Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tin tức Phật Giáo khắp nơi. (2)

10/04/201312:24(Xem: 3921)
Tin tức Phật Giáo khắp nơi. (2)


Tin tức Phật Giáo khắp nơi

do Tuệ Viên sưu tập
---o0o---

* Tại Úc Đại Lợi, trong khi tín đồ đạo Ki-Tô giả thì người theo đạo Phật gia tăng.

Các con số thống kê chính thức của viện Thống Kê Úc Đại Lợi cho thấy rằng trong 5 năm vừa qua, những người dân Úc Đại Lợi không tin vào Thượng Đế (vô tôn giáo) đã giảm đi. Điều không thể chối cãi là các tín đồ Ki-Tô tiếp tục giảm sút nhiều hơn đối với đạo Anh Cát Giáo và đạo Nhà Thờ Hợp Nhất (Uniting Church), còn đạo Thiên Chúa La Mã bị giảm tượng đối ít hơn. Trong khi đó số người tự coi là vô thần giảm đi hơn là con số của năm năm về truớc. Vào năm 2001 chỉ có hơn 15% dân số bị xếp loại vô tôn giáo, so với 16.5% vào năm 1996. Các tôn giáo có tín đồ gia tăng là đạo Hồi và đạo Ấn, vì lý do di dân.

Tuy nhiên sự gia tăng tín đồ Phật Giáo không phải là lý do di dân. Tại nước Úc vào năm 1996 có 200,000 người khai là theo đạo Phật, bây giờ con số này đã tăng lên thành 360,000 người, nhiều hơn số người theo đạo Báp Tít 50,000 người. Mục sư Tim Costello, giám đốc của Nhà Thờ Báp Tít Đoàn Kết của nước Úc (the Baptist Union of Australia) đã nói rằng con số kể trên không có gì là ngạc nhiên “bởi vì các nhà thờ Thiên Chúa đã bị mất uy tín vì sách nhiễu tình dục, trong khi đạo Phật có tính cá nhân, không phải là tập thể, không có một cái khung định chế nặng nề, ít nhất là tại nước Úc, vì vậy ngày nay đạo Phật hấp dẫn hơn”.

Tại Úc , đạo Thiên Chúa (Catholic chiếm ¼ dân số) là đạo lớn nhất , kế đến là đạo Anh Cát giáo (Anglicanism chiếm 1/5 dân số)

(lược dịch từ Báo Sydney Buổi Sáng, http://www.smh.com.au/articles/2002/06/17/1023864406040.html)

* Tiểu bang Hawaii thiết lập trường trung học Phật Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Hội Honpa Hongwanji tại Hawaii sẽ mở trường trung học Phật Giáo đầu tiên vào năm học tới trên hon đảo Honolulu, với sự trợ giúp 1.5 triệu Mỹ kim từ Kyoto, Nhật Bản. Đại Sư Chikai Yosemori, giám đốc các ngôi chùa trên toàn quốc Nhật Bản nói rằng trường trung học này là một giấc mơ từ lâu của hội tôn giáo. Ngôi trường này sẽ lấp khoảng trống về giáo dục của vào khoảng 300 em học sinh đã học từ tiểu học tới lớp 8 do trường Honwanji của vùng. Trường sẽ kiêm là một Trung Tâm Khảo Cứu Phật Giáo (a Buddhist Study Center) dành cho người lớn và các sinh viên đại học. Đại Sư Itoku Takeno, tổng quản đốc của Jodo Shinshu Hongwanji-ha tại Kyoto đã trao số tiền 1.5 triệu Mỹ kim vào ngày hôm qua trong một buổi lễ tại ngôi chùa chính, và qua lời người thông dịch, đã nói rằng món quà là một phản ảnh tinh thần phát triển tôn giáo tới càng nhiều người càng tốt. Bà Magaret Oda, chủ tịch của ủy ban trường trung học và nguyên là giám đốc học chính của Bộ Giáo Dục, đã nói rằng trường học này mở cửa đón tất cả mọi học viên, không phân biệt tôn giáo. Học phí của trường trung học kể trên là từ 6000$ đến 7,000 mỹ kim một năm. Một chương trình khác vận động để có ngân khoản 16 triệu Mỹ kim trong 5 hay 6 năm tới, sẽ được bắt đầu khi trường trung học này được chấp nhận là một tổ chức bất vụ lợi.

http://starbulletin.com/2002/05/16/news/story5.html

* 250 tu sinh trẻ người thiểu số ở miền núi vào Chùa, học Đạo để về truyền bá

BANGKOK - 250 trẻ em thượng du Thái Lan đã được quy y theo nghi thức Phật Giáo tại thủ đô Bangkok hôm chủ nhật. Tại chùa đá Wat Benjamabophit, các phụ huynh phụ giúp các em cạo đầu và thay y phục. Dự lễ quy y tập thể này, Bộ Trưởng lao động và xã hội Surapee Vasinonta, tuyên bố rằng các Phật tử trẻ này sẽ góp phần truyền bá đạo Phật ở miền núi của Thái Lan, giúp dân thiểu số hội nhập, và cũng mang ý nghĩa đền ơn công lao của cha mẹ các em. Ông cho biết thêm : chính quyền sẽ ra sức thuyết phục các sắc dân thiểu số miền thượng du từ bỏ canh tác cây thuốc phiện. Sau lễ quy y, các chú tiểu sẽ học giáo lý Phật Giáo tại tỉnh Chieng Mai trong 3 năm. Truyền thống này bắt đầu năm 1965.

