Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Kết luận về triết học Ấn Độ

06/01/201206:49(Xem: 6896)
3. Kết luận về triết học Ấn Độ

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG VI
ĐỜI SỐNG TINH THẦN

III. KẾT LUẬN VỀ TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ

Thời suy vi – Tóm tắt – Phê bình - Ảnh hưởng.

Thịnh thời của triết học Ấn Độ chấm dứt khi bọn xâm lăng Hồi giáo vô cõi. Hồi giáo trước hết, rồi tới Ki Tô giáo tấn công các tín ngưỡng Ấn, và triết học Ấn muốn giữ thế thủ, lẩn tránh, nép mình trong thái độ thống nhất rụt rè, cho sự tranh luận là nguy hại, làm cho các dị thuyết không phát triển được mà do đó triết học mất sự phong phú. Triết thuyết Vedanta, thời Shankara, muốn thành một tôn giáo cho các triết gia, nhưng khoảng thế kỉ XII, một số tu sĩ như Ramanuja biến nó thành một thứ chính giáo thờ Vichnou, Rama và Krishna. Không tự do phát biểu tư tưởng mới nữa, triết học suy đồi lần lần, có tính cách kinh viện học cằn cỗi; nó chấp nhận các giáo lí tu sĩ đưa ra, chỉ lo chứng minh chân lí bằng một thứ “lô-gích” không hợp lí và cặm cụi phân tích, chấp nhận phần nào đúng, bác bỏ phần nào sai, trăm người như một, chẳng phát minh được gì mới[43].

Tuy nhiên, các tu sĩ Bà La Môn một phần vì ẩn cư, lánh xã hội, một phần vì bọn cầm quyền đương thời không hiểu nổi tư tưởng của họ, nên được yên thân và bảo tồn được kĩ các triết thuyết cổ, tóm tắt nó vào trong các sutra(kinh), trong các lời chú giải bí truyền và lưu lại được đại cương tư tưởng quốc gia cho thế hệ sau. Trong tất cả các triết thuyết đó, dù của phái Bà La Môn hoặc phái nào khác, thì các phạm trù tri năng cũng bị coi là vô ích, phỉnh phờ khi đối tượng là một thực tại cảm thấy hay trông thấy[44]; và tất cả cái chủ nghĩa duy lí của người Âu chúng ta ở thế kỉ XVIII, nhà siêu hình học Ấn cho nó là một sự gắng sức vô ích, nông cạn để cố kéo cái vũ trụ vô biên về kích thước một “xa-lông”[45] mà không được. “Những kẻ sống trong sự vô minh cũng như bọn người mù sống trong đêm tối; nhưng những kẻ thoả mãn về sự hiểu biết của mình thì còn sống trong cảnh tối tăm dày đặc hơn nữa”. Triết học Ấn bắt đầu ở điểm mà triết học Âu ngừng lại – tức ở chỗ tìm hiểu bản thể của tri thức và giới hạn của lí trí; nó không khởi hành từ vật lí như Thalès hoặc Démocrite, mà từ tri thức luận của Locke và Kant, nó cho tinh thần (esprit) là một cái mà ta biết tức thì rồi, nên không chịu khó coi nó là đối tượng người ta chỉ có thể biết được nhờ trí óc làm trung gian. Nó nhận có một ngoại giới nhưng không tin rằng giác quan của ta có thể biết được bản thể của ngoại giới. Tri thức nào cũng chỉ là sự ngu muội đặt thành công thức và thuộc về phần Maya;dùng những ý niệm, những câu luôn luôn thay đổi, tri thức đòi dựng một cơ sở “lô-gích” cho vũ trụ, mà tại đó lí trí chỉ đóng một vai trò phiến diện, rời rạc từng mãnh – như một luồng nước bất định trong biển cả vô biên. Ngay con người đương lí luận cũng chỉ là Maya, ảo ảnh; vì nó chỉ là một kết hợp nhất thời, phù du của các biến cố, một cái gút tạm thời trên khúc tuyến của thể chất và tinh thần, khúc tuyến này khai triển trong không gian và thời gian – còn hành vi tư tưởng của nó bất quá chỉ là hậu quả của những năng lực đã có từ thời xa xăm nào trước khi nó sanh. Chỉ có mỗi một thực thể là Brahman, cái biển mênh mông trong đó mỗi hình thể chỉ là một ngọn sóng hiện đó rồi biến đó, hoặc chỉ như một cái tăm trên đám bọt viền ngọn sóng. Có đạo tâm không phải là có cái đức dũng bình tĩnh làm các việc thiện, cũng không phải là toạ thiền trong cái trạng thái xuất thần kính tín; có đạo tâm chỉ là nhận thấy rằng cái ngãcủa mình và tất cả cái ngãkhác là nhất thể trong cái Brahman; có đạo tâm là sống với ý thức rằng mình với vạn vật là nhất thể[46]. “Người nào thấy vạn vật trong cái Ngãcủa mình và thấy cái Ngãcủa mình trong vạn vật thì sẽ được an tĩnh. Sẽ không thất vọng, đau khổ nữa”.

