Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Báo Thiên Và Tháp Đại Thắng Tư Thiên

13/06/201107:23(Xem: 4128)
Chùa Báo Thiên Và Tháp Đại Thắng Tư Thiên



CHÙA BÁO THIÊN VÀ THÁP ĐẠI THẮNG TƯ THIÊN

Nguyễn Quốc Tuấn

Chùa Báo Thiên và tháp Đại Thắng Tư Thiên là do vua Lý Thánh Tông đứng ra chủ trì việc xây dựng. Nói cách khác là do nhà nước đứng ra làm “chủ đầu tư” theo cách nói hiện nay. Chùa và tháp là hai biểu tượng của Phật giáo, nhưng do là một người theo Phật, vua đã cho xây chùa năm 1056 và dựng tháp năm 1057.

1. Về vua Lý Thánh Tông, người chủ trì xây dựng tháp

Tháp Đại Thắng Tư Thiên - Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông (1023-1072), vị vua thứ ba của triều Lý chủ trì xây dựng. Vua Lý Thánh Tông là người như thế nào, xin đọc trích đoạn trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Thương xót hình ngục, yêu thương nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tôn lo rằng tù giam trong ngục, hoặc có kẻ không có tội, nhân đói rét mà đến chết, thì cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi cho sống; lo rằng quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, thì cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn, để nhà được giàu đủ; lo rằng nhân dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông; lo rằng năm đại hạn đói kém thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo; trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ pháp độ, văn sự bên trong tiến mau chóng; phía Nam bình nước Chiêm; phía Bắc đánh nước Tống, uy vũ bên ngoài hiển hách rõ ràng. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác, cũng vẫn là bậc vua hiền. Hoặc có người bảo là vua nhân nhu có thừa mà cương đoán không đủ, ngụ ý chưa cho là phải” (tr. 234).

Lời bàn của sử quan Ngô Sĩ Liên vào thế kỷ 15 là kết quả của những sử kiện mà nhà làm sử trước ông đã ghi trong một số bộ sử từ thời Trần sẽ cũng dẫn trong bài này, cho thấy vua là người đặt căn bản cai trị trên lòng từ bi của giáo pháp đức Phật.

Có ba sự kiện quan trọng nhất đương thời vua thực hiện là:

- Đánh sang Khâm Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) của triều Tống năm 1059;

- Đánh Chiêm Thành, bắt vua Chế Củ và 5 vạn người Chiêm năm 1069, đất đai nước ta mở xuống đến địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay;

- Lập Văn Miếu, Hoàng thái tử đến đây để học năm 1070. (Hành động này chứng tỏ vua Lý Thánh Tông dù là một Phật tử thuần thành, nhưng là người đã có ý thức cao về việc đào tạo người tài và người có năng lực quản trị cho nhà nước và quốc gia, điều đó chứng minh cho một nền Phật giáo khai phóng trong thời Lý và được tiếp nối trong thời Trần).

Là một Phật tử thuần thành: nhà vua là truyền phái thế hệ thứ nhất của dòng Phật Thảo Đường, cùng với nhà sư Bát Nhã nổi tiếng và cư sĩ Ngô Xá, và nhờ thế, nhà vua cũng đồng thời là một vị quân vương sáng suốt, nhưng đầy lòng từ bi của Phật giáo. Hãy xem sử chép:

Mùa hạ, tháng 4, vua ngự điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta, cũng như lòng ta làm cha mẹ dân, nhân dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luật khoan giảm” (tr. 232)

Một vị vua đầy lòng từ bi song cũng đồng thời là người có vũ công sáng chói, sau chiến dịch đánh Chiêm năm 1069, cương giới của Đại Việt đã mở xuống đến tận địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Việc nhà vua cho xây tháp Đại Thắng Tư Thiên là một ghi nhận đất nước thịnh trị, phát triển và an bình và cũng là thuận lòng trời và thuận lòng dân.

