Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về mấy bài Đường thi liên quan đến PGVN

10/04/201314:13(Xem: 4533)
Về mấy bài Đường thi liên quan đến PGVN

 

290manhtrangthuVề mấy bài Đường Thi
liên quan đến Phật Giáo Việt Nam

Lê Mạnh Thát

Giữa thế kỷ thứ VII và thứ X Phật giáo Việt nam đã là chủ đề thi vịnh cho một số nhà thơ Trung Quốc, như đã cảm nhận và vang dội trong tâm hồn họ. Thế mà những bài thơ đó đã không bao giờ được những cuốn sử nước ta – Phật giáo hay không Phật giáo – kể tới, cho tới lúc Lê Quý Đôn tìm thấy và ghi lại trong Kiến Văn Tiếu Lục , quyển 9 tờ 13a4-b9. Cho đến nay, chỉ có bốn bài thơ xướng họa do Lê Quý Đôn và những người sau như Thích Mật Thể trích dẫn trong Việt nam Phật giáo Sử lược, nhưng không những các tác giả này đã không ghi nhận đầy đủ vì còn có thêm tối thiểu là ba bài nữa, mà còn chứa đựng nhiều sai lầm và thất lạc đáng tiếc.

Chẳng hạn, bài thơ do Thẩm Thuyên Kỳ viết về thượng nhân Vô Ngại. Theo bản chép của Lê Quý Đôn, thì đầu đề của bài thơ này là "Cửu Chân Sơn tĩnh tự yết Vô Ngại Thượng Nhân". Trong khi đó, theo bản in của Toàn Đường Thi, tập 2, quyển 97 tờ 1047, do Vương Toàn hiệu điểm và Trung Hoa Thư cục xuất bản năm 1960 ở Bắc Kinh, thì đầu đề là "Cửu Chân sơn Tịnh Cư tự yết Vô Ngại Thượng nhân". Như thế thì ngôi chùa ở đây không phải là "chùa Sơn Tĩnh hạt Cửu Chân", mà Thích Mật Thể đã giải thích, ngược lại là "chùa Tịnh Cư núi Cửu Chân". Sự sai khác này sẽ cho chúng ta nhiều chi tiết lôi cuốn. Thí dụ, nó cho ta biết là tại núi Cửu Chân vào cuối thế kỷ VII có một ngôi chùa tên Tịnh Cư với nhà sư Vô Ngại nổi tiếng. Không những đầu đề có sai lầ୬ mà ngay cả văn cứu của bài thơ cũng bị thất lạc. Nếu theo bản chép của Toàn Đường thi, thì bản chép của Lê Quý Đôn thiếu mất bốn câu giữa hai câu "Y vương tích vi đàm và "Siêu nhiên Hỗ khê tịch" mà chúng tôi sẽ bổ túc sau. Cùng một cách, đầu đề của bài thơ do Dương Cự Nguyên viết, theo Toàn Đường thi, là "Cung phụng Định Pháp sư qui An Nam", trong khi đó thì Lê Quý Đôn lại chép thành "Tống phụng Định Pháp sư qui An Nam", rồi từ thời Phạm Quỳnh trở đi cho đến ngày nay đặt ra một người mang tên là Phụng Đình hay Phụng Định. Đây là một sự hiểu sai chữ "phụng" của cái đầu đề. Thực tế là chúng ta không có người nào mang tên Phụng Đình hay Phụng Định gì cả, chúng ta chỉ có Định Pháp sư và Pháp sư này giữ chức Cung phụng tại Kinh đô Trường An.

Nêu ra những sai lầm và thất lạc của bản chép Lê Quý Đôn, chúng tôi không chỉ nhắm đến sự chính xác văn hiến và lịch sử, mặc dù một số chính xác như thế rất đáng cần và rất đáng thực hiện. Mà là để sửa sai những lầm lạc và khuyết thất dai dẳng do sự sai lầm và thất lạc của bản chép Lê Quý Đôn. Kể từ ngày bản chép của Lê Quý Đôn ra đời, những người nghiên cứu nước ta đã tiếp tục sao chép lại chúng với tất cả những sai lầm và thất lạc đó một cách thản nhiên, ngay cả khi họ có cơ hội nhận ra chúng. Chẳng hạn, Thích Thể Mật trong Việt Nam Phật giáo sử lược đã sao chép y nguyên từ bản của Lê Quý Đôn rồi giải nghĩa sai những đầu đề của các bài thơ ấy. Lê Thành Khôi, tuy chắc có thể có trong tay văn bản Toàn Đường thi, mà vẫn viết:

"Chen Ts’iuan K’I rendit visite au Supérieur Vô Ngại dans sa pagode de Son Tinh au Cửu Chân. Deux moines: Duy Giám et Phung Đinh allèrent prêcher à la cour de Ch’ang an". (Trầm Thuyên Kỳ đến thăm Thượng sư Vô Ngại nơi chùa của ngài là Sơn Tịnh ở Cửu Chân. Hai nhà sư: Duy Giám và Phụng Đinh đi hoằng pháp tại triều đình Trường An).

Những cái tên sai lầm về Sơn Tĩnh và Phụng Định của Lê Quý Đôn đều được những người đi sau v.v… lập lại một cách cung kính. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là, cả Nguyễn Đăng Thục lẫn Lê Văn Siêu đều có dịp nói đến cuốn sách Bắc thuộc thời đại đích Việt Nam của Lữ Sỹ Bằng, thì ít nhất họ cũng phải đọc được cái đầu đề bài thơ của Dương Cự Nguyên, mà Lữ Sỹ Bằng đã dẫn một cách đúng đắn là "Cung phụng Định Pháp sư qui An Nam", chứ không phải "Dương Cự Nguyên tặng Phụng Định Pháp sư qui An Nam", như Nguyễn Đăng Thục ghi.

