hạ Thượng hoán)

經聲梵偈馥郁栴檀般若極樂國土

寶筏慈航丁東幡蓋如來震旦乾坤

龍飛壬午孟夏上浣)

 Lời kinh tiếng kệ, trầm hương chiên đàn thơm ngát, đây đúng là cõi nước Cực Lạc,

Thuyền pháp từ bi, tràn phan bảo cái trang nghiêm, uy lực Như Lai chấn động trời đất.

(Thượng tuần tháng đầu hè, năm Nhâm Ngọ 1882)

4. Nghĩa khí trường tồn đại tai thánh công duy nhất,

(Quang Tự Ất Dậu niên tường nguyệt, cốc đán)

Trung tâm vĩnh quán cửu hĩ đế đức vô song

(Mộc ân Phúc Kiến Hà Chương Trần Quang Tán, Trần Hòa Thuận đồng kính thù.)

義氣長存大哉聖功唯一 (光緒乙酉年祥月穀旦)

忠心永貫久矣帝德無雙 (沐恩福建霞彰陳光讚、陳和順 同敬酬)

Nghĩa khí mãi trường tồn, lớn lao thay công lao thánh hiền là duy nhất

(Ngày lành tháng tốt năm Quang Tự[3], Ất Dậu 1885)

Lòng trung luôn nối tiếp, lâu xa thay đức ân của vua không ai bì kịp

(Cảm tạ ơn đức Trần Quang Tán và Trần Hòa Thuận của Hà Chương phủ, thuộc Phúc Kiến cúng dường)

5. Tứ thánh lục phàm do nhất tâm chi sở tạo,

(Vĩnh Liêm phủ Bình Trung tổng, Trung Tín thôn.)

Thập bàn pháp giới liệt vị báo chi vô sai

四聖六凡由一心之所造(永濂府平忠縂忠信村)

十般法界列位報之無差

Bốn quả thánh hiền, hay 6 nẻo phàm nhân[4], tất cả là do tâm này tạo.

(Thôn Trung Tín, tổng Bình Trung, phủ Vũng Liêm)

Pháp giới mười phương, nhân nào quả nấy chẳng hề sai

6. Vĩnh bảo thiền gia hưng vạn đại,

Đạt thành quế sở phúc thiên thu

永保禪家興萬代

達成桂所福千秋

Mãi bảo hộ cho chốn Thiền môn hưng thịnh ngàn đời,

Đạt chốn danh lam, phước đức kéo đến ngàn sau

7. Trung hiếu trì gia viễn

Thi thư xử thế trường

 忠孝持家遠

詩書處世長

Lòng trung tâm hiếu giữ nền nhà,

Nghĩa lý Thi, Thư khiến cho được dài lâu

 8. Mộ cổ thần chung sách tỉnh ái hà danh lợi khách,

Kinh thanh Phật hiệu hoán hồi khổ hải mộng mê nhân
(Long Phi Nhâm Ngọ Mạnh hạ Thượng hoán)

 暮鼓晨鐘策醒愛河名利客

經聲佛號喚回苦海夢迷人

(龍飛壬午孟夏上浣)

 Mõ sớm, chuông chiều cảnh tỉnh kẻ khách trong bể ái,

Tiếng kinh, hiệu Phật gọi về những người còn mê trong biển khổ

(Thượng tuần đầu tháng hè, năm Nhâm Ngọ 1882)

 9. Quốc gia hữu vĩnh sơn hà cố,

(Vũng Liêm phủ, Bình Trung tổng, Trung Tín thôn)

Phật đạo vô cùng nhật nguyệt trường

 國家有永山河固 (永濂府平忠縂忠信村)

佛道無窮日月長

Nước nhà lâu dài, vững bền cùng sông núi

(Thôn Trung Tín, tổng Bình Trung, phủ Vũng Liêm)

Đạo Phật vô cùng, trường tồn như nhật nguyệt.