2. Sử liệu trong các thư tịch cũ

Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng tháp và chùa ra sao, và sau đời vua thì chùa và tháp có số phận như thế nào sau đây xin có một tập hợp các thông tin lịch sử như sau:

Sớm nhất nói về cây tháp này thuộc về các bộ sử:

a. Đại Việt Sử Lược(Việt Sử Lược): Tháp dựng năm 1057 (Đinh Dậu), cao 30 tầng, có tên là Đại Thắng Tự Thiên;

b. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên năm 1056 (Bính Thân), phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông (tính ra kilôgram = 9.600 kg). Vua Lý Thánh Tông tự tay viết bài minh văn. Năm 1057 (Đinh Dậu, mùa Xuân, tháng Giêng) xây bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên, cao vài chục trượng, 12 tầng (tức tháp Báo Thiên);

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chùa Báo Thiên và tháp Đại Thắng Tư Thiên có khá nhiều lần được đề cập. Ngoài phần dẫn trên, có thể kê thêm:

Về chùa:

- “Đinh Tị, năm thứ 5 [1137]…

Tháng 3,…

Vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm hôm ấy mưa to” (tr. 272) .

- “Mậu Ngọ, năm thứ 6 [1138]…

Mùa thu, tháng 7, không mưa. Vua sai Hữu ty làm lễ cầu ở Vu đàn và chùa Báo Thiên” (tr. 273) .

- “Mậu Thân, năm thứ 3 [1188],… Mùa hạ, tháng 5, vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duềnh Bà để đảo vũ, nhân rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên (triều Lê khi mới dựng nước còn theo tục cũ này)” (tr. 296) .

- “Ất Dậu, năm thứ 7 [1285]…

Mùa thu,…

Tháng 9,...

Bia chùa Báo Thiên gãy làm đôi,…” (tr. 56-63) .

- “Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ 1 [1434]…

Tháng 5,…

Ngày 24, giờ thìn,…

Chém người thợ của cục Tả ban tất tác là Cao Sư Đãng. Bấy giờ điều động thợ ở các cục tất tác làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc nặng nề, Sư Đãng phải làm khó nhọc, nói vụng rằng: “Thiên tử thì không có đức, để đến hạn hán, đại thần thì ăn của đút, cử dùng người vô công, có gì là thiện đâu mà làm chùa to thế?”. Bị người cáo giác. Đại tư đồ Lê Sát giận lắm…” (tr. 79-89)

- “Mậu Thìn, năm thứ 6 [1448]…

Mùa hạ, tháng 6,…

Xuống chiếu cho các quan văn võ phải trai giới đến chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh để đảo vũ. Vua thân đến lạy. Sai thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu tước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở Kinh thành. Xuống chiếu cho các nhà sư tụng kinh cầu đảo, vua và hoàng hậu đến làm lễ. Cho bọn nhà sư 10 tấm lĩnh và vóc, 20 quan tiền mới. Ngày hôm ấy tha cho 24 người tội còn đáng ngờ” (tr. 137-143) .

Về tháp:

- “Mậu Ngọ, năm thứ 8 [1258]…

Mùa thu, tháng 8, gió to, đỉnh tháp Bao Thiên gãy rơi xuống” (tr. 30-31) .

- “Nhâm Tuất, năm thứ 9 [1322]…

Tháng 3, sét đánh tháp Báo Thiên, lở mất góc bên đông tầng thứ hai” (tr. 124) .

- “Bính Tuất [1406]…

Tháng 6, chỏm tháp Báo Thiên gãy rơi xuống. An phủ sứ Đông Đô là Lê Khải không báo tin ấy phải biếm 1 tư” (tr. 244-246) .

- “Năm Đinh Mùi [1427]... Mùa xuân, tháng giêng, vua (Lê Thái Tổ-NQT) tiến quân đến bờ bắc sông Lô (tức là sông Cái, Nhị Hà, sông Hồng, không phải sông Lô ở Việt Bắc nước ta-NQT), đối diện với thành Đông Quan…

Lấy Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ là Nguyễn Trãi làm triều liệt đại phu nhập nội hành khiển Lại bộ thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự. Bấy giờ vua lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, trên bờ sông Lô (bấy giờ có hai cây bồ đề ở giữa nên gọi là dinh Bồ Đề), cao bằng tháp Báo Thiên (NQT nhấn mạnh), hàng ngày ngự trên lầu để trông vào trong thành xem giặc làm gì, cho Trãi ngồi hầu ở tầng thứ hai để vâng chỉ thảo các thư đi lại” (tr. 29-30) .