Chính vì cái tình trạng sai lầm thất lạc này, chúng tôi cho viết những dòng sau, hy vọng cái tình trạng đáng phàn nàn kia được chấm dứt và gợi ý cho một vài trí tò mò lẫn phê bình từ những mới bắt đầu nghiên cứu. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn sau khi sửa sai và bổ túc, đặt những bài thơ này vào khung cảnh lịch sử, từ đấy giúp xác định một phần nào niên đại những nhân vật và sự tình Phật giáo Việt Nam do chúng nói đến, mà cho đến nay chưa bao giờ được thực hiện, tạo nên không ít những xếp đặt lộn xộn về thứ tự thời gian ra đời của chúng. Như việc bài thơ của Trương Tịch bị đặt trước Trầm Thuyên Kỳ là một ví dụ. Cuối cùng, chúng tôi nhằm cung hiến một phần nào tư liệu cùng gợi ý cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo nước ta những thế kỷ VII cho tới thế kỷ X, đặc biệt là liên quan tới những địa điểm điều tra khảo cổ học Phật giáo, có thể tại miền Bắc Trung bộ. Những bàn luận dưới sẽ hoàn toàn giới hạn vào việc đạt đến ba mục đích vừa nêu, do thế sẽ không đề cập đến những chi tiết không liên quan đến chúng, mặc dù quan trọng đối với nhà thơ hay bài thơ liên hệ.

Cứ Cựu Đường thư quyển 190 trung, tờ 5b5-9, thì Thẩm Thuyên Kỳ là "người Nội hoàng Tượng châu, đỗ Tiến sĩ, làm thông sự xá nhân, giỏi văn chương, sở trường về thơ thất ngôn, nổi tiếng ngang với Tống Chi Vấn, nên người đương thời gọi là thể Thẩm Tống. Sau Kỳ đổi làm khảo công lang viên ngoại, mắc tội giao thiệp với giặc, bị đày ra ngoài Ngũ Lĩnh. Trong khoảng niên đại Thần Long, ông được gọi về giữ chức Khởi cư lang, rồi lên Tụ văn quán trực học sĩ, sau lại làm Trung thư xá nhân kiêm thái tử chiêm sự. Năm đầu Khai Nguyên, ông mất, văn tập gồm 7 quyển".

Cuộc đời của Thẩm Thuyên Kỳ như vậy sống khoảng giữa những năm 655-713, vào khoảng niên hiệu Trường An bị đày ra Ngũ Lĩnh, mà văn thư của ông xác định một cách rõ ràng là Hoan Châu. Niên hiệu Trường An bắt đầu năm 701 và chấm dứt giữa năm 705, tức 4 năm. Có nghĩa là Kỳ bị đày ra Hoan Châu khoảng những năm 701 – 704, vì đầu niên hiệu Thần Long, tức năm 705, ông được gọi về và trao chức Khởi cư lang. Trong thời gian trên dưới ba bốn năm bị đày này tại Hoan Châu, Kỳ đã làm một số bài thơ, trong đó có hai bài liên quan trực tiếp đến Phật giáo Việt Nam. Bài thứ nhất mô tả một ngôi chùa tên Thiệu Long tại Hoan Châu, mà Toàn Đường thi, tập 2 quyển 95 tờ 1024, ghi như sau:

Thiệu Long tự

Ngô tùng Thích Ca cửu

Vô thượng sư Niết bàn

Thám đáo tam thập tải

Đắc đạo thiên Nam đoan

Phi thắng thích thù phương

Khởi huyên qui lý nan

Phóng khí nãi lương duyên

Thế lự bất tằng can

Hương giới oanh bắc chữ

Hoa kham ẩn nam loan

Nguy ngang giai hạ thạch

Diễn dạng đàm trung lan

Vân cái khán mộc tú

Thiên không kiến đằng ban

Xử tục lạc yến tọa

Cư bần nghiệp hạnh đàn

Thí tương hữu lậu khứ

Liêu tác vô sanh quan

Liễu nhiên cứu chư phẩm

Di giác tĩnh giã an

Dịch :

Chùa Thiệu Long

Ta lâu theo đấng Thích

Thầy vô thượng Niết bàn

Ba mươi năm tìm đạo

Được đạo ngõ trời Nam

Không may phương này đến

Lẽ về khó hỏi han

Duyên lành lúc đày ải

Đời nghĩ không từng can

Cõi thơm vây bến bắc

Chùa hoa nép sườn nam

Cấp dưới cheo leo đá

Nhẹ vỗ sóng hồ lan

Mây che trông cây tốt

Trời trống ngó mây dang

Ở đời siêng ngồi định

Sống nghèo cõi nghiệp hành

Thử đem thân hữu lậu

Đi dựng quán không sanh

Rõ ràng hiểu các phẩm

Càng biết tịnh là an

Bài thơ này không có sai khác nào đáng chú ý, từ chữ "đàm" trong câu thứ 13 mà Toàn Đường thi chép chữ "song", và chữ "lạc" câu thứ 15, mà có bản chép ra chữ "cần". Chúng tôi sửa chữ "song" của Toàn Đường thi thành chữ "đạm", bởi vì những chữ khác trong câu đó đều nói đến sóng vỗ, mà sóng vỗ thì hà tất phải vỗ vào cửa sổ, trừ khi lụt lớn. Tự dạng của chữ "song" và chữ "đạm" hầu như giống nhau, và "đạm" có nghĩa là cái hồ, do thế thích hợp với những chữ "diễn dạng đàm trung lan" của toàn câu. Theo chính chú thích của Trầm Thuyền Kỳ, thì địa điểm ngôi chùa và cơ hội làm bài thơ xảy ra như sau:

"Chùa Thiệu Long, ngôi chùa kỳ tích nhất trong vùng Giang Lĩnh, cách thành Hoan châu khoảng 25 dặm, người miền Bắc hễ hết ngày thì đến nghỉ, theo lệ mà cúng hương, tôi làm bài thơ này sau khi trở về thuyền…" (Thiệu Long tự, Giang Lĩnh tối kỳ, khứ Hoan châu thành nhị thập ngũ lý tượng, bắc khách tất nhật, du khể, tùy lệ thí hương, hồi ư chu trung tác).