 1.2. Hoành phi

 1. Phước Hưng Tự, Long Phi Nhâm Ngọ niên trọng đông thượng hoán.

福興寺,龍飛壬午年仲冬上浣

Chùa Phước Hưng, thượng tuần tháng giữa mùa đông, năm Nhâm Ngọ 1882

2. Lạc Hoa, Bính Ngọ niên thất nguyệt cát nhật

樂花, 丙午年七月吉日

Hoa lạc an (ở đây ví cho chùa), ngày lành tháng 7 năm Bính Ngọ 1846

3. Thạnh Hoa, Nội hội bản đạo đồng tạo tam phiến

盛花,内會本道同造三片

Hoa (ở đây ví cho chùa) đua sắc, Anh em trong hội cùng tạo 3 miếng

[5]

 2. Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa thờ Bà Thiên Hậu, một vị thần trong tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa, tọa lạc số 143 Trần Hưng Đạo, phường 1, TP. Sa Đéc. Do người Hoa của 7 phủ trong khu vực (Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, …) tín ngưỡng mà lập nên vào năm 1820. Lúc mới thành lập chỉ là một ngôi chùa nhỏ, không kiên cố, đến năm 1886 chùa có một đợt trùng tu lớn, sáp nhập miếu Quan Thánh phía sau nên diện tích rộng ra. Chùa được quản lý bởi 5 ban tế tự của cộng đồng người Hoa trong khu vực: Tiều, Quảng, Hẹ, Phúc Kiến và Hải Nam, sau ban Hải Nam được sáp nhập vào ban Tiều nên còn 4 ban. Cho đến hiện tại chùa chỉ còn 3 ban tế tự.

Chùa có tổng cộng 55 hoành phi, 22 cặp câu đối cổ và 1 sắc phong. Chúng tôi chọn 5 cặp câu cổ để giới thiệu

Câu đối

 1. Súc địa[6] phi k từ hàng địch tận phong đào hiểm,

Hồi thiên hữu lực huệ kiếm tỏa vi nhật nguyệt quang.

(Tân Tỵ niên, Mạnh đông, cát nhật)

 縮地非奇慈航滌盡風濤險

回天有力慧劍鎖為日月光

(辛巳年孟冬吉日)

Rút ngắn cõi đất (đối với Bà) chẳng lạ, con thuyền từ gột sạch phong ba hiểm trở,

Bay ngược về trời (đối với Bà) là chuyện trong tầm tay, cây gươm trí che mờ ánh nhật nguyệt.

(Ngày lành, đầu đông năm Tân Tỵ 1881)

 2.Đại đức phối thiên khánh thử nhật cảnh vận trùng tân dân giai thỏa đ

(Quang Tự thập tam niên, Đinh Hợi đông nguyệt cát đán)

Lệnh nghi xưng hậu hỷ tha niên thánh công quảng bị hải bất dương ba

 大德配天慶此日景運重新民皆妥堵 (光緒十三年丁亥冬月吉旦)

令儀稱后喜他年聖功廣被海不揚波

 Đức lớn hợp với trời, vui sao ngày này, khắp nơi lại như mới, dân làng vui đua chen

(Sáng ngày lành, tháng mùa đông năm Quang Tự thứ 13, Đinh Hợi 1887)

Nghi khí xưng thánh mẫu, mừng thay năm ấy, ơn thánh trùm khắp nơi, biển chẳng hề dậy sóng.

 3. Thủy đức phối thiên hải quốc từ hàng phổ tế

(Giáp Thân niên Mạnh Đông cát nhật)

Mẫu nghi xưng hậu tang du[7] trở đậu trùng quang.

水德配天海國慈航普濟 (甲申年孟冬吉日)

母儀稱后桑榆俎豆重光

 Đức lớn hợp với trời, nơi biển lớn làm thuyền từ cứu trợ

(Ngày lành, đầu đông Giáp Thân 1884)

Nghi khí xưng thánh mẫu, cúng tế thường niên không ngơi dứt

 4. Hải tĩnh ba đim cộng ngưỡng thần quang phổ chiếu

Dân an vật phụ hàm triêm đức bị vô tư

 海靜波恬共仰神光普照

民安物阜含霑德被無私

 Biển yên ổn sóng bình lặng cùng ngưỡng vọng sự che chở của thần,

Người an lành vật sinh sôi đều nhờ ân đức chẳng phân biệt của thần.