Chùa Phật giáo thường đuợc thiết lập tại những nơi có nhiều Phật Tử, và tồn tại do sự cúng dường của thập phương. Ít khi chúng ta thấy các chùa đuợc thiết lập ở những vùng của sắc tộc thiểu số miền núi. Ở những miền núi ở Á Châu, những sắc tộc thiểu số thường là những mục tiêu truyền đạo của các mục sư Tin Lành từ các nuớc Tây Phưong tới. Ngày nay, Phật giáo nêu lên những mục đích phát triển đạo tới những vùng miền núi như kể trên , ý tưởng đó thật là chính đáng. Mong mỏi , Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng nên noi gương này.

(trích Việt Báo On line ngày 7/10/2002)

* Tụng kinh Phật giáo trước nhà thờ và giữa các làn đạn ở Jerusalem.

Tin tức Reuters Tháng 5 2002 - Để tỏ sự đoàn kết tôn giáo và để cầu nguyện hoà bình cho vùng Jerusalem ngay sau khi có những cuộc đụng độ dữ dội giữa người Do Thái và người Palestine, các vị sư Phật Giáo Nhật Bổn đánh trống trong khi đi gần cổng vào Công Trường Giáng Thế tại Bethlehem hôm 7-5-2002. Ngay trong lúc hai bên hãy còn dàn quân hờm súng với nhau, đoàn tăng Phật Giáo bất chấp nguy hiểm cứ hiên ngang vừa đi vừa gõ trống, tụng niệm cầu cho hoà bình. Một thương lượng đã đạt được hôm thứ ba để kết thúc màn kình nhau giữa quân Do Thái và nghĩa quân Palestine cố thủ trong Nhà Thờ Giáng Thế của Bethlehem, theo các nguồn tin Palestine tiết lộ.

* Trung Quốc tu sửa tượng Phật lớn nhất thế giới

BẮC KINH, Trung Quốc - Tượng Phật lớn nhất thế giới ở Trung Quốc đang được tu sửa quan trọng, có thể tiêu tốn đến khoảng 30 triệu đôla, trong đó Ngân Hàng Thế Giới đã cho vay 2 triệu đôla.

Ngôi tượng Phật Leshan (Lư Sơn) đã được chạm đẽo vào một mảng núi ở tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Trung Quốc, đã bị lở rữa nặng nề và mau lẹ vì thời gian và mưa át xít. Ngay mặt của tượng Phật cũng bị đổi màu và nhiều phần của tượng đã bị rơi vỡ.

Tân Hoa Xã tường thuật hôm 3-7, là một nhóm kỹ sư đã khởi đầu 60 ngày tu sửa và phục hồi bức tượng Phật, dự trù sẽ tiêu tốn vào khoảng 30 triệu đôla. Tân Hoa Xã cho biết thêm là các chuyên viên đang "rửa sạch" bức tượng Phật, để làm sạch lớp át xít bao phủ, kế đó trám bít các lỗ trống, trước khi cho thiết lập một hệ thống dẫn nước mưa cho chảy ra khỏi tượng. Mưa át xít bị coi là một vấn đề quan trọng cho phần lớn đất nước Trung Quốc, vì nước này vẫn còn có các nhà máy hoạt động bằng cách đốt than tạo nên lớp khói có chất Sulfur dioxide, đưa đến nước mưa át xít.

Tượng Phật Leshan cao hơn tượng Phật bị phá hủy ở Afghanistan đến 60 feet. Tượng Phật Leshan được chạm đẽo cách nay 1,280 năm, đã được Liên Hiệp Quốc công nhận như một địa điểm di sản văn hóa của thế giới, nên được sự hỗ trợ bảo vệ của quốc tế.

Việc chạm đẽo hình thành tượng Phật Leshan này đã được khởi đầu từ năm 713 dưới sự trông coi của Hòa Thượng Haitong (Hải Đồng?), và phải 90 năm mới được hoàn tất.

(trích báo Người Việt On Line ngày 4/7/2002)

* Ngôi chùa đầu tiên trên thế giới có tượng Phật bằng ngọc được xây dựng tại Trung Hoa.

Theo Tân Hoa Tấn Xã ngày 15/5/2002 - Ngôi chùa đầu tiên trên thế giới có các pho tượng Phật tạc bằng ngọc đã được ra mắt vào tháng 5 này. Trong số hơn 10,000 tác phẩm tượng bằng ngọc, có tượng nặng tới 30 tấn và cao bằng tòa nhà hai tầng. Ngôi chùa có loại tượng ngọc này nằm trong thị trấn Dayin thuộc cảng Ninh Hạ (Ningbo), rộng 166 mẫu đất, được chia thành 6 khu vực, gồm cả các phần triển lãm về điêu khắc và trưng bày các sản phẩm ngọc. Chi phí của công viên này là 80 triệu Mỹ kim, đã thu hút 150 ngàn du khách trong thời kỳ xây dựng.

* Trung Quốc bỏ tiền trùng tu điện Potala.

