Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đặc trưng Phật Giáo giai đoạn đầu nhà Trần

10/04/201314:00(Xem: 4299)
Đặc trưng Phật Giáo giai đoạn đầu nhà Trần

ĐẶC TRƯNG PHẬT GIÁO GIAI ĐOẠN ĐẦU NHÀ TRẦN

Thích Phước Sơn

Lịch sử vốn rất công bằng và khách quan, những gì có giá trị đích thực chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài và được mọi người ca ngợi. Phật giáo đời Trần là một trong những nét huy hoàng của lịch sử Phật giáo Việt Nam mà có lẽ bất cứ một nhà sử học nào cũng vô tư công nhận. Hai điều kiện khách quan và chủ quan nổi bật nhất sau đây đã hun đúc để tạo thành một thời điểm lịch sử Phật giáo rực rỡ như vậy.

I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN KHÁCH QUAN

Điều kiện khách quan này tuy có nhiều nhưng tiêu biểu nhất có lẽ gồm hai điểm chính:

1. Chính quyền tích cực ủng hộ

Đọc qua lịch sử đời Trần, tuy không có một văn kiện nào công nhiên xác nhận Phật giáo là Quốc giáo, nhưng hình như mọi người đều mặc nhiên thừa nhận đạo Phật là Quốc giáo. Bởi vì, các nhà lãnh đạo quốc gia thời bấy giờ - giai đoạn đầu nhà Trần - vừa giữ vai trò một nhà lãnh đạo quốc gia, vừa có tư thế của một lãnh tụ Phật giáo. Phần lớn họ là những bậc anh hùng dân tộc, vừa có tài cai trị, vừa giỏi chiến lược, vừa có kiến thức quảng bác, vừa ôm trong lòng tài kinh bang tế thế. Đồng thời họ cũng là những Phật tử sùng đạo, không những sùng đạo mà còn đắc đạo. Họ vừa có tư cách của một Bồ-tát tại gia, quên mình phụng sự chúng sanh, vừa có phong độ của một Thiền sư siêu trần thoát tục. Không những họ là những nhà Phật học uyên thâm mà còn là những nhà thực nghiệm sâu sắc; dầu sống trên vàng son nhung lụa, mà vẫn không bị những phù hoa cám dỗ. Họ xem việc đời như việc đạo, việc nước chẳng khác việc chùa. Thái Tông đã tính xuất gia năm 16 tuổi (1236), nhưng việc không thành ông đành phải tiếp tục ngồi lại ngôi báu, Thánh Tông thì vừa ban yến vừa bàn đạo Thiền. Ông rất khâm phục đạo học của Tuệ Trung, nên đã phong tặng danh hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ, và gởi Nhân Tông theo Thượng Sĩ để tham học đạo Thiền. Nhân Tông vốn là một người cực kỳ mộ đạo, năm 16 tuổi (1274) đã có ý định nhường ngôi thái tử cho em, quyết chí đi tu. Nhưng đứng trước áp lực của phụ hoàng Thánh Tông cùng hoàng tộc và triều đình, ông đành phải kế thừa ngôi báu, thực thi hoàn hảo sứ mệnh của một đấng minh quân, đợi đến vãn niên mới thực hiện hoài bão xuất gia một cách viên mãn. Kế tục sự nghiệp của vua cha, Anh Tông cũng tỏ ra là một Phật tử thuần thành. Năm 1308, Điều Ngự (Nhân Tông) tổ chức lễ truyền Tổ vị cho Pháp Loa tại chùa Siêu Loại, Anh Tông đã đem cả triều đình tới đây dự lễ. Chính bản thân ông cũng được Điều Ngự truyền cho giới tại gia Bồ-tát năm 1304. Ông hết sức sốt sắng ủng hộ Pháp Loa trong việc in ấn Đại Tạng kinh, xem Pháp Loa như bậc Tôn sư chí kính. Lại có ý định sau khi nhường ngôi sẽ xuất gia tu học. Nhưng không may là ông đã mất sớm nên không thực hiện được chí nguyện ấy. Vua Minh Tông kế thừa rất xuất sắc truyền thống của cha ông. Năm 1326, vua đã thỉnh Pháp Loa vào chùa Tư Phúc trong đại nội để truyền phép Quán đỉnh cho mình. Tháng 9 năm 1328, vua lại nhờ Pháp Loa soạn sách Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Quỹ để làm kỷ cương cho việc tu thân và trị quốc.