 5. Thánh mẫu hiển Bồ Điđức chu hoàn vũ,

Từ hàng an hải quốc trạch nhuận sinh dân

 聖母顯莆田德周寰宇

慈航安海國澤潤生民

 Thánh mẫu hiển linh chốn Bồ Điền, đức bao trùm vũ trụ,

Thuyền từ làm yên biển rộng, ân cả tưới tẩm dân lành.

  3. Đình thần Vĩnh Phước

Đình thần Vĩnh Phước còn gọi là Đình Gạo, một trong những ngôi đình có mặt sớm nhất ở Sa Đéc, nằm trên đường Trần Hưng Đạo[8]. Lúc mới thành lập, đây chỉ là một ngôi đình nhỏ thờ thần hoàng bổn cảnh . Về sau, đình sáp nhập chung với đình thờ quan Thượng đẳng Quận công Tống Phước Hòa[9].

Hiện nay đình có diện tích 1673 m2, lần trùng tu quan trọng nhất vào năm 1904. Từ đó đình trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhỏ, nhưng tựu trung kiến trúc vẫn còn giữ nét cổ kính, trang nghiêm.

Đình Vĩnh Phước có 12 cặp câu đối, 6 sắc phong, 24 hoành phi. Trên trần còn có hình vẽ các tích truyện Tàu.

 3.1. Câu đối: 5 cặp câu đối cổ theo kết cấu: “Vĩnh…”, “Phước…”

 1. Vĩnh hộ quốc gia công thần uy đức trọng,

Phước thi xã tắc bản cảnh vật dân phong.

 永護國家功臣威德重

福施 社稷本境物民豐

Mãi bảo hộ quốc gia, đức ân của bậc công thần to lớn,

Làm điều phước vì xã tắc, người và vật chốn này được phong nhiêu.

 2. Vĩnh miếđối thiên trưởng hương lý quy mô vạn cổ,

Phước ân thi địa lợi nhân dân phú túc thiên thu.

 永廟對天長鄉里規模萬古

福恩施地利人民富足千秋

 Miếu lớn vươn cao lên trời, làng xã phát triển đến muôn đời

Làm điều phước lợi khắp cõi đất, nhân dân giàu có ngàn năm.

 3. Vĩnh bảo lê dân vũ thuận phong điều âu ca thịnh đức

Phước tuy bản cảnh thu thưởng xuân tự miễn niệm linh uy

 永保黎民雨順風調謳歌盛德

福綏本境秋賞春祀緬念靈威

 Mãi bảo hộ dân đen mưa hòa gió thuận, ngợi ca thời thịnh đức,

Phước đức khắp xóm làng sống đời ấm no chan hòa, mãi nhớ ơn thần linh.

 4. Vĩnh đức chiêm mông vũ tiến văn bệ thừa vạn tải,

Phước nhơn đôn hóa thượng hòa hạ mục cảm thiên niên.

 永德澹蒙武進文陛承萬載

福仁敦化上和下睦感千年

Đức cả thấm nhuận che trùm, văn võ đều hưng thịnh, nối nghiệp vạn năm.

Phước nhân đôn hậu giáo hóa, trên dưới thảy thuận hòa, mãi cảm đến ngàn đời.

 5. Vĩnh sáng lạc cảnh cải thiện dân sinh bá nghiệp thịnh

Phước tạo xã tắc chấn hưng gia viên thiên hộ vượng

 永創樂境改善民生百業盛

福造社稷振興家園千戶旺

 Mãi sáng tạo nên cảnh vui, cải thiện trăm nghề của bá tánh được hưng thịnh,

Phước lành tạo nên xã tắc, chấn hưng ngàn nhà của nhân dân đều phát triển.

