Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9

31/05/201114:43(Xem: 11217)
Chương 9

AM MÂY NGỦ
Truyện Ngoại Sử của Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản, Paris 1982

CHƯƠNG IX

Khi cu Lợi thức dậy thì trời đã tảng sáng. Nhìn lên chỏng tre, nó thấy u nó nằm yên, hơi thở đều đặn. Lợi cảm thấy an tâm. Thang thuốc của ông lang Ý Yên hay thật. Cả ngày hôm qua u nó quằn quại không ngớt vì đau, vày mà hồi hôm uống bát thuốc vào bà đã nằm yên và ngủ được. Ông lang sau khi bắt mạch và cho thuốc, đã về ngủ tạm ở nhà bác Trực ở dưới chân núi. Trong nhà, ngoài u nó và nó, còn có bà Tư xóm dưới. Bà Tư cũng đến từ chiều hôm qua. Bà thường hay đến giúp bà con trong xóm vào lúc sinh nở. Người ta nói là bà có "kinh nghiệm". Hiện bà đang ngủ ở trên chỏng của Lợi. Hồi hôm Lợi đã lấy rơm trải ra giữa nhà mà ngủ. Ban đầu nó nghĩ rằng nó sẽ phải thức cả đêm để săn sóc cho u nó. Ai ngờ u nó uống thuốc được một hồi thì nằm yên và sau đó thì bà ngủ thiếp đi. Lợi cũng ngủ thiếp đi. Cả ngày lo lắng lăng xăng cho nên nó mệt và ngủ rất say.

Lợi đi xuống bếp. Hồi hôm nó đã sắc nước nhì của thang thuốc, bây giờ nó định hâm lại cho u nó uống. Lợi rút một nắm rơm nhỏ dúi vào bếp trấu và đợi. Một lát sau rơm ngún và có khói. Vẫn dí nắm rơm và bếp trấu, nó kề mồm vào thổi nhẹ. Lửa bùng cháy. Lợi cầm một chiếc đũa tro cời cho trống khoảng giữa ba ông đầu rau rồi đặt nắm rơm đang cháy vào đấy. Nó tiếp rơm vào rồi lấy chiếc đũa tro chặn lên phía bên ngoài nắm rơm để cho rơm cháy chậm. Xong, nó bắc một nồi nước đầy lên bếp. Vừa coi sóc cho lửa cháy đều dưới nồi, Lợi vừa lấy mấy cục than tàu để trên lửa rơm cho cháy xém trước khi gắp bỏ vào chiếc hỏa lò kê gần đấy. Sắc thuốc thì phải dùng hỏa lò và than tàu. Than tàu còn ít lắm, chỉ đủ để hâm thuốc mà thôi. Hôm qua ông lang Ý Yên bảo phải chuẩn bị than củi để phòng khi nó sinh em bé thì đốt lên cho u nó sưởi. Bà Tư bảo than tàu đắt lắm. Bà sai Lợi ra hốt một thúng trầu đỏ sẵn giữa nhà. Bà còn bảo nó đi kiếm củi gộc đem vào. Củi gộc tức là gốc tre khô. Bà bảo khi cần sưởi thì đốt cho gộc cháy rồi đổ trấu vào cho lửa cháy ngún. Bà Tư còn bảo Lợi kiếm cho bà một thanh nứa để dành bà cắt nhau cho em bé.

Vừa đun bếp, cu Lợi vừa nghĩ đến công việc phải làm hôm nay. Có lẽ nó phải thổi cơm cho bà Tư ăn. Nó phải nghĩ tới trả cá bống khi mặn gần như còn nguyên, có thể dọn ra để bà Tư ăn với cơm. Như vậy là nó chỉ cần thổi một niêu cơm là đủ. Bỗng Lợi nhớ ra rằng hôm nay là ngày mồng tám tháng tư, ngày Phật Đản. Ngày hôm nay thiên hạ ai cũng ăn chay. Vậy là trả cá bống không được tích sự gì rồi. Lợi đứng dậy, đi tìm hũ vừng. Nó ôm hũ vừng mà lắc, còn một ít vừng, may quá. Nó sẽ rang muối vừng để bà Tư ăn cơm, nhưng mà trước phải vo gạo để nấu cơm đã.

Suốt ngày hôm qua, cu Lợi lo lắng cuống cuồng, có nhiều lúc u nó đau đớn đến chảy cả nước mắt. Lợi chịu đựng không nổi khi nghe tiếng rên siết của u. Bố nó chết trận bên Chiêm năm ngoái. Bây giờ nếu u nó chết theo thì nó sẽ trở nên mồ côi. Tiền bạc không có, làm sao có có thể đi rước thầy thuốc về xem mạch cho u. U nó bảo nó chạy sang xóm bên mời bác Tư. Bác Tư đã làm đủ cách nhưng cơn đau của u nó cũng không giảm xuống tí nào. Bác đã đem gừng sống giã nhỏ pha với rượu để xoa bóp, đã dùng cả lá trầu không và một mớ tóc rối để đánh gió cho u nó. Trong lúc hai bác cháu còn đang cuống quít chưa biết làm gì hơn cho u nó bớt đau thì Ni Sư Hương Tràng đến. Thì ra Tuất đã báo chi Ni Sư biết là u nó ốm nặng và nó phải ở săn sóc cho u. Lạ quá, Ni Sư Hương Tràng không phải là thầy thuốc, nhưng khi thấy bà vừa bước vào nhà Cu Lợi có cảm tưởng ngay rằng mọi sự sẽ êm đẹp và u nó sẽ không còn đau đớn. Mà thật vậy, Ni Sư vừa đặt tay lên trán của u nó thì u nó không còn rên siết nữa. Ni Sư dịu dàng hỏi thăm u nó để biết xem trong người đau đớn như thế nào, và u nó đã bình tĩnh trả lời từng câu một, không còn vừa nói vừa thở vừa khóc hổn hển như trước. Sau đó, Ni Sư dặn bác Tư và nó ở lại trông coi và thỉnh thỏng xoa bóp tay chân cho u nó trong khi Ni Sư sang Ý Yên mời ông thầy thuốc.

Đó là khoảng xế chiều. Từ lúc Ni Sư đi khỏi, u nó có lên cơn đau hai lần nhưng không còn dữ dội như trước. Có lẽ nhờ bác Tư và Lợi xoa bóp chân tay theo lời Ni Sư dặn; cũng có lẽ là nhờ biết rằng Ni Sư sẽ trở về với một ông thầy thuốc.

Đến tối mịt Ni Sư mới về tới. Có ông lang Ý Yên về theo với Ni Sư. Ông mang theo một tay nải khá lớn. Có cả thằng Qúy và thằng Tâm đốt đuốc đi theo để đưa đường cho hai người. Quý và Tâm cũng là người làng Hổ Sơn. Chúng cũng là những em bé chăn trâu như cu Lợi.

