Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dấu Thời Gian (sách)

15/11/201507:05(Xem: 10950)
Dấu Thời Gian (sách)



Dau Thoi Gian_HT Thich Tin Nghia

LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ

HT Thich Tin Nghia

 

Thời gian chỉ là một khái niệm vô hình vô ảnh của nhân loại ; nhưng nó có thể được biểu hiện bởi sự chia chẻ tính đếm qua giây, phút, khắc, giờ, ngày, tuần, tháng, quý, năm, thế kỷ, thiên kỷ. . .  và qua sự biến đổi, di dịch, của vật thể và sinh loại trong không gian. Như vậy, tuy vô hình, thời gian cũng để lại vết tích của nó qua các dữ kiện, sự kiện được ghi lại trong sử liệu của số đông, hoặc chỉ là những dấu ấn kỷ niệm trong tâm thức mỗi cá nhân—trong đó, bao gồm tất cả những thành tựu vinh quang hay thất bại đầy tủi nhục của những con người và tập thể trần gian mà họ tùy thuộc, tương thuộc.

Mỗi người dấn thân vào đời tất nhiên đã tự chọn cho mình một lý tưởng, một mục tiêu, có khi cục bộ, cá nhân ; và thường khi là đồng hóa chính mình vào tập thể, tổ chức, đảng phái hay tôn giáo mà mình tin tưởng, phục vụ.

Người viết đã chọn đời mình là sứ giả của Như Lai, chọn con đường hành đạo của mình là phụng sự chúng sinh thông qua Phật giáo Việt Nam mà đại diện tiêu biểu là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tất nhiên chọn lựa như thế là chấp nhận thăng trầm theo vận mệnh của Giáo Hội ;  cũng như Giáo Hội, khi đặt mục tiêu hoằng pháp là để “phục vụ nhân loại và dân tộc” là chấp nhận thăng trầm theo vận nước, lòng dân, theo nguyện vọng hòa bình và phúc lạc của cả nhân loại.

Bây giờ đã vào giai đoạn lão niên, quay nhìn lại con đường đã qua với dấu thời gian còn in hằn trong tâm tưởng, người viết cảm thấy đã không đóng góp được gì nhiều cho Phật Pháp ; nhưng, tợ một người tự đặt mình như một viên gạch xây dựng ngôi nhà Phật Việt, không bao giờ hối tiếc ân hận về sự chọn lựa của mình. Vì vậy, những gì có vẻ như là tâm sự hay trải nghiệm cá nhân nơi tập sách này cũng đều là tâm thành hướng vọng con đường và chí nguyện tiền nhân, của Thầy-Tổ ; còn những tài liệu được sưu tập, trích dẫn, chính là phản ảnh trung thực tấm lòng và hành xử của tập thể Tăng-già hải ngoại trước những chướng duyên, nghịch cảnh thời đại.

Thời gian : vô hình ; Sứ giả Như Lai : vô ngã. Có chăng dấu vết nào để lại, đều là niềm kỳ vọng chân thành gửi gắm cho người đến sau. Thăng-trầm, vinh-nhục của những người đi trước không thể nói hết được qua những dòng chữ, nhưng bài học cho sự vươn dậy của Phật giáo ngày mai, hy vọng có thể được tìm thấy bởi những pháp lữ hậu học có chung con đường và chí nguyện lợi sanh.

Sa môn Thích Tín Nghĩa

Vu lan Rằm tháng Bảy Ất Mùi

Aug. 08, 2015  -  2559



LỜI GIỚI THIỆU
Thich Nguyen Sieu 1

 

          của Hòa thượng Thích Nguyên Siêu,

Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, kiêm Viện chủ chùa Phật Đà, Tu viện Pháp Vương - San Diego, CA.