BEIJING - Ngày thứ tư 26 tháng 6 năm 2002, Tân Hoa Xã loan báo là Trung quốc sẽ bỏ ra 40 triệu Mỹ kim để trùng tu lại các đền thờ thiêng liêng tại Tây Tạng, trong số các đền thờ này này có ngôi đền Potala tại Lhasa, nơi trụ trì của Đức Đạt Lai Lạt Ma cách đây 43 năm trước khi đi lưu vong. Theo một số tín đồ Phật giáo, họ cho đây là một hình thức để trù yểm đặt bùa hoặc trấn long mạch của Trung quốc tại Tây Tạng. Việc khôi phục sẽ nhắm vào việc sửa sang lại các nền móng 1300 năm của ngôi đền Potala, các nền móng của đền thờ này đang bị lún, đồng thời bảo vệ kiến trúc của đền đài đã bị hư vì thời gian và bị mối mọt ăn , theo như Tân Hoa Xã loan tin. Theo như tin loan, các đền thờ được trùng tu lại thấy có 57 nơi có kiến trúc đã bị hư hỏng và có dấu vết hủy hoại trước đây.

Tân Hoa Xã cho biết, ngôi đền thờ Norbuglinka nằm ngoài Lhasa được xây cất năm 1751 là nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma ngày xưa thường nhập hạ cũng được trùng tu lại. Ngôi đền thờ Sagya Lamassey lâu đời cỡ 1000 năm, nổi tiếng với các nét họa mỹ thuật trên tường nói về đức Phật cũng được cho trùng tu lại.

Công nhân Trung quốc sẽ xây cất một viện bảo tàng lớn mới toanh để trưng bầy các thánh vật và di thể lấy từ các ngôi đền thờ được cho trùng tu lại. Việc trùng tu kéo dài năm năm sẽ làm cho ba công trình kiến trúc của đền thờ giống gần như cũ. "Chúng tôi cam đoan việc trùng tu đền thờ theo dự án này thực là thượng thặng, chúng tôi cho ứng dụng kỹ thuật hết sức tỉ mỉ," theo như lời tuyên bố của Gao Qiang, phó tổng bí thư của Hội đồng cố vấn nhà nước Trung quốc.

Việc trùng tu này là lần trùng tu thứ hai cho ngôi đền thờ Potala đối với những năm gần đây. Đại trùng tu lần thứ nhất được làm từ năm 1989 cho tới năm 1995, Trung quốc đã tốn phí khoảng 6 triệu Mỹ kim.

Người Cộng sản Trung quốc cuồng tín đã từng cướp phá và đốt chùa chiền khắp nơi tại Tây Tạng trong cuộc cách mạng văn hóa Trung quốc năm 1966-76, những tên cộng sản cuồng tín đã giết hại các nhà sư hay tìm cách tống khứ các nhà sư ra khỏi các đền thờ Phật để thủ tiêu văn hoá Tây Tạng. Nhưng sau năm 1980, Trung quốc đã cho tái thiết các tu viện Phật giáo tại Tây Tạng với mục đích hốt bạc của các người nước ngoài tới Tây Tạng du lịch và vãng cảnh các ngôi đền thờ Phật.

Các người ủng hộ chính quyền của Đạt Lai Lạt Ma đang lưu vong tại Ấn Độ cũng đã lên tiếng tố giác Trung quốc khai thác di sản văn hóa của Tây tạng một cách triệt để nhằm mục đích thu ngoại tệ của các du khách , trong khi ngấm ngầm tìm mọi cách để phá hoại các thể chế tín ngưỡng của Tây Tạng

(trích Việt Báo Online ngày 30/6/02)

* Những hình ảnh chứng minh Trung Hoa phá hủy các trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng

Theo tin tờ báo The Guardian ngày 20/4/2002 thì một cuốn video đã đuợc bí mật chuyển ra hải ngoại cho thấy Trung Cộng đã huy động hàng ngàn công an chở trên 50 xe vận tải và nhiều cần trục đã tới phá hủy Học viện Serthar Buddhist Institute tại Tây Tạng. Học viện này là nơi lưu trú của hơn 9000 học viên (đa số là người gốc Hán) do vị Lạt Ma Khenpo Jigme Phuntsok thành lập. Gần đây Lạt Ma Khenpo đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, khiến cho Trung Cộng nghi ngờ cơ sở này và cho người tới phá hủy học viện. Hình ảnh còn ghi đuợc những ni sư Tây Tạng còn đang bơi móc trên đám gạch vụn để nhặt vớt vát những vận dụng còn lại.

Khôi hài thay, Trung Cộng đang huênh hoang là Tây Tạng đuợc hưởng sự tự do tín ngưỡng , thì băng video đã chứng minh sự áp bức của chính quyền Trung Hoa. Thầy Kembo Tenkyong, một trong hai vị tu sĩ, đã mang lọt băng video ra hải ngoại tuyên bố : “ Chúng tôi muốn thế giới sẽ thấy đầu đủ những sự tàn ác đang xảy ra trên đất Tây Tạng!”

* Đạt Lai Lạt Ma tới Úc, Phật tử đón đông đảo

MELBOURNE (Reuters) - Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong, đã tới Úc hôm thứ bảy trong chuyến đi 9 ngày dự kiến thu hút hàng chục ngàn người dự các buổi thuyết pháp của Ngài, nhưng Ngài sẽ không gặp các lãnh tụ chính trị.

Một đám đông Phật Tử đã đứng ở phi trường Melbourne đón Ngài khi Ngài khởi đầu chuyến thăm Úc, chuyến đi lớn đầu tiên kể từ khi ngả bệnh hồi tháng giêng. Phật Giáo là tôn giaó phát triển nhanh nhất tại Úc, phần lớn vì các di dân Việt Nam và Cam Bốt.

