Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Giác Hải

11/08/201304:40(Xem: 10833)
Chùa Giác Hải
Chua_Giac_Hai


CHÙA GIÁC HẢI

(Kính dâng giác linh Bổn sư húy thượng Tâm hạ Trí, tự Viên Giác,
hiệu Chiếu Nhiên, nhân ngày húy kỵ 13/7/Quý Tỵ, 2013)

Pháp tử: TỊNH MINH

“Ai ngang qua núi Phổ Đà

Thăm chùa Giác Hải viếng tòa Quán Âm.”

Chùa Giác Hải được Hòa thượng họ Trần huý Đại Quảng, pháp danh Tâm Trí, tự Thích Viên Giác, hiệu Chiếu Nhiên, sinh năm 1911, tại làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên khai kiến và khánh thành năm 1956. Hòa thượng viên tịch ngày 14 tháng Bảy năm Bính Thìn, 1976. Chùa tọa lạc trên núi Ông Sư, thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Du khách tham quan lễ chùa có thể đi từ Nha Trang theo quốc lộ 1 ra khoảng 54 cây số, hoặc từ Vạn Giã vào khoảng 7 cây số, đến cổng làng Xuân Tự là đường vào chùa. Con đường từ cổng làng đến chùa dài khoảng 300 thước, đủ rộng cho xe lớn vào. Hai bên đường rợp mát bóng dừa với những ngôi nhà ngói lưa thưa, xinh xắn.

Đến chùa, cảnh trí đầu tiên đập vào mắt du khách là cổng Tam Quan uy nghiêm sừng sững với hai màu vàng son rực rỡ, tuy có vài nét tân kỳ nhưng không mất vẻ cổ kính Á Đông : cũng có long lân quy phụng, đường chỉ hoa văn với hai câu đối:

Lộ thiết ngưu xa, trưởng giả nhi xuất tam giới trạch

Thất dung sư tòa, Bồ tát chúng nhập bất nhị môn.

Vào cổng Tam Quan khoảng 10 thước là nhà Hóa Thành, có sân lát gạch, và một giếng nước khá lớn, làm bằng xi-măng. Du khách có thể dừng lại nơi đây chốc lát để rửa mặt, rửa tay, ngắm nhìn những buồng dừa nặng trĩu trên cao, hít thở không khí trong lành từ biển thổi lên, hay lắng nghe tiếng rì rào của một vườn dừa rợp mát. Thú vị và ngạc nhiên hơn nữa là khi nhìn lên chánh điện ở trên sườn núi, hai cây me khổng lồ, to bằng hai người ôm, cành lá sum suê, tròn xoe, cao vút, tồn tại hơn 200 năm, đứng song song cân đối trước dốc chánh điện như hai vị Hộ Pháp Thiện Thần đứng trấn át ma vương, hộ trì phước địa. Đây là đặc điểm hy hữu của chùa Giác Hải. Chùa mới làm chưa được 40 năm mà hai cây me đã già trên 200 tuổi. Tương truyền nơi đây xưa kia đã có chùa nên mới có núi Phổ Đà, núi Ông Sư, làng Xuân Tự. Vì vậy cảnh chùa trẻ me già âu cũng là sự sắp xếp của Long Thiên Hộ Pháp vậy.

Du khách lên chánh điện phải qua bốn sân rộng chồng gác lên nhau với những tầng cấp xi-măng sạch sẽ. Sân thứ nhất dài trên 20 thước, rộng 10 thước, dùng làm sân khấu cho gia đình Phật tử trình diễn văn nghệ vào các dịp lễ. Sân thứ hai dài khoảng 30 thước, rộng gần 20 thước, ở giữa để trống, hai bên là những chậu hoa kiểng xinh xắn, giá trị. Bên trái sân là giếng Cam Lồ, kế tiếp là vườn cây ăn trái. Giếng này sâu 10 thước, đào trong lòng núi đá xanh, nước trong và mát, không bao giờ cạn (nay đang trên đà xuống cấp). Phật tử khắp nơi đã một thời thường đến cầu nguyện, xin nước về chữa bịnh. Đúng là:

Bể cả triều dâng tiếng Phổ môn

Chín tầng sen ngát hiện đồng chơn

Cam lồ giọt nước cành dương rải

Nhuận thắm sơn hà cảnh sắc xuân.