Như vậy, kể từ Thái Tông cho đến Minh Tông các vị vua đều tận lực ủng hộ Phật giáo. Nếu bản thân vua đã sùng đạo và tích cực ủng hộ Phật giáo thì chắc chắn triều đình, hoàng tộc và dân chúng sẽ noi gương ấy mà tôn sùng đạo Phật. Tam Tổ Thực Lục nói rằng số ruộng đất mà các nhà hảo tâm đã hiến cúng cho chùa Quỳnh Lâm thuộc Giáo hội Trúc Lâm lên đến nghìn mẫu. Do đó phải cần đến hơn nghìn nông phu canh tác. Nhưng kể từ vua Hiến Tông trở về sau, chính quyền không còn ủng hộ Phật giáo như xưa, lại thêm các nhà Nho vốn có thành kiến với đạo Phật càng có cơ hội chỉ trích Phật giáo gắt gao; do đó Phật giáo mất hẳn chỗ dựa, dần dần trở nên yếu thế ! Ôi ! "Vật cùng tắc biến, thịnh cực tắc suy" là những quy luật đương nhiên của vũ trụ, chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên !

2. Đất nước đang đà cường thịnh

Nhờ có đủ tài đức mà các vị vua đã động viên được sự đoàn kết ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Do đó đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược đạt đến thành công rực rỡ. Lịch sử cho chúng ta thấy, mỗi khi tổ quốc đứng trước những thử thách khắc nghiệt một mất một còn thì mọi người cùng phải đoàn kết bên nhau để bảo vệ sự sống còn của bản thân mình và sự tồn tại của quê hương xứ sở. Nhưng muốn thu phục được toàn dân thì các nhà lãnh đạo phải có thực tài thực đức. Đó là những yếu tố rất tiên quyết mà các vị vua đầu nhà Trần đều có đủ. Nhờ vậy mà họ đã thành công. Theo đà của những cuộc chiến thắng, mọi người đều phấn khởi tinh thần, do đó, đất nước phát huy được nhiều mặt tích cực, như nền kính tế mở mang, pháp luật nghiêm minh, chính trị ổn định, võ bị vững chắc, ngoại giao thắng lợi, văn học khởi sắc, giáo dục được củng cố v.v… Tất nhiên không loại trừ cơ hội thuận lợi nhất cho việc phát triển tôn giáo, hoằng dương Chánh pháp. Các nhà lãnh đạo quốc gia lúc bấy giờ vốn là những Phật tử thuần thành, thế nên, những chiến công chính nghĩa, vẻ vang của họ cũng có thể mặc nhiên, xem như là những thắng lợi của Phật giáo. Trong một hoàn cảnh mà đất nước đang trên đà cường thịnh, dân chúng an cư, lạc nghiệp, mọi người có điều kiện phát huy tài năng về nghề nghiệp của mình để kiến tạo một xã hội thanh bình, xây dựng tương lai tươi sáng, thì một tôn giáo mang bản chất nhập thế hành động như đạo Phật, hẳn nhiên phải được phát triển rực rỡ.

II. NHỮNG ĐIỀU KIỆN CHỦ QUAN

Gặp hoàn cảnh thuận lợi, được triều đình hỗ trợ, đó là những nguyên nhân khách quan khiến cho Phật giáo có cơ hội thăng hoa. Nhưng nguyên nhân chủ yếu làm cho đạo Phật phát triển mạnh mẽ vẫn là những tiềm năng nội tại của Phật giáo.