Bằng vào giới thiệu này và vào nội dung của bài thơ trên, ta có thể thấy chùa Thiệu Long đã để lại những ấn tượng gì trong tâm hồn Kỳ. Kỳ thú nhận là, chính tại đó, ông đã đắc đạo, sau ba mươi năm tìm đạo và theo đấng Thích đã lâu. Chùa đã giúp cho Kỳ hiểu rằng, rõ ràng nghiên cứu kinh điển thì càng biết rõ tĩnh là an.

Điều đáng tiếc là với một ngôi chùa như thế, những miêu tả cũng như chú thích trong bài thơ của Kỳ không xác định một cách minh bạch gì hết vị trí khả hữu của nó. Từ câu 9 đến câu 14, tức "cõi hương vây bến bắc, chùa hoa nép sườn nam, cấp dưới cheo leo đá, sóng vỗ nước hồ lan, mây che trông cây tốt, trời trống ngó mây vươn", chỉ cho ta biết một cách mập mờ rằng ngôi chùa nằm ở phía nam một sườn núi, đối lập với một bến nước phía bắc, do thế ngó xuống một bình nguyên, trước mặt là những cấp đá dẫn lên chùa và một cái hồ, trên sườn núi cây cối xung quanh chùa tốt tươi. Thế thì ngôi chùa ấy ở đâu? Theo lời chú thích, ngôi chùa cách thành Hoan châu khoảng 25 dặm, và có con sông bên cạnh, để cho "cõi hương vây bến bắc" và Kỳ trở về thuyền làm thơ. Ngọn núi như vậy cũng phải cách Hoan Châu 25 dặm và có một con sông chảy quanh qua phía bắc của nó. Hiện chúng tôi không thể xác định ngọn núi ấy tên gì. Tuy nhiên để bắt đầu cho việc tìm lại cái tên cho ngọn núi ấy, ta phải định xem vị trí của Hoan Châu nằm ở đâu tại nước ta ngày nay.

Cái tên Hoan Châu khá quen thuộc với người nước ta, tối thiểu là cho đến tháng 12 năm Long Phù Nguyên Hóa thứ nhất (1100) khi vua Lý Nhân Tôn đổi nó ra phủ Nghệ An. Hoan Châu thời nhà Lý như vậy có thể nói là tương đương với tỉnh Nghệ An ngày nay. Thế, vào thời Đường nó ra sao? Nguyên Hòa quận huyện đồ chí quyển 38 tờ 16a4-5 của Lý Cát Phủ, viết khoảng năm 815, cho biết, "Hoan Châu ở về phía Đông, cách biển 100 dặm, phía nam cách biên giới Lâm Aᰠkhoảng 190 dặm, bắc cách Diễn Châu 150 dặm". Thái bình hoàn vũ ký quyển 171 tờ 6a10-14, ghi khác đi một chút, theo đấy "Hoan Châu đông dọc theo biển đến châu Phúc Lộc 102 dặm, nam đến biển lớn 150 dặm, đến châu Ky My Tu 240 dặm, bắc đến Diễn Châu 150 dặm và A񩠃hâu 603 dặm, tây nam đến nước Vạn Đơn 15 ngày đường, ước chừng 750 dặm, đông nam đến nước Hoàn Vươn 10 ngày đường, ước chừng 500 dặm, bắc đến Hóa Châu 520 dặm, tây bắc đến sông Linh Bạt 470 dặm, tây nam đến châu Ky My Thường 300 dặm". Tân Đường thư quyển 43 tờ 45b6-46a1 phối hiệp những sai khác trên, rồi thêm " Hoan Châu đông đến biển lới 150 dặm, nam đến Lâm Châu 150 dặm, tây đến biên giới nước Hoàn Vương 800 dặm, bắc đến biên giới A񩠃hâu 603 dặm, nam đến biên giới quận Tân Đáng 400 dặm, tây bắc đến sông Linh Bạt 470 dặm, đông bắc đến Biên Châu 502 dặm".

Trước những ghi chú sai khác này, báo cáo của Nguyên Hòa quận huyện đồ chí đáng được chấp thuận hơn cả, bởi vì tính cổ sơ cũng như giá trị văn điệu của nó. Ngay cả khi kết nối với những mẫu tin của Nhạc Sử và AⵠDương Tu, chúng ta tối thiểu cũng có có thể rút ra hai dữ kiện chắc chắn, đấy là Hoan Châu cách biển về phía Đông khoảng từ 100 đến 150 dặm ở phía nam của Diễn Châu và A񩠃hâu, và cách Diễn Châu 150 dặm. Cứ vào hai dữ kiện này, chúng ta có thể đồng ý với Henri Maspéro để đặt địa phận của Hoan Châu tối thiểu vào đời Đường thuộc giới vực của tỉnh Nghệ An ngày nay, mà trung tâm có thể ở khoảng huyện Nam Đàn. Chính trong huyện này mà ngôi chùa Thiệu Long của ta phải được tìm. Trong cuộc điều tra khảo cổ học nơi huyện đó vào năm 1911, Maspéro đã cho biết là ông tìm những viên gạch có tiểu tượng đức Phật tại di tích của một cổ thành cách đình làng Nhạn Tháp không xa mà ông giả thiết đó chính là di tích của l sở thành Hoan Châu. Về những viên gạch này, ông bảo là những tồn tích của những vật liệu trong việc dựng một ngôi chùa tại xung quanh đó vào năm 636. Niên đại 636 này chúng tôi không biết Maspéro rút ra từ đâu, phải chăng từ những ghi chú trên viên gạch? Vì chưa thấy những viên gạch này, chúng tôi không thể trả lời được.