Alan Malloy, giám đốc ủy ban tổ chức chuyến thăm viếng của Đức Đạt Lai Lạt ma, nói, "Thực sự là có nỗi quan tâm sâu về Đức Đạt Lai Lạt Ma và lời giảng của Ngài. Hai người duy nhất sẽ vắng mặt sẽ là Thủ Tướng Úc và lãnh tụ đối lập Úc."

Ngoại Trưởng Trung Quốc Tang Jiaxuan đã cảnh cáo Úc trong chuyến viếng thăm hồi tháng 3 rằng Bắc Kinh chống kịch liệt các chính khách Úc tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ngài sẽ rời Úc để đi Tân Tay Lan vào ngày 27-5.

*Hội Chợ Văn Hóa Phật Giáo mở cửa tại miền Trung của Trung Hoa.

Theo Tân Hoa Xã ngày 28/4/02 - Hội Chợ Văn Hóa Phật Giáo và Du Lịch Quốc Tế đầu tiên đã mở cửa tại Lạc Dương (Luoyang), thuộc tỉnh Hồ Nam, miền trung của Trung Hoa. Hơn 10,000 người đã tham dự buổi lễ khai mạc tại Chùa Bạch Mã (the White Horse Temple), ngôi chùa được xây dựng vào năm 68 sau Tây Lịch và được công nhận là cái nôi của nền Văn Hóa Phật Giáo Trung Hoa. Đặc điểm trong buổi lễ khai mạc là việc trưng bày các tấm bảng đá hoa trên đó có khắc Tứ Thập Nhị Chương Kinh (the Scripture of 42 Chapters), đây là bộ kinh Phật đầu tiên được dịch sang tiếng Trung Hoa và được 44 người viết chữ đẹp chép lại. Các đặc điểm khác là việc trình diễn âm nhạc Phật giáo, trình bày cơm chay và trưng bày các đồ cổ Phật giáo.

* Các nhà sư được xin tiếp tay chống ma túy tại Thái Lan.

Bộ Tôn Giáo Thái Lan đã bắt đầu khóa học đầu tiên để huấn luyện các nhà sư trở thành các nhân viên chống ma túy tại tỉnh Kanchanaburi. 194 vị sư đã tập họp tại Wat Siri Kanjanaram trong khu vực Muang để nghe thuyết trình làm sao các nguyên lý Phật Giáo có thể áp dụng trong việc chống ma túy rồi sau đó các vị sư sẽ truyền lại kiến thức này cho các trường học và cộng đồng. Bộ Tôn Giáo Thái Lan dự trù 5 khóa học, huấn luyện 2,000 vị sư trong năm nay.

( theo tin của Paiboon Ochakachorn, Báo Bangkok Post)

Một học tăng đã dùng súng AK-47 bắt giữ con tin tại Quốc Hội Thái Lan.

Báo Bangkok Post tháng 5/2002 vừa qua loan tin một vị sư Phật giáo mặc áo vàng tiến vào tòa nhà Quốc Hội Thái Lan ở Bangkok, rút trong áo ra một cây súng AK-47 , bắn một loạt chỉ thiên rồi giữ 20 con tin tại đây trong 40 phút. Sau đó vị này bị cảnh sát đã bắt giữ và câu lưu. Hình ảnh trên các phưong tiện truyền thông đã làm giảm uy tín các Tăng Phật Giáo Thái Lan rất nhiều . Người này tên là Sayan Saiwiang, pháp danh học tăng là Prahama Sayanje-Rathuso đã bị Giáo Hội Thái Lan trục xuất khỏi tăng đoàn.

Chúng ta nên nhớ là đạo Phật là quốc giáo hiến định của nước Thái Lan. Theo phong tục Thái (và Miên) , các thanh niên trong vòng tuổi đôi mươi đều phải có một lần vào chùa xuống tóc mặc áo vàng trong một thời gian tự nguyện từ 1 tháng đến nhiều tháng , để tu tập và học giáo lý Phật pháp. Việc tu tạm thời tại các chùa được coi như là một nhiệm vụ bắt buộc (bó buộc theo phong tục, chứ không phải theo pháp luật), ai trốn tránh nhiệm vụ này thì bị xã hội coi rẻ . Vì vấn đề phải vào Chùa tu bắt buộc như thế đã gây ra việc các phần tử xấu, trong thời kỳ vào chùa tu tạm, đã không giữ đuợc giới hạnh, nấp dưới tăng bào đi ra ngoài xã hội gây những hành động xấu xa làm hoen ố danh dự Phật Giáo. Các phương tiện truyền thông khi loan tải đã dùng ngay danh từ một vị tăng đã làm chuyện xấu xa này nọ, họ đâu có hiểu những vị tăng (tạm thời) đó đâu có phải là vị tăng chân chính thực thụ.

* Thái Lan: Các nhà lãnh đạo tôn giáo họp Hội Đồng Hòa Bình

BANGKOK, Thái Lan - Hơn 100 nhà lãnh đạo tôn giáo của các tôn giáo lớn trên thế giới hôm 12-6, đã dự cuộc họp của Hội Đồng Hòa Bình thế giới, được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, và đưa ra lời cam kết sẽ hoạt động để giảm bớt các sự tranh chấp phe nhóm, nhất là tại các vùng Á Châu và Trung Đông.