 

          Đọc “Dấu Thời Gian” để thấy mình đã kinh qua những chứng tích lịch sử thời đại. Chứng tích lịch sử ấy đã cho con người nhiều bài học sống, từ tự thân đến cộng đồng xã hội, từ quá khứ đến hiện tại. Do vậy bài học lịch sử là bài học kinh nghiệm bằng xương máu của bản thân, để từ đó có cái nhìn quán triệt, suốt một dòng thời gian từ thuở sơ sinh cho đến ngày nhắm mắt. Bài học lịch sử ấy cho con người thấy được giá trị tâm thức hoạt dụng hay việc làm mang tính tương dung, tương tác của con người. Việc làm ấy : “tâm thức hoạt dụng” tính “tương dung tương tác” có khi thăng có lúc trầm, có khi nặng có lúc nhẹ, cứ thế tuôn chảy để tài bồi cho một nguồn sống của kiếp nhân sinh. Và bài học lịch sử ấy để thấy sự việc có lúc thành công hay quang vinh tột đỉnh, rồi lại có lúc thấy thất bại ê chề, nhục nhã, đau thương.
          Đọc “Dấu Thời Gian” cũng để thấy được tâm tình, cảm nghĩ của tác giả luôn gắn bó với Tông môn Pháp phái, với huynh đệ xa gần mà suốt thời gian nhiều thập niên qua trong dòng lịch sử nói trên, tác giả đã trải tâm, hóa thân vào đại cuộc để gánh vác trọng trách như là sử mệnh quê hương, một sứ giả Như Lai hoằng truyền chánh pháp. Từ những ngày tháng còn ở quốc nội, cho đến bây giờ, nơi hải ngoại, tâm tình này, cảm nghĩ này được hàm tàng qua các bài viết của tác giả trong “Dấu Thời Gian”.
          1.- Chứng Tích Lịch Sử Thời Xưa – Quốc Nội.

               Sau những năm tháng dài của dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam hơn hai ngàn năm qua đã nuôi dưỡng sinh thành bao nhiêu Thánh Tăng, Thiền Sư của thời đại để làm hưng thịnh Phật pháp trên dòng lịch sử ấy. Đầu thế kỷ 19, Phật giáo Việt Nam đã xuất hiện các bậc Thạch Trụ Thiền Gia để lèo lái chống đỡ ngôi nhà Phật giáo. “Dấu Thời Gian” đã chứng minh : “Vào những năm 1920 ở miền Nam có những bậc Thạc Đức như : Từ Phong (Chợ Lớn), Khánh Hòa (Bến Tre), Chí Thành (Châu Đốc), Huệ Quang (Trà Vinh), Khánh Anh (Long An), Tâm Thông (Gò Vấp), Hoằng Nghĩa (Chợ Lớn), Huệ Tịnh (Gò Công). . . Ở miền Trung, Cố đô Huế thì có Thiền Sư Huệ Pháp nổi tiếng là thâm uyên giáo điển, là bậc Thầy của các Thiền Sư : Giác Tiên, Tịnh Khiết, Tịnh Hạnh, Mật Thể, Vĩnh Thức. . . mở lớp giảng dạy tại Tổ Đình Thiên Hương, Thiền Sư Thanh Thái với đạo tràng Từ Hiếu, Thiền Sư Đắc Ân với đạo tràng Quốc Ân, Thiền Sư Tâm Tịnh với đạo tràng Tây Thiên, ở Thập Tháp thì có Quốc Sư Phước Huệ.”

          Trên, là những danh Tăng Phật giáo Việt Nam, đã làm hưng thịnh nền Đạo học, đẩy mạnh bánh xe pháp hoằng truyền từ Bắc chí Nam, đã trở thành các bậc Tổ sư trong chốn Thiền môn. Là dòng máu Tăng già Việt Nam, dòng máu làm Phật, làm Tổ, làm Bồ Tát mà quý Ngài đã đóng góp cho con đường hoằng pháp của chặng đường lịch sử thời ấy ngày một hưng long.

          Đọc “Dấu Thời Gian” qua những chặng đường lịch sử này, chúng ta thấy rõ hơn công việc đào tạo Tăng tài, xây dựng Tự viện, thành lập đạo tràng, Phật Học Hội, công cuộc chấn hưng Phật giáo thời ấy, để rồi qua nhiều thập niên sau này, cuối thế kỷ 19, vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm qua các lãnh vực hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, từ thiện, xã hội . . . Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập, Viện Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm, Viện Cao Đẳng Chuyên Khoa Hải Đức Nha Trang . . . cũng như các Phật Học Viện, hệ thống trường Bồ Đề, kinh tế tự túc để đào tạo Tăng tài. Đó là những hình ảnh đã in sâu vào tâm thức của người Phật tử Việt Nam. Tạo dựng một niềm tin kiên định nơi ngôi Tam Bảo, để phát tâm hộ pháp dõng mãnh hơn.