Ngôi chùa dựng năm 636 có tên gì Maspéro cũng không cho biết. Đương nhiên nếu thành Hoan Châu quả cách đình làng Nhạn Tháp ngày nay không xa và nếu câu "bắc khách tất nhật du khế", trong lời giới thiệu của Trầm Thuyền Kỳ ghi trên, có thể cắt nghĩa như ngôi chùa Thiệu Long, vì tuy cách Hoan Châu 25 dặm nhưng tất phải gần thành này để cho bắc khách hễ hết ngày thì đến nghỉ, tùy lệ mà cúng hương, thì ngôi chùa Thiệu Long phải nằm xung quanh đình làng Nhạn Tháp không xa. Điều đó tiếc là chúng tôi hiện đang không có một bản đồ địa hình tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn nên không thể nói gì thêm về giai đoạn này về vị trí có thể của ngôi chùa (1). Cứ vào bài thơ như đã vạch ra, thì ngôi chùa phải nằm cạnh sườn phía nam của một ngọn núi đối lập với một bến nước của một dòng sông tại phía bắc. Có ngọn núi nào nằm xung quanh làng Nhạn Tháp ngày nay không, chúng tôi không thể trả lời được cho đến lúc có thể làm một cuộc điều tra tại chỗ hay sở hữu một bản đồ địa hình huyện Nam Đàn và con sông tại phía bắc phải chăng là sông Cả hay một phụ lưu của nó. Một lần nữa chúng tôi không thể trả lời và phải chờ đợi. Ngay lúc này những bàn cãi trên giúp vạch ra một lối tìm lại ngôi chùa của chúng ta.

Mọi người đều biết số chùa chiền tại miền Bắc Trung bộ trước năm 939 cho tới lúc này hầu như hoàn toàn không biết đến, bởi vì không có một ghi chú nào còn lại, mặc dù nó là nơi có lẻ đã chứng kiến những ngôi chùa xưa nhất của chúng ta. Chuyện Vu Pháp Lan mất tại Tượng Lâm vào khoảng năm 320 và như thế có giả thiết sự có mặt của những ngôi chùa hay tối thiểu một ngôi chùa tại Tượng Lâm là một ví dụ. Ngôi chùa Thiệu Long có thể cung hiến cho ta một mốc giới thứ nhất trong việc định tự lại số chùa chiền vừa nói. Điều này là khởi điểm điều tra và khai quật đáng chú ý không những đối với những người nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn những đối với những người nghiên cứu cổ sử Việt Nam và những bộ môn khác như nghệ thuật, âm nhạc, văn học … Chính vì những lôi cuốn này, mà dẫu thiếu thốn tư liệu và kinh nghiệm, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu sự có mặt của nó.

Ngoài bài thơ về chùa Thiệu Long này, Thẩm Thuyên Kỳ còn để lại một bài thơ khác, viết sau hay trong lúc hầu chuyện với một nhà sư Việt Nam tên Vô Ngại tại chùa Tịnh Cư núi Cửu Chân, mà ông tự xưng là đệ tử. Bài thơ ấy, nhiều nhà nghiên cứu nước ta đã cho dẫn với tất cả những sai lầm và thất lạc của nó như đã kể trên. Nhan đề bài thơ này là "Cửu Chân sơn Tịnh Cư tự yết Vô Ngại Thượng nhân" – Hầu chuyện Thượng nhân Vô Ngại chùa Tịnh Cư núi Cửu Chân – mà Toàn Đường thi quyển 97 tờ 1047 chép như sau:

Đại sĩ sinh Thiên Trúc

Phân thân hóa Nhật Nam

Nhân trung xuất phiền não

Sơn hạ tức già lam

Tiểu giản hương vi sát

Nguy phong thạch tác am

Hầu thiền thanh cốc nhũ

Khuy giảng bạch viên tham

Đằng ái vân giáng bích

Hoa lân thạch hạ đàm

Tuyền hành u cung hảo

Lâm quãi dục y kham

Đệ tử ai vô thức

Y vương tích vị đàm

Cơ nghi văn bất nhị

Mông muội tức triều tam

Dục cức nhân duyên lý

Liêu khuy phóng khí tàm

Siêu nhiên Hỗ khê tịch

Song thọ hạ hư lam

Dịch:

Đại sĩ sinh Thiên Trúc

Phân thân dạy Nhật Nam

Trong đời khỏi phiền não

Dưới núi tức già lam

Suối con hương dựng cõi

Núi ngất đá làm am

Chầu thiền câu xanh mởm

Trông khe vượn trắng nhòm

Giây yêu mây quấn vách

Hoa luyến đá dưới đầm

Khe trôi sâu lại đẹp

Rừng móc áo giặt xong

Con buồn không hiểu biết

Y vương tiếc chưa bàn

Trí ngờ nghe bất nhị

Mông muội liền qui tam

Muốn tìm nhân duyên lý

Đày ải thêm thẹn thùng

May sao chiều khe Hỗ

Song thọ núi mù lam

Bài thơ này không có những sai khác, trừ bốn câu chép thiếu trong bản Lê Quý Đôn đã được bổ túc. Đầu đề bài thơ này ghi lại những cảm tưởng và cảm tình của Kỳ đối với một nhà sư nước ta tên Vô Ngại sống tại chùa Tịnh Cư núi Cửu Chân. Về nhà sư này, ngày nay chúng ta không biết một tí gì hết. Không một tư liệu, Việt hay Trung Quốc, Phật giáo hay không Phật giáo, nhắc đến vị này. Theo bài thơ, Sư hẳn là một nhà tu thiền, tuy vẫn tiếp tục công tác hoằng pháp tại chùa Tịnh Cư núi Cửu Chân, mà mỗi khi giảng thì có vượn trắng dòm, và tại Nhật Nam. Giai thoại Huệ Viễn "Hỗ khê tam tiếu" còn gợi ý cho ta thấy là Sư suốt đời không hề rời khỏi nơi tu niệm này, như Huệ Viễn chỉ tiễn chân khách đến bờ Hỗ khê rồi từ biệt. Cho nên Kỳ mới tìm đến, và khi gặp ngài nơi khe Hỗ vào một buổi chiều khi núi mù lan xuống, thì được Sư bàn đến quan niệm bất nhị trong Phật giáo khiến cho Kỳ đang mông muội bỗng giác ngô liền qui y Tam Bảo và trở thành đệ tử của Sư. Thế thì nhà Sư này sống vào khoảng nào?