Hội Đồng đã được thành lập khi khởi đầu 3 ngày họp tại Bangkok, của các vị lãnh đạo tôn giáo thuộc Công Giáo, Phật Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo... với sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc. Hội Đồng Thế Giới của các nhà lãnh đạo tôn giáo, có nhiệm vụ can thiệp tích cực vào các vùng tranh chấp, đã nằm trong các khuyến cáo được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình thế giới Thiên Niên kỷ, được tổ chức tại Liên Hiệp Quốc hồi tháng Tám, 2000.

Bawa Jain, tổng thư ký của Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình thế giới Thiên Niên kỷ, tuyên bố: "Có một nhu cầu cấp thời để cho các nhà lãnh đạo cùng làm việc cho hòa bình" và "Việc sử dụng tôn giáo để phát triển sự chia rẽ và bạo động phải được sự đối đầu của các nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc mọi tín ngưỡng, để từ đó tích cực xây dựng hòa bình".

Tổng thư ký Jain cho biết Hội nghị này dự định đưa ra các khuyến cáo đặc biệt để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới hiện nay. Các lời khuyến cáo này dự định sẽ được công bố cho công chúng vào thứ Sáu 14-6, sau khi Hội đồng cùng ký kết.

Hội nghị này đã được tổ chức trong bối cảnh của các sự gia tăng căng thẳng quân sự giữa các quốc gia lân bang đều có vũ khí nguyên tử Ấn Độ và Pakistan cũng như sự gia tăng bạo động giữa Do Thái và Palestine.

Một bản tuyên bố của các đại biểu tham dự Hội nghị cho biết Hội Đồng Hòa bình thế giới này sẽ trở nên một đối tác tích cực với Liên Hiệp Quốc, để giúp giảm bớt các cuộc tranh chấp, sự nghèo nàn và sự suy sụp môi trường xung quanh.

(Báo người Việt Online , ngày 13/6/02)

* Chuyên viên LHQ đề nghị không nên tái dựng tượng Phật tại Afghanistan.

TOKYO (TH) - Hôm Thứ Tư, một chuyên viên LHQ mạnh mẽ đề nghị không nên tái dựng các pho tượng Phật 1700 năm tại Afghanistan đã bị Taliban phá hủy.

Ikuo Hirayama, một trong các “đại sứ thiện chí” của Tổ Chức Văn Hóa Khoa Học LHQ UNESCO, nói với báo chí tại hội nghị quốc tế về văn hóa Afghanistan, “Theo ý kiến của tôi thì không nên tái dựng lại” các pho tượng này. Hirayama cũng là viện trưởng Đại Học Tokyo nói theo ông thì các pho tượng đã bị phá hủy ấy chúng ta cứ nên để nguyên như thế để gợi nhớ về sự tàn phá của thế kỷ 21. Các pho tượng này được khắc vào vách núi ở Bamiyan vào các thế kỷ thứ ba và thứ tư và là những pho tượng Phật lớn nhất thế giới. Một viên chức cao cấp của UNESCO nói hội nghị ba ngày về Afghanistan và các chuyên viên quốc tế đã đạt tới đồng thuận là việc tái thiết lại các pho tượng này không được coi là một ưu tiên.

Các nhà khảo cổ ước lượng việc tái thiết lại các pho tượng này, do Taliban phá hủy năm ngoái, sẽ tốn vài triệu mỹ kim.

(Tin Viet Nam Nhat Bao 5/30/02)

* Bảo tồn 175,000 văn bản kinh Phật gốc từ Nepal

HAMBURG, Đức - Do sự tài trợ của chính phủ, các nhà khảo cứu người Đức với ý chí kiên trì suốt ba mươi năm đã hoàn thành công trình bảo tồn tốt những kinh điển quý báu của Phật Giáo gồm có 175,000 văn bản từ lâu được tàng trữ ở Nepal. Vị học giả người Đức ở Hamburg đã cho tuần báo United Press International biết như trên, và ông nói tiếp: "Chúng tôi đang bắt đầu giai đoạn hai là làm thành một thư mục để mọi người có thể tìm được tài liệu này trên mạng lưới điện toán, theo lời yêu cầu của bà Jan-Urich Sobisch của Hamburg University's Nepal-German dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Nghiên Cứu Đức Quốc.

Hiện những kinh điển nầy được lưu giữ tại những tu viện và các tư gia ở vùng Dolpo và Mustang thuộc Nepal, cách Katmandu 200 dặm. Tuần báo Pháp Le Figaro cho rằng khu vực ở trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn là những nơi mà nền văn minh Tây Tạng còn tồn tại. Vùng núi xa xôi mà một thời thuộc về Tây Tạng, ngày nay là lãnh thổ của Nepal. Những kinh điển quý giá của Phật Giáo được chôn cất tại đó từ thế kỷ thứ XII. Sau khi Trung cộng chiếm đóng Tây Tạng và phá hủy gần hết những Tu Viện Phật Giáo thì các nhà Sư càng ra sức gìn giữ hết sức cẩn thận những kinh điển này. Do đó, thoạt đầu họ rất ngại ngùng khi tiếp xúc với các nhà học giả người Đức vì "Những kinh điển này không được cho người ngoại đạo đọc". Bà Sobisch giải thích thêm: "Nhất là những phần liên quan đến lễ nghi".