Vài nét đặc biệt của triết học đó, mà triết gia Ấn dĩ nhiên không cho là nhược điểm, đã làm cho triết học đó không ảnh hưởng lớn tới các nền văn minh khác. Ngay phương pháp của nó, số triết ngữ có tính cách kinh viện của nó và uy quyền nó gán cho các kinh Vedacũng đủ làm cho nó mất cảm tình của các dân tộc mà tư tưởng xây trên những cơ sở khác, tách triết lí ra khỏi tôn giáo. Thuyết Mayacủa triết học Ấn không khuyến khích người ta giữ luân lí, tập những đức tích cực; thái độ bi quan của nó, mặc dầu có thuyết Nghiệp báo, cũng không giảng được cái ác, và các triết hệ chúng tôi đã trình bày ở trên đã một phần nào gây nên thái độ thản nhiên an phận của người Ấn; thái độ đó đã tỏ ra bất lực, hoặc không đương đầu nổi với những cái ác, cái hại vốn có thể chữa được, hoặc không làm nổi những công việc lớn lao cần thiết. Nhưng phải nhận rằng những triết thuyết đó cho ta cái cảm tưởng thâm thuý; khi so sánh với các triết thuyết hành động phát sinh tại các xứ ít suy nhược thì thấy những triết thuyết này có vẻ hời hợt, nông cạn. Có lẽ các triết hệ phương Tây của chúng ta, cho “tri thức là năng lực” chỉ là âm hưởng của tiếng nói một thời thanh xuân xưa kia đầy sinh lực, quá phóng đại khả năng của con người, quá khuếch trương khu vực của con người. Trong cuộc chiến đấu hằng ngày với một thiên nhiên lãnh đạm, vô tình, và với một thời gian cừu địch, ngày nay chúng ta bớt chỉ trích, chê bai những triết thuyết Đông phương khuyên ta thuận thiên an mệnh đó. Cho nên chính trong những thời đại trầm uất, suy tàn mà tư tưởng Ấn Độ ảnh hưởng lớn nhất tới các nền văn hóa khác… Đương thời thịnh vượng, thắng các xứ khác, Hi Lạp chẳng chú ý gì tới Pythagore hoặc Parménide; khi nó suy vi thì Platon và các tu sĩ theo phái Orphée[47] vồ ngay lấy thuyết luân hồi, còn Zénon “phương Đông” đề cao một triết thuyết an phận, thuận theo định mệnh tựa như triết học Ấn Độ; rồi tới mạt vận của Hi Lạp, thì phái Tân Platon, phái chủ tri (gnostic) tha hồ vay mượn của Ấn Độ. Khi Đế quốc La Mã suy sụp làm cho châu Âu nghèo đi, rồi tới người Hồi làm chủ các con đường giao thông từ Âu qua Ấn, hai sự kiện đó cơ hồ làm cho sự trao đổi tư tưởng giữa Đông và Tây bị ngưng trệ trong ngàn năm. Nhưng tới khi người Anh bắt đầu thống trị Ấn Độ, thì họ in và dịch ngay các bộ Upanishad, làm kích thích tư tưởng phương Tây. Thuyết duy tâm của Fichte sao mà giống thuyết của Shankara đến thế; chúng ta có thể nói rằng Schopenhauer, đưa đạo Phật, các Upanishadvà thuyết Vedantavào triết học của ông; còn Schelling về già cho các Upanishadchứa sự minh triết thuần tuý nhất của nhân loại. Nietzsche chịu ảnh hưởng của thời Bismark[48] và của Hi Lạp lâu quá nên không quan tâm tới Ấn Độ, nhưng càng về già ông càng coi trọng ý niệm “phản phục” (trở đi trở lại hoài) hơn tất cả các ý niệm khác ông đã tạo ra, có thể nói là ông bị nó ám ảnh nữa – mà ý niệm “phản phục” đó có khác gì thuyết luân hồi mấy đâu.