Quả thật, Đại Học Vạn Hạnh được mở ra cho hàng ngàn sinh viên theo học đã tạo nên một trào lưu trí thức Phật tử, qua hai phạm trù đạo học và thế học. Đây là sự thành tựu to lớn, có tầm cỡ quốc tế, mà thành quả này chính là nhờ sự ươm mầm, gây giống từ nhiều thập niên trước. Hai Viện Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa Huệ Nghiêm, Sài Gòn và Hải Đức Nha Trang là tiềm năng được xốc dậy để dựng thành lớp người Tăng sĩ mang hành trang giáo hóa vào đời làm lợi ích chúng sanh. Nền văn hóa, giáo dục này có được là nhờ bao tâm huyết, chí nguyện của dòng máu Tăng già Việt Nam từ thời Cha Ông nối tiếp. “Trường Đại Học Phật giáo đầu tiên được mở ra tại Tổ Đình Trúc Lâm năm 1935, Tổ Giác Tiên làm Giám đốc. Lớp Trung học mở ra tại Tổ Đình Tường Vân do Thiền Sư Tịnh Khiết làm Giám đốc. Cả hai lớp đều do Thiền Sư Phước Huệ trực tiếp giảng dạy. Lớp Trung học này gồm những Tăng sinh miền Nam như : Thiện Hoa, Thiện Hòa, Chí Thiện, Hiển Thụy, Hiển Không v.v… theo học. Lớp Giáo sư gồm các Thiền Sư Tịnh Khiết, Đắc Ân, Thanh Duyên, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và quý Tăng sinh lớp Đại học Trúc Lâm.”

          Dòng lịch sử luôn kết nối từ thế hệ này đến thế hệ khác, mỗi thế hệ người có tầm cỡ và giá trị phụng sự khác nhau. Nhưng dù có khác nhau thế nào vẫn mang một sắc thái đặc thù nền văn hóa giác ngộ của đạo Phật. Cha Ông chúng ta trên dòng lịch sử đầu thế kỷ 19 hay trước nữa đã tác thành những bậc Tổ đức Thiền Sư hay những vị Đại thí chủ hộ pháp, an dân, thì hôm nay hàng con cháu hậu duệ cũng đã noi theo hành trạng của chư vị Lịch Đại Tổ Sư ấy mà tu hành để chứng đắc hay hy hiến đời mình thành chư vị Bồ Tát, Thánh Tăng. Một Thiền Sư Khương Tăng Hội, Chi Khương Lương, Mâu Bác . . . từ thuở sơ khai của dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam đã gầy dựng, gieo trồng hạt mầm Phật giáo ăn sâu, mọc rễ trên mảnh đất Lạc việt, trên nền văn hóa Luy Lâu. Thời Đinh Lê Lý Trần . . . một Vạn Hạnh Thiền Sư, Điều Ngự Giác Hoàng Phật Tổ . . . đã xiển dương Phật giáo cực thịnh, đã an bang tế thế, thanh bình thịnh trị suốt mấy trăm năm. Lịch sử cận đại với Bồ Tát Quảng Đức, đốt ngọn đuốc thiêng để lại ngọn lửa Từ Bi và trái tim Bất Diệt cho thế giới ngày nay. Mặc dù “Dấu Thời Gian” chỉ nêu lên một chặng đường lịch sử tiêu biểu, nhưng đó chính là dấu ngoặc trên con đường hoằng dương chánh pháp. Bởi vì chúng ta hiện hữu như một chứng tích lịch sử, thì chúng ta cũng có thể cảm nhận hay đi suốt những chặng đường lịch sử đã qua hoặc sắp tới. Vì vậy, đọc “Dấu Thời Gian” để chia sẻ cùng tâm tình của tác giả một phần nào đã ghi lại trên những dòng chữ đơn sơ mang chứng tích lịch sử thời xa xưa.