Trước vấn đề khá tế nhị nầy, một vị học giả trong đoàn khảo cứu, ông Klauss Mathes đã thuyết phục các vị Đại Sư Tây Tạng bằng cách nêu lên sự lợi ích của việc chụp lại các bản Kinh Điển để tránh sự hư hại bởi thời gian, như bị ẩm ướt, bị mối mọt và hỏa hoạn v.v... Nhờ vậy, phái đoàn khảo cứu Đức quốc đã được các vị Đại Sư Tây Tạng có thẩm quyền đồng ý cho chụp lại tất cả 175,000 trang Kinh Điển quý báu của đức Phật Thích Ca lưu truyền. Tất cả các bản sao nầy hiện được lưu giữ tại Thư Viện Quốc Gia ở Berlin và Thư Viện Katmandu và hoàn trả bản chính cho nguyên chủ.

Tưởng cũng nên nói qua về sự gian lao của các học giả người Đức khi muốn đến được vùng nầy: Trước hết họ phải kéo dài một thời gian 4 tuần lễ để vượt qua nhiều ngọn núi cao mà có nơi cao hơn mười lăm ngàn bộ dưới thời tiết lạnh lẽo, có khi dưới 0 độ, cắm lều ngủ trên những tảng tuyết băng. Ngoài những gian lao vất vả vì thời tiết, vì địa hình, đoàn khảo cứu còn phải thích nghi với mọi hoàn cảnh, như bệnh tật và cả những nguy hiểm về tính mạng. Một học giả trong đoàn đã bị trượt té và bị thương nặng - Ngay cả khi đã đến nơi rồi thì những rắc rối khó khăn đối với người dân địa phương lại bắt đầu xuất hiện: Một người dân làng say rượu đã dùng dao tấn công ông Mathes và phá hủy máy quay phim của ông ta.

Do ánh sáng thiên nhiên không đủ sáng để chụp hình nên đoàn khảo cứu phải chở máy phát điện lên núi. Tức thì, do sự mê tín dị đoan của một số dân quê, nên một vài tin tức được loan truyền trong dân chúng rằng: máy phát điện có thể làm cho đàn bà mang thai bị sanh non hoặc làm chết trẻ em. Tuy nhiên, dầu với bao nhiêu trở ngại như đã nói trên đây nhưng rồi cuối cùng các nhà học giả Phương Tây và các hiền triết Phương Đông cũng đều đồng ý rằng, đây là phương thức duy nhất để bảo tồn những văn hóa quý giá và tài sản tôn giáo của nhân loại, một kho tàng bằng tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng và nhiều thứ tiếng khác về lịch sử của Phật Giáo, về Y học, Thiên Văn học và cả nghệ thuật về nuôi ngựa.

Trên đây là tài liệu theo bản tin "Buddist Texts Preserved for Good" của ký giả Siemon-Netto (UPI Religion Correspondent) được chúng tôi trích dẫn để gởi đến những người con Phật./.

(Theo Tôn Thất An Cựu) (Người Việt On Line 4/20/2002)

* Tìm thấy nhửng di tích văn hóa Phật Giáo tới tận xứ Ba Tư.

Theo nhật báo Asahi, người ta đã tìm thấy di tích văn hóa Phật Giáo rải rác từ Ấn Độ và Bắc Pakistan, tới tận xứ Ba Tư, theo như các di chỉ khảo cổ mới tìm thấy gần đây. Theo Viện Bản Tàng Khảo Cổ Quốc Gia của Ba Tư (the Iranian National Archaeological Museum) tại tỉnh Fars của Ba Tư (Iran), cách Gandhara 1,700 cây số về phía tây, người ta đã tìm thấy 19 pho tượng Phật. Giáo Sư Takayasu Higuchi thuộc đại học Kyoto đã nói rằng “thật là điều ngạc nhiên khi thấy các pho tượng Phật ở xa như vậy. Điều khám phá này chứng tỏ rằng đạo Phật đã lan rộng về phía tây vào các thời đại ban đầu”. Thông thường mọi người đều công nhận rằng đã có các hình ảnh Phật được vẽ tại Gandhara thuộc Pakistan và tại Mathura thuộc Ấn Độ, vào khoảng thế kỷ thứ hai, 500 năm sau khi Đức Phật qua đời. Theo Giáo Sư Higuchi, các di chỉ tại Ba Tư có các đặc tính giống như các vật cổ xưa của triều đại Kushan tại phía bắc Ấn Độ vào giữa thế kỷ thứ nhất và thứ ba.

Tuy nhiên, mấy ngày sau khi báo Asahi loan tin, vì thể diện của quốc gia về chính trị và tôn giáo, Viện Bảo Tàng tỉnh Fars và chính quyền Ba Tư (đa số theo đạo Hồi) đã cải chính là nước Ba Tư qua các triều đại lịch sử, chưa bao giờ chịu ảnh hưởng Phật Giáo cả.

(trích báo Asahi Shimbumn ngày 15 tháng 5, 2002)

* Đạo Phật tại châu Phi.