Ở trên, chúng tôi đã lập bản tiểu sử Kỳ từ Cựu Đường thư, đây là bản tiểu sử tương đối đầy đủ nhất, trừ chi tiết Kỳ đỗ Tiến sĩ năm Thượng Nguyên thứ 2, tức năm 675, theo Đường tài tứ truyện quyển 1. Những tác phẩm khác đa số đều sao chép lại bản này, như Toàn Đường thi quyển 95 tờ 1020 chẳng hạn. Đường thi kýsự quyển 11 tờ 160 của Kế Hữu Công không cho biết gì mới, còn Tân Đường thư quyển 200 tờ 1ả-b11 thì ghi lại một cách lộn xộn khó hiểu và khó nhận. Chung quy, chúng ta không biết Kỳ sinh năm nào. Nhưng vì ông đỗ Tiến sĩ năm 675 và vì ông đã "thám đạo tam thập tải" và khi bị đày ra Hoan Châu là vào năm 704 hay trước đó, nên Kỳ do thế phải sinh vào khoảng năm 655, nếu ta đồng ý chấp nhận Kỳ đậu Tiến sĩ năm hai mươi tuổi và tìm đạo vào khoảng trên dưới năm mươi tuổi. Cựu Đường thư bảo ông mất vào khoảng đầu Khai nguyên hay Khai nguyên năm thứ nhất, tức năm 713. Niên đại ông do đó ở và giữa khoảng năm 655-713.

Bằng vào niên đại và vào việc Kỳ tự xưng là đệ tử của Vô Ngại khi bị đày ra Hoan Châu lúc ông khoảng 50 tuổi, chúng ta có lẻ không sai cho lắm khi đặt cuộc đời Vô Ngại vào những năm 640-710, giả thiết rằng ông đã 60 tuổi, khi Kỳ hầu chuyện. Như đã nói, ngày nay chúng ta không có một tư liệu hay ám chỉ nào về sự có mặt của một nhà sư tên Vô Ngại. Niên đại được rút ra vì vậy chỉ có thể chứng thực khi nào ngôi mộ và ngôi chùa Tịnh Cư của ông được tìm thấy, đặc biệt là nếu có những bia văn còn tồn tại. Vấn đề là, chùa Tịnh Cư nằm ở đâu?

Theo bài thơ, chùa nằm tại núi Cửu Chân dưới chân có già lam cho việc giảng đạo và trên chóp có am cho người tu thiền. Trước mặt chùa chắc có một cái đầm, để hoa luyến ái và bên cạnh là dòng suối với cái tên khe Hỗ quen thuộc của truyền thống Tịnh độ bên Trung Quốc. Chính tại dòng suối này mà nhà sư đã giặt áo để phơi lên rừng Song Thọ, nơi mà Kỳ đã gặp ông vào một buổi chiều khi sương mù trên đỉnh núi đang lan tỏa xuống chòm cây vói những vách đá làm nơi yêu đương cho mây trời và mây đất quấn quít lẫn nhau. Với những mô tả của Kỳ, những ai đã từng dừng xe trên đèo Hải Vân vào một buổi chiều nắng nhạt hay một một buổi sáng mát trời tất có thể nhận ra ngay là, ngôi chùa Tịnh Cư của Thượng nhân Vô Ngại và Trầm Thuyên Kỳ phải nằm tại một ngọn núi gần biển, một ngọn núi sát biển. Song vì Kỳ xác định rõ là chùa Tịnh Cư nằm tại núi Cửu Chân , do thế chúng ta không cần phải suy luận gì cho dài dòng lôi thôi, mà chỉ cần định vị ngọn núi tên Cửu Cân đây ở vào địa điểm nào tại nước ta ngày nay mà thôi.

Nhạc Sử trong Thái bình hoàn vũ ký quyển 171 tờ 3a9, trong khi liệt ra một ngọn núi Tạc Sơn cho huyện Nhật Nam quận Cử u Chân, đã ghi thêm làm, ngọn Tạc Sơn này cũng có tên là Cửu Chân – (Tạc Sơn nhất danh Cửu Chân sơn). Chỉ một ghi nhận này cũng đủ làm ta vững lòng và giúp soi sáng ta khá nhiều trong việc tìm hiểu hai chữ Nhật Nam trong bài thơ của Kỳ nói gì. Khi Kỳ bảo "Đại sĩ sinh Thiên Trúc, phân thân hóa Nhật Nam" , thì Nhật Nam đây không phải là quận Nhật Nam mà là huyện Nhật Nam, bởi vì nếu là quận Nhật Nam thì ta không thể hiểu, tại sao Thượng nhân Vô Ngại lại ở núi Cửu Chân của quận Cửu Chân. Nhật Nam như vậy là huyện Nhật Nam, một huyện của quận Cửu Chân.

Về Tạc Sơn, Nguyên Hòa quận huyện đồ chí quyển 38 tờ 15a10-b1 cho biết "Tạc Sơn ở tại phía bắc của huyện (Nhật Nam) 130 dặm, xưa khi Mã Viện đi đánh Lâm Aᰬ bị sóng gió cản trở, bèn đục triền núi ấy để làm đường giao thông nên có tên đó"- (Tạc Sơn tại huyện bắc nhất bách tam thập lý; tích Mã Viện chinh Lập Aᰬ trở phong ba, nãi tạc thủ sơn loan vi đạo, nhân dĩ vi danh). Huyện Nhật Nam theo cùng sách, quyển 38 tờ 15a8-9 và tờ 15b2 thì vốn là "đất huyện Cư phong đời Hán, nhà Tấn chia đặt huyện Tân Ngô. Tùy Khai hoàng năm thứ 10 (590) cắt đất huyện Nhật Nam thuộc A񩠃hâu, Hoàng triều nhân theo… biển ở phía đông của huyện 70 dặm". Bằng mô tả này, ta biết huyện Nhật Nam tại đất huyện Cư Phong đời Hán và tiếp giáp với biẻn ở phía đông. Chi tiết liên quan đến huyện Cư Phong giúp ta xác định những liên hệ của Nhật Nam với những huyện khác của A񩠃hâu.