1. Nhân tài xuất hiện đông đảo

Chúng ta có thể gọi một cách thi vị: Đời Trần là thời kỳ trăm hoa đua nở, thiết tưởng cũng không ngoa. Trần Thái Tông là một cây đuốc sáng, khai nguồn cho tinh hoa đạo Phật bừng cháy. Tuệ Trung Thượng Sĩ thì phóng khoáng siêu việt, hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm. Thánh Tông tuy ngồi trên ngai vàng mà hành trạng chẳng khác một Thiền sư đắc đạo. Nhân Tông được chư Phật bổ xứ để nâng Phật giáo Việt Nam lên ngang tầm lịch sử. Pháp Loa thì cúc cung tận tụy với sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp cho đến hơi thở cuối cùng. Huyền Quang vốn là một nhân tài lỗi lạc của đất nước, vừa chứng tỏ là một thi sĩ tài hoa, đồng thời cũng là một Thiền sư có giới hạnh cao nghiêm. Đó là những người vừa có địa vị cao quý, vừa có sự nghiệp hiển hách. Ngoài ra còn có Thuần Nhất Pháp sư được Tuệ Trung Thượng Sĩ hết lời khen ngợi; Trí Thông tự đốt bàn tay cúng dường nhân ngày Trúc Lâm xuất gia, mà vẻ mặt vẫn thản nhiên; Bích Phong trưởng lão rất tinh thông yếu chỉ kinh Hoa Nghiêm. Lãm Sơn Quốc sư được thi sĩ Phạm Nhân Khanh ca ngợi: "Buông mở Thiền phong cao mấy độ; phát biểu thi danh sáng một miền". Để tiếp tay với các bậc danh đức này còn có các Tăng sĩ ngoại quốc như Thiền sư Thiên Phong, Đức Thành, từng hợp tác với Thái Tông để xiển dương Thiền học. Du-chi-bà-lam, một tu sĩ Lạt-ma giáo Tây Tạng, đến nước ta vào thời Anh Tông, có pháp lực cao cường. Bồ-đề-thất-ly dịch kinh Bạch Tán Cái Thần Chú dưới thời Minh Tông. Ở đây chỉ nhắc sơ vài người được sách sử nói đến khá tường tận, nhưng còn biết bao người khác âm thầm đóng góp tích cực phần mình để ngôi nhà Phật giáo được tồn tại.

2. Tinh thần nhập thế tích cực

Đức Phật dạy: "Phụng sự chúng sanh, tức cúng dường chư Phật". Thể theo tinh thần ấy, Viên Chứng Quốc sư đã nhắn nhủ Thái Tông: "Phàm làm vua phải lấy ý muốn của nhân dân làm ý muốn của mình". Vâng lời thầy dạy, Thái Tông đã đem đạo vào đời, tích cực phục vụ nhân dân cùng lúc với việc tham Thiền học đạo. Bởi ông biết rất rõ "Đạo bất viễn nhân" (đạo không thể xa người), đạo phải được sống, được thể nghiệm ngay trong lòng cuộc đời. Người Phật tử cần phải lấy chúng sanh làm đối tượng để phụng sự. Vì quán triệt lẽ đó mà Thái Tông, Nhân Tông sẵn sàng quên mình để lo cho dân, cho nước. Khi đất nước cần, các ngài có thể cầm gươm lên ngựa, đi trước ba quân, xông pha giữa làn tên đạn, để cứu dân thoát ách ngoại xâm. Phật giáo đời Trần quả thực xứng đáng đóng vai trò của một hệ tư tưởng chủ đạo tích cực và năng động, đáp ứng những yêu cầu thực tế bức xúc của lịch sử, phù hợp với truyền thống yêu nước, tạo nên một triều đại dân chủ nhất trong lịch sử của nước ta.

3. Tinh thần thống nhất Phật giáo

Thiền sư Thường Chiếu thuộc dòng: Thiền Vô Ngôn Thông, nhưng trụ trì ở chùa Lục Tổ - một ngôi chùa thuộc Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Như vậy, chính bản thân ông đã thể hiện sự thống nhất các hệ phái đời Lý, và cũng là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý với Phật giáo đời Trần. Kế thừa dòng pháp của ông là Thiền sư Hiện Quang, người có công lớn trong việc khai sơn núi Yên Tử. Hiện Quang truyền pháp cho Đạo Viên - thầy của Trần Thái Tông - tiếp tục truyền xuống đến Trúc Lâm (Trần Nhân Tông) thì phái Thiền Yên Tử đã có quy mô trở thành một nền Phật giáo thống nhất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tăng chúng trên toàn quốc được cấp Tăng tịch, mà Pháp Loa là người đầu tiên nhận được Tăng tịch do vua Anh Tông cấp phát. Ông có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức hệ thống Giáo hội, và thiết lập sổ bộ Tăng, Ni cả nước. Số Tăng, Ni có sổ bộ chính thức lúc bấy giờ là 15.000 người. Trung tâm Yên Tử trở thành một nơi tu học lý tưởng cho những người đi tìm giải thoát. Thế nên trong nhân gian đã truyền tụng câu ca dao:

"Dù ai quyết chí tu hành,

Có về Yên Tử mới đành lòng tu".