 3.2. Sắc thần

“Sắc Cai cơ quản Đông Khẩu đạo Đặc tiến phụ quốc Nhân Hòa hầu, kinh sự tiên triều, nẫm trước thanh tích, hiện hữu xã dân phụng tự, kim quang thiệu hồng đồ, nghi long hiển hiệu, khả gia phong Quảng Ân Thực Đức Trung đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Vĩnh An huyện, Vĩnh Phước thôn. Y cựu phụ sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc

Minh Mạng tam niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật”

 勅該奇管東口道特進輔國仁和候,經事先朝,稔著聲績,現有社民奉祀,金光紹鴻圖,宜隆顯號,可加封廣恩植德中等神。仍准許永安縣,永德村。依舊奉事神其相祐保我黎民。故勅

明命三年九月二十四日

“Sắc cho vị Cai cơ coi quản đạo Đông Khẩu là Nhân Hòa hầu, đã từng phụng sự tiên triều, tích lũy nhiều chiến công, để cho dân trong xã thờ tự. Nên làm vẻ vang nối tiếp cơ đồ lớn của tổ tiên, xa nghĩ đến ơn che chở xứng đáng với danh hiệu to lớn, hiển hách của thần, đáng gia phong cho danh hiệu Quảng Ân Thực Đức Trung đẳng thần. Chuẩn cho trông coi thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An. Cứ theo đó bảo bọc che chở cho dân của ta.

Nay sắc cho.

Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 3” 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997.

2. Trần Văn Chánh, Tự điển Hán Việt, Nxb. Từ điển Bách Khoa, 2013.

2. Nguyễn Khắc Thuần: Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2001.

3. Một số tư liệu khảo sát thực tế ở Chùa Phước Hưng, chùa Thiên Hậu và Đình Vĩnh Phước, TP. Sa Đéc.

[1] Cửa Nam: cõi Ta Bà còn có tên gọi là Nam Thiện Bội châu

[2] Trời Tây: Tây Phương Cực Lạc, quốc độ của Phật A Di Đà, ở đây có thể đồng nhất với các khái niệm Niết Bàn, giải thoát

[3] Đây là liễn đối của người Hoa

[4] Tứ Thánh: tức tứ thánh quả, từ sơ quả cho đến tứ quả, gồm: Tư đà hoàn, Tư đa hàm, A na hàm và A la hán. Lục phàm: Trời ,Người, A tula, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh

[5] Thạnh Hoa và Lạc Hoa cùng được tôn tạo và cúng dường trong một ngày

[6] Thuật rút ngắn đại địa của Phí Trường Phòng

[7] Tang du: cảnh già, trở đậu: đồ tế hay tế lễ, ý cả vế nói là sự cúng tế sẽ không bị tuyệt dứt

[8] Chưa có địa chỉ cụ thể, xưa đình thuộc thôn Vĩnh Phước, thị xã Sa Đéc. Cho đến khi Sa Đéc trở thành thành phố, dân quanh đây vẫn quen gọi đình Vĩnh Phước, thôn Vĩnh Phước

[9] là thuộc hạ của chúa Nguyễn Phúc Thuần, có nhiều công lao trong cuộc chiến với Tây Sơn, sau tự sát bảo vệ khí tiết. Trước đây, Gia Long cho thờ ông ở Huế, và có miếu thờ riêng (chưa rõ nơi nào )đến năm 1910 vì hư hại nên mới di dời về đình này. Tuy chỉ được Minh Mạng  phong là Trung đẳng  thần nhưng dân làng tín yêu gọi ông là Thượng đẳng.

(Phan Nguyễn Kiến Nam, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=5440%3Agii-thiu-mt-s-vn-bn-han-nom-ti-inh-chua-thanh-ph-sa-ec-&catid=65%3Ahan-nom&Itemid=153&lang=vi