Vào tới sân nhà, Ni Sư bảo Quý và Tâm dụi đuốc để dành, rồi bà đưa ông lang về nhà, mời ông ngồi nghỉ và bảo cu Lợi đi nấu nước vối mời ông uống. Sau đó, ông lang bắt mạch cho người bệnh. Bắt mạch xong, ông mở tay nải bốc thuốc. Trong khi cu Lợi nhen hỏa lò sắc thuốc thì ông nói với Ni Sư rằng chứng bệnh của u thằng Lợi là do sự buồn phiền và lo lắng mà sinh ra. Thuốc của ông có công dụng an thần và tẩm bổ chứ không có gì lạ. Ni Sư tiếp chuyện ông lang cho đến không nước nhất của thang thuốc được sắc xong và u thằng cu Lợi được đỡ dậy để uống thuốc. Thuốc uống xong, Ni Sư đỡ người bệnh nằm xuống rồi đắp chăn cho bà. Ni Sư nói:

- Uống thuốc này vào thì thế nào cũng khỏe, rồi bác sẽ sinh cháu dễ dàng. Bác cứ niệm Phật Quan Âm một lát rồi ngủ. Này Lợi, bây giờ con sắc nước nhì đi, để sáng mai hâm lại cho u con uống. Con đổ vào một bát rưỡi nước lã và sắc lại còn nửa bát thôi nhé.

Ni Sư lại còn đến nắm tay bác Tư và dặn dò mấy câu. Rồi bà bảo Quý và Tâm đốt đuốc lên, đưa thầy lang về nhà bác Trực ngủ tạm đêm nay và cũng để đưa bà về núi. Trước khi đi, Ni Sư còn căn dặn cu Lợi là hễ có gì xảy ra thì lên chùa báo tin cho Ni Sư biết.

U thằng cu Lợi nằm yên. Một lúc sau đó thì bà ngủ. Cu Lợi mừng quá. Nó bưng cây đèn dầu lạc đi xuống bếp, định đi lấy gạo thổi cơm để dọn cho bác Tư, nhưng nó vừa xuống tới bếp thì bác Tư cũng đã theo xuống, Bác bảo rằng bác còn no lắm và cu Lợi chỉ cần nấu cơm đủ cho một mình nó ăn thôi. Nghe bác nói thế, Lợi không nấu cơm nữa. Nó đi lấy bát xúc cơm nguội còn lại trong nồi và xin phép bác Tư ngồi ăn ngay dưới bếp. Nó đem trả cá bống không mặn ra để ăn với cơm nguội. Bác Tư kê một chiếc đòn thấp rồi ngồi bên cạnh Cu Lợi. Bác nói:

- Cháu đừng lo. Bác nghe nói ông lang này giỏi lắm. Thế nào u cháu và em bé cũng được bình an. May quá, nếu không có Ni Sư trên chùa đích thân đi mời thì ông lang Ý Yên chẳng bao giờ bước chân tới nhà này đâu. Thế là nhà cháu có phúc lắm đấy con ạ.

Cu Lợi vừa ăn vừa nghĩ đến tiền thầy và tiền thuốc cho u nó. Như đoán biết được nó đang nghĩ gì, bác Tư lại nói:

- Mày đừng lo, cháu ạ. Ni Sư đích thân đi mời ông lang thì chắc chắn là Ni Sư sẽ chu toàn cho u con mày, mà có thể ông lang vì nể Ni Sư mà không lấy tiền chuyến này cũng không biết chừng. Cứ lạy Phật phù hộ cho u mày mạnh khỏe mẹ tròn con vuông là quý rồi. Thôi, mày ăn cơm đi. Tao lên ngủ một chốc, có gì thì gọi tao dậy nghe cu Lợi.

Cu Lợi đứng dậy định lấy đèn đưa bà Tư lên nhà trên nhưng bà đưa tay ra hiệu bảo không cần. Bà Tư lên rồi. Cu Lợi ngồi xuống tiếp tục ăn cơm. Nó gắp thêm một con cá bống để lên chén cơm. Trả cá này là do u nó kho, nhưng u nó chưa hề động đũa tới, những con cá bống trong trả đều do Cu Lợi câu được ở ngoài bờ sông. Nó nhớ tới buổi chiều hôm kia khi đang câu cá ở bờ sông thì Tuất tới tìm nó. Ni Sư Hương Nghiêm bảo Tuất đi tìm Lợi và gọi Lợi lên chùa để tập diễn lại cuối sự tích Phật tổ giáng sinh. Tuất đến nhà Lợi thì u Lợi nói Lợi đang câu cá ở bờ sông. Tuất ra bờ sông kiếm Lợi. Lúc đó giỏ cá của Lợi đã đầy tới nửa. Tuất tới nhìn vào giỏ cá mà phần lớn là cá bống rồi nói với Lợi:

- Anh Lợi ác lắm, những con cá này hiền lành có làm gì Lợi đâu mà anh Lợi lại bắt chúng lên để cho chúng chết?

Lợi ngước nhìn Tuất. Tuất mặc một chiếc áo cánh màu nâu non; tóc Tuất xõa chấm trên hai vai, khuôn mặt xinh đẹp của Tuất sáng rỡ trong ánh nắng chiều và hai mắt của Tuất đen láy. Lợi không biết trả lời Tuất ra sao. Nếu gặp một người khác hỏi nó câu đó thì nó trả lời được ngay. Nó sẽ trả lời rằng con người sinh ra đời phải ăn và phải uống, vì vậy mà từ xưa tới nay người ta đã làm ruộng, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà và câu cá. Trời sinh ra lúa gạo, lợn, gà, tôm, cá là để nuôi người. U Lợi đã từng nói với Lợi như vậy, và người lớn nào cũng sẽ trả lời như vậy, nhưng Lợi biết đối với Tuất nó không thể trả lời như thế. Tuất giống như một cành hoa đào mong manh, trả lời như thế cũng giống như một luồng gió mạnh tới thổi bay tất cả những cánh hoa đào mơn mởn. Tuất giống như một tờ giấy trắng tinh, trả lời như thế cũng giống như làm đổ nghiên mực vào tờ giấy. Lợi biết Tuất khờ dại ngây thơ nhưng trong thâm tâm nó không dám chê cười sự khờ dại ngây thơ đó. Trái lại, nó còn thấy cái khờ dại ngây thơ này như là một cái gì dịu hiền, trong trắng và đẹp đẻ. Có một cái gì nơi Tuất khiến nó nghĩ tới Ni Sư Hương Tràng. Ni Sư Hương Tràng thương yêu Tuất là phải, Lợi nghĩ như thế. Ni Sư là một người lớn, nhưng nơi bà, Lợi thấy có sự hồn nhiên ngây thơ của những đứa trẻ con như Tuất. Nó nghĩ có lẽ vì vậy mà nó yêu mến Ni Sư lạ lùng. Mỗi lần được ngồi nghe. Ni Sư nói chuyện nó thấy trong lòng ấm áp, và sung sướng lạ kỳ. Lợi đã gặp bao nhiêu người lớn, nhưng Lợi chưa bao giờ thấy được một người lớn tươi mát như Ni Sư Hương Tràng của nó. Cần câu trong tay Lợi chúi xuống nặng tay nó. Cá cắn câu. Nó giật lên. Một con cá bống lớn bằng ngón chân cái của nó đang dãy dụa loang loáng dưới ánh nắng chiều. Lợi chỉa thẳng cần câu lên trời để cho con cá xáp vào gần nó. Lợi đưa ta ra nắm lấy con các bống và gỡ miệng cá ra khỏi lưỡi câu. Lúc đó, Tuất cũng đã xáp lại gần. Tuất nói:

- Anh Lợi, anh cho Tuất con cá này đi.