HT. Trí Thủ dịch

Bên phải cũng là vườn cây ăn trái như xoài, mít, vú sữa v.v…

Sân thứ ba hẹp hơn hai sân trước, nhưng hai bên thành là hai con rồng vàng (kim long), xây bằng xi-măng trông hùng tráng và rất thẩm mỹ, nằm xuôi theo dốc thềm, đầu hướng về phía trước. Cuối đuôi rồng là hai con sư tử đỏ, đứng oai phong lẫm liệt ngó ra biển như ngày đêm bảo vệ cảnh già lam tịnh xứ này. Rồng và sư tử đều ẩn hiện dưới những cội tùng xanh tươi cao vút.

Sân thứ tư là sân chùa. Bên trái là nhà Tăng, bên trong có thờ tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi và một bức họa tượng Quan Thế Âm cao hai mét rưỡi, rộng một mét rưỡi với toàn phẩm Phổ Môn được viết bằng chữ Hán lên đó, và một bức họa khác nhỏ hơn cũng vẽ tượng Đức Quan Âm ngồi và viết vào đó năm đệ chú Thủ Lăng Nghiêm bằng chữ Phạn. Phải dùng kính hiển vi hay kính hội tụ cực mạnh mới đọc và thấy được nét bút thần kỳ đó. Đây là hai bức họa độc nhứt vô nhị trên thế giới do họa thủ thiên tài Đặng Như Lang, pháp danh Tuệ Đăng vẽ, viết và hiến cúng. Bên phải là một hội trường lộ thiên và tiếp theo là vườn cây ăn trái.

Tiếp tục lên chánh điện, du khách vừa bước khỏi tầng cấp cuối cùng là thấy ngay hai câu đối:

Đây chùa, đây Phật, đây mõ sớm chuông chiều, nhắn nhủ khách trần về nẻo giác.

Này gió, này trăng, này kinh vàng kệ ngọc, khuyên răn người tục bỏ lòng phàm.

HT. Thiện Siêu

Trong chánh điện, cách thiết trí gọn gàng, đơn giản, nhưng thanh thoát hài hòa. Chính giữa là tượng Đức Bổn Sư, hai khung trang trí phía trước là hai tượng Địa Tạng, Quan Âm với hai câu đối:

Kiến tánh ly trần, siêu phân biệt nhi tùy duyên tự tại

Chơn như vô vọng, xuất thị phi dĩ diệu huệ trang nghiêm.

Sau chánh điện là nhà Tổ. Chính giữa thờ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi và hai bên là bàn linh.

Chánh điện được Thượng tọa Thích Tịnh Diệu, đệ tử của cố Hòa thượng, đương kim trụ trì, trùng tu từ năm 1987 đến năm 1990 mới hoàn tất và khánh thành. Chùa xây lại theo kiểu kiến trúc vừa cổ kính vừa tân kỳ, thể hiện cao tính nghệ thuật, gây được ấn tượng nhẹ nhàng, thanh thoát cho Phật tử và quan khách.

Sau lưng chánh điện, bên trái là rừng Khổ Hạnh với tượng Đức Bổn Sư gầy đét, bằng xi-măng sơn trắng, ngồi nhập định trên một phu tòa bằng đá chồng chất lên nhau, dưới một tàng cây Bồ đề lõa xõa, rợp mát. Cảnh trí làm cho Phật tử ngậm ngùi xúc động nhớ lại hình ảnh da bọc xương của Đức Bổn Sư sau sáu năm khổ hạnh trên rặng Hy-mã-lạp-sơn, Ấn Độ:

Sáu năm khổ hạnh rừng già

Sống nhờ mè muối cho qua tháng ngày

Cực đoan: sướng, khổ không hay

Tu theo Trung đạo chứng ngay Phật thừa.

HT. Viên Giác

Bên phải là lầu Đại hồng chung. Lầu được làm bằng các loại gỗ quý, kiểu tứ giác, hai tầng, bốn phía để trống, trên bốn cột có những câu đối vàng rực:

Trống bát nhã khua rền giác tánh

Chuông u minh thức tỉnh mộng trần.

Địa ngục vị không thề chẳng thành Phật

Chúng sanh độ hết mới chứng bồ đề.

HT. Viên Giác

Ngoài ra còn nhiều câu thần chú viết bằng chữ Phạn nữa.

Chuông đúc năm 1966, nặng 320 ký dưới sự chứng minh của đại lão Hòa thượng đệ nhứt Tăng thống Thích Tịnh Khiết. Tiếng chuông trầm hùng, ngân dài và vang xa. Du khách có dịp nghe tiếng chuông vào một đêm khuya thanh vắng mới thấy được sự rung động của tâm hồn:

Từng tiếng chuông khuya trầm hùng siêu thoát

Nhè nhẹ buông trên đồi vắng bao la

Bóng thời gian bất động duới trăng tà

Nghe u tịch giữa khung trời ảo hóa.