- “Đinh Mùi năm thứ 15 [1547]…

Tháp Báo Thiên bị sập” (tr. 136) .

c. An Nam Chí Lược:Tháp xây năm 1057, cao 13 tầng, nhưng có tên là Báo Thiên Tự Tháp;

d. Việt Sử Tiêu Án: Tháp xây 1057, cao 12 tầng, có tên là Báo Thiên, Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp;

e. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: Tháp cao 12 tầng, cấp 1 vạn 2 nghìn cân đồng, tháp thuộc thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương;

f. Đại Nam Nhất Thống Chí:

Trong này, cuốn chí của triều Nguyễn cho biết trong Thăng Long Bát Cảnh (tức là các bài thơ vịnh tám cảnh ở Thăng Long của người Thanh sang nước ta có bài Báo Thiên Hiểu Chung (Chuông sớm chùa Báo Thiên) (tr. 196). Trong mục “phố” của sách, có đoạn: “Phố Báo Thiên: bán vải thâm và dù xanh” (tr. 198) .

Bình luận 1:

Các sử liệu, đặc biệt là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vừa dẫn ra trên đây cho thấy:

Thứ nhất, chùa Báo Thiên và tháp Đại Thắng Tư Thiên là do vua Lý Thánh Tông đứng ra chủ trì việc xây dựng. Nói cách khác là do nhà nước đứng ra làm “chủ đầu tư” theo cách nói hiện nay. Chùa và tháp là hai biểu tượng của Phật giáo, nhưng do là một người theo Phật, vua đã cho xây chùa năm 1056 và dựng tháp năm 1057.

Thứ hai, tháp Đại Thắng Tư Thiên là rất cao so với đương thời, đã có khá nhiều lần bị sét đánh. Số lượng tầng trong các bộ sử hầu hết thống nhất, đều là 12 tầng, trừ Đại Việt Sử Lược và An Nam Chí Lược là 30 tầng và 13 tầng.

Theo thiển nghĩ, hai con số này là một khắc nhầm vì 12 với 13 tự dạng gần nhau, và 30 tầng có thể là 30 trượng song bị cố ý khắc thành 30 tầng, vì hai chữ “tầng” (層) và “trượng” (丈) có tự dạng khác hẳn nhau. Sự khắc nhầm này có thể là một nhấn mạnh về độ cao thực tế của tháp Đại Thắng Tư Thiên mà người đương thời và đời sau rất thán phục.

Chi tiết vua Lê Lợi cho làm một tháp gỗ cao bằng tháp Báo Thiên và ngồi trên đó quan sát quân Minh trong thành Đông Đô lại càng khẳng định tháp có chiều cao cao nhất.

3. Một số tài liệu liên quan trong bia ký và sách cũ

a. Nhà thơ Phạm Sư Mạnh thời Trần có bài Đề Báo Thiên Tháp:
題報天塔
鎮壓東西鞏帝畿
龜然一塔獨巍巍
山河不動擎天柱
今古難磨立地锤
风罷鐘铃詩應合
星移燈燭夜光煇
我来欲此題詩筆
管領春江作硯池

Phiên âm:

Trấn áp đông tây củng đế kỳ
Quy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên trụ
Kim cổ nan ma lập địa chùy
Phong bãi chung linh thi ứng hợp
Tinh di đăng chúc dạ quang huy
Ngã lai dục thử đề thi bút
Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì

Dịch:

Trấn áp đông tây giữ đế kỳ
Một tháp cao ngất cao ngất đứng tự nhiên
Non sông vững chãi cột chống trời
Xưa nay đã lập nên không mòn
Gió qua chuông réo thơ ứng hợp
Sao đêm chiếu sáng không mờ tối
Ta đến tới đây muốn làm thơ
Sông xuân mài thành mực thơ

Cho dù thế nào, qua bài thơ của Phạm Sư Mạnh, ta đã nhìn thấy ra phần quan trọng nhất trong chức năng của tháp: “trấn áp đông tây củng đế kỳ”. Ngọn tháp được làm ra để nhận lấy một sứ mệnh bảo trợ cho đế đô và vương quốc. Do vậy, dù không miêu tả là bao nhiêu tầng, nhưng chắc chắn là tháp Đại Thắng Tư Thiên một lần nữa lại được khẳng định về chiều cao của nó.

b.Tang Thương Ngẫu Lục:

Sự tích tháp Báo Thiên đã được hai danh sĩ Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án viết như sau:

Cây Tháp Đại Thắng Tư Thiên tại chùa Báo Thiên dựng từ đời vua Lý Thái Tông (1054-1072). Tháp này xây 12 tầng, cao mấy chục trượng … Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái Tổ Hoàng đế tiên triều [Lê Lợi] tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành Sơn hầu Vương Thông phá hủy cây tháp [lấy vật liệu] chế ra sung đồng để giữ thành [1414]. Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên … Năm Giáp dần [1791] lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long. Khi phá nền tháp thấy có tám pho tượng Kim Cương chia ra đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, cả đến những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá

Những hòn gạch hoa, hòn nào cũng thấy khắc những chữ “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình [1054-1058], tứ niên tạo”, tức là “Đúc trong năm thứ tư niên hiệu Long thụy Thái Bình đời vua thứ ba triều nhà Lý”.

c. Trong bia ký Trùng Tu Tiên Thị Từ Ký thờ Minh Không Quốc sư, khắc năm 1885, Tự Đức năm thứ 8, có đoạn: “Phía bên phải đền, xưa có tháp Báo Thiên…” .

Bình luận 2:

Các chứng cứ trưng dẫn về tháp trên đây cho thấy con số 12 tầng là đáng tin cậy vì đến tận thế kỷ 18, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án còn dựa theo sách cũ mà chép lại, chứng minh rằng đương thời, sách mà các ông đọc cũng vẫn ghi con số 12 tầng.

Xin nói rằng mặc dầu các sách nêu con số 12 tầng, một con số không hề ngẫu nhiên, nhưng tôi chưa được đọc lời giải về con số này ở những người đi trước.

Vậy tại sao lại là 12 tầng? Sau đây tạm giải:

Tháp có 12 tầng là bởi thể hiện cho “thập nhị thiên” (十二天) - 12 cõi trời. 12 cõi trời ấy gồm:

- Phạm Thiên (梵天), còn đọc là Phạn Thiên = Brahmadeva. Cõi này lại gồm ba cõi: đệ nhất: Phạm Chúng Thiên; đệ nhị: Phạm Phụ Thiên; đệ tam: Đại Phạm Thiên. Lấy nghĩa là Phạm Thiên giáng xuống bảo hộ thánh linh.

- Địa Thiên (地天) = Prthivi, một trong bốn vị Chấp Kim Cương Thần ở Kim Cương Giới. Vị thần này cai quản Địa Đại (Địa là một trong bốn Tứ Đại tạo nên vũ trụ, người), hình ảnh trong mạn đà la là hoa sen.

- Nguyệt Thiên (月天) = Candra, Soma, Somadeva, Nisakara,…

- Nhật Thiên (日天), cũng là Nhật Thiên Tử (日天子) = Sῡrya là biến hóa thân của Quan Âm Bồ Tát trụ ở trong mặt trời. Mặt trời là cung điện của vị này.

- Đế Thích Thiên (帝釋天), Đế Thích (帝釋) = Sakra Devᾱnᾱm Indra. Đây là vị chủ của cõi trời Đao Lị (忉俐天), là cõi trời cao nhất của Trung giới, cao hơn trời Tứ Thiên Vương, thấp hơn trời Dạ Ma (Yᾱma) nguyện thường xuyên hỗ trợ cho Tam Bảo.

- Hỏa Thiên (火天), một hàng chúng của Thập Nhị Ngoại Kim Cương trong mạn đà la của Thai Tạng Giới (胎藏界 = Gaibhakoṥa Dhatu)

- Diêm Ma Thiên, còn đọc Diễm Ma Thiên (琰麼天) = Suyᾱmadeva, cõi cắt đứt tất cả nghiệp thiện ác của chúng sinh.

- La Sát Thiên (攞剎天), một trong 12 cõi trời đồng thời cũng là một trong tám phương trời. Vua của các La Sát là thần trấn giữ ở góc Tây Nam.

- Thủy Thiên (水天).

- Phong Thiên (风天), một trong Tứ Chấp Kim Cương Thần trong Kim Cương Giới Mạn đà la, vị trí ở góc Tây Nam Mạn đà la.

- Tì Sa Môn (毘沙門天) = Vaisravana, còn gọi là Đa Văn Thiên, là một trong bốn vị Thiên Vương hộ thế, cũng là vị thiên thần hộ pháp kiêm bố thí phúc trong Phật giáo. Vị trí trong Thai Tạng Giới Mạn đà la ở bên cửa Bắc của Ngoại Kim Cương Bộ Viện.