Lợi nhìn Tuất hơi ngập ngừng nhưng cũng đưa con cá bống cho Tuất. Tuất nắm lấy con cá, nhìn vào cái hàm cá nhỏ xíu bị chiếc lưỡi câu làm cho bị thương gần như tọac ra. Nó xít xoa như chính nó bị đau. Rồi nó bảo:

- Tội nghiệp chưa, con cá đẹp thế này mà bị người ta móc lưỡi câu vào hàm rồi kéo lên. Bống ơi, chị thả bống xuống nước rôi bống bơi cho xa, đừng có trở lại loanh quanh ở bến này nữa nhé.

Tuất nói chính Tuất và con cá bống nghe nhưng Lợi có cảm tưởng như Tuất nói những lời này chỉ là để trách móc Lợi. Nó chưa biết nói sao thì Tuất đã thả con các bống xuống nước. Con cá lội đi rồi mà Tuất vẫn còn đưa tay khoác nước như muốn đuổi con cá đi cho thật xa. Tuất lau tay vào chéo chiếc áo cánh nâu non của nó rồi nói với Lợi:

- Thôi Tuất về nhé, anh Lợi. Anh nhớ lát nữa lên chùa, Ni Sư đợi anh đấy.

Rồi Tuất đi, Từ đó về sau, Lợi không câu được con cá nào nữa. Đầu óc ngẩn ngơ. Nó nghĩ lẩn thẩn rằng con cá bống mà Tuất thả xuống nước đã báo cho những con cá khác mà lìa xa khúc sông Lợi đang câu. Nó cuộn cần câu lại và xách giỏ cá về. Giao cá cho u, Lợi đi tắm, thay áo và lên chùa. Nó vừa đi vừa suy nghĩ đến Tuất và con cá bống. Con cá bống hồi nãy mà Tuất thả xuống sông có một liên hệ gì đó với con cá bống trong truyện Tấm Cám mà nó đã từng nghe u nó kể nhiều lần. Nó thấy Tuất là chị Tấm trong truyện và con cá bống sau này sẽ có thể làm cho Tuất trở nên một bà hoàng hay một bà chúa. Nghĩ tới đây lại thấy sự việc dính vào nhau rất lạ lùng. Ni Sư Hương Tràng của nó cũng là một bà chúa, và bây giờ bé Tuất theo Ni Sư học đạo rồi cũng sẽ trở nên một bà chúa. Hồi còn bố nó ở nhà nó đã từng nghe bố nó và u nó nói chuyện về Ni Sư Hương Tràng với một thái độ kính phục. Nó nghe nói Ni Sư là một bà chúa đi tu. Lúc ấy Lợi không thể tin rằng Ni Sư là một bà chúa được. Một bà chúa thì phải sang trọng như tiên, quần áo lượt là, luôn luôn có người hầu hạ hai bên, đi đâu cũng có kiệu rước và hai bên có lính hầu. Đằng này Ni Sư của nó lại sống rất đơn giản như bất cứ người nghèo nào ở trong làng. Ni Sư đi dép thật đấy, nhưng đó chỉ là dép cỏ. Áo Ni Sư mặc là áo nâu, một chiếc áo nâu đã cũ và màu cũng đã bạc. Vải áo là thứ vải gai thô sơ chứ cũng không được mịn màng như chiếc áo cánh nâu non của bé Tuất nữa. Nó không tin Ni Sư là bà chúa nhưng ở trong xóm nó hình như người lớn nào cũng nói Ni Sư là một bà chúa, em ruột của đức hoàng đế đương triều, nghĩa là em của vua. Cho đến một ngày nọ, cách đây chừng hai năm, nó mới tin. Hôm đó hai bố con Lợi đang loay hoay đào củ đậu ở đám vườn gần nhà bác Trực thì thấy có một đoàn người ngựa đến ngừng dưới chân núi. Từ trên chiếc xe song mã, có một người ăn mặc rất uy nghiêm bước xuống. Có những người lính hộ vệ cầm giáo đứng hai hàng để bảo vệ cho người ấy. Rồi lại có người đem kiệu ra để cho người mặc áo uy nghiêm kia ngồi lên. Rồi trong khi đám người ngựa chờ đợi ở chân núi, hai người khiêng kiệu bắt đầu leo lên đường núi. Lại có bốn người lính khiêng giáo đi theo hai bên để hộ vệ. Tất cả đều ăn mặc rất sặc sỡ và nghiêm chỉnh. Xe và kiệu cũng được trang hoàng vàng rực và đỏ chói. Hai bố con của Lợi không dám đến gần. Sau khi đào xong được hai gánh củ đậu, họ ghé lại nhà bác Trực xin nước uống và hỏi thăm. Bác Trực nói hồi nãy bác đã đem nước rối ra mời các bác lính hầu và đã được các bác này cho biết là hôm nay có ngài Huệ Võ Đại Vương từ trên kinh về thăm Ni Sư. Huệ Võ Đại Vương là anh ruột của Ni Sư Hương Tràng. Đại Vương và Ni Sư đều là em ruột của đức Kim Thượng tại vị. Ngài về làng nhưng không sứ về cho xã quan nên dân làng không ai được biết để ra nghinh đón.

Chiều hôm ấy, nghe bác Trực nói, Lợi bắt đầu tin rằng Ni Sư Hương Tràng là một bà chúa thực. Nó định bụng chiều hôm sau lên chùa nhìn lại Ni Sư cho kỹ để thấy cho thật rõ mặt mũi của một bà chúa. Hôm sau mới tới chân núi thì nó gặp Ni Sư đang đi xuống về phía vườn ương. Nó chắp hai tay chào bà, và nhận thấy rằng bà vẫn ân cần và đơn giản không khác gì mọi hôm, và chẳng có dấu hiệu nào nơi bà chứng tỏ vẻ cao sang của một bà chúa cả. Nó lại bắt đầu nghi ngờ trở lại. Rồi nó nghĩ rằng có lẽ bà là một bà chúa thật nhưng là một bà chúa núp trong thể xác của một Ni Sư, cũng như trong truyện cổ tích xưa có vị hoàng tử núp trong thân xác của một con cóc. Có thể là một hôm nào đó, Ni Sư của nó sẽ biến trở lại một bà chúa lộng lẫy và nó sẽ được mặc sức ngắm cho thỏa thích, nhưng Lợi lại thấy trong lòng e ngại. Nếu Ni Sư mà biến thành bà chúa thì chắc gì nó đã dám đến gần, và chưa chắc bà chúa đã chịu gọi nó để xoa đầu như thường lệ.