Chẳng hạn, huyện An Thuận. Huyện này cứ cùng sách quyển 38 tờ 15a1-3 thì vốn là "đấty huyện Cư Phong đời Hán, nhà Ngô cải là Duy Phong lại chia đặt huyện Thường Lạc thuộc quận Cửu Chân. Tùy Khai hoàng năm thứ 10 (590) đổi ra huyện A񩠃hâu, năm thứ 16 (596) đổi làm huyện An Thuận, hoàng triều nhân theo". Cả huyện An Thuận và Nhật Nam cùng hai huyện khác của A񩠃hâu là Cửu Chân và Sùng Bình, đều nằm tại vị trí huyện Cư Phong đời Hán. Tên huyện An Thuận vẫn còn thông dụng cho đến đời Lý. Trong cuộc điều tra và khai quật khảo cổ học tại vùng Thanh Hóa vào năm 1939, Olaf Janse đã tìm thấy ở Hàm Rồng một bia văn bằng gạch, theo đấy" […] phù Nguyên niên Đinh Dậu tuế thập nguyên thập tứ nhật Canh Thìn chi thần, kim hữu Đại Việt quốc A񩠃hâu An Thuận, Quí Ninh hương Phù Chính lý thanh tín đệ tử Lý Thị Hà sư niên đăng tam thập cửu mạng chung thân hóa" mà Trần Văn Giáp đã tái kiến chữ khuyết trước chữ "phù" thành trinh phù và dịch ra: "Trinh phù năm thứ nhất tuổi Đinh Dậu tháng 10 ngày 14 giờ Canh Thìn, nay có xóm Phù Chính làng quí Ninh huyện An Thuận A񩠃hâu nước Đại Việt, vị thầy của nữ đệ tử thanh tín Lý thị Hà, tuổi lên 39, thọ hết hóa thân".

Giá trị của những bia văn loại này, ngoài việc giúp sửa sai những sai lầm của những cuốn sử thành văn niên hiệu Trinh phù này, nếu cứ Việt sử lược quyển 3 tờ 9b4 thì bắt đầu vào năm Bính Thân nhưng qua bia văn vừa dẫn thì phải thuộc vào năm Đinh Dậu, còn cống hiến cho ta những điểm chỉ cần thiết cho việ định vị những quận huyện nước ta qua lịch sử. Vì bia văn này dẫn tìm thấy tại Hàm Rồng trên bờ sông Mã, huyện An Thuận, dưới thời Lý cũng như thời Đường, do vậy chắc hẳn phải nằm trong vùng cách tỉnh lhanh hóa không xa. Một khi đã thế, Cư Phong đời Hán cũng rơi vào cùng chỗ. Vbì huyện Nhật Nam nằm trên đất Cư Phong, tiếp giáp với biển về phía đông và có núi Tạc Sơn về phía bắc, như vậy tất không thể định vị vào địa điểm nào khác hơn là giải đất của những huyện Yên Hóa và Nga Sơn. Tạc Sơn của Nguyên Hòa quận huyện đồ chí từ đó phải là một trong những ngọn núi của rặng Thanh hóa. Và vì nó sát biển để cho Mã Viện đục để làm đường giao thông, nó chắc chắn phải là rặng núi cuối cùng của rặng ấy.

Kết luận này còn có thể làm vững thêm chính những báo cáo của Nhạc Sử. Trong Thái bình hoàn vũ ký quyển 171 tờ 3b5-7, Nhạc Sử cũng đã cho dẫn truyền thuyết đục sườn núi làm đường giao thông của Mã Viện, nhưng thay vì dẫn nó dưới mục Tạc Sơn , ông đã cho dẫn dưới mục về Tạc Khẩu, theo đấy "Tạc Khẩu tức là nơi Mã Viện mở đường đá. Cứ "Quảng Châu ký nói thì Mã Viện đục núi Cửu Chân, lấy đá làm đê để ngăn sóng biển, từ đấy không còn gặp nước biển lên mênh mông nữa" – (Tạc Khẩu tức Mã Viện khai thạch đạo xứ, giá Quảng Châu ký vân: Mã Viện tạc Cửu Chân sơn tức thạch vi đê, dĩ át hải ba, tự thị bất phục ngẫu trướng hải).

Tên núi Cửu Chân ra đời khá sớm, tối thiểu là vào thời Quảng Châu ký, mà ta có thể xem như một tác phẩm của Bùi Uyên hay Cố Vi, những người sống trước thế kỷ thứ 7. Sự đồng nhất Tạc Sơn và núi Cửu Chân như thế hoàn toàn có thể được biện minh. Vì Tạc Khẩu là nơi Mã Viện đã đắp đường đá để tiến đánh quân kháng chiến của Hai Bà Trưng do Chu Bá lãnh đạo năm 39 – 43, nó tất không thể nằm vào địa điểm nào khác hơn là miền duyên hải giữa sông Đáy và miền phụ cận về phía Tây Nam, như Maspéro đã nhận ra. Một khi Tạc Khẩu đã nằm trong vùng Đáy, thì núi Cửu Chân hay Tạc sơn dĩ nhiên phải là ngọn núi cuối cùng ngó xuống Tạc Khẩu và biển Nam Hải của rặng Tam điệp ngày xưa, nay thuộc tỉnh Ninh Bình.

Vậy ngôi chùa Tịnh Cư của Thượng nhân Vô Ngại phải ở vào nơi những địa điểm trong những ngọn núi cuối cùng ngó ra biển của những ngọn núi vừa nói. Ngọn núi cuối cùng đây phải là khởi điểm của công tác điều tra khai quật của chúng ta. Nó sẽ dẫn chúng ta về ngôi chùa Tịnh Cư của nhà sư nổi tiếng, mà từ đây chúng ta hy vọng có thể tìm thấy tối thiểu một số văn bia vừa dẫn trên, đặc biệt là bia văn của Vô Ngại. Ngôi chùa này cùng với chùa Thiệu Long nói trước, như vậy là hai ngôi chùa xưa nhất hiện được biết đến tại miền Trung nước ta. Chúng ta sẽ giúp vẽ lại phần nào tình trạng sinh hoạt Phật giáo Việt Nam cũng như những sinh hoạt khác như nghệ thuật, âm nhạc, v.v… tại miền đó, trước thế kỷ thứ VIII, nếu những di tích và di liệu của chúng có thể tìm ra. Đấy là một sự mời mọc xứng đáng cho tất cả công sức của chúng ta.