4. Tinh thần độc lập tự chủ

Đứng trước hào khí của những cuộc chiến thắng quân xâm lược một cách vẻ vang, đất nước giữ vững nền độc lập chính trị, do đó các nhà trí thức cũng muốn giành quyền độc lập về nhiều phương diện khác. Vì vậy mà chữ Nôm đã xuất hiện. Tuy thứ chữ này đã manh nha từ trước, mà nổi bật nhất là bài Văn tế cá sấu của Nguyễn Thuyên. Tiếp đến có Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú Lâm Tuyền thành đạo ca của Nhân Tông; Vịnh Vân Yên Tự phú của Huyền Quang. Những bản văn này này nay may mắn vẫn còn. Ngoài ra, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Mạc Đỉnh Chi… cũng đều có sáng tác văn Nôm. Đó là tinh thần độc lập về phương diện văn hóa, còn về tôn giáo thì đạo Phật Việt Nam tuy có tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng trải qua thời gian, các Thiền sư đã khéo léo dung hợp những ảnh hưởng đó với truyền thống dân tộc để tạo một nền Phật giáo thuần túy Việt Nam, mang bản sắc dân tộc. Ngoài ra còn một công trình văn hóa đáng kể khác có tính độc lập, đó là việc in Đại Tạng kinh Việt Nam. Công tác này được vua Anh Tông bảo trợ rất đắc lực, đồng thời với sự tiếp tay tích cực của Tăng, Ni và các Phật tử nhiệt tình. Khi Đại Tạng kinh in xong, Pháp Loa đã tổ chức lễ hội khánh thành rất trọng thể.

5. Tinh thần Thiền giáo nhất trí

Theo truyền thống, Thiền tông thường đặc biệt chú trọng đến việc tọa Thiền và tham cứu thoại đầu, ít quan tâm đến việc học hỏi kinh điển, thậm chí còn xem việc học kinh là một chướng ngại cho mục đích giác ngộ. Khác hẳn với truyền thống đố, Phật giáo đời Trần lấy việc học hỏi kinh điển, nghiên cứu các Ngữ Lục làm cơ sở. Điều Ngự thường giảng Truyền Đăng Lục, Đại Tuệ Ngữ Lục cho Pháp Loa và các đệ tử khác. Đồng thời sai Huyền Quang soạn các sách Chư Phẩm Kinh, Công Văn Tập và Thích Khoa Giáo, in ấn phổ biến rộng rãi cho Tăng, Ni học tập. Pháp Loa chuyên giảng các bộ kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác và các bộ Ngữ Lục như Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuyết Đậu Ngữ Lục, Truyền Đăng Lụ v.v… một cách hết sức nhiệt tình. Ông còn nhờ Quốc sư Tông Cảnh và Quốc sư Bảo Pác - sư huynh của ông - giảng Tứ Phần Luật cho Tăng chúng; mời Bích Phong trưởng lão thay mình giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc Tàng Viện. Huyền Quang thường xuyên mở các lớp giảng dạy kinh điển cho Tăng, Ni tại chùa Vân Yên trên núi Yên Tử; Tăng, Ni theo học đông cả nghìn người. Nói chung, Thiền học đời Trần đặt nền tảng trên kinh điển, Thiền và giáo không tách rời nhau, tu và học luôn luôn đồng hành, Nhờ vậy mà có cái nhìn dung hợp, nhất quán, không xảy ra tình trạng cực đoan đưa đến cố chấp mâu thuẫn giữa Thiền và giáo. Điều đặc biệt hơn nữa là thi ca thời bấy giờ chịu ảnh hưởng của Thiền học khá sâu đậml các thi sĩ có cái nhìn đối với sự vật sâu lắng và quán triệt. Họ không theo chủ trương "bất lập văn tự" mà dùng thi ca để phô diễn những ý nghĩa thâm diệu của Thiền tông.