Một hôm cùng bé Tuất giúp Ni Sư mang giỏ tre trên núi xuống vườn ương, nó lấy hết can đảm lên tiếng hỏi Ni Sư xem bà có phải là một bà chúa không thì Ni Sư nói không. Ni Sư nói ngày xưa có lần Ni Sư đã là một bà chúa, nhưng bây giờ chỉ là một người thường như bất cứ ai ở trong xã Hổ Sơn.

- Tại sao làm một bà chúa sung sướng hơn mà Ni Sư không làm, lại đi làm một Ni Sư? Bé Tuất hỏi.

- Làm một bà chúa không sung sướng như các con tưởng đâu, Ni Sư trả lời. Bây giờ Ni Sư sung sướng hơn hồi còn làm bà chúa nhiều. Nếu Ni Sư là một bà chúa thì Ni Sư đâu được đi trên con đường núi này với hai con. Làm bà chúa cực lắm các con ạ. Nội một việc chải tóc, mặc áo và đi giày cũng đủ mệt rồi, đừng nói tới những việc khác.

Cu Lợi vẫn chưa quên được chuyện con cá bống hồi nãy. Ngày xưa nhờ con cá bống mà chị Tấm từ một cô gái quê đã trở thành một bà chúa. Biết đâu con các bống của Tuất một ngày nào đó cũng đã làm cho Tuất trở nên một bà chúa như chị Tấm trong truyện cổ tích. Lợi nhớ có lần Ni Sư Hương Tràng kể cho bọn Lợi nghe một truyện Tấm Cám hơi khác với truyện Tấm Cám mà u Lợi thường kể. Đó là chuyện hoàng hậu Ỷ Lan. Ni Sư nói rằng chuyện hoàng hậu Ỷ Lan là chuyện có thật. Hồi bé hoàng hậu chỉ là một cô bé nhà quê tên là Tấm. Tấm lớn lên hái dâu và chăn tằm rất giỏi. Quê Tấm là làng Thổ Lỗi ở tỉnh Bắc Ninh. Tấm cũng xinh đẹp (có lẽ cũng xinh đẹp như Tuất, Lợi nghĩ thầm). Tấm cũng có một đứa em cùng cha khác mẹ tên là Cám. Cám cũng lén bắt con cá bống của Tấm nuôi ở giếng ăn thịt rồi chôn dấu xương cá đi. Bụt cũng hiện ra bảo Tấm đi tìm xương cá bống rồi đem chôn ở chân giường. Tấm chôn xương bống được một trăm ngày thì đào lên và tìm thấy một đôi hài rất đẹp. Tấm ướm thử hài vào chân thì thấy rất vừa. Thấy đôi hài hơi ấm, Tấm đem phơi nắng. Có một con qụa thần sà xuống xớt một chiếc hài và đem thả vào cung vua Lý Thánh Tông. Vua thấy hài đẹp truyền lịnh cho các cô gái trong nước tới ướm hài. Tấm bận hái dâu nuôi tằm không trẩy kinh như tất cả các cô gái khác. Trong nước, không ai ướm hài vừa chân. Mùa xuân năm Qúy Mão vua ngự giá đi lễ Phật ở chùa Dâu. Kiệu vua đi tới đâu dân chúng mở hội tưng bừng tiếp rước tới đó. Trai gái già trẻ đều mặc áo đẹp ra đứng hai bên đưòng vua đi. Khi ngự giá đi ngang qua làng Thổ Lỗi, ngồi trên kiệu cao vua trông thấy một cô gái đang hái dâu ngoài ruộng mà không ra đón vua. Vua truyền ngừng kiệu ại, cho vời cô gái đến, và hỏi tại sao. Cô gái ấy là Tấm. Tấm thưa với vua là nhà cô nghèo, cô phải làm lụng để nuôi gia đình cho nên không có thì giờ để vui chơi. Vua thấy Tấm xinh đẹp, ăn nói lễ phép và dịu dàng, liền đem lòng thương yêu. Ngài hỏi Tấm đã trẩy kinh ướm hài chưa, rồi ra lệnh cho Tấm phải xin phép theo vua về kinh mà ướm hài. Tấm trở nên một bà chúa và vua đặt tên cho Tấm là Nguyên Phi Ỷ Lan. Vua xây cung Ỷ Lan cho Tấm ở và rước thầy về dạy cho Tấm học. Sau này Tấm sinh một hoàng tử Kiền Đức sau trở thành vua Lý Nhân Tông. Tấm làm bà chúa nhưng vẫn đảm đương chịu khó như khi ở với gia đình. Tấm giúp vua trị nước, sửa sang triều chính, chấn hưng nền kinh tế và mở mang việc học hành. Tuy làm một bà chúa nhưng Tấm không quên đời sống cơ cực miền quê. Ngày xưa trong làng Tấm có người hay đi trộm trâu ăn thịt làm cho nhiều nhà nghèo mất cả trâu cày, không làm ăn gì được. Tấm tâu với vua xin trừng phạt những người ăn trộm trâu. Tấm còn xin vua giúp đỡ dân nghèo, bỏ tiền ra mua chuộc những người nghèo khó đã đem thân gán nợ cho các nhà giàu. Con gái, con trai bị bán cho nhà giàu từ đó được vua chuộc về và họ còn được dựng vợ gã chồng cho nữa. Tấm là người có lòng nhân từ rất lớn. Người trong nước, ai ai cũng yêu mến Tấm và ca ngợi công đức của Tấm. Họ gọi Tấm là Quan Âm Nữ, nghĩa là con gái của đức Bồ Tát Quan Thế Âm, vì nhân từ như thế nên Tấm không làm việc gì thất đức. Tấm không giống với cô Tấm trong truyện Tấm Cám mà u Lợi thường kể. Em của Tấm ngày xưa có ăn thịt con bống của Tấm thật đấy, nhưng Tấm vẫn tha thứ cho em, và bà dì của Tấm cũng không bị Tấm thù ghét. Trái lại cả hai đều được Tấm cải hóa thành người tốt.