Ở thời đại chúng ta, phương Tây vay mượn của triết học phương Đông mỗi ngày mỗi nhiều[49], còn phương Đông thì càng ngày càng hướng về khoa học phương Tây. Một thế chiến có thể làm cho phương Tây mở rộng cửa tiếp nhận tín ngưỡng và triết học phương Đông nhiều hơn nữa, như thời đế quốc Hi Lạp và Cộng hoà La Mã suy tàn xưa kia. Phương Đông càng ngày càng cừu thị phương Tây, phương Tây lần lần mất các thị trường ở châu Á đã bao lâu nay làm cho kĩ nghệ của họ phát triển mà thịnh vượng lên, rồi đây sẽ suy nhược vì nghèo, vì cách mạng, các đảng phái tranh đấu với nhau, tất cả những cái đó có thể làm cho châu Âu thành một khu đất sẵn sàng tiếp nhận cái mầm một tôn giáo mới thất vọng về cõi trần mà tin tưởng ở cõi thiên đường[50]. Châu Mĩ còn nhiều thành kiến, chưa chắc đã chấp nhận giải pháp bi quan đó đâu: thái độ thanh tĩnh vô vi, thuận thiên an mệnh không thích hợp với không khi cuồng nhiệt, hoặc với sinh lực dồi dào của châu đó.


[1] Chúng tôi dành từ ngữ “con số” để dịch chữ nombre cho khỏi lẫn lộn. (ND).

[Có lẽ sách in thiếu hoặc cụ Nguyễn Hiến Lê bỏ chữ “Ả Rập” sau mấy chữ con síp (chiffre). Bản tiếng Anh chép là “Arabic” numerals, nghĩa là: con síp (nhiều người dịch là chữ số) “Ả Rập”. Chữ Arabic được đặt trong dấu ngoặc kép là vì các chữ số đó là của Ấn Độ chứ không phải của Ả Rập (xem ở sau). Xin nói thêm là, theo Wikipedia, người Ả Rập lại gọi là “chữ số Ấn Độ”. (Goldfish)].

[2] Trong Œvres complètes của Laplace cuốn IV, trong 404-405. (ND).

[3] Sự thực, nó đã được dân tộc Maya ở châu Mĩ dùng lần đầu tiên ở thế kỉ I sau Công nguyên.

[4] Bản tiếng Anh chép là: but by general consent the Arabs borrowed this too from India. (nhưng ý kiến chung là người Ả Rập mượn síp đó của Ấn Độ). (Goldfish).

[5] Nghĩa là không nước nào chịu ảnh hưởng của nước nào. (ND).

[6] Bản tiếng Anh chép là: adjustment, nghĩa là điều chỉnh, sửa lại cho đúng, chỉnh lí. (Goldfish).

[7] Nhà đại số học đầu tiên chúng ta được biết là người Hi Lạp Diophantus (30 sau Công nguyên), sống trước Aryabhata một thế kỉ; nhưng Cajori cho rằng ông ấy đã học được của Ấn Độ.

[8] Khoảng thế kỉ thứ II sau Công nguyên (coi tiết II, chương này, ở sau). (ND).

[9] Chẳng hạn trong cuốn Samgita-ratnakara (Biển nhạc) của Sharamgadeva (1210-1247).

[10]Sau câu này, bản tiếng Anh còn có câu: As early as the second century B.C. Nagarjuna devoted an entire volume to mercury. (Tạm dịch: Vào đầu thế kỷ thứ hai trước công nguyên, Nagarjuna (Long Thọ) dành trọn một tập sách nói về thủy ngân). (Goldfish).

[11]Ta thường gọi là bệnh động kinh. (Goldfish).

