Ngày 24 tháng 11 vừa qua, Cao ủy Pakistan tại Malaysia bà Anna Barlow đã đến ngôi già lam Phật Quang Sơn Đông Thiền Tự, Kuala Langat, Selangor Darul Ehsan, Malaysia, và được sự tiếp đón nồng hậu bởi Trụ trì Pháp sư Giác Thành, Tổng Giáo khu Phật Quang Sơn Singapore, Malaysia, Ấn Độ; hai bên rất hoan hỷ trong trao đổi về các vấn đề tôn giáo và văn hóa, nhất trí rằng chỉ thông qua đối thoại giữa các tôn giáo, để tạo hòa bình, xã hội hài hòa.
Cộng hòa Hồi giáo Pakistan, hơn 95% công dân là tín đồ đạo Hồi, Phật giáo hiện diện tại Pakistan từ thời A-dục vương (Ashoka) cách đây hơn 2.300 năm và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nước này và để lại nhiều di sản văn hóa Phật giáo. Những di tích Phật giáo cổ đại này chủ yếu tập trung ở trung tâm văn hoá nghệ thuật Phật giáo Gandhāra. Trong thế kỉ thứ 1, 2, Phật giáo Đại thừa cũng bắt đầu xuất hiện tại đây. Ngày nay, các đạo trường Phật giáo không còn bao nhiêu dấu tích vì bị phá hủy trong thế kỉ thứ 5. Theo ký sự của Huyền Trang thì đạo Phật tại đây đã bị hủy diệt trong khoảng thế kỉ thứ 7.
Tại buổi giao lưu, Cao ủy Pakistan tại Malaysia Anna Barlow mời lãnh đạo Phật giáo Phật Quang Sơn tại Malaysia cử nhân sự tham dự Hội nghị Phật giáo Quốc tế vào tháng 3 năm sau, sự kiện sẽ được diễn ra tại thủ đô Islamabad, Pakistan, đồng thời hoan nghênh lãnh đạo Phật giáo Phật Quang Sơn tại Malaysia đã nhận lời tham dự hội nghị và diễn đàn quốc tế này. Hội nghị Phật giáo Quốc tế do Trung tâm dự án Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa Pakistan và Viện Nghiên cứu Văn minh Á Châu thuộc Đại học Quaid-i-Azam University (QAU), Pakistan tài trợ, nhằm mục đích quảng bá khắp thế giới về kiến thức về di sản Nghệ thuật Phật giáo Gandhāra, Pakistan, và thiết lập mối quan hệ giữa Cộng hòa Hồi giáo Pakistan và các quốc gia khác trên thế giới. Thời gian ba ngày Hội nghị Phật giáo Quốc tế, ban tổ chức sẽ mời các chuyên gia và học giả từ khắp nơi trên thế giới xuất bản các báo cáo nghiên cứu về Phật giáo, đồng thời sẽ sắp xếp cho các đại biểu tham quan các di sản Nghệ thuật Phật giáo Gandhāra, Pakistan.
Cao ủy Pakistan tại Malaysia bà Anna Barlow nói rằng, Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan luôn cam kết thúc đẩy giao lưu đối thoại giữa các tôn giáo, ông tin rằng chỉ thông qua giao lưu đối thoại giữa các tôn giáo, sự hiểu biết và cảm thông nhau mới có thể thúc đẩy hòa bình trên thế giới. "Quốc gia chúng tôi có di sản rất quý giá qua Nghệ thuật Phật giáo Gandhāra, và Chính phủ Pakistan đã làm việc rất chăm chỉ trong việc bảo tồn những di sản trân quý này", Bà Anna Barlow nói rằng, Pakistan đã mở cửa biên giới cho phép du khách thập phương ngoại quốc nhập cảnh. Tất cả du khách chỉ cần trải qua thử nghiệm Covid-19 và không cần phải kiểm dịch. Các tổ chức của Chính phủ nước chủ nhà cũng sẽ thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho du khách thập phương hành hương chiêm bái các Thánh tích Phật giáo cổ đại này.
Pháp sư Giác Thành đã tích cực hưởng ứng lời mời này, và bày tỏ niềm hy vọng rằng, những người Phật tử Phật Quang Sơn tại Hoa Kỳ, Đài Loan, Thái Lan sẽ có cơ hội tham dự đại hội Phật giáo Quốc tế và hành hương chiêm bái các Thánh tích Phật giáo Gandhāra cổ đại. Ngài nói rằng Pakistan đã từng là một quốc gia Phật giáo cổ đại, mặc dù Pakistan ngày nay là một quốc gia Hồi giáo, nhưng việc bảo tồn và trân trọng đến các Thánh tích Phật giáo cổ đại của đất nước Hồi giáo này thật đáng kinh ngạc, thật đúng nghĩa "hài hòa là bạn" (和諧之旅).
Phát biểu về chuyến viếng thăm hôm nay, qua sự bày tỏ nhiệt tình trân trọng đón tiếp nồng hậu và thật cảm động của đại diện ngôi già lam Đông Thiền Tự Pháp sư Giác Thành, Cao ủy Pakistan tại Malaysia bà Anna Barlow nói rằng "Mục đích của chuyến đi này, nhằm để hiểu và tôn trọng văn hóa, tôn giáo của người khác, hy vọng rằng tôi sẽ giữ liên lạc với nhau về việc giao lưu nhiều hơn giữa các tôn giáo".
Thích Vân Phong biên dịch
(Nguồn: 佛光山人間通訊社)