Qua hai bài thơ trên, chúng ta cũng có thể có một vài ý niệm khá lôi cuốn về tình trạng Phật giáo Viẹt Nam vào thế kỷ thứ VII, đặc biệt là miền Bắc Trung bộ. Chính tại miền này, vào thế kỷ VII đã xuất hiện những người như Trí Hành và Đại Thặng Đăng. Thế mà, nếu ta đọc lại những cuốn sử Phật giáo Việt Nam, nhất là Thiền Uyển Tập Anh , chúng ta lại cứ quan niệm là chùa chiền cũng như nhân vật Phật giáo Viẹt Nam trước thế kỷ X chỉ có tại Bình nguyên và Trung nguyên Bắc bộ, miền Bắc Trung bộ hoàn toàn không có sinh hoạt Phật giáo nào. Bây giờ với những điểm chỉ của Trầm Thuyên Kỳ, một kế hoạch có thể đề ra cho việc tìm lại vết tích Phật giáo của miền ấy.

Trầm Thuyên Kỳ bằng hai bài thơ trên đã không ngớt lời ngưỡng phục những vị thầy và những ngôi chùa ở đó. Chùa Thiệu Long "cõi hương vây bến bắc, chùa hoa nép núi nằm",còn chùa Tịnh Cư thì "suối con hương dựng cõi, chóp núi đá làm nam" hoặc "trí ngờ nghe bất nhị, mông muội liền qui tam". Không những thế, Thương nhân Vô Ngại chùa Tịnh Cư đã gieo vào lònh Kỳ những thâm cảm quá đặc biệt đến nổi không ngại xem Thương nhân Vô Ngại như một phân thân của đức Phật tại huyện Nhật Nam "đại sĩ sinh Thiên Trúc, phân thân hóa Nhật Nam" và tự xưng mình là Phật tử. Chính sự có mặt của những cảnh và người Phật giáo như chùa Thiệu Long và Thương nhân Vô Ngại đã dám nói "đày ải cũng duyên lành, đời nghĩ không tùng can" với chuyện "được đạo ngõ trời nam"và "mông muội liền qui y tam" (bảo). Những câu vừa dẫn, nếu đọc trong khung cảnh bị đày ải của Kỳ, ta mới thấy chúng có ý nghĩa tới mức nào. Trong nhiều bài thơ làm lúc mới tới Hoan Châu ghi lại ở Toàn Đường thi quyển 95 tờ 1025, Kỳ đã viết:

Sơ đạt Hoan Châu

Lưu tử nhất thập bát

Mạng du thiên bất ngẫu

Phối viễn thiên toại cùng

Đáo trì nhật tối hậu

Thủy hành đàm nhĩ quốc

Lục hành điêu đề lữ

Hồn phách du quỉ môn

Hài cốt di kềnh khẩu

Dạ tắc nhẫn cơ ngọa

Triêu tắc bảo bệnh tấu

Tao thủ hướng nam hoang

Thí lệ khán bắc đẩu

Hà niên xá thư lai

Trùng ẩm Lạc dương tửu

Dịch:

Mới đến Hoan Châu

Bị đày mười tám đứa

Không chợt bảo ta dời

Nối trời xa mới hết

Đến chậm ngày rất vơi

Biển đi nước Đàm nhĩ

Đất bước rừng Trán xoi

Hồn phách qua cửa quỉ

Hài cốt miệng kềnh xơi

Đêm thì chịu nằm đói

Sớm lại mang bệnh dời

Giãi dầu nhắm nam cõi

Lau lệ trông Đấu soi

Năm nào thư xá đến

Lại uống rượu chơi

Đọc qua những bài thơ khổ đau và chua chát loại này, ta mới hấy hai bài thơ dẫn trên của Kỳ đã để lộ ra những ấn tượng gì mà nhà sư Vô Ngại và ngôi chùa Thiệu Long đã gợi lên trong lòng Kỳ. Giữa cái cảnh "giãi dầu nhắm Nam hoang, lau lệ trông Bắc đẩu" lúc mới đến Hoan Châu và cái tâm tình "đày ải cũng duyên lành" sau khi đi thăm chùa Thiệu Long về, chắc hẳn nhiều biến cố tâm sự cá nhân đã xảy ra để làm cho Kỳ có những ấn tượng và cái nhìn mới về đất Hoan Châu. Hoan Châu bây giờ không còn là Nam hoang hay rừng bọn Trái xoi nữa, mà là một địa điểm ở đây "cõi hương vây bến bắc, chùa hoa nép sườn nam, cấp dưới cheo leo đá, sóng vỗ nước hồ lan", nghĩa là trở thành một địa điểm hấp dẫn thi vị của những nhà thơ. Giữa cảnh "hồn phách qua cửa quỉ, hài cốt miệng kềnh xơi" lúc mới tới và cái khẳng định sau ba chục năm tìm đạo mới được đạo ngõ trời Nam, chắc hẳn Hoan Châu dạy cho Kỳ rất nhiều đến nổi Kỳ có thể tự cho là đắc đạo, thì ta có thể thấy những thay đổi gì xuất hiện trong tâm hồn Kỳ. Chính trong cái bối cảnh khổ đau và chua chát của một người bị đày ải mà ta mới có thể hiểu hết giá trị tâm tình và tư tưởng hai bài thơ trên của Kỳ đối với Phật giáo nước ta vào đầu thế kỷ VIII.