[12] Theo bản tiếng Anh thì lí thuyết đó (tức birth control – sinh sản có kiểm soát) cho rằng trong mười hai ngày [đầu] của chu kì kinh nguyệt thì sự thụ thai là không thể xảy ra (the theory that during twelve days of the menstrual cycle impregnation is impossible). (Goldfish).

[13]Bản tiếng Anh chép: cataract, hernia (đục thủy tinh thể, thoát vị) (Goldfish).

[14] Ta thường gọi là khử trùng. (Goldfish).

[15] Vua Ả Rập ở thế kỉ thứ IX: nổi tiếng vì các chiến công và cũng vì trong bộ Nghìn lẽ một đêm thường nhắc tới ông. (ND).

[16] Nghĩa là vẫn chưa biết ngồn gốc văn minh nhân loại ở đâu, văn minh Ấn Độ, Ai Cập, Trung Hoa, Hi Lạp chỉ là những giai đoạn sau chứ chưa phải là giai đoạn đầu. (ND).

[17] Do Asti là cái đó có, n’asti là cái đó không có. [Bản tiếng Anh chép là: Astika systems, which affirm, and Nastika systems, which deny (Tạm dịch: triết hệ Astika thì công nhận, và triết hệ Nastika thì phủ nhận). Còn trong chú thích thì bản tiếng Anh chép là: Asti, it is; nasti, it is not. (Goldfish).

[18] Xem lại chương II. (Godfish).

[19]Chúng tôi dịch từ ngữ Syllogisme là tam đoạn luận] sự thực syllogisme theo triết hệ Nyaya gồm năm đoạn: định lí, lí do, đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận. Thì dụ: 1. Socrate phải chết; 2, Vì ông ta là người; 3. Người nào cũng phải chết; 4. Mà Socrate là người; 5. Vậy thì ông phải chết.

[20] Nguyên văn là “organon”, tác phẩm của Aristote về môn luận lí. (ND).

[21] Tác phẩm cổ nhất của phái đó là cuốn Sankhyaharika của nhà chú giải Ishvara Krishna, mới viết vào thế kỉ thứ V sau Công nguyên, và các cách ngôn Sankhya-sutra mà hồi xưa người ta cho là của Kapila, sự thực chỉ mới xuất hiện trong thế kỉ thứ XV, nhưng phái Sankhya đã có từ trước khi Phật Tổ ra đời. Các kinh Phật và anh hùng ca Mahabharata luôn luôn nhắc tới phái đó, và Winternitz đã chứng tỏ rằng Pythagore chịu ảnh hưởng của nó.

[22]Trung hoa dịch là dĩ thái (ND).

[23] Một người Ấn bình giải Kapila bảo rằng: “sự biến hoá của các Krakiti chỉ có mỗi mục đích là tạo cảnh tưởng cho linh hồn”. Có lẽ Nietzsche có lí mà cho rằng cách nhìn vũ trụ khôn ngoan nhất là cách coi nó chỉ là một bi hài kịch có nghệ thuật thôi.

[24] Tinh thần (ở đây in chữ hoa) là Purusha không có nghĩa như chúng ta thường hiểu. (ND). [Trong đoạn 3 này từ “25. b) Tinh thần…” trở về sau, trừ chữ Tinh thần ở đây tương ứng với chữ Purusha trong bản tiếng Anh, các chữ Tinh thần khác đều tương ứng với chữ Spirit, cũng viết hoa. (Goldfish)].

[25] Không rõ bản Pháp dịch có in sai không. Hay là phải hiểu rằng: chỉ toàn là khổ, buồn hãy còn là khá đấy. [Bản Pháp dịch chắc không sai vì bản tiếng Anh chép là: Few are these days of joy, few are these days of sorrow. (Goldfish)].

[26] Coi đoạn 6 ở sau. (ND).

[27] Trong Bhagawad Gita, do Edwin Arnold dịch, nhan đề là Bài ca thiên phúc, Londres, 1925. Brahmacharya là nguyện vọng của người tu hành giữ mình cho trong sạch. “Ngã” đây trỏ Krishna.

[28] Phù thuỷ. (ND).

[29] Những tu sĩ theo phương pháp yoga gọi là yogi. (Goldfish).