- Đại Tự Tại Thiên (大自在天) = Mahesvara, ở trên đỉnh của Sắc Giới, là chúa tể của Tam Thiên Thế Giới. Mật Tông cho đây là Đại Nhật Như Lai ứng hiện, hiện đủ mọi hình, có rất nhiều tên

Phối vị của 12 cõi trời trong Mạn đà la là như sau :


Nhìn vào danh vị và phối trí của 12 cõi trời, chúng ta thấy rõ đây là ngọn tháp của Mật Tông Phật giáo. Phải trình bày ngay một điểm là các vua đầu nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông) rất ưa chuộng các nghi lễ Mật giáo và kinh Mật giáo. Bằng chứng cho sự ưa chuộng đó là bia văn tại tháp Sùng Thiện Diên Linh mà giáo sư Hà Văn Tấn đã dịch lại và đăng tại tạp chí Nghiên cứu Phật giáo, số 2 năm 2001 về hội đèn Quảng Chiếu, thực chất là một lễ hội Mật giáo.

Chính người viết bài này cũng đã từng đề cập đến sự ưa chuộng đó khi viết bài Quy hoạch tâm linh - tôn giáo của kinh thành Thăng Long (nhân cuộc khai quật khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu) đăng trong tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo năm 2005.

Như vậy, ngọn tháp Đại Thắng Tư Thiên mà nghĩa của nó là: Nhận được suy tư lớn của chư Thiên và ngôi chùa mang tên Báo Thiên với ý nghĩa: báo đáp ân của chư Thiên, chính là biểu tượng cho khát vọng được Trời - Phật bảo hộ và gia hộ cho đất nước phồn vinh và hòa bình, vĩnh cửu.

Nguyễn Quốc Tuấn - Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện KHXH và NV)

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH 1972
- Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, 1992
- Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam Bảng tra cứu các tài liệu thư tịch Hán Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991
- Tuyển tập văn bia Hà Nội, Nxb, Khoa học Xã hội, H., 1978,
- giaodiemonline.com
- Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội

01-15-2008 05:23:46

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/03/2021(Xem: 13831)
Sách này sẽ được ghi theo hình thức biên niên sử, về các sự kiện từ ngày 8/5/1963 cho tới vài ngày sau cuộc chính biến 1/11/1963, nhìn từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Phần lược sử viết theo nhiều tài liệu, trong đó phần chính là dựa vào tài liệu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “Foreign Relations of the United States 1961-1963”, một số tài liệu CIA lưu giữ ở Bộ Ngoại Giao, và một phần trong sách “The Pentagon Papers” của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ấn bản Gravel Edition (Boston: Beacon Press, 1971). Vì giờ tại Việt Nam và Hoa Kỳ cách biệt nhau, cho nên đôi khi ghi ngày sai biệt nhau một ngày.
18/01/2021(Xem: 8912)
Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh tồn và phát triển. Dân tộc Việt Nam là một chủng tộc có ngôn ngữ riêng biệt thuần nhất, có nền văn hóa nhân bản đặc thù, siêu việt và nền văn hóa này có khả năng chuyển hóa, dung hợp tinh ba của tất cả nền văn hóa nhân loại biến thành chất liệu sống và ý nghĩa sự sống bồi dưỡng cho sanh mệnh dân tộc mang tánh chất Rồng Tiên nẩy nở phát triển và trường tồn bất diệt trải dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến kể từ khi lập quốc cho đến ngày nay. Đặc tánh Rồng Tiên, theo Hai Ngàn Năm Việt Nam Và Phật Giáo của Lý Khôi Việt, trang 51 giải thích: Rồng tượng trưng cho hùng tráng dũng mãnh tung hoành, Tiên biểu tượng cho thanh thoát cao quý, hòa điệu. Vì có khả năng chuyển hóa và dung hợp của nền văn hóa Việt Tộc (Chủng Tộc Việt Nam), dân tộc Việ
15/09/2020(Xem: 12155)
Chùa tọa lạc ở số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt chùa quay hướng Nam. Bên trái chùa, có chùa Linh Quang và đền thờ cụ Phan Bội Châu. Chùa được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung dựng vào cuối thế kỷ 17 tại ngọn đồi thấp Hoàng Long Sơn, có tên thiền thất Ấn Tôn. Năm Nhâm Thìn (1712), ngài Thiệt Diệu Liễu Quán, quê ở Phú Yên là đệ tử đắc pháp của Sơ tổ Minh Hoằng Tử Dung, được ngài truyền tâm ấn, trở thành đệ nhị Tổ. Ngài Thiệt Diệu Liễu Quán đã phát triển dòng thiền Lâm Tế cho đến ngày nay.
13/09/2020(Xem: 13744)
Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1.450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ trung bình 200C, Bạch Mã là nơi có khí hậu mát mẻ, lý tưởng cho việc tu tập của Tăng, Ni, Phật tử và các chuyến tham quan, chiêm bái của du khách. Tên thiền viện lấy theo tên núi Bạch Mã. Chữ “Trúc Lâm” hàm ý đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và mang tính nhập thế.
09/04/2020(Xem: 6346)
Thành phố Sa Đéc hiện có trên dưới 48 cơ sở thờ tự (đình, chùa, miếu, nhà thờ họ,…) và trong đó không ít những ngôi chùa, đình có niên đại trên 100 tuổi (chùa Phước Hưng xây dựng vào 1838 tính đến nay 177 năm, chùa Quảng Phước xây dựng vào 1858, tuổi thọ cũng gần 160 năm, đình Tân Quy Tây thờ vị thần hoàng khai khẩn đất đai Võ Ngọc Minh được xây dựng vào năm 1812, hơn 200 tuổi…). Bài viết của chúng tôi tập trung giới thiệu 3 trong số quần thể di tích chùa, đình cổ ở đây với số lượng văn bản Hán Nôm vượt trội, cũng như lịch sử lâu đời: Chùa cổ Phước Hưng, chùa Bà Thiên Hậu của công đồng người Hoa và đình Vĩnh Phước.
05/03/2020(Xem: 7796)
Trong những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, Phật Giáo nằm ngay giữa bối cảnh lịch sử Thiên Chúa Giáo. Mối quan hệ giữa hai nền văn hóa tôn giáo – Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo – phủ lên một hình ảnh bao quát: từ chủ nghĩa bài xích nhau đến đối thoại hiệu quả, chuyển qua các cấp độ đa dạng của sự lãnh đạm nhau. Liên quan đến hai truyền thống tâm linh, Ana Maria Schlüter Rodés biểu hiện những gì bà gọi một cách chính xác là “song ngữ tôn giáo.” Trong cuộc phỏng vấn với Daniel Millet Gil từ Buddhistdoor Global được dịch sang Anh ngữ và đăng trên trang mạng www.buddhistdoor.net hôm 27 tháng 2 năm 2020, Ana Maria nói về con đường tâm tinh và thực hành Thiền của bà trong bối cảnh Thiên Chúa Giáo.
20/02/2020(Xem: 5315)
Lịch sử Phật Giáo thường rất mù mờ. Hơn nữa, những chuyện của khoảng 2 ngàn năm trước đã quá xa xưa, rất khó kết luận chắc nịch được.
13/02/2020(Xem: 10709)
Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng giác ngộ của Ngài đã chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, từ sĩ, nông, công, thương, mọi tầng lớp của xã hội Ấn đều thừa hưởng được kết quả giác ngộ của Ngài. Đến cuối đời của Ngài, Chánh pháp đã có mặt ở khắp Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia láng giềng. Từ hạ lưu của sông Hằng đi về phía Đông, phía Nam tới bờ sông Caodaveri, phía Tây tới bờ biển Á-rập, phía Bắc tới khu vực Thaiysiro, đâu đâu cũng có sự ảnh hưởng của giáo lý Phật-đà, và người dân nơi ấy sống trong sự hòa bình và hạnh phúc. Trong triều đại của Hoàng Đế Asoka thuộc Vương Triều Maurya (thế kỷ thứ III trước TL), Phật giáo đã bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới của đại lục.
22/01/2020(Xem: 17035)
Đạo Phật và Dòng Sử Việt (sách pdf, tác giả HT Thích Đức Nhuận)
08/11/2019(Xem: 11504)
Như có một cái gì sống lại khi ngồi viết bài này về dòng Thiền Trúc Lâm và núi Bạch Mã. Sự kết hợp giữa tâm linh và thiên nhiên đưa ta vào một khoảnh khoắc tuyệt vời huyền bí khi cảm nhận. Một dòng thiền Việt Nam do ông vua tài giỏi sáng lập và đắc đạo, một núi cao 1450 mét có mây trắng quanh năm trên đỉnh, dưới chân dòng nước lững lờ trôi của hồ Truồi trứ danh yên tịnh. Hai cảnh trí tạo ra cho người đến đây tự hỏi: Ngàn năm mưa gió vẫn bay Trăm năm có đứng chỗ này hay chưa?!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]