Việc Kỳ "trí ngờ nghe bất nhị", thì liền mông muội qui y Tam Bảo và trở thành đệ tử của Thượng nhân Vô Ngại đương nhiên không phải là mới mẻ gì. Trước Kỳ hơn nửa thế kỷ, Thích Thiên Phục mà Tống CaoTăng truyện quyển 20, ĐTK 2060, đã mô tả "như sinh ra thì đầu bạc, tính biết chuyện xa xôi"…ngày đọc kinh sách, mắt xem bảy hàng, một nghe không quên, cũng đã tìm đến những danh Tăng nước ta để trình bày những chỗ nghi ngờ và xin hỏi cách giải quyết. Và đấy là chưa kể tới chuyện văn phong khiển thỉnh Huệ Thắng của Lưu Hội hơn hai trăm năm trước đó. Qua sự tình Phật giáo như vưà thấy, chúng ta bây giờ có thể hiểu tại sao đã xuất hiện những người như Đại Thừa Đăng và Trí Hành trong cùng một vùng đất bì đày của Kỳ. Hai bài thơ trên, do thế, ngoài việc giúp ta tìm lại những địa điểm Phật giáo Việt Nam, còn cung hiến ta một cái nhìn khá đặc biệt về tình hình Phật giáo tại miền bắc Trung bộ thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VIII.

(còn tiếp)

Source: Tập Văn Thành Đạo (Thiền Viện VẠN HẠNH)


---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/03/2013(Xem: 5443)
Không thể nhân danh cứu cánh để biện minh phương tiện. Phương tiện, là việc ra chiếu không như pháp, thì cứu cánh, là những dịch phẩm kinh điển, sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, bất cập về nội dung.
21/02/2013(Xem: 4464)
Một hiện tượng đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam hiện đại, trong nước cũng như ngoài nước, là các thiền sư ưa dẫn chứng những điển tích Phật Giáo Trung Quốc khi giảng pháp
20/01/2013(Xem: 4318)
Chủ trương Bảo Vệ Đạo Pháp và Dân Tộc ngày nay, nếu thiếu giải thích, có thể bị hiểu lầm vì thế giới khắp mọi nơi đều ngán chiến tranh, mặc dầu cục bộ, giữa các tôn giáo độc tôn và sắc tộc quá khích (ví dụ Aí Nhĩ Lan, Phi Châu, Kosovo, Kashmir, ĐôngTimor và ngay Tích Lan với dân tộc Tamil). Riêng đối với người Việt, một số cho rằng chủ trương này rất dễ lâm vào mê hồn trận của người cộng sản. Họ có sở trường đem chủ nghĩa dân tộc lạc hậu (chống người da trắng) và tuyên vận hô hào nào là: tình tự dân tộc, văn hoá dân tộc, Phật giáo dân tộc v.v. để cò mồi khống chế các hoạt động hộ pháp cứu dân tộc của Giáo Hội PGVNTN. Danh từ dân tộc được họ kiếm cách thay thế dần dần cho danh từ nhân dân ngày càng khó nghe (ví dụ ủy ban nhân dân, toà án nhân dân, công an nhân dân, kiểm sát nhân dân v.v..).
15/01/2013(Xem: 7671)
Điện thoại gọi đi từ Chùa Xá Lợi tới một số phóng viên có chọn lựa của các hãng thông tấn ngoại quốc cho biết : “Ngay mai, tại nơi đó sẽ có một diễn biến rất quan trọng xảy ra.
02/01/2013(Xem: 8397)
Có lẽ chúng ta nên cùng nhau nghiền ngẫm lại câu nói của bậc cao tăng Già-la Đồ-lê : hãy bắt đầu bằng việc nói cho bá tính biết những gì họ đang mong muốn biết chứ chưa vội nói với họ tất cả những gì chúng ta biết.
14/11/2012(Xem: 7133)
Để có thể nắm vững hơn về Phật giáo trong tình trạng hiện nay, có thể chúng ta cần nói thêm về lịch sử Phật giáo và ba truyền thống chính là Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Ông có thể giải thích thêm vài nét chính về các truyền thống ấy hay chăng ? Ta hãy bắt đầu với Phật giáo Nguyên thủy ?
10/11/2012(Xem: 13253)
Chia sẻ về Lịch sử thành lập Giáo hội Lục hòa Tăng và Cổ Sơn Môn Ngưỡng bái bạch chư tôn đức Tăng & Ni, Kính thưa chư vị thức giả, Kính thưa tiên sinh Lam Trần, Tình cờ Trần Quang Diệu nhận và đọc được nội dung sau đây của tiên sinh Lam Trần, qua địa chỉ của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng chuyển đi trên diễn đàn "[email protected]":
25/10/2012(Xem: 9778)
Ông Cao Huy Thuần bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie. Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội. Gần đây nhất, ông đã về dự và thuyết trình tại Tuần văn hóa Phật giáo Việt Nam lần thứ IV tổ chức tại Tp Vinh, tham gia hội thảo "Văn hóa Phật giáo Nghệ An: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai". Nhân dịp này, phóng viên VHNA đã có cuộc trao đổi với giáo sư Cao Huy Thuần một số vấn đề về văn hóa và giáo dục.
17/10/2012(Xem: 6652)
Chùa Linh Mụ đẹp quá, nên thơ quá. Nói vậy cũng chưa đủ. Nó tịnh định, cổ kính, an nhiên, trầm mặc. Nói vậy cũng chưa đủ.
09/10/2012(Xem: 11312)
Thiền sư Lê Mạnh Thátcho rằng Vua Trần Nhân Tông là một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam nhất là vì tư tưởng hòa giải dân tộc của ông vẫn còn tính thời sự. Trả lời câu hỏi của BBC vì sao tư tưởng của Trần Nhân Tông (trị vì từ năm 1278-1293) và là Phật Hoàng, sáng lập ra phái thiền phái Trúc Lâm vẫn còn có tính thời sự đối với Việt Nam và cả quan hệ Mỹ - Việt cũng như Việt - Trung, Tiến sỹ Lê Mạnh Thát nói:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]