          2.- Chứng Tích Lịch Sử Thời Nay – Hải Ngoại.

          Đạo Phật là đạo Vô tướng, tùy thời, tùy xứ, tùy duyên nên đạo Phật truyền đến đâu cũng đều thích nghi với địa phương với dân tộc đó. Đạo Phật được hòa tan vào đại thể mà không có tướng riêng biệt cho chính mình. Do vậy, “Dấu Thời Gian” đã ghi lại những biến cố thời đại, từ nội bộ hay ngoại tại, suốt 40 năm đạo Phật có mặt nơi hải ngoại trong làn sóng người vượt biên, vượt biển. Chứng tích lịch sử Phật giáo hải ngoại này, “Dấu Thời Gian” đã mô tả sự thành hình của bốn Giáo Hội của bốn châu lục, từ Âu Châu, Úc Châu đến Hoa Hỳ, Gia Nã Đại đã đồng bộ vận động để thành lập Giáo Hội Thống Nhất Hải Ngoại, để từ đó xiển dương con đường hoằng pháp nơi đây. Các Tự viện, Tòng lâm được xây dựng. Các Khóa tu học Phật pháp được duy trì, phát triển, khởi sắc sâu rộng. Đông đảo chư Tôn Đức Tăng Ni tham dự tu học, cùng hàng trăm, hàng ngàn Phật tử có mặt trong các Khóa tu học Phật pháp ấy. Từ Âu Châu, Úc Châu qua Hoa Hỳ rồi Gia Nã Đại, chứng tích lịch sử Hải ngoại đã sớm tô đậm dấu ấn truyền thừa của chư vị Lịch Đại Tổ Sư trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam 2000 năm qua. Và hôm nay, Phật giáo Việt Nam đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Đây chính là nhờ tấm lòng hộ pháp của nam nữ Phật tử mà nhất là tâm nguyện dấn thân của chư Tôn Đức Tăng Già.

          Tác giả “Dấu Thời Gian” đã trích dẫn các chứng tích lịch sử Phật giáo hải ngoại từ sự thăng hoa, lợi lạc tha nhân cho đến sự phân hóa, tan vỡ nội bộ của các Giáo Hội. Nhưng dù có thăng trầm, thành bại “Dấu Thời Gian” vẫn giữ được tính trầm lặng để cho người đọc một cảm giác thân thiện, khách quan hơn :     “Trước biến cố Giáo Chỉ và Thông Bạch với những hậu quả tiêu cực đã và đang xảy ra như được trình bày một phần nào ở trên, cũng như ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình với tiền đồ Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Quá bán chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử vốn là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ quyết định triệu tập Đại Hội Bất Thường vào các ngày 11, 12 tháng 11 năm 2008 tại chùa Phổ Đà và chùa Bảo Quang, thành phố Santa Ana, California nhằm mục đích :

          a.- Tìm giải pháp tốt đẹp để đem lại sinh hoạt hòa hợp, thanh tịnh cho Tăng Ni, Phật tử đúng với tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ và Giải Thoát của đạo Phật.

          b.- Tiếp nối tinh thần phụng sự Đạo Pháp và dân tộc được truyền thừa suốt hơn 2000 năm qua của Phật giáo Việt Nam và cũng là lý tưởng hành hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ khi thành lập năm 1964.”

          Chứng tích lịch sử Phật giáo hải ngoại, “Dấu Thời Gian” đã đưa người đọc từ khúc quanh lịch sử này đến khúc quanh lịch sử khác, như là sự vận động thành lập Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ năm 1992 tại San Jose, Bắc Cali. . . tuần tự suốt thời gian làm việc mấy nhiệm kỳ cho đến ngày nội bộ bị phân hóa, xẻ đôi. Sự thành lập Văn phòng Điều Hợp Liên Châu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cũng như các chứng tích lịch sử khác, tác giả đã dày công sưu khảo và góp nhặt tài liệu để tập thành “Dấu Thời Gian” cống hiến bạn đọc và hậu thế thấy rõ sự thành công cùng những nỗi truân chuyên, cay đắng của Phật Giáo Hải Ngoại, để cùng suy gẫm về bài học lịch sử và những kinh nghiệm đã trải qua ngõ hầu tránh được chông gai trên con đường hoằng dương Phật pháp sau này.