Bọn cu Lợi rất ưa câu truyện Tấm Cám này. Ni Sư đã nói truyện có thật thì chắc là truyện có thật. Chẳng bao giờ Ni Sư lại nói dối bọn Lợi đâu. Có lần Ni Sư đưa cho bọn Lợi xem một cuốn sách mà Ni Sư nói vài ba năm nữa bọn Lợi có thể đọc được. Cuốn sách nói về cuộc đời của hoàng hậu Ỷ Lan, tức là của Tấm. Tên sách là Lý Triều Đệ Tam Hoàng Hậu Sự Tích. Chính Lợi đã đọc được trọn cái tên sách ở ngoài bìa. Lợi rất mong đến ngày có thể đọc được trọn cuốn sách này. Nó tự nguyện là sẽ cố gắng học cho mau giỏi. Tấm là bà chúa mà còn học, huống gì mình. Nghĩ lại, nó thấy sở dĩ bọn nhà nghèo mà được đi học là cũng nhờ có Ni Sư Hương Tràng. Trong xã Hổ Sơn từ trước đến nay, chỉ có bọn con nhà giàu mới được đi học. Bọn thằng Kim, thằng Tuấn chẳng bao giờ xem Lợi ra gì. Trong khi Lợi phải đi chăn trâu, đào khoai và bắt ốc thì bọn nó cắp sắch đến trường. Ngoài thì giờ đi học, chúng chỉ biết đi chơi. Ấy thế mà rồi cuối cùng Lợi cũng được học như chúng. Nó đã học xong các sách Tam Tự Kinh, Ấu Học Ngũ Môn Nôn Thi, Sơ Học Vấn Tân và bây giờ đang bắt đầu học sách Minh Tâm Bảo Giám. Năm nay, nó không có thì giờ nhiều để học bài như năm ngoái. Từ ngày bố nó chết trận bên xứ Chiêm, nó phải thay bó làm bao nhiêu là công việc. Nó là người đàn ông duy nhất trong gia đình và nó phải lo mọi chuyện. U nó lại sắp sinh em bé. Không biết u nó sinh con giai hay con gái. Lợi thầm ước u nó sinh cho nó một đứa em gái thùy mị và xinh đẹp như Tuất. Nó sẽ nói với u nó đặt tên em là Tấm. Nó sẽ bắt một con cá bống cho em nó nuôi. Và biết đâu em nó không trở thành bà chúa như cô Tấm ngày xưa. Có thể là Tuất và em Tấm của nó cả hai đứa sau này đều trở nên những bà chúa.

Lợi bỗng nhận ra rằng chị Tấm ngày xưa đã từ một cô gái quê trở nên một bà chúa, còn Ni Sư Hương Tràng của nó, ngược lại, đã từ một bà chuá mà trở nên một người dân thường sống chung với những người dân thường khác như nó và như bé Tuất. Nghĩ tới đó, Lợi cảm thấy ấm áp trong lòng. Hình bóng của Ni Sư và của bé Tuất hiện ra êm dịu trong lòng cậu bé. Lợi nghĩ tới cả hai người với một thứ tình cảm trìu mến, một thứ cảm tình mà nó cảm thấy mới mẻ và tươi mát. Không có Ni Sư thì Lợi đã không có dịp gặp gỡ và quen biết Tuất. Lợi cũng biết sở dĩ hồi chiều, Tuất trách cứ nó ác cũng vì Tuất có cảm tình với Lợi. Rất ít khi nó gần gũi Tuất và nói chuyện với Tuất nhưng nó nghĩ thật nhiều đến Tuất. Tuất có mặt trong lòng nó như một con bươm bướm duy nhất có mặt trong vườn hoa cải phía sau vườn nó. Nó muốn tới gần con bướm nhưng nó không dám vì nó sợ con bướm bay đi. Có khi nó thấy hình bóng dịu dàng và tươi sáng của Tuất lẫn vào với hình bóng của Ni Sư. Tuất hiền hơn nó. Tuất không câu cá. Tuất không giết bất cứ một con vật nào dù đó là một con ốc hay một con sâu. Tuất ăn chay trường theo các Ni Sư. Có lần trong vuờn ương, Lợi nghe Tuất nó chuyện với cây hoa hải đường, làm như cây hải đường là một đứa bé biết nghe và biết hiểu. Lúc đó, Lợi cho Tuất là "chơi trò trẻ con", nhưng mà một hôm khác, nó bắt gặp Ni Sư Hương Tràng vừa rửa lá cho một cây hoa trà mi vừa nói chuyện với cây hoa trà ấy. Bà nâng niu chăm sóc cây trà mi như chăm sóc cho một đứa trẻ. Lần này Lợi không dám nghĩ là Ni Sư "chơi trò trẻ con", nhưng nó cho rằng Ni Sư nói chuyện với cây là vô ích, bởi vì cây cối làm gì hiểu được tiếng người. Vừa lúc đó Ni Sư ngước lên. Thấy vẻ mặt của Lợi bà hiểu nó nghĩ gì và bà mỉm cười. Bà nói:

- Con đừng tưởng các loài cây cối không hiểu được tiếng người và không phải là chúng không biết nói. Cây cối nói bằng lá bằng hoa của chúng, nếu ta tinh ý thì ta có thể biết là chúng nói gì. Cây cối cũng biết đau buồn và mừng vui. Con xem cây cây hoa trà này giỏi lắm. Nó biết làm ra những bông hoa màu đỏ thật đấy và thật đẹp. Nếu ta thương yêu nó, nó cũng biết thương yêu lại ta.

Lợi rất yêu kính Ni Sư, và nó tuân theo mọi lời chỉ dạy của bà. Nhưng nó vẫn có cảm tưởng là nó không gần gũi với Ni Sư bằng Tuất. Ngồi trong vườn ương với Tuất và Ni Sư, nó có cảm tưởng là Ni Sư và Tuất đang ngồi hẳn trong vườn ương, còn nó thì như là có chân đặt trong vườn ương còn một chân khác thì còn đặt ở ngoài vườn ương. Cảm giác đó làm Lợi không hoàn toàn sung sướng. Chợt Lợi nghĩ rằng nó không muốn Tuất trở nên một bà chúa nữa. Tuất mà trở nên một bà chúa thì Lợi sẽ không bao giờ được gặp Tuất. Không bao giờ nó được cùng Tuất khiêng giỏ tre đi bên cạnh Ni Sư trên con đường xuống núi hoặc cùng ngồi trong vườn ương. Lợi ước mong cho con các bống của Tuất đừng bị ai ăn thịt. Nó tự hứa 1à từ nay sẽ không câu cá bống nữa. Rủi mà câu được cá bống, nó sẽ gỡ cá ra khỏi lưỡi câu và liệng cá trở lại trong dòng nước. Nó muốn Ni Sư mãi mãi còn là Ni Sư, đừng bao giờ trở lại thành một bà chúa, và nó cũng muốn Tuất mãi mãi còn là Tuất. Nó cũng không còn mong em nó trở nên một bà chúa như có lần nó đã ước mong. Ni Sư của nó tuy không còn là một bà chúa sống trong cung điện rực rỡ như hoàng hậu Ỷ Lan ngày xưa nhưng bà vẫn là chỗ nương tựa cho bao nhiêu người, như nó và u nó. Không có Ni Sư thì hồi hôm làm sao u nó qua khỏi cơn đau. Ni Sư đã đi suốt một buổi chiều để mời ông lang Ý Yên về cho u nó. Chắc là Ni Sư mỏi chân lắm.