Tịnh Minh

Thảo nào Thiền sư Nhất Hạnh đã từng dạy Phật tử quán niệm tiếng chuông:

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Cạnh lầu Đại Hồng là Pháp Hỷ thất, một tịnh thất xinh xinh, mặt hướng ra biển Nam Hải với bốn mùa ngào ngạt hương thơm. Hai mươi lăm năm qua, sau ngày Hòa thượng viên tịch, Thượng tọa Tịnh Nghiêm, đệ tử của Hòa thượng, nay là Trưởng ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo thị xã Cam Ranh, đã trầm mình trong bộ Thái Hư Đại Sư và Đại Tạng Kinh Cao Ly tại Pháp Hỷ thất này.

Du khách từ lầu Đại Hồng theo con đường dốc thoai thoải lên Điện Quan Âm. Giữa đường quý vị có thể ngồi nghỉ trên các bệ đá hay đứng dưới tàng dương liễu nghe gió thổi vi vu, ngắm những cánh hoa rừng, nhìn đàn chim bay liệng, nghe cu gáy xa xa, hay căng thẳng lồng ngực hít trọn khí trời, phóng xa tầm mắt quan chiêm sơn thủy. Sau đó du khách vừa đi vừa thưởng thức cảnh núi rừng bát ngát, trời biển bao la lên đến Điện.

Tới Điện Quan Âm, không một du khách nào là không sanh tâm cung kính, hoan hỷ trong lòng. Một đại Điện uy nghi kiên cố, kiểu cổ lầu tứ giác, không tường, không vách, chỉ có bốn trụ đá khổng lồ chống đỡ một ngọn tháp cổ kính bên trên. Mái tháp lợp ngói, bốn góc cong cong theo kiểu thuyền rồng với bốn con giao long ngậm chiếc chuông đồng leng keng theo gió như tiếng nhạc trời vang vọng trên không. Giữa Điện là tượng Đức Quan Thế Âm trắng tinh, cao hai mét ruỡi, đứng trên tòa sen, lưng quay về núi Phổ Đà, mắt nhìn ra biển Nam Hải, tay bắt ấn cam lồ, ngực đeo chuỗi anh lạc, rõ là:

Ngài thường nhập định núi Phổ Đà

Tùy duyên ứng hiện khắp gần xa

Cứu người đau khổ vì mê muội

Tên Quan Tự Tại ở ta bà.

HT. Viên Giác dịch

Mặt tiền Điện có hai câu đối:

Hành thâm bát nhã tự tại Bồ Tát

Viễn ly điên đảo cứu cánh niết bàn.

Hai bên có những câu:

Mắt trí chiếu soi, đèn vô tận rọi tan niềm tục

Tay từ tế độ, nước dương chi rửa sạch lòng trần.

H T. Thiện Siêu

Nước biếc mây giăng, Điện các uy nghiêm trên đỉnh núi

Trăng thanh gió thoảng, Bồ đề hóa hiện giữa quần sanh.

TT. Tịnh Diệu

Giữa sân Điện là một chiếc đỉnh trầm ba chân bọc đá cẩm thạch láng bóng, đường kính gần một thước. Quanh sân có lang cang xi-măng cột sắt bao bọc. Trước cửa Điện có hai con rồng xanh ( thanh long) ôm thành lao xuống trông rất uy nghiêm.

Sau khi đảnh lễ Qức Quan Thế Âm Bồ tát, du khách có thể bước sang bên cánh trái, ngồi trên những bệ đá xi-măng, thưởng thức hương nhụy của các loài hoa, hay đảo mắt một vòng cho thỏa lòng thưởng ngoạn : núi non chất ngất, trời biển bao la. Bên trái xa xa là thị trấn Vạn Giã, rừng dừa xanh ngắt, ngói đỏ lô nhô. Sau lưng làø núi Phổ Đà hùng vĩ, trước mặt là vịnh Vân Phong bao la, mặt nước phẳng lặng trong xanh, trông như một tấm thảm nhung vĩ đại, trải từ Ninh Hòa vòng ra Tu Bông Đại Lãnh, dài trên năm mươi cây số, giống như một hồ bán nguyệt mênh mông trước chùa. Du khách cũng có thể phóng tầm mắt bất tận ra cửa Đầm Mơn, một hải khẩu an toàn cho tàu bè vào ra vịnh, hay đưa mắt theo dõi những áng mây bàng bạc trên các ngọn Tích Trượng, Bát Nhã, Cửu Liên, Hòn Hèo, Hòn Quán bên kia vịnh Vân Phong, hay ngắm những làn sóng chập chùng vào ra bãi biển như đang nô đùa dưới ánh mặt trời, hoặc thả hồn bềnh bồng với rặng dừa xanh đong đưa theo gió dọc bãi cát vàng. Cảnh trí như thế thảo nào biết bao du khách đã rung động tâm hồn:

Vạn Ninh có núi Phổ Đà

Có chùa Giác Hải, có tòa Quan Âm

Non vô thượng, giếng thậm thâm

Quên mùi tục lụy, cõi lòng hân hoan.