          Đọc “Dấu Thời Gian” không phải là đọc sự tư duy sáng tạo mà là đọc những chứng tích lịch sử thời đại, chứng nhân cùng những tâm tình được khơi dậy trong lòng tác giả xuyên qua những chặng đường thời gian, đúng như : “Dấu Thời Gian” vậy.

          3.- Những Bài Viết Từ Cảm Xúc – Tính Gắn Bó Với Người

          Đọc những bài viết ngắn của tác giả như tùy bút, tự thuật, hồi ký . . . chúng ta thấy tình cảm của tác giả với người trong truyện thật chân thành, thắm thiết, thể hiện hết cả tấm lòng như “Tách Trà Còn Nóng”. Nóng ở đây như giọt nước mắt “Nóng” nhỏ xuống để kính, để thương bậc Tôn túc đã hy hiến thân mạng cho Đại cuộc – Dân tộc và Đạo pháp được trường tồn. Rồi những bài tiếp theo “45 Ngày Du Hóa Âu Châu” hoặc “Lần Đầu Đến Xứ Úc”, “Ôn Già Lam”, “Một Kỷ Niệm Khó Quên với Ôn Huyền Quang”, v.v… tất cả đã được ghi lại bằng tâm tình đơn sơ, chân thật, tác giả đã tạo dựng được hình ảnh sống động như hai người đang trò chuyện thân tình với nhau.
         “Dấu Thời Gian” dày gần 700 trang, tác giả đã không chia Chương Mục hoặc phân loại thể tài mà để cho độc giả thong dong đi suốt từ trang đầu đến trang cuối, với đầy những chứng tích lịch sử, tài liệu, nhận định, tâm tình được mô tả đơn sơ, chân thật.  
          Dẫu có giới thiệu “Dấu Thời Gian” đến thế nào đi nữa thì vẫn là những thiếu sót. Kính mong quý độc giả hãy tự mình suy gẫm, để thấy được những điều cao quý còn tồn đọng nơi đó, hãy cùng tiếp tục gạn đục lắng trong để thấy cái thật, cái hay vì đạo Phật là đạo như thật. Nội dung “Dấu Thời Gian” một phần nào mang tính sự kiện thời đại. Do vậy, cũng có người thích hoặc không thích. Nhưng “Dấu Thời Gian” là chứng tích lịch sử khách quan, cho dẫu ai đó có vo tròn bóp méo thì sự kiện lịch sử vẫn là sự kiện lịch sử.
          Đọc “Dấu Thời Gian” để cùng thấy được tâm sự đầy vơi, vui buồn của thế thường nhân sinh, lắm điều khó nghĩ. Ước mong quý độc giả chia sẻ trọn vẹn tâm tình cùng tác giả để cảm thông nỗi niềm riêng tư nếu có.

          Nguyên Siêu

 

 

 