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2011(Xem: 3531)
Ở quê tôi, đa phần các làng đều có chùa và đình. Ngày xưa lúc còn bé, tôi và những đứa trẻ trong làng hay đến chùa và đình vào những dịp lễ để vui đùa và ăn ké theo người lớn. Những hình ảnh về các sinh hoạt lễ hội của chùa và đình vẫn còn in đậm trong ký ức tôi cho đến ngày nay.
07/07/2011(Xem: 28297)
Lời Ban Biên Tập: Nhằm mục đích góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại biết rõ lịch sử Việt Nam trong năm 1963 xảy ra như thế nào và nhất là để có nhận thức sâu sắc hơn về điều mà dân tộc đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”. Cho nên chúng tôi lưu trữ vào Thư Viện Hoa Sen CÁC BẢN DỊCH TỪ KHO DỮ LIỆU BỘ NGOẠI GIAO, BỘ QUỐC PHÒNG, CƠ QUAN TÌNH BÁO TRUNG ƯƠNG & CÁC NGUỒN KHÁC đã giải mật. Các tư liệu này có liên quan đến sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Sự việc này chắc chắn sẽ có những ý kiến ủng hộ và chống đối, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Ban biên tập website Thư Viện Hoa Sen chân thành cảm tạ nhà văn Cư sĩ Nguyên Giác, Cư sĩ Nguyễn Kha, và Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức Publications đã gửi tặng các phiên bản vi tính điện tử và trân trong giới thiệu đến toàn thể quý độc gỉa trong và ngoài nước.
02/07/2011(Xem: 8413)
Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật tồn tại đến ngày nay là do sự truyền thừa từ đức Phật đến chư tổ. Tổ lại truyền cho tổ, ‘Tổ tổ tương truyền’ tiếp diễn từ đời nầy sang đời khác. Sự truyền thừa được thể hiện qua hai phương diện giáo lý và thật hành. Về phần giáo lý thì mỗi tông phái đều sáng lập giáo nghĩa, tông chỉ riêng biệt và đều lấy kinh điển của Phật làm nền tảng. Về phần thật hành hay phần sự có khác biệt là tùy theo giáo nghĩa và tư tưởng của mỗi tông. Mỗi tông phái đều truyền bá và xiển dương pháp môn của mình trong tông môn và quần chúng Phật tử. Mỗi tông phái của đạo Phật được ví như mỗi loại hoa của vườn hoa Phật pháp. Mỗi loại hoa có nét đẹp và hương thơm riêng biệt, để khoe sắc hương, nhưng tất cả đều ở trong vườn tịnh của Phật pháp. Cũng như vậy, mỗi tông phái đều là của đạo Phật và đều cùng mang một vị, đó là vị ‘giải thoát’. Trong phần sưu tập về tông phái Thiên thai, chúng tôi chia thành hai giai đoạn chính. Đó là sự sáng lập tông phái ở Trung Quốc, sau nhiều thế kỷ
23/06/2011(Xem: 3538)
Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam từ rất sớm có thể từ trước công nguyên. Tuy là một tôn giáo ngoại nhập nhưng các nhà nghiên cứu thường thống nhất rằng mỗi dân tộc đều có một ông Phật của riêng mình. Vậy thì cái riêng, bản sắc Phật giáo Việt Nam là gì ? Các nhà nghiên cứu đã thừa nhận Phật giáo thời Lý Trần là tinh hoa, đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Chính Phật giáo Lý Trần đã góp phần làm nên cái chất Đại Việt, làm nên cái hào khí Đông A của thời đại, tạo nên bước nhảy vọt về tư tưởng của dân tộc ta lúc bấy giờ, làm nên sự hồi sinh mạnh mẽ của dân tộc sau hơn một ngàn năm bị nô lệ phương Bắc từ năm 111 TCN đến năm 938 SCN. Để góp phần giải đáp cái nét riêng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo thời Lý Trần có lẽ cần đặt nó trong mối giao lưu, tiếp biến với Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Quốc và tín ngưỡng - văn hóa dân gian bản địa.
23/06/2011(Xem: 4268)