Bỗng Lợi nghe có tiếng rên la trên nhà và tiếng bà Tư gọi nó. Nồi cơm đã cạn, nồi nước đang sôi sùng sục từ bao giờ mà cu Lợi vẫn không biết. Trời đã sáng; nó vội dụi tắt nắm rơm đang cháy dưới nồi và chạy lên nhà. Trên chiếc chõng tre, u nó đang rên la, tay bà nắm chặt lấy thành chõng, mồ hôi ướt dầm cả mặt. Bà Tư đang lấy tay luồn vào dưới áo để thăm bụng cho u nó. Bà bảo Lợi:

- Đến giờ rồi, cháu đem củi gộc mà đốt đi để nhóm lửa cho u cháu sưởi. Đem ra ngoài sân mà đốt. Khi nào gần hết khói thì hẳn mang vào đây để mà un trấu.

Nhìn u đang quằn quại trên chõng, Lợi hỏi bà Tư:

- Liệu u cháu có sao không hở bác?

- Không sao đâu, cháu cứ an tâm đi đốt củi đi. Đau đẻ thường ấy mà cháu.

Lợi khiêng củi gộc ra sân và vào bếp lấy rơm ra làm mồi đốt. Nó làm công việc rất nhanh. Khói bốc lên cuồn cuộn. Một lát sau, nó nghe tiếng rên la gần như thất thanh của u nó. Lợi sợ quá chạy vào. Vừa mới đến cửa nó liền bị bà Tư đuổi ra:

- Mày ra ngoài sân mà đứng, không được vào đây. Chừng nào tao kêu mới được vào. Ra ngay đi!

Lợi miễn cưỡng chạy ra sân. Lòng nó như lửa đốt. Nó thầm niệm đức Bồ Tát Quan Âm gia hộ cho u nó tai qua nạn khỏi. Nó nóng ruột quá, nếu xảy chuyện gì thì nó biết làm sao. Nó là con trai, là đàn ông, là chủ gia đình. Có chuyện gì thì nó phải gánh hết. Nếu có Ni Sư Hương Tràng ở đây thì nó đâu đến nổi hoảng sợ thế này. Ý định chạy lên chùa báo tin cho Ni Sư thoáng qua trong trí óc nó. Hồi hôm, Ni Sư đã chẳng dặn nó có chuyện gì thì chạy lên bảo cho Ni Sư biết là gì. Tuy nhiên nó ngần ngừ không dám quyết định. Có thể bà Tư cần đến nó để chạy những việc gấp khác. Từ đây lên tới chùa xa lắm, đón được Ni Sư về thì đã hết buổi, không kịp đâu.

Bỗng Lợi nghe có tiếng chuông chùa vọng lại xem lẫn với tiếng trống. Giờ này trên chùa lễ Phật Đản đã bắt đầu cử hành. Ni Sư chắc đang mặc y vàng hành lễ với Ni Sư khác. Dân chúng tụ họp trên chùa chắc đông lắm. Bọn thằng Khải, con Tuất hiện giờ đều có mặt trên đó. Bây giờ là giờ đức Phật ra đời. Lợi bỗng nghe tiếng tiếng con nít khóc oe oe. Nó ngạc nhiên, nhưng một ý nghĩ vụt qua đầu nó, nhanh như một tia chớp giật. U nó sinh em bé rồi! Nó muốn chạy ngay vào, nhưng lại sợ bà Tư đuổi ra. Tiếng khóc vẫn rành rẽ. Nó lên tiếng gọi lớn:

- Con vào được chưa, thưa bác?

- Mày vào được rồi. Có tiếng bà Tư trả lời.

Lợi chạy ùa vào nhà. Nó nhìn lên chõng. U nó đang nhìn nó mỉm cười. Một nụ cười yếu ớt. Bên cạnh u, em bé được quấn trong một cái áo cũ của bố nó. Bà Tư đang gói một gói gì đó. Bà bỏ cái gói này vào trong một chiếc nồi đất mới, còn đỏ au. Bà nhìn Lợi, bảo:

- Nhà cháu có phúc lắm đấy, cu Lợi ạ. U mày vừa mới sinh cho mày một đứa em giai. Mày ngồi đó với u, để tao đi ra tìm chỗ chôn cái nồi này đã. Nó nhìn em bé. Đứa bé đã hết khóc. Nó ngủ. Lợi nói với u:

- Thằng bé này kháu lắm u a. U đã định đặt nó là gì chưa, hả u?

U nó trả lời bằng một giọng còn yếu nhưng đầy hạnh phúc:

- Chưa con ạ. Bác Tư bảo có thể đặt tên nó là thằng Đa, nhưng u nghĩ để nhờ Ni Sư đặt tên nó. Tạm thời mình hãy gọi là thằng cu Em.

Lợi nhìn u, ái ngại:

- Chắc là u mệt lắm và đói bụng lắm. Để con xuống xới một bát cơm nóng đem lên cho u nó ăn nhé. Có cá bống kho, ăn với cơm ngon lắm.

Vừa lúc ấy, bà Tư trở vào. Nghe Lợi nói thế, bà bảo:

- Phải chưng nước mắm cho u mày ăn với cơm. Vài ba bữa nữa mới được ăn cá bống.

Lợi định đi xuống bếp nhưng bà Tư ngăn lại:

- Để bác lo cho. Bây giờ con thay áo và lên chùa báo cho Ni Sư biết để Ni Sư mừng. Cứ đi đi. Củi gộc lát nữa bác sẽ mang vào nhà và un trấu sau.

Lợi còn đang lưỡng lự thì u nó nói:

- Phải đấy con ạ. Con lên chùa báo cho Ni Sư biết đi. Nhớ rửa tay rửa mặt và thay áo trước khi đi, con nhé.

Cu Lợi vâng lời u. Nó đi ra phía sau bếp, cởi áo quần rồi múc nước mưa trong chum xối lên đầu ào ào để tắm. Xong nó vào thay áo cánh và quần cộc, chào u nó và bà Tư rồi đi ra ngõ.

Tiếng chuông chùa vẫn khoai thai rành rọt điểm từng tiếng một. Lợi nghe như có tiếng nhiều người tụng kinh. Làm sao từ đây mà nghe được tiếng tụng kinh, chắc là trí óc mình tưởng ra như vậy đó thôi, Lợi thầm nghĩ. Nó mong đi mau cho tới chùa. Nhưng con đường khá xa, còn phải leo trèo khá lâu mới tới chùa được. Vừa đi, nó vừa nghĩ tới u nó, tới em bé mới sinh, tới Tuất, và tới Ni Sư. Đó là những người mà nó yêu mến nhất trên đời này. Bố nó đã chết. Nó chỉ còn lại những người đó. Nó thầm niệm đức Bồ Tát Quan Thế Âm để cho những người đó đừng bao giờ ốm đau hoặc gặp phải những tai nạn khác.