[30] Diogène (413-323) là một triết gia Hi Lạp, sống trong một cái thùng, vật dụng chỉ có một cái đọi, cũng như ta có mỗi một cái muỗng vùa. Một hôm Alexandre hỏi ông ta muốn gì không, ông đáp: “Có, muốn anh đứng né ra, đừng che ánh nắng của ta”. (ND).

[31]“Luôn luôn cảm thấy mỗi một vật đó, thì cũng như không cảm thấy gì cả”. Hobbes.

[32] Muốn cho ta dễ hiểu các hành động trong giai đoạn thứ VI, Eliot dẫn một đoạn của Schopenhauer, trong đó rõ ràng là Schopenhauer đã chịu ảnh hưởng của triết học Ấn Độ: “Khi một nguyên nhân thình lình nào đó hoặc một tâm trạng nào đó, làm cho ý của ta ngưng lại một lát, thì ta không chú ý tới động cơ của ý muốn nữa, mà lĩnh hội sự vật không tuỳ theo liên quan của nó với ý muốn, và có thể nhận xét sự vật một cách hoàn toàn khách quan; ta chú hết tinh thần vào nó mà ta coi là ý niệm chứ không phải là động cơ của ý muốn. Tức thì ta thấy ngay được sự thoả mãn mà trước kia ta không tìm ra vì còn dục vọng; và mọi sự được như ý hết”.

[33] Tu viện trưởng Dubois, óc hẹp hòi, bảo người tu yoga là “bầy du thủ du thực”. Người ta đôi khi gọi họ là bọn fakir, tiếng này là một tiếng Ả Rập có nghĩa là “nghèo”, chỉ nên dùng để trỏ các tu sĩ Hồi nguyện sống trong cảnh nghèo khổ.

[34] Theo tôi yoga làm một cách tu hành hơn là một triết hệ. (N.H.L).

[35] Coi tiết 3 ở trên. (ND).

[36] Bất-ổn-đáng: bản tiếng Anh chép là irrelevant. (Goldfish).

[37]Danh từ maya ở đây có nghĩa hơi khác ý nghĩa thường dùng. (ND).

[38] Bản tiếng Anh chép là: To Shankara the existence of God is no problem, for he defines God as existence, and identifies all real being with God. (Goldfish).

[39] Do đó mà người ta gọi triết thuyết Vedanta là Advaita: thuyết bất nhị nguyên.

[40] Sankhara và phái Vedanta không chủ trương một thứ phiếm thần luận hoàn toàn: các vật mà xét rời ra thì không phải là Brahman; chúng chỉ là Brahman trong cái bản thể và thực thể không chia lìa, không thay đổi của chúng. Sankhara bảo: “Brahman không giống với vũ trụ, (vậy mà) ngoài Brahman ra không có gì hết; tất cả những cái chúng ta tưởng là hiện hữu ở ngoài Brahman ra, sự thực không thể hiện hữu (như vậy được) chỉ là hiện hữu một cách ảo giác như đi trong sa mạc mà thấy nước vậy”.

[41]Coi thêm Blake:

Tôi xuống sự tuyệt diệt tôi, sự huỷ diệt vĩnh viễn

Để tới lúc phán xét cuối cùng, tôi khỏi bị sống lại

Bị uỷ thác vào tay cái Cá thể của chính tôi

hoặc bài thơ Hiền nhân thời cổ của Tennyson:

Nhiều lúc,

Ngồi một mình, suy tư đi nghĩ lại

Về cái tiếng, nó tượng trưng cho chính tôi,

Tôi cảm thấy cái giới hạn phù du này của Tôi

Tách ra, tan vào cái Bất khả danh, như một đám mây

Tan trên trời, rồi tôi nắn chân tay tôi – nó có vẻ

Không thuộc về tôi nữa – vậy mà tôi không nghi ngờ chút gì cả,

Thấy một ánh sáng rực rỡ; nhờ sự tự huỷ diệt cái tôi đó,

Tôi cảm thấy sống một đời rộng lớn hơn.

Các từ ngữ chính là những con ma cõi âm

Không thể làm mờ Mặt trời rực rỡ đó được.