Trong miền đồng quê Bronkhorstspruit, 40 cây số về phía đông của thành phố Pretoria, là nơi tọa lạc của ngôi chùa Phật giáo Nam Hoa. Vào năm 1992, thành phố Bronkhorstspruit đã chấp nhận tặng 15 mẫu đất cho Hội Phật Giáo Phổ Quang Sơn (Fo Guang Shan) của Đài Loan để thiết lập nên một tu viện Phật Giáo đầu tiên và duy nhất tại châu Phi. Điều đáng ngạc nhiên nhất là tu viện Nam Hoa này đã thu hút các học viên từ các quốc gia xa xôi như Brazil, Congo, Kenya, Madagascar, Malawi, Tanzania và Zimbabwe, họ đã xuống tóc và tu học theo đạo Phật. Anh Andreas Morwe, một tu sĩ 23 tuổi, cho biết: “Đạo Phật đã dạy ta về lòng từ bi”. Lý do của anh Hobi Ramenanaliga như sau: “Tôi tới đây để học hỏi văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa. Tu học là công việc khó khăn, gia đình tôi không chấp nhận tôi tới đây, phía mẹ của tôi theo đạo Cơ Đốc, phía cha của tôi theo đạo Tin Lành”. Các học viên khác đã theo chương trình tu tập 3 năm, gồm tụng kinh, thiền định, điện toán, thể dục và tiếng Anh. Các học viên được tự do tiếp xúc với gia đình bằng thư từ hay điện thoại và các học viên mới không được phép về nhà trong thời gian 3 năm đầu. Theo anh Ramadan Hammed, từ tỉnh Dar es Salaam thuộc nước Tanzania, thì các thầy dạy không khuyến khích học viên tiếp xúc với gia đình. Thanh lọc tâm hồn là cách huấn luyện căn bản để sau này học viên đi truyền bá đạo pháp trên lục địa châu Phi.

Phần thưởng dành cho các học viên thành công là 4 năm theo học tại một trong 16 ngôi chùa tại Đài Loan, thiết lập nên do Hòa Thượng Tinh Vân, và môn phái Tịnh Độ này đã xây dựng Chùa Tây Lai tại Los Angeles. Chùa Nam Hoa tượng trưng cho ước vọng đầu tiên tại châu Phi, cũng được sự trợ giúp của 14,000 di dân Đài Loan tới châu Phi. Ngoài ra còn các môn phái Phật Giáo khác như Theravada (nguyên thủy), Zen (Thiền Quan Âm), Nichiren (đặc biệt là môn phái SukaGakkai tại Ghana) và nhóm Phật Giáo Tây Tạng (Kagyupa va Gelugpa) cũng đang phát triển tại Châu Phi.

Tại châu Phi, nhóm Phật tử đầu tiên là 3 vị tỳ theo người Thái Lan bị đắm tầu vào năm 1686 rồi các người Ấn tới châu Phi đã truyền bá đạo Phật trong các thập niên 1920 và 1930.

Tòa nhà đầu tiên của Chùa Nam Hoa đã được hoàn thành vào năm 1996, phí tổn 60 triệu đồng tiền địa phương, hiện nay được dùng làm viện bảo tàng, văn phòng và điện thờ. Điện thờ chính được làm xong vào năm 2003, phí tổn 150 triệu đồng tiền địa phương, sẽ là ngôi chùa lớn nhất tại phía nam bán cầu. Tu sĩ Andreas Morwe cho biết “cảm giác của tôi là Phật Giáo đã mang tôi trở thành con người của châu Phi. Sự tây phương hóa hay toàn cầu hóa đã làm cho chúng tôi bối rối trong khi đạo Phật giúp chúng tôi trở về với cuộc sống đơn giản”. (do Sean O’toole, 12/4/02)

http://allafrica.com/stories/200204110654.html

* Nhiều Tăng Ni giả đi quyên tiền tại Tân Gia Ba.

Cảnh Sát Singapore đang phải đối đầu với nạn phần tử xấu giả dạng Tăng Ni quyên tiền trong thành phố. Theo tờ báo tiếng Anh là Sunday Times, thì trong 10 tuần qua, Cảnh sát đã bắt giữ 16 phần tử giả dạng Tăng Ni đi quyên tiền hay làm lễ bất hợp pháp. Đa số là các người xâm nhập từ Thái Lan, Miến Điện , Mã Lai và Trung Hoa. Giáo Hội Phật Giáo Singapore đã ra thông cáo là Tăng Ni Tân Gia Ba không bao giờ ra ngoài đi khất thực và quyên tiền ngoài đuờng phố.