6. Tinh thần vô ngã vị tha

Thái Tông trốn triều đình đi tu, nhưng không thành, trước lúc trở lại triều đình, Trúc Lâm Quốc sư cầm tay ông dặn dò: "Phàm là vua phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ trở về mà bệ hạ không về sao được !". Thái Tông đã xem huấn thị ấy như kim chỉ nam, lấy đó làm phương châm hành động, nên bất cứ làm việc gì ông cũng đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân. Ông đã cho mở khoa thi Tam giáo để chọn nhân tài phục vụ đất nước. Dù bản thân là một Phật tử, nhưng ông không có đầu óc kỳ thị tôn giáo, mà ngược lại còn cho lập trường quốc học để dạy chữ No, tạc tượng Chu Công, Khổng Tử để phụng thờ. Nhờ vậy mới thu hút được sự đoàn kết nhất trí của toàn dân. Sự nhất trí ấy đã biểu lộ rõ rệt nhất qua hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng. Với chủ trương Tam giáo đồng nguyên, các vua Trần đã biết kết hợp Nho, Phật, Lão thành một tôn giáo Việt Nam, mang tinh thần hòa đồng, hiện rõ bản sắc dân tộc, có tích cách sinh động, hòa hợp giữa đạo và đời. Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông đối xử với triều đình, hoàng tộc và nhân dân bao giờ cũng thể hiện tấm lòng nhân ái, vị tha, quên mình vì người. Đó là do ảnh hưởng của đạo Phật mà các vua Trần đã thực thi những chánh sách bình đẳng, dân chủ và thân dân như vậy. Lê Quý Đôn đã viết trong Kiến Văn Tiểu Lục: "Nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa ái mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn kiệt vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với trời đất, đời sau há có thể theo kịp được đâu !".

7. Tinh thần viên dung nhất quán

Thế giới chúng ta đang sống luôn xảy ra những xung đột bất tận là do con người nhận thức sự vật một cách phiến diện và cục bộ. Vì thế Bertrand Russell đã nhận xét: "Nhân loại vĩnh viễn mắc vào ba vấn đề cơ bản: 1. Xung đột với thiên nhiên. 2. Xung đột với tha nhân. 3. Xung đột với chính mình. Tổng hợp vĩ đại hiện nay mà thế giới đang đòi hỏi là tổng hợp của con người khoa học thiên nhiên Âu Tây với con người tâm linh Ấn Độ và con người xã hội Trung Hoa". Như vậy rõ ràng giải pháp cho những vấn đề xung đột của thế giới là phải có cái nhìn tổng hợp và toàn diện. Cái nhìn này vốn là một đặc trưng của tư tưởng Đông phương và nhất là Phật giáo. Đức Phật từng tuyên bố: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tính". Tất cả chúng sinh hữu tình có Phật tính đã đành mà đi xa hơn nữa Phật giáo còn cho rằng tất cả những cành cây, ngọn cỏ, các loại vô tình chúng sinh - cũng đều có tính Phật. Bằng cái nhìn phóng khoáng, viên dung như vậy, đạo Phật san bằng mọi bức tường ngăn cách giữa con người với con người, và giữa con người với thế giới ngoại tại. Vượt lên trên cái thấy phân biệt thiện ác, tốt xấu, Thái Tông có cái nhìn rất thoáng: "Trong hang quỷ vẫn là lâu đài Di-lặc; dưới hắc sơn chẳng khác cảnh giới Phổ Hiền". Tuệ Trung quán triết lý sắc không và mê ngộ một cách viên dung: "Khi mê thấy không, sắc; lúc ngộ hết sắc, không. Sắc, không và mê, ngộ xưa nay một lẽ đồng". Huyền Quang thì bảo:

"Người ở trên lầu, hoa dưới sân,

Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông.

Hồn nhiên người với hoa vô biệt,

Một đóa hoa vàng chợt nở tung".

Ông đã cảm nhận được từng hơi thở của từng đóa hoa, hoa với ông như quyện lẫn vào nhau, không còn cách biệt. Sự liên quan mật thiết giữa con người với thiên nhiên tương tự như vậy cũng được thi hào Nguyễn Du diễn tả rất tinh tế:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !"