Lợi đến chùa khi buổi tụng kinh vừa chấm dứt và các Ni Sư đang rút lui vào hậu liêu vài phút trước khi ra làm lễ tắm Phật. Người đâu mà đông thế. Có lẽ tất cả dân làng Hổ Sơn đều có mặt trên núi này. Ai cũng mặc áo quần tươm tất. Chỉ có nó là ăn mặc đơn sơ nghèo nàn. Lợi đợi Ni Sư ở bên ngoài liêu xá. Kìa Ni Sư đã trở ra. Bà khoác một chiếc y vàng ngoài cái áo nâu thường ngày. Thấy vẻ mặt của nó, Ni Sư không cần hỏi cũng hiểu cái gì vừa xảy ra. Nó đến gần Ni Sư chắp hai tay và cúi đầu xuống. Ni Sư hỏi:

- U con sinh con trai hay con gái?

- Bạch Ni Sư, u con sinh con trai.

Ni Sư không hỏi thêm gì nữa. Bà bảo Lợi đi theo bà qua vườn cảnh của chùa, nơi đó lát nữa sẽ cử hành lễ tắm Phật. Bọn con Tuất, con Thìn, thằng Thông đã chuẩn bị sẵn sàng để sau khi các Ni Sư tụng kinh sau thì diễn tích Đản Sinh. Già trẻ lớn bé bao quanh hồ nước thành không biết bao nhiêu từng lớp, trẻ con đứng trước, người lớn đứng sau. Mọi người rẽ lối cho các Ni Sư đi vào. Lợi đi với Ni Sư Hương Tràng nên nó len theo được vào giữa một cách dễ dàng. Mọi người chắp tay hướng về phía đức Phật sơ sinh. Ni Sư Tĩnh Quang xướng bài Khai Kinh Kệ rồi hướng dẫn mọi người tụng Kim Quang Minh Kinh. Tuy là một buổi tụng kinh trang nghiêm nhưng không khí hôm nay còn vui hơn cả một ngày hội. Tiếng tụng kinh cao vút. Tụng Kim Quanh Minh xong. Ni Sư tụng đến bài Tam Tự Quy rồi đến bài Hồi Hướng. Bài Hồi Hướng vừa chấm dứt thì các lồng chim được mở ra và hàng trăm con chim tung cánh bay lên giữa tiếng hò reo của mọi người. Có tiếng Ni Sư Tĩnh Quang hô lên: "Trần Triều Đương Kim Hoàng Đế Vạn Tuế". Tất cả thiện nam tín nữ đều hô lên "Vạn Tuế", để đáp lại. Ni Sư lại hô "Đại Việt quốc dân vạn tuế". Mọi người lại hô lên "Vạn Tuế" để đáp lại. Tiếng hò reo vang dội cả núi. "Phục nguyện quốc thái dân an, tứ phương bình định can qua, pháp giới chúng sinh tình dữ vô tình, đồng thành Phật đạo". Ni Sư Tĩnh Quang đọc xong lời Phục Nguyện thì tiếng niệm "Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật" của quần chúng cũng vang vọng lên trong một niềm phấn khởi mà Lợi chưa từng thấy bao giờ. Lợi ngước mắt nhìn những con chim vỗ cánh bay lên trời xanh. Có những con chim chưa chịu bay xa cứ luẩn quẩn trên những cành cây gần đó. Lợi biết là tất cả những con chim này đều đã được làm lễ quy y Tam Bảo hồi sáng nay. Lợi mừng cho chúng. Lợi mải miết nhìn đàn chim bay lên không chán mắt. Nó mơ ước trở thành một con chim bay liệng trên không để nhìn xuống đám người đang dự lễ Đản Sinh. Bỗng nó nghe giọng Ni Sư Hương Nghiêm vọng lên rõ ràng và rành mạch từng tiếng:

- Đêm ấy, hoàng hậu Ma Gia mộng thấy một điềm lành. Bà thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên trời đi xuống và nhẹ nhàng chui vào hông bà. Sáng dậy bà thuật lại giấc mộng cho vua Tịnh Phạn nghe ...

Thì ra cuộc diễn tích đã bắt đầu. Lợi nhìn xuống. Khoác trên mình một tấm lụa, bé Tuất đang đóng vai hoàng hậu Ma Gia. Lợi chăm chú nhìn và theo dõi. Bé Tuất đóng vai hoàng hậu Ma Gia rất khéo. Thằng Chí đóng vai vua Tịnh phạn cũng hay. Vua Tịnh Phạn cho người vời những ông thầy đoán mộng vào cung. Người ta đoán rằng hoàng hậu sẽ hạ sinh một hoàng nam. Hoàng nam sẽ trở nên hoặc một vị Chuyển Luân Thánh Vương hoặc một đức Phật. Bây giờ đây, hoàng hậu đang ngự chơi trong vườn Lâm Tì Ni, có cái Thơm và cái Uyên làm thị nữ theo hầu. Kìa hoàng hậu đang vịn vào một nhánh cây đầy hoa và nghiêng mình xuống. Cái Uyên quỳ xuống đỡ ngang hông hoàng hậu và nâng lên một đức Phật sơ sinh. Đó là một cái bắp hoa chuối non. Cái Uyên bọc đức Phật sơ sinh trong một tấm vải lụa vàng. Tất cả bọn trẻ đồng thời lên bài "Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư" theo điệu Đăng Đàn Cung. Cái Uyên nâng thái tử Tất Đạt Đa trong tư thế ấy cho đến khi bài hát chấm dứt. Nó quỳ xuống trước mặt hoàng hậu, dâng thái tử lên. Trong khi đó bọn thằng Trâm, thằng Nguyên, thằng Quyền làm vua rồng phun nước xuống tắm cho đức Phật sơ sinh. Chúng nó làm khéo quá. Những vòi nước từ phía sau hòn non bộ phun ra rơi xuống đúng vào đức Phật sơ sinh trên tai cái Uyên, trong khi tất cả các đứa khác đang đóng vai chư thiên ca hát và tung hoa mừng thái tử ra đời. Tiếng hát sáng tươi ấm áp như mặt trời mùa xuân: "Nhạc trời trổi dậy, hoa tung đầy đất: chào mừng đức Phật, chư thiên hát vang ...". Bây giờ đây thì đoàn thị nữ đang bảo vệ hoàng hậu và thái tử về cung.

Nhìn ra phía sau hòn non bộ, Lợi thấy bóng thằng Thông đang ướm bộ râu lá chuối vào cằm. Vai Thông khoác một tấm vải nâu. Nó sắp đóng vai đạo sĩ A Tư Đà. Một ý nghĩa thoáng qua đầu Lợi. Nó rời chỗ đứng của mình, chạy quặt ra phía sau non bộ. Nó đưa tay gỡ bộ râu lá chuối. Hiểu ý, thằng Thông lấy ngay tấm vải choàng lên lưng nó và khoác lên vai Lợi, rồi dúi chiếc gậy tre vào tay nó. Vừa lúc đó quân hầu vào báo với vua Tịnh Phạn là ông tiên A Tư Đà từ trên núi Tuyết đi xuống, muốn vào bệ kiến để xem tướng cho thái tử.