Chân thành cảm ơn Ôn Tín Nghĩa
đã gởi tặng trang nhà Quảng Đức
phiên bản điện tử tập sách này
Nam Mô A Di Đà Phật
15-11-2015
TK Thích Nguyên Tạng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2011(Xem: 5206)
Hôm nay là 30-4, ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm ngoái, anh đã có một bài trò chuyện với VietnamNet. Năm nay, chúng tôi cũng mời anh tiếp tục chuyện trò như thế, không phải vì một mục tiêu chính trị nào, mà để góp phần vào việc nghiên cứu nghiêm túc các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam cũ, nghiên cứu sử hiện đại. Đề nghị anh nói về phong trào Phật giáo, tuy biết anh rất ngần ngại. Tại sao anh ngần ngại?
25/12/2010(Xem: 9665)
Phật giáo là một tôn giáo được đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TCN. Do đạo Phật được truyền đi trong một hơn hay 2500 năm và lan ra nhiều nơi cho nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của nó khá đa dạng về các bộ phái cũng như là các nghi thức và phương pháp tu học. Ngay từ buổi đầu, đức Thích Ca, người truyền đạo Phật, đã thiết lập được một giáo hội với các luật lệ hoạt động chặt chẽ của nó. Nhờ vào sự uyển chuyển của giáo pháp, đạo Phật có thể thích nghi với các hoàn cảnh chế độ xã hội, con người, và tập tục ở các thời kỳ khác nhau, nên ngày nay Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển ngay cả trong các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ và Tây Âu.
24/12/2010(Xem: 5382)
Phật giáo Việt-Nam trải qua nhiều bước thăng trầm. Đời Lý, Trần Phật giáo cực thịnh, là quốc đạo. Triều Lê Phật giáo bắt đầu suy vi. Đến triều Nguyễn Phật giáo sa sút, mất hẳn vị trí trong chính trị văn hóa và xã hội ở Việt-Nam.
24/12/2010(Xem: 6421)
Nếu ta dở bản đồ thế giới, ta sẽ thấy Á Châu chiếm một vùng đất mênh mông hình mặt trăng lưỡi liềm, hai đầu chỉa về hướng bắc, vòng trong đi theo duyên hải Biển Bắc Cực của xứ Scandinavia và Tây Bá Lợi Á. Vòng ngoài từ đông sang tây là bờ biển Thái Bình Dương Tây Bá Lợi Á qua Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, bán đảo lục địa Ấn Độ, Iran, Tiểu Tế Á đến Âu Châu. Giáp ranh vòng ngoài của mặt trăng lưỡi liềm ấy, tại nhiều nơi, nhưng đứng ngoài, ta thấy các nước Ả Rập, Phi Châu và Mỹ Châu.
18/12/2010(Xem: 17406)
Từ thơ ấu, Tuệ Trung đã được khen là thông minh và dịu dàng. Giữ chức Thống Đốc Hồng Lô (bây giờ là tỉnh Hải Dương), ngài đã hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lược, và được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.
14/12/2010(Xem: 19405)
Để hiểu Đạo Phật là gì? Ta hãy gạt mọi thiên kiến chỉ cần tìm sâu vào nguồn giáo lý cao đẹp ấy, một nền giáo lý xây dựng trên sự thật để tìm hiểu sự thật, do đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
25/11/2010(Xem: 27072)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
15/11/2010(Xem: 7492)
Năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, bắt đầu thời kì tự chủ tiến tới xây dựng nền độc lập cho nước ta. Tuy nhiên tinh thần độc lập của nước Việt không phải bắt đầu từ sau chiến thắng ấy, mà nó đã tồn tại trong suốt thời gian Bắc thuộc, được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa của bà Trưng, bà Triệu cho đến Phùng Hưng, rõ ràng tinh thần quyết dành độc lập của dân Việt luôn được nuôi dưỡng, chắn chắn đó là đề tài luôn được người dân Việt bàn bạc sau lũy tre làng, trên những cánh đồng hay trong những câu chuyện đêm đêm bên bếp lửa. Tuy nhiên do chưa có một nhà nước để thống nhất các lực lượng, nên đã có nhiều nhóm hoạt động chứ không phải chỉ có phe nhóm của Ngô Quyền,
06/11/2010(Xem: 12490)
Ngày20 tháng tư nhuận năm Quí Mão(11/6/1963) trong một cuộc diễnhành của trên 800 vị Thượng Tọa, Ðại đức Tăng, Ni đểtranh đấu cho chính sách bình đẳng Tôn giáo, cho lá cờ quốctế không bị triệt hạ: tại ngã tư đường Phan Ðình Phùng,Lê Văn Duyệt ( Sài Gòn), lúc 9 giờ sáng, Hòa Thượng QuảngÐức phát nguyện tự tay châm lửa thiêu thân làm ngọn đuốc“ thức tỉnh” những ai manh tâm phá hoại Phật giáo. Dướiđây là tiếng nói tâm huyết cuối cùng của Ngài gửi lạicho đời.
04/11/2010(Xem: 7433)
Có nhiều loại giác ngộ, nhưng bản chất của giác ngộ thì chỉ có một, đó là phá vỡ bức tường ngăn ngại của vô minh để ánh sáng của tự tánh, Phật tánh được dịp bùng lên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]