Đó là cái nhìn sự vật một cách chuẩn xác, khách quan, như cái gương phản chiếu mọi hiện tượng. Phật giáo đời Trần quả có cái nhìn thoáng và bao quát như thế nên ít có sự xung đột giữa con người và thiên nhiên, giữa con người với con người. Đạo Phật lúc nào cũng bao dung, thông cảm, không đối kháng với bất cứ ai, mà luôn chủ trương chung sống hòa bình, nhờ vậy đã tập hợp được một lực lượng tinh thần khá lớn, góp phần vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

8. Tinh thần thâu hóa sáng tạo

Phật giáo đời Trần là một nền Phật giáo hợp sáng. Các đệ tử ưu tú của đức Phật đã biết rút tỉa tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa kết tinh thành một nền Phật giáo độc đáo, mang nhiều cá tính của dân tộc Việt Nam. Các nhà kiến trúc thiện nghệ đã để lại một số công trình kiến trúc đặc biệt như tháp Chương Sơn, chùa Đọi, chùa Phổ Minh, Non Nước v.v… Chùa tháp đã hòa vào cảnh trời mây non nước làm tôn thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, và làm tăng thêm tính chất hùng tráng, thiêng liêng của tôn giáo. Những người ngắm cảnh khi chiêm ngưỡng những kiến trúc ấy dễ phát sinh ấn tượng như đang thức tỉnh hồn mê, xóa tan niềm tục. Những ai có lòng thiện, đứng trước tượng Phật uy nghiêm, ngọn tháp cao vút, cảm thấy như mình được che chở, tâm hồn lâng lân thanh thoát. Trái lại, những người chưa làm tròn điều thiện, khi đứng trước tượng Phật từ bi hay ngọn tháp trang nghiêm sẽ cảm thấy lòng mình xao xuyến, và những hình ảnh kia như một lời cảnh tỉnh để mình quay về đường lành, lánh xa điều ác.

Đó là đôi nét sáng tạo tài tình của những công trình kiến trúc Phật giáo đời Trần. Ngoài ra các pháp môn tu Thiền, Tịnh độ, v.v… cũng có nhiều sắc thái riêng biệt. Thái Tông soạn ra nghi thức sám hối sáu thời trong một ngày, rất khác xa với cách thức sám hối của Lương Hoàng Sám và Từ Bi Thủy Sám. Nghi thức sám hối này văn chương hoa mỹ mà lại thực tiễn, rất thích hợp với tinh thần Việt Nam, với những người nhiệt tâm tu tập. Pháp môn Tịnh độ cũng được trình bày mới mẻ và thực tiễn không kém: Tịnh độ là lòng trong sạch, đâu còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di-đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc" (Nhân Tông). Đã đành ý nghĩa "Tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ" đã có từ trước, nhưng cái kỳ diệu là các Ngài đã biết "ăn dâu xanh nhả ra tơ vàng", thâu thái tài tình những tinh hoa của người trước, sắp xếp và trình bày lại mạch lạc, thực tế, dễ hiểu, phù hợp với dân tộc tính. Chẳng hạn Trần Thái Tông đã nói một cách thi vị: "Vắt đất cục thành vàng ròng cho quốc gia; khuấy sông dài thành sữa ngọt đãi Trời, Người". Đó là nét đặc trưng của Phật giáo đời Trần.