Mỹ Xuân du lịch

Quan Âm điện các

Cảnh thừa lương bát ngát giữa thiên nhiên

Rửa sạch não phiền

Thuyền cứu khổ đậu riêng ngoài Giác Hải.

Ni trưởng Nam Việt - Đàm Thanh

Còn rất nhiều văn thơ ca tụng chùa Giác Hải nhưng không thể giới thiệu trong khuôn khổ một bài báo như thế này. Cảnh trí nơi đây đúng là:

Thênh thang trời biển, một dải non bồng

Hoa vô ưu bừng giữa trời Đông

Thuyền bát nhã cập bờ Nam hải.

Tịnh Minh

Du khách giờ đây ra về có thể đi theo đường Tịnh Tâm, bên chân tháp cố Hòa thượng, hay trở lại đường xuống chánh điện. Trước khi lên xe, du khách khó mà không ghé lại hồ Liên trì mãn nguyệt trước chùa. Hồ rộng khoảng năm mươi thước bán kính, chung quanh trồng dừa, giữa hồ là một ngọn dã sơn, trên đó có một cây bồ đề Việt Nam (cây đa), cành lá rợp mát, và dưới hồ cá lội nhởn nhơ, sen khoe sắc thắm. Du khách có thể thả bộ trên bờ ngắm sen hay đứng trên cầu Bát Nhã mà vui theo niềm vui của cá.

Chà… chuyến tham quan phải lên đèo xuống dốc nhưng hẳn là sẽ đọng lại trong lòng du khách một niềm hỷ lạc khó phai.

* * *

Nhìn công trình xây dựng chùa Giác Hải nguy nga tráng lệ như hiện nay, trong buổi lễ khánh thành trùng tu ngôi Bảo Điện ngày 18 tháng 2 năm Canh Ngọ, 1990, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm đã vô cùng hoan hỷ và xúc động tán thán: “Hòa thượng Thích Viên Giác, một mình một bóng, kiến tạo chùa Giác Hải trong hai mươi năm, bằng mười người đồng tâm hiệp lực xây dựng trong một trăm năm”.

Đúng là:

Lên non mới biết non cao

Xây chùa mới biết công lao vô lường.

Hòa thượng từng dạy: Ngày nay, non nước Việt Nam có thêm một danh lam thắng cảnh, Tăng, Ni, Phật tử được thêm một ngôi Phạm vũ huy hoàng, âu cũng là nhờ ân đức vô biên, hạnh nguyện cao cả của cố Hòa thượng khai sơn và môn đệ kế thừa mạng mạch.

Không là không của vô vi tuyệt đối

Có là có của tuyệt đối vô vi

Không là không của bát nhã chơn không

Có là có của nhất thừa thực tướng

Không để tự độ

Có để độ người.

Cho hay:

Giữa nhân gian trang trắng vỗ tay cười

Rung thiền trượng lên đồi non nhập định.

Chao ôi!

Viết sách, dịch kinh, lập chùa, độ chúng

Bao công hạnh như mùa thu lá rụng

Còn chăng là trong diệu nghĩa chân thường

Dâng Thầy một nén tâm hương

Cho vơi giọt lệ vô thường quặn đau

Hạc vàng chừ đã bay cao

Tùng lâm nay lại thấm bao tình người

Ai về thăm núi Ông Sư

Nghe trong cây cỏ tiếng cười diệu âm.

(Đã đăng trong tuần báo Giác Ngộ số 65, ngày 1/9/1993)