- Truyền mời ông tiên A Tư Đà vào, thằng Chí dõng dạc ra lịnh. Từ phía bên kia ngọn giả sơn, cu Lợi chống gậy bước ra, lưng còm xuống dưới tuổi tác của nó. Ông tiên A Tư Đà chầm chậm tiến tới trước thái tử và hấp háy nhìn bằng hai con mắt đã lèm nhèm của ông. Chợt ông bật khóc nức nở, chiếc gậy ông rung rung. Vua Tịnh Phạn hoảng hốt hỏi:

- Tại sao, tại sao đạo sĩ lại khóc như thế? Có tai nạn gì xảy đến cho thái tử đây không?

Cu Lợi khóc nức nở thêm một hồi nữa rồi mới ngước đầu lên, đưa cánh tay trái dịu mắt trong lúc lưng nó vẫn còng và thân hình nó dựa hẳn lên trên chiếc gậy đạo sĩ, Nó nói bằng một giọng khàn khàn rất hay:

- Tâu bệ hạ, bần đạo khóc là khóc cho bần đạo chớ không phải khóc vì thái tử. Bần đạo đã già rồi, sẽ chết trước khi thái tử lớn lên và thành Phật. Tâu bệ hạ, thái tử sẽ trở thành một đức Phật Như Lai...

Lợi còn nói nữa, nhưng nó phải ngừng lại để chùi thêm nước mắt một lần nữa. Trong khi nghiêng đầu lấy cánh tay chùi hai con mắt ráo hoảng của nó, Lợi thoáng thấy dáng Ni Sư Hương Tràng. Ni Sư đang nhìn nó. Nó thấy rõ ràng là miệng Ni Sư đang mỉm một nụ cười.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/03/2011(Xem: 5567)
Cuối 1973, tuy xuất gia đã 10 năm, tương chao đã thấm tận vào máu tủy, lại chuẩn bị làm sinh viên Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, chúng tôi đúng tuổi phải bị VNCH gọi động viên phải đi lính [ai xúi Thiệu ra lệnh TT Đạm hăm ngưng cấp hoãn dịch tu sỹ?] Chính thời điểm 1973-4 lúc ĐĐ Liễu Minh nói bài nầy, ngài 40 tuổi, trong tinh thần lên án chống lại chế độ VNCH khi họ rục rịch ban hành Luật Tổng Động Viên, không cho ai được hoãn dịch kể cả Tu sỹ PG.
01/01/2011(Xem: 5153)
Hôm nay là 30-4, ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm ngoái, anh đã có một bài trò chuyện với VietnamNet. Năm nay, chúng tôi cũng mời anh tiếp tục chuyện trò như thế, không phải vì một mục tiêu chính trị nào, mà để góp phần vào việc nghiên cứu nghiêm túc các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam cũ, nghiên cứu sử hiện đại. Đề nghị anh nói về phong trào Phật giáo, tuy biết anh rất ngần ngại. Tại sao anh ngần ngại?
25/12/2010(Xem: 9484)
Phật giáo là một tôn giáo được đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TCN. Do đạo Phật được truyền đi trong một hơn hay 2500 năm và lan ra nhiều nơi cho nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của nó khá đa dạng về các bộ phái cũng như là các nghi thức và phương pháp tu học. Ngay từ buổi đầu, đức Thích Ca, người truyền đạo Phật, đã thiết lập được một giáo hội với các luật lệ hoạt động chặt chẽ của nó. Nhờ vào sự uyển chuyển của giáo pháp, đạo Phật có thể thích nghi với các hoàn cảnh chế độ xã hội, con người, và tập tục ở các thời kỳ khác nhau, nên ngày nay Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển ngay cả trong các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ và Tây Âu.
24/12/2010(Xem: 5289)
Phật giáo Việt-Nam trải qua nhiều bước thăng trầm. Đời Lý, Trần Phật giáo cực thịnh, là quốc đạo. Triều Lê Phật giáo bắt đầu suy vi. Đến triều Nguyễn Phật giáo sa sút, mất hẳn vị trí trong chính trị văn hóa và xã hội ở Việt-Nam.
24/12/2010(Xem: 6345)
Nếu ta dở bản đồ thế giới, ta sẽ thấy Á Châu chiếm một vùng đất mênh mông hình mặt trăng lưỡi liềm, hai đầu chỉa về hướng bắc, vòng trong đi theo duyên hải Biển Bắc Cực của xứ Scandinavia và Tây Bá Lợi Á. Vòng ngoài từ đông sang tây là bờ biển Thái Bình Dương Tây Bá Lợi Á qua Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, bán đảo lục địa Ấn Độ, Iran, Tiểu Tế Á đến Âu Châu. Giáp ranh vòng ngoài của mặt trăng lưỡi liềm ấy, tại nhiều nơi, nhưng đứng ngoài, ta thấy các nước Ả Rập, Phi Châu và Mỹ Châu.
18/12/2010(Xem: 17123)
Từ thơ ấu, Tuệ Trung đã được khen là thông minh và dịu dàng. Giữ chức Thống Đốc Hồng Lô (bây giờ là tỉnh Hải Dương), ngài đã hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lược, và được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.
14/12/2010(Xem: 19093)
Để hiểu Đạo Phật là gì? Ta hãy gạt mọi thiên kiến chỉ cần tìm sâu vào nguồn giáo lý cao đẹp ấy, một nền giáo lý xây dựng trên sự thật để tìm hiểu sự thật, do đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
25/11/2010(Xem: 26679)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
15/11/2010(Xem: 7412)
Năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, bắt đầu thời kì tự chủ tiến tới xây dựng nền độc lập cho nước ta. Tuy nhiên tinh thần độc lập của nước Việt không phải bắt đầu từ sau chiến thắng ấy, mà nó đã tồn tại trong suốt thời gian Bắc thuộc, được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa của bà Trưng, bà Triệu cho đến Phùng Hưng, rõ ràng tinh thần quyết dành độc lập của dân Việt luôn được nuôi dưỡng, chắn chắn đó là đề tài luôn được người dân Việt bàn bạc sau lũy tre làng, trên những cánh đồng hay trong những câu chuyện đêm đêm bên bếp lửa. Tuy nhiên do chưa có một nhà nước để thống nhất các lực lượng, nên đã có nhiều nhóm hoạt động chứ không phải chỉ có phe nhóm của Ngô Quyền,
06/11/2010(Xem: 12121)
Ngày20 tháng tư nhuận năm Quí Mão(11/6/1963) trong một cuộc diễnhành của trên 800 vị Thượng Tọa, Ðại đức Tăng, Ni đểtranh đấu cho chính sách bình đẳng Tôn giáo, cho lá cờ quốctế không bị triệt hạ: tại ngã tư đường Phan Ðình Phùng,Lê Văn Duyệt ( Sài Gòn), lúc 9 giờ sáng, Hòa Thượng QuảngÐức phát nguyện tự tay châm lửa thiêu thân làm ngọn đuốc“ thức tỉnh” những ai manh tâm phá hoại Phật giáo. Dướiđây là tiếng nói tâm huyết cuối cùng của Ngài gửi lạicho đời.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]