Việt Nam là cái lưng của bán đảo Ấn Trung, vị trí của bán đảo nầy nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Vì địa thế nằm giữa hai nước lớn có nền văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại nên đương nhiên Việt Nam có ảnh hưởng cả hai nền văn hóa đó, kể cả tôn giáo. Từ phương Bắc, Trung Quốc đã tràn xuống chiếm cứ đất đai với âm mưu đồng hóa dân Việt, biến Việt Nam thành một phần lãnh thổ của họ. Do đó dân Việt chiến đấu không ngừng để sống còn và giữ gìn sự độc lập của mình, thế nhưng không tránh khỏi sự ảnh hưởng qua lại về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo ...
20/06/2011(Xem: 7260)
Vào năm 1949, tôi đã cùng thầy Trí Hữu, một vị Thượng tọa từ Đà Nẵng thành lập nên Phật Học Đường Ấn Quang ở Sài Gòn. Tôi dạy lớp sơ cấp đầu cho các vị Sadi. Hồi đó tên chùa là Ứng Quang. Chùa vách tre lợp lá rất đơn sơ. Khi đó chiến tranh đang diễn ra giữa quân đội Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Minh.
18/06/2011(Xem: 4879)
Ký giả được xem công văn này trước nhất, liền cho mời Ông Viên Quang là Tổng thư ký của Hội Việt Nam Phật giáo đến bàn việc triệu tập Hội đồng để thảo luận việc quan trọng đó. Nhưng đến buổi họp thì ký giả chẳng may vừa bị cảm nặng, nhân có Cụ BÙI THIỆN CƠ, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo đến thăm, bèn dặn với Cụ rằng: “Nếu Hội đồng có cử đến tôi, thì nhờ Cụ cố từ chối cho, vì tôi mới bị bệnh, hơn nữa còn bận nhiều công việc”. Sau buổi họp đó, Cụ BÙI THIỆN CƠ và Cụ TRẦN VĂN ĐẠI lại đến phòng bệnh cho biết rằng: “Hội đồng đã đề cử một vài vị Thượng toạ, nhưng các Ngài đều viện cớ rằng: Thượng toạ là Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt lại là Phó Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo, phải lấy tư cách ấy mà ứng phó với thơ mời của Chính phủ để gia nhập Phái đoàn Phật giáo Việt Nam thì đối với cả trong Thuyền gia lẫn người ngoài Thiện tín mới được danh chính ngôn thuận.
16/06/2011(Xem: 14147)
Thế Giới chỉ bắt đầu chú ý nhiều tới vấn đề Việt Nam và tới "những người Phật Giáo '' sau khi Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng ở Sài Gòn ngày 11.6.1963 để kêu gọi dư luận thế giới chú ý đến những khổ đau của dân chúng Việt Nam dưới những đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm . Sở dĩ sự tự thiêu của Hoà Thượng Quảng Đức đã khiến Tây phương xúc động và ngạc nhiên nhiều hơn Đông Phương là vì hoàn cảnh văn hoá và tôn giáo Tây phương khác với hoàn cảnh văn hoá và tôn giáo Đông phương.
15/06/2011(Xem: 5886)
Năm ngoái khi ghé thăm nhà nuôi trẻ em nghèo của vợ chồng anh Trần Quang Lãm ở trên đường Ngũ Tây Xã Thủy An gần chùa Thuyền Tôn , tôi nói với anh là tôi muốn ghé lại thăm ngôi chùa nổi tiếng này , anh Lãm liền tặng tôi một cuốn tiểu sử thiền sư Liễu Quán và dặn là tôi nên ghé lại thăm ngôi bảo tháp của ngài Lúc bấy giờ tôi chỉ đi thăm thú các nơi trong chùa mà không để ý đến cảnh vật chung quanh chùa lắm , khi về nhà mới đọc cuốn sách được tặng. Thật vô cùng thú vị khi đọc đến đoạn huyền thoại về thiền sư phải ăn rong để sống và rong đó được vớt tại con sông trước chùa , tôi vội vàng chạy xe lên lại chùa và đi tìm con sông .
15/06/2011(Xem: 2554)
1. Tín-ngưỡng ở Giao-châu Trước khi các tông-giáo tràn vào, người Việt chắc đã tôn-sùng những mãnh-lực thiên-nhiên, như núi sông, sấm chớp. Những di-tích còn lại không những ở trong tập-tục của dân-gian, mà trong điển-lệ tế-tự, nay còn những vị thần, được thờ tại rất nhiều nơi, mà không ai biết rõ gốc-tích từ đâu tới. Thần Cao-sơnchắc cũng là đức-thánh Tản-viên, thần Long-thủy có lẽ gốc ở thác Bờ. Lại như các đền hay "chùa" Pháp-Vân, Pháp-Vũ, Pháp-Lôi, Pháp-Điệnhẳn là di-tích các thần mây, mưa, sấm, chớp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567