Ghi chú : Hiện nay cảnh trí chùa Giác Hải đã được Thượng tọa Thích Tịnh Diệu trùng tu nguy nga, tráng lệ hơn


nhiều. Xin được giới thiệu sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2011(Xem: 5153)
Hôm nay là 30-4, ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm ngoái, anh đã có một bài trò chuyện với VietnamNet. Năm nay, chúng tôi cũng mời anh tiếp tục chuyện trò như thế, không phải vì một mục tiêu chính trị nào, mà để góp phần vào việc nghiên cứu nghiêm túc các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam cũ, nghiên cứu sử hiện đại. Đề nghị anh nói về phong trào Phật giáo, tuy biết anh rất ngần ngại. Tại sao anh ngần ngại?
25/12/2010(Xem: 9484)
Phật giáo là một tôn giáo được đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TCN. Do đạo Phật được truyền đi trong một hơn hay 2500 năm và lan ra nhiều nơi cho nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của nó khá đa dạng về các bộ phái cũng như là các nghi thức và phương pháp tu học. Ngay từ buổi đầu, đức Thích Ca, người truyền đạo Phật, đã thiết lập được một giáo hội với các luật lệ hoạt động chặt chẽ của nó. Nhờ vào sự uyển chuyển của giáo pháp, đạo Phật có thể thích nghi với các hoàn cảnh chế độ xã hội, con người, và tập tục ở các thời kỳ khác nhau, nên ngày nay Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển ngay cả trong các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ và Tây Âu.
24/12/2010(Xem: 5289)
Phật giáo Việt-Nam trải qua nhiều bước thăng trầm. Đời Lý, Trần Phật giáo cực thịnh, là quốc đạo. Triều Lê Phật giáo bắt đầu suy vi. Đến triều Nguyễn Phật giáo sa sút, mất hẳn vị trí trong chính trị văn hóa và xã hội ở Việt-Nam.
24/12/2010(Xem: 6345)
Nếu ta dở bản đồ thế giới, ta sẽ thấy Á Châu chiếm một vùng đất mênh mông hình mặt trăng lưỡi liềm, hai đầu chỉa về hướng bắc, vòng trong đi theo duyên hải Biển Bắc Cực của xứ Scandinavia và Tây Bá Lợi Á. Vòng ngoài từ đông sang tây là bờ biển Thái Bình Dương Tây Bá Lợi Á qua Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, bán đảo lục địa Ấn Độ, Iran, Tiểu Tế Á đến Âu Châu. Giáp ranh vòng ngoài của mặt trăng lưỡi liềm ấy, tại nhiều nơi, nhưng đứng ngoài, ta thấy các nước Ả Rập, Phi Châu và Mỹ Châu.
18/12/2010(Xem: 17123)
Từ thơ ấu, Tuệ Trung đã được khen là thông minh và dịu dàng. Giữ chức Thống Đốc Hồng Lô (bây giờ là tỉnh Hải Dương), ngài đã hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lược, và được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.
14/12/2010(Xem: 19092)
Để hiểu Đạo Phật là gì? Ta hãy gạt mọi thiên kiến chỉ cần tìm sâu vào nguồn giáo lý cao đẹp ấy, một nền giáo lý xây dựng trên sự thật để tìm hiểu sự thật, do đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
25/11/2010(Xem: 26679)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
15/11/2010(Xem: 7412)
Năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, bắt đầu thời kì tự chủ tiến tới xây dựng nền độc lập cho nước ta. Tuy nhiên tinh thần độc lập của nước Việt không phải bắt đầu từ sau chiến thắng ấy, mà nó đã tồn tại trong suốt thời gian Bắc thuộc, được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa của bà Trưng, bà Triệu cho đến Phùng Hưng, rõ ràng tinh thần quyết dành độc lập của dân Việt luôn được nuôi dưỡng, chắn chắn đó là đề tài luôn được người dân Việt bàn bạc sau lũy tre làng, trên những cánh đồng hay trong những câu chuyện đêm đêm bên bếp lửa. Tuy nhiên do chưa có một nhà nước để thống nhất các lực lượng, nên đã có nhiều nhóm hoạt động chứ không phải chỉ có phe nhóm của Ngô Quyền,
06/11/2010(Xem: 12121)
Ngày20 tháng tư nhuận năm Quí Mão(11/6/1963) trong một cuộc diễnhành của trên 800 vị Thượng Tọa, Ðại đức Tăng, Ni đểtranh đấu cho chính sách bình đẳng Tôn giáo, cho lá cờ quốctế không bị triệt hạ: tại ngã tư đường Phan Ðình Phùng,Lê Văn Duyệt ( Sài Gòn), lúc 9 giờ sáng, Hòa Thượng QuảngÐức phát nguyện tự tay châm lửa thiêu thân làm ngọn đuốc“ thức tỉnh” những ai manh tâm phá hoại Phật giáo. Dướiđây là tiếng nói tâm huyết cuối cùng của Ngài gửi lạicho đời.
04/11/2010(Xem: 7357)
Có nhiều loại giác ngộ, nhưng bản chất của giác ngộ thì chỉ có một, đó là phá vỡ bức tường ngăn ngại của vô minh để ánh sáng của tự tánh, Phật tánh được dịp bùng lên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]