[42] Chúng ta không biết thuyết của Parménide cho rằng sự đa nguyên là hư ảo, mà chỉ cái Duy Nhật là có thực thôi, đã chịu ảnh hưởng của các Upanishad tới mức nào, hay ngược lại, đã ảnh hưởng tới thuyết của Shankara; chúng ta cũng không thể biết được Shankara có ảnh hưởng tới thuyết của Kant không, triết thuyết của hai nhà đó có những điểm giống nhau lạ lùng.

[43]Chắc cũng như lối học huấn hỗ của nhà Nho thời trước. (ND).

[44] “Không một nhà tu hành khổ hạnh Ấn nào mà không khinh miệt coi tri thức mà giác quan và tri năng tặng ta”. “Các nhà minh triết Ấn không khi nào lầm lẩn như chúng ta mà, về siêu hình học lại coi trọng cái chỉ do trí óc tạo nên mà chẳng có thực thể gì hơn cái maya”.

[45] Phòng khách, chỗ bọn trí thức, quí phái ở thế kỉ XVIII họp nhau bàn phiếm về văn học, triết học, khoa học. (ND).

[46] Spinoza cũng nói: “Cái hạnh phúc lớn nhất là thấy tinh thần mình hợp nhất với toàn thể thiên nhiên”. “Yêu Thượng Đế bằng tri thức” [chứ không phải bằng tình cảm], tất cả triết học Ấn Độ có thể tóm tắt trong mấy tiếng đó.

[47] Một phái bí mật gần như chủ trương phiếm thần luận ở thế kỉ thứ VI trước Công nguyên, tiếp nhận nhiều truyền thuyết ngoại lai. (ND).

[48] Vua Phổ thời Nietzche. (ND).

[49] Chẳng hạn Bergson, Keyserling, Ki Tô giáo, khoa học thông thiên học.