---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/01/2022(Xem: 2836)
Nhà triết học Đức, đã thiết lập nên trường phái hiện tượng học Edmund Husserl (1859–1938) đã viết rằng "Tôi không thể phát âm" khi đọc Kinh điển Phật giáo trong bản dịch tiếng Đức của Karl Eugen Neumann (1865–1915), người đầu tiên dịch phần lớn Kinh điển Pali về kinh Phật từ bản gốc Pali sang ngôn ngữ Châu Âu (tiếng Đức), một trong những người tiên phong của Phật giáo Châu Âu.
23/01/2022(Xem: 3204)
Ngày 17 tháng 1 vừa qua, 36 người đại diện cơ quan Lập pháp, đảng Dân chủ cầm quyền đã đến Tổ đình Tào Khê, trụ sở Trung ương Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, thủ đô Seoul, trước Đại Hùng Bảo điện trang nghiêm thanh tịnh, tại pháp hội Sám hối Hồng danh chư Phật 108 lạy hòa quyện với các ngọn nến lung linh, khói hương quyện tỏa, Hòa thượng Viên Hạnh, người đứng đầu Thiền phái Tào Khê, một tông phái Phật giáo ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc cho biết: "Họ ăn năn hối cải vì những nhận xét không phù hợp".
18/01/2022(Xem: 4145)
Ấn bản nhiếp ảnh của bộ sách "Sao lục Phật tổ Trực chỉ Tâm thể Thiết yếu" (초록불조직지심체요절, 抄錄佛祖直指心體要節), là giáo trình tiêu biểu để giảng dạy cho học chúng trong chốn thiền môn tự viện Phật giáo Đại thừa, sẽ được chuyển thành một cơ sở dữ liệu văn hóa 3D. Tác phẩm văn học Thiền Phật giáo Bắc truyền nêu trên là bộ sách in kim loại lâu đời nhất thế giới.
16/01/2022(Xem: 3349)
Dịch bệnh hoành hành, Tình người bất diệt. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nhân dịp kỷ niệm ngày Đức Phật Thành đạo, vào ngày 9 tháng 1 năm 2022, để kết duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp với công công chúng, Trung tâm Thiền Tịnh Phật Quang Sơn Di Bảo, Malaysia đã chuẩn bị cung cấp 1500 hộp cháo Lạp Bát chia sẻ với họ. Để có thể phát cháo Lạp Bát đến tận tay công chúng khi còn nóng, các tình nguyện viên đã chuẩn bị nguyên liệu từ ngày hôm trước, cho cháo Lạp Bát đã nấu vào hộp và phân phát cho các thành viên của các thành viên Phật Quang Sơn, tòa soạn báo, những tín đồ lân lân cận và công chúng.
16/01/2022(Xem: 4129)
Cộng đồng Phật giáo khu vực tự viện Chalapathar Shyam Gaon, ngôi già lam cổ nhất tọa lạc tại khu Moniting, làng Chalapathar, quận Charaideo, phía đông bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ, nằm ở rìa của Khu bảo tồn Chala rộng 683.173 hecta, thuộc Phân khu rừng Sivasagar tức Khu bảo tồn Làng Chala, được thúc đẩy bởi lời kêu gọi bảo vệ của Buhungloti, một loài dây leo bản địa có truyền thống được sử dụng để nhuộm màu trang phục của các vị tu sĩ Phật giáo bởi màu vàng nghệ đặc trưng của họ.
14/01/2022(Xem: 2385)
Viện Chiêm nghiệm Khoa học Phật giáo Nālandā Hoa Kỳ, một cộng đồng phi lợi nhuận, do Học giả Phật học uyên thâm, Giáo sư Tiến sĩ Joe Loizzo sáng lập, nhằm truyền tải những truyền thống về khoa học, chiêm nghiệm vào những truyền thống văn hóa đương đại và cách sống, hướng đến mục tiêu của một tương lai tươi sáng bền vững.
14/01/2022(Xem: 2176)
Thiền phái Tào Khê, một tông phái Phật giáo ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc, đã nỗ lực hết mình để lên án Chính quyền Công giáo Roma tín đồ Thiên ChúaMoon Jae-in (문재인; 文在寅; Văn Tại Dần) Tổng thống Hàn Quốc "thiên vị tôn giáo", chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử từ khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc, cam kết sẽ tổ chức một cuộc mít tinh xuất phát từ Tổ đình Tào Khê Tự, trụ sở Trung ương Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, Gyeonji-dong, Jongno-gu, trung tâm thủ đô Seoul vào ngày 21 tháng 1 tới, lần đầu tiên sau 14 năm nhằm để xóa bỏ thành kiến, thiên vị tôn giáo và bảo vệ nền độc lập của Phật giáo Hàn Quốc.
14/01/2022(Xem: 3756)
Năm 1999, lần đầu tiên khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh của các cây bút nổi tiếng trên thế giới, một trong số ít những vị lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất thế giới đến viếng thăm Trung Quốc, Ngài đã mang theo cuốn sách bản dịch tiếng Trung "Đường xưa Mây trắng" (故道白雲, Old Path White Clouds): Bước chân của Đức Phật như một món quà cho các Phật tử và thân hữu bạn bè của Ngài trong đó, sử dụng từ các nguồn cổ bằng tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Hán, nội dung cuốn sách này trình bày nhưng câu chuyện cuộc đời và những kim ngôn khẩu ngọc của Đức Phật lịch sử, Siddhartha Gautama. Bản dịch tiếng Trung của tác phẩm "故道白雲" (Đường xưa Mây trắng) của nữ Cư sĩ Dorothy Hà Tuệ Nghi (何蕙儀), được công nhận là trung thực với bản gốc cả về ý nghĩa và phong cách, đã được tái bản rộng rãi ở Trung Hoa đại lục, Hồng Kông và Đài Loan.
14/01/2022(Xem: 2340)
Ngoại giao tôn giáo có thể là một chiến thuật chính sách đối ngoại phức tạp của Đại Cung điện Kremlin, nhưng nó sẽ không bao giờ vượt qua các nhu cầu chính sách đối ngoại cơ bản của Nga.
14/01/2022(Xem: 3280)
Mạng lưới quốc tế Phật giáo Nhập thế “Ái hữu cho Hòa bình” (Buddhist Peace Fellowship, 和平團契, BPF), trụ sở hiện nay tại thành phố Oakland, tiểu bang California, Hoa Kỳ, là tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho phật tử tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi xã hội tiến bộ. Các tổ chức phi lợi nhuận BPF là chi nhánh quốc tế của “The Fellowship of Reconciliation” (FoR or FOR) với phương châm hoạt động hướng tới hòa bình toàn cầu, giúp đỡ người dân gặp khó khăn tại các quốc gia như Myanmar, Bangladesh, Tây Tạng và Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567