9. Tinh thần tự tín tự cường

Muốn cải tạo xã hội, trước hết phải chuyển hóa con người, chuyển vọng thành chân, chuyển mê thành ngộ. Mà muốn thay đổi con người phải tin rằng mỗi con người đều có Phật tính siêu việt. Đó là lời ân cần nhắc nhở của Viên Chứng Quốc sư với Thái Tông: "Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta". Tự tin mình có Phật tính đồng nghĩa với tự tin mình có chân lý, có một sức mạnh vạn năng. Đấy là yếu tố quyết định chiến thắng quân Nguyên xâm lược, mà sức mạnh ấy vốn là sức mạnh của tinh thần Phật giáo. Tất nhiên, sức mạnh ấy phải đi đôi với tinh thần truyền thống dân tộc, đồng thời với một nền kinh tế phồn vinh và quốc phòng vững chắc. Phật giáo đã tỏ ra đáp ứng tích cực những đòi hỏi bức xúc của dân tộc trong thế kỷ 13, thế kỷ xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể nói, xã hội lúc bấy giờ rất ít những dấu ấn tiêu cực và lạc hậu. Đạo Phật đã hòa mình vào dòng sống dân tộc, tạo ra sức mạnh tinh thần, đưa đất nước đến nhiều thắng lợi, nâng thời đại mình lên ngang tầm với lịch sử. Điều quan trọng là không những chiến thắng đối phương mà còn tự chiến thắng chính mình, như Nhân Tông nói: "Buông lửa giác ngộ đốt hoại thảy rừng tà ngày trước, cầm kiếm trí tuệ quét cho xong tánh thức thuở nay". Chinh phục được tha nhân chứng tỏ mình có một sức mạnh hơn người, nhưng nếu tự chinh phục được mình, đó mới đích thực là một sức mạnh phi thường.

Tóm lại, Phật giáo đời Trần phát triển rực rỡ là nhờ chính quyền tận lực ủng hộ và gặp hoàn cảnh đất nước đang có nhiều chiều hướng thuận lợi. Đó là những yếu tố khách quan. Còn về mặt chủ quan, lúc bấy giờ có nhiều nhân tài Phật giáo xuất hiện, biết vận dụng tinh thần độc lập tự cường, vô ngã vị tha và nhập thế tích cực của đạo Phật để tập họp các lực lượng, thống nhất các hệ phái bằng một tinh thần bao dung, độ lượng. Các bậc cao Tăng và những Phật tử ưu tú còn biết thâu thái những tinh hoa của kinh điển và những kinh nghiệm của lân bang, kết tinh thần một thời kỳ Phật giáo vẻ vang nhất trong lịch sử nước ta.

Nêu lên những nét đặc trưng của Phật giáo đời Trần như thế, chúng ta không chỉ nhằm ca ngợi suông những thành tích quá khứ của cha ông, mà phải biết rút ra từ đó những bài học quý giá, áp dụng sinh động vào hoàn cảnh thực tế, hầu đáp ứng những nhu cầu bức xúc của thời đại chúng ta, để nâng vai trò Phật giáo lên ngang tầm thời đại. Làm được như vậy thì sự nghiệp và hình ảnh của ông cha ta sẽ còn sống mãi mãi với thời gian.