[50] Gần như một lời tiên tri. Ngày nay ta thấy hình như tinh thần tôn giáo thịnh lên ở châu Âu, một châu Âu chia rẽ, suy nhược, và nhiều triết gia của họ đương tìm hiểu triết học phương Đông mà họ nhận là thâm thuý. (ND).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/11/2021(Xem: 3052)
Ủy ban Quốc hội và Nghị viện nước Cộng hoà Hồi giáo Pakistan đã bác bỏ một dự luật quan trọng để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. Điều này liên quan đến những người phụ nữ không phải tín đồ đạo Hồi, bị buộc phải cải đạo sang Hồi giáo, sau khi bị những người đàn ông tín đồ Hồi giáo bắt cóc.
23/11/2021(Xem: 6364)
Đề tài diễn giảng chuyên môn đầu tiên "Phật giáo và Tâm lý trị liệu" (佛教與心理療癒) của Kế hoạch nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đại học Phật Quang Sơn tổ chức tại sảnh Vân Thủy, ngày 17 tháng 11 vừa qua, tiếp đến chủ đề "Tu hành và Chuyển hóa - Đối thoại giữa Tu thiền và Tư vấn Tâm lý" (修行與轉化 禪修與心理諮商的對話), do Thạc sĩ Dương Bội (楊蓓), Chủ nhiệm Khoa Giáo dục đời sống thuộc Học viện Dharma Drum Institute of Liberal Arts (法鼓文理學院); Giáo sư Quách Triều Thuận (郭朝順), người Tổng chủ trì Kế hoạch nghiên cứu, Viện trưởng Học viện Phật giáo Phật Quang Sơn chủ trì. Gần 70 vị Giáo sư nổi tiếng, thuộc Khoa Phật học, Khoa Tâm lý học, Học viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tham dự buổi tọa đàm đầy ý nghĩa.
23/11/2021(Xem: 4427)
Buổi sáng ngày 17 tháng 11 vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma là khách mời online của Cục Quản lý thảm họa quốc gia (NDMA) Ấn Độ, được chào đón bởi Giám đốc Điều hành Thiếu tướng Manoj Kumar Bindal. Ông đã cung thỉnh Ngài đăng lâm Bảo tọa chia sẻ pháp thoại với chủ đề "sự Thấu cảm và Tình thương giữa Bối cảnh Quản lý Thiên tai" (Love and Compassion in the Context of Disaster Management).
22/11/2021(Xem: 3777)
Theo thống kê của Bộ du lịch Vương quốc Phật giáo Campuchia, lượng du khách thập phương hành hương trên toàn quốc đã được ghi nhận trong ngày thứ 2 của Lễ hội Té nước. Cư sĩ Thong Khon, Bộ Trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Phật giáo Campuchia cho biết, trong ngày thứ 2 của Lễ hội Té nước, tại các địa điểm du lịch khác nhau trong của nước đã thu hút 330.000 người. Ngoài khách du lịch trong nước, cũng có một số khách du lịch nước ngoài được ghi nhận.
21/11/2021(Xem: 3769)
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chế tác một "bản sao siêu tuyệt" bức tranh trong hang động thế kỷ thứ 7 và hai bức tượng Phật Bamiyan bị Taliban phá hủy, sử dụng kết hợp các kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật số mà họ hy vọng sẽ cứu vãn "linh hồn" của tác phẩm cho các thế hệ tương lai.
21/11/2021(Xem: 2946)
Gần đây, nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hạ lệnh đóng cửa Trường Phật học Gedeng, thuộc Tu viện Ganden Rao Denglangjie (壽靈寺), huyện Luhuo, châu tự trị dân tộc Tạng Garzê, tỉnh Tứ Xuyên, với lý do vi phạm luật sử dụng đất và thiếu cơ sở pháp lý liên quan, đồng thời hạ lệnh phá dỡ trường Phật học. Các lớp học và ký túc xá của trường, cưỡng bức toàn bộ học sinh phải trở về tư gia của họ.
18/11/2021(Xem: 2847)
Theo truyền thông quốc gia Phật giáo này đưa tin, vào ngày 14 tháng 11 vừa qua, Lễ hội Kathina cấp Quốc gia Dưới sự Bảo hộ và chủ trì của Tổng thống nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka Cư sĩ Gotabaya Rajapaksa, sự kiện được tổ chức tại các cơ sở tự viện Phật giáo Miyugunarama, Raja Maha Viharaya, Colabagama, Kurunegala.
18/11/2021(Xem: 4722)
Dù nhìn dưới góc độ nào hay y cứ theo ý nghĩa của bất kỳ truyền thống nào thì Triết gia Karl Marx (1818-1883) không phải là một Phật tử. Từ những nguồn có thể xác định được, trong những chuyến vân du đó đây vòng quanh châu Âu, cá nhân Triết gia Karl Marx chưa bao giờ tiếp cận với bất kỳ hình thức Phật giáo "dân tộc" nào.
16/11/2021(Xem: 3581)
Viên Hoán Tiên (1887-1966), chính trị gia, nhà quân sự, vị Trưởng lão Cư sĩ Thiền Tông ngộ đạo nổi danh một thời ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa, ông đã kiến lập "Tịnh xá Duy Ma" (维摩精舍) ở Thành Đô, nơi ông tụ chúng giảng dạy Phật học và dạy thực hành thiền định, hóa độ một phương, tứ chúng đều ngưỡng mộ. Ông là vị Trưởng lão Thiền sư Cư sĩ nổi tiếng được coi là một nhân tố chính trong công cuộc phục hưng Phật giáo Trung Hoa. Những tác phẩm của ông được biên soạn, hiệu đính bởi đồ đệ thượng thủ xuất sắc Nam Hoài Cẩn như tác phẩm "Duy Ma Tinh Xá Tùng Thư" (維摩精舍叢書), "Viên Hoán Tiên Trước Thuật Tập" (袁煥仙著述集), "Linh Nham Ngữ Tiết" (靈巖語屑).
14/11/2021(Xem: 5896)
Vào ngày 11 tháng 11 vừa qua, Cư sĩ Mã Anh Cửu, cựu Tổng thống Đài Loan và đoàn tùy tùng của ông đã thân lâm viếng thăm Phật đà Kỷ niệm quán (佛陀紀念館), và thưởng ngoạn "Triển lãm đặc biệt Con đường Hải tuyến Phật giáo & Nghệ thuật Truyền thông Mới" (佛教海線絲綢之路&新媒體藝術特展) và kịch trường tương tác 360 độ để có tự thân trải nghiệm. Sau chuyến thăm thực tế này, Cư sĩ Mã Anh Cửu nói rằng, trước đây ông đã nghe nói về cuộc triển lãm này, quả thật là "Thật tuyệt vời!"
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]