---o0o---

Vi Tính: Ngọc Dung

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4635)
Với một vị trí ở giữa cảnh quan núi non rất đẹp, kiến trúc qui mô tráng lệ và có nhiều cổ tích văn vật có giá trị văn hóa nghệ thuật, chùa Hoa Đình được xem là một danh lam cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Côn Minh. Chính vì thế, năm 1983, Quốc vụ viện công nhận chùa Hoa Đình là một tự viện trọng điểm của Phật giáo Trung Quốc
10/04/2013(Xem: 6638)
Đầu năm Canh Ngọ (1990), Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam được thành lập. Cuối năm Tân Mùi, 1991, hai bộ kinh đầu tiên - Trường A-Hàm dày 1200 trang, Trường bộ kinh dày 1360 trang - được ấn hành. Qua năm Nhâm Thân, 1992, hai bộ Kinh Trung A Hàm (3 tập) và Trung bộ kinh (3 tập) sẽ được ấn hành để đạt nền móng vững chắc cho công tác hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam.
10/04/2013(Xem: 6302)
Phật giáo được truyền vào Âu châu vào cuối thế kỷ 19 và phát triển sớm nhất tại Anh quốc. Sau đệ nhị thế chiến, Phật giáo bắt đầu được đặt chân vào các nước trong lục địa Âu châu, tại Đức nhiều trường thiền nhỏ nhoi được hoạt động trong những phạm vi rất khiêm tốn. Trong khi đó tại Pháp, vẫn chưa thấy bóng dáng Phật giáo. Mãi đến đầu thập niên 60, thế kỷ 20, tại thủ đô Ba Lê, người ta mới thấy xuất hiện trên niên giám điện thoại vài trung tâm thiền nhỏ bé Nhật Bản. Và đến cuối thập niên 60 thì hội Phật giáo Việt Nam mới nhen nhúm hình thành do một số Phật tử Việt Nam đang cư ngụ tại Pháp thời bấy giờ thành lập.
10/04/2013(Xem: 7895)
Mỗi lần tôi trở về quê đi tới đâu tôi luôn luôn có ý niệm tìm hiểu các di tích lịch sử để chiêm ngưỡng, học hỏi hầu mở rộng tầm mắt nhìn về những danh lam thắng cảnh, nơi quê hương ngàn năm văn vật mà bao đời của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và chính bản thân mình đã sinh ra, trưởng thành trong thời thanh bình cũng như lúc chinh chiến, nơi quê nhà.
10/04/2013(Xem: 3655)
Ngày 28/9/1982 mình tìm ra được Xóm Hạ. Trước khi tìm ra Xóm Hạ thì mình đã tìm ra Xóm Thượng nhưng ông chủ của Xóm Thượng không chịu bán đất. Ông chủ Xóm Thượng có một đứa con trai. Mẹ của người con trai đó muốn ông chồng bán đất của Xóm Thượng để đưa cho người con trai làm vốn. Nhưng ông Dezon, chủ đất của Xóm Thượng, không muốn bán vì ông rất yêu quý miếng đất ấy. Ông không nỡ buông đất ra. Ðiều này mình hiểu vì ông đã từng làm nông dân ở Xóm Thượng lâu ngày rồi.
10/04/2013(Xem: 4240)
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh... có con sông xanh... đồng quê mơ màng..." Bản nhạc "Làng tôi" qua giọng ca vượt thời gian của nữ ca sĩ Thái Thanh như réo gọi tâm tư tôi trở về với khung cảnh êm đềm thơ mộng của làng xưa cảnh cũ.... Tuy làng tôi không có cây đa, không có con sông lượn quanh cũng không có cảnh đồng quê để mơ màng... Vì làng tôi là một làng biển, dân làng sống với nghề chính là nghề làm muối.... Nhưng làng tôi cũng không thiếu vẻ nên thơ, không thiếu những cảnh êm đềm thơ mộng để gởi gấm tuổi thơ....
10/04/2013(Xem: 11394)
Chỉ có một vài trang tài liệu trong Thư tịch Phật giáo Thái Lan (PGTL) nói về Phật giáo Việt Nam (PGVN), tuy nhiên với sự động viên của chư tôn đức và nhu cầu tìm hiểu về PGVN tại hải ngoại, chúng tôi bước đầu giới thiệu vài nét về những ngôi chùa thuộc Phật giáo Việt Nam hay còn gọi là Việt tông (Annamnikaya) tại xứ sở này.
10/04/2013(Xem: 7548)
Suốt 20 thế kỷ từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã bắt rễ thâm sâu vào mảnh đất này, đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trải qua những thăng trầm trong lịch sử của dân tộc.
10/04/2013(Xem: 6267)
Theo luật vô thường, chuyển biến Phật giáo đã hướng Phật đạo hai triều đại Lý- Trần (1010-1398): Thời kỳ mà lịch sử ghi là một thời đại văn minh thịnh trị nhất của nước ta. Nhưng sau đó, nhân tài Phật giáo thưa thớt, tiêu điều như cảnh lá mùa thu, nên không còn đủ khả năng và uy tín giữ địa vị lãnh đạo tinh thần( sứ giả nhân chi mộ phạm) của mình nữa, thì lẽ tất nhiên, Phật giáo phải suy thoái.
10/04/2013(Xem: 6156)
Ngày xưa, một nhà nho tên là Lê Quát, học trò của Chu Văn An, đã từng thắc mắc về đạo Phật rằng: “Đạo Phật chỉ đem điều họa phúc mà lay động lòng người, sao mà sâu xa bền chắc đến như vậy. Trong từ kinh thành, ngoài đến thôn phủ, đường cùng ngõ hẻm, không hiểu mà theo, không thề mà tin, hễ nơi nào có người ở là nơi ấy có chùa Phật. Bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại”. Nếu hiểu đúng thì không phải chỉ có hai chữ họa phúc mà động lòng người được. Kinh nói họa phúc là cốt nói hành động thiện ác, bởi vì hành động thiện gây ra phúc, hành động ác gây ra họa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]